Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Hậu trường showbiz Việt

Kỳ 1: Treo đầu dê và quỵt cát sê 
Không còn lộ liễu lừa khán giả như trước, nhiều bầu sô hiện nay chơi trò lập lờ để lừa khán giả, nhất là ở các vùng quê… 
Khi bầu sô chơi chữ
 
Ca sĩ Đan Trường - một nạn nhân thường xuyên của các kiểu “treo đầu dê” - Ảnh: Nghĩa Phạm
Ông Hoàng Tuấn, người quản lý của ca sĩ Đan Trường, cho biết với thâm niên “chinh chiến” trên các “trận mạc” sân khấu, ông thu lượm không ít “trò” lừa khán giả của các bầu sô, đơn vị tổ chức dỏm. Nếu trước đây, chuyện thường gặp trên các băng rôn quảng cáo chương trình ca nhạc (chủ yếu ở các tỉnh) là mời các ca sĩ có tên ăn theo ca sĩ nổi tiếng (như Đàm Vĩnh Hùng, Cao Mỹ Tâm, Jinny Nguyễn, Kim Lê Quyên…) thì nay, “thú chơi chữ” được ưa chuộng hơn. “Nhóm người mẫu (viết rất nhỏ) Phi Nhung, Cẩm Ly (viết to); rồi Tặng ảnh (viết nhỏ) Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng (viết to) hay Ca sĩ A, B, C… biểu diễn những tình khúc (nhỏ) Đan Trường song ca với Cẩm Ly (to)… Đó là các kiểu viết băng rôn thường gặp ở những chương trình phía bắc, phải đọc kỹ mới thấy”, ông Hoàng Tuấn nói. Ông bầu này cũng cho biết ngoài những trường hợp “vô tình… nhìn được bí kíp” khi chạy sô tỉnh, lắm lúc tổng đài riêng của Đan Trường nhận được thông báo về các kiểu “treo đầu dê” do fan ở các nơi gọi về, và nếu liên lạc được với cơ quan quản lý địa phương thì thông báo ngay để kịp thời xử lý.
Trường hợp khác, cái tên Cao Thái Sơn cũng bị “mượn” để bán vé “gần như thường xuyên ở các sô ca nhạc tạp kỹ hoặc hội chợ nhỏ tại các địa phương”, theo quản lý của ca sĩ này. Cao Thái Sơn chia sẻ, nhiều lần được fan gọi điện thoại báo khi sô diễn đã xong, có lúc nghe tin mà hết hồn vì nhà tổ chức thông báo Sơn không diễn được là vì đi đường bị tai nạn! 
Đóng kịch để quỵt tiền
Mới đây, trong buổi ra mắt album của một ca sĩ trẻ, phía dưới sảnh họp, nhiều phóng viên thấy một nhóm người đứng phát tờ rơi như rải truyền đơn cho từng nhà báo tới dự. Thì ra là nhóm người của “bà bầu mới” - người mẫu Phi Thanh Vân tới phát đơn kiện ông bầu của ca sĩ trẻ (trước đây từng là quản lý của cô) vì tội quỵt cát sê và đủ thứ tiền nợ. Đọc kỹ một xấp đơn kiện chừng 10 tờ giấy A4, thấy trong đó nhiều ca sĩ như Hồng Nhung, Thu Minh… đang mệt mỏi vì bị thiếu nợ viết giấy tay, ký tên đòi nợ ông bầu kia… Tổng số nợ của bầu sô trẻ bị rêu rao sơ sơ có khoảng… 700 triệu đồng. Hỏi ngay bầu sô trẻ tên K., giờ tính sao, anh ta cười: “Kệ nó, chưa trả chứ không phải không trả!”.
Hàn Thái Tú kể về một vụ quỵt tiền hy hữu mà anh là nạn nhân của một “màn kịch quá ngộ”. “Sau khi diễn xong. Hai vợ chồng bầu sô cãi nhau chí chóe, không ai chịu trả tiền cho ca sĩ rồi bỏ về. Chúng tôi đi theo đến nhà thì họ nhanh chóng khóa cửa tắt đèn. Gọi điện thì họ chửi và hăm dọa ngược lại. Đành ra về tay không, vì mình đâu biết làm gì hơn!”, Hàn Thái Tú nói.
Nhiều ca sĩ cho biết thêm, khi bầu sô mời hát, thỏa thuận cát sê xong xuôi, có giấy trắng mực đen ký hẳn hoi, thế nhưng diễn xong, họ bắt chẹt và chặn cát sê ca sĩ với kiểu đưa không đủ số tiền đã thỏa thuận trước. Ví dụ, 30 triệu đồng thì họ đưa 20 triệu, với lý do… khán giả vỗ tay ít, ca sĩ hát không sung, hoặc bên công ty họ phật ý, chê (nếu là sô event).
Ca sĩ T. kể lại kinh nghiệm chinh chiến trong cánh gà trước giờ hát: “Đi hát đã lâu, tôi thừa hiểu mánh lới giật tiền của các bầu, nên dù thỏa thuận cát sê đâu ra đó, nhưng khi tới điểm hát, trước khi bước ra sân khấu, tôi luôn lấy tiền trước mới hát, vì đã nhiều lần tôi hát xong, bầu sô chuồn thẳng, một đi không quay lại. Gọi điện thoại thì máy ò í e, coi như tự hiểu mình bị mất tiền suất hát đó vì không có chuyện sau đó họ sẽ đưa lại. Nhiều bầu đàng hoàng thì việc đưa trước hay đưa sau cũng vậy, nên họ sẽ đưa liền khi mình có ý kiến, còn bầu cà chớn thì sẽ lớn tiếng đủ chuyện để không đưa. Có lần, tôi hát ở tỉnh với cát sê 40 triệu đồng, nhưng bầu chỉ đưa 30 triệu, nói chỉ đưa có nhiêu đó, lấy giùm! Tôi phải làm căng, nói không đưa đủ thì sẽ không bước ra sân khấu. Tất nhiên tôi biết, mình là ca sĩ hát vì tình cảm của khán giả, nhưng chạy sô tỉnh, ca sĩ cứng cựa là phải biết lấy tiền trước khi ra hát, chứ không là mất luôn.
Dằn qua dằn lại, bầu sô nhất định bớt giá thỏa thuận với kiểu rất giang hồ. Tôi liền gọi ngay cho anh em công an quen biết để phòng ngừa chuyện nguy hiểm cho mình. Sau những lần như vậy, tôi cạch tay bầu sô nào có biểu hiện quỵt tiền và thề không bao giờ cộng tác nữa”.

Kinh nghiệm cho thấy, các ca sĩ chạy sô ở miền Bắc thường lấy tiền trước (với các ông bầu lạ), bởi không ít người bị quỵt tiền vì chương trình vừa xong thì bầu sô bỏ trốn.
(Quản lý ca sĩ Đan Trường)

Kỳ 2: Bán mạng để chạy sô 
Trời mưa, kẹt xe… khiến ca sĩ không đến hát kịp là chuyện thường, đến điểm diễn rồi nhưng vẫn bể sô mới là điều khiến nhà tổ chức lẫn ca sĩ đau đầu.

Ca sĩ Thanh Thảo - Ảnh: P.T.T 
Nhà tổ chức… tham lam
Rất nhiều ca sĩ cho biết, trong những lần về diễn ở các tỉnh miền Tây, dù họ đã đến nơi nhưng không thể vào sân khấu hát được. Và chương trình vẫn… bể như thường! Nguyên nhân bởi nhà tổ chức, bầu sô không có kinh nghiệm hoặc không có trách nhiệm trong công tác tổ chức, để ca sĩ tự thân mò mẫm tìm đường vào sân khấu, giữa hàng ngàn khán giả xô đẩy nhau để nhìn ca sĩ. “Không có bảo vệ, cũng chẳng có lối đi riêng nào để chúng tôi vào. Nhắm tình hình không thể hát được, chúng tôi báo với bầu sô để xin lỗi khán giả”, ca sĩ Cẩm Ly cho biết. Bởi đã từng có trường hợp khi ca sĩ cố gắng chen, lách giữa đám đông mà đi, vô đến nơi thì MC cũng thông báo kết thúc chương trình.
Lý do khác gây bể sô, thường xảy ra hơn hết, chính là vì bầu sô… tham lam, nhận một đêm 4, 5 điểm diễn ở 2, 3 tỉnh khác nhau. Nhạc sĩ Minh Vy (chồng ca sĩ Cẩm Ly) cho rằng vào dịp lễ, tết, theo quy luật bầu sô thường nhận ít nhất 4 điểm diễn/đêm (mỗi nơi cách nhau khoảng 30-70 km hoặc có khi nhiều hơn). Và thường những “tour” như thế thì anh không nhận lời, vì “rất dễ xảy ra tai nạn”. Tai nạn không chỉ trong nghề nghiệp, là bể sô (vì không đến kịp nơi diễn), mà chính là tai nạn giao thông. Bởi, như một ca sĩ thổ lộ, chuyện chạy quá tốc độ cho phép, từ 100-120 km/giờ, rồi bị bắn tốc độ… trở thành “thường ngày ở huyện”; và việc tặng đĩa  rồi xin lỗi CSGT “cho em qua” cũng không còn lạ (song có khi vẫn nộp phạt vì không phải lúc nào cũng gặp may).

 

Vì muốn duy trì tình cảm với khán giả ở các tỉnh, nhất là những nơi mà ngày thường hiếm khi nào đến diễn, đành phải chấp nhận cả nguy hiểm vậy.

