Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Một sự sàng lọc đắt giá (P3) : Chứng khoán - Thời điểm của đào thải

Công ty chứng khoán nào sẽ bị knock-out?

(VEF.VN) - Mới bước vào đợt tổng kiểm tra và giám sát sức khỏe của UBCK được hơn một tuần, những gương mặt CTCK có khả năng bị knock-out chưa thể nhận diện được nhưng qua những gì diễn ra trong vài năm qua thì rất nhiều công ty đối mặt với nguy cơ này.

Thua lỗ nặng, cụt vốn
Mặc dù các doanh nghiệp đã bước sang quý hoạt động thứ hai của năm 2012 nhưng cho tới thời điểm hiện nay nay vẫn còn khoảng 20 CTCK chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2011. Trong số đã công bố (hơn 80 công ty) có quá bán là thua lỗ.
Số liệu từ UBCKNN cho thấy, tới thời điểm này đã có tới 46 CTCK báo cáo hoạt động thua lỗ trong năm vừa qua, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận những kỷ lục đáng buồn.
Trường hợp của CTCP Chứng khoán Tầm nhìn (HRS) là một ví dụ. Trong báo cáo tài chính đưa ra trong tuần trước, HRS tiếp tục thua lỗ 9,6 tỷ đồng và đây là năm thứ 5 liên tiếp công ty này đã bị âm vào vốn. Lỗ tổng cộng tính từ 2007 đã lên tới 45,8 tỷ đồng và VCSH hiện chỉ còn hơn 14 tỷ đồng.
Một điều đáng lo ngại là doanh thu của doanh nghiệp này trong những năm gần đây không được cải thiện và ở mức thấp báo động. Năm vừa qua, HRS chỉ thu về 2,7 tỷ đồng. Tính chung cho cả 5 năm, doanh thu cũng chỉ vỏn vẹn 12 tỷ.

Trong năm 2011, HRS đã tăng vốn thêm 15 tỷ (lên 60 tỷ) nhưng xem ra số vốn bỏ thêm này chỉ đủ trang trải cho thua lỗ và bổ sung thêm chút ít vào số tiền còn lại của doanh nghiệp này.
Một "người bạn đồng hành" của HRS là Chứng khoán VIT. Công ty này cũng đã kịp có năm lỗ thứ 5 liên tiếp.
Trong khi đó, 3 đại diện không bi bét bằng HRS và VIT là Vina, KIS và Chứng khoán Navibank cũng đã có 4 năm thua lỗ liên tục.
Theo kết quả kinh doanh 2011 đã kiểm toán, Chứng khoán Navibank (NVS) chỉ đạt doanh thu 17 tỷ đồng và thua lỗ 15 tỷ. Tổng lỗ lũy kế đã lên tới 36 tỷ đồng. NVS thua lỗ trong bối cảnh trong năm 2011 đã nhận được một cú huých về vốn khá mạnh từ một số cá nhân thuộc Saigon Invest Group và vốn điều lệ đã được tăng vọt từ 35,1 tỷ lên 161 tỷ đồng.
Một trường hợp có khả năng thua lỗ 4 năm liên tiếp nữa là HSSC. Công ty này chưa công bố kết quả kinh doanh 2011, song trước đó đã lỗ 3 năm liên tiếp và âm thầm rút khỏi thị trường hồi trước Tết âm lịch. Mặc dù có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 15,7 tỷ đồng.
Không thuộc diện "cá biệt" như những trường hợp trên, nhưng một loạt các CTCK cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo do thua lỗ trong năm vừa qua, như APS (lỗ gần 92 tỷ đồng), Alpha (-7 tỷ), OSC (-4,7 tỷ đồng), VDS (-126 tỷ), HPC (-94,7 tỷ), TLS (-592 tỷ), ORS (-40,9 tỷ), AVS (-40,5 tỷ)...
Trừ TLS có doanh thu tương đối lớn, còn lại các CTCK khác đều rất nhỏ và có nguồn thu rất eo hẹp và không thể bù đắp cho chi phí cũng như sự thua lỗ trong đầu tư chứng khoán và có VCSH đang teo tóp lại rất nhiều so với những gì mà các cổ đông đã bỏ ra trong nhiều năm qua.
Sự tệ hại nằm ở chỗ TTCK vẫn khá nhỏ bé, giao dịch ít và ảm đạm trong khi thống kê cho thấy 10 CTCK lớn nhất (trong số 105 công ty) đã chiếm 80% doanh thu của cả ngành. Trong khi đó, theo những đề xuất ban đầu thì có khả năng UBCK sẽ phải loại bỏ 50% (thậm chí có đề xuất loại 70-80%) số CTCK ra khỏi cuộc chơi nếu không đủ tiêu chuẩn.
Thị phần ít, vốn còn lại không nhiều, hoạt động kinh doanh không có cơ sở vững chắc cho thấy sự tồn tại của nhiều trong số các doanh nghiệp nêu trên là khá lay lắt và có thể chỉ là để nằm chờ cơ hội khác hoặc mong chờ sự may mắn nào đó.
Ngay cả đối với những CTCK lớn và chiếm thị phần không nhỏ thì rủi ro vẫn rất cao. Trường hợp SBS lỗ tới 609 tỷ đồng trong năm 2011, TLS âm 592 tỷ đồng hay SHS -381 tỷ đồng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại cho dù các công ty này đang lỗ lực cải tổ và giành giật lại thị phần, cũng như được sự quan tâm, nhòm ngó của nhiều nhà đầu tư lớn.
Như trường hợp SBS, công ty này có vốn điều lệ lên tới gần 1.267 tỷ đồng, nhưng VCSH tính tới cuối 2011 chỉ còn 931 tỷ đồng.
Nguy cơ cụt vốn của các doanh nghiệp lớn này là khó xảy ra nhưng làm gì để bù đắp lại các khoản thâm hụt nói trên là một vấn đề đáng quan tâm. Trong bối cảnh khá nhiều CTCK làm chủ về tài chính đã vượt qua khó khăn và chinh phục được các khách hàng thì tình hình lại càng bi đát hơn đối với các CTCK vốn đã thua lỗ triền miên mà nguồn thu ngày càng co lại.
Mất thanh khoản và thu hẹp hoạt động
Cho dù đã qua thời kỳ khó khăn nhất và TTCK đã hồi phục khá ấn tượng, nhưng một điều đáng buồn là vẫn có những dấu hiệu mất khả năng thanh toán tại CTCK.
Trong một thông báo phát đi trong tuần đầu tháng 4/2012, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã có quyết định cảnh cáo Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An do liên tiếp vi phạm quy định tại Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán.
VDS yêu cầu Chứng khoán Tràng An tăng cường việc kiểm soát hoạt động giao dịch chứng khoán, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành để hạn chế sai sót dẫn đến việc tạm thời mất khả năng thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2011 Tràng An cũng đã từng vi phạm lỗi này.

