Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam

 Bài 1: Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội, Hà Nội

Thực tế cho thấy, phòng ngừa bất ổn kinh tế - xã hội vĩ mô thường tốt, dễ và “rẻ” hơn so với chi phí ngăn chặn và khắc phục chúng khi đã xảy ra.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.
Quá trình bầu cử Ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam về cơ bản đã khép lại với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục tại vị. Tôi và đông đảo cử tri cả nước đang kỳ vọng rằng đội ngũ lãnh đạo mới sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam...
Tôi cho rằng, triển vọng phát triển bền vững, kìm chế lạm phát ở mỗi quốc gia phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị, nhận thức, thể hiện dưới 5 cách thức sau:

1. Phối hợp hài hòa bàn tay Nhà nước pháp quyền và bàn tay thị trường:

Thực tế cho thấy, không chỉ nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung thái quá không mang lại hiệu quả như mong đợi, mà ngay cả thị trường tự do cao độ cũng không giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân, khắc phục được sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp, giai cấp... Nói cách khác, khi “bàn tay hữu hình” của Nhà nước hoặc nắm quá chặt, hoặc bị buông lỏng quá mức, cũng có thể tạo ra những nguồn lực và thị trường “ảo”, gây đổ vỡ và tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế - xã hội và môi trường…
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay chứng tỏ rằng, các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được sửa chữa bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của Nhà nước. Tôi cho rằng về trung và dài hạn, VN cần chuyển nhanh từ mô hình “Nhà nước - nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng hiện nay, sang mô hình “nhà nước - nhà quản lý công”. Có nghĩa là chúng ta cần mạnh tay cắt giảm các chi tiêu công, cũng như cần ngăn chặn kịp thời “sự liên minh ma quỷ” giữa các doanh nghiệp - ngân hàng và quan chức.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ, lành mạnh. Đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả trên thực tế của Chính phủ trong công tác giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan; ngăn chặn hiện tượng lạm dụng trục lợi cá nhân, thậm chí biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, phường hội và phe nhóm...

2. Coi trọng tính đồng bộ và tính 2 mặt của các giải pháp chính sách:

Theo tôi, các giải pháp và công cụ chính sách cần có trọng tâm, được cụ thể hóa trong thực tiễn. Đồng thời, cần có sự đồng bộ, nhất quán giữa việc ban hành, triển khai, giám sát, kiểm tra và chế tài hiệu quả các vi phạm chính sách; giảm thiểu các hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách” vì lợi ích nhóm, cục bộ...
Tôi cho rằng điều cấp thiết hiện nay là cần nâng cao chất lượng công tác và dịch vụ thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng.
Ngoài ra, Chính phủ cần coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu thống kê và dữ liệu thông tin quốc gia và chuyên ngành hiện đại, có chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng về quản lý nhà nước các cấp. Đồng thời khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hóa thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý thông tin, gây khó khăn và đắt đỏ cho các cấp có nhu cầu tiếp cận...

3. Đa dạng hóa và phối hợp các nguồn lực trong nước và quốc tế:

Thế giới hiện đại và ngày càng “phẳng” hơn đang làm cho các nước xích lại gần nhau hơn bởi những quan tâm chung trong cuộc chiến với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Vấn đề then chốt để giải cứu một nền kinh tế thành công là các chính sách phát triển được lựa chọn phải phù hợp cả với bối cảnh quốc tế, lẫn các điều kiện lịch sử cụ thể trong nước, cho phép khai mở, cộng hưởng cao nhất các tiềm năng và hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước, tham gia sớm, ngày càng chặt chẽ và hiệu quả vào “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”. Đồng thời, cần chủ động tham khảo, đan xen và phối hợp chính sách giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực, cũng như toàn cầu, trước hết trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ và lao động; coi trọng các yêu cầu và thúc đẩy hoàn thiện các định chế quốc gia và quốc tế... để gia tăng sức mạnh, khả năng và hiệu quả giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu.

4. Giữ vững lòng tin cho khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính:

Có lẽ chưa bao giờ yếu tố thông tin và lòng tin lại có vai trò nhạy cảm và quan trọng như hiện nay, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính. Khi tình trạng các thông tin bất đối xứng, hạn chế, thiếu chính xác càng nặng nề và phổ biến, thì tình trạng khủng hoảng càng trầm trọng và kéo dài.
Tôi cho rằng việc ngăn ngừa sự xuất hiện và phát tán các tin đồn có ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến với các chấn động kinh tế thị trường. Nhiều tin đồn có thể làm lao đao doanh nghiệp, thậm chí có thể làm giảm sút căn bản hiệu lực, hiệu quả của một chính sách quản lý nhà nước, gây tổn hại đến uy tín và tiền của quốc gia.
Những tin đồn thất thiệt loại này thường xuất hiện khi có sự không rõ ràng, nhất quán trong chính sách của Chính phủ. Đó là sự chậm trễ hoặc không có những phát ngôn chính thức có liên quan, hoặc khi do cá nhân, nhóm lợi ích nào đó chủ ý tung ra có mục đích định hướng dư luận. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường và thể chế hóa các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ; Không nên lạm dụng hoặc nhấn mạnh “yêu cầu bảo mật” trong các phát ngôn chính thức làm tổn hại uy tín và mất lòng tin của xã hội vào Chính phủ.
Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động kiểu bầy đàn, vô tình hoặc cố ý tiếp tay và trở thành nạn nhân của tin đồn…

5. Trọng dụng người tài, không khoan nhượng với nạn tham nhũng:

Nếu cuộc đấu tranh với tham nhũng bị xem nhẹ thì không những không thể ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng và lạm phát tương lai, mà còn nảy sinh nguy cơ đưa cuộc cải cách kinh tế hiện nay thoát khỏi sức mạnh của luật pháp, từ bỏ lợi ích cộng đồng, để thiên về lợi ích phe phái. Vì thế, dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội phải được tăng cường, đi đôi với xây dựng hệ thống luật pháp rõ ràng, đồng bộ và nhất quán, hiện đại.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn trong hệ thống cơ quan hành chính phải gắn liền với tăng cường trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng. Đảm bảo mọi tài sản xã hội, mọi luật định và mọi công việc Nhà nước đều có người chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm hình sự cụ thể, rõ ràng.
Tôi cho rằng mọi lao động trong xã hội đều có quyền và nhận được sự giáo dục tốt, cần thiết và sống được bằng lao động chuyên môn của mình. Do vậy, cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài phải tạo sự di chuyển chất xám tự do và nâng cao tính chuyên nghiệp trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên. Đồng thời được thỏa mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài như lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần và thăng tiến cá nhân...
Những vấn đề trên cũng là những thách thức lớn đặt ra cho Ban lãnh đạo Nhà nước vừa được bầu ra. Đồng thời cũng là vấn đề mà cộng đồng cử tri cả nước có quyền đòi hỏi và kỳ vọng vào những lời giải sẽ dần hiện hữu trong thời gian tới...
CẦN THỰC TẾ HÓA LỜI NÓI
Chúng ta nên học cách nói ít, làm nhiều : nên đọng lại nhưng ý chính, chứ ko phải nói dài tràn lan đại hải cuối cùng ko đọng lại chi cả.

+ Chính phủ thử tập trung vào việc giám sát chặt chẽ 1 số ngành : đầu tiên là Thuế (vì đây là nguồn thu NS chủ yếu), đến Kế hoạch - đầu tư (nó ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của Đất nước), Tài chính (liên quan việc tính toán các kế hoạch chi NS,.. Cố gắng quyết liệt & triệt để - vì không có nhiều thời gian cho việc này.

