Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

“Siêu nhân” Djokovic: 9 tháng, 10 chiếc cúp (Năm 2011)

Djokovic VĐ Mỹ mở rộng 2011: Mùa Thu nay khác rồi... 

Hạ Nadal sau 4 set với các tỷ số 6-2, 6-4, 6-7 (3), 6-1. Djokovic trở thành nhà vua mới của Mỹ mở rộng 2011. Một chiến thắng xứng đáng trong năm 2011 gần như hoàn hảo của Nole.

Djokovic VĐ Mỹ mở rộng 2011 - Ảnh Getty
Không phải là Nadal không có cơ hội. Chính Rafa đã tự tạo ra cơ hội chiến thắng cho mình khi anh đều bẻ gãy game đấu của Nole ở đầu các set 1 và 2. Nhưng 2 set đấu đầu tiên đều diễn ra theo một kịch bản gần giống nhau. Nadal dẫn trước Djokovic 2-0, rồi anh đánh mất tất cả. Set 1, Nole 3 lần bẻ gãy game đấu của Nadal (game 3, 5, 7). Set 2 anh lặp lại chiến công đó (game 3, 5, 9). Không phải là tinh thần Nadal hoàn toàn vụt tắt ở Flushing Meadows. Như khi anh trỗi dậy mãnh liệt để quân bình tỷ số từ 2-4 thành 4-4 ở set 2 sau khi xuất sắc bẻ gãy game 8 mà Nole giao bóng. Nhưng cũng giống những đầu các set 1 và 2, một lần nữa tay vợt Tây Ban Nha không bảo vệ được thành quả của mình. Ngay game 9 của set 2, Nadal để Nole bẻ gãy lại game đấu của anh trước khi thắng set này với tỷ số 6-4. Một nhà vô địch không phải là không bao giờ mắc sai lầm. Nhưng rõ ràng anh ta cũng không bao giờ chiến thắng nếu mắc nhiều sai lầm đến thế.
Djokovic trong trận chung kết ở Flushing Meadows chưa phải là hoàn hảo nhưng anh đơn giản là mắc sai sót ít hơn hẳn đối thủ của mình. Cú service 1 của anh vẫn thường xuyên bị lỗi. Bóng không mắc lưới thì cũng đi ra ngoài ô quy định. Nadal giao bóng 1 cũng rất tệ. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu? Câu trả lời là ở khả năng trả bóng. Phải nói đây là một trong những trận chung kết Grand Slam nhạt nhòa nhất trong sự nghiệp của Rafa khi tất cả những sở trường của anh hoặc là hoàn toàn không thể hiện được, hoặc chỉ lóe lên trong một số khoảnh khắc nhất định. Thể lực của tay vợt số 2 thế giới vốn nổi tiếng là mạnh mẽ nhưng trước Nole, Nadal cũng chẳng hơn gì. Những cú passing-shot dọc dây và chéo sân trứ danh của anh gần như “biến mất” trong trận CK này.
Cũng hầu như không có những cú né trái đánh phải hiểm hóc của tay vợt VĐ Grand Slam 10 lần trong lịch sử. Cú forehand sở trường thì không mấy khi phát huy tác dụng. Những pha tấn công của cựu số 1 thế giới thường đưa bóng đi vồng cao chứ không chuội thấp như thường thấy nên Djokovic dễ dàng  hóa giải. Giao bóng vốn không phải thể mạnh của Rafa nhưng trong trận đấu quyết định này, anh thậm chí còn service kém hơn thường lệ. Bóng ngắn và lỏng nên tạo điều kiện cho Nole trả bóng cực kỳ lợi hại để ghi điểm.
Ngược lại, tay vợt Tây Ban Nha trả bóng thường rất “hiền” nên hầu như không có tác dụng phản công để ghi điểm trước Djokovic. Lối đánh của Nadal cũng không đa dạng như đối thủ của anh. Nhìn chung cả hai đều dùng bóng dài nhưng Djokovic vẫn lên lưới thường xuyên hơn. Để chống lại các pha tấn công từ xa của Rafa, tay vợt Serbia chọn chiến thuật phòng ngự từ sau vạch baseline và anh đã hóa giải có hiệu quả những đường bóng từ Nadal. Djokovic không chỉ có tốc độ rất tốt mà cả độ dẻo của anh cũng xứng đáng được tụng ca. Tay vợt số 1 thế giới có không ít pha cứu bóng kiểu “trượt patin” khiến người ta thán phục.
Trận này rất nhiều lần Nadal có lợi giao (khi anh giao bóng) hoặc lợi ngoài (khi Nole giao bóng). Chỉ cần một pha thắng điểm nữa thôi là anh sẽ thắng được game đấu. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, tay vợt Tây Ban Nha đều bỏ lỡ và cuối cùng Nole mới là người chiến thắng. Camera truyền hình nhiều lần đặc tả gương mặt của Rafa và nó hiện lên nỗi thất vọng.
5 trận chung kết thất bại liên tiếp trước Nole rõ ràng là một nỗi ám ảnh. với Nadal.  Và Rafa không tài nào thoát ra khỏi “hội chứng sợ hãi” ấy ở trận đấu cân não này. Sự  thiếu tự tin là một phần nguyên nhân khiến người ta hiếm khi được thấy những pha tấn công hay phản công sắc nét của Nadal trước Nole. Djokovic thường xuyên ép trái Nadal ở trận này. Chiến thuật đó cộng với hiệu ứng tâm lý từ chuỗi thất bại trước Nole trong năm nay khiến tay vợt Tây Ban Nha gặp vô vàn khó khăn. Mỗi khi bị Djokovic ép trái, Nadal gần như chỉ có thể cắt bóng sang phần sân bên kia chứ không cách nào biến nó thành một pha phản công lợi hại. Cú cắt bóng của anh vừa thiếu lực vừa có điểm rơi không hiểm nên dễ dàng tạo điều kiện cho Djokovic tung ra đòn sát thủ để ghi điểm.
Set 3 hai tay vợt bám đuổi nhau từng game đấu. Những nỗ lực kiệt cùng của Nadal cuối cùng đã được đền đáp khi anh đưa set đấu đến loạt tie-breal và thắng Djokovic 7-3 để đưa trận đấu sang set 4. Nole bỏ lỡ cơ hội thắng nhanh sau 3 set dù anh đã bẻ gãy game thứ 11 của Nadal và dẫn trước 6-5. Tay vợt Serbia có dấu hiệu thấm mệt, nhưng thực sự thì ý chí quyết đấu đến cùng của Rafa rất đáng được ngợi ca. Nhưng đúng lúc người hâm mộ Rafa hồi hộp mong chờ một cuộc phục sinh thần thánh thì Nole đã thể hiện bản lĩnh nhà vô địch dù anh có dấu hiệu chấn thương lưng ở set 4. Tay vợt Serbia phải cần tới sự chăm sóc của bác sỹ nhưng vẫn xuất sắc hạ Nadal chóng vánh với tỷ số cách biệt 6-1 để giành chiến thắng chung cuộc đầy ấn tượng và chính thức trở thành nhà vua mới của Mỹ mở rộng 2011.
Lần thứ 13 Nole đánh bại Rafa sau 29 lần gặp nhau giữa họ. Trận chung kết thứ 6 trong năm nay họ gặp nhau và Nole toàn thắng. Khó có thành tích nào tuyệt vời hơn thế.  Chúc mừng Nole với danh hiệu quán quân Mỹ mở rộng đầu tiên trong sự nghiệp. 4 cúp VĐ Grand Slam vẫn còn là rất ít so với 10 chiếc của chính Nadal và chỉ bằng 1/4 gia tài đồ sộ của Federer với 16 chiếc cúp trong tủ kính. Nhưng ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Chỉ trong vòng 9 tháng, tay vợt Serbia vụt đứng lên thành người khổng lồ của tennis thế giới. Những thất bại quá khứ đã hun đúc nên “cơn nghiện” chiến thắng trong huyết quản của Nole để tạo nên một quyền lực tối thượng như chúng ta đang thấy hôm nay. Một năm về trước cũng tại chốn này, Nadal hạnh phúc khi hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam của sự nghiệp, còn Nole cay đắng vì không thể ôm trọn giấc mơ.
Một năm sau là một câu chuyện khác. Nỗi thất vọng tan biến để nhường chỗ cho những tiếng reo vui. 2011 này là năm của Nole. Anh ôm trọn vinh quang vào lòng để bù đắp cho những tháng ngày mải miết săn tìm nó. Mùa Thu nay khác rồi… Cần những thất bại để thấy mình muốn thắng. Cần chìm trong bóng tối để khát khao ánh mặt trời. Nếu không có nỗi đau ở chung kết Flushing Meadows năm trước chưa chắc đã có vinh quang tột đỉnh tại chốn này năm nay. 16 trận thua trước Nadal và 14 lần bị Federer đánh bại đã hằn sâu vào bộ nhớ của Nole. Những nỗi đau chất chồng theo ngày tháng đã được anh biến thành động lực thi đấu to lớn và khát vọng phục thù cháy bỏng. Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, nếu không có những trải nghiệm đắng cay ấy, người hâm mộ chưa chắc được thấy một Djokovic phục sinh mãnh liệt của hôm nay. Không còn nỗi sợ hãi nào ở Flushing Meadows. Chỉ có ý nghĩ duy nhất xuất hiện trong đầu. Tranh đấu đến cùng cho chiến thắng. Và anh đã thắng và sẽ còn thắng nữa để bước tiếp trên con đường đế vương. Ngã mũ trước Nole, nhà Vua mới của Mỹ mở rộng 2011.
“Siêu nhân” Djokovic: 9 tháng, 10 chiếc cúp (Năm 2011)
Vô địch Australia mở rộng: Hạ Murray 6-4, 6-2, 6-3
Vô địch Dubai mở rộng: Hạ Federer 6-3, 6-3
Vô địch Indian Wells: Hạ Nadal 4-6, 6-3, 6-2
Vô địch Miami mở rộng: Hạ Nadal 4-6, 6-3, 7-6(4)
Vô địch Belgrade mở rộng: Hạ Feliciano Lopez 7-6(4), 6-2
Vô địch Madrid Masters 1000: Hạ Nadal 7-5, 6-4
Vô địch Roma Masters 1000: Hạ Nadal 6-4, 6-4
Vô địch Wimbledon: Hạ Nadal 6-4, 6-1, 1-6, 6-3
Vô địch Rogers Cup: Hạ Mardy Fish 6-2, 3-6, 6-4
Vô địch US Open: Hạ Nadal 6-2, 6-4, 6-7(3), 6-1

Nadal lần thứ 6 thua Djokovic ở CK: Hoàng đế băng hà

Người ta gọi anh là "Vua đất nện", tay vợt duy nhất trong kỉ nguyên Roger Federer có thể làm mưa làm gió khiến "tàu tốc hành" tốn không biết bao nước mắt. Những vinh quang huy hoàng mà Nadal giành được kể từ khi xuất hiện quá ấn tượng trong mỗi giải đấu đất nện đều có bóng dáng của các kì phùng địch thủ từ Federer tới Djokovic và Andy Murray.
Đã có thời điểm giới chuyên môn nghĩ anh là tay vợt bất khả chiến bại khi giành được hết các vinh quang. Đó là thời điểm bất cứ tay vợt nào cũng có thể trở thành nạn nhân của cuộc diễn tập mà Nadal thủ vai chính. Tuy nhiên, theo quy luật khó tránh khỏi của cuộc sống mà tennis cũng không phải ngoại lệ, khi những "vì sao" đã già đi hoặc tỏ ra kém sáng hơn, sẽ lại có những ngôi sao khác thay thế, tỏa ra ánh sáng và quyến rũ hơn thế.
Sự thất vọng của Nadal- Ảnh Getty
Người ta còn nhớ mãi chiến bại ở Roland Garros 2009 trước Robin Soderling của Nadal khiến anh trở thành nhà cựu vô địch, đồng thời đưa tên Federer vào ngôi đền huyền thoại với đầy đủ bộ sưu tập Grand Slam. Kéo theo đó là chấn thương và phong độ sa sút khiến Nadal đã phải chờ rất lâu mới tìm lại được bản năng. Nhưng cuộc sống không bao giờ là mơ, sự trị vì của ông vua đất nện ở ngôi đầu bảng xếp hạng ATP không kéo dài bao lâu khi Novak Djokovic đã làm mưa làm gió tại rất nhiều mặt trận. Đó là lúc người hâm mộ đã đặt được dấu chấm hết cho điệp khúc nhàm chán Federer - Nadal trong suốt gần một thập kỉ.
Trận thua hôm qua không còn là bất ngờ. Nó được dự báo từ trước và đơn giản, chỉ là một sự tái hiện kịch bản của chung kết Wimbledon hồi mùa hè. Nhưng Nadal chắc cũng chưa cắt nghĩa được hết tại sao vinh quang lại dễ dàng tuột khỏi tay anh nhanh tới vậy. Là nét mặt buồn rười rượi, là nụ cười gắng gượng trước những câu tán dương đối thủ của Djokovic khi nhận giải, là một nỗi niềm khó ai thấu hiểu hết của một tay vợt luôn mang hết sự nhiệt tình, kiên trung với trái bóng xanh.
Khó có thể cắt đứt được chuỗi ngày thi đấu thăng hoa của Djokovic. Nadal vẫn còn trẻ và còn nhiều khát vọng. Nếu để nói rằng anh hết thời thì quả thực là điều phi lý. Nhưng đỉnh cao của Nadal có vẻ như đã khá xa anh rồi, ít ra là thời điểm này khi anh thắng khá nhọc nhằn trước các tay vợt khác và để thua nhiều hơn khi đối đầu với "Big four ". Và nếu cần một cái kết cổ tích cho tennis, thì sự " băng hà " tạm thời này có thể là liều thuốc kích thích tốt cho tinh thần và phong độ của Nadal những ngày tới... Hy vọng thế.

Nadal “ngả mũ” trước Djokovic sau CK Mỹ mở rộng

Tay vợt Tây Ban Nha bảo những gì Nole đã làm được là phi thường và có lẽ không tay vợt nào có thể tái hiện được. Về phần mình, Djokovic lâng lâng hạnh phúc sau khi trở thành quán quân Mỹ mở rộng 2011. Anh mô tả 2011 là một năm đặc biệt với mình.
Nole ăn mừng chiến thắng - Ảnh Getty
Thật không thể tin được. Tôi đã có một năm đặc biệt và nó vẫn chưa dừng lại. Lần nào đối mặt với Rafa (Nadal) cũng là một thách thức lớn. Anh ấy đã trải qua một giải đấu tuyệt vời. Tôi cầu mong cho chúng tôi sẽ còn nhiều trận đấu cam go nữa trong năm tới. Không gì có thể diễn tả cảm xúc của tôi lúc này. Ơn Chúa là sau cùng, những nỗ lực của tôi đã được đền đáp. Tôi từng buồn bã và tuyệt vọng nhưng đã tự nhủ mình phải làm việc cật lực và chờ đợi thành công đến. Bây giờ mọi chuyện cứ như một giấc mơ. Cảm ơn các CĐV, gia đình và những ai đã luôn tin tưởng và ủng hộ tôi những năm qua. Chiến thắng của tôi hôm nay cũng thuộc về họ nữa. Tôi tin mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thôi khao khát chiến thắng và cảm thấy nhàm chán với nó. Tôi sẽ còn tranh đấu nữa để giành tiếp những chiến thắng mới. Sẽ không dễ dàng nhưng cần phải tiếp tục. Điều quan trọng nhất là bạn nuôi dưỡng trong lòng mình ham muốn chiến thắng. Tôi không nghĩ mình đã lên đến đỉnh cao. Đỉnh cao ấy vẫn nằm ở phía trước. Và tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu có thể bước lên được nơi ấy”.
Trong khi đó, Nadal trong lúc thừa nhận cảm giác thất vọng vẫn không quên ngợi ca đối thủ đã biến anh thành cựu vương của Mỹ mở rộng chỉ sau một năm. “Dĩ nhiên là tôi cảm thấy thất vọng nhưng sự thật là Novak đã làm được những điều không tưởng. Những gì anh ấy làm được trong năm nay có thể không ai tái hiện được. Đó là một người đặc biệt. Tôi đã nỗ lực tối đa trong mọi thời điểm, về mọi phương diện. Đã cố gắng chơi chủ động và mạnh mẽ nhưng Nole đã hồi sinh (set 4) . Tennis là thế. Tôi đã tranh đấu đến pha bóng cuối cùng, Năm nay Nole thắng tôi trong mọi trận đấu nhưng tôi cũng đã chiến thắng rất nhiều trong quá khứ. Tất cả những gì bây giờ tôi có thể làm là cố gắng hết sức mỗi ngày, khổ luyện không ngừng để chắc chắn rằng mình sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào năm sau”.

