Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Từ 'chiến tranh lạnh' đến 'chiến tranh mát'

Từ “Chiến tranh lạnh” (Cold War) được nhà văn Anh George Orwell sử dụng đầu tiên trong bài tiểu luận “You and the Atomic Bomb” đăng trên báo Tribune vào tháng 10 năm 1945; sau đó, trở thành phổ biến rộng rãi khi Walter Lippmann xuất bản cuốn sách nhan đề The Cold War vào năm 1947. Nó được dùng để chỉ sự căng thẳng về cả chính trị lẫn quân sự giữa hai khối tư bản (đứng đầu là Mỹ) và khối Cộng sản (đứng đầu là Liên Xô) kéo dài từ năm 1947 đến năm 1991. Cả hai siêu cường quốc đứng đầu hai khối, Mỹ và Liên Xô, đều muốn làm bá chủ thế giới. Nhưng cả hai đều biết, với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình, nếu thực sự đánh nhau, sẽ không có ai thắng ai cả: Cả hai đều cùng bị tiêu diệt. Bởi vậy, người ta chọn hai cách khác để đánh nhau: Một, sử dụng chiến tranh tâm lý; và hai, tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ ở một số nước với sự giúp đỡ của hai siêu cường quốc lãnh đạo, trong đó, nổi bật nhất là cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950-53) và chiến tranh ở Việt Nam (1954-75). Ngoài hai cách đánh nhau ấy, cả hai đều cạnh tranh ráo riết trên các mặt trận khác, từ ngoại giao đến kinh tế và đặc biệt, nâng cấp các kho vũ khí hạt nhân của mình.

Năm 1989, sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, bức tường Berlin bị sụp đổ, và chế độ Cộng sản bị phá sản ở tất cả các quốc gia Đông Âu, Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố tại cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Malta là Chiến tranh lạnh đã kết thúc.

Gần hai thập niên sau đó, thế giới vẫn còn chiến tranh, dĩ nhiên. Nhưng chiến tranh ấy thuộc ba loại: Một, nội chiến giữa các phe phái trong một nước (ví dụ, ở Congo, từ 1991-97; Tajikistan, 1992-96; Algeria, 1992-99; Burundi, 1993-2005; Rwanda, 1994; Côte d’Ivoire, 2002; Syria, 2012-13); hai, giữa hai nước (ví dụ, Nga và Chechnya, 1991-2009; Armenia và Azerbaijan, 1991-94; Ethiopia và Eritrea, 1998-2000); và ba, chiến tranh giữa một khối liên minh lớn trên thế giới với lực lượng thù nghịch ở một nước nào đó (ví dụ, chiến tranh ở Vùng Vịnh năm 1991, ở Afghanistan, từ 2001, và ở Iraq, 2003-2011). Ở hình thức chiến tranh thứ ba, khối đồng minh bao giờ cũng do Mỹ lãnh đạo, phần lớn được sự đồng thuận và sự tham gia của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một số quốc gia phản đối, nhưng hầu hết đều chỉ phản đối về phương diện ngoại giao và với mức độ vừa phải, không gây nên những mâu thuẫn quá trầm trọng. Hầu như mọi người đều thừa nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ.

Gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình dần dần đổi khác. Về mọi phương diện, từ kinh tế đến khoa học kỹ thuật và quân sự, Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ rất xa. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước dần dần đi từ chỗ hợp tác đến đối kháng. Gần đây, một số nhà bình luận chính trị quốc tế bắt đầu nói đến một thứ Chiến tranh lạnh giữa hai nước.

Chính Tổng thống Mỹ, Barack Obama, hầu như cũng thừa nhận điều đó trong chuyến viếng thăm châu Á vào tháng 11 năm 2011.

Hình thức Chiến tranh lạnh mới này khác hình thức Chiến tranh lạnh kiểu cũ, giữa Mỹ và Liên Xô, ở nhiều điểm.

Thứ nhất, về nguyên nhân, trong khi Chiến tranh lạnh kiểu cũ bắt nguồn, trước hết, từ những mâu thuẫn về ý thức hệ, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, hình thức Chiến tranh lạnh kiểu mới chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn về quyền lợi, chủ yếu là quyền lợi kinh tế và địa chính trị của mỗi nước.

Thứ hai, về thế, trong Chiến tranh lạnh kiểu cũ, mỗi bên đều có một khối liên minh quân sự đông đảo, tính về nhân số, hầu như ngang ngửa nhau; trong Chiến tranh lạnh kiểu mới này, chỉ có Mỹ là có liên minh, không những các liên minh cũ ở châu Âu mà còn có thêm nhiều các liên minh mới ở châu Á, còn phía Trung Quốc, cho đến nay, vẫn chỉ một mình. Lý do chính là, trên nguyên tắc, một liên minh thực sự chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng những bảng giá trị chung mà mọi quốc gia đều chia sẻ. Về phương diện ấy, Mỹ có: Đó là những lý tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền; còn Trung Quốc thì không: Những lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản, chính bản thân Trung Quốc cũng không còn tin tưởng hay đề cao nữa; họ chỉ còn sử dụng quyền lợi để lôi kéo các nước khác, hầu hết là các nước nghèo ở châu Phi và châu Á. Loại đồng minh kiểu đó chỉ có ít nhiều giá trị trong việc buôn bán nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, nó hoàn toàn vô nghĩa.

Thứ ba, về lực, trong chiến tranh lạnh kiểu cũ, Mỹ và Liên Xô hầu như ngang ngửa nhau; trong chiến tranh lạnh kiểu mới, Trung Quốc vẫn còn thua hẳn Mỹ ít nhất là vài ba thập niên. Thua về số vũ khí. Thua về trình độ kỹ thuật, và từ đó, hiệu quả tác chiến. Thua về kinh nghiệm tổ chức và chiến đấu.

Chính vì thế, hầu hết các nhà bình luận đều cho Trung Quốc chưa phải là một sự đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ trong hiện tại. Việc Mỹ bố trí lại quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài hơn là để đáp ứng một nhu cầu khẩn thiết trước mắt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh không có. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản hoặc Philippines, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc có thể tấn công ba nước ấy không? Bình thường, chỉ cần tỉnh táo một tí, người ta đều biết là không. Nhưng lịch sử lại dạy chúng ta một điều: Không thể nói chắc được. Khi chơi với lửa, không ai có thể cam đoan là nó sẽ không bùng cháy và thiêu rụi một cái gì đó. Chỉ cần một hành động nóng nảy hoặc dại dột của một người lính hải quân nào đó, hai bên có thể sẽ đánh nhau, thoạt đầu giữa hai tàu chiến, sau đó, giữa hai nước; và sau đó nữa, giữa hai khối. Trên thế giới, từ trước đến nay, vẫn có những cuộc chiến bùng nổ vì những lý do lãng nhách như vậy.

Thứ tư, về hình thức. Trong khi chưa có tiếng súng nào giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà bình luận cho một hình thức chiến tranh lạnh đã thực sự nổ ra giữa hai nước, thậm chí, giữa Trung Quốc và cả khối tự do do Mỹ đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển và dân chủ ở châu Âu và Úc. Cuộc chiến ấy diễn ra trên mạng.

Từ lâu, người ta đã biết Trung Quốc chuyên đi đánh cắp các phát minh kỹ thuật từ Mỹ và Tây phương nói chung. Bực thì bực, nhưng người ta vẫn xem đó là chuyện bình thường. Thật ra, nước nào cũng vậy, cũng đều có đội ngũ tình báo kinh tế lúc nào cũng tất bật hoạt động, không phải chỉ nhắm vào đối thủ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu là còn, nhắm vào các đồng minh thân thiết nhất của mình. Đó chỉ là một quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đánh cắp kỹ thuật của Trung Quốc càng ngày càng vượt quá những giới hạn thông thường. Quá về mức độ: Họ ăn cắp hầu như mọi thứ, từ kỹ thuật tin học đến khoa học không gian, viễn thông, năng lượng, điện tử, tài chính… Bọn tin tặc của họ thâm nhập vào máy điện toán của các nhà khoa học, các công ty và xí nghiệp lớn nhỏ ở Mỹ và ở Tây phương để ăn cắp các dự án nghiên cứu và các tài liệu liên quan đến kế hoạch phát triển. Thậm chí, nhiều người từ Tây phương sang Trung Quốc họp hành bị công ty cấm sử dụng laptop hoặc cả điện thoại di động; hoặc nếu phải sử dụng, sau khi về nước, phải đưa các thứ đó cho nhân viên an ninh mạng “tẩy trùng”. Quá ở phạm vi: Không dừng lại ở lãnh vực kinh tế, đám tin tặc Trung Quốc còn thường xuyên quấy nhiễu các website cũng như máy điện toán của chính phủ hoặc các cơ quan an ninh, quốc phòng và ngoại giao Tây phương. Quá ở tổ chức: chính phủ Trung Quốc luôn luôn chối bỏ các lời cáo buộc liên quan đến việc ăn cắp của mình, nhưng các cơ quan an ninh mạng của Mỹ, đặc biệt là Mandiant, mới đây đã đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy các hành vi ăn cắp ấy đều xuất phát từ cả ngàn nhân viên tin tặc thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc, được thành lập từ năm 2006 và đặt tên là đơn vị 61398, có trụ sở là một tòa nhà 12 tầng ngay tại Thượng Hải.

Người ta thường phân biệt tin tặc thành hai loại: Có tổ chức và không có tổ chức. Phần lớn tin tặc chỉ là những kẻ không có tổ chức: đó chỉ là những kẻ giỏi về tin học, lại thích nghịch ngợm, hay đi lang thang trong thế giới ảo, khám phá hoặc rình ngó chỗ này chỗ khác. Khi việc nghịch ngợm của họ có thể gây hại cho người khác, họ có thể bị bắt và bị bỏ tù. Thuộc loại tổ chức, có hai giới hạn: tổ chức xã hội hoặc kinh tế nhằm phục vụ cho lợi ích của nhóm hoặc của công ty và tổ chức chính phủ. Trong hai loại tổ chức ấy, dĩ nhiên loại tổ chức của chính phủ được xem là nghiêm trọng hơn. Khi tổ chức chính phủ ấy lại nằm trong tay quân đội, ý nghĩa thay đổi hẳn: Nó được xem là một sự tấn công dưới hình thức phi-vũ trang.

Chữ “phi-vũ trang” ở trên rất dễ gây hiểu lầm. Trước, theo cách hiểu thông thường, phi-vũ trang được được xem là vô hại. Nhưng những cuộc tấn công trên mạng internet thì lại rất lợi hại. Thực chất, đó là một thứ vũ khí mới đến độ Leon Panetta, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phải lên tiếng cảnh báo: Nếu Đệ nhị Thế chiến bắt đầu bằng trận chiến ở Trân Châu Cảng; Đệ tam Thế chiến có thể sẽ bắt đầu bằng một trận Trân Châu Cảng ảo trên internet (cyber Pearl Harbour).

Cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc nhắm vào Mỹ và Tây phương như thế đặt Mỹ và Tây phương vào thế bất lợi. Thứ nhất, họ chỉ ở thế phòng thủ, luôn luôn phòng thủ. Hơn nữa, ở đây, “mặt trận” lại quá rộng, bao gồm không những các cơ quan chính phủ mà còn mọi công ty xí nghiệp và cơ quan nghiên cứu: Không phải ở đâu cũng có khả năng chống đỡ lại đám tin tặc chuyên nghiệp ấy. Thứ hai, Mỹ và Tây phương không thể phản công: về phương diện khoa học kỹ thuật, Trung Quốc không có gì đáng để người ta sử dụng tin tặc để đánh cắp cả. Chả lẽ người ta lại đánh cắp lại những thứ mà Trung Quốc ăn cắp của họ?

Không những bất lợi, Mỹ và Tây phương còn ở thế khó xử: Người ta không thể công khai tuyên chiến với một nước chỉ vì một đám tin tặc dù người ta biết rõ đám tin tặc ấy nằm trong quân đội và do nhà nước quản lý. Nhưng người ta không thể im lặng và chịu đựng mãi. Trước, trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia Tây phương đã chịu đựng và im lặng. Nay, người ta bắt đầu lên tiếng, nêu đích danh Trung Quốc là một tên ăn cắp và quấy phá trên mạng. Lên tiếng như thế cũng là một cách tuyên chiến.
Dĩ nhiên, đó không phải là chiến tranh nóng. Đó chỉ là một kiểu Chiến tranh lạnh. Nhưng vì kiểu Chiến tranh lạnh này khác hẳn cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả nửa thế kỷ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản trước đây, nên David Rothkopf, biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đề nghị một tên gọi mới: Chiến tranh mát (the Cool War).

“Mát” ấm hơn “lạnh” một chút. Nhưng dù sao thì cũng vẫn là chiến tranh.

Vậy Chiến tranh Lạnh (1945–1991) là như thế nào? 
Tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự, và cạnh tranh kinh tế tồn tại sau Thế chiến II (1939–1945), chủ yếu giữa Liên bang Xô viết và các quốc gia vệ tinh của nó, với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ. Dù các lực lượng tham gia chủ yếu không bao giờ chính thức xung đột, họ đã thể hiện sự xung đột thông qua các liên minh quân sự, những cuộc triển khai lực lượng quy ước chiến lược, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, chiến tranh uỷ nhiệm, tuyên truyền, và cạnh tranh kỹ thuật, như cuộc chạy đua không gian.

Dù là các đồng minh chống lại Phe trục, Liên xô, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã không đồng thuận trong và sau Thế chiến II, đặc biệt về việc thiết lập thế giới thời hậu chiến. Khi cuộc chiến kết thúc, họ chiếm hầu hết châu Âu, với việc Hoa Kỳ và Liên xô là các lực lượng quân sự mạnh nhất.

Liên xô lập ra Khối Đông Âu với các quốc gia Đông Âu mà họ chiếm đóng, sáp nhập một số trở thành Các nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết và duy trì các quốc gia khác như nước vệ tinh của mình, một số nước trong số đó sau này được củng cố vào Khối hiệp ước Warsaw (1955–1991). Hoa Kỳ và một số quốc gia Tây Âu thành lập chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản như là chính sách phòng vệ của họ, và lập ra các liên minh (ví dụ NATO, 1949) cho mục đích đó.

Nhiều quốc gia trong số đó cũng tham gia vào kế hoạch tái thiết châu Âu, đặc biệt là Tây Đức, vốn bị Liên xô phản đối. Ở những nơi khác, tại Mỹ Latinh và Đông Nam Á, Liên xô ủng hộ các cuộc các mạng cộng sản, bị nhiều nước phương tây và đồng minh trong vùng của họ phản đối; một số nước tìm cách hạ thấp, với những kết quả khác nhau. Một số nước liên kết với NATO và Khối hiệp ước Warsaw, tuy thế các khối của những quốc gia không liên kết cũng xuất hiện.

