Không đợi đến năm 2012, nhiều doanh nghiệp (DN) đã “ngấm đòn” từ cuối năm ngoái, chủ yếu tập trung ở các ngành: xây dựng, da giày, thép, dệt may, gỗ.
Khó từ trong trứng khó ra
"Năm 2011, tôi... tan tành", - ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM Nguyên Nguyên Phước, một trong số ít DN da giày sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa, đã chua xót thừa nhận.
Tiếp chúng tôi tại xưởng giày ở Dĩ An, Bình Dương, ông Phước kể, DN ông mới vừa lên "hệ chính quy" được 3 năm nay nên mọi thứ vẫn còn khó khăn. Trước đó, ông chỉ làm dạng quy mô gia đình (tại Q.4, TP.HCM), nhưng vì đam mê ngành này nên quyết theo đuổi tới cùng.
Vì phục vụ cho nội địa nên DN ông đành chấp nhận làm đơn hàng theo thời vụ. Chính điều này khiến DN không thể chủ động về mặt nguyên phụ liệu lẫn chi phí nhân công cũng như đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc.
Để tránh tình trạng có đơn hàng nhưng vật tư chưa về tới, ông Phước phải nhập về trước nên việc quản lý vật tư tồn kho đành phó mặc cho may rủi. Đó là chưa kể phải "nuôi quân" hằng tháng, phòng đơn hàng có đột ngột.
Theo thống kê của Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), tính từ năm 2008, ngành da giày có khoảng 825 DN nhỏ và vừa và trên 1.000 hộ cá thể tham gia hoạt động sản xuất. Phần lớn các hộ gia đình sản xuất và phát triển chủ yếu tại thị trường nội đia.
Song, điều đáng nói là gần như họ không chủ động được ngay trên sân nhà do quy mô nhỏ, mẫu mã, giá cả lại không theo kịp hàng Trung Quốc. Để có thể trụ lại ngành, một vài hộ cá thể đã mở rộng, từng bước đưa cơ sở đi lên mô hình DN.
Hơn 4 năm phát triển, đến nay trên thị trường giày dép nội địa ngoài Nguyên Nguyên Phước còn có Viễn Thịnh là quy mô tương đối, số còn lại đều quay về vạch xuất phát sản xuất theo hộ gia đình. "Để đi từ quy mô nhỏ lẻ lên DN bài bản, chúng tôi gần như phải tự thân vận động từ nguồn nhân lực đến vốn, kỹ thuật...", ông Phước nói.
Năm 2011 đến thời điểm này, do những khó khăn từ thị trường trong nước, DN bị động đầu ra nên dẫn đến ngưỡng cạn vốn. Không có tài sản nào ngoài máy móc để thế chấp nên ông đành đi vay bên ngoài với lãi suất 35%/năm, nhằm duy trì sản xuất.
Trên thực tế, những DN da giày đang phát triển ở thị trường nội địa đều là những DN có tâm huyết nhưng cái khó của họ là vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. "Vốn thì ai không cần nhưng đã biết dù có trông chờ thì cũng không được giải quyết nên đành âm thầm tìm cách khác", ông Phước trần tình.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao DN như Nguyên Nguyên Phước không tìm kiếm những cơ hội gia công lại cho những "ông lớn"? Ông Phước thẳng thắn cho biết, DN nhỏ không kỳ vọng vào điều này, bởi đơn hàng không đều, vì thế, DN cũng không dám mạnh dạn đầu tư.
Do đó, hướng khả thi nhất là DN cố gắng tạo nhãn hàng riêng cho mình, phát triển mạng lưới bán lẻ để đi vào thị trường vẫn hơn. Qua trao đổi chúng tôi được biết, hiện nay, DN của ông Phước đã làm thủ tục xin đăng ký nhãn giày, dép (dành cho nữ) riêng với tên gọi Zanoti.
Nói như đại diện Công ty TNHH Nguyên Nguyên Phước, nhân sự trong ngành giày hiện nay cũng là câu chuyện khiến DN phải đau đầu.
Nhiều công nhân đã từng làm rất tốt ở các DN lớn khi chuyển qua làm DN nhỏ lại không thích ứng được, một phần cũng do DN lớn làm theo chuyền và đơn hàng trên mỗi sản phẩm lớn nên quen tay, trong khi ở DN nhỏ đơn hàng ít lại không đều, làm một thời gian, khi tay nghề cứng, họ lại chuyển sang DN khác nên người mới vào sẽ phải đi lại từ đầu.
Đó là lý do khiến chất lượng của thành phẩm không đều. Hơn nữa, bộ phận thiết kế mẫu trong DN nhỏ vẫn chưa đủ trình độ để cho ra nhiều mẫu, thậm chí làm mãi một mẫu mới nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu. Để giải quyết khâu mẫu mã, đã có lúc ông Phước phải mời hai hướng dẫn từ Trung Quốc sang nhưng mẫu mã làm ra lại không sản xuất được.
"Làm ngành này đôi khi có tiền không vẫn chưa đủ, quan trọng là tạo được ê-kíp", ông Phước nhìn nhận. Nhìn lại thị trường giày dép nội địa, ông chỉ lắc đầu vì DN gặp quá nhiều rủi ro từ vòng xoáy: vốn - vật tư - thành phẩm; làm cầm chừng thì sống lay lắt còn làm đúng, làm đủ cũng không tránh được cái chết vì cái gì cũng nằm trong thế bị động.
Túi xốp cũng thành gánh nặng
Câu chuyện của Công ty TNHH Nguyên Nguyên Phước chỉ là một lát cắt về tình hình các DN nhỏ và vừa hiện nay. Điểm chung của đa phần DN này không chỉ nằm ở vấn đề giải quyết nguồn vốn, mà còn xuất phát từ trong nội tại của chính DN trong việc mở rộng đầu ra lẫn cách quản trị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita's), cho rằng, bây giờ lãi suất ngân hàng đôi khi không khiến DN bận tâm nữa, vì đối với DN nhỏ và vừa dù ngân hàng có cho vay lãi suất 10% họ cũng không dám vay.