Dẫu rằng, tình trạng mất thanh khoản tạm thời của Tràng An là không nghiêm trọng như SME hồi cuối năm ngoái, nhưng rõ ràng nó vẫn cho thấy một điều là nhiều CTCK hiện vẫn đang rất khó khăn và eo hẹp về đồng vốn.
Sự khó khăn chung cũng đã khiến hàng loạt CTCK tiếp tục thu hẹp mạng lưới hoạt động.
Gần đây nhất, ngày 3/4, UBCK đã ban hành quyết định chấp thuận cho Chứng khoán Phương Đông (ORS) đóng cửa Chi nhánh Đồng Nai và Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng cửa Chi nhánh Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm; đóng cửa Chi nhánh Thanh Hoá tại số 38A Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hoá; đóng cửa Chi nhánh Nghệ An tại thành phố Vinh.
Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt cũng đã đóng cửa chi nhánh Đà Nẵng, chi nhánh Sài Gòn; SME đóng cửa chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ còn hoạt động tại trụ sở chính tại Hà Nội;  Chứng khoán An Phát đóng cửa chi nhánh TP.HCM; Thăng Long đóng cửa chi nhánh Thanh Hóa...
Trải qua một năm đầy sóng gió, các CTCK đang cố gắng tự tái cấu trúc lại hoạt động với một loạt những biện pháp như cắt giảm chi phí hoạt động, giảm nợ xấu, tái cơ cấu hoạt động... Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải rút nghiệp vụ cơ bản nhất là môi giới như trường hợp HSSC, TSS, SME, Hamico (Gia Anh).
Có thể thấy, rất nhiều CTCK hiện gần như đã mất hút khỏi thị trường như 4 CTCK nói trên và rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng gần như không có doanh thu, thua lỗ liên tiếp nhưng cho tới thời điểm này giới đầu tư vẫn chưa thấy một động tĩnh gì liên quan tới việc thanh lọc thị trường.
Việc rà soát lại những mảng tối trong báo cáo tài chính của các CTCK cũng như việc phân loại xếp hạng để qua đó loại bỏ bớt những công ty yếu kém dường như đang được thực hiện rất chậm chạm. Phải chăng đang có một cuộc chạy đua để tránh cửa tử hay vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc trong những vùng tối trong báo cáo tài chính của các CTCK cần được giải quyết trước khi khai tử?

16 công ty chứng khoán lỗ hơn 2.200 tỷ đồng

Tổng lợi nhuận năm 2011 của 26 công ty chứng khoán đang niêm yết là -1.408 tỷ đồng, giảm gần 3.200 tỷ so với năm 2010. SBS là dẫn đầu về mức lỗ còn HSC có lãi lớn nhất.
Với sự suy giảm mạnh của thị trường trong năm 2011, các công ty chứng khoán lại có thêm một năm "ác mộng" như đã từng xảy ra trong năm 2008.

Hiện tại, có 27 công ty chứng khoán đang niêm yết, chiếm ¼ tổng lượng công ty chứng khoán. Kết quả kinh doanh của các công ty này cũng phần nào thể hiện bức tranh chung của toàn ngành.

Tính đến thời điểm thực hiện bài viết này, chỉ duy nhất Chứng khoán SME chưa công bố kết quả kinh doanh Q4 và cả năm. Các số liệu dưới đây chỉ gồm kết quả của 26 công ty còn lại.

Tổng doanh thu của 26 CTCK niêm yết trong năm vừa qua đạt 6.259 tỷ đồng, giảm giảm 2.300 tỷ so với năm 2010.
Lợi nhuận trước thuế cũng giảm 3.200 tỷ  từ 1.758 tỷ xuống -1.408 tỷ đồng.

Mặc dù mang cái tên rất chung chung là "Doanh thu khác" nhưng đây đang là nguồn thu quan trọng nhất của hầu hết các công ty chứng khoán. Nó bao gồm các khoản thu nhập như lãi tiền gửi, cung cấp các dịch vụ cho nhà đầu tư (đòn bẩy...)...

Doanh thu từ cung cấp các dịch vụ liên quan chặt chẽ với hoạt động môi giới đều dựa trên hoạt động giao dịch của khách hàng.

Tổng doanh thu và lợi nhuận của các CTCK niêm yết

Qua biểu đồ trên có thể thấy Doanh thu khác chiếm ½, Doanh thu tự doanh chiếm 1/3, Doanh thu môi giới chiếm 1/10 tổng doanh thu của các CTCK.


Cơ cấu doanh thu năm 2011 của các CTCK niêm yết
Doanh thu môi giới của SSI dẫn đầu với 96 tỷ đồng, đứng thứ 2 là HSC với 91 tỷ đồng và BVS đứng thứ 3 với 65 tỷ đồng.
Trong năm 2011, HSC đã vươn lên đứng thứ 2 về thị phần môi giới tại cả HoSE và HNX. SSI từ thứ 2 lên vị trí dẫn đầu tại HoSE và đứng 7 tại HNX.

So sánh tổng lợi nhuận của các CTCK lãi và tổng lỗ của các CTCK lỗ
Về lợi nhuận, ngoại trừ SME chưa có kết quả kinh doanh, có 10 công ty báo lãi với tổng lợi nhuận trước thuế là 816 tỷ đồng.

Phía ngược lại có 16 công ty báo lỗ với tổng mức lỗ trước thuế là 2.234 tỷ đồng.

Năm 2010, trong số 26 công ty trên chỉ có 4 công ty báo lỗ với tổng mức lỗ 340 tỷ đồng (trong đó riêng KLS lỗ 173 tỷ đồng).

HSC là quán quân lợi nhuận, đạt 237 tỷ đồng, tăng 9 tỷ so với năm 2010.

Ba công ty khác có lợi nhuận trên 100 tỷ gồm KLS (184,5 tỷ), Agriseco (132 tỷ) và SSI (126,6 tỷ).

KLS lãi lớn không gây ngạc nhiên khi công ty đang có khoản tiền mặt khổng lồ đi gửi tiết kiệm (tiền và tương đương tiền đến cuối năm là 1.833 tỷ đồng).
Với SSI, việc đưa 3 công ty Aquatex Bến Tre (ABT), Hùng Vương (HVG) và Pan Pacific (PAN) đã giúp công ty thoát lỗ. Trong khi LNTT của riêng công mẹ là -59 tỷ đồng thì lợi nhuận hợp nhất lại đạt hơn 126 tỷ đồng. Năm 2010, lợi nhuận của SSI đạt 903 tỷ đồng - bỏ xa so với các công ty khác.

Lợi nhuận trước thuế năm 2010-2011 của các CTCK niêm yết
(*) Số liệu năm 2011 của SME tính đến Q3
Phía thua lỗ, với mức lỗ 620 tỷ đồng, Sacombank-SBS không chỉ là quán quân lỗ trong nhóm CTCK mà còn là quán quân lỗ trong số các doanh nghiệp niêm yết.

Dù đạt doanh thu lớn, hơn 953 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động kinh doanh đội lên tới gần 1.500 tỷ đồng. SBS chưa có thuyết minh chi tiết về các chi phí, nhưng chắc chắn chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng không nhỏ vì cuối năm 2010 công ty đã vay nợ rất nhiều.

SHS đứng thứ 2 với mức lỗ 382 tỷ đồng. Ba công ty khác lỗ trên 100 tỷ là BSC-Chứng khoán BIDV (-208 tỷ), VNDirect (-206 tỷ) và VDS-Chứng khoán Rồng Việt (-126 tỷ).

Tại thời điểm cuối năm 2011, tổng giá trị đầu tư tài chính của 26 CTCK chỉ còn hơn 14.600 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ so với cuối năm 2010.

Số dự phòng giảm giá cũng tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng.

Hầu hết những công ty lỗ lớn là những công ty có tỷ trọng hoạt động tự doanh lớn, phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán nhiều. Vì vậy, nếu thị trường tốt lên trong năm 2012 thì có thể hoàn nhập dự phòng và có lãi lớn.

Có 3 công ty đã lỗ liên tiếp 2 năm 2010-2011 là Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán Hải Phòng (HPC) và Chứng khoán Sao Việt (SVS).

Nếu tiếp tục lỗ trong năm nay thì các công ty sẽ rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc.