Ca sĩ Thanh Thảo

Dịp tết vừa rồi, cả đoàn ca sĩ (Đan Trường, Thanh Thảo, Lâm Vũ, Hàn Thái Tú, Dương Ngọc Thái…) khi đang di chuyển từ điểm diễn này đến nơi diễn khác, ở miền Trung, thì một vụ tai nạn giao thông xảy ra gây kẹt xe gần 3 tiếng. Khi lưu thông được, đến điểm diễn đã gần 1 giờ sáng, và sô bể là tất nhiên. Biết là nguy hiểm và cũng biết khả năng bể sô rất có thể xảy ra trong những ngày tết, nhưng rất nhiều ca sĩ vẫn “bán mạng để chạy sô”, như ca sĩ Thanh Thảo tâm sự. Bởi vì “muốn duy trì tình cảm với khán giả ở các tỉnh, nhất là những nơi mà ngày thường hiếm khi nào đến diễn, đành phải chấp nhận cả nguy hiểm vậy”.
Ca sĩ chữa cháy cho nhau
Không đến mức gây bể sô, nhưng chính vì sự chủ quan của ca sĩ (có khi vì lý do khách quan, như lạc đường chẳng hạn) khiến nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra trên sân khấu, nhằm “chữa cháy” do ca sĩ chưa đến kịp.
Cách đây không lâu, trong một chương trình có truyền hình trực tiếp, sau khi nhóm Amigo-G biểu diễn xong tiết mục của mình, vì ca sĩ kế tiếp chưa đến nên MC đã nhắc khéo ra hát thêm bài nữa. Vậy là nhóm tiếp tục hát, dù theo chia sẻ của Phương Trinh “tụi em được dặn kỹ là không giao lưu, tránh làm mất thời gian…”. Hát xong bài “bonus”, ca sĩ vẫn chưa đến nên nhóm được dịp giao lưu, chia sẻ những kế hoạch sắp tới. À ơi suốt một hồi mà vẫn không thấy bầu sô phía cánh gà ra hiệu dừng để bước vào trong, thế là nhóm tiếp tục kéo dài đủ chuyện. Khán giả ở dưới không hiểu sao nhóm này lại nói dông dài đến thế, thậm chí có vài tiếng la ó kêu vào đi. “Khổ cho tụi em là vậy, nhưng cũng may khán giả không la ó lâu và ca sĩ khác đến kịp. Trong cái xui vẫn có cái hên, vì nhóm có điều kiện giới thiệu thêm về mình khi vừa thành lập”, Phương Trinh kể lại.
Xem chương trình ca nhạc ở các phòng trà hay sân khấu khác, dễ thấy những trường hợp “hát thêm” nhiều một cách bất thường của ca sĩ, không ngoài lý do: ca sĩ sau chưa đến kịp. Có ca sĩ sau khi hát liên tục 3, 4 bài, chào khán giả và “hẹn gặp lại dịp gần nhất”, quay vào cánh gà thì được MC ra hiệu gì đó, tiếp tục trở ra “nhưng vẫn chưa muốn chia tay, quý vị có muốn được nghe tiếp không ạ…”, thế là tiếp tục chương trình chữa cháy. Thậm chí có ca sĩ không chịu nổi, hoặc phải chạy vì sô khác đang chờ, thì nhạc công đành… đóng thế, lúc sô lô, khi hòa tấu nhìn nhau thấy thương!
MC Thúy Hạnh cũng đã phải một lần ra sức nói vì lỡ giới thiệu đến phần trình diễn của ca sĩ H. khi ca sĩ này chưa tới kịp. Người đẹp đành phải nói một tràng về tiểu sử của ca sĩ, đến từ đâu, gặt hái thành công như thế nào, ước mơ nghề nghiệp ra sao… Nói một hồi, vẫn chưa thấy ca sĩ có mặt, đạo diễn cứ lấp ló sau cánh gà giơ tay lắc lắc ra dấu ca sĩ vẫn chưa tới, cô cũng… bí lời. Khi thấy mình đã nói nhiều, khán giả cũng ngơ ngác lắm rồi, cô đành “nói thật” là do ca sĩ còn chuẩn bị nhiều thứ để phần trình diễn bất ngờ hơn, nên cô mới nói nhiều như vậy. Thực sự, riêng cái khoản “nói thật” này cũng giúp cô kéo ra thêm được vài phút để ca sĩ H. kịp tới điểm hát. Nhiều MC cũng đã gặp không ít trường hợp này, nên họ muốn chia sẻ cho khán giả hiểu: ‘Khi thấy chúng tôi nói nhiều quá trước một phần trình diễn nào thì mong khán giả hãy hiểu rằng chúng tôi không phải muốn nói nhiều để khán giả ghét, mà đó chỉ là một trong những sự cố cần phải ứng biến, đối phó của nghề “làm dâu” cho đủ họ; cả khán giả, bầu sô, đạo diễn và ca sĩ ngôi sao… này”.

  Kỳ 3: Bị sàm sỡ, đánh nhau và “chặt chém” 


Một ca sĩ cho biết gần 8 năm nay cô không nhận sô ở những sân khấu nhỏ, điểm diễn không an toàn chỉ vì sợ bị sàm sỡ và bị “văng miểng” vạ lây không đáng!
Ca sĩ phải biết tự vệ
Chuyện lợi dụng đám đông hoặc nhân lúc tặng hoa để “sờ soạng” hay bắt tay rồi tuột đồ (đồng hồ, vòng, ví, điện thoại...) của ca sĩ tuy đã giảm nhiều so với 5, 7 năm trước, nhưng đến nay vẫn diễn ra. 
Ca sĩ trẻ N. hẳn nhớ đời về sự cố bất khả kháng: bị khán giả chạy lên sân khấu sờ vào vùng nhạy cảm của mình rồi vọt nhanh xuống khiến anh không kịp trở tay, và bảo vệ cũng không thể đỡ nổi. Rồi ca sĩ Đ. trong lần diễn ở sân khấu ngoài trời, khi đang hát thì bị fan cuồng chạy từ trong cánh gà ra hôn, cô né được thì anh này nhào đến đè cố hôn cho được buộc ca sĩ phải “chịu trận” cho đến khi bảo vệ chạy lên can thiệp. Ca sĩ B. khi hát ở sân khấu ngoài trời tại Gia Lai cũng bị khán giả nam chạy lên tặng hoa rồi đè hôn khiến cô suýt ngã. Quá bất ngờ và khó chịu, cô đành tạm biệt khán giả. Ca sĩ S. kể lại, trong dịp biểu diễn ở huyện Xuân Mai, Hà Nội, sau khi một khán giả nam vờ lên tặng hoa cho S. và vũ công rồi có những hành động thiếu lịch sự mà S. né được, anh này cùng nhóm bạn tiếp tục quấy rối khi S. ra về, chạy xe máy lạng lách trước đầu xe và không cho xe S. chạy.
Không chỉ sàm sỡ, nhiều ca sĩ còn bị quăng côn trùng, ném đá… chỉ vì khán giả quá khích hoặc xin đĩa mà không được cho. Ca sĩ T. cũng kể chuyện từng bị fan nữ trát bột mắt mèo gây ngứa lên mặt. “Cô gái đó ủng hộ tôi nhiều lắm, nhưng lại nảy sinh ganh tị với những fan khác. Khi tôi hát, cô ấy thường lấy khăn giấy lau mồ hôi cho tôi nhưng lần đó, cô ấy cố tình trát bột mắt mèo vào khăn, khiến mặt tôi ngứa rần lên, không thể tiếp tục hát được nữa”.

Nhiều ca sĩ đã bị rơi vào tình huống dở khóc dở mếu như bị ôm hôn bất ngờ - Ảnh: T.L
Nhiều ca sĩ đến giờ vẫn còn rùng mình khi nhắc lại chuyện ca sĩ Đan Trường bị một khán giả lén bỏ thuốc lắc vào rượu rồi mời uống khi anh đi diễn tại một vũ trường ở Hải Phòng. Đan Trường kể lại: “Trước giờ, tôi không bao giờ dùng thuốc lắc, ai mời rượu cũng chỉ nhấp môi nhưng người ta quá nhiệt tình nên cũng uống chút đỉnh. Thế rồi, vừa uống xong, tôi bị sốc thuốc ngay sau đó. Anh Hoàng Tuấn đưa tôi tới bệnh viện và sau đó thì cũng may là mọi chuyện đều ổn. Tôi không hiểu người đàn ông đó nghĩ thế nào mà lại làm như vậy”. Sau sự cố mà Đan Trường gặp phải, từ ngôi sao đến ca sĩ mới vào nghề đều từ chối rượu khán giả mời khi diễn ở quán bar, vũ trường.
Cười trước, “chém” sau
Chuyện giới ca sĩ nhiều người “bằng mặt mà không bằng lòng”, cười với nhau rồi “chém” sau lưng hay cả khi đối mặt nhau cũng không phải là hiếm.
Đáng nói là đôi khi sự vụ “nhỏ như con thỏ”, nhưng vì thiếu kiềm chế và hơn thua nên chuyện bé xé to. Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương trong một lần trò chuyện kể lại những ngày đầu còn là phận hát lót đã chứng kiến những vụ việc mà cô chẳng thể giải thích được. “Có những người chơi thân với nhau như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau, nổi tiếng ai cũng biết, nhưng có thể chỉ vì một chuyện bé xíu trong hậu trường mà họ sẵn sàng chửi bới nhau, to tiếng tới độ khán giả ở dưới cũng có thể nghe thấy. Tôi tự hỏi chẳng biết họ có hiểu được hình ảnh của họ trong mắt công chúng đẹp như thế nào và giờ họ lại cư xử với nhau như vậy”.
Cãi nhau chỉ là chuyện nhỏ, có ca sĩ còn rút mã tấu ra chém nhau như phim. Như chuyện nhóm HKT và quản lý ca sĩ Quang Hà ẩu đả bằng mã tấu ngay trong đêm diễn ở Tân Trụ, Long An, chỉ vì mỗi việc: quản lý của Quang Hà vội bỏ đĩa nhạc vào dàn âm thanh để Quang Hà ra hát ngay sau phần trình diễn 3 bài hát của HKT, trong khi HKT muốn hát thêm. Từ trên sân khấu, 3 thành viên nhóm nhạc này đã nhảy xuống sân, đến thẳng khu vực chỉnh nhạc để “xử” quản lý Quang Hà, may mà lực lượng bảo vệ can thiệp kịp thời. Chưa dừng ở đó, một thành viên nhóm HKT chạy đến xe du lịch đậu bên ngoài, mở cốp lấy mã tấu vào định “xử” tiếp thì bị tước hung khí. Vụ ẩu đả làm hàng trăm khán giả chạy tán loạn, đêm diễn phải dừng lại khá lâu. Một chuyện khác nữa là, hai ca sĩ L.H và L.C.K do xích mích đã nhảy bổ vào nhau một cách hùng hổ trước mặt bao nhiêu khán giả tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) khiến những người chứng kiến thật sự thất vọng...

