Những phẩm chất "có một không hai" ở Steve Jobs
Jobs - CEO của Apple, Jobs - nhà công nghệ và nhà tương lai học, Jobs - nhà phát minh và nhà sáng chế đại tài, người có tài phù phép những ý tưởng thô mộc thành những sản phẩm bom tấn mà người dùng mê mẩn, tôn thờ, không ngần ngại bỏ tiền ra mua? Thật khó để xác định chính xác Steve Jobs là ai, bởi tất cả những danh xưng ấy với ông đều đúng.Nhưng phẩm chất quan trọng nhất khiến Jobs khác biệt với tất cả những người khác, khiến Apple là Apple của ngày nay, chính là một năng khiếu bẩm sinh: Jobs luôn biết trước chúng ta muốn gì. Đúng vậy, trước cả khi chúng ta biết là chúng ta muốn điều đó. Nhiều người nói rằng, Jobs không chỉ dẫn dắt thị trường, dẫn dắt các đối thủ mà ông còn dẫn dắt người dùng đi theo đúng hướng mà mình muốn.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nên Apple trong căn garage tồi tàn cùng người bạn nối khố Steve Wozniak, Jobs đã vượt trước chúng ta nửa bước. Ông không chỉ phát minh, sáng chế, sáng tạo và nghiền ngẫm cách tiếp thị những sản phẩm đó sao cho hiệu quả nhất, mà Jobs đã suy nghĩ đến việc phải xây dựng "một lối sống" xung quanh sản phẩm. Có thể nhìn thấy rõ chân lý này trong các sản phẩm bom tấn của Apple, từ chiếc máy nghe nhạc iPod, máy tính iMac cho đến con dế iPhone và gần đây nhất là máy tính bảng iPad. Tất cả chúng đều hướng đến một "lối sống", một "phong cách sống" sành điệu, thời thượng nhưng tiện dụng, đủ đơn giản để chinh phục những người dùng "A,b,c" nhất về công nghệ. Những sản phẩm của Apple có một vẻ đẹp và sự hấp dẫn theo đúng nghĩa đen. iPod thậm chí có thể đeo như trang sức. Trước Jobs, chưa ai dám nghĩ việc nhìn thấy dây tai nghe lủng lẳng từ tai người khác là một sự "sành điệu".
Cũng trước Steve Jobs, rất nhiều hãng công nghệ quan niệm rằng, hơn thua nhau là ở cấu hình, tính năng của sản phẩm. Sony Ericsson đã từng tung ra những thiết kế điện thoại chật ních tính năng nhưng dày cộp và rất khó sử dụng. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp phương châm ấy ở Apple.
Những thất bại và thành công của Apple đều nổi tiếng, nhưng có một điều chắc chắn: mọi ý tưởng như được kích áp khi đi qua "trạm điện" là đầu óc của Jobs.
Chương rực rỡ nhất trong đời
Chương ấn tượng nhất và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Jobs là những năm tháng gần cuối đời ông, khi một chuỗi các sản phẩm thành công, bất khả chiến bại lần lượt ra mắt. iPod, iPhone, iPad đã làm thay đổi ngành công nghiệp truyền thông số, điện tử và PC vĩnh viễn. Cách ông tiếp thị và bán sản phẩm thông qua các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, thông minh, cùng với hệ thống cửa hàng bán lẻ hoành tráng, hiện đại đã giúp biến Apple thành một hiện tượng văn hóa đại chúng toàn cầu.
Ngay từ đầu, Jobs đã tuyên bố triết lý sáng tạo sản phẩm của mình là "sự giao thoa của nghệ thuật và công nghệ". Bằng việc hiện thực hóa triết lý này, ông đã biến Apple thành hãng có giá trị thị trường lớn nhất thế giới với 350 tỷ USD.
Dưới thời Jobs, Apple đã trở thành kênh bán lẻ nhạc số lớn nhất thế giới. Ông là nhân vật chính làm thay đổi cách sử dụng Internet của chúng ta hiện nay, cũng như cách chúng ta nghe nhạc, xem TV, xem phim và đọc sách. "Bất chấp tất cả những gì Jobs đã đạt được, tôi vẫn có cảm giác như ông ấy chỉ vừa mới bắt đầu", Giám đốc điều hành CEO của Disney mô tả về Jobs. Ở con người Jobs, năng lượng và khả năng sáng tạo, suy nghĩ khác biệt không bao giờ cạn.
Jobs cũng để lại rất nhiều "truyền thuyết" về phong cách lãnh đạo khác thường của mình, chẳng hạn như ông có thói quen gọi ý tưởng của nhân viên là "ngu ngốc" khi không ưng một điểm nào đó. Ông thậm chí còn thích gây gổ hơn với những đối thủ như Microsoft, Google hay Amazon.com. Khi Adobe System mở một chiến dịch truyền thông đả phá Apple vì không hỗ trợ định dạng video Adobe Flash trong iPhone và iPad hồi tháng 4 năm ngoái, Jobs đã viết hẳn một bài luận 1600 chữ để giải thích vì sao phần mềm này bị coi là lạc hậu và không đủ tiêu chuẩn dùng cho thiết bị di động.
Ông luôn áp đặt những tiêu chuẩn không-bao-giờ-nhân-nhượng dành cho phần cứng và phần mềm của hãng và săm soi tới từng chi tiết nhỏ. Ông cũng nổi tiếng là người yêu cầu nhân viên giữ bí mật tuyệt đối, nhất là trước những đợt phát hành sản phẩm mới.
Một cựu kỹ sư của Apple từng nói, Jobs là người bị ám ảnh bởi thẩm mỹ và mỹ học đến mức cực đoan. Không chỉ muốn thiết kế nên những sản phẩm đẹp mắt bên ngoài, ông thậm chí còn muốn phần ruột bên trong của máy tính Mac cũng phải... hấp dẫn. Lấy thí dụ, các dây nối bên trong sẽ phải có đủ màu đúng như logo cầu vồng thưở ban đầu của Apple.
Trong những lần bước lên sân khấu diễn thuyết, Jobs cũng thích thể hiện phong cách của một nghệ sĩ hơn là một quan chức lãnh đạo. Hiếm khi nào người ta thấy ông không mặc quần jeans Levi's, áo cổ lọ đen và đi giày chạy New Balance. Những người quen biết Jobs đều nói, một trong những lý do khiến ông có thể sáng tạo không ngừng, là vì ông không bao giờ ngó ngàng tới những lời khen trong quá khứ. Không những thế, ông còn yêu cầu nhân viên của mình cũng phải giống vậy.
Thậm chí, trong bài diễn văn tốt nghiệp Đại học Stanford vào tháng 6/2005, Jobs đã nói: "Luôn nhớ rằng mình sẽ chết là cách tốt nhất để tôi tránh được cái bẫy tư duy rằng mình có gì đó để mất".
Jobs và các huyền thoại
Vai trò và vị trí của Steve Jobs ở Apple cũng giống như Bill Gates của Microsoft hay Mark Zuckerberg ở Facebook. Hãy nghĩ về IBM, một trong những công ty giàu ảnh hưởng nhất thế kỷ 20: IBM là một gã khổng lồ, thống trị thị trường điện toán dịch vụ và giải pháp nhưng lại thiếu vắng một nhân vật hình tượng. Vì thế, vị trí của IBM trong văn hóa đại chúng không bao giờ so sánh được với Apple hay Facebook.
