Bình thường, Giang và mẹ chồng vốn không ưa gì nhau. Tình cảm giữa hai mẹ con nếu có chẳng qua cũng chỉ là đối phó và để che mắt thế gian. Ngay từ đầu, bà không hề ưng ý cô con dâu mà con trai bà lựa chọn. Ngày Giang bước vào nhà Quân, ra mắt mẹ chồng tương lai, bà đã nguýt dài ngán ngẩm: “Người đâu mà nhìn từ đầu đến chân lảnh khảnh, ẻo ợt như tiểu thư con nhà giàu trong khi xuất thân từ vùng nông thôn ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’. Rồi chả làm nên trò chống gì đâu, lại khổ cái nhà này”.
Những tưởng sự nhỏ nhẹ, và cố gắng hết sức nhẫn nhịn chiều lòng mẹ chồng thì tình cảm giữa hai người sẽ tốt hơn nhưng mỗi khi nghe giọng thỏ thẻ của Giang cất lên, bà lại nổi xung: “Sinh ra cái miệng để nói cho người khác nghe mà cứ di dí để lời trong miệng thế kia thì nói cho đầu gối cô nghe à?” hoặc mỗi khi bà sai bảo điều gì, nghe Giang một dạ, hai vâng bà lại luyên thuyên một hồi: “Người gì mà cứ lừ đừ như cái máy, chỉ biết chỉ đâu làm đó. Sao cô không tự làm được việc gì cho ra hồn nhỉ?! Không biết rồi lúc con cái thì cô xoay sở thế nào nữa. Khốn khổ cái thân tôi, có cô con dâu cứ đù đù như chuột chù thế này”.
Mệt mỏi vì lắm lúc chuyện chẳng đâu với đâu, mẹ chồng Giang cũng “vẽ” ra cho nó thành chuyện lớn rồi trong bữa ăn lại lặp đi lặp lại bài ca muôn thủa: Chán con dâu thế này; Chán con dâu thế kia; Đụng đến việc gì cũng không thể lọt mắt… dần dần Giang sinh ra thói chống đối với mẹ chồng. Nghe bạn bè tương kế tựu kế “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Mẹ chồng Giang đã trở thành bà phù thủy thì Giang phải cao tay hơn, họ bày cho Giang cách chống đối độc chiêu với mẹ chồng là “lì, lì và lì” – bỏ ngoài tai tất cả những điều mẹ chồng nói, thích làm những gì mình thích “vì đằng nào bà chả chê”.
Nhẫn nhịn mãi vẫn không thể lay chuyển được tâm tính mẹ chồng, Giang bắt đầu “thi gan” xem ai hơn ai. Mỗi ngày đi làm về, Giang chui vào phòng, tắm giặt tinh tươm xong mới xuống dọn bàn ăn. Mẹ chồng có phàn nàn con dâu lười việc hay gì gì nữa thì cô đáp gỏn gọn: “Đằng nào thì con cũng mang tiếng dâu vụng với họ hàng và cả khu phố này rồi thì có lười thêm tí cũng chả sao”. Mẹ chồng nghe vậy thì nóng mặt nhưng không thể làm gì bởi cô con dâu bỗng nhiên thay tính đổi nết, không còn một dạ hai vâng, “lùi lũi làm như cái máy” mà bà thi thoảng vẫn xúc xiểm Giang. Ăn cơm xong, Giang thu dọn bát đũa, cho vào bồn rửa để cho cô em chồng trước đây vốn ngồi khểnh chân xem tivi sau mỗi bữa ăn rửa còn mình, lau tay rồi nhanh chóng đi về phòng. Giang cũng “quên” luôn cả cái lệ phục vụ trò chuyện với mẹ chồng khi bà ở phòng khách, vừa xem phim và ăn hoa quả.Thấy thái độ của Giang, mẹ chồng vô cùng tức tối nhưng tất cả những “tính nết xấu xa” bây giờ của con dâu, bà đã phao tin cho cả phố biết trước khi Giang thay tính đổi nết rồi còn đâu, giờ có nói lại không khác gì bà là bà mẹ chồng cay nghiệt, chỉ biết suốt ngày soi mói, xét nét nàng dâu…
Cho đến một hôm, tình huống oái oăm bỗng xảy ra khiến bà xấu hổ, ngượng chín mặt từ đó không dám so đo gì với con dâu. Hôm đó, giữa buổi làm, Giang cảm thấy người khó chịu nên xin phép nghỉ làm về nhà sớm. Vừa đẩy cửa bước vào nhà, Giang đã nghe tiếng mẹ chồng và cô em chồng đang ríu rít trong phòng ăn: “Hôm qua, mẹ bảo thằng Quân (chồng Giang) giấu nàng ‘dâu đảm’ cho mẹ mấy triệu. Cộng với tiền của mẹ, mẹ mua cho mày hai chỉ vàng. Mau cất đi. Còn mấy con cua mẹ vừa hấp trên bếp, mày ăn một con, để dành cho anh mày một con. Của ngon thì chỉ có con mẹ đáng được ăn thôi…”. Đúng lúc này, Giang hầm hầm, nện mạnh gót giầy xuống nền nhà, bước vào… Mẹ chồng lúng túng, miệng chỉ còn biết ú ớ.
Tối đó, Giang để mặc mẹ chồng dọn bàn ăn, vừa bê mâm cơm đặt lên bàn, Giang nghiêm mặt, vẻ tức tối liếc nhìn mẹ chồng, mẹ chồng toan lên tiếng so đo nhưng dường như nhớ ra điều gì khiến bà khựng lại rồi quay lưng bỏ đi.Những nàng dâu đáo để
Trong xã hội phong kiến, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu chủ yếu là do mẹ chồng quá cay nghiệt, xét nét. Còn hiện nay, mâu thuẫn này có sự tác động qua lại từ hai phía, trong đó nhiều nàng dâu đã không làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, còn tìm cách áp chế mẹ chồng.
Khi mẹ chồng hóa... người giúp việcBà bạn cùng cơ quan với tôi đã nghỉ hưu, kinh tế gia đình khá giả, có nhà mặt phố ở Hà Nội, lại xây hẳn một cơ ngơi khang trang, rộng rãi ở quê để một năm vài lần giỗ, Tết lấy chỗ đi lại, nghỉ ngơi. Hai anh con trai bà chỉ hơn kém nhau một tuổi, lại công tác ở những doanh nghiệp lớn giữa Thủ đô nên chỉ cần đánh tiếng “kén dâu” là nhiều gia đình đã “bắn tin” muốn làm thông gia.
Thế là chỉ trong vòng mấy tháng, gia đình bà “phát hành” 2 đợt thiếp mời cưới cho 2 con trai, mỗi đợt chừng 700 – 800 thiếp. Tiệc cưới được tổ chức trang trọng ở những khách sạn có “sao” bên Hồ Tây, tốn kém không ít. Xong việc cưới xin, bạn tôi mừng lắm vì từ nay sẽ có 2 nàng đỡ đần việc nội trợ, nâng giấc tuổi già. Nhưng không ngờ, ngay sau “tuần trăng mật” cô con dâu lớn đùng đùng đòi ra ở riêng với lý do: “Chúng con còn trẻ, cần được tự do, nhà mình bây giờ đông người quá, ở chung không tiện”. Thế là bà mẹ phải bỏ ra cả tỷ bạc để mua một căn hộ, trang bị đầy đủ tiện nghi, nội thất để “mời” 2 con đến ở.
