Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Bí mật 'Điện Biên Phủ trên không'


... Năm 1996 sau khi theo học một lớp đào tạo, tôi được chuyển về Tổng cục II. Về đây được nghe các anh kể lại trong chiến công đánh thắng B52 có một phần đóng góp quan trọng của Tổng cục. Có người đáng lẽ phải được tuyên dương anh hùng. Tôi nghe mà nửa tin, nửa ngờ. Tin vì đúng là để đánh thắng được siêu "pháo đài bay" phải là chiến công chung của cả nước, phải có sự chỉ đạo từ Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, đặc biệt là các anh ở Cục Tác chiến. Ngờ là không biết Tổng cục II đóng góp vào chiến thắng bằng cách nào.
Cuối năm 1999, trên trang báo nội bộ của Tổng cục, tôi cũng đọc được bài của một tác giả trẻ viết về những đóng góp của Tổng cục II vào chiến thắng 12 ngày đêm năm ấy. Đọc xong tôi nghĩ bài viết quá sơ lược. Viết như vậy ai cũng có thể nhận mình là người góp phần đánh thắng B52. Toàn là những câu, những sự kiện chung chung. Nào là Tổng cục đã chủ động nắm tin tức, nào là đã vạch ra được mặt mạnh, mặt yếu, nào là đã biết tính năng kỉ thuật...Toàn những cái đọc ở đâu mà chả có. Đối với người đọc, điều cần là phải chỉ ra ai, nắm thế nào, thời gian cụ thể, báo cáo cho ai...Là người làm công tác nghiên cứu, tôi rất "dị ứng" với những từ như: nói chung là, nhìn chung là, cơ bản là, chúng ta đã góp phần, chúng ta đã chủ động...
Gần đây tôi đọc một cuốn truyện trong đó Đại tá Mạc Lâm có viết về cái đêm phát hiện máy bay B52 đánh vào miền Bắc. Tôi liền gọi điện xin gặp. Ông hẹn vào sáng hôm sau.
Mặc dù đến sớm nhưng loanh quanh mãi mới tìm đến được phòng làm việc của ông. Ông đang ngồi đợi, đứng dậy bắt tay và chỉ chiếc ghế gần đấy mời tôi ngồi, ông đi luôn vào việc (đúng là tác phong của một người chuyên hỏi tù binh- tôi thầm nghĩ).
- Thế này nhé, mình đã suy nghĩ rồi, yêu cầu của các cậu rất khó. Bây giờ tớ đưa những tài liệu này, cứ suy nghĩ xem có dùng được gì thì dùng.
Tôi liếc nhìn, nào là danh sách những người cùng khai thác tù binh với ông; nào là chuyện ông viết về giàn nho ở nhà giam Hoả Lò Hà Nội - "khách sạn Hilton" những ngày đón tiếp "giặc nhà trời" mà ông đã từng gặp; chuyện ông ghi lại đêm thức canh B52 những ngày tháng chạp 1972; rồi cả một vài tên tuổi của những viên phi công. Tôi thấy có cả tên John McCain.
Một tài liệu tôi đặc biệt chú ý: "Báo cáo đặc biệt về công tác Tình báo phục vụ đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm vào khu vực Hà Nội".

Bảo tàng Chiến thắng B52 tại Hà Nội
Tôi quay sang tập tài liệu mà mình chú ý:
- Thế ngành mình  (tình báo) đã góp phần đánh thắng B52 như thế nào?
- Cậu cứ đọc tài liệu rồi sẽ biết. Nhưng xin nói trước, chỉ hiểu đại thể thôi. Ví dụ mình mới chỉ viết đến cách đánh B52, lực lượng máy bay, tính năng kỹ thuật, về tổ chức đội hình B52 trong tác chiến, về hiệp đồng với các máy bay khác, sự phân chia khu vực...
Nghe ông nói mà tôi thấy cứ rối tung cả lên. Tôi hỏi nhỏ ông:
- Bác dạo ấy đặc trách mảng này hay sao mà biết được những chi tiết kỹ thế? Có phải ta có người "cài cắm" ở bên ấy không?
- Đấy mới là điều bí mật vì vậy suốt thời gian dài không thể nói được cũng vì thế.
- Ghê quá nhỉ, ngay từ thời ấy mà đằng mình cũng có người sang tận bên ấy - Tôi xuýt xoa?
- Cậu này! cứ gì phải ở tận nước Mỹ, ở Thái Lan hay đảo Guam mới biết được.
- Vậy thì ta làm cách nào?
- Thế cậu tưởng nghề hỏi tù binh của mình chỉ hỏi cho vui thôi hay sao? Bí quyết là ở đấy.
Rồi ông kể vì sao ta lại nắm chắc được âm mưu của chúng. Đặc biệt là âm mưu dùng B52 đánh Hà Nội. Tôi liền cắt ngang lời ông:
- Âm mưu dùng B52 đánh Hà Nội khi còn sống, Bác Hồ đã từng tiên đoán rồi còn gì?
- Đúng! Ông cụ đã tiên đoán, nhưng vào thời điểm nào mới quan trọng chứ. Làm "nghề" đánh địch phải biết rất cụ thể.
Rồi ông nói tiếp: Trước đấy ta đã bắn rơi và bắt đơợc một số phi công Mỹ, mà tên nào khi bị bắt làm tù binh chẳng ham sống sợ chết. Có gì là chúng khai ra hết. Cũng có vài thằng ngoan cố nhưng khi cả sáu bảy thằng khai ra thì một thằng giấu cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Các cậu biết đấy, lực lượng không quân Hoa Kỳ đánh miền Bắc không phải ở một nơi. Từ biển vào, từ Thái Lan sang, từ mãi tận Guam...Đặc biệt đối với loại B52, không phải sân bay nào cũng đậu được, không như mấy anh F4, F5, F105. Dạo ấy chỉ có sân bay ở Thái Lan, Philipin, Guam là B52 có thể cất cánh và hạ cánh được. Tuy nhiên, đã là giặc lái với nhau chúng phải biết chủ trương của những ông chủ của chúng.
Cậu còn nhớ không, trước trận "Điện Biên Phủ trên không" ta làm gì đã hạ đơợc B52 rơi tại chỗ. Nhưng cái thằng B52 khi đi phải có mấy tay tiêm kích hộ tống không có máy bay ta "xơi tái" ngay. Chính bọn đó đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho bọn mình khai thác.
Ông kể tiếp, do nắm được không khí chính trị tại Hội nghị Pari, trên nhận định địch sẽ hành động điên cuồng. Khả năng chúng sẽ sử dụng át chủ bài, bảo bối cuối cùng làm lá bùa hộ mệnh. Vì vậy, mình được chỉ thị của cấp trên khi hỏi cung tù binh phải xoáy sâu vào vấn đề trên. Trước đấy, qua tin tức tình báo, ta nắm được ngày 02.04.72 Mỹ cấp tốc điều hai tàu sân bay Kittyhawk và Costelltion từ Subic đang di chuyển tới vùng biển Việt Nam. Ngày 03.04.72 Mỹ điều tiếp một đại đội máy bay oanh tạc chiến lược B52 gồm 20 chiếc từ Mỹ sang Utapao (Thái Lan). Chính động thái ấy khi hỏi cung tù binh mình đặc biệt xoáy sâu vào những câu hỏi được trên chỉ đạo như:
- Về lực lượng máy bay oanh tạc chiến lược B52 của Mỹ và khả năng bố trí trên các căn cứ ở châu á- Thái Bình Dương.
- Về tính năng kỹ thuật, trong đó chú trọng về trang bị vũ khí, bom đạn, trang bị điện tử, đặc biệt là khả năng gây nhiễu của B52 và những tên đi hộ tống.
- Về tổ chức đội hình B52 trong tác chiến, việc hợp đồng với các loại máy bay khác, việc phòng chống máy bay ta.
- Sự phân chia khu vực và mục tiêu giữa không quân chiến thuật và không quân chiến lược trên địa bàn miền Bắc và khu vực Hà Nội...
Trong số tù binh bắt được có mấy tên ở căn cứ Taklee (Thái Lan) hiểu biết rõ về B525. Có tên đã từng yểm trợ cho B52 thực hiện các "phi vụ" oanh kích ở Quảng Bình và một số khu vực khác ở miền Bắc. Chúng đã cung cấp những đường bay vào khu vực Hà Nội như: Từ hướng biển vào phải bay như thế nào, từ Thái Lan sang thì bay ra sao. Rồi còn đội hình tác chiến, chi tiết số liệu về độ cao, thành phần yểm trợ không chiến, yểm trợ chế áp cao xạ, tên lửa, Ra đa, nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực...toàn những điều "trên cả tuyệt vời", đúng như yêu cầu của ta.
Rồi ông ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Cái này mới đặc biệt, qua khai thác ta nắm đơợc tại các căn cứ không quân, chúng đang tập trên sa bàn cách đánh vào Hà Nội.
Rồi ông cười: - Đấy bảo bối chính là ở điểm này.
Tất cả những chi tiết trên được viết thành một bản báo cáo có minh hoạ rất chi tiết trên tấm bản đồ châu á- Thái Bình Dương và Đông Dương. Báo cáo được trình bày trong một hội nghị quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu tháng 10.1972. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là chủ tịch hội nghị và mình là báo cáo viên.
Còn điều này mới là cú quyết định- Ông ngừng giây lát, rít nhẹ điếu thuốc đã gần tàn trên tay rồi thong thả kể tiếp- ngày giờ cụ thể lại phải nhờ vào "tay" Trinh sát kỹ thuật.
Ngày 15 tháng 12, nghĩa là trước ngày mở màn chiến dịch 2 ngày, Trung tâm 75 báo về: Phát hiện được lệnh đình phép phi công lái máy bay chiến lược B52 tại Guam và đề nghị khí tượng báo cáo tình hình thời tiết ở Bắc Việt Nam trong những ngày tới. Ngày 16 tháng 12 ta nắm được tin hai tàu sân bay Enterprise và Saratoga đang tiến vào Biển Đông, nâng tổng số tàu sân bay ở đây lên 6 chiếc. Nhiều máy bay tiếp dầu trên không KC 135 đang được bổ sung đến Philippines. Rồi lại nhận được tin Lầu Năm Góc đã thành lập cấp tốc một cơ quan chỉ huy để điều khiển chung hai căn cứ không quân chiến lược ở Guam và Utapao. Tàu cứu hộ đã được lệnh di chuyển lên vĩ tuyến 21.
Qua phân tích, khẳng định địch chuẩn bị mở chiến dịch đánh lớn vào miền Bắc. Tin này được báo lên cấp trên và lệnh báo động cho cả nước và Quân chủng Phòng không- Không quân được ban ra. Cho đến chiều 18.12 Trinh sát kỹ thuật lại báo phát hiện máy bay tiếp dầu cho B52 được lệnh xuất phát. Đến lúc này thì ta hoàn toàn khẳng định chắc chắn tối 18.12 B52 sẽ đánh Hà Nội, Hải Phòng.
Tôi hỏi nhỏ ông:
- Những chi tiết quan trọng thế sao trong các cuốn sách viết về 12 ngày đêm ấy, nhất là bộ sử của Quân chủng Phòng không- Không quân không thấy nhắc đến?
- Thế cậu đọc họ có nhắc đến Bộ Tổng Tham mưu không?
- Bộ Tổng Tham mưu phải có công đầu chứ, làm sao không nhắc được, nhưng cũng rất chung- tôi thành thật.
- Đấy, Bộ Tổng Tham mưu là cánh mình cả đấy thôi. Tin tức về địch là do Ngành mình phục vụ chứ còn ai nữa.
- Thì ra là như vậy. Đến điều ấy mà cũng không nghĩ ra. Tôi nhớ lại trường hợp này cũng giống nhơ trường hợp anh hùng Đinh Thị Vân, khi tuyên dương công trạng, mọi người chẳng biết chị là Tình báo, chỉ biết là công tác tại Bộ Tổng Tham mưu.
Biết ông đã mệt, tôi xin phép được mang những tài liệu về nhà tham khảo. Tiễn tôi xuống cầu thang ông còn dặn:
Nhớ giữ những tài liệu này cho cẩn thận nhé. Nó vẫn còn có giá trị cho hôm nay và mai sau đấy.

