Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò

Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về đường lưỡi bò tham lam, vô căn cứ, truyền thông Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền cho dân chúng trong nước về yêu sách chủ quyền chiếm gần trọn diện tích biển Đông này.

LTS: Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về sự mơ hồ, vô căn cứ và yêu sách tham lam trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, đường chín đoạn), bao trùm lên 3/4 diện tích Biển Đông, giới lãnh đạo và truyền thông nước này vẫn tìm mọi cách tuyên truyền cho công chúng trong nước này cũng như quốc tế về đường lưỡi bò. Mới đây, tờ China Daily bản Tiếng Anh lại đăng bài viết với những nguỵ biện về tính hợp pháp của đường lưỡi bò. Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học.
Những bằng chứng lịch sử cho thấy, người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo ở Biển Đông từ thời Tần (221-206 TCN) và thời Hán (206 TCN - 220 SCN). Các hoạt động đi lại và đánh bắt cá giới hạn ở những vùng nước của Đông Sa và Tây Sa bởi các vua thời nhà Đường (618-907 SCN), khi Trung Quốc bắt đầu điều động lực lượng hải quân để kiểm soát và thực thi thẩm quyền với khu vực.
Vào thời nhà Tống (960-1279) và Nguyên (1271-1368), người Trung Quốc mở rộng các hoạt động của họ tới vùng nước thuộc các quần đảo Trung Sa và Nam Sa. Những hoạt động bao trùm tất cả các đảo diễn ra trong thời nhà Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911), do đó đã thiết lập biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông kể từ đầu thế kỷ 20. Chính phủ Quốc dân đảng đã xem xét và thông qua tên tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho toàn bộ các đảo, vỉa đá Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng 12/1934 và lần đầu tiên tập hợp chúng lại thành bốn quần đảo.
Một bản đồ xuất bản vào tháng 4/1935 cho thấy chi tiết các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, đánh dấu mũi cực nam của Biển Đông là Zengmuansha ở vĩ độ Bắc 4.
Một bản đồ khác xuất bản tháng 2/1948 cho thấy, sự phân chia hành chính của Cộng hòa Trung Hoa. Bản đồ còn hiển thị đường 11 đoạn bao quanh bốn quần đảo với điểm cực nam ở Zengmuansha. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới hàng hải hình chữ U của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các bản đồ ra đời sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vẫn giữ lại đường 11 đoạn, và cho tới năm 1953, thì hai đoạn đánh dấu Vịnh Bắc Bộ bị xóa. Sau đó, tất cả bản đồ Trung Quốc đều đi theo đường chín đoạn, hình chữ U.
Ảnh minh họa: china.usc.edu
Đường chữ U là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài thiết lập chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông và vùng nước lân cận. Tháng 10/1947, các tài liệu mà bộ nội vụ trình bày với chính phủ Quốc dân đảng cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo và vùng nước bên trong đường chữ U.
Ngược lại, Việt Nam, Malaysia và Philippines hầu như không biết bất kỳ điều gì về các đảo ở Biển Đông trước triều nhà Thanh (1644-1911), cũng như không có bằng chứng chứng tỏ các hoạt động của tổ tiên họ ở Biển Đông, dù chỉ là để lại một cái tên với bất kỳ hòn đảo nào.
Biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử, và đây là quốc gia duy nhất để phát triển khu vực liên tục trong suốt quá trình lịch sử. Bởi thế, người Trung Quốc có quyền chính yếu với các đảo ở Biển Đông.
Theo chuyên gia luật người Trung Quốc Triệu Hải Lý, Trung Quốc sở hữu danh nghĩa lịch sử với các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn trong phạm vi đường chín đoạn, mặc dù điều đó không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc.
Dù Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) không đề cập cụ thể về danh nghĩa lịch sử, thì điều 15 của công ước nói: "Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác".
Người Trung Quốc đã đánh bắt và đi lại ở Biển Đông hơn 2.000 năm, và Trung Quốc đã thiết lập danh nghĩa lịch sử laai dài trước khi UNCLOS có hiệu lực. Danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, do đó cần được tôn trọng.
Khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường chữ U ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã không phản đối nó cũng như không phản đối các nước láng giềng chống lại nó. Thay vào đó, đường chín đoạn là một phần của những bản đồ mà họ xuất bản, phản ánh sự chấp thuận của họ về chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số quốc gia Đông Nam Á đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của đường chín đoạn, nhưng yêu cầu của họ không hợp lý.
Sau khi UNCLOS được thông qua, công ước này thực sự quan trọng để giải thích một cách thích hợp và khoa học về đường chữ U. Nhưng đường chữ U đã hình thành từ lâu trước khi UNCLOS có hiệu lực, và việc sử dụng công ước để quyết định liệu đường chín đoạn được thiết lập từ lâu là hợp lý hay phủ nhận sự hợp pháp của nó thực tế là đã phản đối lịch sử.
Tất cả các nước ký UNCLOS nên hiểu rằng, công ước chỉ là một trong các luật pháp về biển của quốc tế (vốn không chỉ có một) và vì thế nên ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc.
* Tác giả là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc
(China Daily)

