Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Mỹ - Trung 'ngoại giao bóng rổ'

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden mở màn chuyến thăm Trung Quốc bằng việc tham dự trận giao hữu bóng rổ giữa hai nước, được xem là một phương thức ngoại giao Mỹ-Trung. 

 Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ. Sau chuyến bay kéo dài 21 giờ, vừa đặt chân xuống Bắc Kinh, việc đầu tiên phó tổng thống Biden làm là đến thẳng nhà thi đấu để cổ vũ cho trận giao hữu bóng rổ giữa đại học Georgetown, Mỹ và đội Con Rồng của tỉnh Sơn Tây.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (ngoài cùng bên trái) ngồi xem bóng rổ cùng đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke (giữa) và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Zhang Yesui. Ảnh: The Cable
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đội bóng Hoyas của đại học Georgetown đã mời ông tham dự trận đấu hữu nghị này nhân chuyến công du của ông tại Trung Quốc. Ông Biden thưởng thức trận đấu từ hàng ghế khán giả đầu tiên. Đi cùng ông có tân đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Zhang Yesui. Kết quả cuối cùng, đội Hoyas đánh bại Con Rồng với tỉ số 98-81.
"Một lần nữa, ngoại giao thể thao lại sống dậy trong quan hệ Mỹ - Trung!", Victor Cha, cựu quan chức về châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia và là giám đốc Viện nghiên cứu châu Á của đại học Georgetown phát biểu trên The Cable.
Ông Cha so sánh với trận bóng bàn hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp làm tan băng trong mối quan hệ song phương, trước chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Ông Cha cũng cho biết Biden đã trò chuyện bằng tiếng Anh rất cởi mở với hầu hết khán giả Trung Quốc xung quanh và nhận được nhiều đánh giá tốt.
Phó tổng thống Joe Biden vui vẻ, cởi mở với các khán giả xung quanh. Ảnh: abcnews
Chuyến thăm 3 nước Đông Á của ông Biden bắt đầu cùng lúc với chuyến tham quan văn hóa và thể thao Trung Quốc kéo dài hai tuần của đại học Georgetown. Nhà Trắng cho biết chuyến đi này của đại học Mỹ có ý nghĩa thúc đẩy mở rộng giao lưu giữa nhân dân hai nước, cũng như tăng cường mối quan hệ Mỹ - Trung thông qua thể thao. 
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, ổn định kinh tế toàn cầu dựa vào việc Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm nền tảng chung.

Phát biểu trong ngày đầu tiên của chuyến công du chính thức Trung Quốc, ông Biden nói, một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là "vô cùng quan trọng". Chuyến công du của ông Biden diễn ra giữa lúc căng thẳng hai bên gia tăng xung quanh vấn đề nợ của Mỹ.

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ và đã chỉ trích "thói nghiện nợ" của Mỹ. Các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt tranh cãi chính trị gần đây ở Mỹ xung quanh việc tăng trần khoản nợ và ngăn chặn cuộc khủng hoảng vỡ nợ tài chính.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX

Trung Quốc nắm giữ 1 nghìn tỉ USD khoản nợ của Mỹ và kêu gọi nước này cần nỗ lực hơn nữa để làm giảm thâm hụt ngân sách. Đầu tháng này, Mỹ cũng trải qua cú sốc lịch sử khi bị giảm mức xếp hạng tín dụng qua đánh giá của hãng Standard & Poor's.

Thực tế này tạo ra sự bối rối lớn với chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Theo giới phân tích, Trung Quốc rõ ràng lo lắng về khoản nợ của Mỹ và cũng bị chỉ trích từ trong nước do đầu tư nhiều vào Mỹ.

Trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình - người được cho là lãnh đạo kế cận của Trung Quốc - nói rõ rằng, vấn đề kinh tế giờ đây chiếm ưu thế trong quan hệ giữa hai quốc gia. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Biden rằng: "Gần đây, tình trạng hỗn loạn trong các thị trường tài chính quốc tế trở nên sâu sắc hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ có một trách nhiệm tăng cường phối hợp trong chính sách kinh tế vĩ mô và cùng nhau thúc đẩy lòng tin thị trường".

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân của Bắc Kinh, phó Tổng thống Mỹ Biden cho biết: "Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, ổn định kinh tế thế giới có một phần không nhỏ của sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, nó là chìa khoá với ổn định toàn cầu".

Theo báo chí Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ và giá trị đồng nhân dân tệ là tâm điểm hội đàm của lãnh đạo hai bên. Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Biden, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ đề cập tới sự phản đối của nước này về kế hoạch bán máy bay chiến đấu của Mỹ cho Đài Loan.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 1/10 sẽ quyết định nên hay không bán máy bay F-16 cho Đài Loan. Trong khi đó, Nhật báo Trung Quốc nói rằng, khả năng bán vũ khí là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới bất đồng giữa hai nước.

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra theo lời mời của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi chính quyền Obama tìm kiếm nỗ lực tăng cường quan hệ với thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc. Chuyến thăm sẽ mở đường cho chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Washington vào cuối năm nay.
Với Biden, đây là lần thứ 3 ông tới thăm Trung Quốc kể từ năm 1979, song là lần đầu tiên trên cương vị phó tổng thống. Sau Trung Quốc, ông sẽ khởi hành tới Nhật Bản và Mông Cổ. 

Giữa sự cố bóng rổ, lãnh đạo TQ khen kinh tế Mỹ
Trong ngày thứ hai hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr., Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa và khẳng định triển vọng dài hạn của kinh tế Mỹ khi nói nó có "độ đàn hồi và khả năng tự phục hồi cao".
Tuy nhiên, ông Tập cũng kêu gọi các biện pháp mới để khôi phục lòng tin trên các thị trường tài chính toàn cầu, thị trường mà ông mô tả là "trải qua những biến động quyết liệt" và đối mặt với thách thức bất ổn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm ở tuần thứ năm liên tiếp, phản ứng sự quan ngại ngày một lớn về việc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác của phương Tây có thể lại trượt vào suy thoái.