Điện Biên Phủ trên không: Ngày phán xét


“Chiến dịch Linebacker 2 không thể vắt ra được những nhượng bộ quyết định nào của Bắc Việt Nam”, G.S Guenter Lewy viết trong cuốn “Mỹ ở Việt Nam” (xuất bản năm 1978).



Siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm?


Một cuộc xuất kích của bất kỳ chiếc B.52 nào cũng được tổ chức đặc biệt chặt chẽ. Là một trong 3 thứ vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ, mỗi chiếc trị giá 8 triệu USD lúc bấy giờ, siêu pháo đài bay B.52 liên tục được nâng cấp các phiên bản B.52D, B.52G… mỗi tốp bay thường gồm 3 chiếc.

B.52 một thời được xem là niềm tự hào của các nhân viên công ty Boeing cũng như các chuyên viên kỹ thuật quân sự Mỹ.

Tuy nhiên đối với những người có thân nhân bị nạn trong các vụ ném bom rải thảm ở Việt Nam thì B.52 là một biểu tượng của tội ác.

Một chiếc B.52 có sải cánh 56,39m, dài 40,05m, cao 12,4m, trang bị 8 động cơ, khối lượng cất cánh tối đa 221,35 tấn, tầm bay của B.52G tới 12.000m, B.52H tới 16.000m so với mặt đất, trần bay ở độ cao 15 km so với mặt biển, một kíp bay gồm có 6 người, có thể mang tới 30 tấn bom.

Đại úy không quân Mỹ Robert E. Wolff, trong một bài đăng trên tạp chí “Không quân Mỹ” (Air Force Magazine) tháng 9/1979 tiết lộ về quy luật hành quân ném bom của một phi đội B.52 trong chiến dịch Linebacker 2 tại Bắc Việt Nam năm 1972: “Cuộc tập kích bằng B.52 kéo dài 11 ngày vào tháng 12/1972 đánh phá miền Bắc Việt Nam đã từng gây ra nhiều tranh luận là một trong những trường hợp sử dụng tập trung hỏa lực không quân ở mức độ cao nhất trong lịch sử chiến tranh, chống lại một hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới…

Thoạt tiên, nó (chiến dịch Linebacker 2-NV) được hoạch định dưới hình thức một cuộc tập kích bằng B.52 kéo dài 3 ngày vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng, nhưng sau đó được mở rộng thành cuộc chiến tranh 11 ngày…

Dẫn đầu lực lượng không quân chiến thuật là các máy bay EB66 được sử dụng như một dàn máy gây nhiễu, áp dụng các biện pháp điện tử chống điện tử tầm xa. Trong cuộc hành quân này, các máy bay EB66 bay lượn ở phía Nam khu vực mục tiêu, gây nhiễu hệ thống phòng không của Hà Nội.

Các máy bay F111 dẫn đầu lực lượng tấn công thực sự và lãnh đạo một nhiệm vụ có mức độ ưu tiên cao nhất. Máy bay F111 bay rất thấp với tốc độ nhanh bám sát địa hình để đánh sân bay và các vị trí SAM của đối phương.

“Lần đầu tiên trong một cuộc chiến tranh, chúng ta – Mỹ thực hiện một nỗ lực quyết định nhằm triệt hạ các hệ thống phòng không tuyệt hảo của Hà Nội”, Robert E. Wolff viết.

Viên đại úy không quân mô tả, theo sau các F111 là các máy bay F4 rải một hành lang gồm những mảnh kim loại nhiễu xạ làm mờ các màn hiện sóng ra-đa của đối phương. Bức màn nhiễu xạ này sẽ khiến những nhân viên điều khiển ra-đa đối phương rất khó khăn phân biệt được một B.52 với nhiều tín hiệu giả tạo thu nhận trên màn hiện sóng.
 Nhiệm vụ nữa của F4 là cùng với máy bay F105 hộ tống các máy bay ném bom B.52 khổng lồ. Các máy bay chiến đấu càn quét khu vực mục tiêu trước khi lực lượng máy bay chiến lực B.52 đến nơi…

Các máy bay F105 “bàn tay sắt” trang bị tên lửa chống ra-đa chặm chùm tín hiệu hướng dẫn của tên lửa SAM-2 (loại tên lửa chống máy bay phổ biến của Việt Nam lúc ấy), ra-đa.

