Huyền thoại Steve Jobs qua đời ở tuổi 56
Ngày 5/10, Apple cho biết cựu Giám đốc điều hành của họ đã qua đời chỉ sau 2 tháng rời khỏi công ty này.
Trên website của Apple là dòng tin ngắn: "Apple vừa mất đi một thiên tài sáng tạo và có tầm nhìn lớn, còn thế giới cũng mất đi một nhân vật kiệt xuất. Những người có may mắn biết và làm việc với Jobs đã mất đi một người bạn thân, một động lực đối với họ. Jobs ra đi, để lại một công ty mà chỉ ông mới có thể xây dựng. Tinh thần và triết lý của ông sẽ mãi gắn bó với Apple".
Tim Cook, CEO Apple cũng gửi e-mail trước đó cho các nhân viên: "Các bạn, tôi rất tiếc phải thông báo một tin rất buồn. Steve của chúng ta đã qua đời sáng nay (5/10 theo giờ Mỹ). Chúng ta sẽ sớm tổ chức lễ tưởng niệm về cuộc đời khó tin của ông. Không lời nào có thể diễn tả đủ nỗi buồn về sự mất mát này cũng như sự biết ơn của chúng ta vì đã có cơ hội làm việc cùng ông. Hãy bày tỏ lòng thành kính bằng cách tiếp tục làm công việc mà ông ấy luôn đam mê".
Steve Jobs. Ảnh: Apple. |
Steve Jobs sinh ngày 24/2/1955 tại San Francisco (Mỹ). Abdulfattah Jandali và Joanne Simpson sinh ông khi vẫn đang là sinh viên và họ buộc phải đem con cho ông bà Paul và Clara Jobs nuôi vì cha mẹ của Joanne không muốn con gái họ cưới một người Syria.
Steve Jobs từ lâu đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng vẫn luôn xuất hiện trong các lễ ra mắt sản phẩm quan trọng của Apple với trang phục quần jean áo cổ lọ. Ông trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tụy đầu tiên năm 2004, được ghép gan năm 2009 và đã ba lần vắng bóng lại Apple để đi điều trị trước khi chính thức từ chức CEO vào tháng 8. "Tôi luôn nói rằng nếu có một ngày tôi không thể đáp ứng được nhiệm vụ và mong đợi của Apple, tôi sẽ là người đầu tiên thông báo cho các bạn biết. Rất tiếc, ngày đó đã đến", Steve Jobs viết trong lá thư gửi nhân viên. Jobs quá gắn bó với Apple và phải đến khi không còn đủ sức lực để tiếp tục điều hành, ông mới trao lại vận mệnh công ty này vào tay Timothy D. Cook. Tân CEO Apple đã có dịp ra mắt trước công chúng vào ngày 4/10 khi Apple trình làng iPhone 4S với phong thái tự tin dù chưa thể tạo ra sức hút thực sự như Jobs.
Tám năm sau khi thành lập Apple (1976), Jobs đã cùng công ty này cho ra đời máy tính Macintosh - một cuộc cách mạng về máy tính cá nhân khi đó. Ông từng phải rời khỏi Apple khi không được lựa chọn đảm nhiệm chức vụ CEO và 12 năm sau đó (1997), hãng này đã mua lại NeXT (công ty mới của Jobs) như một cách để đón ông trở về. Kể từ đó, Apple thực sự hồi sinh với iPod, iPhone và iPad. Chúng không đơn thuần là những sản phẩm đẹp và ăn khách mà còn biến đổi ngành công nghiệp âm nhạc và di động.
Jobs không phải một kỹ sư phần cứng hay một lập trình viên phần mềm. Ông cũng không bao giờ nhận mình là một nhà quản lý. Ông tự coi mình là một nhà lãnh đạo công nghệ, biết chọn những người tài nhất có thể, khuyến khích và tạo cảm hứng để họ làm ra những sản phẩm đột phá thế giới.
Đó chính là phong cách mà Jobs thể hiện bao năm qua. Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, các cộng sự của ông đã phải nhận những lời chỉ trích cay nghiệt, thậm chí có tính nhục mạ. Ông không khoan nhượng cho những sai lầm. Apple có những thiết bị lừng danh thế giới, nhưng không phải không có thất bại. Và khi đó, giông tố sẽ đổ ập xuống đầu nhóm phát triển sản phẩm đó. Adam Lashinsky từng mô tả trong bài viết gây sốc đăng trên tạp chí Fortune (Mỹ) rằng Jobs dành nửa tiếng "xỉ vả" nhóm phát triển công cụ Mobile Me vì "các vị làm tổn hại thanh danh của Apple và nên tự căm ghét chính bản thân mình". Tuy vậy, ông đã tạo được sự trung thành khó tin trong đội ngũ nhân viên.
Steve Jobs khắc nghiệt nhưng tạo được sự trung thành tuyệt đối với các công sự. Ảnh: BI. |
Lối quản lý khắc nghiệt của Jobs còn thể hiện qua bài phát biểu ngắn gọn với ban lãnh đạo (Lashinsky kể lại) rằng: "Tôi hỏi người lao công sao không đổ rác trong phòng tôi, người đó giải thích không có chìa khóa. Tôi chấp nhận. Họ được quyền thanh minh vì sao và tại ai mà họ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tóm lại, một công nhân vệ sinh được phép bào chữa cho sai lầm của mình, còn người lãnh đạo thì không. Ở đâu đó giữa vị trí của người quét rác và một CEO là lằn ranh ngăn cách về quyền được bào chữa sai lầm hay không. Nếu muốn ngồi vào ghế Phó chủ tịch, các vị phải vượt qua lằn ranh đó". Đến nay, chưa phó chủ tịch nào của Apple mắc sai lầm nghiêm trọng đến mức phải bị sa thải.
Năm 2011, lần đầu tiên Jobs đồng ý tham gia viết tiểu sử về mình. Cuốn sách của tác giả Walter Isaacson sẽ tập hợp hơn 40 cuộc phỏng vấn về sự nghiệp và đời tư với Jobs trong 2 năm qua, cũng như nhận xét, đánh giá của hơn 100 thành viên trong gia đình, bạn bè, đối thủ, đối tác... Sách sẽ lên kệ vào 21/11/2011, ngay trước Lễ Tạ Ơn.
Còn Abdulfattah Jandali, cha đẻ của Jobs và hiện 80 tuổi, từng hy vọng một ngày nào đó con trai sẽ gọi cho ông và cả hai cùng thư thái uống cafe trước khi quá muộn. Đến hôm nay khi Steve Jobs vĩnh viễn ra đi, họ vẫn chưa thể gặp lại nhau.
Cả thế giới "sốc" khi Steve Jobs ra đi
Hàng loạt nhân vật nổi tiếng đã lên Twitter để chia sẻ sự đau buồn và cảm xúc của mình về sự ra đi của cha đẻ Apple.Đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple được bình chọn là một trong những vị CEO vĩ đại nhất của nước Mỹ hiện đại. Ông đã dành toàn bộ trái tim và tâm hồn của mình cho Apple, đưa Quả táo từ bên bờ vực thẳm phá sản trở thành một đế chế hùng mạnh như ngày nay, với giá trị thị trường đứng nhất nhì nước Mỹ.
Sức khỏe của Jobs là đề tài gây nhiều tranh cãi suốt những năm qua. Cuộc chiến của ông với căn bệnh ung thư là một mối lo thường trực của các fan hâm mộ, của giới đầu tư và bản thân ban Giám đốc Apple. Giờ đây, dù cho có tin tưởng Tim Cook đến đâu, người ta vẫn không khỏi lo lắng về việc liệu Apple có thể duy trì được sức sáng tạo phi thường của mình trong những năm tới, khi không còn nữa nguồn cảm hứng và tầm nhìn xa rộng từ Steve Jobs.
Tổng thống Mỹ Obama đã dành những lời lẽ trân trọng nhất cho Steve Jobs. "Tôi và Michelle đều rất buồn khi hay tin Steve Jobs đã ra đi. Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, đủ can đảm để nghĩ khác, đủ táo báo để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để làm được việc đó".
"Khi gây dựng nên một trong những công ty thành công nhất hành tinh từ garage nhà mình, ông đã thể hiện rõ tinh thần Mỹ. Với việc cá nhân hóa máy tính và đưa Internet vào trong túi người dùng, ông đã tạo ra một cuộc cách mạng thông tin: không chỉ dễ dàng tiếp cận mà còn rất trực quan và thú vị khi sử dụng", ông Obama ca ngợi.
Ngay cả lãnh đạo của những công ty được cho là đối thủ lớn nhất của Apple cũng không thể cầm lòng trước tin dữ. Ngay sau khi tin tức về Steve Jobs loan đi, Bill Gates đã khẳng định, ông sẽ nhớ Jobs "sâu sắc". "Steve và tôi đã quen nhau gần 30 năm. Vừa là đồng nghiệp, đối thủ và bạn bè trong hơn nửa đời người. Thế giới hiếm khi có được người có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Steve. Với những người có may mắn được làm việc hoặc hợp tác cùng ông, tôi cho đó là một niềm vinh dự to lớn".
Đồng sáng lập Paul Allen của Microsoft cũng hết lời ca ngợi Jobs. "Chúng ta đã mất đi một người tiêu phong vĩ đại, một bậc thầy luôn biết cách tạo ra những sản phẩm vĩ đại".
Trên trang Facebook của mình, đồng sáng lập Mark Zuckerberg đã cám ơn Steve Jobs với tư cách "một người thầy và một người bạn". "Xin cám ơn ông vì đã thay đổi thế giới". Larry Page, đồng sáng lập Google tiết lộ, Jobs tốt đến mức dù đang ốm nặng, vẫn đến gặp Page để đưa ra lời khuyên khi Page nhận chức Giám đốc điều hành. "Tôi thật sự buồn khi nghe tin về Steve. Ông là một người vĩ đại với những thành tựu khó tin và một trí tuệ xuất sắc", Page viết trên Google+. "Mối ưu tiên hàng đầu dành cho trải nghiệm người dùng của ông luôn là niềm cảm hứng cho tôi".
