Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Xác lập lại một quan niệm vững chắc về hiến pháp

Một thập kỷ vừa qua chứng kiến những tín hiệu thực tế cho thấy chức năng của hiến pháp ở Việt Nam đang chuyển đổi.
Bài viết này cho rằng một thập kỷ vừa qua chứng kiến những tín hiệu thực tế cho thấy chức năng của hiến pháp ở Việt Nam đang chuyển đổi. Những cơ sở thực tế đó đòi hỏi cần xác lập lại một quan niệm vững chắc về hiến pháp như là những giới hạn pháp lý mà nhân dân áp dụng đối với công quyền xuất phát từ những nguyên tắc cai trị hợp lý, một bản cam kết của nhân dân về những giá trị mà họ muốn hướng tới và những sứ mệnh mà cả xã hội sẽ thực hiện để đạt được những giá trị đó. Một quan niệm hiến pháp như vậy là một sự khởi đầu cần thiết cho việc đổi mới quy trình sửa đổi hiến pháp và những sửa đổi cụ thể về các định chế hiến pháp.
Quà tặng từ Thượng Đế
Trong tác phẩm "Người bạn chung của chúng ta", có một cuộc đàm thoại thú vị giữa Podsnap, một người Anh với một người Pháp thượng lưu. Podsnap nói: "Người Anh chúng tôi rất hãnh diện vì hiến pháp do Thượng Đế ban cấp. Không quốc gia nào được hưởng thiên huệ nhiều bằng Anh quốc." Người Pháp thượng lưu hỏi: "Còn các quốc gia khác họ làm sao?" Podsnap đáp, đầu lắc một cách trịnh trọng: "Thưa ông- tôi xin lỗi phải nói như vậy- họ phải tự lo liệu lấy."[1] Thực ra, cái mà Podsnap gọi là "hiến pháp do Thượng Đế ban cấp" là kết quả của một quá trình trầm tích lâu dài của văn hóa chính trị, hình thành nên các quy tắc điều hành chính quyền, cái mà sau này người ta gọi là hiến pháp bất thành văn của nước Anh.
Hơn là sản phẩm của một triều đại, một thế lực cầm quyền nào đó, Hiến pháp bất thành văn của Anh là kết quả của sự đồng thuận chung của người dân về những nguyên tắc điều hành chính quyền. Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, các nguyên tắc đó không phải hoàn toàn là sảm phẩm của hoạt động có ý thức của con người mà chúng được kết tinh một cách vô thức dần dần trong dân chúng. Điều này tạo nên sức sống lâu dài của các quy tắc đó và do các quy tắc lưu truyền một cách tự nhiên trong dân chúng như là kết của của sự chon lọc của dân chúng nên sự tập hợp các quy tắc thành một văn bản đơn hành được người Anh xem là một việc làm mất thời gian và vô ích.
Họ đã tự lo liệu lấy
Không được hưởng ân huệ từ Thượng Đế như người Anh, người Mỹ phải tự lo liệu lấy hiến pháp của riêng mình. Thoát khỏi sự cai trị của người Anh, người Mỹ từng bước tiến tới xây dựng hiến pháp thành văn. Vay mượn chủ yếu triết lý khế ước xã hội từ một triết gia người Anh, John Locke, các nhà lập quốc Mỹ quan niệm chính quyền là sản phẩm của sự đồng thuận của dân chúng và hiến pháp là một hình thức thể hiện sự đồng thuận đó. Hiến pháp Mỹ mở đầu một cách hùng hồn: "Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,...chấp thuận và thông qua bản hiến pháp này." Hiến pháp được xem là một khế ước xã hội của nhân dân nhằm đặt những giới hạn pháp lý lên quyền lực nhà nước. Với ý nghĩa đó, một triết gia chính trị của Mỹ, Thomas Paine trong cuốn "Quyền con người'' (The Right of Man) (1792) cho rằng: Hiến pháp không phải là một đạo luật của chính phủ, mà là của nhân dân, những người cấu thành nên chính phủ.''[2]
Quan niệm về ý nghĩa của hiến pháp như một hình thức pháp lý của dân chúng giới hạn quyền lực của chính quyền dẫn đến việc phân biệt hiến pháp với chính quyền và theo đó hiến pháp là một thứ có trước chính quyền. Thomas Paine nói thêm : "Hiến pháp là một tài sản của quốc dân, không phải của những người điều hành chính quyền. Tất cả các bản hiến pháp ở Mỹ đều tuyên bố là được xây dựng trên cơ sở chủ quyền nhân dân. Ở Pháp, từ quốc dân được sử dụng thay thế cho từ nhân dân; nhưng trong cả hai trường hợp, hiến pháp là một thứ có trước chính quyền." [3]
Tóm lại, trong quan niệm cổ điển, hiến pháp là một hình thức thể hiện sự đồng thuận của nhân dân về các nguyên tắc pháp lý có tính chất giới hạn mà người cai trị họ sẽ áp dụng đối với họ.

Hiến pháp Mỹ mở đầu một cách hùng hồn
Các hiến pháp hiện đại sau này không phải khi ra đời đã mang đầy đủ ý nghĩa và chức năng của hiến pháp như vậy. Lấy dẫn chứng từ tình hình phát triển hiến pháp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một nghiên cứu của Viện Luật Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã chỉ ra đặc điểm của chủ nghĩa hợp hiến ở Đông Á như sau: "việc xây dựng chính quyền hợp hiến cùng với một hệ thống pháp luật được tiến hành như một bộ phận tất yếu của tiến trình hiện đại hóa. Khi việc xây dựng một chính quyền hợp hiến được xem như là một phần hoặc thậm chí chỉ là một phương diện của một dự án thực dụng lớn hơn, hiến pháp có thể dễ trở thành công cụ cho những mục đích lớn hơn (thường là thực dụng). Hiến pháp sẽ không được xem như cũng không được đối xử như là sự tự đồng thuận của nhân dân như là một sự tự do hóa- điều có ý nghĩa bảo đảm các quyền và tự do của họ và giới hạn quyền lực của nhà nước. Thường phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, của sự tự do hóa và dân chủ hóa chế độ hiến pháp hữu danh vô thực để chuyển sang một nền dân chủ hợp hiến thực sự." [4]
Trường hợp của Việt Nam
Dù nhóm nghiên cứu ở Viện luật Đông Nam Á nói trên không khảo sát trường hợp của Việt Nam, nhưng có thể nhận thấy rằng sự phát triển hiến pháp ở Việt Nam cũng chia sẻ một số đặc điểm của tiến trình hiến pháp hóa ở ba nước Đông Á nói trên. Thực vậy, việc xây dựng hiến pháp ở Việt Nam cũng là một bộ phận của một chương trình rộng lớn hơn; và do đó hiến pháp phải được đặt trong tổng thể của cả chương trình vận động quốc gia. Việc xây dựng hiến pháp Việt Nam là một bộ phận của chương trình cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong Lời nói đầu của các hiến pháp. Lời nói đầu của các Hiến pháp Việt Nam dành khá nhiều thời gian tổng kết thành quả cách mạng và cuối cùng là nói đến việc ban hành hiến pháp như một việc tiếp tục thực hiện chương trình cách mạng. Hiến pháp được ban hành để thực hiện những nội dung cách mạng trong những giai đoạn khác nhau.
Có thể nói trong các hiến pháp Việt Nam, bản hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946 gần với ý nghĩa cổ điển của hiến pháp. Hiến pháp 1946, đúng như các hiến pháp cổ điển, chỉ gồm thuần khiết các quy định về chính quyền, được chia làm hai loại: chính quyền được làm gì và được tổ chức như thế nào; những giới hạn đối với chính quyền- tức các dân quyền. Đối với bản hiến pháp này, người ta không nhận thấy việc lập hiến như là một bộ phận của những chương trình kinh tế- chính trị-xã hội rộng lớn hơn.
Đến bản hiến pháp năm 1959, bản hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Việt Nam, người ta có thể nhận thấy rằng bản hiến pháp này là một hình thức để chính thức hóa một kế hoạch xã hội rộng lớn: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Do đó, ngoài các quy định về chính quyền theo lối tập quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp còn chính thức hóa các chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa trong các quy định mới (so với hiến pháp 1946) về chế độ kinh tế, xã hội (Chương II).
Cũng như Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 là một hình thức của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bản hiến pháp này là một hình thức tuyên bố chính thức các kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, sau khi Bắc Nam thống nhất. Ngoài việc tiếp tục và củng cố đậm đặc hơn mô hình chính quyền theo kiểu tập quyền xã hội chủ nghĩa, bản hiến pháp này dành những chương riêng biệt tuyên bố những đường lối cách mạng về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ. (chương 2, chương 3).
Bản hiến pháp hiện hành được ban hành năm 1992 cũng là một bộ phận của một chương trình rộng lớn hơn: chương trình Đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986.
Khi hiến pháp là một bộ phận của một chương trình rộng lớn hơn, hiến pháp phụ thuộc vào mục đích của các cấu phần khác của chương trình tổng thể. Các hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được sử dụng như một hình thức để thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Một mặt, Hiến pháp được dùng như một hình thức để chính thức hóa các mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặc khác, các hiến pháp thành lập ra một hệ thống chính quyền mang tính chất tập trung, thống nhất, một mô hình chính quyền tương thích với điều hành việc thực hiện các mục tiêu đó.
Có lẽ cũng nằm trong bối cảnh chung của các hiến pháp Đông Á khác, khi hiến pháp được sử dụng như một phương tiện của các mục tiêu khác, ý nghĩa thực sự của hiến pháp ít được quan tâm hơn. Nhìn lại lịch sử ban hành ba bản hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, người ta có thể nhận thấy rằng, nội dung thực sự của hiến pháp về chính quyền không có những thay đổi căn bản: trước sau vẫn là một mô hình nhà nước tập quyền xã hội chủ nghĩa, mặc dù mức độ mỗi lúc mỗi khác. Những thay đổi chủ yếu của hiến pháp là liên quan đến sự điều chỉnh của chương trình kinh tế, xã hội. Ví dụ, điểm khác biệt căn bản của Hiến pháp 1980 và hiến pháp 1992 là chế độ kinh tế (chuyển đổi từ chế độ kinh tế tập trung sang chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), chứ không phải mô hình chính quyền: Hiến pháp 1992 vẫn tiếp tục duy trì mô hình chính quyền theo kiểu tập quyền xã hội chủ nghĩa do hiến pháp 1980 xác lập, có điều chỉnh nhất định về mức độ tập quyền. Trong khi hiến pháp là một văn bản tổ chức chính quyền, những thay đổi căn bản của các hiến pháp xã hội chủ nghĩa lại không phải là về chính quyền mà là về chính sách kinh tế, xã hội.
Ý nghĩa của hiến pháp như những cam kết chung của nhân dân về những giới hạn pháp lý đối với chính quyền không phải là tinh thần của hiến pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ cách hình thành cho đến nội dung của hiến pháp đều cho thấy điều này. Xét về cách hình thành, các hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam do cơ quan lập pháp ban hành; nhân dân hoặc một đại hội hiến pháp của nhân dân không được tổ chức để phê chuẩn hiến pháp. Xét về mặt nội dung, thay vì đặt những giới hạn đối với quyền lực, hiến pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để cho phù hợp với việc điều hành thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, củng cố sức mạnh của nhà nước bằng việc xây dựng một mô hình chính quyền theo mô hình quyền lực tập trung, thống nhất. Do đó, dễ thấy là những hình thức kiểm soát quyền lực không có trong hiến pháp Việt Nam như bất tín nhiệm chính phủ, đàn hạch, phủ quyết, tài phán hiến pháp.


