Ba trụ cột để nước Mỹ phát triển thịnh vượng, bền vững
Từ khi ra đời năm 1789, bản Hiến pháp Mỹ đã được rất nhiều học giả nghiên cứu và được nhiều quốc gia trên thế giới học hỏi, áp dụng.
Năm 2003, tôi đã dịch và xuất bản cuốn Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? để cung cấp cho độc giả toàn bộ quá trình soạn ra bản Hiến pháp Mỹ đó, và cuốn Alexander Hamilton, kiến trúc sư của hệ thống kinh tế và chính trị Mỹ để giới thiệu chân dung một "kiến trúc sư" về chính trị, người đã có công rất lớn trong việc tạo dựng nền tảng cho nhà nước Mỹ hiện đại. Nhân dịp Đảng và Nhà nước đang triển khai các chương trình tiến tới cải cách và sửa đổi Hiến pháp, tôi muốn giới thiệu, phân tích thêm về các nền tảng cơ bản của sự bền vững và thịnh vượng của nhà nước Mỹ mong cung cấp thêm thông tin và bài học cho quá trình phát triển và cải cách ở Việt Nam.
Nền tảng cho một nhà nước Mỹ thịnh vượng, bền vững...
Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp hiện đại được soạn cổ nhất với lịch sử tồn tại 222 năm (soạn thảo năm 1787, thông qua năm 1789). Trong suốt chiều dài hơn 200 năm này, bản Hiến pháp Mỹ đã được sửa đổi 27 lần nhưng trừ 10 tu chính án đầu tiên là Bill of Rights ban hành ngay sau khi thông qua hiến pháp thì những lần sửa đổi sau chỉ sửa hoặc bỏ đi hay thêm các điều khoản nhỏ chứ không phải viết lại mới hoàn toàn.
Về căn bản, cấu trúc của chính quyền, về quyền hạn, tổ chức, cách bầu chọn của các cơ quan liên bang Hoa Kỳ vẫn không thay đổi... Bản hiến pháp Mỹ đã đặt nền tảng cho quốc gia hùng mạnh nhất thế giới... đã biến một miền đất của 13 tiểu bang lỏng lẻo và yếu kém trở thành một liên bang hùng mạnh như hiện nay.
Nước Mỹ có hai văn bản quan trọng nhất làm nền tảng cho sự hùng mạnh và bền vững là Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và Hiến pháp Mỹ soạn thảo năm 1787. Có thể nói bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được Hồ Chí Minh trích dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta n ăm 1945 chính là bản tuyên bố sứ mệnh, mục tiêu của người dân Mỹ, của đất nước Mỹ và của chính phủ Mỹ mong muốn xây dựng một quốc gia độc lập, thịnh vượng... Nhưng bản Hiến pháp Mỹ mới là công cụ, là bộ luật tối cao, là khuôn khổ để người dân & chính phủ đạt được mục tiêu mà Tuyên ngôn Độc lập đã nói. Có thể nói Tuyên ngôn Độc lập là văn bản thể hiện ý chí, khát vọng và tình cảm còn bản Hiến pháp Mỹ thể hiện lý trí, kế hoạch, suy tính và trù liệu...
Cũng như không một công ty, một doanh nghiệp nào tự nhiên sinh ra là người khổng lồ thì không một quốc gia nào tự nhiên sinh ra đã hùng mạnh,. Những chiến công, kỳ tích đó tất yếu phải là sự hội tụ của nhiều yếu tố và trải qua quá trình phát triển lâu dài. Đối với nước Mỹ cũng vậy. Giai đoạn cuối thế kỷ 18, dầu thế kỷ 19, nước Mỹ mới là một vùng đất hứa và là một quốc gia trung bình, có tiềm năng phát triển nhưng thực sự chưa phải là cường quốc khi đó là Anh, Pháp, Tây Ban Nha...
Nếu nói về tài nguyên thiên nhiên và sự hùng vĩ, ngày đó các vùng đất cũng rộng mênh mông và hoang sơ như nước Mỹ. Trải qua những biến động thăng trầm như công cuộc giải phóng nô lệ của Abraham Lincoln, rồi vượt qua Chiến tranh thế giới thứ nhất dưới thời Wilson, đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế, và Chiến tranh thế giới thứ hai của thời kỳ Roosevelt, thì đến những năm 1940s nước Mỹ mới trở thành một cường quốc và trải qua cuộc Chiến tranh lạnh thời kỳ Kennedy mới thực sự là siêu cường...
Một nhà nước Mỹ thịnh vượng, bền vững được xây dựng trên nhiều trụ cột chứ không chỉ một trụ cột duy nhất, tôi muốn phân tích ở đây khoảng 3 yếu tố, mỗi yếu tổ được thực thi bởi những cá nhân xuất chúng mà tiêu biểu là những người được coi là Founding Fathers - Những người cha lập quốc của nước Mỹ.