Sergey Brin, đồng sáng lập còn lại của Google cũng chia sẻ trên Google+ rằng ngay từ những ngày đầu của Google, "khi Larry và tôi tìm kiếm hướng đi và sự lãnh đạo, chúng tôi nghĩ ngay đến Cupertino. Steve, niềm đam mê của ông dành cho những gì hoàn hảo là điều mà bất cứ ai chạm vào một sản phẩm của Apple cũng cảm thấy được (bao gồm cả chiếc Macbook mà tôi đang dùng để soạn những dòng này, ngay lúc này đây). Và trong những lần chúng ta gặp nhau, tôi đã được tận mắt chứng kiến sự đam mê ấy".
Giám đốc điều hành Marc Benioff của Salesforce.com tôn vinh Jobs là "vị thủ lĩnh vĩ đại nhất mà ngành công nghệ từng biết" trên Twitter, và rằng sự ra đi của ông là một mất mát lớn của cả thế giới. Còn Michael Dell thì thừa nhận trên Google +: "Hôm nay thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, ngành công nghiệp công nghệ mất đi một tượng đài còn tôi mất đi một người bạn đáng kính. Di sản mà Steve Jobs để lại sẽ còn được nhiều thế hệ tương lai nhớ đến".
Không chỉ trong giới công nghệ mà các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc cũng ngỏ lời tiếc thương Steve Jobs.
Nam diễn viên John Favreu khẳng định :"Chúng ta đã mất đi một con người có tầm nhìn đích thực ngày hôm nay", trong khi nhà biên kịch truyền hình nổi tiếng Damon Lindeloft, người sản xuất series phim truyền hình "Lost" viết rằng, "Đại diện cho tất cả những người mơ mộng vẫn đang mắc kẹt trong garage nhưng đủ điên rồ để thử thay đổi thế giới, tôi muốn nói rằng ông sẽ luôn ở trong tim chúng tôi". Còn nữ diễn viên Alyssa Milano (Phù thủy) lại muốn cảm ơn trí tuệ của Steve Jobs và khẳng định "Ông sẽ mãi là một phần quan trọng trong thế giới của tôi, với những phát minh đặc biệt của ông".
Forbes: "Thế giới sẽ bớt vĩ đại khi mất Jobs"
Cuối cùng thì tin tức đáng sợ mà tất cả giới công nghệ lẫn kinh doanh đều không mong chờ cũng đã đến: Steve Jobs đã qua đời ở tuổi 56.Ông đã gây dựng Apple không phải một mà là tới hai lần. Apple hiện là hãng có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, hơn cả đại gia dầu mổ Exxil. Hãng đã thay đổi thế giới theo rất nhiều cách: cách mạng hóa thị trường phần cứng, phần mềm, điện thoại di động, buộc ngành công nghiệp nhạc số và phim ảnh phải lột xác.
Tin dữ về Jobs xảy đến chỉ một ngày sau khi Apple công bố phiên bản iPhone mới nhất với một công nghệ nhận dạng giọng nói hoàn toàn mới và nhiều cải tiến khác về phần mềm. Chủ trì toàn bộ sự kiện hôm qua là Giám đốc điều hành mới Tim Cook, với sự tham gia của một loạt các quan chức cấp cao khác như Scott Forstall, Eddie Cue và Phil Schiller. Rõ ràng thông điệp câm lặng ở đây là: Steve đã trao lại Apple cho những con người có năng lực và đáng tin cậy.
Apple đã khẳng định tinh thần của Jobs sẽ mãi mãi là nền móng của Apple, nhưng dư luận vẫn nghi ngại. Sẽ là hơi nghiệt ngã nếu đề cập đến vấn đề giá cổ phiếu Apple tại đây, nhưng việc giới đầu tư băn khoăn về việc sự ra đi của Steve sẽ ảnh hưởng đến tương lai Apple thế nào là chuyện hiển nhiên. Sự thực lạ, Cook đã điều hành công việc thường nhật của Apple suốt một thời gian dài. Phố Wall biết rõ và rất tôn trọng ông. Nhưng điều người a không rõ là về lâu dài, liệu Apple có còn giữ được sức sáng tạo và tầm nhìn như dưới thời Steve Jobs nữa hay không? Liệu Apple có thể tiếp tục tung ra những sản phẩm "vĩ đại đến điên rồ" mà thế giới trông chờ hay không?
Fred Anderson, cựu Giám đốc Tài chính của Apple đã khẳng định như đinh đóng cột rằng, sẽ không bao giờ có được một Steve Jobs thứ hai. Fred gặp Steve Jobs lần đầu vào cuối năm 1996, khi Apple cân nhắc việc mua lại NeXT mà mục đích chính là để mời Jobs quay trở lại. Khi ấy, Apple đang đứng bên bờ vực phá sản. Ngày về Apple với tư cách Cố vấn đặc biệt, Jobs đã tiến hành cải tổ toàn bộ ban giám đốc, xóa sổ chương trình licensing và hoàn tất bản hợp đồng lịch sử với Microsoft. Tất cả những nước cờ này đã giúp Apple sống sót, và ngoài Jobs ra, không một ai có can đảm hay khả năng để vạch ra và triển khai.
"Chỉ duy nhất Steve Jobs là có thể vực Apple dậy từ cõi chết. Chỉ có mình ông hiểu được linh hồn của Apple và gốc rễ sáng tạo của hãng, cũng như về tầm quan trọng của việc kết hợp khoa học với nghệ thuật trong việc tạo ra những sản phẩm thực sự tuyệt vời. Chỉ mình ông là có được tính cách, tầm nhìn, thị hiếu xuất sắc để đạt đến những thành công vĩ đại. Vì thế, sẽ không bao giờ có một Steve Jobs thứ hai".
Cộng đồng iFan sững sờ trước tin Steve Jobs ra đi
Dù đã biết trước Steve Jobs không còn khỏe mạnh từ khi từ chức Tổng giám đốc Apple, người hâm mộ vẫn bất ngờ khi hãng này thông báo ông qua đời chỉ một ngày sau khi họ tổ chức sự kiện quan trọng (ra mắt iPhone 4S).
Các trang báo lớn, mạng xã hội Facebook, Twitter và blog tràn ngập những tâm sự, những lời chia buồn của người yêu quý Jobs - huyền thoại công nghệ của thế giới. "Không biết cần bao nhiêu thời gian nữa thế giới mới sinh ra được một Steve Jobs thứ hai. Một thần tượng đã ra đi mãi mãi", độc giả Phong Nguyen chia sẻ trên VnExpress.net.
Cộng đồng người dùng Yahoo Messenger tại Việt Nam ngỡ ngàng trước tin buồn của Apple. |
Cộng đồng Facebook Việt truyền nhau logo Apple với dải màu đen. |
Nhiều người cũng tỏ ra tiếc nuối và cho rằng thế giới đã mất đi một thiên tài, một con người sáng tạo và gắn liền với chữ "đầu tiên", với những cuộc cách mạng trong điện toán cá nhân, di động và âm nhạc. "Ông đã biến những thứ khô khan thành sản phẩm thân thiện với mọi người, từ giao diện đồ họa máy tính cho đến chiếc điện thoại với màn hình cảm ứng đa điểm hay kho ứng dụng tất cả trong một... Tại sao người có tài lại hay bạc mệnh đến vậy?. Chỉ có thế nói cuộc đời Steve Job là cuộc đời cống hiến", độc giả Minh Hải nhận xét.
Trên Facebook đã xuất hiện những trang như Thank You Steve Jobs hay R.I.P Steve Jobs để mọi người nhắc lại những khoảnh khắc, những dấu ấn khó quên về biểu tượng công nghệ của thế giới. Đa số lời chia sẻ gắn liền với chữ i (thường xuất hiện trong tên sản phẩm của Apple) như iHeaven (ý nói Jobs đã lên thiên đường), iSad, iCry (để bày tỏ sự tiếc thương)... Mark Zuckerberg cũng nói lời cảm ơn Jobs vì ông đã luôn là một người thầy và một người bạn của CEO Facebook này.
Một loạt trang về sự ra đi của Steve Jobs xuất hiện trên Facebook. |
"Vừa mở Facebook đã nhận tin đau. Thánh Jobs đã vĩnh viễn thành Thánh. Với mình, Steve Jobs là thần tượng không phải vì ông tạo ra iPhone, iPod hay đem lại thành công cho Apple... Đơn giản chỉ bởi vì tính cách", một thành viên Facebook chia sẻ.
Thông tin liên quan đến cựu CEO của Apple trở thành đề tài số một trên Twitter. |
Trên tiểu blog Twitter, "RIPSteveJobs" (Hãy yên nghỉ Steve Jobs) trở thành chủ đề được quan tâm nhất chỉ trong vài phút tin về ông xuất hiện trên website Apple. "ThankYouSteve", "iHeaven", "iClouds" và "Only 56" cũng nằm trong top 10 các từ khóa đáng chú ý. "May mắn được làm việc với Steve là vinh dự lớn với bất cứ ai. Tôi thực sự nhớ ông ấy", Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, viết trên Twitter.
Nến và iPad tưởng nhớ Steve Jobs ngoài trụ sở Apple
Hoa, nến và và hình ảnh Steve Jobs trên iPhone, iPad được người hâm mộ đặt bên ngoài trụ sở Apple, tại các cửa hàng Apple Store và trên con đường vào nhà ông.
Hình ảnh Steve Jobs trên máy iPad được đặt cạnh quả táo và iPod trên một băng ghế bên ngoài trụ sở Apple ở Cupertino, California (Mỹ) sáng nay. Ảnh: Bloomberg. |
Nến và iPhone với bức ảnh quen thuộc của huyền thoại công nghệ vừa qua đời bên ngoài cửa hàng Apple Store ở phố West 66th, New York (Mỹ). Ảnh: AP. |
Hình ảnh cựu CEO Apple được chiếu trên màn hình lớn tại Apple Store ở Santa Monica, California (Mỹ). Ảnh: AP. |
Một người hâm mộ, Surina Shukri, xếp nến ở ngoài trụ sở Apple. Ảnh: AP. |
Màn hình iMac ở Apple Store tại Glendale, California (Mỹ) mở sẵn trang Apple.com với tin buồn về Jobs. Ảnh: Yahoo News. |
Lời nhắn gửi Steve Jobs được người hâm mộ viết gần ngôi nhà của ông ở Palo Alto, California (Mỹ). Ảnh: Yahoo News. |
Những bó hóa dành tặng biểu tượng công nghệ thế giới được đặt tại một băng ghế dài ở trụ sở Apple. Ảnh: Yahoo News. |
Hoa và ảnh Jobs tại cửa hàng Apple ở Boston, Massachusetts. Ảnh: AP. |
Một người thổi kèn clarinet trước cửa hàng Apple ở New York. Ảnh: Yahoo News. |
Đôi bạn trẻ đứng lặng khi nghe tin về Steve Jobs. Ảnh: CBS. |
"Cả thế giới sẽ nhớ tinh thần của ngài". Ảnh: CBS. |
Cô gái Molly viết lời cảm ơn. Ảnh: AP. |
Người lao công dọn dẹp bên máy MacBook hiển thị ảnh Jobs. Ảnh: AP. |
Obama ca ngợi Steve Jobs
Steve Jobs giới thiệu điện thoại iPhone 4. Ảnh: Telegraph. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi cựu giám đốc điều hành Apple là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất của Mỹ và đã thay đổi cách con người nhìn thế giới.