-------
[1] Dẫn lại theo: K.C. Wheare ( Nguyễn Quang dịch), Hiến pháp Tân tiến, 1967, tr.23-24.
[2]Thomas Paine, Rights of Man (Meneola, New York : Dover Publications, INC, 1999), p 125.
[3] Như trên, p 130.
[4]Jiunn-Rong Yen & Wen-Chen Chang, "The Emergence of East Asia Constitutionalism: Features in Conparision", ASLI Working Paper, No. 006, Augest 2009, www.law.nus.sg/asli/pub/wps.htm.

Tiêu chí đánh giá một Hiến pháp thành công

(TuanVietNam) - Theo kế hoạch sơ bộ, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992. Để thực hiện được công việc phức tạp này, cần phải có các tiêu chí đánh giá Hiến pháp.
Theo kế hoạch sơ bộ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 kèm theo tờ trình số 11/TTr-UBTVQH13 ngày 02 tháng 8 năm 2011, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong thời gian tới. Để thực hiện được công việc phức tạp này, cần phải có các tiêu chí đánh giá Hiến pháp.
Việc tổng kết Hiến pháp có nghĩa là việc đánh giá các kết quả đạt được của Hiến pháp, tức là xem xét việc thực thi Hiến pháp đóng vai trò như thế nào trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật. Tuy nhiên, việc đánh giá này trở nên rất khó khăn với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ai là người hưởng thụ những thành quả hiến pháp hoặc chịu thiệt thòi từ những yếu kém của các thể chế hiến định: các tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các thẩm phán, các luật sư hay người dân? Nhưng câu trả lời cho câu hỏi này lại phụ thuộc rất nhiều vào việc ai thực hiện việc tổng kết Hiến pháp: Những người ban hành Hiến pháp, áp dụng Hiến pháp hay thi hành Hiến pháp? Những vấn đề phức tạp trên đòi hỏi phải xây dựng các tiêu chí đánh giá Hiến pháp một cách đúng đắn và khoa học.
Việc xác định tiêu chí phần nào mang tính chủ quan, phụ thuộc nhiều vào việc ai là người đặt ra các tiêu chí đó. Các Chính phủ thường đặt ra các tiêu chí ngắn và trung hạn, trong khi các học giả tìm kiếm các tiêu chí dài hạn và phổ quát. Tại Hội thảo quốc tế về quy trình ban hành Hiến pháp diễn ra ở Đại học Princeton năm 2007 [1], các học giả khẳng định nhận định trên và đưa ra các tiêu chí đánh giá Hiến pháp làm tiêu chuẩn cho việc ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp. Các tiêu chí đó bao gồm:
Tính bền vững của Hiến pháp
Một bản Hiến pháp có tính bền vững thể hiện thông qua tính hiệu lực lâu dài, ổn định của Hiến pháp. Với tư cách là một đạo luật cơ bản và tối cao, sức sống của Hiến pháp đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, và điều đó thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội đối với Hiến pháp.
Tuy nhiên, sự thay đổi (ban hành mới hoặc sửa đổi) Hiến pháp có thể nhằm những mục đích tích cực, như để giải quyết các mâu thuẫn, vấn đề chính trị, cải cách và đổi mới dân chủ đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi. Theo cách tiếp cận này, những sửa đổi Hiến pháp là tất yếu và cần thiết. Nhưng để đảm bảo tính ổn định của Hiến pháp, cần phải tránh những cải cách ngắn hạn theo cách thức "vá săm xe đạp" (thủng đâu sửa đó!). Các nhà đổi mới cần phải có những cải cách mạnh dạn, mang tính đột phá để đảm bảo tính dài hạn của Hiến pháp. Khuynh hướng sửa đổi Hiến pháp trên đã mang lại những kết quả rất tích cực ở một số nước Châu Á trong thời gian qua.
Phát huy việc giải quyết các tranh chấp bằng các cơ chế hiến định
Hiến pháp là bản thoả thuận giữa các tầng lớp xã hội nhằm đảm bảo sự đồng thuận chung và cuộc sống hoà bình. Do vậy, Hiến pháp có mục đích thay cách thức giải quyết mẫu thuẫn, xung đột trong đời sống chính trị-xã hội bằng bạo lực, "luật rừng" và các luật bất thành văn khác (luật bôi chơn, luật thân quen...) bởi các quy trình và thể chế hiến pháp. Hiến pháp là thước đó phán xử các tranh chấp, kể cả các tranh chấp chính trị. Tài phán hiến pháp (bảo vệ Hiến pháp bằng quy trình tư pháp-toà án) là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp hiến pháp hữu hiệu.
Tính công khai và sự hiểu biết về Hiến pháp
Khi đánh giá sự thực thi Hiến pháp trong xã hội, điều quan trọng là tìm hiểu nhà nước và nhân dân có hiểu biết về Hiến pháp như thế nào, có đồng thuận với các thể chế và nguyên tắc hiến pháp hay không. Một bản Hiến pháp tốt nhất theo tiêu chí này có nghĩa là xã hội có đầy đủ kiến thức cũng như sự đồng thuận với các giá trị của Hiến pháp, thể hiện rõ ràng thông qua việc mọi tổ chức và cá nhân sẵn sàng sử dụng các cơ chế hiến pháp để giải quyết các tranh chấp. Thông qua việc sử dụng các quy định hiến pháp, người dân thấy được vai trò của họ và sử dụng chúng để giải quyết các vấn đề của mình.