Cô này vốn là nhân viên hành chính ở một cơ quan quận nội thành nhưng đã mất việc. Lúc đầu bà mẹ chồng không ưng, nhưng vì anh con trai cứ một mực đòi cưới nên bà đành nhượng bộ. Mới cưới được 5 tháng con dâu sinh cho bà một đứa cháu trai, hằng ngày bà phải khóa cửa nhà mình đi bế cháu đích tôn. Suốt ngày bà tã lót dầm dề, bón mớm từ giọt sữa đến thìa cháo, rồi rửa bát, lau nhà... Từ địa vị bà chủ, mẹ chồng trở thành “người giúp việc”. Đã thế, bà còn thường xuyên bị con dâu trừng mắt quát: “Sao giờ này bà vẫn chưa cắm cơm? Sao nhà bề bộn thế mà chưa dọn? Bà cho thằng bé ăn gì mà da nó mẩn đỏ lên thế này?
Đấy là chuyện cô con dâu cả, cô con dâu thứ hai xem ra còn “quý phái” hơn nhiều. Bố là sỹ quan quân đội về hưu, lương bổng khá; mẹ là kế toán trưởng một doanh nghiệp cỡ hàng đầu của Hà Nội, thu nhập hàng tháng vài chục triệu nên cô này luôn ỉ thế nhà mình giàu có hơn nhà chồng. Tự coi mình là “cành vàng lá ngọc” nên dù đã làm vợ, cô vẫn “không biết” thổi cơm, chợ búa. Cô tự hào một cách hồn nhiên với mẹ chồng: “Trước đây ở nhà con có phải làm gì đâu, mọi thứ mẹ con và người giúp việc làm cả...”.
Sinh con được 4 tháng cũng là 4 tháng “cấm cung” trong phòng. Mẹ chồng chợ búa, nấu nướng, giặt rũ, bưng cơm, đồ uống tráng miệng đến tận giường ngủ cho con dâu, nhưng không một lần nhận được câu: “Con cảm ơn mẹ”. Con đi làm, hôm nào bố mẹ chồng cũng chờ cơm, nhưng 2 con thường về muộn, bố mẹ nhắc nhở, lại còn xẵng: “Bố mẹ cứ ăn trước đi, chờ làm gì cho rách việc”. Thế là bố mẹ chưng hửng!
Quá vất vả vì con cháu, bà mẹ sinh ra đau ốm luôn nên phải nhờ người giúp việc. Nhưng không người nào ở được quá 1 tháng, vì con dâu đòi hỏi người ta quá khắt khe. Nào là người giúp việc phải “hợp tuổi” với con mình, nào là không được dùng điện thoại để tránh cho trẻ con không bị nhiễm từ, nào là phải ngủ qua đêm với đứa trẻ vì mẹ nó cần được ngủ “đẫy giấc” để mai còn đi làm. Nói tóm lại, các cô con dâu chỉ việc đẻ con mà không phải nuôi. Ngay cả đến việc cho con bú cũng không vì “không có sữa”, thực chất là muốn giữ bộ ngực cho khỏi “mướp”.
Cần trang bị cho con trước khi về làm dâu
Cách đây 1 tuần, bà bạn tôi mặt mày ủ rũ báo tin: “Con vợ thằng lớn nộp đơn ly hôn chồng rồi. Chắc là bây giờ sớm tối chạy hàng chuyến Lạng Sơn, Móng Cái... lại “mắc” với anh tài xế, lơ xe nào đó. Thôi cũng đành, cái ngữ con dâu ấy cũng chẳng nên tiếc làm gì...”. Bà kể tiếp: “Mấy hôm nữa ông nhà tôi nghỉ hưu, chúng tôi quyết định về ở hẳn dưới quê cho rảnh, chúng nó ở trên này muốn làm gì thì làm. Những tưởng có con dâu, cháu bế cháu bồng gia đình thêm đầm ấm, hạnh phúc, nhưng không ngờ... Chẳng dại gì mà nấn ná để luôn là một người giúp việc “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Đó mới là chuyện nàng dâu ở thành phố, còn ở làng quê? Tháng trước, cô em gái tôi ở quê lên Hà Nội chơi than phiền: “Cái đứa con dâu nhà em nó chẳng biết làm gì bác ạ. Thổi nồi cơm, giặt mấy bộ quần áo không xong. Hiếm khi thấy nó cầm cái chổi quét nhà. Mọi việc trong gia đình đều đến tay mẹ chồng. Đẻ được đứa con trai thì cứ nghĩ mình vừa sinh ra “Hoàng thái tử”, nên vênh vang... sinh con cả tháng mà vẫn kiêng cữ, không ló mặt ra ngoài. Đến cái bô vệ sinh cũng phải người khác đi đổ. Đã vậy suốt ngày mặt mũi cứ nặng như chì, sưng sỉa lên cứ như người khác “có lỗi” với mình”.
Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng đây đều là chuyện không vui của những cô con dâu thời hiện đại. Đó cũng là những tiếng chuông khuyến cáo các bậc cha mẹ có con gái trước khi về nhà chồng nên chuẩn bị cho con kỹ năng “làm vợ, làm mẹ và cả làm con” một cách đầy đủ, chu đáo.
Tình yêu thương, chiều chuộng của con người chỉ có giới hạn. Một khi bố mẹ chồng hết lòng vì con cháu, thậm chí hy sinh cả sự an nhàn của tuổi già và cả núi tiền bạc, nhưng lại không nhận được sự “đền đáp” dù chỉ là lòng biết ơn, sự động viên, an ủi... thì dù con dâu có là “lá ngọc cành vàng” đi nữa cũng chỉ trở thành “cành vàng lá... mục” mà thôi.
Mẹ chồng nàng dâu và 5 vấn đề không thể giải quyết
1. Mẹ chồng ghen vì con dâu đã “cướp” con trai mình
Với các bà mẹ, mang thai 9 tháng 10 ngày để sinh ra đứa con vô cùng vất vả. Không chỉ vậy, ngay từ bé, các mẹ chồng đã quen với việc chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ cho con trai, quan tâm và để ý tới việc con thích gì, muốn làm gì.
Bởi vậy, khi bỗng dưng có một người con gái lạ đã xuất hiện rồi “cướp” quyền chăm lo cho đứa con trai mà bà rất mực yêu thương là điều không dễ gì chấp nhận.
2. Nàng dâu luôn nghĩ “mẹ chồng là người ngoài”
Nhiều nàng dâu luôn có suy nghĩ rằng “mình lấy chồng chứ không lấy cả gia đình nhà chồng, mẹ chồng chỉ đơn thuần là người sinh ra chồng mà thôi”. Suy nghĩ này luôn ám ảnh và khiến các nàng dâu cảm thấy bực bội kể từ khi bước chân về nhà chồng.
Họ không dám nhờ mẹ chồng giúp đỡ việc nhà như nhờ mẹ đẻ. Việc mẹ chồng để nàng dâu tự lo toan, quán xuyến toàn bộ công việc trong gia đình càng khiến nhiều nàng dâu cảm thấy vô cùng ức chế. Họ nghĩ: “Tại sao lại như vậy? Tại sao mình lại phải nghe lời của mẹ chồng, tại sao mình lại phải làm theo tất cả những gì bà muốn?”.
