Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Vladimir Putin - Ông chủ tuyệt đối của nước Nga

Người Nga tổ chức sinh nhật Putin

Ngày 7/10/2011 những người Nga ủng hộ Thủ tướng Vladimir Putin tổ chức sinh nhật lần thứ 59 cho ông tại Quảng trường Đỏ.

Thủ tướng Nga Putin từng nhận được một chú hổ Siberia nhân ngày sinh nhật ba năm trước. Ảnh: EPA
Những người ủng hộ ông Putin kỷ niệm ngày sinh của thủ tướng với nhiều hoạt động như nếm các món ăn ưa thích của nhà lãnh đạo và hát ca ngợi ông.
AFP cho hay những cô gái hâm mộ ông, được gọi là "đội quân của Putin", đã lên kế hoạch tổ chức lễ "xếp hạng độ hấp dẫn" của các bộ phận cơ thể ông Putin, trong đó có mắt và môi.
"Chúng tôi nghĩ ông ấy là một người khá vạm vỡ", Olga Komleva, một trong những người tổ chức sự kiện này nói. "Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc ông ấy sẽ trở thành tổng thống".
Một nhóm biên tập của nhà xuất bản Facultet thì phát hành một cuốn truyện màu cho trẻ em với tựa đề "Vova và Dima", hai tên gọi thân mật của ông Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev. Các tác giả của cuốn sách cho biết đây chỉ là một dự án thương mại sử dụng các nhân vật giống các nhà lãnh đạo đất nước mà họ tôn trọng, không hề có mục đích chính trị.
Vào sinh nhật năm ngoái của Putin, một bộ lịch chụp các nữ sinh viên đại học của Matxcơva trong trang phục quyến rũ cũng được xuất bản để bày tỏ tình yêu mến với nhà lãnh đạo Nga.
Trong một diễn đàn đầu tư hôm qua, Thủ tướng Nga cũng nhận được nhiều lời chúc sinh nhật sớm từ những người tham dự. "Tôi không cần tới chất kích thích để thấy mọi thứ trở nên tốt đẹp đâu", thủ tướng đùa.
Dù tỷ lệ ủng hộ ông gần đây bị giảm nhưng Putin vẫn là chính trị gia nổi tiếng nhất nước Nga và gần như nắm chắc chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới.

Chân dung Putin giá 300.000 USD

Một bức tranh chân dung đặc biệt về Thủ tướng Nga Vladimir Putin vừa được bán với giá 300.000 USD tại thủ đô Matxcơva.

Bức tranh chân dung Thủ tướng Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti
RIA Novosti cho hay bức tranh chân dung thủ tướng Nga là tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng người Mỹ David Datuna. Bức chân dung nằm trong loạt tác phẩm "Putin Couture" của họa sĩ người Mỹ và được đặt tên là "Putin-Monalisa", do bức tranh được ghép từ vô số những bức ảnh nàng Monalisa, một sáng tác của họa sĩ Leonardo da Vinci.
Bức tranh Putin được bán tại phiên đấu giá của Hội chợ Nghệ thuật quốc tế Matxcơva lần thứ 15 hôm qua. Trung tâm triển lãm Mironova của Ukraina đã ra giá đầu tiên cho bức tranh này là 135.000 USD. Tuy nhiên, một doanh nhân nổi tiếng của Nga là người đã giành được nó với giá 300.000 USD.
Họa sĩ David Datuna, gốc Gruzia, đã cùng với đồng nghiệp gốc Trung Quốc Alex Guofeng Cao tạo ra bức chân dung này. Các tác giả cho biết bức tranh lấy cảm hứng từ cá tính của Thủ tướng Putin, được mô tả là bí ẩn giống nụ cười của nàng Monalisa.