Cuộc chiến tranh Lạnh có đặc điểm ở những giai đoạn khá yên tĩnh và những giai đoạn căng thẳng lên cao trong quan hệ quốc tế – cuộc Phong toả Berlin (1948–1949), Chiến tranh Triều Tiên (1950–1953), Khủng hoảng Berlin năm 1961, Chiến tranh Việt nam (1959–1975), Khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan (1979–1989), và những cuộc tập trận Able Archer 83 của NATO vào tháng 11 năm 1983. Cả hai phía đã tìm cách làm giảm các căng thẳng chính trị và tránh một cuộc tấn công quân sự trực tiếp, vốn dường như sẽ dẫn tới một sự tiêu diệt có đảm bảo từ hai phía với các loại vũ khí hạt nhân.

Trong thập niên 1980, Hoa Kỳ tăng cường sức ép ngoại giao, quân sự và kinh tế chống lại Liên xô, vốn đang ở tình trạng trì trệ kinh tế. Sau đó, Tổng thống Liên xô Mikhail Gorbachev đưa ra những cuộc cải cách tự do perestroika ("tái cơ cấu", "xây dựng lại", 1987) và glasnost ("mở cửa", khoảng năm 1985). Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, khiến Hoa Kỳ còn lại là cường quốc quân sự có vị thế thống trị, và Nga sở hữu hầu hết kho vũ khí hạt nhân của Liên xô.

Sau thế chiến II, “Chiến tranh lạnh" giữa hai siêu cường là Liên xô và Mỹ, chi phối các quan hệ quốc tế.

I. MÂU THUẪN ĐÔNG – TÂY VÀ SỰ KHỞI ĐẦU CỦA “CHIẾN TRANH LẠNH”.

1. Nguồn gốc mâu thuẫn Đông – Tây:

Sau chiến tranh quan hệ Xô – Mỹ chuyển từ liên minh chống phát xít sang thế đối đầu và tình trạng “chiến tranh lạnh”.

* Nguyên nhân: do sự đối lập nhau về mục tiêu và chiến lược.

- Mỹ:

+ Chống phá Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, chống phong trào cách mạng, mưu đồ làm bá chủ thế giới.

+ Lo ngại trước ảnh hưởng to lớn của Liên Xô và Đông Âu, sự thắng lợi của CHND Trung Quốc, CNXH đã trở thành hệ thống thế giới từ Động Âu sang Đông Á.

+ Sau CTTG II, là nước tư bản giàu mạnh nhất, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử, tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới.

- Liên Xô: chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới.

2. Diễn biến “chiến tranh lạnh”:

a. Khởi đầu :12-03-1947, Tổng thống Tru-man gửi thông điệp tới Quốc hội Mỹ khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mỹ và đề nghị viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, biến hai nước này thành căn cứ tiền phương chống Liên Xô.

Học thuyết Tru-man:

+ Củng cố chính quyền phản động và đẩy lùi phong trào đấu tranh ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ .

+ Biến hai nước này thành tiền đồn chống Liên Xô và Đông Âu.,

b. “Kế hoạch Marshall” (Mác san) (06.1947):

+ Viện trợ 17 tỷ đô la giúp Tây Âu khôi phục kinh tế ,
+ “Kế hoạch Marshall” của Mỹ đã tạo nên sự đối lập về kinh tế và chính trị giữa các nước Tây Âu TBCN và các nước Đông Âu XHCN.

c. Thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4-4-1949, là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mỹ cầm đầu chống Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.

- Tháng 1-1949 Liên xô và Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ

- Tháng 5-1955 thành lập Tổ chức Hiệp ướcVác-xa-va (Varsava), một liên minh chính trị- quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước XHCN châu Âu.

* Như vậy: sự ra đời của NATO, Vác–xa-va, kế hoạch Mac–san, khối SEV đã đánh dấu sự xác lập cục diện hai cực, hai phe. “Chiến tranh lạnh” đã bao trùm toàn thế giới.

II. SỰ ĐỐI ĐẦU ĐÔNG – TÂY VÀ NHỮNG CUỘC CHIẾN TRANH CỤC BỘ ÁC LIỆT

Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, hầu như mọi cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự ở các khu vực trên thế giới đều liên quan tới sự “đối đầu” giữa hai cực Xô – Mỹ.

1. Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp 1945-1954

- Sau CTTG II, thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương, nhân dân Đông Dương kiên cường chống Pháp. Được sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên xô và các nước Xã hội chủ nghĩa.

- Từ 1950, khi Mỹ can thiệp vào chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến này ngày càng chịu sự tác động của hai phe.

- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết (7/1954) đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, nhưng Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền ở vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève là thắng lợi của nhân dân Đông Dương nhưng cũng phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phe.

2. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953)

- Sau CTTG, Triều Tiên tạm thời chia làm hai miền: Bắc vĩ tuyến 38 do Liên Xô cai quản và phía Nam là Mỹ.

- Năm 1948, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, hai miền Triều Tiên đã thành lập hai quốc gia riêng ở hai bên vĩ tuyến 38, Đại Hàn dân quốc (phía Nam) và Cộng hòa DCNH Triều Tiên (phía Bắc).

- Từ 1950 – 1953, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ có sự chi viện của Trung Quốc (miền Bắc) và Mỹ (miền Nam).

- Hiệp định đình chiến 1953 công nhận vĩ tuyến 38 là ranh giới quân sự giữa hai miền. Chiến tranh Triều Tiên là sản phẩm của “chiến tranh lạnh” và là sự đụng đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai phe.

3. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ (1954 – 1975)

- Sau 1954, Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

- Việt Nam đã trở thành điểm nóng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm đẩy lùi phong trào GPDT và làm suy yếu phe XHCN.

- Chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất, phản ánh mâu thuẫn giữa hai phe.

- Cuối cùng, mọi chiến lược chiến tranh của Mỹ bị phá sản, Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; phải rút quân và cam kết không dính líu về quân sự hoặc can thiệp về chính trị đối với Việt Nam.

- Năm 1975, nhân dân Đông Dương kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ.

III. XU THẾ HÒA HOÃN ĐÔNG TÂY VÀ “CHIẾN TRANH LẠNH” CHẤM DỨT

1. Những biểu hiện của xu thế hòa hoàn Đông – Tây

Đầu những năm 70, xu hướng hòa hoãn Đông – Tây xuất hiện với những cuộc thương lượng Xô – Mỹ.

- Ngày 9/11/1972, hai nước Đức ký kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức làm tình hình châu Âu bớt căng thẳng.

- 1972, Xô – Mỹ thỏa thuận hạn chế vũ khí chiến lược, ký Hiệp ước ABM (Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo), SALT-1(Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược), đánh dấu sự hình thành thế cân bằng về quân sự và vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai cường quốc.

- Tháng 8/1975, 35 nước châu Âu và Mỹ, Canađa đã ký Định ước Hen-xin-ki, khẳng định quan hệ giữa các quốc gia và sự hợp tác giữa các nước, tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh ở châu lục này.

- Từ 1985, nguyên thủ Xô – Mỹ tăng cường gặp gỡ, ký kết nhiều văn kiện hợp tác kinh tế – KHKT, trọng tâm là thuận thủ tiêu tên lửa tầm trung châu Âu, cắt giảm vũ khí chiến lược vàhạn chế chạy đua vũ trang.

2. Chiến tranh lạnh kết thúc

Tháng 12/1989, tại Man –ta (Malta- Địa Trung Hải ), Xô – Mỹ tuyên bố chấm dứt “chiến tranh lạnh” để ổn định và củng cố vị thế của mình.

* Nguyên nhân khiến Xô – Mỹ kết thúc “chiến tranh lạnh”:

- Cả hai nước đều quá tốn kém và suy giảm “thế mạnh” nhiều mặt.

- Đức, Nhật Bản, Tây Âu vươn lên mạnh, trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt với Mỹ.

- Liên Xô lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

Xô –Mỹ thoát khỏi thế đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình .

* Ý nghĩa: chiến tranh lạnh chấm dứt mở ra chiều hướng giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột ở nhiều khu vực: Afganistan, Campuchia, Namibia…

IV. THẾ GIỚI SAU “CHIẾN TRANH LẠNH”

- Từ 1989 – 1991, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã.

- Ngày 28/6/1991, khối SEV giải thể

- 01/07/1991, Tổ chức Varsava chấm dứt hoạt động .

- Trật tự “hai cực” Yalta sụp đổ, phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu và châu Á mất đi, ảnh hưởng của Mỹ cũng bị thu hẹp ở nhiều nơi.

- Từ 1991, tình hình thế giới có nhiều thay đổi to lớn và phức tạp:

+ Trật tự hai cực I-an-ta sụp đổ .Một trật tự thế giới đang dần dần hình thành theo xu hướng đa cực.

+ Các quốc gia tập trung phát triển kinh tế

+ Mỹ đang ra sức thiết lập một trật tự thế giới “đơn cực” để làm bá chủ thế giới,nhưng không thực hiện được .

+ Sau “chiến tranh lạnh”, nhiều khu vực thế giới không ổn định, nội chiến, xung đột quân sự kéo dài (Ban-căng, châu Phi, Trung Á).

- Sang thế kỷ XXI, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển đang diễn ra thì vụ khủng bố 11.09.2001 ở nước Mỹ đã đặt các quốc gia, dân tộc đứng trước những thách thức của chủ nghĩa khủng bố với những nguy cơ khó lường, gây ra những tác động to lớn, phức tạp với tình hình chính trị thế giới và trong quan hệ quốc tế.

- Ngày nay, các quốc gia dân tộc vừa có những thời cơ phát triển thuận lợi, đồng thời vừa phải đối mặt với những thách thức vô cùng gay gắt. 

Hiến pháp là gì ?

Cao Huy Thuần - Giáo sư đại học (Pháp)

Montesquieu
Trước hết, tôi xin bày tỏ tình cảm đặc biệt của tôi đối với các trí thức, nhân sĩ, bạn bè đang bàn luận sôi nổi về hiến pháp ở trong nước và ngoài nước. Trong tình cảm liên đới đó, và ý thức rằng đây là vấn đề có liên quan đến sự tồn vong của đất nước, tôi xin có đôi lời góp ý vào quan tâm chung, với tư cách của một người làm nghề dạy học, không biết gì nhiều hơn là chút kiến thức trường ốc phổ thông. Tôi cố tránh mọi lý thuyết rườm rà, duy nhất hạn chế vào một câu hỏi thôi, câu hỏi đầu tiên của mọi câu hỏi khác: hiến pháp là gì?


Tôi biết: trong thế giới ngày nay, hầu như nước nào cũng có hiến pháp, càng độc tài hiến pháp của họ lại càng hay, càng đầy mơ ước, càng đậm triết lý, càng rộng mở ra nhiều lĩnh vực "hiện đại" - xã hội, môi trường, sinh thái... Chính vì vậy mà tôi phải lấy lập trường trước khi đi vào đề: tôi đứng ở đâu mà nói chuyện, đứng trong thế giới văn minh hay lạc hậu hằng mấy thế kỷ? Chẳng lẽ tôi đi ngược lại khẩu hiệu của nước ta là một nước "văn minh"? Bởi vậy, tôi quyết định đứng trong thế đứng của một người dân trong một nước văn minh để gạt ra khỏi đề tài mọi chuyện hoa lá cành chẳng có liên quan gì đến việc định nghĩa hiến pháp trong bước đi đầu tiên của lịch sử đã hình thành ra khái niệm văn minh này. Từ đó, mỗi nước có thể hiểu theo cách hiểu của họ về hiến pháp, tùy hoàn cảnh lịch sử riêng biệt. Nhưng đã gọi là "hiến pháp" thì đương nhiên không thể không biết nguồn gốc của nó, ý nghĩa nguyên thủy của nó, tinh túy của nó. Nhân loại học văn minh của nhau là chuyện bình thường của mọi xã hội văn minh.

Vậy thì, ý nghĩa nguyên thủy của hiến pháp là gì? Ai cũng biết câu trả lời: nguồn gốc của nó nằm trong hai Cách Mạng, của nước Pháp và nước Mỹ.


Trước hết là nước Pháp. Thật ra, danh từ "constitution" - mà ta dịch là hiến pháp - đã có từ lâu, ngay dưới thời Trung cổ, nhưng không mang ý nghĩa như sẽ có về sau. Cho đến Cách Mạng 1789, nước Pháp sống dưới chế độ quân chủ, với ông vua có toàn quyền, nhưng ngay từ trong lý thuyết, quyền của ông gặp phải một hạn chế: ông phải tuân theo những "luật căn bản của vương quốc". Các luật này rất hiếm, và hồi đó chưa có phương thức gì cụ thể để buộc ông phải tuân theo, nhưng trên thực tế, chế độ quân chủ ở Pháp không đến nỗi "tuyệt đối" như ta nghĩ, và ngay cả ông vua đã từng tuyên bố "Quốc Gia là Trẫm" - Louis 14 - so với các nhà độc tài ngày nay hãy còn nhẹ ký lắm. Ngoài những "luật căn bản của vương quốc" mà quan trọng nhất là sự thỏa thuận của dân chúng về thuế má, quyền hành "tuyệt đối" của ông vua còn gặp phải một vài giới hạn khác do sự hiện diện của một vài định chế phong kiến nằm trung gian giữa vua và dân: các hội đoàn, đoàn thể nghề nghiệp, các thành phố... mà tập tục cổ truyền đã trao cho những đặc quyền, và những đặc quyền ấy được sử dụng một cách bền bỉ, dai dẳng, đối kháng với quyền của vua. Hơn nữa, các Tòa Án cũng có một quyền đặc biệt, từ đó mà dần dần phát triển lên thành quyền chính trị: đó là quyền đăng bạ những sắc dụ của ông vua; sắc dụ chiếu chỉ chỉ được thi hành sau khi được đăng bạ. Các ông Tòa không do vua bổ nhiệm nên vua không áp đảo được họ; cái chức vị ấy là họ mua. Đồng tiền ban chức tước, nhưng đồng tiền cũng ban độc lập mà họ cực lực bảo vệ để trở thành một quyền thực sự. Cuối cùng, tập tục buộc ông vua phải được sự thỏa thuận của một cơ quan thực sự đại diện của dân, một Đại Hội đại biểu tập hợp ba giai tầng xã hội: tăng lữ, quý tộc, bình dân. Dù cho Đại Hội này không được triệu tập từ 1614 đến 1789, trên lý thuyết, sự thỏa thuận vẫn là nguyên tắc mà quân quyền không chối bỏ.


