Ngay sau khi hiệp hội các trường đại học ngoài công lập kiến nghị Bộ Giáo dục giao điểm sàn về cho từng trường hoặc hạ điểm sàn tương đối, thành viên của hội đã có buổi làm việc tại ĐH Nguyễn Trãi dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch thường trực Phan Quang Trung.
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây cho biết, nếu các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu thì đến lúc phải tan. Trong mùa tuyển sinh năm ngoái, các trường đã phải rất vất vả để chiêu sinh. Năm nay, nếu như một số trường công lập dự định lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì không còn thí sinh cho trường ngoài công lập.
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây. Ảnh: Hoàng Thùy. |
"Khi mới thành lập cách đây 4 năm, trường tôi tuyển được 700 sinh viên. Năm sau được 600, rồi 400, e rằng năm nay để có 200 cũng khó", ông Huỳnh nói và kiến nghị Bộ Giáo dục hãy phê duyệt điểm sàn riêng cho khối công lập và ngoài công lập.
Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An cho rằng, nhìn vào đồ thị phổ điểm năm nay có thể thấy tổ ra đề rất thiếu kinh nghiệm. "Tháng 6 thi tốt nghiệp kết quả cao chót vót, vậy mà một tháng sau thi đại học kết quả đã lẹt đẹt. Trong tình thế đó điểm sàn chính là nguyên nhân làm chết các trường top dưới, vô tình làm thui chột chủ trương xã hội hóa của cả nước", thầy Định nói.
Theo thầy Định, các trường cấp 3 đã làm rất tốt việc tuyển sinh. Đề thi là chung nhưng nếu chưa tuyển đủ thì có thể hạ điểm đến khi nào đủ thì thôi. Đó là phương pháp mà Bộ nên áp dụng đối với các trường đại học hiện nay.
Từng nêu rõ điểm chuẩn trường mình sẽ bằng điểm sàn của Bộ và kiến nghị Bộ hạ điểm sàn ngay từ khi mới có kết quả thi, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng không nên bỏ điểm sàn vì nếu bỏ sẽ mất đi tính chất ba chung. Tuy nhiên, Bộ phải làm sao cho các trường có chỉ tiêu 100 thì tuyển đủ 100 bởi có hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp nhưng chỉ khoảng 300.000 cơ hội đại học thì lẽ ra việc tuyển sinh không khó khăn.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Thùy. |
"Năm ngoái, Bộ đã gia hạn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập thêm 15 ngày, tuy nhiên không có thí sinh nào đến học vì nguồn tuyển đã cạn kiệt, việc kéo dài thời gian khiến học sinh phải nhập học muộn gây khó khăn cho công tác đào tạo của trường", thầy Nghị chia sẻ.
Theo phân tích của hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, ở một số đại học công lập, đầu vào cao chưa chắc đầu ra đã cao. Ông khẳng định, với việc tuyển học sinh mức điểm trung bình, trường ông có khả năng đào tạo sinh viên đó trở thành người giỏi bởi phương pháp đào tạo toàn diện.
"Từ khi vào trường cả thầy và trò đều phải chạy marathon để đảm bảo chất lượng. Thế nên hơn 96% sinh viên của chúng tôi ra trường đều có việc làm. Đây là kết quả mà không phải trường công lập nào cũng giành được", thầy Nghị nói và than phiền mặc dù chất lượng tốt nhưng vì hai chữ "dân lập", "tư thục" mà các trường ngoài công lập vẫn chưa thu hút được thí sinh.
Ngoài ra theo ông Nghị, quy định của Bộ như điểm sàn, không được gửi giấy báo cho thí sinh quá số lượng chỉ tiêu mà không quan tâm đến số ảo khiến các trường ngoài công lập đang rơi vào tình thế khó khăn.
Điểm sàn thi đại học: Hạ một điểm liệu có hợp lý?
Lo không tuyển đủ chỉ tiêu, sáng nay, ngày 5/8, Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập đã khẩn trương triệu tập các thành viên, tổ chức “hội nghị Diên Hồng” để tập trung ý kiến kiến nghị Bộ về cách tính điểm sàn.
Thí sinh dự thi tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2011 - Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Giữ nguyên điểm sàn, trường sẽ… “chết”
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điểm sàn năm nay sẽ không thấp hơn năm 2010 (13 điểm với khối A, D và 14 điểm với khối C, B).
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học ngoài công lập cho rằng, với mức điểm này, trường sẽ… “chết” vì không thể tuyển được sinh viên.