Putin lập chiến lược kinh tế cho Nga

Với quyết định trở lại chạy đua ghế tổng thống, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cam kết sẽ củng cố kinh tế và cho rằng nước này cần trông cậy vào bản thân hơn là mong ngóng chuyện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Tại một hội nghị của các nhà đầu tư hôm qua, Putin đã thống lĩnh diễn đàn để nói về các kế hoạch hiện đại hóa quân sự, y tế, đường sá sân bay và nhà ở, cũng như các biện pháp hỗ trợ công nghiệp. Ngân sách quốc gia sẽ chi, ông nói, bằng cách cắt giảm những công trình không cần thiết và chống tham nhũng.
Riêng chương trình cải tổ quân đội của ông có giá hơn 600 tỷ USD.
Thủ tướng Nga V. Putin tại hội nghị các nhà đầu tư vào Nga hôm qua. Ảnh: AP.
Thủ tướng Nga V. Putin tại hội nghị các nhà đầu tư vào Nga hôm qua. Ảnh: AP.
Trong những tuần trước đây, Putin đã nhắc nhiều đến tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay và trong tương lai gần của Nga. Ông cũng nhắc đến những liều thuốc kinh tế khắc khổ mà người Nga có thể phải chuẩn bị tinh thần để nhận. Tuy nhiên những nhận định ông đưa ra hôm qua có phần nào lạc quan hơn, theo nhận định của Washington Post.
Putin cho biết cựu bộ trưởng tài chính uy tín Alexei Kudrin - từ chức do bất đồng với Tổng thống Dmitry Medvedev - sẽ "có chân trong ban lãnh đạo". Kudrin nổi tiếng với quan điểm thận trọng và từng phản đối việc tăng chi tiêu cho quốc phòng mà Putin chủ trương. Trên thực tế đây cũng chính là điều châm ngòi mâu thuẫn giữa Kudrin với Medvedev. Putin nói thêm rằng Kudrin với ông là bạn bè thân thiết từ đầu những năm 1990.
Cũng như trước đây, Putin thường cho thấy bản thân ông không quá ham muốn Nga gia nhập WTO, dù Moscow đã phải mất 17 năm qua để đàm phán và có lúc gần như đã đạt được. Putin cho rằng các nước giàu chỉ muốn dựa vào thế độc quyền và đòi hỏi các nước nghèo làm thế này thế khác. Ông cho biết mới đây Nga đã được yêu cầu phải đạt thỏa thuận với Gruzia - quốc gia có chiến tranh với Nga hồi năm 2008.
"Liệu các đối tác của chúng ta ở châu Âu và Mỹ có thực sự muốn chúng ta vào WTO hay không?'.
Điều quan trọng hơn, theo Putin, là một khi Nga ở trong WTO, các nước giàu có có thể đánh bật các công ty Nga ra khỏi chính thị trường của mình. Trong khi Nga đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Putin cho rằng nước này "cần nội địa hóa ngành công nghiệp". Theo đó, hàng hóa nhập khẩu nên được giảm bớt trong khi tăng sản xuất nội địa. Có được điều này, Nga sẽ không phải chấp nhận "những điều kiện không thể chấp nhận" trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO.
Putin tin rằng Nga có thể thoát khỏi cơn bão khủng hoảng tài chính đang hình thành trong khu vực đồng euro và tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP. Cụ thể là, nếu giá dầu ở mức 80 đôla/thùng trong năm tới, kinh tế Nga sẽ tăng 2%. Nếu giá dầu ở mức 60 đôla, mức giảm cũng là 2%
Đây là lần đầu tiên Putin phát biểu về chính sách kinh tế kể từ khi ông tuyên bố tái tranh cử chức tổng thống cách đây hai tuần. Theo tuyên bố của cặp đôi lãnh đạo nước Nga, nếu Putin đắc cử, Medvedev sẵn sàng nhận trách nhiệm làm thủ tướng.
Hồi đầu tuần, trong một bài trả lời phỏng vấn, Putin cũng lần đầu tiên đề cập đến chính sách ngoại giao của Nga trong tương lai, theo đó ông mong muốn lập một liên minh ở vùng Á-Âu (Eurasia) với nòng cốt là các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Bầu cử lập pháp của Nga sẽ diễn ra tháng 12 tới với dự đoán rằng đảng Nước Nga thống nhất mà Putin là thành viên sẽ giành chiến thắng. Bầu cử tổng thống được tiến hành tháng 3 năm sau. Theo hiến pháp mới của Nga, một người có thể tại nhiệm ghế tổng thống hai nhiệm kỳ 6 năm.