Ông Biden phát biểu lúc bắt đầu cuộc đối thoại giữa 20 giám đốc điều hành doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, đã nói, ông có "sự tin tưởng tuyệt đối, rõ ràng vào sức mạnh và sức sống của nền kinh tế Mỹ". Ông khuyến khích các công ty Trung Quốc mở rộng đầu tư tại Mỹ.
Ảnh: THX

Phó Tổng thống Mỹ có chuyến công du Trung Quốc 4 ngày, phần lớn dành thời gian cho các cuộc hội đàm với ông Tập - người được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Tập cho hay, hai người đã thảo luận về các nỗ lực của Mỹ nhằm làm giảm nợ quốc gia cũng như tình hình kinh tế toàn cầu.

Sáng 19/8, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai nước không chỉ tốt cho nền kinh tế mà còn thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Nhưng họ cũng chỉ ra một số rào cản trong quan hệ này với việc ông Tập thúc giục Mỹ dỡ bỏ các hạn chế với việc xuất khẩu công nghệ hiện đại và những gì mà ông cho là rào cản với việc Trung Quốc mua lại doanh nghiệp Mỹ.

Việc đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, tuy nhỏ nhưng đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc người Trung Quốc "có máu mặt" mua lại các tài sản Mỹ đã vấp phải sự phản đối về chính trị hoặc do những quan ngại an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Biden cũng thừa nhận công dân Trung Quốc gặp khó khi xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ và cam kết sẽ giải quyết vấn đề này. Nhắc lại lời phàn nàn chính của các giám đốc điều hành Mỹ, ông thúc giục Trung Quốc tạo điều kiện dễ dàng hơn để các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Các tập đoàn nước ngoài thường than phiền rằng, họ phải đối mặt với những hạn chế cả về chính thức lẫn "bất thành văn" trong khả năng cạnh tranh với các hãng nội địa.

Hôm 18/8, ông Biden và ông Tập đã nhấn mạnh đến tính cần thiết trong hợp tác kinh tế vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với những cuộc khủng hoảng mới.

Trong các cuộc hội đàm, Phó Tổng thống Mỹ đã trở lại với chủ đề cũ: đó là Trung Quốc cần xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, tập trung nhiều vào tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu. Ông nhấn mạnh, sự tái cân bằng ấy là cách Trung Quốc có thể giúp cho tăng trưởng ở Mỹ và những nước khác cũng như giải quyết những khiếm khuyết về cơ cấu với chính nền kinh tế bản địa.

Trận đấu giao hữu thành cuộc ẩu đả

Đã có một sự cố xảy ra khi Phó Tổng thống Mỹ công du Trung Quốc. Đó là trận đấu giao hữu giữa một câu lạc bộ bóng rổ Trung Quốc và đội tới từ một trường đại học ở Mỹ đã trở thành cuộc ẩu đả lớn tại Bắc Kinh. Các cầu thủ của cả hai đội đã có một cuộc ẩu đả trước khi đội tới từ Mỹ rút lui khỏi sân bóng của nước chủ nhà, tới phòng thay đồ của họ để đảm bảo sự an toàn.

Bức ảnh do phóng viên của tờ China Daily chụp cho thấy 3 cầu thủ trong màu áo của đội Trung Quốc và một người khác đã xông vào đá tới tấp 1 cầu thủ tới từ đội của trường đại học Georgetown khi người này bị ngã và đang cố gắng bỏ chạy khỏi sân bóng.

Ông Biden không có mặt để xem trận đấu giao hữu này nhưng trước đó một ngày, ông đã cùng tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Trương Nghiệp Toại đến xem trận đấu giao hữu giữa Georgetown với một câu lạc bộ khác ở Trung Quốc.

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Biden tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức. Mục đích chính của chuyến đi (bao gồm ba ngày cho các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh và tại Thành Đô) đặt ra với ông Biden và các quan chức Mỹ là xây dựng một mối quan hệ với ông Tập Cận Bình. 

Phó tổng thống Mỹ ăn mỳ ở quán Bắc Kinh

Hôm qua, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục gây ấn tượng với công chúng Trung Quốc khi ăn trưa tại một tiệm bán mỳ sợi nhỏ ở Bắc Kinh.

Joe Biden bắt đầu ngày thứ hai ở Bắc Kinh bằng cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, tại Đại lễ đường Nhân dân. Lãnh đạo hai bên đã cam kết thắt chặt hợp tác kinh tế song phương và tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao.
Sau buổi hội đàm, phó tổng thống Mỹ cùng với cô cháu gái, ông Tập và đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, đã quyết định giải trí bằng cách thưởng thức các món ăn nhẹ của Bắc Kinh tại một tiệm ăn gia đình nhỏ.
People's Daily cho hay Biden và đoàn tùy tùng đã gọi món mỳ địa phương ăn với tương đậu, bánh bao hấp và một vài món khai vị khác của Trung Quốc. Biden cũng thưởng thức thêm một món đặc sản của tiệm làm từ gan và ruột lợn, đi kèm với nước dùng rất phổ biến ở Bắc Kinh.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại tiệm mỳ sợi Bắc Kinh. Ảnh: People's Daily
Rất đông người Bắc Kinh đang ăn ở tiệm khi Biden đến và nhà lãnh đạo thứ hai của Mỹ xin lỗi vì gây ảnh hưởng cho họ.
"Các bạn đến đây để ăn trưa cho yên tĩnh và tôi lại xuất hiện", AFP dẫn lời ông.
Hành động này đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều người dân địa phương và cư dân mạng về sự tương phản giữa phong cách thân thiện của Biden với các quan chức Trung Quốc, vốn luôn xuất hiện đạo mạo trước công chúng.
"Việc ăn tối tại một tiệm ăn địa phương cho thấy tính cách của Biden, cũng như mong muốn và nỗ lực của ông trong việc tiến gần hơn với công chúng Trung Quốc", Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu của Viện Hoa Kỳ học, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
"Các chính trị gia thường đến thăm trường học hoặc viên nghiên cứu, còn Biden lại chọn đến những nơi dành cho những người dân bình thường. Đánh giá từ các bình luận trực tuyến cho thấy nhiều cư dân mạng rất thích ông".
"Dù cố tình hay không thì hành động của Biden cũng đã chiếm được tình cảm của công chúng Trung Quốc ở một mức độ nào đó", ông Tao nói.