Vậy thì, trong thời gian tiền Cách Mạng, nước Pháp ở trong cái thế tranh chấp dai dẳng, tuy chẳng quân bình, giữa ông vua và các cơ quan đối trọng mà quan trọng nhất là các Tòa Án. Ông vua xác quyết chủ quyền tuyệt đối của mình; các nhà luật học tiến bộ nhấn mạnh trên sự thỏa thuận để cai trị. Họ nói: thỏa thuận có nghĩa là ông vua không được đứng trên luật pháp, và do đó quyền của ông vua không phải tuyệt đối mà là có giới hạn. Nói một cách khác, nước Pháp ở trong cái thế tranh chấp giữa chủ thuyết quyền tuyệt đối của vua và chủ thuyết hiến pháp, hiến định. Trong tranh chấp lý thuyết đó, bên nào cũng viện dẫn "hiến pháp quân chủ", nhưng một bên nhấn mạnh quân chủ, một bên nhấn mạnh hiến pháp, chính sự dằng co giữa hai quyền lực, của vua và của Tòa Án, diễn tả bản chất của hiến pháp lúc đó. Ngã hẳn về phía vua chăng? Vua sẽ thành chuyên chế. Ngã hẳn về phía các Tòa Án chăng? Ông vua sẽ không hơn gì vua nước Anh, có tiếng mà không có miếng. Trên thực tế, mặc dầu cố gắng của các nhà luật học, nước Pháp đã không đi vào được con đường hạn chế quyền lực thực sự như ở Anh hồi thế kỷ 17. Các Tòa Án, cũng như Đại Hội đại biểu ba thành phần, không đủ sức để vượt qua quyền của vua. Nhưng đặc tính dằng co vẫn được duy trì kể cả trong lý thuyết, ngay cả về phía các lý thuyết gia chính thống của quân quyền. Jean Bodin, cực lực thuyết minh chủ quyền của vua là thế, mà cũng không diễn dịch "hiến pháp quân chủ" như là độc đoán, độc tài, cũng phân biệt "quân chủ vương giả" khác với quân chủ "bạo ngược", cũng nói rõ "quyền lực tuyệt đối" không phải là "quyền lực tùy tiện".


Montesquieu, khái niệm "hiến pháp" gắn liền với ý tưởng tự do và phân quyền mà ông suy ra và sáng tạo thêm từ chế độ chính trị của nước Anh.
Chính trong bối cảnh chính trị của một nước Pháp quân chủ, hạn chế trên thực tế nhưng vẫn tuyệt đối trên lý thuyết, mà tác phẩm "Tinh yếu của luật pháp" ("Esprit des lois") của Montesquieu ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử của khái niệm hiến pháp. Từ đây, từ năm 1748, danh từ "hiến pháp" mới thực sự có ý nghĩa hiện đại. Điểm đầu tiên phải lưu ý là Montesquieu xây dựng một lý thuyết tự do trong một không khí quyền lực tuyệt đối. Tự do là bà mẹ trong tác phẩm. Nhưng, như ông nói, tác phẩm không được sinh ra từ một bà mẹ tự do. Đó chính là điểm đặc sắc tuyệt cú của Montesquieu. Với Montesquieu, khái niệm "hiến pháp" gắn liền với ý tưởng tự do và phân quyền mà ông suy ra và sáng tạo thêm từ chế độ chính trị của nước Anh. Chương 11 của tác phẩm ghi rõ trong tiêu đề: "Về những luật tạo nên tự do trong mối tương quan giữa tự do và hiến pháp". Tương quan gì? Chỉ có tự do khi hiến pháp hạn chế quyền lực. Không ai không biết câu viết này, sáng chói như chân lý, ngọn hải đăng của thế kỷ 18: "Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn". Vậy vấn đề là phải đặt ra giới hạn. Phân quyền nhắm mục đích ấy, bởi vì, lại một chân lý nữa, "quyền lực ngăn chận quyền lực" để quyền lực không nằm trọn trong một nắm tay.

Vậy, với Montesquieu, hiến pháp mang một ý nghĩa chính trị: hiến pháp tổ chức nhiều quyền lực trong nhà nước và tương quan giữa các quyền lực đó với nhau để quyền lực, một hiện tượng đáng sợ, trở thành ôn hòa. Một chính thể ôn hòa là một chính thể tốt nhất, như Aristote đã quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp.

Với Montesquieu, hiến pháp mang một ý nghĩa chính trị: hiến pháp tổ chức nhiều quyền lực trong nhà nước và tương quan giữa các quyền lực đó với nhau để quyền lực, một hiện tượng đáng sợ, trở thành ôn hòa. Một chính thể ôn hòa là một chính thể tốt nhất, như Aristote đã quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp.
Tác phẩm của Montesquieu làm dấy lên cả một trào lưu trí thức nâng danh từ "hiến pháp", từ chỗ chưa có ý nghĩa rõ ràng, lên địa vị vinh quang của khái niệm, đề tài của mọi tranh luận, mục tiêu của mọi tranh đấu nhắm hạn chế quyền hành. Sau 1750, các Tòa Án ở Pháp tận dụng quyền phản biện (droit de remontrances) sẵn có để bày tỏ ý kiến về các sắc dụ chiếu chỉ của vua và để bảo vệ những quyền căn bản mà họ không còn xem như của vương quốc nữa mà là của cả dân tộc và chính họ là cơ quan nắm giữ. Trong một phản biện của Tòa Án Rennes năm 1757, quyền của vua và quyền của các Tòa Án được diễn tả trong ý nghĩa mới đó của "hiến pháp": "Do một quyền thiêng liêng có sẵn nơi địa vị của Hoàng Thượng, bất khả truyền, bất khả trao cho ai khác, Hoàng Thượng là nguồn gốc của mọi pháp chế. Nhưng do một hiến pháp căn bản của nền quân chủ, Tòa Án của Hoàng Thượng là hội đồng cần thiết để luật được kiểm tra, là cơ quan để luật được ban hành, là người bảo đảm cho sự minh triết của luật, là nơi đăng bạ để duy trì và thi hành luật, bởi vì từ xưa đến nay Tòa Án là người cộng sự thiết yếu của Hoàng Thượng, nhờ đó việc cai trị được văn minh và gìn giữ".

Cùng với quan niệm mới về hiến pháp của Montesquieu, các Tòa Án nới rộng phạm vi của những "luật căn bản" và định nghĩa như là "những luật liên quan đến việc tổ chức các quyền trong chế độ quân chủ". Một tác giả quý tộc - marquis d'Argenson - dám so sánh ví von thế này: "Dân tộc ở trên các ông vua như Nhà Thờ công giáo ở trên giáo hoàng". "Luật căn bản", "hiến pháp", "quyền của Dân Tộc", các yếu tố đó trộn lẫn với nhau trong một luận thuyết nhằm chống lại luận thuyết quyền lực tập trung của vua. Từ "hiến pháp" càng ngày càng được dùng trong tranh luận, với ý nghĩa chính trị như đã nói ở trên, "như là một dụng cụ có khả năng giới hạn vương quyền để bảo vệ một trật tự siêu việt vương quyền".Tòa Án có mặt từ lâu trong lịch sử nhưng bây giờ mới cố gắng nâng mình lên trong thử thách để hiện diện như là đối trọng của vương quyền. Ý niệm đối trọng dần dần đi vào ý nghĩa của hiến pháp.


Tuy vậy, tất cả những tranh luận lý thuyết và thử thách thực tế trên đây vẫn không làm lung lay được một vương quyền cứng rắn. Khái niệm hiến pháp thay đổi, nhưng vẫn mang ý nghĩa chính trị, chưa được diễn dịch cụ thể ra thành ngôn ngữ luật pháp có khả năng tạo nền móng cho những quyết định pháp lý. Khác với nước Anh mà tập tục chính trị dần dần được thay đổi để chế độ quân chủ đổi mới trong ôn hòa, ở Pháp, cánh cửa không mở ra được vì vương quyền khóa chốt. Các Tòa Án nại quyền của Dân Tộc? Ông vua trả lời Ta đây, và chỉ Ta đây mới có quyền bảo vệ những "luật của lịch sử". Một bên là hiến pháp trong nghĩa tự do của Montesquieu, một bên là những "luật căn bản của vương quyền" diễn dịch theo điệp khúc cũ. Để ý nghĩa chính trị của hiến pháp có được nội dung pháp lý hữu hiệu, phải đợi 1789. Thế thôi, có ai bao giờ đoán trước được Cách Mạng sẽ đến đâu? Ai đoán trước được ông vua toàn quyền thế kia - Louis 16 - có ngày mất tiêu cái chỗ đội mũ - đội vương miện?


Với Cách Mạng 1789, một lý thuyết gia lừng lẫy khác, Sieyès, giải quyết tranh chấp giữa "hiến pháp" và "những luật căn bản của vương quyền" một cách trọn vẹn và cách mạng. Ông giải quyết bằng cách từ bỏ luận cứ quyền lịch sử để lập luận trên quyền thiên nhiên. Từ đây, tranh luận lý thuyết không còn xoay quanh giữa quyền "tuyệt đối" và quyền "tùy tiện" nữa, mà tập trung trên "chính thể hiến pháp" và "quyền bính chuyên chế": một bên có giới hạn do hiến pháp định, một bên vô giới hạn. Từ đây, hiến pháp có thêm một nội dung luật pháp để cụ thể hóa ý nghĩa chính trị. Biến chuyển này xảy ra được một phần lớn là nhờ ảnh hưởng của Cách Mạng Mỹ. Mười ba thuộc địa của Anh ở châu Mỹ nổi dậy giành độc lập, xây dựng một chế độ chính trị riêng, ghi nhận long trọng trong một văn bản được chấp thuận năm 1787 ở Đại Hội đại biểu Philadelphia. Đứng về phương diện khái niệm hiến pháp mà nói, họ nổi dậy chống lại cái gì cụ thể? Chống lại một số luật bất công, nhất là luật thuế má, của Quốc Hội Anh mà họ cho là trái với các hiến chương thuộc địa. Để chống lại các luật đó, họ nảy ra cái tư tưởng này: có các quyền không thể sửa đổi được, các quyền đó phải được ghi rõ trong một thứ luật khác cao hơn, tức là hiến pháp thành văn, có hiệu lực pháp lý, nghĩa là bắt buộc. Đừng quên rằng trong thời gian ấy, mẫu quốc của họ là nước Anh, và nước Anh chỉ có một thứ luật thôi là luật do Quốc Hội làm ra, không có hiến pháp thành văn. Làm luật được thì sửa đổi luật cũng được. Bởi vậy, cái ý nghĩ phải có một thứ luật cao hơn mọi luật khác, được ghi chép hẳn hoi thành văn bản, là ý nghĩ cách mạng, đưa khái niệm hiến pháp vào thời đại mới. Ý nghĩ đó bay ngược qua Đại Tây Dương, hạ cánh xuống Cách Mạng Pháp, giải quyết rốt ráo tranh chấp giữa "hiến pháp" và "những luật căn bản của lịch sử". Cả hai khái niệm được trộn lẫn với nhau thành một trong một văn bản, được soạn thảo và chấp nhận một cách đặc biệt, văn bản ấy luật hóa một khái niệm trước đây còn mang tính chính trị.

"Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật".
                                Thomas Payne
Ngày nay, ta khó thấy ý nghĩ đó là tuyệt tác vì đã quá quen với cái từ "hiến pháp". Lúc đó, từ "hiến pháp" hãy còn lẫn lộn với từ "chính phủ", "chính quyền", hai bên không khác nhau cho đến trước ngày Cách Mạng Mỹ. Một nhân vật quý tộc Pháp, trong một thư viết cho vua, đã thốt ra một câu tiêu biểu: "Làm sao người ta có thể đồng thời vừa là bạn của chính quyền vừa là kẻ thù của hiến pháp được?" Từ đây, gió lốc cách mạng thổi bay từ "gouvernement" ra khỏi từ "constitution". Yêu vợ không phải là yêu bồ. Hai vợ không phải đều là vợ cả. Thomas Payne, lý thuyết gia nổi bật của Cách Mạng Mỹ, nói rõ: "Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật". Ông nhắc lại lần nữa: "Một hiến pháp là một điều có trước chính quyền, và một chính quyền chỉ là con đẻ của một hiến pháp. Hiến pháp của một nước không phải là văn bản của một chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền".
Chủ quyền đã thuộc về dân thì việc làm ra hiến pháp không phải là việc của một cơ quan nào mà là việc của toàn dân: từ đó lý thuyết về một "quyền lập hiến" được chế ra thành luật.
Giữa hai bờ Đại Tây Dương, khái niệm hiện đại về hiến pháp thành hình nhờ ảnh hưởng qua lại giữa Montesquieu và Cách Mạng Mỹ. Montesquieu ngại quyền lực. Các thuộc địa ở Mỹ, ngay từ hồi nổi dậy, cũng đã nhìn quyền lực như thế qua ông vua George III, tuy rằng hồi đó vua đã bắt đầu mất thực quyền trong chế độ chính trị nước Anh. Cũng từ Montesquieu, lý thuyết phân quyền được thực hiện tại Mỹ, và áp dụng chặt chẽ hơn cả ở châu Âu vì Quốc Hội không thể buộc Tổng Thống từ chức, Tổng Thống không thể giải tán Quốc Hội. Ngược lại, từ Mỹ, việc luật hóa lý thuyết chủ quyền thuộc về toàn dân ảnh hưởng trên tư tưởng của Sieyès. Chủ quyền đã thuộc về dân thì việc làm ra hiến pháp không phải là việc của một cơ quan nào mà là việc của toàn dân: từ đó lý thuyết về một "quyền lập hiến" được chế ra thành luật. Sieyès tóm tắt: "Hiến pháp bao gồm đồng thời: việc thành lập và tổ chức nội bộ các quyền lực khác nhau của nhà nước, mối tương quan tất yếu và sự độc lập giữa các quyền lực đó, và cuối cùng, những cảnh giác chính trị phải cẩn thận xây dựng chung quanh, để các quyền lực đó lúc nào cũng có ích lợi nhưng không bao giờ trở thành nguy hiểm. Đó là ý nghĩa chính xác của danh từ hiến pháp; ý nghĩa đó liên quan đến toàn thể quyền lực của nhà nước và sự phân chia những quyền lực đó".