Tính phi lý  đường lưỡi bò trên China Daily

Tác giả: Việt Long
Những học giả Trung Quốc chân chính cũng phải thừa nhận "trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc
LTS: bài báo của ông Lý Quốc Cường, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trên báo China Daily. Mặc dù đã có khá nhiều bài viết phân tích về tính vô lý của đường lưỡi bò, việc chỉ ra những luận điểm chủ quan của tác giả bài viết trên là một việc nên làm trao đổi khoa học thẳng thắn.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc được thế giới biết đến chính thức vào ngày 7/5/2009 qua Công hàm của Phái đoàn Ngoại giao Trung Quốc tại Liên hợp quốc phản đối hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam-Malaysia và hồ sơ Việt Nam về ranh giới thềm lục địa thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước luật biển năm 1982. Trước đó, con đường này có tồn tại một cách dấm dúi trong đầu óc của những kẻ ôm mộng Đại Hán, được thay đổi một cách tùy tiện phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển. Tác giả cho rằng đường chữ U là "Biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử, và đây là quốc gia duy nhất để phát triển khu vực liên tục trong suốt quá trình lịch sử. Bởi thế, người Trung Quốc có quyền chính yếu với các đảo ở Biển Đông".  Ngược lại ông cho rằng "Việt Nam, Malaysia và Philippines hầu như không biết bất kỳ điều gì về các đảo ở Biển Đông trước triều nhà Thanh (1644-1911), cũng như không có bằng chứng chứng tỏ các hoạt động của tổ tiên họ ở Biển Đông, dù chỉ là để lại một cái tên với bất kỳ hòn đảo nào".
9 điểm phi lý của đường lưỡi bò
Về sự mơ hồ của đường lưỡi bò, đã có nhiều bài viết phân tích.[1] ở đây chỉ xin nhắc lại ít nhất 9 điểm phi lý.
Trước hết, thời điểm xuất hiện của đường lưỡi bò còn chưa được các tác giả Trung Quốc thống nhất, lúc thì nói là năm 1948, có lúc lại đẩy lên những năm 1930s.
Thứ hai, nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân.
"Đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc tự vẽ, bị nhiều nước phản đối. Ảnh: BBC
Thứ ba, một đường lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng sao có khả năng thể hiện một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế để các quốc gia khác phải bận tâm.
Thứ tư, vào thời điểm đường lưỡi bò đang được Bộ Nội vụ Trung Hoa in trên bản đồ, Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ Nhà nước phong kiến An Nam và hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này chẳng phải là sự phản đối hùng hồn ý định yêu sách hai quần đảo bằng cách vẽ đường chữ U từ phía nước láng giềng phương Bắc đó sao.
Thứ năm, Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 không đả động chút gì tới đường lưỡi bò. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về Dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng đâu có nhắc gì đến đường chữ U. Cuộc bỏ phiếu giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc tại Hội nghị San Francissco theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Xô viết Gromuko đã bị đa số bác bỏ (46 chống, 3 ủng hộ, 1 trắng). Vì vậy, không thể nói đã có sự công nhận quốc tế về chủ quyền Trung Quốc trên các đảo trong Biển Đông chứ đừng nói gì đến đường chữ U hay toàn bộ vùng biển trong đường chữ U.
Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói đường chữ U trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận.
Thứ bảy, ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Indonexia cho lưu chuyển tại Liên hợp quốc ngày 8/7/2010 Công hàm không chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Thứ tám, đường chữ U yêu sách cái gì, nội hàm của nó yêu sách đảo, vùng biển hay cả hai, hay gì gì đi nữa là câu hỏi mà các tác giả Trung Quốc cũng chưa bao giờ thống nhất. Ngay trong bài viết trên China Daily cũng đầy mâu thuẫn khi tác giả của nó biện minh "biên giới biển của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử" rồi lại nói "Trung Quốc sở hữu danh nghĩa lịch sử với các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn trong phạm vi đường chín đoạn, mặc dù điều đó không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc". Ai cũng biết biên giới biển là để chia đường phân định biển giữa các quốc gia chứ không phải là đường phân chia đảo hay chủ quyền trên đảo. Đã nói đến biên giới biển tức vùng nước bên trong nó phải được đặt dưới chế độ nội thủy và lãnh hải vì biên giới đánh dấu sự kết thúc chủ quyền của một quốc gia.
Thứ chín, tác giả bài báo trên China Daily đã cố tình diễn giải sai Công ước luật biển 1982 để biện minh cho đường lưỡi bò dưới dạng một danh nghĩa lịch sử. Toàn văn điều 15 là : "Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác". Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý chứ đừng nói cách bờ vài trăm hải lý như đường lưỡi bò. Cho nên không thể nói Công ước luật biển công nhận và bảo vệ cho danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc. Lập luận đường lưỡi bò là đường vùng nước lịch sử đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế vì ngay cả trong Tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên một vùng nước nào trong Biển Đông. Công ước luật biển năm 1982 đâu có chấp nhận một vùng nước lịch sử nào trong Biển Đông.
Chính học giả TQ thừa nhận lập trường "tiền hậu bất nhất"
Sự mơ hồ và quá ư phi lý của đường lưỡi bò buộc các học giả nước ngoài phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải thích. Tại bất kỳ cuộc Hội thảo quốc tế nào về Biển Đông, các học giả Trung Quốc đều bị chất vấn về đường lưỡi bò. Tại hội thảo Vấn đề An ninh ở Biển Đông tổ chức ở Washington tháng 6/2011 gần đây khi bị chất vấn, học giả Trung Quốc đã có những phát biểu quanh co, làm những người dự hội nghị cảm thấy "quá khiên cưỡng", gây ấn tượng "không trung thực", mơ hồ. Họ buộc phải thừa nhận "chuẩn bị chưa đầy đủ" nhưng với cử tọa đó là biểu hiện của sự đuối lý.[2]