Trong giai đoạn lập quốc của nước Mỹ kể từ những xung đột đầu tiên với người Anh đầu những năm 1770 đến khi thiết lập xong nhà nước Liên bang Hoa Kỳ năm 1792, nước Mỹ đã trải qua hai thế hệ lãnh đạo. Thế hệ đầu tiên tiêu biểu là George Washington (1732-1799), Tổng tư lệnh quân đội Mỹ thời kỳ Cách mạng và những nhân vật như Benjamin Franklin, Patrick Henry Lee, và George Mason, cha đẻ Tuyên ngôn Nhân quyền của tiểu bang Virginia, John Hancock... Thế hệ đầu tiên này sinh ra trong khoảng những năm 1730-1745 với lòng quả cảm, đức độ là thế hệ đầu tiên dẫn dắt và lãnh đạo cuộc Cách mạng Mỹ...
Tuy nhiên, tư duy chính trị của các nhân vật này mới dừng lại ở lòng yêu nước, sự nhiệt thành và mong muốn một đất nước thịnh vượng. Thành tựu lớn lao nhất của thế hệ này là Cuộc cách mạng giành độc lập với người Anh mà "sản phẩm tinh hoa kết tinh" tiêu biểu của thế hệ này là bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776...
Thế hệ chính khách, lãnh đạo thứ hai của Mỹ tiêu biểu là James Madison, Alexander Hamilton, George Marshall (Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ, Chánh án vĩ đại nhất và làm nên sự độc lập của ngành tư pháp Mỹ), James Monroe (Tổng thống thứ 5), Edmund Randold (Thống đốc Virginia, Ngoại trưởng Mỹ)... Thế hệ này sinh ra trong giai đoạn 1750-1760, khi Cách mạng Mỹ nổ ra, họ chỉ mới khoảng 20-30 tuổi, và được học hành bài bản hơn, khi trưởng thành họ bắt đầu chứng kiến và tham gia cuộc Cách mạng Mỹ. Nhưng thành tựu lớn lao nhất của họ là kế tục thế hệ thứ nhất, xây dựng nhà nước Liên Bang Mỹ và "sản phẩm trí tuệ tiêu biểu tinh hoa nhất của họ chính là bản Hiến pháp Mỹ.
George Mason viết cho con trai "Cuộc Cách mạng giành độc lập từ nước Anh và quá trình xây dựng chính quyền mới lúc đó chẳng là gì so với công trình vĩ đại đang ở trước mắt cha... việc thiết lập chính quyền này có thể sẽ mang lại hạnh phúc hay đau khổ cho hàng triệu người, cả hiện nay và trong tương lai. Đó vẫn là mục tiêu cao cả, đầy hấp dẫn và thách thức sự hiểu biết của loài người."
Tôi thấy rằng, mỗi thế hệ chính khách Mỹ đều mang trong mình một sứ mệnh lịch sử và họ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Với thế hệ đầu tiên sứ mạng đó là giành độc lập cho các thuộc địa và thế hệ thứ hai là tạo dựng nền tảng cho một nhà nước Liên bang trên nền độc lập đó. Các thế hệ tiếp theo lại có sứ mệnh xây dựng một nhà nước Mỹ thịnh vượng trên cái nền tảng đó.
Ảnh minh họa: sunlaw.com.vn |
Nhân vật tiêu biểu George Washington
George Washington (1732 - 1799) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã tổng tư lệnh quân đội thuộc địa năm 1775-1783 chiến thắng nước Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Ông cũng là Chủ tịch Hội nghị Lập hiến năm 1787 để xây dựng nên bản Hiến pháp Mỹ. Sau đó, ông là tổng thống đầu tiên của Mỹ (1789-1797). Với tư cách là tổng thống, ông đã xây dựng một chính phủ quốc gia mạnh mẽ và giàu tài chính mà đã tránh được chiến tranh, dập tắt được nổi loạn và chiếm được sự đồng thuận của tất cả người Mỹ. Ông được coi là vị cha già của nước Mỹ.
Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông điều hành chính phủ Mỹ với lòng tự trọng cao và sự kiềm chế. Ông đã mang lại sự ổn định và quyền lực cho đất nước vừa hình thành, mang lại giá trị cho bản Hiến pháp, hòa giải các phe phái xung đột và bác bỏ các chính sách gây bất đồng trong chính quyền. Mặc dù có uy tín rất lớn, nhưng ông tôn trọng vai trò của Quốc hội và không vi phạm đặc quyền của cơ quan này.
Trụ cột thứ nhất: một bản hiến pháp tốt và phù hợp với dân tộc.
