Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Putin - Medvedev: Bộ đôi quyền lực nước Nga

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin là một bộ đôi quyền lực của nước Nga suốt hơn 3 năm qua, và có thể cả trong nhiều năm tới.

Năm 2008, ông Putin rời điện Kremlin sau hai nhiệm
Năm 2008, ông Putin rời điện Kremlin sau hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp trong 8 năm với rất nhiều thành công vang dội, để chuyển sang làm thủ tướng Nga. Putin không thể có nhiệm kỳ thứ ba làm tổng thống vì điều này trái với Hiến pháp Nga khi đó. Người tiếp quản vai trò ông chủ điện Kremlin là ông Medvedev, khi đó mới 43 tuổi. Ảnh: ITAR-TASS
Ngay từ khi Medvedev được chỉ định là Phó thủ tướng thứ nhất cuối năm 2005, ông Medvedev luôn được coi là người sẵn sàng tiếp quản chiếc ghế mà ông Putin để lại. Ảnh: Acus
Giữa Putin và Medvedev là một tình thân đặc biệt. Họ không chỉ theo sát nhau trên chính trường mà còn thường xuyên tham gia các hoạt động đời thường. Putin và Medvedev cùng nhau đi trượt tuyết, câu cá, hay xuất hiện tại nhiều bữa tiệc với ghế ngồi luôn luôn đặt cạnh nhau. Bức ảnh này cho thấy Medvedev đích thân lái chiếc xe điện đưa ông Putin đi lại trong khu dinh thự tổng thống có tên Bocharov Ruchei, tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở biển Đen, miền nam nước Nga. Ảnh: AP
Khi nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Medvedev gần kết thúc, câu hỏi về việc ông sẽ tiếp tục tranh cử hay Thủ tướng Putin sẽ trở lại điện Kremlin đã được đặt ra. Trong suốt thời gian dài, cả Putin và Medvedev tránh trả lời trực tiếp câu hỏi này, khiến dư luận càng chú ý tới mối quan hệ của bộ đôi quyền lực nước Nga. Ảnh: Ria Novosti
Câu
Câu trả lời rõ ràng cuối cùng được đưa ra tại đại hội toàn quốc đảng Nước Nga Thống nhất được tổ chức tại thủ đô Matxcơva hôm 24/9. Trong ảnh này, Putin và Medvedev cùng nhau bước vào đại hội trước sự hoan nghênh của hàng nghìn đại biểu. Ảnh: Kremlin
Ông
Tổng thống Medvedev có bài phát biểu tại đại hội, trong đó nêu rõ đề xuất Thủ tướng Putin là đại diện cho đảng Nước Nga Thống nhất tham gia cuộc chay đua bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev nhấn mạnh việc ủng hộ sự ứng cử của ông Putin là hoàn toàn đúng đắn. Ảnh: AFP
Ngay sau đó,
Ngay sau đó, Thủ tướng Putin tuyên bố đồng ý với đề xuất của Tổng thống Medvedev. Ông sẽ tham gia tranh cử tổng thống năm 2012, và đứng trước cơ hội lần thứ hai trở thành ông chủ điện Kremlin. Putin coi đây là một vinh dự lớn của ông. Ảnh: AFP
Putin và Medvedev cùng xuất hiện trên lễ đài.
Putin và Medvedev cùng xuất hiện trên lễ đài. Với sự áp đảo của đảng Nước Nga Thống nhất trên chính trường Nga, ứng viên Putin gần như chắc chắn trở thành tổng thống Nga. Theo một thay đổi trong Hiến pháp Nga, nhiệm kỳ tổng thống sẽ là 6 năm, thay vì 4 năm như trước đây. Do vậy, ông Putin nhiều khả năng có thể làm tổng thống tới năm 2024, khi ông 72 tuổi. Ảnh: AFP
Putin và Medvedev cùng xem đồng
Putin và Medvedev cùng chỉnh đồng hồ về cùng một giờ bên lề đại hội của đảng Nước Nga Thống nhất. Đây là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao. Họ sẽ tiếp tục là bộ đôi quyền lực của nước Nga nhiều năm nữa. Ảnh: AFP
Putin và Medvedev
Putin và Medvedev cùng nhau đi dạo trong một công viên sau đại hội đảng Nước Nga Thống nhất ngày hôm qua. Hình ảnh này là sự thể hiện mới nhất của mối quan hệ đoàn kết giữa hai nhà lãnh đạo của nước Nga, AFP nhận định. Ảnh: AFP
Bộ đôi quyền lực của nước Nga sẽ còn đi chung một con đường trong một thời gian dài nữa. Ảnh: AFP
Bộ đôi quyền lực của nước Nga sẽ còn đi chung một con đường trong một thời gian dài nữa. Ảnh: AFP

Medvedev đề xuất Putin trở lại làm tổng thống

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm nay tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử 2012 và ủng hộ Thủ tướng Vladimir Putin trở lại làm ông chủ điện Kremlin.