Cựu CEO của hãng Apple Steve Jobs vừa qua đời sau một thời gian đấu tranh với bệnh ung thư tuyến tụy.
"Michelle và tôi rất buồn khi biết tin Steve Jobs qua đời", Tổng thống Obama cho biết trong thông điệp đăng trên trang blog của Nhà Trắng tối 5/10 (sáng nay giờ Việt Nam). "Steve là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất nước Mỹ, ông đủ dũng cảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin rằng ông có thể thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó".
Tổng thống Obama bình luận rằng Steve Jobs đã mang tới niềm vui cho hàng triệu trẻ em và người lớn và khiến cách mạng thông tin trở nên "dễ tiếp cận và thú vị".
"Steve đã đạt được một trong những kỳ công hiếm hoi nhất trong lịch sử loài người: ông đã thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới", Obama nhận định. "Thế giới đã mất đi một con người có tầm nhìn vĩ đại. Không có cách nào tưởng nhớ ông tuyệt vời hơn là khi thế giới biết đến tin ông qua đời thông qua chính sản phẩm ông đã tạo ra".
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng cho rằng Jobs đã "thay đổi thế giới" và gọi ông là một "thiên tài sáng tạo". "Chẳng có gì nhiều để nói, ông ấy đã thay đổi thế giới", bà cho biết.
Một người hàng xóm viết lên tường nhà Stve Jobs ở Palo Alto những dòng chữ bày tỏ niềm thương tiếc. Ảnh: AP. |
Mạng xã hội Twitter, Facebook hôm nay ngập tràn những thông tin về sự ra đi của Jobs. "Cầu mong ông yên nghỉ Steve Jobs. Ông đã để lại dấu ấn của mình trên bàn, trên tai và cả trên tay chúng tôi", một cư dân mạng có tên Darren Rovell viết trên Twitter.
Nhà văn Salman Rushdie cho biết ông "yêu thế giới mà Steve Jobs đã tạo ra kể từ khi mua chiếc máy tính Mac đầu tiên. Ông là một trong những kỹ sư vĩ đại nhất". Còn tay đua xe đạp Lance Amstrong, từng chiến thắng căn bệnh ung thư tinh hoàn, thì cho biết anh đau lòng khi nghe tin về cái chết của Jobs. "Cầu mong ông yên nghỉ", Lance viết trên mạng Twitter.
Hãng Apple hôm qua cho biết Steve Jobs đã qua đời ở tuổi 56. Ông từ chức CEO hãng này vào tháng 8.
Doanh nhân Mỹ tiếc thương Steve Jobs
Từ đồng nghiệp đến đối thủ của Apple hay những chính trị gia nổi tiếng đều không khỏi sửng sốt. Họ sẽ nhớ Steve rất nhiều bởi ông là một thiên tài đã làm thay đổi thế giới...
Thế giới sẽ không nguôi ngoai nhớ Steve Jobs. Ảnh: AFP. |
Ngày 5/10, Steve Jobs từ trần ở tuổi 56, chưa đầy 2 tháng sau khi rời Apple. Ngay sau khi tin Steve qua đời, dư luận thế giới bàng hoàng. Từ Tim Cook, người kế nhiệm ông ở Apple cho tới ông chủ của Microsoft Bill Gates hay nhà sáng lập Facebook..., tất cả đều khẳng định sẽ không nguôi ngoai nhớ Steve - một nhân vật lỗi lạc của nền công nghệ thế giới.
Tim Cook - CEO của Apple:
Trong email gửi cho các nhân viên, Tim Cook viết: "Tôi có tin rất buồn muốn nói với tất cả các bạn. Steve đã qua đời sáng sớm nay. Apple đã mất đi một biểu tượng, một thiên tài đầy sáng tạo. Thế giới mất đi một con người lỗi lạc".
Ban giám đốc Apple: "Thế giới đã đổi thay đáng kể nhờ Steve".
"Chúng tôi vô cùng đau đớn khi phải thông báo Steve Jobs qua đời. Nghị lực, niềm say mê và sự thông minh của Steve là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc sống của tất cả chúng ta. Thế giới đã tốt đẹp hơn đáng kể nhờ ông ấy".
Gia đình của Steve Jobs: "Xin hãy tôn trọng đời tư của chúng tôi trong thời gian này". Ngoài xã hội, ông ấy được xem như một biểu tượng. Trong gia đình, ông ấy luôn hết lòng yêu thương mọi người. Chúng tôi cảm ơn các bạn đã cùng cầu chúc cho Steve vượt qua được bệnh tật. Thậm chí một website đã được lập ra để mọi người cùng chia sẻ những lời chúc tốt đẹp cho ông ấy. Chúng tôi biết nhiều người sẽ đến chia buồn cùng chúng tôi và gia đình rất mong các bạn hãy tôn trọng đời tư của chúng tôi trongthời gian tổ chức lễ tang cho Steve Jobs. |
Bill Gates: "Thật may mắn vì được làm việc cùng Steve".
"Tôi thực sự rất đau lòng khi nghe tin Steve Jobs qua đời. Melinda và tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, những người bạn bè cũng như những người yêu mến Steve trong thời gian làm việc cùng ông ấy.
Lần đầu tôi gặp Steve cũng cách đây gần 30 năm. Khi đó chúng tôi là những đồng nghiệp, rồi là đối thủ cạnh tranh và sau cùng chúng tôi là những người bạn suốt gầnnửa cuộc đời. Hầu như không ai trên thế giới có tầm ảnh hưởng như Steve. Những đóng góp của Steve sẽ còn tác động tới nhiều thế hệ sau này.
Chúng ta thật là may mắn khi được làm việc cùng Steve. Tôi sẽ nhớ Steve rất nhiều".
CEO Google Larry Page: "Xin chia buồn cùng đại gia đình Apple"
"Steve là một nhân vật đặc biệt với những đóng góp không tưởng và lỗi lạc. Ông ấy luôn kiệm lời. Khả năng tập trung của Steve cao hơn bất cứ ai. Ông ấy luôn là nguồn cảm hứng cho tôi. Khi tôi trở thành CEO của Goolge, Steve vẫn đối xử với tôi thật tử tế và thường cho tôi những lời khuyên ngay cả khi sức khỏe của ông ấy không được tốt. Tôi cũng như Goolge xin chia buồn cùng gia đình của Steve và đại gia đình Apple.
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg: "Tôi sẽ rất nhớ Steve"
"Steve, cảm ơn vì ông đã là một người thầy và một người bạn của tôi. Xin cảm ơn vì ông đã cho thấy những gì ông xây dựng khiến cả thế giới này thay đổi. Tôi sẽ rất nhớ Steve".
Thị trưởng New York Michael Bloomberg:
"Steve Jobs đã nhìn thấy trước tương lai và đưa nó vào cuộc sống của chúng ta".
Đồng sáng lập AOL Steve Case:
"Tôi thấy thật tự hào khi được biết Steve Jobs. Ông ấy là nhân vật nhiều sáng kiến nhất của thế hệ chúng tôi. Những gì ông để lại sẽ sống mãi qua thời gian.
CEO của DELL - Michael Dell nói:
"Ngày hôm nay thế giới mất đi một nhà lãnh đạo với tầm nhìn bao quát, ngành công nghệ mất đi một huyền thoại và tôi mất đi một người bạn, một người đồng chí. Những gì Steve Jobs để lại sẽ mãi được ghi nhớ. Tôi cầu nguyện và chia sẻ với gia đình của Jobs và mọi nhân viên của Apple".
Jay Elliot- Tác giả cuốn sách "Con đường Steve Jobs" (The Steve Jobs Way):
"Tôi rất buồn. Thật không thể tin được điều này. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần vì biết nó sẽ xảy ra. Nhưng Jobs thực sự là duy nhất và chúng ta sẽ chẳng thể gặp một người nào như ông lần thứ 2. Ông ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Jobs sống cuộc đời mình theo cách ông muốn. Cũng có người chỉ trích cách sống của ông, nhưng tôi đã làm việc với Steve trong nhiều năm và tôi chắc một điều rằng Steve Jobs là một tấm gương đáng noi theo".
Những phút cuối của Steve Jobs
Ngay sau khi giới truyền thông loan tin về việc Jobs qua đời, gia đình ông cũng đã phát đi thông cáo chính thức về những giây phút cuối cùng của "người lãnh đạo vĩ đại".Theo đó, Steve đã "ra đi một cách thanh thản", không đau đớn và trong vòng tay của cả gia đình.
"Đối với công chúng, Steve là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo. Còn trong đời tư, ông luôn nâng niu và chăm sóc cho gia đình. Chúng tôi rất cám ơn nhiều người đã cầu nguyện và chia sẻ với bệnh tình của Steve trong suốt năm qua", thông cáo viết. Gia đình Jobs cũng sẽ mở một website riêng để mọi người tưởng nhớ, chia sẻ và viết về Jobs trên đó.
Jobs và vợ ông - Laurene Powell kết hôn năm 1991 trong một lễ cưới nhỏ xinh, đầm ấm ở Công viên Quốc gia Yosemite. Hai người sống tại Woodside, California và có 3 người con: Reed Paul, Erin Sienna và Eve. Tuy nhiên, Jobs đã thừa nhận rằng năm ông 23 tuổi, ông đã có con ngoài giá thú với cô bạn học phổ thông Chris Ann Brennan. Con gái của họ - Lisa Brennan Jobs, chào đời năm 1978.
Tạp chí Fortune cho biết Jobs đã từ chối danh phận bố - con với Lisa trong nhiều năm. Có những thời điểm ông thậm chí đã thề trước tòa rằng mình bị yếu sinh lý và không thể có con. Theo Fortune, Chris Ann Brennan đã phải xin tiền phúc lợi xã hội để nuôi con trong một thời gian dài, mãi đến khi Jobs thừa nhận Lisa chính là con gái của mình.