3. Mẹ chồng nàng dâu không thể cùng “chiến tuyến”
Mẹ chồng là mẫu phụ nữ truyền thống, luôn quan niệm “làm vợ là phải chăm lo cho gia đình và không cần thiết phải quá đầu tư vào sự nghiệp”. Trong khi đó, nàng dâu lại là mẫu phụ nữ hiện đại có suy nghĩ trái ngược với mẹ chồng. Vì vậy, thật khó chấp nhận khi mẹ chồng luôn để ý, soi xét từng hành động, cử chỉ, hơn nữa lại luôn có vẻ không hài lòng khi nàng dâu ăn mặc đẹp hơn hoặc trang điểm khi ra ngoài. 4. Bất đồng trong phương pháp dạy trẻ
Công việc bận rộn và nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống khiến các nàng dâu không có nhiều thời gian chăm sóc con mình. Và vì thế, các nàng dâu buộc lòng phải nhờ tới sự giúp đỡ của ông bà. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như phương pháp nuôi dạy trẻ của hai người giống nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây chính là mẹ chồng và nàng dâu lại có suy nghĩ và phương pháp nuôi trẻ khác hẳn nhau.
Nếu như nàng dâu hàng ngày lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức nuôi dạy trẻ khoa học hơn thì các mẹ chồng vẫn làm theo ý mình với suy nghĩ “ngày xưa mẹ vẫn nuôi chồng con như thế, có sao đâu, vẫn lớn khôn cả đấy thôi”. Không thể thuyết phục mẹ chồng, nàng dâu đâm ra bực bội và mâu thuẫn nảy sinh.
5. Nàng dâu ức chế vì bị mẹ chồng can thiệp vào cuộc sống riêng
Mặc dù con trai đã lấy vợ nhưng phần lớn các mẹ chồng vẫn quan tâm và chăm sóc cho con trai. Bà thường xuyên vào phòng riêng của hai vợ chồng và đôi khi tự ý thay đổi vị trí đồ đạc theo ý mình. Các nàng dâu thì coi đó là sự xâm phạm đời sống riêng tư và cảm thấy mình không được tôn trọng. Mâu thuẫn cũng từ đó mà phát sinh.
Muôn thuở chuyện mẹ chồng - nàng dâu
Làm dâu thật khó, không khéo ăn khéo nói thì bị chê là vụng giao tiếp, không khéo cư xử. Khéo nói quá lại bị cho là giả dối, cũng không được lòng nhà chồng.
Nàng dâu khéo nịnh
Ngày chủ nhật được nghỉ, đưa cu Bi về thăm bà ngoại, chị Minh (Thanh Trì, Hà Nội) liền bị mẹ gọi ngay vào phòng riêng nhắc nhở: “Con dạo này lười lắm phải không, bỏ bê việc nhà, ngay đến chồng con cũng để mặc bà nội lo là sao? Lấy chồng gần nhà nên cái gì rồi cũng đến tai bố mẹ, vậy nên con liệu liệu mà cư xử cho đỡ xấu mặt bố mẹ đấy nhé”. Chị Minh ngẩn người, chẳng hiểu đầu đuôi thế nào mà mẹ lại nói như vậy.
Chị yêu và cưới trong sự tấm tắc của bà con lối xóm: “Con bé thế mà thông minh, lấy chồng gần ngay bố mẹ để sau này được nhờ”, rồi thì “đúng là con gái mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”...
Nhưng chị Minh cũng hiểu, lấy chồng gần cũng có cái hại của nó, có chuyện gì không hay ho thì chỉ mấy phút sau là bay đến tai hai nhà ngay, chị mà không cẩn thận lại làm bố mẹ mình mang tiếng không biết dạy con. Biết thế nên trong mọi chuyện chị đều phải chú ý, từng cử chỉ, lời nói đến nét mặt, chẳng dám làm phật lòng nhà nội bao giờ. Thế mà nay, mẹ chị không biết nghe phong phanh chuyện gì lại nói như vậy.
Đúng là dạo này chị bận làm thêm ngoài giờ cho kịp lô hàng sắp xuất khẩu, ngày nào cũng 7, 8 giờ mới về đến nhà. Cơm nước đã sẵn sàng, chị cũng không phải nấu. Nhưng còn chuyện chồng con, chưa bao giờ chị bỏ bê. Con trai gửi bà ngoại, chiều nào bà cũng cho cháu ăn rồi bà nội chỉ việc sang đón về, trông cháu mấy tiếng đồng hồ cho đến khi chị về. Chị cũng đã nói khéo với ông bà để ông bà đừng nghĩ là chị “trốn” việc nhà. Các món ăn do ông bà nấu chị cũng chẳng dám chê, thậm chí còn khen ông bà nấu ngon. Thỉnh thoảng chị lại mua biếu mẹ chồng bộ quần áo hoặc mảnh vải… Chị không muốn bị nói là sống như ở trọ.Thế nào mà có người đánh tiếng sang cho mẹ chị rằng chị bị chê là lười nhác. Hóa ra mẹ chồng chị ngoài miệng thì cười nói chị yên tâm công tác nhưng sau đó lại đi nói chuyện với hàng xóm: “Con dâu tôi giỏi giang lắm, việc nước thì chẳng ai bằng, nhưng việc nhà thì toàn trốn thôi, chỉ được cái mồm khéo nịnh là nhanh”.
Nàng dâu… khéo ăn
Không lấy chồng gần như chị Minh, cũng không mang tiếng “trốn” việc, chị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) lại được mẹ chồng tặng cho danh hiệu “nàng dâu khéo ăn”. Số là chị Hải vốn “tinh ăn”, lại thẳng tính hay nhận xét nên cứ hễ ăn món gì ngon hay không là chị lại “phát biểu ý kiến”. Hồi mới về làm dâu, thấy bố mẹ chồng kì cạch làm món nem rán không cho hành tây vì bố chồng chị bị dị ứng với hành, thế là chị ý kiến ngay: “Con thấy nem rán mà không cho hành tây thì mất cả ngon, chả thấy mùi thơm, nhà mình ăn kì lạ quá nhỉ!” Dù biết rằng chị không có ác ý, nhưng ông bà cũng có vẻ phật lòng. Lần khác, cùng nấu cơm với mẹ chồng, liếc thấy mẹ chồng cho cả chỗ cà chua vào nồi nước canh chua, chị Hải đã kêu toáng lên: “Sao mẹ lại không xào cà chua trước chứ, thế này thì canh làm sao có màu được, nhìn chẳng ngon mắt đâu”. Nói vậy thôi chứ chị cũng không để ý thái độ của mẹ chồng, nếu tinh ý ra, chắc chắn chị sẽ thấy mẹ chồng đang dành cho mình ánh mắt không mấy thiện cảm.