Từ đầu, ý tưởng của Montesquieu đã liên hệ rõ ràng khái niệm hiến pháp với khái niệm quyền lực hạn chế để chống lại quyền hành tuyệt đối, nghĩa là vô giới hạn và tùy tiện. Đến đây, việc phân quyền được xây dựng thành những nguyên tắc thành văn, tối thượng, mà mục đích là thiết lập những giới hạn minh bạch, ai cũng biết, về quyền lực của người cầm quyền. "Nếu quyền lực không có giới hạn, quyền lực tất yếu trở thành tùy tiện, và không có gì trực tiếp đối chọi với một hiến pháp bằng bạo quyền", Mounier đã phát biểu như thế trong diễn văn đọc ngày 7-7-1789 trước Hội Đồng Lập Hiến. Ông là đại biểu lừng danh của giai cấp bình dân. Tư tưởng đó được viết chắc nịch như đinh đóng cột trong điều 16 của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền: "Bất cứ xã hội nào trong đó các quyền không được bảo đảm và sự phân quyền không được tôn trọng, xã hội đó không có hiến pháp".


Tác giả bài này muốn nói gì khi nhắc lại những kiến thức phổ thông trên đây? Duy nhất điều này thôi: lịch sử của khái niệm hiến pháp bắt đầu từ một khao khát: tự do; khao khát đó sẽ không bao giờ thực hiện được trước một quyền lực tuyệt đối; để quyền lực không phải là bạo lực, phải phân quyền; để sự phân quyền được rõ ràng, minh bạch, phải ghi thành luật, luật đó là tối thượng, là mẹ của mọi thứ luật khác. Nghĩa là: để định nghĩa hiến pháp là gì, đừng quên rằng bắt đầu quá trình là một ý tưởng chính trị và kết thúc là một văn bản luật pháp, từ đó mà quyết định cái gì là hợp pháp, cái gì là bất hợp pháp trong mọi hành động lập pháp và lập quy của các cơ quan nhà nước. Chỉ một ý đó thôi mà tác giả đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần: Hiến pháp là một ý tưởng chính trị được luật hóa vào một giai đoạn quan trọng nào đó của lịch sử để một trật tự chính trị trở thành chính đáng. Điều này bao gồm hai ý nghĩa: thứ nhất, trật tự chính trị nào cũng mượn danh nghĩa luật để trở thành một trật tự pháp lý; nhưng thứ hai, không luật pháp nào ban tính chính đáng cho một trật tự chính trị nếu luật đó không xuất phát từ nguyện vọng đích thực của nhân dân.

°°°

Hơn một thế kỷ rưỡi sau Cách Mạng, nước Pháp có ông tổng thống De Gaulle làm một hiến pháp mới - hiến pháp hiện tại - để chấm dứt một trật tự chính trị cũ, lập một trật tự chính trị mới, mở đầu Đệ Ngũ Cộng Hòa. Trong một cuộc họp báo quan trọng ngày 31-1-1964, ông định nghĩa hiến pháp trong một câu nổi tiếng: "Hiến pháp là một tinh thần, những định chế, một thực tiễn". Quá đúng. Và bộc lộ ra được những gì tôi vừa trình bày ở trên.

Bất cứ hiến pháp nào trên thế giới đều có thể được đặt dưới một câu hỏi: "hiến pháp này được làm ra để thể hiện cái tinh thần gì vậy?" Dân chúng chỉ cần biết cái tinh thần ấy một cách tỏ tường và chân thật là đã có thể phát biểu ngay đó là hiến pháp của mình hay của ai.
Một thực tiễn? Tất nhiên, vì hiến pháp phải được áp dụng để trở thành luật nói, nếu không thì là luật câm. Những định chế? Hiển nhiên, khỏi cần nói. Tôi chú trọng mấy chữ đầu: "một tinh thần". Vậy tinh thần này là gì trong bối cảnh lịch sử đã làm hình thành hiến pháp ở Pháp và ở Mỹ? Tự do! Tinh thần này quyết định tất cả. Quyết định việc thành lập các định chế. Quyết định thực tiễn của pháp luật, cả luật mẹ lẫn luật con. Bất cứ hiến pháp nào trên thế giới đều có thể được đặt dưới một câu hỏi: "hiến pháp này được làm ra để thể hiện cái tinh thần gì vậy?" Dân chúng chỉ cần biết cái tinh thần ấy một cách tỏ tường và chân thật là đã có thể phát biểu ngay đó là hiến pháp của mình hay của ai.

Vậy thì dân chúng Việt Nam chờ đợi cái tinh thần gì được luật hóa trong hiến pháp? Một tinh thần phù hợp với giai đoạn hòa bình của đất nước, sau nhiều năm chiến tranh đòi hỏi con người phải hy sinh nhiều thứ, kể cả thứ quý nhất trong đời là tự do. Chiến tranh là tình trạng bất thường, hòa bình là chấm dứt tình trạng bất thường, là phải trả lại cho con người cái khao khát bức thiết nhất của con người ở muôn thuở và muôn nơi, là phải trả lại cho con người Việt Nam cái giá đã mua bằng máu, là phải thực hiện lời cam kết chói lọi trong Tuyên ngôn độc lập vinh quang: ai cũng biết, đó l�"quyền tự do". "Không có gì quý hơn độc lập, tự do": đó là tinh thần mà người dân chờ đợi luật hóa trong hiến pháp, một hiến pháp hoàn toàn mới, phù hợp với giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình.


Tinh thần là như vậy, định chế sẽ thế nào? Tất cả những gì tôi nói trong bài này có thể tóm gọn trong hai chữ: ôn hòa. Quyền lực phải biết ôn hòa. Chính thể ôn hòa là chính thể tốt nhất. Đó là văn minh mà Âu châu thừa hưởng từ tư tưởng của Hy Lạp cổ đại. Montesquieu cũng chỉ là tiếp nối tư tưởng Aristote. Nhưng đó cũng chính là văn minh của Việt Nam, của tư tưởng Việt Nam, không hề độc đoán.


Đảng Cộng sản đã nhiều lần nêu vấn đề định nghĩa lại lãnh đạo. Đúng vậy, nhưng thế này thì hợp với mong mỏi hơn: định nghĩa lại lãnh đạo là thế nào để phù hợp với thời bình, thế nào để thực hiện lời cam kết "quyền tự do". Đó là cứu cánh của chính trị. Đó là cứu cánh của quyền lực. Một quyền lực ôn hòa trong thời bình, khác với thời chiến tranh, khác với thời tranh đấu bí mật trước mùa Thu tháng Tám. Đó là tinh thần mới phải có trong hoàn cảnh mới của đất nước, cần thực sự đoàn kết toàn dân. Tinh thần đó sẽ quyết định tất cả mọi điều khác trong hiến pháp. Tinh thần đó, người dân khao khát chờ đợi từ lâu để được là tác giả của hiến pháp mới.
Dưới ảnh hưởng đó của tư tưởng luật hóa hiến pháp đến từ Mỹ, từ ngữ "luật căn bản" của Pháp được ngôn ngữ luật đưa lên địa vị tối thượng: hiến pháp là luật tối thượng, nghĩa là, rất cụ thể, cao hơn tất cả các luật khác và làm vô hiệu tất cả luật nào trái lại. Đây cũng là một sáng tạo tuyệt tác bắt nguồn từ một sự việc bình thường trước Tòa Án Tối Cao của Mỹ. Ông Marburry, được bổ nhiệm thẩm phán nhưng chờ mãi đến đáo hạn mà vẫn không nhận được giấy tờ bổ nhiệm. Ông kiện tổng thống Adams (mà người đại diện là bộ trưởng Madison) đòi gửi công văn bổ nhiệm. Ông Tòa Marshall xử rằng: kiện là đúng, nhưng đạo luật được viện dẫn ra để kiện là không hợp với hiến pháp, là vi hiến. Chuyện bình thường ở Mỹ. Nhưng là chuyện động trời trong lịch sử hiến pháp của Pháp vì Tòa Án dám xía vào lĩnh vực lập pháp để phán đúng hay sai. Cần nhấn mạnh vụ kiện danh tiếng Marburry chống Madison này ở đây để hiểu quá trình luật hóa hiến pháp và sức mạnh của tinh thần trọng pháp. Mười ba thuộc địa ở Mỹ phải nổi dậy để đòi truất bỏ những luật bất công. Khổng Mạnh ở ta ngày xưa cũng lao xao với sĩ tử rằng nước có thể lật thuyền... Suy diễn bài học từ ông Tòa Marshall, luật pháp có chức năng và khả năng giải quyết tranh chấp chính trị một cách hòa bình, khỏi cần gươm dáo, mà cũng khỏi phải lội nước lật thuyền.

Chú thích:
Một số câu trích dẫn đặt trong ngoặc kép là lấy từ: Olivier Beaud, L'Histoire du concept de constitution en France. De la constitution politique à la constitution comme statut juridique de l'Etat, Jus politicum, Vol. 2, Juin 2010.

Nhầm lẫn khái niệm “Hiến pháp”

Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

Toà nhà quốc hội Đức.
Trong bài “Bao nhiêu ý dân thì đủ?”*, tác giả Phạm Thị Hoài đã sử dụng nhầm lẫn hai khái niệm Verfassung (Hiến pháp) khác với Grundgesetz (Luật cơ bản) vốn có quan hệ nội hàm “cành, nhánh” hay “mẹ, con”.
Để phủ định quyền dân phúc quyết hiến pháp, tác giả Phạm Thị Hoài viện dẫn thực tế quá trình lập hiến Đức (trích): Nhân dân CHLB Đức chưa bao giờ được trưng cầu ý kiến về văn bản tối thượng mang tên Grundgesetz (Luật Cơ bản) của mình. Nó được soạn thảo bởi 65 vị trong Parlamentarischer Rat (Hội đồng Nghị viện), dưới sự ủy nhiệm và kèm cặp của chính quyền quân quản Anh, Pháp và Mỹ sau Thế chiến II. Sau khi được thông qua với 53 phiếu thuận và 12 phiếu chống trong Hội đồng Nghị viện, nó được trình cho ba chính quyền Đồng minh nêu trên xét duyệt. Sau khi được các Thống đốc Quân sự Anh, Pháp, Mỹ chấp nhận, nó được gửi đến các nghị viện tiểu bang để phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, ngày 23-5-1949 nó được Hội đồng Nghị viện chính thức tuyên bố là văn bản lập quốc. Nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức cũ) ra đời với bản Hiến pháp ấy. Bản hiến pháp được coi là hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Đức ấy không do ý nguyện dân chủ từ dưới lên sinh ra, mà do ý chí chính trị từ trên xuống, thậm chí với áp đặt từ các thế lực ngoại bang.

Năm 1990, trong quy trình thống nhất nước Đức, nghị viện của các tiểu bang thuộc Đông Đức cũ cũng phê chuẩn và gia nhập Hiến pháp này mà nhân dân Đức ở cả bên Đông lẫn bên Tây đều không được trực tiếp biểu quyết. Trong 64 năm từ khi ra đời, Hiến pháp Đức có 59 bổ sung, sửa đổi, lần cuối cùng vào giữa năm ngoái. Không một lần nào có trưng cầu ý dân. Song điều đó không cản trở nước Đức … thành một trong những nền dân chủ trưởng thành và ổn định nhất trên thế giới”, (Hết trích).

Tác giả đã sử dụng nhầm lẫn hai khái niệm Verfassung (Hiến pháp) khác với Grundgesetz (Luật cơ bản) vốn có quan hệ nội hàm “cành, nhánh” hay “mẹ, con”. Từ năm 1949 tới nay, nước Đức chỉ có Luật Cơ bản năm 1949 và sửa toàn diện năm 1990, được coi như Hiến pháp chứ không phải Hiến pháp. Nó được xuất bản với tờ bìa mang tên “Grundgesetz” và gọi đúng tên đó trên các văn bản pháp lý trích nó. Luật, bất cứ là luật gì cơ bản hay không, do nghị viện ban hành đều không nhất thiết phải phúc quyết, bởi đó là quyền lập pháp của họ, giải thích tại sao Luật Cơ bản Cộng hoà Liên bang Đức chưa bao giờ phúc quyết. Còn đã gọi là “Hiến pháp” thì phải do người dân phúc quyết, vốn chỉ họ mới có quyền lập hiến, xuất phát từ nguyên lý: Hiến pháp của dân phải do dân quyết, giống như chính quyền của dân thì phải do dân bầu. Đó là dấu hiệu khác nhau giữa nội hàm khái niệm “Luật cơ bản” và nội hàm “Hiến pháp”. Điểm giống nhau là chúng cùng quy định: a- thiết chế nhà nước và b- khẳng định quyền con người và quyền công dân mà nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện không được xâm phạm - tức quyền cơ bản. Nếu chỉ dừng lại ở đó, thông qua nghị viện, rồi ký lệnh ban hành, thì được gọi là “Luật Cơ bản”, còn thực hiện thêm công đoạn tiếp theo “Phúc quyết” thì được gọi là hiến pháp. Lý do tại sao Luật Cơ bản CHLB Đức năm 1949 lại không trưng cầu dân ý, tác giả Phạm Thị Hoài đã lý giải đúng sự kiện. Còn lý do tại sao tới lần sửa đổi toàn diện năm 1990 vẫn không phúc quyết, bởi chỉ đơn giản do CHDC Đức gia nhập CHLB Đức, nghĩa là phải chấp nhận Luật Cơ bản của họ, giống như Việt Nam sau 1975, chứ không phải hai bên thống nhất thành lập một quốc gia để ban hành một Hiến pháp mới cho mình.

Điều đó cũng giải thích tại sao Hiến pháp mới thông thường gắn liền với các hệ quả đổ vỡ một thiết chế, cách mạng xã hội, tranh chấp bạo lực, chiến tranh (đã trình bày ở bài Hiến pháp sao phải sửa?). Ngoại lệ có thể tìm thấy trong trường hợp Nam Phi hay Miến Điện. Khi đó Hiến pháp không còn là mục đích trực tiếp của đổ vỡ, cách mạng, bạo lực, chiến tranh, mà trở thành phương tiện hoà bình để vượt qua nó.

Với nội hàm khái niệm Hiến pháp nêu trên, các nước có thể mặc định, tức tự hiểu đã là Hiến pháp tất phải phúc quyết (lẽ tự nhiên như quyền ăn uống hít thở, không nhất thiết phải đưa vào hiến pháp) hoặc hiến định như Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946: Điều 21, “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp”.

Tới Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này, người chấp bút đã không tuân thủ nguyên lý logic học, cũng sử dụng nhầm lẫn giữa 2 khái niệm Hiến pháp và Luật Cơ bản như trường hợp Phạm Thị Hoài, khi viết Điều 123: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hệ lụy, một khi đã gọi là hiến pháp thì đương nhiên trước hết phải là luật cơ bản, vì vậy Điều 123 nhắc lại là thừa. Mặt khác, đưa ra 1 câu mang tính tiền đề như Điều 123, làm người đọc dễ ngộ nhận, nhầm tưởng khái niệm hiến pháp nằm trong khái niệm luật cơ bản, trong khi luật cơ bản chỉ là một phần nội hàm của khái niệm Hiến pháp.