Mỹ tìm hiểu lãnh đạo tương lai của Trung Quốc

Ông Joe Biden đặt chân tới Bắc Kinh hôm qua, bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày ở Trung Quốc.

Phó tổng thống Biden và cháu gái tới Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Phó tổng thống Biden và cháu gái tới Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Chuyến đi của ông được thực hiện sau lời mời của người đồng cấp Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, CNN dẫn tin từ Nhà Trắng cho biết. Chuyến công du lần này cũng mở đường cho việc ông Tập tới thăm Washington cuối năm nay.
"Một trong những mục đích chính của chuyến đi là tìm hiểu thêm về lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, xây dựng quan hệ với Phó chủ tịch Tập và bàn bạc với ông ấy cùng các quan chức khác về một loạt các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung", Tony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia cho phó tổng thống, cho biết. "Nói một cách đơn giản, chúng tôi đang đầu tư cho tương lai của quan hệ Mỹ-Trung".
Các nhà phân tích chính trị cho biết chuyến đi của ông Biden là một cơ hội cho quan chức Mỹ hiểu thêm về ông Tập, người được cho là sẽ lên thay chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Biden sẽ cùng ông Tập tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, ngày mai. Ông sẽ có một bài phát biểu tại đây và đi thăm đập Dujiangyan cùng một trường học được xây dựng lại sau trận động đất năm 2008. Ông sẽ ăn tối với ông Tập ở một nhà hàng, một hoạt động được xem là khác thường khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp quan chức nước ngoài.
Ông Biden cũng sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm này.
Một trong những nội dung chính của chuyến công du lần này của ông Biden là để trấn an Trung Quốc về tình hình kinh tế Mỹ. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ 1.000 tỷ USD, đang kêu gọi nước này nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách.
Giới chức Mỹ cho hay Biden dự kiến sẽ trình bày những điểm mạnh trong thỏa thuận về tăng mức trần nợ công mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua. Ông cũng sẽ trấn an Bắc Kinh rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn kiểm soát được tình hình kinh tế dù bị đánh tụt hạng về chỉ số tín nhiệm. Trước chuyến thăm của Biden, báo Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ tăng mức nợ trần, cho rằng nước này "nghiện nợ".
Trong khi đó, nhiều năm nay, Mỹ và Trung Quốc cũng bất đồng về nhiều vấn đề như giao dịch thương mại và giá trị đồng nhân dân tệ. Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc duy trì đồng nhân dân tệ yếu đồng thời quan ngại về việc Bắc Kinh tăng chi tiêu cho quân sự. 

Tập Cận Bình - 'Lãnh đạo tương lai' của Trung Quốc
Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Sự kiện Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy trung ương được cho là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã hé lộ lãnh đạo tiếp theo của nước này.
Thông tin do Tân Hoa xã công bố về việc ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu vào Quân ủy Trung ương, cơ quan điều hành lực lượng gồm 2,3 triệu binh sĩ của Quân giải phóng Trung Quốc, không phải là một bất ngờ vì điều này đã được phỏng đoán từ trước.
Từ lâu giới truyền thông phương Tây đã nhận định Tập Cận Bình là thế hệ lãnh đạo tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới. BBC cho rằng, tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội, do đó việc ông Tập bước vào Quân ủy Trung ương với ghế phó chủ tịch là một bước đi cần phải có để tiến tới vị trí lãnh đạo cao nhất.
Trong khi đó, trước khi giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào cũng từng giữ vị trí như ông Tập Cận Bình trong Quân ủy Trung ương. Như vậy, hiện ông Tập là người cấp phó trên hầu hết các vị trí quan trọng cho Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào.
Việc bổ nhiệm chức vụ đảng song song với chức vụ nhà nước tại Trung Quốc được coi là bước chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo cấp cao nhất ở nước này. Do đó sự kiện vừa diễn ra tại Bắc Kinh càng khẳng định cho dự đoán ông Tập sẽ là lãnh đạo tương lai của Trung Quốc. Còn ông Hồ Cẩm Đào sẽ rời ghế tổng bí thư vào năm 2012 và ghế chủ tịch nước một năm sau đó.
Ảnh: AFP.
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình (phía trước) và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trong một phiên họp. Ảnh: AFP.
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình sinh năm 1953 tại Bắc Kinh và là con trai một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun). Ông Tập cũng được đánh giá là người thành công bậc nhất trong thế hệ con cháu các nhà cách mạng tiền bối của nước này.
Ông học ngành cơ khí tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nơi sản sinh nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào. Năm 1974, Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt đầu thăng tiến từ vị trí lãnh đạo đảng tại hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây từ năm 1982 đến 1985. Sau đó ông chuyển sang tỉnh Phúc Kiến và tiến tới chức chủ tịch tỉnh này năm 2000. Đây cũng là tỉnh ông có thời gian gắn bó lâu nhất trước khi về trung ương.
Gương mặt chống tham nhũng
Trong những năm tháng lãnh đạo tại địa phương, ông Tập nổi tiếng là người cứng rắn trong việc trừng phạt các quan chức tham nhũng. Việc ông trở thành Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 2000 một phần cũng vì ông đóng vai trò quan trọng trong việc dẹp bỏ một vụ án tham nhũng lớn tại đây vào cuối những năm 90.
Sau thành công tại Phúc Kiến và một thời gian ngắn làm Bí thư tỉnh ủy Triết Giang, Tập Cận Bình được điều chuyển làm Bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007, sau khi người tiền nhiệm Trần Lương Vũ (Chen Liengyu) bị cách chức do tham nhũng. Đây được coi là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Tập, vì sự điều chuyển công tác tới địa phương quan trọng hàng đầu này đã thể hiện sự tin tưởng của trung ương đối với ông.
Ngay sau khi giữ vị trí lãnh đạo đảng tại thành phố lớn nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng trong năm 2007. Kể từ đây ông được nhìn nhận như một trong những gương mặt hứa hẹn nhất trong thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc.
Sự thăng tiến của ông Tập tiếp tục được đánh dấu bằng việc ông trở thành phó chủ tịch nước Trung Quốc năm 2008. Sau đó phạm vi hoạt động của ông ngày càng mở rộng hơn, gồm việc được giao trọng trách chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 và đảm nhiệm các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Macau.
Năm 2009, ông từng được dự đoán là sẽ có ghế trong Quân ủy Trung ương, mở đường cho việc kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trong tương lai. Nhưng trên thực tế dự đoán này đã diễn ra chậm hơn một năm vì tới hôm qua ông mới chính thức có mặt trong Quân ủy Trung ương. Tạp chí Time của Mỹ trong năm 2009 cũng đã xếp ông Tập Cận Bình vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Bên cạnh quan điểm mạnh tay với nạn tham nhũng, Tập Cận Bình còn là mẫu lãnh đạo có tư tưởng cởi mở về kinh tế. Ông đã rất nỗ lực trong việc mời gọi đầu tư nước ngoài vào hai tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, đặc biệt là dòng vốn từ Đài Loan, khi còn công tác tại các địa phương này.
Trong cuộc sống riêng tư, ông Tập Cận Bình được nhiều người Trung Quốc biết đến sau khi kết hôn với ca sĩ nổi tiếng Peng Liyuan năm 1987.