+ Chỉnh đốn ngay cơ cấu lương đối với cán bộ - CNV Nhà nước : Lương luôn là con dao nhiều lưỡi - anh trả lương thấp tôi làm dè chừng + ăn bên này 1 ít, bên kia 1 ít cuối cùng thu nhập vẫn tốt -> ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nếu a trả lương vừa phải (khá) + cơ chế kỷ luật cao ->Công chức sẽ cố gắng làm hết mình, vì họ sợ mất việc, thu nhập vẫn vậy -> mang lại dấu hiệu tích cực hơn cho nền kinh tế.

+ Đào tạo chất lượng cán bộ CNV theo hướng thực tế hơn: đặc biệt đối với đội ngũ UBND Tỉnh, Huyện, Xã... có những vị trí cần người tài, nên phải lựa chọn như ở Sở Tài Chính/phòng Tài chính; Kế hoạch đầu tư, Thuế... đào tạo mạnh & sát hạch thật kỹ => chúng ta bị mắc ở khâu này quá lớn.

Thực tế cho thấy khi nguồn thu tăng -> NSNN thặng dư -> các hoạt động khác cũng sẽ dần dần khả quan : ví dụ : sẽ tự động xóa bỏ dần tỷ giá chợ đen, các doanh nghiệp sẽ chỉ tìm đến Bank -> hạn chế giao dịch tiền mặt-> giảm áp lực lạm phát.
-> giảm dần lãi suất-> khuyến khích đầu tư-> giải quyết công ăn việc làm..

Vì không có thời gian, nên tạm thời có những ý kiến này đã, sẽ còn bình luận tiếp về kinh tế nước nhà .. Mong các cơ quan chức năng có thể tạo một sân chơi nghiệp dư cho những nhà kinh tế trẻ tuổi có thể đóng góp ý kiến nhỏ nhoi của mình vào việc góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế của đất nước ..

Bài 2: UBKT QH  gửi 10 kiến nghị ổn định kinh tế
- “Lạm phát và bất ổn vĩ mô đã mang tính cơ cấu và lặp lại theo chu kỳ. Lạm phát cao và bất ổn vĩ mô với tần suất dày hơn, mức độ gay gắt hơn kéo dài trong nhiều năm đã làm giảm đi những thành tựu mà tăng trưởng mang lại…”
Gửi Quốc hội 10 kiến nghị ổn định kinh tế

Biểu đồ sự mất cân đối tiết kiệm và đầu tư tại Việt Nam giai đoạn 2001 - 2011.
Ông Hà Văn Hiền lần chót ký vào bản kiến nghị “Kinh tế VN - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” với tư cách Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH khóa XII. Bản kiến nghị được gửi đến QH khóa XIII trong bối cảnh lạm phát, bất ổn kinh tế đã trở thành thách thức lớn nhất đối với Chính phủ, đất nước trong năm nay. 10 kiến nghị cụ thể được đưa ra:
Kiến nghị 1: Để nền kinh tế phát triển bền vững trong trung và dài hạn cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
UB Kinh tế chỉ ra nghịch lý: dưới áp lực của chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô. Vì vậy, việc hình thành một “chủ thuyết phát triển kinh tế” riêng cho Việt Nam trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt sẽ là tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những giai đoạn (chu kỳ) tiếp theo.
Kiến nghị 2: Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là một yêu cầu cấp bách để giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn.
Theo đó, bất ổn vĩ mô tái diễn có tính chu kỳ trong vài năm qua chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu hướng suy thoái trong trung và dài hạn rất đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2006-2010, bằng phép tính cộng dồn đơn giản, một số chuyên gia chỉ ra rằng lạm phát (CPI) đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Chưa tính đến việc phân bổ lợi ích và thành quả của tăng trưởng đang có xu hướng tập trung cho nhóm người giàu và đầu cơ, chỉ hai con số nêu trên đã đủ chứng tỏ thu nhập 7 thực tế và mức sống thực của người dân, nhất là người nghèo, đã bị giảm sút rất mạnh.
UB Kinh tế cho rằng cần tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, loại bỏ những ngân hàng quá yếu kém, là tác nhân của các cuộc đua lãi suất, gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống.
Kiến nghị 3:
Thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước mà không xét tới yếu tố lợi thế so sánh, khuyến khích các ngành và khu vực có lợi thế so sánh và hiệu quả hơn.
Thêm một “nghịch lý” khác được chỉ ra: các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nhận được nhiều ưu đãi về tín dụng và chiếm tỷ trọng chi phối trong các dự án đầu tư công lớn. Trong khi đó, khu vực tư nhân dù được đánh giá là hiệu quả hơn so với khu vực nhà nước trong tạo việc làm và xuất khẩu, lại đang bị “lấn át”. Điều này sẽ không thể mang lại cho các ngành công nghiệp Việt Nam cạnh tranh quốc tế.
Kiến nghị 4: Để giải quyết triệt để thâm hụt thương mại, một trong những cân đối vĩ mô quan trọng trong nền kinh tế, bên cạnh chính sách tỷ giá, công cụ hành chính hay phát triển công nghiệp hỗ trợ thì vấn đề mấu chốt cần xử lý trong trung và dài hạn là chênh lệch tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế.
Căn nguyên gốc rễ của thâm hụt thương mại là sự chênh lệch tiết kiệm - đầu tư trong nước chưa được giải quyết triệt để. Chừng nào chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư còn chưa được thu hẹp thì vấn đề nhập siêu chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài. Trong thập niên qua, do tiết kiệm trong nước thấp không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng cao nhưng kém hiệu quả dẫn đến tình trạng thâm hụt kéo dài và sâu sắc hơn.
Kiến nghị 5: Kiên quyết cắt giảm đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài khóa để giảm thâm hụt ngân sách và ổn định nợ công là yếu tố quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.
Gửi Quốc hội 10 kiến nghị ổn định kinh tế
Biểu đồ tỷ lệ lạm phát năm 2011 so với các năm trước đó.
Kiến nghị 6: Xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp trong việc hoạch định và thực thi sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách nhất quán và cùng hướng tới các mục tiêu ưu tiên của đất nước.
Trong nhiều năm, các mục tiêu và định hướng chính sách thay đổi và chuyển hướng khá nhanh: từ ưu tiên cho tăng trưởng trong năm 2007, đến kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô trong năm 2008, đến kích thích kinh tế trong năm 2009, phục hồi tốc độ tăng trưởng, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô trong năm 2011. Điều này thể hiện, việc điều hành chính sách có biểu hiện bị động, chạy theo tình thế, nặng về đối phó, xử lý những mục tiêu ngắn hạn.
Kiến nghị 7: Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò “chủ đạo” bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.
UB Kinh tế cho rằng, cần tạm dừng thành lập Tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính không phù hợp với quy luật phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Đánh giá toàn diện hiệu quả những tập đoàn đã thành lập trong các năm qua làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương này.
Kiến nghị 8: Phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, giảm thiểu rủi ro thông qua hệ thống giám sát an toàn thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng là nền tảng cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Kiến nghị 9: Kiểm soát hiệu quả các dòng vốn vào - ra (đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài - FII) là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm ổn định vĩ mô cũng như giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính trong trung và dài hạn.
Giải pháp đề ra là sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính cho Việt Nam để phát hiện kịp thời những rủi ro liên quan đến khu vực tài chính và sự dịch chuyển của các dòng vốn vào nền kinh tế.
Kiến nghị 10: Trong trung và dài hạn, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được coi là chính sách ưu tiên trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể.