Còn theo lời Elizabeth Holmes, một người bạn và bạn học cùng Jobs thì tại Đại học Reed, Jobs đã có quan hệ tình cảm với nữ ca sĩ Joan Baez. Trong cuốn sách "The Second Coming of Steve Jobs", Holmes đã tiết lộ với nhà văn Alan Deutschman rằng Jobs chia tay với người bạn gái trước đó của mình chỉ để chuyển sang yêu Baez.
Jobs bị bỏ rơi từ nhỏ và ông được một cặp vợ chồng nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, khi trưởng thành, ông đã đi tìm bố mẹ đẻ của mình và gặp được người chị ruột là một nhà văn nổi tiếng. Mặc dù vậy, ông chưa bao giờ gặp mặt cha đẻ của mình.
Steve Jobs kể về cuộc đời và cái chết trong diễn văn bất hủ
Những lời phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005 về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của Steve Jobs trở thành một trong những bài diễn văn để đời và đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại.
Steve Jobs đã qua đời vào sáng 5/10/2011, khiến cả thế giới sửng sốt và tiếc nuối. Ông là người kín tiếng, gần như không bao giờ nói về đời tư và cuộc trò chuyện cởi mở nhất có lẽ là bài phát biểu dưới đây:
Steve Jobs - một biểu tượng công nghệ của thế giới. Ảnh: Apple. |
"Tôi rất vinh dự có mặt trong lễ trao bằng tốt nghiệp của các bạn hôm nay tại một trong những trường đại học uy tín nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ có bằng đại học. Phải thú nhận đây là lần tôi tiếp cận gần nhất với một buổi tốt nghiệp. Tôi muốn kể với các bạn ba câu chuyện về cuộc đời tôi. Không có gì nhiều nhặn. Chỉ là ba câu chuyện.
Chuyện thứ nhất là về việc kết nối các dấu chấm (kết nối các sự kiện)
Tôi bỏ trường Reed College ngay sau 6 tháng đầu, nhưng sau đó lại đăng ký học thêm 18 tháng nữa trước khi thực sự rời trường. Vậy, vì sao tôi bỏ học?
Mọi chuyện như đã định sẵn từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một sinh viên, bà chưa kết hôn và quyết định gửi tôi làm con nuôi. Bà nghĩ rằng tôi cần được nuôi dưỡng bởi những người đã tốt nghiệp đại học nên sắp đặt để trao tôi cho một vợ chồng luật sư ngay trong ngày sinh. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi vào phút chót bởi họ muốn nhận một bé gái thay vì tôi.
Vì thế, cha mẹ nuôi của tôi, khi đó đang nằm trong danh sách xếp hàng, đã nhận được một cú điện thoại vào nửa đêm rằng: "Chúng tôi có một đứa con trai không mong đợi, ông bà có muốn chăm sóc nó không?" và họ trả lời: "Tất nhiên rồi". Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện ra mẹ nuôi tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học còn cha tôi thì chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Bà từ chối ký vào giấy tờ trao nhận và chỉ đồng ý vài tháng sau đó khi bố mẹ tôi hứa rằng ngày nào đó tôi sẽ vào đại học.
Sau đó 17 năm, tôi thực sự đã vào đại học. Nhưng tôi ngây thơ chọn ngôi trường đắt đỏ gần như Đại học Stanford vậy. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi phải dồn vào trả học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi thấy việc đó không hề hiệu quả. Tôi không có ý niệm về những gì tôi muốn làm trong cuộc đời mình và cũng không hiểu trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra điều đó như thế nào. Tại đó, tôi tiêu hết tiền mà cha mẹ tiết kiệm cả đời. Vì vậy tôi ra đi với niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn cả. Đó là khoảnh khắc đáng sợ, nhưng khi nhìn lại, đấy lại là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Tôi bắt đầu bỏ những môn học bắt buộc mà tôi không thấy hứng thú và đăng ký học môn tôi quan tâm.
Tôi không có suất trong ký túc, nên tôi ngủ trên sàn nhà của bạn bè. Tôi đem đổi vỏ chai nước ngọt lấy 5 cent để mua đồ ăn và đi bộ vài km vào tối chủ nhật để có một bữa ăn ngon mỗi tuần tại trại Hare Krishna. Những gì tôi muốn nói là sau này tôi nhận ra việc cố gắng theo đuổi niềm đam mê và thỏa mãn sự tò mò của mình là vô giá.
Tôi sẽ kể cho các bạn một ví dụ: Đại học Reed khi đó có lẽ là trường tốt nhất dạy về nghệ thuật viết chữ đẹp ở Mỹ. Khắp khuôn viên là các tấm áp-phích, tranh vẽ với những dòng chữ viết tay tuyệt đep. Vì tôi đã bỏ học, tôi quyết định chỉ đăng ký vào lớp dạy viết chữ để tìm hiểu họ làm điều đó thế nào. Tôi học cách biến hóa với nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm. Đây là môn học nghệ thuật và mang tính lịch sử mà khoa học không thể nắm bắt được và tôi thấy nó thật kỳ diệu.
Những thứ này khi đó dường như chẳng có chút ứng dụng thực tế nào trong cuộc đời tôi. Nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế máy Macintosh, mọi thứ như trở lại trong tôi. Và chúng tôi đưa nó vào trong Mac. Nó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp. Nếu tôi không bỏ học chỉ để theo một khóa duy nhất đó, máy Mac sẽ không bao giờ được trang bị nhiều kiểu chữ hoặc có được sự cân xứng về khoảng cách các chữ như vậy (sau này Windows đã sao chép lại). Nếu tôi không bỏ học, tôi có lẽ sẽ không bao giờ tham gia lớp nghệ thuật viết chữ và máy tính có lẽ không có được hệ thống chữ phong phú như hiện nay.
Tất nhiên, chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó - sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì - cách nghĩ đó đã tạo nên những sự khác biệt trong cuộc đời tôi.
Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát
Tôi may mắn khi đã nhận ra những gì tôi yêu quý ngay từ khi còn trẻ. Woz (Steve Wozniak) cùng tôi sáng lập Apple tại garage của bố mẹ khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc miệt mài trong 10 năm và phát triển từ một cái nhà xe thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4.000 nhân viên. Chúng tôi cho ra đời thành quả sáng tạo - Macintosh - khi tôi mới bước sang tuổi 30.
Sau đó, tôi bị sa thải. Sao bạn lại có thể bị sa thải tại ngay công ty mà bạn lập ra? Apple đã thuê một người mà tôi nghĩ là đủ tài năng để điều hành công ty với mình và năm đầu tiên, mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau đó, tầm nhìn về tương lai của chúng tôi khác nhau và không thể hợp nhất. Khi đó, ban lãnh đạo đứng về phía ông ấy. Ở tuổi 30, tôi phải ra đi. Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy.
Tôi không biết phải làm gì trong những tháng tiếp theo. Tôi cảm thấy như mình đã đánh rơi mất cây gậy trong cuộc chơi khi người ta vừa trao nó cho tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi vì đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi còn nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng mọi thứ bắt đầu kéo tôi trở lại. Tôi vẫn yêu những gì tôi làm. Bước ngoặt tại Apple không thay đổi con người tôi. Tôi bị từ chối, nhưng tôi vẫn yêu. Vì thế tôi quyết định làm lại từ đầu.
Khi đó tôi đã không nhận ra, nhưng hóa ra bị sa thải khỏi Apple lại là điều tốt nhất dành cho tôi. Sức ép duy trì sự thành công được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của người mới bắt đầu lại, không chắc về những gì sẽ diễn ra. Nó giải phóng tôi để bước vào giai đoạn sáng tạo nhất cuộc đời.
Trong năm năm tiếp theo, tôi thành lập NeXT và một công ty khác mang tên Pixar và phải lòng một người phụ nữ tuyệt vời, người trở thành vợ tôi sau này. Pixar tạo ra bộ phim từ đồ họa máy tính đầu tiên trên thế giới - Toy Story và hiện là xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới. Apple mua lại NeXT, tôi trở lại Apple và công nghệ tôi phát triển ở NeXT là trọng tâm trong cuộc phục hưng Apple. Tôi và vợ Laurene cũng có một cuộc sống gia đình tuyệt vời.
Steve Jobs tại NeXT sau khi bị Apple sa thải. Ảnh: AP. |
Tôi khá chắc chắn rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Nó như một liều thuốc đắng và kinh khủng, nhưng bệnh nhân cần nó. Đôi khi cuộc đời đánh vào đầu bạn bằng một viên gạch. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu chưa tìm ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm.
Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết.
Khi tôi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó rằng: "Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng". Điều đó gây ấn tượng với tôi và 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?". Nếu câu trả lời là "Không" kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi.
Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hộ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi ta không còn gì nữa, chẳng có lý do gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim.
Một năm trước, tôi biết mình bị ung thư. Tôi được chụp cắt lớp lúc 7h30 và nhìn thấy rõ khối u trong tuyến tụy. Tôi còn chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Bác sĩ bảo tôi bệnh này không chữa được và tôi chỉ có thể sống thêm 3 đến 6 tháng nữa. Ông ấy khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, cố gắng nói chuyện với bọn trẻ những điều mà tôi định nói trong 10 năm tới, nhưng giờ phải nói trong vài tháng. Nói cách khác, hãy nói lời tạm biệt.
Tối hôm đó, tôi được kiểm tra sinh thiết. Họ đút một ống qua cổ họng tôi xuống dạ dày và ruột rồi đặt một cái kim vào tuyến tụy để lấy mẫu tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, và vợ tôi, cũng có mặt lúc đó, kể với tôi rằng khi các bác sỹ xem các tế bào dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện ra đây là một trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng cách phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
Steve Jobs mất ngày 5/10. Ảnh: Yahoo News. |
Đó là lần gần nhất tôi đối mặt với cái chết. Tôi hy vọng lần tiếp theo sẽ là vài chục thập kỷ nữa. Không ai muốn chết. Ngay cả người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Nhưng cái chết là đích đến mà chúng ta đều phải tới. Không ai thoát được nó. Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ sự cũ kỹ (người già) để mở đường cho cái mới (lớp trẻ). Các bạn chính là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Chúng biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách thú vị là The Whole Earth Catalog (Cẩm nang thế giới). Nó giống như một cuốn kinh thánh, kim chỉ nam của thế hệ tôi. Tác giả Steward Brand tạo ra nó vào thập niên 60, trước thời máy tính cá nhân. Nội dung sách được soạn bằng máy đánh chữ, bằng kéo và bằng máy ảnh polaroid. Nó như Google trên giấy vậy. Ở bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường trong ánh bình minh, bên dưới là dòng chữ: "Sống khát khao. Sống dại khờ". Tôi luôn chúc điều đó cho chính mình. Hôm nay, các bạn tốt nghiệp và sắp bước vào cuộc đời mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ".