Nhầm lẫn quyền con người với quyền cơ bản
Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
Hiến pháp chỉ hiến định một số trong vô vàn quyền con người, chứ không phải toàn bộ, bởi trước hết, do hiến pháp đóng vai trò luật cơ bản, mà đã là luật thì nó chỉ điều chỉnh những quyền con người liên quan tới pháp luật, tức nhà nước, chứ không phải mọi quyền con người như ăn ngủ hít thở, yêu ghét, chẳng hạn.
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTHP), chương II “quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân” đưa ra 38 điều; so với Hiến pháp năm 1992, lời văn, cấu trúc được sửa lại và bổ sung thêm chín quyền trong chín điều.

Mục đích sửa đổi trên được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lý giải trong “Báo cáo Thuyết minh”: “Để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp”. Từ mục đích đó, DTHP có nhiệm vụ “làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân…”.

Đã là quyền con người thì do “tạo hoá” sinh ra nằm trong chính mỗi con người. Nếu xét theo hành vi, tổng hợp hết từ chừng 7 tỷ người khác nhau trên quả đất hiện nay, thì quyền con người sẽ vô cùng tận, từ sinh lý, ăn, uống, hít thở, khóc cười, nhìn, nghe, sờ mó… đến hành vi tình cảm, yêu, ghét, hiến, tặng…, tới tâm linh thờ phụng, tín ngưỡng, hay kinh tế, mua bán, cho mượn, đổi chác, hoặc chính trị tham gia đảng phái, bộ máy nhà nước, góp ý chính sách…, không một hiến pháp nào trên thế giới này dù muốn cũng không thể liệt kê nổi, chứ chưa nói khẳng định giá trị, làm rõ nội dung. Vì vậy, nếu lấy nội dung quyền con người làm đối tượng hiến định, thì DTHP nước ta đã không đạt mục đích đề ra. Và cứ theo quan điểm đó, thì hiến pháp nước nào đưa ra càng nhiều quyền con người càng dân chủ tiến bộ ưu việt.

Nhưng thực tế không phải vậy. Nga, Hiến pháp năm 1993 có tới 48 điều về “quyền và tự do của con người và của công dân”, chỉ số dân chủ năm 2007 xếp thứ hạng 102; Trung Quốc, Hiến pháp năm 1982 có 33 điều xếp thứ hạng dân chủ 138; Đức chỉ có 19 điều ở thứ hạng 13; Đan Mạch có 15 điều, đứng thứ 5; Mỹ, chỉ liên quan tới 10 điều tu chính, xếp thứ 17.

Lý do, Hiến pháp chỉ hiến định một số trong vô vàn quyền con người, chứ không phải toàn bộ, bởi trước hết, do hiến pháp đóng vai trò luật cơ bản, mà đã là luật thì nó chỉ điều chỉnh những quyền con người liên quan tới pháp luật, tức nhà nước, chứ không phải mọi quyền con người như ăn ngủ hít thở, yêu ghét, chẳng hạn. Chức năng của nó là chế tài, không có chức năng thay thế sách giáo khoa, hay tài liệu khoa học, để lý giải đưa ra kết luận về giá trị, vai trò quan trọng, nội dung của quyền con người, mà chỉ dựa trên cơ sở khoa học đó để hiến định quyền con người. Tiếp theo, quyền con người mặc dù do tạo hoá sinh ra, “lẽ phải không ai chối cãi được”, nhưng một khi quyền lực nhà nước vốn của dân đã được trao vào tay bộ máy nhà nước thực thi, thì quyền tạo hoá đó của họ trên thực tế rất có thể: 1- Bị quyền lực nhà nước xâm phạm, mà người dân thấp cổ bé họng không làm gì được. Có thể thấu hiểu rõ nhất điều đó ở những nước thuộc điạ, như khi thực dân Pháp “mang lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái” đến nước ta tuyên bố “khai hoá văn minh”, nhưng thực tế lại “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta (Tuyên ngôn độc lập)” hay trường hợp các nước Ả Rập vừa qua, cách mạng xã hội bùng nổ do quyền làm người bị tước mất, được châm ngòi bởi Mohamed Bouazizi phải tự thiêu, thà chết còn hơn. 2- Không thể thực hiện, bởi bộ máy nhà nước ăn lương có bổn phận đảm bảo quyền tạo hóa của dân, nhưng đã không cung cấp cho họ điều kiện vật chất, hành lang pháp lý thực hiện quyền đó.

Nguyên tắc hiến định quyền con người, vì vậy, chỉ nhắm vào những quyền pháp lý có nguy cơ bị nhà nước xâm phạm hoặc phải được nhà nước bảo đảm tiền đề vật chất cho nó thực hiện. Những quyền đó, khoa học hiến pháp gọi là quyền cơ bản, không hiểu theo nội hàm “hạt cơ bản” trong vật lý, mà theo nghĩa nhà nước bị chế tài trách nhiệm bảo đảm cho quyền đó được thực hiện. Nói cách khác, quyền cơ bản là quyền con người được ghi vào hiến pháp, khi nó thoả mãn đồng thời 3 yếu tố: 1- chắc chắn, 2- liên tục, 3- được viện tới toà án chống lại nhà nước, nếu họ bị thiếu những điều kiện bảo đảm quyền đó được thực hiện.

Có thể hiểu qua ví dụ về “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, ghi trong Ðiều 35 DTHP, được Điều §75 Hiến pháp Đan Mạch quy định tại điểm (1): “Ai không thể tự nuôi sống mình, và không còn nguồn thu nhập nào khác, nhà nước có trách nhiệm trợ cấp đủ”. Ở Đức, xuất phát từ Điều 1, Luật Cơ bản, “nhân phẩm con người không thể xâm phạm. Chú ý và bảo vệ nó là trách nhiệm mọi cơ quan quyền lực nhà nước”, Bộ Luật Xã hội Đức quy định nhà nước phải cấp cho bất kỳ người dân nào không có thu nhập, kể cả người nước ngoài sinh sống ở Đức, 374 Euro/tháng/người (năm 2013) cộng tiền thuê nhà, điện, nước. Cách tháng trước, một hộ gia đình bị cấp thiếu 15 Cent do cơ quan cấp làm tròn số lẻ, khiếu nại không được liền kiện ra toà, được toà xử thắng và phạt cơ quan cấp phải trả án phí 600 Euro. Cũng viện dẫn Điều 1 trên, trong 1 vụ kiện, Toà án Hiến pháp Đức đã bác bỏ điều khoản Bộ luật Xã hội Đức ấn định mức trợ cấp cho người nước ngoài chờ xét tỵ nạn thấp hơn tiêu chuẩn trợ cấp cho người Đức, với lập luận, trợ cấp là mức tối thiểu để bảo đảm nhân phẩm con người vốn không thể phân biệt đã được hiến định.

Xuất phát từ bản chất quyền cơ bản nêu trên, ở họ hiến định quyền cơ bản thực chất là hiến định trách nhiệm nhà nước phải bảo đảm quyền đó được thực hiện, bằng những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự có thể đong đo đếm được. Và chỉ khi đó, người dân mới có cơ sở hiến định để tự bảo vệ quyền của mình, bằng cách viện đến toà án được coi là cán cân công lý; các cơ quan quyền lực nhà nước mới bị ràng buộc bởi các cơ sở pháp lý, phải thực thi nếu không sẽ bị chế tài. Đó cũng chính là bản chất của nhà nước pháp quyền do pháp luật định đoạt, khác với nhà nước độc tài do kẻ cầm quyền quyết định.

Còn DTHP ở ta, do hiểu mục đích hiến định nhằm “khẳng định giá trị, vai trò”, “nội dung quyền con người”, nên Điều 35 DTHP nêu trên chỉ ghi vắn tắt đúng 11 chữ “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, không hề quy định các chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự để chế tài trách nhiệm nhà nước phải bảo đảm cho quyền đó thực thi, như trường hợp Đức, Đan Mạch chế tài nhà nước phải trợ cấp cho bất cứ ai không có thu nhập đủ bảo đảm cuộc sống bình thường.

Chính do nhầm lẫn giữa quyền con người và quyền cơ bản, nên DTHP đã đưa ra nhiều quyền, thậm chí nhiều góp ý còn đòi bổ sung thêm bao quyền ước mong nữa. Trong số đó có những quyền, nhiều nước hiện đại chưa dám đề cập, như Điều 38 DTHP: “Công dân có quyền làm việc”, họ không thể hiến định bởi thất nghiệp là bản chất của kinh tế thị trường, chỉ có thể hạn chế chứ không thể chấm dứt. Điều 40 “trẻ em có quyền... được chăm sóc giáo dục”, họ chỉ có thể bảo đảm được một phần chứ không phải tất cả, và đó còn là trách nhiệm gia đình. Tương tự, Điều 41 “có quyền được bảo vệ sức khoẻ” (nghĩa là trách nhiệm nhà nước chữa bệnh cho dân miễn phí?); Điều 44 “quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá” (nhà nước miễn phí tham quan du lịch, biểu diễn nghệ thuật, hội hè?); Điều 46 “quyền được sống trong môi trường trong lành” (trách nhiệm nhà nước bồi thường khi dân ngộ độc thực phẩm?), Điều 42, “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (nhà nước miễn học phí và cấp học bổng?). Chưa nói DTHP hiến định cả những quyền tình cảm không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật, như Điều 39 “Nam nữ có quyền kết hôn và ly hôn” (chẳng nhẽ ai ế, nhà nước phải có trách nhiệm mai mối cho họ kết hôn?); hay điều chỉnh cả công dân nước khác, khi Điều 19 hiến định Việt kiều với quá nửa đã thôi quốc tịch Việt Nam “là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và chỉ thuộc phạm trù tình cảm cội nguồn không thể chế tài.

Hệ luỵ nguy hại ở chỗ, do không chứa đựng đầy đủ ba thuộc tính cần có của khái niệm quyền cơ bản, nên quyền con người dù có ghi vào hiến pháp vẫn không hề thay đổi bản chất, tức thiếu tính pháp lý khả thi, làm mất thuộc tính tối thượng vốn có của hiến pháp, trở thành một bản tuyên ngôn, mất giá trị sử dụng khi ban hành! Có thể tham khảo trường hợp EU hiện cũng đang soạn thảo bổ sung Hiến pháp quyền cơ bản “có tài khoản ngân hàng”, dự kiến thông qua tháng 6.2013. Để bổ sung điều khoản đó, họ phải dựa trên kết quả điều tra thực tế, hiện có 30 triệu công dân EU không có tài khoản do thiếu tiền trả lệ phí, phải chịu thiệt thòi không tiếp cận được Internet, ký hợp đồng điện thoại, hay thuê nhà, tất cả đều đòi điều kiện phải có số tài khoản; từ đó dự toán sẵn quỹ tài chính để miễn lệ phí tài khoản, bảo đảm quyền có tài khoản một khi đã hiến định là được thực thi.

Hiến định quyền cơ bản, vì vậy, khâu đầu tiên hoàn toàn không nằm ở câu chữ mà ở chỗ: 1- phải xác định được chính xác ý nguyện thực tế của người dân, 2- dự liệu được tiền đề để chế tài trách nhiệm thực thi của bộ máy nhà nước vốn đóng vai trò công bộc chứ không phải cai trị – hai yếu tố quyết định cả sức sống trường tồn lẫn vai trò tối thượng của hiến pháp.

Do đó liên quan đến hiến pháp nói chung, có mấy vấn đề cần được lưu ý:

Thứ nhất, mặc dù có tầm quan trọng, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có hiến pháp thành văn. Ít nhất ba nước không có: Anh, New Zealand và Do Thái. Nhưng hầu như không ai nghi ngờ tính chất dân chủ ở ba nước ấy cả. Như vậy, vấn đề không phải là văn bản hay văn kiện. Vấn đề chính là sự tôn trọng của mọi người, từ giới cầm quyền đến dân chúng, đối với những nguyên tắc pháp quyền và dân chủ nói chung.

Thứ hai, không phải hiến pháp nào dài dòng và rườm lời là hay. Bản hiến pháp cổ nhất thời hiện đại và cũng là mẫu mực cho hiến pháp của hầu hết các quốc gia khác là của Mỹ. Được viết năm 1787, thông qua năm 1788 và có hiệu lực từ năm 1789, đó là bản hiến pháp ngắn nhất thế giới: nó chỉ có 4.543 từ (trong đó chữ “dân chủ” – democracy- không hề xuất hiện). Trong khi đó bản hiến pháp của Ấn Độ dài đến 117.369 từ (căn cứ trên bản tiếng Anh), được xem là bản hiến pháp của quốc gia dài nhất trên thế giới (ở một số nước, như Mỹ, một số tiểu bang cũng có hiến pháp riêng. Ở phạm vi tiểu bang, hiến pháp của tiểu bang Alabama, với 340.136 từ, dài gấp ba lần hiến pháp Ấn Độ; và gấp 40 lần hiến pháp của nước Mỹ). Không ai dám nói Mỹ ít dân chủ hơn Ấn Độ cả. (Ở Việt Nam, sau mỗi lần thay đổi, hiến pháp lại dài ra: bản 1946 có 70 điều khoản; năm 1959: 112 điều khoản; năm 1980 và 1992: 147 điều khoản. Tôi không tính từ vì trên computer chỉ tính được từng tiếng rời – đúng hơn là âm tiết, syllable - thôi.)

Thứ ba, như Dawn Oliver và Carlo Fusaro ghi nhận trong cuốn How Constitutions Change: A Comparative Study (Hart Publishing, 2011, tr. 405-433), chuyện sửa đổi hiến pháp, với những mức độ và dưới những hình thức khác nhau, là điều bình thường: Mỗi hiến pháp đều vừa có tính vững chắc để phác họa những hướng phát triển chiến lược lâu dài lại vừa có tính uyển chuyển đủ để đáp ứng các thay đổi của từng thời đại, thậm chí, từng thời kỳ. Tuy nhiên, như Jose Luis Cordeiro ghi nhận trong bài “Constitutions around the world: a view from Latin America”, việc sửa đổi hiến pháp quá nhiều không phải là một dấu hiệu tốt. Trên thế giới, không có nơi nào người ta thay đổi hiến pháp nhiều bằng ở vùng châu Mỹ Latin. Theo thứ tự: Dominican Republic (32 lần), Venezuela (26 lần), Haiti (24 lần), Ecuador (20 lần), El Salvador, Honduras và Nicaragua (cả ba đều 14 lần). Tất cả các nước này đều liên tục bị bất ổn. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là sự cố định của một bản hiến pháp, tự nó, không phải là điều hay: ở hầu hết các quốc gia độc tài ở Trung Đông và châu Phi, người ta chẳng tha thiết gì đến việc sửa đổi hiến pháp cả.