Cụ thể như chính Bita's, trước đây, những tháng sau Tết, lượng tiêu thụ giày dép khá mạnh nhưng nay, DN này phải thu hẹp 31%. Do đó, nên chăng Nhà nước tạo ra gói kích cầu để cứu DN, trước mắt là giải quyết vấn đề nguyên phụ liệu, lương công nhân...
Không sáng sủa hơn ngành da giày, ngành nhựa hiện nay cũng lâm vào thế điêu đứng. Mang bức xúc từ câu chuyện trong ngành, bà Huỳnh Thị Mỹ, Chánh văn phòng Hiệp hội Nhựa Việt Nam, bày tỏ: "Luật Môi trường chỉ quy định đánh thuế vào túi xốp, nhưng khi nghị định ban hành lại "hướng dẫn" đánh vào túi nhựa dính đến PE. Giờ đây, tất cả các DN trong ngành thủy sản, da giày, dệt may, nhựa... đều bị "dính" đến loại thuế này, trong bối cảnh hiện nay, DN đã khó càng khó!".
Bà Mỹ cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, doanh thu của DN trong ngành đã giảm 35% so với năm ngoái, lượng công nhân cũng đã giảm 20%, nhiều nhà máy đang đóng cửa. Không chỉ hạn chế về vốn, DN đang bị tác động từ chính sách vĩ mô.
Theo đó, với hình thức thu thuế "thà bắt lầm còn hơn bỏ sót" nhiều khả năng sẽ dẫn đến chuyện phá sản của nhiều DN trong ngành nhựa. Vì sao?
Hầu hết công nợ khi bán sản phẩm đều dao động trong khoảng thời gian từ 40-60 ngày nhưng thuế môi trường lại nộp ngay, DN sẽ luôn trong tình trạng kẹt vốn. "Bộ Tài nguyên - Môi trường cần sớm ban hành tiêu chuẩn về túi thân thiện môi trường để DN bớt bị ảnh hưởng", bà Mỹ kiến nghị.
Ẩn số từ yếu tố vĩ mô
Trong tình hình hiện nay, không chỉ DN quy mô nhỏ mới "dính đòn", DN lớn, quen với thị trường xuất khẩu, cũng cân - đong - đo - đếm để ổn định sản xuất. Trường hợp của Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng là một điển hình.
Điểm nổi bật trong chuyến đi khảo sát thực tế trên toàn bộ khuôn viên nhà xưởng rộng hơn 4ha của Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng là DN này đang chủ động sản xuất hầu hết các khâu: từ khâu nguyên liệu, in ấn, ép cao su làm đế, làm mũi đến ra thành phẩm.
Ông Hà Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, hiện nay, giày vải Đông Hưng có tỷ lệ nội địa hóa trung bình từ 80-100% (vật tư, nguyên liệu). Với những sản phẩm đơn giản thì con số này là 100%, những sản phẩm phức tạp sẽ nhập khẩu khoảng 15% nguyên phụ liệu.
"Việc chủ động được nguồn nguyên liệu không chỉ giảm thiểu chi phí vận chuyển, thanh toán linh hoạt..., mà DN còn có thể thương lượng với các thương hiệu lớn như Puma, Reebook... mức giá tốt hơn", ông Hưng nói.
Không đơn thuần là câu chuyện quản lý nguồn nguyên phụ liệu, để duy trì hoạt động kinh doanh, "nước cờ" mà Đông Hưng đi cũng tương tự như một số DN địa ốc có quy mô lớn hiện đang triển khai. Đó là bỏ mô hình "công ty mẹ - công ty con", dần chuyển thành chi nhánh hoặc bộ phận trực thuộc tổng công ty.
Theo đó, ngoài nhà xưởng ở Bình Dương, Đông Hưng còn có hai công ty con khác là Công ty TNHH TM - DV- SX Duy Hưng (Dĩ An, Bình Dương) và Công ty TNHH TM - DV - SX Hiệp Trí (Thủ Đức, TP.HCM), với tổng cộng 6 nhà máy.
Hiện nay, Đông Hưng đã sử dụng phần nhà xưởng của Hiệp Trí để cho một công ty Singapore thuê mặt bằng làm trung tâm thương mại. Còn Hiệp Trí sẽ chỉ đảm nhận phần kinh doanh, phát triển sản phẩm mới.
Đối với DN lớn như Đông Hưng, những khó khăn còn phát xuất từ thị trường xuất khẩu. Theo đó, giá thành không theo kịp mức tăng của nguyên vật liệu đầu vào lẫn lương công nhân.
Hơn nữa, sản lượng đơn hàng đã giảm từ 30-50%, cụ thể là các nhãn hàng gia công cho nước ngoài như: Reebook, Puma, Nike... "Lãi suất đang ở mức thỏa đáng nhưng đơn hàng lại ít nên DN cũng ngại vay. Như chúng tôi hiện nay, điều quan trọng là cố gắng duy trì sản xuất ở mức bình thường, không tăng ca nhiều như trước đây, không cắt giảm lao động mà chuyển từ nơi này đến nơi khác", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, những DN lớn thường có khả năng chủ động về sản xuất và cạnh tranh tốt nhưng lại nơm nớp lo lạm phát bởi điều này sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy khác: tăng chi phí vận chuyển, tiền lương...
"Từ tháng 10/2011 đến nay, lương công nhân đã tăng thêm 25-30%, nếu năm nay lại tăng trước thời hạn, DN chỉ có nước dẹp hẳn!", đại diện Đông Hưng bức xúc.
Tắc đầu ra: DN phá sản theo dây chuyền
(VEF.VN) - Tồn đọng tài sản lớn, các DN được chào mời vốn rẻ cũng không dám vay. Nếu không có một cách tháo gỡ đống bộ thì các DN chỉ còn nước ôm tài sản rồi chết dần.
Khi bán không ai mua
Trong một báo cáo "kêu cứu" gửi các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (Horea) cho biết, tổng số nợ mà các DN BĐS đã niêm yết trên TTCK lên đến 200.000 tỉ đồng, trong khi quỹ tiền mặt mà các DN này đang nắm giữ chỉ khoảng 9.000 tỉ đồng. Với tình hình tài chính như vậy, các DN BĐS chỉ đủ khả năng cầm cự thêm được vài tháng nữa.