Steve Jobs, con người của những bí ẩn
Hôm nay, làng công nghệ thế giới lại đón nhận một thông tin gây "choáng váng": Steve Jobs, cha đẻ của Apple, người đứng sau những thiết bị làm thay đổi toàn bộ diện mạo làng công nghệ như iPhone, iPad, iMac và iTunes, vừa qua đời ở tuổi 56.Là một tượng đài công nghệ, một bậc thầy về phát minh - thậm chí được ví ngang hàng với Thomas Edison, nhưng đời tư của Jobs luôn là một bí ẩn bởi ông không bao giờ tiết lộ về mình trong các cuộc phỏng vấn.
Những mốc son trong sự nghiệp
Dù là một trong những CEO nổi tiếng nhất thế giới, Jobs luôn kín tiếng một cách bảo thủ về đời tư cá nhân của mình. Ông luôn từ chối các cuộc phỏng vấn và bảo vệ gia đình mình khỏi con mắt săm soi của công chúng. "Ông ấy chưa bao giờ là người ưa truyền thông", chuyên gia Tim Bajarin bình luận sau khi Jobs từ chức. Jobs chỉ cho phép các cuộc phỏng vấn nhân dịp Apple sắp tung ra một sản phẩm nào đó, vì việc ấy có lợi cho Apple, nhưng sẽ không bao giờ ông ấy nói về chính mình.
Những thông tin đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của Jobs, dù vậy, lại rất nổi tiếng: Ông bỏ học Đại học Reed giữa chừng và ở tuổi 21, sáng lập ra Apple trong garage của nhà bố mẹ. Ông trở thành triệu phú vào năm 25, xuất hiện trên bìa tạp chí Time ở tuổi 26 và từng bị Ban giám đốc Apple "đảo chính", ép đi khỏi công ty vào năm 1984, khi ông 30 tuổi. Ngay năm sau, Jobs đã thành lập ra một công ty khác có tên NeXT Computers và mua lại bộ phận đồ họa của Lucasfilm, đổi tên thành Pixar Animation Studios.
Năm 1996, Apple vật lộn một cách tuyệt vọng khi không có Jobs và bị đẩy đến bên bờ vực phá sản. Hãng đã phải mời Jobs quay về bằng cách bỏ tiền ra mua lại NeXT Computer. Ông trở thành CEO vào năm 1997 và như chúng ta đã biết, đưa Apple bật dậy với một tốc độ và lộ trình không ai có thể tưởng tượng nổi.
Ông được mô tả là một vị sếp khắt khe và đôi khi rất đáng sợ. Ông liên tục đòi hỏi và thẳng tay từ chối nhiều phiên bản khác nhau của các sản phẩm mới, cho tới khi nào cảm thấy bằng lòng mới thôi. Jobs tuyên bố thiết kế của một thiết bị cũng quan trọng chẳng kém gì phần cứng và phần mềm bên trong.
Năm 2001, ngành công nghiệp âm nhạc có bản quyền quỵ ngã trước việc nhạc số được sao chép và chia sẻ thoải mái, miễn phí trên mạng Internet bởi các trang P2P. Hàng triệu người chẳng cần mua đĩa CD làm gì nữa. Đó là lúc Jobs giới thiệu với thế giới iPod, một chiếc máy nghe nhạc số bỏ túi với thiết kế thanh lịch, các nút điều khiển đơn giản và tai nghe màu trắng, cho phép người dùng thưởng thức tới hàng giờ âm nhạc lưu trong bộ nhớ của máy. Ông cũng đã lập ra quầy nhạc số iTunes và thuyết phục các hãng đĩa lớn bán ca khúc trên đó với giá 99 cent/bài. Và thế là người dùng không phải chạy ra đường để mua đĩa nếu họ thích một ca khúc nào đó nữa. Họ chỉ việc mua một file số của ca khúc đó và lưu nó trong iPod.
Đến năm 2007, Jobs một lần nữa lại làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp di động. Apple iPhone, với màn hình cảm ứng đa điểm đã trở thành biểu tượng, về cơ bản là một chiếc máy tính cầm tay, máy nghe nhạc số, thiết bị nhắn tin, ví điện tử và điện thoại di động... tất cả trong 1. Các đối thủ lớn như BlackBerry, Nokia và Motorola đều lao đao sau khi iPhone xuất hiện trên thị trường và cho tới tận thời điểm này, chưa có một hãng nào tìm được phương cách để hạ bệ iPhone một cách hiệu quả.
Đến năm 2010, một thiết bị mới khác của Apple là iPad trình làng và ngay lập tức ăn lẹm vào thị phần của máy tính cá nhân. iPad là một chiếc máy tính bảng có kiểu dáng sành điệu với màn hình cảm ứng và gần như không có bất cứ nút bấm điều khiển nào. Nó có thể dùng vào gần như mọi việc, từ xem phim cho đến chụp hình hay đọc sách.
Đời tư bí ẩn
Như trên đã nói, đời tư của Jobs luôn là một ẩn số. Ông chơi rất thân với CEO John Lasseter của hãng phim Pixar và CEO Larry Ellison của Oracle, nhưng ngoài nhóm bạn đó, ông hầu như không chia sẻ đời sống riêng tư của mình với bất kỳ ai khác.
Jobs và vợ ông - Laurene Powell kết hôn năm 1991 trong một lễ cưới nhỏ xinh, đầm ấm ở Công viên Quốc gia Yosemite. Hai người sống tại Woodside, California và có 3 người con: Reed Paul, Erin Sienna và Eve. Tuy nhiên, Jobs đã thừa nhận rằng năm ông 23 tuổi, ông đã có con ngoài giá thú với cô bạn học phổ thông Chris Ann Brennan. Con gái của họ - Lisa Brennan Jobs, chào đời năm 1978.
Tạp chí Fortune cho biết Jobs đã từ chối danh phận bố - con với Lisa trong nhiều năm. Có những thời điểm ông thậm chí đã thề trước tòa rằng mình bị yếu sinh lý và không thể có con. Theo Fortune, Chris Ann Brennan đã phải xin tiền phúc lợi xã hội để nuôi con trong một thời gian dài, mãi đến khi Jobs thừa nhận Lisa chính là con gái của mình.
Còn theo lời Elizabeth Holmes, một người bạn và bạn học cùng Jobs thì tại Đại học Reed, Jobs đã có quan hệ tình cảm với nữ ca sĩ Joan Baez. Trong cuốn sách "The Second Coming of Steve Jobs", Holmes đã tiết lộ với nhà văn Alan Deutschman rằng Jobs chia tay với người bạn gái trước đó của mình chỉ để chuyển sang yêu Baez.
Sức khỏe của Jobs - sức khỏe của Apple
Bí ẩn và kiệm lời, Jobs chẳng bao giờ nói nhiều về mình. Nhưng cơ thể ông chính là kẻ "tố giác" bệnh tình Jobs rõ nhất.
Năm 2004, ông buộc phải công khai về chuyện mình mắc phải chứng bệnh ung thư tuyến tụy hiêm gặp. Năm 2009, báo chí vô tình biết được ông đã âm thầm đến một bệnh viện ở Memphis để ghép gan. Ông đã ba lần rời Apple để đi điều trị y tế dài ngày, dù lý do thực sự của các chuyến đi không bao giờ được tiết lộ.
Năm 2009, nhiều nguồn tin cho biết các thành viên trong Ban giám đốc Apple đã thuyết phục Jobs nói rõ hơn về sức khỏe của ông, bởi đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, có quan hệ trực tiếp đến "sức khỏe" của Apple.
Ấn bản số 109 của Forbes đã nhắc tên Jobs trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 8,3 tỷ USD. Sau khi bán lại hãng phim hoạt hình Pixar cho Walt Disney vào năm 2006, Jobs cũng trở thành một thành viên trong Ban giám đốc Disney và là cổ đông lớn nhất của hãng này. Disney chính là công ty mẹ của kênh truyền hình ABC News.
Giới phân tích cho rằng Apple vẫn vận hành tốt trong thời gian Jobs vắng mặt, một phần là vì tân CEO Tim Cook chính là cánh tay phải đắc lực nhất của Jobs, và khi cần đưa ra những quyết định quan trọng, Cook vẫn có thể tham khảo Steve Jobs. Tuy nhiên, với việc Jobs qua đời, kênh tham khảo chiến lược này cũng không còn nữa và thách thức đè lên vai Tim Cook đang lớn hơn bao giờ hết, nhất là khi iPhone 4S không giải quyết được "cơn khát iPhone" của dư luận.
Một điểm đáng lưu ý nữa là giá cổ phiếu Apple có một lịch sử trồi sụt theo từng thông tin về sức khỏe của Jobs. Tháng 1/2009, sau khi Jobs thông báo sẽ tạm nghỉ lần hai để đi điều trị, cổ phiếu Quả táo đã tụt xuống chỉ còn 78,2 USD/cổ phiếu.
Bí mật đời sống tinh thần của Steve Jobs
Ai cũng biết, bí quyết thành công của Apple trong thế giới công nghệ chính là tầm nhìn, sự lãnh đạo và khả năng sáng tạo của Steve Jobs. Nhưng bí mật nào đứng sau thành công và tài năng của Steve Jobs thì lại rất ít được đề cập.Tim Cook từng tuyên bố, Sáng tạo là một phẩm chất có từ trong DNA của Apple. Nhưng phẩm chất nào có sẵn trong DNA của phù thủy Steve Jobs?
