Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Quốc hội - Chính phủ: Lời nói và việc làm I

Bộ trưởng bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng:
“Lo giữ ghế thì tôi chẳng dám làm”

Gần 21g, đi làm về đến nhà, thấy phóng viên Tuổi Trẻ đợi ở cửa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thân mật chia sẻ về những “hành động nóng” gần đây.
“Tôi làm không phải đánh bóng tên tuổi”, “Những việc vừa qua ở Bộ Giao thông vận tải chưa là gì so với cách tôi đã làm ở Tập đoàn Dầu khí VN (PVN)” - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: Trước khi về làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tôi đã nói sẽ vào cuộc luôn. Nay vào rồi, tôi vẫn nghĩ những việc mình làm là bình thường, đúng với tính cách và trách nhiệm của mình.
Không làm được thì để người khác làm
* Vừa rồi ông quyết thay tổng chỉ huy tại công trường sân bay Đà Nẵng. Quyết định đó là bột phát hay do chịu sức ép của lãnh đạo Đà Nẵng?
- Đúng là lãnh đạo Đà Nẵng có bức xúc nhưng không phải do đó mà tôi quyết. Tôi về làm bộ trưởng đã nghe chuyện chậm tiến độ ở sân bay Đà Nẵng rồi. Tôi có giao hai thứ trưởng vào để tìm cách giải quyết và đã có giải pháp. Nhưng khi tôi vào thì nhận ra nếu không có đột phá thì không thể hoàn thành trong năm nay. Công trường mà công nhân tụm năm tụm ba ngồi chơi?
Tôi đã chỉ huy công trường nhiều, để xảy ra tình trạng đó chắc chắn có vấn đề. Không phải công nhân lười mà là do phân công, đốc thúc không tốt. Lúc họp chỉ có cấp phó các đơn vị, tôi đã yêu cầu tạm dừng, đề nghị cấp trưởng phải vào. Khi hỏi công trường có bao nhiêu người, chỉ huy nói có 350. Tôi hỏi tư vấn, họ bảo chỉ có 250. Nghĩa là ông chỉ huy không nắm được thực chất. Tôi nghĩ ngay phải thay tổng chỉ huy và tôi đã quyết thực hiện ngay.
* Ông quyết định đình chỉ chức vụ một lãnh đạo công trường nhanh thế có lo sai quy trình và dễ bị kiện?
- Tôi không đình chỉ chức vụ ai cả. Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam đang làm rất tốt các dự án sân bay như Cần Thơ, Liên Khương (Đà Lạt) nên tôi yêu cầu tổng giám đốc cử cho tôi một người làm được việc. Ông Đỗ Tất Bình được tiến cử, tôi yêu cầu ra ngay. Tôi thay tổng chỉ huy, nghĩa là cho ông Bình được toàn quyền quyết định các vấn đề để làm sao đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án. Chỉ huy trưởng hiện tại không bị cách chức nhưng sẽ phải thực hiện mọi yêu cầu của ông Bình. Có thể ông Bình sẽ gặp khó khăn (trong việc điều hành) nên tôi khẳng định ngay: ông Bình được toàn quyền điều hành ở nhiệm vụ mới, có gì sai tôi chịu trách nhiệm chứ không phải ai khác. Tôi thấy mọi người đã yên tâm thực hiện.
* Ông có nghĩ việc ông làm sẽ được cấp dưới đồn thổi, cho thành lớn chuyện?
- Tôi thấy việc trên là nhỏ, chưa là gì so với những việc tôi đã làm khi là chủ tịch PVN. Như hồi làm dự án khí điện đạm Cà Mau, tôi vào kiểm tra thấy tiến độ rất chậm, ban quản lý dự án nêu hết lý do này lý do khác. Trưởng ban xây dựng của tập đoàn đi cùng nói: “Tôi đã đưa nhiều giải pháp nhưng các anh ấy không thực hiện”. Tôi bảo thế thì phải thay. Mọi người cười vì tưởng tôi đùa. Bấm máy gọi tổng giám đốc tập đoàn đang ở nhà, tôi đề nghị ra quyết định nhân sự ngay, thủ tục làm sau. Cuối giờ họp hôm ấy, quyết định được fax vào. Lúc đó mấy anh chỉ huy mới ngã ngửa hỏi: “Sao anh lại cách chức em?”. Tôi nói thẳng: “Tôi cách chức các anh vì các anh giỏi quá: cái gì các anh cũng biết nhưng chả chịu ký cái gì cả”.