Nhân vật tiêu biểu nhất đóng góp vào việc xây dựng trụ cột này chính là James Madison (1751-1836), "Cha đẻ bản Hiến pháp Mỹ", thủ lĩnh Hạ Viện Mỹ, tham gia sáng lập Đảng Dân chủ, sau này là Tổng thống thứ 4. Quan điểm cơ bản nhất của Madison là một quốc gia muốn thịnh vượng và bền vững cần có một bản hiến pháp tốt và phù hợp với đặc trưng dân tộc, với đặc điểm địa lý của dân tộc đó... Cũng chính dân tộc Mỹ đó, những con người đó, đất đai đó nhưng dưới một bản hiến pháp mờ nhạt năm 1781 mang tên Hợp bang đã chứng kiến sự chia rẽ, thiếu hiệu quả.
Giai đoạn 10 năm sau cuộc cách mạng Mỹ 1776-1786, 13 tiểu bang ban đầu liên minh với nhau rất lỏng lẻo với một bản hiến pháp thiếu hiệu quả là Các điều khoản hợp bang. Theo đó, cả 13 tiểu bang chỉ liên minh với nhau chứ không có một chính quyền chung, không có tòa án, không có quân đội. Chỉ có Quốc hội Hợp bang, mà hình thức cũng chỉ giống như đại hội đại biểu các tiểu bang lãnh đạo nhưng không có thực quyền khiến nước Mỹ nguy ngập. Những chính khách tham gia Quốc hội Hợp bang không có thực quyền, không có bộ máy hỗ trợ nên không thể điều hành liên minh một cách hiệu quả.
Chính vì vậy, James Madison và Alexander Hamilton là những chính trị gia rất trẻ, tiêu biểu cho thế hệ chính khách thứ hai của Mỹ, khi đó mới 36 và 30 tuổi, đã nỗ lực vận động đòi xây dựng một bản Hiến pháp mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Họ đều thống nhất chung rằng nước Mỹ cần một chính quyền mạnh và hiệu quả chứ không phải ngược lại.
Trong lịch sử, từng có nhiều quốc gia hùng mạnh nhưng rồi lại lụi tàn, từng có nhiều đế chế lập nên với những vị vua khai sáng, uy tín và đức hạnh ban đầu nhưng rồi lại chấm dứt bằng chế độ độc tài, chuyên chế hoặc rồi lại vô kỷ cương, vô chính phủ với một ông vu bù nhìn, nhu nhược, ngu dốt...
Đặc biệt thú vị khi Madison được mệnh danh là "Con mọt sách của những con mọt sách" và rồi chính ông đã trở thành "Cha đẻ bản hiến pháp" và trở thành lãnh tụ của Hạ Viện Mỹ trong những nhiệm kỳ đầu tiên, vận động soạn Tuyên ngôn Nhân quyền Bill Of Rights và cùng Thomas Jeffferson sáng lập nên đảng Cộng hòa ngày đó, mà là tiền thân của đảng Dân chủ bây giờ. Ông cũng trở thành Tổng thống thứ 4 của Mỹ, có điều kiện và tư cách để thực thi những chính sách và chính bản hiến pháp mà ông góp phần soạn nên...
Vậy ông đã làm gì? Về quê Monpelier rời bỏ mọi chức vụ để tập trung nghiên cứu hiến pháp, nghiên cứu các mô hình cổ xưa và hiện đại, Madison nghiên cứu tất cả những mô hình đó, từ lịch sử các thành bang Hy Lạp cổ đại, rồi nhà nước La Mã, rồi các rồi trình bày, vận động thuyết phục những người khác tổ chức một hội nghị lập hiến để soạn ra một bản hiến pháp hiệu quả hơn. Ông cũng dành thời gian soạn ra những nét chính yếu/cơ bản về mô hình chính quyền làm nền tảng cho nhà nước Mỹ hiện nay, viết Người liên bang và tham gia hội nghị thông qua hiến pháp ở Virginia, đề xuất, vận động Đạo luật về các quyền, Bill of Rights...
Khác với hầu hết các chính trị gia lúc đó sa lầy vào những cuộc tranh luận vô bổ tại Quốc hội Hợp bang mà ông cho là những tranh luận vụn vặt, cả Madison và Hamilton đều có cách tiếp cận và xử lý vấn đề theo cách của riêng mình.