Vấn đề, như Cordeiro nhấn mạnh, là ở chỗ: “Câu trả lời cho những khủng hoảng về kinh tế và chính trị không phải là có nhiều luật hơn, đặc biệt nếu chúng xấu hoặc không được ứng dụng hoặc không thể ứng dụng. Tốt hơn hết là có ít luật: Đó là những luật tốt và được tôn trọng. Luật lệ không được thiết chế hóa cũng như không được tôn trọng là những luật lệ vô ích.”

Ở Việt Nam hiện nay, cũng như ở nhiều quốc gia độc tài trên thế giới, hiến pháp chỉ là một trò chơi tu từ (rhetorical game).

Nó vô ích.

Dĩ nhiên, nếu khéo léo, những người đối lập hoặc độc lập vẫn có thể biến trò chơi tu từ vô ích ấy thành một thứ cơ hội tốt để đạt được hai mục tiêu chính: một, gây nên một phong trào tranh luận thực sự trong dân chúng về những vấn đề chính trị quan trọng trong nước để, qua đó, rèn luyện ý thức công dân và hướng đến việc hình thành một xã hội dân sự tại Việt Nam; và hai, qua hiến pháp, đặt vấn đề về bản chất của chế độ và nhu cầu dân chủ hoá chế độ.

Làm giỏi, người ta có thể đẩy chính quyền và đảng lãnh đạo – những kẻ gài bẫy – vào thế bị sập bẫy.
Các quốc gia trên thế giới có rất nhiều điểm khác nhau. Khác về địa lý. Về diện tích. Về dân số. Về kinh tế. Về văn hoá. Về chế độ chính trị. Về sức mạnh quân sự. Về chỉ số dân chủ, minh bạch cũng như hạnh phúc. Rất nhiều. Hầu như chỉ có một điểm chung dễ thấy nhất: Nước nào cũng có hiến pháp. Không có hiến pháp thành văn thì có hiến pháp bất thành văn (như trường hợp Anh, Israel và New Zealand). Không những phổ biến, hiến pháp còn là một điều khẩn cấp và thiết yếu: Trong thời hiện đại, bất cứ quốc gia mới nào được ra đời - từ nội chiến hoặc từ sự tan rã của chế độ thực dân hay, gần đây, chế độ Cộng sản - cũng đều xem việc viết hiến pháp là một trong những công việc được ưu tiên hàng đầu.

Tính chất phổ biến, khẩn cấp và có vẻ như thiết yếu ấy cho thấy hai mặt tích cực và tiêu cực của hiến pháp.

Tích cực: Hầu như ở đâu người ta cũng nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của hiến pháp.

Tầm quan trọng ấy thể hiện ở mấy điểm chính:

Thứ nhất, hiến pháp là khung pháp lý căn bản nhất để xây dựng cấu trúc của các thiết chế chính quyền với những cơ quan và những chức danh lớn nhất - những nơi có nhiều quyền hành nhất trong một quốc gia.

Thứ hai, hiến pháp là cơ sở tạo nên tính chính đáng của nhà cầm quyền. Nó giống như lễ rửa tội cho một chế độ. Được hiến pháp công nhận, trên nguyên tắc, là được nhân dân trong nước và được quốc tế công nhận. Có thể nói, hiến pháp và việc thực thi theo hiến pháp, làm cho giới lãnh đạo vừa có thẩm quyền (authority) vừa có quyền lực (power).

Thứ ba, hiến pháp là nền tảng và là tiêu chí để dựa theo đó nhà cầm quyền soạn thảo các bộ luật khác nhằm điều hành đất nước cả trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại. Không có nền tảng và tiêu chí chung ấy, không thể có sự nhất quán trong các chính sách; không có sự nhất quán, chế độ không thể có một bản sắc riêng được.

Thứ tư, hiến pháp nêu lên một số lý tưởng và giá trị mà cả dân tộc đồng thuận và theo đuổi không những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai. Những lý tưởng và giá trị ấy vừa có chức năng tạo nên bản sắc cho quốc gia vừa có chức năng nối kết các công dân lại với nhau thành một cộng đồng. Chính ý niệm về bản sắc và sự nối kết ấy là những thành tố quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh của đất nước.
Thứ năm, hiến pháp là khế ước giữa những người cai trị và những người bị trị.

Trong khế ước ấy, những người cai trị biết được giới hạn quyền lực của mình và những người bị trị chấp nhận vị thế bị trị của mình: Một mặt, họ thừa nhận quyền lực của giới lãnh đạo; mặt khác, họ tự nguyện tuân thủ các quy định trong hiến pháp.

Một hiến pháp lý tưởng, trong một quốc gia dân chủ thực sự, thường bao gồm các yếu tố chính:

Một, nhắm đến mục tiêu chính là giới hạn quyền lực của giới lãnh đạo. Quyền lực bao giờ cũng có khuynh hướng trở thành độc tôn và sẵn sàng chà đạp lên người khác. Hiến pháp được đặt ra, trước hết, là để ngăn chận tình trạng lạm quyền và lộng quyền ấy. Nó ngăn chận bằng cách đặt ra những quy trình đi đến quyền lực, sự phân bố quyền lực, những giới hạn của quyền lực và những sự kiểm soát nghiêm nhặt mà những người có quyền lực phải chấp nhận.

Hai, nhắm đến mục tiêu bảo vệ những người bị trị. Xin lưu ý: Hiến pháp, tự bản chất, được viết là để nhằm bảo vệ những người bị trị chứ không phải bảo vệ những người cai trị. Giới cai trị không cần được bảo vệ: Họ đã có sẵn mọi quyền lực để tự bảo vệ họ. Chỉ có những người bị trị, những người dân thường, những người có quyền (right) và đã ủy thác thẩm quyền (authority) cho những kẻ có quyền lực (power), mới cần được bảo vệ, trước hết và quan trọng hơn hết, bảo vệ quyền sống như một con người, quyền tự do như một cá nhân và quyền ủy thác như một công dân (thể hiện qua việc bầu cử một cách tự do, minh bạch và bình đẳng).

Ba, những giá trị được đề ra trong hiến pháp phải có tính chất phổ quát, nghĩa là đặt trên nền tảng tôn trọng nhân quyền với ba nội dung chính là: tôn trọng sự bình đẳng của con người, tôn trọng quyền tự do của cá nhân và tôn trọng quyền tham gia của mọi công dân trong quá trình điều hành đất nước.

Bốn, nó là một sự chỉ dẫn và cũng là một sự bảo đảm cho một hệ thống pháp quyền (rule of law) thực sự. Quan hệ giữa hiến pháp và pháp quyền là một quan hệ hai chiều: Hiến pháp tăng cường sức mạnh cho pháp quyền và pháp quyền, ngược lại, làm cho hiến pháp có hiệu lực và giá trị. Không có hiến pháp (thành văn hoặc bất thành văn), pháp quyền sẽ không có nội dung cụ thể, từ đó, không có ý nghĩa. Không có pháp quyền, hiến pháp chỉ là những sự tuyên truyền suông.

Ở trên là những ý nghĩa tích cực của hiến pháp. Nhận ra ý nghĩa ấy, trong thời hiện đại, hầu như mọi chính trị gia, một cách thực lòng hay chỉ giả vờ, đều bày tỏ sự quan tâm đến hiến pháp. Đó là lý do chính giải thích tính chất phổ thông, khẩn cấp và có vẻ thiết yếu của hiến pháp ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, chính sự kiện nước nào cũng có hiến pháp, dân chủ có hiến pháp, đã đành; độc tài cũng có hiến pháp, và hiến pháp của họ có khi cũng rất hay, cho thấy là hiến pháp không nhất thiết gắn liền với dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền. Bản hiến pháp Mỹ năm 1789 đã trở thành nền tảng để xây dựng chế độ dân chủ ở Mỹ, và từ đó, ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng cũng với các bản hiến pháp dày cộm và đẹp đẽ trên tay, Stalin, Hitler và Mao Trạch Đông đã giết chết cả hàng chục triệu người, không thua kém bất cứ tên bạo chúa khát máu nào trong lịch sử nhân loại, kể cả ở các thời chưa từng có ý niệm hiến pháp. Trong ba người vừa kể, hầu hết các nạn nhân của Stalin và Mao Trạch Đông đều là chính dân chúng nước họ, những kẻ, trên nguyên tắc, được xem là đồng-tác giả của hiến pháp nước họ.

Điều đó cho thấy, một, tuy trên lý thuyết, hiến pháp ra đời cùng với ý niệm dân chủ, nhưng trên thực tế, tự bản thân nó, hiến pháp không là gì cả; và hai, hiến pháp có những mặt tiêu cực: được/bị sử dụng như một công cụ để trấn áp nhân dân.
Hiến pháp được/bị sử dụng cho những mục tiêu xấu như thế nào?

Thứ nhất, nó chỉ nhắm đến mục đích trao quyền nhưng lại làm ngơ trước vấn đề phân quyền và hạn chế quyền lực. Bằng cách ấy, nó chỉ có tác dụng củng cố chế độ độc tài và toàn trị.

Thứ hai, với dân chúng, nó chỉ đặt ra vấn đề bổn phận và trách nhiệm nhưng lại không nhấn mạnh vào các quyền chính trị, xã hội và pháp lý của họ. Bằng cách ấy, nó tước đoạt các quyền căn bản của người dân, biến dân chúng thành những tên nô lệ hiện đại nhằm phục vụ cho giới cầm quyền tham lam và tàn bạo.

Thứ ba, ngay cả khi được viết bằng một thứ ngôn ngữ rất tiến bộ, phù hợp với các yêu cầu chung trên thế giới, nhưng nếu không được thi hành, một bản hiến pháp cũng không có giá trị gì trừ việc trở thành cái cớ pháp lý để chính quyền đàn áp nhân dân.

Trong ba mục tiêu trên, hai mục tiêu đầu có thể được nhìn thấy ngay trên văn bản; mục tiêu thứ ba chỉ có thể được nhìn thấy bằng cách phân tích chu cảnh chính trị (political context) của quốc gia. Ở khía cạnh này, Việt Nam cũng giống hầu hết các quốc gia độc tài khác, thường sử dụng hiến pháp như một cách để biện chính cho quyền lực của mình và để tạo thế chính đáng cho chế độ của mình. Khi họ biết dân chúng đánh mất niềm tin ở họ, khi trong nước càng ngày càng có nhiều người phản đối họ, họ bèn bày vẽ ra chuyện viết lại hoặc sửa đổi hiến pháp, sau đó, thông qua hiến pháp để có thể lu loa với mọi người, trong cũng như ngoài nước, là họ đã được nhân dân ủy thác cả thẩm quyền và quyền lực. Tệ hơn nữa, sau đó, họ có thể sử dụng hiến pháp ấy như một công cụ để trấn áp dân chúng và duy trì sự độc tài của mình.

Nói hiến pháp là một con dao hai lưỡi là vì thế.

Bí ẩn về ướp xác lãnh tụ trên thế giới

Mặc dù, chính phủ Venezuela vừa quyết định bỏ ý đồ ướp và phơi bày vĩnh viễn xác của cố Tổng thống Hugo Chavez sau khi đoàn chuyên gia được mời từ Nga sang cho là công việc ướp xác, nếu có thể thực hiện được, cũng sẽ rất khó khăn, mất thời gian và tốn kém: Xác của ông phải để lại ở Nga ít nhất bảy tháng. Chính phủ Venezuela tuyên bố bỏ cuộc.Tuy nhiên trong thế kỷ 20 và hơn mười năm đầu của thế kỷ 21, trên thế giới có chín lãnh tụ được ướp xác dài hạn (hoặc với ý định dài hạn), bao gồm, theo thứ tự thời gian:

1.  Vladimir Lenin (Nga): Chết ngày 21/1/1924, xác được ướp và bày trong lăng Lenin tại Moscow. Các nhà khoa học cho cái xác hiện được bày trong tủ kính chỉ có khoảng 10% cơ thể của Lenin: ngoài các bộ phận bên trong bị cắt bỏ khi ướp, các bộ phận bên ngoài cũng dần dần bị phân hủy, do đó, người ta phải thay thế bằng đồ giả (ví dụ tai và mũi đều bằng sáp, tròng mắt là hai viên bi!).

2. Georgi Dimitrov (Bulgaria): Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgaria, chết ngày 2/7/1949, xác được ướp và bày trong lăng tại Sofia. Tháng 8/1999, khi chế độ Cộng sản sụp đổ, xác bị đem hỏa táng, sau đó, chôn; và lăng cũng bị đập nát.

3. Joseph Stalin: Sau khi chết vào ngày 5/3/1953, xác được ướp vào bày bên cạnh Lenin, tuy nhiên, đến năm 1961, trong chiến dịch xét lại và chống nạn sùng bái cá nhân, Nikita Krushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đã quyết định mang xác Stalin đi chôn trong một nghĩa trang nhỏ ngay sau lăng.

4. Klement Gottwald (Tiệp Khắc): Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, chết ngày 14/3/1953, xác được ướp và bày trong lăng tại Prague, nhưng đến năm 1962, một phần vì phong trào chống sùng bái cá nhân tại Liên Xô, môt phần vì xác bắt đầu bị hư thối trầm trọng, nên bị mang đem đốt.

5. Hồ Chí Minh: Chết ngày 2/9/1969, xác được ướp và cho đến nay, vẫn được bày trong lăng ở Hà Nội.

6. Mao Trạch Đông: Chết ngày 9/9/1976, xác được ướp và bày trong lăng ngay trong Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

7. Ferdinand Marcos: Chết ngày 28/9/1989 tại Hawaii, được vợ, bà Imelda, ướp xác; và bốn năm sau, mang về bày trong khuôn viên gia đình. Đến nay, người ta vẫn không biết cái xác được bày trong tủ kính ấy thật hay giả. Có nhiều tin đồn cho xác thật của Marcos đã được mang đi chôn, còn xác trong tủ kính chỉ được làm bằng sáp. (Trong một bài báo đăng trên The New York Times ngày 9/3/2011, phóng viên Seth Mydans tường thuật: lăng của Marcos rất quạnh quẽ, hầu như không có ai chăm sóc, kể cả việc quét dọn; có thời gian công ty điện lực dọa cắt điện vì không ai trả hóa đơn. Điều đó càng củng cố niềm tin cái xác trong tủ kính không phải là xác thật.)

8. Kim Il-Sung (Kim Nhật Thành): Chết ngày 8/7/1994, xác được ướp và bày trong Cung tưởng niệm Kumsusan tại Bắc Triều Tiên.