"Rất nhiều công trình chậm tiến độ, cán bộ có trách nhiệm nêu hết lý do này lý do khác. Có lần tôi nói thẳng: các anh nêu lý do đúng nhưng giải pháp thì sai hết cả. Giải pháp của tôi là phải cách chức các anh. Các anh có quyền mà không làm, cứ để lý do khách quan cản bước thì hãy để người khác làm"
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng
Sinh ra anh cán bộ để giải quyết khó khăn, mà anh không làm thì phải cho người khác làm. Lúc đó tôi điều ông trưởng ban xây dựng tập đoàn làm chỉ huy trưởng để thực hiện luôn chính những giải pháp ông nói. Ông ấy cũng lớn tuổi, lấy lý do từ chối, tôi khẳng định “khi nào làm xong ở đây thì anh hãy về tập đoàn”. Kết quả chỉ một tháng sau mọi việc thay đổi ngay.
* Các dự án chậm tiến độ ở Bộ GTVT rất nhiều. Có khi nào ông chỉ đánh động ở Đà Nẵng rồi thôi?
- Tôi làm không phải để thể hiện. Thật ra gần hai tháng tôi làm bộ trưởng, không chỉ có việc sân bay Đà Nẵng mà tôi cũng làm tương tự ở một dự án đường tại Quảng Ninh. Đầu tư 130km đã xong, Bộ GTVT chỉ làm 10km mà đến nay chưa xong. Tôi rất bức xúc, nói với trưởng ban quản lý dự án rằng nhà thầu yếu, phải thay. Trưởng ban bảo một số thỏa thuận, quy định không thay được. Tôi khẳng định luôn nếu không thay nhà thầu thì tôi thay anh. Đạo lý ở đây là 130km đã xong, còn 10km bụi bặm, dân bức xúc thì phải tìm cách thông. Anh không thông được thì để tôi cho người khác thông... Tôi đã bắt làm cam kết cuối năm nay dự án đó phải xong.
* Nếu thay người rồi mà các dự án vẫn không xong thì sao, thưa ông?
- Phải xong. Nếu không xong thì chính tôi sẽ vào chỉ huy công trường. Tôi cũng tính rồi, như sân bay Đà Nẵng khâu hoàn thiện chỉ cần đông người và tháo được các vướng mắc. Mấy anh ở đó nói thiếu thợ, phải chờ từ Hà Nội vào. Tôi nói ngay: “Anh đùa tôi đấy à, thợ Đà Nẵng cực giỏi về hoàn thiện, công trình Hà Nội nhiều khi còn phải mời”. Vấn đề là phải có sức ép, cán bộ quyết liệt, được lãnh đạo hậu thuẫn sẽ tháo gỡ được ngay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát dự án nhà ga sân bay Đà Nẵng - Ảnh: HẰNG NGA
Chống ùn tắc: cần người dân ủng hộ
* Nhiều người dân đang mời ông “vi hành” trên xe buýt. Các nước có 4-5 loại phương tiện công cộng, VN chỉ trông vào xe buýt để chống ùn tắc liệu có đủ?
- Tôi đã đi xe buýt hai lần cùng con để khảo sát tình hình. Cơ bản đúng là còn một số tình trạng khiến người dân bức xúc. Ví như xe buýt bỏ điểm đỗ, tôi có hỏi lái xe, lương tháng của họ được khoảng 5 triệu đồng, nhưng một ngày phải đảm bảo đủ số chuyến, nếu không sẽ bị trừ lương. Nên nhiều lúc tắc đường họ phải tìm cách chạy nhanh bù lại. Hay chuyện xe bị nhồi lắc là đúng, do công nghệ xe của VN. Điều chắc chắn tôi sẽ tính tới là làm sao giải quyết được sức ép lên lái xe cũng như tăng chất lượng xe buýt. Hiện VN đang làm đường sắt trên cao, tàu điện ngầm. Tôi cũng nói phải giảm dần phương tiện cá nhân chứ không phải cấm. Ta làm từng bước, nhưng phải làm.
Đi xe buýt tối thiểu 1 ngày trong tuần
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa gửi các cục, vụ, cơ quan đoàn thể, ban quản lý dự án, các tổng công ty 90, 91 và tập đoàn thuộc Bộ GTVT về việc cán bộ, công nhân viên ngành GTVT gương mẫu sử dụng và vận động người thân sử dụng xe buýt tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo ông Thăng, tình trạng ùn tắc giao thông đô thị tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân đô thị. Cán bộ, nhân viên ngành GTVT sử dụng xe buýt và tuyên truyền cho người khác sử dụng phương tiện này để từng bước khắc phục tình trạng trên, tạo nếp sống văn minh đô thị.
T.PHÙNG
* Nếu bộ trưởng quyết liệt trong giảm tai nạn giao thông, ùn tắc như vụ thay tướng ở sân bay Đà Nẵng thì tình hình sẽ khá hơn không?