Nhận thức được rằng trước hết cần phải hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách của chính quyền và tìm được một mô hình nhà nước phù hợp, mùa Xuân-Hè năm 1786, Madison rời bỏ mọi công việc tại chính quyền tiểu bang và liên bang, lặng lẽ một mình trở về ngôi nhà ở Montperlier mải mê vùi đầu vào hàng trăm cuốn sách thu lượm được, nhiều cuốn do Thomas Jefferson gửi từ Pháp. Ðó là những cuốn rất nổi tiếng của các tác giả Thế kỷ ánh sáng như Khế ước Xã hội, Tinh thần Pháp luật, Về Một Cộng đồng hoàn hảo và những cuốn khác về lịch sử tồn tại và diệt vong của các nhà nước Hy Lạp và La Mã cổ đại, Hợp bang Thuỵ sĩ thế kỷ 14, Liên bang Bỉ, Phổ giữa thế kỷ 17... Với những cuốn sách này, Madison hy vọng sẽ tìm được những nguyên lý và trở ngại cho sự hoạt động của chính quyền.
Madison nghiền ngẫm những ý tưởng và rồi viết những điều mà ông cho là bổ ích về những đặc điểm hình thành và nguyên nhân sụp đổ của các mô hình nhà nước đó vào cuốn sổ nhỏ có tên là Những ghi chép về các mô hình liên bang cổ xưa và hiện đại và những điều yếu kém của thể chế đương thời vào cuốn Những trục trặc trong hệ thống chính quyền Mỹ. Ông hiểu rằng để xây dựng một mô hình nhà nước Mỹ vững mạnh thì cần phải tìm ra những nguyên lý đúng đắn trên cơ sở cả lý thuyết và thực tiễn.
Madison hoàn toàn đồng ý với Jefferson rằng "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng" nhưng Madison cũng biết rằng rồi đây trong cuộc đời, mỗi người chúng ta sẽ trở nên rất khác nhau. Chúng ta trưởng thành khác nhau, sở hữu những tài sản và trí tuệ khác nhau và tất yếu sẽ có những quan điểm khác nhau. Hơn nữa, chúng ta rồi sẽ tự tìm những biện pháp để bảo vệ tài sản và quan điểm của mình.
Ông viết thêm Mọi xã hội văn minh tất yếu đều chia thành những tầng lớp khác nhau với lợi ích khác nhau, tất yếu sẽ tạo ra những con nợ và chủ nợ, người giàu và người nghèo, nông dân, nhà buôn hay người thợ sản xuất.... Ðối với ông, sự bình đẳng có nghĩa là các tầng lớp, phe phái và các nhóm lợi ích khác nhau đó phải có cơ hội và điều kiện tự bảo vệ mình và để kiểm soát lẫn nhau.
Do vậy, ông kết luận rằng Ước nguyện lớn lao nhất của một chính quyền là sự cân bằng đủ để trung lập những xung đột đó, để kiểm soát bộ phận dân chúng này không chiếm dụng quyền và áp bức các bộ phận khác, và tự kiểm soát mình khỏi việc ban thành những đạo luật đi ngược lại lợi ích chung của toàn xã hội. Một vấn đề nữa đó là làm sao tìm được một sự dung hoà giữa quyền của liên bang và tiểu bang để có một chính quyền liên bang mạnh nhưng vẫn đảm bảo quyền tự quyết của các tiểu bang, đảm bảo tự do cá nhân và thịnh vượng chung của cả cộng đồng.
Từ những nghiền ngẫm này, Madison bắt đầu hình thành trong đầu những ý tưởng sơ khai nhất về mô hình chính quyền cộng hoà cho một nhà nước liên bang tốt đẹp và thịnh vượng. Vấn đề mấu chốt đối với ông là chính quyền này phải đại diện cho dân chúng theo một cách thức phù hợp, ổn định nhưng không quá bảo thủ, năng động nhưng không quá vội vàng đủ đảm bảo sự bình đẳng giữa nhóm lợi ích khác nhau đó. Ông muốn đa số không được đàn áp thiểu số và ngược lại thiểu số không chiếm đoạt quyền của đa số, ví như tránh nguy cơ những con nợ hợp sức tự xoá bỏ những món nợ, ngược lại các chủ nợ không được chèn ép và bức bách họ. Trong suốt thời gian nghiền ngẫm những tác phẩm đó, ông cũng viết thư rất nhiều cho Jefferson, Washington và các chính trị gia khác thảo luận những ý tưởng về mô hình này.
Madison được ca ngợi rằng là người duy nhất hiểu cặn kẽ mọi vấn đề về Hiến pháp tới mức mà trí tuệ con người có thể vươn tới được bởi ở ông là sự kết hợp tuyệt vời giữa một chính trị gia xuất sắc và một học giả uyên thâm.
Mặc dù các tác giả của Thế kỷ ánh sáng đã đặt nền móng lý luận cho mô hình nhà nước Tam quyền phân lập nhưng Mỹ là nhà nước cộng hoà đầu tiên áp dụng mô hình này. Hãy nhớ lại rằng khi đó hầu như toàn bộ Châu Âu đang ở chế độ quân chủ, nước Pháp đang trị vì bởi dòng họ Bourbon, với vua Louis XVI, ở nước Phổ là Hoàng đế, nước Nga là Sa Hoàng, chỉ có nước Anh có một thể chế nghị viện và Thủ tướng nhưng có thể bị giải tán và thay thế bất cứ khi nào thì sẽ nhận thấy sự sáng tạo vĩ đại trong mô hình nhà nước mà Madison và những chính trị gia cùng thời ở Mỹ đã lập nên.