“Nhờ phối hợp hoạt dộng của các vị trí ra-đa với nhau, đối phương có thể làm giảm bớt hiệu năng của các tên lửa chống ra-đa của chúng ta – Mỹ. Tuy nhiên, sự có mặt của các máy bay F105 này đã làm giảm bớt mức độ chính xác của tên lửa đối phương rất nhiều’, Robert E. Wolff viết.

Dù sao đi nữa, bộ phận chủ công của các cuộc hành quân Linebacker 2 vẫn là các máy bay B.52. Sự hỗ trợ của các loại máy bay khác là rất quan trọng, nhưng các B.52 tự chúng cũng có mang rất nhiều trang bị có thể giúp chúng thâm nhập vào mục tiêu. Các thiết bị điện tử chống điện tử được đánh giá cao nhất vì chúng có thể làm vô hiệu hóa mối đe dọa của các tên lửa SAM. Nó còn được trang bị 4 súng máy bắn về phía sau để chống các máy bay MIG.

“Ngày đầu tiên chúng tôi biết được có một chiến dịch quan trọng đã được hoạch định là ngày 17/12/1972. Chúng tôi sẽ tiến công những mục tiêu ở những vùng được phòng thủ chặt chẽ nhất thế giới”, viên đại úy không quân nhớ lại trong hồi kí.

Với những trang thiết bị điện tử và lực lượng bảo vệ, gây nhiễu… được tổ chức chặt chẽ khi hành quân như thế, quân đội Mỹ tự hào đây là thứ vũ khí chiến lược bất khả xâm phạm.

Nhưng rốt cuộc, B.52 lần lượt rụng như sung trên bầu trời Hà Nội, còn Robert E. Wolff trở thành một trong những phi công tham chiến bị bắt tại miền Bắc Việt Nam khi siêu pháo đài bay B.52 do anh ta lái bị bắn rơi.


Hạ gục pháo đài bay 20h13’ ngày 18/12, cả vùng trời đêm phía Bắc Hà Nội bừng sáng vì một quả cầu lửa trên không vụt cháy. Tiểu đoàn tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn phòng không Hà Nội, với 3 quả tên lửa SAM 2, tại góc tà 340, bắn rơi tại chỗ một chiếc B.52G đang xâm nhập đánh phá Hà Nội mà chưa kịp cắt bom.
Chiếc B.52 đầu tiên bị tên lửa SAM bắn trúng trên bầu trời Hà Nội rơi xuống cánh đồng Chuôm, thuộc xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc, cách trận địa bố trí tiểu đoàn tên lửa 59 vẻn vẹn có… 10km.
“Ngày 19/12/1972, giới quân sự Mỹ ở Sài Gòn báo cáo lại, có 3 B.52 và 2 máy bay ném bom bị rơi ngoài vĩ tuyến 20, 15 phi công bị mất tích. Hơn 100 máy bay B.52 và nhiều loại máy bay ném bom khác đã tham gia trong trận này”, thông tin từ cuốn Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War, USA, Mallard, 1989).
“Ngày 21/12/1972, theo thông báo trong trận ngày 18/12/1972 có 8 máy bay B.52 bị thất lạc cùng với 43 phi công bị mất tích. Ngày 22/12, lại có 10 máy bay B.52, mỗi chiếc trị giá 8 triệu đô la bị mất tích từ 18/12, cùng với 55 phi công. Một con số tương đương với 13% số tù binh Mỹ được giữ tại Hà Nội trước khi ném bom”, cũng trong cuốn Chiến tranh Việt Nam ghi.
“Ngày 26/12/1972, máy bay Mỹ đã dội bom xuống Hà Nội trong suốt 40 phút và có ít nhất là 5 chiếc B.52 đã bị bắn rơi”, lại là cuốn sách Chiến tranh Việt Nam thống kê.
“Ngày 31/12/1972, chiến dịch ném bom căng thẳng nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Bắc Việt cho dùng toàn bộ lực lượng tên lửa đất đối không gồm 1.200 quả để bắn trả máy bay B.52. 15 chiếc B.52 bị bắn rơi cùng với 93 phi công đã bị chết, mất tích hoặc bị bắt”, sách này tổng kết.
Còn hãng tin Mỹ UPI, ngày 31/12/1972 đưa bản tin ngắn gọn: “12 ngày ném bom trở lại vùng Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong lịch sử chiến tranh, đã làm cho Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhất về người và trang bị. Từ 18-30/12, 76 phi công Mỹ đã bị mất ở Bắc Việt, có lẽ là bị bắt. Nhiều người chết và bị thương”.
Đại úy không quân Mỹ Robert E. Wolff mà chúng tôi nhắc tới ở trên đã là một không nhiều các phi công Mỹ may mắn “bị bắn rơi” nhưng còn có thể trở về. Trong những ngày bị giam giữ tại Hilton Hỏa Lò, Robert có dịp nhớ lại các thông số đã được cập nhật trước khi bước lên chiếc pháo đài bay định mệnh: “Vùng Hà Nội, Hải Phòng được phòng thủ bằng 30 vị trí tên lửa SAM-2, với trên 200 bệ phóng. Tên lửa SAM-2 được thiết kế đặc biệt để bắn hạ máy bay ở độ cao mà chúng tôi dự định bay.
Ngoài hệ thống SAM nói trên còn có 145 máy bay chiến đấu, phần lớn là MIG-19 và MIG-21, là những máy bay có thừa khả năng gây trở ngại cho lực lượng máy bay B.52. Trong hệ thống phòng thủ này còn có pháo phòng không đủ loại, trong đó có một vài loại đáng ngại. Chúng tôi rời phòng thuyết trình với tâm trạng băn khoăn…”.
Thực ra thông tin tình báo của Mỹ về lực lượng không quân của Hà Nội khá chính xác (dù không tuyệt đối).
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) xác nhận: “Năm 1972, khi bước vào cuộc đọ sức giai đoạn này, chúng ta có 4 trung đoàn không quân chiến đấu”.
Tổng số máy bay phía Hà Nội có lúc bấy giờ khoảng hơn 150 chiếc, nếu so với phía Mỹ có hơn 1.000 máy bay ở miền Nam Thái Lan, chưa kể thường xuyên có 3 tàu sân bay, cao điểm có lúc đến 4 tàu sân bay được bố trí ở vịnh Bắc Bộ và biển Đông, mỗi tàu sân bay chở theo 80-90 chiếc máy bay nữa, thì sự chênh lệch lực lượng là quá lớn.
Siêu pháo đài bay xuất trận trên bầu trời Hà Nội, với tỷ lệ rơi rụng ngày càng lớn. John T. Greenwood, khi viết “Máy bay B.52 trong vai trò chiến thuật” (Tạp chí Lịch sử quân sự, số 24, tháng 12/1972), thống kê:  “Có 15 chiếc B.52 bị tên lửa đất đối không bắn rơi: 9 chiếc B.52H và 6 chiếc B.52G; 9 chiếc khác bị thương, 29 phi công và nhân viên phi hành đoàn tử trận. 33 bị bắt sống, về sau được trao trả và 26 được cứu thoát sau trận đánh. Cá pháo đài bay đã oanh tạc 34 mục tiêu, trút gần 49.000 trái bom, tổng cộng 15.000 tấn (13.606.000kg)”.
Tuy nhiên, Joseph Amter, trong “Lời phán quyết về Việt Nam” đưa ra một thống kê khác: ‘Khoảng 33-35 B.52, chở gần 100 phi công Mỹ đã bị bắn rơi trong 12 ngày. Con số chính thức được thừa nhận chỉ 15 máy bay bị mất tích hầu như chắc chắn là sai. Tài bắn chính xác mới phát hiện ra ở các tay súng Bắc Việt Nam làm cho Lầu Năm góc ngạc nhiên đến mức cuối tháng 12 Bộ tham mưu liên quân đòi chấm dứt ném bom”.
Thống kê từ phía Hà Nội đưa ra ủng hộ con số tính toán của Joseph Amter: Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, miền Bắc Việt Nam bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài B.52.
Còn tờ Dailly Mirro (Tấm gương Chủ nhật, ngày 24/12/1972) thì mỉa mai: “Nixon ra lệnh cho Kissinger nói dối quanh nhằm thắng cử trong khi đó Nixon chuẩn bị B.52 để ném bom. Nhưng với mức độ B.52 bị rơi như hiện này thì hơn 200 ngày nữa là miền Bắc Việt Nam sẽ bắn rơi hết. Nixon đã nói dối và lừa gạt ngay cả chính nhân dân của ông ta”.

