Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Trung Quốc chưa đủ sức "ngồi chiếu trên" ?

Tác giả: Yiping Huang, Weihua Dang và Jiao Wang

Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc coi mình là một thành viên của thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, lợi ích của họ và các nước đang phát triển khác đang khác biệt nhau đáng kể. Trung Quốc hoàn toàn không thể trở thành một nhà lãnh đạo kinh tế thế giới. Nói cách khác, các điều kiện kinh tế không cho phép nước này "ngồi chiếu trên" của nền kinh tế thế giới cùng với Mỹ.

Quản lý kinh tế quốc tế: G2, G7 hay G20?
Kiến trúc quốc tế chính được xây dựng trong thời hậu chiến tập trung vào hệ thống Liên hợp quốc. Đại diện cho hơn 200 quốc gia thành viên, đây cũng là tổ chức quốc tế dân chủ nhất. Hệ thống  Bretton Woods có hai thể chế kinh tế chính quản lý các vấn đề kinh tế quốc tế: IMF, phụ trách giám sát vĩ mô và ổn định tài chính; và WB có nhiệm vụ giảm đói nghèo và phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó có WTO, tổ chức giúp duy trì luật pháp và trật tự trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ quốc tế.
Tất cả các thể chế này đóng những vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện phát triển kinh tế thế giới thời kỳ hậu chiến tranh. Nhưng chúng cũng có một số thiếu sót lớn. Vì hoạt động chủ yếu trên nguyên tắc đồng thuận, nên các tổ chức này thường khó đưa ra các quyết định nhanh chóng. Ví dụ 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - đều có lá phiếu phủ quyết và thường bất đồng với nhau trong nhiều quyết định quan trọng. Tình trạng này đặc biệt xảy ra trong thời chiến tranh Lạnh.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là một lời đáp của Mỹ và các đồng minh chính của nước này trước tình hình không mong muốn trên. Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Italy và Canada đã thành lập một nhóm mới bên ngoài hệ thống LHQ/Bretton Woods để quyết định các vấn đề kinh tế và chính trị hệ trọng toàn cầu. Các nước này có một số lợi ích chung. Họ đều là các nền kinh tế công nghiệp hóa và các nước dân chủ, và đều ủng hộ mạnh mẽ về chính trị đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.
Nhưng rõ ràng, G7 gặp một vấn đề mang tính pháp lý vì không được thành lập thông qua các thỏa thuận đa phương (G7 sau này mở rộng thành G8, thêm Nga, sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Chính vì vậy nhóm này thường được gọi là "câu lạc bộ của các nước giàu"). Nhưng trong một thời gian khá dài, đặc điểm này không gây ra bất cứ vấn đề thực tế nào cho G7.
Cuối cùng, với hơn một nửa GDP toàn cầu, G7 có thể đơn phương ra các quyết định quan trọng. Và các quyết định này, đến lượt chúng, lại có tầm ảnh hưởng lớn đối với các định hướng của nền kinh tế thế giới, vốn không nhất thiết phù hợp với lợi ích của các quốc gia khác. Vai trò của các nền kinh tế khác, dù họ có ủng hộ hay không các quyết định của G7, đều không được nếm xỉa đến.
Thỏa ước Plaza nổi tiếng là một ví dụ điển hình cho một thỏa thuận đơn phương như thế. Ngày 22/9/1985, các chính phủ Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ và Anh đã ký một thỏa ước tại Khách sạn Plaza ở New York để giải quyết vấn đề bất cân bằng toàn cầu. Thỏa thuận này đòi hỏi các nước có thặng dư cán cân thanh toán - Nhật Bản và Tây Đức - phải nâng giá đồng tiền và tăng cường chi tiêu công, trong khi các nước thâm hụt ngân sách - Mỹ và Anh - phải phá giá đồng tiền của mình và giảm thâm hụt ngân sách. Thỏa thuận này chỉ có tác động giảm bất cân bằng trong một thời gian ngắn.
Thỏa ước Plaza có phải là một thỏa thuận tốt hay không lại là vấn đề khác. Văn bản này tập trung vào các chính sách tiền tệ và tài chính trong ngắn hạn, nhưng không giúp giải quyết gốc rễ các vấn đề của bất cân bằng. Các vấn đề bất cân bằng của các nền kinh tế lớn này đã tái diễn trong những thập kỷ tiếp theo, gây ra tình trạng bất cân bằng toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, trong các thập kỷ qua, cả G7 hay G8 đều không còn là cơ chế thích hợp nữa để hoạch định chính sách quốc tế. Một Thỏa ước Plaza khác của G7 ngày nay sẽ càng không có hiệu lực trong việc giải quyết vấn đề bất cân bằng toàn cầu.
WB đánh giá rằng, dựa trên cân bằng sức mua (PPP), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 6.828 đôla (đôla quốc tế) vào năm 2009, trong khi theo con số thống kê chính thức là 3.744 USD. Tuy nhiên, theo dự án Penn World Tables (PWT), dữ liệu về thu nhập tính theo PPP của WB vẫn đánh giá thu nhập của Trung Quốc thấp hơn 20% vì ước tính giá cả quá cao. Như vậy đúng hơn, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2013.
Sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi cơ bản nền kinh tế toàn cầu trong quá khứ, nhưng trong tương lai sẽ không phải vậy. Mỹ và Trung Quốc gần đây kêu gọi thành lập nhóm hai nước (G2) để quản lý các vấn đề quốc tế. G2 là một ý tưởng cách tân, đáp ứng nền kinh tế thế giới đang đổi thay hàng ngày. Việc Mỹ và Trung Quốc, một bên đại diện cho các nền kinh tế công nghiệp hóa và bên kia đại diện cho các nền kinh tế thị trường mới nổi, cùng nhau lãnh đạo chắc chắn phù hợp hơn với thực tế kinh tế thế giới mới. Tuy nhiên, lời đáp của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với đề nghị này là không thuận. Có thể vì nhiều lý do.
Thứ nhất, trong khi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng vì có số dân đông nhất thế giới nên Trung Quốc vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người của nước này vẫn xếp thứ 85 trên tổng số 180 quốc gia trong bảng xếp hạng của IMF, và như vậy nước này vẫn còn một con đường dài phía trước để tới biên giới kinh tế thế giới. Trung Quốc hoàn toàn không thể trở thành một nhà lãnh đạo kinh tế thế giới. Nói cách khác, các điều kiện kinh tế không cho phép nước này "ngồi chiếu trên" của nền kinh tế thế giới cùng với Mỹ.
Thứ hai, Trung Quốc không có được sự ủng hộ cần thiết của toàn cầu để trở thành một phần của G2. Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc coi mình là một thành viên của thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, lợi ích của họ và các nước đang phát triển khác đang khác biệt nhau đáng kể. Trong khi Trung Quốc có những lợi ích chung với các nền kinh tế thị trường mới nổi - bằng chứng là sự hợp tác trong khối BRICS và ASEAN +3 - Trung Quốc lại không có một vai trò lãnh đạo rõ ràng trong các nước đang phát triển giống như Mỹ đang có đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa. Trong một chừng mực nào đó, ngồi vào "chiếu trên" với Mỹ có thể làm yếu đi liên minh hiện nay của Trung Quốc với các nền kinh tế thị trường mới nổi khác.