9. Kim Jong-il (Kim Chính Nhật): Chết ngày 17/12/2011, xác cũng được ướp và bày như bố.

Nhìn vào bản danh sách trên, chúng ta thấy một số điểm chung:

Thứ nhất, trừ Marcos của Philippines, tất cả những người còn lại đều là lãnh tụ Cộng sản.

Thứ hai, tất cả, kể cả Marcos, đều là những lãnh tụ độc tài và nổi tiếng là tàn bạo.

Dưới thời Lenin, có khoảng từ 6 đến 8 triệu người bị chết hoặc vì chiến tranh hoặc vì đói hoặc vì bị thanh trừng. Thời Stalin, các sử gia đưa ra nhiều con số nạn nhân khác nhau, nhưng trung bình là khoảng 51 triệu người, trong đó có khoảng 20 triệu bị giết chết trong thập niên 1930 (trước đệ nhị thế chiến). Thời Mao Trạch Đông, có khoảng từ 40 đến 72 triệu người bị chết (hoặc bị giết hoặc bị đói do chính sách “đại nhảy vọt” của đảng). http://necrometrics.com/20c5m.htm

Tại Bắc Hàn, dưới thời Kim Nhật Thành, theo ước tính của R.J. Rummel, có khoảng từ 710.000 đến 3.549.000 người bị giết chết.

Riêng Marcos, trong 20 năm làm tổng thống Philippines (1966-1986), đã tham nhũng và thâm lạm công quỹ đến khoảng 5 tỉ Mỹ kim, thậm chí, có chuyên gia còn cho là nhiều hơn nữa.

Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong các cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào giữa thập niên 1950, đã giết chết cả hàng chục ngàn người. Gần đây, một số người cho ông làm vậy là do sức ép của Liên Xô và đặc biệt, của các cố vấn Trung Quốc. Tuy nhiên, có sức ép hay không, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của miền Bắc lúc ấy, ông cũng không thể tránh được trách nhiệm giết hại rất nhiều đồng bào vô tội của mình.

Thứ ba, trừ trường hợp cái xác của Marcos còn bị nghi ngờ, có ba xác đã bị đem đi hỏa táng và chôn, trên thế giới hiện nay, chỉ còn năm xác còn được bày, trong đó, Bắc Triều Tiên chiếm kỷ lục với hai xác: Đó cũng là một nước độc tài nhất, tàn bạo nhất và cũng nghèo đói nhất. Trong khi đó, chi phí ướp xác Kim Nhật Thành năm 1994 (do Nga thực hiện) mất khoảng một triệu Mỹ kim; chi phí bảo quản bằng khoảng 800.000 Mỹ kim.

Thứ tư, trong năm cái xác còn lại ấy, xác của Lenin, theo dự đoán của nhiều người, có lẽ sẽ được mang đem hỏa táng hoặc đem đi chôn sớm. Như vậy, sẽ chỉ còn lại bốn xác: Tất cả đều nằm ở châu Á và thuộc ba quốc gia theo chế độ Cộng sản trong mấy quốc gia Cộng sản cuối cùng trên thế giới.

Thứ năm, trừ trường hợp của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, chúng ta không thể biết rõ, tất cả những người còn lại đều bị ướp xác hầu như hoàn toàn ngoài ý muốn. Lenin muốn được chôn cạnh mộ của mẹ ông ở St. Petersburg. Trước khi chết, Hồ Chí Minh đã nói rõ ý định của mình: thiêu xác và chia tro ra làm ba phần cho ba miền Nam, Trung và Bắc. Mao Trạch Đông cũng muốn được hỏa táng.

Với cả ba người, quyết định ướp xác và bày trong tủ kính đều do những người thừa kế quyền hành. Với xác Lenin, đó là quyết định của Stalin; với hai người sau, là Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị Việt Nam quyết định khá sớm, lúc Hồ Chí Minh đang hấp hối, do đó, Bác sĩ Sergi Debov, trưởng ban ướp xác của điện Kremlin được mời sang Việt Nam hai ngày trước khi ông tắt thở để chuẩn bị.

Ở Trung Quốc, thoạt đầu Bộ Chính trị chỉ ra chỉ thị ướp xác Mao Trạch Đông trong vòng 15 ngày để tổ chức lễ truy điệu, nhưng sau đó, đổi ý, họ muốn ướp xác vĩnh viễn. Vì quyết định muộn, lúc xác đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy, việc ướp xác trở thành cực kỳ khó khăn. Theo lời Zhisui Li, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, có lúc mặt Mao Trạch Đông căng phồng lên, tròn như một quả bóng, còn cổ thì phình ra bằng cái đầu! Da trên má thì rách toạc từng chỗ. Trông rất dị dạng. Các bác sĩ phải tìm cách nắn bóp rồi vá víu lại để trông có vẻ bình thường. Lúc ấy, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đã rất căng thẳng nên không thể xin Liên Xô giúp được. Trung Quốc cử một phái đoàn sang Việt Nam hỏi kinh nghiệm ướp xác Hồ Chí Minh (vốn được Nga giúp) nhưng Việt Nam từ chối. Cuối cùng họ cũng tự xoay xở được, dĩ nhiên, kẻ chịu đựng sự mày mò thử nghiệm của họ chính là cái xác chết của Mao Trạch Đông!

Vấn đề là: Tại sao những người kế quyền Cộng sản lại thích ướp và bày xác của các lãnh tụ quá cố của mình như vậy?

Câu trả lời thường nghe nhất là do tâm lý sùng bái cá nhân, xem cá nhân lãnh tụ như thần thánh, muốn họ trở thành bất tử ngay trước mắt mọi người.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính là người ta muốn lợi dụng tâm lý sùng bái để đầu tư quyền lực và quyền lợi của mình trên huyền thoại của những cái xác ấy. Ví dụ, ở Nga, theo Nina Tumarkin, trong cuốn Lenin Lives! The Lenin Cult in Russia, năm 1924, lúc Lenin mất, giới lãnh đạo Cộng sản sợ là cái chết của ông sẽ dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa vừa mới được xây dựng ở Nga. Họ đều biết phần lớn sức mạnh của chế độ đều nằm ở uy tín và huyền thoại bao quanh Lenin. Họ rất hoảng loạn. Khi thấy khoảng hơn 700.000 người bất chấp cả băng tuyết lạnh buốt ở Moscow để đến viếng thi hài Lenin, Stalin và Bộ Chính trị mới quyết định khai thác ngay cái xác ấy: Mang đi ướp và bày cho mọi người xem!

Đó cũng chính là lý do khiến Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn quyết định ướp xác lãnh tụ của họ. Họ biết họ yếu. Họ cần thần hộ mạng: Đó là những cái xác đã được khoét hết tất cả các cơ quan nội tạng, được ướp bằng vô số các hóa chất khác nhau để cho khỏi hư thối.

Chế độ họ còn tồn tại được, quyền lực và sự ưu đãi của họ còn kéo dài được một phần là nhờ những cái xác ấy. Bởi vậy, đừng hy vọng người ta sẽ mang những cái xác ấy đi chôn sớm. Không đâu. Giới lãnh đạo không dại dột đến như vậy: Những cái xác ấy còn nuôi được họ mà!

Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Nhiều vị lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới được ướp xác vĩnh viễn để đời sau có cơ hội  thăm viếng và bày tỏ sự tôn kính.
 Thi thể của lãnh tụ Liên Xô vĩ đại Vladimir Lenin trong lăng tại Quảng trường Đỏ tại Moscow, Nga. Lenin qua đời năm 1924.
Thi thể của lãnh tụ Liên Xô vĩ đại Vladimir Lenin trong lăng tại Quảng trường Đỏ tại Moscow, Nga. Lenin qua đời năm 1924.
Thi hài của Joseph Stalin từng đượp đặt trong lăng cạnh Lenin từ năm 1953, nhưng bị đưa ra khỏi lăng và đem chôn vào năm 1956, sau khi Đại hội đảng CS Liên Xô lần thứ 20 lên án tệ sùng bái cá nhân.
Thi hài của Joseph Stalin từng đượp đặt trong lăng cạnh Lenin từ năm 1953, nhưng bị đưa ra khỏi lăng và đem chôn vào năm 1956, sau khi Đại hội đảng CS Liên Xô lần thứ 20 lên án tệ sùng bái cá nhân.
Binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bày tỏ lòng tôn kính trước thi thể của lãnh đạo Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao qua đời vào năm 1976.
Binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bày tỏ lòng tôn kính trước thi thể của lãnh đạo Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao qua đời vào năm 1976.
 Thi hài của Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) được quàn trong lăng  ở Bình Nhưỡng. Kim Nhật Thành qua đời ở tuổi 82 vào ngày 8/7/1994.
Thi hài của Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) được quàn trong lăng ở Bình Nhưỡng. Kim Nhật Thành qua đời ở tuổi 82 vào ngày 8/7/1994.
Thi thể của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại Đài tưởng niệm Kumsusan Palace tại Bình Nhưỡng, tháng 12/2011. Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011.
Thi thể của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại Đài tưởng niệm Kumsusan Palace tại Bình Nhưỡng, tháng 12/2011. Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011.
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos đứng bên thi thể của chồng là cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nằm trong quan tài kính tại lăng Marcos năm 1996. Ông Marcos qua đời khi sống lưu vong ở Hawaii (Mỹ) vào năm 1986. Bà Imelda Marcos đã ướp xác chồng và chuyển thi thể của ông về nước vào năm 1993.
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos đứng bên thi thể của chồng là cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nằm trong quan tài kính tại lăng Marcos năm 1996. Ông Marcos qua đời khi sống lưu vong ở Hawaii (Mỹ) vào năm 1986. Bà Imelda Marcos đã ướp xác chồng và chuyển thi thể của ông về nước vào năm 1993.
Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela vừa qua đời hôm 5/3 sẽ được ướp xác vĩnh viễn và đặt trong quan tài kính để người dân có thể đến thăm viếng thường xuyên.
Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela vừa qua đời hôm 5/3 sẽ được ướp xác vĩnh viễn và đặt trong quan tài kính để người dân có thể đến thăm viếng thường xuyên.


Để ướp xác lãnh tụ Lênin và cố chủ tịch Kim Nhật Thành, các chuyên gia lấy hết nội tạng trong cơ thể, hủy tĩnh mạch và lấy hết máu ra khỏi các mô.

Lãnh tụ Xô viết Lênin

Vladimir Ilich Ulianov, nổi tiếng với bí danh Lênin, đã trút hơi thở cuối cùng, sau gần hai năm bị các cơn đau và đột qụy hành hạ vào lúc 6h50 chiều ngày 21/4/1924. Ngay lập tức, các cơ quan chính thức của nước Nga đã họp thảo luận vấn đề giải quyết thi hài của Lênin. Theo truyền thống, thi hài Lênin được ướp tạm thời để bảo quản cho tuần quốc tang trước khi an táng, nhưng Stalin đã quyết định ướp xác lâu dài. Những dấu hiệu của sự phân hủy đã xuất hiện trên cơ thể Lênin, nhưng phải sau gần 5 tuần, vào ngày 13/3/1924, Bộ Chính trị Nga mới đưa ra quyết định "bảo quản thi hài Lênin nhờ nhiệt độ thấp".
Thế nhưng cái lạnh chỉ khiến tình trạng của thi hài trở nên xấu hơn. Cách ướp xác thông thường, được giáo sư Abricosov sử dụng để bảo quản tạm thời thi hài (tiêm qua động mạch chủ 6 lít cồn, phoocmaldehit và glyxerin) không có tác dụng. Cuối cùng, Stalin cùng Dgierginxki nhất trí tiến hành ướp xác lâu dài theo phương pháp của Vorobiev. Theo đó, thi hài Lênin được mở ra, mọi cơ quan nội tạng được lấy ra hết. Sau đó, các giáo sư rửa sạch lồng ngực bằng nước cất. Mặt, hai bàn tay và toàn bộ bề mặt da được phủ bằng khăn ướt tẩm phoormaldehit. Quá trình này kéo dài 4 tháng.
Để hiệu quả hơn, các giáo sư đã được phép của đảng, khía lên bụng, vai, chân, lưng và lòng bàn tay của thi hài lãnh tụ cho dầu ướp xác thấm vào và ngấm khắp toàn bộ thi thể. Sau đó, họ mới thả Lênin vào bồn cao su ngập đầy thứ rượu thuốc bí mật.
Giáo sư Ilia Zbarxki, người gìn giữ thi hài Lênin, giải thích: "Trong thành phần của dung dịch có glyxerin, axetat kali và clo-quinin. Công thức này đã được nhà bác học Manicov Razvedencov đưa ra vào thế kỷ XIX. Mỗi tuần chúng tôi lại dùng khăn thấm chất lỏng lên mặt và hai bàn tay của xác ướp".
Hàng năm, Lăng Lênin đóng cửa một tháng rưỡi để ngâm thi hài trong dung dịch và thấm đẫm nó bằng các chế phẩm hoá học.

