Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Phát ngôn&Hành động: Tượng đài, đường cong và triết lý giáo dục

- Vị trí tượng đài của bà mẹ Việt Nam Anh hùng, câu chuyện "nhầm chỗ" liên quan đến làng giải trí, và cuộc khủng hoảng triết lý giáo dục là những lát cắt trong Phát ngôn & Hành động tuần này.
 
Tượng đài của Mẹ
Trong tuần vừa rồi, báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) có đăng loạt bài với nhan đề chung là "Tượng đài của Mẹ đặt ở đâu?", kể về cuộc đời của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống.
Đó là mẹ Sua ở ấp Thạnh Trị 2, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đó là mẹ Sơn ở xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đó là mẹ Thum ở Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang...
Ba bà mẹ đã có đứa con trai duy nhất, thậm chí cả chồng, hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chỉ có một mong ước duy nhất là được Nhà nước xây lại cho những căn nhà tình nghĩa đã quá xập xệ, mục nát, do được xây đã quá lâu rồi. Để khỏi phải chui vào bụi tre núp mưa bão, đi ở nhờ, hay luôn cánh cánh nỗi lo nhà sẽ sụp bất cứ lúc nào.
Ở đoạn kết của chùm bài này, sau khi kêu gọi mọi người hãy có những hành động cụ thể để giúp các bà mẹ nói trên, tác giả Trầm Hương đã viết: "Mỗi chúng ta, những người đang được sống hôm nay, xin hãy xây dựng tượng đài Người mẹ ngay trong tấm lòng mình. Có nhiều cách để tôn vinh những bà mẹ ấy. Sao không chăm sóc những tượng đài mẹ đang sống?"
Người viết chợt nhớ lại câu chuyện đã lùm xùm suốt một tháng nay, khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh ký quyết định xin bổ sung thêm 330 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Thứ, đã được khởi công từ 27.7.2009 với số vốn ngân sách được duyệt là 81 tỷ đồng, vì lý do chính là trượt giá và Thay đổi thiết kế?!
Câu chuyện lại được phát triển theo hướng hài hước, khi ông Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Quảng Nam có tên là Đinh Hài đã lên tiếng giải thích trên công luận.
Khi phóng viên hỏi tại sao sở của ông lại bổ sung vốn trong lúc chính phủ đang tiết kiệm chi tiêu công và hạn chế đầu tư dàn trải, ông trả lời tỉnh bơ: "Thực ra đến thời điểm hoàn thành, người ta thường quan tâm đến tính mỹ thuật của tượng đài, chứ ít ai quan tâm công trình tốn bao nhiêu tiền."



Căn nhà tình nghĩa được xây đã rã mục, sắp đổ. Mỗi khi mưa giông, mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sua nấp dưới lùm tre tránh bão. Ảnh: SGTT
Rồi với câu hỏi về căn cứ để đưa ra số tiền xin bổ sung, ông nói: "Sự trượt giá này nghiêng nhiều về tính mỹ thuật còn phần công trình thô khác thì không bao nhiêu."
Người viết xin được dành quyền bình luận cho quý độc giả. Còn về phần mình, người viết chỉ thấy lo lo cho anh bạn mới quen trong chuyến đi Cam Ranh vừa rồi là Đinh Tiến Dũng, được biết đến nhiều hơn với cái tên Giáo sư Cù Trọng Xoay trong mục "hỏi xoáy - đáp xoay" trên VTV3 vào tối thứ Bảy hàng tuần. Đinh Tiến Dũng thực sự sẽ có một đối thủ cạnh tranh nặng ký là ông giám đốc sở này, trong trường hợp ông này muốn nhảy vào lĩnh vực showbiz.
Thứ nhất, khả năng đối đáp của ông còn cao hơn Đinh Tiến Dũng một bậc, không chỉ là "xoay" mà phải gọi là "xoắn" mới đúng. Thứ hai, để thu hút sự chú ý của khán giả về tính hài hước của mình, ông cũng chẳng cần phải mất công nghĩ ra cái nghệ danh là GS Cù Trọng Xoay như Đinh Tiến Dũng. Nghệ danh của ông thuộc loại "của nhà trồng được" mà.
Tất nhiên, có thể là điều may mắn, là đề án này vẫn phải chờ sự thông qua của chính phủ mới, được thành lập sau cái quyết định nói trên của Chủ tịch Quảng Nam chừng hai chục ngày. Người viết còn nhớ rằng cách đây 6 năm, người đã ngồi ở cái ghế hiện nay của ông Lê Phước Thanh và hiện nay đang ngồi ở ghế Phó Thủ tướng phụ trách mảng nội chính và thanh tra, đã từng tâm sự với người viết rằng tỉnh có nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất chính là tỉnh nghèo nhất, do phải giải quyết những hậu quả khốc liệt nhất và dai dẳng nhất của cuộc chiến.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói: "Vào những dịp đền đáp công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Quảng Nam luôn phải trích thêm ngân sách tỉnh để tặng tiền, tặng quà cho các mẹ. Bởi phần tiền, hay quà, theo qui định của Nhà nước, quá nhỏ nhoi."
Chắc hẳn ở một vai trò khá quan trọng trong việc phê chuẩn dự án này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải cân nhắc kỹ. Người viết xin được mạn phép trình bày thêm đôi điều với "Ông Phúc 'Quảng Nôm' - Người đồng hành cùng cơ chế".
Về việc xây dựng tượng đài cho một người mẹ đã có 9 con ruột, 2 con rể và một cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như một sự tôn vinh cho đức hy sinh cao cả của những bà mẹ Việt Nam, là điều không thể bàn cãi.
Thế nhưng, việc bỏ tới hơn 400 tỷ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước như hiện nay, cho một dự án tượng đài, đã khiến dư luận và công luận đồng loạt đặt ra những băn khoăn.
Thứ nhất là trong khi nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác - những tượng đài sống - vẫn rất cần sự trợ giúp của ngân sách nhà nước, để có thể sống nốt những ngày cuối đời với một cách bớt âu lo hơn. Như ba bà mẹ mà báo SGTT đã đề cập chẳng hạn.
Thứ hai là bản thân tỉnh Quảng Nam, ngoài việc phải chăm lo cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sống, hàng năm vẫn phải đối mặt với hậu quả của thiên tai, như bão lũ, với biết bao nhiêu người dân bị mất nhà mất cửa, mất kế sinh nhai. Nếu dự án này được thông qua thì liệu mùa bão lũ sắp tới, ban lãnh đạo mới của tỉnh sẽ lấy tiền đâu lo cho dân? Hay lại trông chờ vào lòng hảo tâm của đồng bào các tỉnh bạn - những người có cuộc sống cũng ngày một khó khăn hơn?


Ảnh phác họa tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ của tác giả Đinh Gia Thắng
Thứ ba là tượng đài này cũng là biểu tượng cho lòng bất khuất và đức hy sinh cao cả của những người phụ nữ Việt Nam nói chung trong cuộc chiến đấu chung của dân tộc nhằm giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Những người con, người cháu của mẹ Thứ đã hy sinh trong hai cuộc chiến kéo dài suốt 30 năm để non sông liền một dải vào năm 1975. Thế nhưng, một phần biển đảo của Việt Nam vẫn còn bị nước ngoài chiếm đóng, hay phong toả.
Theo thiển nghĩ của người viết, mẹ Thứ, dưới suối vàng, ắt hẳn sẽ vui hơn khi biết số tiền mà người ta định xây khu tượng đài hoành tráng cho mẹ sẽ được dùng một phần để hỗ trợ cho những ngư dân Quảng Nam vẫn kiên trì bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia ở ngoài đảo xa. Bởi chính họ là những người đã tiếp nối cái sự nghiệp cao cả mà vì nó những người con, người cháu của mẹ Thứ đã hy sinh cuộc sống của mình.
Việc có tiếp tục dự án tượng đài mẹ Thứ hay không, và, nếu tiếp tục, thì với qui mô nào, người viết không dám lạm bàn thêm. Chỉ có điều, trong bất cứ trường hợp nào, mẹ Thứ, cũng như tất cả các bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác, dù còn sống hay đã mất, đều phải có tượng đài trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, để họ luôn nghĩ tới trong hành động của mình. Đúng như lời kết của đồng nghiệp Trầm Hương cho loạt bài trên SGTT của chị.
"Đường cong" - cong nhầm chỗ


Các bà mẹ Việt Nam Anh hùng lại xuất hiện trong một sự kiện văn hoá khác. Đó là "Đêm Mỹ nhân", diễn ra vào 14.8 ở Sunspa Resort ở Quảng Bình, vì mục đích quyên góp từ thiện. Có điều, lần này, họ không phải là những nhân vật chính của những bài báo, mà chỉ là cái nền tương phản để dư luận và giới truyền thông trút cơn "thịnh nộ" xuống đầu những nhân vật trong giới showbiz.
Sau chương trình này, dư luận đã lên tiếng phản ứng gay gắt với cách ăn mặc mà họ coi là "phản cảm" của nhiều ca sĩ, như Minh Hằng, Hoàng Thùy Linh, Yến Trang... Đặc biệt, Thu Minh, người nổi tiếng với ca khúc "Đường cong", cũng như vương miện Nữ hoàng của "Điệu nhảy hoàn vũ", cũng nằm trong danh sách này.
Cùng với các ca sĩ nói trên, chủ nhân của ca khúc nổi tiếng "Đường cong" bị coi là ăn mặc "quá thiếu vải" trước đông đảo khán giả, trong đó có bà mẹ Việt Nam anh hùng, và học sinh - sinh viên nghèo khó, mồ côi.
Để rồi sau đó, ngày 18.8, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) đã có công văn gửi cho Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình yêu cầu làm rõ việc nghệ sĩ mặc phản cảm trong chương trình từ thiện "Đêm mỹ nhân".
Chính điều này cũng làm nhoà đi kết quả mà ban tổ chức của chương trình "Đêm Mỹ nhân", khi họ quyên góp được 460 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. BTC đã trích ra 57 triệu đồng để trao cho các sinh viên nghèo mồ côi cha mẹ, còn lại số tiền quyên góp được đã gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình để chuyển tới các gia đình khó khăn, VTC News đưa tin.
Trao đổi với báo chí, ông Cục trưởng Vương Xuân Biên cho biết: "Quan điểm của cục là yêu cầu Sở VH-TT&DL Quảng Bình làm rõ và nếu có sai phạm thì phải xử phạt theo quy chế."
Câu chuyện các ca sĩ ăn mặc "thiếu vải" là một đề tài được bàn tán từ lâu, và tốn không ít giấy mực của báo chí, cũng như không ít cuộc hội thảo của các cơ quan quản lý, nhưng chưa có hồi kết. Bởi ăn mặc thế nào là chuyện "gu" của từng người, từng giới, từng lứa tuổi.


Hoàng Thùy Linh và Minh Hằng biểu diễn trong chương trình Đêm mỹ nhân, Ảnh: Dân trí
Vả lại, việc cục của ông Biên cho đến nay vẫn chưa ra được qui định cụ thể là váy (hay quần) của ca sĩ ngắn tới đâu, áo hở ngực tới đâu, vải mỏng tới mức nào, được coi là vi phạm, cũng cho thấy thêm khía cạnh phức tạp của vấn đề.
Hơn nữa, cũng chính ông Biên, trong cuộc trao đổi đó, có nói rằng "không phải cứ thấy đẹp ở chỗ này thì có thể mặc biểu diễn ở những chỗ khác". Nghĩa là ông cũng không thấy cách ăn mặc của những ca sĩ được nêu danh là "phản cảm", nếu ở hàng ghế khán giả không phải là các bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Nếu tinh ý một chút, có thể nhận thấy rằng khán giả chủ yếu của chương trình này là những người đến nghỉ ở Sunspa Resort, được xếp hạng 5 sao, và một số có chức vị. Tức là đối tượng chính của buổi biểu diễn là những "đại gia", hay chí ít cũng thuộc tầng lớp khá giả trong xã hội.
Chắc chắn chương trình có làm hài lòng họ thì họ mới chịu bỏ tiền làm từ thiện. Vả lại, trong khung cảnh bên bãi biển thơ mộng và phóng khoáng như vậy, biểu diễn như vậy là phù hợp.
Ngoài ra, chắc chắn những ca sĩ xuất hiện trong chương trình cũng đã được thông qua từ trước, và ai cũng có thể đoán trước được phần nào Hoàng Thuỳ Linh, hay Minh Hằng, sẽ ăn mặc và nhảy nhót bốc lửa thế nào. Họ là những ngôi sao giải trí chứ mà người ta phải "mục sở thị" và "cảm nhận", chứ không phải những giọng hát mà người ta có thể thưởng thức bằng chiếc tai nghe, hay trên xe hơi.
Trong chương trình "Đêm Mỹ nhân", người viết thấy tiếc nhất cho "Đường cong" Thu Minh, một giọng ca hay và có sự truyền cảm thực sự. Nhưng, rủi thay, cô lại "cong" nhầm chỗ.
Vấn đề nằm ở chỗ có nhất thiết phải mời các mẹ Việt Nam Anh hùng và các em học sinh nghèo tới đó không? Đằng nào thì các nghệ sĩ, người mẫu, trong chương trình, cũng sẽ đến thăm họ vào ngày hôm sau.
Có vẻ như ban tổ chức đã hơi tham lam, khi tranh thủ "tri ân" các mẹ, và biểu hiện nghĩa cử với các em nhỏ nghèo luôn. Để đỡ phải tổ chức một chương trình ca nhạc khác, phù hợp hơn với những đối tượng này?
Và, vô hình trung, họ đã khiến cho những người mà họ muốn "tri ân", muốn thể hiện "nghĩa cử", cảm thấy bị thương tổn. (Tại sao các đồng nghiệp không thử phỏng vấn xem các bà mẹ và các em nghĩ gì nhỉ, thay vì "phẫn nộ" thay cho họ?)
Trong khi đó, Linh-Minh-Trang-Hằng, những người cố hết mình, trong khả năng và sở trường của họ, để "Đêm Mỹ nhân" đạt được hiệu quả cao nhất, theo mục tiêu đề ra là quyên góp từ thiện, lại trở thành những "tội đồ".
Ông Vương Xuân Biên và các cộng sự của mình đã bắt đúng huyệt, khi gửi công văn cho Sở VH-TT-DL Quảng Bình. Là những người tham gia ban tổ chức, họ là những người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. "Thậm chí nhà quản lý văn hóa ở địa phương cũng chưa ý thức được việc đó", ông Biên nói.
Đặc biệt là họ đã không chịu rút kinh nghiệm từ sự cố "Lý Nhã Kỳ" trong chương trình "Bản giao hưởng Điện Biên", cách đây ngót nửa năm.
Hồi đó, dùng cách nói của ông Vương Xuân Biên, màn tiếp thị "hàng" Việt Nam chất lượng cao của cô nữ diễn viên dòng phim giải trí này có thể tạo ấn tượng "ngọt ngào" ở những sân khấu giải trí, nhưng lại tạo cảm giác "lợm giọng" ở vở chính kịch nhằm tôn vinh Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp - người mà ngày hôm qua, 25.8.2001, vừa tròn 100 tuổi. Nhất là lại được truyền hình trực tiếp cho đồng bào cả nước, và kiều bào ở nước ngoài nữa.
Cuộc khủng hoảng triết lý giáo dục


Triết lý giáo dục Việt Nam là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại cuộc hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tại ĐH Sư phạm TP.HCM vào đúng ngày kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng. Nổi cộm nhất trong hội thảo chính là triết lý giáo dục - một vấn đề đã được đề cập tới từ hơn chục năm nay qua nhiều hội thảo.
Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều nhà giáo dục, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách tận cùng. Và kết cục là nền giáo dục đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Đặc biệt nhất, theo nhà giáo Nguyễn Chương Nhiếp, đến từ Trường ĐHSP TP.HCM, gần 40 năm cải cách giáo dục, không phải Việt Nam không nỗ lực, không đầu tư đúng mức, nhưng càng cải cách, giáo dục càng đuối, càng lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn.
Ông chỉ ra nguyên nhân rằng cái triết lý giáo dục mà ông cha đã xây dựng hàng ngàn năm và phát huy tác dụng trong lịch sử đã không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội của thế kỷ 21. Bởi, theo ông, nó bị ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo và ý thức hệ phong kiến.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã tiếp tục phát triển quan điểm trên. Ông cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam dứt khoát phải trở thành thế hệ "con hơn cha", tức là muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp cho người học biết tư duy độc lập, khuyến khích dám tư duy độc lập, không sợ sai, không sợ trái bài văn mẫu.
"Khuyến khích tư duy độc lập là một khâu đột phá trong đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới", TS Hồ Thiệu Hùng nói.
Một người tự nhận mình chỉ là giáo sư trên truyền hình là GS Cù Trọng Xoay (tức Bí thư Đoàn của Tập đoàn FPT Đinh Tiến Dũng), khi trao đổi với người viết về vấn đề giáo dục thế hệ trẻ, đã bổ sung: "Một bế tắc lớn trong giáo dục hiện nay là thiếu tấm gương để giới trẻ noi theo, như hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ của những năm 50-70 của thế kỷ trước."
GS Xoay đưa ra một nhận định khá độc đáo rằng lỗi không chỉ ở các nhà hoạch định chính sách giáo dục, mà cả giới truyền thông. Theo ông, do cách chiều theo thị hiếu của công chúng, truyền thông thường "đẩy" quá hình ảnh những tấm gương thành công kiểu "mỳ ăn liền" của các ngôi sao giải trí dễ dãi, chẳng hạn, hay cuộc đời của những người thành đạt thực sự lại bị photoshop quá nhiều.


Triết lý giáo dục tại Trường THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM): Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để hoàn thiện mình - Ảnh: Tuổi Trẻ
"Điều đó khiến cho giới trẻ nhiều khi không hình dung được để thành công người ta phải lao động miệt mài và nghiêm túc như thế nào. Cũng như phải trả giá rất lớn cho cực kỳ nhiều những sai lầm, nhiều khi cực kỳ ngớ ngẩn", GS Xoay nhận xét.
Được khích lệ bởi sự thẳng thắn của GS Xoay, người viết, vốn xuất phát trong một gia đình có nhiều người theo nghiệp giáo dục, và bản thân cũng từng có những năm tháng "xoa đầu sinh viên", cũng mạnh dạn xin phép quý độc giả cho lạm bàn mấy câu.
Theo ngu ý của người viết, cái triết lý giáo dục đầy đủ nhất hiện giờ chính Bác Hồ đã đưa ra nửa thế kỷ trước. Đó là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Con người mà nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang muốn xây dựng chính là con người hội đủ 5 tiêu chí đó.
Thứ nhất, là "yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào". Phàm cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho sự phát triển đi lên của xã hội dứt khoát phải làm. Phàm cái gì có hại dứt khoát không làm. Ý thức công dân và lòng nhân ái cũng nằm ở chỗ đó.
Thứ hai là học tập tốt, lao động tốt. Học tập tốt mới có kiến thức thật, bằng cấp thật, để đóng góp cho xã hội, chứ không phải đi mua bằng giả như không ít sinh viên, hay thậm chí học "giả" hiện nay. Có lao động tốt, chăm chỉ mới khỏi ăn bám người khác, hay "ngồi mát ăn bát vàng".
Thứ ba là "đoàn kết tốt, kỷ luật tốt".
Lịch sử đã chứng minh rằng mỗi khi dân tộc chúng ta kết thành một khối, trên dưới đồng lòng, không kẻ thù nào có thể đánh bại chúng ta, còn khi dân tộc bị chia rẽ, trên dưới bất hoà, đất nước luôn gặp hoạ xâm lăng, thậm chí bị đô hộ.
Và kỷ luật là một trong những yếu tố duy trì đoàn kết. Tất nhiên, phải trên cơ sở một nền tảng pháp lý rõ ràng, minh bạch và công bằng.
Thứ tư là "giữ gìn vệ sinh thật tốt". Ngoài nghĩa đen, điều này còn có ý nghĩa về ý thức giữ cho hai bàn tay "sạch", không bị nhúng chàm.
Thứ năm là "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".
Có khiêm tốn mới nhìn nhận đúng mình, để khỏi ưỡn ngực, chém gió, coi mình cao hơn thiên hạ. Tấm gương khiêm tốn mà đi lên của người Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng nhất.
Thật thà tức là trung thực, Bác nói cho vần thôi. Trung thực với bản thân, trung thực với cộng đồng, và với xã hội. Nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là học trò không ngồi nhầm lớp, khi đi làm không ngồi nhầm ghế.
Dũng cảm là dám đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực. Một xã hội có nhiều người dũng cảm thì cái tốt mới át được cái xấu, người tốt mới không sợ kẻ xấu. Và cũng không kém phần quan trọng là dám thẳng thắn nhận trách nhiệm về những sai lầm của mình.
Đối với ngành giáo dục, bao gồm cả các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy chính là cách tốt nhất để hưởng ứng cuộc vận động "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", do Ban Bí thư phát động từ mấy năm nay.
Còn nhớ, ông Phạm Vũ Luận, khi lần đầu tiên nhậm chức bộ trưởng giáo dục - đào tạo, đã nói rằng ông không có tham vọng tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình. Nhiều người đã không hiểu hàm ý của ông: Ông muốn lặng lẽ tiếp tục thực hiện những đợt phát động "Nói Không" do người tiền nhiệm, đồng thời vẫn là thủ trưởng của ông khởi xướng.
Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoàn toàn có thể tự tin tạo dấu ấn của mình, bằng việc khởi xướng phong trào "Nói Có" với "5 điều Bác Hồ dạy". "Nói Có" (Say Yes to...) chính là sự bổ sung hoàn hảo cho "Nói Không" (Say No to...), cũng tương tự như "xây" và "chống".
Xã hội Việt Nam trong con mắt mọi người, nhất là giới trẻ, vì thế, chắc chắn trông sẽ tươi sáng hơn, và vận động theo chiều hướng tích cực hơn.
Thế mà sắp khai giảng năm học mới rồi nhỉ? Năm nay cũng là năm kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gửi 5 điều căn dặn đó.


Tụ tập trái pháp luật xử theo quy định của pháp luật

  Dẫn thông tin từ Công an Hà Nội về một số người tụ tập bị tạm giữ được tại ngoại chiều 25/8, người người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định các hành vi tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng được xử lý theo quy định của pháp luật.  

Nói rõ Điều 9 về quyền dân sự và chính trị

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phát biểu của người phát ngôn Đại sứ quán Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam tạm giữ một số người vào ngày Chủ nhật 21/8 vừa qua.

Khẳng định đây là "phát biểu sai trái, không phù hợp", bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh ở Việt Nam, các quyền tự do cơ bản của công dân được quy định rõ trong hiến pháp và pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Cũng như tất cả các nhà nước pháp quyền khác trên thế giới, việc thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật, điều này đã được quy định rõ tại Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

"Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xử lý những người có hành vi tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Việc làm này là theo đúng các quy định của pháp luật để bảo đảm trật tự an toàn xã hội", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga. Ảnh: LAD

Trả lời câu hỏi về tình trạng 3 người bị tạm giữ vào ngày Chủ nhật 21/08 vừa qua, bà Nga cho hay thông tin từ Công an Hà Nội rằng, khoảng trên 50 người đã tụ tập "trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng" ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ nơi đang diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng 66 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

Bà cho hay lực lượng làm nhiệm vụ đã kiên trì vận động, giải thích yêu cầu mọi người thực hiện đúng các quy định của pháp luật để bảo đảm trật tự công cộng theo tinh thần Nghị định 38/2005-NĐCP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng và nội dung thông báo của UBND Hà Nội. Tuy nhiên những người nói trên đã không chấp hành và có lời lẽ "lăng mạ, gây mất trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ".

Để thiết lập trật tự an ninh tại khu vực bảo vệ, lực lượng làm nhiệm vụ đã áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 38/2005-NĐCP, đưa những người này về trụ sở tiếp dân của thành phố. Tuy nhiên, tại đây, những người trên tiếp tục có hành vi "hò hét, gây rối trật tự an ninh", buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải tiếp tục đưa về đồn Công an Mỹ Đình, Từ Liêm để phân loại xử lý.

Cũng theo bà Nga, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số trường hợp, và đã cho một số trường hợp về ngay trong ngày 21/8. Đối với 3 đối tượng có hành vi quá khích, lăng mạ, gây rối trật tự công cộng, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trong thời gian xử lý những người có hành vi vi phạm những quy định của pháp luật tại đồn công an Mỹ Đình, Công an huyện Từ Liêm đã tạm giữ 3 đối tượng đã tới trụ sở công an, có hành vi gây rối an ninh trật tự, lăng mạ, chống người thi hành công vụ.

Theo thông tin mới nhất từ Giám đốc Công an Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, cuối buổi chiều 25/8, các đối tượng trên tạm thời được tại ngoại để xem xét xử lý sau.

Trước câu hỏi của hãng thông tấn AFP về sự việc này, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh lại chủ trương của thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng là kiên trì vận động, giải thích để người dân hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. "Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, các hành vi tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật", bà Nga nói.

Đề nghị TQ sớm thả tàu cá và ngư dân VN

Cũng tại cuộc họp báo, bà Nga cho hay Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét sớm trả tự do cho ngư dân và tàu cá Việt Nam.

Người phát ngôn dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Sở Ngoại vụ UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, hôm 8/8, tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB1825TS cùng 5 ngư dân đã bị cơ quan chức năng của Trung Quốc bắt giữ tại khu vực có toạ độ 17độ40 Bắc, 109độ20 Đông thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam 35 hải lý và cách Đà Nẵng 109 hải lý.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét sớm trả tự do cho ngư dân và tàu cá của Việt Nam trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo, phù hợp với quan hệ hai nước.

Lào dừng xây đập thủy điện Xayaburi

Trước thông tin Lào sẽ thuê Thuỵ Sĩ nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đối với đập thuỷ điện Xayaburi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam hoan nghênh quyết định của Chính phủ Lào dừng dự án xây dựng đập thuỷ điện Xayaburi.

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 18 tại Jakarta, Indonesia, thủ tướng hai nước đã thống nhất chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp nghiên cứu chung, thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Uỷ hội sông Mekong (MRC) về tác động của các công trình thuỷ điện đối với dòng sông Mekong để có đủ cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho những quyết định tiếp theo.

Hai bên sẽ cùng tích cực phối hợp để triển khai thoả thuận cấp cao này.

Nâng cao sức hấp dẫn của Đảng
 Các nhà khoa học 'hiến kế" tại hội thảo Văn kiện ĐH XI của Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn do Tạp chí Cộng sản, Viện Khoa học xã hội VN tổ chức sáng 23/8.

GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ cho rằng trong các văn kiện, bên cạnh nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao sức chiến đấu, cũng nên chú ý đến việc "nâng cao sức hấp dẫn của Đảng".

"Việc này không nên chỉ là nêu khẩu hiệu, mà còn phải nghiêm túc suy nghĩ cách làm", ông Hiệp nói.

Các nhà khoa học 'hiến kế" tại hội thảo Văn kiện ĐH XI của Đảng.

Còn khoảng cách văn kiện - cuộc sống

PGS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Học viện Chính trị quốc gia HCM, nhận định "văn kiện thì nhiều, nhưng cơ chế thực hiện văn kiện thì chưa có". GS.TS Đỗ Thế Tùng, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, còn chỉ rõ: "Đọc văn kiện, thấy nói nhiều điều cần làm mà chưa thấy nói những điều đó có khả năng làm được không và cách làm như thế nào".

Ông Tùng lấy ví dụ về tình hình "đáng buồn" của các hợp tác xã hiện nay, "các văn kiện đều xác định vai trò của kinh tế tập thể nhưng không nói một câu nào về các hợp tác xã, về phương hướng phát triển thành phần kinh tế này về bề rộng bề sâu như thế nào".

"Cứ để nông dân tự bơi với kinh tế hộ thì làm sao đến năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp? Nước công nghiệp thì nông nghiệp cũng phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa chứ", ông Tùng băn khoăn.

Nguyên TBT báo điện tử Đảng Cộng sản Đào Duy Quát bổ sung thêm tình trạng "nghị quyết nhiều nhưng vướng mắc nhất vẫn là khâu thực hiện trong thực tiễn: "Vấn đề quan trọng mà công tác lý luận phải tìm được lời giải là làm cách nào đưa hiệu quả của đường lối kinh tế và đổi mới chính trị vào thực tiễn, biến thành hiện thực".

Cùng với khoảng cách giữa khẩu hiệu và cách làm, các nhà khoa học cũng chỉ ra một khoảng cách khác là giữa lý luận và thực tiễn. Nêu dẫn chứng, GS.TS Nguyễn Hùng Hậu nói: "Lý luận của Đảng luôn là xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vậy mà xuống cơ sở, dân rất ngại gặp chính quyền. Ta cũng nhấn mạnh dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, nhưng ở cơ sở, dân nói chỉ thấy làm chứ chưa thấy ba điều còn lại".

Chính vì vậy mà GS.TS Dương Phú Hiệp kiến nghị bên cạnh nhấn mạnh nâng cao sức chiến đấu, cần mạnh dạn đề cập đến nhiệm vụ nâng cao sức sáng tạo của Đảng. "Giờ là lúc cần sức sáng tạo hơn lúc nào hết, một đảng lãnh đạo mà cứ mãi giáo điều, rập khuôn thì đảng đó yếu", ông Hiệp nhận định.

Tham nhũng nằm trong cơ chế

Nhà báo lão thành Hữu Thọ thì bày tỏ băn khoăn về công tác phòng chống tham nhũng. Nhiệm vụ này, theo ông, được nêu trong tất cả các văn kiện của Đảng, từ Cương lĩnh, chiến lược đến báo cáo chính trị, cho thấy Đảng ta nhận thức tầm quan trọng cả dài, trung và ngắn hạn của công cuộc này.

Nhưng tại sao tham nhũng chưa giảm, ông Hữu Thọ đưa ra lời giải đáp: "Quốc tế đã kết luận nếu tham nhũng không đẩy lùi được thì có nghĩa là tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, cơ chế đó đang nuôi dưỡng chứ không đẩy lùi tham nhũng".

"Văn kiện ĐH VI vẫn còn nói chống đặc quyền đặc lợi, nhưng từ các ĐH sau không còn thấy nhắc đến nữa, trong khi đặc quyền đặc lợi hiện nay đang trở nên nghiêm trọng, nhất là liên quan đến đất đai, xe cộ...", nhà báo Hữu Thọ nói.

Văn kiện ĐH Đảng VIII đã chỉ ra 9 trọng điểm phòng chống tham nhũng gồm đất đai, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, hải quan, quản lý tài sản công và quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước. Ông Hữu Thọ nói, 9 trọng điểm này đến nay vẫn chưa giảm.

Đến ĐH XI lại đưa thêm cả việc tiếp nhận bổ nhiệm cán bộ vào những việc cần nâng cao tính công khai minh bạch, ông Hữu Thọ nói.

Trở lại câu chuyện khẩu hiệu và cách làm, nhà báo lão thành nhận định văn kiện của Đảng đã nêu đầy đủ ba nhóm giải pháp gồm giáo dục tư tưởng, giải pháp chính trị và giải pháp kinh tế, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào.

Một trong những cách làm được ông nhấn mạnh chính là "Đảng và Nhà nước nên ủng hộ các tờ báo đấu tranh chống tiêu cực, vì bọn tham nhũng sợ nhất là đấu tranh công khai".

Góp thêm ý kiến về phòng chống tham nhũng, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn nhận định "còn thiếu dân chủ nên tham nhũng mới tràn lan".

Đánh giá cao việc đưa dân chủ vào vị trí xứng đáng trong mục tiêu phát triển của đất nước, song các nhà khoa học vẫn muốn các văn kiện của Đảng đề cập cụ thể và sâu sắc hơn về vấn đề này. GS.TS Lưu Văn Sùng, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, còn đề nghị đưa thêm tự do vào thành mục tiêu.

Quan điểm này được GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn chia sẻ: "Dân chủ là động lực, có dân chủ sẽ có tự do. Chỉ cần dân chủ, tự do, công bằng thì sẽ có dân giàu, nước mạnh, từ đó sẽ văn minh".

Thường trực BBT: Dân chủ tranh luận, mở đường cho cái mới

Nếu không có dân chủ trong thảo luận, tranh luận thì khoa học không thể phát triển - Thường trực Ban Bí thư nói trước Hội đồng Lý luận TƯ.

Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng Lý luận TƯ nhiệm kỳ 2006 - 2010 diễn ra ngày 27/8 tại Hà Nội.

Tổng kết 30 năm đổi mới

Phát biểu tại đây, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đánh giá Hội đồng Lý luận TƯ nhiệm kỳ qua đã tập trung nghiên cứu, phát triển, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, làm rõ thêm một số vấn đề về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng cộng sản lãnh đạo...

Ông Lê Hồng Anh: Dân chủ trong tranh luận có ý nghĩa quan trọng với việc khắc phục những hiện tượng bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong nghiên cứu khoa học, mở đường cho cái mới. Ảnh: CPV

Điểm nổi bật là Hội đồng đã chú trọng hơn việc gắn kết lý luận với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống xã hội, nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn; đã nhận thức và giải quyết sâu sắc hơn mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn...

Hội đồng đã làm tốt hơn nhiệm vụ tập hợp, quy tụ trí tuệ của các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu lý luận trong cả nước, qua đó tổng hợp và chuyển giao khá kịp thời những luận cứ khoa học mới và ý kiến đóng góp bổ ích phục vụ trực tiếp cho quá trình nghiên cứu, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; soạn thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và các văn kiện khác trình Đại hội XI của Đảng...

Về phương hướng hoạt động của Hội đồng Lý luận TƯ nhiệm kỳ 2011 - 2015, ông Lê Hồng Anh chỉ rõ, Hội đồng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn những vấn đề lý luận - thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH trong những thập kỷ tới; cung cấp được hệ thống luận cứ khoa học mới phục vụ thiết thực cho mục tiêu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN, như văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu. Cần phân tích sâu sắc và làm sáng tỏ thêm vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường; những vấn đề nảy sinh trong quá trình đổi mới kinh tế.

Tổ chức nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn thật sự sâu sắc và chủ động hơn nữa để góp phần bảo đảm thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ sở hạ tầng. Hội đồng cần làm tốt vai trò của mình trong việc tổng kết 30 năm đổi mới.

Cung cấp luận cứ khoa học mới để sửa Hiến pháp

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Hội đồng cần tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về xây dựng Đảng cầm quyền trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; đặc biệt là làm rõ một số vấn đề cấp thiết nhất đang đặt ra phải tập trung giải quyết nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của Hội đồng Lý luận TƯ nhiệm kỳ mới là tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cung cấp các luận cứ khoa học mới thật sự thiết thực và kịp thời để phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Hội đồng cũng cần tổ chức thực hiện tốt nghiên cứu lý luận - thực tiễn về định hướng, quan điểm, giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, về định hướng, quan điểm, giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay, về định hướng, quan điểm, giải pháp để giải quyết những vấn đề về quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong tình hình mới.
Tổ chức tốt hơn, có hiệu quả thiết thực hơn việc trao đổi các vấn đề lý luận - thực tiễn với một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền.

Ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Cần quan tâm hơn nữa việc tổng hợp, quy tụ chất xám của các chuyên gia và các nhà khoa học trong cả nước, bảo đảm góp phần cung cấp kịp thời hệ thống luận cứ khoa học mới thật sự có giá trị để phục vụ trực tiếp cho quá trình soạn thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng và một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

Khắc phục trì trệ, giáo điều

Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ: Đời sống xã hội đang đặt ra trước mắt chúng ta nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, tổng kết. Nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị phải bám sát hoạt động thực tiễn xã hội...

"Dân chủ trong thảo luận, tranh luận khoa học sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra. Nếu không có dân chủ trong thảo luận, tranh luận thì khoa học không thể phát triển. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục những hiện tượng bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong nghiên cứu khoa học, đồng thời, mở đường cho cái mới, cái tiến bộ ngày càng phát triển", ông Lê Hồng Anh nói.

25 năm đổi mới đã cho chúng ta thấy một vấn đề rất quan trọng là thông qua dân chủ bàn bạc, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế, nhiều vấn đề mới về lý luận đã được phát hiện và tổng kết, trong đó, có tổng kết 20 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam do Hội đồng Lý luận TƯ thực hiện.

Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng, với tổ chức mới, lực lượng mới, Hội đồng sẽ làm được nhiều việc, thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu, giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý những vấn đề lý luận - thực tiễn đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng
Ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.
Theo đó, Thủ tướng  chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác  như chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thủ tướng cũng sẽ phụ trách công tác đối ngoại, công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo cũng như xây dựng thể chế; tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; địa giới hành chính nhà nước.
Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và Chủ tịch một số Hội đồng, Ủy ban quốc gia và Trưởng một số Ban Chỉ đạo quan trọng khác.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giao giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ chuyên trách chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông Phúc cũng được giao giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác thuộc khối nội chính. Đồng thời, làm trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Chủ tịch các Hội đồng, các Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ giúp Thủ tướng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác trong khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
Ông Hải cũng sẽ có trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng, các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Ông Hải đồng thời kiêm giữ các chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân được giao giúp Thủ tướng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác thuộc khối khoa giáo - văn xã. Đồng thời, ông Nhân sẽ giữ các nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các khối kinh tế tổng hợp, bao gồm: kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ ngân hàng; thị trường chứng khoán, các nguồn đầu tư tài chính; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Ông Ninh đồng thời còn kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin; Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?