Stein Tonnesson, Giám đốc Viện Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Ôxlô (Na uy), cho rằng căng thẳng Biển Đông chủ yếu tập trung ở đường chữ U, và để giảm bớt căng thẳng , Trung Quốc cần làm rõ lập trường về đường chữ U đối với cộng đồng quốc tế cũng như dư luận trong nước đang bấy lâu "lầm tưởng" về yêu sách mà Bắc Kinh tuyên bố.[3]
Những học giả Trung Quốc chân chính cũng phải thừa nhận "trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc".[4]
Trần Phả trong Tạp chí "Khai Phóng" số tháng 7/2011 của Hồng Kông bình luận: "câu hỏi đặt ra là liệu việc Trung Quốc vẽ đường phạm vi chủ quyền Biển Đông (đường chữ U) tới "cửa nhà" của các nước như Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây có hợp tới tình hình khách quan hay không? Đối chiếu với các quy định bằng văn bản rõ ràng liên quan tới việc "các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý" trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc ký từ năm 1982, Trung Quốc càng khó có thể bào chữa cho kiểu hoạch định này của mình. Trên thực tế, từ việc tự vạch (đường chữ U) cho tới cách nói về "lợi ích cốt lõi" đều là chuyện "mua dây buộc mình" của Trung Quốc". Người đọc cũng tự hỏi liệu Trung Quốc có chấp nhận có nước viện dẫn câu nói "Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh" để đòi hỏi các vùng nước lịch sử trước cửa ngõ của Bắc Kinh?
Chủ quyền phải được xác lập bằng hành động chiếm hữu thực tế của Nhà nước
Quaa trở lại hai lập luận trên mà tác giả bài báo viện dẫn. Nếu nói chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất phát triển khu vực trong lịch sử, người Trung Quốc đã phát hiện, đã quản lý các quần đảo ở Biển Đông từ thời Nhà Hán, Nhà Tấn (hơn 200 năm trước CN), liên tục qua các đời Minh, Thanh thì tác giả nên đọc lại các tác phẩm và văn kiện của Trung Quốc trong lịch sử.
Các sách Nam châu dị vật chí của Dương Phù và Phù Nam truyện của Khang Thái, viết vào thời Tam quốc (220-265), Vũ kinh tổng yếu của Tăng Công Lượng (998-1078) và Đinh Độ (990-1053) biên soạn thời Tống, Đảo di chí lược do Vương Đại Uyên soạn dưới thời nhà Nguyên (1206 - 1368), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp viết thời nhà Minh (1368 - 1644), Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ đầu nhà Thanh, Hải Quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh năm 1730,  Dương phòng tập yếu của Nghiêm Như Dục viết, Trương Bằng Phi khắc năm 1828,...nếu có nói đến nhận biết các đảo trên Biển Đông đều là nằm ngoài cương vực Trung Quốc, thuộc các nước "man di". Các sách chính thống như Quỳnh Châu phủ chí (1731), Hoàng Triều di tông tâm lĩnh (1894), Đại Thanh di đồ(1905), Trung Quốc Địa lý Giáo khoa thư, Thương Vụ ấn Thư Quán,Thượng Hải năm 1906 xuất bản đều xác định rõ điểm mút phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc nằm ở Nhai Châu, Hải Nam, vĩ độ 18013' Nam.
Suốt cả giai đoạn 2000 năm lịch sử, sách trắng Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1980 cũng chỉ đưa ra được 4 đoạn cắt xén, lắp ghép có chủ ý trong Tổng Sử, Minh Sử, Nguyên Sử với những địa danh như Thất Châu dương chẳng liên quan gì đến Hoàng Sa, Trường Sa để nói là có quản lý. Chưa nói đến tính chất ngụy biện, 4 sự việc trong 2000 năm sao có thể nói là liên tục. Trong vụ đắm tàu Đức "Bellona" tại Đá Bắc và tàu Nhật "Imegi Maru" tại cụm An Vĩnh thuộc Hoàng Sa những năm 1895 - 1896, chính các quan Trung Quốc đã từ chối cứu hộ vì cho rằng các đảo Paracels không thuộc Trung Quốc.
Ngay cả đến năm 1932, khi tranh chấp với Pháp về quần đảo Hoàng Sa, Phái đoàn Trung Quốc tại Paris còn có công hàm yêu sách: cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là quần đảo Tây Sa". Cái chính mà tác giả cố tình lờ đi đó là theo luật quốc tế chủ quyền chỉ có thể được xác lập bằng hành động chiếm hữu thực tế của Nhà nước chứ không phải của ngư dân, của người đi biển, của phát hiện, của nhận biết hay ngộ nhận.
Không bàn tới tính chất ngạo mạn khi nhận xét người Việt Nam, Malaysia, Philippin không biết gì về các đảo trong Biển Đông, chỉ cần giở lại chính những gì sử Trung Quốc viết. Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 chép: "Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển ; mặt cắt khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành ; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là " Vạn lý Trường Sa", mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Các Quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào".
Hải Lục của Vương Bính Nam năm 1842 chép: "Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu cuả An Nam". Thậm chí người Trung Quốc còn giúp đỡ các đội viên Đội Hoàng Sa của Việt Nam bị bão trôi giạt vào bờ biển Hải Nam. Đại Nam thực lục tiền biên (1600 - 1775) quyển 10 viết: "Tháng 7, mùa thu, năm Giáp Tuất (1774), dân đội Hoàng Sa gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư gửi qua cảm ơn".  Rõ ràng người Trung Quốc biết các đảo này thuộc quyền quản lý của các Quốc vương An Nam và đã vui vẻ giúp đỡ cho các thần dân gặp nạn của họ.
Cuối cùng, tác giả bài báo răn dạy: "Tất cả các nước ký UNCLOS nên hiểu rằng, công ước chỉ là một trong các luật pháp về biển của quốc tế (vốn không chỉ có một) và vì thế nên ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc". Liệu có thể hiểu rằng, theo ý tác giả, Trung Quốc nước ký Công ước Luật biển có quyền muốn áp dụng hay không áp dụng Công ước luật biển một cách tùy thích trong khi Công ước là một biện pháp cả gói (package deal) không có bảo lưu?
Để cộng đồng thế giới ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc, trước hết người Trung Quốc nên nói rõ họ đòi hỏi cái gì ở Biển Đông, dựa trên những bằng chứng pháp lý nào chứ không phải những bằng cứ lịch sử mơ hồ. Nếu Trung Quốc tự tin vào đường chín đoạn của mình, hãy sẵn sàng bàn thảo đa phương với các nước liên quan cũng như lời kêu gọi của Philippin về một thủ tục trọng tài.[5]