Ảnh minh họa: Worldpress
Thứ ba, Trung Quốc là trung tâm của các rắc rối trong nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bất cân bằng toàn cầu. Một cơ chế G2 sẽ có thể biến Trung Quốc thành trung tâm của các căng thẳng toàn cầu này. Một khuôn khổ đa phương sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc - cả về mục tiêu thương lượng và về khả năng giải quyết các vấn đề này.
Cuối cùng, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng trở thành một nhà lãnh đạo chủ chốt của nền kinh tế thế giới. Họ vẫn đang học để biết các luật lệ hiện nay. Một số nhà hoạch định chính sách than phiền rằng Trung Quốc không có một kho đủ các nhân tài có thể tham gia các cuộc thương lượng kinh tế quốc tế. Các ràng buộc chính trị cũng khiến việc tham gia của Trung Quốc vào việc đặt ra luật chơi quốc tế trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, các nhà đàm phán Trung Quốc thường không có đủ quyền tự quyết trong các thỏa thuận với các đối tác khác tại các diễn đàn quốc tế.
Nói ngắn gọn, Trung Quốc chưa có khả năng thể chế để trở thành một người đặt luật chơi chính bên cạnh Mỹ. Tất nhiên những điểm trên không có nghĩa là các phối hợp song phương giữa Mỹ với Trung Quốc trở nên kém phần quan trọng. Ngược lại, đối thoại và hợp tác giữa nền kinh tế công nghiệp hóa lớn nhất thế giới với nước đang phát triển lớn nhất thế giới vẫn có vai trò sống còn trong việc quản lý các vấn đề kinh tế quốc tế quan trọng. Quan hệ đối tác Mỹ - Trung có thể là quan hệ song phương lớn nhất không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường kỳ Mỹ - Trung được xem là một ví dụ điển hình cho quan hệ đối tác trong việc giải quyết các vấn đề song phương.
Vì các lý do kể trên, Chính phủ Trung Quốc ủng hộ cơ chế G20 trong việc quản lý kinh tế quốc tế. G20 được thành lập vào năm 1999 tại Đức như một diễn đàn cấp bộ trưởng, ngay sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á. Trong thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008, Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush đã kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh G20 tại Washington để thảo luận các hành động tập thể chống lại khủng hoảng và suy thoái. Nhóm này đã bắt đầu các cuộc họp thượng đỉnh mỗi năm hai lần, và trở thành một cơ quan ra quyết định kinh tế đầy quyền lực.
G20 đã đạt tiến bộ lớn trong việc kiểm soát nguy cơ tài chính, hỗ trợ phục hồi kinh tế và cải cách các hệ thống điều tiết tài chính. Giống như G7, G20 có một vấn đề về pháp lý, vì 20 quốc gia thành viên không được bầu bởi các quốc gia khác. Nhưng, như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd từng nói, G20 là sự kết hợp tốt nhất giữa tính hiệu quả và tính đại diện. G20 có 11 thành viên là nước đang phát triển. Trong khi đó, các nước G20 chiếm hơn 80% nền kinh tế và dân số toàn cầu. Họ có thể ra các quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng tới các xu hướng trong nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh tiến bộ của G20, các nước BRIC cũng đã trở thành một nhóm quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Ngày 16/4/2009, các lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Nga để thảo luận một số vấn đề kinh tế quốc tế. Hai năm sau đó, các lãnh đạo này đã mời Tổng thống Nam Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Trung Quốc. Các lãnh đạo đã nhất trí về một loạt các vấn đề, trong đó có ủng hộ cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ toàn cầu, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh tế với nhau. Vẫn chưa rõ liệu BRICS sẽ có thể trở thành một tổ chức quốc tế được cấu trúc chặt chẽ như G7 hay G20 hay không, nhưng nhóm này có thể trở thành một hạt nhân quan trọng trong G20, giúp hình thành các đề xuất chính sách cho các thành viên là các nước đang phát triển.
Cải cách IMF: quyền bầu cử, các lãnh đạo cấp cao và phiếu phủ quyết
Trong khi thượng đỉnh G20 đã trở thành một cơ chế hùng mạnh trong việc hoạch định kinh tế quốc tế, đây vẫn chưa phải là một tổ chức quốc tế bình thường. Để trở thành một thể chế kinh tế thường trực và ổn định, G20 cần phát triển hơn nữa trong ít nhất hai mặt.
Một là cách quản lý các hoạt động hàng ngày của thượng đỉnh G20. Và hai là thực thi các quyết định của G20. Để đạt được điều này, G20 phải thành lập một ban thư ký thường trực. Có thể sử dụng các thể chế quốc tế hiện nay như IMF để thực thi các quyết định chính sách quan trọng, như điều tiết tài chính, chính sách tiền tệ và giám sát kinh tế vĩ mô.
Nhưng các tổ chức quốc tế trong dạng thức hiện nay của nó không phù hợp lắm để thực hiện các nhiệm vụ như vậy. Lấy ví dụ là IMF, quan hệ của tổ chức này với nhiều quốc gia không thân thiện cho lắm, nhất là với những nước bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng tài chính. Trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á, IMF cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng - chủ yếu là Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Nhưng sự hỗ trợ đó đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt về chính sách, đòi hỏi các nền kinh tế này thắt chặt chính sách tài chính, tăng lãi suất và đóng cửa các thể chế tài chính yếu kém.
Các biện pháp như vậy có thể đẩy các nền kinh tế này lún sâu hơn vào suy thoái. Các chính sách này cũng khiến IMF phải trả giá bằng lòng tin và sự tín nhiệm của một số nhà hoạch định chính sách ở châu Á. Một số lãnh đạo châu Á sau đó trở nên thờ ơ với vai trò quốc tế của IMF. Khi thảo luận về các vấn đề hợp tác tiền tệ và tài chính khu vực châu Á, một số quan chức nói rõ rằng họ không ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến IMF.
Một ví dụ khác là trong thời khủng hoảng tài chính toàn cầu: khi Hàn Quốc cần hỗ trợ tiền mặt từ bên ngoài cuối năm 2008, họ đã hỏi đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ, chứ không phải IMF. Diễn biến này đã làm suy yếu đáng kể vai trò của IMF là nhà cho vay toàn cầu trong trường hợp khẩn cấp. Các trải nghiệm xấu này với IMF được phản ánh một phần trong việc áp dụng cứng nhắc các niềm tin kinh tế thông thường của các tổ chức: quan trọng là củng cố nguyên tắc thị trường ngay cả trong thời khủng hoảng tài chính nhằm tránh các vấn đề rủi ro liên quan đến đạo đức. Ví dụ không đóng cửa các thể chế tài chính vỡ nợ sẽ làm gia tăng nguy cơ thái quá trong tương lai. Tuy nhiên, các hành động như vậy gây bất ổn các điều kiện xã hội và kinh tế vĩ mô trong các cuộc khủng hoảng tài chính.
Thật may mắn là quan điểm chính sách của IMF đã bắt đầu thay đổi. Vào lúc cao trào của cuộc khủng hoảng sub-prime tại Mỹ, Bộ Tài chính đã bơm tiền cho một loạt các thể chế tài chính lớn nhằm tránh sự lây lan nguy cơ nhanh chóng.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế gặp một vấn đề lớn: họ bị chế ngự bởi Mỹ và các nền kinh tế công nghiệp hóa khác. Vì vậy các nội dung chính sách thường được đưa ra từ những kinh nghiệm của các nền kinh tế thị trường tiên tiến. Một số chính sách này rõ ràng không phù hợp với các nước đang phát triển và gây ra những hậu quả đau đớn. Ví dụ IMF nói chung ngăn cản bất cứ sự hạn chế nào đối với các dòng tư bản xuyên biên giới. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đang phát triển không đủ mạnh để chống lại các dòng vốn ngắn hạn không ổn định vì chất lượng kém của các thể chế và cung cách quản lý tài chính của họ. Đây là một trong những lý do khiến các nước đang phát triển phải trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính liên tục trong những thập kỷ qua.
Các nền kinh tế đang phát triển không ảnh hưởng nhiều đến các quyết định được đưa ra tại hầu hết các thể chế kinh tế quốc tế. Ví dụ hạn ngạch SDR của mỗi quốc gia theo IMF là kết quả trung bình của GDP (50%), mức độ mở cửa (30%), độ mềm dẻo của nền kinh tế (15%) và dự trữ quốc tế (5%). Cách tính này rõ ràng có lợi cho các nước công nghiệp hóa. Mỹ chiếm 17% tổng phiếu bầu, cho phép Mỹ gây ảnh hưởng tới các quyết định của IMF.
Trong nhiều năm liền, với sự tăng trưởng nhanh chóng tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, sự phân bổ hạn ngạch SDR đã trở nên càng bất cân bằng hơn. Tây Âu có tỷ lệ đại diện lớn hơn nhiều so với sức nặng kinh tế của họ. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước BRIC chiếm tổng cộng 40% dân số thế giới và 15% GDP toàn cầu, nhưng lá phiếu của họ chỉ có sức nặng tương đương 12% tổng số phiếu. Quan trọng hơn, trong số 180 thành viên IMF, ít nhất 2/3 thành viên là các nước đang phát triển và không có bất kỳ tiếng nói nào trong các quyết định của IMF.
Tin tốt lành là các nước công nghiệp hóa đã nhất trí cải cách từng bước hệ thống IMF. Cuộc cải cách mới nhất đã chia lại 6% phiếu bầu từ các nước châu Âu cho các nền kinh tế thị trường mới nổi. Sau cuộc cải cách này, Trung Quốc trở thành nước có số phiếu bầu lớn thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản. Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều nằm trong nhóm 10 thành viên đầu của IMF.
Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, các cải cách của IMF vẫn chưa đủ. Sau việc phân bổ lại hạn ngạch SDR mới đây, các nền kinh tế thị trường mới nổi rõ ràng vẫn chưa được đại diện đúng mức. Đặc biệt, trong số 24 giám đốc điều hành của IMF, các nước châu Âu vẫn chiếm 4 ghế: Anh, Italy, Đức và Pháp. Nhiều nước châu Á đang đòi các nước châu Âu này bỏ ít nhất 2 ghế. Tỷ lệ phiếu bầu của BRICS và các nước đang phát triển khác cũng phải được tăng hơn nữa để cho phép họ có ảnh hưởng lớn hơn trong quá trình hoạch định chính sách của tổ chức này.
Thứ hai, hiện có các quy định ngầm là WB chỉ định một người Mỹ làm Chủ tịch trong khi IMF chỉ định một người châu Âu làm Tổng giám đốc. Thói quen này là bất công và phân biệt đối xử. Như các tổ chức quốc tế, cả WB và IMF đều không nên cho phép chỉ định các công dân của riêng một số nước đặc biệt nào vào các vị trí cao nhất. Quá trình bầu chọn nên tập trung nhiều vào bản thân các ứng cử viên, hơn là quốc tịch của họ.
Và cuối cùng, Mỹ không sẵn sàng từ bỏ lá phiếu phủ quyết để biến IMF thành một tổ chức quốc tế thực sự. Quyền phủ quyết này cho thấy hai điều. Một là IMF trong vai trò là một tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục bị chế ngự bởi Mỹ. Và hai là Mỹ có các kỹ năng chính sách tốt nhất trong số các nước thành viên.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng sub-prime mới đây cho thấy những thiếu sót lớn của hệ thống tài chính Mỹ và chính sách kinh tế của họ. Nhiều quốc gia đang phát triển đã chỉ trích Mỹ về những chính sách vô trách nhiệm, như chính sách nới lỏng tiền tệ (QE) và sự lây lan của nó ra toàn nền kinh tế thế giới. Vì Mỹ vẫn là thành viên quan trọng nhất của IMF trong một thời gian nữa, họ sẽ không có từ bỏ quyền ra quyết định cuối cùng.
Cùng với các cuộc cải cách khác về cấu trúc quản lý của IMF, các thành viên đang phát triển và công nghiệp hóa nên bắt đầu phối hợp với nhau về quy định và chính sách. Ví dụ, IMF nên giám sát sự phát triển kinh tế vĩ mô và các nguy cơ tài chính của tất cả các nền kinh tế chính không loại trừ nước nào, kể cả Mỹ. IMF cũng nên xem xét vấn đề mở rộng giỏ SDR cho các đồng tiền của một số nền kinh tế thị trường mới nổi.
Tổ chức này nên xem lại thời hạn điều lệ, chú ý sự cân bằng giữa việc ủng hộ sự ổn định kinh tế với việc tránh các vấn đề rủi ro liên quan đến đạo đức. IMF có tiềm năng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống kinh tế quốc tế, như giám sát kinh tế vĩ mô, điều tiết tài chính, quản lý tiền mặt toàn cầu và có thể là một số chức năng đối với nghiệp vụ ngân hàng trung ương toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả những vai trò này sẽ phụ thuộc vào sự chuyển đổi thành công của bản thân IMF, đặc biệt là tính đại diện của nó cũng như cấu trúc quản lý và các cách tiếp cận chính sách. Thừa nhận tầm quan trọng ngày càng lớn của các nền kinh tế thị trường mới nổi so với các nước công nghiệp phát triển nên là một phần trong sự chuyển đổi này.

Cải cách hệ thống kinh tế quốc tế: Trung Quốc muốn gì?

Việc các nền kinh tế thị trường mới nổi và phát triển phối hợp với nhau để thay đổi một số quy định kinh tế quốc tế là hoàn toàn hợp lý. Và Trung Quốc sẽ có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi hệ thống kinh tế quốc tế. Vậy bản chất sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình cải cách quốc tế như thế nào? Trung Quốc muốn gì?
Hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay, ra đời từ giữa những năm 1940, có ba đặc điểm chính. Thứ nhất, Mỹ là nước đi đầu lập ra và thực thi các quy định kinh tế quốc tế. Thứ hai, đồng đôla Mỹ (USD) là hòn đá tảng của hệ thống tiền tệ quốc tế, cả trước và sau khi sụp đổ hệ thống Bretton Woods. Và cuối cùng, ba tổ chức quốc tế - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - chịu trách nhiệm duy trì trật tự kinh tế quốc tế.
Trong hơn một nửa thế kỷ, hệ thống này đã tạo điều kiện cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, gần đây có ngày càng nhiều lời kêu gọi cải cách hệ thống kinh tế quốc tế. Đặc biệt hai sự kiện quan trọng đã củng cố thêm các đề nghị này.
Đầu tiên là uy thế của các nền kinh tế thị trường mới nổi, đương nhiên muốn một vài trong số họ được chuyển từ vị trí ngoài rìa vào khu vực trung tâm hoạch định kinh tế quốc tế. Thứ hai là cuộc khủng hoảng sub-prime tại Mỹ, sự kiện làm dấy lên các câu hỏi nghiêm túc về vai trò quốc tế của Mỹ và đồng USD trong tương lai.
Hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay chủ yếu theo khuôn mẫu các hệ thống kinh tế của các nước công nghiệp hóa, đặc biệt là Mỹ. Nó thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư tự do, các thị trường tự do và nguyên tắc thị trường nghiêm ngặt. Nhưng cuộc khủng hoảng sub-prime mới nhất cho thấy một số vấn đề của hệ thống Mỹ. Do vậy, các chuyên gia kinh tế đã đặt ra các nghi vấn về tính hiệu quả của chính sách tiền tệ, các quy định tài chính và hệ thống dự trữ quốc tế. Dù người ta không dự đoán giống nhau về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhưng có một sự nhất trí chung là hệ thống này cần phải thích nghi để phù hợp với các điều kiện kinh tế và thị trường toàn cầu.
Trên thực tế, nền kinh tế thế giới ngày nay rất khác so với cách đây hơn 60 năm, khi hệ thống hiện nay mới được thành lập.
Khi gần kết thúc Chiến tranh Thế giới II, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đã sụp đổ và phải hứng chịu các vấn đề đói nghèo lan rộng và nghiêm trọng. Họ được các tổ chức quốc tế và các nước công nghiệp hóa hỗ trợ về tài chính và tư vấn về chính sách nhằm giảm nghèo đói và phát triển kinh tế. Họ đóng góp rất ít vào quá trình lập ra và thực thi các quy định kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên ngày nay, các nền kinh tế thị trường mới nổi đã trở thành những người chơi quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn một nửa là các nền kinh tế thị trường mới nổi. Ví dụ nhóm 5 nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chiếm 42% dân số thế giới và 18% GDP toàn cầu. Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi đã bắt đầu đòi xác nhận tầm ảnh hưởng của mình trong các vấn đề kinh tế quốc tế thông qua tiến trình Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20).
Việc các nền kinh tế thị trường mới nổi và phát triển phối hợp với nhau để thay đổi một số quy định kinh tế quốc tế là hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc sẽ có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi hệ thống kinh tế quốc tế. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo cách tính GDP dựa trên thị trường và có thể vượt Mỹ vào năm 2013 theo cách tính GDP dựa trên sức mua. Các ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế quốc tế gia tăng theo cấp số nhân, đặc biệt trong các thị trường quốc tế về hàng công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công, nguyên liệu đầu vào, đồ gia dụng và trao đổi ngoại hối.
Bài viết này tập trung vào câu hỏi chính là bản chất sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình cải cách quốc tế. Một câu hỏi quan trọng là: Trung Quốc muốn gì? Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi này dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của minh về vị trí của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề quan trọng, trong đó có sự biến đổi quản lý quốc tế, sự tái cấu trúc các tổ chức quốc tế, và cuộc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.
Thay đổi trật tự kinh tế quốc tế: Cải cách hay cách mạng?