Lầu Năm Góc ra kế hoạch mới đối phó với TQ
Mặc dù khủng hoảng ngân sách, quân sự Mỹ vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra với đối thủ lớn nhất - Trung Quốc.
Bài viết của Stephen Glain, nhà báo tự do với nhiều kinh nghiệm hoạt động ở châu Á và Trung Đông. Ông viết cho New Republic, Atlantic Monthly, The Nation, The Wall Street Journal và nhiều ấn phẩm khác.
Ảnh: US Navy

Mùa hè này, dù cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra, Lầu Năm Góc đã tính toán hiệu quả của hai cuộc chiến bị sa lầy và chuẩn bị cho khả năng chiến cuộc thứ ba. Với việc giảm bớt các cam kết tại Iraq và Afghanistan trong khi tái tập trung vào châu Á, Washington không cần rút quá nhiều lực lượng từ vùng Vịnh khi cần có thể phải huy động cho một cuộc chiến có thể xảy ra với chủ nợ lớn nhất - Trung Quốc.
Theo báo chí quốc phòng, quan chức Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các biện pháp để thích nghi với khái niệm mang tên Chiến trận Hải - Không để đối phó với Trung Quốc. Bản tin nội bộ của Lầu Năm Góc gần đây cho hay, một nhóm nhỏ các sĩ quan hải quân Mỹ gọi là Đội Tích hợp Trung Quốc “nỗ lực làm việc để thích nghi với những bài học của Chiến trận Hải - Không cho một cuộc xung đột khả năng xảy ra với Trung Quốc”.
Chiến trận Hải - Không, được phát triển từ đầu những năm 1990 và gần đây nhất được mã hóa trong hồ sơ mật của lực lượng Hải quân - Không quân năm 2009. Khái niệm Chiến trận Hải - Không do các nhà hoạch định của hải quân và không quân Mỹ xây dựng để các máy bay ném bom của lực lượng không quân và tàu ngầm của hải quân phối hợp với nhau nhằm “vô hiệu hóa” các rađa và tên lửa đất đối không (SAM) của các cường quốc ven biển như Trung Quốc và Iran.
Một sự vận động của Mỹ âm thầm diễn ra ở châu Á trong một nghiên cứu mùa xuân năm 2001 của Lầu Năm Góc gọi là "châu Á 2025", trong đó nhận định Trung Quốc như một "đối thủ dai dẳng của Mỹ". Ba năm sau đó, chính phủ Mỹ công khai một bản kế hoạch gọi là một chuỗi căn cứ mới ở Trung Á và Trung Đông, trong một phần nỗ lực phong tỏa Trung Quốc.
Tương tự như vậy, thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ năm 2008 là động thái ngăn chặn rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh. Cuối tháng 3, báo chí đưa tin chi tiết về việc tăng cường lực lượng lớn của Mỹ ở châu Á, bao gồm cả gia tăng triển khai hải quân và mở rộng hợp tác với các nước đối tác.
Tuy nhiên, khác với các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu, Trung Quốc không vướng mắc những bổn phận an ninh với một cường quốc nước ngoài, đặc biệt với vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh xác định Mỹ không như một đối tác chiến lược mà là mối đe dọa. Trong năm 2007, khi Trung Quốc phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết của mình bằng tên lửa đạn đạo, họ đã gửi lời cảnh báo tới Washington sau sáu năm xảy ra vụ đụng độ giữa một máy bay do thám Mỹ với máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang cố chặn máy bay Mỹ ở Biển Đông. Khi đó, máy bay Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp trên một hòn đảo của Trung Quốc và các phi công đã bị bắt giữ trong một thời gian ngắn. Mặc dù cuộc khủng hoảng đã được tháo gỡ bằng biện pháp ngoại giao, nhưng nó đã khiến Washington có những xem xét đánh giá trong "châu Á 2025".
Ngoài Trung Quốc là nước đưa ra tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền với các đảo trong vùng biển này. Thay vì can thiệp bằng cách ngoại giao gỡ rối những tranh cãi, Mỹ đã phản đối Bắc Kinh một cách rõ ràng.
Tháng 3/2010, khi báo chí Nhật Bản dẫn lời một quan chức Trung Quốc nói rằng, Biển Đông là "một lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, Nhà Trắng phản ứng bằng tuyên bố, tự do hàng hải trong khu vực là một "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Tại Manila tháng trước, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, Mỹ tuân thủ hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và sẽ bán vũ khí mới cho nước này ở mức giá thích hợp.