- Việc này làm sẽ có ảnh hưởng đến người dân và phải xác định đây là vấn đề không đơn giản.
Chẳng hạn như việc phân làn gần đây ở Hà Nội: người ta cắm biển báo giữa đường, cách xa ngã tư, thế mà còn có anh đi xe đâm vào. Không hiểu anh ta đi kiểu gì, quan sát ra sao? Có báo phê phán ngay: sao lại... cắm cái biển giữa đường? Thế không cắm giữa đường thì cắm ở đâu? Cắm vào lề đường thì đi làm sao?
Ta cứ bảo tai nạn là do hạ tầng giao thông. Tất nhiên là có, nhưng có cái giải quyết được ngay, đó là ý thức giao thông. Đơn giản là đừng bấm còi hơi trong thành phố mà nhiều người vẫn không tuân thủ. Cách đây chưa lâu, báo chí đưa tin lái xe bấm còi hơi khiến cháu bé ngã xuống đường bị xe cán, tôi nghe mà đau xót. Cái đó đâu phải hạ tầng?
Rồi phóng nhanh, lạng lách. Các nước họ cũng không phải tất cả đều có đường sá thênh thang, nhưng khi tắc họ xếp hàng, bình tĩnh. Chúng ta đang làm hạ tầng, nhưng cũng cần đánh động để nâng cao ý thức giao thông. Chứ đường Sài Gòn - Trung Lương tốt nhất hiện nay nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Rồi đèn đỏ mà cứ vượt, cố đi thì tất cả đều tắc. Ý thức không tốt lên thì rất khó!
Sợ đụng chạm thì làm được gì?
* Ông làm quyết liệt thế có sợ cấp dưới họ chống?
- Tôi không sợ và chưa hề có ý nghĩ đó. Tôi quyết định cũng chỉ vì cái chung. Còn nếu sợ thì tôi đã không làm. Nếu ai đánh giá tôi làm thế là cho oai, thể hiện là bộ trưởng mới thì cứ đánh giá. Tôi không nghĩ mình muốn “thể hiện”, chỉ nghĩ mình đã phụ trách ngành thì cần làm quyết liệt theo cái cần thiết cho ngành, phải làm vì cái chung. Muốn mọi người vui vẻ cả thì đừng đụng chạm, nhưng như thế thì làm bộ trưởng làm gì? Nếu sợ, cứ lo giữ ghế, ngại người ta nghĩ mình “nổ” thì tôi sẽ chẳng dám làm gì.
* Ông có thấy mệt mỏi và áp lực sau gần hai tháng trên cương vị bộ trưởng? Nhiều người còn nghĩ ông muốn củng cố ghế cho chắc qua việc thay nhân sự?
- Tôi không thấy mệt mỏi hay bất lực gì cả. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ làm bộ trưởng Bộ GTVT là dễ và nhàn cả. Nên việc chịu áp lực là đương nhiên.
Nói thật tôi chưa hề biết anh Đỗ Tất Bình trước khi điều anh ấy về làm sân bay Đà Nẵng, nhưng tôi tin vì qua thực tế anh ấy đã chỉ huy những công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Qua một thời gian ở Bộ GTVT, nhiều khi tôi còn nhận được tin nhắn mắng, bảo tôi thích thể hiện. Tôi không ngại mấy việc đó, vì làm sao bắt mọi người hiểu mình ngay được. Quan điểm của tôi là khi đã vào cuộc thì làm đến nơi đến chốn, nếu không thì thôi. Bất cứ một chính sách nào cũng có ý kiến ủng hộ và không ủng hộ. Có thể có nhiều ý kiến không đồng tình với tôi. Nhưng làm mà cứ nghĩ phải hài lòng tất cả mọi người thì không làm nổi.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Tôi là người máu lửa
* Nhiều người nói phải “máu lửa” mới làm việc được với ông Đinh La Thăng?
- Đúng. Tôi là người máu lửa, đã làm phải ra làm, nếu không là nghỉ. Nhiều vấn đề rất phức tạp, giải quyết được một mặt chứ không thể giải quyết được tất cả. Là bộ trưởng, nếu làm không được thì tôi cũng phải chấp nhận nghỉ. Tôi rất nhẹ nhàng cái này.
Khi còn làm ở PVN, một lãnh đạo cấp cao hỏi tôi điều tâm niệm hay nghĩ đến nhất là gì, tôi trả lời “là không được lo mất chức” vì lo thì không làm nổi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận thêm chức mới
Ngày 6-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải ký quyết định kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo này.