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng Đại học Thành Tây cho biết, các trường đại học ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu vì không có nguồn tuyển. Sau 4 năm tuyển sinh, số sinh viên đăng ký vào trường giảm dần đều. Năm đầu tuyển được 700 em, năm thứ 2 còn 600, năm thứ 3 giảm xuống 400 em. “Năm nay chúng tôi làm mọi cách nhưng không biết có tuyển nổi 200 em hay không,” ông Huỳnh lo lắng nói.
Mặc dù Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định điểm sàn sẽ được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo tổng số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên sẽ nhiều hơn tổng số chỉ tiêu Bộ giao cho các trường, nhưng ông Huỳnh cho rằng, Bộ cần phải tính kỹ hơn nữa vì số thí sinh đỗ ảo rất lớn.
Theo đó, ông Huỳnh kiến nghị có thể hạ điểm sàn, tùy theo nhu cầu xã hội.
“Chủ trương của Đảng là xã hội hóa giáo dục, nhưng cứ đà này, không tuyển được sinh viên, chúng tôi chỉ còn cách giải tán. Đó là thực trạng đáng báo động,” ông Huỳnh bức xúc.
Đây cũng là chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Trọng Yêm, Trường Đại học Lương Thế Vinh, Nam Định. Ông Yêm cho rằng, điểm sàn cần đảm bảo nguồn cho các trường đại học công lập và ngoài công lập. Muốn thế phải xác định số ảo vì hàng năm số ảo rất lớn, như Đại học Dân lập Lương Thế Vinh là 35%. Số ảo lớn như vậy, nguồn không có thì các trường ngoài công lập sẽ không tuyển đủ.
Có thể có hai điểm sàn?
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có văn bản kiến nghị Bộ xem xét xác định điểm sàn theo một trong hai phương án. Cụ thể, phương án 1 là giao cho các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt.
Phương án 2 là nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng nay, chính lãnh đạo các trường đại học ngoài công lập phải thừa nhận rằng phương án 1 là không khả thi vì khi đã thi “ba chung” thì đương nhiên phải có điểm sàn chung.
Về phương án 2, nhiều ý cho rằng Bộ nên hạ điểm sàn để số thí sinh đạt trên điểm sàn nhiều hơn, hoặc lấy hai mức điểm sàn khác nhau.
Theo Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, rất nhiều trường đại học công lập chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Do trường công lập học phí thấp hơn, tâm lý xã hội cũng đề cao hơn nên khi tuyển cùng mức điểm, trường ngoài công lập không thể cạnh tranh.
Cùng nhận định này, ông Lê Công Huỳnh cho rằng khi các trường công lập cũng lấy điểm chuẩn thấp thì không còn nguồn nào cho trường ngoài công lập.
Do đó, ông Huỳnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra hai mức điểm sàn cho hai loại hình trường, điểm sàn trường công lập cao hơn điểm sàn trường dân lập.
Đồng tình với ý kiến ngày, lãnh đạo Đại học Dân lập Thăng Long đưa ra con số cụ thể hơn: điểm chuẩn của trường ngoài công lập thấp hơn khoảng nửa điểm đến 1 điểm so với trường công lập. Như thế sẽ đỡ cho các trường rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Nghị lại cho rằng, nếu theo cách trên, các trường ngoài công lập đã tự xếp mình ở “chiếu dưới,” làm cho tâm lý xã hội đã nghi ngại lại càng thêm không tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường dân lập.
Thí sinh dự thi tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2011 - Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+
Theo đó, ông Nghị kiến nghị Bộ nên có cách xác định điểm sàn hợp lý để không trường nào không tuyển đủ chỉ tiêu. “Mặc dù chưa có thông tin về điểm thi của tất cả các trường, nhưng với tình hình kết quả thi của một số trường mà tôi biết, tôi cho rằng điểm sàn năm nay nên hạ khoảng 1 điểm là hợp lý,” ông Nghị nói.
Không thể bỏ điểm sàn
. Sau khi vừa kết thúc kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, một loạt trường lên tiếng đòi Bộ GD&ĐT bỏ thi “ba chung”, họ cho rằng chiếc áo 3 chung” đã quá “chật”, không còn phù hợp, các trường đều muốn “cải tiến” theo hướng được tự tổ chức tuyển sinh. Trong đó “sốt sắng” nhất là các trường ngoài công lập, các trường “tốp dưới”.
Hôm nay, khi hầu hết các trường đã công bố điểm thi (ngày 5/8 là hạn cuối theo quy định của Bộ GD&ĐT) sự “sốt sắng” này được lí giải phần nào, mặc dù chưa có điểm sàn của Bộ GD&ĐT nhưng trên website nhiều trường ngoài công lập đã công bố phương thức xét tuyển NV2, NV3 và những ưu đãi để hút thí sinh.