'Điện Biên Phủ trên không': Chuyện từ phía bên kia


"Ngày 2/11/1972, Nixon đã ra lệnh B.52 tiến công nặng nề miền Bắc... Đây là lần thứ 3 trong 8 năm, nhân dân Mỹ đã bị lừa bịp", Joseph Amter phân tích.

40 năm, một hành trình thời gian đủ dài để các tài liệu từng được liệt vào dạng "Tuyệt mật" (Top Secret) có thể được mang ra ánh sáng, công khai những âm mưu và tội ác được ẩn tàng dưới dấu mộc đỏ chót với lý do "bí mật quân sự". Linerbacker 2, kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam 40 năm trước (1972-2012) của chính quyền Richard Nixon (Mỹ), với tuyên bố "đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá", vẫn được gọi là trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm lịch sử, đã đến lúc có thể nhìn lại, với những dữ liệu nhìn từ 2 phía. VietNamNet lần đầu tiên công bố thêm một phần dữ liệu này.

Kỳ 1: Đưa VN trở lại thời đồ đá
Paris, dự kiến ngày 30/10/1972, sẽ là một ngày đi vào lịch sử khi biên bản hiệp định sơ bộ về chấm dứt chiến tranh và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đã được các bên đồng ý. Tuy nhiên, một diễn biến bất thường đã khiến nước Mỹ tiếp tục lún sâu vào cuộc chiến tranh này bằng việc chính phủ Mỹ leo thang tấn công miền Bắc Việt Nam bằng pháo đài bay B.52 trong khoảng thời gian 12 ngày đêm (18-29/12/1972), và cũng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Richard Nixon, trở thành tổng thống Mỹ bị coi là kẻ nói dối nhân dân Mỹ.
Ở nước Mỹ, một Tổng thống không được phép nói dối nhân dân, đó là yêu cầu đầu tiên khi ông ta đặt tay lên bản Hiến pháp tuyên thệ khi nhậm chức.
"Quyết định khó khăn"!
Cựu tổng thống Mỹ Nixon, người ra lệnh ném bom Hà Nội, Hải Phòng và leo thang đánh phá toàn diện miền Bắc trong tháng 12/1972, về sau, trong hồi ký của chính ông ta, thừa nhận: "Tôi ra lệnh tấn công bằng B.52 vào Hà Nội - Hải Phòng".
Ông viết, "sau 3 năm bế tắc, khả năng về mối liên lạc riêng Mỹ - Bắc Việt Nam đột nhiên lại hoạt động vào tháng 8/1972. Cộng sản tỏ ra quan tâm đến việc đạt được một giải pháp.
Ngày 16 và 17/9 (năm 1972 - người viết), Bắc Việt Nam đưa ra một chương trình mới gồm 10 điểm. Tôi thấy phải chuẩn bị cho Thiệu khả năng đi tới một giải pháp. Hayer đáp máy bay đi Sài Gòn, làm cho Thiệu tin rằng chúng tôi không hấp tấp đi tới một hiệp định. Thiệu bị choáng váng và tỏ ra nghi ngờ... Thiệu chửi bới Kissinger không "đoái hoài" đến quan điểm của Sài Gòn trong các cuộc thương lượng với Hà Nội.
Hà Nội hoang tàn vì B52. Ảnh tư liệu
... Tôi gửi một bức điện cho ông Phạm Văn Đồng, sau cuộc gặp 2 bên ngày 17 tháng 10, nói rằng hiệp định hiện nay coi như đã hoàn chỉnh. Có thể tin ở chúng tôi và sẽ ký kết được vào ngày 30 tháng 10.
Ngày 18 tháng 10, Kissinger đến Sài Gòn, mang thư mà tôi giới thiệu: "Tôi tin rằng chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận hiệp định này!".
Chủ nhật, ngày 22/10, Thiệu mời Kissinger đến gặp. Ngay sau cuộc nói chuyện, Kissinger điện cho tôi: "Chúng ta vừa kết thúc buổi gặp 2 giờ liền với Thiệu. Cuối cùng đã tìm được lối thoát và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giữ nguyên kế hoạch ban đầu, có sự ủng hộ của ông ta".
Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy, lại nhận bức điện khác của Kissinger: "Thiệu phản đối toàn bộ kế hoạch cũng như mọi thay đổi kế hoạch đồng thời từ chối tham gia đàm phán thêm nữa trên cơ sở kế hoạch".
Thứ 3, ngày 26/10, điều chúng tôi lo sợ đã đến. Hà Nội công bố hiệp định hòa bình, các điều khoản chung và lịch ký kết hết ngày 31/10. Họ quả quyết rằng chúng tôi kéo dài thương lượng nhằm "che dấu âm mưu duy trì chế độ bù nhìn Sài Gòn và kéo dài chiến tranh".
Kissinger cũng quyết định họp báo ngày 26/10. Sau đó, Dickler (Thư ký báo chí Nhà trắng lúc bấy giờ-NV) nói rằng các đề tin của báo chí tường thuật đều nói: "Hòa bình ở trong tầm tay". Tôi hiểu rằng lập trường mặc cả của chúng tôi thế là bị xói mòn nghiêm trọng. Kissinger cũng thấy: Đi quá xa đến mức công khai cam kết về một giải pháp là phạm sai lầm.
... Ưu tiên hàng đầu sau ngày được bầu lại vào tháng 11 sẽ là kết thúc chiến tranh. Việc này, tôi biết là không dễ dàng. Chiến lược để tiến hành rõ ràng là khác nhau. Kissinger thấy việc duy nhất là phá vỡ thương lượng, đẩy mạnh ném bom, buộc Bắc Việt Nam đồng ý nhận một giải pháp.
Tôi điện cho Kissinger: "...Cần tránh không làm gì có vẻ như phá vỡ thương lượng... Nếu xảy ra tan vỡ, chỉ do phía bên kia gây ra..".
Tiếp sau phiên họp ngày 13/12, Hà Nội tỏ rõ là không muốn đạt tới một hiệp định, Kissinger bay về. Ông ta đòi ném bom.
Ngày 14/12, tôi ra lệnh tiếp tục thả mìn cảng Hải Phòng và tiến công bằng B.52 vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ba ngày sau, lệnh sẽ có hiệu lực.
Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong suốt cuộc chiến tranh này".
Bị lừa bịp
Lúc bấy giờ, Mỹ đang tự hào là cường quốc quân sự số 1 thế giới, và lấy giá trị nền văn minh Mỹ làm tiêu chí để bảo vệ. Tên lửa hạt nhân chiến lược, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân và không quân chiến lược (máy bay ném bom B.52 vẫn là máy bay ném bom chủ lực của lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ) được xem là 3 lá bài chiến lược của cỗ máy quân sự khổng lồ của nước Mỹ. Lực lượng này cũng được nhiều người xem là "con át chủ bài" trong các cuộc chiến tranh thông thường mà quân đội Hoa Kỳ có tham gia.
Luật gia Joseph Amter, trong cuốn "Lời phán quyết về Việt Nam" (Vietnam's Verdict), tường thuật: "Ngày 17/12, ngay tức khắc, Nixon ra lệnh các cuộc tấn công không quân lớn nhất của cuộc chiến tranh vào Hà Nội, Hải Phòng. Alexander nói rõ là: "Con người đó (Nixon) sẽ bất chấp tất cả để nối lại việc ném bom và cho B.52 đến đấy để cho họ thấy rằng chúng ta đã nói là làm".
Xác B52 ở Hà Nội.. Ảnh: pbs.org.
Cũng trong "Lời phán quyết về Việt Nam", Joseph Amter mô tả: "Trong 12 ngày tiếp theo, từ 18/12-30/12, Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: thả hơn 35.000 tấn bom vào hai trung tâm đô thị lớn của Bắc Việt Nam.
Lầu Năm Góc dùng 200 B.52, các pháo đài bay này từng nhóm 3 chiếc, mang bom 500 và 700 cân (pound) Anh, mà khi thả xuống đúng là nhấn chìm những khu vực hình chữ nhật, một dặm bề dài, nửa dặm bề ngang của thành phố. Giới quân sự cho rằng các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch và trong phần lớn các trường hợp, khu vực mục tiêu chỉ còn là những đống gạch vụn.
Gạch vụn là mục tiêu thừa nhận của Lầu Năm Góc nhằm "làm tê liệt đời sống hàng ngày của Hà Nội và Hải Phòng, và phá hủy khả năng của Bắc Việt Nam ủng hộ các lực lượng ở Nam Việt Nam".
Cũng Joseph Amter phân tích: "Trên thực tế, Nixon không phải đợi đến sau cuộc bầu cử để âm mưu moi thêm những nhượng bộ của người Bắc Việt Nam. Ngày 2/11/1972, Nixon đã ra lệnh B.52 tiến công nặng nề miền Bắc. Theo lời lẽ của riêng ông ta là gây sức ép ngày càng tăng đói với Hà Nội bằng việc bắt đầu ném bom gần khu phi quân sự, rồi tiến dần ra phía Bắc mỗi ngày một ít... Đây là lần thứ 3 trong 8 năm, nhân dân Mỹ đã bị lừa bịp".
Trong biên niên "Cuộc chiến tranh Việt Nam", những con số thống kê thiệt hại được cập nhật như số đếm: "Ngày 20/12/1972, đài Hà Nội thông báo có 215 người bị chết, 325 người bị thương ở Hà Nội do Mỹ ném bom các ngày 18-19/12/1972. Tại Hải Phòng, riêng ngày 18/12, 45 người chết, 131 người bị thương và hàng nghìn nhà dân bị phá hủy. Song chính quyền Nixon lại rêu rao rằng trận đánh bom này đã gây thiệt hại nặng nề đối với các mục tiêu quân sự"
Và tác giả cuốn "Lời phán quyết về Việt Nam" khẳng định: "Nhiều người đồng ý rằng chỉ một người điên mới có thể ra lệnh cho B.52 tiến hành ném bom kiểu tàn phá như vậy đối với trung tâm dân thường".
Còn thiếu tá Carl H. Jeffcoat, một phi công Mỹ bị bắt trong chiến dịch "Linerbacker 2" ngay tại Hà Nội đã không ngần ngại cáo buộc ngay chính Tổng thổng Nixon: "Ở Mỹ, tất nhiên có người nói không đúng sự thật. Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đôi lúc cũng có thể nói sai. Cũng có thể có nghị sỹ này, bộ trưởng kia nói không thật đúng. Còn tổng thống chúng tôi thì tôi nghĩ rằng ông ta đã nói là có cơ sở, có đầy đủ cơ sở để nói Tuyệt đối đúng. Thật thà và Trung thực là yêu cầu số một của người dân Mỹ đối với tổng thống của họ...
Không thể khác được. Nếu tổng thống mà nói không đúng sự thật thì mất lòng tin của người dân Mỹ. Đông đảo dân Mỹ mà mất lòng tin ở người cần được tin nhất là tổng thống, thì chế độ Mỹ sụp đổ! Từ lúc đi học, chúng tôi đã nhiều lần nghe nói: ở Mỹ lòng tin vào tổng thống cũng ngang như, thậm chí còn quan trọng hơn lòng tin ở Chúa!".