Ông Đinh La Thăng trả lời báo chí  - Ảnh: Việt Dũng
 
Theo đó, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo là ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ban chỉ đạo còn có 12 ủy viên. 

Sân bay Đà Nẵng chậm tiến độ: Nhà thầu có thể bị “trảm”
 Nếu đến 31-12-2011, dự án nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng không kịp đưa vào khai thác thì toàn bộ ban điều hành dự án này sẽ bị cách chức, đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Chiều 5-10, công nhân lắp đặt hệ thống điện lạnh tại dự án xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng - Ảnh: ĐĂNG NAM
Kết luận này được đưa ra tại buổi làm việc với chủ đầu tư (Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung) và các nhà thầu vào chiều tối 4-10.
Ngay sau kết luận đó, cảm giác ngồi trên “ghế nóng” bao trùm toàn bộ công trường.
Thay chỉ huy dự án
Xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan
Đây là dự án quan trọng và cấp bách của ngành GTVT, Bộ GTVT sẽ ưu tiên cấp vốn trong năm kế hoạch 2011. Việc hoàn thành đồng bộ, đúng tiến độ các dự án nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm giảm áp lực quá tải của nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên hiện công tác quản lý thực hiện dự án lại được điều hành bởi một bộ máy thiếu chuyên nghiệp. Đến nay, tiến độ đã bị chậm gần hai năm, trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung. Chủ đầu tư phải xem xét, xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
12 giờ sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo cùng nhà thầu của dự án nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, sáng 5-10, một cuộc họp khẩn giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính lẫn phụ đã diễn ra hết sức căng thẳng.
Mục đích của cuộc làm việc này là tiến hành rà soát toàn bộ hạng mục đang và sẽ làm trong ba tháng tới, đồng thời buộc các nhà thầu phải lên cho được lịch làm việc từng hạng mục cụ thể.
Theo ông Đỗ Tất Bình - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, người được ông Đinh La Thăng gọi điện thoại điều động từ TP.HCM ra Đà Nẵng gấp để “cầm trịch” chỉ huy dự án: dự án này hiện rối tung rối mù, trước mắt phải sắp xếp lại công việc của từng bộ phận, nhà thầu nào có kế hoạch của nhà thầu đó, nếu không đảm bảo như cam kết thì nhà thầu sẽ bị thay ngay lập tức.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại công trường hiện đang tiến hành việc lắp đặt các thiết bị băng chuyền, hệ thống điện lạnh, máy soi kiểm tra hành lý... Tuy nhiên hiện một số thiết bị điện tử của gói thầu 4.1 đã về nhưng vẫn còn khá nhiều thiết bị chưa về kịp nên dự án bị vướng.
“Toàn bộ từ chủ đầu tư đến các nhà thầu đều có mặt tại công trình. Sau khi các nhà thầu có lịch phân công công việc, chủ đầu tư sẽ tiến hành bổ sung các kỹ sư lành nghề. Trong trường hợp thiếu kỹ sư lành nghề sẽ điều động từ Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam ra tăng cường” - ông Nguyễn Văn Liên, chánh văn phòng Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, nói.
Tuy nhiên theo ông Lê Hùng Dũng - trưởng ban xây dựng cơ bản Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, nếu thời tiết tiếp tục mưa và không đủ tiền chi trả cho nhà thầu thì dự án “kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh 35R-17L” sẽ khó hoàn thành tiến độ. Theo ông Dũng, dự án này hiện mới hoàn thành chừng 50% công việc.
Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng gồm hai hạng mục chính, trong đó dự án “kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh 35R-17L” có tổng mức đầu tư 727 tỉ đồng. Riêng dự án xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 84 triệu USD (đã điều chỉnh) hiện đã hoàn thành khoảng 90% công việc.
Trước đó, chiều 4-10, tại cuộc làm việc với chủ đầu tư dự án, các tư vấn giám sát và các nhà thầu, sau khi nghe ông Phan Minh Tuấn - tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (Contrexim Holdings), đơn vị thầu dự án - báo cáo: hiện có khoảng 300 công nhân làm việc cho dự án và khoảng 130 công nhân túc trực tại công trường.
 Ông Đinh La Thăng đã kết luận “rắn”: “Trong vòng một tuần nữa, tổng thầu Contrexim Holdings phải kiếm đủ 500 công nhân và tăng cường làm thêm ca ba để hoàn thành dự án vào cuối năm nay”.
Ông Thăng cũng chỉ đạo các nhà thầu, chủ đầu tư dự án và ban quản lý dự án từ đây đến cuối năm phối hợp linh hoạt, nhanh chóng trong việc đề xuất và cấp vốn để thực hiện các phần phát sinh trong dự án.
“Hiện ban quản lý dự án còn khoảng 400 tỉ đồng để thực hiện việc này”. Cũng tại buổi làm việc, trưởng tư vấn giám sát dự án, ông John Richard Malig thẳng thắn: “Công ty Contrexim nói hiện tại công trình dự án đã hoàn thành 97% nhưng theo tôi là không đúng”.