Rồi không ít những lần khác nữa, ngồi vào mâm cơm, món nào chị nấu thì không sao, nhưng người khác nấu là thế nào chị cũng cho nhận xét: món khoai tây chiên này giòn thế?; canh cà bung mà chả thấy mùi thơm của cà đâu?; sao rau luộc lại đỏ như vậy?… Dù được nhắc nhở nhiều lần, nhưng dường như thói quen “làm giám khảo” đã ăn sâu vào máu nên chị cũng chẳng thay đổi được là bao. Vẫn biết tính chị là vậy, không khéo ăn khéo nói và không để bụng bao giờ nhưng bố mẹ chị có thể bỏ qua cho con gái chứ bố mẹ chồng thì không. Mỗi lần nhà có khách, hễ khách khen ông bà có cô con dâu khéo nấu nướng là y như rằng mẹ chồng chị lại nói xéo làm chị Hải không ít phen đỏ mặt: “Tôi tốt phước mới có cô con dâu có mồm tinh ăn, nấu ăn ngon hơn hẳn cả nhà nên mẹ chồng mà nấu là con dâu thấy khó ăn lắm”.
Sẽ là không thiếu những hoàn cảnh, những xung đột hay bất hòa trong cuộc sống làm dâu. Trong mối quan hệ nhạy cảm này không thể nói tại ai, tại nhà chồng, nhất là mẹ chồng khó tính hay tại bởi con dâu không biết hòa đồng với nhà chồng. Có chăng, mỗi người nên hiểu và thông cảm với nhau một chút để cuộc sống dung hòa hơn.
Là phận làm dâu, đừng quá khách sáo đến nỗi cứ phải nịnh nọt hay biếu xén lấy lòng bố mẹ chồng để rồi bị cho là giả tạo. Nhưng cũng đừng quá suồng sã đến nỗi cái gì cũng có thể chê thẳng thừng để rồi làm mất lòng người khác.
Là bậc cha mẹ, đừng quá xét nét con dâu, bởi sau thời gian cùng chung sống thì dâu rể gì cũng là con mình, hãy cứ coi con dâu như con gái thì chắc chắn mẹ chồng nàng dâu sẽ hiểu và thông cảm với nhau hơn.
'Mất hứng' vì... mẹ chồng
Đang cao trào "yêu đương", vợ chồng Quyên giật bắn mình quơ vội chăn đắp lên người khi bà mẹ đẩy cửa bước vào để tìm… cái kéo.
Ngay khi chuẩn bị cưới, Quyên đã nhắc Trung làm cái khóa cửa ở phòng tân hôn nhưng anh cứ ừ hữ. Sau cưới, bị giục nhiều lần, Trung mới nói thật là đã định làm nhưng mẹ cản, bảo lâu nay nhà vẫn thế, vợ chồng mày có chuyện gì giấu giếm hay sao mà phải khóa trong. Anh đành thôi vì sợ mẹ tự ái.
Mẹ Trung góa chồng sớm, ở vậy nuôi con nên chăm sóc Trung từng ly từng tí. Bà quen can thiệp vào mọi mặt trong cuộc sống của con nên khó chấp nhận việc sau khi lấy vợ, Trung lại làm khóa phòng riêng để cấm bà vào.
Vì vậy mỗi lần âu yếm nhau, vợ chồng anh chỉ có thể khép cửa, chặn cái ghế để người bên ngoài nếu đẩy thấy nặng thì biết ý bỏ đi.
Nhưng bà mẹ không làm thế mà đẩy mạnh tung cả ghế, vào phòng con chỉ để đưa cho ca nước, đĩa trái cây, tìm cái kéo… hay hỏi han, nhắn nhủ một câu vô thưởng vô phạt nào đó, nhiều lần khiến đôi vợ chồng trở tay không kịp.
“Mẹ biết thừa những lúc đó chúng mình đang làm gì, cứ như là cố ý ấy” - Quyên nuốt nước mắt nói với chồng.
Trung cũng cảm thấy vậy, nhưng không dám nói vì một lần góp ý đã khiến bà nổi cơn tam bành: “Tao cũng chỉ muốn chăm sóc mày, sao lại nỡ nói tao thế”.
Bất lực, ấm ức, cộng với tâm trạng lo lắng bất an mỗi khi “yêu” nên Quyên không còn cảm hứng với chuyện chăn gối.
Chị Thương (Hà Đông, Hà Nội) cũng ức chế vì không có được sự riêng tư do sống chung với mẹ chồng, vốn ở quê lên chăm cháu. Nhà thuê, chỉ có một phòng, được ngăn đôi bằng chiếc tủ. Giường của vợ chồng Thương có thêm cái rèm.
Đêm, bà mẹ thường vén màn ở giường con xem em bé ngủ có ngon không, có bị rơi chăn không… và đã vài lần bắt gặp cảnh "chăn gối" của con.
Sau những lần cả hai bên đều xấu hổ như vậy, Thương tưởng mẹ chồng sẽ rút kinh nghiệm, khi vào sẽ báo trước, nhưng rồi bà vẫn… quên. Chỉ cần nghe bé khóc hay nhớ cháu là đột ngột lại vén màn.
Không thể ái ân trong cảnh thấp thỏm như vậy, Thương thường từ chối mỗi khi chồng đòi hỏi, những lần không chối được, cũng phải “đánh nhanh thắng nhanh” nên chẳng có cảm xúc gì. Sau đó, họ thuê nhà khác có phòng riêng nhưng chứng lãnh cảm vẫn theo đuổi chị một thời gian khá dài.
Còn phòng riêng của vợ chồng Tú - Oanh (Thanh Trì, Hà Nội) có khóa đàng hoàng nhưng họ vẫn không tránh được stress.
Nhiều lần đang mặn nồng, nghe thấy mẹ xoay nắm đấm và giật cửa, rồi bà gọi toáng lên, cáu: "Việc quái gì mà phải khóa cửa thế này, rõ dở hơi. Mở nhanh cho tao vào kiếm cái bút". Mặc vội quần áo đi ra, trong lòng Oanh cứ ấm ức. Giận cá chém thớt, chị "cấm vận" chồng, trong khi bản thân cũng tắt hết "lửa".
Những phụ nữ lâm vào tình cảnh hờ hững với sex do ảnh hưởng của mẹ chồng như trên không hiếm. Theo bà Trần Thị Hồng Hà - chuyên gia tâm lý của Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình, Hội liên hiệp thanh niên, chuyện chăn gối luôn yêu cầu không gian riêng tư, nhất là với phụ nữ Việt Nam vốn e dè, kín đáo. Vì vậy việc bị bắt gặp hoặc luôn phải yêu đương trong nỗi lo bị bắt gặp sẽ khiến họ bất an, không hào hứng và không cảm nhận được những khoái cảm chăn gối. Lâu ngày, chẳng những chứng lãnh cảm có thể xuất hiện mà người phụ nữ còn dễ trở nên cáu gắt, trầm uất do những ức chế khó tâm sự với người ngoài.
Nguyên nhân sự xâm phạm thường là sự vô ý của các bà mẹ nhưng nhiều khi là do cố tình, nhất là với những bà mẹ chỉ có duy nhất một con hoặc phải một mình nuôi con khôn lớn. Khi con lấy vợ, họ thấy mất mát do phải chia sẻ tình cảm hoặc ghen với con dâu nên nảy sinh tâm lý “phá đám”.