Ca sĩ bị hành hung
Ca sĩ Mỹ Dung kể lại trong một lần biểu diễn tại Sân vận động Thái Nguyên, gần đến giờ biểu diễn, bất ngờ toàn bộ hệ thống điện tắt ngúm nên kéo dài giờ mở màn. Sau đó, khoảng 1/3 số khán giả (trong tổng số khoảng 6.000 người vào sân) cùng tràn lên sân khấu. Khung cảnh vô cùng hỗn loạn: đánh đập, giằng xé với ca sĩ, cướp giật đồ của họ, khiến ca sĩ mạnh ai nấy chạy. Khi đã trốn được dưới gầm sân khấu rồi, Mỹ Dung còn bị những cánh tay thò vào, cào cấu, giật xé... Đến khi tháo chạy, núp vào bức tường gần trụ sở công an tỉnh, những khán giả hiếu chiến vẫn bám theo... trả đũa ca sĩ. Công an TP.Thái Nguyên sau đó đã vào cuộc để giải quyết vụ việc khán giả hành hung các nghệ sĩ trong đêm diễn.
Thu nhập nghệ sĩ - kẻ khóc người cười
 Những dư luận xung quanh việc “ông hoàng catsê” Đàm Vĩnh Hưng nhận đến 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng) để hát tại đám cưới con một đại gia ở Hà Tĩnh một lần nữa cho thấy nghệ sĩ hiện tại dư dả hơn rất nhiều.
 Choáng váng khoảng cách catsê
Nghệ sĩ Việt có trăm nẻo “mưu sinh”, và “giá” của nghệ sĩ cũng chênh lệch đáng kể.
Với một đêm diễn, có ca sĩ nhận 100-200 triệu đồng, có người mẫu nhận 40-60 triệu đồng nhưng diễn viên kịch chỉ nhận 500.000-1 triệu đồng. Trong ảnh: những ca sĩ có catsê cao: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà (từ trái sang) - Ảnh: Gia Tiến
Góp vui trong “đám cưới bạc tỉ” tại Hà Tĩnh ngoài Đàm Vĩnh Hưng còn có ba danh ca hải ngoại khác mà catsê được chính người trong cuộc xác nhận là 5.000 USD hoặc “cao gấp 4-5 lần so với hát ở Mỹ”. Dù thực hư các con số thế nào thì đó cũng là khoản tiền “hậu hĩnh” cho khoảng mười mấy phút “lao động nghệ thuật” của giới ca sĩ. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao dù luôn than vãn làm sô hay băng đĩa đều “thu được vốn là mừng”, nhưng các ca sĩ vẫn mạnh tay chi ào ào cho các dự án băng đĩa lẫn live show tiền tỉ của mình. Bởi họ đã có những “nguồn thu xung quanh” bù đắp.
Ca sĩ - thiên hạ đệ nhất catsê
"Thù lao một vai kịch, diễn tập ròng rã, diễn triền miên không bằng một phân đoạn phim truyền hình, mỗi ngày có thể quay mấy phân đoạn"
NSƯT Việt Anh
Thực tế cho thấy ca sĩ hiện vẫn là giới kiếm tiền nhanh, dễ và khá nhất so với nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác. Hiện tại một người mẫu hàng đầu như Thanh Hằng (nghề nghiệp được cho là được hưởng thù lao xa xỉ nhất) thường có catsê 40-60 triệu đồng, trong khi một ca sĩ hạng sao như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... có catsê vào khoảng từ 100-200 triệu đồng, không tính thuế cho một đêm diễn “sự kiện”.
Người mẫu không chỉ có thù lao thấp hơn mà số sô diễn trong ngày, trong tuần cũng không bao giờ bằng ca sĩ. Giỏi lắm một siêu mẫu có chừng ba sô diễn một tuần đã là “như mơ”. Trong khi với những ca sĩ đương thời thì một đêm chạy sô bốn điểm diễn là bình thường, hỏi sao các chân dài hiện nay không tính đường lấn sân ca hát dù thực lực có hạn! Nếu đem ra so thì catsê của người mẫu và ca sĩ hạng xoàng là ngang nhau, 300.000-500.000 đồng/sô. Nhưng ca sĩ thì ít nhất cũng được một, hai sô/đêm và một tuần cũng ít nhất có ba đêm “lên sân khấu”. Tính ra nếu không tiêu xài hoang phí, dù là ca sĩ hạng xoàng cũng sống được với nghề.
Nhưng giới ca sĩ vẫn luôn than vãn, về việc làm live show hay băng đĩa đều lỗ, dù vé xem live show có bán đến 4-5 triệu đồng/vé và đĩa có khi bán đến 500.000 đồng/album. Ca sĩ Đức Tuấn cũng từng úp mở rằng đã lỗ đến một nửa với live show Thiên Thai đầu tư gần 5 tỉ đồng cho hai đêm diễn tại TP.HCM và Hà Nội vào năm ngoái. Tuy nhiên anh vẫn không tỏ ra quá lo lắng vì đã làm được một chương trình “để đời” và chỉ cần “cày” khoảng một đến một năm rưỡi là sẽ bù đắp được. Không phải là cái tên đình đám nhất làng nhạc Việt, nhưng catsê của Đức Tuấn cũng ở khoảng 35-40 triệu đồng/sô sự kiện. Với những sô biểu diễn bình thường, catsê của anh ở mức 25-30 triệu đồng. Và lịch chạy sô của anh cũng thuộc hàng “ná thở” với đủ loại chương trình biểu diễn, ra mắt sản phẩm, hội nghị khách hàng, khai trương, giao lưu văn hóa... khắp các tỉnh thành trong nước và nước ngoài.
Với những ca sĩ đã có “hạng”, trừ việc phải bỏ tiền ra làm album hay tổ chức live show, bất cứ chương trình biểu diễn nào của họ đều quá “hời”. Một sự thật đáng lưu tâm là khi ca sĩ lao động nhọc nhằn nhất, hát phòng trà với 20-30 ca khúc/đêm (riêng Đàm Vĩnh Hưng có thể hát một lèo đến 40 ca khúc/đêm) thì catsê dành cho “ngôi sao”, như chia sẻ từ phòng trà WE, cũng vào khoảng 50 triệu đồng, chỉ bằng 1/2 hay 1/4 so với việc hát đôi ba ca khúc ở các sự kiện. Vậy nên rất nhiều giọng hát “thường thường bậc trung” vẫn vui với nghề bởi 10 triệu đồng tiền thù lao cho một sô diễn đã là... “mê ly”.
Diễn viên điện ảnh: catsê bí mật
Các diễn viên điện ảnh ở ta đa số là tay ngang, thế nhưng khi đã chạm được cái ngõ hẹp của ngành nghệ thuật thứ bảy này thì ma lực của nó đã giữ chân họ lại. Kinh phí làm phim luôn là một con số ảo, vì thế catsê cho diễn viên cũng luôn là một điều bí mật. Và nếu thử hỏi một ai đó về catsê của họ khi tham gia một dự án phim nhựa rình rang, bạn sẽ khó mà nhận được câu trả lời, hoặc nếu có cũng không chính xác vì còn phải cộng trừ nhân chia cho các khoản môi giới, thuế... Với đôi ba phim chiếu tết đình đám, diễn viên chính có thể nhận trên dưới 100 triệu đồng.
Còn như một số nhà sản xuất thạo tin đã tiết lộ, “kỷ lục gia” catsê phim điện ảnh tại VN đã thuộc về Dustin Nguyễn với vai diễn trị giá 500 triệu đồng trong Giữa hai thế giới. Được biết, Johnny Trí Nguyễn mới đây đã tham gia một dự án phim ở Ấn Độ với catsê không dưới 100.000 USD. Nhưng đó là thù lao mà anh nhận được từ một dự án ngoài nước, còn dự án trong nước thì catsê cho bộ phim sắp ra mắt Cưới ngay kẻo lỡ của Johnny cũng trên dưới 10.000 USD (200 triệu đồng). Vai diễn của Thái Hòa trong Long ruồi cũng tương tự, nhưng sau khi phim đạt doanh thu khủng, nhà sản xuất đã thưởng thêm cho anh số tiền “kha khá gọi là...”. Thực tế không có nhiều diễn viên điện ảnh được thù lao ưu ái như thế. Thậm chí có diễn viên còn không nhận đồng thù lao nào, miễn là được có mặt trong một bộ phim hoành tráng, hầu hết đều chỉ nhận được một khoản catsê “cho vui” từ 20-50 triệu đồng cho một vai chính mà thôi.
Nói về catsê, nghệ sĩ kịch nói Ái Như (trái) tặc lưỡi: “Nhắc đến thấy tủi thân thôi!” - Ảnh: Gia  Tiến
Nghệ sĩ kịch, cải lương: tủi thân với catsê “hẻo”
Cũng mang nghiệp diễn nhưng các nghệ sĩ kịch nói, cải lương “hẻo” hơn nhiều so với các diễn viên điện ảnh - truyền hình. Nghệ sĩ kịch nói Ái Như tặc lưỡi: “Nhắc đến thấy tủi thân thôi!”. Một nghệ sĩ sân khấu kịch hay cải lương cũng chỉ có thể kiếm được trung bình 500.000 đồng cho một suất diễn dành cho vai diễn chính, có thoại, có số phận. Còn những vai phụ hoặc làm dàn bao thì chỉ có giá từ 100.000-200.000 đồng cho một đêm diễn. Những ngôi sao như Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy mỗi suất diễn có thể nhận thù lao cao hơn nhưng chẳng đáng là bao so với ba tiếng đồng hồ khản tiếng trên sân khấu với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố trên đời. NSƯT Anh Tú (trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ) thì “bật mí” con số 300.000 đồng cho mỗi suất diễn của mình.
Thu nhập của các diễn viên hài có thể khá hơn nếu họ chịu chạy sô các tụ điểm ở thành phố vào dịp cuối tuần hoặc chạy sô tỉnh hay sô hải ngoại. Catsê cho các nhóm hài ba người từ 500.000-1,5 triệu đồng nếu diễn ở tụ điểm, 2 triệu nếu diễn ở quán bar, 2-5 triệu nếu đi tỉnh.
Riêng đối với nghệ sĩ cải lương muốn sống được với nghề họ phải làm siêng đi hát cúng đình, chùa, miếu vào mùa lễ hội với mức thù lao vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Nếu đi diễn tỉnh hát hội chợ hay đại nhạc hội thì được vài triệu đồng cho một lần hát hai bản vọng cổ. Cũng có vài nghệ sĩ cải lương được mời đến các phòng VIP của quán nhậu, hát vài bản vọng cổ không micro ngay bên bàn tiệc cùng với một nhạc sĩ guitar phím lõm, sau đó có thể nhận được số tiền boa khá hậu hĩnh từ các đại gia. Với những trường hợp cá biệt, nghệ sĩ còn được tặng những món quà giá trị lớn ngay trên bàn nhậu, tuy nhiên cái giá phải đánh đổi cũng không ít.
Các nghệ sĩ hài, nghệ sĩ cải lương cũng có thể tăng thu nhập nếu được các bầu sô hải ngoại mời lưu diễn. Tuy nhiên thường thì họ phải tự lo chi phí visa, giấy tờ và sẽ “gỡ” lại khi sang nước ngoài bằng cách chạy sô cuối tuần, bán đĩa, đi hát đám tiệc mừng thọ, mừng sinh nhật cho những bà con Việt kiều nào có nhu cầu...
Diễn viên truyền hình “sống tốt”
Ở lĩnh vực phim truyền hình, theo đạo diễn Xuân Phước - giám đốc Hãng phim Xuân Phước: “Các diễn viên đóng vai chính catsê 5-6 triệu đồng/tập. Những diễn viên dù không đóng vai chính nhưng xếp vào hạng A được ký hợp đồng theo phân đoạn. Giá cũng dao động từ 400.000-500.000 đồng/phân đoạn. Trong khi đó diễn viên phụ chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/phân đoạn”. Tuy nhiên trên thực tế, mức catsê đối với những ngôi sao cho phim truyền hình cao hơn mặt bằng chung nhiều (trên 10 triệu đồng/tập tùy từng hãng phim).
Trào lưu độc quyền diễn viên có vẻ không còn thích hợp mà thay vào đó là diễn viên ký hợp đồng đóng khoảng 2-3 bộ phim cho một hãng phim. Catsê sẽ giảm một chút nhưng bù lại thu nhập ổn định hơn. Đạo diễn Xuân Phước cho hay: “Với thu nhập như vậy, diễn viên truyền hình không những sống được mà còn sống tốt nữa. Những diễn viên chỉ đóng vai phụ cũng kiếm được kha khá nếu chăm chỉ làm việc. Việc diễn viên truyền hình sau vài năm đóng phim mà mua được xe hơi (loại bình thường) là chuyện thường”.
Đa năng như nghệ sĩ Việt
Ngoài công việc chính, các nghệ sĩ còn tranh thủ “thời của mình” để làm những công việc khác. Thu nhập từ những nguồn này cũng rất đa dạng và đáng kể.