Putin và Medvedev tại Đại hội đảng Nước Nga Thống nhất. Ảnh: AFP
Putin và Medvedev tại Đại hội đảng Nước Nga Thống nhất. Ảnh: AFP.
"Tôi nghĩ rằng việc ủng hộ chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, ông Vladimir Putin, ứng cử vào vị trí tổng thống là hoàn toàn đúng đắn", AFP dẫn lời ông Medvedev phát biểu tại đại hội thường niên của đảng cầm quyền tại nước Nga.
Đáp lại đề xuất nói trên, ông Putin nhanh chóng chấp nhận việc ra ứng cử tổng thống Nga. Diễn biến này là câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra suốt nhiều tháng nay về việc ai sẽ là người đại diện đảng Nước Nga Thống nhất chạy đua trong cuộc bầu cử năm 2012.

Trong khi đó, ông Putin cho rằng ông Medvedev nên trở thành thủ tướng Nga trong năm 2012. Ông Putin cũng đề cử ông Medvedev là người đứng đầu danh sách 600 ứng viên trong các cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12 tới.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào tháng 3/2012. Do các đảng đối lập có số ghế ít ỏi tại Hạ viện, ứng cử viên của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất gần như chắc chắn giành chiến thắng và sẽ trở thành ông chủ tiếp theo của điện Kremlin.

Theo những cải cách Hiến pháp mà Tổng thống Medvedev tiến hành, nhiệm kỳ tổng thống Nga sẽ tăng lên thành 6 năm, thay vì 4 năm như trước đây. Vì thế, nếu Putin lần thứ hai trở thành tổng thống Nga, ông có thể nắm giữ vị trí này tới năm 2024 nếu tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo. Như vậy, Putin sẽ là tổng thống Nga cho tới năm 72 tuổi.

Năm 2008, Putin rời điện Kremlin sau hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp và đảm nhận vai trò thủ tướng sau đó.

Medvedev nói kết quả bầu cử Nga chưa được 'an bài'

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm nay khẳng định bất cứ chính trị gia nào cũng có thể thất bại trong cuộc đua vào điện Kremlin năm tới.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: indiatalkies
"Làm sao có thể định trước kết quả bầu cử cơ chứ", Tổng thống Medvedev nói trong buổi phỏng vấn truyền hình sẽ được phát sóng trên khắp nước Nga tối nay. "Hãy để mọi người quyết định bầu cho ai và có nên ủng hộ một lực lượng chính trị nào đó hay không".
Theo AFP, ông Medvedev cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của nền dân chủ Nga và nói rằng không ai có thể đảm bảo được chiến thắng trong bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào dù là bầu quốc hội hay tổng thống. "Bất kỳ chính trị gia nào cũng có thể thất bại trong cuộc bầu cử. Đấy không phải là những lời nói suông. Đó là sự thật", ông nhấn mạnh.
Các hãng tin của Nga cho biết trong cuộc phỏng vấn này, ông Medvedev cũng đã giải thích tại sao ông quyết định ở ngoài lề cuộc chạy đua tổng thống, dù trước đó ông từng tuyên bố "bất cứ nhà lãnh đạo nào giữ ghế tổng thống đều muốn tái tranh cử".
Phát biểu trong một hội nghị của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất hôm 24/9, Tổng thống Medvedev cho biết ông sẽ không tham gia tranh cử tổng thống vào tháng 3 tới và đề nghị Thủ tướng đương nhiệm và cũng là tổng thống tiền nhiệm Vladimir Putin chạy đua vào điện Kremlin.
Ông Medvedev đã dành một phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của mình để thúc đẩy một chương trình hiện đại hóa nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu thăm dò cho thấy ông không nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri trong khi ông Putin vẫn được xem là chính trị gia được yêu mến nhất nước Nga. Nhiều tuần trước hội nghị của đảng cầm quyền, Thủ tướng Putin đã liên tiếp xuất hiện trước công chúng và trở thành tâm điểm của báo chí, trong khi Tổng thống Medvedev đi nghỉ ở biển Đen.
Bầu cử vào quốc hội Nga sẽ được tổ chức vào ngày 4/12 năm nay và bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 3 năm sau. Toàn bộ cuộc phỏng vấn trên của Tổng thống Medvedev sẽ được phát trên các kênh truyền hình trung ương Nga lúc 20h30 tối nay giờ địa phương.