Nhất thiết phải có khóa phòng riêng
Bà Hồng Hà khuyên rằng, cách duy nhất để tránh những tình huống trên là phải có khóa cửa phòng riêng, tốt nhất là trước khi cưới. Lấy nhau rồi vẫn chưa có khóa phải làm sớm, khóa hỏng thì sửa lại. Nếu bị mẹ phản đối vẫn cứ thực hiện, tùy từng hoàn cảnh mà có cách giải thích hợp lý, chẳng hạn: Bọn con đã quen khi vào phòng đóng cửa rồi, khi cần mẹ cứ gõ, con sẽ mở ngay; hay nhiều khi bọn con thay quần áo hay có những phút riêng tư, nếu không kín đáo thì là không tôn trọng mẹ… Có thể những lý do này không làm mẹ hài lòng nhưng rồi dần dần bà sẽ phải chấp nhận thực tế là phòng của con có khóa.
Trường hợp không thể có không gian riêng (như nhà chỉ một phòng, ngăn bằng rèm), người chồng nên khéo léo góp ý với mẹ, hoặc nhờ một bà cô bà bác có uy tín nào đó nói giúp một cách tế nhị.
Để mẹ đỡ chạnh lòng, nhất là những bà mẹ cô đơn, quen coi con là toàn bộ ý nghĩa cuộc sống, các cặp vợ chồng chỉ nên đóng cửa những lúc thật cần thiết, còn bình thường cứ mở để mẹ có thể ra vào thăm hỏi, hay xếp đặt đồ đạc… Nên hạn chế việc âu yếm nhau trước mặt bà. Thường ngày cần tỏ ra ân cần, quan tâm nhiều đến mẹ.
Về phía các bà mẹ, chuyên gia Hồng Hà cũng khuyên nên tôn trọng sự riêng tư của con cái. Khi con đã lập gia đình, nên chấp nhận một thực tế là nó đã khôn lớn, cần có không gian riêng, không thể can thiệp vào mọi chuyện như trước nữa. Mặt khác, nên quan niệm rằng việc làm khóa phòng riêng thể hiện sự tôn trọng cả hai bên.
Bố mẹ chồng quá xét nét
Dù được mọi người đánh giá là cô gái khéo léo biết cư xử nhưng trong mắt bố mẹ chồng, mọi việc Huyền làm đều không “lọt tai, vừa mắt”.
Ngọc Anh (25 tuổi), nhà ở Hoàng Mai – Hà Nội mới về nhà chồng chưa được bao lâu đã không thể nào chịu đựng được bản tính xét nét từng ly từng tý một của bố mẹ chồng. Ngọc Anh tâm sự: “Mẹ để ý tôi từ dáng đi đứng, đến quần áo ăn mặc, đến cách ngồi vào bàn ăn, cách gắp thức ăn. Tôi chỉ không may sơ sẩy một chút thôi là bị mẹ lên tiếng trách móc ngay: ‘Con gái không ai bước bước dài như thế. Bước ngắn lại. Mà đi ra khỏi cửa thì cũng phải biết ý tứ, đừng có mà quay lưng, chổng mông vào mặt bố mẹ chồng’, có khi thấy con dâu đang rửa bát, mẹ chồng lại đi vào nói oang oang: ‘Cơm thừa thì mang ra thùng nước gạo ngoài đầu ngõ đổ chứ ai lại đổ chung vào túi đựng rác. Bát thì cô cứ rửa có hai lần là sao. Rửa như thế đến lúc ăn lại toàn mùi nước rửa bát cho mà xem’.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Có khi ngồi trong mâm cơm rồi mà mẹ chồng cũng chẳng tha cho Ngọc Anh: “Con gái ăn uống thì gắp từng ít một thôi”, “ấy, đừng đặt cái muôi canh xuống mâm, đặt vào trong cái bát kia kìa. Cô gắp cái gì thì cho bát vào gần cho khỏi rớt ra mâm”… Mỗi lần nghe mẹ chồng nói, Ngọc Anh không khỏi ấm ức, vì bà để ý quá mức. Dù sao thì từ trước đến nay cô luôn được bạn bè và người thân đánh giá là cô gái biết cư xử, ăn nói lễ độ. Vậy mà mẹ chồng bao giờ cũng tìm ra được những điểm sai sót dù là nhỏ nhặt nhất để trách móc cô.
Cũng cùng cảnh ngộ có mẹ bố mẹ chồng quá kĩ tính và hay xét nét, nhưng Huyền (27 tuổi), Nguyễn Ngọc Nại – Hà Nội còn buồn bực hơn khi bố mẹ chồng lúc nào cũng ngấm ngầm nói xấu cô với những người xung quanh. Huyền luôn phải âm thầm chịu đựng những điều gièm pha của mọi người sau lưng mình. Có lần đi làm về, tình cờ Huyền thấy mấy người trong ngõ ngồi chơi tụ tập với nhau. Thấy Huyền đi qua, họ ra vẻ chỉ trỏ và thì thầm: “Con dâu nhà bà Vân đấy. Gớm! Nghe bà ấy than, cô con dâu này làm gì cũng cẩu thả. Lúc nào cũng chỉ cốt cho nhanh, còn lại thì bếp núc cứ gọi là nham nhở, bẩn thỉu…”. Nghe những gì họ nói khiến cô tức đến uất nghẹn trong người mà không biết phải thanh minh thế nào.
Huyền tâm sự rằng: “Từ ngày về làm dâu tôi đã cố gắng rất nhiều để chiều lòng bố mẹ chồng, nhưng họ luôn tỏ ra khó chịu với tôi. Chẳng phải vì tôi không làm tốt việc nhà mà vì bố mẹ chồng muốn tôi ở nhà hẳn luôn, không đi làm nữa, vì lương của chồng tôi đủ cao để nuôi sống cả nhà rồi. Bố mẹ chồng càng ngày càng để ý, chỉ cần tôi làm sai, hay thiếu sót điều gì là bị mắng ngay. Mà ông bà còn ngấm ngầm nói xấu sau lưng tôi với chồng, bạn bè của chồng, rồi hàng xóm xung quanh. Tôi không hiểu tại sao bố mẹ sống đến ngần ấy tuổi rồi, đã trải qua biết bao nhiều chuyện rồi mà còn ích kỉ đến như vậy”, Huyền thở dài ngán ngẩm.
Cô còn chia sẻ, ở với bố mẹ chồng tốt nhất phải chú ý từng chút một. Dù họ có tỏ ra dễ tính nhưng thực ra lúc nào họ cũng để ý những hành vi nhỏ nhất của mình. Đừng để vì những chuyện nhỏ ấy mà ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng của các bạn. Còn một điều nữa là, đừng đem chồng ra để trách mắng hay than thở, vì đó là chuyện mà những người vợ chúng ta phải tự biết tìm cách để giải quyết. Như thế sẽ tránh những xung đột không nên có với hai vợ chồng.