Cần có tiêu chí để đánh giá một bản Hiến pháp thành công. Ảnh minh họa
Để hiểu được mức độ hiểu biết của xã hội và tính rộng rãi của Hiến pháp, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi như: Mọi người sử dụng Hiến pháp ở mức độ nào để bảo vệ quyền hợp hiến của họ? Nhân dân hiểu được những gì trong Hiến pháp hay không và làm thế nào họ có thể biết trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo vệ các quyền của họ?

Bảo vệ các quyền và tự do cá nhân trong Hiến pháp
Hiến pháp quy định các quyền dân sự và chính trị, và có những cơ chế để bảo vệ các quyền đó. Mức độ nhân dân thực hiện các quyền của mình trong đời sống chính trị-xã hội, mức độ hiệu quả của các cơ chế hiến pháp trong việc bảo vệ các quyền đó thể hiện mức độ thành công của Hiến pháp. Ngược lại, đó là sự thất bại.
Tính trách nhiệm của chính quyền trong Hiến pháp
Hiến pháp được ban hành và thực thi nhằm giới hạn và kiểm soát quyền lực để tránh mọi sự lạm dụng quyền lực, từ đó đảm bảo trách nhiệm của chính quyền và bảo vệ các quyền tự do cá nhân. Trong các cơ chế trên, ngành tư pháp đặc biệt toà hành chính và toà hiến pháp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trách nhiệm của chính quyền.
Trong giai đoạn hiến pháp chuyển đổi, nhiều nước ở Châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc chủ trương xây dựng hệ thống các cơ quan kiểm soát quyền lực độc lập (toà hiến pháp, toà hành chính, uỷ ban chống tham nhũng, uỷ ban nhân quyền, thanh tra Nghị viện - Ombudsman) để giải quyết các vấn đề hiến pháp cố hữu trong lịch sử, như tình trạng lạm dụng quyền lực, tham nhũng tran làn và bất ổn chính trị. Các cơ quan này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trách nhiệm của chính quyền. Những cải cách này là những cải cách hiến pháp quan trọng nhất góp phần to lớn trong việc xây dựng "Chủ nghĩa hiến pháp mới" ở Châu Á.
Tính thực thi của các quy định Hiến pháp
Một bản Hiến pháp thành công là một bản Hiến pháp mà các quy định của nó được thực thi trên thực tiễn (Hiến pháp thực chất). Nếu như Hiến pháp chỉ tuyên bố các tuyên ngôn chính trị trên trên giấy tờ, thì đó chỉ là một bản Hiến pháp danh nghĩa. Như cách nói của GS.TS. Đào Trí Úc, "suy cho cùng, hiệu quả của Hiến pháp được thể hiện khi nó đạt được tính khả thi, tính áp dụng cao. Đó là thước đo thực tế của Hiến pháp" [2].
Khả năng thích nghi của Hiến pháp
Việc tổng kết việc thực thi Hiến pháp, là việc đánh giá xem Hiến pháp có phù hợp với những điều kiện mới không. Do đó, một Hiến pháp thành công có nghĩa là nó có khả năng phù hợp, thích nghi với những điều kiện và hoàn cảnh mới.
Ở các quốc gia Châu Phi và Châu Á, Hiến pháp gặp khó khăn trong việc thích nghi với những điều kiện văn hoá chính trị-xã hội mới. Một số nước đã giải quyết được những vấn đề hiến pháp, trong khi nhiều nước vẫn đang cố gắng thực hiện những cải cách hiến pháp đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi.
Việc tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 của chúng ta cần phải được thực hiện dựa theo các tiêu chí nêu trên với mục đích tìm ra những điểm tích cực và hạn chế của Hiến pháp, để từ đó có các sửa đổi phù hợp.
--------
[1] Workshop on Constitution Building Processes," Princeton University, May 17-20, 2007, Bobst Center for Peace & Justice, Princeton University, in conjunction with Interpeace and International IDEA.
[2] GS.TSKH. Đào Trí Úc, Tổng kết Hiến pháp và các tiêu chí tổng kết Hiến pháp, Hội thảo "Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992" do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức. Quan điểm này cũng được nhiều học giả khác tham dự Hội thảo chia sẻ.

TS Đặng Minh Tuấn (ĐHQGHN)

Sửa Hiến pháp và quyền tham gia của dân

(TuanVietNam) - Sự tham gia tích cực của nhân dân cho phép nâng cao tính trung thực của các đánh giá và sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp là một đạo luật cơ bản và có giá trị pháp lý cao nhất, vì thế quy trình sửa đổi Hiến pháp cũng có những đặc thù khác biệt so với việc sửa đổi một đạo luật thông thường. Sự khác biệt về thủ tục sửa đổi Hiến pháp xuất phát từ bản chất quyền lập hiến thuộc về nhân dân.
Hiến pháp là một khế ước xã hội, phản ánh lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm các tầng lớp, giai cấp khác nhau trong xã hội, do vậy tất cả các chủ thể này đều có quyền quyền tranh luận, trao đổi, bày tỏ quan điểm đánh giá về việc sửa đổi Hiến pháp, và quan trọng hơn, những ý kiến, quan điểm của họ phải được lắng nghe và thể hiện trong những sửa đổi đó. Sự tham gia tích cực của nhân dân cho phép nâng cao tính trung thực của các đánh giá và sửa đổi Hiến pháp.
Việc sửa đổi Hiến pháp trên thế giới được thực hiện bằng nhiều hình khác nhau nhằm đảm bảo quyền tham gia chủ động và rộng rãi của nhân dân: hội đồng lập hiến; uỷ ban sửa đổi hiến pháp; các hội nghị, hội thảo quốc gia; các cuộc tranh luận bàn tròn ở trung ương và địa phương; các hoạt động đánh giá của các cơ quan hành pháp; các quy trình tiếp xúc, làm việc với cử tri và trưng cầu dân ý.
Hội đồng lập hiến, các uỷ ban sửa đổi là các cơ quan trực tiếp tiến hành công việc đánh giá việc thực thi Hiến pháp hiện hành (hoặc trước đó) và soạn thảo một Hiến pháp mới. Ở một số nước, Hội đồng lập hiến được thành lập thông qua bầu cử trực tiếp để thực hiện nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp. Việc lập một uỷ ban sửa đổi Hiến pháp thuộc Quốc Hội cũng được nhiều nước lựa chọn. Để đảm bảo tính dân chủ của Hiến pháp, thành phần của uỷ ban này thường rất mở rộng. Ví dụ, Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp ở Thái Lan được thành lập năm 1995 bao gồm 89 thành viên, trong đó 66 thành viên được chọn từ các tỉnh, mỗi một tỉnh một đại diện. Số còn lại là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học pháp luật, chính trị và hành chính công, được đề cử bởi các trường đại học và được thông qua bởi Nghị viện[1].
Để đảm bảo sự tham gia nhiều hơn của các tầng lớp khác nhau trong xã hội, các Hội nghị quốc gia được tổ chức để tham gia vào quá trình cải cách Hiến pháp. Các hội nghị này thường có số lượng thành viên rất lớn đại diện cho các đảng phái, cơ quan nhà nước, các nhóm lợi ích, các tổ chức xã hội và phi chính phủ. Số lượng có thể từ vài trăm đến vài nghìn người. Các hội nghị này có thể thành lập các uỷ ban, hội đồng để trực tiếp đánh giá các vấn đề chuyên môn để trình và tư vấn cho hội nghị. Để có những đánh giá hiến pháp một cách hữu hiệu nhất, nhiều nước coi trọng việc tổ chức các cuộc tranh luận bàn tròn giữa các nhân vật chủ chốt như các đảng phái, các nhà hoạt động xã hội và các nhà cải cách. Các cuộc thảo luận và đóng góp ý kiến được tổ chức ở các địa phương nhằm phát huy tối đa sự tham gia của nhân dân vào quá trình sửa đổi Hiến pháp.


