Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Mỹ - Trung 'ngoại giao bóng rổ'

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden mở màn chuyến thăm Trung Quốc bằng việc tham dự trận giao hữu bóng rổ giữa hai nước, được xem là một phương thức ngoại giao Mỹ-Trung. 

 Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ. Sau chuyến bay kéo dài 21 giờ, vừa đặt chân xuống Bắc Kinh, việc đầu tiên phó tổng thống Biden làm là đến thẳng nhà thi đấu để cổ vũ cho trận giao hữu bóng rổ giữa đại học Georgetown, Mỹ và đội Con Rồng của tỉnh Sơn Tây.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (ngoài cùng bên trái) ngồi xem bóng rổ cùng đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke (giữa) và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Zhang Yesui. Ảnh: The Cable
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đội bóng Hoyas của đại học Georgetown đã mời ông tham dự trận đấu hữu nghị này nhân chuyến công du của ông tại Trung Quốc. Ông Biden thưởng thức trận đấu từ hàng ghế khán giả đầu tiên. Đi cùng ông có tân đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Zhang Yesui. Kết quả cuối cùng, đội Hoyas đánh bại Con Rồng với tỉ số 98-81.
"Một lần nữa, ngoại giao thể thao lại sống dậy trong quan hệ Mỹ - Trung!", Victor Cha, cựu quan chức về châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia và là giám đốc Viện nghiên cứu châu Á của đại học Georgetown phát biểu trên The Cable.
Ông Cha so sánh với trận bóng bàn hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp làm tan băng trong mối quan hệ song phương, trước chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Ông Cha cũng cho biết Biden đã trò chuyện bằng tiếng Anh rất cởi mở với hầu hết khán giả Trung Quốc xung quanh và nhận được nhiều đánh giá tốt.
Phó tổng thống Joe Biden vui vẻ, cởi mở với các khán giả xung quanh. Ảnh: abcnews
Chuyến thăm 3 nước Đông Á của ông Biden bắt đầu cùng lúc với chuyến tham quan văn hóa và thể thao Trung Quốc kéo dài hai tuần của đại học Georgetown. Nhà Trắng cho biết chuyến đi này của đại học Mỹ có ý nghĩa thúc đẩy mở rộng giao lưu giữa nhân dân hai nước, cũng như tăng cường mối quan hệ Mỹ - Trung thông qua thể thao. 
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, ổn định kinh tế toàn cầu dựa vào việc Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm nền tảng chung.

Phát biểu trong ngày đầu tiên của chuyến công du chính thức Trung Quốc, ông Biden nói, một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là "vô cùng quan trọng". Chuyến công du của ông Biden diễn ra giữa lúc căng thẳng hai bên gia tăng xung quanh vấn đề nợ của Mỹ.

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ và đã chỉ trích "thói nghiện nợ" của Mỹ. Các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt tranh cãi chính trị gần đây ở Mỹ xung quanh việc tăng trần khoản nợ và ngăn chặn cuộc khủng hoảng vỡ nợ tài chính.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX

Trung Quốc nắm giữ 1 nghìn tỉ USD khoản nợ của Mỹ và kêu gọi nước này cần nỗ lực hơn nữa để làm giảm thâm hụt ngân sách. Đầu tháng này, Mỹ cũng trải qua cú sốc lịch sử khi bị giảm mức xếp hạng tín dụng qua đánh giá của hãng Standard & Poor's.

Thực tế này tạo ra sự bối rối lớn với chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Theo giới phân tích, Trung Quốc rõ ràng lo lắng về khoản nợ của Mỹ và cũng bị chỉ trích từ trong nước do đầu tư nhiều vào Mỹ.

Trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình - người được cho là lãnh đạo kế cận của Trung Quốc - nói rõ rằng, vấn đề kinh tế giờ đây chiếm ưu thế trong quan hệ giữa hai quốc gia. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Biden rằng: "Gần đây, tình trạng hỗn loạn trong các thị trường tài chính quốc tế trở nên sâu sắc hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ có một trách nhiệm tăng cường phối hợp trong chính sách kinh tế vĩ mô và cùng nhau thúc đẩy lòng tin thị trường".

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân của Bắc Kinh, phó Tổng thống Mỹ Biden cho biết: "Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, ổn định kinh tế thế giới có một phần không nhỏ của sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, nó là chìa khoá với ổn định toàn cầu".

Theo báo chí Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ và giá trị đồng nhân dân tệ là tâm điểm hội đàm của lãnh đạo hai bên. Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Biden, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ đề cập tới sự phản đối của nước này về kế hoạch bán máy bay chiến đấu của Mỹ cho Đài Loan.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 1/10 sẽ quyết định nên hay không bán máy bay F-16 cho Đài Loan. Trong khi đó, Nhật báo Trung Quốc nói rằng, khả năng bán vũ khí là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới bất đồng giữa hai nước.

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra theo lời mời của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi chính quyền Obama tìm kiếm nỗ lực tăng cường quan hệ với thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc. Chuyến thăm sẽ mở đường cho chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Washington vào cuối năm nay.
Với Biden, đây là lần thứ 3 ông tới thăm Trung Quốc kể từ năm 1979, song là lần đầu tiên trên cương vị phó tổng thống. Sau Trung Quốc, ông sẽ khởi hành tới Nhật Bản và Mông Cổ. 

Giữa sự cố bóng rổ, lãnh đạo TQ khen kinh tế Mỹ
Trong ngày thứ hai hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr., Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa và khẳng định triển vọng dài hạn của kinh tế Mỹ khi nói nó có "độ đàn hồi và khả năng tự phục hồi cao".
Tuy nhiên, ông Tập cũng kêu gọi các biện pháp mới để khôi phục lòng tin trên các thị trường tài chính toàn cầu, thị trường mà ông mô tả là "trải qua những biến động quyết liệt" và đối mặt với thách thức bất ổn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm ở tuần thứ năm liên tiếp, phản ứng sự quan ngại ngày một lớn về việc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác của phương Tây có thể lại trượt vào suy thoái.

Ông Biden phát biểu lúc bắt đầu cuộc đối thoại giữa 20 giám đốc điều hành doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, đã nói, ông có "sự tin tưởng tuyệt đối, rõ ràng vào sức mạnh và sức sống của nền kinh tế Mỹ". Ông khuyến khích các công ty Trung Quốc mở rộng đầu tư tại Mỹ.
Ảnh: THX

Phó Tổng thống Mỹ có chuyến công du Trung Quốc 4 ngày, phần lớn dành thời gian cho các cuộc hội đàm với ông Tập - người được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Tập cho hay, hai người đã thảo luận về các nỗ lực của Mỹ nhằm làm giảm nợ quốc gia cũng như tình hình kinh tế toàn cầu.

Sáng 19/8, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai nước không chỉ tốt cho nền kinh tế mà còn thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Nhưng họ cũng chỉ ra một số rào cản trong quan hệ này với việc ông Tập thúc giục Mỹ dỡ bỏ các hạn chế với việc xuất khẩu công nghệ hiện đại và những gì mà ông cho là rào cản với việc Trung Quốc mua lại doanh nghiệp Mỹ.

Việc đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, tuy nhỏ nhưng đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc người Trung Quốc "có máu mặt" mua lại các tài sản Mỹ đã vấp phải sự phản đối về chính trị hoặc do những quan ngại an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Biden cũng thừa nhận công dân Trung Quốc gặp khó khi xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ và cam kết sẽ giải quyết vấn đề này. Nhắc lại lời phàn nàn chính của các giám đốc điều hành Mỹ, ông thúc giục Trung Quốc tạo điều kiện dễ dàng hơn để các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Các tập đoàn nước ngoài thường than phiền rằng, họ phải đối mặt với những hạn chế cả về chính thức lẫn "bất thành văn" trong khả năng cạnh tranh với các hãng nội địa.

Hôm 18/8, ông Biden và ông Tập đã nhấn mạnh đến tính cần thiết trong hợp tác kinh tế vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với những cuộc khủng hoảng mới.

Trong các cuộc hội đàm, Phó Tổng thống Mỹ đã trở lại với chủ đề cũ: đó là Trung Quốc cần xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, tập trung nhiều vào tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu. Ông nhấn mạnh, sự tái cân bằng ấy là cách Trung Quốc có thể giúp cho tăng trưởng ở Mỹ và những nước khác cũng như giải quyết những khiếm khuyết về cơ cấu với chính nền kinh tế bản địa.

Trận đấu giao hữu thành cuộc ẩu đả

Đã có một sự cố xảy ra khi Phó Tổng thống Mỹ công du Trung Quốc. Đó là trận đấu giao hữu giữa một câu lạc bộ bóng rổ Trung Quốc và đội tới từ một trường đại học ở Mỹ đã trở thành cuộc ẩu đả lớn tại Bắc Kinh. Các cầu thủ của cả hai đội đã có một cuộc ẩu đả trước khi đội tới từ Mỹ rút lui khỏi sân bóng của nước chủ nhà, tới phòng thay đồ của họ để đảm bảo sự an toàn.

Bức ảnh do phóng viên của tờ China Daily chụp cho thấy 3 cầu thủ trong màu áo của đội Trung Quốc và một người khác đã xông vào đá tới tấp 1 cầu thủ tới từ đội của trường đại học Georgetown khi người này bị ngã và đang cố gắng bỏ chạy khỏi sân bóng.

Ông Biden không có mặt để xem trận đấu giao hữu này nhưng trước đó một ngày, ông đã cùng tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Trương Nghiệp Toại đến xem trận đấu giao hữu giữa Georgetown với một câu lạc bộ khác ở Trung Quốc.

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Biden tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức. Mục đích chính của chuyến đi (bao gồm ba ngày cho các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh và tại Thành Đô) đặt ra với ông Biden và các quan chức Mỹ là xây dựng một mối quan hệ với ông Tập Cận Bình. 

Phó tổng thống Mỹ ăn mỳ ở quán Bắc Kinh

Hôm qua, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục gây ấn tượng với công chúng Trung Quốc khi ăn trưa tại một tiệm bán mỳ sợi nhỏ ở Bắc Kinh.

Joe Biden bắt đầu ngày thứ hai ở Bắc Kinh bằng cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, tại Đại lễ đường Nhân dân. Lãnh đạo hai bên đã cam kết thắt chặt hợp tác kinh tế song phương và tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao.
Sau buổi hội đàm, phó tổng thống Mỹ cùng với cô cháu gái, ông Tập và đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, đã quyết định giải trí bằng cách thưởng thức các món ăn nhẹ của Bắc Kinh tại một tiệm ăn gia đình nhỏ.
People's Daily cho hay Biden và đoàn tùy tùng đã gọi món mỳ địa phương ăn với tương đậu, bánh bao hấp và một vài món khai vị khác của Trung Quốc. Biden cũng thưởng thức thêm một món đặc sản của tiệm làm từ gan và ruột lợn, đi kèm với nước dùng rất phổ biến ở Bắc Kinh.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại tiệm mỳ sợi Bắc Kinh. Ảnh: People's Daily
Rất đông người Bắc Kinh đang ăn ở tiệm khi Biden đến và nhà lãnh đạo thứ hai của Mỹ xin lỗi vì gây ảnh hưởng cho họ.
"Các bạn đến đây để ăn trưa cho yên tĩnh và tôi lại xuất hiện", AFP dẫn lời ông.
Hành động này đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều người dân địa phương và cư dân mạng về sự tương phản giữa phong cách thân thiện của Biden với các quan chức Trung Quốc, vốn luôn xuất hiện đạo mạo trước công chúng.
"Việc ăn tối tại một tiệm ăn địa phương cho thấy tính cách của Biden, cũng như mong muốn và nỗ lực của ông trong việc tiến gần hơn với công chúng Trung Quốc", Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu của Viện Hoa Kỳ học, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
"Các chính trị gia thường đến thăm trường học hoặc viên nghiên cứu, còn Biden lại chọn đến những nơi dành cho những người dân bình thường. Đánh giá từ các bình luận trực tuyến cho thấy nhiều cư dân mạng rất thích ông".
"Dù cố tình hay không thì hành động của Biden cũng đã chiếm được tình cảm của công chúng Trung Quốc ở một mức độ nào đó", ông Tao nói.

Mỹ tìm hiểu lãnh đạo tương lai của Trung Quốc

Ông Joe Biden đặt chân tới Bắc Kinh hôm qua, bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày ở Trung Quốc.

Phó tổng thống Biden và cháu gái tới Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Phó tổng thống Biden và cháu gái tới Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Chuyến đi của ông được thực hiện sau lời mời của người đồng cấp Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, CNN dẫn tin từ Nhà Trắng cho biết. Chuyến công du lần này cũng mở đường cho việc ông Tập tới thăm Washington cuối năm nay.
"Một trong những mục đích chính của chuyến đi là tìm hiểu thêm về lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, xây dựng quan hệ với Phó chủ tịch Tập và bàn bạc với ông ấy cùng các quan chức khác về một loạt các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung", Tony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia cho phó tổng thống, cho biết. "Nói một cách đơn giản, chúng tôi đang đầu tư cho tương lai của quan hệ Mỹ-Trung".
Các nhà phân tích chính trị cho biết chuyến đi của ông Biden là một cơ hội cho quan chức Mỹ hiểu thêm về ông Tập, người được cho là sẽ lên thay chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Biden sẽ cùng ông Tập tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, ngày mai. Ông sẽ có một bài phát biểu tại đây và đi thăm đập Dujiangyan cùng một trường học được xây dựng lại sau trận động đất năm 2008. Ông sẽ ăn tối với ông Tập ở một nhà hàng, một hoạt động được xem là khác thường khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp quan chức nước ngoài.
Ông Biden cũng sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm này.
Một trong những nội dung chính của chuyến công du lần này của ông Biden là để trấn an Trung Quốc về tình hình kinh tế Mỹ. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ 1.000 tỷ USD, đang kêu gọi nước này nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách.
Giới chức Mỹ cho hay Biden dự kiến sẽ trình bày những điểm mạnh trong thỏa thuận về tăng mức trần nợ công mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua. Ông cũng sẽ trấn an Bắc Kinh rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn kiểm soát được tình hình kinh tế dù bị đánh tụt hạng về chỉ số tín nhiệm. Trước chuyến thăm của Biden, báo Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ tăng mức nợ trần, cho rằng nước này "nghiện nợ".
Trong khi đó, nhiều năm nay, Mỹ và Trung Quốc cũng bất đồng về nhiều vấn đề như giao dịch thương mại và giá trị đồng nhân dân tệ. Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc duy trì đồng nhân dân tệ yếu đồng thời quan ngại về việc Bắc Kinh tăng chi tiêu cho quân sự. 