Các nghệ sĩ Việt cùng tham gia một game show với vai trò giám khảo (Nguyễn Quang Dũng, Khánh Thi, Chí Anh), MC (Thanh Bạch, Thanh Vân) và thí sinh (Đoan Trang, Ngô Thanh Vân, Minh Béo, Siu Black...)-Ảnh: GIA TIẾN
Đã qua rồi cái thời nghệ sĩ chỉ biết chăm chăm tập thoại, học bài hát, đến trường quay hay sân khấu ca nhạc rồi về lại học thoại, tập hát. Bây giờ nghệ sĩ Việt đã tiến gần đến khái niệm “nghệ sĩ đa năng” như những nghệ sĩ nước ngoài. Ngoài công việc chính trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, các nghệ sĩ “đang lên” còn có cơ hội làm nhiều công việc khác có liên quan hoặc không liên quan đến nghệ thuật nhưng cũng mang lại nguồn thu khá lớn.
“N” trong một
Trước đây ca sĩ, người mẫu thường tranh thủ “thâm canh” thêm ở lĩnh vực phim ảnh. Nay thì xu hướng “nhà nhà người người đi hát, dù có biết hát hay không!” lại phổ biến. Diễn viên, người mẫu, “hot girl”, “hot boy”... ai cũng đua nhau tuyên bố “tôi sẽ làm ca sĩ”, vì rõ ràng catsê nghề ca sĩ vẫn là số một hiện nay.
Bộ ba diễn viên kịch Hòa Hiệp - Bá Thắng - Lương Thế Thành hợp thành một nhóm nhạc nam và khá đắt sô đi diễn tỉnh lẫn hải ngoại. MC Trấn Thành hay diễn viên Quách Ngọc Ngoan sau thành công của cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo cũng đã bắt đầu đi hát sô phòng trà hoặc các tụ điểm với catsê rất khá. Các diễn viên truyền hình như Lê Quý Bình, Mai Phương, Ngân Khánh... bên cạnh việc đóng phim cũng tuyên bố làm ca sĩ và lần lượt ra album hoặc đĩa đơn được đầu tư công phu. Các “chân dài” như Hà Anh, Phi Thanh Vân, Chung Thục Quyên, Trúc Diễm..., mới nhất là Ái Phương thì tích cực luyện thanh, học nhảy và nung nấu quyết tâm lấn sân cầm mic.
Nghề dẫn chương trình - MC - cũng là một trong những nghề phụ hái ra nhiều tiền của nghệ sĩ. Xuất thân từ diễn viên nhưng lâu nay Quyền Linh lại gắn chặt với nghề MC. Hiện anh đang dẫn chương trình 10 sô truyền hình trên cả HTV lẫn VTV. Với ca sĩ Tạ Minh Tâm, bên cạnh nghề hát, dạy học và đôi lúc đóng phim... thì làm MC cho chương trình Chung sức trong một thời gian khá dài cũng giúp thu nhập của anh tăng lên một cách đáng kể.
“Nóng” nhất và thời thượng nhất phải kể đến nghề đi làm giám khảo giữa thời buổi các cuộc thi, các chương trình truyền hình thực tế đang ngày càng nở rộ. Ca sĩ Siu Black, Hồng Nhung, nhạc sĩ Tuấn Khanh, Đức Huy, Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Huy Tuấn, người mẫu Thúy Hạnh, nghệ sĩ Thành Lộc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng... đã và đang “hành nghề chấm điểm” ngày càng chuyên nghiệp và nhận được những khoản tiền không hề nhỏ.
Nhưng xếp vào hạng “đáng mơ ước nhất” của các nghệ sĩ hiện nay có lẽ phải kể đến nghề... đi dự tiệc - nghề dành cho những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, được mời tham dự các buổi tiệc, sự kiện khai trương sản phẩm hay công chiếu phim ảnh để gây chú ý với công chúng. Mỗi lần như vậy họ được trả từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy theo độ nổi tiếng. Nhiệm vụ duy nhất của họ: ăn mặc thật đẹp và tạo dáng thật bắt mắt!
Sau khi tham gia Cặp đôi hoàn hảo, người mẫu - diễn viên Quách Ngọc Ngoan và MC Trấn Thành rất đắt sô... đi hát - Ảnh: GIA TIẾN
Nghề phụ mới bộn tiền
Với nghề MC, Quyền Linh cho biết: “Có thể nói nghề này đến với tôi như một cái duyên. Và tuy chưa thể nói là giàu có nhưng nó giúp gia đình tôi sống khá tốt. Bên cạnh đó tôi còn có thể giúp đỡ được người thân đang ở quê nhà”.
Diễn viên Hoàng Mập cũng khẳng định dù anh không thuộc hàng “sao” nhưng sống không đến nỗi nào nhờ làm rất nhiều công việc khác như diễn kịch, MC, tấu hài, giám đốc sản xuất, tuyển chọn diễn viên... “Catsê làm MC cho mỗi chương trình từ 2-3 triệu đồng. Chỉ riêng thu nhập này cũng sống được” - anh nói.
"Không chỉ tiền tài mà cả danh tiếng đều là những thứ rất dễ bỏ đi nếu mình không đủ bản lĩnh"
Ca sĩ PHƯƠNG THANH
Khi đã trở thành một nghệ sĩ đa năng biết hát, biết nhảy, biết đóng phim, biết diễn thời trang, biết nói trước công chúng kiểu như Hồ Ngọc Hà hay Ngô Thanh Vân, thì việc ký được những hợp đồng quảng cáo béo bở hoặc làm đại sứ thương hiệu là chuyện không khó. Tất nhiên, thu nhập từ những nguồn này rất lớn, thường có giá trị từ 20.000-80.000 USD tùy theo từng sản phẩm, độ nổi tiếng của từng người.
Đối với Bình Minh, việc xuất thân là một người mẫu mang lại nhiều lợi thế khi chuyển sang làm diễn viên và MC. Hiện nay tuy không còn xuất hiện trên sàn catwalk nữa, nhưng Bình Minh vẫn tham gia công việc của một người mẫu ảnh dưới các hình thức quảng cáo sản phẩm. Với nghề MC, chàng người mẫu điển trai đang phủ sóng bảy chương trình truyền hình trên VTV, VTC, HTV. Thu nhập từ các chương trình này không quá cao, nhưng số lượng khá đều đặn (52 số/năm). Cũng từ các chương trình này, khán giả biết đến Bình Minh nhiều hơn nên có cơ hội làm thêm cho các event, hội nghị khách hàng cuối năm... “Nếu biết cân bằng chi tiêu thì nghệ sĩ có thể sống được với nghề mình chọn. Tôi sống ổn với nghề” - Bình Minh khẳng định.
Nhìn lại “một thời” của mình, Phương Thanh nói: ‘Tôi từng nhận được hợp đồng được cho là kỷ lục, 77.000 USD để quảng cáo cho Coca-Cola cùng rất nhiều khoản thù lao “ngon ăn” khác nhưng tôi cũng đã dễ dàng tiêu đi tài sản của mình. Không chỉ tiền tài mà cả danh tiếng đều là những thứ rất dễ bỏ đi nếu mình không đủ bản lĩnh”. Cô ca sĩ đình đám một thời cũng chia sẻ đã phải nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” suốt năm năm trời mới gầy dựng được thành công thời kỳ đầu. Nhưng khi đã “lên” rồi vẫn có những thời gian “xuống” như thường. “Cũng may nhờ đã trải qua nhiều gian khó với nghề nên mình mới có đủ sức mạnh và kinh nghiệm để đứng vững đến hôm nay” - Phương Thanh, nay không chỉ được biết đến như một ca sĩ cá tính mà còn là một diễn viên rất duyên, tiếp tục thổ lộ.
Bỗng nhiên mà “hot”
Nhờ tình thương của khán giả
Khi được hỏi, nghệ sĩ nào cũng bảo “sống được là nhờ tình thương của khán giả”, mà khán giả bây giờ lại dễ tính nên nghệ sĩ có làm nghề nào thì họ cũng “thương”. Tuy nhiên điều này cũng có thể là con dao hai lưỡi, bởi một nghệ sĩ đa năng chỉ được công nhận khi sự đa năng đó đến từ những tài năng thật sự, mang đến những giá trị thưởng thức thật sự. Ngược lại, những kiểu đa năng tự phong và nửa mùa chỉ có tác dụng làm rối thêm showbiz Việt (vốn đã rối) và tự “khoe” khuyết điểm để thiên hạ hùa vào bình phẩm mà thôi.
Tuy ai cũng công nhận nghệ sĩ kiếm tiền khá bộn từ nhiều nghề, thậm chí từ nghề phụ nhưng để có được cơ hội ấy không đơn giản. Nghệ sĩ hài Hoàng Mập thẳng thắn cho rằng: “Các bạn trẻ đừng ảo tưởng nghề nghệ sĩ sẽ giàu to nhé. Có được kết quả này Hoàng Mập mất 15 năm trời học hỏi, bị bầm giập và gặp nhiều đắng cay lắm”. Diễn viên - MC Quyền Linh nói: “Dù thu nhập khá nhưng nghệ sĩ làm việc cực còn hơn làm... ruộng”. Anh dẫn chứng: “Sáng sớm phải dậy từ 5g-6g lên phim trường, vật vờ chờ đến lượt mình diễn rồi lại chạy sô đến nơi khác. Có khi 2g-3g sáng mới quay xong. Thu nhập cao nhưng bù lại cũng phải chi tiêu khá nhiều cho quần áo, xe cộ... cho nên không thể nói nghệ sĩ giàu, ngoại trừ một bộ phận nhỏ”.
Gần đây nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu rủ nhau tham dự các trò chơi đủ loại trên truyền hình, hết Bước nhảy hoàn vũ đến Cặp đôi hoàn hảo rồi Hợp ca tranh tài...; cuộc chơi nào cũng kéo dài vài tháng. Dù trong những cuộc thi này họ có thể phô bày khả năng ca hát nhảy múa đi nữa thì game show vẫn chỉ là game show.
giả và ban giám khảo cũng đầy cảm tính. Nhưng những cuộc thi này đang hút vào nó vô số người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Đoan Trang, Quách Ngọc Ngoan, Thủy Tiên, Thu Minh... Để tham gia, họ chắc chắn mất rất nhiều thời gian tập luyện, đi lại và thi thố. Cái lợi về mặt kỹ năng nghề nghiệp thì chưa thấy, nhưng phải thừa nhận sức mạnh của truyền hình khi các nghệ sĩ nhờ nó mà tăng cấp độ “nhận biết” của khán giả với họ thêm một nấc. Như sau cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo, MC Trấn Thành, diễn viên Quách Ngọc Ngoan... “bỗng nhiên mà hot” về đường... ca hát vốn trước đây chưa hề là nghề họ chọn.

 Kỳ 4: Tình, tiền và nuy
Nói đến thế giới người mẫu thời trang, nhiều bầu sô, quản lý showbiz bức xúc thốt lên: cực kỳ phức tạp!