Lai lịch và thực chất của đường lưỡi bò

 Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thọ*

 Với chưa đến 1000 từ dịch ra tiếng Việt từ tờ China Daily, tác giả là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thông báo với dư luận những căn cứ để xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo trên gần 80% diện tích Biển Đông, nhưng lại không trưng ra bất kì bằng chứng thuyết phục gì, và vì thế, không có gì để tranh biện.


Bài báo có nêu các bản đồ 12-1934, tháng 4-1935, 2-1948; nhưng chủ yếu là muốn tuyên truyền tính chính danh, chính nghĩa cho bản đồ 11 đoạn hình chữ U do Bộ Nội Chính chính phủ Quốc dân đảng ấn hành 10-1947.
Tấm bản đồ đó trước đây ít người biết, nhưng từ năm 2006 khi Trung Quốc chính thức khẳng định ý nghĩa của nó, thì không chỉ ở Việt Nam mà người dân ở các nước ĐNÁ và nhiều nước khác không khỏi ngạc nhiên trước tham vọng của Trung Quốc muốn làm chủ đến 80% diện tích biển Đông.
Vì là vấn đề trung tâm được tác giả bài báo nêu lên, cho nên ở bài này tôi thấy cần bỏ những điểm lướt ngoại vi để đi thẳng vào vấn đề về tấm bản đồ lãnh hải hình chữ U đó
Lai lịch tấm bản đồ tháng 10/1947
Để gây thanh thế cho bản đồ này, báo chí Trung Quốc có liên hệ đến một nhân vật lịch sử khá có danh tiếng của Trung Quốc là tướng quân Lâm Tắc Từ, một vị tướng của nhà Thanh, nổi tiếng trong chiến tranh Nha phiến (1840-1843) chống thực dân Anh. Ông này không ăn nhập gì với chuyện bản đồ Lưỡi bò này, nhưng người ta nhắc đến tên ông trong vì ông có người cháu năm sáu đời gì đó là Lâm Tuân 林遵[1] làm sĩ quan trong hải quân chính phủ Quốc dân đảng. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch là một nước trong phe Đồng minh thắng trận, hải quân của chính quyền Tưởng phái chiến hạm mang tên Thái Bình do Lâm Tuân chỉ huy đi tuần sát biển Nam xem có tàn dư quân Nhật hoặc nạn dân kẹt lại đâu đó hay không. Chỉ làm được một vòng rất hạn hẹp, cho quân xuống cắm cờ ở một vài đảo, nhưng khi về căn cứ, Lâm Tuân cùng thuộc hạ là mấy chuyên viên quan trắc, hoạ đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là 南海諸島位置圖Nam Hải chư đảo vị trí đồ (Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải), chuyển cho Ti Phương vực Bộ Nội Chính đem in xuất bản năm tháng 10-1947. Không những bản gốc hiện đã được bảo quản cẩn mật mà cả bản ảnh điện tử của nó cũng hầu như rất ít xuất hiện trên mạng của Trung Quốc.
Mất chút ít thời gian, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm ra, xin trình ra đây để tác giả của bài báo trên People Daily biết chúng tôi nói "có sách, có chứng", đồng thời cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài có thể tham khảo "bản lai diện mục" của cái gọi là bản đồ Lưỡi bò ấy.
Cái bản đồ bộ Nội chính in ra 10-1947 ấy chưa phát hành được bao nhiêu thì đã thành đồ "vứt sọt rác", khi chính quyền Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan!
Tấm bản đồ lưỡi bò do Lâm Tuân vẽ năm 1947,. Những nét mực đỏ tác giả tô lại cho rõ.
Tấm bản đồ 10/1947 và tư duy lãnh thổ, lãnh hải chủ trương của TQ
Sự mờ nhạt thiếu thuyết phục của các cứ liệu thư tịch - bản đồ cổ của Trung Quốc
Biết bao sự kiện rất lớn đã diễn ra ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và cả ở Việt Nam. Vấn đề Biển Đông (mà TQ gọi là Nam Hải) nổi cộm và nóng dần lên. Khởi đầu là việc chính quyền Trung Quốc cho quân xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam vào 10-1974, kế đến là việc Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trong QĐ Trường Sa thuộc chủ quyền CHXHCNVN 10-1988. Chính phủ VN đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ những căn cứ pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam ở các vùng biển đảo nói trên. Nhưng phía Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền, nhiều lần công bố các tài liệu thư tịch cổ mà họ cho là gián tiếp hoặc trực tiếp xác nhận chủ quyền của Trung Hoa ở Nam Hải, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa và Nam Sa.
Thấy các bằng cứ từ trong các thư tịch cổ của mình không thuyết phục được ai, nhà cầm quyền Bắc Kinh hướng sự chú ý vào các bản đồ.
Khác với nguồn thư tịch dù không mấy thuyết phục nhưng cũng còn có cái tên để nêu lên, thể loại bản đồ cổ Trung Quốc rất vắng thiếu và hầu như không có các cứ liệu ủng hộ cho lập trường bành trướng của họ đối với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa! (Xem bài trên tờ China daily cũng có thể thấy sự vắng thiếu ấy).
Lâm vào tình thế đó, thậm chí người ta thấy những bài viết bắt đầu lánh dần vấn đề các cứ liệu thư tịch - bản đồ, mà chuyển dần sang chủ điểm nói về một thứ "lãnh hải" rất kỳ quái mà họ gọi mà "lãnh hải chủ trương" - nghĩa là lãnh hải (trên biển Đông) mà nhà cầm quyền Trung Quốc "chủ trương" muốn có và cần phải có. Chẳng hạn một sĩ quan cao cấp (về hưu) của TQ đã viết:
任何对领土、领海的主张都离不开以国力,国际话语权为后盾。"搁置争议、共同开发"这是我国的现阶段解决领土、领海等边界问题的方针之一。就我国现阶段的国力以及国际环境来说这个方针是最好的了。
"Bất cứ chủ trương nào đối với lãnh thổ, lãnh hải cũng không thể tách rời khỏi sự hậu thuẫn của sức mạnh đất nước và quyền đối thoại quốc tế". (Tạp đàm, 2008 -http://blog.sina.com. cn/s/blog_ 59877c5c0100a2ne.html, 07-29 15:35:19)
Cái gọi là "chủ trương lãnh thổ, lãnh hải" đó không gì khác hơn là cái tham vong bất chấp sự thật lịch sử của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh trên đất liền cũng như trên biển. Không chỉ đối với biển Đông, chẳng hạn đối với Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư (tức quần đảo Lưu Cầu, Nhật Bản gọi là 尖閣諸島 Tiêm Các chư đảo/, Senkaku Shotō) phía Trung Quốc cũng ứng xử theo kiểu "lãnh hải chủ trương" như vậy, khiến cho mâu thuẫn ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng gia tăng.