'Thuốc bổ' không cứu nổi đại gia chứng khoán

(VEF.VN) - TTCK đã bừng tỉnh rất ấn tượng trong 3 tháng đầu năm 2012. Nhiều CTCK, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư cổ phiếu, các "tay chơi" lớn trên thị trường... đã hồi sức ngoài mong đợi. Tuy nhiên, với sự tàn phá khủng khiếp trong các năm trước, dường như liều thuốc bổ này cứu nổi sự bi bét của các đại gia này.
Ốm dậy sợ gió
Sau nhiều ngày tăng mạnh, các cổ phiếu đã bị bán tháo khá mạnh và đã xuất hiện những đợt giảm giá sau khi có tin đồn về việc cơ quản quản lý Nhà nước có thể sắp có đợt thanh tra hoạt động giao dịch ký quỹ tại tất cả các CTCK  nhằm đảm bảo hoạt động này tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
Theo quy định đã được ban hành, các CTCK không được phép cung cấp tỷ lệ ký quỹ trên 40% và không được phép cho vay ký quỹ trên 5% vốn hóa của một công ty. Chỉ có cổ phiếu của một số công ty nhất định được phép cho vay ký quỹ và cũng chỉ một số CTCK đáp ứng các hệ số an toàn mới được cấp phép cung cấp dịch vụ ký quỹ cho khách hàng.
Trong khi các CTCK lớn thường tuân thủ luật một cách thận trọng thì các CTCK nhỏ có lẽ sẽ lỏng lẻo hơn trong việc cho vay ký quỹ. Theo đó, có lẽ các nhà đầu tư đã nhân tin đồn này để rút khỏi thị trường trong phiên hai hôm nay và các CTCK cũng có thể giảm cho vay ký quỹ nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định - vốn là vấn đề sống còn của các CTCK trong những tháng tới.
Theo CTCK HSC, trên thực tế, không khó để nhận thấy rằng các nhà đầu tư có thể giao dịch với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn so với mức được Ủy ban Chứng  khoán công bố. Phần đông nhà đầu tư cho rằng nếu việc  kiểm soát này được thực hiện, sức cầu trên thị trường sẽ giảm sút trong ngắn hạn trong khi áp lực cung sẽ gia tăng.

Hiện tượng bán mạnh trong đợt này cho thấy một điều là mặc dù thị trường vẫn đang xu hướng uptrend trung và dài hạn nhưng nhiều cổ phiếu xấu trên thực tế đã có dấu hiệu vào vùng quá mua và việc chốt lời là đảm bảo an toàn.
Chưa biết đợt phục hồi này thị trường sẽ chinh phục lại về tới các đỉnh cao nào, nhưng một thực tế không chối cãi là vẫn có nhiều doanh nghiệp đang quá trình ngoi lên khỏi bùn đen chứ chưa thể thăng hoa được. Việc doanh nghiệp kém nhưng giá tăng vù vù cả vài chục phiên gần đây thì việc nắm giữ là mạo hiểm.
Hàng loạt mã cổ phiếu nóng của các doanh nghiệp đã từng lún sâu vào chứng khoán đã quay đầu giảm điểm rất mạnh cho dù kỳ vọng "đổi đời" của nhiều nhà đầu tư đặt vào đây là khá lớn.
Cổ phiếu SAM sau 4 phiên tăng trần, chiều 27/3 đã quay đầu giảm sàn và trong phiên giao dịch 28/3 vẫn đang chấp chơi chưa lấy lại được đà. Kỳ vọng vào sự phục hồi của SAM là rất lớn bởi một nguồn tiền không nhỏ được SAM đầu tư vào cổ phiếu trước đó. TTCK hồi phục thì khoản hoàn nhập dự phòng của SAM chắc chắn là sẽ lớn và lợi nhuận quý I/2012 có thể là đột biến.
Một loạt cổ phiếu chứng khoán vốn được săn lùng ráo riết ở mọi mức giá trần trong nhiều tuần gần đây đã quay đầu giảm sàn trong phiên 27/3 và sáng 28/3 như WSS, BSI, PSI, ORS, AGR, AVS... Tới cuối phiên, thị trường đã quay đầu tăng trở lại nhưng vẫn còn một số mã chứng khoán giảm mạnh hoặc sàn như WSS, BSI, PSI, AGR, AVS...
Các mã tài chính và liên quan tới tài chính khác như PVF, PF1, VF1, VF4... đều rung lắc rất mạnh và nhiều mã tới cuối phiên 28/3 vẫn giảm giá.
"Tay chơi" chứng khoán: Vẫn còn khó khăn
Không nói đến xu hướng đi lên chung của thị trường (trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn vẫn đang làm ăn tốt và giá cổ phiếu đang thấp), nhiều đại gia chứng khoán như nhiều CTCK, quỹ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cổ phiếu... có lẽ chưa thể hồi sức được ngay. Hậu quả thâm hụt vốn trong những năm trước đây chắc chắn là rào cản lớn cho sự ổn định trở lại.
Thống kê cho thấy, năm 2011 toàn thị trường có 65 CTCK thua lỗ, 71 CTCK có lỗ quỹ kế và 24 công ty quản lý quỹ lỗ lũy kế...
Trong đó, có rất nhiều CTCK và các doanh nghiệp đầu tư tài chính lỗ lớn trong năm 2011 như: TLS (lỗ 592 tỷ đồng, VCSH thấp hơn vốn đầu tư của cổ đông), SBS (lỗ 609 tỷ đồng, VCSH còn 931 tỷ đồng), SAM (lỗ 183 tỷ đồng), SHS (lỗ 381 tỷ đồng)...

Một số CTCK lỗ 2-3 trong 4 năm gần đây như BSI, HPC, TAS, APG, APS, VDS...
Thậm chí còn nhiều CTCK mất thanh khoản hoặc/và rút khỏi những nghiệp vụ chính như SME, HSSC, Trường Sơn, Hamico (Gia Anh)...

Rõ ràng, trong đợt tăng nóng theo những chuyển biến tích cực của các chỉ số kinh tế vĩ mô vừa qua, TTCK đã đồng loạt đi lên. Nó đồng nghĩa với việc rất có thể có nhiều cổ phiếu đã vượt quá những chuyển biến tích cực nội tại của mình.
Hiện tại, thị trường đang có xu hướng bước sang giai đoạn phân hóa rõ ràng hơn giữa các cổ phiếu tốt và xấu.
Và một điểm đang được giới đầu tư quan tâm là thông tin rằng Ủy ban Chứng  khoán có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc giao dịch ký quỹ của các nhà đầu tư tại các CTCK và quá trình tái cấu trúc khối doanh nghiệp này.
Ảnh hưởng của kiểm soát giao dịch ký quý đã ngay lập tức tác động tới thị trường trong hai phiên vừa qua. Trong khi đó, đề án tái cấu trúc CTCK nhiều khả năng cũng sẽ làm giảm hưng phấn đối với các cổ phiếu chứng khoán - vốn thường tăng rất nóng nhưng nguội cung nhanh.
Theo đề án tái cấu trúc, từ tháng 4/2012, UBCK sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và phân loại CTCK. UBCK cũng đã lập kế hoạch đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động đối với các CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát (vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ luỹ kế từ 30-50% vốn điều lệ) hay kiểm soát đặc biệt (vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ luỹ kế trên 50% vốn điều lệ).
Tình trạng lỗ lũy kế và tỷ lệ an toàn tại các CTCK có lẽ sẽ tích cực hơn trong quý I/2012 nhưng có lẽ cải thiện được bao nhiêu mới là vấn đề quan trọng.
Các thông tin như hiện tại các CTCK đang nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu, ở nhóm nào, mã nào và sự hồi phục của thị trường trong vài tháng vừa qua đã giúp họ hoàn nhập dự phòng được bao nhiêu... thì hầu hết các nhà đầu tư đều không biết.
Thông tin này, có lẽ chỉ nội bộ các CTCK mới nắm được. Trong khi đó, cái mà nhiều nhà đầu tư có thể đã quên là nhiều CTCK lỗ rất lớn trong vài năm qua. Có công ty lỗ 2-3 trong 4 năm gần nhất và chung quy lại là đang thâm vào vốn.
Theo đề án tái cấu trúc, xu hướng giảm bớt số lượng CTCK là tất yếu. Con số CTCK phải sáp nhập hay giải thể cho tới thời điểm này chưa thể xác định. Nhưng theo nhiều đề xuất thì có lẽ tới cuối 2012 thị trường chỉ còn lại khoảng một nửa (thậm chí ¼) so với hiện tại là hơn 100 CTCK. Câu hỏi được đặt ra là, khi đó cổ đông các CTCK sẽ đi về đâu?
Rõ ràng, đây là một rủi ro khá lớn trong khi lực mua đối với các cổ phiếu này vẫn đang rất mạnh.
Kỳ vọng về một năm bớt khó khăn hơn với vĩ mô đang được cải thiện từng ngày có thể khiến TTCK tiếp tục đi lên vững chắc trong thời gian tới. Dẫu vậy, đó là với những cổ phiếu của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nặng nề bởi chứng khoán trong thời gian qua. Các doanh nghiệp thua lỗ nặng do đầu tư tài chính trong các năm trước có thể sẽ hồi sức nhanh trong giai đoạn đầu khi TTCK quay đầu tăng trở lại nhưng sẽ cần nhiều thời gian để lấy lại tất cả những gì đã mất trước đó.