Nguồn trông chờ lớn nhất của các DN BĐS chính là việc bán bớt tài sản mà cụ thể là số nhà đất đang xây dựng. Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Horea, hiện nay 60 -70% DN BĐS tại tp Hồ Chí Minh đang trong tình trạng "đắp chiếu", sản phẩm làm ra không bán được.
Không chỉ các DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn mà phần lớn các DN BĐS trên cả nước cũng chung tình cảnh này. Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, tổng quỹ căn hộ tồn đọng đã lên đến trên 10.000 căn.
Thị trường BĐS trầm lắng ở tất cả mọi phân khúc, có nhiều DN cả năm nay không bán được gì. Nhà giá rẻ là điểm sáng duy nhất nhưng nay cũng khó tìm được đầu ra, các DN hầu hết đã dừng sản xuất, cho lao động nghỉ.
|
Đầu ra không có, không vay được vốn, dự án đình trệ, nợ chồng chất... đang khiến nhiều DN BĐS ngập trong khó khăn. |
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho hay, hiện nay tất cả các DN địa ốc đều khó khăn, có công ty phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày.
Nhiều DN BĐS thời gian qua đã phải chuyển hướng kinh doanh. Công ty địa ốc Bình Dân ( tp Hồ Chí Minh) cho biết đã phải quay sang mở quán ăn để lấy tiền trang trải những chi phí hàng ngày.
Công ty Phát triển BĐS Phát Đạt (tp Hồ Chí Minh), theo báo cáo tài chính đến cuối tháng 12/2011, tổng số hàng tồn kho (BĐS) tăng cao, nợ lớn, hiện đã phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh về nông nghiệp, trồng rừng, cao su... và xác định sẽ là nguồn thu ổn định để nuôi ngành kinh doanh BĐS đang gặp khó khăn.
Nhiều dự án tại tp Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện đất để không, cho thuê làm quán cà phê, trông giữ xe và rửa xe.
Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp DN BĐS phải bán đổ bán tháo dự án, tháo chạy khỏi thị trường. Tập đoàn Dầu khí từ cuối năm 2011đã thoái vốn khỏi dự án PVN Tower (Hà Nội).
Một dự án BĐS trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có diện tích 4.000 m2, đã được phê duyệt gồm 2 tòa nhà 30 tầng với mật độ xây dựng 50%, đầy đủ pháp lý, đang chào bán với giá 470 tỷ đồng, nhưng rao bán cả mấy tháng nay vẫn chưa tìm được người mua.
Trên đường Phạm Hùng, Khu đô thị Linh Đàm, một số dự án cỡ trung bình, có diện tích từ 2.700m2 - 3.600m2 , xây từ 20- 25 tầng, đang chào bán với giá 88- 92 tỷ đồng, nhưng cũng không có ai mua.
Một dự án quy mô lớn tại quận Hà Đông rao bán dự án gần 6 héc-ta bao gồm biệt thự, liền kề và căn hộ, có phê duyệt quy hoạch 1/500, có quyết định giao đất, đã giải phóng mặt bằng và san nền mức giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm đất lên cơn sốt hồi năm 2010...
Chết theo dây chuyền
Doanh nghiệp BĐS khó khăn kéo theo sự khó khăn của các DN sản xuất vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch ốp lát sứ vệ sinh... các DN trong lĩnh vực này cũng đang bơi trong khó khăn.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, trong quý 1/2012 lượng thép tiêu thụ đạt 1.153.000 tấn giảm 10% so với cùng kỳ 2011. Trong đó tháng 1 tiêu thụ giảm mạnh chỉ đạt 233.000 tấn. Đến tháng 3 tăng lên 551.000 tấn nhưng không phải do đầu ra đã khơi thông, mà do tháng 1 và 2 tiêu thụ quá thấp và thấy giá cả đầu vào thép tăng lên nên nhiều khách hàng đã tăng mua vào để dự trữ.
Tồn kho hiện đã giảm còn 288.000 tấn. Tuy nhiên giá đầu vào sản xuất thep như phôi thép vừa qua dã tăng thêm 500.000 đồng/tấn, điện tăng, xăng dầu tăng, lãi suất vay cao đã làm cho giá thành sản phẩm 1 tấn thép hiện đang ở mức 15,5 triệu đồng/tấn, nhưng giá bán thì không thể tăng được do cạnh tranh khốc liệt. Hiện gía bán thép của các DN ở mức 15,3-17 triệu đồng/tấn và phải khuyến mãi lớn cho khách hàng nên thua lỗ không phải là ít.
Theo ông Cường hiện có 4 DN đã mấy tháng nay không có sản lượng. Chẳng hạn như DN Thép Nam Đô, Công ty cổ phần thép Thăng Long Kansai. Một số DN khác như Vinashin Cửu Long hiện đang gia công thuê, tức là khách hàng nào tìm được đầu ra, mua phôi đưa đến thì DN cho thuê dây chuyền sản xuất. Nhiều DN thép khác đã phải cắt giảm đến 50% công suất như Công ty Thép Việt. Hệ quả là hàng nghìn lao động đã phải nghỉ việc giãn việc, kéo theo thu nhập giảm sút.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết, tiêu thụ xi măng đang ở mức thấp, chỉ bằng 70%- 80% so với cùng kỳ. Thị trường xi măng dư cung 8 - 10 triệu tấn, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn... khiến nhiều DN xi măng quay ra cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều tung ra mức chiết khấu cao, kèm theo khuyến mãi "khủng" như mua 100 bao tặng 9-13 bao từ nhiều tháng qua nhưng sức mua vẫn thấp.
Một số nguồn tin cho biết, nhiều DN sản xuất xi măng lỗ hàng ngàn tỷ đồng, đặc biệt là các DN mới đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phải trả lãi vay lớn, thậm chí có DN đã phải tạm dừng 1 dây chuyền.
Vấn đề quan trọng là đầu ra cho những sản phẩm này. Không có đầu ra thì DN cũng chẳng thể nào hoạt động nổi.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện nay DN BĐS cực kỳ khó khăn do thị trường đóng băng lâu quá. DN có cố gắng cũng chỉ chịu đựng được vài tháng nữa.