Tư duy "lãnh thổ, lãnh hải chủ trương" được hiện thực hoá
Đang lúc kiểu lý luận "lãnh hải chủ trương" được "tập huấn" cho quán triệt thì đâu đó lại loé lên hy vọng từ nguồn cứ liệu bản đồ. Không biết ai đó bỗng dưng phát hiện ra còn giữ được tấm bản đồ do nhóm Lâm Tuân vẽ hồi nào! Họ phát hiện ra "cái hay nhất" ở bản đồ Lưỡi bò của nhóm Lâm Tuân là khiến cho cái tư duy "chủ trương lãnh thổ" hay "lãnh thổ chủ tương" (mơ tưởng) được loại hình hoá, giấy trắng mực đen hoá bằng bản đồ, chứ không còn phải nói khơi khơi chung chung nữa! Thế là bản đồ của chính quyền Quốc dân đảng ấn hành tháng 10-1947 suýt bị vứt vào sọt rác được lôi ra giới thiệu trang trọng, ra sức tung hô, coi đó là bằng chứng có giá trị duy nhất về chủ quyền lãnh hải của Đại Hán từ xưa đến nay ...và cả mai sau nữa!!
Từ bằng chứng "mấy nghìn năm", nay họ rút xuống chỉ cần cái bằng chứng 64 năm ấy là quá đủ, không phải bàn thảo gì nữa! Chế độ Tưởng Giới Thạch duy nhất cái bản đò Lưỡi bò đó  được coi là "quốc bảo", rất mực được đề cao.
Từ năm 2006 Chính phủ TQ quy định tất cả bản đồ TQ đều phải thể hiện đường lãnh hải chữ U đó. Những người nặng đầu óc sôvanh lớn tiếng: "CHNDTH hoàn toàn kế thừa cái bản đồ [Lưỡi bò] ấy! (Chẳng hạn xem: http://blog.sina.com.cn/ s/blog_ 67cf346 f0100iv1r.html )
Chính phủ TQ không hô như thế, nhưng như mọi người đã biết, ngày 6-5-2009 Bộ Ngoại giao TQ trình lên LHQ tấm bàn đồ hình chữ U (tức bản đồ Lưỡi bò) ấy tức là chính thức gắn cho văn bản ấy một tính chất quốc tế chứ không còn là vấn đề tung hô trong nội bộ nữa!
Sự giải thích vá víu và con đường phá sản của bản đồ đường lưỡi bò
Như vậy, vấn đề lãnh hải hình Lưỡi bò không còn là vấn đề riêng của vài quốcc gia mà đã trở thành vấn đề công khai của các nước ĐNÁ với Trung Quốc. Một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản cũng tuyên bố họ có quyền lợi liên quan đến hoà bình và ổn định ở các tuyến hàng hải trên Biển Đông. Không những các nước ĐNÁ trực diện phê phán lãnh hải lưỡi bò của Trung Quốc mà nhiều chính phủ và chính khách quốc tế cũng bày tỏ sự nghi ngại lớn đối với tham vọng của Trung Quốc ở vùng biển quan trọng này.
Gần đây TQ lại cho xuất hiện một vài cách giải thích mong làm cho một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản yên lòng.
Bài đăng trên China Daily dẫn lời của Triệu Lý Hải đưa ra khái niệm "sở hữu danh nghĩa" là một mưu toan khiến người ta hiểu rằng Trung Quốc nhận quyền "sở hữu danh nghĩa " như vậy, còn trên thực tế thì các nước có thể không bị ảnh hưởng gì! Hoặc điều đó "không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc", các nước qua đàm phán với Trung Quốc vẫn có thể được Trung Quốc cho tự do đi lại trên một số tuyến hàng hải nào đó theo quy định của Trung Quốc!
Chấp nhận sự giải thích mơ hồ đó có nghĩa là bất kể các nước ĐNÁ hay các cường quốc hàng hải nào trên thế giới đang đựoc tự do đi lại trên biển Đông đều bị đặt vào tình thế phải đàm phán với Trung Quốc mới có thể tiếp tục được hưởng quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế!
Tiềm lực kinh tế quân sự thì các nước khác nhau, nhưng thế giới văn minh ngày nay làm sao có thể chấp nhận những áp đặt hoang đường như vậy? China Daily lẽ nào không nhận ra mức độ không tưởng của những luận điểm theo kiểu giải thích của Triệu Lý Hải đã được dẫn thuật hay sao?
Tham vọng "vô đáy" như vậy đối với chủ quyền ở Biển Đông không những bị dư luận thế giới phản đối, mà ngay ở trong nước những người Trung Quốc có lương tri cũng cho rằng chủ trương lãnh hải hình chữ U (Lưỡi bò) ấy là không khả thi. Có bài báo viết: nếu theo đó thì có những nơi ngươi dân nước họ "nhảy xuống nước bơi một đoạn, ngẩng đầu lên đã là ra ngước ngoài rồi"! Hoặc có người nói: "Đem lãnh hải đến đặt trước cửa nhà người ta như thế thì ai người ta chịu?" v.v...
Bản đồ lãnh hải Lưỡi bò chính thức tung ra đến nay cũng đã 5-6 năm dù được đề cao hết mức nhưng xem ra tương lai của nó cũng không khác gì con bệnh đã đến hồi di căn. Có những ý kiến cực đoan đề nghị Trung Quốc tuyên bố thẳng, rằng không cần cái đường lưỡi bò ấy. Vẫn viên sĩ quan có bài trên mạng Thiết huyết nêu:
国际政治遵循的是丛林法则,有理没理不重要,重要的是实力,美国能占住遥远的夏威夷,英国能占住阿根廷门口的马尔维纳斯群岛,我们当然也能占住南海,这就是持强凌弱,没什么不好意思的。
"Pháp luật mà chính trị quốc tế tuân theo là pháp luật rừng (tùng lâm pháp tắc丛林法则), có lý không có lý không quan trọng, cái quan trọng nhất là thực lực. Nước  Mỹ có thể chiếm đóng Hawai xa xôi, nước Anh có thể chiếm quần đảo Manvinat ở ngay cửa khẩu của Achentina, thì chúng ta [tức Trung Quốc] cũng có thể chiếm biển Nam Hải! Đấy tức là kẻ mạnh lấn lướt kẻ yếu, có điều gì là xấu hổ đâu!"
Loại ý kiến cực đoan như dẫn trên cố nhiên không phải là quan điểm của Chính phủ Trung Quốc và chúng tôi chân thành tin rằng kiểu lý luận thời trung cổ ấy không chỉ bây giờ mà mãi mãi không bao giờ là quan điểm chính thống của nhân dân và chính phủ Trung Quốc!
Trung Quốc là một nước lớn, một trong năm thành viên của HĐBA, chúng tôi chân thành mong Chính phủ Trung Quốc cuối cùng sẽ nhận ra tính chất phí lý của chủ trương lãnh hải đường lưỡi bò, cùng các nước ĐNÁ và các nước có liên quan thực hiện các quy định theo Tuyên bố về cách ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC), tiến đến Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, để cuối cùng giải quyết hoà bình các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
* Tác giả là cán bộ viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã nghỉ hưu.