Ai đó đã so sánh Jobs với các huyền thoại trong quá khứ. Với Thomas Edison, bậc thầy về phát minh của Mỹ: đúng, nhưng chưa đủ bởi Edison không hiểu tầm quan trọng của giao diện thanh nhã. Có lẽ Jobs giống với hai lão thành "tiên phong" của làng truyền hình David Sarnoff và Bill Paley hơn cả, bởi họ cùng nhận ra mình phải thống trị truyền thông như thế nào. "Câu hỏi nên là một hãng truyền thông hay một hãng công nghệ đã quá lỗi thời, Truyền thông chính là công nghệ, và công nghệ chính là truyền thông", chuyên gia truyền thông Dale Peskin nhận định. Và điều đó thể hiện không đâu rõ hơn là ở Apple.
Khi Jobs công bố iPhone vào năm 2007, ông đã giúp người dùng nhận ra 3 chức năng cơ bản mà họ muốn có: máy nghe nhạc số, điện thoại di động và thiết bị truy cập Internet. iPhone chính là cả 3 thiết bị này gộp lại. Không chỉ muốn kiếm tiền từ những sản phẩm mình làm ra, Apple còn là bậc thầy trong việc kiếm tiền từ những sáng tạo của người khác - một cách hợp pháp, tất nhiên. Vì thế mà hãng mới trở thành nhà phát hành và phân phối nội dung. Bạn tải ứng dụng đọc báo The New York Times về điện thoại ư? Apple sẽ kiếm được tiền. Bạn nghe nhạc Beatles trên iPhone, Apple cũng kiếm được tiền. Bạn mua ứng dụng từ App Store: đương nhiên là Apple có tiền bỏ túi.
Jobs khiến người ta tin thứ mà ông ấy tạo ra chính là thứ họ muốn, họ khao khát. Ông ấy thuyết phục được chúng ta rằng không có sản phẩm ấy, chúng ta sẽ không tài nào sống được. Rồi Apple chỉ việc đóng gói và bán.
Đến đây, lại có người hỏi lại: vậy rút cuộc Jobs là ai? Nhà phát minh? Nhà chiến lược? Người bán hàng? Nghệ sĩ giải trí? Câu trả lời là: Không ai cả. Cũng giống như các thiết bị mà ông tạo ra, Steve Jobs là một "phương tiện" đưa chúng ta tới các đích đến khác. Đó chính là điểm khiến ông khác biệt. Dù ông đã ra đi, nhưng tương lai mà ông mường tượng vẫn trong tay chúng ta - theo đúng nghĩa đen.
Có thể không ai mong muốn trở thành một Steve Jobs thứ hai khi lắng nghe những kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp của ông. Nhưng có lẽ những kinh nghiệm ấy chính là tài sản lớn nhất mà ông để lại, mở đầu cho một thế hế những nhà lãnh đạo mới luôn nghĩ tới những mục tiêu lớn hơn những gì mình đang đạt được.
Bài viết này đã được tác giả Bill Taylor viết sau khi Steve Jobs từ chức CEO của Apple vào tháng 8. Tuy nhiên, sau cái chết của nhà lãnh đạo tài ba này, chúng tôi cho rằng bài viết này vẫn có giá trị để chúng ta đọc lại một lần nữa.
Tất cả chúng ta chằng từng đều thắc mắc vai trò của Steve Job đối với Apple là gì. Việc vị CEO tài ba này rời khỏi Apple, sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của công ty? Tới giá trị cổ phiếu của Apple? Hay mở rộng ra, Steve Jobs, việc ông rời khỏi vị trí CEO của Apple (và giờ đây là việc ông qua đời), còn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp máy tính, âm nhạc, và truyền thông như thế nào?
Là người vạch kế hoạch và đưa ra những sản phẩm bom tấn của Apple, Steve Jobs được nhớ tới với tư cách là người cách mạng hóa cách mà chúng ta liên lạc, giao thiệp với nhau hiện nay.
Rất ít người trong số chúng ta có thể thành công bằng 1/100 những gì Steve Jobs đã từng gặt hái được. Có thể nói, trong vài trò người lãnh đạo, ông luôn xứng đáng nhận sự tôn trọng, ngưỡng mộ và tình cảm mà không một nhân vật nào trong lĩnh vực công nghệ nào có được. Cho dù ông có kết thúc sự nghiệp của mình, thì những thành quả mà ông để lại vẫn luôn xứng đáng được ghi nhớ.
Nếu bạn muốn gặt hái được những thành công tương tự Steve Jobs, hãy tự hỏi mình 5 câu hỏi đơn giản, nhưng lại mang ý nghĩa quyết định đối với một lãnh đạo cao cấp.
1. Tại sao những người có năng lực muốn làm việc cùng bạn?
Steve Jobs luôn được vây quanh bởi những nhà thiết kế thiên tài, các nhà bán lẻ, các kỹ sư tài năng, bởi ông hiểu rằng những người tài năng nhất không bị cuốn hút bởi tiền bạc hay danh vọng. Họ luôn muốn thực hiện những dự án thú vị, muốn tạo ra những tác động mạnh mẽ.
Nói một cách đơn giản, những người tài giỏi muốn trở thành một phần của thứ nào đó còn vĩ đại hơn mình - cũng giống như câu nói Jobs thường dùng "cực kỳ tuyệt vời".
2. Bạn có nhận ra ai là người tài giỏi khi bạn gặp họ không?
Lãnh đạo một đội ngũ những người tài giỏi và phù hợp luôn khiến công việc dễ dàng hơn rất nhiều. Thật vậy, những nơi làm việc có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc tổ chức là tương đồng: tìm kiếm càng nhiều người tài năng càng tốt. Vậy làm thế nào để tìm những người tài giỏi như vậy để cống hiến cho bạn?
Steve Jobs luôn rất kỹ càng trong việc chọn lựa người làm việc trong Apple bởi ông hiểu rằng, đây sẽ là nhân tố ảnh hường trực tiếp tới các tính năng trong sản phẩm của hãng.
3. Bạn có thể tìm ra những người tài giỏi cho dù họ không quan tâm đến bạn?
Đó là vấn đề quan trọng nhưng lại thường bị lãng quên: Những người tài giỏi nhất luôn muốn tìm được công việc họ yêu thích, làm việc với những người họ quý mến, trong những dự án đem lại nhiều thử thách. Vậy lãnh đạo là người phải tìm cách để lấp đầy nhân viên trong công ty bằng những con người năng động như vậy. Những người này có thể không nằm trong công ty của bạn, hay họ thuộc những bộ phận khác nhau của công ty, nhưng họ sẽ không làm việc cho bạn trừ khi bạn chăm chỉ thuyết phục họ tham gia.
Tính cách đặc trưng của Steve Job đã biến ông thành một nhà tuyển dụng tài ba chưa từng có.