Bài 3Mạnh dạn đổi mới kinh tế lần 2

Sau khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII đưa ra bản kiến nghị “Kinh tế VN - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn”, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp... cho rằng đây là những đề xuất sát sườn với thực trạng nền kinh tế VN hiện nay. Nhằm làm rõ hơn những nội dung trong bản kiến nghị trên, từ số báo này Tuổi Trẻ xin giới thiệu các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia kinh tế, bạn đọc...
Kinh tế Việt Nam - những vấn đề trung và dài hạn

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng đã có thể khẳng định một sự đồng thuận xã hội trong yêu cầu tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, thực chất là đổi mới kinh tế lần 2. Ông Cung nói:
Ông Nguyễn Đình Cung
- Tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng... theo nghiên cứu của chúng tôi, từ ba năm gần đây đã thành một yêu cầu khách quan, mệnh lệnh không thể thoái thác từ thực tế phát triển kinh tế của VN. Tại sao? Bởi nếu không tái cơ cấu nền kinh tế, VN sẽ khó có thể phát triển tiếp.
Động lực cho sự phát triển của VN 25 năm qua là tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên... Những động lực đó giờ cơ bản đã gần hết, nếu không đi vào phát triển chiều sâu, nâng hiệu quả, năng suất lao động, phát triển công nghệ... thì VN sẽ giậm chân tại chỗ. Mà trong thế giới phát triển không ngừng, đứng nguyên có nghĩa là đang tụt lại...
Nhà nước phải thay đổi cách tiêu tiền
"Đã là doanh nghiệp, không nên mặc định cho anh này có vai trò lớn hơn anh kia, rồi giao công việc xã hội cho họ, rồi có việc gì thì giải cứu. Tất cả nên bình đẳng, ai làm tốt Nhà nước giao việc, trả công sòng phẳng"
Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG
* Ủy ban Kinh tế nêu cần tái cơ cấu nền kinh tế vì những bất ổn hiện tại đã có tính chu kỳ và sẽ tạo vòng xoáy bất ổn, xu hướng suy thoái trong dài hạn. Vậy theo ông, các bước thực hiện tái cơ cấu nên thế nào?
- Tái cơ cấu thực chất là thay đổi động lực tăng trưởng. Động lực cũ chỉ có thể giúp chúng ta phát triển đến như ngày nay, muốn có dư địa để giàu hơn, phát triển hơn thì ta phải thay đổi.
Giải pháp để tái cơ cấu thì rất nhiều, chúng tôi đã kiến nghị lên Chính phủ khoảng 20 trang trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng trọng tâm, cần thực hiện ngay theo tôi là: ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước...
Đặc biệt về ổn định vĩ mô, không nên thấy có hiệu quả một chút rồi lại làm như cũ. Ổn định phải vững chắc, theo tiêu chuẩn thế giới chứ không phải định tính. Ví dụ lạm phát không phải “một con số” mà phải cụ thể, chỉ nên 4%/năm, bội chi ngân sách 3%...
Chính phủ cần tạo cho được niềm tin của người dân vào đồng tiền, để người dân bỏ tiền ra đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị gia tăng mới chứ không phải chủ yếu là đầu cơ hoặc tích trữ vào vàng, đôla, bất động sản để không bị lạm phát tước đoạt tài sản...
* Như vậy, theo ông, thông điệp lớn nhất của việc tái cơ cấu nền kinh tế phải bắt đầu từ hành động gì?
- Thông điệp về tái cơ cấu kinh tế, ổn định vĩ mô phải rõ ràng và được chứng minh bằng sự kiên nhẫn, quyết tâm. Phải có tầm nhìn dài hạn và phải hiểu rằng dù anh có nới cũng chỉ giúp một chỗ đó chứ không thể cứu được toàn bộ nền kinh tế và chỉ cứu được trước mắt chứ không thể cứu được lâu dài.
Cán bộ quản lý cũng nên hiểu việc vốn vào chỗ này hay chỗ kia là việc của thị trường chứ không phải việc của bộ này, bộ kia. Việc của Nhà nước lúc này là thắt chặt vốn lại, chặn khả năng vốn “lách” vào khu vực nhiều nguy cơ, còn vốn thị trường sẽ phải tự biết cách đưa vào chỗ nào hiệu quả. Cần kiên trì mới ổn định được đồng tiền, tạo cơ sở cho tái cơ cấu nền kinh tế.
* Đề xuất 10 điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng không nên đầu tư vào khu vực doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả vốn đầu tư nhà nước, cách tiêu tiền của Chính phủ cũng phải xem lại?
- Phải thay đổi cách tiêu tiền, phân bổ nguồn lực. Chúng ta đã công nhận vốn đầu tư nhà nước còn kém hiệu quả và đã nói điều này từ lâu rồi. Vậy cần làm gì? Theo tôi, đầu tư nhà nước phải khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, không đồng bộ, cả vào dự án không cần thiết, không hiệu quả.
Rõ ràng việc này không thể xử lý bằng việc rà soát lúc này, cắt giảm đình hoãn lúc khác. Cần thay đổi cả cơ chế đầu tư vốn nhà nước. Một trong những cái cần thay đổi trong đầu tư là trung ương phải làm nhiều hơn, cần có những dự án, ngành ưu tiên với những tiêu chí hiệu quả hàng đầu.
Có hàng trăm dự án hạ tầng, ai cũng nói cần cả. Nhưng không thể vì tắc hàng ở Hải Phòng, TP.HCM mà làm 10-20 cảng trên khắp nước, hay làm hàng loạt sân bay. Có thể chỉ làm 3-4 cảng thôi, thậm chí không hiệu quả thì kiên quyết không làm.
Đầu tư công chiếm số lượng vốn rất lớn. Vì vậy, nếu cải thiện được hiệu quả nó sẽ cải thiện được rất nhiều về môi trường kinh doanh và hiệu quả nền kinh tế.
Phải giúp khu vực tư nhân bớt “yếu thế”
* Ủy ban Kinh tế cho rằng cần cải cách doanh nghiệp nhà nước, không nên thành lập thêm tập đoàn. Việc cải cách cần nhằm vào đâu cho hiệu quả?
- Hãy đặt các doanh nghiệp này vào áp lực cạnh tranh, và muốn thế Nhà nước cần để các doanh nghiệp này phải bình đẳng trên thực tế về cơ hội kinh doanh, về tiếp cận vốn, đất đai... Họ phải đối mặt với rủi ro của thị trường và họ phải thay đổi cách ứng xử.
Nếu làm tốt họ sẽ được hưởng; nếu không cố gắng, làm không tốt, họ sẽ bị thị trường trừng phạt và họ phải trả giá, bị phá sản như những doanh nghiệp bình thường khác.
* Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII cho thấy các tập đoàn, tổng công ty có vấn đề trong việc kê khai, nộp thuế? Chúng ta đã tăng giám sát sau vụ Vinashin nhưng vẫn chưa đủ?
- Cần công khai hơn nữa về các tập đoàn. Chúng ta có quy định các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng những nhu cầu về công khai, cáo bạch, kiểm toán rất khắt khe. Mà công ty niêm yết chỉ là của vài chục ngàn cổ đông. Các tập đoàn là sở hữu của toàn dân, hàng triệu người, nên đáng ra phải công khai hơn.
Nên trước mắt, tôi cho rằng cần quy định các tập đoàn phải công khai, đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch thông tin như các công ty niêm yết. Khi đó sẽ có thị trường, hàng triệu con mắt giám sát giúp Nhà nước phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai sót, khả năng đổ vỡ như Vinashin...
Việc này nghe thì đơn giản, cũng không có gì khó làm, nhưng tôi tin nếu làm được sẽ là cú nhảy vọt, cuộc cách mạng đối với các doanh nghiệp nhà nước.
* Ngoài cải cách doanh nghiệp nhà nước, để tăng hiệu quả, cần phải tăng hỗ trợ khu vực tư nhân với hiệu quả đầu tư đang cao hơn?
- Đúng. Nhưng theo tôi, muốn phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì hỗ trợ nó chỉ là một phần mà phần quan trọng hơn phải cải tạo khu vực doanh nghiệp nhà nước để khu vực này không chèn lấn. Hiện khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm dụng tỉ lệ vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh rất lớn trong khi các nguồn lực trên là hữu hạn.
Nhiều khu vực tư phải tìm cách chui vào vỏ bọc nào đó để tiếp cận được các cơ hội trên hoặc chỉ là để được nhận lại các cơ hội do doanh nghiệp nhà nước ban lại.
* Phải chăng doanh nghiệp tư nhân vẫn có vai trò chưa tương xứng đóng góp và cần có cơ quan mạnh mẽ hơn giúp đỡ họ?
- Trong quan hệ với Nhà nước, khu vực tư nhân luôn yếu thế, thậm chí “thấp cổ bé họng”. Vì vậy, tôi cho rằng nên thành lập tổng cục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. Các cơ quan quản lý hành chính, dù pháp luật quy định thế nào nhưng thực tế luôn ở thế “bề trên” doanh nghiệp. Quan hệ đôi bên không thể bình đẳng.
Vì vậy, cần một đối trọng đủ mạnh, cũng trong Nhà nước để bảo vệ khu vực tư nhân. Vai trò tòa án hành chính, hiệp hội còn chưa lớn nên để một tổng cục giải quyết với các cơ quan nhà nước khác những vướng mắc vốn rất lớn của doanh nghiệp tư vẫn là cách làm nhanh gọn, hiệu quả nhất.
* Cuối cùng, theo ông, nhiệm vụ hàng đầu, có thể lấy làm tiêu chí đánh giá thành công của Chính phủ mới tới đây, chính là có tái cơ cấu nền kinh tế thành công hay không?
- Tôi nghĩ nhiệm vụ năm năm tới trọng tâm phải là tái cơ cấu nền kinh tế. Năm năm có thể chưa xong nhưng những hành động, kết quả ban đầu thì hoàn toàn có thể đánh giá được. Tôi cho rằng cần có cơ quan điều phối việc tái cơ cấu vì đây là nhiệm vụ cả một giai đoạn.
Cần có một cơ quan trung ương đủ mạnh về thẩm quyền, có thể là bộ hoặc ủy ban phát triển kinh tế để điều phối, tổ chức thực hiện, đánh giá việc tái cơ cấu để điều chỉnh, tránh chệch hướng.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Diễn biến lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay - Ảnh: T.V.N. - Đồ họa: N.K.
Vốn, lãi suất đang gây áp lực cho doanh nghiệp
Ngày 28-7, tại buổi báo cáo tổng kết sáu tháng đầu năm và phương hướng hoạt động sáu tháng cuối năm 2011, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết vấn đề vốn, lãi suất sẽ tiếp tục là thách thức của doanh nghiệp trong sáu tháng còn lại của năm.
Phần lớn các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình cảnh loay hoay, mất phương hướng do mặt bằng lãi suất cao, áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, tình hình dịch bệnh...
Bối cảnh của nền kinh tế hiện nay không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư phát triển, thậm chí một số phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trong sáu tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp lẫn số vốn đăng ký mới đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội cho biết để “cấp cứu” cho doanh nghiệp, nơi này cũng có kiến nghị thành phố lập quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) với mức lãi suất ưu đãi, cùng các điều kiện, thủ tục không quá phức tạp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