Bộ trưởng và cán bộ GTVT sẽ đi xe buýt

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu cán bộ, công nhân viên ngành GTVT gương mẫu sử dụng và vận động người thân sử dụng xe buýt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ngày 7/10, trao đổi với một tờ báo, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ đi xe buýt vào giờ tan tầm ít nhất mỗi tuần một lần.
Để từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc trầm trọng giao thông đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo nếp sống văn minh đô thị, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT có trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên và các đoàn thể yêu cầu cán bộ, nhân viên sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần.
Ngoài ra, cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành dùng các hình thức thích hợp chủ động tuyên truyền, vận động người thân và cán bộ, nhân dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, hiện nay chất lượng xe buýt phục vụ chưa tốt như: xe bỏ bến, thiết kế lộ trình chưa hợp lý, quá tải... nên cần phải cải tiến và xem lại.
Những vấn đề này Bộ sẽ có buổi làm việc cụ thể với Tổng công ty vận tải Hà Nội trong thời gian tới.
Ngoài ra để vận động người dân đi xe buýt, ông Thăng cũng cho rằng, cần giải phóng lòng đường vỉa hè để người dân đi bộ trong quãng đường ngắn 300-500m. Tạo điều kiện để người dân có thói quen như người dân các nước trong khu vực.

'Tôi không duy ý chí khi đề xuất hạn chế xe cá nhân'

“Nếu sợ áp lực thì tôi đã không làm bởi mỗi quyết định quản lý đều ảnh hưởng tới số đối tượng nhất định. Nhưng quan trọng là quyết định đó mang lại lợi ích cho số đông hay số ít”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời VnExpress về đề án hạn chế phương tiện cá nhân.