Trước trận CK Mỹ mở rộng 2011:

Nadal tiết lộ vấn đề tâm lý khi gặp Djokovic

Nadal thừa nhận năm nay cứ mỗi khi đụng Nole, anh lại cảm thấy bị “khớp” tâm lý và chưa làm cách nào khắc phục được vấn đề này.
Nadal mừng chiến thắng trước Murray - Ảnh Getty
Tay vợt số 2 thế giới một lần nữa đánh bại đối thủ quen thuộc Andy Murray để vào CK Mỹ mở rộng năm thứ 2 liên tiếp. Nhà vô địch Grand Slam 10 lần trong lịch sử chỉ còn cách danh hiệu quán quân Mỹ mở rộng thứ 2 của anh đúng một trận đấu nữa thôi. Nhưng Nadal hiểu cuộc chiến với Nole sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác với những chiến thắng tương đối dễ dàng của anh trước Murray.
Năm nay tôi đã thất bại trước anh ấy 5 lần trong 5 trận chung kết. Đây sẽ là trận chung kết thứ 6. Nole đang có lợi thế. Rõ ràng anh ấy ở cửa trên trong trận đấu này. Tôi biết mình cần phải làm tốt hơn 5 trận đấu trước đó nếu muốn thay đổi tình hình”.
Hiện thành tích đối đầu của Nadal vẫn nhỉnh hơn Djokovic với 16 trận thắng so với 12 của Nole. Nhưng với sức mạnh của tay vợt Serbia lúc này, mọi con số thống kê đều chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Nadal bảo anh cần phải chiến đấu. “Trước đây tôi thắng được Nole là nhờ phát huy cao nhất sức mạnh của mình. Tôi phải chơi tốt, tập trung trong cả trận đấu với sự sảng khoái và những ý tưởng rõ ràng ở trong đầu. Tôi cần có một tinh thần thật mạnh mẽ trong mọi thời điểm, đua tranh từng pha bóng và lúc nào cũng tin vào chiến thắng. Đó là điều mà năm nay tôi chưa làm được (trước Nole)”.
Flushing Meadows 2010 từng chứng kiến khoảnh khắc thăng hoa của Rafa sau khi đánh bại chính Djokovic ở CK Mỹ mở rộng. Tay vợt Tây Ban Nha bảo cái đầu anh biết phải làm gì nhưng anh không chắc mình có làm được hay không. “Tôi phải chơi bùng nổ, chủ động, giống như năm trước. Tôi đã xem đi xem lại băng ghi hình trận đấu đó và biết mình cần phải làm gì. Nhưng tôi không chắc mình có làm lại được như thế hay không. Vấn đề luôn là như vậy”.
Vấn đề mà Rafa nói đến ở đây chính là việc anh bị “cóng” mỗi khi đụng Djokovic trong năm nay. “Tôi cảm thấy không hài lòng với tình thần thi đấu của mình trước Nole năm nay. Sự thật là như vậy. Mỗi khi đối đầu với anh ấy, tôi không cảm thấy tự tin 100% vào chiến thăng. Vấn đề đó không nhỏ chút nào. Nó khiến cơ hội chiến thắng của bạn giảm đi nhiều so với khi bạn chơi tự tin. Đó là điều tôi sẽ cố gắng thay đổi ở trận chung kết này. Nếu trận này vẫn không thể vượt qua rào cản tâm lý đó, tôi sẽ cố tìm cách thay đổi nó vào năm tới. Tôi đã sẵn sàng làm việc để cải thiện trạng thái tinh thần này. Hy vọng là tôi sẵn sàng cho trận quyết đấu ở Flushing Meadows”.

Sau trận CK US OPEN 2011:

Đường lên đỉnh của Djokovic

2011 sẽ là một trong những năm đẹp đẽ nhất lịch sử bộ môn tennis nam Serbia khi họ chứng kiến sự thống trị của đứa con cưng Novak Djokovic. Nhưng liệu tất cả có thể nhớ quãng đường, những mồ hôi, nước mắt mà Djokovic đã đổ xuống, để đêm qua mang về quê hương anh danh hiệu Grand Slam thứ 3 trong năm?
Khi đặt chân trên hành trình tìm tới đỉnh núi cao nhất là ngôi vị số 1 thế giới hiện nay, thắng thua không hoàn toàn là  yếu tố quan trọng nhất cho thành công của Djokovic. Đó là cả một quá trình dài, một sự nỗ lực toàn diện của tay vợt với những cú bạt phải thần thánh.
Noval Djokovic đang thống trị quần vợt nam- Ảnh Getty
Cải thiện thể lực: Rõ ràng, Roger Federer và Rafael Nadal đã thua hoàn toàn Djokovic về mặt nay ít nhất là trong năm nay. Mặc dù dính phải một vài chấn thương nhỏ nhưng mỗi khi trở lại, Djokovic vẫn thuyết phục người xem bằng phong độ và sự bền bỉ của mình.
Những cú thuận tay chuẩn xác hơn cũng là điểm tiến bộ của Djokovic. Trong trận chung kết một năm trước đây, Djokovic đã không thể đánh bại Nadal bằng những cú thuận tay có phần hơi " hiền " của mình. Nhưng trận chung kết vừa rồi đã cho thấy một điều khác.
Tâm lý thi đấu ổn định là một trong những yếu tố góp phần rất lớn vào thành công của Djokovic. Trước đây, anh được biết đến như một tay vợt không giỏi trong việc kiềm chế cảm xúc bằng những cú đập vợt, phản ứng khán giả. Thêm vào nữa, đứng trước những thời cơ quyết định, Djokovic sẽ thất bại khi không làm chủ được sân đấu. Năm 2011, người hâm mộ đã thấy 1 Djokovic hoàn toàn tự tin, bản lĩnh với những cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Khả năng phòng thủ đáng kinh ngạc hơn. Trước đây, điều này thuộc về những tay vợt như Murray hay Nadal. Nhưng Djokovic đã tự biến nhược điểm thành ưu điểm khi làm chủ giơ giao bóng và đánh trả quyết liệt những game giao bóng của đối thủ.
Các lỗi kép đã xuất hiện thưa dần rồi mất hẳn. Đó là nhược điểm lớn nhất của Djokovic hơn một năm về trước. Anh liên tục mắc lỗi giao bóng và những cú hỏng ăn trên lưới, cuối sân. Bây giờ, Djokovic vẫn đang trên đường tạo hình ảnh " quý ông quần vợt " khác với phong cách đĩnh đạc và cẩn trọng hơn.


Djokovic: Kẻ thống trị tuyệt đối!

Chiến thắng tại Flushing Meadows đã nói lên tất cả. Sau "triều đại" của Roger Federer, Rafael Nadal, giờ đến lượt Novak Djokovic sẽ là kẻ thống trị thế giới quần vợt nam. Kẻ thống trị tuyệt đối và duy nhất.
Chiến thắng tương đối áp đảo với tỷ số 6-2, 6-4, 7-6, 6-1 trước Rafael Nadal tại trận chung kết US Open vừa diễn ra đã đem lại cho Djokovic danh hiệu Grand Slam danh giá cuối cùng trong năm và còn nhiều hơn thế. Lần lượt hạ gục hai thế lực một thời một cách thuyết phục, Djokovic đã chính thức đăng quang trong lòng người hâm mộ như một tay vợt xuất sắc nhất hiện nay. Nếu như chiến thắng trước Roger Federer thể hiện "độ chín" của bản lĩnh thi đấu cũng như ý chí mạnh mẽ của Djokovic thì việc vượt qua Nadal trong trận chung kết US Open lại cho thấy dấu ấn chuyên môn và thể lực của anh đang đạt đỉnh cao.
Djokovic đăng quang tại US Open 2011- Ảnh Getty
Rafael Nadal chưa bao giờ là một đối thủ dễ chơi. Tuy nhiên, Djokovic lại là ngoại lệ. 5 chiến thắng trước Nadal ở những lần chạm trán trước đây đem đến cho tay vợt Serbia sự tự tin rất lớn. Chưa kể, trước khi đến với trận chung kết, Nadal đã trải qua 3 trận đấu liên tiếp trong 3 ngày do lịch thi đấu có xáo trộn. Dù vậy, những ưu thế đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thành công của Djokovic. Lý do lớn nhất của thành công vẫn chính là bản thân anh - Djokovic.
Thể lực luôn là điểm mạnh của Nadal và tay vợt Tây Ban Nha luôn biết cách tận dụng nó để gây khó khăn cho đối thủ. Đáng tiếc, đối thủ của Nadal trong trận đấu này thậm chí còn sở hữu một nền tảng thể lực vượt trội hơn anh. Djokovic chạy khắp sân, biểu diễn những pha cứu bóng khó tin, đánh trả cực kì chính xác và những quả bạt sang 2 góc sân đã làm Nadal hoàn toàn bất lực. Điểm yếu duy nhất của Djokovic - tâm lý trong những trận đấu quan trọng - đã hoàn toàn biến mất. Khi gót chân Achilles không còn nữa, ai sẽ chiến thắng được chàng dũng sĩ?
"Đẩu chuyển tinh di"
Thật khó tin nếu Rafael Nadal phải chịu thua một ai đó vì ... đuối sức. Nhưng điều đó đã xảy ra ngay trong trận đấu với Djokovic. Đối thủ của Nadal đã dùng chính sức mạnh thể lực để lấn át và giành chiến thắng trong những thời khắc cuối cùng. Set đấu thứ 4 chứng kiến sức mạnh vượt trội của tay vợt Serbia khi anh vẫn thi đấu như thể chưa hề trải qua 3 set đấu trước đó. Nadal trong một lần hiếm hoi đã thể hiện rõ sự mệt mỏi và "đi bộ" khắp sân, trước khi nhận tỉ số đậm đà 1-6. Chiến thắng 3-1 (6-2, 6-4, 7-6, 6-1) là một kết quả hoàn toàn xứng đáng giành cho Djokovic, thậm chí chính đối thủ của anh - Rafael Nadal cũng đã phải thốt lên rằng: "Cách anh ta thi đấu thật không thể tin nổi!"
Chức vô địch tại Flushing Meadowns đã thuộc về Novak Djokovic, nhưng hành trình chinh phục của anh vẫn chưa dừng lại. Chuỗi kỷ lục trận thắng trong một mùa giải của anh đã được nối dài thêm (64-2), tuy nhiên tay vợt Serbia hẳn còn muốn phá vỡ những kỷ lục mà Roger Federer (81-4) và John McEnroe (82-3) để lại. Xa hơn, rất có thể sẽ là tham vọng tiếp bước của Roger Federer và hơn thế nữa. Novak Djokovic chưa bao giờ muốn dừng lại, và chỉ có chúa mới biết được đâu là điểm dừng chân của anh.
Với danh hiệu vô địch tại US Open 2011, Djokovic trở thành tay vợt thứ 6 đoạt được 3 chức vô địch Grand Slam trong lịch sử. Đó cũng là chiếc Cup thứ 10 trong năm của Djokovic, sau Australia Open, Dubai Open, Indian Wells, Belgrade Open, Madrid Master, Rome Master, Wimbledon và Rogers Cup. Một năm về trước, Nole đã gục ngã trước Nadal ở chung kết Mỹ mở rộng, còn mùa giải này, Nole đã hạ gục đối thủ người Tây Ban 6 lần liên tiếp, quá nhiều để tạo nên kỷ nguyên mới mang tên anh.

Các danh hiệu ở US Open 2011
Vô địch đơn nam: Novak Djokovic (Serbia)
Vô địch đơn nữ: Samantha Stosur: (Australia)
Vô địch đôi nam: Melzer (Áo)/Petzschner (Đức) Vô địch đôi nữ: Huber/Raymond (Mỹ)
Vô địch đôi nam nữ: Oudin/Jack Sock (Mỹ )
Con số
1 Lần đầu tiên tay vợt Úc Samantha Stosur đoạt được một Grand Slam trong sự nghiệp. Grand Slam này cũng là danh hiệu lớn đầu tiên mà quần vợt nữ của Australia sở hữu sau 31 năm, kể từ thời Evonne Goolagong năm 1980.
6 Đó là chuỗi trận thắng liên tiếp của Djkovic trước Rafael Nadal. Chiến thắng quan trọng tại trận chung kết US Open đã góp phần đưa Djokovic trở thành người thứ 6 trong lịch sử kỷ nguyên Open đoạt được 3 Grand Slam trong 1 năm
2000 Trái với nhiều dự đoán, Serena Williams chỉ lãnh án phạt "nhẹ hều": 2000 euro sau sự cố tranh cãi và có lời lẽ xúc phạm trọng tài trong trận chung kết Mỹ mở rộng vừa diễn ra. Năm 2009, Serena đã lãnh án phạt kỷ lục 53.000 bảng Anh cho một lỗi tương tự, tuy nhiên sự cố 2009 nghiêm trọng hơn do tay vợt Mỹ đã hăm dọa... giết trọng tài.