 Bài 4: 5 thách thức đặt ra với Chính phủ mới

Bất ổn kinh tế vĩ mô, tham nhũng, nhóm lợi ích, chênh lệch giàu nghèo và chủ quyền là 5 thách thức cần Chính phủ giải quyết trong nhiệm kỳ mới để đưa đất nước vượt qua vùng "nguy hiểm", theo chuyên gia Phạm Chi Lan.

 

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm kinh tế, gắn bó cùng doanh nghiệp và tư vấn chính sách cho Chính phủ, bà Phạm Chi Lan chia sẻ với VnExpress.net kỳ vọng của mình về Thủ tướng và bộ máy điều hành mới.
Chuyên gia Phạm Chi Lan:
Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Thập kỷ tới là thời gian vô cùng thách thức với Chính phủ và Quốc hội". Ảnh: T.T.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ 5 năm tới của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Cũng vì thế mà nhiệm vụ và thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành mới vô cùng nặng nề.
Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới chính là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn nhà nước... Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới chúng ta khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm. Một vị cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam sau khi thoát bẫy nghèo có thể tiến tới "vùng nguy hiểm" trong thập kỷ này. Vùng nguy hiểm được ông ấy phân tích chính là việc chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo và bắt đầu đặt chân vào mức thu nhập trung bình thấp, nếu không vượt qua được sẽ lại rơi vào điểm nghèo hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ không thể hóa rồng mà chỉ ngấp nghé như Malaysia hay Thái Lan hiện nay mà thôi.
Suốt 4 năm qua, kinh tế của chúng ta luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ năm 2007, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mọi thứ đều thuận lợi, nhưng những năm sau đó khó khăn chất chồng. 2008 thì bất ổn vĩ mô nặng nề, lạm phát phi mã, nhập siêu cũng cao đỉnh điểm. Bước sang 2009 thì kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khốn đốn, tăng trưởng không âm như các nước nhưng ở mức thấp kỷ lục. Đến năm 2010, tình hình cũng không tốt đẹp. Năm nay lạm phát lại cao, và những bất ổn vĩ mô thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả năm 2008.
Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tương đối cơ bản để ổn định vĩ mô, nhưng quá trình thực hiện chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn đầu 2008 chúng ta đưa ra 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng đến cuối năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta lại bắt đầu thiên nhiều hơn về tăng trưởng, để rồi phải đưa ra các gói kích thích kinh tế hàng tỷ đôla. Cái giá để chống suy giảm như vậy quá đắt, hơn nữa nó lại thủ tiêu những nỗ lực thắt chặt, bình ổn trước đó.
Năm nay cũng vậy, Nghị quyết 11 là ví dụ điển hình của việc đưa ra giải pháp trúng nhưng chưa được thực hiện triệt để, hiện mới tập trung nhiều ở lĩnh vực tín dụng. Thực hiện thắt chặt tín dụng cũng còn méo mó. Lẽ ra cần kiểm soát những lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhưng chúng ta lại thắt đại trà ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi ngân hàng, cho dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho xuất khẩu, để rồi nhiều doanh nghiệp nguy cơ chết oan.
Tuyên bố trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cũ cho thấy Chính phủ đã nhận thấy những điểm chưa được trong quá trình triển khai 6 nhóm giải pháp vừa qua. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này với tinh thần cương quyết hơn, đồng bộ hơn. Khi dùng các giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô ắt sẽ có nhiều lời kêu than. Nhưng tôi tin Chính phủ đủ công minh để xem xét đâu là than vãn đáng nghe, lời kêu đáng cứu. Tôi cũng tin Chính phủ có đủ năng lực quản lý, lắng nghe và sàng lọc những người có đủ năng lực điều hành kinh tế. Không thể để nền kinh tế của 86 triệu người bị ảnh hưởng bởi một vài người không đủ năng lực.
Thách thức thứ hai chính là tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi, nhưng như một vị lãnh đạo cấp cao đã thừa nhận việc chống tham nhũng còn ít so với mong đợi và còn nhiều khó khăn trước mắt.
Tham nhũng hiện nay biến tướng phức tạp ở quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Trong lịch sử chưa có vụ thất thoát nào lớn như Vinashin. Riêng chuyện nợ nần dây dưa giữa hai tập đoàn nhà nước là Petrovietnam và EVN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có tham nhũng đất đai, tài nguyên thiên nhiên gây khiếu kiện kéo dài.
Tham nhũng sẽ làm lãng phí tài nguyên, nguồn lực của đất nước và về lâu dài sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của dân trong nước cũng như cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Muốn có tăng trưởng phải có nguồn lực, nhưng nếu nguồn lực bị lợi dụng, bị tham nhũng thì người dân sẽ không còn nhiệt huyết tham gia đóng góp nữa. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm im lặng thì nay họ đã phải nói thẳng ra quan ngại của họ về vấn nạn tham nhũng.
Bất bình đẳng gia tăng cũng là một thách thức mà theo tôi Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ phải "nhức đầu" nhiều, phải cố gắng lo sao cho giảm bớt bức xúc của người dân. Điều này thực sự rất đáng tiếc. Trong suốt 25 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá cao về việc vừa tăng trưởng, vừa xóa đói giảm nghèo. Xóa đói giảm nghèo xét ở một góc độ nào đó có ý nghĩa như việc thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội.
Bất bình đẳng lớn nhất hiện nay chính là thu nhập. Điều tra mức sống trong dân của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tiến hành 2 năm một lần cho thấy rất rõ khoảng cách thu nhập và tiêu dùng giữa 25% giàu nhất và 25% nghèo nhất đang gia tăng rất nhanh. Nếu như 2006, khoảng cách tiêu dùng giữa hai nhóm này là 6 lần thì 2008 là 8 lần, và điều tra gần đây nhất đã là hơn 9 lần. Nếu nói về tài sản, khoảng cách này còn lớn hơn nhiều, thậm chí tới cả nghìn lần.
Bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua việc tích tụ tài sản đang tăng ở một số ít người, trong khi một số lớn người mất dần tài sản, dẫn tới khiếu kiện gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Nếu những người dân mất đất được bồi thường thỏa đáng, hoặc họ không cảm thấy mất mát quá nhiều, thiệt thòi quá đáng thì không đến nỗi có những chuyện khiếu kiện như vậy.