Lầu Năm Góc: Lẩn tránh và Giấu diếm


"Tôi đích thân ra lệnh mở một trong những cuộc ném bom lớn nhất vào ngày 26/12: 116 lần xuất kích của B.52 nhằm vào những mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng", cựu Tổng thống Nixon viết.

Cựu Tổng thống Nixon, trong cuốn hồi ký của mình, thừa nhận "Ngày 14/12/1972, tôi ra lệnh tiếp tục thả mìn cảng Hải Phòng và tiến công bằng B.52 vào khu liên hiệp Hà Nội, Hải Phòng... Tôi đích thân ra lệnh mở một trong những cuộc ném bom lớn nhất vào ngày 26/12: 116 lần xuất kích của B.52 nhằm vào những mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng".
Thảm sát
Báo Hà Nội mới, số ra ngày 31/12/1992, tường thuật: một ngày trước đó, một tờ báo của Nhật đăng tin cho biết nữ danh ca Mỹ Joan Baez khi đi thăm phố Khâm Thiên "đã phải lấy khăn che mặt và toàn thân rung lên vì tiếng nấc. Trước mắt cô, mức độ khủng khiếp của sự hủy diệt đã tự nó nói lên rất rõ".
Trận bom rải thảm phố Khâm Thiên, Hà Nội đêm 26/12/1972 đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em; làm cho 178 cháu mồ côi, trong đó có 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; 290 người bị thương, 2.000 ngôi nhà, trường học, đền chùa, rạp hát, trạm xá bị sập, trong đó có 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Cầu, 75 tuổi, hiện là Bí thư Chi bộ phường Khâm Thiên, vẫn xúc động khi nhắc lại sự kiện đau thương, bi tráng này. Cứ đến sáng 26/12 hàng năm, ông cùng những gia đình có người thân thiệt mạng do bom B52 lại đến tượng đài tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong 12 ngày đêm lịch sử, để thắp nén hương cho người đã khuất.
Người đàn ông năm nay đã vào tuổi lên lão, nhưng mỗi lần nhắc về trận bom hủy diệt phố Khâm Thiên 40 năm trước, nước mắt lại chảy dài. Ông Cầu kể lại: Khi đó ông là nhân viên Xưởng in báo Hà Nội mới, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu. Ngày 22/12/1972, ông cho vợ con về sơ tán về nhà ngoại bên Bát Tràng. Chiều 26/12, ông đón vợ con về nhà ở phố Khâm Thiên để đi làm. Cùng ngày, đơn vị nhận lệnh "Đêm nay, Mỹ có thể đánh phá ác liệt Thủ đô, 9h tối phải có mặt tại đơn vị để sẵn sàng chiến đấu".
Nhận lệnh, ông Cầu chỉ kịp xin nghỉ sớm, về nhà dặn vợ con, em và cháu là đêm phải nhanh chóng xuống hầm. Nhưng ông không ngờ đó là giây phút cuối cùng ông được ở bên vợ con.
21h ông có mặt tại đơn vị. Khoảng 23h45', bom B52 của Mỹ bắt đầu trút xuống Thủ đô. Ông cùng đồng đội chiến đấu trên tầng 4 của Xưởng in. Rồi lòng ông như có lửa đốt khi hay tin khu vực đầu đầu phố Khâm Thiên, nơi có những người ruột thịt của ông, bị trúng bom và đang bốc cháy dữ dội.
Đến gần sáng, ông xin phép đơn vị về nhà. Trước mặt ông, cảnh tượng tan hoang, nhà ông và cả dãy phố đã bị bom cày nát, xác người la liệt khắp nơi. Ông Cầu chết lặng khi thấy người vợ của mình bị mất 1/2 cơ thể, đứa con vị vùi lấp chỉ còn lại một bên chân, 2 người cháu ruột của ông cũng chịu chung số phận. Người em ruột ông thì mãi gần 2 tháng sau mới tìm thấy xác...
Khu phố Khâm Thiên lúc bấy giờ phần lớn là nhà ở của bà con lao động nghèo đã bị loạt bom B52 biến thành bình địa. Hố bom chi chít cùng với gỗ, đá, gạch ngói vụn nát ngổn ngang. Căn nhà số 22 của chị em Lan và Phượng. Cả 2 đều là sinh viên. Bố mẹ và gia đình các em đều đã đi sơ tán. Một trái bom Mỹ đã biến căn nhà ấy thành một hố sâu. Không còn gì ngoài một tập sách cháy dở và một vài mảnh áo bông thấm máu hai em.
Bà Nguyễn Thị Lân, hiện sống ở phố Minh Khai, cũng không thể quên cảnh tượng vợ chồng người em ruột của bà cùng hai con nhỏ bị chết thảm trong đêm 26/12 tàn khốc ấy. "Mặc dù cả nhà em tôi cùng nhiều gia đình đã xuống hầm, nhưng không may bị trúng bom nên mấy chục người chết hết. Một người em của tôi may mắn thoát chết, nhưng bị cháy xém cơ thể, sau đó được đi cấp cứu tại Bệnh viện Sait Paul, giờ trên người chi chít vết thương", bà Lân kể lại.
Phố Khâm Thiên tan hoang vì B52. Ảnh tư liệu
Bà Lân cho biết, đêm 26/12, bà tham gia chiến đấu tại khu vực Nhà máy nước Yên Phụ. Sáng hôm sau bà đi bộ về nhà, qua phố Hàng Bồ, Quán Sứ, Yết Kiêu... thấy phố phường tan hoang, nhà cửa đổ nát, những đám cháy vẫn bốc lên xen lẫn mùi khét lẹt... Về lo hậu sự cho những người thân và hàng xóm xong, bà cùng người dân đi gom xác người chết.
"Ban đầu còn có quan tài để nhập, sau đó chẳng có quan, chỉ có manh chiếu, tấm vải vể khâm liệm. Cơ thể người chết cũng không còn nguyên vẹn nên chúng tôi chỉ biết gom lại và cùng chính quyền chôn cất cho bà con. Thật đau thương. Lúc đó, chúng tôi không thể khóc được, mà phải tự nhủ thật gan dạ để cùng nhau chiến đấu bảo vệ thủ đô. Đã gần 40 năm trôi qua, cứ đến ngày giỗ chung của bà con, tôi lại bật khóc", bà Lân ngậm ngùi.
Dối trá
"Lòng tin vào lẽ phải và nền văn minh đã là một trong những nạn nhân tinh thần của cuộc tiến công bằng không quân vào dịp Noel của Richard Nixon chống miền Bắc Việt Nam. Nếu lãnh tụ dân cử của nền dân chủ lớn nhất hành động như một tên bạo chúa điên rồ, và không một người nào trong chính phủ ông ta nói lên lời phản kháng nhỏ nhẹ nhất thì khó mà có thể cãi lại quan điểm cho rằng xã hội chúng ta là một xã hội hóa điên được.
Một thí dụ là phản ứng chính thức của Mỹ đối với tin tức nói rằng bệnh viện Bạch Mai 1.000 giường ở Hà Nội đã bị ném bom. Người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Jerry W. Friedheim nói ngay rằng tin trên là "tuyên truyền", rồi ông ta nói tiếp: "Chúng ta đã không đánh vào một bệnh viện lớn gần 1.000 giường. Tôi không có tin gì ủng hộ tin đó cả".
Từ "nói dối" không mô tả được một cách thích đáng tuyên bố trên. Bởi tuyên bố này khi thường sự thật quá vì tờ Thời báo New York (The NewYork Times) vừa đăng một bài tường thuật về thiệt hại ghê gớm do bom Mỹ gây ra cho bệnh viện Bạch Mai", đó là những lời chỉ trích gay gắt của Antoni Luis đăng trên tờ "Diễn đàn thông tin quốc tế" ngày 30/12/1972.
Trước đó 1 ngày, ngày 29/12/1972, cũng tờ báo này bình luận về bản thông cáo ngày 27/12 của chính quyền Nixon: "Hơn 1.400 phi vụ oanh kích của B.52 và các máy bay ném bom khác trong một tuần chống những mục tiêu "quân sự" trong vùng rất đông dân ở Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng thậm chí trong việc mới hé một chút bức màn bí mật này, vẫn hãy còn lởn vởn chính sách cũ do Nhà Trắng áp dụng là lẩn tránh và giấu diếm (...)
Người phát ngôn Bộ chỉ huy Mỹ đã từ chối không bình luận những câu hỏi về thương vong của dân thường. Có ai tin rằng ném bom rải thảm với cường độ như thế mà lại không gây ra một số thương vong rất lớn cho dân thường trong một vùng mật độ dân số cao như vậy?
(...) Nhân dân Mỹ có quyền nghe một báo cáo đầy đủ và nhanh chóng từ những người có trách nhiệm về những hành động đó, những hành động phạm phải nhân danh nhân dân Mỹ. Điều đáng bực mình nhất là sự im lặng kéo dài của viên tổng tư lệnh về lý do khiến ông ta ra lệnh ném bom trở lại và việc oanh tạc này sẽ làm cho hòa bình tiến bộ như thế nào?".
Trong khi đó, tại Hà Nội, "ở thôn Gia Thuỵ, Gia Lâm có gia đình bác Hiển, chỉ trong một trận bom, cả nhà có 10 người chết hết 9. Gia đình bác Quốc bị một quả bom cướp đi sinh mạng của bà mẹ già cùng đàn cháu thơ. Tại thị trấn Yên Viên, có một chiếc xe ca đang chở khách, bị bom biến thành đống sắt bẹp dúm. Rất nhiều đã chết và số còn lại đều bị thương.
Trước đó 4 hôm, vào lúc 2h38' ngày 22/12, Bệnh viện Bạch Mai, một cơ sở y tế dân sự vào loại lớn nhất miền Bắc hồi ấy cũng bị B.52 Mỹ dội bom. Toà nhà chính của bệnh viện đã đổ sập, đè lên những căn hầm, trong đó có rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế đang ẩn nấp. Ban lãnh đạo bệnh viện đã là đủ mọi cách mà đành bất lực.
Không có chiếc xe cẩu nào đủ sức nâng khối bê tông và gạch đá khổng lồ ấy. Tiếng kêu khóc từ trong lòng đất vang kên yếu ớt, nghe như từ cõi xa xăm vọng về. Các bác sĩ y tá phải dùng những ống cao su nhỏ, luồn qua những khe nứt để bơm sữa xuống cho những người bị nạn. Sau đó nhiều người đã chết vì ngạt, vì đói hoặc vì chấn thương.
Có một câu chuyện đau lòng mà báo chí hồi đó đã đưa tin. Một đôi trai gái, đều là bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, đã chuẩn bị ngày hôn lễ. Thiếp mời dự tiệc cưới đã gửi tới tất cả bạn bè. Vậy mà, đêm nay, những quả bom độc ác của Nixon đã cướp đi mạng sống và hạnh phúc của hai người" (trích từ "Điện Biên Phủ trên không, chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam", tác giả Lưu Trọng Lân).
"Bách khoa thư về cuộc chiến tranh Việt Nam" (Encyclopedia of the Vietnam War, NewYork, Simon&Schutster, 1996) thống kê: Năm 1972, bom Mỹ ném xuống miền Bắc với số lượng lớn hơn nhiều so với tời gian từ năm 1965-1968. Chỉ tính đến hậu quả trong trận ném bom tháng 12 đã có tới 40.000 tấn bom xuống Hà Nội và 15.000 tấn bom xuống Hải Phòng. Do có sự chuẩn bị trước và tài mưu lược của các vị lãnh đạo nên chỉ khoảng 1.600 người chết và vài ngàn người bị thương".
Riêng B.52, từ 18-29/12/1972, "đã ném 17.000 tấn bom xuống Hải Phòng và Hà Nội làm 1.300 người bị chết".
Thống kê từ Hà Nội đưa ra cho biết, trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, "Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc Việt Nam hơn 100 ngàn tấn bom, đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga... Giết chết 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác".
Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, 7 người trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này được xây Đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ" và một bức tượng bằng đồng, tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. Tượng được lấy nguyên mẫu từ chính chủ nhân của ngôi nhà bị hủy diệt này.
Tờ NewYork Times chỉ trích Tổng thống Mỹ ngày 20/12/1972: "Tổng thống Nixon hy vọng buộc các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam từ bỏ cuộc chiến đấu gần 30 năm và chấp nhận những điều kiện của ông ta. Tất cả kinh nghiệm đã qua cho thấy thái độ đó nhất định thất bại. Mỹ có nguy cơ trở lại một kiểu dã man của thời kỳ đồ đá, có thể phá hoại một phần những gì tốt đẹp nhất trong nền văn minh Mỹ".

