Dự kiến sau khi bầu quốc hội khóa mới vào tháng 5 tới, phiên họp đầu tiên (khoảng tháng 7) sẽ bầu Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ (chưa bầu đã biết trước là ai rồi). Thủ tướng vẫn cũ nhưng là bắt đầu nhiệm kỳ mới. Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước thì chắc chắn là mới. Nhìn lại một nhiệm kỳ đã qua, thử chấm điểm bộ tứ nguyên thủ, không phải với ý định bôi chê ai mà hơn cả là qua đó mong ước ở sự thay chuyển, cởi thoát mạnh mẽ và sáng sủa hơn, táo bạo hơn.
1. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Ít để lại dấu ấn và vai trò cá nhân trong tư cách người đứng đầu, nhiều khi thấy nhạt nhòa, kém sắc cạnh và bản lĩnh trong những quyết sách lớn mang tầm quốc sự. Ông ngồi tới 2 nhiệm kỳ, nhưng so với những vị tiền nhiệm (gần nhất là Lê Khả Phiêu trước đó) thì vai trò, vị thế và uy lực quá mờ nhạt.
Vì thế, nếu lấy thang điểm 10, tôi chấm Tổng Bí thư điểm 1.
2. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Do cơ chế không định cho vị trí này nhiều thực quyền, cộng thêm nhiều phen ngẫu hứng chém gió quá sung khiến hình ảnh vị Chủ tịch nước mất khá nhiều điểm so với tài năng, tâm huyết mà nếu đem so thì ông bỏ xa nhiều đồng sự. Tuy nhiên so với vị Chủ tịch tiền nhiệm (Trần Đức Lương), ông để lại nhiều ấn tượng năng động hơn.
Tôi chấm ông điểm 5.
3. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: So với vị tiền nhiệm (Phan Văn Khải) thì ông nổi lên như một nhân vật năng động, quyết đoán và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đầu nhiệm kỳ, cái tên Nguyễn Tấn Dũng như một hiện tượng gieo nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên sự kỳ vọng lớn bao nhiêu thì những thất vọng sau này càng dồn dập ê chề bấy nhiêu. Câu chuyện Vinashin như một cái tát vào uy danh Thủ tướng, khiến có lúc tưởng ông khó trụ nổi.
Hai năm trước (giữa nhiệm kỳ) tôi đã chấm điểm Thủ tướng: Khi mới lên ghế Thủ tướng, tôi cho ông Dũng điểm 10. Ba năm sau (gần hết một nhiệm kỳ), tôi chấm ông Dũng điểm 4.
Và đến hôm nay khi kết thúc một nhiệm kỳ Thủ tướng, tôi chấm ông điểm 2.
4. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội khóa này đã không còn “hiền” như các khóa trước. So với phía đảng, nhà nước và chính phủ thì quốc hội để lại nhiều ấn tượng mạnh hơn, xu hướng dân chủ, cởi mở rõ hơn. Tuy nhiên, đây là sự chuyển thay trong xu thế và đòi hỏi tất yếu chứ không phải là đóng góp ở vai trò người Chủ tịch. So với vị tiền nhiệm (Nguyễn Văn An) và ngay cả với một vị Phó Chủ tịch quốc hội trước đây là Mai Thúc Lân thì hình ảnh và vai trò ông Nguyễn Phú Trọng là quá yếu và mờ nhạt. Quốc hội khóa này tăng điểm mạnh, nhưng cá nhân Chủ tịch quốc hội thì suy giảm hình ảnh và sụt điểm trong mắt dân chúng.
Tôi sẽ dành một bài riêng nhìn lại quốc hội kỳ này. Còn chấm điểm thì tôi cho ông Trọng điểm 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?