Nghệ thuật chung sống với mẹ chồng
Người xưa vẫn thường an ủi các cô gái phải chịu cực khổ làm dâu bằng câu nói “Có làm dâu mới được là mẹ chồng”. Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trong xã hội ngày nay đã khác hẳn quan niệm cũ thời phong kiến, nhưng vẫn là một vấn đề không thể lẩn tránh khiến phần lớn phụ nữ quan tâm. Vậy làm thế nào để giải quyết ổn thỏa quan hệ mẹ chồng nàng dâu, xây dựng được mối thân tình với đối phương để kéo dài những ngày dễ chịu khi mới về nhà chồng?Hãy xác lập quan điểm “yêu chim và tổ”
Bạn đừng nhầm lẫn là “yêu tổ chim”. Hai cái đó là khác nhau hoàn toàn đấy. Chồng và mẹ chồng ví như con chim với cái tổ, bạn cũng chỉ là một con chim nhỏ mà thôi, nhờ có cái tổ ấm mà con chim – chồng bạn – trưởng thành, yên ổn trong mấy chục năm. Nay được hưởng quả ngọt, lẽ nào bạn lại định dỡ tổ? Nếu có được quan điểm như thế, bạn sẽ quan tâm đến mẹ chồng từ những chi tiết nhỏ nhất để rồi từ đó không đòi hỏi mẹ chồng phải yêu thương hay chiều chuộng mình này nọ. Một miếng trầu, một quả cau tự tay bạn mua biếu mẹ chồng, hẳn sẽ làm bà vui lòng. Bà sẽ không tủi thân cho rằng con bà bất hiếu, có vợ quên mẹ. Như vậy, bắt đầu từ bạn, quan hệ gia đình sẽ được hài hòa.
Luôn đứng về phía mẹ chồng
Đó là nguyên tắc tưởng như vô nguyên tắc, xin chớ bỏ qua! Ở đây đòi hỏi một chút khôn lanh. Nói chung, các bà mẹ chồng thường coi con dâu là “kẻ ngoài biên chế”. Để sớm được bà thu nạp, bạn hãy nhanh chóng đưa bà vào “mê hồn trận”, làm cho bà cảm thấy bạn còn vâng lời bà hơn cả con đẻ. Mọi vấn đề nên theo ý bà. Ví dụ: Kiên quyết ủng hộ chế độ dinh dưỡng của bà, kiên quyết không đứng về các thành viên khác trong gia đình bắt mẹ chồng uống thuốc giảm béo khi bà không muốn. Mấu chốt ở đây là tạo ra không khí thân thiện, hòa hợp, trong đó bạn là một thành viên của nhà chồng.
Lời nói của mẹ chồng khó nghe
Làm con dâu nếu rơi vào trường hợp như vậy nên nghĩ rằng mẹ chồng đang có những điều ấm ức ở trong lòng và nên tìm cách để làm “nguôi cơn giận”, dùng lời lẽ hòa nhã, thân thiện để “cảm hóa” mẹ chồng, chủ động bày tỏ sự ân cần,
quan tâm đến bà. Những cử chỉ lời nói như vậy sẽ có tác dụng cảm hóa dần, cuối cùng bà sẽ không nói những lời khiến bạn phải khó chịu nữa.
Chớ có tranh phải trái
Nhà nào chả có những vấn đề vặt vãnh đưa ra bàn cãi, tranh luận. Là con dâu, bạn hãy nhớ rằng, gia đình là nơi trọng tình, không trọng lý, không nên cãi lý trong gia đình. Việc nhà có đúng có sai nhưng không nhất thiết phải làm cho ra nhẽ mới thôi. Mẹ chồng có bảo Mặt trời mọc ở phương Tây thì bạn cũng cứ tán đồng dù bạn biết rõ là nó mọc ở phương Đông, không cần phải “cải chính”, sửa sai mà khiến bà mất mặt. Nên nhớ rằng: Mất thể diện với con dâu là điều mà các bà mẹ chồng không muốn nhất.
Chớ “đòn càn hai mũi” ở giữa
Chớ nói xấu mọi người theo kiểu “đòn càn hai mũi”, bạn sẽ dễ lâm vào tình trạng cô lập không ai chia sẻ.
Người mẹ nào cũng yêu chiều con, bà có thể chửi bới con, nhưng quyết không chấp nhận ai nói xấu về con. Do đó, trước mặt mẹ chồng, dù đùa với chồng bạn cũng phải cẩn thận kẻo gánh vạ. Nếu chồng và bạn cãi cọ, mâu thuẫn, dù mẹ chồng có khuyên bạn hay tỏ ý thông cảm với bạn về sự không phải của chồng, thì tốt nhất bạn chỉ gật đầu vâng theo, chớ nên nhân dịp đó ra sức lên án, tố cáo chồng, thận trọng kẻo ươm mầm mống bất mãn cho mẹ chồng.
Một điều quan trọng hơn là: Tối kỵ nói xấu, làm tổn thương mẹ chồng trước mắt chồng.
Bày tỏ tình cảm thay chồng
Thỉnh thoảng lại chuyển tới mẹ chồng tình cảm kính yêu của chồng với mẹ, dù anh ta chả bộc lộ điều đó. Người làm mẹ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì con cái, dẫu có phải móc cả tim gan ra vì con trai, bà cũng vui lòng. Nhưng con trai bà thường rất vụng về trong nói năng cư xử với mẹ, thậm chí phát ngôn thiếu suy nghĩ khiến bà đau lòng. Lúc này, phương pháp tốt nhất của bạn là cùng bà “ôn nghèo kể khổ”, phải nuôi con vất vả ra sao, rồi con trai (chồng bạn) vốn hiếu kính mẹ thế nào. Khi đó bà sẽ thấy được an ủi vì bạn đã không “cướp” mất con trai bà, hơn nữa bà còn phải thấy có con dâu, bà đã được thêm sự quan tâm, chăm sóc.
Mẹ chồng quá “tân thời”
Bây giờ hầu như tối nào mẹ em cũng đi khiêu vũ ở các phòng trà và ăn mặc ngày càng hở hang, sặc sỡ.
Mẹ chồng em là một phụ nữ giỏi giang và rất tốt. Ba mẹ chồng em ly hôn lâu rồi, mình mẹ ở vậy nuôi ba người con khôn lớn, ai cũng có việc làm ổn định và rất ngoan. Bây giờ con cái đã lập gia đình, mẹ cũng không còn nặng gánh. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói nếu như mẹ chồng em không phải là một người quá “tân thời”!
Tính tình mẹ rất thoải mái. Mẹ thích ăn diện nên hay mua sắm, quần áo giày dép nhiều đến nỗi căn nhà trọ nhỏ bé của tụi em không thể nào chứa hết. Có khi mẹ còn mặc những bộ đồ của tuổi 18 sặc sỡ. Đi đâu em cũng nghe người ta nói về cách ăn mặc không giống ai của bà. Nhiều khi em cũng mắc cỡ lắm nhưng không biết phải làm sao. Dù vợ chồng em đã nhiều lần nhẹ nhàng góp ý nhưng vẫn không có gì tiến triển. Gần đây mẹ chồng em còn đi học khiêu vũ. Em nghĩ đây cũng là một môn thể thao tốt nên không nói gì, nhưng bây giờ hầu như tối nào mẹ em cũng đi khiêu vũ ở các phòng trà và ăn mặc ngày càng hở hang, sặc sỡ.
Khổ nỗi vợ chồng em ở chung với mẹ nên góp ý hoài lại sợ mẹ giận. Chồng em dù không thích nhưng không phải chứng kiến mỗi ngày nên cũng chẳng quan tâm. Vợ chồng em lo kiếm tiền cho gia đình nhưng mẹ hay xen vào góp ý một cách thái quá, thậm chí la mắng chồng em ngay trước mặt khách hàng. Em không hài lòng về cách sống thờ ơ, không quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì về mình của mẹ chồng. Em không muốn tình cảm gia đình rạn nứt, càng không muốn mẹ chồng em phải sống một mình đơn độc. Em bối rối quá!