Chặn đứng ‘pháo đài bay’ 

‘Tỷ lệ B.52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?’ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đặt câu hỏi.


LTS: 40 năm, một hành trình thời gian đủ dài để các tài liệu từng được liệt vào dạng "Tuyệt mật" (Top Secret) có thể được mang ra ánh sáng, để có cái nhìn đầy đủ về 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" , từ hai phía.
Không nhằm nhắc nhớ, khơi gợi về một chương buồn trong quan hệ Việt - Mỹ, loạt bài nhằm cung cấp thêm một góc nhìn lịch sử, từ người trong cuộc. Và cũng hi vọng, sự thật lịch sử được minh định. Và đó cũng là lời nhắc nhở, rằng ''không có gì quý hơn độc lập, tự do' và không ai có thể xâm phạm điều đó.
Nỗi ám ảnh SAM 2 ở Hà NộiNgày 8/1/1973, báo Tuần tin tức (News Week) chua chát với chính quyền Nixon bằng câu bình luận về chiến dịch Linebacker 2: "Nếu B.52 ra Bắc Việt Nam và chịu đựng thiệt hại như mức độ vừa qua thì chẳng cần phải là một thiên tài toán học cũng thấy được rằng cuối cùng Mỹ sẽ hết nhẵn B.52".
Trong khi đó, từ ngày 28/12/1972, Thượng nghị sỹ Mỹ McGovern đã tuyên bố thẳng thừng: "Việc ném bom Bắc Việt Nam cần phải ngừng vì lý do thuần túy quân sự là số thiệt hại về máy bay quá lớn.
... Sẽ không thể có hòa bình và tù binh Mỹ không được về nước chừng nào việc ném bom chưa chấm dứt. Ném bom không mang lại hòa bình, nó chỉ làm cho chiến tranh lan rộng hơn và đẫm máu hơn. Không quân Mỹ chỉ có 400 máy bay B.52, thế mà trong 2 tuần qua đã mất 11 chiếc ở Bắc Việt Nam (11 chiếc là con số mà Mỹ thừa nhận đến ngày 26/12-NV). Chỉ riêng điều đó, chính sách ném bom là vô nghĩa".
Người Mỹ, đặc biệt là các cựu quân nhân Mỹ, những chỉ huy của quân đội Mỹ, những nhà nghiên cứu quân sự... đã đi tìm kiếm rất lâu câu trả lời tại sao Hà Nội lại có thể "xơi" B.52 một cách "ngọt" như thế trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"?
Ảnh tư liệu