minh họa: articlesweb.org
"Khiêm tốn" trong các vấn đề quốc tế là một chiến lược quan trọng mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, đã xuất hiện nhiều cách hiểu khác nhau về chiến lược này. Một số người coi đây là một thay đổi lịch sử về chính sách đối ngoại, từ đối đầu sang hợp tác trong các vấn đề quốc tế, song song với chuyển đổi về chính sách đối nội từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế vào năm 1978. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng đây là một cách tranh thủ thời gian để phát triển kinh tế.
Tháng 10/2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi "nhân dân tất cả các nước cùng nắm tay cố gắng xây dựng một thế giới hài hòa, trong đó duy trì hòa bình và thịnh vượng chung". Lời kêu gọi này rõ ràng gợi ý rằng hợp tác là một chiến lược chính sách lâu dài đối với Trung Quốc.
Tháng 12/2010, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã công bố một bài viết nêu chi tiết hơn các quan điểm chính sách lâu dài của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, ông bác bỏ lời đồn rằng Trung Quốc có thể muốn tìm kiếm vai trò bá chủ sau khi trở thành nước công nghiệp hóa. Nói cách khác, Trung Quốc muốn làm việc trong khuôn khổ hiện nay. Nguyên tắc này nên được áp dụng cho cả lĩnh vực chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế.
Tuy nhiên vấn đề là, như nhiều chuyên gia quốc tế đã quan sát thấy, Trung Quốc không nói rõ quan điểm chính thức của mình về điều mà họ kỳ vọng hoặc mong muốn từ các cải cách hệ thống kinh tế quốc tế. Duy chỉ có Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBC) Chu Hiểu Xuyên đã đề xuất thay đổi quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF đầu năm 2009. Tuy nhiên, ngay cả đề xuất này cũng được nhiều người xem là một thăm dò mang tính học thuật hơn là một khuyến cáo cụ thể về chính sách.
Việc Trung Quốc thiếu cái nhìn về hệ thống kinh tế quốc tế tương lai tạo ra những bất chắc cho quá trình cải cách. Một nhóm tác nhân có thể giải thích cho việc này. Chiến lược chính sách mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thông qua trong cuộc cải cách kinh tế của nước này là cái gọi là "dò đá qua sông".
Sau thất bại lớn của hệ thống kế hoạch tập trung trong thời kỳ tiền cải cách, các nhà hoạch định chính sách này có lẽ không bao giờ đặt nhiều niềm tin vào một "kế hoạch" nữa. Vả lại, các hệ thống kinh tế không phải là những cơ thể sinh học hoặc cơ học. Các nhà cải cách phải thường xuyên thay đổi chiến lược chính sách của mình, thích nghi với các môi trường kinh tế mới. Chính phủ Trung Quốc không có một kế hoạch chi tiết khi họ bắt đầu cải cách kinh tế cuối những năm 1970, và nếu nhìn vào thành công sau này của các cuộc cải cách đó thì thấy chiến lược chính sách tối ưu có lẽ là không chọn kế hoạch nào.
Quan trọng hơn, khi Trung Quốc là một cường quốc mới trong nền kinh tế toàn cầu, vấn đề cải cách hệ thống kinh tế quốc tế là một chủ đề mới đối với các học giả và quan chức Trung Quốc. Mới đây, có một số cuộc cải cách bên trong Trung Quốc về định hướng tương lai của hệ thống kinh tế quốc tế. Một số người cho rằng duy trì nguyên trạng là có lợi nhất cho Trung Quốc trong khi (một số ít) những người khác tin rằng giờ là lúc để Trung Quốc thay đổi luật lệ cho thế giới.
Vì những ý kiến khác biệt trong lòng Trung Quốc như vậy, có lẽ sẽ cần thời gian để các lãnh đạo nước này đánh giá tình hình và đưa ra các quan điểm chính thức. Một diễn biến đáng lo ngại - bên cạnh sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế toàn cầu - đó là tình cảm dân tộc ngày càng lớn nổi lên bên cạnh những thành quả đáng kể về kinh tế vĩ mô của nước này trong cuộc khủng hoảng sub-prime.
Một số học giả đã bắt đầu gợi ý rằng Trung Quốc nên nói không với Mỹ. Khuyến cáo này bản thân nó có thể không trở thành một vấn đề lớn. Nhưng suy nghĩ cơ bản là Trung Quốc thường bị hăm dọa bởi sự bá chủ của Mỹ trong nửa thế kỷ qua, và giờ là lúc họ đập lại. Suy nghĩ này đáng lo ngại vì nó ủng hộ sự đối đầu trong các quan hệ kinh tế quốc tế.
Bài phát biểu về chính sách khá đúng lúc của ông Đới Bỉnh Quốc (năm 2010) nói trên rõ ràng bác bỏ lập luận rằng Trung Quốc giờ đây nên thách thức sự tồn tại của các cường quốc. Trên thực tế, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc thừa nhận rằng nước này đang hưởng lợi chính từ hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay. Nếu không có môi trường mở cửa và tạo thuận lợi cho bên ngoài, Trung Quốc sẽ không thể đạt tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 30 năm qua.
Lời khuyên chính sách từ IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã giúp Trung Quốc tránh một số lỗi lớn về chính sách. Sự tiếp nối một số đặc điểm quan trọng của hệ thống hiện nay, trong đó có tự do thương mại và tự do dòng luân chuyển vốn, đều nằm trong lợi ích lớn nhất của cả Trung Quốc và thế giới.
Không ngạc nhiên khi xảy ra một số căng thẳng giữa Trung Quốc và các cường quốc hiện nay về kinh tế quốc tế. Dạng căng thẳng đầu tiên liên quan đến cuộc xung đột tiềm ẩn giữa các cường quốc đã xác lập và các cường quốc mới nổi. Vì Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một hoặc hai thập kỷ tới, nên bên nào cũng nghi ngờ về ý định của nhau. Đặc biệt, sự chuyển giao lãnh đạo thế giới từ một quốc gia-dân tộc này sang quốc gia-dân tộc khác trong quá khứ thường được giải quyết bằng các cuộc chiến tranh. Dù những nghi ngờ như vậy hiện nay không dẫn tới xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng chúng có thể gây ra những khó khăn cho sự trình hợp tác trong hệ thống kinh tế quốc tế.
Dạng căng thẳng thứ hai mang bản chất tư tưởng. Thật không may, nhiều người ở phương Tây sẽ xem Trung Quốc như một nước cộng sản tiêu biểu. Cách nhận thức như vậy càng rõ hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi các doanh nghiệp nhà nước (SOE) giành nhiều quyền lực hơn trong các hoạt động kinh tế nhằm đối phó với khủng hoảng. Kết quả là nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhầm lẫn về định hướng tương lai của việc cải cách nền kinh tế Trung Quốc - nhất là việc liệu Trung Quốc sẽ làm sâu sắc thêm cuộc cải cách theo định hướng thị trường, hay sẽ trở lại sự kiểm soát của nhà nước với toàn bộ nền kinh tế. Những thay đổi này cũng có thể giảm niềm tin giữa Trung Quốc với các nước khác trên thế giới.
Dạng căng thẳng thứ ba là dạng điển hình giữa các nền kinh tế thị trường tiên tiến và các nền kinh tế thị trường mới nổi liên quan đến hệ thống kinh tế lý tưởng. Hầu hết các nền kinh tế thị trường tiên tiến tin vào một hệ thống thị trường tự do trong đó hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các nền kinh tế mới nổi đã thông qua các cải cách hướng tới thị trường và vì vậy đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều nước trong số họ vẫn thận trọng với kiểu thị trường hoàn toàn tự do, trong đó tự do hóa hoàn toàn các tài khoản vốn, nhất là các dòng vốn ngắn hạn.
Các căng thẳng tiềm ẩn này đòi hỏi sự quản lý cẩn thận thông qua các thỏa thuận khác nhau ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế. Nhiều trong số căng thẳng này có thể được hóa giải thông qua tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác sâu rộng hơn.
Trong một nền kinh tế toàn cầu, sự nổi lên của Trung Quốc không khiến Mỹ hay các nền kinh tế lớn khác trên thế giới phải trả giá; như bằng chứng là trong 30 năm qua, đây là không phải là một trò chơi "được ăn cả ngã về không". Cùng với Mỹ, Trung Quốc có một lợi ích lớn khi tin tưởng vào hệ thống hiện tại, và bất kỳ gợi ý tích cực nào nhằm cải cách hệ thống hiện nay theo sáng kiến của Trung Quốc hay các nền kinh tế mới nổi khác sẽ cũng có lợi cho Mỹ.
Hơn nữa, những bất đồng giữa Trung Quốc và các cường quốc kinh tế hiện tại có thể giảm bớt theo thời gian, khi Trung Quốc tiếp tục cuộc cải cách của mình và mang tính toàn cầu hơn, và khi các thể chế điều hành thế giới trở thành một hệ thống đa cực.
Quyết định của IMF cho phép tạm thời sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn là một ví dụ. Trung Quốc đề nghị thay đổi hệ thống kinh tế quốc tế vì nó không còn phản ánh thực tế kinh tế thế giới. Cũng bởi vì nó không còn là thỏa thuận đáng tin cậy và hiệu quả nhất, vì vị thế yếu dần của USD. Và cuối cùng, đó là vì hệ thống hiện nay không công bằng trong một số lĩnh vực, như vai trò bá chủ của Mỹ và một số nước châu Âu trong các tổ chức kinh tế quốc tế. Cải cách rất cần thiết để trao một vai trò lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi trong việc ra các quyết định kinh tế quốc tế. Các quy định kinh tế quốc tế cũng cần phản ánh tốt hơn các điều kiện mới về kinh tế và thị trường, như sự phức tạp của một loạt sản phẩm tài chính trên các thị trường tài chính toàn cầu. Thế giới cũng cần một hệ thống dự trữ quốc tế mới có thể hỗ trợ tăng trưởng ổn định liên tục của nền kinh tế toàn cầu.
Mục tiêu tối thượng của các đề nghị cải cách của Trung Quốc là để hệ thống kinh tế quốc tế mới mang tính đại diện hơn, công bằng hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Trung Quốc không có ý định xây dựng lại hoàn toàn hệ thống này. Họ không có lợi khi phát triển một hệ thống cạnh tranh song song với hệ thống hiện nay. Nền kinh tế thế giới đã trở thành một hệ thống đa cực hơn và các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, nên có ảnh hưởng nhiều hơn trong các quyết định kinh tế quốc tế quan trọng.

Trung Quốc cần học cách ứng xử với Mỹ và thế giới

Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rất có hại cho sự mở cửa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trong tương lai. Đặc biệt, các học thuyết âm mưu rất phổ biến trong các cuộc thảo luận về quan hệ kinh tế với bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ.