Tình và tiền
Ganh ghét, đố kỵ, bon chen trong nghề, rồi mối quan hệ tình - tiền đã làm cho không ít người mẫu bị thoái hóa nghiêm trọng. Cả những người mẫu đang ở đỉnh cao cũng không thoát khỏi điều tiếng. Người mẫu Trang Trần từng tố chuyện người mẫu bán thân để có nhiều tiền sắm hàng hiệu, bị dư luận nghi ngờ và đồng nghiệp phản ứng kịch liệt, nhưng đó là sự thật không thể chối cãi.
Sáng 1.3 vừa qua, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) tổ chức tọa đàm về công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, đã đưa ra nhận định: “Một số người mẫu, ca sĩ, diễn viên, sinh viên, học sinh cũng tham gia bán dâm, hình thành các đường dây theo dạng hợp đồng”. Lời nhận xét này làm đau lòng không ít những người mẫu, ca sĩ chân chính.
Người mẫu T. được nhắc đến nhiều hiện nay, không ngại nhắn tin cho bạn mình về... nỗi buồn năm nay không được “bồ già” (hơn cô 40 tuổi, vẫn sống với vợ con) đổi nhà mà chỉ sắm túi, sắm điện thoại trên 20.000 USD. Cuộc chạy đua về túi hiệu, xe cộ đã đẩy không ít người đẹp trở thành… người thứ ba nhưng họ vẫn không ngần ngại công khai chuyện yêu đương. T.X.M là một ví dụ. Dù không nổi tiếng như nhiều đồng nghiệp và gia đình ở quê Vĩnh Long khá khó khăn, nhưng cô có tất cả từ túi Hermes hàng chục ngàn USD đến chiếc xe hơi 50.000 - 60.000 USD. Tuy nhiên, việc cô khoe tự mình sắm hết vì vừa “trúng” mấy sô quảng cáo làm nhiều người khó chịu.


Hải Anh sẽ không ngừng tung ảnh “nuy” - Ảnh: N.S
Có đồng tiền nhưng không phải tự mình làm ra đã biến không ít người đẹp đi vào đường cùng. Quen có tiền tiêu xài đến lúc túng quẫn phải đi lừa kẻ khác đã khiến cô người mẫu nổi tiếng một thời Q.N nhận bản án tù chung thân.
Trước tết, nhiều người mẫu lo lắng khi nhận được thông tin: một đồng nghiệp đã bị cơ quan điều tra vào cuộc khi nhắn tin với những lời lẽ khủng khiếp, bẩn thỉu gửi cho vợ của người đàn ông cô ấy “đang yêu”. Dù là người thứ ba nhưng cô gan lì đến mức chẳng những không sợ mà còn dùng từ ngữ cực kỳ thô tục diễn tả chuyện “mây mưa” của hai người với vợ ông này. Vì không chịu nổi, nhiều người khuyên cô vợ nên báo cơ quan chức năng. Không muốn làm xấu chồng và cũng chẳng muốn đứa con trai tội nghiệp xấu hổ vì cha, cô vợ đã khuyên cô người mẫu hãy dừng lại. Song người đẹp vẫn hành động đầy thách thức. Cuối cùng cô vợ buộc phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp. Sự việc như thế, tưởng chừng cô người mẫu sợ hãi nhưng không, cô vẫn cứ thản nhiên.
Thế giới chân dài cũng đang bức xúc khi nói về 3 cô người mẫu nổi tiếng từng rất thân nhau, từng dìu nhau đến tất cả các sự kiện đã... cùng yêu một người. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở việc cá nhân yêu đương mà họ còn chửi rủa và không nhìn mặt nhau. Hết cô nọ đến cô kia dùng những lời cực kỳ khó nghe để nói về “đối phương” làm các đồng nghiệp ngán ngẩm.
Hai cô người mẫu D.C và B.T thì chỉ vì mâu thuẫn nghi ngờ người này cố tình làm trầy xe người khác mà đã dùng đến cái tát để “xử” nhau. Theo một số bạn bè của hai người đẹp, lẽ ra họ nên gặp gỡ riêng để nói chuyện phải trái, đằng này lại đánh nhau trước mặt nhiều người, tạo nên hình ảnh quá phản cảm cho giới người mẫu. Dùng vũ lực đối với người bình thường đã là chuyện không nên huống chi vì một chuyện không đáng mà hai người đẹp phải “ra đòn”.
Trào lưu chụp nuy
Chụp ảnh nuy (nude - khỏa thân) và hình gợi cảm đang là xu hướng được nhiều người mẫu hướng đến. Thực tế khán giả vẫn không quá khắt khe khi một số bộ ảnh nuy nghệ thuật đã và đang được tung ra. Song dường như không ít người đẹp vô tình (hoặc cố tình) lẫn lộn, đẩy ranh giới giữa nuy và dung tục đến quá gần nhau.
Theo anh Tạ Nguyên Phúc, người có hơn 16 năm quản lý người mẫu, thì: “Đang có rất nhiều bộ ảnh nuy được thực hiện và chờ thời điểm thích hợp để tung ra”. Vì sao người đẹp có xu hướng nuy nhiều đến thế? Phúc cho biết: “Nuy giúp họ nổi tiếng nhanh quá, nhất là các trang mạng và báo điện tử cần thông tin, hình ảnh để thu hút người đọc. Không chỉ người mẫu mà nhiếp ảnh gia cũng nổi tiếng theo. Ngày xưa khi một bộ ảnh “hấp dẫn” nào đó bị tung ra, người mẫu bị dư luận phản đối, dập “te tua”, rồi bị tẩy chay nên ít ai dám. Nhưng giờ càng nuy càng nổi tiếng nhanh, cát sê cũng vì thế tăng lên. Những sự kiện, sô diễn quan trọng vẫn được mời đều đều”. Đó là chưa kể được vài tạp chí hấp dẫn ở Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc mời chụp ảnh với mức cát sê có khi lên đến cả chục ngàn USD. 
Sau vụ “Ngọc Quyên vì môi trường”, bộ ảnh “nuy” bị dư luận ném đá của Hoa khôi Khánh Hòa Mai Hải Anh cũng gây ảnh hưởng không tốt đến giới người mẫu. Trước đây Hải Anh từng “nuy” nhưng có vẻ như độ “nóng” chưa tới nên cuối cùng cô đã quyết khỏa thân... 100% ngay trên vùng biển xinh đẹp quê hương. Theo lời Hải Anh thì cô chấp nhận đương đầu với những nhận xét có khi cay nghiệt bởi cô làm tất cả vì nghệ thuật và vì... biển. Sắp tới cô sẽ không ngừng tung ra những bộ ảnh “nuy” có “ý nghĩa” như thế. Ba người đẹp H.Y, N.T và Y.T đang bị dư luận chỉ trích nặng nề vì trang phục và cử chỉ nhạy cảm ngay sau khi video clip hậu trường quảng cáo cho một nhãn hiệu nước uống bị tung lên mạng. Sau đó, các người đẹp ra sức giải thích vì đạo diễn bắt phải “diễn” như thế nên không thể làm khác.
Chụp nuy hay diễn nuy không xấu, nhưng điều khán giả chờ đợi là người đẹp cần phân biệt đâu là nghệ thuật, đâu là dung tục để biết điểm dừng. Sự sa đà của một số người đẹp đang tạo nên nhiều điều tiếng không tốt cho cả giới người mẫu nói chung. 

Kỳ 5: Tranh nhau chỗ đứng 
Thất hứa, trễ hẹn, rồi tranh giành vị trí trên sân khấu là căn bệnh chung của nhiều người mẫu hiện nay.


Nói một đường, làm một nẻo
Nhiều sô diễn đành phải chịu cảnh “lừa” khán giả bởi dù đã đăng tên tuổi người đẹp nhưng cuối cùng họ vẫn không xuất hiện. Nguyên nhân không phải vì họ bận thi cử, việc gia đình (như lời xin lỗi) mà là vì đột xuất đi chơi cùng “người ấy”, hay “người yêu nhất định không cho diễn sô này”... Có cô sau khi nhận sô được một đơn vị khác trả cát sê cao hơn đã viện ra đủ lý do để có thể từ chối mà quen thuộc nhất là cáo bệnh hay người thân trong gia đình lâm bệnh nặng. Nhiều lúc quá bực tức, một số ông bầu đã tuyên bố tẩy chay luôn người đẹp trong tất cả các sô diễn.
 
Chuyện “hậu trường” của người đẹp Vietnam’s Next Top Model tốn nhiều giấy mực của báo giới - Ảnh: K.N
Ví dụ, cô hoa hậu H. đã khiến cả ê kíp một tờ báo lớn tức giận bỏ về vì không giữ đúng lời hứa. Ban đầu, có người tưởng vì chuyện học tập hoặc sức khỏe không tốt nên cô không thể đến chụp ảnh bìa như đã hẹn trước. Nhưng khi tìm hiểu thì được biết cô bận đi chơi cùng người yêu nên không tham gia.
Công ty người mẫu chuyên nghiệp P.L đã từng gặp nhiều trường hợp người mẫu N., T., M... đến phút chót bỏ sô khiến công ty bị ảnh hưởng lớn. Đơn giản bởi có chỗ khác trả cát sê cao hơn. Sự vô tổ chức của một số người đã đẩy bầu sô vào trường hợp bị đối tác hủy hợp đồng, bị trừ tiền vì thiếu người mẫu và nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là uy tín.
Nói về tiền cát sê còn phải nhắc đến chuyện làm giá vô lý của không ít người đẹp. H.N chỉ là người mẫu hạng C vừa được biết đến đã yêu cầu 1.000 USD cho một buổi tham dự sự kiện, nếu không trả đủ thì nhà tổ chức sẽ khó thực hiện được chương trình vì cô quen thân với “ông chủ” nhãn hiệu.
Thực tế, chuyện người đẹp được một vài “đại gia” có tiếng trong làng “bảo kê” ra sức ép giá đã làm nhiều ông bầu bức xúc. Nếu như không chấp nhận thì bầu sô coi như không đáp ứng yêu cầu. Bằng ngược lại thì cảm thấy quá bất công với các người đẹp khác (chỉ được trả từ 3 - 5 triệu đồng). Biết vậy nhưng không ít ông bầu vẫn phải cắn răng gật đầu.
Anh M.Nam, Giám đốc một công ty tổ chức sự kiện tại Q.1, TP.HCM bực tức: “Nói thật là bây giờ tôi rất sợ dính vào người mẫu bởi có quá nhiều lý do vừa nhạy cảm, vừa tế nhị. Nếu nói ra “huỵch toẹt” hết thì mọi người sẽ bảo mình tiểu nhân. Nhưng càng im lặng thì các cô càng thiếu chuyên nghiệp, càng ghê gớm. Cát sê bây giờ không còn quan trọng bằng các buổi tiệc tùng cùng đại gia. Vì thế có người sẵn sàng bỏ sô này để chạy qua sô khác miễn là có nhiều tiền hơn. Nhiều lúc tức không chịu nổi nhưng chẳng biết làm sao”.
Chỉ vì một chỗ đứng
Nói về sự nhiễu nhương của một số người mẫu trẻ, Tạ Nguyên Phúc (Giám đốc điều hành Công ty P.L) nói thêm: “Ngày xưa dù kiếm tiền ít nhưng các cô đến với nghề vì đam mê. Bây giờ quá nhiều sự bon chen, đố kỵ nên mọi thứ phức tạp hơn. Chuyện yêu đương, tranh giành vị trí dẫn đến chửi nhau rồi không nhìn mặt nhau cứ diễn ra. Ngày trước người mẫu hiếm có người làm giá, bây giờ không tên tuổi cũng ra giá khiến chúng tôi cảm thấy mệt mỏi. Có lúc tôi đành phải bỏ tên các cô ra trong nhiều chương trình. Việc này nói ra tưởng nhỏ nhặt nhưng nhiều chuyện nhỏ gộp lại trong một sô diễn lớn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều. Vì sự nhũng nhiễu này mà hiện tại tôi chỉ nhận lời làm vài chương trình lớn”.