Tham vọng mới của "nhà vua" Djokovic

Sau khi đăng quang ở Mỹ mở rộng 2011, tay vợt Serbia chỉ còn thiếu chức VĐ Roland Garros để hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam của mình. Nole đặt mục tiêu vô địch Roland Garros năm tới để có trọn bộ Grand Slam của sự nghiệp.
"Nhà Vua" Djokovic - Ảnh Getty
Vị ngọt của chiến thắng trước Nadal trong trận chung kết Mỹ mở rộng vẫn chưa hề tan biến. Trên các phương tiện truyền thông, Nole được ngợi ca hết lời bằng đủ mọi mỹ từ. Nhưng ý nghĩa và giá trị nhất là những lời khen ngợi từ chính Nadal và huyền thoại John McEnroe.
Nadal đã nhận định Nole bước lên đỉnh cao không phải bằng vũ khí chuyên môn sở trường nào cả mà bằng sức mạnh tâm lý vô song của anh. "Tôi nghĩ cú forehand của Nole không nguy hiểm hơn trước đây. Cú backhand  của anh ấy cũng không lợi hại hơn. Nole giao bóng cũng không có gì thay đổi. Vậy khác biệt nằm ở đâu? Câu trả lời là anh ấy mắc ít sai lầm hơn trước. Theo tôi bây giờ Nole tự tin trong mọi thời điểm của trận đấu. Ý nghĩ đường bóng này chưa phải là chấm hết, vẫn còn một đường bóng nữa , luôn hiện diện trong đầu anh ấy. Tâm lý của Nole tự tin đến cao độ và không ai thay đổi được điều đó".
Huyền thoại John McEnroe không ngần ngại khẳng định Djokovic đã có một năm vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt thế giới. "Nole đã có một năm thành công nhất trong lịch sử quần vợt thế giới. Không có gì phải nghi ngờ điều đó. Anh ấy đã khiến Nadal bất lực hoàn toàn. Chưa bao giờ tôi thấy Nadal trông như thể không biết phải làm gì. Nhưng điều đó đã xảy ra khi anh ta đối đầu với Djokovic. Ngay từ trên mặt sân đất nện ở Roma, Djokovic đã khiến Nadal lúng túng như vậy rồi. Trận CK Wimbledon 2011 là cột mốc đánh dấu việc Djokovic vượt lên trên tất cả phần còn lại. Năm 2010, Nadal giành tới 3 chức VĐ Grand Slam. Vậy mà năm nay Djokovic đánh bại Rafa tới 6 lần. Đó là điều không tưởng".
Năm "vàng" 2011 đưa Nole bước lên hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Không chỉ đứng trên đỉnh cao danh vọng với đủ mọi lời tán tụng, anh còn kiếm được 10,5 triệu USD tiền thưởng và trở thành tay vợt nam giàu nhất  trong năm nay. Đó là số tiền lớn nhất mà một tay vợt nam kiếm được trong một năm thi đấu từ trước đến nay. Trước Nole, hai người tiếp cận gần nhất tới con số ấy là Federer năm 2007 và Nadal năm 2010. Họ bỏ túi gần 10,2 triệu USD.
Nhưng những nhà vô địch vĩ đại không bao giờ ngủ quên trên vinh quang. Dù thắng như chẻ tre từ đầu năm tới nay, Nole đã hướng tới thách thức lớn tiếp theo là chinh phục ngôi quán quân Roland Garros 2012 để giành Grand Slam của sự nghiệp. Cúp vô địch Roland Garros là danh hiệu duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập Grand Slam của Nole. "Tôi không phải là bất khả chiến bại. Theo tôi, những suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn kiểm soát trận đấu của mình khi bạn bước ra sân. Dĩ nhiên là tôi muốn giành nhiều danh hiệu VĐ Grand Slam nữa và thử thách khả năng của chính mình. Thật khó tin nếu tôi có thể VĐ Roland Garros để hoàn tất Grand Slam của sự nghiệp. Tôi muốn vô địch giải này nhưng cần phải có thời gian".
Trong BXH mới nhất mà ATP công bố hôm 12/9/2011, Nole lại bỏ cách Nadal thêm một quãng. Với 800 điểm tích lũy từ giải Mỹ mở rộng năm nay, Djokovic giờ dẫn đầu BXH ATP với 14720 điểm, hơn Nadal thứ 2 (10620) tới 4100 điểm. Một khoảng cách mênh mông. Federer vẫn xếp thứ 3 (8380) nhưng chỉ còn hơn Murray thứ 4 (7165) 1215 điểm.
Ở BXH nữ, Wozniacki vẫn là số 1 thế giới với 9335 điểm, Sharapova leo lên thứ 2 với 6226 điểm, Do không dự Mỹ mở rộng vì chấn thương nên Kim Clijsters từ thứ 3 tụt xuống thứ 9 thế giới. Ngược lại, nhờ ngôi á quân Mỹ mở rộng năm nay nên Serena Williams leo từ thứ 27 lên thứ 14 thế giới của WTA.

Djokovic lập kỷ lục tiền thưởng

Sẽ còn một chặng đường dài để Novak Djokovic chạm tới những đỉnh cao của Roger Federer hay những tay vợt tiền bối khác, nhưng đã có một kỷ lục trong thế giới quần vợt đã bị tay vợt Serbia phá vỡ: Kỷ lục về tiền thưởng.
Tính riêng tiền thưởng tại Mỹ mở rộng 2011, Djokovic đã bỏ túi được tới 2,3 triệu USD, bao gồm 1,8 triệu USD cho chức vô địch và 500.000 USD tiền thưởng cho vị trí thứ 2 tại US Open Series. Phần thưởng khổng lồ này đã giúp Djokovic soán ngôi "vua kiếm tiền thưởng" của Roger Federer và Rafael Nadal với 400.000 USD nhiều hơn. Tổng số tiền thưởng tính tới thời điểm này của Djokovic là 10,6 triệu USD, kỷ lục cũ đã tồn tại 4 năm thuộc về Roger Federer và Rafael Nadal với cùng 10,2 triệu USD.
Djokovic lập kỉ lục về tiền thưởng- Ảnh Getty
Tuy nhiên, con số khủng khiếp đó chưa dừng lại. Vẫn còn nhiều giải đấu khác đang chờ tay vợt Serbia chinh phục và nếu thành công, kỷ lục kiếm tiền thưởng của Djokovic sẽ còn tăng chóng mặt. Tháng 10, China Open sẽ khởi tranh với tổng tiền thưởng lên tới 3,3 triệu USD, tháng 11 sẽ là BNP Paribas Master Paris ( khoảng 2,7 triệu USD) và cuối cùng là Barclays ATP World Tour London (khởi tranh vào tháng 11 với tổng tiền thưởng gần 5 triệu bảng). Với phong độ hết sức ấn tượng trong năm 2011, không quá bất ngờ nếu Djokovic phá sâu kỷ lục mới thiết lập của chính mình và giành thêm nhiều danh hiệu mới.
Dù vậy, Djokovic vẫn khó lòng cạnh tranh với Roger Federer và Rafael Nadal trên bảng tổng sắp thu nhập. Kiếm bộn tiền thưởng, nhưng thu nhập của Djokovic vẫn chỉ là một con số "khiêm tốn" so với 2 đàn anh đi trước. Nguyên do của việc này là các hợp đồng quảng cáo của tay vợt Serbia có giá trị không cao và các đối tác của anh không phải là những thương hiệu mạnh. Nếu như Federer, Nadal kiếm được những món tiền kếch xù từ các thương hiệu khổng lồ như Nike, Rolex, Giorgio Armani hay Mercedes-Benz, Novak Djokovic vẫn phải chấp nhận việc kiếm phần lớn thu nhập của mình từ trên sân đấu. Tuy nhiên với vị trí hiện nay cũng như những thành tích hết sức ấn tượng, việc các thương hiệu lớn "xếp hàng" chờ chữ ký của Djokovic chỉ là chuyện nay mai và không quá bất ngờ nếu như một ngày, anh sẽ vượt mặt 2 đàn anh về mọi mặt.
Chiến thắng tại Flushing Meadowns còn giúp Novak Djokovic tái lập một thành tích ấn tượng khác của các tay vợt huyền thoại: Đoạt 3 Grand Slam chỉ trong một mùa giải. Mới chỉ có 4 tay vợt nam làm được điều tương tự. Tất nhiên, đối với một chàng trai giàu tham vọng như Nole, mục tiêu kế tiếp sẽ là sưu tập trọn bộ Grand Slam, giống như Federer và Nadal đã từng làm được.
P.V
Một năm ba Grand Slam
1974 - Jimmy Connors (Mỹ): Vô địch Australian Open, Wimbledon, US Open
1988 - Mats Wilander (Thụy Điển): Vô địch Australia Open, Roland Garros và US Open 2004, 2006
2007 - Roger Federer (Thụy Sĩ): Vô địch Australia Open, Wimbledon, US Open (đều thua tại Roland Garros)
2010 - Rafael Nadal (Tây Ban Nha): Vô địch Roland Garros, Wimbledon, US Open .
2011 - Novak Djokovic (Serbia): Vô địch Australia Open, Wimbledon, US Open
Những tay vợt nam từng giành cả 4 Grand Slam trong một mùa giải:
Don Budge (Mỹ): Đoạt trọn vẹn 4 Grand Slam năm 1938
Rod Laver: (Australia): Đoạt được cả 4 Grand Slam trong năm 2 lần, vào các năm 1962 và 1969.

Novak Djokovic: Số một không thể tranh cãi

 Từng có năm tay vợt giành được ba Grand Slam trong một năm trong lịch sử quần vợt hiện đại, nhưng không ai gây ấn tượng mạnh mẽ như Novak Djokovic.
Tay vợt người Serbia đã có danh hiệu Mỹ mở rộng đầu tay vào ngày thứ hai với chiến thắng thứ sáu liên tiếp, tất cả đều là trong các trận chung kết, trước đối thủ từng thống trị mới năm ngoái thôi, Rafael Nadal.
Chiến thắng này nâng thành tích của Novak trong năm 2011 lên thành một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, 64 trận thắng, hai trận thua, mà thật ra chỉ có một trận đúng là anh đã thua. Trận còn lại, Djokovic bỏ cuộc vì chấn thương, ở chung kết Cincinnati.
John McEnroe từng thua ba trận trong cả mùa giải vào năm 1984 và đó sẽ là mục tiêu tiếp theo cho tay vợt người Serbia. Từ giờ tới cuối năm còn ba tháng nữa, và còn Davis Cup mà Djokovic luôn cống hiến rất nhiệt tình cho đội tuyển quần vợt quê hương anh.
Novak đã xác nhận trong buổi họp báo sau trận chung kết ở sân Arthur Ashe rằng anh sẽ tham gia đội hình tuyển Serbia đấu trận bán kết với Argentina trong ngày hôm nay, dù kết thúc giải Mỹ mở rộng đã kết thúc muộn hơn dự kiến vì thời tiết. Ngay cả chứng mất ngủ và chấn thương lưng cũng sẽ không thể ngăn cản anh về phục vụ quê hương, ở Davis Cup, giải đấu mà Djokovic luôn muốn được ra sân.
Novak Djokovic nâng cao danh hiệu tại US Open 2011- Ảnh Getty
Đó đương nhiên là tin tốt cho Serbia, được chào đón siêu sao số một của họ trở lại quê nhà, và tin xấu cho Argentina. Dễ hiểu là lúc này nếu Djokovic lành lặn, không có người chơi quần vợt nào trên hành tinh có thể đánh bại anh. Nadal có thể xác nhận điều đó. Tay vợt người Tây Ban Nha đã thử nghiệm một chiến thuật linh hoạt trong trận chung kết hôm thứ Hai với vài cú bóng ngắn trái tay hòng kéo Novak ra khỏi địa bàn sở trường của anh. Chiến thuật đó có tác dụng trong hai bàn đầu tiên.
Nhưng rồi tay vợt số một nhanh chóng thích nghi và kể từ đó kiểm soát hoàn toàn trận đấu, trừ một lần sơ sẩy ở set thứ ba khi anh để thua ngược 6-7 (3-7). Trong set bốn, sau khi đã được nghỉ ngơi và điều trị tạm chấn thương lưng, với những cú giao bóng tốc độ lên tới 145 km/h, Novak đã nhanh chóng kết thúc trận đấu với tỉ số 6-1. Đó là một màn trình diễn khó tin của sức mạnh và sự chính xác. Đơn giản là Djokovic mạnh hơn Nadal toàn diện.
Dẫu vậy, cũng phải nói lời cảm ơn với tay vợt người Tây Ban Nha. Tinh thần không bao giờ khuất phục và kỹ năng của anh đã biến bốn giờ đồng hồ của trận chung kết thành những khoảnh khắc thăng hoa thật sự với người hâm mộ. Với những gì đã thể hiện, Nadal cho thấy anh chắc chắn sẽ còn trở lại mạnh mẽ hơn, nhưng 2011 là năm của Djokovic.
Tay vợt người Serbia có thể không chơi thứ quần vợt hoa mỹ hoàn hảo như Roger Federer, không rám nắng, điển trai và nhiều cơ bắp như Nadal, nhưng anh chắc chắn là một người sinh ra để chiến thắng. Djokovic đang tự tạo ra cho mình một dấu ấn riêng, mạnh mẽ, chưa từng thấy trong làng quần vợt. Lúc này đây, không có ai có những cú trả giao bóng thần sầu như anh, ngay cả Nadal ở thời đỉnh cao cũng chưa đạt tới trình độ đó.
Sự tự tin và lòng can đảm
Đáng khâm phục hơn, Novak làm được tất cả trong bối cảnh anh đã trải qua nhiều năm vật lộn với những chấn thương khắp người và thường xuyên bước vào các giải lớn không phải trong tình trạng thể lực tốt nhất. Trận chung kết với Nadal nói lên nhiều điều về cách mà tay vợt người Serbia vượt qua khó khăn. Năm lần Novak bị đối thủ dẫn khi anh cầm giao bóng trong ba set đầu tiên và bốn trong năm lần đó, Djokovic vượt lên để dẫn lại khi đối thủ giao bóng.
Ý thức rằng anh không chắc đã thắng nổi cuộc đua sức bền với Nadal, Djokovic phải tìm cách kết thúc nhanh trận đấu và anh không bỏ qua cơ hội nào để có điểm, ngay trong những tình huống khó khăn nhất. Ở bàn thứ ba của set thứ hai, khi Nadal ít nhất hai lần tưởng như đã giành điểm, Djokovic vẫn không bỏ cuộc, một pha trả bóng, rồi một pha nữa. Kiệt sức cả về thể lực và tinh thần, Nadal đánh một quả dễ dàng trúng lưới và lại bị dẫn trước.
Đó có lẽ chính là khoảnh khắc quyết định trận đấu, khi Nadal nhận ra cảm giác của Federer khi phải đối mặt với anh trên sân đất nện suốt bao năm qua. Đó đã là trận thua thứ sáu liên tiếp của tay vợt người Tây Ban Nha trước đối thủ người Serbia. Rất nhọc nhằn, Nadal phải tìm ra nhiều chiến lượt khác nhau trên sân, tạo ra những góc tấn công bất ngờ và những cơ hội, nhưng anh như húc phải một bức tường đá. Lúc này đây, Djokovic là kẻ thống trị, anh điều chỉnh nhịp độ trận đấu theo ý mình, giành những điểm quan trọng, giao bóng nhanh hơn, trả giao bóng tốt hơn và ghim chặt Nadal vào trong khoảng ba mét xung quanh đường biên cuối sân.
Thật ra, có lẽ chỉ trừ Federer, Djokovic đang làm điều tương tự với mọi tay vợt đối thủ vào thời điểm này. “Tôi không thay đổi nhiều lối chơi của mình”, Djokovic nói. “Những cú đánh của tôi vẫn thế, tôi chỉ tỏ ra tích cực hơn, đánh bóng mạnh hơn. Tất nhiên, đó không phải là chuyện sau một đêm, mà là một quá trình luyện tập lâu dài”.
Và không chỉ có vấn đề kỹ năng hay thể lực. Khi được hỏi tại sao Djokovic có thể đánh bại anh, Nadal không nói gì về các quả giao bóng mạnh mẽ, về sức mạnh hay những lỗi mắc phải. Thay vào đó, tay vợt người Tây Ban Nha bình luận rằng thay đổi lớn nhất ở tay vợt số một thế giới là sự tự tin. “Anh ấy đủ tự tin trong từng tình huống để chờ đợi pha bóng tiếp theo, rồi tiếp theo nữa”, Nadal nói hôm thứ Hai. “Những cú thuận tay của anh ấy không mạnh hơn trước kia, trái tay cũng thế, và giao bóng cũng vậy”.
Greg Barber, bình luận viên của kênh thể thao ESPN, cũng thừa nhận điều đó: “Sự tự tin của Djokovic là vũ khí mạnh nhất của anh ấy”. Không phải là Nadal không thể chơi vơi phong độ cao nhất hay cạnh tranh sòng phẳng với Djokovic. Anh nhiều lần có break, buộc đối thủ phải chạy khắp sân và thắng tie-break ở set ba, nhưng sự tự tin của Djokovic tạo thành một pháo đài không thể công phá. Lòng tin đó đã được tăng cường mạnh mẽ nhờ vào chiến thắng ở trận bán kết chỉ hai ngày trước cuộc đọ sức với Nadal: đánh bại Federer. Với hai bại tướng như thế dưới tay trong một giải đấu lớn như Mỹ mở rộng, lúc này không ai còn tranh cãi về việc tay vợt nào xuất sắc nhất hành tinh nữa.
Con số
10,6 Novak Djokovic đã giành số tiền thưởng tổng cộng 10,6 triệu USD trong năm 2011, một kỷ lục, riêng ở giải Mỹ mở rộng là 1,8 triệu USD.
20 Thành tích của Djokovic trước 10 tay vợt hàng đầu thế giới trong năm 2011 là 20 trận thắng, hai trận thua, trong đó thành tích của anh trước Nadal là 6-0 và Federer là 4-1.
97 Djokovic giành chiến thắng 97% các trận của anh trong năm 2011, thành tích của anh là 64-2.

