Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

BẢNG ĐIỂM 4 MÔN

Các bạn nhấp chuột vào liên kết dưới đây để download file bảng điểm về xem nhé
http://www.mediafire.com/?kx45st7ppm51xx8
(đây là bảng điểm đã chỉnh sửa lại cho đúng rồi. Bảng điểm mà bạn nào download về trước ngày 29/07/2011 đã bị sai sót một vài chỗ. Mong các bạn down về bảng điểm mới này nhé. Thành thật cáo lỗi)

Nghỉ hè và đóng học phí

1/ Thời gian nghỉ giữa kỳ:
  • SV các lớp nghỉ giữ ky từ ngày 22/07/2011 đến hết ngày 04/09/20011
  • Ngày 05/09/2011 SV tập trung học theo lịch học học kỳ I năm học 2011-2012
2/ Đóng học phí học kỳ:
  • Học phí: 1.900.000đ/SV
  • Thời gian nộp: từ ngày 22/07/20011 đến hết ngày 30/09/2011
Sau thời gian trên, những SV không đóng học phí sẽ bị cấm thi học phần và xử lý theo quy chế học vụ

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

'Đại học ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã'

Ngay sau khi hiệp hội các trường đại học ngoài công lập kiến nghị Bộ Giáo dục giao điểm sàn về cho từng trường hoặc hạ điểm sàn tương đối, thành viên của hội đã có buổi làm việc tại ĐH Nguyễn Trãi dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch thường trực Phan Quang Trung.
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây cho biết, nếu các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu thì đến lúc phải tan. Trong mùa tuyển sinh năm ngoái, các trường đã phải rất vất vả để chiêu sinh. Năm nay, nếu như một số trường công lập dự định lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì không còn thí sinh cho trường ngoài công lập.
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây. Ảnh: Hoàng Thùy.
"Khi mới thành lập cách đây 4 năm, trường tôi tuyển được 700 sinh viên. Năm sau được 600, rồi 400, e rằng năm nay để có 200 cũng khó", ông Huỳnh nói và kiến nghị Bộ Giáo dục hãy phê duyệt điểm sàn riêng cho khối công lập và ngoài công lập.
Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An cho rằng, nhìn vào đồ thị phổ điểm năm nay có thể thấy tổ ra đề rất thiếu kinh nghiệm. "Tháng 6 thi tốt nghiệp kết quả cao chót vót, vậy mà một tháng sau thi đại học kết quả đã lẹt đẹt. Trong tình thế đó điểm sàn chính là nguyên nhân làm chết các trường top dưới, vô tình làm thui chột chủ trương xã hội hóa của cả nước", thầy Định nói.
Theo thầy Định, các trường cấp 3 đã làm rất tốt việc tuyển sinh. Đề thi là chung nhưng nếu chưa tuyển đủ thì có thể hạ điểm đến khi nào đủ thì thôi. Đó là phương pháp mà Bộ nên áp dụng đối với các trường đại học hiện nay.
Từng nêu rõ điểm chuẩn trường mình sẽ bằng điểm sàn của Bộ và kiến nghị Bộ hạ điểm sàn ngay từ khi mới có kết quả thi, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng không nên bỏ điểm sàn vì nếu bỏ sẽ mất đi tính chất ba chung. Tuy nhiên, Bộ phải làm sao cho các trường có chỉ tiêu 100 thì tuyển đủ 100 bởi có hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp nhưng chỉ khoảng 300.000 cơ hội đại học thì lẽ ra việc tuyển sinh không khó khăn.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Thùy.
"Năm ngoái, Bộ đã gia hạn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập thêm 15 ngày, tuy nhiên không có thí sinh nào đến học vì nguồn tuyển đã cạn kiệt, việc kéo dài thời gian khiến học sinh phải nhập học muộn gây khó khăn cho công tác đào tạo của trường", thầy Nghị chia sẻ.
Theo phân tích của hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, ở một số đại học công lập, đầu vào cao chưa chắc đầu ra đã cao. Ông khẳng định, với việc tuyển học sinh mức điểm trung bình, trường ông có khả năng đào tạo sinh viên đó trở thành người giỏi bởi phương pháp đào tạo toàn diện.
"Từ khi vào trường cả thầy và trò đều phải chạy marathon để đảm bảo chất lượng. Thế nên hơn 96% sinh viên của chúng tôi ra trường đều có việc làm. Đây là kết quả mà không phải trường công lập nào cũng giành được", thầy Nghị nói và than phiền mặc dù chất lượng tốt nhưng vì hai chữ "dân lập", "tư thục" mà các trường ngoài công lập vẫn chưa thu hút được thí sinh.
Ngoài ra theo ông Nghị, quy định của Bộ như điểm sàn, không được gửi giấy báo cho thí sinh quá số lượng chỉ tiêu mà không quan tâm đến số ảo khiến các trường ngoài công lập đang rơi vào tình thế khó khăn.

Điểm sàn thi đại học: Hạ một điểm liệu có hợp lý? 

 Lo không tuyển đủ chỉ tiêu, sáng nay, ngày 5/8, Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập đã khẩn trương triệu tập các thành viên, tổ chức “hội nghị Diên Hồng” để tập trung ý kiến kiến nghị Bộ về cách tính điểm sàn.


Thí sinh dự thi tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2011 - Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Giữ nguyên điểm sàn, trường sẽ… “chết”


Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điểm sàn năm nay sẽ không thấp hơn năm 2010 (13 điểm với khối A, D và 14 điểm với khối C, B).

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học ngoài công lập cho rằng, với mức điểm này, trường sẽ… “chết” vì không thể tuyển được sinh viên.

Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng Đại học Thành Tây cho biết, các trường đại học ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu vì không có nguồn tuyển. Sau 4 năm tuyển sinh, số sinh viên đăng ký vào trường giảm dần đều. Năm đầu tuyển được 700 em, năm thứ 2 còn 600, năm thứ 3 giảm xuống 400 em. “Năm nay chúng tôi làm mọi cách nhưng không biết có tuyển nổi 200 em hay không,” ông Huỳnh lo lắng nói.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định điểm sàn sẽ được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo tổng số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên sẽ nhiều hơn tổng số chỉ tiêu Bộ giao cho các trường, nhưng ông Huỳnh cho rằng, Bộ cần phải tính kỹ hơn nữa vì số thí sinh đỗ ảo rất lớn.

Theo đó, ông Huỳnh kiến nghị có thể hạ điểm sàn, tùy theo nhu cầu xã hội.

“Chủ trương của Đảng là xã hội hóa giáo dục, nhưng cứ đà này, không tuyển được sinh viên, chúng tôi chỉ còn cách giải tán. Đó là thực trạng đáng báo động,” ông Huỳnh bức xúc.

Đây cũng là chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Trọng Yêm, Trường Đại học Lương Thế Vinh, Nam Định. Ông Yêm cho rằng, điểm sàn cần đảm bảo nguồn cho các trường đại học công lập và ngoài công lập. Muốn thế phải xác định số ảo vì hàng năm số ảo rất lớn, như Đại học Dân lập Lương Thế Vinh là 35%. Số ảo lớn như vậy, nguồn không có thì các trường ngoài công lập sẽ không tuyển đủ.

Có thể có hai điểm sàn?

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có văn bản kiến nghị Bộ xem xét xác định điểm sàn theo một trong hai phương án. Cụ thể, phương án 1 là giao cho các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt.

Phương án 2 là nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.

Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng nay, chính lãnh đạo các trường đại học ngoài công lập phải thừa nhận rằng phương án 1 là không khả thi vì khi đã thi “ba chung” thì đương nhiên phải có điểm sàn chung.

Về phương án 2, nhiều ý cho rằng Bộ nên hạ điểm sàn để số thí sinh đạt trên điểm sàn nhiều hơn, hoặc lấy hai mức điểm sàn khác nhau.

Theo Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, rất nhiều trường đại học công lập chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Do trường công lập học phí thấp hơn, tâm lý xã hội cũng đề cao hơn nên khi tuyển cùng mức điểm, trường ngoài công lập không thể cạnh tranh.

Cùng nhận định này, ông Lê Công Huỳnh cho rằng khi các trường công lập cũng lấy điểm chuẩn thấp thì không còn nguồn nào cho trường ngoài công lập.

Do đó, ông Huỳnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra hai mức điểm sàn cho hai loại hình trường, điểm sàn trường công lập cao hơn điểm sàn trường dân lập.

Đồng tình với ý kiến ngày, lãnh đạo Đại học Dân lập Thăng Long đưa ra con số cụ thể hơn: điểm chuẩn của trường ngoài công lập thấp hơn khoảng nửa điểm đến 1 điểm so với trường công lập. Như thế sẽ đỡ cho các trường rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Nghị lại cho rằng, nếu theo cách trên, các trường ngoài công lập đã tự xếp mình ở “chiếu dưới,” làm cho tâm lý xã hội đã nghi ngại lại càng thêm không tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường dân lập.

Theo đó, ông Nghị kiến nghị Bộ nên có cách xác định điểm sàn hợp lý để không trường nào không tuyển đủ chỉ tiêu. “Mặc dù chưa có thông tin về điểm thi của tất cả các trường, nhưng với tình hình kết quả thi của một số trường mà tôi biết, tôi cho rằng điểm sàn năm nay nên hạ khoảng 1 điểm là hợp lý,” ông Nghị nói.

Không thể bỏ điểm sàn 

. Sau khi vừa kết thúc kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, một loạt trường lên tiếng đòi Bộ GD&ĐT bỏ thi “ba chung”, họ cho rằng chiếc áo 3 chung” đã quá “chật”, không còn phù hợp, các trường đều muốn “cải tiến” theo hướng được tự tổ chức tuyển sinh. Trong đó “sốt sắng” nhất là các trường ngoài công lập, các trường “tốp dưới”.

Hôm nay, khi hầu hết các trường đã công bố điểm thi (ngày 5/8 là hạn cuối theo quy định của Bộ GD&ĐT) sự “sốt sắng” này được lí giải phần nào, mặc dù chưa có điểm sàn của Bộ GD&ĐT nhưng trên website nhiều trường ngoài công lập đã công bố phương thức xét tuyển NV2, NV3 và những ưu đãi để hút thí sinh.
Thí sinh xem điểm thi - Nguồn: Internet
2. Từ những mùa tuyển sinh trước, việc tuyển đủ thí sinh luôn là bài toán khó giải đối với các trường “tốp dưới”, nhất là các trường dân lập. Thậm chí, nhiều trường hết thời hạn tuyển sinh vẫn loay hoay không tuyển đủ chỉ tiêu. Không ít trường đã tự ý “xé rào” tuyển sinh “dưới chuẩn” hoặc tuyển vượt quá chỉ tiêu để “trừ hao” nên đã vi phạm qui chế, để rồi bị phê bình, thậm chí bị phạt hành chính.
Sự sốt sắng càng rõ hơn khi ngày 3/8, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã gửi kiến nghị đến Bộ GD&ĐT trong đó có nội dung bỏ điểm sàn hoặc xác định điểm sàn thấp. Trong bản kiến nghị, Hiệp hội đánh giá kết quả điểm của kỳ thi năm nay nói chung thấp hơn năm trước. Kết quả này có thể không gây khó cho các trường thuộc tốp trên, nhưng với các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có.
3. Thực tế, nguồn tuyển NV2 của các trường dân lập, “tốp dưới” sẽ là từ số thí sinh không trúng tuyển các trường “tốp đầu” và “tốp giữa”. Nhưng với thực tế điểm thi năm nay, nhiều trường nhóm trường “tốp giữa” có thể phải xác định điểm chuẩn thấp hơn năm trước, xuống đến sát điểm sàn. Để có lượng thí sinh đầu vào đảm bảo, nhiều trường “tốp giữa” phải tận dụng bằng cách cho thí sinh chuyển đổi ngành học, để thí sinh theo học tại trường. Vì vậy, các trường “tốp dưới” sẽ rất khó khăn khi tuyển thí sinh theo NV2.
Tuy nhiên, không thể vì khó mà chấp nhận “thỏa hiệp”. Sau khi kết thúc kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi mang tính phân loại cao, điều này giúp phân loại thí sinh rõ ràng hơn, xác định đúng lực học thực chất, đánh giá chính xác năng lực của thí sinh, phổ điểm hợp lý hơn, không có quá nhiều điểm tuyệt đối. Như thế, thí sinh sẽ biết mình ở đâu, trong thang điểm chung. Như thủ khoa khối A ĐH Hà Hoa Tiên chỉ đạt 12,5 điểm, nếu chiểu theo điểm sàn khối A năm 2010 là 13 điểm thì thủ khoa này chưa đủ điểm để nộp đơn xét tuyển ĐH. Nếu hạ chuẩn điểm sàn, để trường tuyển đủ thí sinh theo nguyện vọng với 600 chỉ tiêu cả hệ ĐH và CĐ, thì có lẽ các “tân sinh viên” của ĐH này chỉ hơn chuẩn... xóa mù chữ!
Cần phải thấy, việc sử dụng điểm sàn chung giúp chúng ta xác lập mặt bằng “kiến thức, kỹ năng” tối thiểu của thí sinh có thể tiếp cận giáo dục ĐH, đồng thời giúp các trường xác định vị trí, mặt bằng “đầu vào” của mình trong hệ thống giáo dục, để từ đó có bước đi và giải pháp cần thiết.
Vì vậy, theo tôi không thể bỏ, hay hạ quá thấp điểm sàn.