Sai lầm về chiến thuật?
Charles Barrows, đại úy hoa tiêu B.52 bị bắt làm tù binh đặt vấn đề ngay khi còn ngồi ở Hỏa Lò: "Hệ thống điện tử trên máy bay B.52 rất tinh vi và đắt tiền nhưng vẫn không gây nhiễu nổi ra-đa Bắc Việt.
Siêu pháo đài bay B.52 đã cải tiến nhiều lần, máy móc rất tốt... Các phi công B.52 được huấn luyện công phu, thành thạo các chiến thuật hiện đại và B.52 được bảo vệ dày đặc, nhưng vẫn bị bắn rơi vì đạn phòng không... Không quân chiến lược của Mỹ không thể chịu đựng nổi tỷ lệ tổn thất về B.52 trên bầu trời Hà Nội".
Câu hỏi này của Charles Barrows đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra theo hướng ngược lại với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không VNDCCH từ tháng 5/1972: "Tỷ lệ B.52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?".
Cho đến lúc đó các phương án đánh B.52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày nhưng chưa nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B.52. Đại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó.
Sau mấy tuần vật lộn với những con số, câu trả lời đã được đưa ra:
- N1 - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1 -2% (trên tổng số B.52 tham chiến của Mỹ);
- N2 - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%;
- N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%.
Câu hỏi tiếp theo của Tổng tư lệnh với Quân chủng Phòng không Không quân là: Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.
Đại tướng chỉ thị: Muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B.52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.
Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, tỷ lệ B.52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.
Đại úy phi công lái B.52 Robert E. Wolff, cũng bị bắt tại Hà Nội, lại có phân tích khác (trên tờ Air Force Magazine năm 1979): "Khi bay hướng Bắc về phía Trung Quốc, chúng tôi lắng nghe máy bay chiến đấu bắn phá và máy bay gây nhiễu ngăn cản hệ thống phòng thủ của Hà Nội hoạt động. Các máy bay F.111 hoàn thành được nhiệm vụ của chúng, một vài máy bay MIG vẫn cất cánh được.
Máy bay chiến đấu càn quét của chúng tôi gặp khó khăn trong việc liên lạc với tàu hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vịnh Bắc Bộ, làm nhiệm vụ phối hợp chặn máy bay đối phương. Các phi công của máy bay hộ tống chúng tôi không thể khai hỏa nếu không nhận được sự cho phép vì chúng tôi không muốn có một sai lầm nào trong việc nhận định địch - bạn.
Viên phi công Mỹ còn nhớ, "ở đây chúng tôi đã có một suy nghĩ. Nhiều phi công trong toán bay tưởng rằng đoạn bay trong lúc bắn phá của phi vụ sẽ là đoạn nguy hiểm nhất. Nhưng trên thực tế, giai đoạn rời khỏi mục tiêu cũng khó khăn không kém. Chúng tôi phát hiện ra là các ác tên lửa SAM đạt hiệu suất cao nhất khi các máy bay B.52 đổi hướng lần cuối cùng để rời mục tiêu, vì lúc này ra-đa của đối phương thu nhận được hình ảnh tối đa của máy bay".
Người ta đã bàn luận nhiều về khía cạnh đó của chiến dịch. Mâu thuẫn gay gắt nhất giữa các tay súng và Bộ tham mưu chiến dịch là về "thế đi của đàn voi con". Đội hình kéo dài nhiều dặm, các máy bay cùng theo một đường, một độ cao, một hướng. Cả 36 máy bay đến một điểm nhất định rồi lần lượt đổi hướng thì chẳng cần tài giỏi gì phe phòng thủ cũng biết nhằm vào đâu để bắn chiếc 37".
Đại úy phi công Drenkowski tán thành quan điểm này, nhưng đặt thêm những vấn đề cũng trên tạp chí Air Force: "Tên lửa, pháo phòng không bắn lên dày đặc. B.52 thực hiện các thao tác né tránh, tuy biết rằng né tránh cũng chẳng mang lại kết quả gì. Kẻ thù của B.52 là tên lửa SAM. Trong khi bay từng tốp 3 chiếc, kẻ thù của B.52 còn là những vụ đụng vào nhau ở trên trời. Lúc này, vũ khí đáng sợ nhất với B.52 lại là một chiếc B.52 khác đang bay gần cạnh nó. Các nhân viên phi hành bối rối khi thấy ở phía trước lại có B.52 bị bắn rơi, trong khi đạn pháo phòng không vẫn nổ tới tấp bốn phía xung quanh.
Trong đêm 19/12, người ta biết chắc chắn là đã có một số B.52 bị bắn rơi. Cả 2 chiếc B.52G này đều bị trúng tên lửa đúng lúc ngoặt để bay ra khỏi mục tiêu, và rơi gần Hà Nôi. Các toán B.52 tiếp sau cũng bị SAM bay lên đón đánh dữ dội. Một B.52 khác bị thương bay về đến Lào thì rơi. Đến ngày 20/12, 6 chiếc B.52 bị bắn rơi trong 9 giờ.
Vậy là 3 ngày, 300 lần B.52 xuất kích, bị bắn rơi 9 chiếc, tỷ lệ tổn thất tới 3%, một tỷ lệ không thể nào chấp nhận. Những máy bay B.52 bị bắn rơi lại là những B.52G đã được trang bị khí tài gây nhiễu rất mạnh...
Các kíp lái cho rằng tổn thất B.52 quá lớn là do việc vạch kế hoạch tồi, chiến thuật kém. Họ thấy cần thu hẹp vòng ngoặt để nhanh chóng thoát khỏi mục tiêu, bay ra vịnh Bắc Bộ. Họ muốn được phép làm các động tác cơ động né tránh, bay theo các đường đan chéo nhau, thu ngắn đội hình, từ nhiều hướng tiếp cận các mục tiêu, độ cao khác nhau thay đổi liên tục không theo quy luật để đối phương khó đối phó. Nhưng như vậy lại vẫn tăng thêm nguy cơ là chính B.52 đâm phải nhau trên không".
Sự ám ảnh SAM2