Ông Hiệp phân tích, về chính sách, tiền sử dụng đất đối với các dự án đã khởi công, đến khi làm xong móng là phải trả hết. Nhưng nếu làm xong móng mà DN không bán được hàng có nghĩa DN vừa căng người lên trả tiền sử dụng đất và trả tiền móng. Những DN lâm vào tình cảnh này sẽ rất khốn đốn. Dù có vay được vốn ngân hàng để tiếp tục nhưng không có người mua thì nợ càng chồng chất.
Việc hạ lãi suất và nới lỏng cho vay BĐS sẽ giúp cho các DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, tuy nhiên các DN BĐS cho biết họ chưa thể vui mừng vì điều quan trọng nhất là đầu ra. Nếu khách hàng không mua thì DN cũng không có tiền trả ngân hàng. Nhiều DN sẽ bị ăn mòn hết tài sản vì đầu tư không sinh lợi và hàng đống tài sản sẽ bị chôn vùi trong núi nợ.
Xăng dầu hạ “nốc ao” doanh nghiệp
TT - Hơn một tháng, giá xăng dầu tăng tới hai lần. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp càng “chết thảm” ở thị trường nội địa và mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
|
Theo một số cửu vạn tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM, mấy ngày nay xăng tăng giá nên xe vận chuyển hàng hóa về ít chuyến hơn. Trong ảnh: cửu vạn nằm nghỉ, chờ thuê bốc vác hàng từ các xe vận tải (ảnh chụp chiều tối 22-4) - Ảnh: TIẾN THÀNH |
|
Diễn biến giá xăng A92 nhập khẩu tại thị trường Singapore từ đầu tháng 4 đến nay Nguồn: Tập đoàn Xăng dầu VN - Đồ họa: NHƯ KHANH - Ảnh: Thuận Thắng |
Mặc dù Bộ Tài chính tính toán việc tăng giá xăng dầu ngày 20-4 sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,305% nhưng các doanh nghiệp lại cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá xăng như một “cú nốc ao” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều ngành nghề.
Thế giới giảm, trong nước tăng!
Ghi nhận diễn biến giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tại Singapore - thị trường nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu VN, cho thấy khi giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng thì giá thế giới lại đang có xu hướng giảm. Cụ thể ngày 19-4, giá nhập khẩu là 129,48 USD/thùng, giảm tới 5-7 USD/thùng so với các phiên giao dịch cuối tháng 3, đầu tháng 4.
"Với hàng xuất khẩu, giá thế giới có mặt bằng chung. Doanh nghiệp trong nước chịu chi phí cao hơn sẽ khiến hàng VN “một mình một giá”. Nhà nhập khẩu sẽ không đặt hàng doanh nghiệp VN mà chuyển sang các nước khác có chi phí thấp hơn" Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Nếu theo cách tính của Bộ Tài chính mà các chuyên gia cho rằng đã quá lạc hậu thì tới thời điểm 1-2 ngày trước khi tăng giá bán lẻ, giá cơ sở bình quân 30 ngày cao hơn giá bán lẻ khoảng 500 đồng/lít (sau khi đã trừ khoản lợi nhuận định mức và 300 đồng sử dụng quỹ bình ổn). Vì vậy, trước khi Bộ Tài chính có quyết định tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng chỉ cần tăng giá xăng thêm 500-600 đồng/lít là hợp lý.
Trong khi đó, thay vì tính trung bình 30 ngày, các chuyên gia tính toán giá trung bình bảy phiên giao dịch từ ngày 11-4 đến 19-4 cho thấy doanh nghiệp đã không còn phải chịu lỗ. Cụ thể, nếu trừ đi khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít nằm trong giá cơ sở và 300 đồng/lít doanh nghiệp được sử dụng từ quỹ bình ổn giá, giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ khoảng 300-400 đồng/lít.
Còn giả sử doanh nghiệp nhập hàng về cảng và thanh toán trong ngày 19-4, giá cơ sở cũng thấp hơn giá bán lẻ khoảng 500 đồng/lít. Nếu doanh nghiệp lấy hàng ra khỏi cảng ngày 19-4, bán ra cho các đại lý sau ngày 21-4 thì giá cơ sở thấp hơn so với giá bán lẻ mới (23.800 đồng/lít) tới 1.400 đồng/lít. Ngay cả trường hợp tính theo giá vốn cao hơn giá cơ sở 250-300 đồng/lít do chi phí kinh doanh cao hơn định mức của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp vẫn có thể lời khoảng 1.000 đồng/lít cho các lô hàng nhập có giá tương đương giá nhập ngày 19-4.
Nội địa tồn hàng, xuất khẩu mất cạnh tranh
Theo TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, sở dĩ có tình trạng giá trong nước phải tăng trong thời điểm giá thế giới đang giảm là do cơ chế bất hợp lý trong việc tính và điều hành giá xăng dầu. Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu viết rất rối, đặc biệt trong cách tính giá cơ sở.
Ông Phong cho rằng cần thay đổi cơ chế tính giá, trong đó quy định giá sàn là phần cứng gồm những chi phí tối thiểu, phần mềm linh động hơn gồm các khoản thuế, phí thu về ngân sách và lợi nhuận doanh nghiệp. Người tiêu dùng nhìn vào phần cứng để theo dõi mức độ hợp lý hay không hợp lý của giá xăng dầu. Khi đó, việc tăng giá sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn. Ngoài ra, cần thay đổi khoảng thời gian tính giá cơ sở từ trung bình 30 ngày xuống còn bảy ngày thì giá xăng dầu trong nước sẽ không còn diễn biến ngược so với giá thế giới.
Về tác động của việc tăng giá xăng dầu, ông Phong cho rằng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI. Tâm lý của bất kỳ người bán hàng hay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng vậy, khi giá đầu vào tăng thêm sẽ phải cộng vào giá thành sản xuất và tăng giá bán ra. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đình đốn như hiện nay, đây thật sự là vấn đề rất lớn và ảnh hưởng không hề nhỏ chút nào.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với hai lần điều chỉnh, từ đầu năm đến nay giá xăng tăng đến 3.000 đồng/lít. Điều này khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng quá lớn từ các chi phí nguyên vật liệu tăng giá, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Hàng trong nước đã tồn kho sẽ càng ùn ứ hơn.