Ủng hộ “3 chung” trong thi cử 

- Trước năm 2002 các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh, tính đến kỳ thi năm nay là tròn 10 năm Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi).
Cuối năm 2010, dư luận rộ lên việc 6 trường ĐH lớn sẽ được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã khẳng định: Thông tin giao quyền tự chủ cho 6 trường ĐH là “hiểu nhầm hoàn toàn”. Bộ giao cho 2 ĐH Quốc gia và 4 ĐH trọng điểm để cùng Bộ nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển sinh chứ không phải giao tuyển sinh cho 6 trường đó. Và có thể cách thức tuyển sinh 3 chung sẽ còn diễn ra trong nhiều năm nữa.
Tuy nhiên, năm nay, một loạt trường cho rằng “chiếc áo 3 chung” đã quá “chặt”, không còn phù hợp, các trường đều muốn “cải tiến” theo hướng được tự tổ chức tuyển sinh, nói cách khác là quay về cách thức thi ĐH của 10 năm về trước. Tuy nhiên, nếu suy xét một cách kỹ lưỡng thì “3 chung” vẫn có rất nhiều ưu điểm. Bỏ “3 chung” thì những hệ lụy của thi cử còn trầm trọng hơn. Cụ thể:
Thí sinh làm bài thi - Nguồn: Internet
1. Có ý kiến cho rằng, thi 3 chung, sẽ dẫn đến các trường “tốp dưới” không làm chủ được đầu vào, tuyển sinh chủ yếu dựa vào nguyện vọng 2, 3 sau khi thí sinh đã “rớt” nguyện vọng 1. Tôi cho rằng, nếu các trường thi riêng, thí sinh tham dự nhiều trường thi, nếu đã trúng tuyển trường “tốp trên”, thí sinh dù đủ điểm các trường tốp dưới cũng sẽ không theo học, vì vậy các trường này vẫn khó chủ động được đầu vào ngay từ nguyện vọng 1.
2. Quan điểm cho rằng, thi 3 chung, lượng thí sinh “ảo” nhiều do thí sinh nộp nhiều hồ sơ nhưng chỉ thi 1 lần. Tuy nhiên, nếu được thi nhiều trường, trong nhiều đợt, ai dám chắc lượng thí sinh “ảo” sẽ giảm? Thậm chí con số này có thể tăng lên, vì thí sinh nộp nhiều hồ sơ dự phòng, và thí sinh có học lực khá, thi các trường tốp đầu, nếu làm bài tốt sẽ không tham dự kỳ thi của các trường khác nữa. Như hiện nay, nhiều thí sinh thi ĐH làm bài tốt rồi, không còn mặn mà với kỳ thi CĐ nữa. Nhất là đối với các bài thi trắc nghiệm, thi xong thí sinh so đáp án thường nắm tương đối khả năng đỗ, trượt.
3. Ý kiến cho rằng, thi 3 chung năm nào cũng có vài trăm nghìn bộ hồ sơ ảo, khi nhân số này với lệ phí 80 nghìn đồng/1 bộ hồ sơ, sẽ là sự lãng phí lớn. Đó là chưa kể, các trường vẫn phải chuẩn bị cơ số phòng thi, cán bộ coi thi, số lượng đề thi, cho toàn bộ số thí sinh ảo, cho nên có trường phải bù lỗ cả trăm triệu tới cả tỷ đồng cho kỳ thi. Tuy nhiên, khi thi riêng, thí sinh không chỉ nộp 2, 3 hồ sơ mà có thể nộp nhiều hồ sơ cùng một lúc, miễn là các trường không trùng lịch thi. Khi thí sinh không thi đủ, số tiền lãng phí của xã hội theo thí sinh “ảo” có thể lớn gấp nhiều lần. Kéo theo đó, số lỗ của các trường không giảm mà có thể tăng. Còn nếu thí sinh tham dự cả 5, 7 kỳ thi, thì gánh nặng kinh tế đối với gia đình, xã hội còn lớn hơn.
4. Ý kiến cho rằng, thí sinh cần thi ĐH nhiều lần, nhiều cơ hội. Tôi cho rằng việc học là quá trình, nếu thí sinh không xác định lực học để thi trường vừa sức thì dù có thi nhiều lần cũng khó đạt kết quả. Việc xác định ấy là nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp từ trên ghế nhà trường, chứ không phải nhiệm vụ của kỳ thi tuyển sinh. Sau kỳ thi, còn nguyện vọng 2, 3, như vậy mỗi thí sinh vẫn có 3 cơ hội được tuyển chọn. Với cách thi như hiện nay, sẽ rất hiếm thí sinh có thể nói “học tài thi phận” để cần cơ hội khác cho bản thân mình.
5. Đó là chưa kể hệ lụy từ việc các trường tự ra đề, các lớp ôn thi “dài hạn”, “cấp tốc” lại bùng phát. Bằng mệnh lệnh hành chính, các trường có thể “cấm” các thầy không mở lớp ôn thi. Nhưng thực tế, xưa nay các trường mở lớp ôn thi thì ít, mà tư nhân đầu nậu thì mở nhiều. Họ mở gần trường học, và thường quảng cáo “thầy giáo ra đề trực tiếp giảng dạy”, dù họ có “treo đầu dê, bán thịt chó” thì sĩ tử vẫn kéo đến ầm ầm.
Theo tôi, trong khi chưa tìm ra phương thức mới, việc giữ ổn định cách thức tuyển sinh 3 chung như hiện nay là sự lựa chọn khả dĩ hơn cả.


 

Phát ngôn&Hành động: Quyền lực, quyền uy và những phát ngôn ấn tượng

Quyền lực, quyền uy trước thách thức của vận mệnh đất nước; gọi đúng tên "biểu tình mang tính chất yêu nước" và những phát ngôn không bình thường mà rất ấn tượng của một ông Bộ trưởng, là thông điệp, là những lát cắt mà Phát ngôn và Hành động tuần này mong được sự chia sẻ, đồng cảm cùng chiêm nghiệm của bạn đọc.
Quyền lực, quyền uy và... nợ dân
Bên cạnh sự kiện Biển Đông luôn nóng bỏng, tuần này, một sự kiện nổi bật nữa được bạn đọc quan tâm. Đó là kỳ họp Quốc hội khóa XIII với sự ra mắt của Chính phủ mới.
Các nhân vật chủ chốt nhất của chính quyền mới: Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP (tái đắc cử), Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội. Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng được Đại hội Đảng khóa XI bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Cơ cấu Chính phủ mới, có 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng.
Còn dân gian, vốn dân dã nên xếp "bộ tứ" các vị lãnh đạo một cách nôm na, theo vần nhưng rất ý nghĩa: Hùng- Dũng- Sang- Trọng. Hay bởi nhân dân cũng mong đợi ở khí phách và tinh thần dân tộc qua những người lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ra mắt Quốc hội.
Bỗng nhớ tới một bài viết đăng trên Tuần Việt Nam trước đó, ngày 10/7/2011, có chủ đề khá hay: "Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi".
Đó là cuộc triển lãm của Cung điện Versailles (Pháp) trưng bầy những chiếc ghế- những ngai vàng khắp các nơi trên thế giới- biểu tượng của quyền lực và quyền uy, từ thời cổ đại đến thời hiện đại.
Cũng là để gửi thông điệp cho khách tham quan, không chỉ thấy sự oai nghiêm và vị thế của quyền lực, mà còn là sự tìm kiếm giá trị và ý nghĩa đích thực của 2 chữ quyền uy. Quyền lực và quyền uy bao giờ cũng khiến con người quan tâm, chiêm nghiệm và một chút triết lý. Vì quyền lực và quyền uy mà nhân loại chứng kiến biết bao bi kịch, bi hài.
Có thể thấy ở triển lãm độc đáo mang tính văn hóa cao, đồng thời chứa đựng nội hàm chính trị sâu sắc này, chiếc ngai cổ nhất của nước Marsch (thuộc Đức- thế kỷ V). Kế đến, ngai của ông hoàng Dagobert (nước Pháp- thế kỷ VII)... Còn mới nhất và hiện đại nhất là chiếc ghế tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ngồi để chiêm ngưỡng lễ mừng quốc khánh 14/7/2005...
Chính trị và văn hóa là 2 mặt tưởng đối lập, nhưng thực ra  luôn song hành. Chính trị cao nhất phải là chính trị vì con người. Chỉ khi đó, văn hóa trong chính trị sẽ tự nhiên tỏa sáng- đó là nền chính trị nhân văn.
Nhưng khác với quan niệm về quyền lực đứng, quyền uy ngồi của cuộc triểm lãm, người viết bài cho rằng quyền lực và quyền uy là 2 khái niệm, giống nhau ở chữ quyền, nhưng lại khác nhau ở chữ lực, chữ uy, nhất là trong thế giới hiện đại, khi các thang bậc giá trị có nhiều thay đổi so với thế giới cổ đại.
Quyền lực là vị thế, vị trí, địa vị xã hội phân công cho con người được sử dụng quyền lực đó. Nhưng quyền uy lớn hơn thế và đòi hỏi dụng công hơn nhiều. Quyền uy là sự tổng hợp của một loạt điều kiện: Quyền lực + tài năng+ nhân cách+ uy tín+ hiệu quả cách sử dụng quyền lực.
Như vậy, bản chất quyền lực là cái ghế. Bản chất quyền uy là con người ngồi trên cái ghế đó. Người có quyền lực muốn có uy phải hội tụ được nhiều năng lực, nhân cách cá nhân phục vụ cho xã hội, vì lợi ích chung. Bởi thực tiễn cũng cho thấy, ngay ở cơ sở, có không ít người có quyền lực, nhưng không hẳn đã có quyền uy. Thậm chí bị nhân dân ghẻ lạnh, coi thường.
Bộ máy Chính phủ mới với quyền lực được nhân dân tín nhiệm đề cử, được xã hội phân công, đang phải đối mặt trước vô vàn thách thức lớn.
Tình cờ, mới đây, trên VnE có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, và VTC News phỏng vấn GS. TS Nguyễn Minh Thuyết. Cả 2 trí thức có tên tuổi đều nhận định bên cạnh nhiều thuận lợi cũng có  những thách thức lớn đối với Chính phủ mới, trên con đường đưa đất nước vượt qua "vòng nguy hiểm" và phát triển vững chắc.
Tuy nội hàm của những thách thức có những điểm khác nhau, do mỗi người đứng ở góc độ lĩnh vực chuyên môn riêng, nhưng lại rất bổ sung cho nhau, khá đầy đủ và tường minh:
- Đó là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn Nhà nước...Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới Việt Nam khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm, tiếp tục rơi vào điểm nghèo, hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài.
- Là bảo vệ chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay.
- Là "bạo bệnh" tham nhũng đang biến tướng, ngày càng phức tạp với quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn.
- Là những nhóm lợi ích đã và đang chi phối xã hội ở nhiều lĩnh vực. Bộ máy Chính phủ phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời,  kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình, không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.
- Là bất bình đẳng gia tăng, và khát vọng dân chủ của nhân dân. Nếu không giải quyết tốt những điều này thì những bức xúc tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.
- Là đưa văn hóa, giáo dục ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, chấn hưng và phát triển nền tảng nhân văn, dân trí và đạo lý xã hội. Nếu không lo cho văn hóa, giáo dục hôm nay, thì đó là thảm trạng cho dân tộc ngày mai.
Chọn giải pháp nào để vượt qua các thách thức lớn phụ thuộc vào tầm nhìn xa của Chính phủ. Sáng 3/8/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã "tuyên ngôn" trước QH, cũng là trước quốc dân đồng bào về những định hướng chiến lược.
Nhưng có 2 giải pháp căn cốt không thể thiếu: Đó là
1) "Cơ chế, thiết chế" quản lý xã hội cần đổi mới tiếp tục, như lời hứa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc ông với tư cách ứng viên ĐBQH tiếp xúc cử tri Quận I (t/p. HCM).
2) Có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo các ngành từ vĩ mô tới cơ sở phải thực tài, có tâm, vì lợi ích chung. Có vậy, mới ra được chính sách đúng, phù hợp quy luật và thực tiễn khách quan.
Nhân dân đòi hỏi nhưng nhân dân rất công minh và công bằng. Người lãnh đạo nếu sống vì dân thực sự, đâu cần phải bia đá, tượng đồng mà họ luôn được dân tạc trong tâm thức. Đó chính là quyền uy tối thượng của quyền lực. Cũng là niềm hạnh phúc của người có quyền uy.