Giải quyết bất bình đẳng xã hội đòi hỏi trách nhiệm trực tiếp của Chính phủ, phải rà soát lại cơ chế, quá trình tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Quốc hội cũng rất lớn. Quốc hội rất cần quan tâm nhiều hơn và cùng với Chính phủ giải quyết, chứ không chỉ giám sát rồi chuyển sang Chính phủ xử lý. Những đại biểu, dù là doanh nhân tham gia vào Quốc hội cần phải nói lên tiếng nói của dân, những người bầu ra họ chứ không thể thờ ơ, vô cảm hoặc nói tiếng nói của những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Thách thức thứ tư với Thủ tướng và Chính phủ mới chính là nhóm lợi ích. Nhiệm vụ của bộ máy điều hành mới là phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, phải kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.
Thậm chí kể cả lợi ích cục bộ của địa phương, các ngành cũng cần phải xem xét, sắp đặt, điều chỉnh cho đi đúng guồng chung của đất nước. Khi đã phân định, giao cho các ngành, các địa phương thì các vị đứng đầu phải điều hành sao cho sự phát triển của các ngành, địa phương hài hòa với lợi ích chung của đất nước. Chứ không thể để xảy ra chuyện cả nước thắt chặt tín dụng mà Bộ Xây dựng lên tiếng muốn gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hoặc doanh nghiệp bất động sản vừa có đại diện trong Quốc hội đã ngay lập tức phát biểu thắt tín dụng bất động sản là không đúng.
Sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các bộ ngành cũng đang làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách. Tài khóa không đi đôi với tín dụng, trong khi vốn ngân hàng thắt chặt thì cắt giảm đầu tư công lại không như mong đợi, khiến lạm phát vẫn leo thang và nhiều khả năng không giữ được mức 17% vào cuối năm nay.
Biết bao nhiêu trường hợp người dân kêu ca nhưng các cơ quan chức năng đá bóng cho nhau. Mỗi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm một phần, Y tế, Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cũng có phần trách nhiệm. Nhưng rốt cục là chẳng ai chịu trách nhiệm trước người dân. Điển hình là vụ bức tử sông Thị Vải ở Đồng Nai, giữa Bộ và địa phương đá bóng cho nhau hoài mà không thổi phạt được Vedan, để đến mức phải sử dụng lực lượng xã hội, tức là phản ứng của người tiêu dùng tẩy chay mì chính Vedan thì họ mới chịu đền bù.
Câu chuyện này thể hiện rõ sự kém cỏi trong phối hợp giữa các cơ quan, mà nguyên nhân có thể là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh ở những người có trách nhiệm ở các bộ, các địa phương. Nếu không, xã hội sẽ quy cho anh chịu sức ép của nhóm lợi ích nào đó nên không dám nói, không dám làm.
Chính phủ nhiệm kỳ mới không dễ để xử lý những nhóm lợi ích đó. Nhưng tôi cho rằng, với bản lĩnh của mình, và khi đã rõ đường hướng, Chính phủ sẽ biết được đâu là những lợi ích cần được bảo hộ và không đáng để bảo hộ.
Muốn giải quyết vấn đề nhóm lợi ích, cách tốt nhất là dựa tối đa vào người dân, lợi ích của đông đảo người dân là lợi ích của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh tay, chấm dứt những yêu sách, đòi hỏi đi ngược lợi ích số đông, có như thế họ mới chùn tay. Nếu vẫn du di cho nhau, xuê xoa cho nhau thì nhóm lợi ích vẫn tiếp tục hoành hành theo cái cách của họ, ngày càng khôn ngoan hơn, trắng trợn hơn theo kiểu bất chấp tất cả.
Vấn đề cuối cùng, nhưng không phải là vấn đề kém quan trọng nhất, đó là Biển Đông, hay mở rộng hơn chính là chủ quyền đất nước. Trong đáy lòng mình, tôi rất tin Quốc hội và Chính phủ vừa qua đã biết lo, nghĩ về vấn đề hệ trọng này nhưng có nhiều điều khó, không nói ra được với dân. Nhưng hy vọng Chính phủ mới bộc bạch nhiều hơn. Có những điều không tiện nói ra một cách đông đảo nhưng không thể giải quyết bằng cách im lặng trước bức xúc của người dân, nhất là liên quan tới vấn đề hệ trọng của tổ quốc.
Người dân mình, khi đất nước lâm nguy cũng là lúc đoàn kết với nhau nhất, chung sức chung lòng nhất. Đây là cơ hội để nhà nước tập hợp người dân, cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề vận mệnh của đất nước.
Chính phủ và Quốc hội cần dành thời gian nhiều hơn để bàn bạc về vấn đề này, đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tự bảo vệ mình. Từng bộ, ngành cũng có trách nhiệm cụ thể. Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp Nông thôn phải làm sao để ngư dân ra biển an toàn, yên tâm sinh sống nơi biển đảo. Bộ Giao thông Vận tải phải làm sao để Vinashin làm ra những con tàu tốt.
Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm của mình. Suốt thời gian qua Bộ Công Thương ở đâu mà để thương lái Trung Quốc vào mua hàng hóa ngay trên đất Việt Nam không cần tư cách pháp nhân, không giấy phép và không nộp một xu thuế cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm gì không, thương lái Trung Quốc vào mua suốt từ Bắc tới Nam thì tiền ở đâu ra mà họ làm được như vậy? Trong khi đó, chúng ta lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền không chỉ dừng lại ở biển đảo, mà cần chú ý tới cả trong đất liền nữa.
Để giải quyết tất cả 5 thách thức đó, có lẽ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Ai cố tình hiểu sai, cố tình thực hiện sai thì phải trừng trị người đó, đấy mới là minh bạch.
Tôi mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Tôi hoan nghênh có những vị đã mạnh dạn đứng ra xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi để xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Một số ý kiến phản hồi:
Một thách thức quan trọng mà tác giả chưa đề cập đến là cơ cấu kinh tế và nguồn nhân lực.
Những năm qua đất nước ta đã xuất hiện rất nhiều đại gia cỡ tỷ phú đôla, tuy nhiên hầu hết họ đều là các đại gia bất động sản, từ những miếng đất canh tác được mua với giá vài trăm nghìn đến một triệu m2 sau một công đoạn hành chính và thị trường nó đều có giá từ chục triệu đến vài trăm triệu đồng m2... Các tỷ phú đại gia còn lại chỉ là các đại gia dịch vụ (Như viễn thông) hay khai khoảng (như dầu khí).
Chỉ khi nào đất nước này có những đại gia công nghệ, những tỷ phú đôla công nghệ thì chúng ta mới có thể hy vọng những bước đi vững chắc. Mảnh đát này rất màu mỡ cho một nền công nghệ, nhưng những hy vọng thì còn thật xa vời. Khi chương trình chính phủ điện tử ra đời tôi đã hy vọng nó có thể đẻ ra một đại gia công nghệ, nhưng tham nhũng và manh mún đã giết chết nó.