Phát khóc vì mẹ chồng cổ hủ
Nhiều bà mẹ chồng cả đời sống với quan niệm cũ đã làm nhiều cô con dâu không khỏi cảm thấy khó chịu và bất tiện.
“Thời trang thập niên 70”
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ngọc Anh, nhân viên công ty tư vấn luật ở Cầu Giấy, Hà Nội kết hôn đã nửa năm mà vẫn chưa thể hòa hợp được với mẹ chồng. Nhiều khi tâm sự với chị em làm cùng công ty cô chỉ biết lắc đầu: “Mẹ chồng tớ cổ lỗ sĩ lắm”.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Chị kể, nhiều lần lĩnh lương, thưởng mấy chị em lại rủ nhau đi mua sắm. Có những cái váy chị thích thật mua về nhưng chỉ mặc một, hai lần rồi để đấy. Mẹ chồng chị biết thì xót của và mắng con dâu là lãng phí. Đến bữa cơm bà “mặt nặng mày nhẹ”: “Vải còn tốt, mới mặc vài lần thì sao không dùng đến lúc nào hỏng thì hãy bỏ đi. Ngày xưa, chúng tôi quần áo chẳng có mà mặc, đến Tết được bộ áo mới là sướng đến quên cả ăn cả ngủ”.
Bà tiếp tục: “Đến đôi dép nhựa đứt còn lấy miếng sắt nung đỏ để hàn lại mà đi nữa là…”, rồi bà ngao ngán lắc đầu. Chị ăn miếng cơm thấy đắng ngắt. Mẹ chồng chị ở quê có một anh con trai duy nhất là chồng chị bây giờ. Khi anh học xong thì ở lại Hà Nội lập nghiệp, mua nhà rồi đón mẹ từ quê lên để tiện phụng dưỡng. Bà ở Hà Nội nhưng mọi phong tục, tập quán vẫn giữ nguyên như hồi ở quê.
Không chỉ thế những lần đưa mẹ chồng đi mua sắm quần áo, chị tiện thể cũng “tự thưởng” cho mình chiếc váy thì bà sa sầm nét mặt: “Gái có chồng mà ăn mặc thế này người ta cười cho, chỉ còn nước lấy mo mà che mặt thôi con ạ”. Ngay sau đó, bà chọn ngay mấy cái áo kín cổng cao tường, cái thì hồng cái thì hoa văn rồi nhấn vào xe đẩy của con dâu.“Tiếng bấc tiếng chì” vì cái tóc
Hoàng Hải (Trương Định, Hà Nội) cũng nhăn nhó: "Mình muốn làm đầu xoăn mà mẹ chồng mình ngăn cản ra mặt. Bà bảo mình có phải ca sĩ đâu, bày vẽ tóc tai làm gì".
Thấy con dâu suốt ngày đổi kiểu tóc hết ép rồi lại xoăn, nhuộm này nhuộm nọ mẹ chồng chị cũng chóng hết cả mặt. Bà bảo: “Ngày xưa tao toàn gội lá bưởi, sả, nửa quả chanh cũng sạch cái đầu mày làm thế vừa tốn tiền có khi rước bệnh vào người thì khổ con ạ”.
Mẹ chồng chị Hải ở Thái Bình lên chơi được nửa tháng nay thì cuộc sống gia đình chị cũng đảo lộn từng ấy thời gian với kiểu phát ngôn của bà: “Ngày xưa thế này… ngày xưa thế nọ…”.
Chị chỉ biết nhăn mặt: “Mẹ cổ (cổ lỗ sĩ) quá”, bà nghe không rõ còn gắng hỏi cho ra nhẽ: “Lỗ lãi cái gì?”
Từ hôm mẹ chồng dưới quê lên chơi, Huế (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng than thở: "Trước mình đi làm toàn mặc váy, ở nhà cũng thoải mái với áo mỏng, mẹ chồng thấy thế lúc đầu còn tròn mắt sau lại “nói bóng nói gió” phát mệt lên được”.
Để lên đối sách đối phó với mẹ chồng, Huế hăm hở đi làm sớm với bộ quần áo kín đáo, phẳng phiu để “qua mắt” mẹ chồng. Sau đó, lên đến công ty chị lại phi ngay vào phòng vệ sinh thay những bộ cánh hợp mốt nhất. Đến chiều lại chịu khó về muộn để thay đồ, ăn vận như lúc mới rời khỏi nhà.
Nhờ chiêu thức này, chị không còn khiến mẹ chồng cảm thấy “nóng mắt” nữa.
Mẹ chồng cổ lỗ sĩ hay con dâu "thoáng" quá đà?
Nhiều bà mẹ chồng cả đời sống với quan niệm cũ và lấy những giá trị đạo đức chuẩn mực ngày xưa để làm thước đo cho hiện tại đã làm nhiều cô con dâu không khỏi cảm thấy khó chịu và bất tiện.
Nhưng cũng có không cô con dâu tự cho mình có lối sống hiện đại, phóng khoáng mà quên đi phép tắc, lễ nghĩa từ xưa để lại. Nhưng thời nào cũng vậy, người phụ nữ càng có trình độ nhận thức, càng phải biết cách cư xử, sống có văn hóa và luôn tôn trọng kế thừa những chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước đã để lại. Đó cũng là bí quyết để giữ lửa cho gia đình thời hiện đại.
Nếu sinh hoạt gia đình bỗng dưng bị đảo lộn vì mẹ chồng, con dâu cũng không nên vì thế mà gia tăng khoảng cách. Nên hiểu rằng, mẹ chồng cũng cần cơ hội và thời gian để hiểu thêm về con dâu. Vì vậy, nếu không chung sống thường xuyên với mẹ chồng, con dâu nên coi những dịp mẹ chồng lên chơi là “cơ hội vàng” để gần gũi, thân thiết với mẹ chồng hơn.
Mệt vì mẹ chồng dặn dò sắm tết
“Trời ơi, họ hàng có tới cả mấy chục gia đình. Ai cũng nhờ mua thì chết mất. Đâu phải mình rỗi rãi tới mức ấy, vả lại chẳng lẽ mua rồi về lấy tiền của từng nhà? Mà “biếu không” thì vợ chồng sạt nghiệp” – Chị Tuyết đang đau đầu và giật mình thon thót mỗi khi chuông điện thoại reo. Nhìn danh sách các gia đình nhờ mua bánh kẹo chị Tuyết muốn chỉ muốn độn thổ.
Còn gần một tháng mới tới tết, nhưng mấy hôm nay, hôm nào mẹ chồng Hoa cũng gọi điện thoại nhắc nhở cô phải mua cái này, sắm cái kia chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
Hôm trước mẹ chồng gọi dặn Hoa phải mua lấy một yến gạo nếp nàng hương, gửi về quê trước ngày Ông công ông táo để bà còn nhờ người gói bánh chưng vì trên quê chẳng đào đâu ra loại nếp ấy. Hoa dạ dạ vâng vâng. Ngày hôm sau, bà lại gọi xuống hỏi lại Hoa xem đã biết nếp cái hoa vàng nó dài nó tròn ra làm sao chưa, vì bà sợ, cô bị người ta lừa.
Hết gạo nếp rồi đồ đi lễ tết, nào là không cần xịn quá, nhưng phải đủ tấm, đủ món, nào là phải mua áo, gấm quần lụa để biếu cụ nội, cụ ngoại… nói tóm lại là đủ thứ trên đời.