Tập Cận Bình - 'Lãnh đạo tương lai' của Trung Quốc
Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Sự kiện Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy trung ương được cho là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã hé lộ lãnh đạo tiếp theo của nước này.
Thông tin do Tân Hoa xã công bố về việc ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu vào Quân ủy Trung ương, cơ quan điều hành lực lượng gồm 2,3 triệu binh sĩ của Quân giải phóng Trung Quốc, không phải là một bất ngờ vì điều này đã được phỏng đoán từ trước.
Từ lâu giới truyền thông phương Tây đã nhận định Tập Cận Bình là thế hệ lãnh đạo tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới. BBC cho rằng, tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội, do đó việc ông Tập bước vào Quân ủy Trung ương với ghế phó chủ tịch là một bước đi cần phải có để tiến tới vị trí lãnh đạo cao nhất.
Trong khi đó, trước khi giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào cũng từng giữ vị trí như ông Tập Cận Bình trong Quân ủy Trung ương. Như vậy, hiện ông Tập là người cấp phó trên hầu hết các vị trí quan trọng cho Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào.
Việc bổ nhiệm chức vụ đảng song song với chức vụ nhà nước tại Trung Quốc được coi là bước chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo cấp cao nhất ở nước này. Do đó sự kiện vừa diễn ra tại Bắc Kinh càng khẳng định cho dự đoán ông Tập sẽ là lãnh đạo tương lai của Trung Quốc. Còn ông Hồ Cẩm Đào sẽ rời ghế tổng bí thư vào năm 2012 và ghế chủ tịch nước một năm sau đó.
Ảnh: AFP.
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình (phía trước) và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trong một phiên họp. Ảnh: AFP.
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình sinh năm 1953 tại Bắc Kinh và là con trai một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun). Ông Tập cũng được đánh giá là người thành công bậc nhất trong thế hệ con cháu các nhà cách mạng tiền bối của nước này.
Ông học ngành cơ khí tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nơi sản sinh nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào. Năm 1974, Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt đầu thăng tiến từ vị trí lãnh đạo đảng tại hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây từ năm 1982 đến 1985. Sau đó ông chuyển sang tỉnh Phúc Kiến và tiến tới chức chủ tịch tỉnh này năm 2000. Đây cũng là tỉnh ông có thời gian gắn bó lâu nhất trước khi về trung ương.
Gương mặt chống tham nhũng
Trong những năm tháng lãnh đạo tại địa phương, ông Tập nổi tiếng là người cứng rắn trong việc trừng phạt các quan chức tham nhũng. Việc ông trở thành Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 2000 một phần cũng vì ông đóng vai trò quan trọng trong việc dẹp bỏ một vụ án tham nhũng lớn tại đây vào cuối những năm 90.
Sau thành công tại Phúc Kiến và một thời gian ngắn làm Bí thư tỉnh ủy Triết Giang, Tập Cận Bình được điều chuyển làm Bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007, sau khi người tiền nhiệm Trần Lương Vũ (Chen Liengyu) bị cách chức do tham nhũng. Đây được coi là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Tập, vì sự điều chuyển công tác tới địa phương quan trọng hàng đầu này đã thể hiện sự tin tưởng của trung ương đối với ông.
Ngay sau khi giữ vị trí lãnh đạo đảng tại thành phố lớn nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng trong năm 2007. Kể từ đây ông được nhìn nhận như một trong những gương mặt hứa hẹn nhất trong thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc.
Sự thăng tiến của ông Tập tiếp tục được đánh dấu bằng việc ông trở thành phó chủ tịch nước Trung Quốc năm 2008. Sau đó phạm vi hoạt động của ông ngày càng mở rộng hơn, gồm việc được giao trọng trách chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 và đảm nhiệm các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Macau.
Năm 2009, ông từng được dự đoán là sẽ có ghế trong Quân ủy Trung ương, mở đường cho việc kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trong tương lai. Nhưng trên thực tế dự đoán này đã diễn ra chậm hơn một năm vì tới hôm qua ông mới chính thức có mặt trong Quân ủy Trung ương. Tạp chí Time của Mỹ trong năm 2009 cũng đã xếp ông Tập Cận Bình vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Bên cạnh quan điểm mạnh tay với nạn tham nhũng, Tập Cận Bình còn là mẫu lãnh đạo có tư tưởng cởi mở về kinh tế. Ông đã rất nỗ lực trong việc mời gọi đầu tư nước ngoài vào hai tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, đặc biệt là dòng vốn từ Đài Loan, khi còn công tác tại các địa phương này.
Trong cuộc sống riêng tư, ông Tập Cận Bình được nhiều người Trung Quốc biết đến sau khi kết hôn với ca sĩ nổi tiếng Peng Liyuan năm 1987.

Lầu Năm Góc ra kế hoạch mới đối phó với TQ
Mặc dù khủng hoảng ngân sách, quân sự Mỹ vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra với đối thủ lớn nhất - Trung Quốc.
Bài viết của Stephen Glain, nhà báo tự do với nhiều kinh nghiệm hoạt động ở châu Á và Trung Đông. Ông viết cho New Republic, Atlantic Monthly, The Nation, The Wall Street Journal và nhiều ấn phẩm khác.
Ảnh: US Navy

Mùa hè này, dù cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra, Lầu Năm Góc đã tính toán hiệu quả của hai cuộc chiến bị sa lầy và chuẩn bị cho khả năng chiến cuộc thứ ba. Với việc giảm bớt các cam kết tại Iraq và Afghanistan trong khi tái tập trung vào châu Á, Washington không cần rút quá nhiều lực lượng từ vùng Vịnh khi cần có thể phải huy động cho một cuộc chiến có thể xảy ra với chủ nợ lớn nhất - Trung Quốc.
Theo báo chí quốc phòng, quan chức Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các biện pháp để thích nghi với khái niệm mang tên Chiến trận Hải - Không để đối phó với Trung Quốc. Bản tin nội bộ của Lầu Năm Góc gần đây cho hay, một nhóm nhỏ các sĩ quan hải quân Mỹ gọi là Đội Tích hợp Trung Quốc “nỗ lực làm việc để thích nghi với những bài học của Chiến trận Hải - Không cho một cuộc xung đột khả năng xảy ra với Trung Quốc”.
Chiến trận Hải - Không, được phát triển từ đầu những năm 1990 và gần đây nhất được mã hóa trong hồ sơ mật của lực lượng Hải quân - Không quân năm 2009. Khái niệm Chiến trận Hải - Không do các nhà hoạch định của hải quân và không quân Mỹ xây dựng để các máy bay ném bom của lực lượng không quân và tàu ngầm của hải quân phối hợp với nhau nhằm “vô hiệu hóa” các rađa và tên lửa đất đối không (SAM) của các cường quốc ven biển như Trung Quốc và Iran.
Một sự vận động của Mỹ âm thầm diễn ra ở châu Á trong một nghiên cứu mùa xuân năm 2001 của Lầu Năm Góc gọi là "châu Á 2025", trong đó nhận định Trung Quốc như một "đối thủ dai dẳng của Mỹ". Ba năm sau đó, chính phủ Mỹ công khai một bản kế hoạch gọi là một chuỗi căn cứ mới ở Trung Á và Trung Đông, trong một phần nỗ lực phong tỏa Trung Quốc.
Tương tự như vậy, thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ năm 2008 là động thái ngăn chặn rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh. Cuối tháng 3, báo chí đưa tin chi tiết về việc tăng cường lực lượng lớn của Mỹ ở châu Á, bao gồm cả gia tăng triển khai hải quân và mở rộng hợp tác với các nước đối tác.
Tuy nhiên, khác với các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu, Trung Quốc không vướng mắc những bổn phận an ninh với một cường quốc nước ngoài, đặc biệt với vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh xác định Mỹ không như một đối tác chiến lược mà là mối đe dọa. Trong năm 2007, khi Trung Quốc phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết của mình bằng tên lửa đạn đạo, họ đã gửi lời cảnh báo tới Washington sau sáu năm xảy ra vụ đụng độ giữa một máy bay do thám Mỹ với máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang cố chặn máy bay Mỹ ở Biển Đông. Khi đó, máy bay Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp trên một hòn đảo của Trung Quốc và các phi công đã bị bắt giữ trong một thời gian ngắn. Mặc dù cuộc khủng hoảng đã được tháo gỡ bằng biện pháp ngoại giao, nhưng nó đã khiến Washington có những xem xét đánh giá trong "châu Á 2025".
Ngoài Trung Quốc là nước đưa ra tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền với các đảo trong vùng biển này. Thay vì can thiệp bằng cách ngoại giao gỡ rối những tranh cãi, Mỹ đã phản đối Bắc Kinh một cách rõ ràng.
Tháng 3/2010, khi báo chí Nhật Bản dẫn lời một quan chức Trung Quốc nói rằng, Biển Đông là "một lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, Nhà Trắng phản ứng bằng tuyên bố, tự do hàng hải trong khu vực là một "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Tại Manila tháng trước, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, Mỹ tuân thủ hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và sẽ bán vũ khí mới cho nước này ở mức giá thích hợp.

Tên lửa: Kế hoạch đánh bại Mỹ của Trung Quốc
Dù không ít nỗ lực phô trương sự hiện đại, nhưng quân sự Trung Quốc có thể yếu hơn nhiều người suy đoán, đặc biệt nếu so sánh với Mỹ.


Tuy nhiên, Bắc Kinh có một kế hoạch giản đơn - thậm chí là rủi ro - để bù đắp điểm yếu của mình: đó là mua tên lửa. Sau đó, mua nhiều và nhiều hơn nữa. Tất cả các loại tên lửa: tầm ngắn và tầm dài, phóng từ mặt đất, từ biển, đạn đạo hay hành trình...
Có hai chủ đề nổi bật từ tác phẩm Sức mạnh không gian Trung Quốc - gồm những bài luận do Andrew Erickson biên tập. Erickson là nhà phân tích Trung Quốc khá nhiều ảnh hưởng của đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.
Theo Sức mạnh không gian Trung Quốc, ngày nay có khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình phi hạt nhân. "Phát triển kho vũ khí tên lửa với các tên lửa đạn đạo ngày càng có độ chính xác cao và tên lửa hành trình tấn công mặt đất ngày càng trở thành nền móng của khả năng chiến đấu với PLA", Mark Stokes và Ian Easton viết. Với mỗi loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc (PLA) luôn tụt hậu so với Lầu Năm Góc, thì tên lửa có thể giúp Trung Quốc tạo ra sự khác biệt.
Đó là thực tế rõ ràng. Mặc dù giới thiệu hàng loạt vũ khí mới trong những năm gần đây gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm và cả một tàu sân bay Liên Xô được nâng cấp, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu rất nhiều hệ thống cơ bản, tổ chức và thủ tục cần thiết để đánh bại một kẻ thù quả quyết, được trang bị tốt.
Lấy ví dụ là tiếp nhiên liệu trên không. Để triển khai một số lượng lớn các máy bay tiếp dầu hiệu quả trên không đòi hỏi khả năng xây dựng và hỗ trợ các động cơ lớn - điều mà Trung Quốc chưa thể làm ngay. Trong tiếp dầu trên không đòi hỏi việc lên kế hoạch, điều phối và phối hợp vượt xa những gì PLA có thể đáp ứng. Kết quả là "PLA chỉ có máy bay tiếp dầu trong phạm vi cung cấp ngắn”, Wayne Ulman giải thích.
Theo Sức mạnh Không gian Trung Quốc, tính về tổng số, PLA chỉ vận hành 14 máy bay tiếp dầu H-6U, mỗi chiếc chỉ mang được khoảng 17.000 kg nhiên liệu nạp (trong khi đó, chỉ riêng lực lượng không quân Mỹ đã sở hữu hơn 500 máy bay tiếp dầu, mỗi chiếc mang được khoảng 100.000 kg nhiên liệu). Vì thế, trong khi về lý thuyết , PLA có thể tự hào với hơn 1.500 máy bay chiến đấu, nhưng trên thực tế, chỉ có thể tiếp nhiên liệu cho 50-60 chiếc ở cùng thời điểm, giả định toàn bộ máy bay tiếp dầu H-6 hoạt động hoàn hảo.
Trong trường hợp xảy ra cuộc chiến trên không về Đài Loan, cách xa phần lớn những căn cứ của Trung Quốc hàng trăm km, chỉ có 50 máy bay chiến đấu có thể dành thời gian chiến đấu hơn vài phút trên chiến trường. Như vậy, ưu thế về máy bay chiến đấu của Trung Quốc so với Đài Loan thực ra là đảo ngược. Chênh lệch sẽ lớn hơn nếu có sự tham gia của cả máy bay chiến đấu Mỹ.
Và đâu là giải pháp của PLA? Dĩ nhiên đó là tên lửa. Có tới cả nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình, phần lớn bắn từ các bệ phóng mặt đất “dường như sẽ được huy động trong cuộc chiến đầu tiên” chống lại Đài Loan hoặc các căn cứ ở Thái Bình Dương của Mỹ, Ulman viết. Mục tiêu là để tiêu diệt càng nhiều máy bay của đối phương càng tốt, thậm chí trước khi cuộc chiến bắt đầu.
PLA có thể dùng cách tiếp cận tương tự để bù đắp những điểm yếu trên biển hiện nay của họ. Các tàu ngầm luôn luôn là “sát thủ” chống tàu tiềm năng nhất  của bất kỳ quốc gia nào, nhưng tàu ngầm Trung Quốc quá ít, quá ồn ào và thủy thủ thì quá thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận và đối đầu với Hải quân Mỹ. Jeff Hagen dự báo, nếu cuộc chiến bắt đầu, “các tàu ngầm Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu dễ bị công kích”.
Và hãy quên đi cách sử dụng máy bay chiến đấu trang bị vũ khí tầm ngắn để tấn công hải quân Mỹ. Một nhà phân tích Trung Quốc ước tính, sẽ cần có khoảng 150 - 200 máy bay chiến đấu Su-27 để phá hủy một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Toàn bộ PLA có khoảng 300 chiếc Su-27 trong khi hải quân Mỹ có 22 tàu tuần dương Ticonderoga.
Lại một lần nữa, tên lửa là sự bổ sung hoàn hảo. Một cuộc tấn công “siêu bão hòa” với hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng “vô hiệu hóa lập tức hệ thống phòng không của Ticonderoga”, Toshi Yoshihara viết. Nếu ở gần bờ, Trung Quốc có thể sử dụng các loại tên lửa cũ, kém chính xác và tầm ngắn hơn mà họ đã sở hữu với số lượng rất phong phú. Với cuộc chiến tầm xa, PLA đang triển khai chương trình tên lửa DF-21D mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái để định vị chính xác mục tiêu.
Mặt trái của chiến lược lấy tên lửa làm trọng tâm của Trung Quốc là nó có thể đại diện cho cái gọi là “điểm yếu duy nhất”. Do quá phụ thuộc vào một loại vũ khí có thể khiến PLA dễ bị tổn thương nếu gặp một loại biện pháp đối phó. Trong trường hợp này, đó chính là hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Lầu Năm Góc, bao gồm các tàu chiến trang bị tên lửa SM-3, tên lửa Patriot và hệ thống pháo phòng không tầm cao của bộ binh Mỹ.
Hơn thế nữa, tên lửa là loại vũ khí dùng một lần. Không thể tái sử dụng chúng như máy bay chiến đấu hay tàu khu trục. Điều đó có nghĩa là, trong thời chiến, Trung Quốc buộc phải chiến thắng nhanh hoặc thất bại. “Ví dụ, tính tổng số lượng tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, có thể dội khoảng một nghìn tấn chất nổ có sức công phá lớn vào các mục tiêu”, Roger Cliff giải thích. “Tương quan so sánh với máy bay của Không quân Mỹ, có thể dội một lượng thuốc nổ gấp vài lần mỗi ngày trong khoảng thời gian không xác định”. 