4. Bạn có thể chỉ cho những con người tài giỏi cách để làm việc theo nhóm và đưa công ty đến thành công?
Ngay cả đối với các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành như lập trình phần mềm, thiết kế đồ họa,... cũng cần phải có kiến thức về kinh doanh và cách mà doanh nghiệp hoạt động như thế nào. Điều này không chỉ vấn đề chia sẻ báo cáo tài chính, mà ta còn cần phải đặt ra câu hỏi: Liệu những lãnh đạo tài giỏi có thể khiến cho nhân viên của mình thành thạo hơn về kinh doanh? Liệu mọi người có hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra, điều gì không thể thương lượng, điều gì làm nên thành công hay thất bại của công ty?
Không ai có thể giỏi hơn Steve Jobs trong việc nhắc nhở nhân viên về nhiệm vụ kinh doanh của công ty.
5. Bạn có nghiêm khắc với chính mình khi bạn ở vị trí cao hơn người khác?
Tất cả những người trẻ tuổi tài năng và đầy tham vọng luôn kỳ vọng cao vào bản thân, vào đồng nghiệp và vào cả công ty mà mình đang làm việc. Đó là lý do họ luôn tỏ ra nghiêm khắc khi đánh giá lãnh đạo của mình. Vì vậy, thách thức lớn nhất của các lãnh đạo đó là chia sẻ sự kỳ vọng đó.
Steve Jobs là một ông chủ nổi tiếng là khó tính và đòi hỏi cao. Nhưng tính cách đó của ông lại tỏ ra phù hợp đến mức hoàn hảo với các cộng sự bởi ông cũng tỏ ra nghiêm khắc với bản thân giống như với từng nhân viên của mình.
Có thể bạn không có mong muốn trở thành một Steve Jobs thứ hai khi lắng nghe những kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp của ông. Nhưng có lẽ những kinh nghiệm đấy chính là tài sản lớn nhất mà ông để lại, mở đầu cho một thế hế những nhà lãnh đạo mới luôn nghĩ tới những mục tiêu lớn hơn những gì mình đang đạt được.
Một số bức ảnh lịch sử ghi lại con đường thành công của con người có tầm nhìn vĩ đại này:
Những ngày đầu: Steve Jobs giới thiệu máy tính Apple II tại Cupertino, California in 1977
Steve Jobs và người đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak trong những ngày đầu của Apple
Từ trái sang phải là Steve Jobs, cựu CEO Apple John Sculley và người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak khi tiết lộ máy tính mới Apple II ở San Francisco (24/4/1984)
Jobs chụp ảnh với máy tính Mac năm 1998
Jobs giới thiệu máy tính mới Power Mac G4 trong bài phát biểu then chốt ở San Francisco ngày 31/8/1999
Jobs với chiếc máy tính bảng mới IPad ngày 27/1/2010
Người đồng sáng lập Apple Steve Jobs tại buổi lễ giới thiệu iPad 2 tại San Francisco, California hôm 2/3/2011.
Steve Jobs được ví với Leonardo Da Vinci
"Trong nhiều thế kỷ nữa, Jobs sẽ được nhớ đến cùng với những tên tuổi như Leonardo da Vinci. Những thành tựu của ông sẽ tiếp tục tỏa sáng".Đó là bình luận của ông Masayoshi Son, Giám đốc điều hành mạng di động Softbank của Nhật sau khi hay tin cha đẻ của Apple qua đời. Softbank hiện là nhà phân phối iPhone độc quyền tại Nhật. "Steve là một thiên tài đích thực của thời đại chúng ta, người có khả năng hiếm hoi trong việc pha trộn nghệ thuật với công nghệ, giống như Da Vinci".
Softbank đã chứng kiến lợi nhuận và số lượng thuê bao tăng vọt kể từ khi mạng này phân phối iPhone vào năm 2008. Hãng đã vượt qua những hoài nghi ban đầu rằng iPhone sẽ thất bại tại Nhật, quê hương của những chiếc điện thoại thông minh.
Không riêng Softbank mà nhiều đối tác và đối thủ châu Á của Apple đều dành những lời tốt đẹp nhất để tưởng nhớ về Steve Jobs.
"Ngày hôm nay, thế giới mất đi một trong những nhà phát minh và nhà chiến lược vĩ đại nhất. Dù cảm nhận rõ sự mất mát to lớn này, nhưng tôi tin rằng ngành công nghiệp công nghệ sẽ khắc cốt ghi tâm những bài học mà Jobs đã dạy cho chúng ta về sáng tạo", Giám đốc điều hành Yuanqing Yang của Lenovo bình luận. Lenovo hiện là hãng sản xuất PC có doanh thu cao thứ ba thế giới. Theo Yang, những thành quả mà Steve Jobs đạt được "không có đối thủ tại thời điểm này".
Tương tự, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Howard Stringer của Sony mô tả Steve Jobs là "ánh sáng dẫn đường" trong kỷ nguyên số. Hiếm công ty nào lại cảm nhận được sự vươn lên ngoạn mục của Apple bằng Sony Nhật Bản, bởi chiếc máy nghe nhạc Walkman của Sony cũng từng làm thay đổi cách nghe nhạc của cả một thế hệ. Tuy nhiên, vì chậm tiếp nhận nhạc số nên Walkman đã thất bại và không còn là đối thủ của Apple iPod.
Mặc dù vậy, bản thân Jobs lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Sony và người Nhật. Ông từng nói người sáng lập ra Sony - Akio Morita chính là người thầy của mình và ý tưởng iPad chính xác là lấy cảm hứng từ Walkman. "Kỷ nguyên số đã mất đi ánh sáng dẫn đường, nhưng những phát minh và sáng tạo của Steve sẽ còn thắp lên cảm hứng cho rất nhiều thế hệ sau này".
Ngay cả Samsung, một đối tác lâu năm vừa biến thành đối thủ của Apple cũng khẳng định, Steve Jobs là một "tinh thần sáng tạo sẽ được ghi nhớ mãi mãi" và rằng những phát minh của Jobs đã tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng cho ngành công nghiệp IT.
Trong khi đó, Quanta Computer, một đối tác thân thiết của Apple tại Đài Loan và là nhà máy sản xuất Macbook cho Apple lại gọi sự ra đi của Jobs là một "bi kịch". "Steve có một ảnh hưởng tích cực và không thể đo được lên cuộc sống của tất cả chúng ta. Ông đã làm tất cả để đảm bảo công nghệ thật dễ hiểu, đẹp mắt và quan trọng nhất, tiếp cận được với mọi người", Hon Hai Industry, một đối tác khác chuyên sản xuất iPhone và iPad cho Apple bình luận.
Theo Wall Street Journal, giá cổ phiếu của HTC, một đối thủ trực tiếp của Apple trên thị trường smartphone đã tăng 2,4% lên 692 USD Đài tệ/cổ phiếu. Tuy nhiên theo giới phân tích, sở dĩ cổ phiếu HTC tăng giá là do iPhone 4S gây thất vọng cho giới đầu tư và người dùng Apple khi ra mắt.
'Sẽ rất lâu thế giới mới lại có một người như Steve Jobs'
Steve Jobs chưa tới Việt Nam và hầu như chưa trò chuyện với giới doanh nhân Việt, nhưng dấu ấn của ông vẫn rất khó phai, nhất là với những người làm công nghệ trong nước.