Doanh nghiệp bị sốc
Theo tính toán của ông Nguyễn Phúc Tiến - phó tổng giám đốc Công ty TNHH nệm Vạn Thành, hiện xăng dầu chiếm 3-5% chi phí giá thành sản xuất. Riêng việc vận chuyển, mỗi tháng công ty phải chi khoảng 1 tỉ đồng để mua xăng dầu. Với mức giá xăng dầu ngày 20-4, công ty phải chi thêm một khoản không hề nhỏ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là đầu ra hiện rất khó khăn, sức mua èo uột khiến doanh nghiệp không thể tăng giá bán để cân đối chi phí.
Tương tự, ông Vĩnh Như, giám đốc Công ty cổ phần Than miền Nam, cho biết khi dầu DO tăng thêm 500 đồng/lít, chi phí vận chuyển than từ Bắc vào Nam (hiện chiếm 16-20% trong chi phí giá thành sản phẩm) sẽ tăng lên 0,5% so với trước. Với lượng vận chuyển khoảng 100.000 tấn/tháng, chi phí đội lên thêm 160 triệu đồng/tháng.
“Việc tăng giá xăng dầu là một cú sốc rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi xăng dầu và than hiện là hai chi phí chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất ximăng” - ông Nguyễn Quang Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh, lo lắng.
Theo tính toán chưa đầy đủ của ông Trung, việc chuyên chở nguyên liệu và ximăng thành phẩm đã ngốn hết khoảng 20 tỉ đồng mỗi tháng. Do đặc thù ký hợp đồng vận chuyển bỏ lửng giá xăng dầu nên cước vận chuyển sẽ tăng lên ít nhất 5%, công ty sẽ phải tiêu tốn thêm hàng trăm triệu đồng.
“Doanh nghiệp khó có thể giữ giá trong bối cảnh tất cả chi phí đầu vào đều tăng. Cho nên người tiêu dùng sẽ là “nạn nhân” buộc phải gánh chi phí tăng lên này” - ông Trung nói.
Theo ông Huỳnh Siêu Huê - phó tổng giám đốc tài chính Công TNHH sản xuất thương mại Bình Tiên (Biti’s), các đối tác cung ứng nguyên liệu, chuyên chở vận tải đều đã “đánh tiếng” sẽ có giá mới trong vài ngày tới. Dù đã có dự phòng nhưng rất khó để doanh nghiệp cân đối chi phí sản xuất bởi chi phí xăng dầu chiếm không nhỏ trong giá thành sản xuất.
“Còng lưng” gánh thêm chi phí
Ông Nguyễn Văn Thế, chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất - kinh doanh Đại Hương Việt (TP.HCM), cho biết có khu vực sức mua đã giảm tới 40% khiến doanh nghiệp khốn đốn. Trong khi đó, đối tác vận chuyển cà phê lại vừa thông báo tăng giá cước thêm 5%, tuyến xa tăng tới 10-15%. Theo ông Thế, nếu trước đây cước vận chuyển là 4.000 đồng/kg cà phê thì nay tăng lên 5.500 đồng/kg. Tuy nhiên, do sức mua tụt thê thảm nên doanh nghiệp đành còng lưng gánh thêm chi phí, thậm chí bù lỗ.
Tương tự, bà Sâm, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, cho biết các đối tác vận chuyển hàng hóa cho bà Sâm đã bàn bạc tăng giá vận chuyển thêm 10%.
Chúng tôi đang rơi rụng dần...
TT - Như dư luận đã từng phản ánh và đề cập, hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp trong nước hiện như đang “đi trên dây” do đầu vào bị gánh nặng lãi suất, đầu ra bế tắc vì không bán được hàng.
Chặng đường vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp rơi xuống vực, những doanh nghiệp bám trụ còn lại cũng không biết số phận mình khi nào... rơi. Đặc biệt, đợt tăng giá xăng dầu ngày 20-4 vừa qua lại càng khiến nhiều doanh nghiệp chúng tôi lo lắng hơn nữa, bởi thực tế với sức mua hiện nay doanh nghiệp không thể tăng giá thêm, nhưng nếu tiếp tục sản xuất doanh nghiệp sẽ... chết, khi đó sẽ kéo theo hàng trăm ngàn người mất việc làm. Chính vì vậy, lúc này rất cần Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành có một gói các giải pháp tổng thể để cứu doanh nghiệp, hay nói khác đi là cứu nền kinh tế. Nhìn ở góc độ doanh nghiệp và qua tham khảo ý kiến của nhiều doanh nghiệp khác, tôi xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể:
1 Ngân hàng Nhà nước nên ban hành tiêu chí cụ thể đối với việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các dự án đang triển khai dở dang nhưng đến hạn trả nợ. Sửa lại quy định phân loại nợ tín dụng mà các ngân hàng đang áp dụng đối với các hợp đồng cho vay hiện nay. Quy định này phù hợp ở những thời điểm bình thường áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng chây ì trả nợ của một số doanh nghiệp. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản vì lý do khách quan nên rất cần được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng thay vì áp dụng máy móc việc phân loại nợ như hiện nay.
2 Từng bước kéo lãi suất cho vay xuống mức 14-15%/năm. Đặc biệt, ưu tiên vốn đối với các dự án sản xuất, dự án bất động sản đang triển khai dở dang. Mặc dù lãi suất huy động đã giảm còn 12%/năm, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn không tiếp cận được hoặc nếu vay lãi suất cho vay vẫn mức 21-22%/năm.