[1] Lâm Tuân 林遵: (1905-1979), nguyên tên là Lâm Chuẩn, biệt danh là Lâm Tôn Chi, nguyên quán Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến, từng du học Học viện Hải quân Hoàng gia Anh (1929), Viện Kỹ thuật hàng hải Đức (1939). Phó tuỳ viên QS ĐSQ THDQ tại Mỹ (1945). Hạm trưởng tàu hải quân TQ làm nhiệm vụ ở Nam Hải (1946). Sau 1949 được phong giáo sư chủ nhiệm bộ môn Hải quân Học viện QS TQ, Phó viện trưởng Học viện Hải quân, 1955 được phong Thiếu tướng GPQTQ; Đảng viên ĐCSTQ (1977). Mất ngày 176-7-1979.

“Đường lưỡi bò” phi lý và tham vọng bá chủ của Trung Quốc ở Biển Đông 

Nguồn gốc và ý nghĩa của "đường lưỡi bò" hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cũng không thống nhất được một sự giải thích hợp lý nào. Thậm chí, có học giả Trung Quốc còn cho rằng "không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó".

Nguồn gốc mập mờ của đường lưỡi bò
Tháng 5-2009, Trung Quốc gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và kèm theo một tấm bản đồ có vẽ 9 đoạn đứt khúc (còn gọi là "đường chữ U” hay "đường lưỡi bò”) thể hiện yêu sách bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế thừa nhận "vùng biển lịch sử” của họ được bao chiếm bởi "đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là từ đó đến nay mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ được cơ sở pháp lý của các đòi hỏi này nhưng hành động của họ thì lại ngày càng gia tăng gây hấn, xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ của nhiều quốc gia trong khu vực làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.
Công hàm ngày 7-5-2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ "đường lưỡi bò" với toàn thế giới. Trước đó, mặc dù "đường lưỡi bò" đã được thể hiện nhiều lần trong một số bản đồ lưu hành trong nước, nhưng Chính phủ của họ chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào trước cộng đồng quốc tế. Thậm chí trong những văn bản pháp lý quan trọng của Nhà nước Trung Quốc về các vùng biển như các Tuyên bố về Lãnh hải năm 1958, về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1992, về Đường cơ sở năm 1996, và về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998... "đường lưỡi bò" cũng không hề được nhắc tới.

Tàu Viking 2 của Việt Nam
Theo các học giả Trung Quốc, "đường lưỡi bò" lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam) được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948. Một số người cố đẩy thời gian xuất hiện của "đường lưỡi bò" xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng "đường lưỡi bò" do một người tên Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947 một viên chức của Cộng hòa Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân để thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin Pháp chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa năm 1933. Tuy nhiên họ cũng thừa nhận: "Không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?". "Đường lưỡi bò" khởi thủy có 11 đoạn vẽ bao gồm các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa chiếm hầu hết Biển Đông. Tuy nhiên, đến năm 1953, đường 11 đoạn được điều chỉnh lại thành 9 đoạn như ngày nay, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Đáng lưu ý là đến nay không có bất kỳ tài liệu nào cho biết tọa độ cũng như vị trí chính xác của "đường lưỡi bò".
Rõ ràng nguồn gốc và ý nghĩa của "đường lưỡi bò" hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cũng không thống nhất được một sự giải thích hợp lý nào. Thậm chí, có học giả Trung Quốc còn cho rằng "không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó" (Yann Huei Song). Gần đây, trên các trang mạng của Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều ý kiến của chính người Trung Quốc thắc mắc về việc "tại sao lại vẽ Nam Hải của chúng ta tới tận cửa nhà người ta?".

Bản đồ đường yêu sách 9 đoạn (đường lưỡi bò) Trung Quốc gửi kèm công hàm lên Liên hợp quốc năm 2009 phản đối báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia

Biên giới và chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, hệ trọng từ rất lâu trong lịch sử của mọi dân tộc. Các cơ sở pháp lý quốc tế đều coi trọng việc bảo vệ đường biên giới ổn định của các quốc gia. Do vậy, đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế. Vậy mà trong vấn đề "đường lưỡi bò" ngay đến cả người Trung Quốc, tác giả của đường yêu sách này, còn chưa biết nó được xác định cụ thể như thế nào thì làm sao có thể gọi đó là biên giới quốc gia được.
Tham vọng bá chiếm Biển Đông thành "ao nhà"
Theo TS Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội), với Công hàm ngày 7-5-2009 kèm theo bản đồ "đường lưỡi bò", có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận tính chất lịch sử của "đường lưỡi bò" và mặc nhiên coi Biển Đông là vùng biển lịch sử của Trung Quốc. Về lâu dài, sự nhập nhằng sẽ khiến đường này được ngộ nhận là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Họ cũng khéo léo kết hợp đường này với các khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa.
Như vậy, toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành "ao nhà" của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là vùng có tính chất lịch sử, phải thoả mãn ít nhất hai điều kiện: Phải thực thi chủ quyền thật sự liên tục, hoà bình và lâu dài; Phải có sự chấp nhận công khai hoặc im lặng không phản đối của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia láng giềng và có lợi ích liên quan. Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hoà bình và lâu dài. Không có một bằng chứng nào trong cổ sử Trung Quốc cho thấy Biển Đông là "ao nhà" của họ. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc không hề thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động của các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải của nhà Nguyễn (Việt Nam). Ngược lại, còn có những ghi nhận về sự thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động của hải đội Hoàng Sa như trường hợp năm 1774, quan huyện Văn Xương (Trung Quốc) giúp các dân binh Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc trở về nguyên quán. Trung Quốc cũng chưa bao giờ công bố công khai yêu sách "đường lưỡi bò" một cách chính thức trước cộng đồng quốc tế.

2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011
Mặc dù các học giả Trung Quốc cho rằng "đường lưỡi bò" tồn tại từ lâu không bị ai phản đối, thế nhưng "đường lưỡi bò" trước đây chỉ xuất hiện trong một bản đồ tư nhân, không phải là cái để các quốc gia khác có ý kiến. Hơn nữa, Hội nghị San Francisco 1951 cũng đã bác bỏ đề nghị về chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. "Đường lưỡi bò" còn mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 4-6-1958 về các vùng biển Trung Quốc. Trong Tuyên bố này rõ ràng Trung Quốc công nhận rằng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải bởi các vùng nước lịch sử.
Trong Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ nêu đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không hề xác định "vùng nước lịch sử". Ngày 15-6-1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và ban hành "Quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải", bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Điều này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và cũng là sự vi phạm các quy định của UNCLOS về vạch đường cơ sở.
Chủ quyền lãnh thổ không thể có được từ sự suy diễn dựa trên những dẫn chứng thiếu căn cứ. Do vậy, "đường lưỡi bò" không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn toạ độ địa lý, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không của cộng đồng quốc tế. Cộng đồng thế giới chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách chiếm cứ hầu hết toàn bộ Biển Đông như vậy và sẽ không bao giờ chấp nhận một vùng biển lớn, con đường hàng hải quốc tế quan trọng vào loại nhất nhì thế giới lại nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một quốc gia như yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Tọa độ tàu Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam cắt cáp của tàu Bình Minh 02
Trung Quốc luôn tuyên bố muốn có hòa bình, ổn định và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông một cách êm thấm. Thế nhưng, gần đây Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động gây căng thẳng nhằm áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò" chiếm gần trọn diện tích Biển Đông bất chấp quyền lợi của các nước trong khu vực cũng như chính các điều luật quốc tế mà họ đã công nhận và ký kết. Vào ngày 26-5 và 9-6-2011, tàu Trung Quốc đã hai lần xâm nhập cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hoạt động trong vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Ngày 27-5-2011, Việt Nam gửi Công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và quyền chủ quyền của Việt Nam ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày hôm sau, Trung Quốc đáp lại rằng những gì họ làm là "thực thi luật biển và các hoạt động giám sát là hoàn toàn bình thường trong vùng biển thẩm quyền của Trung Quốc".
Tàu ngư chính 311 tham gia giải cứu cho tàu cá Trung Quốc trong vụ cắt cáp tàu Viking 2 ngày 9-6-2011
Ngày 29-5-2011, Việt Nam tiếp tục phản đối hành động trên của Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng các tàu Việt Nam đã thực hiện việc thăm dò hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của mình, phù hợp với UNCLOS. Đây không phải là một khu vực tranh chấp mà cũng không nằm trong "vùng quản lý của Trung Quốc". Trung Quốc đã cố ý đánh lừa dư luận rằng đây là vùng tranh chấp. Hai ngày sau, Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố rằng hành động thực thi luật pháp của các tàu hải giám Trung Quốc chống lại việc các tàu Việt Nam vận hành bất hợp pháp là hoàn toàn chính đáng. Họ còn thúc giục Việt Nam phải "ngay lập tức chấm dứt những hành động xâm phạm và không được gây thêm rắc rối mới". Nhưng, theo các nhà bình luận quốc tế, thêm một lần nữa Trung Quốc đã không đặt tuyên bố của họ vào khuôn khổ của các vùng nước UNCLOS. Và Trung Quốc cũng không đưa ra ranh giới cụ thể cho yêu sách của họ cũng như trích dẫn ra bất kỳ điều luật quốc tế nào để có thể biện minh cho lập luận và hành động của họ.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) phân tích: Biển Đông giàu có tài nguyên trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Có thể khẳng định trong thời gian tới, vấn đề Biển Đông sẽ là nơi Trung Quốc không những giữ nguyên những tham vọng vốn có mà nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trước nhiều lần và càng bất chấp thiên hạ hơn". Theo ông Dy, hơn lúc nào hết, Việt Nam và các bên liên quan phải cảnh giác cao độ trước âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều trước tiên là phải làm cho toàn thể người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước thấy rõ sự đe dọa trực tiếp của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Từ đó, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, khôn khéo, sáng tạo trong đường lối, chính sách đối ngoại bảo vệ có hiệu quả nhất chủ quyền trên Biển Đông của nước ta.