Và Lần ngược Hành trình của nhà Vô địch tại US OPEN 2011:
Bán Kết US OPEN:

Federer và Djokovic: Hai mãnh hổ, một giấc mơ

Cuối cùng họ lại gặp nhau. Cuộc chiến thứ 24 giữa hai tay vợt cự phách của làng banh nỉ thế giới và là thứ 5 liên tiếp ở giải Mỹ mở rộng. Cả hai đều hướng tới mục tiêu tối thượng là chiếc cúp vô địch danh giá.

Màn tiếp thị tuyệt vời cho quần vợt đỉnh cao
Federer đụng Djokovic ở BK Mỹ mở rộng - Ảnh Getty
Federer đã ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp, còn Djokovic đang đón ánh bình mình? Không hề gì. Một trận đấu có thể xóa nhòa tất cả mọi băn khoăn của người hâm mộ. Bạn không thể lúc nào cũng chờ đợi một Roger sảng khoái và mạnh mẽ tối đa với những kỹ năng chuẩn mực đến hoàn hảo. Bạn cũng không nên kỳ vọng Djokovic phải dốc hết những gì tinh túy nhất của anh cho một cuộc chơi được ăn cả, ngã về không.
Cuộc sống vốn là một dòng chảy không ngưng nghỉ của những cái tương đối và thể thao cũng vậy. Bây giờ chúng ta chờ đợi một trận đấu đỉnh cao theo nghĩa tương đối của nó. Khi Federer thống trị làng banh nỉ thế giới, Nole thốt lên cay đắng "tôi sinh nhầm thế kỷ". Bây giờ khi Djokovic gần như bách chiến bách thắng ở mọi giải đấu, trước mọi đối thủ,  đến lượt Roger bỗng thấy mình trở nên tuyệt vọng trong thoáng giây. Cuộc sống vốn là một vòng quay của thăng trầm, thành bại. Bánh xe lịch sử lăn theo dòng thời gian và cuốn đi cùng nó mọi nỗi hân hoan, buồn bã.
Dù chiến thắng thuộc về Nole hay Roger, người hâm mộ vẫn không bao giờ thất bại. Đơn giản, chúng ta có cơ hội được chứng kiến hai tay vợt tài ba cống hiến tất cả những gì tốt nhất của họ trong sự hữu hạn của năng lực con người, được chứng kiến nụ cười chiến thắng và nỗi buồn thất bại đã là hạnh phúc rồi. Đỉnh cao của quần vợt không chỉ nằm trong những pha xử lý bóng kỹ thuật, thông minh mà còn hiện diện cả trong cách các tay vợt chung sống với sức ép, đối mặt với thất bại và tận hưởng chiến thắng của họ nữa.
Như thế, cuộc chiến giữa Djokovic và Federer sẽ luôn đáng xem dù khi cây vợt trong tay họ chưa vung lên, không ai biết trái bóng sẽ đi theo quỹ đạo chiến thắng hay bay vào con đường thất bại. Hãy chờ đợi và tận hưởng. Bởi chắc chắn, chúng ta không còn nhiều những cơ hội thế này để xem Federer đánh một trận bán kết Grand Slam sau tất cả những vinh quang anh đã có trong sự nghiệp hoàng kim của mình.
Chiến thuật của Federer
Câu hỏi cũ cho một thách thức mới. Một tay vợt 30 tuổi không thể bung sức đánh như khi mới ngoài đôi mươi. Dù Roger có tuân thủ một chế độ tập luyện, dinh dưỡng, thi đấu khoa học, hợp lý đến đâu thì chiếc "đồng hồ sinh học"  trong anh lúc này cũng không còn "chạy" tốt như trước nữa. Khi mà thể lực đã giảm sút thì người ta buộc phải chơi bóng bằng kinh nghiệm và lấy kinh nghiệm làm "kim chỉ nam" cho những pha xử lý của mình.
Như vậy, kịch bản dễ xảy ra trong trận bán kết này là tay vợt Thụy Sĩ sẽ chú trọng vào các pha giao bóng 1 làm sao để nó đủ mạnh và hiểm nhằm giúp anh giành điểm ngay nếu không ít ra cũng tạo điều kiện cho Roger lên lưới đón quả trả bóng bị động của Djokovic để hạ gục tay vợt Serbia. Vì sức bền thể lực của Federer lúc này khó lòng bì được với Djokovic nên chắc chắn anh sẽ cố gắng dốc sức đánh phủ đầu tay vợt số 1 thế giới nhằm mục tiêu kết thúc trận đấu càng sớm càng tốt. Lí tưởng nhất là sau 3 set. Nếu không thì chốt hạ ở set 4 chứ tránh không đánh tới tận set 5. Một chiêu khác để Federer tiết kiệm sức là thực hiện những pha bỏ nhỏ. Phải làm sao tránh không để xảy ra quá nhiều tình huống bóng bền vì càng có nhiều pha bóng giằng co như thế, Federer càng mất sức.
Ngón nghề của Djokovic
Tay vợt Serbia rõ ràng ngày một hoàn thiện các kỹ năng của anh. Từ thể lực, tốc độ di chuyển, đánh trái tay hay thuận tay, tâm lý thi đấu, Djokovic đều rất tốt. Nhưng để đánh bại Federer, Nole biết rằng anh sẽ phải chơi với một chiến thuật hợp lý cao. Tốc độ di chuyển hạn chế cùng tuổi tác của Federer gợi ý rằng Djokovic sẽ thường xuyên tung ra những cú đánh bóng cực nặng và sâu, sát vạch baseline khiến tay vợt Thụy Sĩ mệt nhoài vì cứu bóng.
Tất nhiên cũng như Federer, Djokovic sẽ hết sức chú trọng vào cú giao bóng 1 của anh. Một miếng đánh khác có thể sẽ được "kẻ hủy diệt" đến từ Serbia áp dụng là ép trái thường xuyên với Roger. Djokovic hẳn sẽ chú trọng tới sức nặng của các cú đánh, bất kể là chéo sân hay dọc dây, thuận tay hay trái tay. Đơn giản là những pha tấn công hoặc phản công kiểu ấy sẽ khiến Federer khó có thể đáp trả.
Động lực cho chiến thắng
Roger đã có tất cả mọi danh hiệu vô địch Grand Slam, đã là kỷ lục gia của các giải lớn với 16 lần vô địch. Nhưng anh vẫn còn lí do để chinh phục ngôi "vua" Mỹ mở rộng 2011. Thứ nhất, đây là cách để anh đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp luôn giành ít nhất một chức vô địch Grand Slam (từ 2003 đến nay) trong năm. Quan trọng hơn, danh hiệu quán quân Mỹ mở rộng này sẽ là cột mốc tuyệt vời để tay vợt Thụy Sĩ đánh dấu tuổi 30 của anh. Nhưng đặc biệt hơn, nếu lên ngôi ở Flushing Meadows, Federer sẽ độc chiếm kỷ lục vô địch đơn nam US Open nhiều nhất trong lịch sử của kỷ nguyên mở rộng (từ năm 1968 đến nay). Hiện anh đang chia sẻ kỷ lục này cùng Jimmy Connors và Peter Sampras (5 lần vô địch). Với một tay vợt gạo cội như Roger, tuyệt nhiên không có áp lực chiến thắng nào.
Nhưng nếu nói Federer có lí do để dốc sức đánh trận này, Djokovic thậm chí còn có động lực chiến thắng lớn lao hơn thế. Anh chưa vô địch Mỹ mở rộng lần nào nên chắc chắn rất thèm muốn vinh quang. Anh bị Federer chặn lại ở BK Roland Garros năm nay nên khát khao phục thù. Thật khó tin là Nole lại chịu sức ép từ ngôi số thế giới anh đang nắm giữ cùng hàng loạt danh hiệu anh giành được trong mùa giải tuyệt vời này.
Tay vợt Serbia đã cho thấy bản lĩnh tuyệt vời của anh trước Nadal ở CK Wimbledon 2011. Khi ấy Nole thậm chí vừa mới giành được ngôi số 1 thế giới và cũng chưa vô địch Wimbledon bao giờ. Nhưng anh đã thắng Rafa rất thuyết phục. Bây giờ, tay vợt Serbia đã ở vào một vị thế mới cao hơn nhiều so với trước. Quyền lực mà Djokovic đang nắm trong tay sẽ chỉ làm anh tự tin hơn chứ khó có thể hình dung nó lại khiến anh gục ngã.
Như đã thấy, tâm lý thi đấu của Djokovic lúc này đã thay đổi hoàn toàn. Sự tự tin, điềm tĩnh, lạnh lùng hoàn toàn ngự trị. Lịch sử thất bại trước Federer ở Mỹ mở rộng nói riêng (thua 3, thắng 1) và ở tất cả các giải nói chung (thắng 9, thua 14) cũng không còn là nỗi ám ảnh. Vậy thì điều gì có thể đánh bại được anh? Hoặc là tay vợt Serbia "tự sát" vào những khoảnh khắc định mệnh. Hoặc Federer trở lại là chính anh của giai đoạn 2004-2007 huy hoàng. Thậm chí phải là cả hai yếu tố đó gộp lại!

Federer gục ngã: Như là định mệnh

Có 2 điểm match-point trước Djokovic, thế nhưng Federer lại đánh mất đầy tiếc nuối để rồi phải ngậm ngùi thất bại.

Ngược dòng thời gian một năm về trước cũng tại trận bán kết Mỹ mở rộng (US Open), Djokovic trong cơn khát danh hiệu đến cùng cực đã bật lên mạnh mẽ, phát huy khả năng tiềm ẩn để cứu những điểm thua quyết định trước Federer. Một năm sau, chàng Nole đến New York với một vị thế hoàn toàn khác. Nhưng ít ai ngờ rằng, anh đã hạ Federer theo kịch bản cũ, tất nhiên bản lĩnh và lối chơi hoàn hảo mới là nhân tố quyết định.
Xen lẫn giữa cảm xúc vui mừng tột bậc cùng điệu nhảy ngẫu hứng của Djokovic, người ta thấy “tàu tốc hành” lầm lũi bước đi và đưa tay vẫy chào tạm biệt khán giả trên sân Arthur Ashe. Federer không thể lần thứ 7 lọt vào trận chung kết tại giải đấu vốn đã chất chứa đầy vinh quang quá khứ giống như câu nói – thời của Federer đã hết?
Federer thêm một lần gục ngã trước Djokovic?

Sau cú trả giao bóng hỏng ở set 5 và chấp nhận dừng bước, Federer đã tiến lên phía trước để bắt tay chúc mừng Djokovic. Nhưng tới buổi họp báo, sự thất vọng in hằn trên nét mặt của Roger kèm theo đó là những lời phát biểu chất chứa đầy nỗi buồn: “Thật khó để đưa ra lời giải thích cho thất bại này…”.
Bởi ở Federer, sự khao khát vẫn còn rất lớn và mỗi trận thua đều khiến anh đau nhói. Tuổi 30 đang ngày một tác động rõ rệt tới thành tích của Federer, nó cũng dần khép lại sự nghiệp quần vợt đỉnh cao với bất kì tay vợt nào. Đó là sự thật mà “tàu tốc hành” phải cứng rắn đối mặt, tuy nhiên nếu có tiếp tục thất bại thêm, Federer vẫn mãi là Federer – một huyền thoại của làng banh nỉ thế giới.
Cứ cho là Federer đang có những bước lùi nhưng nên nhớ, mọi giải đấu anh góp mặt thì chưa hề mất đi cái uy. Riêng ở Mỹ mở rộng năm nay, tay vợt người Thụy Sỹ vẫn duy trì được những cú phát bóng hiểm hóc và hiệu đạt hiệu quả kinh ngạc.
48 cú ace sau 6 trận dù là thành tích kém nhất của anh so với những năm trước nhưng ngay cả Djokovic hay Nadal cũng phải đuổi dài. Thế nên chừng nào Federer chưa giải nghệ, chừng đó các tay vợt trẻ sẽ còn có tấm gương để phấn đấu, học hỏi.
Ai cũng hiểu giờ đây Federer chơi nhiều bằng kinh nghiệm bởi tuổi tác không cho phép. Tuy vậy yếu tố này khó lòng phát huy tốt nhất trước những đối thủ nặng kí mà điển hình ở đây là Djokovic. Tại Pháp mở rộng 2011, Federer từng thắng Nole khi anh ra sân với tâm lý hoàn toàn thoải mái, đã gạt chuyện thắng thua sang một bên. Đến cuộc tái đấu với Djokovic ở Mỹ mở rộng, dường như mọi chuyện có phần đổi khác.
Federer đã ở dốc bên kia của sự nghiệp

Federer hiểu rằng cơ hội giành Grand Slam thứ 17 chỉ là bây giờ và anh đã bước vào trận đấu hừng hực khí thế. Khi Federer thắng nghẹt thở ở loạt tie-break của set 1 (9-7), nhiều người bắt đầu nghĩ tới cuộc đấu nảy lửa.
Khi “chàng móm” thắng tiếp ở set 2 (6-4), các khán giả đã tin rằng thời khắc Federer nở nụ cười sắp đến. Nhưng Djokovic phiên bản 2011 không dễ dàng gục ngã như vậy. Anh càng chơi càng sung sức và đưa trận đấu về vạch xuất phát một cách chóng vánh. Set 5, Federer dồn toàn bộ sức lực.
Mọi chuyện đã trơn tru trở lại khi Federer có 2 điểm match-point (Federer cầm giao bóng). Tiếc rằng chỉ sau khoảnh khắc cú bạt bóng của Federer đập lưới bay ra ngoài, tình thế đã xoay vần. Federer mắc lỗi giao bóng kép qua đó giúp Djokovic rút ngắn tỷ số xuống 4-5 và từ đây Federer mất tinh thần rồi dẫn tới thua 5-7.
Quá khứ của một năm về trước đã lặp lại với Federer. Thật cay đắng nhưng dù sao nó cũng dễ nuốt trôi hơn bởi đối thủ của anh đã lớn mạnh và bản lĩnh quá nhiều. Định mệnh đã “sắp xếp” Federer “bá đạo” US Open 5 năm liên tiếp (từ 2004-2008) nhưng lại mang đến cho anh 2 năm liền thất bại theo cùng một kịch bản. Tất nhiên kế hoạch chiến đấu để giành Grand Slam thứ 17 hay 18… sẽ chưa dừng lại trong Federer…
Trận đấu đầy cảm xúc giữa Federer và Djokovic kết thúc lúc 4h sáng  11/9/2011.