Đọc sức mạnh quân sự Mỹ, Trung
Tài xế taxi Jin Yinjian có vài lời khuyên cho những người đang lo lắng về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, gồm cả chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này. Đó là, hãy quen với việc Trung Quốc giương oai.

"Tôi tự hào vì chúng tôi sẽ có chiếc tàu sân bay đầu tiên. Đó là dấu hiệu về sức mạnh đang lên của Trung Quốc, tất cả các nước lớn nên có hàng không mẫu hạm".
Trong khi Mỹ dự định đưa quân khỏi Iraq và Afghanistan thì nước này vẫn cảnh giác với những mối đe dọa đang nổi lên ở phía Đông. Trong suốt hai thập niên qua, Trung Quốc đã bổ sung thêm cho quân đội khá nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và đáng kể hơn cả là phát triển tên lửa tấn công, có khả năng hạ máy bay tàng hình và tàu hải quân lớn nhất của Mỹ, gồm cả tàu sân bay.
Cùng lúc, Trung Quốc tuyên bố, lãnh hải nước này kéo dài hàng trăm dặm vượt xa khỏi bờ biển của họ, lấn cả vào khu vực của những nước láng giềng và những nơi mà Mỹ coi là vùng lãnh hải quốc tế. Bắc Kinh đã đặt hơn 1.000 tên lửa đạn đạo nhằm vào Đài Loan, một đồng minh của Mỹ. Nhiều nước phàn nàn với Mỹ về việc đối đầu với Trung Quốc ở ngoài biển.
Trung Quốc tuyên bố, nước này chỉ phát triển vũ khí phòng vệ và bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự nói, Mỹ dường như đang có một quan điểm khác về tuyên bố của Trung Quốc khi Lầu Năm Góc đang phát triển một thế hệ máy bay ném bom mới có thể bay xa ngoài tầm với của radar. Oanh tạc cơ tầm xa là công cụ ngăn chặn những đối tượng tìm cách cản đường của chúng tôi, Thiếu tướng không quân Mỹ Noel Jones cho biết.
Jones không đề cập tới việc Trung Quốc là đối thủ tiềm năng của chiếc oanh tạc cơ mới. "Ông Jones không cần nói thẳng ra", Roger Cliff, một nhà nghiên cứu quốc phòng độc lập, chuyên gia về Trung Quốc đồng thời là cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết. "Trung Quốc là một trong những nước mà Mỹ chắc chắn nghĩ tới khi chế tạo máy bay ném bom. Khả năng tấn công của Trung Quốc sẽ tăng dần trong thập niên tới. Tới cuối thập niên này, chúng ta không thể tránh đòn. Họ có thể tiến hành các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình".
Trung Quốc trở nên giàu có kỳ lạ kể từ khi từ bỏ các chính sách kinh tế cũ vào những năm 1980 và mở cửa hơn. Số tiền mà Trung Quốc mới kiếm được từ người tiêu dùng phương Tây phần lớn đều đổ về cho Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho hay. Kể từ năm 1989, mỗi năm chi tiêu quốc phòng Trung Quốc đều tăng gần 13%, báo cáo hàng năm 2010 trình lên Quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy. Tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh cho biết, ngân sách hàng năm của quân đội là 78,6 tỷ USD.
Ngân sách năm tài khóa 2012 mà Lầu Năm Góc đề xuất là 676 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Viện Kinh doanh Mỹ, một tổ chức cố vấn tập trung vào quân sự, quân đội Mỹ đang thiếu tiền và không thể chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đặt ra cho các đồng minh của nước này ở Đông Á do chi tiêu quốc phòng bị giảm.
Dù Mỹ chi tiêu nhiều hơn nhưng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc gần tới mức 300 tỷ USD và nó chỉ tập trung ở một vùng là Đông Á. Trong khi đó, khoản tiền mà Mỹ bỏ ra phải phủ khắp nhiều vùng trên thế giới.
Chi tiêu quốc phòng của Mỹ đạt đỉnh là 517 tỷ USD vào năm 1985. Sau đó, chi tiêu cho quốc phòng giảm trong 15 năm tiếp theo và chỉ tăng vọt sau sự kiện ngày 11/9/2001, tăng ở mức trung bình là 4,4% năm. Năm mươi năm trước, chi tiêu quốc phòng Mỹ chiếm 47% tổng chi tiêu của liên bang và giờ đây nó chỉ chiếm 19%, Văn phòng quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng cho hay.
Cho tới thời điểm này, Mỹ triển khai nhiều tàu và tàu chiến trên toàn thế giới hơn các quốc gia khác nhưng chỉ trong hai thập niên Trung Quốc đã tạo ra một lực lượng tàu ngầm và tàu chiến lớn nhất ở châu Á. Không quân Trung Quốc được bổ sung thêm hàng trăm máy bay chiến đấu, có thể sánh được với các máy bay F-15 và F-16 của Mỹ. Năm nay, quân đội Trung Quốc thông báo, đã thử thành công một máy bay chiến đấu mới - chiếc J-20 dường như có khả năng tàng hình, tránh được radar.
Trung Quốc cũng tuyên bố chuẩn bị hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên và phát triển tên lửa chống hạm, có thể bay xa gần 1.500km, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Do sức mạnh quân sự tăng, Trung Quốc đã tăng cường đối đầu với đồng minh của Mỹ tại Biển Đông và thậm chí còn đối đầu với cả tàu Mỹ ở Hoàng Hải. Biển Đông là một vùng rộng lớn, hơn 1 triệu dặm vuông, chứa nhiều dầu và khí tự nhiên.
Trong tháng 5, tàu quân sự của Trung Quốc hai lần đã cắt cáp mà tàu Việt Nam dùng để thử địa chấn ở đáy biển. Hồi tháng 3, hai tàu của Trung Quốc đã đe dọa một tàu khai thác khí của Philippines. Việt Nam và Philippines nói, Trung Quốc đói năng lượng đang quấy rối những nỗ lực khai thác dầu và khí của hai nước. Mùa thu năm ngoái, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần tra Nhật gần một hòn đảo ở biển Hoa Đông mà hai nước đều giành chủ quyền. Đài Loan cũng phàn nàn rằng Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo qua eo biển Đài Loan.
Thế giới đã chú ý tới vị thế quân sự mới của Trung Quốc, kết quả thăm dò thái độ của người dân toàn cầu do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 14/7 cho thấy. Thăm dò cho thấy, 15/22 nước nói, Trung Quốc sẽ hoặc đã thay thế Mỹ với tư cách là siêu cường hàng đầu thế giới. Phần đông các nước thăm dò nói, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là một điều không tốt.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai mới đây cảnh báo, một số quốc gia đang "đùa với lửa" và ông bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc. Trung Quốc kêu gọi đàm phán để giải quyết tranh chấp và Mỹ sẽ không tham gia đàm phán.
Đô đốc Michael Mullen, chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tháng này, ông Mullen nói, Trung Quốc phải tôn trọng tự do hàng hải. 

Mỹ chất vấn Trung Quốc về tàu sân bay
Mỹ hôm 10/8 tuyên bố muốn Trung Quốc giải thích tại sao nước này lại cần có tàu sân bay. Câu hỏi được đưa ra trong lúc Washington lo ngại Bắc Kinh thiếu minh bạch trong các mục đích quân sự.


"Chúng tôi sẽ hoan nghênh bất cứ lời giải thích nào mà Trung Quốc đưa ra nhằm cho thấy họ cần con tàu đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên khi được hỏi liệu tàu sân bay của Trung Quốc có làm tăng căng thẳng ở khu vực không.
"Đây là một phần trong lo ngại ngày càng lớn của Mỹ, đó là Trung Quốc không rõ ràng như những nước khác. Trung Quốc không minh bạch như Mỹ về ngân sách và thu mua các thiết bị quân sự. Chúng tôi mong muốn có một mối quan hệ công khai, rõ ràng về các vấn đề quân sự.
Trong mối quan hệ quân sự - quân sự giữa Mỹ với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi duy trì kiểu đối thoại song phương và từ đây có thể nắm khá rõ về các thiết bị mà các thiết bị cũng như mục đích sử dụng của nó. Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không ở mức rõ ràng như hai nước mong muốn", Nuland nói thêm.
Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có hải trình thử nghiệm đầu tiên. Động thái này có khả năng làm tăng lo ngại của các quốc gia khác về sự mở rộng quân sự và quả quyết về lãnh hải của Bắc Kinh.
Chỉ mới gần đây Bắc Kinh mới xác nhận nước này đang sửa chữa chiếc tàu của Liên Xô cũ để làm tàu sân bay đầu tiên của nước này. Trung Quốc cũng hạ thấp năng lực con tàu, khẳng định nó chỉ được dùng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu.
 
Tương quan vũ khí tấn công Mỹ-Trung
Trung Quốc hành động như thể nước này muốn Mỹ đi khỏi khu vực mà họ muốn kiểm soát, giới phân tích nhận định. 