Khi nước Nga hoán đổi vị trí lãnh đạo

Thông tin Thủ tướng Nga Putin sẽ tranh cử tổng thống năm tới đã được thông báo tại hội nghị của đảng Nước Nga thống nhất ở Moscow.

Ông Vladirmir Putin đã nhất trí chạy đua vào ghế tổng thống Nga một lần nữa trong động thái có thể chứng kiến ông dẫn dắt đất nước tới năm 2024. Đảng cầm quyền cũng phê chuẩn đề xuất của ông Putin rằng, Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev sẽ nắm giữ vai trò hiện nay của ông Putin sau cuộc bầu cử.

Vladimir Putin và Dmitry Medvedev vẫy chào đám đông trong hội nghị của đảng Nước Nga thống nhất tại Moscow hôm qua (24/9). Ảnh: AP

Ông Putin đã lãnh đạo nước Nga ở cương vị Tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ 2000 - 2008 với sự chỉ huy cứng rắn. Quy định của Hiến pháp đã thay đổi mở rộng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 6 năm, và nếu thắng cử, ông Putin sẽ có thể giữ vững quyền lực trong suốt 12 năm kể từ năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là, ông sẽ dẫn đầu đất nước gần 1/4 thế kỷ.

Phát biểu trước đám đông hàng nghìn người ở sân vận động Luzhniki, Moscow, Tổng thống Medvedev lần đầu tiên đã chấp nhận đề xuất của Putin rằng, ông sẽ đứng đầu danh sách của đảng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12. Đám đông sững sờ ngạc nhiên và hoan nghênh vang dội khi ông nói: "Tôi nghĩ đại hội đảng có quyền ủng hộ ứng viên đứng đầu chính phủ, Vladimir Putin, trong vai trò tổng thống của đất nước”.

Nước Nga nhiều tháng nay có những đồn đoán về quyết định ai sẽ đại diện đảng cầm quyền tranh cử tổng thống. Ông Putin đã “đăng đàn” sau tuyên bố, có bài phát biểu trước những quan ngại về tình trạng thất nghiệp và tham nhũng, đồng thời hứa hẹn sẽ cải thiện tình hình đất nước.

Trọng tâm là người dân


"Những nhiệm vụ to lớn ở trước mắt chúng ta”, ông Putin nói. “Trọng tâm chú ý của chúng tôi luôn luôn là người dân - những công dân của nước Nga”.

Về phần mình, ông Medvedev đã nói về quyết định tranh cử: "Ông Putin và tôi luôn tự hỏi: khi nào sẽ quyết định? Tôi muốn xác nhận hoàn toàn những gì chúng tôi đề xuất lên đại hội, là quyết định đã được suy nghĩa sâu sắc, thấu đáo. Tôi hy vọng các bạn sẽ hiểu vì sao chúng tôi đã chờ đợi quá lâu để công khai quan điểm của mình”.

Khi đứng đầu danh sách của đảng Nước Nga thống nhất, ông Medvedev nói, ông sẽ sẵn sàng đứng đầu chính phủ - với vai trò thủ tướng - nếu đảng cầm quyền giành thắng lợi.

Tín nhiệm dành cho đảng Nước Nga thống nhất đã sụt giảm mạnh từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng đây vẫn là đảng có ảnh hưởng lớn nhất nước Nga. Nếu thắng cử và nếu tiếp tục nhiệm kỳ hai làm tổng thống, ông Putin sẽ ở lại điện Kremlin qua cả lần sinh nhật thứ 71.

Cựu điệp viên KGB đã bày tỏ vui mừng trước đám đông sau thông báo tranh cử. "Tôi muốn cám ơn các bạn vì phản ứng tích cực với đề xuất tôi tranh cử Tổng thống Nga”, ông Putin nói. “Với tôi, đây là một vinh dự lớn”. Ông đã đưa ra một chương trình tranh cử tập trung vào việc giải quyết tình trạng kinh tế trì trệ.

Theo giới phân tích, việc trở lại điện Kremlin sẽ giúp Putin kiểm soát chính sách đối ngoại. Quan hệ giữa Nga với phương Tây đã sụt giảm khi ông làm Tổng thống trước đây.

Hai nhà lãnh đạo Dmitry Medvedev và Vladimir Putin hôm qua đã tham gia đại hội của đảng Nước Nga thống nhất" ở Moscow. Hai người cùng nhau đi vào hội trường.

"Sức mạnh của chúng ta là ở sự thống nhất những mục tiêu chung, và chúng ta đi tới những cuộc bầu cử để giành thắng lợi", Tổng thống Nga nói. Ông Medvedev nhắc nhở các đối thủ chính trị là 10 năm trước, đất nước kiệt quệ trong sự đổ vỡ, có thể sánh với hậu quả những tác động của một cuộc nội chiến. "Chúng ta đã khôi phục nước Nga yêu quý của mình, và sẽ không trao đất nước này cho người nào muốn chia cắt, phá hoại nó bằng những lời hứa hẹn không thực hiện nổi”, ông tuyên bố.