Tên lửa: Kế hoạch đánh bại Mỹ của Trung Quốc
Dù không ít nỗ lực phô trương sự hiện đại, nhưng quân sự Trung Quốc có thể yếu hơn nhiều người suy đoán, đặc biệt nếu so sánh với Mỹ.


Tuy nhiên, Bắc Kinh có một kế hoạch giản đơn - thậm chí là rủi ro - để bù đắp điểm yếu của mình: đó là mua tên lửa. Sau đó, mua nhiều và nhiều hơn nữa. Tất cả các loại tên lửa: tầm ngắn và tầm dài, phóng từ mặt đất, từ biển, đạn đạo hay hành trình...
Có hai chủ đề nổi bật từ tác phẩm Sức mạnh không gian Trung Quốc - gồm những bài luận do Andrew Erickson biên tập. Erickson là nhà phân tích Trung Quốc khá nhiều ảnh hưởng của đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.
Theo Sức mạnh không gian Trung Quốc, ngày nay có khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình phi hạt nhân. "Phát triển kho vũ khí tên lửa với các tên lửa đạn đạo ngày càng có độ chính xác cao và tên lửa hành trình tấn công mặt đất ngày càng trở thành nền móng của khả năng chiến đấu với PLA", Mark Stokes và Ian Easton viết. Với mỗi loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc (PLA) luôn tụt hậu so với Lầu Năm Góc, thì tên lửa có thể giúp Trung Quốc tạo ra sự khác biệt.
Đó là thực tế rõ ràng. Mặc dù giới thiệu hàng loạt vũ khí mới trong những năm gần đây gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm và cả một tàu sân bay Liên Xô được nâng cấp, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu rất nhiều hệ thống cơ bản, tổ chức và thủ tục cần thiết để đánh bại một kẻ thù quả quyết, được trang bị tốt.
Lấy ví dụ là tiếp nhiên liệu trên không. Để triển khai một số lượng lớn các máy bay tiếp dầu hiệu quả trên không đòi hỏi khả năng xây dựng và hỗ trợ các động cơ lớn - điều mà Trung Quốc chưa thể làm ngay. Trong tiếp dầu trên không đòi hỏi việc lên kế hoạch, điều phối và phối hợp vượt xa những gì PLA có thể đáp ứng. Kết quả là "PLA chỉ có máy bay tiếp dầu trong phạm vi cung cấp ngắn”, Wayne Ulman giải thích.
Theo Sức mạnh Không gian Trung Quốc, tính về tổng số, PLA chỉ vận hành 14 máy bay tiếp dầu H-6U, mỗi chiếc chỉ mang được khoảng 17.000 kg nhiên liệu nạp (trong khi đó, chỉ riêng lực lượng không quân Mỹ đã sở hữu hơn 500 máy bay tiếp dầu, mỗi chiếc mang được khoảng 100.000 kg nhiên liệu). Vì thế, trong khi về lý thuyết , PLA có thể tự hào với hơn 1.500 máy bay chiến đấu, nhưng trên thực tế, chỉ có thể tiếp nhiên liệu cho 50-60 chiếc ở cùng thời điểm, giả định toàn bộ máy bay tiếp dầu H-6 hoạt động hoàn hảo.
Trong trường hợp xảy ra cuộc chiến trên không về Đài Loan, cách xa phần lớn những căn cứ của Trung Quốc hàng trăm km, chỉ có 50 máy bay chiến đấu có thể dành thời gian chiến đấu hơn vài phút trên chiến trường. Như vậy, ưu thế về máy bay chiến đấu của Trung Quốc so với Đài Loan thực ra là đảo ngược. Chênh lệch sẽ lớn hơn nếu có sự tham gia của cả máy bay chiến đấu Mỹ.
Và đâu là giải pháp của PLA? Dĩ nhiên đó là tên lửa. Có tới cả nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình, phần lớn bắn từ các bệ phóng mặt đất “dường như sẽ được huy động trong cuộc chiến đầu tiên” chống lại Đài Loan hoặc các căn cứ ở Thái Bình Dương của Mỹ, Ulman viết. Mục tiêu là để tiêu diệt càng nhiều máy bay của đối phương càng tốt, thậm chí trước khi cuộc chiến bắt đầu.
PLA có thể dùng cách tiếp cận tương tự để bù đắp những điểm yếu trên biển hiện nay của họ. Các tàu ngầm luôn luôn là “sát thủ” chống tàu tiềm năng nhất  của bất kỳ quốc gia nào, nhưng tàu ngầm Trung Quốc quá ít, quá ồn ào và thủy thủ thì quá thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận và đối đầu với Hải quân Mỹ. Jeff Hagen dự báo, nếu cuộc chiến bắt đầu, “các tàu ngầm Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu dễ bị công kích”.
Và hãy quên đi cách sử dụng máy bay chiến đấu trang bị vũ khí tầm ngắn để tấn công hải quân Mỹ. Một nhà phân tích Trung Quốc ước tính, sẽ cần có khoảng 150 - 200 máy bay chiến đấu Su-27 để phá hủy một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Toàn bộ PLA có khoảng 300 chiếc Su-27 trong khi hải quân Mỹ có 22 tàu tuần dương Ticonderoga.
Lại một lần nữa, tên lửa là sự bổ sung hoàn hảo. Một cuộc tấn công “siêu bão hòa” với hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng “vô hiệu hóa lập tức hệ thống phòng không của Ticonderoga”, Toshi Yoshihara viết. Nếu ở gần bờ, Trung Quốc có thể sử dụng các loại tên lửa cũ, kém chính xác và tầm ngắn hơn mà họ đã sở hữu với số lượng rất phong phú. Với cuộc chiến tầm xa, PLA đang triển khai chương trình tên lửa DF-21D mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái để định vị chính xác mục tiêu.
Mặt trái của chiến lược lấy tên lửa làm trọng tâm của Trung Quốc là nó có thể đại diện cho cái gọi là “điểm yếu duy nhất”. Do quá phụ thuộc vào một loại vũ khí có thể khiến PLA dễ bị tổn thương nếu gặp một loại biện pháp đối phó. Trong trường hợp này, đó chính là hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Lầu Năm Góc, bao gồm các tàu chiến trang bị tên lửa SM-3, tên lửa Patriot và hệ thống pháo phòng không tầm cao của bộ binh Mỹ.
Hơn thế nữa, tên lửa là loại vũ khí dùng một lần. Không thể tái sử dụng chúng như máy bay chiến đấu hay tàu khu trục. Điều đó có nghĩa là, trong thời chiến, Trung Quốc buộc phải chiến thắng nhanh hoặc thất bại. “Ví dụ, tính tổng số lượng tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, có thể dội khoảng một nghìn tấn chất nổ có sức công phá lớn vào các mục tiêu”, Roger Cliff giải thích. “Tương quan so sánh với máy bay của Không quân Mỹ, có thể dội một lượng thuốc nổ gấp vài lần mỗi ngày trong khoảng thời gian không xác định”. 