Cái tên Steve Jobs trở thành huyền thoại trong giới công nghệ. |
VnExpress xin ghi lại cảm tưởng của lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam khi Steve Jobs ra đi:
Phó chủ tịch HĐQT FPT - ông Hoàng Minh Châu: "Chưa từng gặp ông Steve Jobs, nhưng tôi cảm nhận sự ra đi của ông là một tổn thất vô cùng to lớn của ngành công nghệ thông tin, viễn thông trên toàn thế giới nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực chủ đạo nhất là những công nghệ tiên phong. Cá nhân tôi cho rằng phải rất lâu nữa thế giới mới có được một người như ông Steve Jobs.
Khi còn sống, ông Steve Jobs là một nhà sáng tạo năng động nhất và ông luôn luôn đứng ở mũi nhọn, ở đỉnh cao của công nghệ thông tin. Ông tạo ra sự khâm phục đến ngạc nhiên rằng tại sao Apple dưới sự lãnh đạo của ông có thể đứng ở vị trí đỉnh cao, vị trí mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ trong một thời gian liên tục 30 năm. Để đạt được thành tự như thế không ai khác trên thế giới ngoài ông Steve Jobs mới làm được. Ông quả là người rất đặc biệt và sự ra đi của ông là sự tổn thất không thể bù đắp nổi đối với Apple.
Phó chủ tịch FPT Hoàng Minh Châu. |
Ở FPT, chúng tôi có thể học hỏi được từ tấm gương của ông về tình yêu và niềm đam mê công nghệ mãnh liệt và lâu dài. Thành công của ông cho phép chúng tôi tin rằng bằng công nghệ, bằng đam mê, lao động sáng tạo, FPT có thể đạt được những thành công vững chắc và to lớn trong tương lai.
Trong vòng 30 năm qua có 2 nhân vật xuất chúng được mọi người nhắc đến và thường đưa ra so sánh là ông Bill Gates và ông Steve Jobs. Họ cùng lứa tuổi, cùng xuất hiện và là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời công nghệ thông tin. Nếu như ông Bill Gates thành công hơn trong lĩnh vực thương mại thì ông Steve Jobs luôn đứng ở đỉnh cao công nghệ. 20 năm đầu Microsoft tỏ ra vượt trội nhưng những năm tiếp theo Microsoft đã chững lại và có phần đi xuống. Trong khi Apple dưới sự lãnh đạo của ông Steve Jobs vẫn đi lên một cách vững chắc.
Ông Steve Jobs không phải là dân lập trình, dân máy tính cũng không phải dân công nghệ nhưng ông có niềm đam mê công nghệ hơn tất cả những người khác. Và với niềm đam mê và tài năng xuất chúng như vậy, ông đã trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới".
Ông Nguyễn Trung Chính - Tổng giám đốc CMC. |
Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC - Nguyễn Trung Chính: "Steve Jobs có ảnh hưởng rất lớn tới quan điểm điều hành, quản trị doanh nghiệp của chúng tôi. Đó là bài học về sự sáng tạo, triết lý kinh doanh và những thành công mà ông đã giúp Apple đạt được trong một thời gian rất dài. Steve Jobs là người có tư tưởng sáng tạo, sáng tạo đến mức độ thay đổi cả xu hướng công nghệ của thế giới. Vì vậy, sự mất đi bộ óc sáng tạo ấy là sự tiếc nuối đối với bất cứ ai biết đến và sử dụng sản phẩm của ông.
Bản thân tôi và các thành viên trong gia đình đều sử dụng sản phẩm của Apple và đều cảm nhận sự hoàn hảo của những sản phẩm này".
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó giám đốc Viettel Telecom: "Tôi và nhiều người đều cảm thấy nuối tiếc trước sự ra đi của Steve Jobs. Đây là con người sáng tạo và có rất nhiều ý tưởng lay động hàng triệu trái tim những người yêu công nghệ trên toàn thế giới.
Sự ra đi của ông thể hiện một điều rằng cuộc sống rất khắc nghiệt mà mỗi chúng ta buộc phải chấp nhận. Chấp nhận rằng: Người giỏi họ sẽ không ở mãi mà một ngày nào đó họ sẽ ra đi.
Tôi chưa có cơ hội gặp trực tiếp Steve Jobs nhưng khi đến Apple và làm việc tại trụ sở của họ, tôi cảm nhận Steve Jobs có mặt ở khắp nơi. Sự hiện hữu của ông xuyên suốt trong các triết lý kinh doanh và các hoạt động của tập đoàn này. Steve Jobs là thần tượng của giới công nghệ và cũng là cơn ác mộng của những ai cạnh tranh với ông.
Ông Hồ Minh Đức - Phó tổng giám đốc Naiscorp (Socbay) cho rằng: "Không phải ngẫu nhiên mà thế giới dành cho ông những cụm từ ngữ đặc sắc như “huyền thoại”, “kiến trúc sư tài bà”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Apple đã trở thành một biểu tượng của ngành công nghệ và trở thành niềm đam mê với hàng tỷ người dân trên toàn thế giới. Sự ra đi của ông đối với tôi đầu tiên là sự hụt hẫng.
Ông Hồ Minh Đức - Phó tổng giám đốc Naiscorp (Socbay). |
Là một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực CNTT, tôi thực sự ngưỡng mộ tài năng của Steve Jobs, không phải là giá trị tiền mà ông tạo ra cho Apple hay không phải là giá trị cổ phiếu của công ty ông ngày càng tăng, mà đó là sự ngưỡng mộ của một CEO giản dị, có tài năng và lòng đam mê sản phẩm vô bờ bến. Ngưỡng mộ vì một CEO luôn đặt tâm huyết và sự sáng tạo của mình để tạo ra cho cộng đồng những sản phẩm tốt nhất.
Một trong những nguyên tắc làm nên Steve Jobs là “Hãy tạo ra những trải nghiệm khác biệt điên rồ”. Những điều này đã làm cho các sản phẩm của Apple không giống bất kỳ một sản phẩm nào khác và cũng chính vì nó đã tạo ra cho tôi những trải nghiệm thú vị.
Hi vọng sự ra đi của ông không làm mất đi linh hồn của Apple, nhưng thực sự với tôi điều đó thật khó có thể. Linh hồn của Steve Jobs đã gắn chặt với các sản phẩm mà ông tạo ra. Và tôi thật sự lo lắng cho Apple, liệu chúng ta có thể có những sản phẩm tốt hơn và mang đậm phong cách của Apple như trước đây hay không?"
Ông Trần Quang Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường: "Thực ra những người yêu công nghệ đều đã biết Steve Jobs sẽ phải chia tay chúng ta một ngày không xa, nhưng cái tin chính thức thông báo ông ấy đã ra đi làm mọi người trong công ty tôi tiếc nuối. Steve Jobs là lãnh đạo duy nhất mà người ta hay gắn tên tuổi cá nhân CEO với các sản phẩm của hãng.
Cá nhân tôi thầm cảm ơn ông cũng như Apple đã mang đến cho người yêu công nghệ những sản phẩm với trải nghiệm tuyệt vời, cho những người kinh doanh có cơ hội kinh doanh một dòng sản phẩm hấp dẫn nhất, sôi động nhất, được mong chờ nhất. Từ khi có Apple iPhone, cách dùng điện thoại khác đi, ngay cả các bán hàng của chúng tôi cũng khác trước, nhiều điều mới mẻ và tích cực hơn. Vĩnh biệt SJ!"