 
Ban tổ chức và nhà thiết kế từng phải... dẹp loạn người đẹp sau hậu trường - Ảnh: K.N
Câu chuyện tranh nhau chỗ đứng “vơ đét” (vedette) tưởng chừng đơn giản cũng làm không ít người quản lý đứng ngồi không yên. Khổ hơn, nếu không sắp xếp vị trí “vơ đét” thì có cô sẵn sàng hủy sô vào giờ chót hoặc căng hơn là tự ý chiếm ngay vị trí đẹp nhất của đồng nghiệp ngay trên sân khấu lúc đang biểu diễn. Khán giả nhìn vào cứ tưởng đó là đội hình đã sắp sẵn, nhưng với nhà thiết kế hay người quản lý thì đó là việc làm gây rối không thể chấp nhận được. Bởi tranh giành vị trí có thể ảnh hưởng đến ý tưởng của những bộ trang phục đã được sắp sẵn theo chủ đích, ảnh hưởng đến cả tuyến đi chung của những người mẫu khác tham gia chương trình.
Một câu chuyện khác cần phải lên án là sự câu giờ của rất nhiều người đẹp. Mặc dù đã dùng hết lời vừa tỉ tê, vừa cương quyết mong các cô giữ đúng thời gian như đã luyện tập, thế nhưng do muốn được khán giả “ngắm” lâu, chú ý đến mình nên các cô cứ “độc diễn” trước sự bực tức của ê kíp. Một số chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp hay ca sĩ hát cho người mẫu minh họa đã không ít lần “chết đứng” cũng bởi sự câu giờ quá đáng của các người đẹp. Chưa nói đến việc tranh nhau những chiếc áo đẹp, ấn tượng. Vì chuyện quần quần, áo áo mà các cô cãi nhau inh ỏi rối loạn cả hậu đài. Ban tổ chức, nhà thiết kế rất nhiều lần phải đứng ra giải quyết chuyện giành giật quần áo của các cô.
Sự thiếu chuyên nghiệp của giới người mẫu được bộc lộ qua hành vi, thái độ ứng xử trong lúc làm việc. Tôn trọng nghề nghiệp đang theo đuổi dường như đang là khái niệm ngày một xa vời đối với những cô gái xem nghề này như bước đệm nhằm đạt được nhiều mục đích khác
.
Kỳ 6: “Nóng” hơn cảnh trên phim 
Với phim ảnh, chuyện đổi vai diễn bằng “tình một đêm” là đề tài muôn thuở. Gần đây, một số người đẹp đóng phim còn bị đạo diễn “chuyền tay” cho cả chủ đầu tư.
Gái hay trai đều bị gạ
Chuyện đóng phim đối với “hot girl” P.T, gương mặt sáng giá của các mẫu quảng cáo, giờ đã thành nỗi ám ảnh. Vóc dáng chuẩn và làn da trắng ngần, P.T trở thành mục tiêu của những đạo diễn... hám sắc. Ngày được mời đi thử vai thứ chính cho một đạo diễn Việt kiều (chưa mấy nổi danh), cô vẫn nghĩ từ nay mình sẽ “bén” duyên cùng điện ảnh, không ngờ sự khởi đầu đó cũng dập tắt luôn ước mơ trở thành diễn viên của cô. “Ngay hôm sau, em được đạo diễn mời đi uống nước.
Tưởng câu chuyện chỉ dừng lại ở mức xã giao, em nhận lời. Tưởng dễ xơi, vài ngày sau anh đạo diễn xởi lởi đề nghị chỉ cần qua đêm cùng anh thì an tâm vào luôn vai chính”, P.T kể. Chưa hết, tay đạo diễn kia lại tấn công tiếp, nhưng bằng hình thức “chuyển giao”, mời cô đi ăn cơm tối và lần này anh lại giới thiệu cho một đại gia (đáng tuổi cha) cũng có máu mặt trong làng (chủ đầu tư các dự án lớn về điện ảnh). “Cuối buổi tiệc, ông lấy số điện thoại của em và sau đó gọi mời đi chơi, hứa hẹn nếu như “em ngoan” thì ông sẽ sắp xếp cho vào vai chính một trong những phim ông bỏ vốn đầu tư sắp tới”. Dù không bị “lọt tròng” nhưng giờ đây khi nhắc lại, P.T vẫn còn kinh hãi và từ bỏ hẳn đam mê một thời.
Người đẹp Thu Vân chia sẻ lúc mới ở Mỹ về, có một anh phó đạo diễn bị “hớp hồn” khi nhìn thấy Vân và làm quen, muốn trở thành “cái bóng” của người đẹp. Ngay sau đó, cô được mời vào vai chính bộ phim anh đang thực hiện. Dẫu chưa xảy ra điều gì đáng tiếc nhưng vì quá sợ khi nghe những chuyện liên quan đến mặt trái của phim ảnh nên cuối cùng Vân từ chối luôn bộ phim của anh.
Không chỉ diễn viên nữ mới bị “gạ tình”, không ít diễn viên nam điển trai, mới vào nghề cũng bị biên kịch nữ hoặc nhà đầu tư mời gọi làm “phi công”. Giới làm phim hiện đang thì thầm chuyện nữ biên kịch một đài truyền hình vì mê chàng diễn viên đầy nam tính và lãng tử, đã ép những mối quan hệ thân quen lấy kịch bản của bà về làm phim, nhằm “nuôi dưỡng” lẫn cung phụng chàng “phi công” ấy. Nhưng khi “đủ lông đủ cánh”, chàng đã cao chạy xa bay.
 
Không chỉ “nóng” trên màn ảnh, sau trường quay còn nhiều cảnh “ghê” hơn - Ảnh: T.L
Bị làm nhục khi giải lao
Mới đây người mẫu M.P đã khóc nức nở khi gọi điện cho anh kết nghĩa kể về việc cô bị “làm nhục” ngay trong thời gian giải lao của đoàn phim. Vốn là người kỹ tính trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nên người đẹp không nghĩ mình lại rơi vào tình huống sống dở chết dở này. Cô kể, hôm đó vì quá gấp nên đã nhờ một người quen trong đoàn làm phim chở đến tham gia buổi ra mắt album của bạn. Khi trở về, cô được thông báo đoàn phim đang giải lao.
Nhưng thay vì phải về đoàn phim đợi quay tiếp, cô được người mình nhờ vả đưa đến một quán cà phê gần đó. Tại đây đã có sẵn hai gã đàn ông lạ ngồi đợi. Thật tồi tệ, họ dở trò đồi bại với người đẹp ngay trong quán cà phê... Chuyện cô bị làm nhục cả đoàn phim rồi cũng biết. Nhưng tất cả không có bằng chứng và họ cho rằng người chở M.P đi chẳng liên quan gì đến đoàn phim. Một số người khác còn cho rằng cô lấy lý do này để vắng mặt trong cảnh quay tiếp theo khiến cô càng uất ức. Dẫu rất muốn làm đơn tố cáo nhưng cô nghĩ, càng làm thì càng bị mang tiếng vì không có bằng chứng. Hiện tại cô vẫn đang xem xét đến việc nên hay không nên nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc.
Quay cảnh nóng để “chiêm ngưỡng”
Nhiều diễn viên, người mẫu đóng phim cho biết, khi “gạ tình” không được, đạo diễn hành hạ diễn viên bằng cách tạo ra những cảnh nóng, bắt diễn viên quay đi quay lại vì cho rằng chưa đạt, hòng xem... cho đỡ tức!
Diễn viên T. kể lại chuyện mình từng bị đạo diễn “đòi xem hình thể” trước khi ký hợp đồng vào vai diễn: “Khi được đạo diễn ngỏ lời chọn tôi vào vai chính trong phim truyền hình T.M.T.C, đạo diễn T. nói vì trong phim có vài cảnh nóng, cần phải cởi, nên hẹn tôi đến xem “người” trước. Đáng nói là đạo diễn đó lại bắt tôi đến khách sạn. Nghe qua là biết có mùi dê xồm, nên tôi bèn nghĩ ra chiêu đối phó. Tôi nói đang chụp hình quảng cáo bán khỏa thân ở studio N., tiện thể mời anh đến xem luôn. Quả là kế hay, nghe tôi nói thế, đạo diễn đó xìu liền, bảo thôi cũng được rồi, để đến ngày quay cảnh nóng đó xem luôn. Mặc dù tôi cố gắng diễn đạt tốt nội tâm của nhân vật nhưng vị đạo diễn này cứ bắt tôi phải quay đi quay lại cảnh nóng ấy cả buổi với lý do: ánh sáng chưa chuẩn, góc quay chưa đẹp... Cuối cùng, mất nửa ngày mới xong phân đoạn đó. Ức lắm, nhưng tôi nghĩ âu cũng là một kinh nghiệm nhớ đời”.
Được các đồng nghiệp đi trước chia sẻ, cũng như hiểu được “trò bẩn” của một số đạo diễn, diễn viên K. đã nghĩ ra “chiêu ứng phó”: Nếu bị bắt quay lại, cứ diễn thật dở vào, làm sao để đạo diễn mệt mỏi, ớn lạnh, thậm chí bỏ hẳn cảnh nóng trong phim càng tốt. Bởi theo K., phim truyền hình ít khi nào được duyệt những cảnh quá nóng, có thực hiện rồi cũng bị cắt khi kiểm duyệt; nhưng khi quay thì đạo diễn cứ nhét cảnh nóng vào kịch bản để diễn viên nữ... cởi, hòng muốn xem cho đã mắt hoặc đỡ bực (vì trước đó không được đáp ứng). Vậy nên, “nếu mình diễn thật tệ, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến quy trình sản xuất thì đạo diễn sẽ ngừng thôi, vì tiến độ các đoàn phim hiện nay là chạy đua với thời gian, thời gian quay phim càng ngắn ngày càng tốt”, K. nói.

Kỳ 7:Cảnh nóng trong phim Việt - diễn viên sướng hay khổ?

Với những cảnh nóng đốt cháy màn ảnh, người xem thì thích mắt chứ người đóng thì thế nào?