Đọc sức mạnh quân sự Mỹ, Trung
Tài xế taxi Jin Yinjian có vài lời khuyên cho những người đang lo lắng về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, gồm cả chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này. Đó là, hãy quen với việc Trung Quốc giương oai.

"Tôi tự hào vì chúng tôi sẽ có chiếc tàu sân bay đầu tiên. Đó là dấu hiệu về sức mạnh đang lên của Trung Quốc, tất cả các nước lớn nên có hàng không mẫu hạm".
Trong khi Mỹ dự định đưa quân khỏi Iraq và Afghanistan thì nước này vẫn cảnh giác với những mối đe dọa đang nổi lên ở phía Đông. Trong suốt hai thập niên qua, Trung Quốc đã bổ sung thêm cho quân đội khá nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và đáng kể hơn cả là phát triển tên lửa tấn công, có khả năng hạ máy bay tàng hình và tàu hải quân lớn nhất của Mỹ, gồm cả tàu sân bay.
Cùng lúc, Trung Quốc tuyên bố, lãnh hải nước này kéo dài hàng trăm dặm vượt xa khỏi bờ biển của họ, lấn cả vào khu vực của những nước láng giềng và những nơi mà Mỹ coi là vùng lãnh hải quốc tế. Bắc Kinh đã đặt hơn 1.000 tên lửa đạn đạo nhằm vào Đài Loan, một đồng minh của Mỹ. Nhiều nước phàn nàn với Mỹ về việc đối đầu với Trung Quốc ở ngoài biển.
Trung Quốc tuyên bố, nước này chỉ phát triển vũ khí phòng vệ và bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự nói, Mỹ dường như đang có một quan điểm khác về tuyên bố của Trung Quốc khi Lầu Năm Góc đang phát triển một thế hệ máy bay ném bom mới có thể bay xa ngoài tầm với của radar. Oanh tạc cơ tầm xa là công cụ ngăn chặn những đối tượng tìm cách cản đường của chúng tôi, Thiếu tướng không quân Mỹ Noel Jones cho biết.
Jones không đề cập tới việc Trung Quốc là đối thủ tiềm năng của chiếc oanh tạc cơ mới. "Ông Jones không cần nói thẳng ra", Roger Cliff, một nhà nghiên cứu quốc phòng độc lập, chuyên gia về Trung Quốc đồng thời là cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết. "Trung Quốc là một trong những nước mà Mỹ chắc chắn nghĩ tới khi chế tạo máy bay ném bom. Khả năng tấn công của Trung Quốc sẽ tăng dần trong thập niên tới. Tới cuối thập niên này, chúng ta không thể tránh đòn. Họ có thể tiến hành các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình".
Trung Quốc trở nên giàu có kỳ lạ kể từ khi từ bỏ các chính sách kinh tế cũ vào những năm 1980 và mở cửa hơn. Số tiền mà Trung Quốc mới kiếm được từ người tiêu dùng phương Tây phần lớn đều đổ về cho Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho hay. Kể từ năm 1989, mỗi năm chi tiêu quốc phòng Trung Quốc đều tăng gần 13%, báo cáo hàng năm 2010 trình lên Quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy. Tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh cho biết, ngân sách hàng năm của quân đội là 78,6 tỷ USD.
Ngân sách năm tài khóa 2012 mà Lầu Năm Góc đề xuất là 676 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Viện Kinh doanh Mỹ, một tổ chức cố vấn tập trung vào quân sự, quân đội Mỹ đang thiếu tiền và không thể chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đặt ra cho các đồng minh của nước này ở Đông Á do chi tiêu quốc phòng bị giảm.
Dù Mỹ chi tiêu nhiều hơn nhưng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc gần tới mức 300 tỷ USD và nó chỉ tập trung ở một vùng là Đông Á. Trong khi đó, khoản tiền mà Mỹ bỏ ra phải phủ khắp nhiều vùng trên thế giới.
Chi tiêu quốc phòng của Mỹ đạt đỉnh là 517 tỷ USD vào năm 1985. Sau đó, chi tiêu cho quốc phòng giảm trong 15 năm tiếp theo và chỉ tăng vọt sau sự kiện ngày 11/9/2001, tăng ở mức trung bình là 4,4% năm. Năm mươi năm trước, chi tiêu quốc phòng Mỹ chiếm 47% tổng chi tiêu của liên bang và giờ đây nó chỉ chiếm 19%, Văn phòng quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng cho hay.
Cho tới thời điểm này, Mỹ triển khai nhiều tàu và tàu chiến trên toàn thế giới hơn các quốc gia khác nhưng chỉ trong hai thập niên Trung Quốc đã tạo ra một lực lượng tàu ngầm và tàu chiến lớn nhất ở châu Á. Không quân Trung Quốc được bổ sung thêm hàng trăm máy bay chiến đấu, có thể sánh được với các máy bay F-15 và F-16 của Mỹ. Năm nay, quân đội Trung Quốc thông báo, đã thử thành công một máy bay chiến đấu mới - chiếc J-20 dường như có khả năng tàng hình, tránh được radar.
Trung Quốc cũng tuyên bố chuẩn bị hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên và phát triển tên lửa chống hạm, có thể bay xa gần 1.500km, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Do sức mạnh quân sự tăng, Trung Quốc đã tăng cường đối đầu với đồng minh của Mỹ tại Biển Đông và thậm chí còn đối đầu với cả tàu Mỹ ở Hoàng Hải. Biển Đông là một vùng rộng lớn, hơn 1 triệu dặm vuông, chứa nhiều dầu và khí tự nhiên.
Trong tháng 5, tàu quân sự của Trung Quốc hai lần đã cắt cáp mà tàu Việt Nam dùng để thử địa chấn ở đáy biển. Hồi tháng 3, hai tàu của Trung Quốc đã đe dọa một tàu khai thác khí của Philippines. Việt Nam và Philippines nói, Trung Quốc đói năng lượng đang quấy rối những nỗ lực khai thác dầu và khí của hai nước. Mùa thu năm ngoái, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần tra Nhật gần một hòn đảo ở biển Hoa Đông mà hai nước đều giành chủ quyền. Đài Loan cũng phàn nàn rằng Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo qua eo biển Đài Loan.
Thế giới đã chú ý tới vị thế quân sự mới của Trung Quốc, kết quả thăm dò thái độ của người dân toàn cầu do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 14/7 cho thấy. Thăm dò cho thấy, 15/22 nước nói, Trung Quốc sẽ hoặc đã thay thế Mỹ với tư cách là siêu cường hàng đầu thế giới. Phần đông các nước thăm dò nói, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là một điều không tốt.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai mới đây cảnh báo, một số quốc gia đang "đùa với lửa" và ông bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc. Trung Quốc kêu gọi đàm phán để giải quyết tranh chấp và Mỹ sẽ không tham gia đàm phán.
Đô đốc Michael Mullen, chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tháng này, ông Mullen nói, Trung Quốc phải tôn trọng tự do hàng hải. 