Dấu ấn Steve Jobs trong lĩnh vực phim ảnh
Không chỉ gắn tên tuổi với những sản phẩm công nghệ như iPhone, iPad, hình ảnh Steve Jobs còn được Hollywood đưa lên màn ảnh trong một cuộc đối đầu với Bill Gates.
Jobs và hãng Apple, từ rất sớm, đã nhận ra rằng, một trong những cách thu hút sự chú ý của khách hàng là làm sao thương hiệu của bạn xuất hiện thường xuyên trước mắt công chúng, trên truyền hình và trong các bộ phim. Vì vậy, tập đoàn này đã thuê những chuyên gia quảng cáo hàng đầu để tiếp thị hình ảnh sản phẩm của mình trên phim ảnh.
Huyền thoại của làng công nghệ Steve Jobs. Ảnh: Apple. |
Từ những năm 1990, khi người ta còn chưa kịp ý thức rằng, sự xuất hiện vô tình của nhãn hàng trên phim là một cách quảng cáo, thì MacIntosh đã trở thành “một nhân vật” trong các "bom tấn" như phim truyền hình Seinfeld và phim điện ảnh Independence Day.
Rồi một khi những sản phẩm của Apple như Mac, Ipod, Iphone trở thành những mặt hàng thời thượng thì các nhà sản xuất thậm chí còn thích chúng xuất hiện trong phim của mình (tất nhiên, không ai biết rõ thỏa thuận sau hậu trường giữa Apple và các nhà đầu tư điện ảnh).
Nhân vật Carrie Bradshaw sử dụng sản phẩm của Apple trong Sex and the City. |
Cứ thế, hàng của Apple xuất hiện mọi nơi. Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker đóng) dùng một chiếc MacBook trong Sex and the City, Michael Scott (Steve Carell đóng) xài iPhone trong The Office. Năm 2008, sản phẩm của Apple có mặt trong gần 50% số phim xuất hiện trong top phim ăn khách nhất trong tuần tại Mỹ.
Không chỉ giới hạn ở Hollywood, Trần Đại Minh (Chen Daming), đạo diễn phim What Women Want phiên bản Trung Quốc, mới đây tiết lộ, Apple cung cấp 100 máy tính cho đoàn phim để làm đạo cụ.
Tất cả đều nằm trong chiến lược của Jobs: thể hiện rằng Apple là thương hiệu thường xuyên được những người mà bạn yêu thích sử dụng.
Khi các hãng khác bắt đầu nhận ra hiệu quả chiến lược của Apple, công ty của Jobs tất nhiên phải san sẻ “chiếc bánh phim ảnh” cho các thương hiệu khác như Sony, Nike hay Ford…
Công chúng tưởng niệm Steve Jobs bằng cách đặt hoa, nến bên một chiếc Ipad mở trang có hình ảnh ông, bên cạnh là một Ipod. Ảnh: Apple. |
Không chỉ sản phẩm của Steve Jobs, bản thân huyền thoại này cũng là một nhân vật hấp dẫn giới điện ảnh và truyền thông. Cho đến trước khi qua đời vào 5/10/2011, Jobs đã xuất hiện trên trang bìa khoảng 100 tờ tạp chí. Vô số sách viết về ông hoặc đề cập đến ông. Jobs là nhân vật trong một vở kịch của Broadway và một bộ phim của HBO. Ông không phải là CEO ngôi sao đầu tiên, cũng sẽ không là người cuối cùng. Nhưng ông là một trong những người gây ấn tượng nhất khi vượt qua giới hạn của thương trường để trở thành nhân vật của văn hóa đại chúng.
Jobs xuất hiện trên trang bìa tạp chí lần đầu tiên năm ông 26 tuổi. Inc. đăng ảnh ông với dòng tít lớn: “Người đàn ông này sẽ làm thay đổi vĩnh viễn thị trường kinh doanh”.
Cảnh trong "Pirates of Silicon Valley" - bộ phim kể về cuộc đối đầu giữa Steve Jobs (trái) và Bill Gates (phải). |
Bộ phim về Steve Jobs mang tên Pirates of Silicon Valley (Những kẻ cướp ở thung lũng Silicon). Phim dựa trên cuốn sách Fire in the Valley: The making of the personal computer của Paul Freiberger và Michael Swaine kể về sự phát triển của máy tính cá nhân thông qua cuộc chiến giữa Apple và Microsoft. Bộ phim tái hiện có hư cấu cuộc đối đầu giữa Apple và Microsoft khi Steve Jobs (do Noah Wyle thủ vai) và Bill Gates (Anthony Michael Hall thủ vai) cùng bắt đầu xây dựng đế chế công nghệ của mình hồi những năm 1980. Trong một cuộc đối thoại, Bill nói với Steve: “Chúng ta có những hàng xóm giàu có như là Xerox. Họ mở cửa để chúng ta vào ăn cắp tivi, điện thoại. Nhưng khi anh vào đó rồi mới nhận ra rằng tôi đã đến trước. Anh chỉ biết đứng đó mà la lên rằng: "Thế không công bằng, tôi định ăn cắp trước". Steve đáp lại: "Dù sao, chúng tôi vẫn giỏi hơn các anh". Bill nói: "Điều đó không thành vấn đề”.
|
Steve Jobs từng có mối tình ngắn ngủi với Joan Baez (trái) và Diane Keaton (phải). |
Vốn là một nhân vật của truyền thông, biểu tượng của làng công nghệ dễ dàng gặp gỡ với những người nổi tiếng của làng điện ảnh, âm nhạc. Trước khi kết hôn, Jobs từng trải qua hai mối tình rất ngắn ngủi với Nữ hoàng nhạc folk Joan Baez và minh tinh Diane Keaton. Nhưng cả hai người phụ nữ đẹp ấy đều rất kín tiếng về mối quan hệ với ông.
Steve Jobs và vợ Laurene Powell Jobs vào năm 2005. Ảnh: weiphone. |
Năm 1991, Steve Jobs kết hôn với Laurene Powell Jobs. Họ có 3 người con: Reed Paul, Erin Sienna và Eve. Jobs hiếm khi để vợ xuất hiện trên báo chí, các con ông lại càng không.
Liều như Steve Jobs mới có thể thành công
Tình hình kinh tế u ám khiến nhiều CEO tê liệt và hoảng sợ. Nhưng đối với những người như Steve Jobs hay Warren Buffett, liều lĩnh, mạo hiểm là yếu tố quan trọng để đạt được thành công.
Steve Jobs là một ví dụ điển hình cho việc thành công nhờ mạo hiểm. |
Steve Jobs là một nhà lãnh đạo cực kỳ dũng cảm. Hết lần này đến lần khác, CEO của Apple đưa ra sản phẩm mới, dịch vụ mới và cả những mô hình kinh doanh chưa từng bao giờ tồn tại. Ông coi thường những cuộc thử nghiệm trên thị trường. Vì vậy, những sản phẩm của Apple hoàn toàn được giữ bí mật. Jobs cũng không thể chắc chắn được là mình sẽ thành công, nhưng ông vẫn liều lĩnh, dù biết rằng nếu thất bại, Apple sẽ phải chịu những khoản lỗ khổng lồ và bản thân ông cũng sẽ trở thành trò cười cho mọi người.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, các sản phẩm của Apple là những thiết bị xuất sắc nhất và Jobs chính là người tạo ra của cải vĩ đại nhất. Điều đó sẽ không thể xảy ra nếu Jobs không dám mạo hiểm.