Nếu như các đại biểu Quốc hội nợ dân một lá phiếu bầu, thì Chính phủ mới và những thành viên có quyền lực cao và cao nhất nợ dân tới...2 lá phiếu bầu. Món nợ lớn nhất, là những thách thức sừng sững phía trước, trên hành trình của cả dân tộc cần phát triển và hội nhập văn minh.
Quyền lực của Chính phủ đã có. Còn quyền uy của Chính phủ, phụ thuộc vào tài năng, tầm nghĩ chiến lược, vào khí phách và bản lĩnh một Chính phủ "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân"
Gọi đúng tên... biểu tình
Chiều ngày 2/8/2011 mới đây, một bản tin ngắn trên VietNamNet v à tr ên nhi ều t ờ b áo kh ác đã khiến bạn đọc phải chú ý. Người viết bài này đọc đi đọc lại, bỗng rưng rưng. Đó là "Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước".
Thông tin cho biết, tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành uỷ Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nhận định các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội thời gian qua là mang tính chất yêu nước.
Đây là thông tin chính thức đầu tiên của cơ quan chức năng. Chính vì thế, nó được sự hoan nghênh, đồng thuận của đông đảo nhân dân và bạn đọc.
Sự thông báo, đánh giá về các cuộc "tụ tập tự phát" được công khai và nhìn nhận từ ông GĐ Công an Hà Nội, chính là việc gọi đúng tên... biểu tình. Bởi Hiến pháp 1992 (Điều 69, chương V) quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật", cho dù trong thực tế đến nay QH chưa ban hành Luật Biểu tình.
Nhưng lòng yêu nước của người dân, trước chủ quyền Tổ Quốc bị đe dọa thì không thể đợi.!
Cũng bởi một điều muôn thuở của mọi quốc gia- luật pháp nhiều khi đi sau thực tiễn, " cây đời mãi mãi xanh tươi" là như vậy đó!
Ông Nguyễn Đức Nhanh (phải) tại cuộc họp báo.
Thông tin cũng cho biết, trước dư luận và kiến nghị của một số công dân, trí thức đề nghị trả lời về việc, một số người tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc ngày 17/7, đã bị các lực lượng công an thành phố "đàn áp thô bạo", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP xác minh, điều tra và kết luận: Không có căn cứ xác định công dân Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát ngày 17/7.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: "Công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình".
Xã hội đang tiến tới sinh hoạt dân chủ, công khai, minh bạch. Sự minh bạch cần cả lời nói lẫn hành động. Có thế, lòng dân mới bình an, và xã hội mới mạnh được.
Chắc chắn, sự công khai thông tin, đánh giá các cuộc biểu tình yêu nước chưa thể khép lại những quy định về quyền công dân. Trái lại, nó mở ra hàng loạt vấn đề mới mang tính pháp quy của một xã hội,một đất nước trước sinh tử, trước sự phát triển, đòi hỏi Chính phủ mới phải bàn thảo và quyết định.
Thất thu, bội thu và... những phát ngôn ấn tượng
Trong tuần này, ngành giáo dục một lần nữa "thất thu" ở các kỳ thi tuyển quốc tế và trong nước khiến  báo chí tốn biết bao nhiêu giấy mực, và người dân thêm một lần nữa... thất vọng.
Ngoài nước, ở bộ môn thuộc KHTN, Đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olimpic Toán quốc tế (IMO 2011) với 6 thành viên chỉ đoạt 6 huy chương đồng, xếp hạng 31/101. Đây cũng là thành tích kém nhất trong 35 năm dự giải, của bộ môn luôn được coi có thành tích cao khá ổn định. Điều bi hài xảy ra là đúng lúc Viện Toán cao cấp vừa ra đời.
Trong nước, ở môn thuộc KHXH, tiếp theo môn Văn, đến môn Lịch sử được học sinh "nói không". Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH 2011, không chỉ tỷ lệ học sinh dự thi vào khối C có 6%, thấp nhất so với các khối khác, mà kết quả thi môn sử thật thảm hại- hàng nghìn bài thi bị điểm 0!
Đó là sự thất thu rõ nhất của ngành. Còn có gì bội thu?
Vẫn có: Đó là tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao đáng ngờ. Là căn bệnh thành tích không hề thuyên giảm, tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Là số trường ngoài công lập mọc lên như nấm, tuột khỏi sự kiểm soát của ngành. Là bằng rởm của vô số cán bộ các địa phương...
Như một lẽ thường tình, cả xã hội, từ cán bộ quản lý Nhà nước,  quản lý giáo dục, nhà sử học, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh cho đến thường dân, tất cả "tay dao, tay kéo" mổ xẻ con bệnh có tên Toán (IMO 2011) và Lịch sử, mặc dù 2 con bệnh này rõ ràng là vô tội.
Bác sĩ nào, y sĩ nào chẩn bệnh và cho thuốc, cũng trúng hết. Nào là chính sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực KHXH- NV, chính sách khuyến khích tuyển thẳng ĐH không có. Nào là tuyển chọn đội tuyển có vấn đề. Nào là chính trị hóa chương trình lịch sử. Nào là phương pháp giảng dạy khô khan, cứng nhắc. Nào là cách ra đề khiến trò phải học thuộc lòng...
Bao nhiêu loại thuốc, bao nhiêu thang thuốc, không biết 2 con bệnh này có kịp ngấu không, dù nó biết rõ mình chẳng có bệnh gì. Bệnh là ở... những người đang chẩn, thì họ lại không chịu thừa nhận!
Duy nhất, mỗi một người rất lạc quan. Người đó là Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận.
Lý giải nguyên nhân cho các nhà báo, ông Phạm Vũ Luận chia ra 3 phần sáng tỏ, và dành cho "thời đại" phần nhiều:
- Điểm sử thấp không phải chỉ là chuyện của Việt Nam, mà là chuyện của thời đại
- Học sinh thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam không phải là vấn đề vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề...xã hội
- Còn chuyện do dạy và học, cũng có khía cạnh đúng, nhưng nếu đổ hết cho dạy và học thì lại là chuyện khác(!)
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận
Bỗng nhớ tới Kỳ họp QH khóa trước. Khi nói về trách nhiệm với con tàu Vinashin, một vị Bộ trưởng đã chia đều cho tất cả các bộ, các ngành, trừ bộ của ông. Cả hội trường QH cười ầm. Cái cười vì sự ngụy biện
Nếu là chuyện của thời đại, thì những nước do công nghệ thông tin, kinh tế phát triển, học sinh của họ có ghẻ lạnh với sử, có hàng ngàn điểm 0 về sử như ở ta không?
Nếu là chuyện của xã hội, vì không địch nổi phim Tàu, hàng Tàu....thì cũng vẫn nên xem lại chất lượng dạy- học sử của giáo dục, vì quá kém nên yểu mệnh.
Có một phát ngôn khác, của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ. Xin được trích nguyên văn : "Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi ĐH vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 (môn Sử) là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường"
Liệu có bình thường không khi học sinh không có chút kiến thức tối thiểu về lịch sử sau 12 năm đèn sách, đến mức hàng ngàn điểm 0 ?
Lại nhớ, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, đại ý, ông không muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình.
Nhưng chắc chắn, với hàng ngàn điểm 0 của học sinh trong môn lịch sử, đã tạo một ấn tượng sâu sắc...xấu thêm cho ngành giáo dục.
Hay bởi học sinh ta không cần học... lịch sử thật? Bởi có câu ca dao đời mới vừa buồn cười vừa chí lý khi luận về học Sử ta :
Nếu mà không thuộc thì tra Gúc gồ" (Google)!
 

“Chính sách tiền tệ chặt chẽ”: Tư tưởng lớn gặp nhau?

Không hẹn mà gặp, trả lời phỏng vấn ngay sau khi Chính phủ mới ra mắt, cả tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đều sử dụng cụm từ "Chính sách tiền tệ chặt chẽ".
Từ trước tới nay, chúng ta chỉ quen nghe "chính sách tiền tệ thắt chặt". Cái gì nghe lâu cũng thành quen và chấp nhận nó như là một chân lý, dù lắm khi cái "lý" đó chưa chắc đã là "chân".
Trong tiếng Anh, cụm từ tương ứng với "chính sách tiền tệ thắt chặt" là "tighten monetary policy". Về mặt ngôn ngữ đơn thuần, cách chuyển ngữ như thế là chính xác và không có gì đáng phải bàn cãi. Nhưng, điều đáng nói ở đây là vấn đề tư duy. Tiếng Việt của chúng ta vốn rất phong phú về mặt ngữ nghĩa, nên có những cụm từ mà nếu chỉ thoáng nghe qua thì tưởng chừng như không có gì khác biệt nhưng nếu ngẫm kỹ thì lại không hẳn như vậy.
Trong tiếng Việt, khi nói đến "thắt chặt", theo nghĩa đen, người ta nghĩ ngay đến hành động siết (thít) một vật gì đó cho thật chặt. Còn "chặt chẽ" lại bao hàm một ý nghĩa rất khác biệt, là "gắn kết, khăng khít" (ví dụ: quan hệ chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ,..) hoặc là "sát sao, nghiêm ngặt" (ví dụ: chỉ đạo chặt chẽ, giám sát chặt chẽ,...).
Trên thực tế, mỗi khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện "chính sách tiền tệ thắt chặt" thì các doanh nghiệp đều "nghẹt thở", thậm chí có không ít doanh nghiệp bị "tắc thở"! Điều này cũng dễ hiểu vì mục tiêu của "chính sách tiền tệ thắt chặt" là nhằm giảm mức lạm phát thông qua việc giảm lượng cung tiền trong lưu thông. Hệ quả là các doanh nghiệp phải chấp nhận đi vay với mức lãi suất cao ngất ngưởng hoặc thậm chí không thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, việc thực thi "chính sách tiền tệ thắt chặt" đòi hỏi phải hết sức khéo léo, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn như: đẩy các tổ chức tín dụng vào cuộc đua tăng lãi suất; tạo áp lực lên tăng trưởng và việc làm; gây trở ngại đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp; sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản;... Vì vậy, thực thi "chính sách tiền tệ thắt chặt" không đơn thuần chỉ là việc "siết cho cho thật chặt" lượng cung tiền, mà là phải điều tiết nó như thế nào cho hợp lý. Có như vậy thì mới giảm thiểu được những mặt trái của "chính sách tiền tệ thắt chặt".
Người viết hoàn toàn tán thành với quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn- Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, rằng "chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ có hiệu quả một khi có sự phối hợp đồng bộ của chính sách tài khóa".
Thực tế trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến "chính sách tiền tệ thắt chặt" không đạt được mục đích như mong muốn là do tình trạng "đồng sàng dị mộng", thậm chí là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, trong khi thực thi chính sách tài khóa là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Như vậy, để đạt được mục tiêu chung là ổn định và phát triển kinh tế, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Khi trả lời phỏng vấn, ông Vương Đình Huệ cũng đã đề cập đến sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Về phần mình, dù không nói rõ vấn đề này, nhưng qua cách thể hiện cũng có thể thấy ông Nguyễn Văn Bình rất tán đồng quan điểm của ông Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, để có thể biến quan điểm đó thành hiện thực, thiết nghĩ hai vị "Tư lệnh" của ngành Tài chính và Ngân hàng cần xây dựng được một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Người viết tin rằng, là những người được đào tạo bài bản (cả hai ông đều là Tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài) và bước đầu thể hiện "tư tưởng lớn gặp nhau", hai vị tân "Tư lệnh" của hai ngành trọng yếu của nền kinh tế sẽ tìm được tiếng nói chung trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Còn quá sớm để có thể đánh giá về những đổi mới tích cực trong điều hành chính sách của hai vị tân "Tư lệnh". Nhưng có một điều chắc chắn, đó là khi "bản hợp xướng" của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được tấu lên một cách bài bản, nhịp nhàng thì triển vọng của một nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững sẽ trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Vâng, chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất và chúng ta hãy cùng chờ xem.