Ngày nay còn khó khăn hơn khi chúng ta nhìn vào nền giáo dục nuớc nhà. Tại sao chúng ta không thể có một vài trường đại học mà mỗi sinh viên ra trường đều là những người uyên bác, có thể thành thạo tin học nói được 2-3 ngoại ngữ, làm chủ được ngành nghề mà mình học. Phải bắt đầu ngay không có sẽ muộn mà trường đầu tiên phải là học viện hành chính quốc gia và học viện nguyễn ái quốc. Tôi mong sau 10-15 năm nữa mỗi học viên tốt nghiệp hai học viện đó phải là người đã tốt nghiệp một trường đại học kinh tế hay kỹ thuật dang tiếng, thông hiểu mọi mặt của các học thuyết và cơ chế hành chính của thế giới và làm chủ học thuyết Mác, tư tưởng Hồ chí minh và thông thạo 3-4 ngoại ngữ. Đó không chỉ là một công dân toàn cầu mà còn là một lãnh đạo tương lai toàn cầu, hãy bỏ ngay cách tiến bộ cha truyền con nối ngay bây giờ.
Lúc này đây lòng yêu nước của các lãnh đạo là tài sản mà đất nước cần nhất.
( Trần Văn Minh )
Theo ý kiến của tôi có một số giải pháp sau
1) Phải chú trọng phát triển khoa học kĩ thuật , có chính sách thu hút và sử dụng các nhà khoa học và các nhân tài , họ không phải lo lắng về kinh tế , vấn đề là họ phải lo làm khoa học và chuyển các công trình vào thực tế cuộc sống .Chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục , từ việc phân luồng đào tạo học sinh , tạo ra môi trường giáo dục và học thuật có tính lành mạnh và sáng tạo , phat huy đúng năng lực của mọi người . Đất nước chúng ta sẽ không thể phát triển nếu không có một nền khoa học công nghệ mạnh , một nền sản xuất mạnh . Nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế do nguyên nhân đó .
2) Phát huy tính dân chủ , lãnh đạo phải là gương về đức và tài , dám làm dám chịu và phải nghĩ đến văn hóa từ chức khi mình không còn xứng đáng , tuyển chọn những người tài giỏi nhất vào bộ máy nhà nước , sử dụng và có chính sách tiền lương phù hợp để họ chỉ lo cống hiến cho đất nước . Nghiêm khắc với nạn chạy chức chạy quyền và tệ nạn tham nhũng và lợi dụng chức vụ , dù bất kì ai và ở cương vị nào đều phải bình đẳng trước pháp luật . Minh mạch nền kinh tế , minh bạch chi tiêu công .
3) Sử dụng và khai thác tài nguyên hợp lý , chống ô nhiễm môi trường .
4) Giáo dục toàn dân nếp sống văn minh , giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp .
( Vũ Thị Huệ )
Tôi nhất trí bài viết của Bà Lan rất sát với thực tế >song Tôi cũng cần mạnh dạn góp ý kiến là :
1- Trước hết mỗi cá nhân thành phần của chính phủ phải đem lợi ích của tập thể trên hết tức là đem lợi ích của toàn dân.không được lợi ích cá nhân
2- Chống tham nhũng,ta có chống tham nhũng nhưng chưa quyết liệt chưa triệt để phải chống tham nhũng từ trên xuống tận cơ sở .mỗi một năm ta thất thoát rất nhiều tệ nạn này cũng làm ảnh hưởng nền kinh tế nước nhà.
3- Điều hành chính sách thời gian qua chưa tốt, nhất là mảng tài chính tiền tệ. Ta chủ yếu là chắp vá không có một biện pháp cơ bản nào mà là cào bằng những cái không nên thắt chặt cũng cho vào diện thắt chặt làm như vậy cũng ảnh hưởng nền kinh tế của nước nhà làm tăng lạm phát
4- Nhiều vị trong bộ máy điều hành, tôi để ý và đọc nhiều lần thấy các vị dự đoán sai số quá lớn làm như vậy ta đưa ra biện pháp không phù hợp chứng tỏ là quá kém, trường hợp này cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế dẫn đến lạm phát cao
5- các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động ai chịu trách nhiệm việc này? Các ngân hàng làm như vậy làm lũng loạn tiền tệ trên thị trường cũng làm ảnh hưởng nền kinh tế nước nhà lạm phát càng cao. Tôi đề nghị nhà nước cần nghiêm khắc đối với các ngân hàng
6- Giảm đầu tư công có nói nhưng không được là bao nhiêu so với ta dự tính bởi vì ta làm chưa được nghiêm túc .Nên cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế của nước nhà.
7- Nạn chạy chức chạy quyền khiến những người có đức có tài không được trưng dụng. Việc này cũng kéo nền kinh tế của ta đi xuống dẫn đến lạm phát tăng mất lòng tin đối với nhân dân
8- Điều hành kinh tế của ta rất lòng vòng ít thông thoáng hay đi vào vấn đề phức tạp Tôi lấy ví dụ : than nơi bán cứ bán ,chỗ nhập than cứ nhập???? Đường trong nước sản xuất ra để bà con nông dân có việc làm>Nay lại nhập đường về thì giá mía sẽ rẻ đi ??? Nước ta bờ biển dài mấy nghìn cây số Muối ta SX ra rất nhiều nay ta lại nhập muối về ???? mỗi người có cach giải thích khác nhau. Nhưng giẩi thích gì chăng nữa thì trên thế giới chỉ có duy nhât VN làm như vậy ??? dẫn đến nông dân không có việc làm đời sống khổ cực
9- Mỗi thành viên của chhính phủ dù bận thế nào đi nữa cần dành một ít thời gian đọc các loại báo và lắng nghe nhân dân góp ý mà không nên tự ái có thế mới rút được điều hay điều dở chứ.
10- Việc tăng lương chỉ là tình thế nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề Bà Lan và tôi nêu ở trên thì việc tăng lương cũng không giải quyết được gì.
11- Cần lắng nghe góp ý của toàn dân .Mong sao có nhiều biện pháp để giảm lạm phát và nâng cao đời sống của toàn dân được rõ rệt
( binh )

Bài 5: Người dân kỳ vọng những quyết sách của lãnh đạo mới

Người dân mong đợi lãnh đạo gần dân, lắng nghe dân, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để đưa ra những cải cách mạnh mẽ ổn định được tình hình kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện đời sống của người dân.