Putin trước những thách thức kinh tế Nga

Tăng trưởng chậm và chi phí gia tăng đang làm đảo chiều những xu thế giảm đói nghèo tại Nga vào thập niên trước.
Trong suốt năm qua, hơn hai triệu người Nga đã rơi vào cảnh nghèo, với 21,1 triệu người giờ đây sống dưới mức nghèo, cơ quan Thống kê quốc gia Nga tuyên bố tuần trước. Giới phân tích cho rằng, một số nhân tố bao gồm chênh lệnh thu nhập và cuộc khủng hoảng suy giảm kinh tế đóng vai trò quan trọng trong bức tranh đói nghèo ngày càng lớn năm qua.
Các con số thống kê chỉ là một trong nhiều chỉ số kinh tế tiêu cực mà ông Putin sẽ phải đối mặt sau khi có thể trở lại làm tổng thống Nga ở cuộc bầu cử tháng 3 tới, mang lại thách thức lớn cho danh tiếng của ông như người đảm bảo cho sự ổn định kinh tế tại Nga.
Báo cáo chi tiết cho thấy, 14,9% dân số chính thức dưới mức nghèo khó, so với con số 13,5% cùng kỳ năm trước. Chi phí sinh hoạt tối thiểu trung bình cho mỗi người dân là 6.505 rúp (203 USD/tháng), con số này với người ở độ tuổi lao động là 220 USD và với người về hưu là dưới 161 USD. Lý do chính thức cho sự gia tăng đói nghèo kể từ năm ngoái là chi phí gia tăng của rổ hàng hóa với người tiêu dùng Nga gồm thực phẩm, dịch vụ, các loại hàng hóa khác…





Natalya Orlova, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Alfa cho rằng, một trong  các nhân tố chính đóng vai trò trong chỉ số đói nghèo gia tăng là tình trạng bất bình đẳng thu nhập khá cao, và ngày càng trở nên rõ rệt hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 bắt đầu. “Ở Nga, chúng ta đã thấy sự gia tăng thu nhập rất yếu ớt, với nửa đầu năm nay chỉ vào khoảng 1%, và hầu như mức tăng này là do sự gia tăng của tầng lớp giàu có nhất trong dân số. Những người nghèo nhất thậm chí trở nên nghèo hơn”, Orlova nói.
Natalya Zagvozdina, phụ trách nghiên cứu tiêu dùng tại Renaissance Capital, nhấn mạnh rằng, lạm phát giá lương thực vào khoảng 15% trong năm qua tại Nga đặc biệt tác động mạnh tới những người có thu nhập thấp. Với mức lương tăng ít ỏi chi trả cho người về hưu và công nhân ở lĩnh vực công - tầng lớp gần nhất với đói nghèo, thì việc gia tăng giá cả trong rổ tiêu dùng đã làm họ điêu đứng trong nửa đầu năm 2011. Thu nhập sau thuế không tăng nhiều với công nhân trong lĩnh vực tư nhân, Orlova cho hay.
Các tin tức trên xuất hiện vào đúng thời điểm người Nga đặc biệt lo ngại tới tình hình kinh tế. Sự ra đi của Bộ trưởng Kinh tế Alexei Kudrin - kiến trúc sư của Quỹ Bình ổn Nga từng dẫn dắt đất nước đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, càng làm gia tăng lo lắng rằng, sẽ không còn ai để hạn chế sự chi tiêu quá mức của chính phủ trong thời gian ông vắng mặt. Hơn thế nữa, Kudrin là nhân vật được nhà đầu tư nước ngoài tín nhiệm, trong khi thị trường vẫn ít nhiều ổn định sau sự ra đi của ông thì đồng rúp đã giảm 12% so với đồng đô la trong quý này, mức giảm tồi tệ nhất kể từ quý 1 năm 2009 (theo Bloomberg).
Chỉ số kinh tế lạc quan và gia tăng mức sống đã được “ghi dấu” trong thời kỳ ông Putin làm tổng thống ở Nga. Sự ổn định tương đối của nền kinh tế được trợ giúp bởi giá dầu cao là lý do chính cho sự tín nhiệm của ông Putin tại Nga. Các chỉ số đói nghèo giảm mạnh trong năm 2001 tới 2007. Nhưng trong vài năm gần đây, khủng hoảng tài chính lại làm chúng gia tăng trở lại.
Khi tuyên bố quyết định tranh cử tổng thống tháng 3 tới, ông Putin nói, nước Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp để đặt nền kinh tế dưới sự kiểm soát thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Nhiệm vụ của chính phủ không chỉ là đổ mật vào chiếc cốc, mà đôi khi cần có những liều thuốc đắng hơn”, Putin nói. “Điều này nên luôn luôn được làm một cách cởi mở và chân thành, và đa số người dân sẽ hiểu được chính phủ”.
Ông Putin cam kết sẽ tăng thuế với người giàu cùng những biện pháp khác để nỗ lực cân bằng ngân sách của chính phủ.