Không có gì là mãi mãi
Không tay vợt nào bất bại mãi mãi. Chỉ có những khoảnh khắc bất tử trong sự nghiệp của họ mà thôi. Khi Roger thắng tie-break 9-7 để dẫn Nole 7-6 ở set 1, người ta bắt đầu mơ về một cuộc thánh chiến. Khi anh thắng Nole 6-4 ở set 2, rất nhiều người hẳn tin rằng tay vợt Thụy Sĩ đã nghe thấy tiếng gọi của lịch sử và sắp tìm thấy chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa thiên đường. Cuối cùng thì chiếc chìa khóa ấy vẫn được tìm thấy. Chỉ có điều người cầm nó lại là Nole. Một cuộc lật đổ nghẹt thở trước khi nhìn thấy ánh mặt trời. Nhưng đó mới là Djokovic.
Mùa thu nay khác rồi. Trời New York xanh màu xanh hy vọng. Đất dưới chân nhưng nắng ở trên đầu. Nole không sinh nhầm thế kỷ mà đang đi trong thế kỷ của chính mình. Một thế kỷ có đớn đau của những thất bại quá khứ, có vinh quang chói lòa của hiện tại và có cả những hy vọng tràn trề cho tương lai. Hôm qua là quá khứ của hôm nay. 17 khoảnh khắc mùa xuân của Federer có lẽ đã mãi mãi dừng lại thật rồi. Chiếc đồng hồ Thụy Sỹ không chạy trên đất Mỹ vì nó gặp phải những tia nắng chói chang của ánh mặt trời Serbia.
Buồn làm chi, tiếc làm chi vì sau cùng thì mọi ân oán, thành bại cũng sẽ ra đi, chỉ có tình yêu quần vợt và những khoảnh khắc bất tử còn ở lại. 16 cúp vô địch Grand Slam và vô số kỷ lục, danh hiệu khác có lẽ là đủ với Roger rồi. Một huyền thoại không mất đi chỉ vì một thất bại. Mà dù Federer có thua, thua nữa, thế giới banh nỉ cũng không bao giờ có thể lãng quên anh. Làm sao quên được những tuyệt kỹ của một thời vang bóng. Làm sao không nhớ phong cách lịch lãm và nụ cười hiền từ trong dáng dấp của một thiên tài. Gương mặt ấy, cái tên ấy sẽ mãi còn ám ảnh những người hâm mộ tennis khắp thế giới. Roger Federer ước mong thêm một lần vô địch Grand Slam trong sự nghiệp. Chẳng phải anh đã có Grand Slam lớn nhất của đời mình đó sao. Grand Slam thứ 17 ấy mang tên Mirka Vavrinec, Myla Rose và Charlene Riva. Vợ đẹp, con ngoan, tiền tài gõ cửa. Đó là đỉnh cao của mọi đỉnh cao. Đó là số 1 của mọi số 1 rồi, Roger. Anh không thể mong đợi gì hơn thế.
Ngả mũ trước Nole. Bao thất bại quá khứ không làm anh gục ngã. Bao nỗi buồn chảy ngược vào tim không dập tắt được khát vọng chiến thắng trong anh. Rắn chắc như một khối bê tông. Dũng mãnh và can trường như một võ sỹ giác đấu. Và đẹp như đá hoa cương. “Kẻ hủy diệt” đến từ Serbia đã làm nên cuộc lật đổ thần kỳ trong mùa giải vĩ đại của riêng anh. Anh chơi như chưa bao giờ từng chơi như thế. Anh đánh như hôm nay là trận đấu cuối trong đời. Và nở nụ cười của mùa thu tỏa nắng. Chiến thắng thuộc về người dám tin và tranh đấu đến cùng cho nó. Còn một giây, một phút tàn hơi. Là còn chiến đấu mãi không thôi. Nole tạo nên những khoảnh khắc bất tử dưới bầu trời New York không chỉ bằng những cú quả mà trên hết còn bằng sự lạnh lùng của một nhà vô địch. Vẻ đẹp của tennis đỉnh cao là thiên hình vạn trạng. Hãy cảm ơn Roger vì anh đã cháy lên bằng tất cả những nguồn năng lượng còn lại của một “người đặc biệt”.
Hãy nghiêng mình trước Novak bởi muôn trùng gian khó không dập tắt được nụ cười trên môi anh. "Thập diện mai phục" của Roger không khiến anh sập bẫy. Một tay vợt như thế rõ ràng đã vươn tới tầm của một nhà vô đích thực rồi dù anh mới chỉ có 3 cúp vô địch Grand Slam trong sự nghiệp. Hiện tại này thuộc về anh. Tương lai này đang chờ anh đặt chỗ. Tay thợ săn thiện nghệ không bao giờ ra về trong thất vọng. Những quái kiệt luôn có chỗ dưới ánh mặt trời. Hôm nay ở New York, có lẽ một mặt trời đã lặn. Nhưng một mặt trời mới đang hé rạng ở phương Đông. Tên anh là Novak Djokovic. Kẻ chinh phạt vĩ đại đang khuynh đảo thế giới banh nỉ bằng sức mạnh của tuổi trẻ, khát vọng chiến thắng luôn chảy tràn trong huyết quản và những ngón nghề khiến mọi đối thủ phải quy hàng. Gần 23 nghìn khán giả ngồi chật kín sân Arthu Ashe ở New York đã bị thôi miên thực sự trong suốt 231 phút của tennis đỉnh cao. Có nụ cười rạng rỡ của Nole. Có nỗi buồn sâu thẳm của Roger. Nhưng trên hết là chiến thắng của người hâm mộ.
Họ đã chơi như thế nào?
Trong 2 set đầu mà Federer chiến thắng, tay vợt Thụy Sĩ không chỉ giao bóng tốt (uy lực và hiểm hóc) mà anh chơi backhand cũng rất thành công. Không thể nói đó là những cú trái tay danh bất hư truyền từng làm nên thương hiệu Federer một thời. Nhưng rõ ràng độ ổn định và chính xác của những cú backhand mà Roger thể hiện trong 2 set đầu là khá cao. Nó đã giúp anh chống lại những cú dồn trái của Djokovic tương đối hiệu quả. Mặt khác, khả năng giao bóng 1 tốt giúp Federer giành nhiều điểm quan trọng, kể cả trong loạt tie-break cân não. 2 set đầu tiên này, thể lực của Roger còn tốt nên anh phản xạ khá nhạy cảm với những pha tấn công của Nole và cú quả của tay vợt Thụy Sĩ duy trì được sự chính xác tương đối cao, nhất là cú backhand vốn là điểm yếu của anh thời gian qua.
Djokovic thua 2 set này nhưng khó nói là anh chơi tồi. Trái lại, hãy dành những tụng ca đẹp nhất cho Federer. Nhưng cũng phải thấy rằng, dù chiến thắng, Federer cũng bị bào mòn thể lực (nhất là set 1). Hệ quả là set 3 và 4 chúng ta thấy tay vợt Thụy Sĩ chơi đuối hẳn trong lúc Djokovic vẫn tỏ ra sung mãn và tràn đầy năng lượng. Ở hai set tiếp theo, Federer mắc lỗi nhiều, đặc biệt là set 4. Anh đánh backhand kém hẳn, giao bóng 1 cũng không còn tốt như set 1 và 2. Vì xuống sức nên những cú quả của Roger mất hẳn độ chính xác và phản xạ của anh trước những đường bóng tấn công của Nole cũng trở nên chậm chạp và kém nhạy cảm hơn nhiều. Việc Federer để Nole bẻ gãy game 2 của set 3 cộng với các game 1 và 5 của set 4 chính là vì anh đã thấm mệt. Dễ thấy ở trận này, Djokovic đập bóng nảy rất lâu trước khi giao bóng. Điều đó cho thấy tay vợt Serbia chú trọng thế nào đến cú service của anh. Phải nói, Nole giao bóng không phải là quá hay nhưng tương đối ổn định.
Đúng như đã phân tích, Nole thường xuyên ép trái Federer và đánh bóng dài, nặng, sát vạch baseline. 2 set đầu tiên anh chưa thành công với chiến thuật ép trái vì khi ấy Roger còn khỏe. Nhưng đến set 3 và 4, Nole đã phát huy hiệu quả ngón tấn công này vì tay vợt Thụy Sĩ đã “cạn pin”. Federer trận này lên lưới không nhiều lắm và anh cũng không đứng xa vạch baseline. Thực ra nếu đứng sau vạch baseline như kiểu Nadal thì không phù hợp. Bởi Nadal rất nhanh và khỏe. Federer sẽ không thể di chuyển kịp để cứu bóng nếu Djokovic lại dùng bóng ngắn để tấn công. Đó là lí do anh đứng sát vạch baseline. Tuy nhiên điều đó cũng vẫn khiến Roger gặp khó khăn vì Nole lại thường đánh bóng cận chân hoặc sát dây nên rất khó để tay vợt Thụy Sĩ phản công trở lại có hiệu quả. Set 5, chúng ta có cảm giác Roger như hồi sinh. Khó có thể nói là anh buông 2 set 3 và 4 để dồn sức đánh set 5 vì như thế là rất mạo hiểm. Có lẽ ở lằn ranh mong manh của thành bại, cựu số 1 thế giới đã chơi bằng sự kết hợp giữa sức mạnh tinh thần, kinh nghiệm dày dạn và khát vọng chiến thắng cùng những nguồn năng lượng cuối cùng sót lại trong anh.
Khi Nole để Roger bẻ gãy game đấu thứ 8 và dẫn trước  5-3 rồi 40-15, rất nhiều người cứ ngỡ cửa thiên đường đã mở. Nhưng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Nole lại thoát hiểm thần kỳ để rồi tạo nên cuộc lật đổ kỳ diệu bằng 4 game thắng liên tiếp cuối cùng. Bõ lỡ cả hai match-point, Roger cầm vàng lại để vàng rơi. Vận may ngoảnh mặt với anh chăng? Có thể nhưng chỉ một phần rất nhỏ. Hãy tụng ca thần kinh thép và bản lĩnh lạnh lùng của Djokovic thì hơn. Ngay cả khi để thua tie-break 7-9 ở set 1, tay vợt số 1 thế giới đã cho thấy tâm lý thi đấu của anh vững vàng đến thế nào. Anh thất bại hoàn toàn không phải do tâm lý mà chỉ đơn giản là một chút kém chính xác hơn so với Federer trong đường tơ kẽ tóc mà thôi. Nhưng ở 4 game cuối cùng set 5, Nole đã sửa sai hoàn hảo. Tay vợt Serbia chơi forehand bị lỗi đáng tiếc khá nhiều ở trận này nhưng một chút may mắn và thật nhiều ý chí, tài năng đã giúp anh bù đắp cho tất cả. Khi một tay vợt đã buộc được federer phải uống cạn chén đắng dù thắng trước 2 set, anh ta xứng đáng được ngợi ca. Ở Flushing Meadows rạng sáng nay chưa phải là một Djokovic hoàn hảo trong mọi cú quả. Nhưng cú ngược dòng tuyệt vời bằng bản lĩnh lạnh lùng giữa muôn trùng gian khó đã xứng đáng được xem là hình ảnh của một nhà vô địch đích thực rồi. Tiếp nữa nhé, Nole!
 
Nadal vượt qua Murray 6-4, 6-2, 3-6, 6-2.
Trong trận đấu vừa kết thúc cách đây chưa lâu, Nadal (2) một lần nữa dập tắt mọi hy vọng phục thù của Murray (4) để vào CK Mỹ mở rộng lần thứ 2 liên tiếp. Đúng như đã đề cập ở bài viết trước đó khi họ cùng vượt qua đối thủ của mình ở tứ kết, những cuộc chiến Nadal-Murray thường không quá căng thẳng. Sau 12/17 lần thất bại trước Rafa, Murray phiên bản 2011 ở Flushing Meadows vẫn không thể vượt lên số phận. Tiếp tục là trận thua thứ 13 của Andy trước Rafa. Lần này nỗ lực của anh cũng chỉ đưa trận đấu sang set 4 và dừng ở đó. Murray thắng điểm nhiều hơn Nadal (44-31) nhưng bấy nhiêu không đủ bù lại số lỗi đánh hỏng quá nhiều của anh so với đối thủ (55-23). Một thất bại không thể bào chữa. Không có gì để tiếc nuối vì thực sự thì Murray vẫn chưa thể và chưa biết bao giới mới có thể bước qua “giới hạn” của chính anh. Thế nên, hãy chúc mừng Rafa

Kết quả vòng Bán kết
Novak Djokovic (1) - Roger Federer (3) 6-7(7), 4-6, 6-3, 6-2, 7-5
 Nadal (2) - Murray (4) 6-4, 6-2, 3-6, 6-2


Tứ kết US OPEN:

Djokovic gọi Federer, Nadal, Murray vào tứ kết

Sau 2 ngày gián đoạn vì trời mưa, giải Mỹ mở rộng 2011 tục trở lại với những kết quả không nằm ngoài dự kiến.

Djokovic đã có mặt ở BK Mỹ mở rộng - Ảnh Getty
Tay vợt số 1 thế giới người Serbia Djokovic chơi trận tứ kết đầu tiên với người đồng hương Tipsarevic (20) và giành chiến thắng 7-6 (2), 6-7(3), 6-0, 3-0. Ở set thứ 4, Tipsarevic bỏ cuộc giữa chừng vì chấn thương bắp đùi trái. Vẫn như các trận đánh với Davydenko ở vòng 3 hay Dolgopolov ở vòng 4, Djokovic thắng điểm còn ít hơn đối thủ (36-40) nhưng anh mắc lỗi kép cũng ít hơn Tipsarevic (2-5) và đánh hỏng chỉ bằng 2/3 số lỗi của tay vợt đồng hương (41-64). Và chiến thắng đến như một điều tất yếu.
“Virus chấn thương” trở thành nỗi ám ảnh ở Mỹ mở rộng năm nay nhưng rất may cho tới thời điểm này Nole vẫn miễn dịch với nó. Tipsarevic trở thành tay vợt nam mới nhất bỏ cuộc giữa chừng vì chấn thương. Đối thủ của Nole ở bán kết sẽ là người thắng trong cặp đấu Federer – Tsonga

1h53’, 3 set thắng gọn gàng 6-4, 6-3, 6-3. Federer (3) vào bán kết Mỹ mở rộng lần thứ 8 liên tiếp trong sự nghiệp sau khi đánh bại Tsonga (11) và sẽ có trận đấu sinh tử với Djokovic.
Nole quyết đấu cùng Roger ở BK Mỹ mở rộng - Ảnh Getty
Đợi chờ trong cơn mưa, cuối cùng anh đã thắng. Không có “quả bom” nào phát nổ ở Flushing Meadows. Cơn mưa bất chợt đổ xuống trên bầu trời New York đã tiếp thêm nguồn sinh lực cho con người Roger hay những cú đánh của Tsonga đã trở nên “ẩm ướt”? Có lẽ là cả hai. Cố gắng giao bóng 1 thật nặng và hiểm hóc, rồi tràn lưới để cắt bóng từ pha trả của đối thủ, Roger vẫn chơi bằng kinh nghiệm và thực tế anh không thể có cách nào tiếp cận trận đấu hợp lý hơn thế. Vừa đỡ tốn sức, vừa dễ ghi điểm. Ý đồ “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” Tsonga đã được quán triệt ngay từ khi “Tàu tốc hành” cầm vợt ra sân.
Chiến thuật đó không hề mới mẻ vì Federer đã áp dụng bài này trong nhiều trận đấu kể từ khi thể lực của anh không còn tốt như trước. Nhưng Tsonga ở Flushing Meadows không phải là chính anh trên mặt cỏ Wimbledon cách nay 2 tháng. Những cú service của tay vợt Pháp vừa kém uy lực so với trước vừa thiếu đi độ chính xác cao. Lối đánh của Tsonga thiên về thể lực nhưng trận này ngay cả thế mạnh đó anh cũng không phát huy tốt. Cả trận đấu tay vợt Pháp chỉ có 5 cú ace. Không hơn gì Federer. Anh thắng điểm lại ít hơn hẳn (17-29). Những cú đánh dù là bạt chéo sân hay dọc dây của Tsonga rất dễ đoán mà anh lại thực hiện nó với độ chính xác không cao. Lúc lên lưới á quân giải Australia mở rộng 2008 lại đánh hỏng đáng tiếc. Thế nên, trận “động đất” lần thứ 3 đã không bao giờ đến.
Federer thắng xứng đáng, dù không hẳn anh đã có một trận đấu không “tì vết”. Bây giờ sẽ là Djokovic. Cuộc chiến của 19 chiếc cúp VĐ Grand Slam. Của những số 1 thế giới cũ và mới. Trận đấu sinh tử với những món nợ chất chồng. Nole đã chờ sẵn ở bán kết cho một cuộc báo thù. Vị đắng của Roland Garros vẫn còn đọng lại ở đầu môi, chóp lưỡi. Roger cũng không thể nuối trôi những thất bại dày lên theo tháng năm. Những cơn mưa bất chợt đổ xuống Flushing Meadows chỉ làm dịu đi đôi chút hơi nóng của một trận đấu sống còn. “Quả bom” hẹn giờ ở Mỹ mở rộng 2011 sắp “nổ tung” trong sự ngóng trông đến mòn mỏi của những người hâm mộ banh nỉ khắp thế giới.