Còn ông Putin cho biết, ông Dmitry Medvedev sẽ lãnh đạo chính phủ Nga, tạo dựng một đội ngũ trẻ trung hiệu quả để hiện đại hóa đất nước. Sau khi tiếp nhận đề xuất tranh cử tổng thống, Putin đã phác thảo những chính sách kinh tế trước thềm bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 3. Ông nói, kinh tế Nga nên tăng trưởng ở mức 6-7% trong ít năm tới, bày tỏ sự tin tưởng rằng, nước Nga “trong 5 năm tới sẽ trở thành một trong năm nền kinh tế dẫn đầu thế giới”. Ông cũng cam kết tăng tỉ lệ việc làm và mức lương, cải tổ hệ thống thuế, nâng cấp quân sự.

Đằng sau cuộc đổi ngôi Putin-Medvedev

Theo kịch bản mới, ông Putin sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống lần thứ ba trong cuộc đời chính trị của mình. Ngược lại, Tổng thống đương nhiệm Medvedev có thể sẽ được quay trở lại nắm giữ chức vụ Thủ tướng trong nội các mới. Sự hoán đổi ngôi vị này quả là hiếm có trong quan hệ quốc tế đương đại.

Putin - Lùi một bước để tiến hai bước

Cuối tuần qua một sự kiện tại nước Nga đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong Đại hội của Đảng Nước Nga thống nhất, trước 11.000 người ủng hộ, Thủ tướng đương nhiệm Putin đã tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống vào tháng 3/2012.

Tuyên bố này của Putin không làm nhiều người ngạc nhiên vì ngay từ khi ông chấp nhận lùi một bước về giữ chức vụ Thủ tướng, giới phân tích đã dự đoán trước được rằng ông sẽ quay lại nắm quyền. Bước lùi này của ông Putin mang tính chất chiến thuật trong khi Hiến pháp Nga không cho phép ứng cử Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Nhiều người nghĩ rằng cho dù ông làm Thủ tướng nhưng ảnh hưởng của ông tới Tổng thống Nga Medvedev là rất lớn. Việc quay trở lại này có hai điểm quan trọng: nhiệm kỳ tổng thống lần này sẽ kéo dài 6 năm thay vì 4 năm như trước đây (theo quy định của Hiến pháp Nga được sửa đổi năm 2008); nếu suôn sẻ ông có thể giữ tiếp thêm nhiệm kỳ thứ hai. Như vậy, về mặt lý thuyết ông Putin có thể tại vị đến năm 2024.

Như vậy, quả không sai khi nói rằng ông Putin đã chấp nhận lùi một bước để tiến hai bước.

Tại sao Medvedev nhường ‘ngôi’ cho Putin?


Tổng thống Medvedev trong nhiệm kỳ của mình cũng đã cố tạo ra dấu ấn riêng. Ông đã chứng tỏ sự trẻ trung và thời thượng của mình khi có hẳn một tài khoản Twitter và một blog để bày tỏ quan điểm của mình. Ông cũng đã chấp nhận trả lời phỏng vấn các tờ báo độc lập như Novaia Gazeta hay có những bài phát biểu tương đối cởi mở và thẳng thắn về quá trình hiện đại hóa của nước Nga, nền kinh tế Nga và các thể chế...

Tất cả những điều đó đủ để nói lên một điều đó là Tổng thống Medvedev muốn tạo ra một tính cách riêng, một cách tiếp cận riêng trong việc điều hành nước Nga. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá thì bấy nhiêu chưa đủ để ông có thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Thủ tướng Putin. Đứng cạnh Putin, người ta khó có thể nhìn thấy được sự tự tin cần thiết của ông Medvedev. Dù rằng mùa Xuân năm 2011, ông Medvedev vẫn còn cho thấy sự quyết tâm giữ bằng được chiếc ghế Tổng thống nhưng tại sao bây giờ ông lại có thái độ ngược hẳn khi đứng ra ủng hộ Putin ứng cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới ?

Trên thực tế, kịch bản này có lẽ đã được hai người thỏa thuận với nhau từ lâu. Ngay cả trong trường hợp ông Medvedev muốn ‘lật kèo’ thì điều đó cũng gần như không thể vì nhiều lý do. Thứ nhất, ông không còn sự lựa chọn nào khác do không thể ngăn cản được ông Putin. Thứ hai, ông không thể xây dựng cho mình một mạng lưới những người có tiếng nói quyết định tại nước Nga nói chung  và trong Đảng Nước Nga thống nhất để ủng hộ mình. Thứ ba, ở phương diện hợp lòng dân thì có lẽ Tổng thống Medvedev thua xa ông Putin. Lý do đơn giản đó là hình ảnh của ông Putin được lòng dân trên cả nước Nga trong khi hình ảnh của ông Medvedev chỉ thực sự nổi trội ở khu vực Moscow (tại đây, những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Medvedev thường đứng ở trước ông Putin).