Thí sinh xem điểm thi - Nguồn: Internet
2. Từ những mùa tuyển sinh trước, việc tuyển đủ thí sinh luôn là bài toán khó giải đối với các trường “tốp dưới”, nhất là các trường dân lập. Thậm chí, nhiều trường hết thời hạn tuyển sinh vẫn loay hoay không tuyển đủ chỉ tiêu. Không ít trường đã tự ý “xé rào” tuyển sinh “dưới chuẩn” hoặc tuyển vượt quá chỉ tiêu để “trừ hao” nên đã vi phạm qui chế, để rồi bị phê bình, thậm chí bị phạt hành chính.
Sự sốt sắng càng rõ hơn khi ngày 3/8, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã gửi kiến nghị đến Bộ GD&ĐT trong đó có nội dung bỏ điểm sàn hoặc xác định điểm sàn thấp. Trong bản kiến nghị, Hiệp hội đánh giá kết quả điểm của kỳ thi năm nay nói chung thấp hơn năm trước. Kết quả này có thể không gây khó cho các trường thuộc tốp trên, nhưng với các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có.
3. Thực tế, nguồn tuyển NV2 của các trường dân lập, “tốp dưới” sẽ là từ số thí sinh không trúng tuyển các trường “tốp đầu” và “tốp giữa”. Nhưng với thực tế điểm thi năm nay, nhiều trường nhóm trường “tốp giữa” có thể phải xác định điểm chuẩn thấp hơn năm trước, xuống đến sát điểm sàn. Để có lượng thí sinh đầu vào đảm bảo, nhiều trường “tốp giữa” phải tận dụng bằng cách cho thí sinh chuyển đổi ngành học, để thí sinh theo học tại trường. Vì vậy, các trường “tốp dưới” sẽ rất khó khăn khi tuyển thí sinh theo NV2.
Tuy nhiên, không thể vì khó mà chấp nhận “thỏa hiệp”. Sau khi kết thúc kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi mang tính phân loại cao, điều này giúp phân loại thí sinh rõ ràng hơn, xác định đúng lực học thực chất, đánh giá chính xác năng lực của thí sinh, phổ điểm hợp lý hơn, không có quá nhiều điểm tuyệt đối. Như thế, thí sinh sẽ biết mình ở đâu, trong thang điểm chung. Như thủ khoa khối A ĐH Hà Hoa Tiên chỉ đạt 12,5 điểm, nếu chiểu theo điểm sàn khối A năm 2010 là 13 điểm thì thủ khoa này chưa đủ điểm để nộp đơn xét tuyển ĐH. Nếu hạ chuẩn điểm sàn, để trường tuyển đủ thí sinh theo nguyện vọng với 600 chỉ tiêu cả hệ ĐH và CĐ, thì có lẽ các “tân sinh viên” của ĐH này chỉ hơn chuẩn... xóa mù chữ!
Cần phải thấy, việc sử dụng điểm sàn chung giúp chúng ta xác lập mặt bằng “kiến thức, kỹ năng” tối thiểu của thí sinh có thể tiếp cận giáo dục ĐH, đồng thời giúp các trường xác định vị trí, mặt bằng “đầu vào” của mình trong hệ thống giáo dục, để từ đó có bước đi và giải pháp cần thiết.
Vì vậy, theo tôi không thể bỏ, hay hạ quá thấp điểm sàn.
Ủng hộ “3 chung” trong thi cử
- Trước năm 2002 các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh, tính đến kỳ thi năm nay là tròn 10 năm Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi).Cuối năm 2010, dư luận rộ lên việc 6 trường ĐH lớn sẽ được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã khẳng định: Thông tin giao quyền tự chủ cho 6 trường ĐH là “hiểu nhầm hoàn toàn”. Bộ giao cho 2 ĐH Quốc gia và 4 ĐH trọng điểm để cùng Bộ nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển sinh chứ không phải giao tuyển sinh cho 6 trường đó. Và có thể cách thức tuyển sinh 3 chung sẽ còn diễn ra trong nhiều năm nữa.
