Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Bầm dập Sacombank: Hết thâu tóm lại sáp nhập

Sacombank chưa thể được yên, số phận của nó tiếp tục trôi nổi, bầm dập khi vụ thâu tóm chưa kết thúc thì đối mặt với sáp nhập và nguy cơ mất tên vĩnh viễn.

Từ những giao dịch đáng ngờ
Hai cái tên Eximbank, Sacombank, suốt gần hai năm qua đã không ít lần rúng động mà khởi nguồn là cú thâu tóm ngoạn mục có một không hai trên thị trường tài chính Việt Nam.
Từ giữa năm 2011, thị trường bùng phát tin đồn Ngân hàng Sacombank có nguy cơ bị thâu tóm. Câu chuyện trở nên xôn xao và được bàn tán trên khắp các diễn đàn khi Sacombank liên tục mua gom cổ phiếu STB như đang cố thủ.
Sự việc trong những tháng sau đó chìm trong bí ẩn do không hề có một thông tin khẳng định từ các bên liên quan. Sacombank cũng không hé răng bật mí điều gì, trong khi đó một nhân vật đi thâu tóm nào đó không hề lộ diện, các cơ quan chức năng cũng không phát ra một thông tin nào, kể cả những bất thường trong giao dịch cổ phiếu STB.
Tất cả những gì mà ông Đặng Văn Thành - người đã xây dựng và phát triển Sacombank trong 20 trước đó có thể làm được ví như hành động cố thủ cuối cùng, ngọn nến bùng lên trước khi tắt.


Động thái cố thủ đầu tiên mà giới đầu tư có thể nhận ra đó là, trong tháng 11/2011, Sacombank bất ngờ đăng ký mua vào 100 triệu cổ phiếu STB làm cổ phiếu quỹ. Song hành với đó, hàng loạt các công ty thuộc hoặc có quan hệ mật thiết với gia đình “Đặng Thành” là Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Đường Ninh Hòa, Bourbon Tây Ninh đồng dồn dập đăng ký mua vào cổ phiếu STB.
Điều gì đã khiến hàng loạt các công ty do bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch HĐQT phải đồng loạt tung tiền mua lại cổ phần Sacombank?
Không khó nhận thấy sự bấn loạn, cuống cuồng mua lại cổ phần STB của đại gia đình ông Đặng Văn Thành là do ngân hàng “con đẻ” của họ đang đứng trước một nguy cơ thâu tóm rõ rệt. Hàng loạt các giao dịch quy mô lớn được thực hiện bởi rất nhiều đối tượng với chiến lược mua gom từ năm 2010 khi mà giá cổ phiếu STB chỉ loanh quanh ở mức 11.000-15.000 đồng/cp.
Không chỉ gia đình ông Thành, một vài thành viên hội đồng quản trị của Sacombank cũng tìm cách tăng lượng cổ phần nắm giữ của mình. Một trong số đó là vụ mua vào hơn 30 triệu cổ phiếu STB của ông Chang Hen Jui, chồng bà Huỳnh Quế Hà, Phó Chủ tịch thứ nhất Sacombank.
Cuộc đua nắm giữ cổ phiếu STB đã lan rộng và không ít nhà đầu tư từ lớn tới nhỏ, từ cá nhân tới tổ chức cũng lao vào cuộc và với nhiều mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” dường như không cân sức khi mà phía ông Đăng Văn Thành trước đó đã nắm giữ tỷ lệ cổ phần quá thấp, một lượng lớn bị trôi nổi ra thị trường do trước đó nhiều thành viên, phe cánh ông Thành đã bán ra để lấy tiền cho các vụ kinh doanh sinh lợi nhiều hơn khác.
Với thế thấp, lực mỏng, nỗ lực mua gom dường như không mang lại kết quả bởi họ khó bắt kịp lực lượng đối lập, vốn đã kiên trì mua cổ phiếu STB từ suốt một năm trước đó.
Đến thâu tóm “dã man”
Chỉ khoảng một tháng sau quyết định dốc toàn lực giành lại vị thế vốn có của mình và cũng đúng lúc dư luận cho rằng cuộc chiến sẽ còn diễn biến dữ dội khi mà Sacombank đang đồng tâm hiệp lực chống thế lực thâu tóm thì xuất hiện một tín hiệu đầu hàng.
Ngày 19/12/2011, Sacomreal - một doanh nghiệp BĐS do con trai của ông Đặng Văn Thành là Đặng Hồng Anh làm chủ tịch HĐQT đã tuyên bố rút toàn bộ vốn đang nắm giữ tại Sacombank với hơn 22 triệu cổ phiếu. Trước đó, Công ty Chứng khoán SBS cũng đã tuyên bố thoái vốn tại STB.
Câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ là tại sao, Sacomreal - một công ty con của Sacombank, không còn muốn nắm giữ cổ phiếu của công ty mẹ? Trong tình thế lúc đó căng thẳng như vậy, việc bán cổ phiếu STB do mình nắm giữ, khác nào thí quân trong lúc thế cờ mình đang yếu.
Khi đó, không có một bình luận nào được đưa ra từ chủ tịch Sacomreal cũng như từ phía ông Thành. Giới đầu tư chỉ nhận ra một điều rằng, vụ bán ra lần này khác với vụ bà Bích Ngọc vợ ông Thành và con gái diệu Đặng Huỳnh Ức My bán ra cổ phiếu STB trước đó 4-5 tháng. Trước đó, việc người nhà ông Thành bán ra được giải thích là chuyển cổ phiếu STB sang cho Thành Thành Công - công ty đầu tư của gia đình họ Đặng, chuyển từ sở hữu cá nhân sang pháp nhân để quản lý tốt hơn - một động thái được cho là tập hợp lực lượng trước một vụ thâu tóm.
Quyết định thoái vốn của Sacomreal cho thấy một sự thay đổi lớn trong cục diện của một cuộc tranh giành mua-bán một trong những cổ phiếu ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam và giới đầu tư đã hình dung tới một sự thay đổi lớn lao trong ngân hàng này. Đây là khởi đầu cho những cuộc rút lui rầm rộ của gia đình đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành khỏi ngân hàng do chính tay mình gầy dựng lên trong nhiều năm trước đó.
Như vậy, vụ mua lại thành công 100 triệu cổ phiếu quỹ của STB (thực hiện từ 16/11/2011 - 3/1/2012) dường như đã không có tác dụng sau khi nhóm cổ đông lớn đã tiếp tục đàm phán và mua thêm được từ nhiều cổ đông lớn của STB.
Từ 6/1-6/3/2012, một cổ đông lớn là REE cũng đã đăng ký bán toàn bộ 42.139.266 cổ phiếu. Trước đó, Ngân hàng ANZ - cổ đông nước ngoài lớn nhất của Sacombank - cũng đã đăng ký bán toàn bộ 103.256.415 cổ phiếu STB, tương ứng 9,61% cổ phần của Sacombank. Người mua số cổ phần STB từ ANZ sau đó được xác nhận là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Với 9,61% nhận từ ANZ, Eximbank nâng tỷ lệ nắm giữ của mình tại Sacombank lên 9,73% và là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này. Không những thế, do 100 triệu cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết nên Eximbank sẽ chiếm tới 10,27% quyền biểu quyết tại Sacombank.
Eximbank cũng chính là ngân hàng hồi cuối tháng 2/2012 tuyên bố đại diện cho một nhóm cổ đông nắm hơn 51% quyền biểu quyết tại Sacombank và đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát với lý do đã có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu cổ đông của Sacombank: như sự thoái vốn của Dragon Capital, Ngân hàng ANZ, REE…, đồng thời có sự tham gia của các cổ đông mới (trong đó có Eximbank).
 