Hai câu hỏi của nhà sử học và thông điệp của Tân Thủ tướng

Câu thứ hai mà đại biểu Quốc định hỏi lần trước là: "Thưa Thủ tướng, trong khi thực thi quyền năng của mình, có lúc nào ông thoáng tự hỏi: mình sẽ để lại dấu ấn gì trong lịch sử, hoặc rồi đây lịch sử sẽ viết về mình như thế nào?".
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 12, đại biểu Dương Trung Quốc cứ tiếc mãi là ông bấm nút chậm nên bỏ lỡ cơ hội (mà ông nghĩ là cuối cùng) để chất vấn thủ tướng, bởi lúc đó ông đã là đại biểu nhiệm kỳ thứ hai.
Thế nhưng, lịch sử đã rất "sòng phẳng" với nhà nghiên cứu lịch sử có trách nhiệm này, khi trao cho ông thêm một cơ hội. Ông đã được đề cử bởi cơ cấu dành cho người ngoài Đảng, và được cử tri bầu lại, bởi vai trò của ông trong hai nhiệm kỳ trước được họ đánh giá là hiệu quả. Và như vậy, ông lại có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi cho chính người ông tưởng đã bỏ lỡ chất vấn ở lần trước.
Câu hỏi đầu tiên của đại biểu Quốc liên quan đến nhận định của một bài báo trên tờ nhật báo kinh tế - tài chính uy tín hàng đầu của Nhật Bản là Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) là "Không có một nước Đông Nam Á nào, ngoài Việt Nam, lại bị cuốn sâu vào nền kinh tế Trung Quốc như vậy." Ông Quốc muốn hỏi rằng "nhận định của tờ báo Nhật Bản ấy theo Thủ tướng có đáng tin không, và chính phủ đã và sẽ làm gì để chúng ta vừa khai thác được nguồn lực tích cực trong hợp tác làm ăn với Trung Quốc mà không rơi vào sự lệ thuộc?"
Chắc phải tới kỳ họp cuối năm, ông Quốc mới có thể nêu câu hỏi này. Tuy nhiên, theo người viết, bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phần nào trả lời câu hỏi đó. Mặc dù, theo cách gián tiếp.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Thủ tướng phát biểu nhậm chức. Ảnh Lê Anh Dũng
Xét cho cùng, quyết tâm tái cấu trúc một nền kinh tế và thay đổi một mô hình tăng trưởng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô và gia công ở trình độ thấp, chính là cách bài bản nhất dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hoá chất lượng thấp từ Trung Quốc, cũng như cái thị trường chỉ khuyến khích việc xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô, với hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Ông Dũng nói: "Để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu, hiện đang là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững."
Ba điểm nghẽn mà ông xác định là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng - điều mà các chuyên gia và giới doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, đã nêu ngay từ khi ông trở thành phó thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên. Việc cho tới nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình ông Dũng mới chọn ba điểm nghẽn này để tạo đột phá cho thấy chúng, đồng thời, cũng là những thách thức lớn như thế nào. Nhất là thể chế - tiền đề cho hai đột phá còn lại.
Câu thứ hai mà đại biểu Quốc định hỏi lần trước là: "Thưa Thủ tướng, trong khi thực thi quyền năng của mình, có lúc nào ông thoáng tự hỏi: mình sẽ để lại dấu ấn gì trong lịch sử, hoặc rồi đây lịch sử sẽ viết về mình như thế nào?".
Người viết tin rằng chắc chắn ông sẽ hỏi. Nhưng vấn đề là thời điểm nào, người viết tò mò.
Thời điểm kỳ họp quốc hội cuối năm nay chưa hẳn đã phù hợp. Bởi, những gì Thủ tướng và Chinh phủ của ông làm được trong 5 năm tới sẽ là một câu trả lời rõ ràng nhất. "Nói trước bước không qua", các cụ bảo vậy.
Hơn nữa, ông Nguyễn Tấn Dũng có một thuận lợi rất lớn, cũng như hầu hết các nguyên thủ ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, để lặng lẽ để lại "dấu ấn" của mình, là có cơ hội tốt nhất và không gian rộng rãi nhất để hoàn thiện các mục tiêu chính sách của mình. Ông không phải lo lắng về chuyện tái cử.
Như vậy, người viết chỉ cầu mong, trong 5 năm tới, nhà sử học kiêm đại biểu Dương Trung Quốc, người thỉnh thoảng vẫn thấy mặc quần soóc đi đi xe đạp ngoài phố với chiếc cần câu kẹp vào booc-ba-ga, cố giữ gìn sức khoẻ. Để kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 thật "nhanh mắt, nhanh tay" mà bấm nút.
Để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước 
- "Mong Chính phủ sớm tạo ra các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển, từ đó góp sức giữ được chủ quyền biển đảo", ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều nay (5/8) về kinh tế - xã hội.
Tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp này, hầu hết các ĐBQH đều phản ánh những bức xúc của người dân về lạm phát, đời sống khó khăn.
Giữ chủ quyền: Để dân bám biển
Đại diện cho cử tri Khánh Hòa, ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân xoáy vào phân tích giải pháp của Chính phủ về các hành động cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình phức tạp, căng thẳng hiện nay.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân: Đề nghị Chính phủ nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế các vùng biển đảo
Theo ĐB Nguyễn Tấn Tuân, đây là một tư tưởng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, để một mặt vừa phát triển kinh tế, mặt khác bảo đảm ổn định xã hội và giữ vững được chủ quyền quốc gia.
Thời gian qua, người dân Khánh Hòa và cử tri cả nước rất bức xúc trước tình trạng ngư dân bị xua đuổi, bắt bớ. Trung Quốc có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hoan nghênh Chính phủ kịp thời báo cáo Quốc hội và xác định quan điểm phải giữ vững an ninh quốc phòng, ĐB Tuân đề nghị Chính phủ nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế các vùng biển đảo. Đây là giải pháp lâu dài để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông phân tích, nếu Chính phủ tạo ra được các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo thì người dân sẽ có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển, từ đó góp sức giữ được chủ quyền biển đảo.
Chủ trương đã có, điều mà người dân trông đợi, đó là Chính phủ có những hành động cụ thể.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, người dân rất có nguyện vọng được thể hiện tình yêu nước bằng những việc làm thiết thực. Tất cả những hành động vừa qua dù là tự phát hay tự giác, theo ông Tuân, đều chỉ để bày tỏ tinh thần yêu nước.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Chính phủ phải có bàn tay sạch
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, trước diễn biến phức tạp vừa qua, Chính phủ đã nêu ra một bản báo cáo hoành tráng trước Quốc hội và chủ động đưa ra biện pháp ứng phó. Điều người dân chờ đợi giờ đây là những kết quả cụ thể hơn - giữ vững được chủ quyền.
Làm thủy điện không được vượt rào
Liên quan đến vấn đề nóng thời gian qua là các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ nên tiếp tục thận trọng với các dự án hủy hoại môi trường.
Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), mặc dù thủy điện cung cấp tới 60% sản lượng trong lưới điện quốc gia, nhưng phải cân nhắc giữa được và mất.
Quá trình xây dựng các dự án vừa qua hình như đã vượt rào vì chiếm dụng diện tích đất rừng rất lớn. Đặc biệt, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã xâm phạm vào diện tích vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận.
Ông Vở cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc dự án này. Lập hội đồng thẩm định cấp nhà nước và báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
"Làm thủy điện nhưng không được phép vượt rào", ông Vở kiến nghị.
Ngoài ra, cả ĐB Trương Văn Vở và ĐB Nguyễn Bá Thuyền đều kiến nghị Chính phủ xem xét việc xây dựng, nâng cấp đường xá vận chuyển bô-xít. Tháng sau, nhà máy sẽ xây dựng xong, nhưng đường xá chưa được sửa chữa, nếu tiếp tục vận chuyển trên tuyến đường cũ sẽ gây ra tình trạng quá tải và tiềm ẩn nhiều hiểm họa tai nạn giao thông.
Ông Vở đề xuất, chừng nào Chính phủ chưa nâng cấp tuyến đường thì chưa nên tiến hành vận chuyển.
ĐB Nguyễn Thị Khá: Lao động không có bảo hiểm là tình trạng phổ biến ở nhiều khu công nghiệp
Ngoài những vấn đề nóng nêu trên, đa số ĐBQH đều tập trung phân tích câu chuyện lạm phát đánh vào nồi cơm người nghèo.
Ví dụ điển hình nhất là số vụ đình công đã tăng 150% so với cùng kỳ. Đời sống người lao động ngày càng đi xuống làm mất đi niềm tin của người dân vào tăng trưởng kinh tế.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn lại câu chuyện đau lòng về vụ hỏa hoạn ở Hải Phòng. Đa số lao động nữ không có bảo hiểm. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều khu công nghiệp, không riêng Hải Phòng.
Đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều ĐBQH cho rằng, nên làm rõ tiêu chí cắt giảm các dự án đầu tư công. Một mặt, giãn và giảm dự án chưa cấp thiết nhưng mặt khác vẫn nên tập trung đầu tư cho các công trình dân sinh, nhất là về giao thông, y tế, giáo dục…
Sáng mai (6/8), các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Các vị tân bộ trưởng sẽ được mời để làm rõ thêm những vấn đề mà ĐBQH đặt ra trong nhiều ngày qua tại các phiên thảo luận tổ và hội trường.

                            Chính phủ phải có bàn tay sạch
"Dân muốn Chính phủ có trái tim nóng bỏng nhiệt huyết nhưng phải giữ được cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ phải quyết tâm chống được tham nhũng.
… Qua báo chí, tôi thấy các tân bộ trưởng đã đưa ra những lời hứa rất hay, cử tri mong những lời hứa này sẽ biến thành hành động cụ thể. Nếu không thực hiện được thì phải tuân thủ văn hóa từ chức".
 ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng

'Không để họ làm mình làm mẩy'đại biểu QH lo lắng việc DNNN "làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ".
Tăng giá ở chỗ nhạy cảm
Trong khi đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều đại biểu QH vẫn lo ngại về lạm phát.
Thực tế, chúng ta đã làm khá quyết liệt, nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà nói. Việc tăng giá lại ở những chỗ nhạy cảm: nông sản, thực phẩm…
ĐB Đỗ Mạnh Hùng: Tập đoàn lãi hay lỗ?
Với cùng một số tiền, tháng 6 năm ngoái có thể mua được một cân thịt lợn thì đến thời điểm này, chỉ còn được hơn nửa cân thịt, ĐB Trần Quang Chiểu, thành viên UB Tài chính - Ngân sách của QH dẫn chứng.
Điều này, theo ông Chiểu, cần hết sức chú ý quản cho chặt, vì gắn với an sinh và đời sống người dân.
Nghị quyết 11 được thế giới đánh giá cao nhưng thực tế lạm phát vẫn gia tăng, nhập siêu vẫn cao và ngân sách vẫn bội chi. Do vậy, cần nghiên cứu thấu đáo các giải pháp của Chính phủ trong những tháng cuối năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.
Theo đại biểu phân tích, lạm phát Việt Nam có những nguyên nhân chủ quan mà chúng ta phải tập trung khắc phục, nhất là khả năng dự báo tình hình hạn chế.
Vì dự báo không chuẩn, dẫn đến tình trạng như ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) nêu, mục tiêu đề ra không thực tế, chỉ tiêu tăng trưởng đề ra “không thể thực hiện được”.
Bên cạnh đó, theo TS Ngân, từ khu vực sản xuất đến tay người tiêu dùng, nhiều mặt hàng tăng giá gấp 3 lần, chứng tỏ khâu lưu thông phân phối đã bị buông lỏng.
Vừa nhận chiếc ghế nóng lo chuyện ngân sách, tiền bạc quốc gia, vị Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận định, việc tăng giá của Việt Nam nhiều khi yếu tố tâm lí, đầu cơ còn vượt trên các yếu tố kinh tế. Vì thế, các giải pháp càng cần phải quyết liệt, tập trung.
Hiện nay chúng ta chủ trương thắt chặt tài khóa - tiền tệ, thế nhưng, ngay đầu năm 2011, lại cho tăng giá một số mặt hàng, tăng lãi suất… Vì thế, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm bước đi, lộ trình thực hiện.
Theo ông Vương Đình Huệ, để chống lạm phát, chính sách tiền tệ phải đi trước, tiên phong và chủ lực. Trong khi đó, chính sách tài khóa là chất dẫn thuốc, là kẹo ngọt để giảm vị đắng cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải lưu ý, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cần tới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chung tay cùng với Chính phủ chứ mọi vấn đề không thể giải quyết chỉ từ Trung ương được.
"Không phải họ cứ kêu là được"
Nền kinh tế hiện nay như một người bệnh vừa cần được uống thuốc trị bệnh, vừa cần được bồi bổ sức khỏe, đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví von. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc “liều lượng điều hành”.
“Kém hiệu quả - lãng phí - tham nhũng là 3 căn bệnh lớn khiến nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, nhất là khi bên ngoài nóng lạnh thất thường”.
Bàn về các giải pháp của Chính phủ, từ kinh nghiệm thực tế ở các địa phương, các đại biểu lo tư duy cào bằng trong gói giải pháp hỗ trợ lẫn cắt giảm đầu tư công.
Phó đoàn ĐB Bạc Liêu, Nguyễn Hồng Thoại cho rằng đang có chuyện cắt giảm đầu tư hàng loạt. Có những dự án địa phương rất cần, vừa triển khai nhưng buộc phải cắt giảm, làm ảnh hưởng đến phát triển lâu dài.
“Thắt chặt đầu tư công, thắt chặt tiền tệ là đúng, nhưng phải cân nhắc ở mức độ nào. Nếu thắt chặt quá lại gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân”, ĐB Nguyễn Quốc Cường, Bắc Giang khuyến nghị.
“Cũng là giãn hoãn các công trình đầu tư công, nhưng không nên dàn đều, tập trung cho những công trình gần hoàn thành, 80-90% rồi, nếu hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, ĐB Đinh Thế Huynh nói. “Nếu dàn đều, tất cả sẽ dở dang, không công trình nào đưa vào phục vụ quốc kế dân sinh được”.
ĐB Trần Quang Chiểu, Nam Định lưu ý, chính sách điều hành sắp tới phải chọn lọc, thận trọng, không nên cào bằng. Hiện nay, ông Chiểu cho rằng, có cảm giác, tất cả các ngân hàng thương mại đang được chia một chỉ tiêu dư nợ tín dụng như nhau. Việc điều hành máy móc, dàn đều khiến sản xuất đình trệ…
Chính sách tiền tệ siết là đúng, nhưng siết quá cũng như cho uống thuốc quá liều, bệnh dứt nhưng cơ thể không khỏe lại được, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Chuyện hỗ trợ cho DN sắp tới cũng như vậy. Đơn cử chính sách miễn giảm, giãn thuế cho DN kinh doanh chứng khoán, ông Chiểu cho rằng, ta cân nhắc, nhưng phải xem, lúc trước, bao nhiêu người nhờ chứng khoán trở thành tỉ phú, triệu phú đôla, mà ngân sách thu được bao nhiêu? DN sản xuất chưa thấy ai trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trong khi toàn những người giàu lên nhờ chứng khoán, bất động sản.
Việc hỗ trợ cần phải cân nhắc thận trọng, "không phải họ cứ kêu là được”, ông Chiểu nói.
DNNN: Không thể mãi vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Một mối lo khác của các đại biểu là khối DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng nói Quốc hội đã thảo luận và có hai cuộc giám sát lớn, nhưng tình hình chưa được cải thiện nhiều.
Ông đơn cử kì họp Quốc hội nào, có tập đoàn cũng báo cáo lỗ, nhưng khi cổ phần hoá lại báo cáo lãi hàng ngàn tỷ đồng.
Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả? Đây cũng là băn khoăn của tân Bộ trưởng Tài chính, với ngành điện và Petrolimex, mà ông đang yêu cầu báo cáo thêm thông tin.
“Cứ điều hành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà cứ lỏng lẻo như thế này thì các ông ý làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần hỗ trợ, cần tăng giá lại báo lỗ”, ĐB Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đình Quyền lại trăn trở, mô hình quản lý DNNN cho thí điểm mà thí điểm thì khung pháp lý lỏng, cho phép vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên mới có vấn đề như Vinashin.
Ông Quyền cho hay, theo thông tin từ UB Kiểm tra Trung ương, có những đơn vị trong tập đoàn này có triệu chứng như Vinashin.
“Đã đến lúc khung pháp lý về DNNN phải tổng kết để xem có tiếp tục duy trì DNNN không và nâng khung pháp lý thành luật”, ông Hùng khuyến nghị. “Không thể thí điểm mãi được”, nếu muốn tránh có những Vinashin phẩy.