Hoa bảo: “Nghe xong một cú điện thoại của mẹ chồng mà mình muốn xỉu, nóng hết cả tai. Mà nếu mình nhớ hết được tất cả bấy nhiêu lời vàng ngọc thì chết liền. Không chỉ gọi vào buổi tối, lúc hai vợ chồng đã xong xuôi mọi việc, có hôm, mình đang họp với sếp bà cũng gọi chỉ vì sực nhớ ra chưa nhắc mình gọi cho ông anh họ đặt mua ít miến vì quê nhà ông ấy có nghề làm miến gia truyền”.
Thực ra, đau đầu, nhức óc vì mẹ chồng nhắc nhở tỉ mí quá, nhưng Hoa không bực bởi vì mẹ chồng cô chu đáo, lo lắng hết cho con dâu, con trai. Bà lo đây là năm đầu tiên Hoa về làm dâu, chưa biết hết “nếp nhà” cho nên bà phải dặn. Vì bà cũng từng như Hoa, từng có những bỡ ngỡ khi tết đầu tiên làm dâu bà nội chồng Hoa bây giờ.
Gia đình chồng Hoa chuyện gì có thể qua quýt chứ 3 ngày tết thì phải có đủ lễ nghi. Chuyện mâm cỗ cúng gia tiên gồm những món gì cũng phải được tuân thủ nhất nhất. Trên mẹ chồng, Hoa còn có bà nội chồng cẩn thận và kĩ tính vô cùng. Vì thế, dù có phiền hà, có đau đầu, nóng tai, Hoa vẫn phải cảm ơn mẹ chồng, đã hết lòng thương yêu cô.
Chẳng như giống như Hoa, năm đầu tiên phải sắm tết nhà chồng, chị Lan đã có hẳn thâm niên 5 năm làm dâu, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối năm mẹ chồng chị lại gọi điện nhắc nhở chuyện sắm tết.
Theo chị Lan kể thì mẹ chồng chị Lan rất xính đồ thành phố. Cho nên cái gì bà cũng muốn con dâu mua ở Hà Nội mang về, vì bà thích được khoe với hàng xóm, họ hàng mình có con dâu đảm đang, nhà mình “sang” vì xài toàn đồ thành phố. Mấy năm trước, chị Lan chiều mẹ chồng, tha mang đủ thứ từ phố về quê. Từ gói bánh, hộp mứt, chai rượu, bánh đa nem, cân giò lụa, miến nấu canh, thậm chí cả đồ hàng mã gửi cho các cụ…
“Ngày về quê, hai vợ chồng ra bắt xe khách, ai cũng bảo vợ chồng nhà này đi buôn à? Lỉnh cà lỉnh kỉnh, đủ thứ chai, lọ, túi tắm…” – Chị Lan kể.
Năm nay, chị có thêm đứa thứ hai, nên cũng ngại mang vác. Chị tính bảo chồng chỉ mua những đồ quan trọng mà ở quê không có, còn đâu, về quê, hai vợ chồng đi sắm cho nhẹ nhàng. Chồng chị nghe có lí, nhân tiện về quê giỗ họ, thông báo với mẹ luôn, mẹ anh giãy nảy lên không đồng ý và “khủng bố” chị Lan bằng hàng loạt các cuộc điện thoại.
“Về quê này chả có gì đâu con ạ. Đấy, hôm nọ, bố mày thèm ăn cái bánh gì hộp vàng vàng, có nhân cam ở trong mà con mua mang về mà có đâu. Mẹ nhờ cả thằng Tít con bác Hoàng đi chợ huyện cũng chẳng mua được. Đằng nào cũng mất tiền mua, mua đồ ngon mà ăn con ạ”.
Chị Lan chưa kịp phản ứng gì, bà mẹ chồng lại ấn tiếp “Cái giò lụa con mua dưới đấy sao mà ngon thế, còn giò nhà thằng Tiến làm ăn nhạt phèo. Mùng 4 mẹ mời các bà trong hội người cao tuổi tới nhà mình dùng cơm, người ta ăn mãi đồ quê rồi, chỉ muốn tới nhà mình ăn đồ thành phố thôi con ạ. Hay là năm nay chúng mày làm ăn thất bát? Không sao, cứ mua đi, lần này về mẹ trả, mẹ vừa bán được cặp bê được gần chục triệu cơ. Về mẹ trả, con nhé”.
Chị Lan ngao ngán vì kế hoạch ngưng “trở củi về rừng” của chị bị phá sản rồi. Mẹ chồng đã nói thế, con dâu nào dám từ chối, chị không tiếc tiền mà chỉ vì đường xa cách rách quá. Chắc là tết này, chị phải bảo chồng thuê hẳn một chuyến taxi trở cả nhà, trở “cả Hà Nội” về quê cho đẹp lòng mẹ chồng.
Vợ chồng anh Hùng, chị Tuyết cũng đang chết chìm chết nổi vì sự dặn dò sắm tết. Nhưng chẳng phải sắm cho gia đình anh chị, mà là "săm hộ" họ hàng. Chả là vợ chồng anhchị cùng là cán bộ ở một nhà máy sản xuất bánh kẹo có tiếng ở Hà Nội. Những năm trước, năm nào anh chị cũng mang về quê nhiều quà cáp, bánh, kẹo để biếu anh em, họ hàng. Họ hàng đông, nên của biếu cũng chỉ gọi là “hương hoa”, chứ làm sao khuân cả nhà máy bánh kẹo về để chia cho mọi người được. “Nhưng cái chất của nó thì là nhất” – đấy là lời nhận xét của ông cậu anh Hùng.
Chả hiểu sao năm nay, họ hàng lại nghĩ ra kế “nhờ” anh chị mua giùm bánh kẹo tết. Họ chả dám nói thẳng với anh chị, mà thông qua bố mẹ anh để “cậy nhờ”. Thế là còn gần tháng nữa mới tới tết, anh chị liên tục nhận được điện thoại của bố, mẹ dặn dò mua hộ bác Liên mấy cân bánh quy, mua hộ cậu Thành mấy cân kẹo lạc…
Thực ra gọi là bánh thủ đô, kẹo thành phố, nhưng ngày nay đời sống ở thành phố và nông thôn có còn khoảng cách nhiều đâu. Bánh kẹo, hàng hóa ở thành phố sản xuất ra là để đem về các miền quê tiêu thụ, chứ người thành phố có được bao nhiêu. Nhưng người nhà quê họ thế, cùng chiếc bánh ấy, cái kẹo ấy, nhưng mang ở thành phố về thì tấm tắc khen ngon, nhưng mua ở cửa hàng tạp hóa nhà quê thì cũng bình thường thôi mà.
“Trời ơi, họ hàng có tới cả mấy chục gia đình. Ai cũng nhờ mua thì chết mất. Đâu phải mình dỗi dãi tới mức ấy, vả lại chẳng lẽ mua rồi về lấy tiền của từng nhà? Mà “biếu không” thì vợ chồng sạt nghiệp” – Chị Tuyết đang đau đầu và giật mình thon thót mỗi khi chuông điện thoại reo. Nhìn danh sách các gia đình nhờ mua bánh kẹo chị Tuyết muốn chỉ muốn độn thổ.