Sáp nhập Eximbank – Sacombank: Chưa biết dùng tên gì

 Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank, khó khăn trong quá trình sáp nhập là nghiên cứu sử dụng tên nào và tỷ lệ là bao nhiêu.
Hai bên thỏa thuận xem xét trình Đại hội cổ đông và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất và sáp nhập. Thời gian nghiên cứu cần 3-5 năm.

Về lộ trình thực hiện, 2 ngân hàng sẽ đặt ra vấn đề nghiên cứu, thuê công ty nghiên cứu độc lập. Sau đó, trình Hội đồng quản trị thảo luận thống nhất.

Kế tiếp, sẽ làm luận chứng khả thi để thảo luận trình cơ quan chức năng, trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương. Khi chủ trương được thông qua, 2 ngân hàng sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua.


Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank cho biết, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 1,5 tỷ USD (30.000 tỷ đồng), mạng lưới gồm 650 điểm giao dịch.

Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, đến hết quý III/2012 có tổng tài sản hơn 160.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Sacombank là 10.739 tỷ đồng, tổng tài sản ở cùng thời điểm trên là 147.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo 2 ngân hàng cho biết cổ đông hài lòng đối với các khoản đầu tư của Eximbank vào Sacombank. Cổ đông Sacombank cũng ủng hộ việc hợp nhất.

Ông Phạm Hữu Phú, chủ tịch HĐQT của Sacombank cho biết, khi VN chuẩn bị gia nhập WTO, lãnh đạo của của 3 ngân hàng là ACB, Sacombank và Eximbank đã từng bàn nhau về việc hợp nhất 3 ngân hàng. Vì vậy đến hôm nay khi bàn đến việc hợp nhất 2 ngân hàng là nằm trong kịch bản. Còn ông Lê Hùng Dũng thì cho biết, cổ đông của Eximbank rất phấn khởi với các khoản đầu tư vào Sacombank. Về phía Sacombank, ông Phú cho biết nhiều cổ đông đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ đối với sự sáp nhập Eximbank và Sacombank. Vì vậy, việc hợp nhất hay sáp nhập hoàn toàn nằm trong hoạch định.

Ngoài ra, theo nội dung tái cơ cấu đến năm 2012 của NHNN thì phải có những ngân hàng đạt tầm cỡ quốc tế, nên việc hợp nhất hay sáp nhập 2 ngân hàng là hợp lý.

Về khả năng Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) sáp nhập vào Sacombank hay vào Sacombank-Eximbank, ông Phạm Hữu Phú cho biết đến nay vẫn chưa có kế hoạch sáp nhập. 

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư và báo chí về khó khăn của quá trình sáp nhập nếu có, tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu, cổ đông có đồng ý hay không, liệu việc sáp nhập có là cách thức để hợp thức hóa việc sở hữu chéo hay không?. Ông Lê Hùng Dũng cho biết, quá trình mua lại cổ phần từ ANZ của Eximbank là công khai, minh bạch, được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đúng quy trình. Vì vậy, việc sở hữu này là đúng theo quy định của pháp luật.