Mỹ chất vấn Trung Quốc về tàu sân bay
Mỹ hôm 10/8 tuyên bố muốn Trung Quốc giải thích tại sao nước này lại cần có tàu sân bay. Câu hỏi được đưa ra trong lúc Washington lo ngại Bắc Kinh thiếu minh bạch trong các mục đích quân sự.


"Chúng tôi sẽ hoan nghênh bất cứ lời giải thích nào mà Trung Quốc đưa ra nhằm cho thấy họ cần con tàu đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên khi được hỏi liệu tàu sân bay của Trung Quốc có làm tăng căng thẳng ở khu vực không.
"Đây là một phần trong lo ngại ngày càng lớn của Mỹ, đó là Trung Quốc không rõ ràng như những nước khác. Trung Quốc không minh bạch như Mỹ về ngân sách và thu mua các thiết bị quân sự. Chúng tôi mong muốn có một mối quan hệ công khai, rõ ràng về các vấn đề quân sự.
Trong mối quan hệ quân sự - quân sự giữa Mỹ với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi duy trì kiểu đối thoại song phương và từ đây có thể nắm khá rõ về các thiết bị mà các thiết bị cũng như mục đích sử dụng của nó. Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không ở mức rõ ràng như hai nước mong muốn", Nuland nói thêm.
Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có hải trình thử nghiệm đầu tiên. Động thái này có khả năng làm tăng lo ngại của các quốc gia khác về sự mở rộng quân sự và quả quyết về lãnh hải của Bắc Kinh.
Chỉ mới gần đây Bắc Kinh mới xác nhận nước này đang sửa chữa chiếc tàu của Liên Xô cũ để làm tàu sân bay đầu tiên của nước này. Trung Quốc cũng hạ thấp năng lực con tàu, khẳng định nó chỉ được dùng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu.
 
Tương quan vũ khí tấn công Mỹ-Trung
Trung Quốc hành động như thể nước này muốn Mỹ đi khỏi khu vực mà họ muốn kiểm soát, giới phân tích nhận định. 