Trên bình diện đối ngoại, trong thời gian làm Tổng thống, ông Medvedev đã có những bước đi không hợp lý làm cho ông mất điểm. Điều này thể hiện ở hai điểm.

Thứ nhất, so với Putin thì ông Medvedev được lòng phương Tây hơn. Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Pháp Sarkozy không che dấu rằng họ thích làm việc với ông Medvedev hơn là với người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đương nhiệm Putin. Điều này là tích cực nhưng dưới cái nhìn ‘tiêu cực’ ông Medvedev cũng dễ bị gán cho cái mác là thân phương Tây.

Thứ hai, ông cũng đã có một số lựa chọn chiến lược gần với quan điểm của phương Tây, đặc biệt là chấp nhận các biện pháp cấm vận mới chống Iran và từ chối cung cấp tên lửa phòng không hiện đại cho nước này ; tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chính việc Nga bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 đã giúp cho phương Tây có cơ hội tiến hành không kích và lật đổ chế độ của Đại tá Gaddafi. Chính Thủ tướng Putin đã phê phán sự lựa chọn này của Nga.

Những phản ứng ban đầu trước sự đổi ngôi

Đa phần người dân Nga nhìn nhận sự đổi ngôi này như là một sự tất yếu. Cần phải nói rằng trong hai nhiệm kỳ trước của mình, ông Putin đã có những đóng góp không nhỏ giúp nước Nga thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước đầu tìm lại vị thế chính trị đã mất của mình trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đã có những phản ứng không thuận từ một vài chính trị gia của Nga cũng như phe đối lập. Đầu tiên cần phải nói tới cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachov, ông tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của việc ông Putin quay trở lại nắm quyền. Ông cho rằng nước Nga sẽ lại mất 6 năm tới đây trong nhiệm kỳ của ông Putin nếu Tổng thống Nga không cải tổ sâu sắc hệ thống chính trị. Tờ Novaia Gazeta trích lời ông Gorbachov cho rằng ‘chúng ta có thể thấy sẽ không có bất kỳ bước tiến nào trong tương lai nếu không tiến hành những thay đổi nghiêm túc toàn bộ hệ thống’. Ông cho rằng nước Nga đang bế tắc và không dễ gì tìm ra giải pháp cho tình hình này. ‘Nếu Tổng thống không có bất kỳ thay đổi gì mà chỉ nghĩ đến việc giữ ghế của mình thì đây sẽ là lỗi lầm của ông’.

Ngay cả những người thân cận của Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin cũng có những phản ứng trái chiều. Đầu tiên là Bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrine, ông này đã không ngần ngại bày tỏ sự không đồng tình của mình và ‘đe dọa’ sẽ không tiếp tục công tác trong chính phủ mới nếu ông Medvedev trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, phản ứng này của ông Koudrine cũng dễ hiểu vì trước đây, ông được cho là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng Nga. Bây giờ, khi có sự dàn xếp khác thì tất nhiên là ông sẽ không hài lòng. Ngoài ra, cố vấn kinh tế của Tổng thống Medvedev, là ông Arkadi Dvorkovich đã bày tỏ sự thất vọng của mình trên trang Twistter khi nói rằng ‘chẳng có lý do gì để vui mừng’.

Trên bình diện quốc tế, chưa có nhiều phản ứng chính thức trước sự đổi ngôi này nhưng có lẽ phương Tây không tỏ ra thích thú với sự đổi ngôi này vì ông Putin được cho là người có cách cư xử cứng rắn với phương Tây. Về phía Mỹ, ngày 24/9, Mỹ cho biết chương trình tái khởi động quan hệ với Nga vẫn được tiếp tục xúc tiến cho dù sắp có sự thay đổi lãnh đạo của Nga nhưng tờ Wall Street Journal cũng cho rằng việc Putin lên nắm quyền sẽ làm phức tạp thêm chính sách của Mỹ, chí ít là trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.

Sự trở lại của Putin 'gây khó' cho Mỹ?

Việc ông Putin có thể trở lại ghế tổng thống Nga năm tới sẽ làm phức tạp hóa các nỗ lực của chính quyền Obama đối với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và thương mại, và càng làm gia tăng sự hoài nghi trong các nhà hoạch định chính sách và nghị sĩ Mỹ về hướng đi cũng như những mục tiêu của Nga.