Nước Mỹ trước tham vọng biển của Trung Quốc

Tác giả: Dean Cheng 

Sự mở rộng của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA-N) xét trong nhiều khía cạnh là một kết cục logic và khó tránh khỏi.
Sự mở rộng của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA-N) xét trong nhiều khía cạnh là một kết cục logic và khó tránh khỏi. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; sự phụ thuộc lớn của họ vào thương mại đương nhiên khiến biển ngày càng có tầm quan trọng nhiều hơn đối với sự phát triển đất nước. Nhưng khi các tham vọng biển của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, Mỹ đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: thừa nhận các lợi ích của Trung Quốc mà không nhượng bộ cho các đòi hỏi của nước này. Việc Mỹ sẽ đối mặt với thách thức này như thế nào sẽ quyết định tương lai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quyết định liệu Mỹ có giữ được vai trò bá chủ trên biển trong thế kỷ tới hay không.
Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã cải thiện đáng kể các năng lực tác chiến của mình. Một phần dựa trên các bài học từ việc quan sát các lực lượng quân đội nước ngoài và các cuộc chiến tranh ở nơi khác, PLA đã mở rộng lực lượng của mình (về số tên lửa đạn đạo chẳng hạn), cải thiện năng lực chỉ huy và giám sát, và bắt đầu tham gia thực hiện các chiến dịch chung. Họ cũng đã chuyển từ việc tập trung vào các chiến dịch trên đất liền sang cải thiện các lực lượng trên không và trên biển.
Sự mở rộng của PLA-N xét trong nhiều khía cạnh là một kết cục logic và khó tránh khỏi. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự phụ thuộc lớn vào thương mại, cả về nguyên liệu đầu vào để cung cấp cho nền kinh tế ấy cũng như để xuất khẩu, tất yếu khiến biển có tầm quan trọng ngày càng lớn hơn đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua thời kỳ "Cải cách và Mở cửa", bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình, tầm quan trọng ngày càng lớn của thương mại quốc tế đã khiến trung tâm của nền kinh tế Trung Quốc chuyển dần ra phía biển. Nhiệm vụ phòng thủ biển cũng ngày càng quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Không phải mọi lực lượng hải quân đều được hình thành như nhau. Các ý định cũng quan trọng như - thậm chí hơn - các năng lực. Sự phát triển biển của Trung Quốc có thể đơn giản là nhằm bảo vệ các tuyến đường kinh tế của nước này, hoặc có thể nhằm ép buộc các nước láng giềng cũng phụ thuộc nhiều vào biển. Vì vậy, sự mở rộng hải quân Trung Quốc nên được đánh giá một cách thận trọng và tỉnh táo.
Trung Quốc và biển: sự phụ thuộc ngày càng lớn
Trung Quốc thường được nghĩ đến như một cường quốc lục địa. Trong lịch sử, nhìn chung thì đúng như vậy, dù có những thời kỳ lợi ích của Trung Quốc nằm ngoài biển. Gần đây nhất là những năm 1400, dưới thời nhà Minh, khi Đô Đốc Trịnh Hòa (Zheng He) dẫn đầu "những hạm đội châu báu" trên hành trình viễn chinh khám phá biển Đông và Ấn Độ Dương, tới tận Mogadishu (ở Somalia) trên bờ biển phía Đông châu Phi ngày nay. Tuy nhiên, sau khi Đô Đốc Trịnh Hòa trở về sau chuyến viễn chinh, Trung Quốc đã quay lưng lại với biển.
Ảnh minh họa: weapons.technology.youngester.com
Trung Quốc ngày nay phụ thuộc nhiều hơn vào biển so với Trung Quốc thời phong kiến trước đây. Người Trung Quốc ghi lại rằng, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác đã tăng trưởng vững chắc, tỷ lệ thuận với hoạt động kinh tế quốc gia, đạt đến mức tác động tới 60-70% nền kinh tế. Không có thương mại, Trung Quốc sẽ không thể giữ vững được nền kinh tế của mình, chứ chưa nói đến việc duy trì  tỷ lệ tăng trưởng cần thiết để giữ thất nghiệp ở mức thấp - điều được coi là chìa khóa mà đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) duy trì quyền lực. Giao thương trên biển là một phần quan trọng trong thương mại của Trung Quốc. Theo các số liệu thống kê mới đây của nước này, công bố trong Báo cáo Phát triển Biển Trung Quốc năm 2010, thương mại biển chiếm 9,87% GDP Trung Quốc, đạt gần 3.000 tỷ NDT (456 triệu USD), riêng trong năm 2008. Tuy nhiên, khoảng 85% thương mại quốc tế diễn ra qua các tuyến đường biển.
Một phần quan trọng của thương mại biển là sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ để giữ vững nền kinh tế. Trung Quốc nhập hơn một nửa lượng dầu tiêu thụ trong nước năm 2009 và dự tính phải nhập khoảng 65% nhu cầu tiêu thụ mặt hàng "vàng đen" này vào năm 2020. Đa số nguồn dầu nhập khẩu này đến từ Trung Đông, trong đó có Iran và Arập Xêút, đòi hỏi một dòng tàu chở dầu đều đặn tới các cảng biển Trung Quốc. Các vấn đề gần đây ở Kazakhstan, trong đó có việc các công ty dầu lửa phương Tây ngừng khai thác các mỏ dầu lớn ở Kashagan trên biển Caspia, sẽ càng gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông và các chuyến tàu biển.
Chiến lược phát triển biển của Trung Quốc
Vì phụ thuộc ngày càng nhiều vào biển như trên, người Trung Quốc đã rút ra kết luận là họ phải phát triển một chiến lược điều hành và quản lý sự phát triển biển của mình. Theo các chuyên gia Trung Quốc, một chiến lược như thế phải tính đến ba điều:
-                        Các lợi ích rộng lớn trên biển của Trung Quốc, trong đó có sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các hải trình quốc tế phục vụ thương mại;
-                        Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, trong đó có khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên biển, chống lại sự can thiệp "bá quyền" vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, an ninh cho các hải trình, nguy cơ xung đột vũ trang xuất phát từ các yêu sách tranh chấp về biên giới biển hoặc các đảo, và vấn đề Đài Loan
-                        Sự cần thiết phải xây dựng một "xã hội hài hòa" trên biển, trong đó thừa nhận tính tất yếu của cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng nhằm giành được các nguồn tài nguyên biển.
Tính đến các lợi ích này, chiến lược biển Trung Quốc dựa trên một số suy nghĩ chỉ đạo và nguyên tắc cơ bản. Bắt đầu từ tầm quan trọng của việc duy trì vai trò giám sát của quốc gia đối với lãnh thổ và hỗ trợ các lợi ích quốc gia trong khi dựa vào câu châm ngôn của ông Đặng Tiểu Bình về "Phát triển và Hòa bình" (tức là hy vọng sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh lớn trong thời gian trước mắt).
Nhiệm vụ biển quan trọng đối với sự phát triển tương lai của Trung Quốc bao gồm:
-                        Bảo vệ quyền của Trung Quốc đối với "các vùng nước liên quan";
-                        Phát triển kinh tế biển Trung Quốc;
-                        Tăng cường sử dụng đại dương và quản lý đảo;
-                        Giữ vững môi trường biển;
-                        Phát triển các ngành công nghiệp biển và hải dương học;
-                        Gia tăng những đóng góp của Trung Quốc và ngành hải dương học toàn cầu.
Có nhiều cách để Trung Quốc theo đuổi nhiệm vụ này mà không phải gây hấn. Chẳng hạn Báo cáo Phát triển biển đã ghi nhận tầm quan trọng của việc tham gia các dự án hợp tác quốc tế. Nhưng cùng lúc, báo cáo này cũng cho rằng Trung Quốc không nên nhượng bộ các yêu sách hoặc lợi ích biển của mình chỉ để tránh những cáo buộc về "mối đe dọa Trung Quốc" hay nhân nhượng các nước lớn. Thay vì thế, báo cáo nhấn mạnh các lợi ích quốc gia rộng lớn của Trung Quốc đòi hỏi nước này theo đuổi sự phát triển biển. Nói ngắn gọn là Trung Quốc đã chuẩn bị để theo đuổi một loạt chính sách quốc gia mang tính xác quyết nhằm kiểm soát các vùng lãnh hải và vùng biển tiếp giáp - ngay cả khi các chính sách này có thể xung đột với các cường quốc biển và các nước láng giềng.
Các công cụ của sức mạnh biển Trung Quốc
Để hỗ trợ đầy đủ các nhiệm vụ và bảo vệ các lợi ích trên, Trung Quốc đã mở rộng mọi công cụ của sức mạnh biển, trong đó có ngành công nghiệp đóng tàu, các công ty tàu biển và các lực lượng hàng hải và hải quân.
Vì thương mại của Trung Quốc tăng trưởng, hàng hóa của Trung Quốc thường được đem tới các điểm đến tiêu thụ của mình trên các phương tiện của chính Trung Quốc. Hai trên 10 công ty vận tải container lớn nhất trên thế giới là của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc: Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO), và Công ty TNHH Vận Tải Biển Trung Quốc (CSCL).
Nhiều trong số các con tàu này được ra đời trong các xưởng đóng tàu Trung Quốc. Trung Quốc trở thành xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới năm 2010, soán ngôi lâu năm của Hàn Quốc; "các tàu do Trung Quốc đóng có tổng trọng tải 65,5 triệu tấn, chiếm 43% khả năng trọng tải của các tàu được đóng trên thế giới". Tuy nhiên, các công ty đóng tàu Trung Quốc không chỉ phục vụ trong nước. Năm 2010, đa số đơn đặt hàng mới của các xưởng đóng tàu ở Trung Quốc đến từ nước ngoài.
Ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc bao gồm một loạt các xưởng đóng tàu tư nhân nhỏ lẻ, nhưng hầu hết tập trung vào hai trung tâm đóng tàu lớn, Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc (CSSC) và Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Đây đều là hai doanh nghiệp nhà nước (SOEs).
CSIS có 140.000 nhân viên và tài sản trị giá 27,5 tỷ USD. Dây chuyền sản xuất của công ty gồm một loạt các loại tàu, như tàu chở dầu, tàu chở hàng trọng tải lớn, tàu container, cầu cảng RO/RO cho phép xe cộ lên xuống, và các loại tàu đặc dụng. Công ty cũng chế tạo tàu chiến cho quân đội Trung Quốc. Giống như các SOEs khác, công ty này trên thực tế là một tập thể phối hợp dọc và bao gồm không chỉ các xưởng sửa chữa và đóng tàu, mà cả các viện thiết kế, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm, tuyển dụng khoảng 30.000 kỹ sư. Tương tự CSIC không chỉ sản xuất vỏ tàu mà cả động cơ diesel, các linh kiện điện tử, và một loạt phương tiện vận tải biển.
Với khoảng 95.000 nhân viên, CSSC nhỏ hơn CSIC một chút. Nhưng giống như CSIC, công ty này sản xuất cả tàu dân sự và quân sự, và tham gia một loạt các nghiên cứu và thiết kế khác. CSSC chế tạo một loạt tàu cho tiêu dùng dân sự, nhưng trọng tâm chính là phục vụ quân sự. Trang web của công ty mô tả CSSC là "lực lượng xương sống của hải quân Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng".
Một số lực lượng khác bảo vệ các lợi ích biển ngày càng tăng của Trung Quốc. Một trong số đó là Cơ quan thực thi pháp luật nghề cá (FLEC), một cánh tay của Phòng quản lý nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, có trách nhiệm tuần tra các ngư trường của Trung Quốc. Cơ quan này có ba đội tàu đầu não, nắm quyền điều hành các đơn vị địa phương thiết lập tại các thành phố lớn và các tỉnh duyên hải. FLEC huy động khoảng 10-20 tàu lớn, gồm các tàu tuần tra có trọng tải từ 1.000 tấn và một tàu ngầm cứu hộ gần 5.000 tấn. FLEC phối hợp đều đặn với Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG), trong đó có chương trình "Cưỡi tàu", theo đó các sỹ quan FLEC cùng tuần tra trên các tàu của USCG trong mùa đánh bắt.
Bộ Giao thông Trung Quốc quản lý Cục An toàn đường thủy Trung Quốc (MSA). Tương tự như USCG, MSA có trách nhiệm trong các vấn đề an toàn biển và theo dõi và kiểm soát ô nhiễm trên các con sông lớn của Trung Quốc cũng như ở vùng bờ biển. Cục này cũng quản lý các biện pháp hỗ trợ và kiểm soát vận tải biển. MSA giám sát 20 chi cục cấp tỉnh của mình, trong đó có các tỉnh duyên hải và dọc các sông Dương Tử, Châu Giang và Hắc Long Giang. Các chi cục này lại có nhiệm vụ giám sát 97 chi nhánh địa phương. MSA có hạm đội xuồng ca nô của mình, trong đó ít nhất ba chiếc có trọng tải hơn 1.000 tấn.
Một phần khác của lực lượng hàng hải Trung Quốc là Lực lượng hải giám Trung Quốc (CMS), thuộc Tổng Cục Đại dương quốc gia. Lực lượng này cũng có ba hạm đội tàu nhỏ chính và sở hữu "300 xuồng ca nô, trong đó 30 chiếc có trọng tải trên 1.000 tấn". Không ca nô nào trong số này trang bị vũ khí. CMS có trách nhiệm giám sát nơi mà Trung Quốc gọi là "biển gần", đồng thời theo dõi tình trạng ô nhiễm, phá hoại môi trường và khai thác tài nguyên cũng như tiến hành các cuộc thăm dò đại dương học.
Giống như FLEC, CMS tiến hành tuần tra tại các vùng nước tranh chấp ở những nơi như biển Đông, nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong khi giữ cho các cuộc tranh chấp này "bản chất dân sự". Mới đây, một tàu thăm dò của Việt Nam đang thăm dò dầu khí ở vị trí cách bờ biển Việt Nam 80 hải lý đã bị các tàu tuần tra Trung Quốc cắt cáp - một sự cố được cho là có liên quan đến các đơn vị của CMS. Cùng lúc các tàu của CMS được cho là đã tới vùng biển của Philippines, dựng các cột trụ trong khu vực này - một hành động vi phạm trắng trợn biên bản ghi nhớ của Trung Quốc với ASAN liên quan đến cách ứng xử trên biển Đông.
Lực lượng thứ tư là Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG), một lực lượng bán quân sự trực thuộc Bộ Công an nhưng gồm các thành viên lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). CCG được chia thành 20 đội tàu nhỏ, mỗi đội tương đương với một đơn vị cấp trung đoàn trong PLA. Các tàu của lực lượng này có trọng tải từ 130 - 1.500 tấn và đa số được trang bị vũ khí. Trong một số trường hợp, các tàu của CCG là tàu khu trục nhỏ cũ, do PLA-N chuyển giao. Nhiều khả năng giống như PAP, GGC sẽ có một vai trò trong thời chiến, phục vụ hậu cần cho PLA.
Dean Cheng is Research Fellow in Chinese Political and Security Affairs in the Asian Studies Center at The Heritage Foundation.

Hải quân và các định hướng tương lai của Trung Quốc

 Người bảo lãnh quan trọng nhất cho sức mạnh biển Trung Quốc là Hải quân. Thực vậy, sự phát triển của PLA-N phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào biển.