Hầu hết các diễn viên đóng “cảnh nóng” đều cho rằng, trước khi bước vào cảnh quay, không chỉ họ mà cả ê kíp đều phải thảo luận rất kỹ nhưng khi bắt đầu quay họ cũng rất căng thẳng. Thậm chí, để không phân tâm và cũng không muốn bị “dòm ngó” nhiều, nhiều diễn viên đã yêu cầu những người không phận sự… miễn vào.
“Cởi” vì cần thiết
Để quay cảnh bị xé áo lộ gần hết ngực trong Bóng ma học đường, người mẫu kiêm diễn viên Đinh Ngọc Diệp đã được đạo diễn làm tư tưởng rất nhiều lần từ trước khi phim bấm máy. Tuy nhiên, đến lúc quay cô cũng không khỏi hồi hộp: “Đạo diễn và tôi bàn tới, bàn lui rồi mới quyết định. Đặc biệt, với những cảnh này, quay xong phải xem lại ngay và nếu chưa được lập tức quay lại”.
Diễn viên Đinh Ngọc Diệp bị xé áo trong phim Lệnh xóa sổ và Bóng ma học đường.
Đinh Ngọc Diệp cho biết, cô luôn coi trọng ý nghĩa của những “cảnh nóng”. Vì theo cô, những cảnh này đang phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay. Điển hình như trong bộ phim Bóng ma học đường, cảnh xé áo của đám học trò đang tồn tại trong cuộc sống. Còn với Quách An An, khi quay cảnh nóng cô luôn yêu cầu mọi người trong đoàn làm phim ra ngoài hết, chỉ có đạo diễn và quay phim ở lại làm việc và không ai được chụp hình. Bởi cô cho rằng, khi mọi người ra ngoài hết thì tâm lý sẽ tốt và không bị phân tâm. “Thực ra không ai thích người khác nhìn mình nude cả. Tôi quan niệm đóng “cảnh nóng” là do cảnh phim và nhân vật trong phim phải làm. Ngay như phim Trung úy, cái khó nhất ở đây không phải là việc đối diện với “cởi đồ” mà là diễn sao cho đúng với tâm lý nhân vật. Khi trên người không mảnh vải, tôi phải quên mình, cố tập trung sao cho diễn đúng với tâm lý nhân vật, diễn làm tình như thế nào”, Quách An An cho biết.
Ngay cả như nữ diễn viên Kiều Thanh, khi đóng cảnh “cực nóng” trong Bi đừng sợ!, chị cũng cho rằng mình chẳng có áp lực gì vì đó là điều cần thiết cho một bộ phim.
Hãy coi "cảnh nóng" là bình thường thôi
Khi hỏi các diễn viên họ ngại điều gì nhất khi nhận một bộ phim có “cảnh nóng”, phần lớn diễn viên cho rằng, họ không ngại diễn, nhưng lại ngại sự nhìn nhận không đúng về nó, nhất là có người cho đó là “chiêu” câu khách rẻ tiền. “Mọi người hay nói nhiều về cảnh nóng của phim Việt không hay, thô thiển và “vẽ” ra chỉ đề câu khách. Nếu so sánh cảnh nóng của phim Việt với phim nước ngoài là quá khập khiễng, tội nghiệp cho những diễn viên đã đóng những cảnh đó”, Quách An An chia sẻ.
Còn đạo diễn Hà Sơn cho rằng, ông đã nghe nói nhiều về vấn để sex trong phim và chán đến nỗi không muốn tranh luận. “Trong văn học cũng như trong điện ảnh, những người làm phim chân chính, hướng tới những khuynh hướng điện ảnh có văn hóa thì người ta không bao giờ đặt vấn đề “cảnh nóng” hay không nóng, kể cả toàn bộ bộ phim ấy diễn viên không hề mặc quần áo. Bởi lúc đó toàn bộ câu chuyện, vấn đề đạo lý của con người được đưa lên hàng đầu”, đạo diễn Hà Sơn nói.
Diễn viên Quách An An và một cảnh "nóng" trong phim "Trung úy".
Còn đạo diễn của Bi! Đừng Sợ!, Phan Đăng Di thì không muốn bàn luận thêm về cái mà dự luận gọi là “cảnh nóng” nữa. Bởi vị đạo diễn này cho rằng, hãy quan tâm đến việc tiếp theo bộ phim này chúng tôi sẽ làm cái gì nữa. Đừng coi “cảnh nóng” là cái gì quá to tác để mổ xẻ.
Chính vì xem “cảnh nóng” là điều phải có trong điện ảnh vì thế, dù bị phản ánh, chê bai nhưng rất nhiều diễn viên không hề e ngại nếu như phim tiếp theo của họ có cảnh nóng. Đinh Ngọc Diệp tiết lộ, hiện cô đang quay một bộ phim mới Giữa hai thế giới cùng với Dustin Nguyễn. “Trong bộ phim này, có những cảnh cực nóng và… nóng hơn cả Bóng ma học đường. Kiểu gần như hai vợ chồng đang “làm tình” với nhau. Nhưng khi làm việc với đạo diễn Vũ Thái Hòa và anh Dustin Nguyễn tôi cảm thấy rất yên tâm. Vì chúng tôi luôn coi trọng cảnh đó, và nó cần thiết cho nội dung bộ phim”, Đinh Ngọc Diệp nói.


Các cảnh nóng trong phim Việt
Các cảnh nóng trong phim Việt

Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt

  Không phải cứ "cảnh nóng" là sẽ "nóng", lắm khi diễn viên thì cứ "nóng" nhưng khán giả thì lại chả phản ứng gì!
 
yahoo
Cảnh nóng luôn là đề tài hấp dẫn mà các nhà làm phim Việt Nam luôn sẵn sàng khai thác. Nhưng khai thác như thế nào thì lại là một chuyện khác. Nếu "khéo tay" thì sẽ cho ra đời những bộ phim nghệ thuật để đời còn "vụng về" thì sẽ cho ra những cái gọi là "phi nghệ thuật". Và dù thế nào đi chăng nữa thì bất cứ một bộ phim nào có xuất hiện cảnh nóng thì y như rằng khán giả cũng sẽ "nóng" lên và dõi theo. Tất nhiên, mức độ quan tâm của khán giả dành cho phim cũng theo đó mà tăng lên. Vì vậy, đừng hỏi vì sao mà cảnh nóng vẫn là một đề tài luôn có của phim Việt. Chừng nào khán giả còn "nóng" vì "cảnh nóng" thì chừng đó "cảnh nóng" vẫn luôn là một món đặc sản mà bất cứ nhà làm phim nào cũng muốn đưa vào phim của mình.
Có bao nhiêu phim Việt có "cảnh nóng"? Trả lời là không xác định được. Chỉ xin điểm qua những "cảnh nóng" từng gây sóng gió và tiêu tốn rất nhiều giấy mực của cánh phóng viên làm báo ...
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 1
Cảnh nóng để đời trong "Sống Trong Sợ Hãi" giữa hai diễn viên Hạnh Thúy và Trần Hữu Phúc và diễn xuất đầy nội lực của nữ diễn viên này đã được đền đáp với giải thưởng "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" của LHP 15.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 2
Cảnh nóng hài hước khá đặc biệt của làng phim Việt khi "nóng" mà lại không "nóng" giữa 2 diễn viên Thanh Hằng và Johnny Trí Nguyễn. Đây cũng là một trong những điểm nhấn lý thú để hút khán giả đến với bộ phim "Nụ Hôn Thần Chết" và mang về thành công cho bộ phim này.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 3
"Áo Lụa Hà Đông" đã ghi dấu với lịch sử phim Việt với cảnh nóng giữa 2 vợ chồng cô Dần. Những hạt mưa, đôi chân trần run rẩy, chiếc khăn mặt được đặt hờ lên mặt ... Tất cả đã tạo nên một cảnh quay nóng bỏng nhưng lại đầy chất thơ và ám ảnh ngừơi xem đến tận cùng. Đến bây giờ, vẫn chưa có một cảnh nóng nào của phim Việt có thể làm nên thành công như những gì "Áo Lụa Hà Đông" đã mang đến cho khán giả.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 4
Cảnh quay khá táo bạo giữa 2 cô gái trong "Chơi Vơi", nhưng lại được thể hiện với một góc máy đẹp cùng sự diễn xuất linh hoạt lẫn chuyên nghiệp của 2 cái tên bảo chứng cho chất lượng của bộ phim là Đỗ Hải Yến và Phạm Linh Đan.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 5
"Cánh Đồng Bất Tận" - lại là một cảnh nóng đầy ấn tượng và thách thức dành cho Đỗ Hải Yến trong những phân đoạn quan trọng không thể thiếu của phim.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 6
"Đẻ Mướn" - Cảnh nóng gây sốt với khán giả ngay từ những ngày phim chưa công chiếu. Mặc dù cả 2 diễn viên chính đã tích cực lên báo chia sẻ về những khó khăn vất vả khi thực hiện cảnh phim nhưng cũng không thể khiến dư luận đánh giá cao. Cảnh nóng khiến khán giả thất vọng hơn là những gì họ mong đợi.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 7
Những cảnh nóng của "Chuông Reo Là Bắn" cũng đi vào lịch sử phim ảnh Việt khi trở thành bộ phim có số lượng cảnh nóng nhiều nhất và được quay thô thiển, phản cảm nhất. Nhiều khán giả sau khi xem phim đã hóm hỉnh đổi tên phim thành "Chuông Reo Là ... Cởi" để nói về bộ phim có quá nhiều cảnh nóng không cần thiết này.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 8
Cảnh nóng trong "Những Cô Gái Chân Dài". Có thể xem đây là bộ phim đầu tiên khán giả biết đến Thanh Hằng với vai trò là một diễn viên. Tuy chỉ đóng một vai nhỏ nhưng Thanh Hằng đã ngay lập tức gây ấn tượng với khán giả bởi ... cặp chân dài tuyệt đẹp của mình.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 9
Cảnh nóng của "Bẫy Rồng" - một cảnh nóng mà người xem "háo hức" chờ đón nhất bởi cả 2 diễn viên đẹp đôi trong phim là Ngô Thanh Vân và Jhonny Trí Nguyễn đều đang được đặt những nghi vấn tình cảm dành cho nhau.
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 10
Cảnh nóng trần trụi của "Bi! Đừng Sợ!" là cảnh nóng gặp nhiều phản ứng gay gắt nhất của khán giả. Và không chỉ có mỗi cảnh quay này, những "cảnh nóng" khác của phim cũng là một vấn đề khiến khán giả đau đầu với câu hỏi"Liệu có cần thiết phải như vậy không?"
Điểm mặt cảnh nóng để đời của phim Việt - 11
Cảnh nóng "nguội" nhất của điện ảnh Việt lại thuộc về người đẹp Tăng Thanh Hà trong phim "Đẹp Từng Centimét". Nếu như trước khi phim công chiếu, khán giả khá là hồi hộp với thông tin người đẹp họ Tăng sẽ bận bikini chạy nhảy tung tăng trong phim, thì sau khi công chiếu khán giả lại càng ... "hụt hẫng" bấy nhiêu. Hà Tăng vẫn bận bikini và vẫn chạy tung tăng, nhưng ... gợi cảm thì tuyệt đối là không.
Kỳ 8: Vua trên sân khấu, xe ôm ngoài đời
 Các trang báo mạng hằng ngày vẫn cập nhật các nghệ sĩ thay nhau khoe xe mới, nhà mới, đồ hiệu...Không ít người vẫn nghĩ "nghệ sĩ thì giàu", nhưng...