Sau khi hai nước đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân năm ngoái, các cuộc thương thuyết đã bị đình trệ về những bước đi tiếp theo trong việc cắt giảm đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Moscow cũng như việc thuyết phục Nga không phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa mới của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây là những lĩnh vực mà ông Putin nhiều lúc công khai bày tỏ sự hoài nghi.

Ảnh Wordpress

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có được mối quan hệ làm việc gần gũi hơn với người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev - người mà cuối tuần vừa tuyên bố sẽ bước sang bên để mở đường cho sự trở lại điện Kremlin của ông Putin. Các quan chức tại Washington đã từng hy vọng ông Medvedev sẽ trở thành một đối trọng với những gì mà họ mô tả trong hàng loạt bức điện tín ngoại giao mật mà Wikileak công bố là một "nhà nước mafia". Và những chú ý của Washington đổ dồn vào Medvedev nhằm khiến người dân cảm giác rõ về vai trò thủ tướng của ông Putin đã "đổ xuống sông xuống biển".
Ông Putin đã tuyên bố tranh cử tổng thống tại đại hội đảng Nước Nga thống nhất hôm thứ bảy. Ông hầu như sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới.
Nhà Trắng đã cố gắng làm giảm đi ảnh hưởng của việc ông Putin trở lại ghế tổng thống và với những gì mà chính quyền Obama đã cố "thiết lập lại" trong quan hệ với Moscow. "Việc thiết lập lại quan hệ luôn luôn vì các lợi ích quốc gia chứ không phải cá nhân con người", Tommy Vietor, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nói.
Còn một quan chức cấp cao của Washington thì nhấn mạnh: "Chúng ta cần tỉnh táo ở đây. Đó không phải là một thay đổi trong hệ thống chính trị vì chúng ta luôn biết rõ hệ thống chính trị là gì".
Tuyên bố ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới của ông Putin không quá gây bất ngờ, nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy, sự chuyển giao quyền lực có thể không diễn ra êm đẹp như ông Putin dự đoán. Mới đây nhất, Bộ trưởng Tài chính lâu năm của Nga đã tuyên bố, ông sẽ không phục vụ trong chính phủ sắp tới. Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin đã giành được sự tín nhiệm cao của giới đầu tư bằng việc điều hành con số thặng dư ngân sách trong những năm bùng nổ phát triển trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin. Các nhà quản lý đầu tư cho rằng, họ chưa chắc liệu ông Putin có thể tiếp tục một cách hiệu quả chương trình hiện đại hóa kinh tế của ông Medvedev hay không.
Tranh cãi lá chắn tên lửa
Tổng thống Medvedev rõ ràng được đánh giá cao tại Mỹ khi Mosow thực hiện cuộc "hòa giải" với thế giới bên ngoài thay vì phong cách đối đầu của Putin. Các nghị sĩ Mỹ đặc biệt thường hồ nghi Putin và có thể làm phức tạp những nỗ lực của chính quyền Obama khi theo đuổi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và thương mại với Nga.
Nhà Trắng đang cố gắp giúp Nga vào Tổ chức Thương mại Thế giới và thuyết phục Quốc hội bãi bỏ luật sửa đổi Jackson-Vanik.
David Kramer, đứng đầu tổ chức Freedom House phi lợi nhuận tại Mỹ cho rằng, quan điểm của Quốc hội nước này có thể thay đổi với sự trở lại của ông Putin. "Putin không được hoan nghênh cao trong Quốc hội Mỹ", ông Kramer nói. "Nó sẽ không giúp cho Jackson-Vanik", thậm chí còn nhấn mạnh, những tin tức mới thể hiện "bước lùi lớn" cho quan hệ song phương.
Trong khi ông Medvedev ủng hộ tư cách thành viên WTO với Nga, thì ông Putin lại hoài nghi nhiều hơn về giá trị gia nhập tổ chức này. Ông Putin thiên về xây dựng một khối thương mại giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Các quan chức chính quyền đã nhận thức về việc Putin có thể trở lại ghế tổng thống, đã tỏ ra rất thận trọng khi nói không muốn có sự "thiên vị giữa hai nhà lãnh đạo".
Vì các lý do ngoại giao, ông Obama đã dành nhiều thời gian với ông Medvedev hơn vì cả hai đều là nguyên thủ quốc gia. Họ gặp nhau tại các cuộc họp đa phương có sự tham dự của ông Medvedev nhiều hơn là ông Putin. Nhưng khi ông Obama thăm Nga năm 2009, Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ cả hai nhà lãnh đạo, và khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nga đầu năm nay, ông cũng có các cuộc tiếp xúc riêng với từng người.
Ông Obama đã lập luận với Quốc hội Mỹ rằng, việc tái lập quan hệ với Nga là vì lợi ích Mỹ. Trong một số dấu hiệu thể hiện sự "tan băng", Nga đã thuyết phục Iran từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, và gần đây cho phép Mỹ chở vật tư quân sự qua Nga tới Afghanistan. Thượng viện hồi tháng 12 đã phê chuẩn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga nhưng các cuộc hội đàm xa hơn về việc cắt giảm đã bị đình trệ.
Có lẽ chủ đề nhạy cảm nhất giữa hai nước vẫn là việc Mỹ ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm giúp các đồng minh NATO chống lại nguy cơ tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran. Nga tuyên bố, họ tin rằng hệ thống này cũng có thể nhằm vào chính khả năng ngăn chặn hạt nhân của mình.
Ông Putin có sự hoài nghi về vấn đề này hơn là ông Medvedev, và Dmitry Peskov - người phát ngôn của thủ tướng Nga chỉ ra rằng, cuộc tranh luận về hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là phép thử với việc chính quyền Mỹ nghiêm túc thế nào trong nỗ lực tái lập quan hệ song phương. "Chúng tôi cần minh chứng bằng những bước đi cụ thể, chứ không chỉ ở lời nói", ông Peskov nói hôm Chủ nhật.
Cả quan chức Mỹ và Nga đều thừa nhận ít đạt được tiến triển trong vấn đề này. Nga đề xuất phối hợp giữa các hệ thống phòng thủ tên lửa với NATO, tạo ra cơ chế cùng chỉ huy và kiểm soát. Nhưng Mỹ lại bác bỏ ý tưởng, với lập luận thay thế vào đó bằng sự "phối hợp" nhưng là các hệ thống riêng rẽ.