Những CTCK bỏ trốn khỏi thị trường

(VEF.VN) - Không hoạt động tại trụ sở chính, điện thoại không có người trả lời, website không hoạt động, một số công ty chứng khoán (CTCK) gần như biến mất khỏi thị trường.
Không hoạt động tại trụ sở chính, điện thoại không có người trả lời, website không hoạt động, một số CTCK gần như biến mất khỏi thị trường. Chưa cần tới cơ quan chức năng, một làn sóng tự đào thải trong lĩnh vực này dường như đang xuất hiện.
Mất bóng
Vẫn còn biển hiệu ngoài trụ sở chính, một số người quan tâm tới tình hình sống-còn của các CTCK thật bất ngờ khi không thấy một bóng dáng nhân viên của CTCK Hà Nội (HSSC) tại tầng 3, Toà nhà Trung tâm Thương mại Opera - 60 Lý Thái Tổ - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Văn phòng khóa chặt cho dù đây vốn dĩ vẫn đang là trụ sở chính của công ty này.
Điện thoại tới hai số máy của công ty vẫn đổ chuông bình thường nhưng không có người trả lời. Website cũng không thể truy cập.


Dò hỏi hồi lâu mới biết CTCK này đã chuyển đi được khoảng tháng nay, tới Tòa nhà 141 Lê Duẩn, Hà Nội - một sự di chuyển có vẻ rất âm thầm bởi cho tới thời điểm này chưa thấy thông tin về việc chuyển địa điểm của HSSC.
Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đều biết Chứng khoán Hà Nội và một số CTCK khác đã ngừng giao dịch từ lâu khi đóng hầu hết các nghiệp vụ (bao gồm cả môi giới) và chuyển khách hàng cho đơn vị khác.
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, sau khi HSSC quyết định dừng nghiệp vụ môi giới (kể từ 9/12/2011), đa số khách hàng đã tới tất khoản tài khoản tại công ty. Những khách hàng không đến tất toán được chuyển tài khoản sáng CTCK Thiên Việt.
Sở GDCK Hà Nội cũng đã ngừng hoạt động giao dịch của HSSC theo đề nghị của công ty này để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên trên cả thị trường niêm yết và thị trường UPCoM kể từ ngày 17/02/2012.
Mặc dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, cho tới thời điểm này họ vẫn còn cảm thấy khá sốc khi mà một thời đã gửi cả trăm triệu, thậm chí vài tỉ tại các CTCK đang dần dần mất bóng trên thị trường.
Tự đào thải
Không chỉ HSSC, TTCK trong thời gian vừa qua đã chứng kiến sự khó khăn kiệt quệ của rất nhiều CTCK.
Gần đây và điển hình nhất là trường hợp Công ty Chứng khoán SME với việc liên tiếp bị đình chỉ hoạt động giao dịch, đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ và mới nhất là bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động lưu ký và ngừng hoạt động giao dịch tại HOSE kể từ 10/2/2012 (để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên) sau khi liên tục vi phạm các quy định và mất khả năng thanh toán.
SME cũng đã thông qua việc tạm dừng nghiệp vụ môi giới và đóng cửa chi nhánh TP.HCM.
Cũng trong khoảng thời gian này, HOSE thông báo ngừng hoạt động giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán Đông Dương (DDS) để hoàn tất các thủ tục chấm dứt tư cách thành viên.


Trước đó, một số CTCK khác như Gia Anh và Trường Sơn cũng đã xin rút nghiệp vụ môi giới.
Hiện tượng đóng cửa hàng loạt các chi nhánh, phòng giao dịch, sa thải nhân viên và chuyển trụ sở từ nơi hoành trang sang khu vực không trung tâm và nhỏ gọn hơn thì phổ biến, xảy ra đối với cả CTCK lớn và nhỏ và trong thời gian rất dài vừa qua.
Trong một thông báo phát đi trước Tết, Công ty Chứng khoán Mê Kông đã thông báo chuyển trụ sở chính từ Quận 1, TP.HCM ra đóng tại chi nhánh tại Ngô Quyền, Hà Nội. Với quyết định này, Mê Kông đóng cửa cùng lúc 2 chi nhánh, một tại TP.HCM, một tại Hà Nội và một phòng giao dịch.
Trên thực tế, sự suy sụp của một bộ phận không nhỏ các CTCK đã được dự báo từ trước.
Trước hết, nó xuất phát từ việc cho ra đời quá nhiều CTCK (hơn 100) trong một thị trường được đánh giá là khá nhỏ bé, chưa có nhiều hàng hóa và dịch vụ chất lượng.
Trong thời kỳ sôi động, các CTCK đã được khai sinh như nấm sau mưa. Một khoản tiền lớn đã được đưa ra để mua sắm thiết bị, phần mềm, thuê mặt bằng, nhân viên lương cao... Khi đó, nhiều công ty dù có rất ít khách hàng nhưng vẫn có thể tồn tại nhờ vào việc kinh doanh chứng khoán với giá cổ phiếu tăng lên từng ngày.
Nhưng tới thời kỳ thị trường đi xuống kéo dài và thậm tệ như trong vài năm qua thì thua lỗ gần như là đương nhiên bởi khoản thu chưa bù đắp được chi, trong khi còn gánh một khoản lỗ do tự doanh, do cho vay cầm cố, margin...
Liên tiếp trong nhiều quý và năm tài chính vừa qua, các CTCK đưa ra những bản báo cáo tài chính gây thất vọng rất lớn. Một điểm thường thấy trong báo cáo của các doanh nghiệp này gần đây là các khoản lỗ lên tới vài chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ, tùy theo mức độ lớn nhỏ của công ty.
Riêng đối với trường hợp HSSC, dù số vốn góp vào ban đầu không nhiều với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng nhưng tỷ lệ thua lỗ cũng khá cao.
Số liệu mới nhất chưa có, nhưng đến cuối năm 2010, HSSC thông báo vốn chủ sở hữu chỉ còn 15,7 tỷ đồng! Với việc lỗ liên tiếp 3 năm 2008-2009-2010 thì tổng lỗ lũy kế của công ty đã lên tới 34,4 tỷ đồng.
Một số trường hợp khác có lẽ còn tồi tệ hơn.
Thứ hai, trong suốt một thời gian dài vừa qua, nhiều CTCK đã không tạo được niềm tin trong con mắt của các nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, các CTCK đã làm mưa làm gió, chi phối thị trường trong một thời gian dài bằng những thủ đoạn như đội lái, đánh lên đánh xuống, hợp tác đầu tư... Chính những cái này đang quay lại làm hại các CTCK. Việc gieo gió ắt gặp bão.
Trên thực tế, việc đánh lên, đánh xuống... tại các CTCK chỉ là tin truyền tai bởi hầu hết các trường hợp làm giá đều không được phát hiện. Vi phạm của các CTCK thường được phát hiện có chăng chỉ là những hành vi như vi phạm công thông tin và gần đây là hiện tượng nhập nhèm tiền gửi khách hàng.
Hơn nữa, khoản phạt cho các hành vi này dường như cũng chưa có khả năng răn đe.
Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu vào CTCK và rút tiền ra cũng là lúc các thành viên của thị trường không còn hoặc còn ít đất sống. Hiện tượng tự đào thải, theo đó giúp làm giảm bớt những CTCK yếu kém, có thể sớm xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trước góp vốn vào đây có thể phải rút ra.