Cũng giống như mọi người, những phẩm giá mà Jobs có được thành hình trong quá trình trưởng thành và dưỡng dục. Ông sinh năm 1955 tại San Francisco và lớn lên cùng với lúc văn hóa hippi lên ngôi. Bob Dylan và The Beatles là hai thần tượng âm nhạc của ông. Ông chia sẻ với họ quan điểm chính trị, góc nhìn chống lại sự áp đặt và đôi khi cả sự nổi loạn của tuổi trẻ. Theo một số người, sở dĩ Jobs đặt tên hãng là Apple cũng là vì lấy cảm hứng từ Apple Corps của tứ quái Beatles. Thậm chí ông đã từng học theo thần tượng của mình bay đến Ấn Độ để được "thanh lọc tinh thần" và thường xuyên đi lại quanh nhà hay văn phòng bằng chân trần.
Chính chuyến du lịch đến Ấn Độ đã giúp Jobs tiếp xúc với Phật giáo. Ít ai biết rằng, không phải cha xứ, mà một tăng lữ Ấn Độ có tên Kobun Chino mới là người chủ trì đám cưới giữa Jobs với vợ ông, bà Laurene Powell.
"Cuộc sống thật thông minh"
Tái sinh là một ý niệm quan trọng trong Phật giáo, và chính Apple đã được tái sinh khi Jobs quay lại lãnh đạo hãng, vực Apple từ bờ vực phá sản để trèo lên ngôi vương như hiện nay.
"Tôi tin rằng cuộc sống là một thực thể thông minh và mọi chuyện xảy ra đều không phải ngẫu nhiên", Jobs từng chia sẻ như vậy trong một cuộc phỏng vấn năm 1997 với tạp chí Time. Rõ ràng, thế giới đức tin của Jobs rất phức tạp và nó đã vượt ra khỏi ý thức hệ của Phật giáo. Nghiệp chướng là một ý niệm cũng rất quan trọng của Phật giáo, nhưng lại không tồn tại trong đức tin của Jobs. Bởi nếu e ngại nghiệp chướng, "Phù thủy" đã không công khai xỉa xói các đối thủ và cựu đồng nghiệp của mình, mỉa mai họ là những người "không có thị hiếu". Còn các cựu nhân viên Apple thì mô tả ông như một bạo chúa, người mà họ sợ nhất khi gặp phải trong thang máy.
"Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết ở đây (Apple) người ta làm việc vất vả tới mức nào", Jobs tuyên bố trên BusinessWeek hồi năm 2004. "Họ làm việc xuyên đêm và cả dịp cuối tuần. Đôi lúc họ còn không gặp được gia đình trong một thời gian dài. Và cũng có lúc chúng tôi làm việc xuyên Giáng sinh chỉ để đảm bảo dây chuyền sản xuất rất ổn và các sản phẩm có thể ra lò với chất lượng tốt nhất".
Một số kỹ sư thiết kế nên chiếc máy tính Mac đầu tiên cho biết họ như bị cách ly với vợ con. Có vẻ như phong cách làm việc bất cần gia đình này của Jobs xuất phát từ tuổi thơ của chính ông.
Giấu kín sự hổ thẹn
Jobs được cặp vợ chồng Clara và Paul Jobs nhận nuôi từ bé. Họ đã hứa với mẹ đẻ của ông (sau này Jobs đã tìm ra bà nhờ sự giúp đỡ của thám tử tư) rằng sẽ chăm sóc ông tử tế và cho ông học hết đại học. Tuy nhiên, Jobs đã rời bỏ trường Đại học Reed chỉ sau một học kỳ và theo báo chí, ông không bao giờ muốn nói chuyện với cha đẻ của mình - người bị cho là đã bỏ rơi mẹ ông sau khi biết tin bà có thai.
Jobs có một người con gái ngoài giá thú tên là Lisa với Chrisann Brennan. Ông đã phủ nhận mối quan hệ của mình với Lisa trong nhiều năm, thậm chí còn thề trước tòa là mình không có khả năng sinh con. Tuy nhiên, Jobs đã có tới 3 người con với Laurene Powel. Mãi sau này, ông cũng đã nhận Lisa chính là con gái của mình.
"Tôi đã làm nhiều việc không lấy gì làm tự hào, chẳng hạn như việc làm cho bạn gái có bầu năm tôi 23 tuổi, và cả cách tôi xử lý mọi chuyện sau đấy nữa", Jobs thừa nhận trong một thông cáo báo chí quảng bá cho tiểu sử của mình. Tuổi trẻ nổi loạn đó là trước khi Jobs biết đến Phật giáo.
Chơi theo luật của riêng mình
Jobs cần sức mạnh của truyền thông nhưng lại sẵn sàng chơi khăm giới báo chí, đánh lừa họ bằng những tuyên bố đa nghĩa và úp mở của mình. Và tuyệt nhiên, ông giữ bí mật về cuộc sống riêng tư của mình, cũng như về căn bệnh ung thư mà ông mắc phải. Năm 2009, nếu không phải do sức ép từ Ban giám đốc Apple, Jobs sẽ chẳng bao giờ thông báo công khai việc ông vừa phải ghép gan.
Giữ bí mật không chỉ là phong cách sống của Jobs mà còn được ông áp dụng thẳng tay cho toàn bộ Apple. Bất cứ ai lỡ mồm tiết lộ bí mật của ông hay thì thào về Quả táo đều bị trừng phạt hoặc đe dọa. Apple đã từng kiện blogger trẻ tuổi của trang Think Secret vì đã đưa tin đồn đúng về Apple những năm 2000.
Rồi cũng phải kể đến câu chuyện mô hình iPhone 4 thất lạc được trang blog Gizmodo mua lại và công bố lên mạng web. "Khi vụ việc xảy ra, tôi được nhiều người khuyên là cứ để mặc cho sự việc chìm dần", Jobs chia sẻ trong một cuộc hội thảo năm 2010. "Tôi đã nghĩ rất kỹ về chuyện này và tự hỏi mình, liệu khi mình phát triển lên và có tầm ảnh hưởng lớn, mình có thay đổi những giá trị cốt lõi và trở nên xuê xoa hơn hay không. Câu trả lời là Không. Tôi không thể làm được việc đó, thà nghỉ hưu luôn còn hơn".
'Tập trung và đơn giản"
Jobs đã "câu kéo" John Sculley, Chủ tịch Pepsico về với Apple bằng một câu nói nổi tiếng: "Ông muốn dành phần đời còn lại của mình để bán nước ngọt, hay muốn có một cơ hội thay đổi thế giới?".
"Điều khiến phương pháp luận của Steve khác với tất cả mọi người là ông ấy luôn tin rằng, quyết định quan trọng nhất không phải là những việc bạn sẽ làm, mà là về những việc bạn sẽ không làm", Sculley nhớ lại. "Ông ấy là người theo chủ nghĩa tối giản. Nhà của Steve gần như không có bất cứ đồ đạc nào. Ông ấy chỉ treo một bức ảnh của Eistein, người mà hiển nhiên là ông rất ngưỡng mộ, cùng với một cây đèn Tiffany, một cái ghế và 1 chiếc giường. Jobs là thế, không cần nhiều thứ quanh mình, nhưng những gì ông đã lựa chọn thì đặc biệt kỹ càng".
Sự giản dị, ít nhất là trong việc thiết kế sản phẩm công nghệ và trang trí nội thất, là một nguyên tắc sống quan trọng của Jobs. Không lâu sau khi quay lại lãnh đạo Apple, ông đã đóng cửa nhiều bộ phận "thừa" và đặc biệt chú ý đến một số sáng kiến quan trọng. Ngay cả bây giờ, các dòng sản phẩm và doanh thu của Apple cũng chỉ tập trung vào một số ít những lĩnh vực mà hãng có thể thống trị.
"Tập trung và đơn giản: đó là phương châm của tôi", Jobs tuyên bố trên BusinessWeek. "Đơn giản còn khó hơn là phức tạp. Bạn phải tư duy vất vả hơn nhiều lần để làm cho một nội dung trở nên đơn giản. Nhưng sự vất vả đó sẽ được đền bù xứng đáng vào phút cuối".
"Tôi có thể nói không với 1000 thứ chỉ để đảm bảo mình sẽ không đi chệch hướng hoặc tham lam nhồi nhét quá nhiều. Apple luôn nghĩ về những thị trường mới mà mình có thể tham gia, nhưng chỉ khi biết nói Không, bạn mới có thể tập trung vào những thứ thực sự quan trọng".
Những truyền nhân
Êkip lãnh đạo hiện tại của Apple ít nhiều đều kế thừa các nguyên tắc sống của Jobs. Jonathan Ive, Phó chủ tịch phụ trách Thiết kế thấm nhuần phong cách đơn giản của Jobs. Scott Forstall, người đứng đầu bộ phận phần mềm thì thừa hưởng sự nhiệt tình và khả năng trình diễn trên sân khấu.
Và Tim Cook, cánh tay phải của Jobs là một người nghiện việc nặng. Ông cũng đang điều hành Apple và sống đời sống riêng tư trong bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, Cook đã đồng ý bước ra khỏi vỏ ốc của mình để tham gia việc truyền đạt các nguyên tắc tinh thần của Apple cho các "tân binh". Cùng với nhiều quan chức khác, ông có giảng dạy tại Đại học Apple.
Đại học Apple đảm bảo rằng mọi nhân viên của hãng đều được giáo dục toàn diện về nguyên tắc làm việc và những lý tưởng của Jobs. Jobs tin rằng mọi người không bao giờ được ngừng học tập và nên mở mang tư duy để tiếp nhận những ý tưởng mới.
Cha đẻ Steve Jobs chưa từng gặp con
Khi nghe tin Jobs từ chức, cha ruột của cựu CEO Apple chia sẻ với báo chí lý do ông phải từ bỏ con và nói rằng nếu có cơ hội, ông sẽ không bao giờ làm vậy.
Người hâm mộ Steve Jobs vẫn biết ông sinh ngày 24/2/1955 tại San Francisco (Mỹ), được Paul and Clara Jobs nhận nuôi. Ông tạo ra máy tính Macintosh đầu tiên ngay trong gara ôtô gia đình. Abdulfattah Jandali và Joanne Simpson, cha mẹ đẻ của ông, sinh ông khi vẫn đang là sinh viên. Hai người này sau đó kết hôn và có thêm một con gái. Em gái của Jobs, Mona Simpson, hiện là một tiểu thuyết gia.
Steve Jobs. Ảnh: CNBC. |
Jandali, một người nhập cư từ Syria và đang là phó quản lý một sòng bạc ở Reno, Nevada (Mỹ), trải lòng trên New York Post tuần này rằng ông không hề biết con trai mình là một CEO lừng danh mãi đến vài năm gần đây. Ông đã gửi e-mail cho Jobs vài lần nhưng không hề gọi điện hay hẹn gặp vì sợ bị cho là muốn lợi dụng tài sản của con.