Chủ đề này đang trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết khi nền kinh tế đang ngày càng hỗn loạn. Nhiều CEO cảm thấy sợ hãi vì họ liên tục phải chứng kiến những việc mà họ cho là không thể xảy ra. Việc Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm là một ví dụ. Và sự thiếu an toàn trong mọi hành động cũng làm họ không dám nhúc nhích, làm việc gì cũng cảm thấy e sợ.
Thế nhưng không phải ngẫu nhiên mà tháng sau người ta sẽ cho xuất bản cuốn: “Liều lĩnh: Biến nghi ngờ và sợ hãi thành nhiên liệu cho sự phát tài”. Một nhà tư vấn có tên Bill Treasurer đã dùng những kinh nghiệm thực tiễn của mình để dạy cho các doanh nhân lòng can đảm. Vì trước đó, anh đã từng kiếm sống bằng nghề thợ lặn. Năm ngoái, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng tổ chức hẳn một diễn đàn về sự can đảm. Các bài báo và blog về vấn đề này cũng càng ngày càng được chú ý.
Chẳng có gì đảm bảo là tình hình kinh tế sẽ bớt rối ren, vì thế, các nhà quản lý càng cần phải trở nên can đảm hơn, cụ thể là qua những việc làm sau:
1. Duy trì các chi phí cần thiết
Khi có biến động xảy ra, cách phổ biến nhất mà các CEO hay áp dụng chính là giảm chi phí càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề là những chi phí đó lại là các khoản đầu tư sẽ sinh lời trong tương lai như R&D, marketing hay mở rộng cơ sở sản xuất. Cắt giảm chúng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận trong năm nay, nhưng sẽ giảm lợi nhuận trong tương lai.
Những CEO nhút nhát thường phàn nàn rằng họ buộc phải làm thế vì các nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn. Nhưng một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi ông Baruch Lev của Đại học New York lại cho thấy sự thực không phải như vậy. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể phân biệt được đâu là những chi phí sinh lời, và đâu thì không.
Các CEO dũng cảm sẽ vẫn kiên trì với các khoản đầu tư sinh lời kể cả trong lúc kinh tế yếu kém. Công ty DuPont vẫn tích cực đổ tiền vào R&D trong giai đoạn đại suy thoái. Sáng tạo ra nylon, neoprene và nhiều sản phẩm khác giúp họ kiếm được hàng tỉ USD trong suốt hàng chục năm về sau. Khoản đầu tư gần đây nhất của Warren Buffett vào Bank of America chính là một ví dụ điển hình cho sự mạo hiểm. Đặt 5 tỉ USD vốn của Berkshire Hathaway vào loại cổ phiếu bị mọi người ghét bỏ trong thời kỳ suy thoái là việc làm cần rất nhiều sự liều lĩnh. Và đó chính là cái làm ông trở nên giàu có.
2. Không nên sa thải hàng loạt
Việc này có vẻ như không thể tránh khỏi trong tình hình kinh tế hỗn loạn. Sa thải hàng loạt diễn ra khắp mọi nơi trong lần suy thoái gần đây nhất, và giờ đây nó lại đang thịnh hành trở lại. HSBC chuẩn bị sa thải 30.000 nhân viên, Bank of America cắt giảm từ 3.500 đến 10.000 người, UBS thì dự định cho 3.500 nhân viên nghỉ việc và 2.350 người cũng sắp sửa phải chia tay ABN Ambro.
Đôi lúc sa thải là cần thiết, tuy nhiên, các CEO dũng cảm sẽ biết rằng chi phí về lâu dài cho việc này, đặc biệt là những khoản ưu đãi trong dài hạn cho việc giữ chân nhân viên qua thời kỳ khó khăn sẽ vượt xa bất kỳ khoản tiết kiệm nào có được từ việc sa thải ngày hôm nay.
Một lần nữa, các CEO lại biện bạch rằng phố Wall buộc họ phải làm vậy, và điều đó hoàn toàn sai. Các nhà đầu tư sẽ hài lòng với việc sa thải bớt nhân viên nếu họ vừa mua lại một công ty khác. Nhưng nếu mục đích của công ty đó chỉ là để cắt giảm chi phí, thì dĩ nhiên họ sẽ bị cho là đang gặp rắc rối, và cổ phiếu của họ sẽ bị giảm giá không thương tiếc.
3. Làm những việc lớn lao
Các nhà lãnh đạo nhút nhát thường không dám làm gì trong thời kỳ suy thoái. Họ lo lắng rằng mỗi bước đi của mình đều là mạo hiểm. Vì vậy, họ chọn giải pháp đứng yên. Nhưng việc đó không hề an toàn chút nào. Trong lúc biến động, người thắng chỉ có thể là người dũng cảm, và kẻ bại trận lại thường là những kẻ chỉ biết lo lắng đề phòng.
Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục đầu tư vào các dự án sinh lời, kể cả khi hiện tại đang chịu lỗ. Hoặc có khi chính thời kì khó khăn lại giúp bạn nhận ra rằng công ty đang chi tiêu quá bừa bãi và đây là cơ hội để bạn cải tổ lại toàn bộ công ty mình. Các nghiên cứu của McKinsey cho thấy trong những cuộc suy thoái trước, các công ty làm theo một trong hai cách trên đều là những công ty có kết quả tốt nhất. Và những công ty chỉ chăm chăm cắt giảm để sống sót qua ngày là những công ty tệ hại nhất. Bài học đặt ra là: Hãy quyết định xem doanh nghiệp bạn cần làm gì bây giờ và thu hết can đảm để làm những việc lớn lao đó.
Aristotle đã gọi lòng dũng cảm là phẩm chất hàng đầu, còn Samuel Johnson thì gọi nó là điều vĩ đại nhất. Lý luận của họ đều giống nhau. Đó là dũng cảm làm cho người ta có được mọi đức tính khác. Dũng cảm nghĩa là dám chấp nhận rủi ro, và điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn khi môi trường kinh doanh đang ngày càng khắc nghiệt. Đó cũng chính là thời khắc tạo nên kẻ thắng và người thua.
Chấp nhận rủi ro dĩ nhiên là một việc đáng sợ. Nhưng nhìn vào Jobs, Buffett hay các CEO dũng cảm khác, bạn sẽ nhận ra rằng đó chính là cơ hội duy nhất của mình trong thời điểm hiện tại.
Những câu nói dẫn đường của Steve Jobs
Không chỉ là một thiên tài chiến lược quản lý kinh doanh và cách tân sáng tạo, “thuyền trưởng” của Apple, Steve Jobs, còn được biết đến với những phát ngôn bất hủ truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
|
Bài phát biểu tại Đại học Stanford, Mỹ, 2005
Việc luôn ý thức được rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, chính là một yếu tố tối quan trọng tôi từng sở hữu, để từ đó tạo ra những quyết định then chốt trong cuộc sống. Bởi vì gần như mọi thứ ở đời, từ những kỳ vọng cho tương lai, lòng tự tôn, nỗi lo sợ bị thất bại hoặc hứng chịu tủi nhục… Tất cả những điều này rồi cũng sẽ tan biến khi ta từ giã cõi đời, và những gì còn lại sau đó mới thật sự là quan trọng.