Hai công ty chứng khoán ngừng giao dịch

(VEF.VN) - Công ty chứng khoán Hà Nội và Công ty chứng khoán SME gần như đã ngừng giao dịch khi đóng hầu hết các nghiệp vụ và bắt đầu chuyển khách hàng cho đơn vị khác.
Sở GDCK Hà Nội vừa ngừng hoạt động giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán Hà Nội (HSSC) theo đề nghị của công ty để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên của công ty này.
Theo đó, từ ngày 17/02/2012, HSSC sẽ ngừng giao dịch trên cả thị trường niêm yết và thị trường UPCoM.
Đến cuối năm 2010, HSSC có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 15,7 tỷ đồng. Với việc lỗ liên tiếp 3 năm 2008-2009-2010 thì tổng lỗ lũy kế của công ty  là 34,4 tỷ đồng.
Vài ngày trước đó, Công ty Chứng khoán SME (HNX: SME) công bố thông tin bất thường về việc tạm dừng hoạt động môi giới, đóng cửa chi nhánh TPHCM và ngừng hoạt động lưu ký chứng khoán.
Theo đó, SME tạm dừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán từ 01/03 đến hết ngày 31/08; đồng thời, đóng cửa chi nhánh tại TPHCM.
SME cũng đã nhận được quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán.
Theo đó, SME sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn tất tài khoản và chuyển khoản chứng khoán sang công ty chứng khoán khác từ ngày 08/02.
Kể từ ngày 08/02/2012, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo ngừng cung cấp toàn bộ dịch vụ liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ cho CTCP Chứng khoán SME (HNX: SME), trừ trường hợp chuyển khoản tất toán của khách hàng sang thành viên lưu ký khác.
Trong vòng 10 ngày làm việc (từ ngày 09/02 đến hết ngày 22/02/2012), VSD sẽ thực hiện chuyển khoản tất toán tài khoản cho người đầu tư mở tài khoản tại SME sang thành viên lưu ký khác theo yêu cầu.
Trước hai DN này có một số công ty như CTCK Gia Anh, CTCK Đông Đương, CTCK Hà Nội và CTCK Trường Sơn đã xin rút nghiệp vụ môi giới.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK, cho biết, định hướng của UBCK trong quá trình tái cấu trúc các CTCK cũng là khuyến khích các CTCK tự nguyện từ bỏ những nghiệp vụ mà đối với họ không có hiệu quả kinh tế.

Công ty CK 'còi': Làm gì để tồn tại?

(VEF.VN) - Các công ty chứng khoán nhỏ có cách nào để tồn tại trong điều kiện chứng khoán khó khăn. Thử làm vài phép tính về tài chính để xác định khả năng tồn tại (có lãi) của CTCK.

LTS: Trong bối cảnh các thị trường nghiệt ngã, các công ty chứng khoán đang dần bị sàng lọc, vậy làm thế nào để CTCK nhỏ có thể tồn tại được? Bài viết dưới đây của tác giả Việt Thắng như lời gợi ý để các công ty tham khảo hướng đi cho mình. Mời độc giả cùng tham gia tranh luận và đóng góp ý kiến. Trân trọng cảm ơn.
Tình hình kinh tế vĩ của Việt Nam trong những năm vừa qua đều trong tình trạng kém ổn định. TTCK Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ bởi tình hình chung này. Bên cạnh đó, sự yếu kém trong công tác quản lý thị trường và tính bất cập của các giải pháp phát triển thị trường cũng góp phần làm cho quá trình lao dốc diễn ra kéo dài.
Trong tình hình hiện nay, việc tái cơ cấu lại các CTCK đang đặt ra là một vấn đề cấp thiết. Do đó, việc xem xét và đánh giá khả năng tồn tại (có lãi) về mặt tài chính của CTCK được đặt ra hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu.
Ở đây, tôi đưa ra phân tích trường hợp điển hình đối với các CTCK có vốn chủ sở hữu từ 135 tỷ trở xuống, CBNV 50 người và có trụ sở ở Hà Nội và 1 chi nhánh ở TP.HCM hoặc ngược lại. Các khía cạnh phân tích dựa trên tính toán về doanh thu và chi phí điển hình phổ biến của các công ty chứng khoán chung theo tình hình báo cáo trong những năm vừa qua.
Về doanh thu: Các CTCK hiện có các nguồn thu theo ngành nghề kinh doanh gồm: Môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư chứng khoán và các khoản doanh thu khác (dịch vụ tài chính).