Tên lửa SAM 2, vẫn được xem là kẻ thù của B.52, vì được thiết kế bắn tới độ cao B.52 thường sử dụng, vốn được Hà Nội gọi tên là "rồng lửa Thăng Long", trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Thủ đô là mối đe dọa lớn nhất, trở thành nối ám ảnh cho bất cứ kíp bay B.52 nào nhận nhiệm vụ mang bom ra vùng châu thổ Sông Hồng.
Tuy nhiên, nghệ thuật điều khiển SAM của lực lượng phòng không - không quân Hà Nội lại là cái khiến người Mỹ phải nghiêng mình.
Trên tạp chí "Không quân Mỹ", John L.Frisbee viết: "Trong thời kỳ chiến tranh thế giới 2, tổn thất máy bay ném bom bị phòng không hay máy bay chiến đấu đối phương bắn hạ tại hai chiến trường chính yếu được ước tính trung bình: cứ 64 phi xuất thì có 1 chiếc bị bắn hạ và lúc ấy chưa có tên lửa SAM hữu hiệu. Trái lại, trên không phận Hà Nội và Hải Phòng thì cứ 49 phi xuất lại có một B.52 bị SAM bắn rơi".
Cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ khi trả lời tạp chí AirForce vào tháng 6/1973 cũng thừa nhận: "Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất... Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương.
...Bắc Việt đã bắn hạ hàng chục B.52 bằng cách ngắm bắn bằng mắt thường. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa SAM lên để hạ máy bay".
Cũng Drenkowski, trong "Về chiến dịch Linebacker 2", phân tích: "Những người điều khiển tên lửa SAM khôn ngoan đã quan sát ngay chiếc B.52 đi đầu ngoặt khỏi mục tiêu. Họ phóng lên một quả SAM để tên lửa bay theo đường đạn 45 giây tới gần chỗ B.52 phải ngoặt. Họ dùng 5-10 giây điều khiển quả tên lửa "khóa" vào điểm ngoặt, sao cho khi tên lửa đến đó vừa đúng lúc chiếc B.52 tiếp theo vừa bay tới. Thật ngon xơi!".
John T. Greenwood, trong cuốn "Chiến tranh Việt Nam" (Vietnam War) chỉ rõ: "Để lợi dụng khả năng có gió mạnh thổi từ hướng Tây Bắc, các máy bay bao giờ cũng từ phía Tây Bắc bay vào các mục tiêu lớn ở Hà Nội. Ngay sau khi trút bom, máy bay phải lượn vòng rất lớn ra phía sau mục tiêu để thoát ra ngoài tầm bắn của tên lửa đất đối không càng nhanh càng tốt.
Theo quy định, các tốp trong đội hình tiến công của B.52 chỉ được bay ở các độ cao và hướng khác nhau rất nhỏ. Các tốp phải bám chặc đội hình để làm giảm khả năng dễ bị tổn thương vì tên lửa đổi phương, để tăng hiệu quả bảo vệ của các phương tiện gây nhiễu điện tử trong đội hình và giữa các tốp, để giữ đội hình trong hành lang có thả sợi nhiễu.
Vì các phi công thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược ít khi bay trong các đội hình lớn vào ban đêm và vì vùng trời Hà Nội chật hẹp sẽ đông đặc máy bay, nên các phi công được lệnh tránh va chạm bằng cách càng ít thực hiện động tác cơ động càng tốt.
Những chiếc B.52 đầu tiên trong đêm 18/12 ném bom các sân bay Hòa Lạc, Kép và Phúc Yên.
Sau đó, Kinh Nỗ và Yên Viên bị ném bom. Chiếc máy bay mang mật danh "Than củi" dẫn đầu 9 chiếc B.52 cất cánh từ Guam khi đánh vào nhà kho Yên Viên, Ai Mỗ bị 2 tên lửa SAM bắn trúng trước khi kịp trút bom và rơi xuống phía tây bắc Hà Nội. Đó là chiếc B.52 đầu tiên bị hỏa lực phòng không Hà Nội bắn rơi trong chiến dịch và là chiếc thứ 2 bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh.
Đến nửa đêm, 30 máy bay cất cánh từ Guam oanh tạc Hà Nội một lần nữa. Một chiếc B.52 khác bị thương nặng vì tên lửa SAM khi đang ngoặt ra khỏi mục tiêu và rơi ở Thái Lan sau khi tổ lái đã nhảy dù. 5 giờ sau, đợt thứ 3 bay vào, thêm một B.52 bị bắn rơi...

Những điểm yếu nghiêm trọng trong việc vạch kế hoạch thực hiện, bộc lộ trong những cuộc oanh tạc ngày thứ nhất đã trở nên rõ nét một cách bi thảm trong những ngày sau. Các chiến thuật áp dụng trong chiến dịch ném bom mang tên Arefight (Đèn hồ quang) ở miền Nam Việt Nam không thích hợp với khu vực Hà Nội, nơi có hỏa lực phòng không mạnh. 5 phi vụ tiến hành hồi tháng 4, đặc biệt là trận oanh tạc Hải Phòng đã dẫn các nhà vạch kế hoạch Mỹ tới những nhận định sai lầm.
Ba đợt, mỗi đêm gây khó khăn cho việc rải sợi nhiễu, hay trấn áp tên lửa đất đối không, đồng thời giúp cho hệ thống phòng không đối phương (Hà Nội - NV) có thời gian hồi phục và chuẩn bị đối phó với đợt tiến công mới.
Gió thổi mạnh giúp cho các máy bay ném bom bay nhanh tới mục tiêu, nhưng đồng thời cũng thổi bạt sợi nhiễu khiến cho các máy bay B.52 phải dựa vào thiết bị gây nhiễu của chính mình để tránh bị ra-đa phát hiện.
Hơn nữa, khi ra khỏi mục tiêu, các máy bay B.52 phải ngoặt trở lại bay ngược chiều gió mạnh 100 hải lý nên tốc độ rút lui chậm lại quá nhiều, và hướng gây nhiễu bị chệch, khiến cho ra-đa của các trận địa tên lửa SAM lân cận có thể lọt qua những chỗ yếu trong màn nhiễu.
Thêm nữa, đội hình máy bay ném bom quá dài và việc quy định một điểm ngoặt độc nhất cho các máy bay khi ra khỏi mục tiêu đã giúp cho đối phương nhằm đúng điểm ngoặt sau khi những tốp đầu bay qua".
Đại úy phi công Drenkowski ngao ngán bình luận: "Những thay đổi về chiến thuật sau Noel không phải để đáp ứng đề nghị của phi công... mà vì 3 viên tướng chịu trách nhiệm về chiến dịch này ngồi ở Mỹ chợt nhận ra rằng nếu tốc độ rơi máy bay cứ diễn ra như hiện tại thì chỉ trong 2 tuần nữa sẽ không còn chiếc B.52 nào ở Đông Nam Á" ("Tấn bi kịch của Linebacker 2", tạp chí Armed Forces Journal, tháng 7/1997).
 (theo Vietnamnet)