Sự tham gia tích cực của nhân dân cho phép nâng cao tính trung thực của các đánh giá và sửa đổi Hiến pháp. Ảnh minh họa
Sự thành công của Hiến pháp Nam Phi năm 1996 là kết quả của sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quá trình sửa đổi Hiến. Hội đồng Hiến pháp Nam Phi dành toàn bộ thời gian 1 năm để lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp: hàng nghìn cuộc hội thảo, thảo luận được tổ chức với sự tham gia của 95 nghìn công dân; khoảng 2 triệu công dân có đóng góp qua đơn thư kiến nghị; khoảng 13.500 tờ trình về sửa đổi Hiến pháp (10% của các tổ chức, 90% từ công chúng)[2]. Trong lần sửa đổi Hiến pháp 1998 ở Thái Lan, nhờ vào các cuộc tranh luận rất đa dạng ở tất cả các địa phương trong khoảng 1 năm, rất nhiều vấn đề bất cập liên quan đến văn hoá chính trị Thái Lan đã được tổng kết như "sự thiếu minh bạch", "tình trạng tham nhũng", "sự bất ổn của các chính phủ dân sự" và "sự thiếu hiệu quả của các thể chế chính trị"[3]. Bằng những hình thức đa dạng ở trung ương hoặc địa phương với sự tham gia của nhân dân giúp ích cho việc tìm hiểu những vấn đề hiện có của Hiến pháp để xây dựng một Hiến pháp tốt hơn trong tương lai. Việc ban hành bất kỳ một Hiến pháp nào cũng đều phải có sự tham gia của nhân dân, và mức độ tham gia của nhân dân thể hiện tính hợp pháp và giá trị của Hiến pháp đó. Người dân phải có quyền được thông tin về chính sách sửa đổi hiến pháp, có quyền bảy tỏ các ý kiến đánh giá Hiến pháp hiện tại cũng như những nguyện vọng cho một bản Hiến pháp trong tương lai, và những ý chí, nguyện vọng đó phải được thể hiện trong các nội dung sửa đổi Hiến pháp. Báo chí cần phải là một kênh quan trọng để cho nhân dân thực hiện các quyền đó.
Việc sửa đổi Hiến pháp ở Nam Phi năm 1996 và Thái Lan năm 1997 là các ví dụ điển hình thể hiện tầm quan trọng nhân dân vào trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp ở Thái Lan trải qua 2 bước: Bước 1, trên cơ sở các đóng góp tham gia rất nhiều các tổ chức và cá nhân, như các nhóm chính trị, các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm học thuật và công chúng, Uỷ ban sửa đổi soạn thảo Dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất; Bước thứ 2, Uỷ ban tiếp tục tổ chức rất nhiều các cuộc thảo luận ở tất cả các tỉnh để xin ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo đầu tiên này. Hai giai đoạn chưa từng có trong tiền lệ trong việc soạn thảo Hiến pháp ở Thái Lan nhằm tập hợp tối đa các ý kiến và kiến nghị cho một bản Hiến pháp trong tương lai, đã góp phần to lớn vào việc thu hút sự quan tâm và chú ý lớn của quần chúng nhân dân vào quy trình sửa đổi Hiến pháp. Sự tham gia của nhân dân vào trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1997 là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của bản Hiến pháp này so với các bản Hiến pháp trước đó[4]. Ở Nam Phi, sau giai đoạn lấy ý kiến nhân dân, Hội đồng lập hiến tiếp nhận và đánh giá 4.000 bản dự thảo Hiến pháp khác nhau và 250.000 các kiến nghị sửa đổi Hiến pháp để có thể xây dựng một dự thảo Hiến pháp hoàn chỉnh (1 năm tiếp theo).
Như vậy, xuất phát từ bản chất của Hiến pháp, nhân dân có quyền tham gia chủ động vào quá trình sửa đổi Hiến pháp. Như theo đánh giá của Cố vấn chính sách về Chế độ pháp quyền và Tiếp cận công lý của UNDP tại Việt Nam, ông Nicholas Booth, sự tham gia của nhân dân có rất nhiều lợi ích: tăng cường năng lực và sự hiểu biết của nhân dân về Hiến pháp; tạo điều kiện cho nhân dân có khả năng tham gia vào công việc của nhà nước, thực hiện và bảo vệ các quyền hiến pháp của họ; tăng sự hiểu biết và sự tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp; nâng cao tính hợp pháp của Hiến pháp khi luật cơ bản này phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân[5].

[1] Borwornsak UWANNO ,Wayne D. BURNS, "The Thai Constitution of 1997 sources and process", Thanland Law Forum, http://www.thailawforum.com/articles/constburns1.html.
[2] Nick Booth, Inclusive, participatory and transparent constitution-making- the UN standard in practice, Toạ đàm xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2011.
[3] Peter LEYLAND, "Constitution Design and the Quest for Good Gouvernance in Thailand", in Tania GROPPI, Valeria PIERGIGLI, Angelo RINELLA, Asia constitutionnalism in transition. A comparative perspective, Giuffrè, Milano, 2008, tr. 71.
[4] Niyom RATHAMART, "The 1997 Constitution: the path of reform", Centre for Democratic Institution, http://www.cdi.anu.edu.au/CDIwebsite_1998-2004/thailand/thailand_downloads/Niyom_ThaiUpdate_Apr03.pdf.
[5] Nick Booth, tlđd.
TS. Đặng Minh Tuấn (ĐHQGHN)

Góp bàn về Sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam

Những sửa đổi hiến pháp trong tương lai cần định hướng chính quyền vào các chuẩn mực pháp quyền. Căn bản của pháp quyền là sự thượng tôn quyền lực của pháp luật so với quyền lực nhà nước.
Sửa đổi hiến pháp năm 2001: một cuộc cải cách không như mong muốn
Sau hơn 10 năm vận hành, hệ thống chính quyền những năm đầu thế kỷ 21 phải đối mặt với những vấn đề mới phát sinh của nền kinh tế thị trường mà những nhà lập hiến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước chưa tiên liệu được: các yếu tố mới của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Thị trường và toàn cầu hóa không chỉ đòi hỏi một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mà là một nhà nước pháp quyền và xã hội công dân.
Chính vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được đặt ra vào hồi đầu thế kỷ mới này. Trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp đã tồn tại hai quan điểm về mức độ sửa đổi. Những người theo quan điểm thứ nhất cho rằng, đã đến lúc đổi mới căn bản, toàn diện Hiến pháp năm 1992 vì nó được ban hành vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, rằng ở thời điểm đó, chúng ta chưa đủ điều kiện để xây dựng một bản Hiến pháp đáp ứng đòi hỏi của sự đổi mới toàn diện đất nước. Những người theo quan điểm thứ hai cho rằng, trong thời điểm hiện nay không thể đặt vấn đề sửa đổi căn bản, toàn diện, mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Khuynh hướng thứ hai đã thắng thế trong cuộc cải cách hiến pháp năm 2001 ở Việt Nam.
Hiến pháp đã không có những điều chỉnh căn bản về hệ thống chính quyền mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều. Hãy khoan nói về giá trị thực tế về sau của những sửa đổi hiến pháp năm 2001. Chỉ đứng trên phương diện lý thuyết, người ta cũng có thể nhận thấy những nội dung sửa đổi hiến pháp năm 2001 không đáp ứng được mục đích của việc sửa đổi.
Trong bối cảnh những năm đầu của thế kỷ này, do sự phát triển của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, nhà nước pháp quyền là một nhân tố chính trị thiết yếu của quá trình đó. Nhận thức được điều này, Việt Nam cũng đã chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền. Điều đáng chú ý là điều sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp vào năm 2001 là cam kết về xây dựng nhà nước pháp quyền. Điều 2 được sửa đổi như sau: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân." Từ "Nhà nước xã hội chủ nghĩa" sang "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" không giản đơn là một sự thay đổi về ngôn từ, mà thực sự là một sự thay đổi căn bản về triết lý chính quyền: từ một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật sang một nhà nước bị pháp luật quản lý. Cùng với cam kết về nhà nước pháp quyền, vấn đề cơ bản của nó là phân công quyền lực cũng được thừa nhận: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" (Điều 2 Hiến pháp sửa đổi). Chỉ những điều này thôi cũng cho người ta thấy tín hiệu về một sự thay đổi căn bản về hệ thống quyền lực nhà nước.
Tuy nhiên, các sửa đổi tiếp theo không hoàn toàn trùng khớp với cam kết về nhà nước pháp quyền và phân công quyền lực mà Điều 2 mới tạo niềm hy vọng. Có lẽ đáng kể nhất là định chế bỏ phiếu tín nhiệm được trao cho Quốc hội. Thoáng nhìn, người ta có thể thấy điều này khá thống nhất với cam kết xây dựng nhà nước pháp quyền bởi chế độ nhà nước này cần một cơ chế hiệu quả để giám sát quyền lực nhà nước trong khi việc Quốc hội được trang bị thêm công cụ mới để bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên do mình thành lập nên - một công cụ giám sát quyền lực khá tiến bộ.
Tuy nhiên, sáng tạo của các nhà thảo hiến về chế độ bỏ phiếu tín nhiệm từ việc cải biến chế độ bỏ phiếu bất tín nhiệm đã có từ Hiến pháp năm 1946 ở Việt Nam và ở nhiều nền đại nghị phương Tây đã không thực sự hoàn hảo: bỏ phiếu tín nhiệm là một công cụ thăm dò mức độ tín nhiệm chính trị hay là một công cụ giám sát quyền lực? Lời lẽ của Hiến pháp sửa đổi không cho người ta một câu trả lời chính xác. Có lẽ do sự mơ hồ của Hiến pháp mà cơ chế mới này đến nay vẫn chỉ nằm trong Hiến pháp.