- Chính phủ vừa yêu cầu Hà Nội và TP HCM hạn chế hoặc cấm lưu thông xe máy trên một số tuyến phố. Ông nói gì khi nhiều chuyên gia phản bác rằng chưa có cơ sở khoa học để nói nguyên nhân chính gây ùn tắc là xe máy?
- Tôi cho rằng, các chuyên gia nói đúng, ùn tắc tại Hà Nội và TP HCM không phải hoàn toàn do xe máy mà gồm cả ôtô cá nhân, taxi, xe buýt. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đang làm đề án “Hạn chế phương tiện vận tải cá nhân” gồm có ôtô, taxi, môtô và xe máy để trình Thủ tướng phê duyệt. Không thể để tình trạng phương tiện vận tải cá nhân phát triển bùng nổ như hiện nay. Việt Nam có hơn 80 triệu dân nhưng tổng cộng ôtô là 1,8 triệu chiếc và xe máy là trên 35 triệu chiếc. Trung bình gần 2 người có một xe máy thì không hạ tầng giao thông nào chịu nổi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
"Trung bình gần 2 người có một xe máy thì không hạ tầng giao thông nào chịu nổi". Ảnh: Hoàng Hà
- Theo đề án của Bộ Giao thông thì lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân sẽ như thế nào?
- Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với TP HCM và Hà Nội, trước hết là cấm xe cá nhân đi vào một số tuyến phố chính, sau đó mở rộng dần. Đồng thời với đó là các giải pháp đồng bộ như tăng cường năng lực vận tải công cộng, đầu tư, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông... Khi có đường sắt trên cao, có tàu điện ngầm thì việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ nhanh hơn, còn bây giờ thì phải từ từ, không gây xáo trộn lớn.
Tiếp đó là những chính sách nhập khẩu, lệ phí đăng ký… sao cho nếu dùng ôtô cá nhân thì phải nộp nhiều tiền sử dụng hạ tầng, bảo vệ môi trường. Chúng ta điều tiết bằng cả biện pháp hành chính và kinh tế để người dân thấy rằng, sử dụng phương tiện cá nhân không thuận tiện, mất nhiều tiền. Vừa qua, TP HCM cũng có đề án thu phí ôtô vào nội đô, vấn đề này trên thế giới áp dụng lâu rồi. Theo tôi biết, để một ôtô hoạt động ở Singapore, một năm chủ xe phải đóng 6.000 đôla Singapore và nhiều thứ tiền khác nữa.
Hiện nay việc cấm dùng vỉa hè, lòng đường để đỗ xe hoặc kinh doanh điểm đỗ cũng là biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân bởi khi đi xe vào không có chỗ đỗ thì buộc phải sử dụng phương tiện vận tải công cộng.
- Tại Hà Nội, ôtô chiếm 10% phương tiện nhưng chiếm 55-60% diện tích mặt đường, bản thân bộ trưởng cũng cho rằng xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Tại sao chúng ta không hạn chế ôtô trước, sau đó mới tính đến xe máy để tránh gây xáo trộn lớn?
- Quan điểm của tôi là phải hạn chế đồng thời chứ không riêng ôtô hay xe máy. Taxi cũng là phương tiện vận tải cá nhân nên sắp tới Bộ Giao thông cũng sẽ làm việc với Hà Nội và TP HCM để tạm dừng cấp phép đăng ký thành lập mới công ty taxi, xem xét quy hoạch phát triển taxi đến một mức độ nào đó thì phải dừng và hạn chế.
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress từ 22/9 đến sáng 3/10
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress từ 22/9 đến sáng 3/10.
- Phương tiện vận tải công cộng tại các đô thị đang khá yếu kém, ông sẽ nói gì nếu đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tại thời điểm này của Bộ Giao thông bị cho là duy ý chí?
- Chúng tôi không duy ý chí, không hạn chế xe cá nhân để bắt người dân sử dụng một dịch vụ tồi. Tôi cũng đã thực tế đi xe buýt, nếu nói phương tiện vận tải công cộng hiện thấp kém là không đúng, mặc dù cũng cần một số cải tiến như hệ thống phanh, chỗ ngồi, bến dừng đỗ... Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần chấp nhận, chia sẻ nếu đòi hỏi đủ hạ tầng, phương tiện vận tải công cộng thì lúc đó bình quân mỗi người đã có một xe máy. Các thành phố hiện đại trên thế giới thường dành 15-20% đất cho giao thông nhưng Hà Nội chỉ có 6%, chẳng lẽ phải đập nhà đi làm đường?