Không thể khác được vì đó là trận đấu đã được “lập trình”. Nadal (2) hạ Roddick (21) 6-2, 6-1, 6-3. Murray (4) thắng John Isner (28) 7-5, 6-4, 3-6, 7-6. Họ sẽ đụng nhau ở BK Mỹ mở rộng.
Nadal và Murray tái đấu ở BK Mỹ mở rộng - Ảnh Getty
Thế là không còn bất cứ hy vọng chiến thắng nào cho quần vợt nam của Mỹ ở Flushing Meadows năm nay. Bốn gương mặt vào bán kết là sự lặp lại của Roland Garros 2011. Djokovic đấu Federer, còn Nadal và Murray phải loại nhau. Sau 3 năm Murray mới lại vào BK Mỹ mở rộng (á quân 2008). Dù kết quả cuộc đối đầu với Nadal thế nào thì 2011 chắc chắn vẫn là năm thành công nhất của anh tại các giải Grand Slam. Giải nào tay vợt Scotland cũng ít nhất vào tới bán kết.
Trước chuyên gia giành ace John Isner, Murray có 14 pha ăn điểm trực tiếp (Isner 17), thắng điểm cũng ít hơn (47-55) nhưng một lần nữa anh chiến thắng đối thủ nhờ hạn chế tốt hơn những sai lầm. Tay vợt số 4 thế giới của ATP chỉ mắc 20 lỗi đánh hỏng (Isner 54), 2 lỗi kép (Isner 5). Thế là đủ để có vé trong tay dù anh phải đánh tới set 4. Nadal thắng dễ hơn nhiều. Chỉ cần 3 set là vượt qua Roddick với số pha thắng điểm áp đảo cựu VĐ Mỹ mở rộng 2003 (35-15), đánh hỏng ít hơn hẳn (13-25).
Người hâm mộ sẽ chờ đợi gì ở lần gặp nhau thứ 18 này của Nadal và Murray? Năm thứ tư liên tiếp tay vợt Tây Ban Nha vào bán kết Mỹ mở rộng để hướng tới chức VĐ Grand Slam thứ 11 trong sự nghiệp. Nadal chỉ còn cách danh hiệu cao quý đó 2 trận đấu nữa. Lần thứ 3 trong năm nay, anh gặp Murray ở bán kết một giải Grand Slam. Ở Roland Garros anh đã thắng. Wimbledon anh cũng thắng. Ở giải Mỹ mở rộng này họ mới đụng nhau một lần. Lần duy nhất ấy là ở BK 2008 và Murray đánh bại Rafa. Nhưng dẫu sao 5 lần hạ gục Nadal là quá ít để Murray vượt qua “mặc cảm”. 12 thất bại trước đối thủ khó chịu này vẫn ám ảnh tay vợt Scotland. Ngoại trừ trận đầu tiên họ gặp nhau ở vòng 4 Australia mở rộng 2007 phải đánh tới 5 set, tất cả các trận Nadal-Murray sau này hầu hết đều chỉ đánh tới set 3. Chỉ có ở BK Mỹ mở rộng 2008 và BK Wimbledon 2011 là họ phải chơi đến set 4. Và dĩ nhiên trong phần lớn các trận đấu đó, Nadal chiến thắng. Điều đó cho thấy cặp đấu này thường không quá căng thẳng.
Giống như Djokovic, Murray từng nói “tôi sinh nhầm thế kỷ”. Nhưng trong lúc Nole đã tự phủ nhận điều đó bằng chuỗi thành tích tuyệt vời của mình thì hạt giống số 4 vẫn đang trên đường đi tìm sự khẳng định bằng danh hiệu quán quân Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Chức VĐ Grand Slam luôn là thước đo chuẩn mực và giá trị nhất để xác lập đẳng cấp của một tay vợt. Murray hẳn biết rõ điều ấy nên anh khao khát nó. Sau quá nhiều những thất bại ở các giải lớn và những tuyên bố ồn ào, hãy chờ xem Andy phiên bản 2011 ở Flushing Meadows có gì mới so với chính anh trước đó hay không.
Kết quả vòng Tứ kết
Novak Djokovic (1) - Janko Tipsarevic (20) 7-6 (7-2), 6-7 (3-7), 6-0, 3-0 (bỏ cuộc)
Roger Federer (3) vs. Jo-Wilfried Tsonga (11) 6-4, 6-3, 6-3
 Nadal (2) - Roddick (21) 6-2, 6-1, 6-3
Murray (4) - John Isner (28) 7-5, 6-4, 3-6, 7-6

Vòng 4 US OPEN:

Djokovic phô diễn sức mạnh

Tay vợt số 1 thế giới Djokovic thể hiện sức mạnh vượt trội trước Dolgopolov và không mấy khó khăn để giành vé tứ kết. Hạt giống số 1 hạ đối thủ sau 3 set với các tỷ số 7-6 (14), 6-4, 6-2.


Séc đấu đầu tiên, Novak Djokovic đã cứu được 4 điểm set-point trong cuộc chạy đua marathon ở loạt tie-break. Rốt cuộc, tay vợt người Serbia cũng giành chiến thắng 16-14 trong loạt đánh căng thẳng này, tạo tiền đề gây sức ép lên đối thủ khoảng thời gian còn lại.

Ngay sau khi vượt qua Dolgopolov ở séc thứ nhất, Djokovic đã nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt từ trên khán đài, nhờ tinh thần thi đấu kiên cường và bền bỉ.


Djokovic vẫn chưa có đối thủ ở US Open 2011

"Thắng trong loạt tie-break có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó chính là bước ngoặt của trận đấu. Sau đấy tôi đã chơi tự tin và thuyết phục" - Djokovic phát biểu sau trận.

Có thời điểm hạt giống số 1 của giải gặp không ít khó khăn trước VĐV trẻ đang lên người Ukraine, nhưng Nole đã chứng tỏ đẳng cấp của tay vợt hàng đầu ở thời khắc quyết định. Thế nên, cho đến thời điểm này của US Open 2011, Djokovic vẫn chưa để thua séc nào.

"Dolgopolov liên tục thay đổi tốc độ. Anh ấy đánh trả những đường bóng khá hay, thường đi dọc dây hoặc điểm vào đúng vạch biên cuối sân. Điều đó đã gây nhiều khó khăn cho tôi vì liên tục phải thay đổi chiến thuật nhằm thích nghi với hoàn cảnh" - Nole nói thêm.

Đây mới chỉ là lần đầu tiên Dolgopolov đụng Djokovic trong một giải đấu chính thức. Dù thất bại, nhưng anh cũng tỏ ra khá thoải mái: "Tôi luôn cảm thấy hào hứng trên sân đấu. Dù thua cuộc, nhưng tôi đã đạt được một vài kết quả tốt tại US Open".

Federer cũng dễ dàng tiến bước

Với chiến thắng thuyết phục này, Djokovic đã nâng thành tích thắng-thua trong năm nay lên con số 61-2. Đối thủ tiếp theo của Nole chính là người đồng hương Janko Tipsarevic, vừa đánh bại Juan Carlos Ferrero sau 4 tiếng thi đấu.
Thực ra, Djokovic có đôi chút khó khăn ở set đầu trận đấu với Dolgopolov của Ukraina. Anh phải đánh tie-break và loạt giao bóng luân phiên này kéo dài tới 30 điểm. Cuối cùng, Nole thắng tie-break 16-14 và hạ Dolgopolov (22) sau 3 set với các tỷ số 7-6 (14), 6-4, 6-2.
Nhà vô địch đích thực không hẳn là lúc nào cũng phải thắng điểm nhiều hơn đối phương. Anh có thể chiến thắng theo cách nào cũng được. Điều quan trọng là anh biết cách chiến thắng. Nole chính xác là một người như thế. Trước Davydenko ở vòng 3 hay Dolgopolov ở vòng 4 này anh đều không thắng điểm nhiều hơn đối thủ. Nhưng tay vợt số 1 thế giới lại mắc lỗi ít hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc tấm vé đi tiếp nằm gọn trong túi anh. Nole chỉ mắc 25 lỗi đánh hỏng (Dolgopolov 44), 3 lỗi kép (Dolgopolov 5) nên dù thắng điểm chỉ bằng một nửa tay vợt Ukraina (13-25), anh vẫn thắng.
Ở một trận đấu khác tại vòng 4 đơn nam, hạt giống số 8 người Mỹ Mardy Fish đã phải chịu gác vợt trước Jo-Wilfried Tsonga sau 5 séc với tỉ số 6-4, 6-7 (5), 3-6, 6-4, 6-2. Như vậy, tay vợt có thư hạng cao nhất của nước chủ nhà đã phải dừng bước.
Ở các trận đấu khác, cả Nadal lẫn Murray đều tiến thêm một bước tới cuộc đại chiến được mơng chờ chờ giữa họ ở bán kết Mỹ mở rộng năm nay. 
Nadal hạ tay vợt Luxembourg xếp hạng 68 thế giới Muller 7-6(1), 6-1, 6-2. Dù thắng điểm ngang ngửa với Nadal (34-33) và tung ra 11 cú ace (Nadal 5) nhưng Muller phải trả giá đắt vì đánh hỏng nhiều gấp 4 lần ĐKVĐ Mỹ mở rộng (43-11). Đối thủ của tay vợt số 2 thế giới ở tứ kết sẽ là cựu vô địch Mỹ mở rộng 2003 Andy Roddick (21). Ở vòng 4 này, Roddick vượt qua đồng hương của Nadal, David Ferrer (5) 6-3, 6-4, 3-6, 6-3. Grand Slam đúng là một câu chuyện khác bởi trong 5 lần đụng nhau gần nhất, Ferrer hạ Roddick tới 4 lần. Có điều cả 4 lần đó đều không phải ở các giải Grand Slam.
Isner (28) tay vợt chủ nhà hạ hạt giống số 12 Gilles Simon 7-6 (2), 3-6, 7-6(2), 7-6 (4). Không hổ danh là chuyên gia giao bóng cực mạnh, trận này John Isner tung ra tới 26 cú ace (Simon 6). Anh có 26 pha thắng điểm (Simon 6). Isner chính là tay vợt nam giành ace nhiều nhất cho tới lúc này (77 cú ace).
Trong khi đó một tay vợt Mỹ khác là Donald Young không có cách nào khác là “đầu hàng” Andy Murray (4) 2-6, 3-6, 3-6. Tay vợt Scotland đã có một trận đấu khá nhàn nhã do Donald Young đánh hỏng gấp 3 lần anh (53-17).
Như vậy, quần vợt nam Mỹ gặp thách thức khổng lồ ở vòng tứ kết. John Isner (28) vấp phải “hòn đá tảng” Murray trong khi Andy Roddick (21) quyết tử cùng Nadal (2).
Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu của Flushing Meadows cuối cùng lại đưa họ đối mặt với nhau. Thắng Juan Monaco đúng kiểu “tốc hành” 6-1, 6-2, 6-0, Federer (3) vào tứ kết Mỹ mở rộng 2011 và sẽ đụng Tsonga (11) ở tứ kết.
Federer đụng Tsonga ở TK Mỹ mở rộng - Ảnh Getty
Chuyện tay vợt hạng 3 thế giới vượt qua đối thủ hạng 36 thế giới không có gì đáng nói. 2 lần trước gặp Juan Monaco, Federer thắng rất dễ dàng. Quần vợt Argentina liên tiếp rơi rụng trên đất Mỹ. Hết Del Potro, Nalbandian lại đến Juan Monaco.
Trận này Federer chỉ mất 82 phút để tiễn Juan Monaco về nước. Anh đánh thắng điểm áp đảo tay vợt người Argentina (42-4) và giành ace nhiều gấp 7 lần (14-2).
Tại tứ kết, vòng quay của định mệnh một lần nữa buộc Federer gặp lại Tsonga (11). 7 lần giao đấu trước, tay vợt Thụy Sĩ thắng 4, thua 3 trận. Nhưng ở 2 lần gặp nhau gần nhất tại tứ kết Wimbledon và vòng 4 Montreal Masters 1000 diễn ra mới đây, “tàu tốc hành” bị Tsonga biến thành “tàu chậm” và Federer “đầu hàng” tay vợt Pháp có thể lực sung mãn.


Kết quả vòng 4:
Nam:
Novak Djokovic (1) - Alexandr Dolgopolov (22) 7-6 (16-14), 6-4, 6-2
Roger Federer (3) - Juan Monaco 6-1, 6-2, 6-0
Jo-Wilfried Tsonga (11) - Mardy Fish  (8) 6-4, 6-7 (5-7), 3-6, 6-4, 6-2
Janko Tipsarevic (20) - Juan Carlos Ferrero 7-5, 6-7 (3-7), 7-5, 6-2
Rafael Nadal (2)- Gilles Muller 7-6(1), 6-1, 6-2

Andy Murray (4) - Donald Young 6-2, 6-3, 6-3
Andy Roddick (21) - David Ferrer (5) 6-3, 6-4, 3-6, 6-3
John Isner (28) - Gilles Simon (12) 7-6 (7-2), 3-6, 7-6 (7-2), 7-6 (7-4)


Vòng 3 US OPEN:

Novak Djokovic tiếp tục mạch phong độ cao đáng khâm phục bằng chiến thắng 6-3 6-4 6-2 trước Davydenko tại vòng 3.
Djokovic - Ảnh Getty
Tay vợt số 1 thế giới tiết lộ rằng nguồn cảm hứng để anh liên tục thăng hoa tại US Open năm nay chính là tiếng nhạc được phát ở thời gian nghỉ giữa các hiệp đấu. “Không khí trên khán đài ở New York, đặc biệt là ở những trận đấu ban đêm, thật tuyệt vời. Bạn biết đấy, nó mang lại cho tôi sự hứng khởi. Cả tiếng nhạc lúc nghỉ giải lao nữa. Tôi nghĩ mỗi giải Grand Slam đều có điểm hấp dẫn riêng của nó. Wimbledon là sự tĩnh lặng còn ở đây chính là không khí sôi động, náo nhiệt”.
So với hai trận đầu – chỉ thua 3 game trong tổng cộng 5 set, Novak Djokovic gặp nhiều khó khăn hơn. Nhưng tay vợt nam số một thế giới vẫn giữ vững thành tích toàn thắng set khi kết thúc cuộc so tài với Nikolay Davydenko bằng chiến thắng 6-4, 6-4, 6-2.
Davydenko không hổ danh là tay vợt từng 4 lần vào bán kết Grand Slam, trong đó có hai lần tại Mỹ mở rộng. Tay vợt số 39 thế giới thắng 10 game trong ba set, buộc Djokovic phải thi đấu tới 2 tiếng, 7 phút.
So với hai trận đầu, Djokovic sử dụng lối đánh an toàn hơn, vừa đủ để thắng cựu tay vợt số ba thế giới trong các pha ghi điểm quyết định. Đôi khi Djokovic cho phép Davydenko tự do tấn công rồi khai thác điểm yếu trong các tình huống di chuyển của đối phương. Cứ như thế, tay vợt số một thế giới lần lượt thắng ba set một cách suôn sẻ.
Trận đấu với Davydenko đã đánh dấu chiến thắng thứ 60 của Djokovic từ đầu năm. Xen giữa chuỗi thành tích thuyết phục là hai thất bại hiếm hoi. Djokovic thua Roger Federer tại bán kết Pháp mở rộng và bỏ cuộc do chấn thương vai khi gặp Andy Murray trong trận chung kết Cincinnati Masters.
Nhà đương kim vô địch Rafael Nadal đã lọt vòng tiếp theo, sau thắng lợi khá vất vả trước Nalbandian ở vòng ba giải Mỹ mở rộng 2011
Hạt giống số hai – Rafael Nadal dù khá nhọc nhằn nhưng cuối cùng cũng có được chiến thắng 7-6, 6-1, 7-5 trước David Nalbandian - nhà vô địch Wimbledon 2002. Cần nói thêm, đây không phải là trận đấu quá xuất sắc của Rafa, mà là trận Nalbandian tự thua. Thống kê cho thấy, dù vượt trội Nadal về những cú aces (6) và điểm winners (36 so với 22 của Nadal), nhưng với 60 lỗi tự đánh bóng hỏng, tay vợt người Argentina này đã phải nhận trận thua cay đắng.