Andrew Krepinevich, Giám đốc Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách - một viện nghiên cứu chính sách độc lập nói, Trung Quốc không muốn chiến tranh với Mỹ. "Dường như, điều Trung Quốc muốn là thay đổi sự cân bằng quân sự tại tây Thái Bình Dương để Mỹ không thể trợ giúp quân sự cho các đối tác an ninh lâu dài như Nhật, Hàn và Đài Loan", ông Krepinevich, người có 21 năm trong quân ngũ nhận xét.
Cả hai nước trên và Đài Loan đã cung cấp cho Mỹ những căn cứ, cảng biển quan trọng tại Thái Bình Dương, để Mỹ ngăn không cho Trung Quốc gây sức ép lên 3 khu vực trên và buộc họ phải tuân thủ chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vì sợ bị tấn công, Krepinevich nói. Liên Xô từng cố làm một việc tương tự như vậy ở Tây Âu. Theo Krepinevich, tình huống trên trùm lên vấn đề an ninh quốc gia mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta không thể phớt lờ.
Vậy, làm thế nào? Một số nhà phân tích nói, quân đội Mỹ nên lo lắng về việc Trung Quốc phát triển vũ khí có thể cản đường Mỹ ở trong vùng. Đó là tên lửa tầm xa có thể phá hủy tàu sân bay ở biển hoặc được dùng để nhằm vào các căn cứ trên đảo giống như tên lửa mà Mỹ đang đặt ở Guam.
"Phương pháp chặn tiếp cận là một trong những cách buộc Mỹ phải tấn công từ một nơi xa hơn nhiều", Jan van Tol, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách, đồng thời là một thuyền trưởng hải quân Mỹ đã về hưu nói. "Cần phải đặc biệt chú trọng tới tên lửa đạn đạo chống hạm vì nếu loại vũ khí này được sử dụng một cách hiệu quả, nó sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các tàu sân bay của Hải quân".
Tàu sân bay là xương sống sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài, nó cho phép các máy bay tấn công hoạt động gần như là bất kỳ một nơi nào trên thế giới. Việc Trung Quốc phát triển vũ khí sẽ cho phép nước này rào một phần của Thái Bình Dương lại, ngăn không cho Mỹ tiếp cận khu vực này và để Bắc Kinh thoải mái hành động chống lại các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
"Có đủ thứ mà Trung Quốc dường như đang cố thâu tóm mà không có lý do rõ ràng nào", van Tol nói.
Trung Quốc chưa bao giờ có ý định đe dọa bất kỳ một quốc gia nào, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie nói với những người đồng nhiệm châu Á tại cuộc họp "Đối thoại Shangri-La" bàn về vấn đề an ninh tại Singapore mới đây.
"Không phải tất cả mọi người tại những nước láng giềng của Trung Quốc đều tin vào điều này", Arthur Ding, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại đại học Chengchi, Đài Loan, người cũng tham dự Đối thoại Shangri-La nói. Khi Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa quân đội một cách toàn diện, thì nước này không thể thuyết phục các quốc gia láng giềng về ý định hòa bình của họ, Ding nhận xét.
Một manh mối chỉ ra ý định chiến lược của Trung Quốc sẽ nằm ở nơi Bắc Kinh triển khai tàu sân bay đầu tiên vào cuối năm 2011, Ding cho hay. "Nếu nó ở Biển Đông, ngoài khơi Quảng Đông thì cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc sẽ lại trỗi dậy vì các nước châu Á và Mỹ sẽ coi đó là một thông điệp gây hấn đối với họ".
Tuy nhiên, Tân Hoa xã mới đây đưa tin, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ được dùng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Đã từ lâu, Bắc Kinh đe dọa sẽ thâu tóm lại Đài Loan bằng vũ lực nếu khu vực này chính thức tuyên bố độc lập. Một số nhà phân tích nói, việc Trung Quốc xây dựng lực lượng phần lớn là nhằm lấy lại Đài Loan, và rằng, chỉ có sự can thiệp bằng quân sự của Mỹ mới có thể chặn hành động của Trung Quốc.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông gây lo lắng song không phải là sự xâm chiếm, Ding nhận xét. "Điều đó khó xảy ra nhưng có khả năng tuyến đường dầu khí của Đài Loan có thể bị Bắc Kinh đe dọa.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục phát triển máy bay tàng hình tầm xa, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không hiện đại, gồm của cả Trung Quốc. Không quân Mỹ có kế hoạch chi 197 triệu USD trong năm nay để thiết kế một loại máy bay ném bom mới, tránh được radar. Máy bay mới này có thể do phi công lái hoặc điều khiển từ xa, cho phép nó bay trong một thời gian dài mà không cần tiếp nhiên liệu. Không quân hy vọng sẽ triển khai sứ mệnh bay đầu tiên vào giữa năm 2012.
Với việc tiếp nhiên liệu trên không, máy bay chiến đấu Mỹ có thể bay vòng vòng bên ngoài tầm với hệ thống phòng không của Trung Quốc và xác định điểm tấn công. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đang thử nghiệm một loại máy bay tấn công không người lái có thể triển khai từ tàu sân bay. Máy bay này được gọi là UCLASS.
Tàu sân bay có thể làm bệ phóng cho những máy bay ném bom không người lái hoạt động ngoài tầm với của các tên lửa mà Trung Quốc đang phát triển, van Tol cho hay. Các oanh tạc cơ này có thể cất cánh từ vùng biển an toàn và được tiếp nhiên liệu trước khi tấn công.
Dù có nhiều lo ngại, Trung Quốc vẫn khẳng định, nước này không nhằm chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. "Mục đích của chúng tôi là phát triển kinh tế để đảm bảo rằng 1,3 tỷ dân sống khá hơn", tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc nói trong chuyến thăm Lầu Năm Góc gần đây. "Chúng tôi không muốn dùng tiền để mua thiết bị hoặc các hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm thách thức Mỹ".
Tại Bắc Kinh, chủ cửa hàng Zhang Kexin nói, anh ta ủng hộ Trung Quốc xây dựng lực lượng nhưng chỉ với mục đích quốc phòng. "Kinh tế còn chưa phát triển đầy đủ, quân đội còn yếu, nên Trung Quốc dễ bị làm nhục. Nếu chúng tôi mạnh, tôi tự hào về sức mạnh đó". Tuy nhiên, Zhang, 50 tuổi nói, Trung Quốc không cần có tàu sân bay. "Đó là vũ khí tấn công, không cần thiết. Đã tốn hàng triệu USD chỉ để khởi động, số tiền đó dùng vào y tế và giáo dục ở nông thôn còn tốt hơn".

Alexis Sanchez - vươn lên từ ngang trái cuộc đờI

Tuổi thơ khốn khó của Sanchez

Nhân sự kiện Alexis Sanchez ra mắt ở Camp Nou, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả loạt bài hồ sơ về chàng trai đáng ngưỡng mộ này. Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn báo chí nước ngoài bởi Hoàng Thông, nicknam JBtheCulé, một thành viên của cộng đồng Barcamania Việt Nam. 

22 tuổi, Alexis Sanchez đã có gần như tất cả những gì mà mọi cầu thủ ở cùng trang lứa mơ ước. Tiền bạc, sự nổi tiếng, một bản hợp đồng trong mơ với đội bóng hay nhất hành tinh. Nhưng ít ai biết rằng, để được như ngày hôm nay, Alexis đã phải bước qua biết bao ngang trái của cuộc đời. Gia cảnh bần hàn, một người bố vô trách nhiệm, những ngày tháng làm việc quần quật ở bãi rửa xe của một nghĩa trang của một thành phố nghèo xác xơ và đầy rẫy tệ nạn..., tất cả những thứ đó có thể đánh gục bất kỳ ai, nhưng đã không đánh gục được Alexis Sanchez, cậu bé luôn nỗ lực không ngừng để vươn lên cùng giấc mơ bên trái bóng tròn.
Một góc Tocopilla - Ảnh Internet
Cậu chuyện về Alexis Sanchez bắt đầu từ một vùng mỏ phía Bắc của Chile, thành phố cảng Tocopilla.Tocopilla là nơi mà “chỉ số tổn thương xã hội” cao nhất trong vùng. Nhưng đó cũng chính là nơi khai sinh ra cái tên Alexis Sánchez, lúc này đã là một trong những cầu thủ hay nhất và đắt giá nhất thế giới. Cách đây 11 năm, khi Alexis còn chưa đầy 11 tuổi, và vẫn đang theo học tại ngôi trường mang tên E-10 ở Tocopilla, anh đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần một viễn cảnh như thế. “Rồi tôi sẽ là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Nhưng lúc ấy, thầy giáo và các bạn học của Alexis, chẳng ai dám tin.
Ở Tocopilla, người ta vẫn thường gọi Alexis với biệt danh "Dilla", có nghĩa là chú sóc, bởi tốc độ và sự khéo léo mà cậu bé này thường thể hiện trong các trận đấu trên những con phố hay những khu đấp mấp mô ở ven đô khiến người ta không thể không liên tưởng tới loài vật tinh khôn này. Nhanh như sóc ư? Tốc độ và sự khéo léo của Alexis đúng là thiên phú, nhưng chúng chắc chắn sẽ mai một nếu không được trui rèn. “Tôi đối mặt với thiên nhiên, tôi bắt đầu chơi bóng với đôi chân trần", Alexis hồi tưởng. "Đó là lý do vì sao mọi người thấy tôi chạy nhanh như thác đổ…”
Alexis Sanchez, tên đầy đủ là Alexis Alejandro Sanchez Sanchez, sinh ngày 19 tháng 12 năm 1988 tại Tocopilla, cách thủ đô Santiago của Chile 1.600km về phía Bắc. Tocopilla là một thành phố nhỏ với chỉ 32.000 dân nằm ở giữa sa mạc Atacama, xung quanh được bao bọc bởi đồi núi và biển cả, và được mọi người biết đến với cái tên không lấy gì làm hay ho “Góc nhà của Quỷ”. Khai thác mỏ, đánh cá và chế biến là những ngành công nghiệp chính trong vùng… Nhưng Tocopilla được biết đến nhiều hơn bởi mặt tiêu cực của nó. Từ những tệ nạn, những vấn nạn trong nhà trường cho đến những vấn nạn của cộng đồng, rượu bia và ma túy...
Tocopilla đã tệ như thế, gia đình Alexis còn thuộc dạng bần cùng nhất ở Tocopilla. So với bạn bè cùng trang lứa, Alexis còn thiệt thòi hơn, khi cha anh, vốn là một người đánh cá, bỏ lại người vợ và 4 đứa con thơ để ra đi và làm việc trong những hầm mỏ tại Maria Elena. Trong những ký ức về một tuổi thơ bất hạnh và đầy sóng gió của Alexis, mẹ anh, bà Martina Sanchez, đã phải làm việt quần quật cả ngày lẫn đêm, không nề hà bất kỳ công việc gì, miễn là có tiền để lo cho 4 đứa con của mình là Alexis, Humberto, Marjorie và Tamara.
Gia đình 5 miệng ăn của Alexis đã phải sống những ngày lam lũ bần cùng trong một căn nhà tồi tàn nằm trên con đường Orella của Tocopilla. Ngôi nhà tồi tàn ấy, hẳn cũng không thể gọi là nhà, bởi nó chỉ là một chốn nương thân sơ sài được dựng tạm từ đất sét phơi nắng với vài khúc gỗ đóng vai trò cột đỡ. Bao quanh ngôi nhà tồi tàn ấy là biết bao ngôi nhà cùng cảnh ngộ. Khu vực mà Alexis đã sống thuở thiếu thời là một quần thể kiến trúc “tạm bợ”, nằm trên một vùng đất đồi nhuốm màu vàng đục của cát sa mạc, và nhem nhúa chút ít xám đỏ của sự…đìu hiu.
CON SỐ:
17-238-14
Alexis Sánchez chính là cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất tại Copa America 2011 tính đến thời điểm trước khi đội tuyển Chile bị loại trước Venezuela. Cứ 17 phút trôi qua, Alexis lại bị phạm lỗi một lần. Trong 238 phút thi đấu trên sân, Alexis đã bị phạm lỗi tổng cộng 14 lần.
47 Không chỉ dẫn đầu về khoảng bị phạm lỗi, Alexis còn là cầu thủ chạy nhanh nhất giải đấu tính đến thời điểm trước khi đội tuyển Chile bị loại trước Venezuela. Trong trận đấu với Uruguay, Alexis đã có lần đạt vận tốc 47 km/h.
Con đường sự nghiệp của Alexis
Cobreloa - nơi chắp cánh giấc mơ CLB khiêm tốn của thành phố Calama là nơi chắp cánh cho chặng đường sự nghiệp đầy hứa hẹn của Alexis từ khi anh còn 14 tuổi. Ngày 12 tháng 02 năm 2005, anh được HLV Nelson Acosta của Cobreloa trao cơ hội chơi trận ra mắt. Cũng trong năm đó, Alexis lần đầu biết đến sân chơi quốc tế, đó là giải đấu danh giá của Nam Mỹ Copa Libertadores. Alexis là một trong những cầu thủ trẻ nhất của giải đấu; thời điểm đó, Alexis chỉ mới 16 tuổi. Trong 45 trận đấu tại Cobreloa, anh ghi được 12 bàn.
Colo Colo - nơi thử việc đầu tiên Năm 17 tuổi, Alexis được Udinese mua với giá 3 triệu Euro. Bianconeri quyết định cho một CLB Chile khác là Colo Colo mượn lại ngay sau đó để Alexis có cơ hội rèn luyện và trưởng thành. Tại Colo Colo, Alexis đã thi đấu tổng cộng 48 trận đấu và ghi được 7 bàn thắng. Cùng với "Los Albos", Alexis đã giành được 2 danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ của mình - Apertura 2006 và Apertura 2007.
River Plate - lần xuất ngoại đầu tiên Udinese tiếp tục cho River Plate mượn Alexis trong mùa giải 2007-2008. Đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp, Alexis được chơi bóng ở nước ngoài. Tại "Dòng sông Bạc", Alexis chỉ ghi được 4 bàn trong 31 trận đấu. Vào tháng 9 năm 2007, "Wonder Boy" bị một chấn thương mắt cá nghiêm trọng, chính điều này đã buộc anh phải nghỉ thi đấu đến hơn 3 tháng. Tuy nhiên, Alexis cũng kịp bổ sung cho mình danh hiệu Clausura 2008.
Udinese - chinh phục "Lục địa già" Mùa Hè 2008, Udinese chính thức mang Alexis trở về Italy. Mùa giải đầu tiên, "El Nino Maravilla" chỉ ghi được 3 bàn trong 43 trận. Sang mùa giải 2009-2010, số bàn thắng của anh tăng lên gấp đôi, tức là 6 bàn, sau 36 trận. Nhưng tới mùa vừa rồi, Alexis đã bùng nổ thực sự với 12 bàn sau 33 trận. Anh hợp với Antonio di Natale thành bộ đôi sát thủ “khét tiếng” nhất Serie A với tổng cộng 39 bàn thắng. Cuối mùa, tờ Gazzetta dello Sport đã bình chọn Alexis là Cầu thủ xuất sắc nhất Serie A mùa bóng 2010-2011.