Biển Đông: Tại sao trật tự của Trung Quốc lại có vấn đề?

 Tác giả: Nguyễn Chính Tâm

Việc chính phủ Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá, bắt ngư dân, sử dụng tàu hải giám giữ nhiệm vụ "giám sát" được miêu tả như trong vị thế của một hoàng đế, xem dưới gầm trời này tất cả điều là tài sản của thiên tử và không ngần ngại sử dụng vũ lực quân sự nếu lợi ích bị xâm phạm.

Lời dẫn: Luận điểm chính của bài viết này "Đi tìm một trật tự mới cho Biển Đông" cho rằng sự chuyển đổi nhanh chóng cấu trúc sức mạnh tại khu vực đã ảnh hưởng và thách thức trật tự hiện có tại biển Đông.
Với việc lý giải lại các điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) phục vụ tùy theo lợi ích, và nâng mức độ từ người tham gia, thành tác nhân "giám sát", Trung Quốc đang chuyển từ việc chấp nhận thỏa thuận ngầm trong những trụ cột trật tự hàng hải khu vực sang thái cực phản đối và đối chọi, dần dần trên đường xây dựng một trật tự dưới ảnh hưởng của mình. Những hành động này đang là nguồn gốc của căng thẳng xảy ra trong thời gian gần đây.
Hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung, một "trật tự mới" cần được tái lập trong đó nhấn mạnh nhu cầu bức thiết về quá trình „định chế hóa" như một giải pháp căn cơ lâu dài, trong đó phân biệt giữa „phương tiện" và „cứu cánh" trong cách tiếp cận chính sách cho các nước ASEAN và Việt Nam.
Phần 1: Tại sao "trật tự" của Trung Quốc là vấn đề?
Một khu vực "trật tự" hàm ý các hoạt động, sự việc xảy ra trong phạm vi này được quy định và kiểm soát. Thường thì bằng luật "cứng", được hiểu như điều khoản, quy định, pháp lệ. Như tại một ngã tư đèn đỏ là dừng, đèn xanh duy chuyển, còn đèn vàng là dấu hiệu chuẩn bị. Hay bằng luật "mềm", ví như cách hiểu giữa các thành viên cộng đồng; đồng thuận, giữ gìn và bày tỏ thái độ nếu có cá nhân nào vượt quá giới hạn cho phép. Như trong bệnh viện thì đi nhẹ nói khẽ, nơi công cộng nên có hành vi đúng mức, ưu tiên cho người thiểu năng, nhường nhịn phụ nữ có thai.
Điểm giao thoa của hai góc nhìn này là giúp cho quan hệ giữa thành viên có thể nhận diện bằng các tín hiệu được đoán trước. Nếu bệnh viện được phép hò la như sân đá banh, ai muốn ra vào lúc nào cũng được, hay không còn sự tương kính, nhường nhịn giữa người và người trong cộng đồng, thì tính "trật tự" sẽ không giá trị, và hành vi giữa mỗi người chuyển dịch theo một dấu hiệu khác.
Từ trật tự đến vô trật tự cách nhau một gang tay, là xuất hiện của một hành động ngược lại các quy chế, chuẩn tắc chung mà mọi người đang theo đuổi. Vô trật tự dẫn đến rối loạn vì thiếu vắng chỉ dấu dẫn dắt về hành vi.
Trên bình diện trong một quốc gia, Nhà nước và cộng đồng là hai tác nhân đảm bảo trật tự. Khi một cá nhân vi phạm, Nhà nước trừng phạt bằng luật lệ, xã hội răn đe bằng đạo đức. Trên bình diện quốc tế, sự việc phức tạp hơn, song hành nhiều góc nhìn nhận định.
Hình dung thứ nhất miêu tả thế giới là thực trạng vô chính phủ, khi một siêu nhà nước không tồn tại, và một siêu cộng đồng cũng không hiện hữu. Để đảm bao an ninh buộc các quốc gia giải quyết vấn đề bằng sức mạnh.
Cân bằng quyền lực là chính sách được tiến hành hàng thế kỷ qua từ Âu sang Á. Cân bằng nội lực thông qua tăng cường súng ống, khả năng quốc phòng. Ngoại lực bằng cách thiết lập liên minh, tham gia tổ chức liên kết quân sự. Điểm giữ cho hệ thống ổn định là mức độ cân bằng, tức là không có sức mạnh nào trở thành vượt trội.
Và đó là nguyên tắc phân định giữa góc nhìn thứ hai, xem sức mạnh là một phần của luật chơi, nhưng tính vượt trội của một siêu cường đóng vai trò then chốt. Thứ nhất, khoảng cách sức mạnh quá lớn để các nước khác có thể cân bằng. Thứ hai, siêu cường giữ vai trò lãnh đạo, "đứng mũi, chịu sào" bài toán "hàng hóa công", thứ rất cần cho việc thúc đẩy hợp tác, nhưng đắt, và ít cá nhân nào có khả năng chi trả, hay chấp nhận trả một mình. Có thể kể đến vai trò của Hoa Kỳ trong trong công cuộc tái thiết châu Âu với kế hoạch Marshall hay Đức quốc và Pháp trong kế hoạch thống nhất EU. Hay dàn binh bố trận của hải quân Mỹ để đảm bảo tự do lưu thông trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trật tự lúc này ổn định nhờ sự có mặt của "vương quyền".
Vượt qua bài toán sức mạnh, hình dung thứ ba được xây dựng trên cơ sở luật và chuẩn tắc. Luật pháp qui phạm những hành vi hợp pháp, và không hợp pháp. Chuẩn mực quy phạm những việc nên hay không nên. Liên Hiệp Quốc (Hiến chương, các bộ luật quốc, các cơ quan chấp pháp) và công luận quốc tế là phiên bản gần nhất cho hình dung về một công lý tối thượng, và một giá trị bao trùm. Bên cạnh đó là quá trình định chế hóa các mối quan hệ quốc tế với lập luận: luật là điều kiện cần, chuẩn tắc đằng sau luật là điền kiện đủ đề điều khiển tất cả hành vi.