Một nội dung sửa đổi khác của Hiến pháp cũng có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy chế độ pháp quyền là việc bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát. Những người thực sự am hiểu về nhà nước pháp quyền sẽ cảm thấy rất lý thú khi đọc đến chương về Viện kiểm sát khi thấy cơ quan này đã không còn chức năng kiểm sát hoạt động ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan từ Bộ cho đến chính quyền địa phương. Cùng với sự lý thú đó, người ta mong chờ cơ chế kiểm tra của tư pháp đối với tính hợp pháp trong các hành vi lập quy của Bộ trưởng và các quan chức địa phương, một cơ chế phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền; bởi lẽ cơ chế này buộc chính quyền phải tuân thủ pháp luật và cho phép người dân viện dẫn đến tòa án để làm điều đó. Tuy nhiên, người ta sẽ sớm thất vọng khi thấy Hiến pháp mới im lặng trước các điều khoản về hệ thống tòa án. Một điều lạ tưởng như không đáng có là trong khi Hiến pháp bỏ chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của Viện kiểm sát thì chức năng này lại không được Hiến pháp trao cho ai. Rõ ràng là bỏ chức năng kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát không đồng nghĩa với việc bỏ chức năng kiểm sát văn bản trong hệ thống nhà nước nói chung. Đáng lẽ Hiến pháp phải xử lý điều này: bố trí một thiết chế hợp lý hơn kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp trong việc lập quy của các Bộ và chính quyền địa phương thay cho thiết chế Viện kiểm sát. Bên cạnh đó, mặc dù Điều 2 sửa đổi chủ trương phân công quyền lực giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thế thống nhất nhưng các điều khoản sau của Hiến pháp không thể hiện rõ chủ trương này. Quốc hội, vẫn như trước, được trao quyền lập pháp. Nhưng không chỉ có thế. Quốc hội còn là một cơ quan quyết định những chính sách cơ bản của quốc gia, một loại thẩm quyền theo triết lý hiến pháp gắn liền với người điều hành quốc gia là Chính phủ - ngành hành pháp. Quốc hội còn là một cơ quan bảo hiến tối cao, một loại thẩm quyền mà theo triết lý hiến pháp thuộc địa hạt của các quan tòa của ngành tư pháp. Có lẽ vì thế mà, ngoài việc Quốc hội được trao chức năng lập pháp, Chính phủ không được quy định có chức năng hành pháp mà là hành chính nhà nước cao nhất, trong khi hành chính và hành pháp là loại quyền khác biệt; Tòa án không được trao chức năng tư pháp mà tòa án chỉ được trao chức năng xét xử các vụ án. Và các loạt thẩm quyền cố hữu của ngành tư pháp không được trao cho tòa án như giải thích hiến pháp, luật, tài phán hiến pháp.
Tuy nhiên, một số sửa đổi cũng đã có ý nghĩa như là một sự phản ứng đối với nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Các sửa đổi như bổ sung thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, phân cấp thẩm quyền phân bổ ngân sách giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân, quyền của Chính phủ trong việc tham gia ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước... có ý nghĩa nhất định trong việc giúp cho chính quyền điều hành xã hội một cách linh hoạt hơn trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Nhưng có lẽ, đó không phải là những sửa đổi thực sự tạo ra một chính quyền năng động và có trách nhiệm, một điều cần thiết trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Quá nhiều công việc được trao cho Quốc hội, trong khi Chính phủ, người trực tiếp điều hành quốc gia lại được đặt ở một vị thế khá thụ động (là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính, không phải cơ quan hành pháp); đa số những thẩm quyền được trao cho Chính phủ đều do tập thể Chính phủ quyết định; Thủ tướng chưa được trao những quyền lực chủ động liên quan đến việc hoạch định và điều hành chính sách quốc gia.
Tương lai sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam
Có lẽ, những điều mà cuộc cải cách hiến pháp năm 2001 chưa làm được đang là vấn đề mà thế hệ hiện nay phải giải quyết. Sau gần 20 năm kể từ năm 1992, thế hệ hiện nay đang đối mặt với những mục tiêu mới, nhiệm vụ mới. Không còn là hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nữa (vì đã hình thành), mà là phát triển nó trong một thế giới toàn cầu. Một chính quyền điều hành xã hội trong một bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa khác với một chính quyền điều hành xã hội trong giai đoạn chuyển đổi từ chế độ tập trung sang chế độ thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa). Bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, toàn cầu hóa đòi hỏi những tiêu chí mới đối với chính quyền: chế độ pháp quyền, hành pháp năng động và trách nhiệm, tư pháp độc lập, tài phán hiến pháp, phi tập trung hóa quyền lực xuống địa phương... Thế hệ hiện tại cần một bản Hiến pháp mới để hợp hiến hóa các chuẩn mực này vì sự thịnh vương chung.
Giáo sư Donald S.Lutz ở Đại học Houston - trong một nghiên cứu về lý thuyết sửa đổi hiến pháp - đã đưa ra những định đề liên quan đến tỉ lệ sửa đổi hiến pháp và sự ổn định của Hiến pháp. Nhìn chung, các yếu tố tác động đến tỉ lệ sửa đổi hiến pháp, tính ổn định của Hiến pháp là: độ dài của Hiến pháp tính theo số từ trong Hiến pháp, tính khó khăn của quy trình sửa đổi hiến pháp, chức năng của chính quyền được quy định trong Hiến pháp, vai trò của tư pháp trong việc giải thích hiến pháp, mức độ phân biệt giữa Hiến pháp và thường luật.
Quá nhiều công việc được trao cho Quốc hội. Ảnh minh họa
Xét về mặt lý thuyết, Hiến pháp Việt Nam không có những điều kiện cần thiết của một Hiến pháp có sức sống lâu dài. Sự phân biệt giữa Hiến pháp và thường luật không rõ ràng thể hiện ở việc Quốc hội lập pháp đồng thời có chức năng lập hiến. Sự không phân biệt giữa Quốc hội lập pháp và Quốc hội lập hiến dẫn đến khả năng Quốc hội lập pháp dễ dàng sửa đổi hiến pháp. Thực vậy, thủ tục sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam không khó khăn. Hiến pháp chỉ quy định một yêu cầu duy nhất là việc sửa đổi hiến pháp phải có sự thông qua của 2/3 đại biểu Quốc hội, một tỉ lệ không khó để đạt được ở Việt Nam. Những thủ tục gây khó khăn cho việc sửa đổi hiến pháp như bầu lại Quốc hội, thành lập Ủy ban sửa đổi hiến pháp, Hội nghị hiến pháp, trưng cầu dân ý... không có trong Hiến pháp Việt Nam. Một nghiên cứu được tiến hành từ Quốc hội đã viết: "Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta hiện nay chưa có quy định nào về quy trình soạn thảo, thông qua Hiến pháp. Vì vậy, khi tiến hành xem xét, thông qua Hiến pháp, Quốc hội thường vận dụng các quy định của việc xem xét, thông qua luật." Hơn nữa, văn phong hiến pháp có khi trừu tượng nhưng nhiều khi rất cụ thể, làm Hiến pháp không thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Hiến pháp liệt kê quá chi tiết các quyền hạn của Chính phủ. Chính phủ là định chế nhạy cảm nhất đối với các thay đổi của xã hội. Chính vì vậy, quy định quá chi tiết quyền hạn của Chính phủ trong Hiến pháp sẽ làm cho Chính phủ thụ động và Hiến pháp phải thay đổi thường xuyên. Việc chi tiết đến cả cách thức tổ chức chính quyền địa phương cũng làm cho địa phương bị động và Hiến pháp muốn tháo gỡ cho chính quyền địa phương lại cần phải sửa đổi. Ngoài ra, Hiến pháp Việt Nam khá dài, quy định quá nhiều các quan hệ xã hội: từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, theo nguyên lý, Hiến pháp cần phải được sửa đổi để thích ứng với sự tiến triển của tình hình kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Việt Nam không có hình thức sửa đổi hiến pháp không chính thức như sự giải thích hiến pháp của Tòa án, nên Hiến pháp càng phải được sửa đổi chính thức kịp thời.
Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường luôn song hành với nhau. Chính quyền không thể điều hành hiệu quả nền kinh tế thị trường nếu chính quyền đó không tôn trọng các chuẩn mực pháp quyền. Ngược lại, một nhà nước cực quyền toàn trị không thể chấp nhận kinh tế trị thường. Vì vậy, để thúc đẩy cho kinh tế thị trường phát triển, xã hội thịnh vượng hơn, những sửa đổi hiến pháp trong tương lai cần định hướng chính quyền vào các chuẩn mực pháp quyền. Căn bản của pháp quyền là sự thượng tôn quyền lực của pháp luật so với quyền lực nhà nước. Điều này dẫn đến những chuẩn mực cụ thể của pháp quyền như: tôn trọng các quyền con người, phân công quyền lực, tài phán hiến pháp, tư pháp độc lập, chính quyền minh bạch và trách nhiệm... Các sửa đổi hiến pháp trong tương lai của Việt Nam cần hướng đến việc xây dựng một cơ sở hiến pháp hoàn hảo hơn cho việc tôn trọng các quyền tự nhiên của con người, những quyền vốn có do tự nhiên chứ không do nhân tạo; cho một Quốc hội hữu hạn để hoạt động hiệu quả; cho một Chính phủ năng động và trách nhiệm; cho một chế độ phân công mạch lạc quyền lực giữa Quốc hội, Chính phủ, Tòa án; cho một nền tài phán hiến pháp tiên tiến; cho một nền tư pháp độc lập; và cho một chính quyền địa phương chủ động.
Hiến pháp là sản phẩm của một thế hệ trong một thời đại nhất định. "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" (Điều 2 Hiến pháp Việt Nam hiện hành) cũng có nghĩa là mỗi thế hệ đều có quyền sống dưới những cam kết do chính mình tạo lập phù hợp với điều kiện sống của mình. Thế hệ hiện tại có quyền làm chủ cuộc sống của mình và không được ràng buộc thế hệ tương lai, cũng như họ không thể bị rạng buộc bởi ý chí của dĩ vãng.
Những sửa đổi hiến pháp trong tương lai cần định hướng chính quyền vào các chuẩn mực pháp quyền. Căn bản của pháp quyền là sự thượng tôn quyền lực của pháp luật so với quyền lực nhà nước.