Nhân vật tiêu biểu: James Madison (1751-1836), Cha đẻ bản Hiến pháp, Tổng thống thứ 4
Là một người cực kỳ thông minh và tốt nghiệp Đại học New Jersey năm 1771, (nay là trường Princeton). Đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chính quyền và luật pháp, và sớm đã có tinh thần yêu nước. Năm 1775 (24 tuổi), tham gia Ủy ban An toàn quận Orange; 25 tuổi, tham dự Hội nghị soạn thảo bản Hiến pháp cho tiểu bang Virginia. Trong những năm 1776-1777, ông tham gia Viện dân biểu của thị xã, và trong những năm 1778-1780, tham gia Hội đồng tiểu bang.
Madison được chọn làm người đại diện cho Virginia tham dự Quốc hội Hợp bang trong giai đoạn 1780-1783 và 1786-1788. Mặc dù là đại biểu trẻ nhất, nhưng ông đã đóng một vai trò rất quan trọng trong các cuộc tranh luận. Ông là người chỉ đạo ngầm đằng sau các cuộc họp ở Hội nghị Mount Vernon (1785), rồi tham gia Hội nghị Annapolis tiền đề cho Hội nghị Lập hiến (1786) và có những đóng góp rất to lớn trong quá trình hội họp tại Hội nghị Lập hiến. Được mệnh danh là "Cha đẻ của Hiến pháp Mỹ" vì sự đóng góp lớn lao trong việc soạn thảo văn kiện này cũng như trong quá trình thông qua sau đó. Ông cũng viết rất nhiều bài báo chỉ trích sự yếu kém của Các điều khoản Hợp bang.
Madison là một nhân vật cực kỳ xuất chúng tại Hội nghị Lập hiến. Trong khi một số đại biểu ủng hộ mô hình chính quyền tập trung mạnh; một số khác muốn duy trì quyền tự quyết và tự chủ của tiểu bang; còn đa số có lập trường trung lập thì Madison đã biện hộ không mệt mỏi cho một chính quyền liên bang mạnh dù nhiều đề nghị của ông bị bác bỏ. Phương án Virginia mà ông là tác giả chính đã trở thành nền tảng chủ yếu cho bản Hiến pháp. Madison cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thông qua Hiến pháp ở Virginia, bảo vệ văn kiện này chống lại sự phản đối mạnh mẽ của Patrick Henry, George Mason và Richard Henry Lee và hợp tác với Alexander Hamilton và John Jay, viết các bài luận Người Liên bang, tác động lớn đến việc phê chuẩn Hiến pháp của tiểu bang New York.
Là một trong những lãnh tụ của Hạ viện Mỹ (1789-1797), Madison đóng góp chính vào Tuyên ngôn nhân quyền. Năm 1792, ông và Jefferson đã thành lập Ðảng Cộng hòa - Dân chủ để chống đối các chính sách tài chính - kinh tế của Hamilton và Đảng Liên bang.
Trên mộ bia vị tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ có dòng chữ: "Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, của Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, và là cha đẻ của trường Đại học Virginia".
Trụ cột thứ hai là những nhà lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn
Điển hình nhất cho những nhà lãnh đạo này là Alexander Hamilton. Ngoài ra có thể liệt kê gồm John Marshall, Chánh án tòa án tối cao Mỹ, được coi là Chánh án vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ vì đã thiết lập được một hệ thống tòa án, tư pháp độc lập và thực sự mạnh mẽ, đối trọng và cân bằng với chính quyền. Với 36 năm điều hành và làm Chánh án Tòa án tối cao, Mashall đã thực sự là người cha của hệ thống tư pháp Mỹ.
Quan điểm của Hamilton là để phát triển một quốc gia thì một bản hiến pháp tốt là chưa đủ, nó cần phải được thực thi bởi những cá nhân xuất sắc và với tư tưởng xuất sắc, có tầm nhìn...và cả một thế hệ lãnh đạo
Làm gì? Nghiềm ngẫm về những gì rồi đây nước Mỹ sẽ phải làm. Ông biết trước Washington làm Tổng thống, có thể mình sẽ thành Bộ trưởng Tài chính, vì thế, ông đã nghiền ngẫm rất nhiều sách lược, xây dựng một tầm nhìn, phát triển ê kíp lãnh đạo và hoạch định chiến lược về kinh tế, tài chính. Chính ông là người dựng ra tầm nhìn cả 100 năm cho nước Mỹ với rất nhiều hành động phi thường như lập ngân hàng quốc gia, thống nhất tiền tệ, thuế khóa, thúc đẩy sản xuất trong nước, tìm kiếm liên minh và quan hệ với nước Anh... thậm chí tham gia/góp phần chọn lựa Jeffferson làm Tổng thống, tác động đến chính sách của chính phủ dù không còn tham chính.