Tác giả bài viết, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Ảnh: Nhật Minh
Tác giả bài viết, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Ảnh: Nhật Minh
Với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ bầu ra đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ XIII.
Đất nước đang đứng trước thách thức lớn: nếu cương quyết cải cách toàn diện, triệt, chống tham nhũng, lãng phí, lạm dụng chức quyền vì lợi ích nhóm thì lòng tin của dân sẽ được khôi phục và nâng cao, các cơ hội mới có thể nắm bắt, kinh tế có thể ổn định và tăng trưởng bền vững, sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ có thể được bảo toàn.
Nếu không có những quyết sách mạnh mẽ, có hiệu lực thì tình hình đất nước có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn nữa và những thách thức mới có thể sẽ xuất hiện thêm cả về kinh tế, xã hội lẫn ngoại giao.
Điều đầu tiên là cần nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật, không được né tránh những điều gai góc nhất.
Rõ ràng là bên cạnh một số thành tựu nhất định, từ 2007 đến nay, đất nước ta đã có những biểu hiện khủng hoảng đáng lo ngại: lạm phát cao và lặp đi, lặp lại dai dẳng. Tăng trưởng kinh tế giảm dần mặc dầu vẫn duy trì mức đầu tư cao. Kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng: bội chi ngân sách cao trong khi thu ngân sách đã đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Nợ công và nợ nước ngoài tăng lên nhanh chưa từng thấy. Thâm hụt thương mại cao, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế lớn trong khi dự trữ ngoại tệ mỏng. Đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp. Tiết kiệm nội địa giảm sút trong khi tiêu dùng tăng lên với những biểu hiện rất không lành mạnh, chênh lệch giàu nghèo tăng lên.
Bộ máy nhà nước, đoàn thể tiếp tục phình to nhưng hiệu lực quản l‎ý nhà nước giảm sút. Cải cách kinh tế, cải cách hành chính ít có hiệu lực trong thực tế trong khi các công cụ hành chính bị lạm dụng trầm trọng. Việc thực hiện chức năng điều tiết, quản lý bằng các công cụ kinh tế, kiểm soát độc quyền, thực hiện công khai, minh bạch ít có tiến bộ. Mặc dầu công nghiệp hóa chưa cao nhưng ô nhiễm môi trường đã rất trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân ở cả thành thị lẫn nông thôn. Tình trạng tham ô, lãng phí không giảm, các biểu hiện trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong bộ máy diễn ra khá thường xuyên; phân cấp cho các địa phương nhưng thiếu điều hòa phối hợp vĩ mô dẫn đến các biểu hiện cát cứ, trùng lắp, lãng phí (sân bay, cảng biển...).
Tội phạm, các hành vi đâm chém, bạo lực diễn ra ngày càng nhiều, làm giảm trật tự và an toàn xã hội. Tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên, gây thiệt hại lớn cho kinh tế và xã hội. Kẹt xe, úng lụt ở các thành phố ngày càng nghiêm trọng gây bức bối cho người dân. Đạo đức suy đồi, các hiện tượng trái với luân thường đạo lý ngày càng diễn ra phổ biến trong khi thái độ thờ ơ, vô cảm trong xã hội tăng lên.
Chất lượng giáo dục - đào tạo kém, không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Các bệnh viện quá tải trầm trọng, người bệnh phải chi tiêu rất tốn kém, bệnh tật trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy người dân trở lại nghèo khổ.
Có các biểu hiện lợi ích nhóm ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước, đến quyết định đầu tư, quy hoạch sân golf, xây nhà máy thủy điện...
Nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc: nhập siêu quá cao, cơ cấu xuất - nhập khẩu thể hiện ngày càng tăng, kể cả nhập khẩu điện. Nhà thầu Trung Quốc đảm đương quá nhiều nhà máy điện, xây dựng tiến độ chậm, chất lượng thấp gây thiệt hại cho nền kinh tế, để thương lái Trung Quốc tự do thu mua hàng nông, lâm, hải sản khắp cả nước là những thiếu xót rất không bình thường.
Đất nước và dân tộc ta có tiềm năng và quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách nếu có quyết sách đúng đắn, khơi dậy sức sáng tạo, tính năng động, thực hiện các quyền dân chủ của người dân.
Người dân mong đợi lãnh đạo gần dân, lắng nghe dân, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để đưa ra những cải cách mạnh mẽ ổn định được tình hình kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện đời sống của người dân.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Bài 6: Giải bài toán Lạm Phát
Vừa kiềm chế được lạm phát, vừa giữ được tăng trưởng ở mức hợp lý vẫn là bài toán và thách thức không nhỏ đối với người đứng đầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nhiệm kỳ 2011-2016.
 
Thị trường vàng "nổi sóng" - điểm tối trong điều hành của NHNN khi lơi lỏng kiểm soát - ảnh: Anh Vũ

Phát ngôn ấn tượng

“Nếu có tiền tôi cũng mua cổ phiếu” 
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, ngày 26.3.2008, tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ QH


Trong nhiệm kỳ 2006-2011, ngành tài chính đã phần nào hiện đại hóa thủ tục hải quan, thuế để giảm bớt thời gian làm thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thông qua chương trình hải quan điện tử, lần đầu tiên có chính sách DN ưu tiên, thông quan sớm… Đã xây dựng được thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt, xây dựng chương trình quản lý nợ nước ngoài trung hạn 2008-2010, đề án giám sát nợ quốc gia... Riêng về lĩnh vực quản lý giá, ngành tài chính đã xây dựng được đề án lộ trình thực hiện giá thị trường đối với các loại hàng hóa và dịch vụ mà Nhà nước còn phải định giá, từng bước xóa bỏ độc quyền, trong đó có mặt hàng xăng dầu, điện…, xây dựng dự thảo Luật Giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh được Chủ tịch QH đánh giá: nghiêm túc thực hiện lời hứa tại kỳ họp QH vào tháng 11.2007.
Khó khăn nhất đối với ngành tài chính trong thời gian qua chính là việc lần đầu tiên thực hiện thả nổi giá các mặt hàng thiết yếu theo thị trường, Nhà nước chỉ điều tiết chung, khiến công tác quản lý giá gặp nhiều lúng túng. Biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn này là “vũ điệu” của giá xăng. Hai dấu ấn quan trọng là Tổ giám sát xăng dầu Liên bộ Tài chính - Công thương và Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được thành lập để điều hành sao cho giá xăng dầu không “giật cục” mà phải theo lộ trình. Nhưng với quỹ bình ổn, do cơ chế hoạt động, trích và sử dụng quỹ chưa rõ ràng, minh bạch nên đã bị các DN lợi dụng, sử dụng sai mục đích, trong đó có Petrolimex sử dụng sai 1.200 tỉ đồng.
Quản lý giá đã bộc lộ nhiều kẽ hở, dù đã có quy định đăng ký kê khai và niêm yết giá.
Đối với các chương trình hành động sắp xếp lại tài sản, nhà đất công, từ năm 2007 Chính phủ đã có chỉ đạo và phải hoàn thành vào 2010. Nhưng đến nay, chương trình này vẫn còn dang dở và dự kiến sớm nhất chỉ có thể hoàn thành vào cuối 2011.
Ghìm cương lãi suất
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khi nhậm chức phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: tiếp quản hệ thống NH có quản trị thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiện đại; dư nợ tín dụng tăng cao năm 2007, tăng trưởng 53% so với năm trước; các dòng tiền gửi của dân cư không chảy vào khu vực sản xuất mà chạy vào chứng khoán, bất động sản... Với quan điểm siết chặt lại hệ thống một cách quy củ hơn, NHNN đã ban hành được Thông tư 13 với chuẩn mực an toàn cao, tiệm cận với tiêu chí thế giới. Đặc biệt, tính thanh khoản của các NH được bảo đảm. Ở sát cuối nhiệm kỳ, NHNN đã ổn định được tỷ giá. Biện pháp cấm giao dịch USD trên thị trường tự do, hạn chế mua bán vàng, siết lại quota nhập khẩu vàng, siết tín dụng bất động sản… Kết quả, như Thống đốc NHNN chia sẻ, cái được là đã mua tăng được dự trữ ngoại hối gần 5 tỉ USD.
Nhưng xét cho cùng, cả nhiệm kỳ, lượng dự trữ ngoại hối đã không tăng được như mong muốn, nhập siêu cao.
Một tồn tại khác, NHNN lại chưa giải quyết được bài toán lãi suất cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. NHNN phải sử dụng các công cụ hành chính thay cho công cụ thị trường, khiến lãi suất của hệ thống NH và hệ thống tài chính bị méo mó. Sự gian dối, thỏa thuận lãi suất vượt trần đã lan từ tỷ giá, sang lãi suất tiền đồng rồi tiếp tục lan sang lãi suất ngoại tệ.
Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, sự đan xen giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, sự kết nối giữa tài chính - NH chưa được nhịp nhàng. Chính sách tiền tệ phải chạy theo tài khóa. Khi chi cho đầu tư công quá tay, tiền tệ lại phải nai lưng ra gánh, thắt chặt. Khi đầu tư công dàn trải, không hiệu quả, NH lại phải dẹp lạm phát sang một bên để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Các công cụ của chính sách tiền tệ thời gian này được sử dụng triệt để, trong khi đó chính sách tài khóa chi tiêu, đầu tư công… từ T.Ư đến địa phương chưa thực sự đồng hành cùng chính sách tiền tệ, dẫn đến “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 17%, nhưng hiện đã 14,61%, trong khi đó dư nợ tín dụng mới tăng 7,2% sau 7 tháng.