Hệ thống dự trữ toàn cầu: USD, SDR hay NDT?
USD là một hòn đá tảng của hệ thống kinh tế quốc tế thời kỳ sau chiến tranh. Hệ thống  Bretton Woods được thành lập năm 1944 có hai trụ cột quan trọng: đồng USD quy đổi ra vàng và hầu hết các đồng tiền khác quy đổi sang USD. Hệ thống Bretton Woods sụp đổ năm 1971 khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đình chỉ khả năng quy đổi của USD ra vàng vì thanh khoản USD vượt quá tăng trưởng vàng. Cuối cùng, hầu hết các nước dần chuyển đổi sang cơ chế tỷ giá mềm dẻo. Nhưng USD vẫn là dự trữ ngoại tệ toàn cầu quan trọng nhất.
Niềm tin của cộng đồng quốc tế vào USD đã bắt đầu suy giảm từ cuối những năm 1990, khi thâm hụt kép của Mỹ bắt đầu tăng nhanh chóng. Trong những năm đầu thế kỷ 21, thâm hụt cán cân thanh toán của Mỹ tiếp tục nới rộng và nợ của nước này tích lũy nhanh. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là kết quả của chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đặc biệt là mức lãi suất thấp, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư thái quá. Một số người cũng đổ lỗi vấn đề này là do cái gọi là Thế tiến thoái lưỡng nan Triffen: nhu cầu ngày càng lớn đối với đồng tiền dự trữ toàn cầu (USD) đẩy Mỹ vào thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng lớn, từ đó làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư vào USD.
Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia liên tục kêu gọi đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ mà nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đang nắm giữ, đặc biệt là ở châu Á. Theo dữ liệu của IMF, tỷ lệ trung bình các tài khoản bằng USD trong tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm gần 10% trong 10 năm trước khi xảy ra khủng hoảng sub-prime. Một số chuyên gia lo ngại về một cuộc khủng hoảng USD, kết quả của việc tranh nhau bán tài sản bằng USD trên thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng này đã không xảy ra. Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng sub-prime, USD đã tăng giá vì các nhà đầu tư vẫn coi Mỹ là một thiên đường an toàn trong những lúc bất chắc.
Tuy nhiên, câu hỏi về tương lai của đồng USD sẽ không nhanh chóng trôi qua. Đề nghị của ông Chu Hiểu Xuyên, thay đổi SDR của IMF bằng một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia, là một lời đáp cho những lo ngại về hệ thống dự trữ toàn cầu hiện nay. Ông Chu đã khuyến cáo các bước chi tiết để cải cách SDR, bao gồm mở rộng giỏ SDR, thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức giữa SDR với các đồng tiền quốc tế chính khác, sử dụng SDR trong một số giao dịch kinh tế quốc té, và phát hành tài sản bằng SDR. Sau này, Ủy ban Chuyên gia Tài chính và Cải cách tiền tệ của LHQ, do Joseph Stiglitz làm chủ tịch, cũng đưa ra một đề xuất tương tự nhằm tạo ra một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia. Tạo ra đồng tiền này là một ý tưởng thông minh để vượt qua cuộc khủng hoảng cố hữu giữa chức năng toàn cầu và chính sách quốc gia của một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Ý tưởng này có thể xuất phát từ Keynes.
Đặc biệt, SDR là một chủ đề chính trong cuộc thảo luận về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế tại các hội nghị G20. Vai trò của SDR có thể ít nhất mở rộng trong các lĩnh vực đầu tư dự tữ và quản lý tiền mặt. Nhưng bước đầu tiên, giỏ tiền tệ - hiện gồm USD, euro, bảng Anh và yen Nhật - cần được mở rộng hơn để đưa thêm vào một số đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Tuy nhiên, bước chỉnh sửa tiếp theo sẽ không diễn ra trước năm 2015 sau khi tiến hành sửa đổi gần đây nhất vào năm 2010.
Ông Yi Gang, Phó Thống đốc PBC và là người điều hành Cục Trao đổi ngoại hối quốc gia (SAFE), mới đây đưa ra một đề xuất mở rộng SDR bằng việc trước tiên tạo ra một cái bóng của SDR. IMF đặt ra hai tiêu chí để một đồng tiền được đưa vào SDR: thị phần của một quốc gia trong thương mại toàn cầu và thị phần của đồng tiền một quốc gia trong các giao dịch tài chính quốc tế. Theo các tiêu chí này, Trung Quốc đề xuất rằng IMF tạo ra một "SDR phụ" vào năm 2011 trong đó bao gồm cả các đồng tiền của các nước BRICS. Như vậy có thể tính được chỉ số SDR phụ hoặc lãi suất và tiếp tục sửa đổi ảnh hưởng của nó trong những năm tiếp theo. Đến năm 2015, IMF có thể chính thức mở rộng giỏ SDR bằng việc đưa vào đó đồng tiền của các thị trường mới nổi.
Việc tạo ra một đồng tiền siêu quốc gia, dù cuối cùng có thể thành công, sẽ phải trải qua một tiến trình rất dài. Nó sẽ đòi hỏi các quốc gia riêng lẻ nhượng bộ chủ quyền tiền tệ của mình và thành lập một ngân hàng trung ương toàn cầu. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, đòi hỏi điều này trong tương lai gần.
Điều nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay là một hệ thống tiền tệ dự trữ đa dạng. Một mặt, USD không còn chế ngự hệ thống tài chính toàn cầu như trong nửa thế kỷ qua nữa. Mặt khác, chưa thực sự có đồng tiền nào thay thế được USD. Vì vậy, USD sẽ vẫn là một trong những ngoại tệ dự trữ quan trọng nhất trên thế giới, dù tầm quan trọng của nó có thể giảm dần. Cùng lúc đó, một số đồng tiền khác, như euro, sẽ có vai trò lớn hơn.
Theo một cách nào đó, điều này đang diễn ra. Trong 10 năm qua, thị phần của tài sản bằng euro trong dự trữ ngoại hối gia tăng đều đặn, bên cạnh đó là sự suy giảm của thị phần tài sản bằng USD. Một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu hệ thống dự trữ đa ngoại tệ có chỗ cho các đồng tiền của các thị trường mới nổi hay không? Hiện nay, các đồng tiền dự trữ chủ yếu là của các nước công nghiệp hóa. Nhưng vì vai trò của các nền kinh tế thị trường mới nổi ngày càng tăng, liệu các nền kinh tế này, đặc biệt là các quốc gia BRICS, có thể đóng một vai trò nào đó trong hệ thống dự trữ toàn cầu hay không?
Vai trò toàn cầu của đồng nhân dân tệ (NDT) là chủ đề được tranh cãi gay gắt cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Tại hội thảo G20 về hệ thống tiền tệ quốc tế ở Nam Kinh tháng 4/2011, hầu hết các quan chức từ các nước G20 đều nhất trí rằng NDT nên được đưa vào giỏ SDR. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là liệu việc đưa đồng tiền này vào SDR có nên đi kèm với điều kiện là khả năng hoán đổi của tài khoản vốn và độ mềm dẻo của tỷ giá hối đoái NDT hay không.
Việc quốc tế hóa đồng NDT đã được nhắc lại khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây ít nhất là một câu trả lời trước triển vọng mù mờ của USD. Từ giữa năm 2008, PBC đã thu hẹp biên độ tỷ giá hối đoái của NDT, nhưng cùng lúc lại tăng tốc quá trình quốc tế hóa đồng tiền này.
Cuộc cải cách triệt để chính sách đồng NDT đã bắt đầu từ đầu năm 1994, khi PCB thống nhất tỷ giá chính hối đoái chính thức và trên thị trường, và thông qua một cơ chế thả nổi có kiểm soát. Những năm sau đó, NDT đã dần dần tăng giá cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á. Sau nhiều lần tạm ngừng trong thời gian khủng hoảng tài chính châu Á và khủng hoảng sub-prime ở Mỹ, NDT đã trở lại cơ chế thả nổi có quản lý từ ngày 19/6/2010. Nhưng nhìn chung, tỷ giá hối đoái của đồng tiền này vẫn rất cứng nhắc và NDT có thể vẫn đang bị định giá thấp hơn giá trị thực - bằng chứng là thặng dư cán cân thanh toán rất lớn và dự trữ ngoại tệ tăng nhanh của Trung Quốc.

Ảnh minh họa: CafeF
Tháng 12/1996, PBC thông báo với IMF việc áp dụng khả năng hoán đổi cán cân thanh toán. Dù việc này liên tiếp bị hoãn vì nhiều cuộc khủng hoảng tài chính bên ngoài, nhưng Trung Quốc đã tiếp tục các bước hướng tới tự do hóa tài khoản vốn, bao gồm việc thông qua các mô hình Đầu tư chứng khoán của các định chế nước ngoài (QFII) và Đầu tư chứng khoán của các định chế trong nước (QDII), sử dụng NDT trong các giao dịch kinh tế quốc tế với các nước láng giềng, và thiết lập một thị trường NDT ở Hong Kong. Trên thực tế, một số ngân hàng trung ương như ở Thái Lan và Nga đã bắt đầu coi NDT là ngoại tệ dự trữ của mình.
Nhưng NDT vẫn còn một con đường dài trước khi được quốc tế hóa. PBC vẫn can thiệp mạnh vào các thị trường ngoại hối và kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn xuyên biên giới, đặc biệt là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thanh toán nợ và danh mục vốn đầu tư của các ngân hàng. Quan trọng nhất, chính thị trường quốc tế, chứ không phải chính quyền Trung Quốc, quyết định việc NDT có trở thành đồng tiền quốc tế hay không.
Trung Quốc đã thấy rõ sự cần thiết phải cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Họ cũng quan tâm tới việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT. Tuy nhiên sẽ có lợi nhất cho Trung Quốc và thế giới nếu đảm bảo sự chuyển tiếp êm ả của hệ thống dự trữ toàn cầu. Trung Quốc, Mỹ và các nền kinh tế lớn nên phối hợp hỗ trợ sự ổn định của USD. Sau cùng, USD vẫn là đồng tiền quan trọng nhất đối với các giao dịch kinh tế của Trung Quốc với nước ngoài và chiếm khoảng 60% trong số hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này.
Các đề nghị, vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc
Có thể kết luận bằng cách trả lời ba câu hỏi liên quan đến quan điểm của Trung Quốc về cải cách hệ thống kinh tế quốc tế: Trung Quốc muốn gì? Họ có thể mang đến những gì? và Trách nhiệm của họ là gì?
Trung Quốc muốn gì? Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống kinh tế quốc tế để phản ánh thực tế mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Đồng thời, Trung Quốc cũng hy vọng duy trì các đặc điểm tích cực của hệ thống hiện nay vốn đã góp phần tạo ra sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ qua, đặc biệt là sự thúc đẩy tự do thương mại, tự do của các dòng vốn, và toàn cầu hóa.
Trung Quốc là nước hưởng lợi chính từ hệ thống quốc tế hiện nay và sẽ vẫn giúp cải thiện nó. Trung Quốc không quan tâm tới việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới bên cạnh cái hiện có. Nhưng hệ thống kinh tế quốc tế mới nên tăng vai trò ảnh hưởng của các nền kinh tế thị trường mới nổi và chú ý nhiều hơn tới các điều kiện của các nước đang phát triển khi lập ra các quy định kinh tế.
Trung Quốc ủng hộ tiến trình G20, tiến trình có thể kết hợp tốt nhất giữa tính hiệu quả và tính đại diện. G7 hay G8 - cái gọi là câu lạc bộ những nước giàu - là một thể chế đã lỗi thời. Trung Quốc đánh giá cao quan hệ đối tác với Mỹ, nhưng không tìm cách thể chế hóa một nền tảng G2 trong các vấn đề kinh tế quốc tế.
Các tổ chức quốc tế nên có trách nhiệm toàn cầu nhiều hơn, như giám sát kinh tế vĩ mô, điều tiết tài chính và quản lý lưu thông tiền mặt toàn cầu. Nhưng trước hết, các tổ chức này cũng sẽ cần tiến hành các cuộc cải cách nhằm tăng tính đại diện, hiệu quả và công bằng. Cấu trúc điều hành của các tổ chức quốc tế nên thay đổi nhằm phản ánh đúng hơn tầm quan trọng ngày càng lớn của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Và việc đặt ra các quy định kinh tế quốc tế cũng nên chú ý hơn tới các điều kiện hiện nay của các nước đang phát triển.
Hệ thống dự trữ toàn cầu đang cần cải cách khẩn cấp. Giới chức Trung Quốc gần đây đề nghị một giỏ SDR phụ, bao gồm cả một số đồng tiền của các nước BRICS trước khi có sự sửa đổi chính thức SDR vào năm 2015. Tuy nhiên trong tương lai gần, một hệ thống dự trữ đa hối sẽ nhiều khả năng xảy ra hơn. Trung Quốc quan tâm đến việc tìm kiếm một vai trò của NDT trong tương lai, bên cạnh euro và một số đồng tiền khác. Trước mắt, Trung Quốc, Mỹ và các nước khác trên thế giới sẽ có lợi hơn nếu đồng USD được ổn định.
Trung Quốc có thể đem đến những gì? Là nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất và năng động nhất, Trung Quốc cũng có thể đóng góp vào cuộc cải cách hệ thống kinh tế quốc tế. Điều này phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc phối hợp với các nước khác xây dựng một thế giới hài hòa. Như Trung Quốc đã thể hiện trước đây trong các cuộc thương lượng về các vấn đề khó như sự biến đổi khí hậu và tái cân bằng toàn cầu, họ ưu tiên giải quyết các vấn đề thông qua hợp tác, chứ không phải đối đầu.
Quan hệ đối tác Mỹ - Trung là cần thiết nhưng không phải là điều kiện đủ cho hợp tác kinh tế quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Đối thoại Chiến lược và Kinh tế định kỳ giữa hai nước là một khuôn khổ quan trọng cho hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương và đa phương. Trung Quốc cũng muốn phối hợp với các thành viên khác của BRICS để đưa ra các quan điểm chính sách thị trường mới nổi và cùng nhau thúc đẩy các sáng kiến này trong khuôn khổ toàn cầu như G20 và IMF.
Trung Quốc có thể giúp hỗ trợ việc ổn định USD trên các thị trường ngoại hối, như thông qua sự quản lý uyển chuyển đối với lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn của họ. Nhưng điều này đòi hỏi sự hợp tác của Mỹ về cách quản lý của riêng họ đối với các chính sách tiền tệ và tài chính. Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ quá trình tái cân bằng toàn cầu bằng việc trước tiên giảm thặng dư cán cân thanh toán của mình. Trung Quốc cũng có thể có lợi khi chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và giúp hoàn tất vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại.
Trung Quốc có trách nhiệm gì? Trước tiên, với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cần bỏ tâm lý quốc gia nhỏ. Các quyết định kinh tế của bất cứ quốc gia nào cũng nên tính đến các phản ứng có thể của các nước khác. Chính sách tỷ giá hối đoái là một ví dụ điển hình. Những thay đổi của đồng tiền trong một quốc gia nhỏ không có tác động nào đối với thế giới, nhưng thay đổi này tại một nước lớn như Trung Quốc có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong thương mại toàn cầu và các cấu trúc sản xuất.
Thứ hai, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rất có hại cho sự mở cửa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trong tương lai. Đặc biệt, các học thuyết âm mưu rất phổ biến trong các cuộc thảo luận về quan hệ kinh tế với bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ. Nếu chúng ta không giảm thiểu hiệu quả sự ảnh hưởng của các tư tưởng thời chiến tranh Lạnh trong các quyết định chính sách kinh tế quốc tế, chúng ta sẽ không thể trở thành một đối tác đáng tin cậy của các quốc gia khác trong việc cải cách hệ thống kinh tế quốc tế.
Thứ ba, Trung Quốc nên thúc đẩy hơn nữa tự do hóa nền kinh tế của mình và tiến gần hơn tới một nền kinh tế thị trường, trong đó có các cuộc cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái, kiểm soát tài khoản vốn và biến động tại các thị trường tác nhân khác. Đồng thời, Trung Quốc cũng nên thúc đẩy sự phát triển của khối tư nhân và giảm ảnh hưởng của khối nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế quốc tế. Điều này rất quan trọng để hỗ trợ cho một hệ thống kinh tế quốc tế mở và hiệu quả.
Và cuối cùng, cũng có thể đã đến lúc để Trung Quốc học cách làm việc với Mỹ và các thành viên khác của G20 để cung cấp các dịch vụ hàng hóa công cho nền kinh tế thế giới. Cùng với việc Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đòi có thêm quyền, họ cũng nên chia sẻ thêm trách nhiệm trong việc duy trì một môi trường kinh tế toàn cầu ổn định, thực thi các luật lệ kinh tế quốc tế và giúp đỡ các quốc gia tạm thời đang phải hứng chiu những cú sốc không mong muốn./.