Hamilton là tiêu biểu cho cả một thế hệ lãnh đạo khai sáng, chân chính... Ông nỗ lực làm tất cả những gì có thể, sáng tạo ra những quan điểm mới và chính sách mới, thậm chí diễn giải hiến pháp để bào chữa và bênh vực cho chính sách mà ông sẽ làm...
Nhân vật tiêu biểu Alexander Hamilton (1755-1804)
Alexander Hamilton (11 tháng 1 năm 1757?-12 tháng 7 năm 1804) là một sỹ quan quân đội, nhà khai quốc, luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính người Mỹ. Ông là Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên của Hoa Kỳ, người đã thiết lập hệ thống tài chính - ngân hàng, đặt nền móng cho nền kinh tế Mỹ, khi trở thành Bộ trưởng Ngân khố ông mới 32 tuổi. Ông là một trong những luật sư lập hiến đầu tiên của Mỹ, là một lãnh đạo trong Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ năm 1787; ông là một trong hai tác giả chính của The Federalist Papers (Người liên bang), một tác phẩm xuất sắc nhất của Hamilton, được viết chung với James Madison. Những tư tưởng lớn lao chứa đựng trong đó đã đưa tác phẩm này sánh ngang với những danh tác chính trị của nhân loại, làm nền tảng, giải thích rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Do đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chính quyền trung ương, nên vào năm 1786, ông đại diện cho tiểu bang New York tại Hội nghị Annapolis. Tại đây, ông cùng Madison thúc giục Quốc hội Hợp bang triệu tập Hội nghị Lập hiến nhằm soạn thảo mô hình chính quyền mới cho liên bang.
Năm 1787, Hamilton tham dự Hội nghị Lập hiến tham gia Ủy ban soạn và có đóng góp rất lớn.
Năm 1789, khi chính quyền mới được thành lập, Washington đã bổ nhiệm Hamilton giữ chức Bộ trưởng Tài chính, bộ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu dựng nước. Được coi là kiến trúc sư của nền tài chính, kinh tế, và cả chính trị ngoại giao Mỹ thời kỳ lập quốc, xây dựng nền tảng cho một nhà nước hùng mạnh. Ông đề nghị thành lập Ngân hàng Đệ nhất Hoa Kỳ, để tài trợ cho các khoản nợ của liên bang; đảm trách các khoản nợ của các tiểu bang và khuyến khích sản xuất. Để chống lại Jefferson, Madison và Ðảng Cộng hòa - Dân chủ, Hamilton đã xây dựng Ðảng Liên bang và là lãnh tụ xuất sắc nhất của đảng này.
Trụ cột thứ ba là hệ thống giáo dục khai sáng, thực tiễn để đào tạo ra các thế hệ công dân tốt, và hình thành sự tiếp nối của các thế hệ lãnh đạo
Vĩ nhân tiêu biểu và là lãnh tụ đóng góp lớn nhất cho quan điểm này chính là Thomas Jeffferson, Tổng thống thứ 3 và tác giả Tuyên ngôn Độc lập. Jefferson cho rằng việc có bản hiến pháp tốt là chưa đủ, việc có các nhà người lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn... cũng chưa đủ đảm bảo cho một quốc gia bền vững và thịnh vượng. Bởi khi thế hệ lãnh đạo đó mất đi, nếu không có thế hệ lãnh đạo tài năng mới thì thể chế đó cũng sớm lụi tàn. Vì thế, ông cho rằng cần nhiều thế hệ lãnh đạo tài năng, kế tục, nối tiếp nhau, như một ngôi nhà cần phải được xây dựng bằng nhiều lớp gạch... Và xa hơn, cần một dân tộc được khai sáng, cần những thế hệ công dân có giáo dục...
Ảnh minh họa: ndhmoney.vn |
Ông đã làm gì? Xây dựng ngôi trường Virginia, cải cách hệ thống giáo dục
Một chính quyền tốt không chỉ cần một vài nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất mà còn cần tổng thể rất nhiều lãnh đạo ở các cấp độ khác nhau. Ông hình dung nếu chỉ có Tổng thổng và Nội các giỏi chưa đủ mà sự khai sáng cần lan tỏa đến tất cả những người lãnh đạo trên khắp nước Mỹ. Để có được thế hệ lãnh đạo đó nhất định cần một dân tộc được khai sáng và một nền giáo dục tiến bộ, phát triển và đào tạo ra được những nhà lãnh đạo tương lai. Bới chính thế hệ lãnh đạo trưởng thành lên từ chính người dân...