Đôi giày của ngài Thị trưởng

- Cậu bé Alexis nuôi dưỡng giấc mơ chơi bóng của mình từ những đồng tiền kiếm được khi làm công việc rửa xe hơi tại một nghĩa trang của Tocopilla. Và giấc mơ ấy bắt đầu từ những quả bóng được nhồi quấn bằng giẻ rách hoặc cao su cùng với những sân bóng là những con đường xám xịt phủ đầy bụi than của Tocopilla do những nhà máy sản xuất điện trong vùng thải ra. Đam mê chơi bóng từ khi còn là một cậu bé, thế nhưng chưa bao giờ Alexis có riêng cho mình được một đôi giày như những bạn bè đồng trang lứa khác. Cho tới một ngày...
Nếu như trong bộ phim “Hoàng tử Ba Tư - Dòng cát thời gian” (Prince of Persia - The sands of Time), chú nhóc Dastan đã gây ấn tượng với Nhà Vua bằng lòng can đảm và kĩ năng leo trèo khéo léo của mình, thì trong câu chuyện về Alexis, tất cả cũng bắt đầu bằng một cơ duyên như thế. Trong một lần phô diễn kĩ năng chơi bóng bẩm sinh cùng bạn bè trên những con đường phủ đầy bụi than của Tocopilla, Alexis đã lọt vào "mắt xanh" của ngài Thị trưởng thành phố. Bị thuyết phục bởi tài năng và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh éo le của cậu bé Alexis, khi đó mới 15 tuổi, ngài Thị trưởng đã tự tay trao cho anh một đôi giày đá bóng. Đôi giày... hẳn hoi đầu tiên trong cuộc đời của "El Nino Maravilla".
Xa nhà khi mới lên 8
Bây giờ, ngôi nhà mà gia đình Alexis đang sinh sống đã là một trong những công trình nổi bật nhất ở Tocopilla. Đó hoàn toàn là nhờ công của Alexis. Trên nền "túp lều" tạm bợ gắn liền với thời thơ ấu đầy gian khó của mình, "Dilla" đã dựng lên một căn nhà mới rộng rãi, khang trang hơn hẳn. Anh xem đó là món quà dành tặng cho người mẹ quá đỗi vất vả và vĩ đại Martina của mình, một món quà mà có lẽ khi xưa, có nằm mơ bà cũng không bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có ngày được nhận, từ tay cậu con ngoan ngoãn nhưng quá ham bóng bánh của mình.
“Ơn Chúa, thằng bé không vướng vào các tệ nạn xã hội. Đó là nhờ nó có một người mẹ luôn quan tâm bảo ban những đứa con của mình", thầy giáo Juan Segovia, một người rất có ảnh hưởng với Alexis, nhớ lại. "Nếu Alexis ở lại đây suốt quãng đời niên thiếu, chắc hẳn cậu bé sẽ khó có thể thoát khỏi cảnh đời u ám, như những đứa trẻ cùng trang lứa khác". Và ông Segovia cũng không quên vai trò của người bác Jose Delaigue, xem việc ông đưa Alexis rời Tocopilla năm xưa là một bước ngoặt trong cuộc đời chàng trai trẻ. "Chính ông ấy đã vun đắp nên tương lai cho Alexis, và là tấm gương sáng cho nó noi theo. Cũng phải đội ơn cả ông ấy nữa".
Trở lại với thời điểm khó khăn trong cuộc đời Alexis, tiền bạc chưa bao giờ là đủ, đừng nói tới dư thừa, đối với gia đình anh. Bác ruột của Alexis, ông Jose Delaigue, đã luôn cố gắng chăm nom và hỗ trợ cho gia đình của cô em dâu bằng mọi cách có thể, dù bản thân cũng đang phải gồng mình lên để lo ăn học cho 3 đứa con. Rồi vào một ngày nọ, khi Alexis lên 8, ông Delaigue đã đề nghị với bà Martina rằng ông muốn đưa Alexis đến ở với gia đình ông tại Rancagua, cách Tocopilla 1.300 km, để tiện chăm sóc thằng bé. Tin rằng đó là sự lựa chọn tốt nhất cho Alexis, bà Martina, sau nhiều đêm mất ngủ vì không chịu nổi cảnh phải xa con, đã đồng ý để ông làm điều đó.
Không có nhiều sự lựa chọn, "Dilla" rời quê nhà và theo chân người bác đến Rancagua. Tại đó, anh được gửi vào một trường Công giáo, và có hai năm chơi bóng trong đội bóng của trường. Rời Tocopilla là một bước ngoặt quan trọng với cuộc đời Alexis, nhưng không phải là một bước ngoặt trong "sự ngiệp" của anh. Ở Rancagua, mọi chuyện không được suôn sẻ cho lắm. Những trận đấu bóng ở đó thật nhàm chán, chẳng có gì hấp dẫn, khác hẳn những trận bóng trên các con phố phủ đầy bụi than của Tocopilla. Huống hồ “bởi vì tôi hay cứng đầu nên người ta rất tức giận và vì thế họ đã cấm tôi chơi bóng”, Alexis cách đây vài năm kể lại.
“Mọi thứ thật chán ngắt, và đó là lí do vì sao thằng bé quay trở lại Tocopilla, với mái trường E-10. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu nhận ra tài năng thiên bẩm  của nó”, HLV Juan Segovia nhớ lại.
CON SỐ:
12 Alexis Sanchez là cầu thủ thứ 12 gia nhập Barcelona kể từ khi Pep Guardiola được bổ nhiệm làm HLV trưởng. Nhưng anh là cầu thủ người Chile đầu tiên trong lịch sử đội bóng xứ Catalunya.
217 Theo số liệu thống kê 3 mùa giải vừa qua tại Serie A (tức 3 mùa giải Alexis Sánchez chơi bóng tại Udinese), Alexis Sanchez là cầu thủ có số lần qua người nhiều thứ hai, với 217 lần. Mauro Zarate của Lazio là người rê bóng tốt nhất, với 338 lần.

Trở lại Tocopilla

- Thất vọng với cuộc sống ở Rancagua, nơi những trận đấu chán ngắt và chẳng có chút không khí ganh đua nào, Alexis Sanchez quyết định quay trở lại Tocopilla. Và từ đây, một trang mới trong cuộc đời của Alexis đã được mở ra...

Trong một cuộc trò chuyện với tờ La Tercera của Chile, thầy giáo kiêm HLV của Alexis, Juan Segovia, tự hào mang ra một trang báo được ông cắt cẩn thận từ một tờ báo cũ. Trên đó chạy dòng tít ca ngợi chiến thắng của đội bóng do ông dẫn dắt, và tất nhiên, cái tên Alexis Sanchez là không thể thiếu được. “Lúc ấy, Alexis đã trở lại Tocopilla được một thời gian. Ngày đó, cái tên Alexis Sanchez được nói đến rất nhiều lần trên các tờ báo. Bất cứ ai xem cậu ấy chơi bóng cũng đều nhận ra đây là một trường hợp ‘ngoại lệ’. Thời điểm đó, mọi CLB đều muốn có Alexis…", vị HLV già nhớ lại.
Alexis Sanchez trong màu áo Barca- Ảnh Getty
"Hồi đó, giải vô địch diễn ra tại Iquique [một TP cảng cách Tocopilla 230 km]. Chúng tôi chỉ có vài ngày để triệu tập các cầu thủ cho đủ đội hình”, ông Segovina tiếp tục hồi tưởng. “Alexis ngày nào cũng chơi bóng. Trên các mặt sân "Maracana" hay "Neighborhood" [cách nói vui của HLV Juan Segovia]. Cậu bé thi đấu trên những mặt sân đầy bụi với những người lớn tuổi hơn nhiều mà không một chút e ngại nào. Đó là lúc giấc mơ về một ngày trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã ăn sâu vào đầu cậu bé. Alexis nói với tôi rằng khi lớn lên cậu sẽ là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới… Alexis mà tôi biết là một chàng trai chơi bóng vì niềm say mê”.
Alexis bắt đầu nhận thấy rằng quãng thời gian chơi bóng tại Iquique này có lẽ là mảnh ghép quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời và sự nghiệp của anh. Anh chơi bóng với những người lớn tuổi hơn mình, già dặn, khỏe mạnh và tất nhiên là nhiều "mánh khóe" hơn mình, chính điều đó đã mang đến cho chàng trai trẻ không chỉ sự mạnh mẽ về thể chất và kĩ thuật mà còn mang đến cả nghị lưc để cậu vươn lên trong cuộc sống. Chơi bóng và làm công việc rửa xe, cuộc sống cứ thế trôi qua. Nhưng trong ánh mắt của cậu bé, một chân trời mới đang dần mở ra. Cậu biết rằng chỉ có bóng đá mới là lối thoát cho cuộc sống lam lũ này; nếu không có bóng đá, sẽ chẳng có gì hết, gánh nặng tiền bạc, cơm gạo, và cả con đường học vấn nữa.“Đối với Alexis, dường như con người cậu bé đã được “nhúng” vào hai từ bóng đá", HLV Juan Segovia kể tiếp câu chuyện của mình với tờ La Tercera. "Không có người mẹ bên cạnh mỗi ngày, không có gia đình để quây quần mỗi đêm, mỗi ngày trôi qua, Alexis tự bươn chải kiếm sống bằng đôi tay và bằng… đôi chân. Chính vì thế, cậu bé chẳng cần phải cảm thấy mình có nghĩa vụ hay trách nhiệm đối với ai. Nhưng không, Alexis mà tôi biết thì lại luôn giúp đỡ mọi người. Và Alexis sẽ chẳng bao giờ nói rằng “Tôi giúp anh, rồi anh hãy mua một đôi giày cho tôi”. Thay vào đó, khi thi đấu cho một đội bóng, cậu bé đã nói “Tôi thi đấu cho các ngài, đổi lại, các ngài phải mua cho tôi một đôi giày”. Tiền trao cháo múc, điều đó chẳng có gì là không công bằng”.
Năm 2003, Santiago Wanderers, một đội bóng đặt trụ sở ở Calama, thành phố khô cằn cách Tocopilla 120 km với ngành kinh tế chính là khai khoáng, đã quyết định bỏ tiền ra chu cấp và cho Alexis đến học ở một học viện bóng đá tại Santiago. Một vài tháng sau đó, HLV Nelson Acosta của CLB Cobreloa, người sau này trở thành HLV trưởng đội tuyển Chile, quyết định tuyển anh vào đội trẻ. Đó là lúc Alexis bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống của một cầu thủ chuyên nghiệp. Ngày 12/02/2005, anh có màn ra mắt trong màu áo Cobreloa tại giải hạng nhất của Chile. Tới trận thứ 2, Alexis lập một kỷ lục mới ở Copa Libertadores khi trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân ở giải đấu này. Cùng lúc đó, cậu hoàn thành chương trình học phổ thông của mình.
Những ngày ở Cobreloa thật hạnh phúc. Nhưng một tài năng lớn như Alexis không thể ở đó lâu. Chưa đầy một năm rưỡi sau ngày ra mắt Cobreloa, chính xác là vào ngày 21/7/2006, có một số người tìm đến Cobreloa và nói rằng hãy để họ đưa Alexis sang Italia. Đó là các tuyển trạch viên của Udinese. Khoản phí mà họ đề nghị, 3 triệu đôla Mỹ, với Cobreloa là không thể chối từ...
CON SỐ:
20 phút 48 giây Mùa giải vừa qua tại Udinese, thống kê cho thấy Alexis cứ trung bình 20 phút 48 giây lại bị phạm lỗi một lần. Liga mùa giải vừa qua, cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất phải mất đến 24 phút 39 giây mới bị phạm lỗi một lần. Còn tính riêng tại Barcelona thì Busquets (cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất) cũng phải mất đến 33 phút 43 giây. Với Messi là 53 phút 28 giây.
2007 Năm 2007, Alexis Sánchez lần đầu tiên đặt chân đến Barcelona để phẫu thuật mắt cá chân, ca phẫu thuật do bác sĩ Cugat thực hiện. Alexis đã trải qua 10 ngày tại Barcelona, và tại sao lại không cho rằng vẻ đẹp hút hồn của Barcelona là một phần thôi thúc khát khao được khoác áo Blaugrana của Alexis!