Sau trận thắng nhọc nhằn này, Nadal đã phải nhờ đến sự chăm sóc của các bác sỹ sau khi bị chuột rút tại buổi họp báo sau trận đấu. ““Thật không may. Trời rất nóng, tôi lại bị mất nhiều sức cho trận đấu. Nhưng tôi cho rằng mọi thứ sẽ ổn vào thứ Ba tới. Tôi sẽ cố gắng hồi phục, uống thật nhiều nước để trở lại với trạng thái bình thường”  
Với lối đánh khoan thai, điềm tĩnh đến lạnh lùng, Roger Federer đã khuất phục kẻ lì lợm – Marin Cilic 6-3, 4-6, 6-4, 6-2. Cũng phải nói thêm, lối đánh cò cưa với những đường bóng bền như ru ngủ đối phương của Federer đã phát huy tối đa hiệu quả, khiến “gà con” Marin Cilic nóng vội để rồi mắc lỗi, tự đánh bóng hỏng (với 44 lỗi đánh hỏng và 5 lỗi giao bóng kép).

Với kết quả này, Roger Federer đã nâng tổng thành tích lên 59 trận thắng và 6 thua trong những lần góp mặt tại US Open. Và một niềm vui nữa đã đến với Federer, anh đã đủ số điểm cần thiết để được góp mặt tại ATP World Tour Final diễn ra cuối năm nay tổ chức tại SVĐ O2, London – Anh.
Cùng góp mặt ở vòng 4 Mỹ mở rộng còn có Andy Murray (4). Trong trận đấu vừa kết thúc cách đây ít phút, tay vợt số 4 thế giới dễ dàng đánh bại Feliciano Lopez (25) sau 3 set với các tỷ số 6-1, 6-4, 6-2. Một trận đấu rất tốt của Murray. Anh không mắc lỗi kép nào (Lopez 9), đánh hỏng 16 lỗi (Lopez 44).


Kết quả ngày thi đấu thứ bảy

Vòng 3 - Đơn Nam

+ David Nalbandian (Argentina) - Rafael Nadal (TBN): 6-7, 1-6, 5-7

+ David Ferrer (TBN) - Florian Mayer (Đức): 6-1, 6-2, 7-6

+ Juan Martin Del Potro (Argentina) - Gilles Simon (Pháp): 6-4, 6-7, 2-6, 7-6

+ Andy Roddick (Mỹ) - Julien Benneteau (Pháp): 6-1, 6-4, 7-6

+ Feliciano Lopez (TBN) - Andy Murray (Anh): 1-6, 4-6, 2-6
Kết quả ngày thi đấu thứ 6
Vòng 3 – Đơn Nam:
+ Tomas Berdych (Czech) - Janko Tipsarevic (Serbia): Tomas Berdych bỏ cuộc

+ Roger Federer (Thụy Sỹ) - Marin Cilic (Croatia): 6-3, 4-6, 6-4, 6-2

+ Alexandr Dolgopolov (Ukraine) - Ivo Karlovic (Croatia): 6-7, 6-2, 6-4, 6-4

+ Kevin Anderson (Nam Phi) - Mardy Fish (Mỹ): 4-6, 6-7, 6-7

+ Jo-Wilfried Tsonga (Pháp) - Fernando Verdasco (TBN): 6-3, 7-5, 6-4

Vòng 2 US OPEN

Djokovic thua chỉ hai game trong chiến thắng ấn tượng

Tay vợt nam số một thế giới Djokovic có chiến thắng gần như tuyệt đối trước Carlos Berlocq với tỷ số 6-0, 6-0, 6-2 ở vòng hai Mỹ Mở rộng.

Djokovic tiếp tục thể hiện sức mạnh khó cưỡng.
Djokovic tiếp tục thể hiện sức mạnh khó cưỡng.
Novak Djokovic đến New York với chỉ nhận hai trận thua kể từ đầu năm. Và phong độ tuyệt vời đó tiếp tục được anh thể hiện hôm qua, khi gặp đối thủ xếp hạng 74 thế giới. Chỉ tốn 66 phút Djokovic đã có được chiến thắng và giành vé vào vòng ba.
"Hai set đầu tiên thật hoàn hảo", Djokovic nói. "Tôi có lẽ không thể chơi tốt hơn thế. Tôi nhìn thấy quá nhiều cơ hội để đánh trả và tôi có thể đưa bóng đến đúng những điểm kết thúc tôi muốn. Những cú giao bóng của tôi rất ổn, và những cú đánh trả cũng thật tuyệt vời".
Berlocq - với thứ hạng 50 thế giới - tuy không được đánh giá cao, nhưng thật khó có thể ngờ rằng anh lại thất bại thảm hại đến vậy. Điều tích cực duy nhất tay vợt người Argentina làm được trận này là giành break ở game đầu tiên của set thứ ba - qua đó tránh được "vinh dự" trở thành tay vợt đầu tiên dính "triple bagel" (thua trắng ba set) trong 24 năm qua ở Mỹ Mở rộng.
Thống kê cho thấy Djokovic áp đảo đối thủ trên nhiều phương diện. Anh giành 5 cú ace, không mắc lỗi kép, ăn 31 điểm winner, chỉ dính 15 lỗi tự đánh bóng hỏng, tỷ lệ giao bóng một thành công 68%, giao bóng hai 63 % và giành 10 break-point.
Chỉ số tương tự của Berlocq là 2 cú ace, 6 lỗi kép, 11 điểm winner, 26 lỗi tự đánh bóng hỏng, tỷ lệ giao bóng một và hai thành công chỉ là 38 % và 23 %.

Xứng đáng là những ứng cử viên cho chức vô địch, cả Roger Federer lẫn Novak Djokovic đều có những chiến thắng hết sức nhàn nhã.
Tay vợt 5 lần vô địch US Open – Roger Federer chỉ mất có 1 giờ 17 phút để “hạ đo ván” Dudi Sela 6-3, 6-2, 6-2. Tàu tốc hành giành tới 31 điểm winner và có được tới 6 cú ace so với 0 của Sela. Với kết quả này, Federer đã chính thức vượt qua huyền thoại Andre Agassi để leo lên vị trí thứ hai với 225 trận thắng tại các giải Grand Slam. Và mục tiêu phía trước là cột mốc 233 trận thắng của Jimmy Connors vẫn đang tồn tại bấy lâu. 
Với thắng lợi có được tại vòng 2, con đường bảo vệ ngôi vô địch của Rafael Nadal vẫn đang thuận buồm xuôi gió.

Cơn đau dạ dày quái ác hành hạ trong suốt trận đấu với Rafael Nadal, khiến tay vợt người Pháp - Nicolas Mahut buộc phải “tung cờ trắng” đầu hàng khi trận đấu đang có tỷ số 6-2, 6-2 nghiêng về phía Nadal.

“Có thể thông cảm cho Mahut. Những cơn đau hành hạ khiến anh ấy không thể tập trung thi đấu được. Còn đối với tôi, đây không phải là một chiến thắng đẹp, nhưng cuộc chơi là như vậy” - Nadal phát biểu sau trận đấu.
Cũng ghi tên ở vòng đấu tiếp theo còn có hạt giống số 4, Andy Murray. Tay vợt của Vương quốc Anh rất vất vả để vượt qua đối thủ người Hà Lan - Robin Haase 6-7, 2-6, 6-2, 6-0, 6-4.
Andy Murray như vừa trở về từ địa ngục với cú "chết hụt" trước Robin Haase của Hà Lan. Tay vợt số 4 thế giới đã bị dẫn trước tới 2 set đầu với tỉ số 7-6 (5), 6-2 và khi tất cả mọi thứ tưởng chừng kết thúc, Andy Murray đột nhiên như trở thành một người khác. Không còn hình ảnh tay vợt kém bản lĩnh và tâm lý yếu ớt, anh đã chơi như lên đồng tại 3 set đấu còn lại và giành chiến thắng thuyết phục với tỉ số 6-2, 6-0 và 6-4. Cú lội ngược dòng ngoạn mục không những giúp tay vợt Scotland thẳng tiến vào vòng tiếp theo mà có lẽ, nó còn đem lại cho Murray điều anh cần nhất lúc này: sự tự tin.
Andy Murray luôn được biết tới như tay vợt sở hữu...bản lĩnh thi đấu tồi tệ nhất trong đội ngũ các ngôi sao quần vợt. Anh luôn bị rơi vào trạng thái tâm lý ở các trận đấu sinh tử và hiếm khi thực hiện được một cú lội ngược dòng khi đã bị dẫn trước quá xa. Tuy nhiên, tại US Open năm nay, mọi thứ dường như đã có thay đổi. Hy vọng bản lĩnh thi đấu mạnh mẽ này sẽ tiếp tục được Murray duy trì và khát khao có được một danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp sẽ chắp cánh thêm cho anh bay tới thành công.

Và với chiến thắng này đã giúp Murray có đủ số điểm để chính thức trở thành tay vợt thứ ba có mặt tại World Tour Final (giải đấu dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất thế giới diễn ra vào cuối năm nay tại sân O2, London - Anh) sau Rafael Nadal và Novak Djokovic.

Kết quả ngày thi đấu thứ năm
Vòng 2 - Đơn Nam

+ Robin Haase (Hà Lan) - Andy Murray (Anh): 7-6, 6-2, 2-6, 0-6, 4-6
+ Stanislas Wawrinka (Thụy Sỹ) - Donald Young (Mỹ): 6-7, 6-3, 6-2, 3-6, 6-7
+ Ivan Ljubicic (Croatia) - David Nalbandian (Argentina): 4-6, 6-1, 3-6, 2-6
+ Nicolas Mahut (Pháp) - Rafael Nadal (TBN):  Nicolas Mahut bỏ cuộc
+ David Ferrer (TBN) - James Blake (Mỹ): 6-4, 6-3, 6-4

Kết quả ngày thi đấu thứ tư

Vòng 2 – Đơn Nam
+ Tomas Berdych (Czech) - Fabio Fognini (Italia): 7-5, 6-0, 6-0

+ Juan Carlos Ferrero (TBN) - Gael Monfils (Pháp): 7-6, 5-7, 6-7, 6-4, 6-4

+ Roger Federer (Thụy Sỹ) - Dudi Sela (Israel): 6-3, 6-2, 6-2

+ Jo-Wilfried Tsonga (Pháp) - Sergej Bubka (Ukraine): 6-3, 7-5, 6-2

+ Marsel Ilhan (TNK) - Fernando Verdasco (TBN): 4-6, 3-6, 1-6

+ Malek Jaziri (Tunisia) - Mardy Fish (Pháp): 2-6, 2-6, 4-6


Vòng 1 US OPEN 2011:

 Djokovic thắng nhàn trận khởi đầu

Djokovic dễ dàng vượt qua vòng một khi gặp đối thủ “chiếu dưới” Conor Niland. Sau khi Djokovic dẫn trước 6-0, 5-1, tay vợt người Ireland xin bỏ cuộc do chấn thương vai. Niland đã vượt qua vòng loại để có suất thi đấu tại Mỹ mở rộng.

Federer mở màn cho chiến dịch chinh phục danh hiệu quán quân Mỹ mở rộng thứ 6 trong sự nghiệp bằng chiến thắng 6-4, 6-3, 6-2 trước tay vợt vô danh của Colombia Giraldo. Hạt giống số 7 Monfils của Pháp cũng chỉ cần 3 set đấu để vượt qua Dimitrov của Bulgaria với các tỷ số 7-6 (4), 6-3, 6-4. Tương tự như vậy, hạt giống số 8 Mardy Fish đánh bại Kamke của Đức 6-2, 6-2, 6-1. Á quân Wimbledon 2010 Berdych thắng Jouan của Pháp 6-2, 7-6 (4), 6-1. 
 “Kẻ hủy diệt” Djokovic cầm vé vào vòng 2 theo cách đơn giản đến không ngờ sau khi đối thủ người Ireland xếp hạng 197 thế giới Conor Niland bỏ cuộc ở set 2 vì đau dạ dày. Djokovic thắng set đầu tiên 6-0 và dẫn 5-1 ở set 2 thì Niland buộc phải “tung cờ trắng”.
Cùng với Federer và Djokovic, ĐKVĐ Nadal đã đặt chỗ cho mình ở vòng 2 sau chiến thắng 6-3, 7-6 (1), 7-5 trước tay vợt xếp hạng 98 thế giới của Kazakhstan Golubev. Trận này số pha đánh thắng điểm của tay vợt số 2 thế giới chưa bằng một nửa Golubev (18-41) nhưng số lỗi đánh hỏng của anh cũng ít hơn hẳn đối thủ (16-59). Ở vòng 2, bài test tiếp theo dành cho tay vợt Tây Ban Nha sẽ là tay vợt xếp hạng 99 thế giới người Pháp Nicolas Mahut.

Tại trận đấu sớm đáng chú ý, Andy Murray đã đánh bại Somdev Devvarman 7-6 6-2 6-3. Hạt giống số 4 người Scotland khởi đầu không thuận lợi, để mất break tạo điều kiện cho tay vợt người Ấn Độ vươn lên dẫn trước 2-0.
Thế trận sau đó diễn ra khá giằng co đẩy sự phân định thắng thua séc đầu đến loạt tie-break. Và sau 70 phút, Murray mới khuất phục được Devvarman. Sang séc thứ hai, mọi chuyện trở nên dỡ thể hơn khi Murray bắt đầu tìm được nhịp điệu và làm chủ cuộc chơi.

Anh thắng dễ 6-1 rồi bước vào séc tiếp theo với niềm hưng phấn cao độ. Dù mắc đến 44 lỗi đánh bóng hỏng nhưng chung cuộc, Andy Murray cũng hạ đối thủ sau 3 séc trắng.
"Hôm nay tôi khởi đầu không tốt. Nhưng sau khi lấy lại sự bình tĩnh, tôi đã thi đấu hiệu quả hơn. Hi vọng quá trình tiến bộ tiếp tục duy trì và tôi có thể tiến sâu vào giải Grand Slam cuối cùng trong năm" - Andy Murray nói.