Jeffeson đã nỗ lực phát triển hệ thống thư viện rộng khắp. Ông đã tặng toàn bộ thư viện 6000 cuốn sách hay nhất, hữu ích nhất của mình cho thư viện Quốc hội Mỹ và lan tỏa ý tưởng phát triển một hệ thống thư viện khắp cả nước. Trường đại học Virginia đi đầu trong việc cải cách chương trình giáo dục...
Trong tâm trí Jefferson, một câu hỏi luôn đặt ra, đó là liệu nhà nước cộng hoà Mỹ vừa được thiết lập sẽ duy trì sự tồn tại và phát triển như thế nào? Ông thuộc thế hệ đã làm nên cuộc Cách mạng Mỹ và là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước có nhiệm vụ thiết lập chính quyền trên nền tảng mới nhưng chính ông lại nghi ngờ rằng những thể chế chính quyền dù được thiết lập hoàn hảo cũng không đủ bảo đảm tự do, độc lập và thịnh vượng lâu dài trên đất nước Mỹ bởi ông tin rằng phải chính những người dân được học hành, có kiến thức mới bảo vệ được quyền lợi và sự tự do của mình.
Jefferson viết "Giáo dục làm người ta ý thức được cội nguồn dân tộc, biến đổi những thói xấu cố hữu thành những đức tính tốt đẹp, có lòng nhân ái. Không phải ai khác mà chính từng thế hệ, kế thừa kiến thức của những người đi trước, bổ xung vào đó những điều mới mẻ, không ngừng nâng cao kiến thức và thịnh vượng cho nhân loại..." Jefferson tin rằng giáo dục và quyền công dân là không thể tách rời và khẳng định những điểm mấu chốt nhất về vấn đề này là: (1) dân chủ không thể tồn tại lâu dài nếu không có sự khai sáng (dân trí, kiến thức); và (2) dân chủ không thể được thi hành đúng đắn nếu không có những viên chức chính quyền khôn ngoan và trung thực.
Ông viết: "Không bao giờ và sẽ không bao giờ một quốc gia ngu dốt lại giành được sự tự do". Với ông, sự ngu dốt và sự dân chủ và thịnh vượng của quốc gia không bao giờ cùng tồn tại, cái này sẽ phá hỏng cái kia hoặc ngược lại. Một chính quyền chuyên chế sẽ kìm kẹp và cướp đi quyền tự do của dân chúng nếu họ ngu dốt.
Với ông, giáo dục phổ thông rất quan trọng và là sự bổ xung cần thiết cho một chính quyền tự do vì "Mọi chính quyền đều sẽ thoái hoá và suy đồi nếu chỉ dựa vào tầng lớp cai trị. Bản thân dân chúng mới là bức tường thành duy nhất bảo vệ nền dân chủ và đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhưng để xã hội được an toàn thì trí tuệ và kiến thức của họ phải được cải thiện đến một mức độ nào đó vì những người bỏ phiếu cần phải được chuẩn bị sao cho anh ta có thể trình bày được ý kiến của mình một cách đúng đắn bằng chính lá phiếu".
Ông tin rằng giáo dục tiểu học quan trọng hơn nhiều so với giáo dục bậc đại học, "bởi điều đó sẽ đảm bảo một xã hội an toàn hơn khi toàn bộ dân chúng có được trình độ học vấn một cách tương đối hơn là nếu chỉ một ít có trình độ rất cao nhưng đa số lại dốt nát như ở Châu Âu" vì bằng việc biết đọc, biết viết, mọi người dân đều trở thành những "người bỏ phiếu" có chất lượng, được thông tin đầy đủ và hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Thậm chí, Jefferson cho rằng cần phải tước quyền bầu cử của những công dân lười biếng, không chịu tiếp cận nền giáo dục do chính quyền tạo ra. Nâng cao dân trí của nhân dân nói chung sẽ xoá bỏ sự chuyên chế và áp bức về vật chất lẫn tinh thần, như thể những ý tưởng đen tối lộ rõ trước buổi bình minh.
Để thực hiện tư tưởng của mình, ngay từ khi cuộc Cách mạng Mỹ nổ ra (1776), Thomas Jefferson đã muốn cải cách trường William & Mary, nơi ông học trước đây. Ông muốn biến cơ sở giáo dục buồn tẻ và yếu kém này thành một "vườn ươm" nuôi dưỡng các thế hệ mới sôi nổi, nhiệt thành và gắn bó với mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp. Với ông, chỉ thông qua khoa học các kiến thức mới mẻ sẽ được phát hiện và việc áp dụng các kiến thức này sẽ dẫn tới sự tự trị và sự khai sáng của loài người. Ông cho rằng trong khi tài năng phân bố ngẫu nhiên trong toàn xã hội bất kể giàu nghèo, địa vị, tầng lớp thì năng lực thực sự chỉ xuất hiện khi được giáo dục cẩn thận.