Hoàng Viện (trái) vào vai đức vua trong vở diễn Yêu là thoát tội - Ảnh: thu thủy
"Những khó khăn được phóng viên đề cập mới chỉ là một phần thôi, có đến gần 50% diễn viên của nhà hát hiện nay đang ở nhà thuê. Và việc đi làm MC đám cưới, đưa cơm hay chạy xe ôm cũng vẫn còn khấm khá chán. Anh Cao Đăng Văn ngoài giờ diễn phải làm nghề cắt tóc. Và hiện nay đang phải vay tiền học thêm nghề cắt tóc để mở tiệm"
NSƯT  TRẦN QUANG HÙNG
(giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội)
9g sáng, Hoàng Viện (sinh năm 1976) - diễn viên nam chính của Ðoàn cải lương Chuông Vàng, Nhà hát cải lương Hà Nội, hẹn khách ở quán cà phê trên phố Ðường Thành. Ðơn giản chỉ bởi vì "trưa nay có đám cưới ở phố Hàng Da". Trong đám cưới ấy, Hoàng Viện sẽ đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình. Ðây mới là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình nhỏ của Viện!
Ước mơ vua
Nói về đam mê, Hoàng Viện kể ngày còn bé, bởi nhà nghèo nên anh thường nghe nhờ đài hàng xóm mỗi khi có chương trình Khắp nơi đàn và hát dân ca. Rồi đến thứ bảy lại sang hàng xóm để được nghe ké chương trình Sân khấu truyền thanh. "Hồi ấy, mỗi khi nghe các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Vũ Linh đổ một đoạn cải lương là ruột gan tôi như tan ra".
Rồi mỗi lần xem sân khấu trên tivi lại thấy các diễn viên mình yêu thích đóng vai ông hoàng bà chúa đẹp đẽ rực rỡ, uy phong lẫm liệt là đêm ấy lại trằn trọc rất lâu trước những hình ảnh đẹp của sân khấu, rồi mơ ước có ngày được hóa thân thành ông hoàng bà chúa với xiêm y lóng lánh, với một tiếng hô khiến bao kẻ giật mình.
Giấc mơ ấy được Viện ấp ủ nuôi nấng. Rồi cái ngày Viện được "làm vua" trên sân khấu ấy cũng đến khi anh trở thành kép chính đảm nhiệm hầu hết các vai nam chính của vở diễn.
"Nhưng tôi đến với cải lương đúng vào lúc nghệ thuật dân tộc bắt đầu thoái trào, nên ngay đến những người thân của tôi cũng chưa từng được một lần xem tôi diễn", huy chương vàng cá nhân Liên hoan tài năng sân khấu toàn quốc năm 2007 buồn bã cho biết.
Vật lộn nuôi nghề
Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Quảng Ninh đã trao cho Nguyễn Tiến Hiệp (sinh năm 1968) chiếc huy chương vàng cho một tiết mục mà ban giám khảo đánh giá là xuất sắc. Trở về sau liên hoan, Tiến Hiệp lại tiếp tục vật lộn với cuộc mưu sinh.
Làm nghệ thuật, đừng băn khoăn giàu nghèo
Nghệ sĩ Hữu Châu đang là một trong những trụ cột của sân khấu Idecaf (TP.HCM), nổi tiếng với hàng loạt vai diễn hay nhưng hiện anh vẫn sống cùng mẹ và hoàn toàn giản dị trong lối sống hằng ngày.
Nghệ sĩ Ái Như thật thà cho biết nếu không có sự hỗ trợ kinh tế từ ông xã, chị cũng không biết sẽ xoay xở thế nào khi sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn phải bù lỗ suốt hai năm qua.
NSƯT Việt Anh gần cả đời đi diễn kịch, được khán giả nhiều thế hệ yêu mến nhưng hiện nay vẫn chỉ sống tạm trong một căn phòng thuê giá 3 triệu đồng/tháng, ăn cơm bụi và đi xe máy.
NSƯT Việt Anh nói: “Làm sân khấu là làm nghề chứ không thể làm giàu. Nhưng với tôi thế là được. Nghệ sĩ cũng chỉ là một nghề lao động kiếm tiền bình thường như bao nghề, có khác chăng là ở chỗ nghề này nhận được nhiều tung hô và ngưỡng mộ nên người ta dễ bị ảo tưởng và áp lực phải nổi bật hơn người. Tôi nghĩ những sự khoe khoang này nọ rồi cũng sẽ chẳng khiến mình “nghệ sĩ” thêm nếu bản thân đã không vững với danh xưng “nghệ sĩ” đó. Người nghệ sĩ nên đứng lên trên chữ giàu hay nghèo mới có thể làm nghệ thuật một cách tử tế”.
HOÀNG OANH
"20 năm gắn bó với Nhà hát cải lương Hà Nội, đến nay tôi vẫn ở nhà thuê và cũng không từ chối một công việc vất vả, nặng nhọc nào để có thể kiếm thêm tiền phụ vào đồng lương ít ỏi", Tiến Hiệp rưng rưng nói.
Thuê nhà trong một con ngõ nhỏ và sâu trên phố Minh Khai, diễn viên hài Tiến Hiệp thường phải ra khỏi nhà từ 5g sáng để thực hiện những đoạn phim hài mà có thể anh chỉ được xuất hiện vài phút; hay chạy đôn chạy đáo mấy trăm kilômet mỗi ngày để tham gia một chương trình hài kịch ở tỉnh với mức thù lao ít ỏi.
"Vai diễn của tôi chỉ là mua vui hoặc chọc cười, là vai diễn phụ nhưng không thể thiếu trong mỗi vở diễn" - Hiệp tâm sự.
Nối nghiệp bố là một diễn viên hài, 20 năm làm việc, mỗi tháng cộng tất cả các nguồn thu nhập từ nhà hát, Hiệp được nhận chưa đến 4 triệu đồng (bao gồm cả thù lao tập, thù lao diễn xuất) mà tiền thuê nhà mỗi tháng mất 3 triệu đồng. Chàng diễn viên tự nhận "không vận động thì không biết sẽ sống bằng cách nào" chia sẻ: "Bình thường ngày 15 hằng tháng nhận lương nhưng tháng này đến ngày 22 vẫn chưa có. Tiền thuê nhà vẫn phải trả đúng ngày. Tôi vừa phải đi vay, xoay xở sao cho vẫn đủ tiền cho vợ đi chợ, cho con có sữa uống và hàng xóm không thể khinh khi vì mình nghèo".
Nghèo ngầm là cách mà diễn viên Tiến Hiệp nói về cái nghèo của nghệ sĩ. Xưa nay người ta chỉ nói giàu ngầm chứ mấy ai nghèo ngầm bao giờ! "Trong túi chẳng có đồng tiền nào nhưng chẳng ai biết, bởi dù không nói ra nhưng nghệ sĩ ai cũng muốn đói cho sạch rách cho thơm".
Chẳng muốn ai nhận ra mình
Mười lăm năm trót đam mê cải lương là 15 năm Hoàng Viện đôn đáo ngoài đường để kiếm tiền, chẳng từ nan việc gì.
"Tôi không bỏ sót cơ hội kiếm tiền lương thiện nào", Viện nói. Trước chưa biết làm MC thì Viện bưng bê phục vụ, còn bây giờ, sau giờ làm việc tại nhà hát, Viện tất tả "chạy sô" làm MC đám cưới. Mùa cưới (chừng năm tháng/năm) cũng mang lại cho anh thêm khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Bảy tháng còn lại Viện tìm những công việc khác...
Khi bắt đầu đi làm thêm những công việc lao động chân tay: xe ôm, đưa cơm hộp, phục vụ quán cà phê..., Viện đã nghĩ nếu chẳng may gặp ai đó nhận ra mình từng làm "vua" trên sân khấu thì sao! Lúc ấy Viện nghĩ mình sẽ "im lặng".
Tuy thế, "chưa ai nhận ra tôi từng là một diễn viên chính. Tôi vẫn làm tròn vai diễn là người phục vụ mà chẳng ai mảy may biết". Ðiều đó đối với Viện "thực may". May bởi anh sẽ không phải ngượng ngùng với cái nghiệp mà anh đang rất trân trọng...
Câu chuyện của chúng tôi và Viện gián đoạn bởi anh có điện thoại phải đi dẫn chương trình. Ðề nghị được chụp một tấm ảnh trong vai trò MC nhưng anh Viện không đồng ý: "Công việc MC đám cưới của tôi đang rất tốt. Mỗi buổi tôi được trả 400.000 đồng. Rất nhiều người quen mặt và tín nhiệm tôi, tôi cũng không muốn họ biết tôi đã và đang là một diễn viên".
15 năm làm nghề, 15 năm đứng trên sân khấu mà không khán giả nào nhận ra chàng MC đang làm hoạt náo viên cho đám cưới kia từng làm chủ cả một sân khấu lớn, đó chẳng phải là điều chua xót hay sao!
Mà không chỉ có Hoàng Viện hay Tiến Hiệp, tại Nhà hát cải lương Hà Nội còn rất nhiều nghệ sĩ có hoàn cảnh chua xót. "Chỉ trừ những người có vợ hoặc chồng khá giả, còn lại ai cũng phải vật lộn kiếm sống để giữ nghề. Ðoàn Chuông Vàng (Nhà hát cải lương Hà Nội có ba đoàn - PV) có hơn 30 người thì đến hơn chục người phải ở nhà thuê. Tháng rồi được gọi làm hồ sơ mua nhà dành cho người nghèo, tôi đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ nhưng nếu phải đóng 200 triệu đồng để mua thì cũng đến chịu, vì không kiếm đâu ra 100 triệu chứ đừng nói đến 200 triệu" - Tiến Hiệp nói.
Nghệ sĩ thì giàu?
Khoảng vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ Việt mạnh dạn phô trương sự giàu có của mình qua xe, qua nhà, qua những chuyến du ngoạn sang trọng và thậm chí là du thuyền, máy bay riêng như các siêu sao thế giới... Nhưng giàu thì nhanh, sang thì xa, câu này có đúng với giới nghệ sĩ nước mình hay không?
Không phải ngẫu nhiên khi công chúng biết nghệ sĩ giàu. Với sự phát triển của báo mạng và thông tin mạng như hiện nay, phóng viên không “săn” nghệ sĩ thì nghệ sĩ cũng tình nguyện làm “con mồi” cho báo mạng “săn” một cách hữu ý hơn là vô tình. Những bộ hình chụp tận ngõ ngách nhà cửa riêng tư, những thông tin mạch lạc về giá xe, giá đồ hiệu... nếu nghệ sĩ không tận tình cung cấp thì báo mạng chắc hẳn cũng bó tay.
Trào lưu khoe của đã trở thành chuyện bình thường trong giới nghệ sĩ đến mức “con gà tức nhau tiếng gáy”, không khoe không được và nghệ sĩ bây giờ có lẽ sợ nhất là... mình nghèo!
Ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ: “Nghệ sĩ hào hứng trong việc phô trương mọi thứ thuộc về mình một phần vì “môi trường” hiện nay, nhưng một phần cũng do tính cách của mỗi người. Là nghệ sĩ, chúng tôi thật sự mong muốn được dư luận, công chúng quan tâm đến những hoạt động nghiêm túc cũng như những giá trị thật trong nghề nghiệp của mình, thay vì những chuyện hậu trường vô vị”.