Sanchez: Chinh phục "lục địa Già"

- Anh đến với Châu Âu từ rất trẻ, vẫn mang theo ước mơ chơi bóng cháy bỏng và được trình diễn bản thân mình khắp năm châu. Không phải bước đi nào vượt Đại Tây Dương của Alexis đều suôn sẻ, nhưng anh không lùi bước, và cuối cùng, đã chinh phục những đích đến của mình theo những cách khác nhau.
Năm 17 tuổi, Udinese chiêu mộ thành công Alexis với giá 3 triệu đô. Theo truyền thống, đội bóng Italia quyết định cho Colo Colo, đội bóng nổi tiếng nhất của Chile, mượn Alexis trong mùa giải 2006-2007. Tại đây, Alexis đã dành được 2 danh hiệu vô địch, 2 danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ của mình - Apertura 2006 và Apertura 2007.
Sanchez sẽ có cơ hội chinh phục những thử thách cùng Barca - Ảnh Getty
Tất cả còn nhớ ngày đầu ra mắt tại Colo Colo, Alexis đã nói “Tôi rất hạnh phúc khi được khoác áo một đội bóng lớn như Colo Colo. Tôi sẽ cố gắng trình diễn những gì đặc sắc nhất của bản thân nhưng sẽ luôn dành sự tôn trọng cho các đồng đội của mình. HLV Borghi [khi đó HLV Claudio Borghi của tuyển Chile ngày hôm nay đang là HLV của Colo Colo] đã cho phép tôi được tự do thi đấu trên sân và vì thế tôi sẽ tận hưởng niềm vui được chơi bóng, được chiến thắng. Tôi ở đây để mang đến cho CLB tất cả những gì các bạn biết về tôi, tôi đến để cùng Colo Colo dành danh hiệu vô địch”. 
Một mùa giải khó phai tại Chile kết thúc, những tưởng đã đến lúc “cậu học việc Alexis” quay trở về “nhậm chức” tại Friuli. Song, Udinese cho rằng “quả Alexis” vẫn chưa chín mùi. Thế là một lần nữa, Dilla tiếp tục trải qua thêm một năm trui rèn. Điểm đến tiếp theo của chàng trai 18 tuổi là Dòng sông Bạc River Plate nổi tiếng của Argentina. Từ đây bắt đầu hành trình xa xứ đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ của Alexis Sánchez.
Tại Dòng sông Bạc, có vẻ như “chú cá Alexis” đã bơi chưa thật sự “trôi chảy”. Anh chỉ ghi được 4 bàn trong 31 trận. Vào tháng 9 năm 2007, tức chỉ đôi ba tháng kể từ khi giải đấu bắt đầu, "Wonder Boy" bị một chấn thương mắt cá nghiêm trọng, chính điều này đã buộc anh phải nghỉ thi đấu đến hơn 3 tháng. Như một cái duyên tình cờ, Alexis được đưa đến Barcelona, CLB bây giờ của anh, để chữa trị.
Sau 10 ngày chữa trị tại Barcelona, Alexis quay về lại đội bóng thủ đô Argentina và ngồi ngoài trong 3 tháng. Ai cũng có thể hiểu, một chấn thương nghiêm trọng tác động thế nào đến phong độ của cầu thủ, nhất là khi anh ta còn trẻ. Trở lại sân cỏ, Alexis không thể hiện được gì nhiều. Tuy nhiên, kết thúc mùa giải đó, Alexis cũng kịp bổ sung cho mình danh hiệu Clausura 2008.
Bước ngoặt Udinese
Hai năm học việc, “viên ngọc” bấy giờ đã được mài giũa “đủ sáng”, “quả ngọt” giờ đây cũng đã “chín”. Mùa Hè 2008, Udinese quyết định “triệu hồi” Alexis trở về đất nước hình chiếc ủng. Ngày 14/9, Alexis có màn ra mắt tại Serie A, rất tiếc hôm đó Udinese của anh đã để thua Juventus với tỷ số 0-1. Giống hệt hành trình ở đội bóng đầu tiên Cobreloa, bốn ngày sau, Dilla có tiếp màn ra mắt khán giả châu Âu, trong trận đấu với Dortmund tại Europa League. Hơn một tháng sau đó, tức vào ngày 19/10, Alexis có bàn thắng đầu tiên tại Serie A, vào lưới Lecce. Mùa giải đấu tiên trong màu áo Zebrette kết thúc và Alexis có được tổng cộng 3 bàn trong 43 trận đấu trên mọi mặt trận.
Sang năm tiếp theo, Alexis dần trưởng thành hơn và đóng một vai trò quan trọng trong đội hình Udinese, nhất là tại Coppa Italia. Alexis được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trận trong trận bán kết lượt đi Coppa với AS Roma khi ghi được bàn thắng duy nhất cho Udinese. Mặc dù sau đó, AS Roma đi tiếp với tổng tỷ số là 2-1, nhưng những màn trình diễn đáng khích lệ như thế chính là động lực, để Alexis bùng nổ dữ dội trong mùa giải thứ 3 trên đất Italia. 33 lần ra sân trên mọi đấu trường, Alexis nổ súng tới 12 lần, hợp cùng Di Natale thành cặp song sát mà mọi hàng thủ ở Italia đều phải ngán ngại. Cũng ở mùa này, Alexis đã có lúc vượt mặt hai bậc tiền bối đồng hương là Marcelo Salas và Ivan Zamorano, khi ghi tới 4 bàn trong chiến thắng 7-0 trước Palermo.
Được xem là linh hồn của Udinese khi có công giúp đội bóng được vào chơi Champions League mùa giải tới, Alexis đã được tờ nhật báo thể thao hàng đầu nước Ý là Gazzetta dello Sport bình chọn là "Cầu thủ xuất sắc nhất Serie A mùa bóng 2010-2011".
CON SỐ:
7 Tại Colo Colo, Alexis đã ghi được 7 bàn sau 48 trận qua 2 mùa giải với CLB này.
4 Số bàn Alexis được trong thời gian thi đấu tại River Plate qua 31 trận 21 Tổng số lần lập công của Alexis cho Udinese qua 3 mùa giải với 121 trận.
44 Tổng số bàn thắng mà Alexis ghi cho đến lúc này của sự nghiệp.

Ước nguyện của ông Delaigue

- Alexis Sanchez lúc này có thể đã chết, hoặc vào tù, hoặc vất vưởng trong cảnh đói nghèo, nghiện ngập, nếu năm xưa, người bác Delaigue không quyết định đưa anh về sống với ông ở Rancagua...
Alexis để lộ chiếc áo có in hình bác Jose Delaigue - Ảnh Internet
Trong cuộc đời mình, Alexis Sanchez phải chịu ơn nhiều người. Bà Martina Sánchez, với tình thương bao la và đức hi sinh tuyệt vời của một người mẹ, không những đã không để cho Alexis cùng các em phải chết đói trong những ngày tháng cơ cực nhất, mà còn tạo điều kiện để anh được đến trường, tránh xa những cạm bẫy đầy rẫy ở Tocopilla. Thầy giáo dạy thể dục và cũng là HLV đầu tiên của Alexis, ông Juan Segovia, là người đã phát hiện, nuôi dưỡng và tìm cách nâng cánh cho tài năng của Alexis. Rồi các HLV Nelson Acosta hay Claudio Borghi, những người luôn trân trọng và cố gắng phát huy tối đa khả năng của Alexis. Nhưng có lẽ, với Alexis, chính người bác Jose Delaigue mới là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc đời của anh, sự nghiệp của anh.
Khi người bố của Alexis nhẫn tâm bỏ 5 mẹ con anh để tới thành phố khác kiếm sống, chính anh trai của ông ta, bác Jose Delaigue, là người đầu tiên tìm đến nhà Alexis để xin lỗi và an ủi. Trong những ngày tháng khó khăn nhất của mẹ con Alexis, cũng là bác Delaigue luôn đứng sau để hỗ trợ bất cứ khi nào họ cần. Và chính bác Delaigue là người đã đề nghị đưa Alexis, khi đó mới 8 tuổi, về sống ở nhà ông ở Rancagua để ông có thể tiện chăm sóc cho anh, và quan trọng hơn, để kéo cậu bé Alexis tránh xa những tệ nạn ở Tocopilla. Sau này, chính thầy giáo Segovia đã nói rằng nếu ngày ấy không được bác Delaigue đưa đi, Alexis lúc này có thể đã chết, hoặc vào tù, hoặc vật vờ trong cảnh nghiện ngập...
Bác Delaigue, có thể nói, là người vun đắp nên tương lai của Alexis, dù những năm tháng chơi bóng ở trường dòng tại Rancagua chẳng có mấy ý nghĩa với sự nghiệp của cầu thủ người Chile. Bản thân Alexis cũng luôn xem ông Delaigue như một người cha, với tất cả những ý nghĩa cao quý nhất của từ này. Sau này, khi đã bước đầu thành danh, một trong những người đầu tiên Alexis tìm đến để trả ơn chính là bác Delaigue. Lúc đã có hợp đồng chuyên nghiệp với Cobreloa, Alexis đã dành hẳn một tháng lương để cất cho "cha" Delaigue một căn nhà mới khang trang hơn, giống như điều anh đã từng làm cho mẹ Martina. Lúc ông Delaigue phải nằm viện để điều trị căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến, Alexis cũng chính là người đã đứng ra trang trải toàn bộ chi phí.
"Thằng bé ngày nào cũng gọi điện cho tôi, ba lần một ngày", ông Delaigue chia sẻ với tờ La Tercera (Chile) ở thời điểm cách đây 3 tháng, khi ông đã yếu lắm rồi. "Kể từ ngày tôi mắc bệnh, nó đã đứng ra chi trả mọi thứ. Chính nó đã đưa tôi đến Santiago để được điều trị tốt hơn. Nếu không có nó, chắc tôi đã chết từ lâu rồi. Thằng bé thực sự là một đưa con mẫu mực". Trên giường bệnh, ông Delaigue cũng chia sẻ những ước nguyện có thể xem là cuối đời của ông. "Tôi ước mong sẽ được thấy Alexis chơi trong màu áo Barcelona nay mai”. Điều kỳ lạ là vào thời điểm đó, Barca còn chưa hề ngỏ ý muốn mua Alexis. Và bản thân Alexis, tất nhiên, cũng không dám mơ có ngày được chơi cho đội bóng hay nhất hành tinh.
Nhưng cuối cùng, như chúng ta đã biết, ước mơ ấy của ông Delaigue đã trở thành hiện thực vào hôm 21/7 vừa qua, khi trang chủ của Barcelona thông báo Udinese và FC Barcelona đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về bản hợp đồng chuyển nhượng Alexis Sanchez. Alexis sau đó cũng đã ký hợp đồng 5 năm với đội bóng xứ Catalunya, và đã ra mắt với chiếc áo số 9 ở đây. Tuy nhiên, ông Delaigue đã không thể chờ tới ngày ấy. Hôm 24/5, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện Santiago, sau 6 tháng chống chọi với bệnh tật. Alexis, trong ngày ra mắt Barca, cũng tâm sự rằng ước gì bác Delaigue có thể có mặt với anh ở đó vào lúc ấy. Nhưng dù gì, giấc mơ của Don Jose Delaigue cũng đã trở thành hiện thực, và ở nơi cửu tuyền, ông có lẽ đang ngậm cười...
Một trong những sở thích khác của Alexis Sánchez bên cạnh bóng đá là âm nhạc. Trong máy nghe nhạc Ipod của anh luôn có hàng trăm ca khúc đủ thể loại, từ các bản nhạc của Backstreets Boy cho đến những ca khúc đậm chất Rock hay Metal Rock. Nhưng một phần không thể thiếu trong kho âm nhạc của Alexis chính là các bản tình ca của ca sĩ, nhà soạn nhạc người Mexico Marco Antonio Solis.
Rất có thể, nếu Alexis có tên trong đội hình du đấu của Barcelona tại Mỹ trong tháng 8 này, anh sẽ được gặp gỡ thần tượng của mình. Marco Antonio Solis đã có kế hoạch tổ chức một buổi diễn tại thành phố Odessa, bang Texas vào ngày 06/8 tới, trùng với thời điểm Barcelona có trận giao hữu với Chivas cũng tại Texas.