Việc luôn tự nhắc nhở bản thân rằng sớm muộn gì ta cũng chết là cách tốt nhất để tôi tránh được cạm bẫy của cách suy nghĩ “Ta có quá nhiều thứ để mất”. Đằng nào thì tất cả chúng ta, sớm hay muộn, sẽ đều chết cả. Vì vậy chẳng có lý do nào để không làm theo điều con tim mách bảo.”
Thời gian sống của các bạn là có giới hạn, vậy nên đừng lãng phí nó bằng việc sống vì ý chí của kẻ khác. Đừng lo sợ cái gọi là “giáo điều”, vốn là sản phẩm của miệng lưỡi thiên hạ. Đừng để ý chí cá nhân của kẻ khác lấn át tiếng nói sâu thẳm bên trong con người bạn.
Hội nghị Allthingsd, 2010
Không gì làm cho một ngày của tôi đẹp bằng việc nhận được e-mail từ khách hàng ở tận bên Anh Quốc, vốn vừa mua một chiếc iPad và kể tôi nghe rằng đó là thiết bị tuyệt vời nhất họ từng mua về nhà. Đó chính xác là thứ thúc đẩy tôi tiếp tục làm việc. Đó là thứ đã từng truyền cảm hứng cho tôi cách đây 5 năm, và xa hơn nữa là 10 năm trước, thời khắc khi mọi cánh cửa đều đóng lại trước mặt tôi. Và đó chính là điều sẽ giúp tôi đi mãi trên hành trình của mình, dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa.
Phỏng vấn với tạp chí Playboy, 1985
Tôi không nghĩ rằng mình đã từng làm việc cật lực để đạt được điều gì đó, nhưng công việc phát triển Macintosh chính là trải nghiệm đáng kể nhất trong cuộc đời của tôi. Và hầu như những cộng sự tham gia vào dự án đều cảm thấy điều tương tự. Khi nó sắp hoàn thành, chúng tôi còn không muốn hoàn tất, vì sợ rằng một khi sản phẩm rời khỏi tay thì nó sẽ không còn là thành quả của cả nhóm nữa. Khi chúng tôi cuối cùng thì cũng trình diễn chiếc máy tại buổi gặp gỡ cổ đông, mọi người trong khán phòng đều đứng dậy và vỗ tay trong 5 phút.
Điều khiến tôi kinh ngạc nhất là việc nhìn thấy những đồng nghiệp trong nhóm phát triển Mac ở những hàng ghế đầu, tất cả đều không thể tin được rằng chúng tôi đã có thể thật sự hoàn thành dự án này. Rồi mọi người bắt đầu khóc.
Phỏng vấn tờ Business Week, 2004
Sự cách tân và sáng tạo đến từ những con người tụm lại thành nhóm ngay trên hành lang, hoặc gọi điện cho nhau vào lúc 10g30 đêm chỉ để bàn về một ý tưởng mới, hoặc bởi vì họ nhận ra đã có lỗ hổng trong cách mà cả nhóm tiếp cận một vấn đề nào đó. Và sự cách tân còn đến từ việc nói không với 1.000 thứ, để đảm bảo chúng tôi sẽ không đi lệch lộ trình, hoặc phí hoài công sức vào quá nhiều yếu tố gây “nhiễu”.
Chúng tôi luôn luôn nghĩ về cách tiến công vào những thị trường mới, nhưng chỉ bằng cách nói không, bạn mới có thể tập trung vào những gì thật sự quan trọng.
Phỏng vấn với tạp chí Fortune, 2000
Trong nhận thức của phần đông thiên hạ, thiết kế đồng nghĩa với sự trang trí. Hoặc thiết kế nội thất. Hoặc đó là hoa văn của rèm cửa và ghế sô-fa. Song với tôi, ý nghĩa chân thực của thiết kế không phải như vậy. Thiết kế là linh hồn cơ bản của một sự sáng tạo làm bởi bàn tay con người, kết thúc bằng việc thể hiện bản thân nó một cách hết mình trên lớp ngoài cùng của một sản phẩm, hoặc dịch vụ.
Những phát biểu được trích dẫn nhiều nhất từ Steve Jobs “Hãy luôn thèm khát, hãy luôn dại khờ” “Nếu bạn chưa tìm thấy nó (sự đam mê), hãy cứ tìm kiếm. Đừng nản chí. Cũng như cách mà trái tim hoạt động, bạn sẽ biết được khi nào thì mình đã tìm ra điều bản thân thật sự muốn làm. Và, giống như mọi mối quan hệ tốt đẹp, nỗi đam mê của bạn sẽ còn lớn dần theo thời gian”
“Khi mới 17, tôi đọc được một câu châm ngôn nói rằng: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, đến lúc nào đó bạn sẽ tin tưởng rằng mọi điều bạn làm đã đúng. Câu châm ngôn đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, và trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng còn sống, tôi sẽ còn muốn làm điều mà tôi sắp sửa làm hôm nay?” Và bất cứ khi nào câu trả lời là “Không” kéo dài nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi phải thay đổi điều gì đó” (Trích bài phát biểu tại Đại học Stanford, 2005). “Chúng ta đâu có nhiều cơ hội để làm mọi thứ trên đời, mọi người nên làm thật tốt những gì bản thân đang làm. Bởi vì đây là cuộc sống của riêng mỗi chúng ta” (Phỏng vấn với tạp chí Fortune, 2008) “Bạn không thể xâu chuỗi các sự kiện trong đời trong khi mắt nhìn về tương lai, bạn chỉ có thể làm điều này khi nhìn về quãng đời đã qua. Vậy nên bạn cần tin tưởng rằng những gì mình đang làm hiện tại rồi sẽ có lúc kết nối với nhau để tạo ra tương lai. Bạn phải tin vào một điều gì đó – lòng can đảm của bản thân, định mệnh, cuộc sống, luật nhân-quả, cái gì cũng được. Lối suy nghĩ này chưa bao giờ làm tôi phải thất vọng, và nó đã tạo ra mọi thay đổi trong cuộc đời tôi” (Trích bài phát biểu tại Đại học Stanford, 2005). “Thiết kế không chỉ là vấn đề sản phẩm trông ra làm sao. Thiết kế còn là cách sản phẩm đó hoạt động” (Nói về iPod trong buổi phỏng vấn với tờ New York Times, 2003) “Bạn không thể hỏi khách hàng xem họ muốn một sản phẩm ra sao để từ đó thỏa mãn họ. Bởi vào lúc bạn làm xong sản phẩm, khách hàng lại muốn một thứ gì đó mới mẻ hơn” (Phỏng vấn với tạp chí Inc, 1989) |
Steve Jobs - hình ảnh một thiên tài
Nhìn lại hành trình cuộc sống, sự nghiệp và thăng trầm của một trong những huyền thoại vĩ đại nhất thế giới công nghệ, Steve Jobs.
“Steve Jobs ra đi, để lại sau lưng một di sản mà chỉ có ông mới tạo dựng nổi” - Tim Cook - người thay Steve Jobs điều hành Apple - phát biểu khi nghe tin về cái chết của “vị phù thủy” - Ảnh: Internet |
1955: Steve Jobs sinh ra tại San Francisco.