PLA - N: Cái nhìn toàn cảnh
Trong thời chiến tranh Lạnh, Hải quân Trung Quốc là lực lượng bảo vệ bờ biển tuyến đầu. Họ có một số tàu nổi lớn (tàu khu trục hoặc lớn hơn) hoặc các tàu ngầm hiện đại, và thay vì dựa vào các kế hoạch tiến hành một 'cuộc chiến tranh nhân dân" trên biển, sử dụng một tàu phóng ngư lôi và tên lửa cũng như các tàu ngầm cũ để giành thế áp đảo các đối thủ tinh vi hơn. Trong những năm 1970 và 1980, "định hướng chiến lược chính" của lực lượng này là bờ biển phía Đông và đường biên giới phía Bắc, vì người Trung Quốc lo ngại xảy ra xung đột với Liên Xô. Hạm đội Bắc Hải khi đó là lực lượng hải quân chính của Trung Quốc.
Khi kết thúc chiến tranh Lạnh, đã có một số thay đổi căn bản trong suy nghĩ của Trung Quốc. Quan trọng nhất, Hải quân, giống như phần còn lại của PLA, đã chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào tập thể. Phù hợp với "Hai chuyển biến" của Giang Trạch Dân, PLA-N đã chuẩn bị để chiến đấu và chiến thắng "các cuộc chiến tranh cục bộ trong các điều kiện công nghệ cao và hiện đại". Họ cũng đã thay đổi theo hướng củng cố chất lượng và sự tinh vi về công nghệ, hơn là số lượng, song năng lực còn hạn chế.
Các xu hướng này phản ánh trong những thay đổi mới đây trong hạm đội của PLA-N. Trong thập kỷ qua, quy mô của Hải quân Trung Quốc đã giảm, nhiều tàu lỗi thời đã được sa thải. Một loạt tàu tấn công nhanh, trang bị tên lửa và cũ hơn - đa phần mang tên lửa chống hạm lớp Styx từ thời những năm 1960 - đã được cho nghỉ hưu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tiếp tục chế tạo các tàu tấn công nhanh trang bị tên lửa, như tàu trang bị tên lửa Houbei lớp 022. PLA-N đã huy động 60 tàu lớp 022 này từ năm 2007. Các tàu này, mang tên lửa chống hạm chiến thuật tầm trung YJ-82 lướt trên mặt biển, tân tiến hơn nhiều so với các tàu mà chúng thay thế.
Tương tự, Trung Quốc đã giảm số lượng tàu chiến lớn trong PLA-N, thay vào đó chọn các tàu có các năng lực cá nhân lớn hơn. Chẳng hạn tàu khu trục Type-052C lớp Luyang-II, được trang bị hệ thống radar mảng cho tên lửa đất đối không HQ-9 (SAM). HQ-9 được cho là tương đương với tến lửa Patriot đời đầu với khả năng tấn công hầu hết các hệ thống phản lực không khí và một khả năng chống tên lửa đạn đạo hạn chế. Tương tự, tàu khu trục Type 054A lớp Jiangkai-II được trang bị hệ thống HQ-16 SAM, hiệu quả hơn nhiều so với các hệ thống phòng không trước đây của Trung Quốc. Dù các tàu mới này không thay thế các tàu chiến nổi cũ của Trung Quốc theo kiểu một đổi một, nhưng khả năng chung của lực lượng tàu nổi của PLA-N đã được cải thiện vững chắc.
Tuy nhiên, cần nói rằng PLA-N chỉ chế tạo thêm một số lượng ít đối với mỗi lớp tàu khu trục mới (chỉ khoảng 2-4 tàu). Rất có thể Trung Quốc đã sử dụng các lớp mới này như một cơ hội thử các vũ khí và thiết bị điện tử khác nhau cho đến khi tìm ra một thiết kế tối ưu để sản xuất hàng loạt.
Ngược lại, PLA-N đã duy trì quy mô lực lượng tàu ngầm trong khi hiện đại hóa hạm đội này. Từ năm 2000, PLA-N huy động thêm từ 50-60 tàu ngầm chạy bằng điện - diesel, nhưng tuổi và khả năng của lực lượng này đã được cải thiện, cụ thể các tàu cũ, nhất là tàu lớp Romeo từ những năm 1950, đã được thay thế bằng những thiết kế mới hơn. Như một chục tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, hay 16 tàu ngầm lớp Song và 4 tàu lớp Yuan tự chế tạo trong nước. Tất cả các tàu này được cho là không chỉ có khả năng phóng ngư lôi mà còn sử dụng tên lửa hành trình chống hạm. Trung Quốc cũng đã phát triển các biến thể của lớp Yuan với một hệ thống lực đẩy độc lập (AIP), giúp giảm tính dễ bị tổn thương của tàu bằng cách thay đổi động cơ chạy bằng diesel gây tiếng ồn bằng loại ắc quy có thể xạc lại.
Bên cạnh đó, PLA-N đã gia tăng năng lực tấn công biển từ trên không. Bên cạnh nhiều phiên bản hiện đại hơn của các máy bay ném bom hai động cơ H-6 (một phiên bản của Tu-16), Không lực của PLA-N (PLANAF) đã đưa vào sử dụng một loạt máy bay tấn công khác, như chiếc Leopard bay JH-7/FBC-1 có thể mang từ 2-4 tên lửa hành trình chống hạm YJ-82, và máy bay chiến đấu tấn công Su-30.
Bên cạnh việc nâng cấp vũ khí, PLA-N cũng cải thiện học thuyết và huấn luyện, trong đó nhấn mạnh các chiến dịch chung và sự hợp nhất chiến tranh điện tử vào chương trình huấn luyện. Những cải thiện đó cho thấy các tài sản, các chiến dịch trong không gian và trên mạng của PLANAF, và cả các lực lượng  Pháo binh Thứ hai có thể hỗ trợ các cuộc tấn công của PLANAF. Các lực lượng tên lửa đạn đạo chống hạm mới, tập trung vào DF-21D, sẽ được xem là một phần các nỗ lực chung của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng biển, hoàn thiện Không quân và các lực lượng trên không, trên biển và ngầm dưới biển của PLA-N.
Thay đổi định hướng chiến lược
Từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh, định hướng chiến lược chính của PLA-N, vốn tập trung vào khu vực có khả năng xảy ra xung đột nhất, cũng đã chứng kiến một thay đổi cơ bản. Khi Liên bang Xô viết tan rã, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô không còn là mối lo ngại chính của các nhà hoạch định PLA-N nữa. Thay vào đó, mối lo ngại chính là khả năng Đài Loan tìm cách tách ra độc lập. Kết quả là "định hướng chiến lược chính" đã thay đổi từ Bắc sang Đông. Trong những năm 1990, Hạm đội Đông Hải, một phần của Khu Quân sự Nam Kinh chống lại Đài Loan, đã trở thành ưu tiên.
Ảnh minh họa: covertress
Ngày nay, Hạm đội Nam Hải, phụ trách biển Đông, dường như đang được quan tâm hơn, có thể gợi ý cho một thay đổi sau này trong định hướng chiến lược chính hướng tới phía Nam và phía Đông. Tuy nhiên, Hạm đội Đông Hải vẫn được hỗ trợ nhiều nhất, và Hạm đội Bắc Hải đang được hiện đại hóa.
Về điểm này, có thể định hướng chiến lược chính của PLA-N không còn tập trung vào một sự kiện đặc biệt nào (như Đài Loan hay biển Đông), mà thay vì thế, chuyển sự chú ý vào bảo vệ các vùng lãnh hải của Trung Quốc tới "chuỗi đảo thứ nhất". "Chuỗi đảo thứ nhất này" chạy từ quần đảo Nhật Bản, dọc chuỗi Ryukyus, qua Đài Loan và Philippines, tới eo biển Malacca. Sự thay đổi tới một nền tảng hoạch định chính sách định hướng các năng lực này sẽ phù hợp với "Hướng dẫn chiến lược quân sự cho thời kỳ mới" của Giang Trạch Dân và "Các nhiệm vụ lịch sử mới" của PLA mà ông Hồ Cẩm Đào đưa ra.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2010 dường như hỗ trợ cho quan điểm này, bởi nó nêu chi tiết chưa từng thấy về không chỉ các nỗ lực xây dựng đang tiến hành trên biển, mà cả các nhiệm vụ của PLA-N. Ngoài đóng một vai trò duy trì răn đe chiến lược bằng các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, sách trắng quốc phòng 2010 ghi rằng Hải quân Trung Quốc cũng chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động ở các vùng biển xa và chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Một chỉ dẫn khác cho thấy PLA-N đang tập trung vào năng lực toàn cầu hơn là một sự kiện đặc biệt nào, đó là quyết định của Trung Quốc mua tàu sân bay. Khi tàu Shi Lang - đặt tên theo đô đốc hải quân dưới thời Mãn Chu đã chinh phục Đài Loan năm 1681 - được hạ thủy, PLA-N mở rộng tầm với của mình ra ngoài các giới hạn của PLANAF có trụ sở trên đất liền. Đây là một bước quan trọng nếu PLA-N là một lực lượng hải quân có khả năng tác chiến mở rộng trên biển - mà đôi khi được gọi là "hải quân biển xanh".
Các định hướng tương lai của Trung Quốc
Khi PLA hiện đại hóa vững chắc hạm đội của mình, một số người cho rằng thế giới đứng bên bờ một cuộc chạy đua vũ trang hải quân, giống như cuộc chạy đua giữa Anh và Đế quốc Đức vào thế kỷ 19, hoặc giữa Mỹ với Đế quốc Nhật vào những năm 1930. Trong từng trường hợp, hai bên đã xây dựng các hạm đội tương ứng, tập trung vào các tàu chiến và tàu sân bay, và tập trung vào "các trận đánh hạm" mang tính quyết định trong từng chiến tuyến của mình.
Tuy nhiên, sự phát triển của Hải quân Trung Quốc không phù hợp với mô hình này. Một mặt, PLA-N ngày nay đang thách thức vai trò bá chủ biển của Mỹ. Việc Trung Quốc mua tàu sân bay không khiến sức mạnh biển của Trung Quốc có thể sánh vai được với Mỹ. Tàu Shi Lang là một tàu sân bay cũ của Ukraine được đại tu, nhưng ngay sau khi nó được hạ thủy, Shi Lang sẽ vẫn phải trải qua các thử nghiệm trên cảng, trên biển và cần kiểm tra kỹ càng. Tàu này có lẽ chưa sẵn sàng cho các chiến dịch bình thường trong ít nhất 6 tháng đến một năm tới.
Hơn nữa, Trung Quốc sẽ phải mất thời gian để huấn luyện một nhóm phi công có khả năng điều khiển các chiến dịch bay từ một đường băng là boong tàu nghiêng và bị rung lắc. Bên cạnh đó, họ sẽ phải phối hợp nhiều tàu phụ trợ, trong đó có các tàu hộ tống và cung cấp nhiên liệu, nhằm cho phép một tàu sân bay hoạt động một cách an toàn khi đi vào nơi nguy hiểm. Chính điệu ballet phức tạp của các tàu chiến và máy bay này mới cho phép một tàu sân bay thể hiện được ảnh hưởng và sức mạnh, nhưng điệu múa đó không thể nhảy trong đêm.
Cũng có tầm quan trọng tương đương là việc PLA-N không giống với Hải quân Mỹ. Bắc Kinh đã chế tạo tàu tấn công nhanh và tàu ngầm với số lượng lớn, nhưng số lượng tàu nổi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện tại, PLA-N không giống với một lực lượng hải quân được thiết kế để tiến hành tuần tra biển ở khoảng cách rộng trong một thời gian dài. Số lượng lớn tàu ngầm và tàu tấn công nhanh, cộng với việc chế tạo các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và tên lửa hành trình chống hạm, cho thấy PLA có thể đang theo đuổi một chiến lược bất cân xứng trên biển: một chiến lược chống tiếp cận/bao vây (A2AD). Có thể ưu tiên đầu tiên của PLA-N là giữ cho Hải quân Mỹ ở khoảng cách xa khỏi bờ biển Trung Quốc và vùng biển trong chuỗi đảo thứ nhất, hơn là thách thức Mỹ từ Thái Bình Dương tới Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, các giới hạn hiện nay của PLA-N sẽ không ngăn cản Trung Quốc cuối cùng trở thành một cường quốc biển lớn, cũng không có nghĩa là họ không có ý định xây dựng một lực lượng hải quân vững chắc. Thay vào đó, ngay trước khi Shi Lang được hạ thủy, rõ ràng PLA-N sẽ gia nhập hàng ngũ các cường quốc biển lớn, không chỉ về số lượng các tàu chiến lớn mà cả các nhiệm vụ mà họ có thể thực hiện. PLA-N đã mở rộng phạm vi tác chiến của mình xa hơn vùng bờ biển. Lực lượng chống cướp biển ở vịnh Aden của họ là bằng chứng cho thấy khả năng ngày càng tăng của Trung Quốc hoạt động trên biển trong một thời gian dài. Trung Quốc cũng đang xây dựng một hạm đội tàu bệnh viện để có thể thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên biển trong thời bình.
Tuy nhiên, một lực lượng Hải quân Trung Quốc có thể chế ngự các vùng biển trong chuỗi đảo thứ nhất không hẳn là để phòng thủ. Tuần tra các hải trình đi qua chuỗi đảo thứ nhất cũng có thể cho phép Trung Quốc gây sức ép với những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước cũng phụ thuộc vào biển cho sự sống còn của quốc gia mình. Một lực lượng Hải quân Trung Quốc có thể chế ngự các vùng nước trong chuỗi đảo thứ nhất cũng có thể áp đảo các lực lượng nhỏ hơn ở Đông Nam Á và giành ưu thế trong vấn đề Đài Loan.
Điều còn chưa chắc chắn là liệu Hải quân Trung Quốc cuối cùng có giống như Hải quân Mỹ hay không. Có thể khác biệt lớn nhất giữa hai lực lượng này là phạm vi cái nhìn ra biển của một cường quốc đất liền trong con mắt của các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia Trung Quốc. Các tài liệu của Trung Quốc cho thấy các chiến lược gia nước này không coi biển là một đường cao tốc dẫn tới thương mại quốc tế và huy động quân sự, mà là một sự mở rộng của đường biên giới và lãnh thổ một quốc gia.
Những lo ngại của Trung Quốc về chủ quyền đối với các vùng biển của mình cũng giống như quan niệm của họ về sự toàn vẹn lãnh thổ. Báo cáo phát triển biển Trung Quốc tuyên bố một cách đặc biệt rằng các đại dương là "vùng đất xanh" của một quốc gia, và nhấn mạnh rằng biển và đất liền nên được coi là có giá trị chiến lược tương đương. Tương tự, các lo ngại của Trung Quốc về việc kiểm soát các vùng nước nằm trong chuỗi đảo thứ nhất cho thấy một cái nhìn mang tính tĩnh hơn về việc tuần tra trên các đại dương, giống với việc tạo ra các con đường vững chắc trên đất liền. Việc Bộ binh tiếp tục là lực lượng chủ đạo trong quân đội Trung Quốc (dù đã ít hơn trong nhiều thập kỷ qua) cũng có thể là một nhân tố ảnh hưởng tới cách nghĩ của PLA và PLA-N.
Thực tế địa lý cũng là một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới tương lai sự phát triển của Hải quân Trung Quốc. Chuỗi đảo thứ nhất vừa là một cái khiên chắn vừa là một trở ngại: Chừng nào chuỗi đảo này còn nằm trong tay các quốc gia "thù địch", Hải quân Trung Quốc và các thương thuyền sẽ còn thấy khó đến được biển lớn nếu xảy ra xung đột. Về quân sự, khó khăn này sẽ hạn chế khả năng PLA-N thể hiện sức mạnh; về kinh tế, nó có nguy cơ bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc.
Ngược lại, nếu một hoặc nhiều quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều trong việc ngăn chặn các đối thủ tiếp cận các thành phố duyên hải của mình, nơi là trung tâm trọng lực kinh tế quốc gia. Hơn nữa, các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc khi đó có thể vươn ra trung tâm Thái Bình Dương, không chỉ tác động đến các lực lượng hải quân thù địch, mà còn có thể phá hoại các tuyến thông thương trên biển của kẻ thù.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh sẽ đảm bảo kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất, hay ít nhất là được chia phần trong đó, đường giao thông huyết mạch trên biển của Trung Quốc sẽ không tự động được đảm bảo. Nếu quân đội Trung Quốc phải hoàn thành "các nhiệm vụ lịch sử mới" của mình, trong đó có bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển, họ sẽ phải mở rộng sự bảo vệ dọc toàn bộ chiều dài của các tuyến đường thông thương biển. Các hải trình có thể bị đe dọa ở ngoài khơi xa và ở vị trí gần điểm đến cuối cùng; và ở bất cứ đâu trên tuyến đường này đều có thể bị cấm vận. Khả năng Trung Quốc chế ngự chuỗi đảo thứ nhất, vì thế, sẽ chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc hoàn toàn đảm bảo an ninh biển, hơn là một giải pháp cuối cùng.
Nói tóm lại, nếu muốn bảo vệ các lợi ích trên biển của mình, Trung Quốc phải hoạt động trong hai môi trường biển tách biệt. Một là trong các vùng biển bao quanh bởi chuỗi đảo thứ nhất. Các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần chế ngự các vùng nước này nhằm giảm thiểu mối đe dọa đối với các trung tâm kinh tế duyên hải của mình. Sự chế ngự như vậy có thể thực hiện được thông qua sự kết hợp các tàu ngầm, tàu tấn công nhanh, máy bay chiến tấn công, và các tên lửa đạn đạo và hành trình chống hạm.
Môi trường thứ hai là mạng lưới đường thủy quốc tế ngoài "các vùng biển gần" của Trung Quốc. Điều này giống như đòi hỏi tổng thể các năng lực bao gồm không chỉ một số lượng lớn các chiến binh hải quân, mà cả khả năng tiến hành chiến dịch, duy trì sự giám sát và thông tin toàn cầu, và cung cấp các hỗ trợ hậu cần. Các tuyến đường thủy toàn cầu này sẽ là cái khó đối với Trung Quốc, nước chưa bao giờ phải tác chiến liên tục trong môi trường như vậy.