Kết quả ngày thi đấu thứ 3
Vòng 1 – Đơn Nam
+ Juan Martin Del Potro (Argentina) - Filippo Volandri (Italia): 6-3, 6-1, 6-1

+ Somdev Devvarman (Ấn Độ) - Andy Murray (Anh): 6-7, 2-6, 3-6

+ Marcos Baghdatis (Síp) - John Isner (Mỹ): 6-7, 6-7, 6-2, 4-6

+ Andy Roddick (Mỹ) - Michael Russell (Mỹ): 6-2, 6-4, 4-6, 7-5
Kết quả ngày thi đấu thứ hai
Vòng 1 - Đơn Nam:
+ David Ferrer (TBN) - Igor Andreev (Nga): 2-6, 6-3, 6-0, 6-4

+ Jo-Wilfried Tsonga (Pháp) - Yen-Hsun Lu (Đài Loan): 6-4, 6-4, 6-4

+ Stanislas Wawrinka (Thụy Sỹ) - Maximo Gonzalez (Argentina): 3-6, 6-4, 6-1, 6-3

+ Jarkko Nieminen (Phần Lan) - Fernando Verdasco (TBN): 6-3, 4-6, 1-6, 4-6

+ Novak Djokovic (Serbia) - Conor Niland (Ireland): Conor Niland bỏ cuộc

+ Andrey Golubev (Kazakstan) - Rafael Nadal (TBN): 3-6, 6-7, 5-7
Kết quả ngày thi đấu thứ nhất

VÒNG 1 - Đơn nam
+ Tomas Berdych (Czech)
- Romain Jouan (Pháp): 6-2, 7-6, 6-1

+ Sergiy Stankhovsky (Ukraine) - Richard Gasquet (Pháp): 4-6, 4-6, 0-6

+ Ryan Harrison (Mỹ) - Marin Cilic (Croatia): 2-6, 5-7, 6-7

+ Ivo Karlovic (Croatia) - Fernando Gonzalez (Chile): 6-4, 6-4, 7-6

+ Michael Llodra (Pháp) - Victor Hanescu (Romania): 6-2, 4-6, 4-6, 6-3, 6-2

+ Tobias Kampke (Đức) - Mardy Fish (Mỹ): 2-6, 2-6, 1-6

+ Radek Stepanek (Czech) - Philipp Kohlschreiber (Đức):6-4, 6-1, 6-3

+ Alejandro Falla (Colombia) - Viktor Troicki (Serbia): 3-6, 6-3, 4-6, 7-5, 7-5

+ Grigor Dimitrov (Bulgaria) - Gael Monfils (Pháp): 6-7, 3-6, 4-6

+Roger Federer (Thụy Sỹ) - Santiago Giraldo (Colombia): 6-4, 6-3, 6-2



Vài nét về US Open 2011
Địa điểm: Flushing Meadows Park, New York Diễn ra từ 29/08 đến 11/09 Điểm thưởng: 2000
Tiền thưởng cho nhà vô địch (nam/nữ): 1.800.000 USD
Vô địch US Open Series: Mardy Fish (nam), Serena Williams (nữ) 

US Open 2011: Tiền thưởng cao nhất, sức hút lớn nhất

Cơn bão Irene ập vào miền Đông Hoa Kỳ hôm Chủ nhật vừa qua tưởng như đã khiến US Open phải dời lịch thi đấu, nhưng cuối cùng thì trời cũng chiều lòng người để giải Grand Slam rất được chờ đợi này diễn ra đúng hẹn với người hâm mộ, dù có vài điều chỉnh nhỏ.
Arthur Ashe, sân đấu chính của US Open - Ảnh Getty
Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King vẫn mở cửa vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Hai và các trận đấu bắt đầu từ 11 trên chín trong số 13 sân, bao gồm Louis Armstrong. Chỉ có ở sân Arthur Ashe, sân đấu chính, là các trận đấu được dời lại vào 1 giờ chiều, thay vì 11 giờ sáng. Những điều chỉnh đó sẽ không thể làm ảnh hưởng tới sự háo hức và quyết tâm của các tay vợt, không chỉ bởi 2.000 điểm thưởng cho tay vợt vô địch và 1.200 cho người đoạt danh hiệu á quân (để biết điểm số đó có ý nghĩa thế nào, hiện tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đang có 13.920 điểm, còn người thứ 2 Rafael Nadal là 11.420), mà còn bởi khoản tiền thưởng kỷ lục ở giải lần này.
Ngay từ tháng 5, Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) đã công bố tăng thêm một triệu USD cho ngân quỹ tiền thưởng giải năm nay, lên mức 23,7 triệu USD. Ngoài ra, ba tay vợt hàng đầu ở cả hai nội dung nam và nữ trong giải Olympuc US Open Series còn có thể kiếm thêm 2,6 triệu USD tiền thưởng từ tại US Open, nâng tổng mức tiền thưởng lên 26,3 triệu USD, một gia tài lớn trong thời buổi khó khăn này. Năm nay phần thưởng cho cả chức vô địch nam và nữ đều xác lập kỷ lục mới, 1,8 triệu USD mỗi người. Cộng thêm khoản thưởng 1 triệu USD từ Olympus US Open Series, một tay vợt ở giải lần này có thể bỏ túi tối đa 2,8 triệu USD, phá kỷ lục về tiền thưởng một lần nhiều nhất trong lịch sử cả ở nội dung nam (2,4 triệu USD cho Roger Federer vào năm 2007) và nữ (2,2 triệu USD cho Kim Clijsters năm 2005). Với mức tăng tiền thưởng 6,4% ở hai nội dung đơn nam và đơn nữ, đây là năm thứ 39 liên tiếp USTA duy trì mức thưởng bằng nhau ở hai phần giải được quan tâm nhất này.
Tiền thưởng lớn dẫn đến nỗ lực tương xứng của các tay vợt và sức hút mãnh liệt của giải đấu. Năm 2010, US Open đã thu hút được 712.000 khán giả đến sân, biến giải thành sự kiện thể thao hàng năm có số người tham dự cao nhất trên thế giới, dù giá vé không hề rẻ, giao động từ xấp xỉ 100 USD cho các trận ở vòng ngoài đến 500 USD cho trận chung kết. Đó là chưa kể 80 triệu người xem qua truyền hình ở Mỹ qua các đài CBS Sports, ESPN và Tennis Channel. Đồng thời, cũng qua truyền hình, US Open cũng có mặt ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Theo đúng truyền thống người Mỹ, US Open cũng là giải tiên phong về công nghệ, là Grand Slam đầu tiên sử dụng công nghệ Mắt diều hâu (Hawk-Eye) để xác định các pha bóng gây tranh cãi và giảm bớt sai lầm của trọng tài. Rất nhiều khi, vài mm ở vị trí quả bóng rơi, chạm vạch hay không chạm vạch, có thể quyết định một chiến thắng ở Grand Slam, và người Mỹ không bao giờ thích sự mập mờ hay những lý luận như kiểu “sai lầm của trọng tài là một phần tất yếu của trò chơi”. Bất cứ chỗ nào có thể tăng hiệu quả và sự chính xác nhờ công nghệ, người Mỹ luôn đi tiên phong.
Hệ thống Mắt diều hâu bắt đầu được Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) áp dụng thử nghiệm từ năm 2005 và chính thức ra mắt năm 2006 với thành công vang dội ở khu phức hợp Flushing Meadows. Không lâu sau đó, cả thế giới áp dụng công nghệ này. Theo các thử nghiệm của ITF, Mắt diều hâu giúp xác định chính xác 100% tất cả các pha bóng tranh cãi với mức sai số biên trung bình là 3,6 mm. Những thử nghiệm liên tục đã giúp hệ thống này ngày càng hoàn thiện và hiện nó đưa ra kết quả không chỉ dựa trên các cú đánh, mà cả tốc độ và hướng gió, ánh sáng mặt trời và bóng mà mặt trời tạo ra cùng ánh sáng nhân tạo trên sân. Hơn thế nữa, Mắt diều hâu có thể đưa ra kết quả chỉ 2-3 giây sau pha bóng, nhanh và chính xác hơn nhiều so với việc kiểm tra vệt bóng bằng mắt thường trên sân.
Mỗi tay vợt được phép yêu cầu sử dụng công nghệ này ba lần mỗi set, cộng thêm một lần ở một loạt tie-break. Nếu khiếu nại của tay vợt là đúng thì số lần khiếu nại được phép vẫn giữ nguyên. Chỉ khi khiếu nại sai thì mới bị trừ bớt. Toàn bộ hình ảnh về pha bóng gây tranh cãi sẽ được chiếu cho các tay vợt, trọng tài và khán giả ngay trên sân, cũng như qua màn hình vô tuyến. Tại giải năm 2006, lần đầu tiên hệ thống được đưa vào sử dụng, 30,5% các khiếu nại của những tay vợt nam và 35,85% của các tay vợt nữ đã buộc trọng tài phải đảo ngược quyết định.
Những khoảnh khắc đó càng quan trọng bởi mặt sân US Open thường khiến bóng đi với tốc độ cao hơn so với các mặt sân khác. Cũng là sân cứng, nhưng chất liệu DecoTurf ở Flushing Meadows khiến mặt sân ít ma sát và độ nảy kém hơn hẳn so với các các sân cứng khác (như sân với chất liệu Rebound Ace từng được sử dụng ở Australia Open trước kia). Vì lý do này, rất nhiều tay vợt có lối chơi giao bóng - lên lưới - bắt vô-lê đã thành công tại US Open.
Sân chính của US Open là Arthur Ashe, có sức chứa 22.547 chỗ, mở cửa vào năm 1997, được đặt theo tên Arthur Ashe, tay vợt Mỹ gốc Phi đã vô địch giải lần đầu vào năm 1968. Sân lớn thứ hai là Louis Armstrong, mở cửa năm 1978, đượng mở rộng từ sân gốc Singer Bowl. Đó là sân chính ở Flushing Meadows trong giai đoạn 1978-1996 với sức chứa tối đa gần 18.000 chỗ, nhưng giảm xuống còn 10.200 sau khi Arthur Ashe được khai trương. Sân lớn thứ ba là Grandstand, 6.000 chỗ.
Những kỷ lục của US Open
Số lần vô địch kỷ lục ở nội dung đơn nam hiện là năm lần, do ba tay vợt nắm giữ, Jimmy Connors (1974, 1976, 1978, 1982, 1983), Pete Sampras (1990, 1993, 1995, 1996, 2002) và Roger Federer (2004, 2005, 2006, 2007, 2008). Federer cũng giữ kỷ lục vô địch liên tiếp nhiều lần nhất. Nhưng tay vợt nam giành được nhiều danh hiệu nhất ở US Open là John McEnroe với tám chức vô địch, bốn đơn nam và bốn đôi nam giai đoạn 1979-1989. Cho tới giờ, Sampras là tay vợt nam trẻ nhất từng vô địch giải, khi 19 tuổi và một tháng.
Ở nội dung nữ, người vô địch đơn nữ nhiều nhất là Chris Evert, với sáu danh hiệu (1975, 1976, 1977, 1978, 1980, 1982). Bà cũng giữ kỷ lục về số lần vô địch liên tiếp. Tính theo số danh hiệu ở nội dung nữ, Martina Navratilova đang giữ kỷ lục với 16 chức vô địch trong gần 30 năm (1977-2006), bao gồm bốn chức vô địch đơn nữ, chín lần đăng quang ở nội dung đôi nữ và ba lần nữa ở nội dung đôi nam nữ. Tay vợt nữ trẻ nhất từng vô địch là Tracy Austin, 16 tuổi và tám tháng, vào năm 1979.
Một số cặp đấu đáng chú ý vòng 1
Đơn nam
Djokovic (1) - Từ vòng loại
Karlovic - F.Gonzalez
Federer (3) - Giraldo
Stepanek (23) - Kohlschreiber
Nieminen - Verdasco (19)
Baghdatis - Isner (18)
Del Potro (18) - Volandri
Ferrer (5) - Andreev
Youzhny (16) - Gulbis
Nadal (2) - Golubev
Đơn nữ
Wozniacki (1) - Llagostera Vives
Sara Errani - Kuznetsova (15)
Li Na (6) - Simona Halep
Azarenka (4) - Johanna Larsson
Serena (28) - Jovanovski
Bondarenko - Lisicki (22)
Kvitova (5) - Dulgheru
Pennetta (26) - Aravane Rezai
Sharapova (3) - Heather Watson
Vesna Dolonts - Venus Williams
Góc nhìn của nhà cái (Theo William Hills)
Đơn nam
1.Djokovic 5/4 (đặt 4 ăn 5)
2.Rafael Nadal 4/1
3.Roger Federer 9/2
4.Andy Murray 5/1
5.del Potro 12/1
6.Mardy Fish 25/1
7.Tsonga 33/1
8.Soderling 40/1
9. Tomas Berdych 40/1
10.Andy Roddick 66/1
Đơn nữ
1.Serena Williams 11/8
2.Petra Kvitova 5/1
3.Sharapova 11/2
4.Azarenka 9/1
5.Wozniacki 16/1
6.Na Li 16/1
7.Zvonareva 16/1
8.Venus Williams 20/1
9. Sabine Lisicki 20/1
10.Radwanska 25/1

Tứ đại anh hùng kịch chiến ở BK giải Mỹ mở rộng

Theo kết quả bốc thăm phân nhánh giải Mỹ mở rộng 2011, người hâm mộ lại có cơ hội chứng kiến một vòng bán kết toàn sao với sự góp mặt của bộ tứ hàng đầu thế giới Djokovic, Nadal, Federer, Murray.

Djokovic có thể đụng Federer ở BK Mỹ mở rộng 2011 - Ảnh Getty
Kết quả phân nhánh dự kiến sẽ đưa Djokovic tái đấu Federer, còn Nadal cận chiến với Murray ở bán kết. Đó là sự lặp lại của bán kết Roland Garros năm nay. Tất nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi cả 4 tay vợt mạnh nhất thế giới hiện nay đều vượt qua đối thủ của họ ở các vòng trước đó.
Tuy nhiên điều này không hoàn toàn dễ dàng. Để tái lập những trận bán kết trong mơ nói trên, "bộ tứ nguyên tử" sẽ phải vượt qua những bài sát hạch đầy thách thức. Hãy xem kịch bản có thể xảy ra ở tứ kết Mỹ mở rộng năm nay. Ở tứ kết Djokovic (1) sẽ đụng Gael Monfils (7), Federer (3) gặp Mardy Fish (8), Nadal (2) đối đầu với David Ferrer (5), Murray (4) tranh hùng cùng Soderling (6). Cũng như kịch bản cho vòng bán kết, đây sẽ là viễn cảnh chờ đợi người hâm mộ ở tứ kết nếu không có bất ngờ nào xảy ra.
Tương tự như giải nam, giải nữ có nhiều thứ để mong chờ. Nếu không có "động đất" ở Flushing Meadows thì vòng tứ kết nữ sẽ có nhiều thứ để xem. Á quân Mỹ mở rộng 2009 và là hạt giống nữ số 1 năm nay Wozniacki sẽ phải chống lại ĐKVĐ Roland Garros Na Li. Serena Williams giao đấu với cựu vô địch Roland Garros 2010 Schiavone, cựu vô địch Mỹ mở rộng 2006 Sharapova đụng ĐKVĐ Wimbledon Kvitova. Cô là người đã thắng chính Masha ở CK Wimbledon năm nay. Venus Williams, hoặc tay vợt số 2 thế giới Zvonareva đối đầu với á quân Wimbledon 2007 Bartoli.
Phải nhắc lại rằng những cặp đấu trên chỉ có thể diễn ra nếu tất cả các tay vợt được nhắc đến đều vượt qua đối thủ của họ ở những vòng trước đó. Dù sao chỉ cần nghĩ đến viễn cảnh tứ kết này, người hâm mộ đã thấy dây thần kinh cảm giác của họ xao động mạnh. Trong lúc chờ đợi những cặp đấu gay cấn ở tứ kết nữ thì ngay từ những vòng ngoài, người ta cũng có cái để mong chờ. Tâm điểm chú ý dồn vào chị em nhà Williams. Serena chỉ được chọn làm hạt giống thứ 28. Venus thậm chí còn không phải là hạt giống ở giải này. Nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa. Kinh nghiệm, thành tích và năng lực thực sự vẫn khiến hai "Báo đen" nước Mỹ nằm trong nhóm ứng viên vô địch Mỹ mở rộng năm nay.
Serena đã 3 lần vô địch Mỹ mở rộng, nhiều hơn bất kỳ tay vợt nữ nào khác có mặt ở giải năm nay. Cô đã bỏ túi 13 chức vô địch Grand Slam. Không có tay vợt nữ nào đang còn thi đấu  làm được như vậy. Cô chị Venus vô địch Mỹ mở rộng 2 lần và 7 lần giành các giải lớn. Ngay ở vòng 3 giải năm nay, ai cũng bảo Serena gặp thách thức sớm khi cô có thể gặp hạt giống số 4 Azarenka. Nhưng tại sao không phải là ngược lại khi chính Azarenka phải lo lắng khi có nguy cơ phải vượt "ải Serena". Cô chị Venus của Serena có thể phải đối mặt với tài năng trẻ của quần vợt Đức Lisicki ngay vòng 2 Mỹ mở rộng 2011.