  • Châu Giang dịch từ cuốn Rising China: Global Challenges and Opportunities

 Tướng lĩnh Trung Quốc nói về sức mạnh quân sự

Một thiếu tướng đồng thời là ủy viên cơ quan tư vấn chính trị cao cấp nhất của Trung Quốc nói rằng sự phát triển của quân đội nước này không phải là mối đe dọa đối với các nước khác, nhất là Mỹ.

Phát biểu của ông được đưa ra ngay trước khi Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khai mạc, có lẽ là nhằm xoa dịu những tuyên bố rất táo bạo về sức mạnh quân sự từ một số sĩ quan cao cấp trước đó.
“Trung Quốc là quốc gia duy nhất thuộc Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc chưa đạt được toàn vẹn lãnh thổ,” thiếu tướng Luo Yuan, nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Khoa học Quân sự danh tiếng của Trung Quốc, nói.
“Chúng tôi cần suy tính kỹ để làm sao bảo đảm được toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi không có ý định thách thức Mỹ,” ông thêm.
Xe bọc thép chở tên lửa phòng không trong cuộc diễu binh rầm rộ ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Đức Thắng.
Đầu tháng này, một cuốn sách của đại tá Liu Mingfu, giáo sư Học viện Quốc phòng Trung Quốc, gây xôn xao trong giới quân sự. Trong cuốn sách mang tên "Giấc mơ Trung Quốc" dày 303 trang, ông Liu viết: "Mục tiêu lớn lao của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là đạt được vị trí quyền lực số 1 trên thế giới”.
Cuốn sách được đặc biệt chú ý bởi những lời lẽ táo bạo, yêu cầu Trung Quốc có những hành động mạnh mẽ để đáp trả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Tổng thống Barack Obama đón tiếp Dalai Lama và những bất đồng khác trong quan hệ Trung - Mỹ. Mối quan hệ này đang được giới quan sát đánh giá là ở mức căng thẳng nhất kể từ khi Obama nhậm chức.
Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc là "cuộc cạnh tranh để trở thành quốc gia dẫn đầu, một cuộc xung đột để khẳng định bên nào sa sút và bên nào tiến lên thống trị thế giới", cuốn sách của ông Liu có đoạn.
Một số sĩ quan khác, trong đó có đại tá Dai Xu của quân đội giải phóng nhân dân, đồng tình với Liu.
“Tôi rất bi quan trước tình hình tương lai,” đại tá không quân Dai Xu viết trong một cuốn sách khác. Ông này cho rằng Trung Quốc đang bị vây xung quanh bởi sự thù địch từ những quốc gia được Mỹ bảo trợ. “Tôi tin rằng Trung Quốc không thể thoát khỏi tai họa chiến tranh và tai họa này có thể đến trong một tương lai không xa, tối đa là 10 đến 20 năm.”
"Nếu Mỹ có thể đốt lửa ở sân sau của Trung Quốc, chúng ta cũng đốt lửa ở sân nhà họ", China Daily dẫn lời Dai cảnh báo.
Theo quan sát của hãng Reuters thì quan điểm của Liu và Dai không phải là quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc, nhưng nó phản ánh ý muốn của một bộ phận ở trong nước này, muốn chính quyền chuyển sức mạnh kinh tế to lớn của mình thành một động lực đối trọng với phương Tây - vốn đang ì ạch trèo lên khỏi vũng suy thoái.
Có nhiều người không đồng tình với Liu và Dai. Thiếu tướng Luo nhấn mạnh rằng “đó chỉ làm tham vọng của riêng ông ấy (Liu) mà thôi”.
Zhao Qizheng, phát ngôn viên của Chính hiệp nói rằng lực lượng quân đội Trung Quốc sẽ không đe dọa bất cứ quốc gia nào. “Quốc phòng Trung Quốc chiếm khoảng 1,4-1,5% tổng sản phẩm quốc nội trong những năm gần đây. Trong khi, tại Mỹ, con số đó là 4% GDP của Mỹ, tức là gấp 3 lần của Trung Quốc,” ông Zhao nói hôm thứ ba.
Theo ông Zhao, ngân sách cho quân đội Trung Quốc năm 2009 là 480 tỷ nhân dân tệ (hơn 70 tỷ đôla Mỹ) và chỉ một phần ba trong số đó được dành cho nghiên cứu, phát triển và mua vũ khí mới. “Có lẽ ngần đó không đủ để mua một máy bay ném bom B2,” ông nói thêm.
Máy bay của quân đội Trung Quốc trình diễn trong lễ kỷ niệm 60 năm quốc khánh. Ảnh: Reuters.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc cho năm nay dự kiến tăng 7,5%, mức thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số trong hơn chục năm liên tiếp vừa qua. Năm 2010, chi tiêu quốc phòng nước này dự kiến là 78 tỷ USD.
Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm thông tin quốc phòng Mỹ, ngân sách quân sự của nước này năm ngoái là 494 tỷ USD.
“Sự phát triển của Trung Quốc không nhằm thách thức bất kỳ nước nào. Trung Quốc cũng không có ý định thay đổi trật tự thế giới hiện nay,” một quan chức cao cấp giấu tên của PLA đồng thời là chuyên gia của một học viện quân sự hàng đầu nước này nói.
Ông cũng thừa nhận rằng Trung Quốc có "đủ vũ khí cần thiết", nhưng “không thể so sánh được với Mỹ về mặt số lượng".
“Cá nhân tôi, tôi không đồng ý với những ngôn từ đao to búa lớn của các học giả, những lời này có thể làm méo mó hình ảnh của Trung Quốc,” China Daily dẫn lời ông nói. “Nên làm nhiều hơn và nói ít thôi".

Ai sẽ "bá chiếm" châu Phi?

Hai gã khổng lồ của châu Á đang thể hiện sự quan tâm tới châu Phi mạnh mẽ hơn bao giờ hết, điều này dẫn tới những nhận định sai lầm về vai trò của các công ty Trung Quốc và Ấn Độ đang đóng góp tại đây, hai tác giả Anil K. Gupta và Haiyan Wang viết.
Ngày càng nhiều các quốc gia châu Phi đang tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Trong vòng một thập niên trở lại đây, GDP của lục địa này đã tăng bình quân 5,1%/năm, thấp hơn so với các gã khổng lồ đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ nhưng cao hơn nhiều mức 2,9% tăng trưởng toàn cầu. Trong giai đoạn này, châu Phi cũng trở nên gắn kết hơn nhiều với nền kinh tế toàn cầu và kim ngạch thương mại đã tăng bình quân năm 12,9%, so với mức tăng 8,9% của thế giới.
Quan hệ kinh tế của châu Phi với Trung Quốc và Ấn Độ phát triển với tốc độ đặc biệt nhanh. Tiến trình này - khi đặt trong bổi cảnh vươn lên liên tục của châu Á thành trung tâm kinh tế của thế giới - đã khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã tiếp quản vị thế cường quốc kinh tế mới ở châu Phi từ tay phương Tây. Tuy nhiên, kết luận này lại dựa trên những nhìn nhận sai lầm về sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ vào châu Phi.
Cuộc đua "giành giật" châu Phi?
Giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại của châu Phi với Trung Quốc tăng bình quân 29%/năm (từ 9 tỷ USD lên 119 tỷ USD) và với Ấn Độ tăng 18% (từ 7 tỷ USD lên 35 tỷ USD). Có thể nói tốc độ tăng trưởng ấy khá ngoạn mục, thế nhưng chủ yếu nó vẫn dựa trên nền tảng cơ sở rất yếu. Cho tới nay, quan hệ kinh tế của châu Phi với châu Âu vẫn lấn át quan hệ với Trung Quốc hay Ấn Độ. Năm 2010, châu Âu nhập 36% hàng xuất khẩu của châu Phi, trong khi chỉ 13% số hàng này sang Trung Quốc và 4% sang Ấn Độ. Trên 37% tổng lượng hàng nhập khẩu của châu Phi đến từ châu Âu, so với 12% từ Trung Quốc hay 3% từ Ấn Độ. Năm 2010, ngay cả Mỹ cũng đứng trên Trung Quốc về tổng kim ngạch thương mại hàng hóa với châu Phi.
Tính tới hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ mới chỉ đóng vai trò rất nhỏ, dù đang tăng, trong tổng vốn đầu tư vào châu Phi. Mỗi nước này chỉ chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào châu Phi, bằng một phần khiêm tốn FDI từ châu Âu và Mỹ vào đây.
Tóm lại, với tư cách là thành viên mới và tích cực tham gia vào "cuộc chơi" châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến nhanh vào lục địa này. Tuy nhiên, bất chấp vẻ bề ngoài dũng mãnh đó, họ vẫn thua xa các nước phát triển - đặc biệt là châu Âu - về phương diện gắn kết kinh tế với châu Phi.
Đến châu Phi  để cào tài nguyên thiên nhiên?
Nhiều công ty Ấn Độ đang tìm kiếm cơ hội đưa hàng hóa vào bán tại thị trường châu Phi. Năm 2010, hãng viễn thông Bharti Airtel trả 9 tỷ USD để mua lại chi nhánh viễn thông tại châu Phi từ tập đoàn Zain của Kuwait. Tata Motors, nhà sản xuất ô-tô lớn nhất của Ấn Độ, vừa khai trương một nhà máy lắp ráp tại Nam Phi. Tập đoàn Essar có trụ sở tại Mumbai đang đầu tư vào ngành thép châu Phi, và Godrej, một tập đoàn khác tại Mumbai, cũng hoạt động rất tích cực tại thị trường hàng tiêu dùng châu Phi. Karuturi Global, một công ty ở Bangalore và là nhà cung cấp hoa hồng lớn nhất thế giới, vừa trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành nông nghiệp thương mại của châu Phi và đang thuê 1.200 dặm vuông (tương đương gần 200km²) đất ở Ethiopia. Các công ty Ấn Độ còn rất năng động trong thị trường dịch vụ IT mới nổi của châu Phi.