3 Đề nghị miễn phạt đối với các khoản thuế quá hạn. Tuy nhiên, để tránh trường hợp cố tình chây ì tránh né nghĩa vụ thuế, giải pháp miễn xử phạt này nên cho doanh nghiệp thực hiện có lộ trình. Chẳng hạn, sẽ miễn xử phạt 100% đối với các khoản nợ đọng thuế từ trước đến nay nếu các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước ngày 30-9-2012 (hiện đang áp dụng mức phạt là 0,5%/ngày đối với các khoản thuế quá hạn). Miễn 50% nếu doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước ngày 30-12-2012. Còn sau thời điểm trên doanh nghiệp sẽ không được hưởng khoản miễn này và áp dụng mức phạt như bình thường. Đây được xem là “ân huệ” giúp doanh nghiệp có vốn phục hồi sản xuất.
4 Giãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng đến 6 tháng, xem đây là một phần bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời giảm thuế VAT từ mức 10% hiện nay xuống còn 5% trong thời gian một năm đối với các mặt hàng tạo ra công ăn việc làm. Việc giảm khoản thuế này giúp sản phẩm bán ra rẻ đi, tạo tâm lý tốt cho người tiêu dùng để thúc đẩy sức mua đang yếu ớt của thị trường hiện nay. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang chất đống sản phẩm trong kho không bán được do thị trường sức mua quá yếu. Vì vậy, việc giảm thuế VAT sẽ “đánh” trực tiếp vào sản phẩm, thay vì các gói kích cầu không rõ địa chỉ.
5 Sau cùng nên hạn chế tối đa các loại chi phí làm tăng giá đầu vào như: các loại phí lưu thông, cầu đường, xăng dầu, điện... Qua hai lần tăng giá xăng vào tháng 3 và ngày 20-4 vừa qua, đã kéo theo chi phí đầu vào rất lớn đối với nhiều sản phẩm, vì vậy nếu không kiểm soát được chi phí đầu vào doanh nghiệp sẽ càng lâm vào thế bế tắc.
Trong tình hình rất khó khăn, cấp bách, quyết định tính sống còn của hàng loạt doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này không thể phụ thuộc hoàn toàn từ một phía các cơ quan nhà nước mà phải nỗ lực cả từ phía doanh nghiệp (bao gồm cả các cổ đông) và người lao động. Trong đó, với doanh nghiệp nếu không cơ cấu lại hoạt động đầu tư, sản xuất, cắt giảm các chi phí không cần thiết... chắc chắn cũng sẽ khó lòng vượt qua cho dù có sự “tiếp sức” từ phía Chính phủ.
VÕ QUỐC THẮNG
(phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ VN, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN khóa 3)
Phá sản vì sống nhờ ngân hàng
Nguồn vốn tích lũy kém, lệ thuộc chủ yếu vào vốn ngân hàng (NH) trong khi lãi suất (LS) quá cao, tiền tệ bị siết... Đó là lý do khi NH lâm bệnh, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đứng bên bờ vực phá sản.
90% doanh nghiệp phụ thuộc 100% vốn NH
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), có nhiều nguyên nhân khiến các DN thủy sản trong nước lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay, nhưng đáng kể nhất vẫn là việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay NH. Trước đây, các NH đua nhau cho DN thủy sản vay để xây dựng nhà xưởng ồ ạt. Đến khi kinh tế bị khủng hoảng, họ đồng loạt rút vốn về khiến DN lâm vào hoàn cảnh sống không nổi, chết không xong. Ông Minh cũng thừa nhận, trên thực tế hiện có đến 90% các DN chế biến thủy sản VN hoạt động dựa 100% vào nguồn vốn vay NH, từ chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, vốn cố định, vốn lưu động... Do đó, khi NH thu vốn về thì các DN này chỉ còn nước đóng cửa.
Ở lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng tương tự, ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, "mô hình" chung của các DN hiện nay chỉ có vốn từ 10% - 30%, số còn lại phụ thuộc vào nguồn vay NH và tiền đầu tư của khách hàng. Do đó khi thị trường BĐS bị đóng băng, NH không cho vay thì các DN cũng không có đường xoay xở. TS Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng bên cạnh việc LS chính thức đang cao ngất ngưởng, họ phải chịu thêm từ 3% - 5% LS phi chính thức. Mức LS phi chính thức phụ thuộc vào mối quan hệ của từng DN với NH tùy theo thời điểm cụ thể. Hồi cuối năm 2011, có DN cho biết tổng mức LS cả chính thức và phi chính thức lên đến gần 30%.
Ông Hồ Thanh Hiển, giám đốc một DN sản xuất ngành thép ở TP.HCM cho hay kể từ năm ngoái, công ty ông không tiếp tục vay NH, chấp nhận không đầu tư mới và tập trung vào trả hết các khoản vốn vay trước đó. “Đặc thù của DN sản xuất trong nước là vốn đầu tư vào nhà máy quá lớn, nhập khẩu toàn bộ máy móc thiết bị của nước ngoài với giá cao, đổ vốn xây dựng nhà xưởng cùng phí thuê đất hoặc mua đất xây nhà xưởng đắt đỏ, mua xe vận chuyển hàng hóa... cùng những chi phí xăng dầu tăng, điện tăng... khiến cho việc tích lũy vốn không dễ dàng. Trong khi các nguồn vốn khác như chứng khoán, đầu tư gián tiếp lại vô cùng hạn chế, nên bắt buộc DN trong nước hầu hết phải lệ thuộc vào nguồn vốn của NH”, ông Hiển nói.
Nhiều doanh nhân thú nhận, vấn đề của DN Việt Nam là từng có một thời gian dài đầu tư dàn trải. Vốn tự có chỉ 1 đồng nhưng vay tới 4 đồng để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư vào BĐS... Nhiều DN có cái nhìn ngắn hạn, tích lũy được 30 tỉ đồng đã vội vàng vay 20 tỉ để mua đất đai, đến lúc thị trường đất đai đóng băng không thể thu hồi vốn, không chỉ mất 30 tỉ tích lũy mà còn phải trả nợ cả gốc lẫn lãi vốn NH. Nếu tình trạng này tiếp diễn, trong khi thị trường mở cửa, DN nước ngoài mạnh vốn vào Việt Nam ngày càng nhiều thì sẽ mất hoàn toàn thị trường.
Hậu quả của sự phụ thuộc quá lớn vào vốn NH là hơn 50.000 DN phá sản trong năm 2011 và 12.000 DN ngưng hoạt động trong quý 1 năm nay khi vốn tín dụng bị siết lại và LS quá cao. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao có vốn và vốn rẻ cho DN.