Putin phủ nhận can dự vào đế chế dầu

Thủ tướng Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đã phát biểu công khai về một trong những cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng nhất chống lại ông. Ông khẳng định không giúp đỡ doanh nhân Gennady Timchenko lập nên đế chế kinh doanh dầu mỏ Gunvor.

Ông Timchenko là người giàu thứ 17 của nước Nga theo xếp hạng của tạp chí Finans (Nga). Ông đã nhiều lần phủ nhận suy đoán của các phương tiện truyền thông rằng, tình bạn thân thiết của ông với ông Putin là động lực đằng sau thành công trong kinh doanh.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Ảnh: themorningeyes

Ông Putin có kế hoạch trở lại điện Kremlin ở cương vị tổng thống trong năm tới sau 4 năm đảm nhận ghế thủ tướng. Ông thừa nhận biết Timchenko và ca ngợi ông này như một doanh nhân nỗ lực hết mình, người khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng. "Tôi biết công dân Timchenko từ rất lâu, kể từ khi tôi làm việc ở St Petersburg", Putin nói với nhóm tác giả Nga trong cuộc trò chuyện không chính thức.

Thủ tướng Nga cho biết, ông làm việc trong văn phòng của thị trưởng St Petersburg đầu những năm 1990 trong khi Timchenko và những người bạn của ông này đã tiếp cận một đơn vị kinh doanh dầu của cơ sở lọc dầu Kirishi và tư hữu nó.

Không phải là hôm qua hay hôm trước nữa ông ấy bước chân vào thương mại, ông ấy đến từ khi tư nhân hóa được phép. Tôi đảm bảo với các bạn rằng, tôi biết rất nhiều người viết về điều này mà không cần có bất cứ sự can dự nào của tôi”, ông Putin nhấn mạnh.

Gunvor có trụ sở ở Thuỵ Sĩ, kể từ đó đã phát triển thành một trong những tập đoàn kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới, có những năm xuất khẩu 1/3 lượng dầu của Nga. Timchenko, cùng với người bạn judo của ông Putin là Arkady Rotenberg và nhà khoa học sau trở thành chủ nhà băng Yuri Kovalchuk, đã lập ra nhóm kinh doanh mà phe đối lập của Nga gọi là “Những người bạn của Putin” bởi các cáo buộc họ liên quan tới Thủ tướng Nga.

Bộ ba này cũng được đề cập trong báo cáo của một trong những nhà lãnh đạo phe đối lập, nguyên phó thủ tướng Boris Nemtsov với tiêu đề: "Putin. Tham nhũng”. Timchenko, Rotenberg và Kovalchuk trong những năm gần đây đã nhanh chóng trở thành những người giàu có nhất nước Nga.

Timchenko đã mở rộng hoạt động trong lĩnh vực khí đốt và giờ đây là cổ đông lớn thứ hai trong nhà sản xuất khí đốt Novatek.