Ảnh minh họa hptv.wordpress.com
Các công ty Trung Quốc cũng quan tâm không chỉ tới tài nguyên thiên nhiên của châu Phi. Trung Quốc ngày càng tích cực hơn trong việc giúp đỡ châu Phi xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cảng và nhà máy điện. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung-Phi năm 2009, Trung Quốc đã cam kết xây dựng 100 dự án năng lượng sạch tại châu Phi, bao gồm các dự án điện mặt trời, khí biogas và thủy điện. Nước này cũng tuyên bố thực hiện từng bước chương trình thuế quan nhập khẩu 0% cho 95% sản phẩm từ các nước kém phát triển nhất của châu Phi.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang bắt đầu coi châu Phi không chỉ đơn thuần là "kho" cung cấp tài nguyên mà còn là một thị trường và một mục tiêu đầu tư trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Thực dân kiểu mới tại châu Phi?
Những tháng gần đây, thủ tướng Anh  David Cameron và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đều lên tiếng cảnh báo châu Phi nên cảnh giác với nguy cơ "chủ nghĩa thực dân mới", nhất là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, về khía cạnh này, phương Tây không có nhiều cơ sở đạo đức để đứng ra khuyên châu Phi. Hãy cứ nhìn vào thực tiễn lịch sử sẽ biết. Trong thời thực dân, quan hệ giữa phương Tây với châu Phi chủ yếu là quan hệ nhằm vơ vét tài nguyên từ lục địa đen mà không trao đổi lại bất cứ thứ gì. Khi thời thực dân chấm dứt, quan hệ của phương Tây chuyển sang từ "vơ vét sạch tài nguyên" sang "đổi tài nguyên lấy tiền". Cách làm này có giúp gì cho các nền kinh tế châu Phi hay không còn đang là điều tranh cãi, bởi tiền cuối cùng lại về nằm trong các tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ của các nhà lãnh đạo tham nhũng ở châu Phi.
Quan hệ của Trung Quốc - dựa trên nền tảng "đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng" - hoàn toàn khác biệt. Dù cho những thỏa thuận cơ sở hạ tầng vẫn khó tránh khỏi tham nhũng, nhưng mức độ tham nhũng rõ ràng thấp hơn. Hơn nữa, ở một lục địa như châu Phi, cơ sở hạ tầng tốt hơn có ý nghĩa quan trọng tới việc thúc đẩy nâng cao năng suất.
Quan hệ của Ấn Độ, chủ yếu dựa trên khu vực tư nhân và tập trung chính vào đầu tư và tạo việc làm tại châu Phi, thậm chí còn có tiềm năng làm lợi lớn hơn cho châu Phi. Ngoài những động thái kể trên của các công ty thuộc khu vực tư, chính phủ Ấn Độ cũng đã triển khai một dự án có tên Pan-African e-Network với mục đích kết nối toàn bộ 53 quốc gia châu Phi bằng vệ tinh và mạng cáp quang. Chính phủ Ấn Độ còn mở chương trình trị giá 700 triệu USD nhằm phát triển các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo tại châu Phi.
Như vậy, sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ vào châu Phi về mặt cơ cấu khác với sự can sự của Mỹ và châu Âu và có triển vọng mang lại ảnh hưởng dài hạn cho quá trình tạo dựng các năng lực của tổ chức và con người tại các quốc gia châu Phi.
Hệ lụy
Mặc dù châu Phi rất giàu tài nguyên thật, nhưng đây không phải là khu vực nhiều tài nguyên duy nhất trên thế giới. Các khu vực đặc biệt giàu tài nguyên còn có Nga, Mông Cổ, Trung Đông, Mỹ Latinh, Australia, Canada và Mỹ. Như thế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi khó có thể cho mang lại cho nước này thế độc quyền về bất cứ loại hàng hóa nào. Thực tế, đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn giúp mở rộng nguồn cung của nhiều loại hàng hóa và do đó thậm chí giúp hạn chế giá hàng hóa tăng cao hơn so với không đầu tư.
Lấy ví dụ về trường hợp dầu mỏ. Với một quốc gia như Ấn Độ, việc có thùng dầu nào được khai thác lên từ các giếng dầu nào ở Angola, Nigeria, Canada, hay Nga cũng không quan trọng. Điều đáng nói duy nhất là tác động tích cực từ đầu tư của Trung Quốc vào tài nguyên dầu của châu Phi lên tổng cung dầu của thế giới. Do vậy, đầu tư của Trung Quốc vào tài nguyên thiên nhiên của châu Phi nên được coi là trường hợp "win-win-win"-tất cả đều được lợi, lợi cho Trung Quốc, lợi cho châu Phi, và lợi cho các nước nhập khẩu tài nguyên khác.
Ấn Độ không thể cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi?
Lĩnh vực duy nhất Ấn Độ không thể cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi là đấu thầu nhượng quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đơn giản vì Trung Quốc nhiều vốn hơn Ấn Độ. Bên cạnh đó, hầu hết nhà đầu tư Trung Quốc vào châu Phi đều là những doanh nghiệp nhà nước, được tiếp cận nguồn vốn với chi phí cực thấp từ các ngân hàng nhà nước. Ngược lại, ở khu vực tư nhân, chính Ấn Độ mới là người giữ vai trò đầu tàu tại châu Phi.
Tuy nhiên, có lẽ điều khiến Ấn Độ cảm thấy khó chịu nhất là đầu tư của Trung Quốc vào tài nguyên thiên nhiên tại châu Phi. Trong các ngành khác ngoài tài nguyên thiên nhiên, các công ty Ấn Độ chiếm thế thượng phong so với các "đối thủ" Trung Quốc. Về mặt kinh tế-xã hội (như mức thu nhập thấp, dân số đa dạng, sử dụng tiếng Anh phổ biến), châu Phi thậm chí còn gần gũi với Ấn Độ hơn nhiều Trung Quốc. Chưa hết, các công ty tư nhân Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các công ty toàn cầu hơn so với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Bharti Airtel là ví dụ nổi bật cho thấy sức mạnh của Ấn Độ trước Trung Quốc. Bharti Airtel dễ dàng trở thành nhà mạng di động lớn thứ hai tại châu Phi và vừa chuyển giao thành công mô hình cải tiến tiết kiệm từ Ấn Độ cho châu Phi. Trong khi đó, China Mobile gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tính toán khả năng tạo dựng giá trị nếu mua lại một nhà máy nào đó ở châu Phi. Câu chuyện Bharti Airtel còn lặp lại ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác của châu Phi như ô-tô, thép, nông nghiệp và giáo dục.
Về tác giả: Anil K. Gupta là giáo sư dạy chiến lược tại Trường Kinh doanh Smith thuộc ĐH Marryland và là giáo sư thỉnh giảng về chiến lược tại trường Quản trị kinh doanh INSEAD. Haiyan Wang là đồng giám đốc Viện Trung Quốc Ấn Độ. Hai ông là đồng tác giả cuốn Getting China and India Right (Wiley, 2009) and The Quest for Global Dominance (Wiley, 2008).

  • Đình  Ngân dịch từ Bloomberg businessweek

Mỹ - Trung khẩu chiến vì tiền tệ

Bắc Kinh hôm qua giận dữ phản ứng lại việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật nhắm tới việc trừng phạt Bắc Kinh với lý do đồng nhân dân tệ bị dìm giá.

Ảnh minh họa: Asianews.
Ảnh minh họa: Asianews.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm qua khá thận trọng trong việc chỉ trích quyết định của Thượng viện Mỹ. Họ cho rằng dự luật sẽ không giải quyết được các khó khăn của kinh tế Mỹ. Thay vào đó, dự luật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình cải cách tỷ giá hối đoái mà Trung Quốc đang tiến hành, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại. Cơ quan này cũng cho rằng nếu tính tới lạm phát, giá trị đồng nhân dân tệ đã tăng lên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng dự luật của Mỹ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Quốc tế. Bộ Thương mại thì nói nó "không công bằng" và vi phạm quy tắc quốc tế.
Dù vậy, các nhà kinh tế không cho rằng những lời nói giận dữ trên sẽ dẫn tới thay đổi về mặt chính sách hay trả đũa, ít nhất là trong lúc này khi số phận của dự luật trên vẫn chưa rõ ràng. Dự luật được thông qua ở Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát. Trong khi đó, nó sẽ phải qua cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện mà phe Cộng hòa chiếm đa số, trước khi trình lên tổng thống.
"Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ có động thái lớn nào để đáp lại", nhà kinh tế học Wang Tao cho hay và thêm rằng bà cũng không tin dự luật trên sẽ biến thành luật.
Dự luật mà Thượng viện Mỹ thông qua muốn áp đặt thuế với hàng hóa xuất khẩu từ các nước có giá trị đồng tiền thấp hơn giá trị thực sự. Những người ủng hộ dự luật này than phiền việc đồng nhân dân tệ bị định giá thấp, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Họ tin rằng việc đẩy giá trị đồng nhân dân tệ lên cao hơn sẽ giúp Mỹ tăng cường xuất khẩu và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người Mỹ.
Phe phản đối thì khẳng định dự luật không đạt được kết quả gì ngoại trừ việc khiến Trung Quốc tức giận. Họ nói rằng quan hệ Mỹ - Trung đối mặt với những vấn đề còn lớn hơn.
Trong khi đó, quan chức cấp cao của Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn trong hướng tiếp cận với Mỹ kể từ suy thoái toàn cầu. Nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang ở thế đi lên, còn Washington đang trên đà suy thoái lâu dài. Những người khác thì thấy Trung Quốc có ưu thế vì là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn còn tăng trưởng nhanh chóng.
Giới chức Bắc Kinh thì đổ lỗi cho Washington đã đẩy thế giới vào khủng hoảng vì điều hành kinh tế kém. Họ cũng phản đối những động thái mà Mỹ tiến hành nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế, bao gồm mua trái phiếu để giảm lãi suất. Theo Bắc Kinh, điều đó khiến giá trị đồng đôla giảm và khiến lạm phát ở Trung Quốc cùng nhiều nền kinh tế đang lên tăng cao.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng bực dọc vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và những nỗ lực tăng cường ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN tuyên bố chồng lấn về chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn làm xấu đi quan hệ với Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ cũng như việc chuyển giao chính trị ngay tại Bắc Kinh năm tới. Họ cần sự ổn định về đối ngoại để tập trung cho quá trình này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thấy trong nền kinh tế toàn cầu hóa, số phận của Trung Quốc gắn chặt với Mỹ. Chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới cả hai nước, thậm chí Bắc Kinh còn chịu tổn thất hơn do kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Vì thế, phía sau những ngôn từ phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng hòa giải khi nhấn mạnh cam kết lâu nay của họ về việc tiếp tục cải cách tỷ giá hối đoái. Đó có thể là một dấu hiệu để hy vọng rằng Hạ viện Mỹ sẽ không thông qua dự luật trên. Thực tế, cả Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều nhắc lại luận điểm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sự linh hoạt của đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, dự luật này đặt Nhà Trắng vào tình thế nhạy cảm. Giống như các chính quyền trước đây, bộ máy của Tổng thống Barack Obama hiểu rằng họ cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề từ kinh tế tới an ninh. Tuy nhiên, chỉ trích Trung Quốc vẫn là xu hướng phổ biến. Nhiều chính trị gia Dân chủ, bao gồm những người trong các bang công nghiệp lớn, cho biết chính sách tiền tệ của Trung Quốc là không công bằng với công nhân Mỹ.
"Họ áp dụng luật dự do thương mại khi có lợi và phớt lờ nó khi thuận tiện với họ", Thượng nghị sĩ Charles Schumer, một người ủng hộ dự luật, cho biết. "Hàng năm nay, người Mỹ khó chịu với điều đó nhưng chẳng làm gì hiệu quả để ngăn chính sách này".
Những người phản đối dự luật cho biết thay vì kích động một cuộc chiến thương mại, Mỹ nên đối mặt với vấn đề của họ như tăng thâm hụt ngân sách quốc gia. "Chúng ta biết phải làm gì nhưng không làm", Thượng nghị sĩ Bob Corker, cho biết. "Vì thế chúng ta phải tìm hình nhân thế mạng".
Hạ viện Mỹ từng bỏ phiếu thông qua một dự luật tương tự năm 2010 khi phe Dân chủ chiếm đa số. Tuy nhiên, tương lai của dự luật vẫn chưa chắc chắn do lãnh đạo Cộng hòa cho rằng nó sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. 

Chiến lược đại dương của Trung Quốc

Trung Quốc đề ra chiến lược đại dương gồm hai mũi nhọn, và đang thực hiện chiến lược đó bằng chương trình hiện đại hóa và xây dựng lực lượng đầy ấn tượng.