Nguồn vốn vay ngân hàng có vai trò sống còn với nhiều doanh nghiệp trong nước - Ảnh: D.Đ.M |
Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp
Không vay được cũng chết mà vay được cũng chết, đó là tình trạng của các DN do tín dụng bị siết chặt và LS quá cao hiện nay. Vì vậy, để giảm LS, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần khống chế chênh lệch chi phí đầu vào - đầu ra và nhà nước cần xem LS là mặt hàng cần bình ổn giá. Đường đi của NH Nhà nước thời gian qua hoàn toàn đúng nhưng thị trường cần các bước đi nhanh hơn. Theo số liệu thống kê đến ngày 20.3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,44% so với cuối năm 2011, tổng số dư huy động tăng 1,56%, còn tổng dư nợ tín dụng liên tục giảm 3 tháng liên tiếp và giảm 2,13% so với cuối năm 2011. Tín dụng giảm thì không có lý do gì giữ LS ở mức cao. Nếu xử lý nhanh các vấn đề như nợ xấu, thanh khoản..., LS huy động giảm được về 10%/năm, lúc đó LS cho vay về khoảng 14%/năm từ tháng 6 trở đi.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học NH TP.HCM lại cho rằng, ngoài việc giảm LS, nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm thuế, tạo ra các thị trường khác để giúp DN tìm kiếm nguồn vốn rẻ. Bản thân các DN cũng cần đa dạng nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng từ NH như hiện nay. Phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng là một kênh phổ biến trong thời gian qua. Ngoài cổ phiếu, các DN hiện nay còn chưa quan tâm nhiều đến việc phát hành trái phiếu vì thời hạn dài. Do đó cần tạo một thị trường giao dịch trái phiếu DN để khi họ mua xong, cần bán thì có thể bán lại được cho người khác để khơi thông nguồn vốn này.
Thâm dụng vốn
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, điểm yếu rất lớn của DN VN và toàn nền kinh tế là “thâm dụng vốn”. Thâm dụng thể hiện ở 2 góc độ, một là sử dụng vốn quá nhiều để tạo ra giá trị hàng hóa, hai là dựa vào vốn vay lớn, với mức vay bình quân có thể lên đến 60% - 70% tổng vốn kinh doanh.
Đối với các nước phát triển, ở đó thị trường vốn phát triển đầy đủ với các kênh huy động vốn đa dạng, uyển chuyển, thì khi DN gặp phải tình cảnh khó khăn từ nguồn vốn NH, họ có thể tiếp cận nhiều nguồn khác như trái phiếu, thuê - mua, tái thế chấp, M&A... của các định chế tài chính như NH đầu tư, công ty thuê mua tài chính, công ty mua - bán nợ, quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm... còn tại VN hiện nay NH thương mại vẫn là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho DN. Do vậy các phương cách tái cấu trúc vốn cho DN VN bị hạn chế rất nhiều, khiến DN Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn khó khăn vốn hiện nay.
Đại gia và 'ẩn số' nợ quá hạn
Nợ quá hạn tạo nên vòng xoáy cuốn cả doanh nghiệp lẫn tổ chức tín dụng vào cuộc kiếm tìm cách xử lý và kiểm soát nghiêm ngặt khoản nợ.
Nợ quá hạn đang là vấn đề nổi cộm của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh doanh khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Các khoản nợ này trở nên nghiêm trọng hơn, xuất phát từ việc mất cân đối tài chính: doanh thu giảm sút, lợi nhuận không bù đắp được chi phí tài chính lớn. Trong đó, nợ nhóm II, III (quá kỳ hạn thanh toán từ 90 đến 180 ngày) trở nên phổ biến đối với các doanh nghiệp, khiến các tổ chức tín dụng cũng phải tìm cách kiểm soát tình hình.
"Ẩn số" nợ quá hạn
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ quá hạn là các doanh nghiệp sử dụng không hợp lý cơ cấu nợ. Thứ nhất, sử dụng toàn bộ vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, không cân đối được nguồn tiền trả nợ. Tiêu biểu thời gian vừa qua là sự việc CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) mất khả năng thanh toán, nợ tiền cá của người cung cấp. Với khoản nợ vay ngắn hạn trên 1.200 tỷ đồng, Bianfisco sử dụng đầu tư nhà máy mới, tung ra chiến dịch sản phẩm nước uống collagen, trong khi nguồn thu chính vẫn từ xuất khẩu cá da trơn.
Không chỉ riêng Bình An, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào vòng xoáy nợ nần chỉ vì quá tham lam đầu tư dự án. Các khoản nợ nằm hết trong hàng tồn kho, giá trị xây dựng dở dang mà khó có khả năng tiêu thụ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính còn thể hiện ở việc gối dòng tiền, nghĩa là dòng tiền từ dự án A sẽ là nguồn trả nợ cho khoản vay đầu tư dự án B. Khi dự án A không bán được hàng để thu tiền về, khoản nợ quá hạn từ dự án B nhanh chóng tăng lên do công ty mất dần khả năng trả nợ vì thâm hụt dòng tiền. Ngoài ra, còn có tình trạng mất cân đối trả nợ do chênh lệch kỳ hạn thanh toán.
Các doanh nghiệp xây lắp như CTCP Xây dựng Nhà Hòa Bình (HBC) thường phải vay nợ ngắn hạn bù đắp cho triển khai các gói thầu xây dựng, trong khi nguồn tiền trả nợ là tiền thanh toán từ chủ đầu tư. Dòng tiền này thường về chậm do tiến độ thanh toán, nghiệm thu phần công việc hoàn thành và sự đình trệ của nhiều dự án bất động sản.
Từ thanh lý tài sản
Nợ quá hạn ảnh hưởng trực tiếp đến "cơm áo gạo tiền" của các NHTM, ảnh hưởng tới trích lập dự phòng tín dụng cho các khoản vay nghi ngờ. Các định chế tài chính này luôn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm khoanh vùng nợ, hạn chế phát sinh khoản nợ mới, xử lý dứt điểm nợ quá hạn. Đồng thời, NHTM thúc ép doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu tiền, sử dụng tài sản có tính thanh khoản cao để cơ cấu nợ quá hạn.