Trước đây, ông Putin chưa từng nói công khai về chuyện dính líu giữa ông và bộ ba nói trên. Phát biểu ông đề cập mới đây dường như là nỗ lực để đối phó với các cáo buộc bất lợi khi chiến dịch tranh cử tổng thống Nga bắt đầu. "Tôi không bao giờ can thiệp vào bất cứ thứ gì liên quan tới lợi ích kinh doanh của ông ấy, tôi hy vọng ông ấy cũng sẽ không dính mũi vào công việc của tôi”, Putin nói với các nhà báo.

Câu hỏi do tác giả Zakhar Prilepin, nguyên là nhà hoạt động cánh cánh tả, đã chỉ ra rằng, nhiều người Nga giờ đây quan tâm tới tư cách công dân Phần Lan của Timchenko hơn là thực tế kinh doanh của ông. "Tôi ngạc nhiên vì điều này”, Prilepin nói với Putin.

Thủ tướng Nga trả lời, ông Timchenko cần làm việc ở nước ngoài để phát triển công việc kinh doanh dầu mỏ và ông không thấy có gì sai trái trước chọn lựa của Timchenko. Ông nói, ông biết rõ Timchenko vẫn giữ lại quốc tịch Nga. "Tôi nghĩ đó là điều bình thường trong thế giới hiện đại này, và mỗi cá nhân có thể chọn lựa nơi cư trú mà vẫn cảm thấy kết nối với quê nhà. Mặc dù đối với tôi điều như vậy là không thể”, ông Putin cho biết.

Putin 've vãn' giới đầu tư

Thủ tướng Vladimir Putin khẳng định Nga đã chuẩn bị tốt hơn khi đối phó với sự bất ổn của kinh tế toàn cầu so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008.


Theo giới phân tích, lãnh đạo Nga đang nỗ lực chào mời giới đầu tư khi ông chuẩn bị cho con đường trở lại Kremlin. Trong bài phát biểu lớn đầu tiên về chính sách kinh tế kể từ tháng trước khi tuyên bố tranh cử tổng thống trong năm tới, ông Putin cam kết gắn bó với những chính sách tài chính chặt chẽ và tìm kiếm đầu tư nước ngoài cho một "nền công nghiệp hóa mới".

Ảnh: forbes

Ông cũng bóng gió rằng, Alexei Kudrin - nhân vật được giới đầu tư yêu thích, người đã không còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính hồi tháng trước - có thể trở lại chính phủ trong tương lai. Ông Putin cho hay, ông Kudrin "vẫn là thành viên trong đội ngũ của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm việc với ông ấy". Thủ tướng Nga nhấn mạnh, họ là những người bạn gần gũi từ đầu những năm 1990.
"Tôi sẽ nói ngay rằng, nước Nga đã chuẩn bị tốt hơn so với năm 2008 cho các kịch bản khác nhau", ông Putin nói trong một hội nghị đầu tư.
Nền kinh tế trông cậy nhiều vào dầu mỏ của Nga đã ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng 2008. Tuy nhiên, nhờ có hàng tỉ USD kích cầu từ Kremlin, kinh tế đã nhanh chóng phục hồi dù sự trở lại của các nhà đầu tư vẫn khá chậm chạp.
Trong vài tháng qua, giá cổ phiếu và tiền tệ Nga đã sụt giảm mạnh trở lại khi các thị trường toàn cầu trở nên rối loạn. Thêm vào đó, bất ổn chính trị và môi trường kinh doanh không thuận lợi đã khiến các dòng vốn chảy ra khỏi nước Nga. Kể từ khi nhậm chức năm 2008, Tổng thống Medvedev đã kêu gọi cải tổ môi trường đầu tư và đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc lớn vào dầu mỏ. Nhưng tiến trình này gặp nhiều hạn chế.
"Tổng thống Medvedev thường nhắc lại cam kết sẽ tăng tính minh bạch, hệ thống tòa án tốt hơn nhưng tôi có suy nghĩ là điều ấy chưa xảy ra", David Bonderman, người đồng sáng lập tập đoàn TPG, nói với hội nghị trước khi ông Putin đến.
Ngay sau đó, ông Putin đã cam kết tiếp tục nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư mà ông Medvedev đã thông qua. Thủ tướng Nga cho biết, tiến trình làm giảm tham nhũng và cắt giảm vai trò của nhà nước với nền kinh tế - những lĩnh vực là ưu tiên chính của ông Medvedev - sẽ được tiến hành "dần dần".
Khác với Tổng thống Nga, ông Putin tỏ ra "hờ hững" với việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thủ tướng Nga Putin cam kết tiếp tục các chính sách ngân sách chặt chẽ mà cựu Bộ trưởng Tài chính Kudrin theo đuổi. Cùng lúc đó, ông khẳng định sẽ thúc đẩy ngân sách tăng cường quốc phòng trị giá 612 tỉ USD mà ông Kurin từng công khai chỉ trích nó quá đắt đỏ và gây áp lực với ngân sách.
Tại hội nghị đầu tư, ông Putin đã bác bỏ các đồn đoán xung quanh việc ông Kudrin không còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Ông thậm chí còn tán dương rằng, Kudrin "là người hữu ích và cần thiết cho chúng ta".