Mỹ đối phó với sự mở rộng biển của Trung Quốc
Dù các tham vọng biển của Trung Quốc không hẳn đặt ra mối đe dọa lớn cho Mỹ, nhưng tình hình này đòi hỏi một sự đối phó rất đặc biệt: hoạch định chính sách thận trọng và tỉnh táo. Xung đột Mỹ - Trung trên biển không phải là kết cục không tránh khỏi, nhưng các yêu sách xung đột nhau và các cách hiểu pháp lý khác nhau, cùng với thiếu sự minh bạch chính thức về các năng lực và mục đích của Trung Quốc, tất cả ngày càng làm gia tăng nguy cơ tính toán nhầm.


Điều quan trọng là thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc hải quân. Nhìn vào tầm quan trọng của các đại dương trên thế giới đối với việc duy trì phát triển kinh tế của nước này và vai trò nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn coi biển là quan trọng đối với sự sống còn của quốc gia cũng như cách để duy trì quyền lực. Phản đối sự phát triển của Trung Quốc về điểm này sẽ là vô ích và trái ngược. Vì vậy, Mỹ nên chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc biển với các lợi ích biển đáng kể. Trong một số trường hợp, như các nỗ lực chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia hay áp đặt giới hạn đánh bắt, các lợi ích có thể đồng quy và tạo cơ hội cho hợp tác Trung - Mỹ.
Tuy nhiên, thừa nhận các lợi ích của Trung Quốc không có nghĩa là nhượng bộ trước các đòi hỏi của nước này; có nhiều lĩnh vực mà đồng thuận với chính sách biển của Trung Quốc sẽ dẫn tới việc đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Ví dụ, các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc khác xa nhau liên quan đến cái mà Trung Quốc gọi là "các vùng biển gần". Trung Quốc muốn chế ngự các vùng nước nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, mà họ coi là lãnh thổ của mình. Vì vậy họ tìm cách ép buộc các quốc gia khác hạn chế hoặc từ bỏ các yêu sách của mình (như Việt Nam và Philippines) và các hoạt động (ví dụ gây phiền nhiễu cho các hoạt động của hải quân và không quân Mỹ tại nơi mà Trung Quốc đòi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình).
Đặc biệt, Bắc Kinh đã sử dụng cách hiểu riêng về Công ước của LHQ về Luật Biển để lập luận rằng các tàu của hải quân Mỹ và tàu hộ tống nên hạn chế các hoạt động của mình tại EEZ của Trung Quốc. Đầu hàng các chiến thuật như vậy không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ. Các buổi thảo luận tại quốc hội Mỹ về Luật về Ứng xử trên biển đều nên thảo luận triệt để về các cách hiểu của Trung Quốc cũng như các nỗ lực của nước này trong việc sử dụng chiến tranh pháp lý để thông qua luật pháp quốc tế đạt được cái mà họ không thể có được bằng sức ép.
Về điểm này, ngay cả khi Mỹ thừa nhận các lợi ích biển của Trung Quốc, Mỹ cũng cần bảo vệ các lợi ích biển của mình. Sự bảo vệ này sẽ đòi hỏi hành động tại một số khu vực khác nhau trong chính sách quốc phòng của Mỹ.
Trước tiên, Mỹ cần duy trì một lực lượng biển mạnh. Hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ là những người bảo vệ tối thượng cho các lợi ích biển của Mỹ trên thế giới. Khác với PLA-N, lực lượng hải quân Mỹ cần hoạt động xa bờ, điều này làm gia tăng sự hao mòn và hư hỏng của các tàu và mất nhiều thời gian đi từ các cảng nhà tới các khu vực tuần tra. Vì vậy, Mỹ phải duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cũng như ở Ấn Độ Dương, nếu muốn ngăn chặn và răn đe các đối thủ tiềm tàng và hỗ trợ cho các lợi ích quốc gia.
Điều này, đến lượt nó, có nghĩa là việc giảm quy mô của lực lượng Hải quân và Lính thủy đánh bộ và các tốc độ tác chiến của họ sẽ có một tác động không cân xứng không chỉ về các khả năng tác chiến hiện tại trong khu vực, mà cả cách nhìn nhận về cam kết và uy tín của Mỹ. Hải quân và Lính thủy đánh bộ có thể cần phải gia tăng các nguồn lực. Mỹ không thể chịu đựng được cảnh hải quân của mình suy yếu.
Ảnh minh họa: defensetech.org
Đồng thời, việc huấn luyện phải được củng cố, và trong một số trường hợp phải được làm sống lại. Khi chiến tranh Lạnh kết thúc, một số nhiệm vụ - trong đó có các cuộc tấn công chống hạm và chiến tranh chống tàu ngầm - không còn được coi trọng; một số năng lực như khả năng huy động các tên lửa hành trình chống hạm từ tàu ngầm cũng đã bị lãng quên. Các nhiệm vụ và năng lực này có thể sẽ trở nên quan trọng một lần nữa nếu Hải quân Trung Quốc đặt ra thách thức biển xanh đầu tiên kể từ cuối những năm 1980. Để có lại sự thành thạo về những mặt này sẽ cần không chỉ thay đổi ưu tiên mà còn phải gia tăng tài trợ cho huấn luyện và các hoạt động và bảo trì.
Sự nổi lên của lực lượng Hải quân Trung Quốc cũng có nghĩa là Hải quân Mỹ phải tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, không có tàu nổi hay tàu ngầm mới nào đang nằm trong khâu thiết kế - một tình huống chưa từng thấy có thể là khiến Hải quân Mỹ phải đối phó với thách thức của Trung Quốc bằng những chiến binh lỗi thời hoặc đã hỏng hóc, trước một PLA-N với ngày càng nhiều năng lực tân tiến. Để tránh một kịch bản như vậy, Quốc hội Mỹ nên quy định phát triển một kế hoạch nghiên cứu và phát triển biển toàn diện, khai thác những tiến bộ trong những công nghệ như các phương tiện bay không người lái, tàu lặn không người lái và các hệ thống không gian.
Quân đội Mỹ cùng tác chiến, vì vậy phải thận trọng chú ý tới các chiến dịch của Không quân và Lục quân tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trước các năng lực của PLANAF và các hệ thống Không quân của PLA đang được hiện đại hóa - trong đó có phổ biến các hệ thống SAM tân tiến như S-400 và HQ-9 - Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ không thể để bị rớt lại đằng sau về chương trình hiện đại hóa của mình.
Các máy bay có thể quan sát ở tầm thấp và các phương tiện bay không người lái (UAVs) đặc biệt quan trọng, cũng như các năng lực chiến tranh điện tử. Quốc hội nên cân nhắc có thêm các máy bay chiến đấu điện tử E/A-18 Growler và các hệ thống UAV tân tiến để tạo điều kiện cho các chiến dịch trên không. Tương tự, các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng trong không gian có thể đóng một vai trò răn đe và hiện diện. Mỹ cũng nên tìm cách mở rộng các hoạt động phối hợp vốn đang vững mạnh về các lĩnh vực này với các lực lượng quân đội đồng minh và của một số quốc gia châu Á.
Tất cả các yếu tố này đều nên được sử dụng không chỉ đề duy trì mà còn củng cố mạng lưới đồng minh và quan hệ của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - một khu vực mà Mỹ được hoan nghênh nhiều hơn Trung Quốc. Khác với Trung Quốc, Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ nào đáng kể với các nước trong khu vực này. Tương tự, Mỹ cung cấp an ninh trên biển cho các tuyến đường biển toàn cầu, mà các nước trong khu vực cũng được hưởng lợi - trong đó có cả Trung Quốc dù họ có thừa nhận hay không - cũng như chính Mỹ được lợi. Vì vậy, các nước châu Á coi Mỹ là một người cung cấp "những cái tốt chung" quan trọng và cũng là một yếu tố đối trọng chính với sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc.
Sự tham gia tích cực tại các cuộc họp và hội thảo trong khu vực đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu và sự hiện diện của Mỹ. Đồng thời củng cố quan hệ của Mỹ với khu vực. Đặc biệt, các thỏa thuận thương mại tự do với các nước Đông Á và khối ASEAN, cũng như chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương, sẽ củng cố các mối liên hệ kinh tế của Mỹ trên toàn Thái Bình Dương.
Ngược lại, việc Mỹ rút các lực lượng hải quân từ Tây Thái Bình Dương đến đảo Guam không sẽ được xem là một giải pháp cắt giảm chi phí hay một cách để giảm nhẹ xung đột, mà là một sự nhượng bộ trên thực tế phần Tây Thái Bình Dương cho sự bá chủ của Trung Quốc. Tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện trong khu vực nên là một yếu tố trong mọi cuộc thảo luận về việc di chuyển căn cứ của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản).
Việc bảo vệ các lợi ích trên biển cũng không phải mối quan tâm duy nhất của quân đội. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ phối hợp với nhiều tổ chức thực thi pháp luật trên biển trong khu vực. Vì vậy, lực lượng này đặc biệt quen với sự cần thiết và mối quan tâm của các quốc gia biển nhỏ hơn trong khu vực. Sự thân quen này là một phần chính trong sức mạnh mềm của Mỹ, và sức mạnh mềm ấy có thể củng cố nhiều cho các chiến dịch quân sự của Mỹ.
Kết luận
Trước sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và kèm theo đó là sự phụ thuộc vào biển, nước này khó tránh được việc sẽ hiện diện nhiều hơn trên các đại dương. Và kết quả là sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng lên một cách tự nhiên.
Dù vậy, việc này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thực sự là thách thức đối với vai trò bá chủ của Mỹ. Một số phát triển về quân sự của Trung Quốc như các năng lực chống can thiệp/bao vây, cho thấy một đánh giá ít lạc quan về các chiến dịch trên biển đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Vì vậy, lợi ích của Mỹ là theo đuổi một chính sách nhất quán về sức mạnh biển - một chính sách nhắc nhở Trung Quốc rằng dù Mỹ có thể chấp nhận là một cường quốc biển thân thiện, nhưng Mỹ cũng sẽ là một đối thủ biển không thể đánh bại./.