Jandali nói nếu được lựa chọn, ông sẽ giữ lại đứa trẻ, nhưng cha mẹ của Joanne Simpson không muốn con gái họ cưới một người Syria, do đó bà chuyển đến San Francisco để sinh con và đem cho người khác nuôi.
Dù là một trong những CEO được yêu mến nhất thế giới, Jobs luôn giữ bí mật về cuộc sống cá nhân và tảng lờ mọi thông tin viết về ông từ khi đồng sáng lập Apple năm 1976. "Ông ấy có thể đồng ý trả lời phỏng vấn tại lễ công bố sản phẩm vì lợi ích của Apple, nhưng chưa từng nói điều gì về bản thân", Tim Bajarin, Chủ tịch công ty Creative Strategies, cho hay.
Tỷ phú 56 tuổi này có một số người bạn thân như John Lasseter (Pixar) hay Larry Ellison (Oracle). Ông cưới vợ cách đây tròn 20 năm và có ba con là Reed Paul, Erin Sienna và Eve.
Ngoài ra, ông còn một đứa con riêng là Lisa Brennan Jobs với bạn gái cũ ở trường trung học, Chris Ann Brennan. Tạp chí nổi tiếng Fortune (Mỹ) cho hay Jobs từng phủ nhận mối quan hệ huyết thống với Lisa trong nhiều năm, thậm chí quả quyết tại một phiên tòa rằng ông bị vô sinh nên không thể có con. Mẹ của Lisa phải nhờ đến trợ cấp xã hội để nuôi con cho đến khi Jobs công nhận. Ông còn chọn tên cô để đặt cho hệ thống Apple Lisa, máy tính cá nhân đầu tiên sử dụng chuột và giao diện đồ họa người dùng.
Jobs cũng giữ kín chuyện bị ung thư tuyến tụy với công chúng và nhân viên. Thay vì cắt bỏ khối u, ông thực hiện một chế độ ăn kiêng đặc biệt. Chính ban lãnh đạo Apple đã thuyết phục ông đi phẫu thuật.
Ảnh được chọn làm trang bìa cho cuốn tiểu sử đầu tiên có sự tham gia của Jobs. |
Năm 2011, lần đầu tiên Jobs đồng ý tham viết tiểu sử về mình. Cuốn sách của tác giả Walter Isaacson sẽ tập hợp hơn 40 cuộc phỏng vấn về sự nghiệp và đời tư với Jobs trong 2 năm qua, cũng như nhận xét, đánh giá của hơn 100 thành viên trong gia đình, bạn bè, đối thủ, đối tác... Sách sẽ lên kệ vào 21/11/2011, ngay trước Lễ Tạ Ơn.
Còn cha đẻ của Jobs hy vọng một ngày nào đó con trai sẽ gọi cho ông và cả hai cùng thư thái uống cafe trước khi quá muộn. Jandali nay đã 80 tuổi, còn cựu CEO từng làm khuynh đảo thị trường công nghệ cũng đang đối mặt với bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Nguyên nhân cái chết của Steve Jobs
Chứng ung thư tuyến tụy hiếm gặp mà Jobs mắc phải được nhận định là phát triển chậm hơn ung thư thông thường và có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, việc ông cần phải ghép gan 2 năm sau đó là một dấu hiệu xấu.Nó cho thấy những rắc rối mà căn bệnh ung thư chết người mang lại cho Jobs vẫn chưa kết thúc. Cha đẻ của Apple luôn giữ chặt thông tin về bệnh tình của mình sau một "tường lửa". Ngay cả khi ông đã qua đời, dư luận cũng không biết gì về nguyên nhân cái chết của ông.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, nhiều khả năng Jobs phải ghép gan là vì căn bệnh ung thư của ông đã tái xuất hiện, hoặc lan rộng. Và việc ông qua đời có thể là do ung thư, do gan mới không hoạt động tốt hoặc do biến chứng từ các loại thuốc kiềm chế hệ miễn dịch mà bác sĩ dùng để ngăn cơ thể phản ứng lại với cơ quan mới.
"Trên lý thuyết, ghép gan có thể chữa được loại bệnh ung thư của Jobs. Nhưng nếu bệnh đã quay trở lại, thường người bệnh chỉ trụ được 1-2 năm", Tiến sĩ Micheal Pishvaian, một chuyên gia về ung thư của Trung tâm Ung thư Lombardi, Đại Học GeorgeTown cho biết.
Năm 2004, Jobs tuyên bố ông đã được chữa khỏi bệnh sau một cuộc phẫu thuật thành công. Tuy nhiên kể từ đó, cựu Giám đốc điều hành Apple không bao giờ tiết lộ việc tế bào ung thư đã lan đến gan hay hệ bạch huyết hay chưa, cũng như về độ khó của ca phẫu thuật. Nhiều bác sĩ phán đoán Jobs được phẫu thuật Whipple để cắt bỏ một phần tuyến tụy, một phần ruột non và vài bộ phận khác trong ổ bụng. Sau đó hệ tiêu hóa sẽ được sắp xếp lại.
"Đấy là một ca đại phẫu và bệnh nhân có thể gặp rắc rối với hệ tiêu hóa rất lâu sau đó", Tiến sĩ Steven Libutti, Giám đốc Trung tâm Điều trị Ung thư Montefiore-Einstein cho biết.
Vài năm sau, Jobs trở nên gầy gò và xanh xao một cách rõ ràng. Tháng 1/2009, ông giải thích hiện tượng này là do cơ thể bị mất căn bằng hormone và việc điều trị rất đơn giản. Nhưng chỉ vài tuần sau, ông đã phải tạm nghỉ ở Apple để đi điều trị và ghép gan mới.
Ban đầu, Jobs giữ bí mật chuyện ghép gan, nhưng trước sức ép từ dư luận và Ban giám đốc, ông phải thông báo chuyện đó. Tuy nhiên, Jobs không hề giải thích lý do vì sao ông cần gan mới. Các bác sĩ cho rằng tế bào ung thư lan sang gan chính là lời giải thích hợp lý nhất.
Thông thường, việc cấy ghép cơ quan không được tiến hành cho bệnh nhân ung thư, tuy nhiên cũng có người ủng hộ ý tưởng ghép gan mới thì sẽ chữa được ung thư tuyến tụy, miễn là tế bào ác tính chưa lan ra khỏi gan. Trung bình bệnh nhân ung thư tuyến tụy đã di căn chỉ sống được thêm 7-8 năm, tuy nhiên vẫn có bệnh nhân sống thêm được 20-30 năm, Tiến sĩ Libutti cho biết. Nhưng rất tiếc, đó không phải là trường hợp của Jobs.
Tháng 1 năm nay, ông thông báo phải đi điều trị đợt ba và đến tháng 8, ông đã chính thức từ chức CEO với lý do sức khỏe.
Điều mà cả thế giới nợ Steve Jobs
Ngay cả những người không hâm mộ Mac, thậm chí là tẩy chay Mac, cũng phải thừa nhận một điều: Steve Jobs là một nguồn cảm hứng công nghệ "vô địch" trong suốt những năm qua. Đơn giản vì: Phần lớn thời gian ông đi trước và những người khác theo sau.Tuy nhiên, có một thứ mà chúng ta phải cảm ơn Jobs từ tận trong tim, dù rất ít người biết được điều đó. Đấy chính là những dòng văn bản đang hiện lên trên màn hình của bạn. Steve Jobs chính là người đầu tiên cho phép chúng ta lựa chọn font chữ.
Tất nhiên, Jobs không phải là người phát minh ra font và kiểu chữ (Johannes Gutenberg người Đức mới là người đầu tiên sử dụng các ký tự kiểu cách vào năm 1440). Tuy nhiên, không một ai khác ngoài Jobs nhận ra giá trị của font chữ đối với máy tính cá nhân và điều đó xảy ra ngay từ đầu thập niên 80. Đột nhiên chúng ta không còn phải phụ thuộc vào máy in chuyên nghiệp, các nhà thiết kế đồ họa để tạo ra những ký tự bay bướm đủ kiểu nữa.
Về phần mình, Jobs phải cám ơn cuộc sống đại học buồn tẻ ở Reed. Chính vì nó mà ông đã bỏ học ngay học kỳ đầu tiên, và nếu như không bỏ học, có lẽ Jobs đã không phát minh ra thuật viết chữ đẹp phiên bản số.
"Trong khắp ký túc xá, mọi poster, mọi nhãn giấy dán trên ngăn kéo đều được viết bằng tay", Jobs nhớ lại. Quá ấn tượng về tính thẩm mỹ của các con chữ, Jobs đã quyết định theo học một lớp về viết chữ đẹp. "Tôi đã học về kiểu chữ serif và sans Serif, về khoảng cách giữa những tổ hợp ký tự khác nhau, về thuật in máy... Đó là một nét đẹp hoàn hảo, vừa nghệ sĩ vừa có tính lịch sử mà khoa học không thể nắm bắt được. Tôi đã hoàn toàn bị hút hồn".
Tại thời điểm đó, Jobs học viết chữ đẹp chỉ vì thích mà không nghĩ sẽ có ngày ứng dụng được nó vào trong thực tế. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. 10 năm sau, Jobs thiết kế nên chiếc máy tính Mac đầu tiên và thật ngạc nhiên, Mac giới thiệu với người dùng một thứ chưa từng có trước đó: sự lựa chọn cực kỳ phong phú về font chữ. Ban đầu Jobs hy vọng sẽ làm việc này một cách ít tốn kém nhất có thể. Ông thuê nhà thiết kế Susa Kare tạo ra các thiết kế bitmap mới với kích cỡ và kiểu cách khác nhau. Sau đó, Jobs đặg tên cho các kiểu chữ dựa theo những thành phố mà ông yêu thích: London, Chicago, Geneva, Toronto, Venice, Los Angeles và San Francisco.
Những cái tên này có một lợi thế là chúng phản ánh được đặc điểm viết chữ của thành phố đó. London có kiểu viết serif chữ đậm cổ điển, Venice là lối viết giống như chữ in cầu kỳ, Geneva là kiểu chữ san-serif sáng sủa, đơn giản. Không lâu sau, những font chữ quen thuộc hiện nay đã được bổ sung như Times New Roman và Helvetica.