Sửa hiến pháp: Cởi nút thắt cho cải cách

Sửa đổi Hiến pháp phải tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy nhanh việc hình thành những rường cột mới có khả năng thay thế những rường cột cũ, chấm dứt hiện tượng hỗn mang: “cái cũ thì không còn giá trị, cái mới thì chưa hình thành, chưa được ghi nhận”. LTS: Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XI, tiến trình sửa đổi hiến pháp đã bắt đầu khởi động với việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch.

Để có luận cứ khoa học, cung cấp cái nhìn toàn diện cho việc sửa đổi Hiến pháp, văn kiện Hội nghị Trung ương 2, Ban chấp hành TW Đảng khóa XI kêu gọi "động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân" vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Hưởng ứng tinh thần cầu thị của Đảng, tham gia đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp, Tuần Việt Nam sẽ lần lượt giới thiệu các ý kiến đóng góp, góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học và độc giả.
Sau 25 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đạt được những tầm cao mới, đồng thời đối mặt với những thách thức mới. Đây là thời điểm cần nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu hay không?". Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là một trong những điều kiện tiên quyết để cho chúng ta giải quyết thành công những thách thức trong thời đại mới. Theo quy luật "lượng đổi chất đổi" của học thuyết Mác - Lênin, thì sau hai mươi lăm năm "tích lũy về lượng" thì cần phải có sự "thay đổi về chất" để dân tộc Việt Nam có thể thăng hoa; sau hai mươi năm đổi mới mạnh mẽ về kinh tế , thì "kiến trúc thượng tầng" cần phải có sự đổi mới tương ứng, tránh hiện tượng lệch pha.
Chính vì lẽ đó, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là trăn trở của các nhà khoa học, là mong muốn của nhân dân trong nước, là mong mỏi của kiều bào. Mong mỏi này đã được Đảng chấp thuận tại Hội nghị Trung ương 2 và Quốc hội khóa XIII đã chính thức thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo chúng tôi, sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết và tất yếu bởi những lý do sau:
Sự thay đổi giá trị và công cụ điều chỉnh
Trong xã hội thời kỳ bao cấp, tuy nghèo nhưng ổn định bởi có ba rường cột:
  • Tình đồng chí, các tổ chức đoàn thể;
  • Niềm tin của nhân dân vào cán bộ
  • Sự độc quyền của nhà nước về kinh tế.
Khi bước sang nền kinh tế thị trường thì ba rường cột này được nhúng vào một dung dịch mới, trong đó lợi ích cá nhân vừa là động lực thúc đẩy con người vươn lên làm giàu vừa đóng vai trò như là axít làm những cho "cương thường" của xã hội cũ cái thị bị tan chảy, cái thì bị đảo lộn. Những chuyện xa lạ với xã hội bao cấp đã xảy ra.
Vì hủ hóa mà vụ phó thuê đầu gấu hành hung vụ trưởng, vì tình dục mà thầy Đỗ Tư Đông được báo chỉ nêu tên, vì đồng tiền mà con đẻ kiện mẹ đòi tiền công nuôi dưỡng, vì chức tước mà cán bộ bỏ hàng đống tiền để chạy chức. Tham nhũng trở thành quốc nạn, tham nhũng diễn ra khi đi làm giấy khai sinh và cả khi khai tử. Đảng, Nhà nước và nhân dân đều quan tâm việc kiểm soát các vấn nạn này.
Để kiểm soát thành công các vấn nạn này thì chúng ta không thể dựa vào các công cụ của thời kỳ bao cấp, mà phải sử dụng những công cụ mới, những giá trị mới.
Trước hiện tượng lạm quyền, tham nhũng thì quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát theo mô hình nhà nước pháp quyền. Nhưng làm sao kiểm soát được quyền lực nhà nước khi Hiến pháp hiện hành chưa có cơ chế xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái hiến pháp, trái luật? Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cần phối hợp, kiểm soát lẫn nhau. Nhưng làm sao có thể kiểm soát lẫn nhau nếu như trong bộ máy nhà nước có một cành quyền lực trở nên quá mạnh, thế cân bằng quyền lực bị phá vỡ, và các cành quyền lực còn lại chỉ là cái bóng? Chỉ với một cụm từ "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Điều 2 Hiến pháp hiện hành thì chưa thể đủ đưa Việt Nam thành một nhà nước pháp quyền thực thụ, mà sửa đổi Hiến pháp lần này phải biến điều này thành hiện thực bằng những cải cách sâu rộng về bộ máy nhà nước theo tinh thần pháp quyền. Pháp quyền không thể thiếu tư pháp độc lập, tính chịu trách nhiệm, cân bằng quyền lực và minh bạch hóa sự vận hành của quyền lực nhà nước.
Đối với tham vọng, lợi ích cá nhân thì "đức trị và niềm tin" chưa đủ, mà cần dựa vào nguyên tắc "dùng tham vọng để kìm chế tham vọng, dùng lợi ích để cân bằng lợi ích", cần phải điều chỉnh bởi luật thay vì niềm tin và sự giáo huấn, cần phải khuyến khích họ cạnh tranh lành mạnh. Nhưng cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế làm sao có sự bình đẳng thực thụ khi Hiến pháp hiện hành ghi nhận "kinh tế nhà nước là chủ đạo" và ban phát cho doanh nghiệp nhà nước vô vàn lợi thế? Các công dân làm sao để có thể có được cơ hội bình đẳng khi Điều 2 Hiến pháp hiện hành chia công dân Việt Nam làm hai nhóm: thành phần cơ bản (công, nông, trí) và thành phần không cơ bản (thương nhân)?
Sửa đổi Hiến pháp phải tạo nên những giá trị mới, thúc đẩy nhanh việc hình thành những rường cột mới có khả năng thay thế những rường cột cũ, chấm dứt hiện tượng hỗn mang: "cái cũ thì không còn giá trị, cái mới thì chưa hình thành, chưa được ghi nhận".
Quốc hội khóa XIII đã chính thức thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992
Không thể mang thuyền tam bản ra biển lớn Toàn cầu hóa như một làn gió càn quét khắp mặt đất, cùng lúc mang đến sự hưng thịnh cho dân tộc này và sự bần cùng hóa của dân tộc khác. Việt Nam đã thành công bước đầu trong làn sóng này và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới; con thuyền Việt Nam đã theo sông ra biển lớn. Biển lớn có luật riêng của biển lớn. Việt Nam phải phê chuẩn tham gia hàng loạt công ước quốc tế trong 25 năm đổi mới vừa qua. Những cam kết với quốc tế của Việt Nam kéo theo quá trình hài hóa hóa pháp luật diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong và sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Việc hội nhập kinh tế, hài hòa hóa pháp luật sẽ đòi hỏi sự hài hòa hóa thể chế chính trị.
Khi xưa lão ngư với con thuyền tam bản vừa chèo thuyền, vừa cầm lái, vừa quăng chài bắt cá trên dòng sông nhỏ. Nay ra biển lớn, dân tộc Việt Nam không thể mang thuyền tam bản ra cạnh tranh với các hạm đội của láng giềng được, mà phải sắm những con thuyền to. Con thuyền to đòi công nghệ định hướng mới (navigation), đòi hỏi sự phân công lao động rạch ròi của thủy thủ đoàn, nhà nước không nên vừa cầm lái vừa cầm chèo như cũ. Nắm bắt được cơ hội và thách thức thiên niên kỷ này, nên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xem việc "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng" là một trọng tâm.  Vậy sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải tạo ra sự đột phá và thể hiện thành công sự hài hóa hóa chính trị này.
Đã đến lúc làm lễ thành niên?
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, dân tộc Việt Nam vừa sung sướng, vừa bở ngỡ với một hiện tượng mà hơn hai nghìn năm trước họ chưa hề được trải nghiệm: dân chủ. Để cho nhân dân làm quen từng bước và đi đến làm chủ thực sự của chế độ dân chủ, thì họ cần được sự dẫn dắt, gợi ý, thậm chí là giám hộ của lực lượng lãnh đạo. Sự dẫn dắt này thật là quý báu đối với một người từ miền núi xa xôi lần đầu ra chốn đô thành.
Thấm thoắt, từ đó đến nay đã 61 năm. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hai cuộc chiến tranh nhỏ, biết nhận ra sai lầm của bao cấp để đi đến đổi mới thành công. Bản tính cần cù, đầu óc thông minh, năm nay tròn 61 tuổi, có nên làm lễ trưởng thành cho họ không? Hay họ vẫn tiếp tục đặt họ dưới sự giám hộ định hướng? Nếu tiếp tục giám hộ thì ở mức độ nào?
Đó chính là những vấn đề liên quan trưng cầu dân ý, phúc quyết toàn dân, hiệp thương trong bầu cử mà sửa đổi Hiến pháp lần này cần phải giải quyết để điều chỉnh mức độ giám hộ ở mức phù hợp.
TS. Võ Trí Hảo (ĐHQGHN)