1. Doanh thu từ hoạt động môi giới: Với quy mô giao dịch của TTCK hiện tại cả HSX và HNX hiện nay đều dưới 500 tỷ đồng/phiên. Nếu mức phí giao dịch bình quân là 0,2% thì tổng phí giao dịch một phiên của toàn thị trường khoảng 4 tỷ đồng, tương đương với tổng doanh thu môi giới cả năm của toàn thị khoảng 1.000 tỷ đồng (số phiên GD trong năm khoảng 250 phiên).
Với tổng doanh thu môi giới này, việc đầu tiên là 10 CTCK lớn nhất sẽ lấy mất tỷ trọng khoảng 50% về thị phần (500 tỷ đồng), 95 CTCK còn lại sẽ phải chia nhau miếng bánh 500 tỷ với mức bình quân 5 tỷ đồng/CTCK/năm (tương đương với 420 triệu đồng/tháng). Mức doanh thu môi giới này không nhiều CTCK đạt được.
2. Doanh thu từ hoạt động tự doanh: Đa phần các CTCK hiện tại đều đã đầu tư vốn vào chứng khoán mà TTCK liên tục suy giảm như hiện nay thì không thể có doanh thu mà còn phải trích dự phòng đưa vào chi phí.
3. Doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư: Với việc TTCK liên tục suy giảm thì hoạt động tư vấn của các CTCK hầu như bị tê liệt. Khi TTCK tăng trưởng, CTCK thu được doanh thu từ tư vấn niêm yết, tư vấn IPO, tư vấn tái cơ cấu (tăng vốn, cổ đông chiến lược, cơ cấu cổ đông...). Với tình trạng hiện tại, CTCK chỉ có thể thu được doanh thu từ hoạt động tư vấn tối đa ở mức 5 tỷ đồng/năm thông qua các hợp đồng kéo dài với các khách hàng truyền thống và một số đối tác "ruột" của Công ty.
4. Doanh thu khác: Với nguồn vốn 135 tỷ, sau khi trừ đi các chi phí mua sắm TSCĐ, các khoản chi bằng tiền khác (tiền nộp quỹ hỗ trợ thanh toán, các khoản đặt cọc thuê trụ sở...) dự trù tối thiểu khoảng 10 tỷ đồng thì nguồn vốn khả dụng còn lại là 125 tỷ đồng. Với việc các CTCK đều đã triển khai tự doanh (dự trù đều đã sử dụng ½ vốn để đầu tư) thì mức vốn còn lại để triển khai hoạt động margin và dịch vụ tài chính chỉ còn tối đa 70 tỷ đồng. Với mức vốn này, nếu triển khai hiệu quả tối ưu, CTCK có thể thu được 2%/tháng, tương đương 16,8 tỷ đồng/năm (1,4 tỷ đồng/tháng).
Với việc phân tách doanh thu của CTCK ở mức tối ưu nêu trên, tổng doanh thu CTCK thu được một năm: 5 tỷ đồng môi giới + 5 tỷ đồng tư vấn + 16,8 tỷ đồng doanh thu khác = 26,8 tỷ đồng (2,23 tỷ/tháng)
Mức doanh thu này chỉ thực hiện được với mức vận hành tối ưu các hoạt động và đối với các CTCK có tiềm lực về khách hàng và có cơ chế quản lý-kiểm soát hoạt động tốt.
Về chi phí: Các chi phí lớn, chủ yếu của CTCK bao gồm:
1. Chi phí thuê trụ sở: Chỉ với một trụ sở và một chi nhánh, thông thường mức chi tối thiểu và khoảng 400 triệu đồng/tháng với diện tích trụ sở 400 m2, chi nhánh 150 m2 (Bình quân giá thuê hiện nay vào khoảng 33-35 USD/m2/tháng). Tổng chi phí thuê trụ sở hàng năm CTCK mất 4,8 tỷ đồng.
2. Chi phí lương CBNV: Với mức tối thiểu tại trụ sở và chi nhánh tổng số là 50 CBNV, mức chi bình quân lương hàng năm mặt bằng chung hiện nay là 9 triệu đồng/CBNV/tháng thì tổng chi phí lương của CTCK là 5,4 tỷ đồng/năm (tính cả tháng lương thứ 13).
3. Các chi phí thiết yếu khác: 3,84 tỷ đồng
- Chi phí khấu hao TSCĐ: mức tối thiểu 200 triệu đồng/tháng tương đương 2,4 tỷ đồng/năm;
- Chi phí thành viên, phí đường truyền GD, viễn thông: tối thiểu 30 triệu đồng/tháng, tương đương 360 triệu đồng/năm;
- Điện, nước, điện thoại: 30 triệu đồng tháng/tháng, tương đương 360 triệu đồng/năm;
- VPP, chi phí khác cho nhân viên: 40 triệu đồng/tháng, tương đương 480 triệu đồng/năm;
- Chi phí bằng tiền khác: đi lại, phí, lệ phí, chuyển tiền, tiếp khách... tối thiểu 20 triệu đồng/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm;
Tổng các khoản chi phí tối thiểu một năm của CTCK là  14,04 tỷ đồng, tương đương 1,17 tỷ đồng/tháng.
Kết quả  kinh doanh ròng:

Tổng doanh thu : 26,8 tỷ đồng
Tổng chi phí : 14,04 tỷ đồng
Chênh lệch thu nhập chi phí : 12,76 tỷ đồng
Lợi nhuận sau thuế TNDN (25%) : 9,57 tỷ đồng
Tỷ  suất sinh lời/VCSH (135 tỷ đồng) : 7,1%/năm
Nếu CTCK với quy mô vốn 135 tỷ đồng và triển khai các hoạt động kinh doanh ở mức tối ưu về  doanh thu và tiết kiệm chi phí tối đa, có  định hướng kinh doanh và quản trị tốt mới  đạt được mức sinh lời hàng năm trên VCSH là 7,1%/năm, bằng một nửa so với phương án gửi tiền ngân hàng. Đây là sức ép rất lớn đối với cổ đông cũng như HĐQT, Ban điều hành. Bên cạnh đó, CTCK phải gánh chịu một số rủi ro làm suy giảm mạnh doanh thu cũng như làm tăng chi phí như:
- Chứng khoán tự doanh giảm giá: Nếu việc tự doanh của CTCK với giá trị 55 tỷ đồng, với việc danh mục tự doanh giảm giá (trích dự phòng rủi ro) 20%/vốn đầu tư (11 tỷ đồng) thì Kết quả kinh doanh đã là số âm. Trong khi, đa phần các CTCK đều có tình trạng trích DPRR từ 30-50% giá trị danh mục đầu tư tự doanh;
- Mất vốn do hợp tác kinh doanh (margin): Với việc cho vay bằng vốn của CTCK giá trị 70 tỷ đồng (chưa kể các CTCK còn đi vay của ngân hàng, các tổ chức, các nhân khác để cho vay lại nhà đầu tư), chỉ cần một hai khách hàng lớn bị cháy tài khoản và lơ là trong công tác quản lý rủi ro, CTCK đã phải đối mặt với những món mất vốn không thu được vài tỷ đồng. Nếu CTCK đi vay để cho vay với giá trị lớn hơn nhiều thì việc để rủi ro cháy tài khoản của nhà đầu tư từ 30-50 tỷ đồng cũng là chuyện bình thường.
- Chi phí gia tăng: Rất ít CTCK có kinh nghiệm quản lý chi phí, đặc biệt là những thời điểm khó khăn, CTCK vẫn phải đầu tư để đổi mới công nghệ, tuyển dụng người có năng lực để vận hành và chờ cơ hội khi TTCK phục hồi có nền tảng để tăng trưởng và phát triển. Do vậy, mức chi phí của hầu hết CTCK hiện nay đều không dưới 1,5 tỷ đồng/tháng (18 tỷ đồng/năm).
Qua đây, có thể thấy, khả năng đẩy mạnh và  nâng cao nguồn thu của CTCK là rất hạn chế trong khi luôn phải duy trì một mức chi phí cứng (cố  định) từ 14-15 tỷ đồng/năm mà không có  cơ hội cắt giảm trong thời kỳ khủng hoảng là  một thách thức lớn đối với hoạt động kinh doanh của CTCK hiện nay. Bên cạnh đó, các rủi ro lỗ  vốn hoặc gia tăng chi phí luôn cận kề và  không có phương án khắc phục làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của CTCK. Chính vì vậy, trong thời gian 6 tháng tới, có thể dự đoán về tương lai của các CTCK nhỏ là không mấy khả quan và sẽ có khoảng 40-50% CTCK sẽ phải giải thể, sáp nhận hoặc thậm chí phá sản.

Công ty chứng khoán: Thời điểm của đào thải

(VEF.VN) - Nói về tái cấu trúc, thời gian qua mới xoáy vào hệ thống ngân hàng mà quên chưa nói đến các tổ chức tài chính, nhất là các CTCK. Nơi đó, có với số lượng DN lớn và gần một nửa đang thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản.

Vực thẳm đang chờ
Nếu như trước kia nói tới CTCK là nói tới một thực thể tài chính rất hấp dẫn với khả năng sinh lời cao và có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính. Thì nay, nói đến CTCK phần nhiều người sẽ nghĩ tới thua lỗ, tới hiện tượng thiếu tiền mặt, tới sự tháo chạy, tới khả năng phá sản, và... đáng nói hơn là rất nhiều tên tuổi lừng lẫy một thời bây giờ cũng đang ăn vào vốn và đi kèm với những nghi án thiếu minh bạch trong đầu tư kinh doanh.
Nói về thực tế này, một chuyên gia chứng khoán có kinh nghiệm làm việc quốc tế lâu năm ngao ngán: "đây là điều rất tồi tệ và nó có thể kéo bất cứ doanh nghiệp lớn nhỏ nào tới phá sản".