Ngoài ra, chúng ta không bao giờ phát triển được dịch vụ vận tải công cộng tốt trong khi vẫn để phương tiện cá nhân hoạt động thoải mái. Như tôi vừa nói, phải là cung - cầu chứ nếu đầu tư nhiều nhưng không có người đi thì lại có tình trạng xe buýt “đắp chiếu”.
- Nếu bây giờ không sử dụng ôtô, xe máy, ông và các cán bộ Bộ Giao thông sẽ sử dụng phương tiện gì?
- Lúc đó chúng tôi sẽ đi xe buýt nhưng trước hết phải tạo thói quen đi bộ. Ngay những nước tiên tiến, người dân vẫn phải đi bộ từ nhà ra ra bến xe, từ bến xe tới công sở. Lâu nay chúng ta có thói quen bước ra cửa phải có xe. Nhiều người phóng xe máy tốc độ cao, chen lấn, xô đẩy để đến quán bia, uống hàng mấy tiếng đồng hồ, trong khi việc phóng nhanh đó chỉ tiết kiệm được mấy phút. Chợ cách nhà vài trăm mét họ cũng đi xe máy trong khi buổi tối lại dành tới vài tiếng để đi bộ.
- Khi hợp nhất Hà Tây với Hà Nội, lãnh đạo thủ đô từng bố trí tuyến xe buýt dành riêng cho công chức của các sở đi làm ở Hà Đông và Hà Nội nhưng cuối cùng xe buýt ngừng hoạt động vì quá ít người đi. Ông nghĩ gì về bài học này?
- Chúng ta vẫn để xe máy lưu thông nên mới vậy chứ nếu hạn chế xe máy thì đương nhiên phải đi xe buýt. Người ta đi xe máy một phần là chủ động, đi muộn về sớm, tranh thủ giữa giờ…
Cách đây 5-7 năm, Thái Lan ùn tắc khủng khiếp nhưng giờ đã giảm rất nhiều. Các thành phố lớn của Trung Quốc làm gì có xe máy. Ôtô mà vào được thành phố thì rất khó khăn bởi rất nhiều loại phí, lệ phí. Đấy là họ hạn chế cả ôtô lẫn xe máy. Nếu người dân Việt Nam không thay đổi nhận thức, coi ùn tắc giao thông là việc của thiên hạ, của ngành giao thông thì không bao giờ giải quyết được. Tôi vẫn nhớ ngày còn bé, bố tôi đưa đi Hà Nội chơi, toàn đi bộ vài km, chỗ nào xa thì đi tàu điện chứ làm gì có ôtô và xe máy như bây giờ.
Đinh La Thăng
"Chắc chắn cuối năm 2012 ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP HCM sẽ giảm". Ảnh: Hoàng Hà
- Nếu triển khai đề án hạn chế phương tiện cá nhân, bộ trưởng có cam kết gì về việc giảm ùn tắc tại các đô thị lớn?
- Là người đứng đầu ngành giao thông tôi sẽ chịu trách nhiệm với đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu sợ áp lực thì đã không dám làm bởi mỗi quyết định quản lý đưa ra đều ảnh hưởng tới những đối tượng nhất định. Nhưng quan trọng là quyết định đó đưa lại lợi ích cho số đông hay số ít. Khi mà số đông được lợi thì phải có một số nhỏ ảnh hưởng. Nhưng xét về tổng thể, nếu giảm được ùn tắc, tai nạn thì số bị tác động đó cũng sẽ được hưởng lợi.
Tôi chắc chắn cuối năm 2012 ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP HCM sẽ giảm bởi với những giải pháp đưa ra không giảm được ùn tắc thì mới lạ.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (51 tuổi), quê Nam Định, là tiến sĩ kinh tế, ủy viên Trung ương Đảng. Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, ông Thăng đã thẳng thắn với báo chí: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền".
Ông Thăng từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. URGENT LOAN IS AVAILABLE NOW

    TODAY I GOT MY DESIRED LOAN AMOUNT $760K FROM A RELIABLE,TRUSTED AND REGISTERED PRIVATE LOAN COMPANY LAST WEEK,BUSINESS/HOME/COMPANY/PROJECT/PERSONAL LOAN? ARE NOW AFFORDABLE HERE FOR YOU TODAY CONTACT Email profdorothyinvestments@gmail.com

    Hello, I'm here to testify of how i got my real estate business loan from PROF. MRS.DOROTHY JEAN INVESTMENTS (profdorothyinvestments@gmail.com) I don't know if you are in need of an urgent loan to pay bills, start business or build a house, they offer all kinds of loan Ranging from $5,000.00USD to $2,000,000.00USD with a low interest rate of 2% and loan duration of 1 to 33 years to pay back the loan secure and unsecured. Are you losing sleep at nights worrying how to get a Legit Loan Lender?
    MRS.DOROTHY JEAN holds all of the information about how to obtain money quickly and painlessly without cost/stress via Contacts Email profdorothyinvestments@gmail.com


    Trả lờiXóa

Có ý kiến gì không?