A. Sanchez: Bắt đầu hành trình chinh phục

- Cuối cùng Alexis đã là người của Barca. Trước mắt anh là đầy đủ những thách thức và hứa hẹn.
Thử thách cho anh là những người mới đến Camp Nou đều phải bắt đầu công cuộc tạo dựng chỗ đứng: Nếu đã là siêu sao, anh phải tìm chỗ đứng trong lòng đồng đội vì truyền thống của Barca thường hướng đến sự hòa hợp tập thể trên hết. Nếu chưa thực sự thành danh, cầu thủ ấy phải tìm được vị trí trong đội hình. Nhưng dù thế nào, Barca muốn có anh, và họ đã có. Giờ thì anh là kẻ đi chinh phục.
Lần này, không còn nghi ngờ nào nữa, người ta sẽ được thấy người Chile đầu tiên trong lịch sử mặc sắc áo Barca và mang điệu nhảy Cueca trên khắp các nẻo đường chinh chiến cùng đội bóng mà anh từng ước mơ mình là một phần trong đó. 20h17 phút ngày 21/7, Barca chính thức đưa ra thông báo về bản hợp đồng đầu tiên của họ trong mùa hè này kèm một số thông tin liên qua đến vụ việc. Cụ thể, 26 triệu euro tiền mặt sẽ được trả ngay cho Udinese, 11,5 triệu euro còn lại trả dần, tùy theo đóng góp của Alexis và thành tích của CLB. Chân sút này sẽ ở Camp Nou 5 mùa và cuối tuần này, anh sẽ có mặt ở Barcelona để tiến hành kiểm tra sức khỏe trước khi đặt bút kí hợp đồng với CLB. Mức lương của anh hiện chưa được tiết lộ.
Vụ chuyển nhượng của Alexis Sanchez từ Udinese tới Barca cuối cùng đã được hoàn tất sau khi đội chủ sân Nou Camp chính thức thông báo rằng họ đã giành quyền sở hữu ngôi sao người Chile.
Sanchez đã là người của Barca - Ảnh Getty
Theo đó, Sanchez sẽ ký hợp đồng 5 năm với Barca vào thứ Hai tuần sau (25/7) và số tiền mà các nhà ĐKVĐ Liga phải trả cho Udinese là 37,5 triệu euro. Trong số 37,5 triệu này, Barca sẽ trả trước cho đội bóng Italia 26 triệu, số tiền còn lại (11,5 triệu) sẽ được trả sau tùy thuộc vào thành tích thi đấu của Sanchez ở sân Nou Camp. Dự kiến Sanchez sẽ có mặt ở Barcelona vào cuối tuần này và trải qua cuộc kiểm tra y tế vào ngày thứ Hai tuần sau trước khi chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng với Barca.
Thông báo từ trang chủ của Barca đã cho hay: “Udinese và FC Barcelona đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về vụ chuyển nhượng Alexis Sanchez”.
Vụ chuyển nhượng Sanchez từ Udinese tới Barca đã được tiến hành từ cuối tháng trước khi ngôi sao của Udinese được phép rời đại bản doanh của ĐT Chile ở Argentina để đàm phán với các bên liên quan. Tuy vậy, Udinese và Barca đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng khiến thương vụ này bị trì hoãn cho tới khi Chile bị loại khỏi Copa America.
Đội chủ sân Nou Camp hy vọng sẽ thuyết phục được Udinese bằng cách các thêm một trong hai cầu thủ Bojan Krkic và Jeffren Suarez như một phần trong bản hợp đồng, nhưng cả hai tài năng trẻ này đã từ chối chuyển sang đội bóng Italia. Tưởng như vụ chuyển nhượng rơi vào bế tắc khi Udinese đòi nâng giá chuyển nhượng, nhưng cuối cùng các bên cũng tìm được tiếng nói chung vào ngày hôm qua.
Sanchez nằm trong tầm ngắm của Barca sau khi cầu thủ người Chile thi đấu bùng nổ trong màu áo Udinese ở mùa giải vừa qua. Với 12 bàn sau 31 trận, Sanchez đã giúp đội chủ sân Friuli giành quyền dự Champions League mùa này. Tờ La Gazzetta dello Sport của Italia thậm chí còn bầu Sanchez là cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải. Tại Copa America đang diễn ra ở Argentina, Sanchez đã chơi cho ĐT Chile 4 trận và ghi được một bàn thắng.
Với sự có mặt của ngôi sao người Chile, hàng công của Barca vốn đã mạnh nay càng trở nên đáng sợ hơn với sự góp mặt của Messi, Villa, Pedro và tất nhiên là phải kể tên Sanchez.
Sanchez bắt đầu cuộc chinh phục mới - Ảnh Getty
Ít nhất thì đến bây giờ, vụ chuyển nhượng đã làm các bên hài lòng: Udinese bán được giá, Barca có người họ theo đuổi và Alexis thỏa nguyện. Những gì anh thể hiện tại Camp Nou sẽ chứng tỏ liệu 37,5 triệu euro Barca giành cho mình có xứng đáng không. Thời gian sẽ trả lời điều đó, còn trước mắt tự bản thân Alexis sẽ phải vạch ra các mục tiêu cần hoàn thành.
Phải thuộc lòng tiqui-taca
Anh đã thuyết phục được Pep từ khi còn ở Calcio, ở Udinese, Alexis phô bày năng lực chơi bóng và những kĩ năng mà vị thuyền trưởng của Barca cho là rất phù hợp với đội quân mình. Nhưng Pep chưa bao giờ là người dễ tính và đã chứng tỏ rằng mình không bao giờ chấp nhận thay đổi lối chơi của Barca vì bất kỳ ai. Nghĩa là muốn tồn tại ở đội hình đấy, Alexis phải ngấm tiqui-taca vào máu.
Những người thích ứng với cách đá của Barca và tỏa sáng trên hàng công dưới thời Pep có Henry và Villa, người không hợp và ra đi có Ibra. Nếu chỉ dựa trên những gì Alexis chơi ở Udinese, có thể dự đoán anh không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập với toàn đội, chừng sau một phần ba mùa bóng, Alexis sẽ được ra sân thường xuyên hơn ở Barca vì trự sự ăn ý với tập thể, anh tỏ ra không kém cạnh phẩm chất gì so với Pedro (người có vẻ “dễ” cạnh tranh suất đá chính nhất). Anh không phải mẫu lúc nào cũng cần quá nhiều không gian để phát huy mặc dù hiện tại, Alexis đúng là rất thích những pha dốc bóng qua người. Nếu chưa thể ghi bàn, ít nhất anh cũng không được phá vỡ tính nhịp điệu của Barca. Bằng không, vai trò của Alexis sẽ mờ nhạt ngay.
Duy trì sự ổn định và chất lượng các đường chuyền cũng là điều anh cần nỗ lực. Ở Barca, Villa hay Pedro đôi lúc chơi không như ý, nhưng họ hiếm khi mang đến sự thất vọng tột độ. Nếu không lập công, cặp Villa-Pedro luôn đóng góp rất ổn vào việc xây dựng lối chơi cho đội. Đây là một dấu hỏi đặt ra cho Alexis, người chỉ mới có một mùa bóng thực sự chói sáng vừa qua. Sức ép từ giá trị chuyển nhượng có lẽ không làm anh e ngại nhưng áp lực lớn nhất đôi khi lại đến từ các đồng đội. Những pha xử lý cá nhân quá hoặc thiếu hợp lý sẽ mang lại sự khó chịu ngay lập tức, lúc đó, Alexis cần sự nhẫn nại. Để thấm nhuần tiqui-taca, cũng cần phải kiên nhẫn, như Mascherano đã từng làm.
Cuối cùng, hãy luôn nhớ là giờ thì anh đang sống trong một gia đình kỷ luật.

Con số
37,5 Với giá trị lên đến 37,5 triệu euro, trong đó có 26 triệu euro là trả ngay và 11,5 triệu trả sau tùy vào phong độ và thành tích, Alexis là bản hợp đồng đắt thứ 3 dưới thời Pep Guardiola, chỉ sau Villa (40) và Ibra (69).
1 Alexis Sanchez là cầu thủ người Chile đầu tiên trong lịch sử được khoác áo Barca. Mùa giải tới cũng sẽ là mùa đầu tiên Alexis trình làng ở Champions League cùng Barca. Trước đó anh chưa bao giờ được tham gia giải đấu này. 
- Một trong những gương mặt được các đại gia khắp Châu Âu săn đón đã về với CLB mạnh nhất, ĐKVĐ Champions League và Liga. Pep muốn có anh, nghĩa là ông nhìn thấy ở Alexis những tố chất để có thể tồn tại và tỏa sáng ở Camp Nou. Phải tỏa sáng vì Barca chẳng lẽ lại bỏ ra 43 triệu euro để mua một người chỉ chơi tròn vai. Với những gì Alexis thể hiện trong màu áo ĐT Chile và Udinese, Barca có thể trông đợi những gì từ anh?
Alexis Sanchez - Ảnh Getty
Hệ thống vận hành và con người của Barca gần như hoàn hảo và nếu hỏi đội bóng ấy cần bổ sung thêm ai, thì câu trả lời là chẳng cần ai cả. Alexis góp mặt trước tiên là tăng cường lực lượng cho các cuộc chinh chiến của Barca, kế đến là thay thế những tiền đạo mệt mỏi và bước cuối cùng là chiếm một chỗ chính thức trong đội hình xuất phát. Đương nhiên mục tiêu của anh là việc luôn được góp mặt từ đầu, và nếu xét về phẩm chất và lối chơi quen thuộc của anh, đó là điều khả dĩ.
Alexis không phải mẫu trung phong điển hình nhưng tỏ ra lợi hại nếu được bố trí chơi như một số chín rưỡi. Tốc độ xuất phát tốt, tinh quái, khả năng lừa bóng qua người cũng vào hạng ưu. Có anh, Barca có thể tin rằng ở họ sẽ tăng thêm độ nguy hiểm ở những pha phản công. Chân sút người Chile cũng chơi rất ổn ở cánh, vị trí mà Pedro và Villa vẫn hay xuất hiện, những pha dốc bóng dọc biên cũng là sở trưởng của Alexis. Nhìn chung là nếu đặt trên bàn cân về trình độ, anh chẳng e ngại gì việc cạnh tranh với Pedro. Nhưng tiqui-taca đề cao tính tập thể và sự hợp lý trong từng động tác xử lý bóng. Đấy là điều Alexis phải thích ứng. Thêm nữa, Barca cũng cần 1 họng súng thực sự để chia sẻ gánh nặng làm bàn với Messi, đó cũng là yếu tố Alexis phải cải thiện.
Anh chưa bao giờ đóng vai trò là một sát thủ đúng nghĩa ở Udinese. Ở Friuli, Di Natale giải quyết tất cả những tình huống cuối cùng. Để được thừa nhận ở Barca, ngoài khả năng tham gia hiệu quả vào xây dựng lối chơi chung, tay săn bàn này còn phải tiến bộ rất nhiều trong khâu kết thúc. Udinese khác hẳn Barca, ở CLB cũ, Alexis chưa từng tiếp cận với kiểu thi đấu nhận trả bóng liên tục và vì thế, cơ hội ăn bàn cũng sẽ đến theo một cách rất khác. Để di chuyển ăn ý và đón nhận một quả tạt hay đường chọc khe trong cách chơi của Barca không bao giờ là dễ dàng và chỉ cần 1 vài pha bóng lóng ngóng, áp lực sẽ đè nặng ngay.
Nếu cần một ví dụ về sự khó hòa nhập với tiqui-taca, cứ xem Ibra lúc trước và chính Villa giai đoạn đầu mùa bóng vừa qua. Dù rất quen với lối chơi của Barca thông qua ĐT TBN, Villa cũng phải mất không ít trận để thích ứng. Alexis sẽ khó khăn hơn vì anh đang ở gian đoạn tìm chỗ đứng, nhưng điều đầu tiên anh cần nghĩ đến, và phải luôn ghi nhớ, đó là ở Barca, ngôi sao chính là tập thể.
- Liên quan tới vụ chuyển nhượng Alexis Sanchez từ Udinese sang Barca, có hai "vấn đề" khiến người ta phải suy nghĩ nhiều. Thứ nhất, Alexis không chịu được áp lực quá lớn từ phí chuyển nhượng cao ngất của bản thân cũng như từ áp lực phải chứng tỏ mình ở một môi trường đã quá giàu sức cạnh tranh là Camp Nou. Và thứ hai, theo một hướng khác, Alexis sau khi đã đạt được mục đích là được góp mặt trong đội bóng hay nhất thế giới sẽ tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi, không thèm nỗ lực để tiến bộ hơn, và kết cục là bị đào thải.
Tuy nhiên, với những người thân cận đã biết rõ con người Alexis, những lo lắng theo kiểu ấy là thừa. Alexis không phải là người dễ dàng để mình bị đè bẹp trong áp lực. Càng không phải là người có thể đánh mất mình trong vinh quang. Dù chỉ mới 22 tuổi, song Alexis đã trải qua đủ khó khăn để hiểu rằng chỉ bằng sự khiêm tốn và nỗ lực không ngừng, người ta mới có thể thành công. Và thành công ở bất kỳ đâu.
Sanchez trong màu áo Udinese - Ảnh Getty
Ngay từ lúc vừa sinh ra, Alexis đã phải đối mặt với nghịch cảnh. Cha đẻ anh, quá chán chường với cảnh nghèo và cuộc sống lay lắt ở Tocopilla, đã quyết định bỏ mẹ con Alexis để tới vùng mỏ tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhà Alexis có lẽ đã chẳng thể nào tồn tại được, nếu sau đó người bác ruột và ông Jose Delaigue, sau này trở thành cha nuôi của Alexis, không giang tay giúp đỡ. Dù vậy, tuổi thơ của Alexis vẫn là những ngày dài cơ cực. Để phụ giúp gia đình, anh đã phải làm việc trong một garage xe hơi từ khi còn rất nhỏ. Và với anh, những chiếc giày đá bóng rẻ tiền nhất cũng từng là giấc mơ hoang đường.
Qua được những ngày khó khăn ấy, chẳng gì có thể ngăn cản Alexis được nữa. 16 tuổi, anh đã có mặt trong đội hình đội Một Coberloa, và lập kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ra sân ở Copa Libertadores không lâu sau đó. 18 tuổi, Alexis đã khiến Udinese phải bỏ ra tới 3 triệu đôla để có được mình, và cùng năm đó, chuyển sang khoác áo đội bóng lớn nhất Chile Colo-Colo, trước khi được đội bóng lớn nhất Argentina River Plate mượn về. 21 tuổi, Alexis đã được góp mặt ở Calcio, một trong những giải đấu giàu tính cạnh tranh. Và được bầu chọn là cầu thủ hay nhất ngay trong trận ra mắt.
Alexis sinh ra không phải là cầu thủ hay tới mức đội bóng hay nhất thế giới, và có lẽ là hay nhất trong lịch sử, phải phá két vì mình. Để được như ngày hôm nay, Alexis đã trải qua cả quá trình dài nỗ lực không ngừng. Để bù đắp cho những thiệt thòi về thể hình (chỉ cao có 1m69), Alexis đã dành tới hơn 3 ngày mỗi tuần để tăng cường thể lực trong phòng gym. Để cải thiện khả năng dứt điểm, từng bị xem là điểm yếu, Alexis luôn nán lại sân thêm ít nhất 1 tiếng đồng hồ sau mỗi buổi tập để tập sút, cả bóng sống lẫn bóng tĩnh, và cho tới giờ vẫn thế.