Ảnh minh họa BBC
Có sức mạnh của sự cân bằng, có siêu cường nắm vai trò ổn định và tồn tại luôn những cơ chế  pháp lý chính thức cũng như bán chính thức đề quy định hành vi, Biển Đông và tranh chấp tại đây vẽ lên bức tranh hỗn hợp. Bức tranh này tuy vậy đang dần dần ngược lịch sử về quá khứ, khi xu hướng sức mạnh và tự diễn dịch (thay vì giải quyết bằng luật pháp và tìm đồng thuận) đang dần dần nắm thế thượng phong.
Thứ nhất, xuất phát từ sự khác biệt về quan niệm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc, tự do hàng hải tại khu vực đang được định nghĩa lại dưới một lăng kính khác.
Theo UNCLOS, các nước ven biển có chủ quyền tuyệt đối tại vùng biển nội thủy và lãnh hải (không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở), và hưởng thụ quyền lợi kinh tế bao gồm khai thác, thăm dò, đánh bắt v.v... tại EEZ (rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở). Trong khi các hoạt động quân sự, do thám, nghiên cứu của tàu thuyền nước ngoài hoàn toàn không được cho phép trong vùng lãnh hải, hoạt động này được xem là không vi phạm quy chế trong khu vực EEZ.
Ngược lại, Trung Quốc cho rằng các quốc gia ven biển không những có thẩm quyền kinh tế đối tại EEZ mà còn thẩm quyền về tất cả hình thức hoạt động khoa học khác. Điều này có nghĩa là mọi công tác nghiên cứu, đo đạc, khảo sát thủy văn đều phải được sự cho phép quốc gia ven biển.
Việc tàu do thám Impeccable năm 2009 là một thí dụ cho thấy các diễn dịch và hành xử mới của chính phủ Bắc Kinh về luật Biển. Làm nhiệm vụ thăm dò cách đảo Hải Nam 75 dặm phía Nam, bên ngoài lãnh hải, nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, Impeccable đã bị nhiều tàu Trung Quốc bao vây.
Phía Mỹ lập luận, Trung Quốc vi phạm luật và thông lệ quốc tế, vì Impeccable chỉ thực công việc khảo sát, và không có dấu hiệu gì cho thấy đã gây tổn thương đến quyền lợi kinh tế theo quy chế EEZ. Đáp trả, Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ lợi dụng quyền tự do giao thông chuyển hướng tiến hành hoạt động thu thập tình báo, gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Qua sự kiện trên có thế thấy rằng, thỏa hiệp giữa quyền kinh tế của quốc gia ven biển và quyền vận chuyển quá cảnh của các nước theo tập quán quốc tế - dưới góc nhìn của Bắc Kinh - nên được thay thế bằng nâng cấp mức độ EEZ tương đương với quy chế lãnh hải, nơi nước ven biển được hành xử chủ quyền một cách không giới hạn.
Bằng cách hợp thức hóa thông qua pháp lý (đạo luật đặc quyền kinh tế trong Bộ Luật Khảo sát và Bản Đồ năm 2002, mở rộng từ điều số 9 của luật Biển 1998 quy định cấm tàu các nước khác khảo sát, đo đạc trong EEZ), cùng áp lực ngoại giao (Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Mỹ giảm dần, tiến tới chấm dứt các chiến dịch tuần tra khảo sát vùng biển để tránh "va chạm về hàng hải"), Trung Quốc dần dần định chế hóa khu vực EEZ của mình thành khu đặc quyền quân sự.
Một mặt đây có thể xem như một cố gắng giảm dần ảnh hưởng của Mỹ trong vùng biển Đông. Mặt khác, mâu thuẫn với điểm đầu tiên, chính phủ Bắc Kinh lại cho phép mình "tự do hàng hải" trên khu vực EEZ của các nước tranh chấp khác.
Và khác với các quốc gia ven biển có lập luận tương tự, nhiều chỉ dấu thể hiện rằng việc thụ hưởng quyền này đang hình thành dựa trên nền tảng sức mạnh chiến hạm thay vì định chế giữ tiếng nói cuối cùng. Bài viết mới đây của tác giả Dana Dillon trên tạp chí Policy Review ví von biển Đông là đụng độ giữa hai thế giới quan, một là của cộng động thế giới qua lăng kính "chủ quyền quốc gia" như trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS quy định, một là "trung tâm-ngoại vi" của Trung Quốc với Bắc Kinh ở tâm điểm cùng nhiều vệ tinh quay xung quanh như mô thức chư hầu trong lịch sử.
Dưới góc nhìn trên, việc chính phủ Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá, bắt ngư dân, sử dụng tàu hải giám giữ nhiệm vụ "giám sát" được miêu tả như trong vị thế của một hoàng đế, xem dưới gầm trời này tất cả điều là tài sản của thiên tử và không ngần ngại sử dụng vũ lực quân sự nếu lợi ích bị xâm phạm. Nếu trở thành chính sách chủ đạo, "trật tự mới" của Bắc Kinh rõ ràng không những đe dọa nghiêm trọng nguyên tắc chủ quyền mà các quốc gia trong vùng xem như "tối thượng", mà còn góp phần hiện thực hóa dự đoán bi quan của trường phái duy thực xem tương lai của châu Á là quá khứ của châu Âu: là chiến tranh, đụng độ, xung đột vũ trang.

Trật tự mới cho Biển Đông: Sức mạnh hay thể chế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?