Trong suốt một thập kỷ qua, khi phương Tây đang bận rộn chiến đấu với những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Trung Á, Trung Quốc đã bắt tay vào một nỗ lực khổng lồ và nhanh chóng, nhằm đưa quốc gia này trở thành một cường quốc hải dương ở Tây Thái bình dương và Ấn Độ dương. Đó là nhận xét của Robert C. O'Brien, luật gia nổi tiếng và từng là đại diện của Mỹ phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 60. Ông viết về chiến lược đại dương của Trung Quốc trên tờ The Diplomat, tạp chí chuyên sâu về châu Á Thái Bình dương xuất bản online tại Nhật.
Trung Quốc nhiều năm qua tập trung chi tiêu cho lực lượng lục quân của Quân đội Giải phóng nhân dân, còn không quân và hải quân không được chú trọng bằng. Tuy nhiên, với việc trình làng tàu sân bay đầu tiên - dự kiến vào tháng 8 - thì cả thế giới, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, đều nhận thấy rõ ràng rằng mọi sự đã thay đổi lớn. Trung Quốc có tham vọng đại dương, và tham vọng đó được hậu thuẫn bởi công cuộc xây dựng lực lượng hải dương lớn chưa từng thấy trên thế giới kể từ đầu thế kỷ trước, khi Hoàng đế Wilhelm II (trị vì Đức và Phổ từ 1888 đến 1918) quyết định thách thức sức mạnh hải quân của Anh với việc xây dựng một hạm đội đại dương.
Máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Ảnh: Defensetalk.
Máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Ảnh: Defensetalk.
Theo O'Brien, sự lớn mạnh của lực lượng hải dương Trung Quốc dựa trên một chiến lược gồm hai mũi nhọn. Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Mỹ và các cường quốc trên biển khác tiếp cận vùng nước lân cận quốc gia, gồm Hoàng Hải, Hoa Đông và Hoa Nam (Việt Nam gọi là Biển Đông).
Điều này (1) tương tự như Mỹ từng làm với vùng biển Caribbea trong thế kỷ 20, và từ đó hải quân Mỹ có thể tung hoành khắp thế giới; (2) kiểm soát các nguồn tài nguyên và quần đảo tranh chấp như Trường Sa và Điếu Ngư/Senkaku trong khu vực lân cận; và (3) tạo cho Trung Quốc khả năng tái thống nhất Đài Loan về đại lục mà không bị vướng sự can thiệp của Mỹ, nếu có. Những cuộc va chạm hoặc quấy rối của các tàu Trung Quốc với tàu của các nước khác như Mỹ, Việt Nam và Philippines trong thập kỷ qua là bằng chứng cho thấy một quyết tâm ngày càng cao trên mặt trận này.
Thứ hai, Trung Quốc tìm kiếm danh tiếng cũng như khả năng triển khai lực lượng trên các tuyến hàng hải ở Thái Bình dương và Ấn Độ dương, bằng cách đưa vào sử dụng các tàu sân bay và máy bay tiêm/cường kích thế hệ thứ 5. Nền kinh tế phát triển vũ bão của Trung Quốc đòi hỏi nguyên nhiên liệu từ châu Phi và Trung Đông, và vì thế việc bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương và eo Malacca là trọng trách mà Bắc Kinh tất nhiên không muốn nhường cho những cường quốc khác.
Ngân sách chính thức dành cho quân sự của Trung Quốc năm 2011 là 91,5 tỷ USD, lớn gấp nhiều lần so với con số của năm 2000 là 14,6 tỷ. Trung Quốc thừa nhận rằng hiện nay một phần ba ngân sách quốc phòng là để chi cho hải quân. (Những con số này vẫn bị phương Tây nghi ngại cho là dưới mức thực tế nhiều). Trong khi đó, tiền chi cho binh sĩ, thủy thủ và phi công ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước phương tây - nơi mà tiền dành cho quân nhân chiếm một miếng lớn trong cái bánh ngân sách. Điều này cho phép Trung Quốc chi phần lớn ngân sách quốc phòng vào việc mua sắm và phát triển các hệ thống vũ khí. Trong khi các nước phương tây giảm thì Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình hiện đại hóa lực lượng hải dương của Trung Quốc là ngăn chặn. Chiến lược ngăn chặn sẽ dựa trên hai phương tiện đóng vai trò xương sống, thứ nhất là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21 Đông Phong (ASBM), thường được mệnh danh là "sát thủ chống hàng không mẫu hạm"'; thứ hai là hạm đội tàu ngầm đang được mở rộng hơn bao giờ hết.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Mới đây nước này cho biết sẽ sử dụng con tàu này để phục vụ công tác huấn luyện. Ảnh: US Navy.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Mới đây nước này cho biết sẽ sử dụng con tàu này để phục vụ công tác huấn luyện. Ảnh: US Navy.
Tư lệnh hải quân Mỹ ở Thái Bình dương, đô đốc Robert F. Willard từng đánh giá rằng tên lửa Đông Phong đã đạt đến giai đoạn có thể triển khai, nhưng chưa nhất thiết được triển khai. Các nguồn tin Đài Loan thì cho hay Trung Quốc đại lục đã triển khai tới 20 tên lửa đạn đạo chống hạm như thế. Cho dù các tên lửa này đã hay sẽ được triển khai trong tương lai gần, thì Mỹ đều tin rằng Trung Quốc đã xây dựng được khả năng thu thập tin tức, theo dõi và trinh sát, điều khiển và chỉ huy trên không, cũng như trên mặt đất liên quan đến Đông Phong. Trung Quốc cũng đã sử dụng một loạt các thiết bị cảm biến và giám sát mặt đất và trên biển nhằm thu thập và cung cấp thông tin về mục tiêu cho tên lửa Đông Phong. Tầm bắn 2.600 km của tên lửa này, theo các tin tức có được gần đây, sẽ là điều khiến các nhà hoạch định chiến lược hải quân các nước đau đầu khi tính đến chuyện hoạt động gần bờ biển của Trung Hoa.
Chương trình tàu ngầm của Trung Quốc rất mạnh. Trong suốt thời chiến tranh lạnh, nước này hầu hết sử dụng các tàu ngầm hoạt động gần bờ do Liên Xô chế tạo. Những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu mua tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo do Nga sản xuất, và sau đó bắt tay vào phát triển hai chiếc tàu ngầm cùng loại lớp Song, mỗi năm chế tạo hai chiếc trong suốt hai thập niên qua. Nước này cũng nghiên cứu chế tạo cả tàu tấn công diesel-điện lớp Yuan, có hệ thống cánh quạt chạy cực êm. Các chuyên gia quân sự cho rằng trong những năm tới đây Trung Quốc sẽ cho ra mắt các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Shang, củng cố cho hạm đội tàu ngầm vốn đã mạnh của họ. Chắc chắn Trung Quốc hiểu rằng khả năng chiến đấu của hải đội tàu ngầm Mỹ đã tăng tiến kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên năng lực của hải quân Trung Quốc còn vươn xa hơn nhiều so với yêu cầu ngăn chặn, nó còn để thể hiện sức mạnh. Điều đang gây chú ý đối với cộng đồng quốc tế là chiếc tàu sân bay đầu tiên sắp thử nghiệm cũng như các phi cơ chiến đấu/ném bom thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vừa công khai việc đóng hàng không mẫu hạm thứ hai, lớn hơn chiếc Varyag, và dự kiến sẽ xong trong năm 2015. Cường quốc mới nổi này đang lập kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba, và sau đó có thể là các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân nữa, vào 2020.
Đóng vai trò quan trọng ngang với các tàu chiến là các máy bay chiến đấu triển khai trên hàng không mẫu hạm. Lực lượng chủ yếu của hải quân PLA là các tiêm kích J-15 Flying Shark (Cá mập bay), tương đương chiến đấu cơ F-14 Con ma của Mỹ đã nghỉ hưu. Phi cơ J-15 chỉ có tầm hoạt động hạn chế do phụ thuộc yếu tố tải trọng khi cất cánh trên đường băng.
Tuy nhiên nhiều người tin rằng với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ hàng không cũng như hệ thống phóng trên các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, thì tính năng của J-15 cũng sẽ có thể sánh ngang với F-18 Super Hornet của hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng có thể sẽ phát triển máy bay trinh sát và cảnh báo sớm (AWACS) và đây sẽ là một tiến bộ đáng kể. Một tấm ảnh trên Internet xuất hiện hồi tháng 5 cho thấy một góc của mô hình giống hệt như máy bay trinh sát và cảnh báo sớm Yak-44 do Liên Xô đề ra ý tưởng, có thiết kế tương đồng với E-2 Hawkeye của Mỹ.
Báo chí thế giới tập trung chú ý vào chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, chiếc J-20, tại Thành Đô, Tứ Xuyên, đúng vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đang ở thăm Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tin tức về J-20 xuất hiện trên bản tin tối của các đài truyền hình toàn thế giới.
Sự phát triển nhanh chóng và thành tựu công nghệ hiện đại của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ và thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp khả năng quân sự cũng như chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Rõ ràng là giờ đây thế giới đang chứng kiến một cường quốc hải quân mới, sau gần 200 năm thống trị của sức mạnh hải quân Anh - Mỹ. 

Hải quân Trung Quốc tăng sức mạnh
Mở rộng tầm kiểm soát ra các đại dương, chế tạo hàng không mẫu hạm, tăng số lượng tàu ngầm là những động thái cho thấy hải quân Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược mới.

Tờ New York Times phân tích về những động thái mới nhất của hải quân Trung Quốc trong thời gian gần đây và tác động của chúng đối với các nước trong khu vực châu Á.
Theo các quan chức quân đội và giới phân tích, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sức mạnh hải quân ra bên ngoài bờ biển - từ các cảng dầu ở Trung Đông cho đến các tuyến hàng hải ở Thái Bình Dương - vốn là địa bàn kiểm soát của hải quân Mỹ.
Bắc Kinh gọi chiến lược mới là “phòng vệ xa bờ”, và tốc độ cải thiện khả năng hoạt động tầm xa của Trung Quốc khiến rất nhiều quan chức quân đội nước ngoài phải ngạc nhiên.
Chiến lược mới là một bước chuyển biến lớn so với học thuyết truyền thống trong đó sức mạnh của hải quân chỉ nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến xung quanh đảo Đài Loan hoặc bảo bệ bờ biển của Trung Quốc. Giờ đây các đô đốc Trung Quốc nói rằng họ muốn các tàu chiến phải hộ tống cho tàu thương mại, từ nơi xa xôi như vịnh Persian cho đến gần như eo biển Malacca, bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên các vùng biển giàu tài nguyên ở phía đông và nam Trung Quốc.
Cuối tháng 3 vừa rồi, hai tàu chiến của Trung Quốc đã cập cảng Abu Dhabi, đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc ghé thăm một cảng ở Trung Đông.
Máy bay hải quân và tàu chiến Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân nước này. Ảnh: guardian.co.uk.
Chiến lược tổng thể của hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tự tin và sẵn sàng khẳng định quyền lợi của họ ở nước ngoài. Tham vọng của hải quân Trung Quốc cũng thể hiện rất rõ mỗi khi chạm với Mỹ. Một quan chức cấp cao Mỹ kể rằng cac quan chức Trung Quốc từng nói riêng với ông rằng Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào vấn đề Biển Đông.
Hiện nay Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng khổng lồ tiêu thụ dầu và các tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, có lẽ Bắc Kinh cũng không còn bằng lòng với việc phó mặc vấn đề an ninh đường biển cho Mỹ nữa, và định nghĩa của nước này về lợi ích cốt lõi đã được mở rộng cùng với quyền lực kinh tế của họ.
Cuối tháng 3 vừa qua, đô đốc Robert F. Willard, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, phát biểu trong một buổi điều trần trước quốc hội Mỹ rằng những bước phát triển gần đây của quân đội Trung Quốc là “rất mạnh mẽ”. Trung Quốc cũng vừa thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm. Và sau nhiều lần phủ nhận, gần đây giới chức Bắc Kinh khẳng định họ sẽ triển khai một đội hàng không mẫu hạm trong vài năm tới. Trung Quốc cũng đang phát triển một hạm đội ngầm tinh vi để ngăn chặn các tàu hải quân nước ngoài xâm nhập vùng biển chiến lược nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Phía nam đảo Hải Nam trên Biển Đông có một căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc. Căn cứ này cho phép các tàu ngầm xuống tới vùng nước sâu trong vòng 20 phút và đi quanh Biển Đông. Đây là nơi có các tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp nhất thế giới, đồng thời cũng có nguồn dầu mỏ và khí gas tự nhiên lớn - tâm điểm các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Điều này gây quan ngại cho không chỉ các đô đốc hải quân Mỹ mà còn cho quan chức các nước Đông Nam Á - những nước đang lặng lẽ mua thêm nhiều tàu ngầm, tên lửa và vũ khí. Ông Huan Jing, một nhà nghiên cứu về quân sự Trung Quốc tại trường Đại học quốc gia Singapore bình luận: “Chúng tôi như bị mù. Chúng tôi cứ nghĩ quân đội Trung Quốc lạc hậu hơn mình tới 20 năm. Rồi đột nhiên nhận ra rằng Bắc Kinh đang đuổi kịp".
Trung Quốc cũng gây sức ép đối với Mỹ khi nhắc đến các tuyên bố của họ về vấn đề chủ quyền. Tháng 3 vừa rồi, giới chức cấp cao Trung Quốc nói với ông Jeffrey A. Bader và James B. Steinberg - hai quan chức Mỹ - rằng Trung Quốc sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào vào Biển Đông, nơi Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi" về chủ quyền, ngang với Đài Loan hay Tây Tạng.
Một yếu tố khác trong chiến lược mới của hải quân Trung Quốc là sự mở rộng tầm kiểm soát ra ngoài Biển Đông và Philippines, điều mà họ gọi là “vòng phòng thủ thứ hai”- đến tận các bãi đá ngầm và rạn san hô ở Thái Bình Dương - khu vực này trùm lên đáng kể vùng kiểm soát của Mỹ.
Nhật Bản cũng hết sức lo lắng. Giữa tháng tư, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Toshimi Kitazawa cho biết, hai tàu ngầm và tám tàu khu trục của Trung Quốc đã bị phát hiện vào ngày 10/4 khi đang tiến vào giữa hai hòn đảo của Nhật để ra Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên một đội tàu lớn của Trung Quốc bị phát hiện gần Nhật Bản như vậy. Khi hai tàu khu trục của Nhật bám theo những con tàu này, họ phát hiện thêm một trực thăng Trung Quốc bay cách một tàu khoảng 100 m.
Hai tàu hộ tống của Trung Quốc ở vịnh Aden. Ảnh: Xinhua.
Kể từ tháng 12/2008, Trung Quốc luôn duy trì ba tàu ở vịnh Aden để tham gia hoạt động tuần tra chống cướp biển của quốc tế. Đây là sự triển khai đầu tiên của hải quân Trung Quốc bên ngoài Thái Bình Dương. Các nhà phân tích nhận định nhiệm vụ này giúp Trung Quốc nâng cao khả năng hoạt động tầm xa của hải quân.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc ước tính hải quân Trung Quốc có khoảng 260 tàu, bao gồm 75 tàu chiến chủ lực và hơn 60 tàu ngầm. Bản báo cáo cũng lưu ý đến việc xây dựng một hàng không mẫu hạm và nói rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục “theo đuổi” việc mua các máy bay chiến đấu dùng để triển khai trên tàu sân bay của Nga. Hải quân Mỹ có 286 tàu chiến và 3.700 máy bay hải quân. Tàu chiến Mỹ luôn được coi là có chất lượng hơn hẳn so với Trung Quốc.
Lầu Năm Góc không liệt Trung Quốc vào danh sách lực lượng thù địch, nhưng phần nào cũng phản ứng lại sự phát triển của nước này. Ông Bernard D. Cole, cựu quan chức hải quân Mỹ, cho biết, gần đây Washington đã chuyển một cơ số tàu ngầm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Phần lớn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã sang Thái Bình Dương. Mỹ cũng bắt đầu triển khai luân phiên ba đến bốn tàu ngầm ra ngoài Guam để diễn tập lại các tình huống như thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Hiện tại, tàu hải quân Mỹ thường xuyên do thám quanh căn cứ ngầm ở đảo Hải Nam. Hành động đó gây ra nhiều va chạm với tàu Trung Quốc. Năm ngoái, trong một lần do thám như thế, Lầu Năm Góc kết tội thuyền đánh cá Trung Quốc quấy nhiễu tàu hải quân Impeccable của Mỹ. Nhưng chính phủ Trung Quốc lại cho rằng họ có quyền “ngăn chặn các hành vi do thám” ở những vùng biển này vì chúng là “khu vực đặc quyền kinh tế” của Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc không đồng tình với nhau về định nghĩa của những khu vực trên. Mỹ cho rằng nó bao gồm 200 dặm tính từ bờ biển, và luật pháp quốc tế chỉ cho phép các nước duy trì các quyền thương mại đặc biệt ở khu vực này. Trong khi đó, Trung Quốc lại khẳng định một quốc gia có thể kiểm soát toàn bộ các hoạt động ở đây.
Lãnh đạo quân đội Trung Quốc khẳng định rằng hải quân của họ là lực lượng phòng vệ thuần túy. Tuy nhiên, hồi tháng ba, hai đô đốc hải quân Trung Quốc khẳng định khái niệm phòng vệ đã được mở rộng để bao hàm cả hàng hải và các lợi ích kinh tế.
Thiếu tướng hải quân Zhang Huachen, Phó tổng tư lệnh của Hạm đội biển Hoa Đông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Xinhua: “Vì chiến lược hải quân của chúng tôi đang thay dổi, chúng tôi sẽ đi từ phòng thủ bờ biển đến phòng thủ xa bờ. Với việc mở rộng các lợi ích kinh tế, hải quân cũng muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến vận tải và tuyến hàng hải lớn của quốc gia. Để đạt được điều này, hải quân Trung Quốc cần phát triển bằng cách có những tàu chiến lớn hơn với khả năng toàn diện hơn”.
Chi phí cho hải quân chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách cho quân đội Trung Quốc. Theo ông Cole, điều đó phản ánh "sự ưu tiên mà Bắc Kinh dành cho hải quân trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia”. Ngân sách chính thức cho quân đội Trung Quốc năm 2010 là 78 tỉ USD, nhưng Lầu Năm Góc cho rằng thực tế Trung Quốc chi nhiều hơn thế.
Sự lớn mạnh ấn tượng của hải quân Trung Quốc nằm ở các hạm đội tàu ngầm. Gần đây họ cho đóng ít nhất hai tàu ngầm lớp Jin – những tàu ngầm đầu tiên có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Hai chiếc nữa đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hai tàu ngầm tấn công lớp Shang sử dụng năng lượng hạt nhân cũng vừa được đưa vào sử dụng.
Ông Carlyle A. Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia nói những nước trong khu vực cũng mua thêm nhiều trang thiết bị. Tháng 12 năm ngoái, Việt Nam ký thỏa thuận mua vũ khí với Nga gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo. Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ có lực lượng tàu ngầm mạnh nhất Đông Nam Á. Năm ngoái, Malaysia cũng tiếp nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên. Đây là một trong hai chiếc được đặt hàng ở Pháp. Singapore cũng bắt đầu vận hành một trong hai chiếc tàu ngầm lớp Archer mua từ Thụy Điển.
Mùa thu năm ngoái, trong một bài phát biểu ở Washington, cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu bày tỏ mối lo ngại khi chứng kiến sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc và thúc giục Mỹ duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực: “Lợi ích cốt lõi của Mỹ đòi hỏi nước này phải duy trì thế thượng phong của họ ở Thái Bình Dương. Từ bỏ vị trí này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng vị thế của Mỹ trên toàn thế giới”.