Andrew Krepinevich, Giám đốc Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách - một viện nghiên cứu chính sách độc lập nói, Trung Quốc không muốn chiến tranh với Mỹ. "Dường như, điều Trung Quốc muốn là thay đổi sự cân bằng quân sự tại tây Thái Bình Dương để Mỹ không thể trợ giúp quân sự cho các đối tác an ninh lâu dài như Nhật, Hàn và Đài Loan", ông Krepinevich, người có 21 năm trong quân ngũ nhận xét.
Cả hai nước trên và Đài Loan đã cung cấp cho Mỹ những căn cứ, cảng biển quan trọng tại Thái Bình Dương, để Mỹ ngăn không cho Trung Quốc gây sức ép lên 3 khu vực trên và buộc họ phải tuân thủ chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vì sợ bị tấn công, Krepinevich nói. Liên Xô từng cố làm một việc tương tự như vậy ở Tây Âu. Theo Krepinevich, tình huống trên trùm lên vấn đề an ninh quốc gia mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta không thể phớt lờ.
Vậy, làm thế nào? Một số nhà phân tích nói, quân đội Mỹ nên lo lắng về việc Trung Quốc phát triển vũ khí có thể cản đường Mỹ ở trong vùng. Đó là tên lửa tầm xa có thể phá hủy tàu sân bay ở biển hoặc được dùng để nhằm vào các căn cứ trên đảo giống như tên lửa mà Mỹ đang đặt ở Guam.
"Phương pháp chặn tiếp cận là một trong những cách buộc Mỹ phải tấn công từ một nơi xa hơn nhiều", Jan van Tol, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách, đồng thời là một thuyền trưởng hải quân Mỹ đã về hưu nói. "Cần phải đặc biệt chú trọng tới tên lửa đạn đạo chống hạm vì nếu loại vũ khí này được sử dụng một cách hiệu quả, nó sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các tàu sân bay của Hải quân".
Tàu sân bay là xương sống sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài, nó cho phép các máy bay tấn công hoạt động gần như là bất kỳ một nơi nào trên thế giới. Việc Trung Quốc phát triển vũ khí sẽ cho phép nước này rào một phần của Thái Bình Dương lại, ngăn không cho Mỹ tiếp cận khu vực này và để Bắc Kinh thoải mái hành động chống lại các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
"Có đủ thứ mà Trung Quốc dường như đang cố thâu tóm mà không có lý do rõ ràng nào", van Tol nói.
Trung Quốc chưa bao giờ có ý định đe dọa bất kỳ một quốc gia nào, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie nói với những người đồng nhiệm châu Á tại cuộc họp "Đối thoại Shangri-La" bàn về vấn đề an ninh tại Singapore mới đây.
"Không phải tất cả mọi người tại những nước láng giềng của Trung Quốc đều tin vào điều này", Arthur Ding, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại đại học Chengchi, Đài Loan, người cũng tham dự Đối thoại Shangri-La nói. Khi Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa quân đội một cách toàn diện, thì nước này không thể thuyết phục các quốc gia láng giềng về ý định hòa bình của họ, Ding nhận xét.
Một manh mối chỉ ra ý định chiến lược của Trung Quốc sẽ nằm ở nơi Bắc Kinh triển khai tàu sân bay đầu tiên vào cuối năm 2011, Ding cho hay. "Nếu nó ở Biển Đông, ngoài khơi Quảng Đông thì cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc sẽ lại trỗi dậy vì các nước châu Á và Mỹ sẽ coi đó là một thông điệp gây hấn đối với họ".
Tuy nhiên, Tân Hoa xã mới đây đưa tin, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ được dùng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Đã từ lâu, Bắc Kinh đe dọa sẽ thâu tóm lại Đài Loan bằng vũ lực nếu khu vực này chính thức tuyên bố độc lập. Một số nhà phân tích nói, việc Trung Quốc xây dựng lực lượng phần lớn là nhằm lấy lại Đài Loan, và rằng, chỉ có sự can thiệp bằng quân sự của Mỹ mới có thể chặn hành động của Trung Quốc.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông gây lo lắng song không phải là sự xâm chiếm, Ding nhận xét. "Điều đó khó xảy ra nhưng có khả năng tuyến đường dầu khí của Đài Loan có thể bị Bắc Kinh đe dọa.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục phát triển máy bay tàng hình tầm xa, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không hiện đại, gồm của cả Trung Quốc. Không quân Mỹ có kế hoạch chi 197 triệu USD trong năm nay để thiết kế một loại máy bay ném bom mới, tránh được radar. Máy bay mới này có thể do phi công lái hoặc điều khiển từ xa, cho phép nó bay trong một thời gian dài mà không cần tiếp nhiên liệu. Không quân hy vọng sẽ triển khai sứ mệnh bay đầu tiên vào giữa năm 2012.
Với việc tiếp nhiên liệu trên không, máy bay chiến đấu Mỹ có thể bay vòng vòng bên ngoài tầm với hệ thống phòng không của Trung Quốc và xác định điểm tấn công. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đang thử nghiệm một loại máy bay tấn công không người lái có thể triển khai từ tàu sân bay. Máy bay này được gọi là UCLASS.
Tàu sân bay có thể làm bệ phóng cho những máy bay ném bom không người lái hoạt động ngoài tầm với của các tên lửa mà Trung Quốc đang phát triển, van Tol cho hay. Các oanh tạc cơ này có thể cất cánh từ vùng biển an toàn và được tiếp nhiên liệu trước khi tấn công.
Dù có nhiều lo ngại, Trung Quốc vẫn khẳng định, nước này không nhằm chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. "Mục đích của chúng tôi là phát triển kinh tế để đảm bảo rằng 1,3 tỷ dân sống khá hơn", tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc nói trong chuyến thăm Lầu Năm Góc gần đây. "Chúng tôi không muốn dùng tiền để mua thiết bị hoặc các hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm thách thức Mỹ".
Tại Bắc Kinh, chủ cửa hàng Zhang Kexin nói, anh ta ủng hộ Trung Quốc xây dựng lực lượng nhưng chỉ với mục đích quốc phòng. "Kinh tế còn chưa phát triển đầy đủ, quân đội còn yếu, nên Trung Quốc dễ bị làm nhục. Nếu chúng tôi mạnh, tôi tự hào về sức mạnh đó". Tuy nhiên, Zhang, 50 tuổi nói, Trung Quốc không cần có tàu sân bay. "Đó là vũ khí tấn công, không cần thiết. Đã tốn hàng triệu USD chỉ để khởi động, số tiền đó dùng vào y tế và giáo dục ở nông thôn còn tốt hơn".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?