Cái giá của cuộc chuyển giao
 Kế hoạch chuyển giao quyền lực tưởng như êm ả tại điện Kremlin (Nga) đã vấp phải “ổ gà” đầu tiên với sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin.
Thủ tướng Putin (trái) và cựu bộ trưởng tài chính Alexei Kudrin - Ảnh: Reuters
Giải thích lý do từ chức, ông Kudrin, như RIA Novosti mới đây cho biết, nói rằng ông không hài lòng với các chính sách kinh tế của Tổng thống Medvedev. “Trong vài tháng qua, bất chấp những cảnh báo của tôi, kể cả những cảnh báo công khai, (chính phủ) vẫn đưa ra các quyết định về chính sách ngân sách chắc chắn sẽ làm gia tăng những rủi ro” - ông Kudrin khẳng định, và nêu rõ việc ông Medvedev tăng chi tiêu cho quân sự và xã hội là “vô trách nhiệm”.
Ông Putin kêu gọi các quan chức duy trì kỷ luật
Theo Interfax, Thủ tướng Putin đã chỉ định Thứ trưởng Tài chính Anton Siluanov làm bộ trưởng tài chính tạm quyền, đồng thời yêu cầu Phó thủ tướng Igor Shuvalov đảm nhận những nhiệm vụ của ông Kudrin ở vị trí phó thủ tướng. Ông Putin cũng kêu gọi các quan chức chính phủ duy trì kỷ luật và trách nhiệm trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12-2011 và cuộc bầu cử tổng thống tháng 3-2012.
Báo The Moscow Times cho rằng phản ứng của ông Kudrin không đơn thuần xuất phát từ những bất đồng về chính sách. Trên thực tế, từ lâu trước khi Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin tuyên bố sẽ “đổi ghế”, giới quan sát đã xác định ông Putin sẽ quay trở lại điện Kremlin vào năm 2012. Và người được kỳ vọng giữ chức thủ tướng trong chính quyền mới không phải ai khác ngoài ông Kudrin. Nhưng tại đại hội đảng Nước Nga thống nhất cuối tuần qua, ông Putin đã khẳng định ông Medvedev sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ năm 2012.
Những bất đồng công khai trong hàng ngũ lãnh đạo Nga là cực hiếm. Do đó, khó có thể tưởng tượng cuộc “nổi loạn” của ông Kudrin lại có thể là một phần của kịch bản đã được dựng sẵn trong chiến lược chuyển giao quyền lực của Matxcơva. Không chỉ vậy, ông Kudrin còn là bạn thân kể từ thời làm việc trong chính quyền St. Petersburg từ thập niên 1990 với ông Putin.
Chính ông Kudrin là người giúp ông Putin bước vào điện Kremlin, và năm 2000 ông Putin đã chỉ định ông Kudrin làm bộ trưởng tài chính. Hơn nữa, phương Tây và các nhà đầu tư nước ngoài còn đánh giá rất cao các chính sách tài khóa, thuế và ngân sách của ông Kudrin. Do đó, rõ ràng sự ra đi của ông Kudrin, nhà quản lý kinh tế đáng tin cậy nhất của Matxcơva, là một diễn biến ngoài mong đợi của ông Putin. Một số nhà quan sát Nga đã mô tả việc ông Kudrin mất chức giống như một bàn tự đưa bóng vào lưới nhà của điện Kremlin.
Đáng chú ý hơn là cách xử lý quyết liệt của điện Kremlin cho dù ông Kudrin là một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Putin. Interfax cho biết chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi ông Medvedev sa thải ông Kudrin, tên của cựu bộ trưởng tài chính này đã bị xóa khỏi lịch làm việc của chính phủ. Văn phòng của ông Kudrin cũng lập tức bị dọn dẹp, và ông cũng nhận được thông báo phải rời khỏi căn biệt thự do chính phủ cấp bên ngoài Matxcơva trong vòng 30 ngày.
Sự quyết liệt đó cho thấy ông Putin muốn ngăn chặn mọi vấp váp có thể xảy ra trong cuộc chuyển giao quyền lực giúp ông trở lại điện Kremlin với tư cách tổng thống. Và sự nghiệp của ông Kudrin là cái giá đáng phải trả. Việc ông Kudrin chỉ trích công khai ông Medvedev đã ảnh hưởng đến vị thế của tổng thống.
Nếu ông Kudrin không bị trừng phạt, rất có thể các quan chức khác trong chính phủ cũng có những động thái tương tự mà không e ngại. Uy tín của ông Medvedev bị xâm phạm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “cỗ xe quyền lực hai chỗ ngồi” của thủ tướng và tổng thống Nga, nhất là trong thời điểm hiện tại.
Ông Medvedev cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng Nước Nga thống nhất nhằm đảm bảo thế đa số 2/3 tại Duma quốc gia sau cuộc bầu cử ngày 4-12 tới, bởi ông là người đứng đầu danh sách các ứng viên của đảng này. Làm tổn thương ông Medvedev cũng có nghĩa là làm tổn thương ông Putin.
Việc chứng tỏ khả năng kiểm soát được tình hình luôn là cách ông Putin giành được sự tin cậy của công chúng Nga. Do đó, ông Putin hẳn phải thể hiện rõ sự cứng rắn cho dù đó là với người bạn Kudrin. Việc ngay cả một người như ông Kudrin cũng sẵn sàng bị thay thế thì sự răn đe này sẽ có tác dụng ngăn chặn bất cứ sự “nổi loạn” nào khác.
Vấn đề sắp tới là bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev sẽ làm gì để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và tiến hành các cải tổ kinh tế - tài chính khi không có ông Kudrin?