Bản hiến pháp xứng tầm vóc dân tộc

Một dân tộc Việt Nam văn hiến, trung thực và tự trọng, dứt khoát bản Hiến pháp của Việt Nam phải là bản Hiến pháp sáng ngời văn hiến, trung thực và tự trọng.
Hiến pháp là gì?
Hiến pháp là một "khế ước xã hội", nói cách khác là một bản "hợp đồng" về những vấn đề cơ bản nhất, giữa một bên là nhân dân của một nước với một bên khác là những người được nhân dân ủy quyền, trong việc tổ chức, sử dụng quyền lực của nhân dân được tổ chức thành nhà nước.
Như vậy, để làm ra một bản hiến pháp thực sự phải có các điều kiện sau:
- Nhân dân nước đó muốn xây dựng và sống trong một nhà nước dân chủ; hoặc nước đó đã là một nước dân chủ, nhưng cần dân chủ nhiều hơn nữa.
- Có sự đồng thuận từ các bên tham gia về tất cả các điều khoản ghi trong bản "hợp đồng";
- Nội dung của hiến pháp là những điều luật căn bản nhất, bao quát nhất của của một quốc gia, mà nếu không có nó thì nhà nước dân chủ và xã hội không thể vận hành được.
Chính vì vậy, hiến pháp là nền tảng pháp lý - chính trị cho tất cả các thỏa ước khác (luật, các văn bản dưới luật...) của cộng đồng quốc gia. Hiến pháp phản ánh ý chí chung của toàn xã hội. Mỗi một công dân, sau khi đồng ý với những điều của luật hiến pháp, đều trở thành những chủ thể xã hội tự nguyện tôn trọng và chấp hành ý chí chung đó. Vì vậy, hiến pháp mang tính chất công cộng trên phạm vi toàn xã hội, quyền lực mà hiến pháp chế định mang tính công quyền - công bằng, bình đẳng và bao quát.
Mỗi con người trong xã hội, nhờ tự nguyện góp một phần quyền tự do tự nhiên của mình cho hiến pháp để trở thành một công dân tự do của nhà nước. Mỗi người tự nguyện trao một phần quyền tự do định đoạt của mình cho những người đại diện trong cơ quan nhà nước và trở thành người chấp hành tự nguyện các phán định chung. Nhờ đó, từng cá nhân công dân có được lợi ích công, sự che chở của quyền lực công và nhận được tự do công... Những thứ rất cần thiết trong đời sống xã hội, mà mỗi con người đơn độc không bao giờ có được.
Để cho bản "Khế ước xã hội" này đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống chung, hiến pháp cần phải định rõ các nguyên tắc. Các nguyên tắc ở mỗi nước có thể khác nhau và ngày càng hoàn thiện. Nhưng cũng có những nguyên tắc mang giá trị phổ quát toàn nhân loại, những nguyên tắc này trở thành hệ quy chiếu cho hầu hết các bản hiến pháp tiến bộ:
-         Nguyên tắc chủ quyền nhân dân (dân chủ)
-         Nguyên tắc công bằng (không thiên vị) và bình đẳng
-         Nguyên tắc pháp quyền (Trăm điều phải có "thần linh" pháp quyền - Hồ Chí Minh)
-         Nguyên tắc tiến bộ (Nội dung của hiến pháp phù hợp với xu thế tiến bộ chung của nhân loại)
-         Nguyên tắc đồng thuận (tự nguyện không áp đặt)
Từ những nguyên tắc trên, có thể phái sinh hàng loạt nguyên tắc khác trong các mối quan hệ cụ thể khác nữa.
Hiến pháp là một văn kiện chính trị - pháp lý cơ bản nhất và quan trọng nhất của một quốc gia. Nó không chỉ là một "hợp đồng" giữa người dân và đại diện của mình, các cơ quan quyền lực nhà nước của mình, mà còn là những cam kết với các nước khác trên trường quốc tế. Hiến pháp là biểu tượng quốc gia dân tộc. Biểu tượng của nền văn hiến, văn minh chính trị, phẩm hạnh quốc gia.
Đối với mỗi quốc gia, tấm bản đồ, quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp, danh nhân là những thứ làm nên biểu tượng. Mỗi điều ghi trong Hiến pháp và được ký kết giữa người dân và chính quyền đều chứa đựng di sản của lịch sử, lối sống cha ông, những giá trị bền vững của văn minh nhân loại, những giá trị phổ quát và trường tồn. Làm sao cho mỗi điều của Hiến pháp Việt Nam đều lung linh ánh sáng quốc bảo của "thần linh" pháp quyền, để soi sáng, dẫn dắt mọi hành vi của mối cơ quan nhà nước, mỗi công chức nhà nước và mỗi người công dân.
Bản hiến pháp không phải là cuốn sách lịch sử mặc dù nó kết tinh lịch sử; cũng không phải là bia đá, bảng vàng để ghi danh công trạng, mặc dù Hiến pháp tỏ rõ tinh thần tri ân các thế hệ có danh và vô danh đã hiến dâng trí tuệ, tài năng, của cải choTổ quốc. Hiến pháp cũng không phải là một bản cương lĩnh chính trị hoặc một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nó vẫn chứa đựng những chỉ dẫn vạch đường cho quốc dân đi.
Chúng ta có nhiều giấy tờ và nơi để viết và viết đủ về lịch sử, về công trạng, về những cương lĩnh và kế hoạch. Mỗi người đọc Hiến pháp, cầm trong tay Hiến pháp là cầm nắm một lời thề danh dự, những cam kết mang tính sinh tử với bản thân, với Tổ quốc, với nhân loại tiến bộ về những nguyên tắc của tự do, bình đẳng, công bằng, dân chủ, pháp quyền như là những giá trị thiêng liêng và sẵn sàng hi sinh tính mệnh, tài sản để bảo vệ Hiến pháp, như là bảo vệ sự sống của bản thân mình, cộng đồng mình và dân tộc mình. Như thế, mỗi người dân Việt Nam mới tỏ rõ cho toàn thế giới biết rằng họ là con em của một dân tộc văn hiến, trung thực và tự trọng.
Hiến pháp là biểu tượng quốc gia dân tộc. Ảnh minh họa
Cái gì làm nên đời sống của một bản Hiến pháp?