Alexis - người Chile thứ 30

  - Bản hợp đồng mới nhất của Barca là cầu thủ người Chile đầu tiên đặt chân đến Camp Nou, nhưng trước anh, đã có 29 người cùng quốc tịch với Alexis thi thố tài năng ở xứ sở đấu bò. Nhìn chung, dấu ấn mà những người đến từ quốc gia Nam Mỹ này để lại TBN hơn 70 năm qua không quá đặc biệt, nhưng Alexis mang tới một hy vọng khác hẳn. Những trông đợi anh sẽ ít nhất tiếp bước được Ivan Zamorano, một chân sút lừng danh trong biên niên sử bóng đá Chile, là có cơ sở.
Theo những thông tin từ website ferplei.com, Ortuzar Higinio là gương mặt người Chile đầu tiên đặt chân đến Liga, vào năm 1939. Và ông cũng là một trong những người thành công nhất. Ortuzar đã dành được 3 chức VĐQG TBN và 1 Cúp Nhà Vua TBN cùng Athletic Bilbao và Valencia trong quãng thời gian từ năm 1939 đến 1947. Sau cựu tiền vệ này, cái tên nổi bật nhất chắc chắn phải là Ivan Zamorano, tiền đạo khét tiếng một thời của Real Madrid. Tay săn bàn từng giành Pichichi mùa bóng 94-95 này đã trải qua 4 mùa giải không thể nào quên từ năm 1992 đến 1996. Ở Bernabeu, Zamorano để lại những ký ức độc đáo về tài săn bàn toàn diện không chỉ ở tầm Liga mà còn vươn đến tầm thế giới.
Sanchez là cầu thủ người Chile thứ 30 tới La Liga - Ảnh Getty
Điểm qua danh sách 30 cái tên gốc Chile đã và đang thể hiện tại Liga, chỉ có Zamorano và Alexis có cơ hội được góp mặt ở 2 CLB vĩ đại của TBN là Barca và Real. Những người Chile khác, qua các thời kỳ khác nhau, chỉ có dịp được thi tài ở những đội bóng ở tầm vóc thấp. Có thể kể đến vài người đang chơi ở Liga như Gary Medel (Sevilla), Waldo Ponce (Racing), Hugo Rubio, Claudio Bravo (Sociedad), số còn lại, hoặc đang chơi ở hạng 2 TBN, hoặc đã chuyển đến các giải đấu khác.
Rõ ràng là theo thống kê từ website kể trên, những gì các cầu thủ Chile từng để lại TBN trong thời điểm họ chơi bóng không phải là điều gì đặc biệt. Trừ Zamorano, Ortuzar, thành tích những người Chile còn lại không có gì đáng kể. Alexis, ngoài việc tiếp nối những thành tích mà cựu tiền đạo Real từng tạo tạo dựng, còn cần phải đạt được nhiều hơn thế. Zamorano, dù đã từng có những năm tháng đỉnh cao ở Bernabeu, cũng chưa từng giành được Champions League nào. Tân binh của Barca cần làm được điều đó, và xem nó như một sự mở lối cho những người theo sau.
Alexis có tất cả mọi điều kiện cần để một lần được làm vua Châu Âu. Barca đang trong giai đoạn thịnh vượng nhất trong suốt chiều dài lịch sử và chưa có dấu hiệu nào họ sẽ dừng công cuộc chinh phục lại. Vấn đề là khả năng thích ứng của Alexis tới đâu. Anh có tài, có cá tính, có không ít những kĩ năng giỏi, tóm lại là đủ trình độ để trở thành người Chile thành công nhất ở TBN. Tiến lên nào, Alexis, không chỉ cho anh, cho Barca, mà còn cho quê hương.

Alexis nói về Barca

)- Tân binh người Chile đã có những phát biểu đầy thiện chí về CLB mới của mình trong buổi họp báo ra mắt ở Barcelona. “Tôi vô cùng hạnh phúc khi có mặt ở đây, ở đội bóng xuất sắc nhất thế giới, tôi đến Barca là để học hỏi từ Messi, Xavi…tất cả”. Alexis thêm vào “tôi muốn chứng minh bản thân mình tại nơi đây”.

“Các CLB trên thế giới bây giờ luôn có 2 mục tiêu: Giành được những danh hiệu và đánh bại Barca, hãy cố gắng để điều đó không thể xảy ra”, Alexis rất tự hào khi là một phần của Barca. Anh bảo với anh, tiền bạc không phải là vấn đề, chủ yếu là những chiếc Cúp. Đó là một phần lí do anh chọn Barca. Thêm nữa, ở Camp Nou, ai cũng sẽ cảm thấy áp lực phải chơi trước hàng trăm ngàn CĐV là như thế nào. “Điều quan trọng nhất với tôi là học hỏi từ Messi, Xavi…”.
Liên quan đến Alexis, PCT Barca Bartomeu nói rằng tiền đạo này đến Camp Nou theo yêu cầu của bộ phận kỹ thuật từ BHL. GĐKT Zubizarreta thì nhắc đến sự đa năng của Alexis và tin rằng chân sút này sẽ mang đến cho CLB những nét độc đáo giúp Barca tiến bước. Rất nhiều lời bày tỏ hy vọng về một tương lai tươi sáng cho Alexis của những HLV, đồng đội mới giành cho anh. Những ngày đầu tiên của anh ở Camp Nou đã diễn ra trong bầu không khí vui vẻ và thân mật. Đúng là Alexis đã đến được nơi anh muốn, một phần ước mơ của chàng trai ấy đã thành hiện thực, phần còn lại, cứ chờ xem. Mùa giải cũng sắp bắt đầu rồi. Theo thời gian, tất cả sẽ biết được rằng, người Chile đầu tiên ở Barca có thành công như mong đợi hay không.
* Alexis, anh có thể đem lại điều gì cho Barca và ngược lại?
- Điều đầu tiên mà tôi muốn là hòa nhập vào đội bóng, thể hiện tốt và quen dần với những gì mà Barca đang làm. Mọi người đều muốn giành chiến thắng ở Barca và chúng tôi phải chiến đấu vì mọi thứ.
* Anh có nói chuyện với Guardiola trong suốt vụ chuyển nhượng?
- Pep đã gọi điện và bày tỏ sự tin tưởng vào tôi. Việc ông ấy thể hiện sự quan tâm và tin tưởng tới tôi là điều rất quan trọng trong vụ chuyển nhượng này.
* Anh đã mơ ước được chơi bóng cho Barca?
- Mọi đứa trẻ đều muốn chơi bóng cho đội bóng hay nhất thế giới, mà ở đây là Barca. Và giấc mơ của tôi bây giờ đã trở thành sự thật.
* Thần tượng của anh?
- Tôi rất hâm mộ Ronaldo Luiz Nazario da Lima. Anh ấy là số một.
* Anh đã nhận được một số lời đề nghị, tại sao anh quyết định tới Barca?
- Cha tôi luôn muốn tôi một ngày nào đó sẽ được chơi bóng ở đây. Không phải về vấn đề tiền bạc mà là danh hiệu.
* Anh đã nhận được sự đón tiếp như thế nào ở Barca?
- Tôi muốn cảm ơn những người đã đến để cổ vũ tôi ngay trong ngày đầu tiên ở đây. Khi tôi đặt chân tới sân bay, mọi thứ giống như trong một bộ phim vậy. Tôi vẫn chưa cảm thấy sức ép bởi tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và Barca là trải nghiệm lớn nhất của tôi.
* Anh được so sánh với Cristiano Ronaldo ở Chile?
- Tôi ghét khi bị so sánh với bất cứ ai. Tôi tôn trọng Cristiano Ronaldo, nhưng tôi là Alexis, một cầu thủ của Barca và là một người Chile. Tôi ở đây để học hỏi Messi, Xavi và tất cả mọi người.
* Anh có biết cái dớp số 9 ở Barca?
- Tôi không biết.
* Anh đã biết sự thù địch giữa Barca và Real Madrid?
- Nếu Barca gặp Real, chúng tôi muốn đánh bại họ và đoạt các danh hiệu. Chúng tôi phải đánh bại họ còn đâu chẳng có gì khác.
* Messi và Dani Alves đã nói tốt về anh?
- Tôi tự hào khi những cầu thủ như vậy nói về mình.
* Anh có cảm thấy lo lắng khi vụ chuyển nhượng kéo dài?
- Tôi thiết tha được sớm kết thúc vụ chuyển nhượng. Nó kéo dài quá lâu.
* Anh có cảm thấy sức ép khi phải chứng tỏ Alexis Sanchez là ai?
- Tôi chưa làm được gì cả và phải chứng tỏ nhiều. Tôi thích sự ganh đua và những thứ khó khăn. Nó giúp tôi trưởng thành với cả tư cách một cầu thủ lẫn một con người.
* Khi nào anh quyết định không lắng nghe những lời mời khác để tới Barca?
- Đó là khi anh tôi nói rằng cha muốn thấy tôi ở Barca.
* Anh có muốn chơi bên cạnh Fabregas?
- Rõ ràng là có.

Trước khi chuyển tới sân Nou Camp, Sanchez đã được so sánh với Ronaldo nhờ tốc độ và khả năng đi bóng lắt léo giống ngôi sao người BĐN. Vì thế mà Sanchez vẫn được gọi là “Cristiano Ronaldo của Chile”.
“Tôi sẽ trở thành Cristiano Ronaldo của Barca ư? Không, tôi chỉ muốn mình là Alexis Sanchez của Barca. Tôi tự hào được khoác áo đội bóng hay nhất thế giới. Và bây giờ, tôi phải chứng tỏ giá trị của mình. Barca là một đội bóng vĩ đại và luôn muốn giành được mọi thứ”, Sanchez nói trên tờ AS của TBN.
Tiền đạo người Chile đã bày tỏ sự tự hào khi được đá bên cạnh Lionel Messi, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay. “Đầu tiên, tôi phải hòa nhập bản thân vào đội bóng và sau đó thích nghi với môi trường mới. Tôi tự hào được chơi cùng Messi, cầu thủ hay nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một người Chile sẽ chơi bóng cho Barca”.
Liên quan tới Messi, cựu HLV ĐT Argentina Alfio Basile cho rằng tiền đạo của Barca luôn chơi dưới khả năng mỗi khi khoác áo ĐTQG là bởi các đồng đội quá phụ thuộc vào anh.
“Messi luôn cảm thấy thoải mái ở Barca bởi ở đó họ chơi bóng vì tập thể chứ không vì bất cứ cá nhân nào. Lối chơi của Barca thông qua Xavi, Sergio Busquets, và Dani Alves nữa. Tuy nhiên, ở Argentina, điều đầu tiên mà mỗi cầu thủ làm khi có bóng là chuyền ngay cho Messi và hy vọng rằng cậu ấy sẽ làm nên mọi thứ”, Basile cho biết trên EFE.
HLV kỳ cựu 67 tuổi này còn cho rằng sự khác biệt về phong cách chơi bóng giữa Nam Mỹ với châu Âu là một tác động khác khiến Messi chơi không đúng phong độ ở ĐT Argentina. “Ở Nam Mỹ, các hậu vệ chơi quyết liệt hơn khiến bạn có thể phải nhận nhiều cú đá trong mỗi trận đấu. Ở đây, bạn có thể phải kết thúc trận đấu với một đôi tất rách bươm. Các hậu vệ Nam Mỹ khó chơi hơn so với ở châu Âu. Chẳng hạn như ở TBN, các hậu vệ cho phép bạn chơi bóng”.

Tại CLB mới, anh cũng đã có những phát biểu đầu tiên về Barca, anh bảo ước mơ thời thơ ấu của mình đã thành hiện thực. Alexis sẽ viết tiếp giấc mơ của cuộc đời với chiếc áo số 9 trên lưng, số áo mà từ sau ngày Eto'o ra đi, chưa có ai kế thừa nó một cách trọn vẹn.
Alexis sẽ mang áo số 9 - Ảnh Getty
Hàng trăm người đã đến sân bay El Prat hôm Chủ nhật để đón Alexis. Tiền đạo người Chile trông rất giản dị trong bộ đồ chiếc áo bò mài màu xanh nhạt và chiếc quần kaki sáng màu. Dù vừa phải trải qua một chuyến bay dài, Alexis vẫn cố gắng luôn giữ nụ cười trên môi và luôn tay vẫy chào những người cất công chờ đón mình, những hành động giúp anh "ghi điểm" mạnh. Ngay khi vừa đặt chân xuống Barcelona, anh cũng đã dành những lời có cánh cho đội bóng mới: “Tôi đang chơi ở một CLB hay nhất thế giới và sẽ chứng tỏ giá trị của mình xứng đáng với những gì CLB chi trả, thật tuyệt khi được chơi bóng bên cạnh Messi”.
Ở Camp Nou, Alexis sẽ có 5 mùa giải để thể hiện bản thân, 5 năm để vươn lên tầm một chân sút hay bậc nhất thế giới, điều mà hiện tại, Alexis mới chỉ ở dạng tiềm năng. Đá bên cạnh Messi, người đang độc quyền sở hữu những QBV suốt hai năm qua đúng là một cơ hội cực tốt để hoàn thiện bản thân. Nhưng sức ép của việc chơi cặp với Messi, người gần như lúc nào cũng chơi rất hay, là không nhỏ. Leo ghi bàn, Leo sáng tạo những đường chuyền, những pha lừa bóng, tăng tốc. Nếu không “trưng” ra những phẩm chất đã từng trình diễn ở Calcio, sự tự ti sẽ ập đến với Alexis. Đó cũng là một thử thách tâm lý cho tiền đạo người Chile.
Dưới thời Pep, anh là bản hợp đồng thứ 3 đến từ Serie A, sau Maxwell và Ibra. Cả hai gương mặt ấy đều không thật sự tỏa sáng khi đến với Liga. Mức độ thành công của Alexis đến đâu vẫn cần thời gian để kiểm chứng, nhưng anh cũng có những thuận lợi nhất định so với một “số 9” cũ là Ibra. Alexis chăm chỉ săn bóng và di chuyển hơn hẳn so với Ibra, cách chơi của anh cũng không trịch thượng như tiền đạo người Thụy Điển. Còn so với “số 9” mới đây nhất là Bojan (đã sang Roma), đương nhiên là Alexis hứa hẹn hơn nhiều. Bojan đã gần như không phát triển thêm nữa dù mới 21 tuổi, trong khi ở tuổi 22, Alexis hứa hẹn sẽ còn bùng nổ nhiều hơn nữa so với thời chơi tại Udinese.
Vậy là một chương mới trong cuộc đời chân sút người Chile đã mở ra với thật nhiều chờ đợi. Barca chờ anh hòa nhập và chói sáng để hàng công vốn đã mạnh, sẽ mạnh hơn nữa. Alexis trông chờ Barca sẽ là bệ phóng vĩ đại trong sự nghiệp của mình. Giờ là cuộc sống mới, khác rất nhiều so với những gì đã qua. Ở Barcelona, hàng tuần anh sẽ được đá tại Camp Nou, nơi mà sau mỗi đường chuyền hay bàn thắng, anh có thể nghe các cule hô vang “Alexis, Alexis, Alexis”… và mơ tới chức vô địch, Champions League chẳng hạn…