1969: Được đích thân William Hewlette trao cho một công việc mùa hè tại Hewlette-Packard (HP)
1971: Gặp gỡ Steve Wozniak, người đã cùng ông lập nên Apple Computer Inc.
1976: Steve Jobs và Steve Wozniak kiếm được 1.750 USD và xây dựng chiếc máy tính đầu tiên, Apple I.
1976: Thành lập Apple Computer Company cùng Wozniak và Ronald Wayne. Wayne bán cổ phần của mình sau đúng… hai tuần.
Jobs và Wozniak năm 1976 - Ảnh minh họa: Internet |
1976: Steve Jobs và Wozniak ra mắt Apple I với giá 666,66 USD, chiếc máy tính đầu tư có giao diện video và bộ nhớ ROM (Read Only Memory) cài sẵn, có chức năng hướng dẫn chiếc máy tải chương trình từ nguồn bên ngoài.
1977: Apple ra mắt Apple II, chiếc máy tính cá nhân phổ biến đầu tiên của nhân loại.
1979: Khởi công xây dựng dự án Macintosh.
1980: Apple III ra mắt.
Ảnh minh họa: Internet |
1980: Apple “lên sàn”, giá trị cổ phiếu nhảy từ 22 USD thành 29 USD ngay trong ngày giao dịch đầu tiên.
Máy tính “Lisa”, một sản phẩm thất bại của Apple - Ảnh: Internet |
1983: Giới thiệu “Lisa”, chiếc máy tính có chuột đầu tiên. Sản phẩm bị xem là thất bại trên thị trường.
1985: Được Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan trao tặng Huy chương Công nghệ Quốc gia.
Bài viết trên tạp chí Fortune năm 1985: “Phía sau sự sụp đổ của Steve Jobs” - Ảnh: Internet |
1985: Jobs bị “bật xới” khỏi Apple do mâu thuẫn với ban quản trị. Ông từ chức và mang theo năm nhân viên Apple với mình.
1985: Thành lập NeXT Inc để sản xuất phần cứng và phần mềm máy tính.
1986: Mua lại Pixar từ George Lucas với giá chưa đến 10 triệu USD.
1989: NeXT xuất xưởng chiếc NeXT Cube với giá cao. Sản phẩm thất bại nặng nề.
1991: Lập gia đình với người vợ hiện tại là Laurene Powell. Hai người có với nhau ba đứa con.
1993: NeXT đóng cửa mảng phần cứng, tập trung vào sản xuất phần mềm.
1995: Câu chuyện đồ chơi (Toy Story) của Pixar trở thành phim có doanh thu cao nhất năm.
1996: Apple thâu tóm NeXT Computer với giá 427 triệu USD tiền mặt cùng một lượng cổ phiếu. Steve Jobs trở thành “tư vấn viên” cho Gilbert Amelio, đang giữ chức chủ tịch.
Steve Jobs khi trở về “mái nhà xưa” năm 1997 - Ảnh: Internet |
1997: Steve Jobs trở thành CEO tạm thời của Apple, sau khi Amelio bị sa thải. Mức lương của Jobs kể từ đây là 1 USD một năm.
Steve Jobs và chiếc iMac tất-cả-trong-một đầu tiên của Apple - Ảnh: Internet |
1998: Apple ra mắt chiếc iMac tất-cả-trong-một đầu tiên, bán được hàng triệu đơn vị, cứu vãn tình hình tài chính của công ty và giúp nâng giá cổ phiếu lên 400%. Sản phẩm có kiểu dáng được xem là cách mạng trong ngành thiết kế công nghiệp.
Ảnh: Internet |
2001: Mac OS X ra đời.
Ảnh: Internet |
2001: Apple tiến công vào lĩnh vực điện tử tiêu dùng với chiếc máy nghe nhạc MP3 iPod. Sản phẩm đã bán được đến 4,4 triệu đơn vị vào năm 2004).
2003: Steve Jobs công bố sự ra mắt của cửa hàng trực tuyến iTunes Music Store.
2004: Kết quả chẩn đoán cho thấy Steve Jobs bị mắc bệnh ung thư tuyến tụy và phải trải qua một cuộc phẫu thuật.
Ảnh: Internet |
2007: Steve Jobs ra mắt chiếc iPhone, smartphone đầu tiên của thế giới loại bỏ hoàn toàn bàn phím cứng.
2009: Giải thích cho việc bị sút cân nghiêm trọng, Steve Jobs cho hay ông bị rối loạn cân bằng hormone. Vào thời điểm đó ông cho hay tình trạng này vẫn không ngăn cản việc đảm đương công việc của một CEO. Song chỉ một tuần sau, Steve Jobs cho biết ông sẽ phải vắng mặt trong một thời gian ngắn. Đây cũng là lúc Tim Cook thay mặt Steve Jobs điều hành các hoạt động thường ngày của công ty.
2009: Steve Jobs trải qua ca phẫu thuật ghép gan.
2010: Apple trình làng chiếc máy tính bảng iPad, sản phẩm lập tức thành công vang dội và mở ra một định nghĩa mới trong lĩnh vực thiết bị điện toán di động.
Tháng 3-2011: Bất chấp tình trạng sức khỏe không được tốt, Steve Jobs vẫn có mặt tại San Francisco để giới thiệu chiếc iPad 2.
Steve Jobs tựa đầu vào vợ, bà Laurene Powell Jobs, sau khi kết thúc bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế dành cho lập trình viên vào tháng 6-2011 - Ảnh: Internet |
Tháng 6-2011: Trong khi đang trong giai đoạn điều trị bệnh, Steve Jobs vẫn xuất hiện tại Hội nghị Quốc tế dành cho lập trình viên tại San Francisco, giới thiệu iCloud và iOS 5. Một vài ngày sau đó, Steve Jobs lên kế hoạch xây dựng một đại bản doanh mới hình đĩa bay cho Apple.
Tháng 8-2011: Steve Jobs tuyên bố từ giã “ngai vàng”, và giới thiệu Tim Cook làm người thay thế.
5-10-2011: Steve Jobs từ trần.
URGENT LOAN IS AVAILABLE NOW
Trả lờiXóaTODAY I GOT MY DESIRED LOAN AMOUNT $760K FROM A RELIABLE,TRUSTED AND REGISTERED PRIVATE LOAN COMPANY LAST WEEK,BUSINESS/HOME/COMPANY/PROJECT/PERSONAL LOAN? ARE NOW AFFORDABLE HERE FOR YOU TODAY CONTACT Email profdorothyinvestments@gmail.com
Hello, I'm here to testify of how i got my real estate business loan from PROF. MRS.DOROTHY JEAN INVESTMENTS (profdorothyinvestments@gmail.com) I don't know if you are in need of an urgent loan to pay bills, start business or build a house, they offer all kinds of loan Ranging from $5,000.00USD to $2,000,000.00USD with a low interest rate of 2% and loan duration of 1 to 33 years to pay back the loan secure and unsecured. Are you losing sleep at nights worrying how to get a Legit Loan Lender?
MRS.DOROTHY JEAN holds all of the information about how to obtain money quickly and painlessly without cost/stress via Contacts Email profdorothyinvestments@gmail.com
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa