Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Đại gia nhập viện tâm thần vì mất của cổ phiếu

Thua lỗ vì chứng khoán, cho vay nặng lãi, phá sản… nhiều đại gia đã trắng tay trong chớp mắt và họ vào viện tâm thần trong trạng thái mất kiểm soát bản thân.

Có trong tay hàng chục tỉ cũng vào viện tâm thần

Có lẽ thời điểm Viện tâm thần Bệnh viện Bạch mai đón nhận nhiều “đại gia” ghé thăm tệ xá của mình nhất chính là thời điểm thị trường chứng khoán rơi xuống đáy.

Bệnh nhân tâm thần

BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nhiều "đại gia" phải vào bệnh viện tâm thần do khủng khoảng tâm lý, chủ yếu là do thị trường chứng khoán.

Điển hình là một đại gia trẻ tuổi tên H., 28 tuổi, nhà ở Thanh Trì, Hà Nội. H là con một người lái tàu hỏa, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và là người thành đạt nhất trong dòng họ. Bởi thế, tiếng nói của anh rất có trọng lượng trong đại gia đình.

Năm 2006, anh là một trong những người mạnh dạn đầu tư vào thị trường chứng khoán và thu lời lớn. Thấy vậy, không chỉ họ hàng mà hàng xóm cũng cầm cố nhà để hùn tiền cho anh đầu tư.

Có thời điểm, anh có trong tay hàng chục tỉ đồng. Cả anh trai cũng cầm cố nhà để anh đầu tư vào chứng khoán. Nhưng khi giá cổ phiếu sụt giảm, anh đã không kịp bán hết, và hàng đống tiền của mọi người cứ thế bay hơi từng ngày.

Nhưng đến đầu năm 2011, khi thị trường chứng khoán rơi xuống đáy, anh H. đã mất hoàn toàn số tiền bỏ ra (ít nhất là hơn chục tỉ đồng). Ngôi nhà gần chục tỉ của anh trai cũng bay hơi theo. Họ hàng và láng giềng cũng có không ít người nghe anh đầu tư theo, cũng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Trước áp lực vì trắng tay, nhiều người bị liên lụy theo, anh H chính thức bị hoảng loạn và gia đình phải đưa anh vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại đây, anh luôn trong trạng thái căng thẳng cao độ, mất kiểm soát hành vi. Không những thế, trong suốt 9 ngày điều trị ở viện, có không ít người tới hỏi thăm anh, và thậm chí trách móc anh, xin anh tư vấn xem nên như thế nào… khiến bệnh anh càng nặng.

Thua lỗ, phá sản, tự tử bất thành: nhập viện tâm thần

Ảnh minh họa

Cũng lao đao vì chứng khoán, chị Thu H, 38 tuổi tại Gia Lâm, Hà Nội đã ít nhất 3 lần đứng ở cầu Đuống để mong gieo mình xuống dòng nước dữ.

Chị Thu H đã sử dụng toàn bộ tiền mặt, giấy tờ, sổ đỏ của những ngôi nhà gia đình đang sở hữu để "đánh cược" vào chứng khoán. Khi thị trường vỡ, H. mất trắng ít nhất vài chục tỷ đồng và dồn cả gia đình nội, ngoại ra thuê nhà ở.

Mất quá nhiều tiền, lại chịu sự chỉ trích của nhiều người, chị H. đã 3 lần tự tử nhưng bất thành. Cách đây 2 tháng, chị lại tiếp tục viết thư tuyệt mệnh và một mình lên cầu Đuống tự tử. Rất may gia đình phát hiện kịp và đưa chị vào thẳng Viện sức khỏe tâm thần.

Sau khoảng nửa tháng nằm viện, chị H. đã bình phục phần nào, nhưng điều các bác sĩ lo lắng nhất là người nhà vẫn tiếp tục chì chiết chị, khiến tinh thần của chị có thể lên xuống bất thường, bệnh dễ tái phát. Do đó, các bác sĩ phải giám sát thường xuyên đồng thời yêu cần người nhà tránh làm tổn thương bệnh nhân, không kích động tránh trường hợp bệnh nhân trong một giây lát nghĩ quẩn sẽ lại làm liều.

Tuy vậy, cũng không phải ai cũng may mắn được người nhà phát hiện kịp thời. Chị Mai N. (Hà Nội) là một trường hợp như thế.

Chị N. buôn bán ở chợ Hôm, có rất nhiều bất động sản, nhà cửa, chung cư, quán cà phê. Nhưng kể từ khi chị chơi chứng khoán thì số tiền gom góp được lần lượt ra đi. Nhưng lúc đó, cơn say máu lên, chị cố cứu vớt tiền của vào canh bạc cuối cùng.

Và rồi, không còn gì trong tay, chị một mình phi xe ra cầu Đuống, nhảy thẳng xuống sông. Khi kiểm tra vật dụng, trong xe của chị có một lá thư tuyệt mệnh.

Cả vợ lẫn chồng đều tâm thần vì chứng khoán


Với BS Dũng, đáng tiếc nhất là một gia đình thành đạt ở Hà Nội nhưng cũng vì chứng khoán mà cả hai đều phát bệnh tâm thần.

Anh là giám đốc một công ty địa ốc, vợ làm kế toán một doanh nghiệp tư nhân. Cả hai có trong tay khá nhiều đất đai. Thời điểm thị trường chứng khoán đang lên, anh và chị bàn nhau bán đất, vay thêm tiền cơ quan vợ để buôn cổ phiếu.

Kết quả là anh chị phải gánh trên vai hơn 200 tỷ đồng tiền nợ ngân hàng, nợ gia đình, người thân mà gia sản anh chị có cũng chẳng thể trả nợ hết.

Quá áp lực, người chồng mắc bệnh tâm thần bỏ đi biệt tích. Chị vợ cũng từ bỏ con, lang thang đi ngoài đường, vừa cười vừa khóc, thậm chí khỏa thân đi trong mưa, gió.

Công an trong lần thu gom bệnh nhân tâm thần đã “nhặt” được chị ở gần viện và đưa vào chữa trị tại Viện sức khỏe tâm thần. Mặc dù hơn 1 tháng được chăm sóc, chữa trị nhưng theo nhận định của các bác sĩ, chị sẽ khó bình phục hoàn toàn.

Những ca bệnh đau lòng trên là hệ quả tất yếu khi có sự biến động xấu trong nền kinh tế. Theo BS Dũng, gần đây, sau hàng loạt những vụ vỡ nợ bất động sản vừa rồi, cũng đã có không ít người bị rối loạn tâm thần.
Tuy vậy, chỉ khi bị quá nặng gia đình mới nghĩ đến việc đưa họ vào viện, như thế là quá muộn để chữa trị.

“Sang chấn tâm thần có thể xảy ra khi bị mất tiền của đột ngột, căng thẳng trước mùa thi, lạm dụng thuốc, mất việc… Cuộc sống căng thẳng cũng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn tâm lí. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường dễ dàng hơn cũng như người nhà có cách để chăm sóc, ứng xử hợp lý” – BS Dũng cho biết.

Ngoài ra, BS Dũng lưu ý, với người càng trẻ thì bệnh càng có nguy cơ nặng hơn vì họ chưa có kinh nghiệm sống, chưa đáp ứng với thời cuộc, dễ tổn thương thần kinh dẫn tới mất ngủ, tâm thần. Họ bị rối loạn tâm thần cấp - sang chấn tâm lý cấp diễn trong khoảng thời gian từ 24h đến 72h với những triệu chứng kéo dài trong 2 tuần.


Đại gia chứng khoán 'làm thịt' nhau
Cùng đẩy một cổ phiếu ngành dầu khí nhưng đang giữa chừng, một số thành viên của nhóm “đội lái” bất ngờ xả hàng làm cho những người ở lại phải ôm hàng chịu trận. 

Chị Hằng – một đại gia chứng khoán tại Hà Nội cho biết, theo thỏa thuận, các thành viên của nhóm "đội lái" (những nhà đầu tư lớn chuyên làm giá) tại Hà Nội sẽ đẩy một cổ phiếu ngành dầu khí lên giá 130.000 đồng. Tuy nhiên, khi đẩy chưa tới 100.000 đồng thì làn sóng xả hàng đã diễn ra. Các nhà đầu tư thuộc nhóm này có kiểm tra lẫn nhau nhưng không phát hiện ra ai lén xả hàng.
Nhóm này sau đó phát hiện ra làn sóng xả hàng bắt nguồn từ một nhóm nhà đầu tư lớn khác. Mặc dù chỉ đẩy giá kiểu ăn theo nhưng nhờ chớp được cơ hội chạy, nhóm ít tiếng tăm hơn lại trở thành người chiến thắng. Trong khi đó, nhóm “đội lái” khởi xướng hiện vẫn phải ôm hàng chờ thời.
Khi thị trường lình xình, mâu thuẫn giữa các nhóm
Khi thị trường lình xình, mâu thuẫn giữa các nhóm "đội lái" thường tăng cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Ngoài trường hợp xảy ra với cổ phiếu ngành dầu khí, cuộc chiến giữa các nhà đầu tư chuyên làm giá còn xảy ra với nhiều mã chứng khoán khác thuộc họ Sông Đà, một số cổ phiếu ngành bất động sản…
Tình huống xung đột giữa các nhóm làm giá cũng diễn ra tương tự: Khi một “đội lái” đánh lên thì những người khác cũng mua ăn theo và chờ cơ hội xả hàng trước. Trong nhiều trường hợp, các thành viên ăn theo thường bị nhóm làm giá khởi xướng “làm thịt” bởi những nhà đầu tư "lái tàu" thường nắm thế chủ động hơn.
Với không ít cổ phiếu bị làm giá, trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng, những nhà đầu tư bình thường ít tham gia nên cuộc chơi diễn ra chủ yếu giữa các "đội lái" với nhau. Nhóm "lái tàu" nhanh chân chạy trước sẽ "làm thịt" được những nhà đầu cơ chậm chạp.
Việc các nhóm nhà đầu tư lớn cùng tham gia đẩy giá cổ phiếu nhưng thực chất là rình cơ hội để "trút hàng" sang nhau là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư truyền tai nhau về các cuộc chiến "đội lái". Thế nhưng, anh Long - thành viên của một nhóm” đội lái” tại Hà Nội cho biết, việc mọi người cứ phao tin các nhóm làm giá cổ phiếu “đánh nhau” là không đúng. Theo anh này, tất cả đều xoay quanh kỳ vọng về mức giá an toàn cần bán ra.
“Tôi thì kỳ vọng giá chỉ lên tới mức 30.000 đồng với tình hình hiện tại của thị trường nhưng người khác thì nghĩ có thể lên tới 35.000. Vì thế, việc tôi bán ra chẳng phải vì tôi mâu thuẫn hay muốn chơi xỏ người khác mà đơn giản là lãi thế đủ rồi. Nếu giữ lâu hơn sẽ gặp rủi ro”, anh Long nói.
Còn anh Toàn – một nhà đầu tư lớn từng tham gia vài nhóm làm giá, tiết lộ xung đột giữa các nhóm cũng có xảy ra, đặc biệt vào thời điểm thị trường lình xình. Nhà đầu tư này phân tích, khi thị trường tăng điểm, việc thu hút nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia đẩy giá cổ phiếu không khó.
Tuy nhiên, khi thị trường đi ngang, nếu có vài nhóm cùng làm giá thì luồng tiền bị phân tán. Đây chính là lý do các đội lái tìm những cách khác nhau gây khó khăn cho nhóm khác, tránh phân tán luồng tiền. “Trong bối cảnh tâm lý thị trường nói chung không vững mà cứ đẩy giá dàn trải ở nhiều cổ phiếu thì chỉ có thất bại. Vì thế, hướng sự tập trung của nhà đầu tư là biện pháp cần thực hiện”, môi giới tại một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại TP HCM tiết lộ.
Về xung đột giữa các “đội lái”, ông Phạm Kinh Luân, Giám đốc Khối nghiên cứu và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Kenaga hài hước nhận xét: “Cũng như trước đây, đường Hà Nội ít xe, người ta lái thế nào cũng được. Nhưng giờ thì đường đông, xe lại nhiều nên lái tàu, lái xe dễ đâm nhau. Sự việc nó là vậy chứ chẳng ai muốn đánh nhau làm cái gì”.

Đại gia chứng khoán cũng 'vỡ mặt'
Những nhà đầu tư lớn cùng hợp sức đánh lên thường thắng đậm khi thị trường tăng điểm nhưng cũng có lúc ôm cục nợ bởi Vn-Index đảo chiều bất ngờ.

Anh Hồng là một thành viên tham gia "đội lái" (nhóm các nhà đầu tư lớn chuyên làm giá cổ phiếu) đánh lên PIT. Đội này thuộc nhóm khách VIP của một công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn, trụ sở tại Hà Nội. So với các thành viên khác, anh Hồng vào muộn hơn, khi đã mua tới 400.000 PIT và chưa kịp xả hàng thì giá tụt dốc. Giá của PIT từng được đẩy lên 26.200 đồng (từ 15.000 đồng) nhưng sau 8 phiên chỉ còn 19.000 đồng vào 14/5.
Còn anh Tuấn là một nhà đầu tư cá mập khác bị kẹp hàng với PPG. Tương tự như anh Hồng, anh Tuấn vào sau so với các thành viên "đội lái" khác ở thời điểm giá PPG đã lên gần 26.500 đồng (được đẩy từ 14.000 đồng). Trong khi anh Hồng có thể bán PIT và chấp nhận lỗ để chuyển sang cuộc chơi khác (bởi PIT còn có tính thanh khoản), thì anh Tuấn đang ôm cục nợ.
Đại gia chứng khoán cũng 'vỡ mặt'
Không chỉ có nhà đầu tư nhỏ mới bị lỗ khi chơi cổ phiếu dạng đầu cơ, đại gia chứng khoán cũng “vỡ mặt” khi đánh lên vào lúc thị trường đột ngột đi xuống. Ảnh: T.S
Ngày 11/5 là phiên tăng giá gần đây nhất của PPG thì anh Tuấn vẫn tiếp tục gom hàng với niềm tin tăng giá. Thế nhưng, kể từ 12/5 chỉ sau 3 phiên lao dốc, PPG từ giá 26.000 đồng chỉ còn 20.000 đồng. Quan trọng hơn, tính thanh khoản của PPG cực thấp với vài nghìn cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên khi giá giảm, trong khi 3 ngày tăng liền trước đó, tổng lượng giao dịch lên tới 1,5 triệu.
Theo tiết lộ của một môi giới VIP (Hà Nội), trong tháng 4 và tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5, hầu hết các "đội lái" đều rất thành công trong việc đánh lên các penny. Tuy nhiên, do thị trường có các thông tin xuất hiện bất ngờ từ cả nước ngoài lẫn trong nước, tâm lý của các thành viên trong cùng một "đội lái" bị phân cực.
Kể từ 11/5, sau khi các thông tin xuất hiện dồn dập thì một số nhóm đánh lên có biểu hiện dao động. Bằng chứng rõ nhất là hiện tượng xả hàng có cả ở những cổ phiếu đang có đà tiến thành công như PVA, PVX.
Môi giới VIP của một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại TP HCM tiết lộ, riêng PVX có 2 đội đánh lên. Một đội đánh lên giá 30.000 đồng (từ 24.000 đồng) rồi xả hàng thì một nhóm khác đến từ công ty chứng khoán tại Hà Nội lại tiếp tục và tuyên bố sẽ đánh lên 50.000 đồng. Tuy nhiên, khi PVX mới lên được 36.000 đồng thì thị trường có thay đổi. “Đội lái” này vẫn cố giữ giá trong ngày 12/5 nhưng đã không ngăn được việc xả hàng với giá sàn 2 phiên sau đó.
Trong ngày 12/5, giá PVX vẫn tăng nhẹ (0,29%) với lượng giao dịch lên tới hơn 10 triệu cổ phiếu trong khi các penny đầu P (họ dầu khí) khác đã tụt dốc từ 11/5 hoặc vài phiên trước đó. Chỉ sau 2 phiên, giá PVX đã trở về mức giá 30.000 đồng vào cuối phiên ngày 14/5.
"Đội này có đẩy được tiếp hay không cũng còn phụ thuộc vào tình hình chung. Nếu như không có thông tin hỗ trợ và thị trường chưa xoay chiều thì dù đội có khỏe, được hậu thuẫn mạnh về tài chính thì cũng vẫn vỡ mặt như thường", môi giới VIP của công ty chứng khoán tại TP HCM nhận định.
Một nữ đại gia về chứng khoán đất Hà Thành nói với VnExpress.net: "Lái tàu, lái xe thuộc diện cá mập trên thị trường chứng khoán thì cũng là nhà đầu tư thôi. Họ cũng có thể bị kẹp hàng và bị công ty chứng khoán "làm thịt" như thường nếu quá say máu với các đợt đánh lên cộng với sử dụng đòn bẩy quá lớn".
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nhận xét trên thị trường chứng khoán, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có khả năng bị thua lỗ nặng nếu bị lòng tham lấn át. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn thì thiệt hại còn nặng hơn nhiều nếu họ dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao.
Các nhà đầu tư nói chung trong đó có các đại gia chứng khoán phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi sử dụng các công cụ có độ rủi ro cao và dẫn tới thua lỗ. Nhưng cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp để giảm bớt các hiện tượng làm giá xảy ra đối với nhiều mã cổ phiếu nhỏ, vị Tổng thư ký này nói.

Cả họ "chết" vì chứng khoán, đại gia vào… viện tâm thần

Tính tới thời điểm này, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận những trường hợp đầu tiên cần điều trị tâm lý do khủng hoảng tinh thần liên quan đến thua lỗ trong đầu tư chứng khoán.

Cả họ "chết" vì chứng khoán
Đây là trường hợp một "đại gia" trẻ tuổi tên N., năm nay 28 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. "Đại gia" này là con của một người lái tàu hỏa (Thuộc Tổng Công ty Đường sắt VN), là cháu đích tôn và niềm tự hào của gia đình cũng như dòng họ vì đã học tập, làm việc ở những nơi "có tiếng". Bởi thế, tiếng nói của anh rất có trọng lượng trong đại gia đình.
Anh N. tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2006, đúng thời điểm phong trào đầu tư vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam bắt đầu rộ lên. Có kiến thức và vốn, anh N. đã mạnh dạn đầu tư và thu lời lớn. Thấy tiền đẻ ra tiền với tốc độ chóng mặt, ban đầu nhiều người trong gia đình cùng chung vốn với anh để đầu tư, sau đó đến những người hàng xóm cũng tham gia vào "trò chơi" này.
"Trọng lượng" này càng được nhân lên khi vào thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang hưng phấn (năm 2007). Trong năm này, anh N. cùng những nhà đầu tư gia đình, làng xóm của mình đã thu lời lớn. Thấy ngon ăn, nguồn tiền đổ vào càng nhiều.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, nghe theo anh, nhiều người vẫn không rút tiền về, thay vào đó là kiên trì chờ đợi. Đến đầu năm 2011, chứng khoán càng ngày càng bị lún sâu vào tình trạng trì trệ. Đến khi thị trường chạm đáy (vào tháng 4/2011), anh N. đã mất hoàn toàn số tiền bỏ ra (ít nhất là hơn chục tỉ đồng), chưa kể ngôi nhà 7 tỷ của anh trai cũng "bốc hơi". Những người hàng xóm, họ hàng nghe anh đầu tư cũng mất trắng tài sản và cùng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Do chịu áp lực quá lớn (từ cả mọi người xung quanh), anh N. sinh ra hoảng loạn. Cách đây nửa tháng, anh được gia đình đưa vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai). Người tiếp nhận anh N. là Tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng.
Bác sỹ Dũng cho biết anh N. rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ, mất kiểm soát hành vi vì tinh thần hoảng loạn do chịu sức ép lớn trong quãng thời gian ngắn. Sau 9 ngày nằm điều trị tại Viện, tình hình của anh N. đã ổn định tạm thời. Đáng ra cần phải điều trị tiếp nhưng gia đình quyết xin bệnh viện đưa anh N. trở về nhà để đi ... nhờ thầy bói "giải đen", mặc các bác sỹ khuyên can là không nên làm vậy.
Điều thú vị là trong suốt 9 ngày điều trị ở viện, bác sỹ Dũng cho biết hầu như ngày nào cũng phải có tới hàng trăm người ùn ùn kéo vào thăm anh N. Đã làm việc ở viện hơn 20 năm nhưng chưa khi nào bác sỹ Dũng gặp một bệnh nhân có nhiều người vào thăm như vậy.
"Đây toàn là họ hàng, làng xóm của N. cả. Họ lên xem tình hình cậu ấy thế nào, ai cũng mong cậu ta khỏi bệnh để trông chờ xem cậu còn "ngón đòn" nào chưa giở ra để cữu vãn tiền bạc. Còn những người cho cậu vay thì mong cậu khỏi để đòi được nợ", bác sỹ Dũng nói.
Tự tử hai lần đều bất thành vì chứng khoán
Thêm một trường hợp 38 tuổi tại Gia Lâm, Hà Nội lao đao vì chứng khoán. "Đại gia" nữ tên H. này đã sử dụng toàn bộ tiền mặt, giấy tờ, sổ đỏ của những ngôi nhà gia đình đang sở hữu để "đánh cược" vào chứng khoán. Thậm chí, cả căn nhà của mẹ đẻ H. cũng bị cắm sổ đỏ để H. có tiền chơi chứng khoán. Khi thị trường vỡ, nhà đầu tư tháo chạy, H. mất trắng ít nhất vài chục tỷ đồng và cả nhà (cả nội lẫn ngoại) và hiện đang phải ở nhà thuê.
Mất tiền quá nhiều, lại chịu sự chỉ trích của nhiều người trong gia đình, chị H. không chịu nổi áp lực đã tự tử ở nhà nhưng bất thành. Sự việc này xảy ra cách đây khoảng một tháng. Một tuần sau vụ tử tử bất thành này, chị H. tiếp tục viết thư tuyệt mệnh và định nhảy cầu Chương Dương tự vẫn nhưng gia đình phát hiện kịp. Kể từ đó, chị được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần, nơi bác sỹ Nguyễn Văn Dũng đang công tác, để điều trị.
Sau khoảng nửa tháng nằm viện, được theo dõi và chăm sóc tốt, chị H. đã bình phục. Khi được các bác sỹ cho phép, gia đình đón chị về Gia Lâm để điều trị tại nhà. Do bệnh dễ tái phát nên bác sỹ Dũng vẫn chịu trách nhiệm giám sát trường hợp này. Hiện nay, chị H. chưa có biểu hiện gì khác thường. Tuy nhiên, để lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống và tinh thần không còn bị kích động thì bác sỹ Dũng cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài, tránh trường hợp bệnh nhân trong một giây lát nghĩ quẩn sẽ lại làm liều. "Của đau con xót", bác sỹ Dũng nói.
Đây là trường hợp may mắn vì vẫn giữ được mạng sống. Nhưng bác sỹ Dũng rất tiếc một trường hợp đã tự tử "thành công" trên cầu Đuống, cũng vì chứng khoán mà ra!
Sở dĩ bác sỹ Dũng biết trường hợp này tự tử vì chứng khoán là bởi trước khi tự tử, chị này đã được gia đình đưa tới để xin tư vấn và điều trị. Theo lời kể của gia đình, người phụ nữ này chuyên buôn bán ở chợ Hôm, có rất nhiều bất động sản, nhà cửa, chung cư, quán Café. Chị nhảy vào chứng khoán khoảng 3 năm nay. Theo thời gian, những tài sản chị có thi nhau "đội nón ra đi" nhưng đến khi không còn gì trong tay, chị mới giật mình hoảng loạn.
"Rất tiếc là trường hợp này đã được kiểm soát, điều trị nhưng lại tái phát bệnh trong thời gian ở nhà. Theo tôi được biết thì hôm tự tử, chị đi một chiếc xe SH đến cầu Đuống rồi bỏ đó, nhảy thẳng xuống sông. Khi kiểm tra vật dụng, người ta thấy trong cốp xe của chị vẫn còn 90 triệu đồng tiền mặt và một lá thư tuyệt mệnh", bác sỹ Dũng kể lại.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình kinh tế không thuận lợi, sẽ có nhiều nhà đầu tư căng thẳng, lo lắng, dễ sinh ra sang chấn tâm lý gây hoang mang, hoảng loạn, hành vi mất kiểm soát. Vì thế, bác sỹ Dũng cảnh báo gia đình của những "đại gia" này cần hết sức cảnh giác, nếu có biểu hiện tâm lý bất thường cần được can thiệp ngay.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Mệnh lệnh trái tim

Kỳ 1: Không thể làm ngơ
TT - Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập, đã có nhiều con người hành xử bằng mệnh lệnh cao thượng của trái tim: vượt qua mọi khó khăn, phiền phức để ra tay nghĩa hiệp, cứu người trong lúc lâm nguy. Họ đã viết nên những trang sách đẹp trong cuộc đời mình...
Lương và người chị nuôi, vốn là vợ một nạn nhân bị tai nạn giao thông được Lương cứu giúp - Ảnh: Quốc Việt
Hà Nội, 16g30. Đường Phạm Hùng, người xe như mắc cửi sau giờ tan tầm. Bất chợt... rầm... Một thanh niên đang đi bộ ngã vật ra đường sau cú tông trực diện từ một chiếc xe gắn máy đang phóng nhanh giành đường. Người bị nạn nằm bất động. Máu chảy tràn ra từ miệng, mũi, tai của anh, rồi lan cả vũng trên mặt đường.
Chuyện trước ngày cưới
Đúng lúc đó, một chiếc xe buýt trờ tới. Phạm Văn Lương từ trên xe bước xuống. Anh vừa dự đám tang một người em kết nghĩa trở về, và chuẩn bị đón tiếp xe xuống Hải Phòng. Người yêu của anh mới gọi điện nhắn anh về để chuẩn bị cho ngày thành hôn. Chỉ ít hôm nữa chàng trai 27 tuổi này sẽ làm lễ cưới. Anh đang rất bận rộn, hồi hộp, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới của cuộc đời.
Vừa xuống xe, Lương đã giật mình. Nạn nhân bị đụng xe đầm đìa máu nằm ngay trước mặt anh. Không kịp suy nghĩ gì, anh lao đến bên nạn nhân, áp tai nghe thấy vẫn còn tiếng thở yếu ớt. Anh cuống quýt vẫy taxi, nhưng mấy chiếc chạy thẳng qua mà không chịu dừng lại. Cuối cùng, một chiếc chịu dừng. Nhưng khi tài xế mở cửa xe, thấy nạn nhân bị chảy máu bết đầm người, lại ngần ngừ tỏ vẻ không muốn chở. Lương phải hét lên: “Thôi, làm phúc đi anh!”.
Bây giờ, ngồi kể lại chuyện này, Lương nhớ khoảnh khắc ấy mình không kịp suy nghĩ gì cả. “Tôi chỉ thấy trước mặt mình có một con người sắp chết, và thế là tôi lao đến”- Lương kể tiếp. Cuối giờ chiều, đường phố Hà Nội tắc nghẽn, taxi phải mất cả nửa giờ mới luồn lách đến được Bệnh viện 19-8 ở cách đó không xa. Cuống quýt bế nạn nhân vào phòng cấp cứu, nhân viên y tế hỏi gì Lương cũng gật, kể cả anh có phải là thân nhân không. Anh muốn mọi thủ tục thật nhanh để nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Mãi sau đó Lương mới sực nhớ lục tìm giấy tờ trong túi quần áo nạn nhân để tìm người thân, nhưng chẳng có gì, kể cả điện thoại di động.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày chậm chạp trôi qua, lòng Lương nóng như lửa đốt. Anh vừa thương nạn nhân đang thoi thóp giữa làn ranh sinh tử, vừa lo việc đám cưới dở dang ở nhà. Bác sĩ rồi công an đến điều tra tai nạn không gặp được người thân, chỉ biết gặp Lương. Họ hỏi nhiều điều nhưng anh chẳng biết gì hơn ngoài điều duy nhất mình chính là người bế nạn nhân vào đây.
Cả tuần lễ Lương không về nhà, gia đình phải gửi quần áo, tiền nong lên cho anh. Lương lấy quần áo mình mặc cho nạn nhân đỡ lạnh lẽo, tủi thân trong giờ phút sinh tử đau đớn. Lương liên hệ với các báo để thông tin tìm người thân, rồi anh lại gặp các cơ quan công an xem có manh mối gì.
Không thể về nhà chuẩn bị lễ cưới, nhưng Lương may mắn có người yêu hiểu chuyện, thông cảm với việc giữa đường của mình. Cô từ Hải Phòng lên Hà Nội, chia sẻ khó khăn và nỗi buồn với người chồng sắp cưới. Ngày thứ sáu thì nạn nhân xấu số tử vong. Cuối cùng, khi Lương về đến quê thì sụt đúng 5kg!
Số phận của trái tim
Những ngày về Hải Phòng, tôi nghe rất nhiều chuyện kể về Lương. Người đầu tiên mà tôi gặp ở cầu Quán Toan chính là Trần Thị Cẩm, vợ mới cưới của anh. Cẩm có vẻ gầy yếu nhưng ánh mắt toát niềm vui, lạc quan: “Số nhà em lạ lắm anh à, cứ ra đường là gặp người bị nạn. Có hôm anh về nhà mà máu me đầy người. Em cứ tưởng anh bị tai nạn, hóa ra là máu người bị nạn được anh giúp đỡ bết vào”.
Rồi Cẩm lại vui vẻ tâm sự tiếp: “Nói vậy thôi, chứ em nghĩ chắc tính anh thấy người bị nạn không nỡ làm ngơ nên mới hay gặp chuyện này”. Nhiều lần Lương đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, rồi lại hối hả kêu vợ đưa tiền lên trang trải viện phí giúp. Sáng ra vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ mới hay chẳng ai còn đồng nào...
Về quê Lương, có người nói số phận anh là thế. Riêng tôi nghĩ rằng đó là “số phận của trái tim” thì đúng hơn. Chuyện Lương tình cờ giúp đỡ thanh niên bị tai nạn giao thông vừa rồi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp anh không thể làm ngơ. Nhà nghèo, mới 15 tuổi Lương đã ra đường buôn gà. Ngày ngày chứng kiến bao nhiêu nụ cười lẫn nước mắt ngoài xã hội làm anh hay nặng lòng.
Người đầu tiên mà anh giúp đỡ chính là ở chợ Vĩnh Bảo. Sáng hôm đó chợ ế, Lương đang chuẩn bị về thì thấy một phụ nữ lớn tuổi đang ngồi bỗng dưng ngã ra đất, rồi cứng đờ như tắt thở. Mọi người xúm lại chưa biết làm gì thì Lương nhanh trí cõng đến bệnh viện. Bác sĩ nói bà rất may mắn vì đến kịp bệnh viện trong cơn tai biến, chậm tích tắc có thể ảnh hưởng đến tính mạng mà nhẹ lắm là bại liệt. Sau đó, Lương mới biết tên bà là Thận. Và xúc động là bà Thận đã xin nhận Lương làm con nuôi để tạ ơn cứu mạng mình.
Mới đây, Lương lại lao vào cứu một người buôn đồng nát bị tai nạn giao thông ngay cầu Quán Toan, Hải Phòng. Buổi tối chập choạng trên đường đi làm về, người đàn ông này bị xe máy đụng lăn ra đường, chảy máu đầm đìa cả người. Nhiều người qua đường lặng lẽ bỏ chạy luôn, có người tò mò dừng lại nhưng chỉ đứng nhìn mà không làm gì để giúp nạn nhân. Ông bị ra máu nhiều quá, họ ngại vấy vào mình, kể cả nghĩ chắc ông chết rồi. Lúc đó Lương đang ăn cơm sau nhà. Nghe tiếng ồn ào trước đường, anh bỏ dở bát cơm, lao ra rồi vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Trong lúc đợi bác sĩ cứu chữa, anh lấy số máy nạn nhân gọi thử thì trúng ngay số máy nhà ông ở sát hiện trường vụ tai nạn. Chính họ cũng có mặt trong đám người tò mò đứng xem, nhưng vì máu ra nhiều quá nên không nhận diện được thân nhân mình. Khi qua khỏi, ông (tên Hiển) đã dẫn vợ sang tạ ơn Lương. Anh nhẹ nhàng nói: “Lúc ấy, con chỉ thấy có người sắp chết thì cứu thôi, chứ chẳng biết bác là ai. Gặp bác hay gặp người khác con cũng làm thế thôi mà. Đâu có gì mà bác ơn nghĩa”.
Tháng 10-2010 ở Hà Nội, Lương lại tình cờ cứu kịp hai học sinh bị tai nạn giao thông trên đường Kim Mã. Hai em bị xe máy đâm, xuất huyết rất nhiều và nằm bất động. Người qua lại rất đông nhưng chỉ tò mò đứng nhìn. Lương ngang qua thấy cảnh đau lòng, vội kêu taxi chở nạn nhân đến bệnh viện. Mấy tài xế thấy máu me, vọt luôn. Lương phải đứng chặn trước mũi, một chiếc mới chịu dừng lại. Đưa hai em vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức, Lương lấy điện thoại các em gọi về nhà. Lát sau, bố mẹ các em đến nhưng thất thần, chẳng còn biết làm gì. Lương nán lại ở bệnh viện cả đêm để giúp thủ tục cấp cứu cho các em.
Ba tháng sau, bố các em đưa con từ Hà Nội về Hải Phòng tìm Lương để tạ ơn. Nhưng hôm đó, họ không gặp được Lương vì anh lại đang đi tìm người thân cho một nạn nhân tai nạn giao thông khác tình cờ gặp trên đường...
QUỐC VIỆT
---------------------------------------------
Nửa đêm, băng qua đám thanh niên bặm trợn để đưa người bị đánh sắp chết đi cấp cứu, sau này tâm sự bà chỉ nói: “Sinh mạng quý lắm. Mình cũng là người mà không biết cứu người thì đâu xứng sống ở đời này nữa”.

Kỳ 2: Cứu người trong đêm
TT - “Tới giờ vẫn có hàng xóm hỏi tui: đêm đó bà sợ không? Lỡ người đó chết trong nhà bà hay tụi lưu manh vô đâm chém loạn xạ thì sao? Tui trả lời rằng thiệt bụng lúc đó tui cũng chẳng biết mình có sợ hay không, nhưng chỉ thấy có mạng người đang nguy hiểm mà mình ngó lơ thì coi sao đặng.
Dạy con cháu bà Khiết chỉ nói “mạng người quý lắm” - Ảnh: Quốc Việt 

Còn chuyện giúp đúng, sai thế nào chắc là chỉ do trái tim mình mách bảo thôi, chứ lúc đó đầu óc đâu mà nghĩ ngợi gì nữa” - ngồi nhìn nước lũ đang lé đé dâng cao, bà Lê Thị Khiết tâm sự. Cũng chính tại bờ kênh này, bà vừa cứu mạng một thanh niên không quen biết trong cái đêm không nhìn thấy mặt người.
Cái đêm hôm ấy...
Miệt bưng Thạnh Hóa Long An lũ ngập trắng. Từ TP.HCM, tôi về xã Thạnh Phú bằng xe máy, rồi phải len lỏi bằng xuồng nhỏ mới vào được ấp Ông Hiếu. Người lái đò hỏi: “Anh đi tìm ai mà vô sâu dữ?”. “Bà Khiết, người đàn bà vừa cứu mạng anh thanh niên...”. Chưa nghe tôi nói dứt câu, người lái đò đã vui vẻ cắt ngang: “À, bà Khiết phải hông? Bà ở cuối ấp Ông Hiếu chứ gì. Ở đây ai mà hổng biết, bà già này thẳng tính lắm à nghen”. Nói xong, người lái đò dứt khoát không lấy tiền công.
Lúc tôi cặp xuồng lên nhà, bà Khiết đang ngồi co chân trên giường, bỏm bẻm nhai trầu. “Trời, chuyện nhỏ nhít, có gì đâu mà nhắc chú em”. Ban đầu bà Khiết nhất định không chịu nói chuyện ơn nghĩa cũ. Đến khi trưởng ấp và mấy hàng xóm dẫn đám con nít ghé chơi, nói bà kể chuyện để sắp nhỏ nghe mà học làm người thì bà mới chịu dừng nhai trầu.
“Hôm đó khoảng 12 giờ đêm, điện cúp mà trời lại chuyển mưa tối đen. Tui đang thiu thiu ngủ chợt nghe góc phòng con dâu có tiếng lục đục, chồng nó lại không ở nhà. Nghe lạ, tui cầm đèn pin qua rọi thử thì giật bắn người thấy một thanh niên cởi trần, máu me đỏ lòm đang nằm mọp trên sàn nhà, còn con dâu tui thì mất hồn, ngồi chết trân không nói được tiếng nào”. Bà Khiết kể lúc đó anh thanh niên này còn hơi tỉnh, thấy bà liền năn nỉ cho trốn trong nhà. Bà đang ú ớ chưa kịp nói gì, anh ta lại cầu khẩn rằng hay cho ra ở góc sân cũng được, rồi lết tới đống gạch. Máu me nhỏ giọt trên người.
Bà lập cập cầm đèn pin đi theo và thấy người lạ này bắt đầu lên cơn mê sảng, co giật, bên ngoài lại có tiếng chân chạy tới lui huỳnh huỵch như đang truy tìm ai đó. Tình hình nguy hiểm, bà ráng đỡ anh thanh niên ngồi dựa tường cho đỡ ra máu, rồi lấy chiếc áo ở nhà mặc vội lên người anh ta.
Máu vẫn ra đầm đìa, người lạ càng lúc càng co giật nhiều hơn và hoàn toàn mê sảng, không biết gì nữa. Thấy anh ta như sắp chết, bà luống cuống chạy ra nhìn thấy chiếc vỏ lãi của mình vẫn còn cặp bờ kênh. Lúc quay lại vô nhà, người thanh niên bà vừa đỡ ngồi dựa tường đã ngã sấp xuống sàn, nằm mê man, bất động trong lúc máu vẫn chảy nhỏ giọt. Cố kéo anh ta xuống vỏ lãi để chở đi cấp cứu, nhưng sức bà già 60 tuổi không thể kéo nổi anh thanh niên nông dân này. Đêm lại tối đen như mực, bà sợ một mình điều khiển vỏ lãi chạy đường kênh nhiều cây cối, cầu thấp sẽ nguy hiểm thêm cho tính mạng người đang bị thương tích.
Lóe lên suy nghĩ phải tìm thêm người giúp, bà bước vội sang nhà anh Trần Văn Chính, trưởng ấp và mặc kệ những thanh niên bặm trợn đang hậm hực ngoài đường. Hình như thấy bà già ốm yếu, chúng cũng không thèm để ý. Khi anh thanh niên bị thương được chở lên Bệnh viện Thạnh Hóa, bác sĩ cấp cứu nói anh bị chấn thương đầu, nếu chậm thêm một chút sẽ rất nguy hiểm. Đến lúc nghe báo tính mạng anh ta đã an toàn, bà mới thở ra nhẹ nhõm. Cả đêm căng thẳng, thức trắng, nhưng bà không hề có cảm giác mệt mỏi.
Trời vừa tang tảng sáng, người bị nạn này tỉnh lại và công an đến làm việc thì lại báo bị mất tiền. Có hai nơi nghi ngờ mất tiền là chỗ anh ta bị đánh và lúc nằm ở nhà bà Khiết. Thấy làm ơn có thể mắc oán, bà quay lại vỏ lãi định về nhà tìm xem tiền có bị rớt ở đâu trong đêm tối, chợt phát hiện gói tiền hơn 10 triệu đồng đang nằm kẹt dưới sạp tre đáy vỏ lãi. Thì ra trong lúc đưa người thanh niên này đi cấp cứu trong đêm tối, tiền từ túi anh ta rớt xuống vỏ lãi mà không ai thấy để giữ giúp.
Cầm trả lại tiền cho người mình vừa cứu mạng mà lúc này bà mới biết tên là Nguyễn Văn Tưởng, quê ở huyện Thủ Thừa, Long An, sang Thạnh Hóa đốn tràm mướn. Gói bạc đó là số tiền công mần mướn mấy tháng của anh ta. Tối anh bị nạn cũng là hôm anh mới lĩnh lương, bị đám thanh niên say rượu địa phương gây gổ, hành hung. Trời tối nên họ không phát hiện được gói tiền trong túi Tưởng. Còn Tưởng cố chạy thoát đến nhà bà Khiết thì gục xuống. May là anh còn lết vào được nhà bà, nếu nằm gục ở ngoài đường chắc tính mạng đã không giữ được. Tỉnh lại ở bệnh viện, Tưởng chưa kịp lí nhí lời cảm ơn ân nhân cứu mạng, bà Khiết đã nói “Chuyện nhỏ nhít, có gì đâu”, rồi lên vỏ lãi đi mất.
“Tôi chỉ tham của trời”
Ngồi tâm sự với bà Khiết suốt buổi chiều trong căn nhà bên bìa lung tràm mùa nước lũ, tôi nghe bà miên man kể chuyện đời mình như đang dạy cho chính sắp nhỏ đang ngồi hóng hớt chuyện người lớn. “Mấy đời ông cha tui đã ở miệt bưng này rồi. Hồi đó Thạnh Hóa là rừng tràm hoang vu, dân cư nghèo rớt, ba hột cơm còn không có đủ mà ăn. Học hành chưa được mấy chữ, tui đã phải bỏ ngang vì chiến tranh, nơi này trở thành bãi cho bom thừa, pháo dư trút bỏ. Nhà nghèo nhưng cha tui hay dạy con cái sống ở đời phải giữ đạo làm người. Mình có tham thì nên tham của trời, chứ đừng tham của người”.
Bà Khiết vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa tâm sự lời dạy của cha đã theo mình suốt cuộc đời 60 tuổi. Đời bà không may mắn được bỏ vào đầu mấy chữ. Gặp chuyện này chuyện nọ, hay giúp đỡ người khác, bà chỉ nghĩ đơn giản họ là người mà mình cũng là người, vậy không giúp nhau thì giúp ai bây giờ!
Ngồi bó gối tư lự ngó nước lũ đang chuyển màu vàng đỏ trong bóng chiều dần khuất sau rặng tràm, bà Khiết tâm sự cũng chẳng thể nhớ được đã từng giúp ai, cứu ai vì đời mình không để lòng chuyện đó. Nhưng cũng có những kỷ niệm đặc biệt thì bà không thể nào quên. Một đêm về nhà chồng, bà đang ngủ bỗng nghe như có tiếng người hớt hải kêu cứu dưới sông. Bà cuống quýt chống xuồng lao ra cứu người gặp nạn, nhưng đêm tối bà cố gắng tìm mãi vẫn không thấy ai. Đến sáng ra mới biết hai người đi buôn khoai mì bị lật xuồng. Nhìn hai xác người bất hạnh cứng đờ trong nước sông lạnh lẽo, bà bật khóc như khóc chính người thân mình. Về nhà, bà còn mất ngủ cả tháng vì hình ảnh đau thương của người không quen biết cứ trĩu nặng lòng mình.
Bà giờ đã có năm người con và lít nhít sắp cháu đến 11 đứa. Dạy sắp nhỏ, bà chỉ chân chất: “Sinh mạng con người quý lắm. Thấy người ta hoạn nạn mà mình ngó lơ coi sao đặng!”.
QUỐC VIỆT
__________________
“Hãy viết tui vô danh hay chỉ cái tên Dân cũng được. Chuyện có gì lớn lao đâu mà kể. Loài vật như con chó còn biết cứu người, mà chẳng lẽ con người lại không thể giúp nhau”. Đó là tâm sự của một tài xế đã cứu nhiều người gặp nạn dù không ít lần anh làm ơn mắc oán.




TS.BS NGUYỄN THÀNH NHƯ: Khám phá bản lĩnh đàn ông

Kỳ 1: Khát khao sống thật
TT - Khi mà phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công vang dội, mở ra cánh cửa đối với người bị vô sinh có khả năng tài chính khá, thì tại Bệnh viện Bình Dân, ông và đồng nghiệp âm thầm mở tiếp một cánh cửa khác: vi phẫu thuật trị vô sinh, mở ra hi vọng cho hàng triệu đàn ông hiếm muộn với chi phí ít hơn.
Ông được xem là một trong những người kế tục và phát triển ngành nam khoa ở Việt Nam.
BS Như (giữa) trong một buổi hội chẩn nam khoa - Ảnh tư liệu
Năm 2006, bác sĩ Nguyễn Thành Như tiếp một ca đặc biệt. Chàng thanh niên cao to đẹp trai chỉ nói một nguyện vọng duy nhất của mình: “Bác sĩ làm ơn giúp để sau này em có thể qua đời như một người đàn ông!”. Đối với ông, những lời kêu cứu đó như tiếng vang của một khát khao bình thường nhất của con người.
Bác rất muốn giúp con...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Như tốt nghiệp chuyên ngành ngoại - sản, Đại học Y dược TP.HCM năm 1988. Được đào tạo chuyên ngành tiết niệu tại Bệnh viện Bình Dân và Đại học Y dược TP.HCM từ 1988-1992, sau đó học và nghiên cứu tiếp tại Pháp, Thụy Sĩ, Anh và Hà Lan. Lĩnh vực hoạt động chính của ông từ năm 1999 là nam khoa. Thành quả lớn nhất là việc áp dụng hiệu quả vi phẫu thuật trong điều trị vô sinh nam, xây dựng và phát triển thành công khoa nam học (đầu tiên ở Việt Nam) tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM.
...”Hơn hai năm trước, cháu hằng tuần ghé Bệnh viện Bình Dân gặp bác để làm hội chẩn, để làm xét nghiệm và đủ thứ thủ tục khác. Có lẽ bác cũng không nhớ cháu đâu, vì bác có hàng ngàn bệnh nhân khác. Cháu là X., một trường hợp bị rối loạn giới tính, có mong muốn làm phẫu thuật để được sống thật với chính mình.
Cháu phải sống từ nhỏ trong lốt một người con gái, để rồi mỗi ngày tự nhìn vào gương, cháu thấy lòng quặn thắt khi không biết mình thuộc giới tính nào và tại sao cháu phải chịu những nỗi giày vò như thế. Cháu từng tự tử nhưng không thành. Cháu cứ nhớ hoài những lời bông đùa, trêu chọc của những người cháu gặp tại TP.HCM. Họ là những nhân viên giữ xe, người bán hàng, hay thậm chí là gia đình và bà con hàng xóm. Họ bảo cháu pêđê, đồng tính, bệnh hoạn.
Có lẽ không ai có thể hiểu được cảm nhận của cháu mỗi khi nỗi đau của mình bị người khác chà đạp, bỡn cợt như thế. Và cháu đã tìm đến bác sĩ với hi vọng thật nhiều. Sau khi làm xét nghiệm karyotype tại nhiều nơi, cháu có đưa mẹ đến gặp bác sĩ theo lời đề nghị. Sau cuộc gặp đó, cháu không xuất hiện nữa. Gia đình cháu không ủng hộ cháu trong chuyện này và sau đó cháu đi Mỹ du học. Ở Mỹ, cháu có thể bộc lộ sở thích ăn mặc, đi đứng, nói năng của mình một cách thoải mái. Mọi người ở đây cũng rất cởi mở, thân thiện. Nhưng rồi khi nhìn lại, cháu vẫn đau đáu với sự trớ trêu về giới tính của mình.
... Trước đây, cháu tin bác sĩ là người có thể giúp đỡ cháu, kéo cháu ra khỏi vũng lầy đau khổ này. Nhưng rồi cháu đã phải vùi mình trong sự thất vọng tột cùng. Nhưng cháu không hiểu tại sao, cho đến tận giây phút này, hình ảnh ông bác sĩ trung niên với giọng nói ấm áp và ánh mắt nồng hậu ấy vẫn còn trong ký ức cháu. Ở một khoảnh khắc nào đó, dường như bác sĩ muốn nói với cháu rằng: “X., bác rất muốn giúp con, nhưng pháp luật không cho phép”.
Tháng 5-2011, bác sĩ Như nhận được một email đầy chân thành của cô gái này. Làm sao ông không nhớ được một cô gái xinh đẹp, hiền lành, học hành rất giỏi. Hai năm trước, cô đến khoa nam học một mình, mang theo một ước nguyện rằng cô muốn có được giới tính thật của mình. Câu chuyện mạch lạc, rõ ràng và dứt khoát. Bác sĩ Như lẳng lặng lắng nghe. Ông thấy trong cô gái ấy có cả một niềm kiên quyết tột cùng. Và, như bao ca khác, ông đề nghị được gặp mẹ cô gái. Người mẹ, một nữ trí thức, có địa vị xã hội khá cao. Bà lắng nghe bác sĩ Như với thái độ chân thành. Nhưng rồi câu chuyện không thể tiến triển được: tại VN, thầy thuốc lắc đầu trong chuyện chuyển giới, không phải vì khả năng chuyên môn mà vì pháp luật không cho phép.
Còn gia đình cô gái, họ hiểu và thông cảm hoàn toàn với con gái mình nhưng trong dòng tộc, cô là một sự kỳ vọng. Với đàn em, cô là tấm gương được nêu ra về sự giỏi giang và cố gắng. Áp lực đó đã đóng khuôn hình ảnh và thân phận cô gái này. Chọn con đường du học nhưng ở Mỹ, chính cô lại gửi gắm kỳ vọng và lời cầu cứu về lại cho vị bác sĩ của mình. Ông trở thành nhịp cầu mở ra niềm hi vọng. Ông giới thiệu cô với những người thầy bác sĩ hàng đầu về chuyển giới ở Hà Lan và Mỹ. Cô gái có nói với ông rằng cô sẽ dùng khả năng của mình để làm cho xã hội phải hiểu, cảm thông và chấp nhận về sự xuất hiện của những người như cô.
Câu chuyện số phận
Với bác sĩ Như, những câu chuyện đầy tính thân phận con người luôn luôn xuất hiện. Tất cả hiện ra trên bàn mổ, trên những ca tư vấn đặc biệt hay những dòng tin trên báo chí. Một ngày nào đó, ông mở cửa và thấy những học sinh cấp III hoặc thậm chí cấp II lặng lẽ đến bảo với ông rằng: “Cháu là người đồng tính bác sĩ ơi!”. Sau những giờ tư vấn, ông đều yêu cầu gặp cha mẹ cháu bé. Có nhiều cháu về đưa cha mẹ tới, có em lặng lẽ rút lui sau cái lắc đầu: “Ba má cháu không hiểu đâu bác ơi!”.
Những bậc cha mẹ mà ông gặp, đầu tiên là sự giận dữ hoặc không thể hiểu được, rồi sau đó ra về với sự cảm thông. Nhưng có những câu chuyện kết thúc theo một hướng khác. Một anh chàng cao to đến nhờ ông phẫu thuật chuyển giới. Khi biết rằng việc đó sẽ không bao giờ thực hiện được vì luật không cho phép, năm năm sau ông nghe tin cậu qua đời. Rất nhiều bi kịch có thể diễn ra một khi có trục trặc về giới tính. Những câu chuyện, những tiếng kêu trớ trêu của số phận luôn là một thách thức mà nhiều khi một bác sĩ như ông chỉ có thể bất lực đứng nhìn.
Hỏi ông một định nghĩa dễ hiểu về nam khoa, BS Như nói đơn giản: Nam khoa giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến cơ quan sinh dục. Nếu hai chức năng sinh sản và tình dục có vấn đề bất thường, nó sẽ là chuyện của nam khoa. Và đó là cả một câu chuyện có thể bao trùm cuộc sống con người.
Nhưng với bác sĩ Như, quan điểm của ông là sự dứt khoát: “Công việc của tôi là trị bệnh, giải quyết những nhu cầu có thật của con người. Bác sĩ sẽ làm cho một người đàn ông dị tật, bất lực hoặc vô sinh... có thể phục hồi để trở về với câu chuyện gia đình mình. Dứt khoát nó không phải là câu chuyện “lấy le” hoặc làm đỏm”. Ông không thích ai đề cập chuyện “kéo dài” hoặc làm vài trò phẫu thuật gì đó để đáp ứng nhu cầu quái dị. Đối với ông, những bệnh nhân sắp hàng trước cửa khoa kia, họ cần nhiều thời gian hơn cho những khát khao con cái, khát khao được trở thành một người đàn ông bình thường giữa cuộc sống này...
TIẾN HÙNG - MAI VINH
------------------------------------------------------
Thành lập khoa nam học, sứ mệnh mà BS Như và đồng nghiệp nỗ lực là thực hiện vi phẫu để trị vô sinh nam, mở ra một cánh cửa hi vọng cho hàng triệu con người.

 Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu
TT - “Tôi bình thường rồi, ông Như ơi!”. Chỉ có bác sĩ Như mới cảm nhận thật sâu cái câu mà ông hay bất ngờ nhận được từ điện thoại của những người đàn ông khác. Đa số bệnh nhân mà ông giúp đều trải qua một cơn sóng gió ngầm trong cuộc đời.
Về ý nghĩa, BS Như chiêm nghiệm nhẹ nhàng: “Nó trả về phương cách tự nhiên nhất, để một người đàn ông hoàn toàn tự tin vào bản lĩnh của mình!”.

Nguyễn Đức bên vợ và hai con sau một ngày làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ  - Ảnh: Mai Vinh
Mở đường
Những năm 1997-1998, khi Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành công với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì bên Bệnh viện Bình Dân, BS Như và đồng nghiệp còn đang mày mò cho nền móng ban đầu của một nam khoa. BS Như chọn hướng điều trị vô sinh bởi ngoài việc cần thiết cho hàng triệu người thì ấy là trách nhiệm đương nhiên mà nam khoa phải nhận.
Trong ba phương pháp điều trị vô sinh nam (nội khoa, phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm) thì phẫu thuật chính là phương pháp thứ hai trở thành định hướng của BS Như. Ông muốn bắt tay với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để hỗ trợ tương tác trên con đường điều trị vô sinh của mình. Năm 2000, BS Như mổ ca đầu tiên.
Kể rằng thời ấy việc phẫu thuật điều trị vô sinh ở VN giống như một niềm tin mong manh vì bao nhiêu ca mổ đã không thành công. BS Như bảo trong các cái may của mình từ thiên thời địa lợi, thì kinh nghiệm quan trọng của những chuyến du học giống như chuyện “thấy người ta xây cao ốc mấy chục tầng thì về nhà mới tự tin là có thể xây được”.
Một trong những thất bại của phẫu thuật điều trị vô sinh trước đó là không thể nào nối được chiếc ống dẫn tinh mỏng manh, chứa mạch nguồn sự sống ẩn sâu trong cơ thể con người, bằng phương tiện và cách thức thông thường. Vi phẫu thuật, với dụng cụ cực nhỏ, những sợi chỉ li ti và độ phóng đại của kính hiển vi mới có thể giúp kết nối những tĩnh mạch đường kính chừng bằng 1/10 sợi tóc. Họ đã thành công.
Đó là một ca nối lại ống dẫn tinh sau chín năm triệt sản. Bộ mặt của điều trị vô sinh thay đổi hoàn toàn. Tắc ống dẫn tinh, giãn tĩnh mạch tinh... những ca mổ đã trở nên dễ dàng nhanh chóng hơn. Tính tiện lợi và chi phí ít của nó mang lại sự phát triển mà chính người trong cuộc cũng không ngờ.
Bắt đầu là những tuần với những con số 60-70 ca một ngày. Rồi vài năm sau, với 2.000 ca trị vô sinh mỗi năm là con số “như mơ” đối với BS Như và đồng nghiệp. Những việc khó như khôi phục tinh trùng trong điều kiện tinh hoàn teo đã lâu thì đến năm 2007 Bệnh viện Bình Dân đã làm được.
Chín năm sau, năm 2009, khoa nam học thực hiện được tất cả các kỹ thuật phẫu thuật liên quan đến điều trị vô sinh và bộ phận sinh dục. Họ đã có thể kết nối tốt việc cung cấp tinh trùng cho phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở những trường hợp không thể sinh đẻ tự nhiên. Con đường lớn đã mở, mang lại hạnh phúc cho hàng vạn con người...
TS.BS Nguyễn Thành Như
Bác sĩ nhớ em không?
Bao nhiêu ca phẫu thuật, bao nhiêu cuộc “đổi đời”, với BS Như luôn là niềm hạnh phúc. Bệnh nhân của ông có thể là người thân, bạn bè đồng nghiệp hay những người xa lạ. Từ những cán bộ cấp cao gửi ông một lời cảm ơn: “Chú đã qua ba bốn đời bộ trưởng y tế mà không giải quyết được chuyện này!”; cho đến một công nhân một hôm đến đòi thử tinh dịch đồ rồi hỏi: “Bác sĩ nhớ em không?”. Hỏi tại sao tinh dịch đồ bình thường mà còn đi khám? Đáp: “Nếu em không đi khám sao gặp được bác sĩ để cảm ơn. Vợ em có thai hai tháng rồi!”. Một năm trước, BS Như đã phẫu thuật cho bệnh nhân này. Anh là một công nhân quê ở miền Bắc.
Và một nhân vật quen thuộc nhất và cũng ngẫu nhiên nhất đã trở thành một ca đại diện cho sự kết hợp phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm hoàn chỉnh là Nguyễn Đức - người được tách từ cặp song sinh Việt - Đức năm 1988. Đám cưới của Đức là cả một sự kiện đầy nhân ái của xã hội. Sau hai năm lập gia đình anh vẫn chưa có con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, lúc đó là giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khuyên Đức đến gặp BS Như. Đó là ca phẫu thuật nối ống tinh và nối mào tinh đồng thời lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm. Ca phẫu thuật thứ tư trong cuộc đời Đức đã mang đến điều kỳ diệu. Ngày 25-10-2009, cặp song sinh mang giọt máu của Đức đã chào đời. Đức vỡ òa khi ôm vào lòng một bé trai một bé gái và đặt tên Nguyễn Phú Sĩ và Nguyễn Anh Đào.
Trong ngôi nhà của mình hôm nay, Đức tâm sự bình thường nhưng đầy ý nghĩa: “Vợ tôi đến với tôi đã thiệt thòi nhiều, giả sử ca phẫu thuật ấy thất bại thì người buồn nhiều nhất là vợ tôi. Tôi hiểu được niềm vui từ ngôi nhà có tiếng trẻ con mà cả tôi mà cô ấy đều khao khát”.
Cánh cửa vi phẫu thuật đã mở ra cơ hội cho con người và cho cả một ngành nam khoa Việt Nam đang mò mẫm tìm ra con đường phát triển. Ở đó, hơn một thập kỷ sau, BS Như có thể tự hào về thế đứng của mình, ngay cả với các nước trong khu vực.
TIẾN HÙNG - MAI VINH
Ba phương pháp điều trị vô sinh nam
Hiện nay, điều trị vô sinh nam có ba phương pháp: nội khoa (dùng thuốc hay các biện pháp đơn giản không dùng thuốc), phẫu thuật và hỗ trợ sinh sản hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm). Theo nguyên tắc điều trị thì nội khoa nên là chọn lựa đầu tiên. Sau đó, phẫu thuật điều trị bệnh là chọn lựa thứ hai. Thụ tinh nhân tạo chỉ nên là chọn lựa sau cùng nếu nội khoa và phẫu thuật không thể thực hiện được hoặc thực hiện được nhưng thất bại.
- Phẫu thuật: dành cho các bệnh nhân có bệnh lý. Đối với giãn tĩnh mạch tinh, vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn - bìu giúp tỉ lệ tinh trùng cải thiện trong 60-70% trường hợp và tỉ lệ có thai là 40% trong một năm. Đối với tắc ống dẫn tinh do triệt sản, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh có kết quả thành công đến 70-90% trường hợp và tỉ lệ có thai tự nhiên là 30-55% trường hợp.
Đối với tắc mào tinh, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh - mào tinh kiểu lồng hai mũi có kết quả thành công thấp hơn, đạt khoảng 80% trường hợp, với tỉ lệ có thai tự nhiên sau mổ vào khoảng 40-50% trường hợp. Riêng trường hợp tinh hoàn ẩn thành công rất thấp (10-15%), nếu điều trị quá trễ thì không còn hi vọng. Phẫu thuật nội soi cắt ống phóng tinh để điều trị vô sinh do tắc ống phóng tinh có tỉ lệ thành công khoảng 60% trường hợp với tỉ lệ có thai tự nhiên là 30-40% trường hợp.
Thời gian cải thiện tinh trùng, có thai tự nhiên tùy thuộc từng trường hợp. Ví dụ, giãn tĩnh mạch tinh từ sáu tháng đến một năm; tắc ống dẫn tinh cần 3-6 tháng. Không ít trường hợp sau mổ 1-2 năm người vợ mới có thai tự nhiên.
Chi phí phẫu thuật hiện nay khoảng 5-10 triệu đồng. Thời gian mổ trung bình 60 phút. Bệnh nhân nằm viện một đêm, hôm sau về. Bảy ngày sau được cắt chỉ. Bệnh nhân sinh hoạt trở lại bình thường sau mổ 3-7 ngày.
(Theo sách Nam khoa cho mọi người -  TS.BS NGUYỄN THÀNH NHƯ)
__________
Nam khoa đầy mới mẻ và cũng đầy bí ẩn, vì thế có những câu chuyện có thể trở thành “bóng ma hù dọa” đối với rất nhiều bệnh nhân và thầy thuốc.

Kỳ 3: Những “bóng ma” không có thật
TT - “Ngày đó tôi quyết định theo giáo sư Ngô Gia Hy vì kính trọng tinh thần khoa học trong sáng của ông. Chưa bao giờ tôi nghe thầy dùng bất cứ một ngôn từ mang tính áp đặt đối với ý kiến khác, cho dù đó là học trò mình. Ý kiến nào trái ngược hoặc mới, ông sẽ tìm hiểu để trao đổi lại” - bác sĩ Như hay tâm sự như vậy về người thầy của mình.
Tinh thần khoa học ấy ảnh hưởng lớn đến quan điểm y học của ông: cái gì chưa có chứng cứ thì phải xem xét tận ngọn ngành!

Bác sĩ cũng sẽ khóc thét lên!
Ông kể về chứng dương vật vùi, một hiện tượng đang được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây mà ông thì lại rất nghi ngờ. Y văn thế giới trong 20-30 năm nay có khoảng 60 báo cáo đề cập đến chuyện này. Một con số không nhiều. Chuyện dương vật vùi bẩm sinh chỉ có trong sách nhi chứ không xuất hiện trong các tài liệu nam khoa của người trưởng thành.
“Tôi ngạc nhiên về điều đó. Nếu trẻ con bị vùi thì lớn lên chúng đi đâu mà trong y văn cho người lớn không thấy?”. Rồi ông đọc được luận văn của một thạc sĩ trong nước nói về chứng này có dẫn hai tài liệu nước ngoài nói rằng người ta đã nghiên cứu trên cả trẻ em và người lớn. Ông lật đật tìm tài liệu gốc về đọc và không thấy có nội dung đó, tức là tác giả đã “đọc nhầm”. Chuyện dương vật vùi giống như một “hội chứng” khi mọi người hô lên và các bậc cha mẹ thì hốt hoảng.
Ông kể: “Tôi khám cho nhiều trẻ, có những đứa trẻ 3 tuổi dương vật giống như bị vùi, nhưng khi gia đình đưa hình chụp lúc sơ sinh, rõ ràng bộ phận sinh dục của bé rất bình thường. Té ra bé bị béo và lớp da xung quanh đã che bớt lại dương vật. Cộng với những hù dọa, người ta bối rối và muốn con mình được mổ. Nhiều người mổ, nhiều nơi ra quyết định mổ... mà không biết rằng tôi từng phải tìm cách khắc phục những hậu quả sau phẫu thuật với những vết sẹo rất xấu, những biến chứng tồi tệ. Tôi mất bốn năm năm để chiêm nghiệm vấn đề này và thấy mọi thứ không đến mức phải “đe dọa” như cách mà người ta nói và mổ”.
Đa số các bậc cha mẹ dẫn con tới đều lo sợ đứa trẻ sẽ mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm sinh lý nhưng khi bác sĩ Như quay sang hỏi: “Con có thấy mình bất thường gì so với bạn bè không?”, phần lớn trẻ sẽ lắc đầu bảo con thấy bình thường. Té ra mối lo là do người lớn bị một “bóng ma” hù dọa quá đáng!
Chúng tôi phân trần với ông về nỗi bận tâm của hầu hết các bậc cha mẹ thời hiện tại khi những đứa trẻ luôn được khuyến cáo phải cắt bao quy đầu từ trong trường mẫu giáo. Bác sĩ Như bức xúc cho rằng có vài sự nhầm lẫn trong y tế học đường. Ông viết hóm hỉnh: “Gần như 100% bệnh nhi đưa tới tôi khám vì lý do “hẹp bao quy đầu”, nhưng thật ra chỉ là bao quy đầu dài hay dính bao quy đầu sinh lý mà thôi, không cần thiết phải mổ và tuyệt đối không phải nong. Tôi luôn tự hỏi nếu vị thầy thuốc nam (bác sĩ hay điều dưỡng) mà cũng được người khác nong bao quy đầu thì sao nhỉ? Có lẽ vị thầy thuốc đó sẵn sàng khai tuốt luốt mọi bí mật hơn là bị nong. Vậy mà những đứa trẻ 1-4 tuổi lại bị nong, mẹ đè hai tay, cha giữ chặt hai chân của bé và thầy thuốc nong bao quy đầu, mặc trẻ khóc thét!”.
Coi chừng “lạc đường”
Có một chuyện khá tức cười vào năm 2000, bác sĩ Như khám và ghi toa có thuốc Viagra. Thời ấy Viagra còn bị xếp vào loại thuốc kích dục. Ông nhớ rất rõ những mẩu tin trên báo chí về việc cơ quan chức năng phát hiện quả tang nhà thuốc A, B nào đó có bán thuốc kích dục Viagra. Một nhà báo hỏi ông: “Vì sao bác sĩ Như cho thuốc kích dục?”. Ông thẳng thừng: “Đây là một tiến bộ khoa học và tôi có bằng chứng nó là thuốc điều trị. Tôi cho và chịu trách nhiệm về quyết định của mình!”. Đó là một câu chuyện tức cười của thuở ban đầu, còn bây giờ những tiến bộ y học đã làm cho mọi thứ bình thường hơn. Có điều trong sự phát triển đó thì những định kiến hoặc cách giáo dục vẫn chưa hỗ trợ thế hệ tương lai một sự chuẩn bị cần thiết.
Chẳng hạn, người ta quá chú trọng đến việc làm sao người trẻ không phải “dính bầu” mà quên mất chuyện phải “an toàn” trước đã. Người ta chú ý đến bộ phận sinh dục trẻ với “chú bé” của trẻ to hay nhỏ, bị “vùi” hay nằm bên ngoài... mà lại quên chú ý đến tinh hoàn với chức năng sinh sản và duy trì giống nòi cực kỳ quan trọng. Ít bậc cha mẹ nào chú ý kiểm tra xem tinh hoàn của con mình có đủ hai hòn hay không, kích thước lớn nhỏ thế nào, có nằm dưới bìu hay không, có bướu u gì đó không... Chính những thứ đó nhiều khi còn nguy hiểm hơn những “bóng ma” mà mẹ cha hay lo lắng nữa.
Dạo này người ta hay nói đến việc con nít dậy thì sớm hơn trước. Ông không đồng ý: “Tôi trở ngược thời gian, ông bà mình ngày xưa 12-13 tuổi là cưới gả nhau và thành vợ chồng. Tuổi dậy thì thời đó đã sớm hay trễ? Cái mới có chăng là lũ trẻ đang tiếp cận với đa dạng thông tin và những tiến bộ của con người. Chúng biết nhiều hơn, sớm hơn... là điều đương nhiên. Còn nói trẻ con hôm nay dậy thì sớm phải có những số liệu khoa học. Tôi sẽ chỉ tin vào những số liệu nghiêm túc và cụ thể!”.
TIẾN HÙNG - MAI VINH
Nếu trẻ bị sứt môi...
TS.BS Nguyễn Thành Như - Ảnh: M.Vinh 
“Dương vật vùi bẩm sinh là một “bệnh” chỉ mới được đề cập nhiều thời gian gần đây, trở thành “bệnh” thời thượng. “Bệnh” này trước đây chẳng hề được nhắc đến trong sách vở và ngay cả bây giờ các sách vở tiết niệu - nam khoa cũng vẫn không ghi nhận “bệnh” này ở người lớn. Một đứa trẻ bị sứt môi nếu không được phẫu thuật thì khi lớn lên môi bé vẫn sứt. Vậy tại sao “bệnh” dương vật vùi được coi là dị tật bẩm sinh ở trẻ em, thế nhưng đến khi trẻ lớn lên thì “bệnh” lại tự biến mất dù chẳng có sự can thiệp nào của phẫu thuật?
Trước thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em “được” (hay là “bị”?) mổ vì “bệnh” dương vật vùi, Frank - một bác sĩ tiết niệu Mỹ, năm 2000 đã phải thốt lên: “Vì sao các bác sĩ tiết niệu chúng ta chẳng nhìn thấy tình trạng dương vật vùi ở các bệnh nhân lớn tuổi?”. Frank không tin là có “bệnh” này, tôi cũng không tin. Trước đó, năm 1987, Shapiro - một nhà tiết niệu người Mỹ khác - cũng lên tiếng: “Tiếc thay, chưa từng có nghiên cứu nào về “bệnh” dương vật vùi”.
Theo vị bác sĩ này, muốn chứng minh là có “bệnh” dương vật vùi hay không thì phải theo dõi quá trình phát triển của những đứa trẻ đã được chẩn đoán là bị dương vật vùi (ví dụ từ khi bé 4-5 tuổi) cho tới khi trưởng thành (với điều kiện trẻ không được phẫu thuật), để xem sau một thời gian kéo dài cả thập kỷ “bệnh” có còn tồn tại không.
Kết quả là cho đến nay, vẫn chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định là có “bệnh” dương vật vùi bẩm sinh ở người lớn cả. Nói cách khác, dương vật vùi chỉ là một tình trạng sinh lý bình thường ở dương vật của một số trẻ và tới giai đoạn phát triển thì tình trạng này sẽ tự hết”.
TS.BS Nguyễn Thành Như
_____________
Đó là những câu chuyện nghề, còn một câu chuyện khác về “người”: làm thế nào một cậu bé nghèo khổ, có lúc từng “mất cả định hướng” trở thành một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nam khoa?

Kỳ cuối: Cánh cửa nam khoa
TT - Những ngày này bác sĩ Như đang trở về VN hoàn tất những khâu cuối cùng cho bộ sách Nam khoa cho mọi người ra mắt bạn đọc. Bên cạnh trang web namkhoa.com, cung cấp kiến thức nam khoa, đây là một công trình với tâm huyết 23 năm trong nghề của ông.

TS.BS Nguyễn Thành Như (hàng đầu, bên trái) cùng các bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Mulhouse (Pháp) năm 1994 - Ảnh nhân vật cung cấp
Bộ sách là một “bách khoa” những hiểu biết cần thiết nhất mà “thế giới đàn ông” vẫn còn đang thiếu.
Chúng tôi luôn sẵn sàng
"...Tôi nghiệm ra rằng tại các trường đại học lớn ở các nước phát triển đều có quỹ học bổng cho du học sinh đến từ xứ nghèo. Hãy gõ cửa xin họ. Học mà, có gì đâu mà quê!"
TS.BS Nguyễn Thành Như
Điềm tĩnh, chân thành và đôi khi mộc mạc, bác sĩ Như ít kể về cuộc đời mình. Ông nói chuyện nam khoa, những cái mới, những tranh luận y học, những hướng đường phát triển... mà quên thời gian. Trong câu chuyện, ông dành nhiều day dứt với những ca xin chuyển đổi giới tính mà ông luôn theo dõi số phận họ. Từng có những ca phẫu thuật tạo hình dương vật đã lên bàn mổ thì ông phải ngưng vì hồ sơ pháp lý không đảm bảo.
Người muốn chuyển giới sẽ bằng mọi cách, kể cả làm xét nghiệm giả, để được phẫu thuật. Họ không biết rằng nếu sơ suất, bác sĩ sẽ phạm luật vì VN chưa cho phép chuyển giới. Đọc hàng chục email trao đi đổi lại với cô gái tên X., người thiết tha muốn nhờ ông phẫu thuật chuyển giới, mới thấy sự tận lòng của ông.
“Về chuyện gia đình cháu và dư luận xã hội, theo bác, cháu đừng trách họ vì ngay cả những người trong nghề y, thậm chí có người là giáo sư nam khoa cũng còn không ủng hộ, vẫn xem chuyển giới tính là một thứ bệnh hoạn thì trách chi những người bình thường. Thuyết phục được gia đình còn khó khăn hơn là tìm được bác sĩ phẫu thuật. Năm 1999, khi còn tu nghiệp ở Hà Lan, bác sĩ từng gặp những người chấp nhận được chuyển giới tính dù phải hi sinh mất bạn bè, mất gia đình, người thân.
... Điều cháu nên làm bây giờ là phải kiên nhẫn, học thật giỏi, đọc thật nhiều tài liệu khoa học về chuyển giới (tham khảo ở những website mà bác sĩ đã gửi), tham vấn các chuyên gia (cháu nên viết thư cho giáo sư Gooren). Cũng phải nói thêm rằng trong số những người chuyển giới tính từ nữ - thành - nam ở VN cũng như ở Hà Lan mà bác sĩ từng gặp, vẫn có nhiều người sống rất thanh thản, yêu đời!
... Bác sĩ viết lòng vòng như thế để cháu hiểu rằng trước đây, bây giờ và sau này, trên thế giới và ở VN luôn luôn có những bác sĩ quan tâm đến vấn đề của cháu, luôn sẵn sàng giúp cháu. Vững tin cháu nhé!”.
Gõ cửa tương lai...
Về chuyện học hành, bác sĩ Như nói giản đơn: “Xưa tôi mê làm kỹ sư cơ khí. Chuẩn bị thi khối A, ba mẹ tôi đưa ra một lời đề nghị: Con ráng thi ngành y nghen!”. Vậy là ông trở thành bác sĩ. Rồi bước ngoặt quan trọng nhất khi ông được giáo sư Ngô Gia Hy nhận vào học nội trú ở khoa tiết niệu Bệnh viện Bình Dân. Rồi đi du học, với ông đó là những bước nhảy cuộc đời được chuẩn bị kỹ càng và đầy ngẫu hứng.
Học xong nội trú niệu khoa, một ngày tình cờ sang Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế, thấy mọi người đang tập trung thi tuyển cho suất học bổng sang học nội trú tại Pháp (FFI).
Hôm đó mọi người thi phỏng vấn, phần lý thuyết đã thi vào ngày hôm trước. Ông nhớ cảm giác mình lúc đó: “Bị giấc mơ có dịp ra xứ người học tập thôi thúc, không biết làm thế nào hơn, tôi chen đại vào gặp hai vị giáo sư Pháp, trình bày mong ước và xin được dự thi. Chẳng ngờ hai ông đồng ý cho tôi thi sau chót. Thế là tôi viết một mạch cái CV (sơ yếu lý lịch) đem nộp cho hai ông và thi vấn đáp, miễn thi viết và... đậu!”.
Sang Pháp học niệu khoa sắp xong, ông thèm học nam khoa và ghép thận mà chưa biết sao xin học bổng. Một cô bạn người Đức bày cho ông cách soạn chừng 100 lá thư bày tỏ nguyện vọng học nam khoa và ghép thận rồi gửi đến các trường y khắp nước Pháp xin học. Nhưng biết gửi cho ai?
Bác sĩ Như mở bản đồ nước Pháp ra, chọn tất cả bệnh viện các thành phố lớn rồi gửi cho các bác sĩ trưởng khoa niệu. Một tháng sau, ông nhận được 80 thư trả lời. Giữa một rừng lời từ chối lịch sự “lấy làm tiếc” thì có ba bệnh viện trả lời “OK”. Cơ hội vàng đã mở!
Từ Pháp, cũng bằng cách đó ông gửi thư sang Thụy Sĩ. Lại có một trường đồng ý. Rồi sang Anh, ông cũng theo cách cũ. Riêng lần du học sang Hà Lan thì là một con đường khác. Tháng 12-1998, giáo sư Gooren, một giáo sư nổi tiếng của Hà Lan về vấn đề chuyển giới, sang ĐH Y dược nói chuyện.
Khi cuộc nói chuyện kết thúc, bác sĩ Như đứng chặn ngoài cửa tự giới thiệu về mình và trao đổi tiếp về vấn đề chuyển giới. Vị giáo sư Hà Lan đồng ý tiếp ông tại khách sạn ngày hôm sau. Ngày sau đó ông đã vượt qua một số “phép thử” của vị giáo sư nổi tiếng để giành được chuyến đi Hà Lan học về chuyển giới...
Khát khao được học hành luôn thường trực trong bác sĩ Như có lẽ vì ông từng đi qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Ấy là những ngày cha vắng nhà, mẹ một mình cáng đáng hết cả đàn con. Bà phải bươn chải lên tàu ra Phan Thiết lấy nước mắm về và ông cùng anh mang đi bỏ mối trong khu phố. Nhà luôn ăn độn. Nhiều người khuyên mẹ ông cho lũ nhỏ nghỉ học để phụ gia đình, bà lắc đầu. Cuộc sống khó,
nhiều lúc chính ông cũng hoang mang về định hướng đời mình. Nhưng rồi cánh cửa sự học đã mở đường ông đi.
Sau hơn hai thập kỷ gắn bó với Bệnh viện Bình Dân, tháng 3-2011 bác sĩ Như phải có một sự chọn lựa quan trọng: rời khỏi nơi mà ông gắn bó và trưởng thành, lại bắt đầu một hành trình học hành mới ở nước ngoài.
Hỏi có bao giờ, khi gặp khó khăn ông thấy mệt mỏi hoặc cô đơn bác sĩ Như bật cười: “Lúc khó khăn nhất là lúc hăng hái nhất, giống như ở chân núi muốn leo lên tận đỉnh để hướng tới bầu trời mở rộng. Nhưng đến khi công việc hoàn thành, giống như đã ở đỉnh núi rồi người ta sẽ thấy mình hơi đơn độc!”. Có lẽ đó là một câu hiếm hoi chạm được vào cảm xúc của ông.
Và có lẽ đó cũng là lý do vì sao ông luôn tiếp tục những hành trình mới của mình. Cánh cửa sẽ tiếp tục mở...
TIẾN HÙNG - MAI VINH
“... Thấy Như đau đáu chăm lo các báo cáo khoa học tại một hội nghị quốc tế chuyên ngành, hay cực khổ cày bừa cho các bài viết trên các chuyên san chuyên ngành niệu, nam khoa quốc tế khi được đặt bài, tôi hỏi thì Như kể rằng từ khi đi học ở nước ngoài tới khi về làm ở bệnh viện, càng thấy rõ VN mình còn ít có tiếng nói tại các hội thảo khoa học để công bố, thậm chí tranh luận về chuyên môn với các đồng nghiệp quốc tế trong khi trình độ thật sự, đặc biệt về kinh nghiệm thực tiễn của VN không tệ.
Xứ mình khá quan tâm tới thành tích đứng nhất thế giới hay châu Á về nhiều thứ, nhưng cái đáng tranh đua nhất chính là vị trí, tiếng nói VN trên các diễn đàn y khoa, khoa học quốc tế hay các bài viết công bố thành quả các công trình nghiên cứu khoa học trên các chuyên san quốc tế.
Có lẽ suy nghĩ phải làm sao nâng cao vị trí khoa học của VN trên diễn đàn quốc tế đã thúc đẩy Như luôn chịu khó học, đọc, cập nhật thông tin, kiến thức chuyên môn trên con đường nghiên cứu khá yên ắng chẳng mấy người đi...?”.
Nhà báo KIM HẠNH
--------------------------------------------------------
Đón đọc số tới: Nếu bạn bị già đi...?
Đó không phải là một giả thiết cổ tích mà là chuyện đã xảy ra. Một lúc nào đó giữa cuộc đời, bất ngờ bạn biến thành một gương mặt khác hẳn, người thân, người yêu, bạn bè... sẽ nhìn bạn ra sao? Và bạn sẽ hành xử thế nào với họ? Những câu chuyện chưa kể về hai người phụ nữ bị già đi bất ngờ.