Vậy là mối quan hệ giữa chúng ta và các ký tự, các kiểu chữ đã hoàn toàn thay đổi nhờ có Mac và Steve Jobs. "Font chữ", từ một thuật ngữ chỉ dân in ấn, thiết kế mới hiểu, đã trở thành từ vựng của mọi người dùng máy tính.
Ngày nay, bạn sẽ khó lòng tìm thấy những kiểu chữ gốc thời ấy của Jobs. Tuy nhiên, khả năng đổi font trên máy tính giống như một công nghệ đến từ hành tinh khác vậy. Trước cỗ Macintosh năm 1984, tất cả các phần mềm soạn thảo văn bản chỉ cung cấp một kiểu chữ tẻ nhạt màu trắng trên màn hình màu xanh. Và bạn đừng cố in nghiêng chúng làm gì, vì việc đó là bất khả thi.
Twitter quá tải vì Steve Jobs
Mạng xã hội Twitter rơi vào tình trạng chập chờn khi người sử dụng đồng loạt đăng các thông điệp tỏ lòng thương tiếc nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs.
Hàng nghìn ngôi sao và người sử dụng Internet tưởng nhớ Jobs trên mạng xã hội Twitter thông qua điện thoại iPhone hoặc máy tính bảng iPad do chính ông tạo ra. Ngay sau khi thông tin về cái chết của ông được lan truyền, RIP Steve Jobs (Hãy yên nghỉ, Steve Jobs) là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất trên mạng này.
Tuy nhiên, việc nhiều người cùng tham gia Twitter khiến trang bị quá tải. Nhiều cư dân mạng cho biết Twitter báo lỗi truy cập vì không thể xử lý quá nhiều thông tin. "Nếu liên tục nhìn thấy FailWhale (hình ảnh xuất hiện khi Twitter báo lỗi), bạn biết rằng có ai đó quan trọng qua đời. Đó là thước đo về tầm ảnh hưởng của một ai đó", Mike Shaw, lấy username là @zax2000 trên Twitter, viết.
Khi Twitter hoạt động bình thường, nhiều người trích dẫn hoặc viết lại những lời triết lý của Jobs về cái chết. "Không ai muốn chết cả. Kể cả những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Tuy nhiên, đó lại là nơi tất cả chúng ta đều tới", @SeanABennett viết.
"Tự hào khi chia sẻ tín ngưỡng với Steve Jobs - hãy làm theo trái tim và trực giác của ta, dám ước mơ, yêu những gì ta làm và luôn có nỗ lực. Đừng để bất cứ thứ gì ngăn cản ta", @MarissaNemes viết.
Các ngôi sao cũng tưởng nhớ Steve Jobs, qua đời đêm qua sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư tuyến tụy. "Tôi yêu thế giới mà Steve Jobs đã tạo ra kể từ khi tôi mua chiếc máy tính Mac đầu tiên. Ông ấy là một trong những kỹ sư vĩ đại nhất thời đại. Hãy an nghỉ", nhà văn Salman Rushdie chia sẻ.
Arnold Schwarzenegger - diễn viên và cựu thống đốc bang California, Mỹ, nơi có trụ sở Apple, thì nói: "Steve sống giấc mơ California. Ông ấy thay đổi thế giới, tạo cảm hứng cho chúng ta".
Ashton Kutcher, nam tài tử nổi tiếng, thì cho rằng mọi người vốn vẫn "lướt sóng theo con tàu của Steve Jobs. Giờ đây chúng ta phải học cách chèo thuyền nhưng sẽ không bao giờ quên người hoa tiêu".
Điều đáng nói ở đây là nhiều lời tri ân trên mạng Twitter được gửi từ những chiếc iPhone và iPad hay điện thoại thông minh và các máy tính bảng. "Không khó nhận thấy rằng chính Steve đã gợi mở cho phong trào này", Michael Moore, nhà làm phim người Mỹ, viết.
Jimmy Fallon, một người dẫn chương trình truyền hình ở Mỹ, thì chứng tỏ quan điểm trên bằng thông điệp: "Cảm ơn, Steve Jobs, vì những niềm vui và những điều thú vị ông mang đến, khiến cuộc sống của chúng tôi đẹp đẽ hơn ... Gửi từ iPhone".
Trong khi đó, những đại gia công nghệ ca ngợi Jobs là nhà sáng lập và thủ lĩnh của họ. Bill Gates, sáng lập Microsoft, cho biết ông sẽ nhớ Jobs "vô cùng" và rằng ông "vinh dự" được biết Jobs. "Steve và tôi gặp nhau lần đầu 30 năm trước. Chúng tôi đã là đồng nghiệp, đối thủ, bạn bè trong hơn nửa đời", ông nói. "Thế giới hiếm khi thấy ai có tầm ảnh hưởng lớn được như Steve".
Steve Ballmer, CEO của Microsoft, thêm rằng Jobs là "một trong những nhà sáng lập của ngành công nghiệp này và là người có tầm nhìn thực sự".
Eric Schmidt, chủ tịch Google, thì mô tả Jobs là "một người thông minh, đã tạo cảm hứng cho nhiều người làm điều không thể" trong khi Michael Dell, sáng lập công ty máy tính Dell, thì nói thế giới đã mất đi "một thủ lĩnh huyền thoại".
Nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey chỉ viết đơn giản: "Cảm ơn ông, Steve".
Wikileaks bị chỉ trích vì dẫn tin bệnh án của Steve Jobs
Wikileaks từng gây sóng gió vì đăng điện tín ngoại giao của Mỹ. Ảnh: BBC. |
Cộng đồng mạng nổi giận khi trang Wikileaks hôm nay đăng lại thông tin nói cựu giám đốc điều hành của Apple Steve Jobs nhiễm HIV.
Ngay sau khi có tin cựu CEO của Apple Steve Jobs qua đời, Wikileaks dẫn lại đường link về một bản tin nói tới bệnh của ông.
Bản tin đó đăng từ tháng giêng năm 2009, trong đó Wikileaks cho biết có hai bức ảnh - được cho là chụp lại hồ sơ bệnh án của Steve Jobs - cho thấy ông bị nhiễm HIV. "Hai bức ảnh nói trên lan truyền qua email và xuất hiện trên một số báo mạng, bao gồm cả trang iReport của CNN", Wikileaks cho biết.
"Nếu Steve Jobs đúng là bị nhiễm HIV, có khả năng bệnh ung thư tuyến tụy của ông chính là ung thư mô liên kết, thường thấy ở các bệnh nhân HIV", Wikileaks nhận định. "Steve Jobs đôi khi cũng có một chế độ ăn giống như các bệnh nhân AIDS".
Tuy nhiên, Wikileaks cũng thấy có sự mâu thuẫn về ngày tháng trên hai bức ảnh trên và có thể nó là giả mạo.
Dù vậy, họ vẫn đăng lại đường link về "hồ sơ bệnh án" này trên Twitter khiến cộng đồng mạng tức giận. Một người có tên Nicole Sullivan nói rằng Wikileaks nên tôn trọng tự do cá nhân của Steve Jobs và việc họ làm là không hay ho gì. Thomas Wanhoff, một cư dân trên Twitter, thì khẳng định Wikileaks đã đánh mất uy tín của họ vì đăng thông tin trên.
Một người có tên Zoe Myer phẫn nộ đặt câu hỏi: "Vì cái quái gì mà Wikileaks nghĩ rằng chúng ta cần tài liệu bệnh án của Steve Jobs, nhất là lại vào ngày hôm nay? Thật đáng tởm.".
Wikileaks dẫn lại đường link về "bệnh án" của Steve Jobs. Ảnh chụp màn hình. |
Đáp lại sự giận dữ của cư dân mạng, Wikileaks tuyên bố họ chỉ đăng lại đường link về những thông tin về bức ảnh được ngờ đã chụp lại bệnh án của Steve Jobs chứ không hề có thông tin cụ thể về bệnh tình của ông.
Wikileaks từng gây sóng gió khi họ đăng một loạt điện tín ngoại giao của Mỹ. Họ nắm giữ 250.000 bức điện tín bí mật này.
Cựu CEO Steve Jobs của Apple vừa qua đời ở tuổi 56 sau thời gian đấu tranh với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ngay sau khi ông mất được lan truyền, mạng xã hội Twitter đầy những thông điệp tiếc thương nhà sáng chế này. "RIP Steve Jobs" (Cầu mong ông yên nghỉ, Steve Jobs) đứng đầu trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trên Twitter.
7 điều làm nên huyền thoại Steve Jobs
Bí quyết tạo nên con người đầy hấp lực cũng như những thành tựu vĩ đại của nhà lãnh đạo công nghệ Steve Jobs cũng là những điều mà mỗi người chúng ta có thể học hỏi.
Theo phân tích của tác gia Carmine Gallo, người viết cuốn "Bí mật sáng tạo của Steve Jobs", có 7 điều làm nên Jobs và thành công của ông. Đó là:
1. Làm điều mình muốn
2. Chọn lối đi cho riêng mình
3. Kết nối để sáng tạo
4. Nói "không" 1.000 lần
5. Tạo những trải nghiệm thực sự khác biệt
6. Hiểu rõ thông điệp mình đưa ra
7. Bán giấc mơ, không bán sản phẩm
URGENT LOAN IS AVAILABLE NOW
Trả lờiXóaTODAY I GOT MY DESIRED LOAN AMOUNT $760K FROM A RELIABLE,TRUSTED AND REGISTERED PRIVATE LOAN COMPANY LAST WEEK,BUSINESS/HOME/COMPANY/PROJECT/PERSONAL LOAN? ARE NOW AFFORDABLE HERE FOR YOU TODAY CONTACT Email profdorothyinvestments@gmail.com
Hello, I'm here to testify of how i got my real estate business loan from PROF. MRS.DOROTHY JEAN INVESTMENTS (profdorothyinvestments@gmail.com) I don't know if you are in need of an urgent loan to pay bills, start business or build a house, they offer all kinds of loan Ranging from $5,000.00USD to $2,000,000.00USD with a low interest rate of 2% and loan duration of 1 to 33 years to pay back the loan secure and unsecured. Are you losing sleep at nights worrying how to get a Legit Loan Lender?
MRS.DOROTHY JEAN holds all of the information about how to obtain money quickly and painlessly without cost/stress via Contacts Email profdorothyinvestments@gmail.com