Có gần nửa số CTCK đang thua lỗ và các chỉ số an toàn tài chính không đảm bảo.
Nói thế có thể là hơi quá bi đát vì không phảii tất cả các CTCK yếu kém nhưng không phải là sai bởi đa số các DN này đang gặp rất nhiều khó khăn. Một con số do chính các DN công bố gần đây cho thấy, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 của các CTCK niêm yết trên HOSE có tới 2 phần 3 trong số này thua lỗ, trong đó 18 công ty có số lỗ trên 1.350 tỷ đồng. Một khảo sát  mang tính thử nghiệm để áp dụng chuẩn an toàn tài chính mới cho thấy,  tính đến đầu tháng 10/2011, 12 CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%. Trong số đó có năm CTCK có tỷ lệ này ở dưới mức dưới 120% - mức có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt...
Bên cạnh đó còn có một số hiện tượng đặc biệt như dấu hiệu mất thanh khoản tạm thời tại CTCK SME và sau đó công ty này đã bị UBCK đình chỉ một số nghiệp vụ. Dấu hiệu mất thanh khoản không chỉ nằm ở một hai công ty mà có thể tiềm ẩn ở khá nhiều đơn vị, khi mà tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này khá cao.
Hơn thế nữa, nhiều người còn cho rằng những khó khăn của các CTCK mới chỉ ở giai đoạn đầu bởi trước đó, các CTCK có thể thỏa thuận cùng các ngân hàng về các khoản vay, còn nay thì dường như không thể. Bản thân các ngân hàng cũng đang rất khó khăn và cũng cần tái cấu trúc. Và, các CTCK có thể phải đối mặt với xu hướng các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường, ra khỏi các CTCK có quy mô nhỏ và có dấu hiệu bất ổn.
Dù không mong muốn, nhưng nhìn vào thực tế này, chính lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho rằng, sẽ phải chấp nhận phá sản nhiều công ty. Nguy cơ sụp đổ của các DN này đã hiển hiện trước mắt. Cho dù hậu quả đổ vỡ không nghiêm trọng bằng ngân hàng nhưng không thể nói là nhỏ được. Và nhiệm vụ tái cấu trúc nhóm này có thể nói là cần làm ngay và làm rốt ráo để lấy lại niềm tin đối với một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đào thải để giữ lại niềm tin
Nếu như, tái cấu trúc ngân hàng cần nhiều thời gian và phải làm từ từ từng bước do đây là một hệ thống lớn và là huyết mạch của nền kinh tế và vẫn đang được hậu thuẫn bởi NHNN. Còn tái cấu trúc CTCK có thể làm sớm bởi quy mô nhỏ hơn, không gây ra hậu quả quá lớn nhưng tác dụng lại tốt.
Có thể thấy, trong vài năm trước đây, TTCK Việt Nam phát triển rất mạnh. Số lượng các doanh nghiệp lên sàn niêm yết cũng như các CTCK ra đời tăng lên từng ngày, có ngày thị trường đón nhận cả chục đơn vị.
Thị trường lớn mạnh về quy mô, giá cổ phiếu tăng là cơ sở để các CTCK hoạt động hết công suất và kiếm bộn tiền từ đây. Tuy nhiên, trong một cuộc chơi mà phần thua gần như nghiêng hết về phía các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ thì chắc chắn sẽ không bền.
Niềm tin đối với TTCK, với các CTCK bị suy giảm một cách nghiêm trọng khi mà các nhóm lợi ích lớn liên kết với nhau để thao túng thị trường mà quên đi quyền lợi của nhà đầu tư - người mang lại vốn cho các doanh nghiệp lên sàn và lo lướt sóng kiếm tiền hơn là vun đắp cho chức năng huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế của TTCK.

Loại bỏ những yếu kém để thị trường minh bạch và lành mạnh hơn.
Nhưng rồi, việc gì đến cũng phải đến, cùng với suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đã lao dốc, mất khoảng 65% so với đỉnh. Giờ đây, bất chấp nhiều chính sách được các cơ quan quản lý đưa ra để thúc đẩy thị trường như tăng thời gian giao dịch, hoãn/giảm thuế, thêm dịch vụ, sản phẩm..., dòng tiền vẫn đang được rút ra khỏi thị trường và các chỉ số vẫn lao dốc.
Tái cấu trúc các CTCK và tăng cường quản lý TTCK sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm ở lại với thị trường. Thị trường qua đó sẽ lấy lại thanh khoản và ấm lên. Dòng tiền khi đó sẽ vào thị trường và giúp các DN có thể huy động được vốn trong bối cảnh tín dụng vẫn đang bị thắt chặt.
Và để tái cấu trúc thành công, thì điều đầu tiên là cơ quan quản lý, mà ở đây là UBCKNN phải không nương tay với các công ty yếu kém, như các công ty không đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn. Việc thanh lọc các CTCK và loại bỏ các thế lực lũng đoạn thị trường là cần thiết. Và như thế, đào thải những phần yếu kém cũng là cách khẳng định quyết tâm phát triển để lấy lại niềm tin cho thị trường.

Khi 'đại gia' muối mặt thừa nhận thua lỗ

(VEF.VN) - Thông tin sốc được chính những ông chủ doanh nghiệp tính toán và công bố như: lợi nhuận năm nay bằng 0, thua lỗ, thậm chí sắp phá sản... đang đặt ra một vấn đề: liệu đây có phải là một kiểu minh bạch tài chính hay đằng sau là âm mưu nào khác?
Thực tế, đây là một hiện tượng khá mới mẻ trên TTCK Việt Nam và câu trả lời cho vấn đề này hẳn là chưa thể có ngay bây giờ. Dù vậy, giới đầu tư đang đặt ra rất nhiều tình huống. Theo đó, rất có thể các ông chủ - các đại gia muốn minh bạch hóa tình hình khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải để tránh sức ép từ cổ đông.
Nhưng cũng có người đặt ra tình huống, các cổ đông nhỏ lẻ có thể đã và đang bị đưa vào một cuộc chơi mà phần thắng thuộc về người nắm giữ thông tin.
Công bố thông tin kiểu sốc và lạ
Cuối tuần vừa qua (18/3), giới đầu tư đã thực sự sốc khi ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Hanic (SHN) phát biểu trên một kênh tin cho biết SHN đang đứng bên bờ vực phá sản và hơn 6.000 cổ đông của công ty có nguy cơ mất vốn.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh SHN vừa chính thức khởi kiện Công ty Cổ phần Beta BQP ra Tòa án Kinh tế TP. Hà Nội trước đó vài ngày để tìm cách thu hồi lại khoản nợ hơn 300 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án Thanh Hà Cienco 5.
Thực hư về khả năng mất khoản tiền nói trên (đại diện pháp luật của Beta là Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn sang nước ngoài) đến đâu là chưa được xác minh do vụ việc còn phải được các cơ quan chức năng điều tra.