Tuy nhiên, năm nay, một loạt trường cho rằng “chiếc áo 3 chung” đã quá “chặt”, không còn phù hợp, các trường đều muốn “cải tiến” theo hướng được tự tổ chức tuyển sinh, nói cách khác là quay về cách thức thi ĐH của 10 năm về trước. Tuy nhiên, nếu suy xét một cách kỹ lưỡng thì “3 chung” vẫn có rất nhiều ưu điểm. Bỏ “3 chung” thì những hệ lụy của thi cử còn trầm trọng hơn. Cụ thể:
Thí sinh làm bài thi - Nguồn: Internet
1. Có ý kiến cho rằng, thi 3 chung, sẽ dẫn đến các trường “tốp dưới” không làm chủ được đầu vào, tuyển sinh chủ yếu dựa vào nguyện vọng 2, 3 sau khi thí sinh đã “rớt” nguyện vọng 1. Tôi cho rằng, nếu các trường thi riêng, thí sinh tham dự nhiều trường thi, nếu đã trúng tuyển trường “tốp trên”, thí sinh dù đủ điểm các trường tốp dưới cũng sẽ không theo học, vì vậy các trường này vẫn khó chủ động được đầu vào ngay từ nguyện vọng 1.
2. Quan điểm cho rằng, thi 3 chung, lượng thí sinh “ảo” nhiều do thí sinh nộp nhiều hồ sơ nhưng chỉ thi 1 lần. Tuy nhiên, nếu được thi nhiều trường, trong nhiều đợt, ai dám chắc lượng thí sinh “ảo” sẽ giảm? Thậm chí con số này có thể tăng lên, vì thí sinh nộp nhiều hồ sơ dự phòng, và thí sinh có học lực khá, thi các trường tốp đầu, nếu làm bài tốt sẽ không tham dự kỳ thi của các trường khác nữa. Như hiện nay, nhiều thí sinh thi ĐH làm bài tốt rồi, không còn mặn mà với kỳ thi CĐ nữa. Nhất là đối với các bài thi trắc nghiệm, thi xong thí sinh so đáp án thường nắm tương đối khả năng đỗ, trượt.
3. Ý kiến cho rằng, thi 3 chung năm nào cũng có vài trăm nghìn bộ hồ sơ ảo, khi nhân số này với lệ phí 80 nghìn đồng/1 bộ hồ sơ, sẽ là sự lãng phí lớn. Đó là chưa kể, các trường vẫn phải chuẩn bị cơ số phòng thi, cán bộ coi thi, số lượng đề thi, cho toàn bộ số thí sinh ảo, cho nên có trường phải bù lỗ cả trăm triệu tới cả tỷ đồng cho kỳ thi. Tuy nhiên, khi thi riêng, thí sinh không chỉ nộp 2, 3 hồ sơ mà có thể nộp nhiều hồ sơ cùng một lúc, miễn là các trường không trùng lịch thi. Khi thí sinh không thi đủ, số tiền lãng phí của xã hội theo thí sinh “ảo” có thể lớn gấp nhiều lần. Kéo theo đó, số lỗ của các trường không giảm mà có thể tăng. Còn nếu thí sinh tham dự cả 5, 7 kỳ thi, thì gánh nặng kinh tế đối với gia đình, xã hội còn lớn hơn.
4. Ý kiến cho rằng, thí sinh cần thi ĐH nhiều lần, nhiều cơ hội. Tôi cho rằng việc học là quá trình, nếu thí sinh không xác định lực học để thi trường vừa sức thì dù có thi nhiều lần cũng khó đạt kết quả. Việc xác định ấy là nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp từ trên ghế nhà trường, chứ không phải nhiệm vụ của kỳ thi tuyển sinh. Sau kỳ thi, còn nguyện vọng 2, 3, như vậy mỗi thí sinh vẫn có 3 cơ hội được tuyển chọn. Với cách thi như hiện nay, sẽ rất hiếm thí sinh có thể nói “học tài thi phận” để cần cơ hội khác cho bản thân mình.
5. Đó là chưa kể hệ lụy từ việc các trường tự ra đề, các lớp ôn thi “dài hạn”, “cấp tốc” lại bùng phát. Bằng mệnh lệnh hành chính, các trường có thể “cấm” các thầy không mở lớp ôn thi. Nhưng thực tế, xưa nay các trường mở lớp ôn thi thì ít, mà tư nhân đầu nậu thì mở nhiều. Họ mở gần trường học, và thường quảng cáo “thầy giáo ra đề trực tiếp giảng dạy”, dù họ có “treo đầu dê, bán thịt chó” thì sĩ tử vẫn kéo đến ầm ầm.
Theo tôi, trong khi chưa tìm ra phương thức mới, việc giữ ổn định cách thức tuyển sinh 3 chung như hiện nay là sự lựa chọn khả dĩ hơn cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?