Là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801-1808), cảm thấy bổn phận phải cống hiến và xây dựng đất nước, Jefferson đã đệ trình Quốc hội một điều khoản sửa đổi Hiến pháp nhằm buộc chính quyền phải có trách nhiệm đối với giáo dục. Trong bức Thông điệp Liên bang ngày 2/12/1806, ông viết "Giáo dục cần phải được coi là mối ưu tiên của toàn xã hội... Tôi nghĩ rằng đạo luật quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta chính là qui định bắt buộc phổ biến kiến thức cho mọi người dân. Không nền tảng nào đảm bảo tự do và hạnh phúc của dân chúng bằng nền tảng giáo dục". Chính phủ phải có trách nhiệm, chính xác hơn là bổn phận thiêng liêng hỗ trợ giáo dục.
Ông cũng đề xuất cải cách hệ thống giáo dục toàn diện trên khắp tiểu bang Virginia. Từ năm 1814, Jefferson đã vận động thành lập một trường đại học thật sự đầu tiên của nước Mỹ, đó chính là trường Đại học Tổng hợp Virginia. Với ông, trường đại học này không chỉ đào tạo ra các giáo sư và các nhà khoa học mà còn phải tạo ra các nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Ông muốn thiết lập một hệ thống để đảm bảo rằng những tài năng sẽ có cơ hội thể hiện và được xã hội phát hiện...và giáo dục phổ thông là yếu tố sàng lọc cần thiết loại bỏ những thứ vô giá trị của tầng lớp đặc quyền, thúc đẩy giới tinh hoa của đất nước nổi lên.
Trong suốt 6 năm làm Hiệu trưởng của trường, Jefferson hoàn toàn dành mọi công sức để xây dựng nên "trường Đại học thật sự đầu tiên của nước Mỹ" như sau này nhiều người gọi trường Virginia. Ông đã vận động quyên góp tiền, phác thảo bản vẽ kiến trúc trường, thuê người xây dựng, cẩn thận chọn lựa đội ngũ giáo viên, phát triển chương trình dạy học, đề ra nội qui của trường và nhiều cải tiến khác: thiết lập các môn học không bắt buộc, cắt bỏ sự ràng buộc giữa nhà trường và nhà thờ, chuyển chương trình học kinh điển sang các môn khoa học thực tiễn, nới lỏng kỷ luật của trường, phát triển các ngành mới. Ông muốn tạo ra một môi trường tự do và tiến bộ cho các giáo sư và sinh viên cùng nhau nghiên cứu và tìm tòi kiến thức.
Việc chọn lựa các môn học của ông cũng được cân nhắc kỹ càng. Ông cho rằng, để tạo ra những con người yêu nước tất yếu việc giáo dục phải bao gồm lịch sử và luật pháp vì theo ông trong khi khoa học là "mũi giáo", là công cụ phát hiện thế giới bên ngoài thì lịch sử là "tấm áo giáp" chống lại sự chuyên chế, đồng thời sẽ mang lại cho con người tầm nhìn xa, trông rộng và sự điềm tĩnh, phát hiện mọi tham vọng xấu xa. Việc hiểu biết lịch sử sẽ là rất cần thiết để duy trì nền cộng hoà còn việc học luật pháp là nhằm xây dựng trật tự cho các hoạt động của xã hội. Không chỉ dừng lại đấy, Jefferson còn thành công trong việc truyền tải tư tưởng về một nền giáo dục tự do và rộng khắp vào Thư viện Quốc hội Mỹ, biến nơi đây thành một nơi lưu trữ và bảo tồn lớn nhất mọi dạng tri thức của nhân loại và dễ tiếp cận cho mọi người dân...
Nhân vật tiêu biểu
Thomas Jefferson (1743-1826) là tổng thống thứ 3 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ-Cộng hòa Hoa Kỳ và là một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại. Ông sinh ngày 13 tháng 4 năm 1743 tại Shadwell, bang Virginia, lúc đó còn là vùng biên giới hoang vu, trong một gia đình kĩ sư gốc Anh. Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà, rồi sau đó vào trường Đại học William & Mary (1760-1762). Năm 23 tuổi, ông trở thành luật sư. Bảy năm sau, ông thôi hành nghề với một tài sản kha khá và với mối ác cảm sâu sắc về giới luật sư, rồi sống cuộc sống của một nhà quý tộc nông thôn độc lập.
Trên mộ bia được ông chọn từ trước, có dòng chữ: "Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, của Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, và là cha đẻ của trường Đại học Virginia".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?