Đối với trường hợp của Bianfishco, nếu có thanh lý các nhà máy thủy sản, số tiền thu về vẫn không đủ thanh toán nghĩa vụ nợ của công ty. Hay Intresco (ITC), một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM đã tuyên bố chuyển nhượng lại dự án Hải Âu tại Quận 9 cho CTCP Bất động sản Hiệp Phú.Trong năm 2011, ITC lỗ ròng 134 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng mạnh và phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư bất động sản trong khi doanh thu bán hàng giảm sút đến 80%, chỉ còn 167 tỷ đồng. Công ty chưa công bố giá chuyển nhượng chính thức, nhưng đây vẫn là tài sản dùng để cơ cấu nợ vay của ITC trong số 1.700 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho là các dự án bất động sản đang triển khai.
Hình thức chuyển nhượng nguyên trạng dự án của ITC cho thấy, doanh nghiệp này đứng trước quá nhiều áp lực để khắc phục việc đầu tư vượt tầm kiểm soát. Thanh lý tài sản hay chuyển nhượng dự án với giá cắt lỗ 20-30% là giải pháp phổ biến được áp dụng.
Ngoài việc chuyển nhượng dự án, một số tổ chức tín dụng đưa ra giải pháp mua sỉ các sản phẩm của dự án bất động sản với giá bán buôn nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả hai bên. Theo giải pháp này, dòng tiền thanh toán của người mua sỉ sẽ tất toán một phần nợ, một phần rót vào chi phí xây dựng công trình. Với giá bán buôn thấp hơn giá thị trường 25-30%, các tổ chức tín dụng sẽ phân phối lại trên thị trường thông qua các đối tác chuyên nghiệp, sàn giao dịch bất động sản. Người mua sỉ sẽ kiểm soát chất lượng thi công công trình, thanh toán tiền mua theo tiến độ xây dựng. Giải pháp này tỏ ra khả thi đối với phân khúc nhà ở trung bình hoặc trung bình khá, phù hợp với đối tượng có nhu cầu thực tế.
Ðến cơ cấu kỳ hạn và tham gia điều hành
Một giải pháp khác được các NHTM áp dụng là cơ cấu lại kỳ hạn nợ của doanh nghiệp và tham gia vào ban lãnh đạo doanh nghiệp khi xảy ra nhiều xáo trộn trong bộ máy điều hành. Đối với Sudico (SJS), năm 2011 là năm khó khăn đối với ngành bất động sản nói chung và công ty nói riêng. Dự án Nam An Khánh cũng vấp phải nhiều trở ngại do Thanh tra Chính phủ yêu cầu dừng triển khai, tranh chấp lợi ích phát sinh giữa công ty và Tổng công ty Sông Đà. Theo giải trình của Sudico, dự án đã đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định (gồm tiền sử dụng đất và giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất 20% trả lại tỉnh Hà Tây), do vậy, công ty được phép triển khai các bước tiếp theo mà không cần phê duyệt chứng nhận đầu tư.
Tính đến 31/12/2011, tổng dư nợ của Sudico lên đến 1.700 tỷ đồng, trong đó, công ty buộc phải cơ cấu lại khoản vay ngắn hạn chuyển sang dài hạn. Cụ thể, khoản nợ ngắn hạn có giá trị 1.150 tỷ đồng từ các NHTM như SHB, Maritimebank được tất toán hết. Thay vào đó, công ty sử dụng nguồn vay dài hạn từ phía Techcombank, Quản lý quỹ SME nhưng vẫn duy trì 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Maritimebank.
Áp lực trả lãi đối với Sudico cũng tăng lên mặc dù công ty đã cơ cấu sang nợ dài hạn. Doanh thu chính đã sụt giảm nghiêm trọng xuống 112 tỷ đồng trong năm 2011, so với năm trước là 1.006 tỷ đồng. Mặc dù trong năm SJS nhận được tiền trả trước của người mua nhà ở dự án Nam An Khánh, Văn Khê với số tiền lên đến 947 tỷ đồng.
Con số này tuy lớn, nhưng chưa thấm tháp gì so với chi phí phải tiếp tục rót vào dự án Nam An Khánh và nghĩa vụ trả nợ dài hạn (ước tính lãi phát sinh trên 300 tỷ đồng/năm). Tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang là 3.419 tỷ đồng, trong đó riêng tổng số tiền đầu tư vào Nam An Khánh chiếm đến hơn 1/2 giá trị tồn kho. Do vậy, Nam An Khánh là dự án trọng điểm tạo ra dòng tiền trả nợ chính của SJS trong tương lai.
Bên cạnh đó, "sóng gió" không chỉ xảy ra với dự án Nam An Khánh mà còn đối với cả cổ phiếu của SJS trong thời gian vừa qua khi một cá nhân đã mua gần 15,42 triệu cổ phiếu SJS, nâng tổng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên 15,79% vốn điều lệ Sudico. Cá nhân này là ông Đỗ Văn Bình, người đang giữ chức TGĐ của Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của Maritimebank, đồng thời là thành viên HĐQT của Maritimebank.
Do các NHTM bị hạn chế tỷ lệ góp vốn vào các tổ chức khác (dưới 11%), họ buộc phải sử dụng biện pháp đề cử người tham gia HĐQT của doanh nghiệp để nắm bắt cũng như có tiếng nói trong công tác điều hành. Phải chăng đây là chiến lược mới của NHTM nhằm quản lý sát sao khoản tín dụng giá trị lớn. Rõ ràng, tình trạng mất thanh khoản của hàng loạt doanh nghiệp đã tạo nên hồi chuông cảnh tỉnh về làn sóng lạm dụng đòn bẩy tài chính khi đầu tư. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải vào cuộc để cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả hai bên.
Hàng loạt doanh nghiệp co cụm, phá sản
Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu vốn, áp lực nợ và lãi suất ngân hàng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như: thủy sản, vật liệu xây dựng, đồ gỗ... khốn đốn, nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, ngắc ngoải...