Khi đại gia sẵn sàng muối mặt thừa nhận thua lỗ... (ảnh minh họa)
Mặc dù vậy, có một thực tế là tuyên bố không chính thống của ông Long cho biết "công ty của ông đang lâm vào tình trạng rất xấu, mất thanh khoản và dễ bị đổ vỡ", và "đang hội đủ những yếu tố dễ dẫn đến phá sản" đã ngay lập tức tác động rất mạnh lên cổ phiếu này và tới tâm lý chung trên thị trường.
SHN đã bị bán tháo ồ ạt. Dư bán giá sàn cuối ngày 19/3 còn hơn 7,5 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh trong cả hai phiên sáng và chiều chỉ đạt 56.500 đơn vị - một con số quá thấp, bi đát hơn cả trường hợp những ngày cuối cùng trên sàn hai cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết BBT và DVD trước đây.
Đầu giờ sáng 20/3, dư bán sàn của SHN đã lên tới hơn 10 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh mới được 20.000.
Một điều đáng bàn là SHN là một cổ phiếu luôn được các nhà đầu tư trong nước chú ý trong các đợt sóng của thị trường. Cổ phiếu này thường có những đợt tăng giá bất thường theo kiểu lúc ồ ạt lên trần, lúc liên tục giảm sàn.
Một trường hợp gây sốc khác trong những ngày đầu của mùa đại hội cổ đông (ĐCHĐ) 2012 là LCG.
Tại ĐCHĐ ngày 17/3, ông Vũ Công Hưng, Tổng giám đốc CTCP Licogi 16 (LCG) xác định, 2012 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với công ty. Trong đó, khó nhất là tìm vốn cho hoạt động đầu tư.
ĐCHĐ thống nhất thông qua việc không hạch toán doanh thu bất động sản trong năm 2012 - chỉ hạch toán khi LCG bàn giao nhà/sản phẩm hoàn thành cho khách hàng. Vì vậy, doanh thu kế hoạch là 735 tỷ đồng; lợi nhuận bằng 0; cổ tức 0%.
Theo trình bày của Đại diện LCG tại Đại hội, trong trường hợp không nghi nhận doanh thu bất động sản, năm 2012 doanh thu LCG sẽ đạt 735,5 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ âm 7,5 tỷ đồng. Vì vậy, kế hoạch lợi nhuận bằng 0 sẽ buộc Ban điều hành của LCG không được lỗ trong năm 2012.
Thị trường dường như bất ngờ với kế hoạch lợi nhuận 2012 này của LCG, đẩy giá cổ phiếu xuống giá sàn và còn rất nhiều dư bán. Chốt phiên 19/3, dư bán sàn của LCG đạt hơn 2,1 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh chỉ được 140.000 đơn vị. Sáng 20/3, dư bán vẫn đạt gần 2,3 triệu đơn vị, trong khi khớp rất ít.
Với tình hình khó khăn hiện tại và sự "tiên phong" của LCG, nhiều khả năng sẽ còn không ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có các kế hoạch "khiêm tốn" tương tự trong năm 2012 và điệp khúc này có thể còn lặp lại ở các công ty khác.
Khó khăn thực sự hay có tính toán khác?
Có thể thấy sự việc trên là một hiện tượng khá mới trên TTCK Việt Nam. Trong các năm trước, rất hiếm khi có trường hợp một doanh nghiệp lại nhanh chóng công khai toàn bộ tình trạng bi đát mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hay đưa ra những kế hoạch buồn tẻ đến mức như vậy.
Phải chăng đây là một kiểu minh bạch tài chính hay có một âm mưu nào khác đằng sau khiến các ông chủ phải muối mặt nói ra?
Trong trường hợp SHN, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc ông Long lên tiếng nói về khả năng phá sản của doanh nghiệp là bất đắc dĩ, ẩn chứa trong đó không loại trừ có những động cơ mục đích rõ ràng.
Xem xét vụ việc giữa SHN và Beta, có thể thấy khả năng thu hồi vốn trong Cienco 5 đến nay là khá thấp do khó khăn chung và hầu hết các dự án tốt xấu đều khó bán được hàng, dù giá đã giảm 30%. Hơn thế, trong trường hợp có đòi được thì như thường thấy cũng mất rất nhiều thời gian để thu tiền về.
Khả năng thu hồi nợ thấp phải chăng đã khiến SHN muốn tuyên bố sốc để gây áp lực lên các cơ quan chức năng trong vụ kiện Beta?
Câu hỏi này cũng chưa có lời giải đáp, nhưng có một số nghi vấn cho rằng, tuyên bố trên để nhằm giảm bớt sự chỉ trích của cổ đông trong đại hội sắp tới.
Chưa biết sự việc sẽ diễn biến tiếp như thế nào nhưng trên thực tế là trong thời gian qua cả SHN và các cổ đông lớn tại công ty này đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu. Trong tuần thứ hai của tháng 2, SHN đã bán ra 830.000 cổ phiếu quỹ và nửa cuối năm 2011 liên tục ông Long và một số ủy viên HĐQT đã bán ra cả triệu cổ phiếu.
Theo thống kê của Cafef, tỷ lệ sở hữu của các thành viên HĐQT SHN gần như không còn. Ngay cả Chủ tịch hiện cũng chỉ nắm giữ khoảng 1%. Như vậy, hiện tại những người nắm giữ cổ phiếu SHN chủ yếu là các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài.
Nhiều nhà đầu tư hiện đang đặt ra vấn đề tư cách, hoặc chí ít là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo SHN với cổ đông trong vụ việc ký hợp đồng dạng cho vay hơn 300 tỷ cho một đối tác rất nhỏ. Hơn thế vụ việc phức tạp xảy ra nhưng ngay những người trong cuộc cũng không biết công ty này đã chuyển đi đâu thì thật đáng phải xem lại.
Trong trường hợp LCG, tình hình có vẻ minh bạch hơn khi mà kế hoạch 2012 được chuẩn bị sẵn theo hai phương án và trình ĐHCĐ.
Dù vậy, kế hoạch được thông qua "sau khi trao đổi với các cổ đông lớn" đã gây ra sự thất vọng tràn trề đối với các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Một số nhà đầu tư cho rằng cổ đông LCG đã thông qua một kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2012 quá thấp. Nó không phản ánh đúng vị thế và quy mô của LCG. Với khối tài sản lên tới hơn 2.200 tỷ đồng (trong đó VCSH là gần 1.200 tỷ đồng) và bề dày hoạt động lâu dài của LCG thì kế hoạch không có lợi nhuận (thậm chí âm) là khó chấp nhận.
Trên thực tế, ban đầu, HĐQT đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua nghị quyết đại hội cổ đông thường niên tháng 12/2011 tỷ lệ chia cổ tức năm 2011 là 17% vốn điều lệ. Sau đó, ngày 07/03/2012 H ĐQT đã công bố nghị quyết HĐQT về việc chia cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 15% vốn điều lệ trong đó 5% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.
Mặc dù vậy, ngay trong Đại hội, phương án thấp nhất (chia cổ tức 2011 là 5%) đã được thông qua. Bên cạnh đó, cũng theo ý kiến của các cổ đông lớn, theo cách ghi nhận doanh thu mới (ghi thu bất động sản vào cuối dự án) thì doanh thu 2012 chỉ đạt 735 tỷ đồng và lợi nhuận bằng 0.
Vấn đề đặt ra là, những điều chỉnh đã diễn ra quá nhanh và ở mức độ quá lớn. Thông tin được điều chỉnh bất ngờ như vậy được nhìn nhận có thể dẫn đến tình trạng lũng đoạn và thao túng giá.
Hai trường hợp nêu trên chỉ là một phần nhỏ những bất cập trong việc quản lý thông tin của công ty đại chúng trên TTCK mà nhiều nhà đầu tư bức xúc. Việc phát biểu không theo một quy định nào và không chịu trách nhiệm về lời nói, cũng như những thay đổi đầy bất ngờ có thể dẫn tới những thua thiệt không nhỏ cho các nhà đầu tư cá nhân.
Mới đây, những tin đồn sáp nhập trong ngành ngân hàng, rồi những thông báo mua vào để chạy hàng, bán không kịp thông báo, chậm công bố thông tin...  của hàng loạt ông chủ đã khiến giá cổ phiếu biến động mạnh theo chiều hướng có lợi cho người biết thông tin và có hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý lại đang được đặt ra. Quá trình tái cấu trúc TTCK xem ra vẫn chậm chạp như xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?