Trung Quốc công khai chiến lược hạt nhân

Trong một tuyên bố thuộc loại hiếm hoi, hôm nay nhật báo của quân đội Trung Quốc chỉ ra rằng nước này cần có lực lượng hạt nhân đủ để trả đũa những cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của đối phương.
Ảnh chụp những nhà máy đóng cửa tại nơi Trung Quốc đã thử vũ khí hạt nhân đầu tiên ở huyện Haiyan, tỉnh Thanh Hải hôm 14/4. Ảnh: Reuters.
Thiếu tướng quân đội đã về hưu Xu Guangyu viết xã luận trên tờ nhật báo Quân đội Giải phóng, rằng Trung Quốc cần có lực lượng răn đe hạt nhân tối thiểu và tránh chạy đua vũ trang.
"Trung Quốc kiên quyết tuân thủ chiến lược hạt nhân phòng vệ và đã luôn tôn trọng triệt để chính sách sẽ không bao giờ là bên đầu tiên dùng vũ khí nguyên tử trong bất cứ thời gian hay địa điểm nào", Reuters dẫn lời ông Xu viết. Hiện ông là nhà nghiên cứu của Tổ chức giải trừ và kiểm soát vũ khí của nhà nước.
"Điểm cơ bản nhất trong chiến lược hạt nhân của Trung Quốc, nói ngắn gọn, là để ngăn chặn chứ không đe dọa".
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters, Xu cho biết bài bình luận của ông nhằm giải tỏa những lo lắng của các nước về lập trường hạt nhân của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật, Ấn Độ và Mỹ.
Nga và Mỹ mới đây ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân, theo đó mỗi nước sẽ giới hạn số đầu đạn đã triển khai ở mức 1.550.
Giống như tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc giữ bí mật về kho vũ khí của mình. Vụ thử nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc là vào năm 1964. Học viên nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính cho đến năm 2009 Trung Quốc sở hữu 186 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai.
Theo Reuters, các thượng nghị sĩ Mỹ có quan điểm phản đối việc cắt giảm sâu kho vũ khí có thể đưa vấn đề Trung Quốc ra khi tranh luận về việc có nên phê chuẩn hiệp ước mới với Nga hay không. Họ cho rằng việc cắt giảm hạt nhân của Mỹ có thể cho phép Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp sức mạnh của cường quốc hạt nhân này.
Xu viết rằng Trung Quốc phải có sức mạnh hạt nhân "thật sự, đáng tin cậy, hiệu quả và cập nhật". Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng sức mạnh này phải bao gồm khả năng trả đũa nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân.
Nỗ lực nâng cấp lực lượng hạt nhân của Trung Quốc bao gồm cả việc thay thế dần những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân dùng nhiên liệu lỏng sang dùng nhiên liệu rắn. Việc làm này sẽ làm cho việc phóng đầu đạn nhanh hơn và đỡ cồng kềnh hơn.
Trung Quốc cũng đang xây dựng những tàu ngầm hạt nhân chiến lược loại mới có khả năng phóng tên lửa trên biển. "Thực tế quốc tế cho thấy khả năng trả đũa hạt nhân hiệu quả nhất là từ những tàu ngầm", Reuters dẫn lời Xu. "Những tàu ngầm này và tên lửa cải tiến là trọng tâm".
Bình luận đưa ra trên tờ tin tức hàng ngày của Quân đội giải phóng trong bối cảnh thế giới đang tăng cường ngoại giao nguyên tử. Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì diễn ra hôm 12/4. Tại hội nghị, lãnh đạo của 47 quốc gia thống nhất bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của thế giới trong thời gian 4 năm.
Sắp tới đây, vào tháng 5, là hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Trung Quốc 'sắp triển khai' tên lửa công phá tàu sân bay

Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương cho rằng Trung Quốc đang đến gần tới bước triển khai tên lửa đạn đạo có khả năng đánh chìm tàu sân bay, loại vũ khí sẽ làm thay đổi cán cân an ninh châu Á.

Đô đốc Robert Willard, trên tờ Asahi Shimbun của Nhật số ra hôm nay, nói ông tin rằng chương trình tên lửa chống hàng không mẫu hạm của Trung Quốc đã đạt được "khả năng tác chiến ban đầu", nghĩa là phiên bản có thể sử dụng được đã xong và đang được tiếp tục phát triển.
Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở biển Hoa Đông đầu năm nay. Ảnh: Xinhua.
Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở biển Hoa Đông đầu năm nay. Ảnh: Xinhua.
Được giới quân sự đặt tên là "sát thủ của tàu sân bay", tên lửa Đông Phong 21D có thể là yếu tố làm thay đổi cơ cấu an ninh ở châu Á, nơi mà Mỹ, với các hạm đội tàu sân bay vẫn làm chủ đại dương suốt từ Thế chiến II.
Điểm đặc biệt của Đông Phong 21D là khả năng tấn công mục tiêu được bảo vệ cực kỳ vững chắc với độ chính xác cao - một khả năng mà các nhà hoạch định chiến lược của hải quân Mỹ đang tìm cách để có thể đối phó.
Các bộ phận cấu thành của hệ thống tên lửa này có thể đã được thiết kế và thử nghiệm, tuy nhiên các lực lượng Mỹ chưa phát hiện lần thử nghiệm trên mặt nước nào. Thử nghiệm trên mặt nước sẽ cho thấy khả năng tấn công một mục tiêu di động trên đại dương, trong trường hợp này là chiến hạm, AP dẫn lời đô đốc Willard.
Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cho rằng Trung Quốc còn cần nhiều năm nữa để thử nghiệm tên lửa. Hệ thống này đòi hỏi phương tiện dẫn đường tiên tiến. Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Bắc Kinh sẽ phải mất một thập kỷ nữa để hiện thực hóa khả năng của tên lửa loại này.
Tên lửa chống mẫu hạm được cho là một thành tố quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các máy bay và tàu của Mỹ tiếp cận vùng nước phía ngoài bờ biển của Trung Quốc. Tổng thể chiến lược này còn bao gồm nhiều thành tố khác tạo thành các lớp bảo vệ như hệ thống phòng không, tàu ngầm và hệ thống tên lửa đạn đạo tinh vi - tất cả đan vào nhau cùng với một mạng lưới vệ tinh quân sự.
Với khả năng tối đa, tên lửa Đông Phong 21D có thể được phóng từ đất liền tới mục tiêu là tàu sân bay có lưới bảo vệ tiên tiến ở khoảng cách 1500 km. Điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng can thiệp của Mỹ nếu có biến cố xảy ra trong khu vực.
Khi được hỏi về bình luận của Đô đốc Willard hôm nay, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Khương Du đề nghị chuyển vấn đề sang các bộ quốc phòng, nhưng bà khẳng định quan điểm Trung Quốc mở rộng thế lực quân sự không đe dọa ai.
"Tôi khẳng định rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính chất phòng vệ. ... Chúng tôi không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Chúng tôi luôn luôn là lực lượng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực", bà Khương nói.
Thông thường Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bao giờ bình luận về các loại vũ khí trước khi chúng được đưa ra tác chiến. Tuy nhiên tên lửa 21D - có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và mang đầu đạn thông thường - được bàn tán nhiều trên mạng.

Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc

Trung Quốc vừa thử nghiệm lần hai loại máy bay tàng hình J-20, khiến dư luận xôn xao về khả năng nước này thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ.

Máy bay tàng hình J-20 tại một sân bay quân sự ở Thành Đô, Tứ Xuyên.
Một nhóm kỹ sư đang kiểm tra chiếc J-20 trước khi nó có lần bay thử nghiệm thứ hai.
Máy bay tàng hình đầu tiên của quân đội Trung Quốc cất cánh.
Các công nhân cơ khí đang kiểm tra một mô hình chiếc J-20.
Theo ước tính ban đầu, chi phí sản xuất mỗi chiếc J-20 vào khoảng 110 triệu USD.
Máy bay tàng hình J-20 được điều khiển bởi một phi công duy nhất. Trung Quốc dự kiến đưa loại chiến đấu cơ này vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 2017 tới 2019.
J-20 trong tương quan so sánh với các loại máy bay tàng hình khác như F-22 Raptor của Mỹ và SU-50 Firefox của Nga.
Trước những bước tiến của Trung Quốc, người Mỹ cho rằng chiếc J-20 có thể đã được thiết kế dựa trên dự án chế tạo máy bay chiến đấu FB-22 của nước này.
Trong khi đó, Nga lại cho rằng công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu của Trung Quốc đi sau họ và Mỹ từ 10 tới 15 năm, bởi vậy J-20 có thể sẽ không được trang bị tối tân như F-22 Raptor hay SU-50 Firefox.
Nhưng chính người Nga cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc có thể sản xuất máy bay tàng hình với chi phí rẻ hơn, bởi thế sẽ thu hút được sự quan tâm của các khách hàng từ Pakistan, Trung Đông, Mỹ Latinh hay Đông Nam Á.
Trước khi Trung Quốc chính thức đưa J-20 vào hoạt động, những câu hỏi về khả năng tác chiến của loại máy bay tàng hình này sẽ chưa thể có câu trả lời thỏa đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?