Putin muốn lập Liên minh Á-Âu

Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin muốn thành lập một Liên minh Á-Âu bao gồm thành viên là các nước thuộc Liên Xô cũ.

Định hướng chính sách ngoại giao mới này được đưa ra trong bài báo sẽ đăng trên tờ Izvestia hôm nay, trong thời điểm ông chuẩn bị chạy đua vào điện Kremlin năm tới.
Putin cho hay liên minh tương lai này sẽ là cầu nối hiệu quả giữa châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông khẳng định liên minh này không phải một Liên xô mới, RIA Novosti dẫn bài viết của Putin cho biết. Thủ tướng Nga từng nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là một "biến cố địa chính trị vĩ đại nhất trong thế kỷ 20".
Putin cũng cho hay liên minh được xây dựng trên nền tảng Liên minh Hải quan sẵn có giữa Nga, Belarus và Kazakhstan. "Chúng ta sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ xác định một mục tiêu đầy tham vọng để đạt được sự thống nhất ở mức độ cao hơn trong Liên minh Á-Âu", Putin viết.
Putin nói rằng liên minh mới sẽ là một cơ quan trên quốc gia, sẽ điều phối chính sách kinh tế và tiền tệ giữa các thành viên. Liên minh này sẵn sàng đón thành viên mới.
Sáng kiến của thủ tướng Nga được đưa ra trong thời điểm Nga chuẩn bị kết thúc 18 năm đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Trong bài báo, Putin cũng không hề giấu giếm sự hoài nghi của ông đối với tổ chức này. "Quá trình tìm những hình mẫu phát triển toàn cầu hậu khủng hoảng đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như, vòng đàm phán Doha về thương mại quốc tế trên thực tế đã chấm dứt. Ngay trong nội bộ WTO cũng có những khó khăn khách quan", Reuters dẫn lời Putin cho biết.
Năm 2009, Putin từng gạt bỏ việc Nga định gia nhập WTO, và nói rằng thay vào đó họ sẽ thành lập Liên minh Hải quan. Sáng kiến về Liên minh Á-Âu mới này cũng sẽ phải giải trình với thành viên của WTO.
Tháng trước, Putin tuyên bố sẽ chạy đua vào điện Kremlin vào tháng 3 năm tới và tỷ lệ ủng hộ hiện tại cho thấy ông có nhiều khả năng đắc cử. Theo những cải cách Hiến pháp mà Tổng thống Dmitry Medvedev tiến hành, nhiệm kỳ tổng thống Nga sẽ tăng lên thành 6 năm, thay vì 4 năm như trước đây. Vì thế, nếu Putin lần thứ hai trở thành tổng thống Nga, ông có thể nắm giữ vị trí này tới năm 2024 nếu tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo. Như vậy, Putin sẽ là tổng thống Nga cho tới năm 72 tuổi.

Năm 2008, Putin rời điện Kremlin sau hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp và đảm nhận vai trò thủ tướng sau đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?