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông

Ngày 9/9/1976, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông từ trần. Ngay tối hôm đó, Bộ Chính trị Trung Quốc họp khẩn cấp, xác định phải bảo quản thi thể ông để mọi người đến viếng. Họ ấn định thời gian là 15 ngày.
Sinh thời, Chủ tịch Mao Trạch Đông là người đề xướng chủ trương hỏa táng và là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên ký vào văn bản đề nghị hỏa thiêu thi hài sau khi chết. Vì thế, thời gian bảo quản lúc đầu được ấn định là 15 ngày để tiến hành các hoạt động viếng và truy điệu. Thế nhưng, trong thời gian tiến hành hoạt động truy điệu, ngày 10/9, Trung ương đảng do Hoa Quốc Phong đứng đầu lại quyết định bảo quản lâu dài thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông, xây dựng lăng mộ để người đời sau được thấy di dung của ông.
Đây quả là một vấn đề lớn đối với các nhân viên y tế. Thông thường sau khi những lãnh tụ chết 2 giờ, thi thể họ phải được giải phẫu, lấy nội tạng ra, dùng hóa chất tẩy rửa mọi mạch máu trong cơ thể, sau đó đem ngâm vào phoóc-môn và một số hóa chất khác để ướp xác. Trong khi đó, thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc đầu lại chỉ xử lý đơn giản, không được rửa mạch máu, nay làm theo quy trình bình thường thì không được nữa.
Cuối cùng, quyết định được đưa ra là lựa chọn phương pháp của các nhà khoa học Bắc Kinh: kết hợp giữa bảo quản ngâm dung dịch với bảo quản khí. Những phần da cần lộ ra bên ngoài như phần đầu và hai bàn tay thì bảo quản bằng khí, còn lại toàn thân không cần bộc lộ thì được ngâm trong chất lỏng. Ngoài ra, họ còn phải áp dụng tổng hợp các biện pháp bảo quản khác như vật lý, quang học. Tóm lại, đó là sự tổng hợp các biện pháp rất phức tạp.
Khi Nhà kỷ niệm mở cửa cho nhân dân vào thăm thì thi hài được đặt vào vị trí mà người ta có thể quan sát nhưng không đổ nước vào trong quan tài. Sau khi đóng cửa, thi hài lại được đưa xuống ngâm trong bồn kín dưới hầm ngầm. Ngoài ra, hàng năm cứ sau sinh nhật Chủ tịch Mao Trạch Đông, tức là 26/12, thì Nhà kỷ niệm đóng cửa để nhân viên kỹ thuật ngâm thi hài trong dung dịch một thời gian dài, bổ sung phần nước đã bị mất.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành

Cố chủ tịch Kim Nhật Thành đã được các chuyên gia Nga ướp xác sau khi qua đời năm 1994. Hiện nay di thể của ông được đặt trong Cung tưởng niệm Kumsusan.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ Moskovsky Komsomolets, ông Pavel Fomenko, người đã tới Triều Tiên hỗ trợ ướp xác chủ tịch Kim Nhật Thành, đã nói rõ hơn về quy trình ướp xác.
"Thông thường ba đến sáu chuyên gia tham gia những ca ướp xác. Những ca đặc biệt thì số lượng chuyên gia có thể lên tới bảy. Đầu tiên, tất cả nội tạng được lấy ra, tĩnh mạch bị hủy bỏ và máu được lấy ra khỏi các mô của cơ thể. Thi hài được đặt trong một bồn thủy tinh chứa đầy dung dịch để ướp, sau đó đóng lại và được phủ một tấm vải trắng. Các điều kiện chính xác về nhiệt độ và độ ẩm được duy trì trong phòng chứa thi hài", ông nói.
Dần dần, nước trong các tế bào của cơ thể sẽ được thay thế bởi dung dịch ướp. Quá trình này diễn ra trong khoảng 6 tháng. Fomenko cho biết, chính phủ Triều Tiên đã chi hàng triệu USD để ướp và duy trì thi hài của chủ tịch Kim Nhật Thành.

Cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il

Thi hài ông Kim Jong-il tại Cung tưởng niệm Kumsusan ở Bình Nhưỡng trong những ngày quốc tang.
Thi hài ông Kim Jong-il tại Cung tưởng niệm Kumsusan
ở Bình Nhưỡng trong những ngày quốc tang. (Ảnh: AFP)
Ông Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011 do một cơn đau tim khi đang đi tàu. Hàng trăm nghìn người dân Triều Tiên đã đổ ra đường phố Bình Nhưỡng, khóc thương thảm thiết trong tiết trời mưa tuyết, khi đoàn xe tang chở thi hài ông Kim Jong-il đi qua các con phố thủ đô.
Một năm sau ngày ông mất, Bình Nhưỡng mới hé lộ thi hài được bảo quản của cố lãnh đạo Kim Jong-il, vẫn trong trang phục khaki nổi tiếng. Ông Kim nằm dưới cha ông, Kim Nhật Thành, một vài tầng nhà trong Cung kỷ niệm Kumsusan. Nơi đó từng là văn phòng của chủ tịch Kim Nhật Thành. Thi hài ông Kim Jong-il được phủ một tấm chăn màu đỏ, với ánh đèn chiếu rọi vào gương mặt, trong căn phòng ngập tràn sắc đỏ.

 Mặc dù công nghệ ướp xác đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây, các chuyên gia được báo chí dẫn lời cho rằng chưa có công nghệ bảo quản xác mãi mãi ở thể trạng ban đầu.

Hãng tin AP của Hoa Kỳ có bài viết với câu mở đầu: "Không ai sống mãi - mà cũng không ai tồn tại mãi. Ít nhất là nếu không được tu chỉnh thường xuyên."
AP cũng dẫn lời chuyên gia ướp xác Vernie Fountain nói: "Điều đầu tiên phải nhớ về chuyện ướp xác như chúng tôi đang làm ở Hoa Kỳ là nó nhằm mục đích trì hoãn quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể; nó không phải là để giữ xác vĩnh viễn."
Ông Fountain, người cũng là sáng lập viên Viện Hàn lâm Quốc gia Fountain về Kỹ thuật Ướp xác, giải thích thêm rằng các chuyên gia ướp xác thường dùng máy để bơm chất hóa học, chủ yếu là formaldehyde, vào động mạch trong cơ thể và hút hầu hết máu ra thông qua ven.
Chuyên gia này nói một chất hóa học khác, humectant, được dùng để "làm cho cơ thể phồng lên, lấp vào những chỗ trống và tăng độ ẩm."
Ngoài ra người ta sẽ dùng tới kỹ thuật trang điểm, thậm chí cả phẫu thuật thẩm mỹ, để xác ướp trông tươi tắn hơn.
Các chuyên gia Hoa Kỳ dường như chủ yếu coi ướp xác chỉ là để bảo quản thi thể trong một thời gian ngắn trước khi tiến hành hỏa táng hay chôn cất.
Tổng thống Abraham Lincoln cũng được ướp xác sau khi bị ám sát hồi năm 1865 để thi thể của ông không bị hủy hoại trong chặng đường ba tuần bằng tàu về Springfield ở bang Illinois.

Công nghệ Nga

Trong khi người Mỹ xem việc ướp xác chỉ là tạm thời, công nghệ ướp xác lãnh tụ lâu dài của Nga được xem là công nghệ hàng đầu.
Cả Việt Nam và Bắc Triều Tiên đều nhờ tới các chuyên gia Nga khi ướp xác các cố lãnh tụ Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.
"Mỗi tuần hai lần, chúng tôi tẩm ướt toàn bộ mặt và hai tay với dung dịch đặc biệt."
Ilya Zbarsky, thành viên của nhóm chuyên bảo quản thi thể Lenin
Xác ướp của lãnh tụ Vladimir Lenin hiện vẫn ở trong lăng tại Quảng trường Đỏ, gần 90 năm sau khi ông qua đời.
Hãng tin CNN dẫn lời bà Nina Tumarkin, tác giả cuốn 'Lenin Sống mãi! Sùng bái Lenin ở nước Nga Soviet', nói quyết định ướp xác Lenin phản ánh một giai đoạn lịch sử sóng gió tại Liên Xô còn non trẻ.
Bà nói: "Nhiều người sợ rằng chế độ sẽ không sống sót được khi ông qua đời."
Theo bà, nhiều nhà lãnh đạo lúc đó còn lưỡng lự về chuyện có nên tổ chức lễ viếng quốc gia cho ông không vì sợ sẽ không có nhiều người tới.
Tuy nhiên có đến 750.000 người không quản thời tiết băng giá trong tháng Một để tới đứng nhiều giờ chờ vào viếng Lenin.
Đây là lý do họ quyết định bảo quản xác vị cố lãnh tụ và cũng là để chứng minh cho khả năng của nền khoa học Nga.
Bà Tumarkin nói Lenin ngày nay trông không còn được như xưa bất chấp chuyện mặt ông đã luôn được chỉnh sửa bằng cách thay mới các dung dịch ướp.
Tác giả cũng nhận xét thêm rằng những hàng dài chờ viếng Lenin đã không còn mà thay vào đó là những người tản bộ trong lăng như đi vào bảo tàng sáp.
Lenin trong lăng
Công nghệ ướp xác của Nga được xem là tiên tiến
Mặc dù có các chuyên gia hàng đầu, Nga không liên quan tới việc giữ gìn thi thể nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông của Trung Quốc do căng thẳng quan hệ giữa hai nước vào thời điểm đó (1976).
Hãng thông tấn Bấm AP dẫn lời bác sỹ của Mao nói Việt Nam, khi đó có quan hệ với Nga tốt hơn với Trung Quốc, cũng không giúp Bắc Kinh.
Trong khi đó Bấm Washington Post lại nói Việt Nam không thể giải thích được cho phía Trung Quốc về cách chế ra quan tài không có không khí bên trong khi được tham vấn.
Trả lời phỏng vấn Bấm BBC hồi năm 1999, Ilya Zbarsky, một thành viên của nhóm chuyên bảo quản thi thể Lenin thuộc Viện Nghiên cứu Cấu trúc Sinh học ở Moscow nói về công nghệ bảo quản của Nga:
"Mỗi tuần hai lần, chúng tôi tẩm ướt toàn bộ mặt và hai tay với dung dịch đặc biệt.
"Chúng tôi cũng có thể cải thiện một số biến chất nhỏ.
"Mỗi năm một lần lăng đóng cửa và toàn bộ cơ thể được tắm bằng dung dịch này."
Bài viết của BBC hồi năm 2011 cũng nói hàng năm xác của cố lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đều được đưa sang Nga để tân trang.

Ướp xác bất thành

Nhân sự kiện ông Hugo Chavez sẽ được ướp xác, các báo cũng nhắc lại những vụ ướp xác dở chừng hay bất thành.
Washington Post dẫn nguồn tạp chí Time nói nhà lãnh đạo Joseph Stalin của Nga nằm cạnh Lenin trong lăng ở Quảng trường Đỏ gần 10 năm nhưng sau đã bị đem chôn vì các tân lãnh đạo muốn xóa bỏ chủ nghĩa sùng bái ông.
"Mặt Mao tròn như quả bóng, và cổ to bằng đầu."
Bác sỹ của Mao, Lý Chí Thỏa, nói về sự cố khi ướp xác Mao
The Huffington Post nói Chủ tịch Czech và Slovakia, ông Klement Gottwald, được ướp cùng năm với Stalin nhưng rồi cũng bị đem hỏa táng vào cùng khoảng thời gian Stalin bị đưa ra khỏi lăng.
Nhưng lý do ông Gottwald bị đem hỏa táng là vì phần bụng, hông và tay đã bị thoái hóa tới mức không thể phục hồi được.
Washington Post nói thi thể được gìn giữ của bà Eva Peron, vợ cố Tổng thống Argentina Juan Peron, đã bị mất một ngón tay do quân nổi dậy đã chiếm nhà của vị Tổng thống khi lật đổ ông và cắt một ngón tay của bà để xem xác đó là giả hay thật.
Trong khi đó hãng tin AP dẫn lời Lý Chí Thỏa, bác sỹ riêng của Mao Trạch Đông, viết trong cuốn 'Đời tư của Mao Chủ tịch' rẳng Trung Quốc đã dùng công thức có được từ một tạp chí phương Tây tại thư viện y khoa ở Bắc Kinh để ướp xác Mao, nhưng lại tăng số lượng hóa chất với hy vọng sẽ bảo quản được xác tốt hơn.
Ông Lý viết: "Kết quả thật kinh khủng.
"Mặt Mao tròn như quả bóng, và cổ to bằng đầu."
Ông Lý nói nhóm ướp xác đã phải bỏ ra nhiều giờ để mát-xa và trang điểm để Mao trông bình thường hơn nhưng cũng chuẩn bị sẵn một thi thể bằng sáp để phòng trường hợp bất trắc.

Nếu bạn là Lãnh tụ, bạn có muốn ướp xác không?

Nhân chuyện chính phủ Venezuela quyết định ướp xác ông Chavez để dân chúng được chiêm ngưỡng lâu dài, xem lại chùm ảnh từng công đoạn bảo quản thi hài Lenin: (người yếu tim không nên xem tiếp)  










Phim Russian TV Channel
Theo báo chí: Năm 2006 đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Vladimia Ilich Lênin (22/4/1871-22/4/2006), nước Nga đã công bố nhiều tài liệu xưa nay vẫn được coi là tuyệt mật về Lênin, trong đó có các tài liệu về việc bảo vệ thi hài và Lăng Lênin trong suốt gần thế kỷ qua.
Để ướp xác lãnh tụ Lênin, các chuyên gia lấy hết nội tạng trong cơ thể, hủy tĩnh mạch và lấy hết máu ra khỏi các mô.
Vladimir Ilich Ulianov, nổi tiếng với bí danh Lênin, đã trút hơi thở cuối cùng, sau gần hai năm bị các cơn đau và đột qụy hành hạ vào lúc 6h50 chiều ngày 21/4/1924. Ngay lập tức, các cơ quan chính thức của nước Nga đã họp thảo luận vấn đề giải quyết thi hài của Lênin. Theo truyền thống, thi hài Lênin được ướp tạm thời để bảo quản cho tuần quốc tang trước khi an táng, nhưng Stalin đã quyết định ướp xác lâu dài.
Những dấu hiệu của sự phân hủy đã xuất hiện trên cơ thể Lênin, nhưng phải sau gần 5 tuần, vào ngày 13/3/1924, Bộ Chính trị Nga mới đưa ra quyết định "bảo quản thi hài Lênin nhờ nhiệt độ thấp".
Chuyện shock nhung-bi-mat-de-bao-quan-thi-hai-cac-lanh-tu-quoc-gia-news
Thi hài lãnh tụ Xô viết Lê Nin
Thế nhưng cái lạnh chỉ khiến tình trạng của thi hài trở nên xấu hơn. Cách ướp xác thông thường, được giáo sư Abricosov sử dụng để bảo quản tạm thời thi hài (tiêm qua động mạch chủ 6 lít cồn, phoocmaldehit và glyxerin) không có tác dụng. Cuối cùng, Stalin cùng Dgierginxki nhất trí tiến hành ướp xác lâu dài theo phương pháp của Vorobiev.
Theo đó, thi hài Lênin được mở ra, mọi cơ quan nội tạng được lấy ra hết. Sau đó, các giáo sư rửa sạch lồng ngực bằng nước cất. Mặt, hai bàn tay và toàn bộ bề mặt da được phủ bằng khăn ướt tẩm phoormaldehit. Quá trình này kéo dài 4 tháng.
Để hiệu quả hơn, các giáo sư đã được phép của đảng, khía lên bụng, vai, chân, lưng và lòng bàn tay của thi hài lãnh tụ cho dầu ướp xác thấm vào và ngấm khắp toàn bộ thi thể. Sau đó, họ mới thả Lênin vào bồn cao su ngập đầy thứ rượu thuốc bí mật.
Giáo sư Ilia Zbarxki, người gìn giữ thi hài Lênin, giải thích: "Trong thành phần của dung dịch có glyxerin, axetat kali và clo-quinin. Công thức này đã được nhà bác học Manicov Razvedencov đưa ra vào thế kỷ XIX. Mỗi tuần chúng tôi lại dùng khăn thấm chất lỏng lên mặt và hai bàn tay của xác ướp".
Hàng năm, Lăng Lênin đóng cửa một tháng rưỡi để ngâm thi hài trong dung dịch và thấm đẫm nó bằng các chế phẩm hoá học.