Cho đến nay chúng ta thấy đời sống của các bản hiến pháp dài ngắn khác nhau. Hiến pháp Mỹ có từ năm 1787, đến nay đã 27 lần sửa đổi, nhưng vẫn là bản Hiến pháp Mỹ năm 1787. Nước Pháp đã có nhiều hiến pháp từ bản Hiến pháp năm 1791- Hiến pháp nền Cộng hòa Pháp đầu tiên đến Hiến pháp năm 1958, nền Cộng hòa thứ năm. Bản Hiến pháp này, qua 18 lần sửa đổi vẫn tồn tại đến ngày nay. . Bản Hiến pháp này, qua 18 lần sửa đổi vẫn tồn tại đến ngày nay. Nhật Bản có Hiếp pháp 1946, Nước Nga Xô viết và Liên Xô trong 74 năm tồn tại, đã có 4 bản hiến pháp: Hiếp pháp 1918, 1924, 1936, 1977. Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, đã có 4 bản hiến pháp. Đó là các Hiến pháp năm 1954, 1975, 1978 và 1982. Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (không tính Hiến pháp của chính quyền Việt Nam cộng hòa) đến nay có 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992.
Dù các bên thỏa thuận về nội dung của một bản hiến pháp đều muốn nó là một bản khế ước công bằng và những người soạn thảo ra nó, ký vào nó là đều thành thực và thông thái, thì Hiến pháp vẫn có thể là sản phẩm của một thời. Nội dung của một bản hiến pháp phụ thuộc vào bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới và bên trong nội bộ các quốc gia. Do đó, việc sửa đổi bổ sung một số điều trong một bản hiến pháp, hay thay hẳn hiến pháp cho đến nay là việc thông thường. Nhưng cũng cần thấy rằng, các hiến pháp tiến bộ, dân chủ, công bằng, bình đẳng đều là những hiến pháp có đời sống thực tế lâu dài.
Từ lịch sử lập hiến, sửa đổi bổ sung hiến pháp của các nước trên thế giới, chúng ta thấy rằng: Hiến pháp khác với và Cương lĩnh chính trị của các chính đảng nói chung, của đảng cầm quyền nói riêng. Hiến pháp cũng khác với các đạo luật và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Hiến pháp phải được bảo vệ (bởi các thể chế bảo hiến). Hiến pháp mang các "sứ mệnh chính trị" nhưng không phải để tranh giành mà để cân bằng các lợi ích chính trị. Hiến pháp mang các thông điệp văn hóa, kết tinh văn hóa dân tộc và nhân loại. Nếu là một dân tộc yêu hòa bình, tự do, bình đẳng và pháp quyền, thì hiến pháp nhất định là nơi thể hiện sáng ngời nhất bản sắc văn hóa đó. Một dân tộc Việt Nam văn hiến, trung thực và tự trọng, dứt khoát bản Hiến pháp của Việt Nam phải là bản Hiến pháp sáng ngời văn hiến, trung thực và tự trọng.
Văn hiến: Hiến pháp phản ánh những di sản quý báu trong truyền thống ông cha giữ nước và dựng nước, đã hun đúc thành văn hóa chính trị văn hóa ứng xử giữa người cầm quyền và người ủy quyền, văn hóa chính trị nhân nghĩa, trọng pháp, đoàn kết, thân dân, lấy dân làm gốc.
Trung thực: Phán ánh tính trung thực của người Việt Nam trong đấu tranh, lao động, trong sáng tạo và cả trong nghèo khó nữa. Trung thực với người, trung thực với chính bản thân mình. Khi tự nguyện nhượng một phần quyền của mình để phụng sự quyền tự do chung, ý chí chung, thì biết trung thực đấu tranh để bảo vệ những ý chí chung đó. Làm được như thế, mỗi người dân, mỗi công chức dù là người đứng đầu nhà nước hay một công dân bình thường, đều luôn luôn hứa, dù với nghi thức gì, trung thành với Hiến pháp, chứ không cần trung thành với bất kỳ một cá nhân nào. Hứa trung thành với Hiến pháp là trung thành với những giá trị bền vững của dân tộc, những giá trị và nguyên tắc pháp quyền phổ quát của nhân loại, là hứa với sự tự do, tự nguyện lựa chọn của bản thân khi phúc quyết hiến pháp. Trung thành với Hiến pháp là trung thực với bản thân, là tự tôn trọng bản thân. Vi phạm hiến pháp, là bội ước với bản thân mình và với nhân dân. Vi phạm chế độ hiến pháp vì thế là tội nặng nhất
Tự trọng: Hiến pháp phải tự bảo vệ và phải được bảo vệ. Một quốc gia tự trọng, trước hết phải có một bản Hiến pháp có thể tự bảo vệ và chỉ có như thế, hiến pháp mới có thể bảo vệ được công dân của mình khỏi những mưu toan, thủ đoạn bên trong bên ngoài, đảm bảo cho công dân của mình sống thực sự tự do, sáng tạo và hạnh phúc. Nếu Hiến pháp Việt Nam, người Việt Nam ta không đủ sức bảo vệ một biểu tượng quốc gia thiêng liêng nhất như Hiến pháp, thì không còn ai tôn trọng chúng ta nữa. Nhưng Hiến pháp có khả năng tự bảo vệ và được bảo vệ chắc chắn nhất lâu dài nhất là Hiến pháp dân chủ và tiến bộ. Hiến pháp sẽ được bảo vệ của toàn thể nhân dân khi nó là cơ sở vàng cho đồng thuận và đoàn kết xã hội
Nhân dân và Hiến pháp
Nhân dân là những người có linh cảm chính trị tuyệt vời, là những con người hướng thiện và phục thiện, là những con người suốt đời lam lũ để trả cho bất cứ thứ gì mình có được cũng bằng mồ hôi, nước mắt hoặc máu, thì không bao giờ sai. Chắc chắn không phải tất cả người dân Việt Nam đều có thể soạn thảo được Hiến pháp. Nhưng là "một bên" của bản khế ước thiêng liêng, họ có thể cảm nhận và biết chắc lẽ phải, họ có đủ năng lực để "ký" hoặc không biết chữ thì "điểm chỉ" vào "Bản khế ước" đó một cách chính xác. Một niềm tin, mãnh liệt như thế có ở Hồ Chí Minh vào năm 1946, năm có hai triệu người Việt Nam chết đói, 95% dân số mù chữ, hai mươi vạn quân Tưởng tràn qua biên giới phía Bắc, quân Anh nổ súng gây hấn ở miền Nam, thế mà Người đã tin chắc chắn rằng trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của lịch sử nước nhà, "người dân sẽ sử dụng lá phiếu của mình một cách đúng đắn nhất" để bầu ra người đại diện xứng đáng nhất cho họ vào chính quyền mới.
Nhân dân không trực tiếp soạn thảo Hiến pháp mới, nhưng nhân dân Việt Nam, dù khó đến mấy cũng cố nuôi cho con cái ăn học thành tài, để cho nước Việt này "hào kiệt đời nào cũng có". Chắc chắn sẽ có những người thay họ soạn thảo một bản Hiến pháp mới, dân chủ, pháp quyền, tiến bộ xứng đáng hơn với một dân tộc văn hiến, trung thực và tự trọng.
----
*Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?