Ảnh độc về cặp đôi quyền lực Putin - Medvedev

Có thể Thủ tướng và Tổng thống của Nga sẽ hoán đổi vai trò ở điện Kremlin từ năm tới. Ông Vladirmir Putin đã nhất trí chạy đua vào ghế tổng thống Nga một lần nữa. Đảng cầm quyền cũng phê chuẩn đề xuất của ông, theo đó, Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev sẽ nắm giữ vai trò hiện nay của ông Putin sau cuộc bầu cử.




Medvedev và Putin, trong trang phục kaki, vui vẻ với buổi đi câu trên Volga tại khu vực Astrakhan hồi tháng trước


Thủ tướng và Tổng thống trò chuyện trong bữa ăn trưa tại dinh tổng thống ở Gorki tháng 10/2010


Hãy nhìn lại phía sau! Medvedev và Putin trượt tuyết tại khu Krasnaya Polyana tháng 1/2010


Bộ đôi lãnh đạo năng động của Nga phát biểu trước đám đông tại Quảng trường Đỏ tháng 3/2008


Trông khá nghiêm trọng, Medvedev và Putin thảo luận về tình hình Nam Ossetia tại dinh tổng thống tháng 8/2008


Trở lại với sự thoải mái, bộ đôi xả hơi sau buổi đạp xe vòng quanh dinh tổng thống


Medvedev và Putin cùng theo dõi diễu binh tại Quảng trường Đỏ nhân Ngày Chiến thắng, tháng 5/2011


Bàn có hai người tại St Petersburg sau đại hội đảng Nước Nga thống nhất năm 2009


Medvedev và Putin chuyện trò sau khi đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ vô danh bên ngoài Kremlin tháng 6/2011


Cuộc gặp tháng 12/2010 tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen


Hai nhà lãnh đạo cùng xuất hiện tại đại hội đảng Nước Nga thống nhất ở Moscow vừa diễn ra


Medvedev và Putin đi dạo tại Zavidovo, khu vực Tver tháng 9/2011 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?