Những điểm sáng, tối
  Lĩnh vực ngân hàng
Điểm sáng
Điểm tối
- Giữ ổn định tỷ giá, siết lại hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do.
- Tăng cường quản trị hệ thống NH chuyên nghiệp, hiện đại.
- Nâng cao tính thanh khoản NH, siết tiêu chí an toàn, đảm bảo tránh rủi ro.
- Sử dụng nhiều biện pháp hành chính thay cho công cụ thị trường gây méo mó lãi suất.
- Chưa hoàn thành nâng vốn điều lệ các NH lên tối thiểu 3.000 tỉ đồng.
- Lãi suất cao, DN khó khăn.
 Ngành tài chính
 - Xóa bỏ phí, lệ phí thủy lợi; rà soát miễn giảm thuế, phí, lệ phí khác cho nông dân.
- Thực hiện đăng ký kê khai, niêm yết giá đối với các DN, các mặt hàng thiết yếu: xăng, sữa, sắt thép, xi măng…
- Hiện đại hóa thủ tục hải quan, thuế.
 - Cơ chế giá thị trường còn nhiều bất ổn, thiếu công khai,
minh bạch.
- Chưa hoàn thành sắp xếp, xử lý lại nhà đất công.
- Nợ công còn cao: năm 2007 - 33,8% GDP; năm 2008 khoảng  36,2%; 2009 - 52,6% GDP; 2010 - 56,6% GDP; năm 2011 dự kiến 58,7% GDP.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Con trai Hoài Linh tránh nghiệp hài, theo nghiệp hát

- Hoài Lâm, con trai của danh hài Hoài Linh chuẩn bị ra đĩa nhạc và vừa được giới thiệu như một ca sĩ trong đêm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng.
Không ít người tò mò khi thấy cái tên Hoài Lâm trong danh sách gồm nhiều ca sĩ thành danh tham gia đêm nhạc Xót xa, do Đàm Vĩnh Hưng tổ chức để giới thiệu album Dạ khúc cho tình nhân 5 - Xót xa vào tối ngày 26-7 tại Nhà hát TP.HCM. Hỏi ra mới biết, anh chính là con trai của danh hài Hoài Linh.
Trong đêm nhạc, Hoài Lâm thể hiện Xin vẫy tay chào (tác giả Tú Nhi), một ca khúc sẽ xuất hiện trong album sắp phát hành của anh.
Lâm còn song ca với Đàm Vĩnh Hưng trong ca khúc Giọt lệ đài trang của nhạc sĩ Châu Kỳ.
Mr. Đàm nói đây là ca sĩ mới của Công ty Tiếng Hát Việt.
Ở tuổi 16, Hoài Lâm có nhiều nét nhìn giống bố và chững chạc hơn so với tuổi của mình.
Mr.Đàm cho biết anh gặp Lâm khi cậu 14 tuổi và thấy ngạc nhiên khi nghe Lâm hát bằng một chất giọng đặc biệt.
Sự nâng đỡ của Đàm Vĩnh Hưng dành cho Hoài Lâm là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi danh hài Hoài Linh đã giúp đỡ Mr. Đàm rất nhiều để có được thành công như hôm nay.
Nếu các diễn viên trẻ như Hiếu Hiền, Gia Bảo nối nghiệp gia đình theo nghề diễn xuất, thì Hoài Lâm lại chọn con đường ca hát, dù bố anh là một danh hài nổi tiếng.
Hoài Lâm - con trai của danh hài Hoài Linh đã để lại ấn tượng tốt đẹp không chỉ bởi ngoại hình sáng, mà giọng hát cũng mượt mà đầy xúc cảm.



Từ Mỹ về Việt Nam năm 14 tuổi, Hoài Lâm từ đó đến nay có nhiều cơ hội khoe giọng hát với khán giả. Dù rất tin tưởng con trai là người có chất giọng tốt và có tố chất làm ca sĩ, nhưng ba Hoài Linh vẫn quyết định không cho con trai đi hát ngay mà giữ con lại rèn giũa thêm.




Sau hai năm học hành kinh nghiệm từ Mr Đàm, Hoài Lâm ngày hôm nay đã trưởng thành. Lần đầu tiên diễn trên một sân khấu âm nhạc lớn, Hoài Lâm xuất hiện không tránh khỏi cảm giác run rẩy. Nhưng anh đã rất nhanh lấy lại bình tĩnh để hoàn thành tốt phần trình diễn.




Ngày ra mắt của Hoài Lâm trước đông đảo khán giả trong chương trình của Mr Đàm nhận được nhiều sự tán thưởng của khán giả. Với cách hát tự nhiên, mộc mạc và đầy đặn cảm xúc, Hoài Lâm chinh phục người nghe bằng dòng nhạc pop ballad nhẹ nhàng.


Trước đó anh cũng đã có một màn song ca ấn tượng với Mr Đàm qua nhạc phẩm Giọt lệ đài trang.


Lần đầu hát cùng Mr Đàm, giọng ca trẻ Hoài Lâm vẫn thua kém nhiều so với thầy. Nhưng bù lại, Mr Đàm rất hài lòng về màn trình diễn cảm xúc của Hoài Lâm, một học trò mà anh rất ưng ý và tin tưởng làm lên chuyện.


Chia sẻ về Hoài Lâm, Mr Đàm cho biết ngay từ khi gặp và nghe Lâm hát, anh đã rất ấn tượng với giọng hát mới lạ khiến anh không thể quên. Anh quyết định nhận Hoài Lâm làm học trò để chỉ dạy và định hướng con đường ca hát cho Hoài Lâm. Sau thời gian dài khổ luyện, Mr Đàm đã mạnh dạn giới thiệu giọng ca này trước công chúng. Sắp tới, anh cũng có nhiều kế hoạch giới thiệu giọng hát Hoài Lâm đến với khán giả.











Nắm tay và làm tình

Có một người bạn tôi thổ lộ, cô ấy yêu anh bạn trai suốt một năm, mà mới chỉ nắm tay, còn chưa hề hôn. Tôi hỏi cô bạn, thế giờ là năm nào, cô ấy trả lời là năm 2004. Cô ấy không còn trinh, cô ấy từng có bạn trai, nhưng cô ấy chấp nhận chỉ nắm tay người yêu mới suốt một năm, mà vẫn chưa vội hôn.
Từng có người bạn viết một bài, nói con trai thường nắm tay cô ấy lúc đi qua đường, lúc đi dạ hội, lúc đi xem phim ma ở rạp, và bảo cô, nắm tay hay không nắm tay rất quan trọng.
Tôi nhớ về khi còn yêu, những phút làm tôi cảm động nhất, đều có liên quan đến cái nắm tay.
Lần đầu tiên tôi nắm tay bạn trai trong mối tình đầu, tôi xấu hổ đến mức độ cứ cúi gằm xuống, hồi hộp lo lắng nên ra cả mồ hôi tay, dường như lúc đó là tuyên bố: “Chúng ta sẽ cùng bên nhau!”, và trái tim tôi đập vội vàng cuống quýt đến gần tắt cả thở.
Tôi rất thích người bạn trai lúc đó, khi đi đường, bước chân anh ấy rộng hơn vượt lên tôi, thì tay vẫn nhớ đưa về sau, lòng bàn tay hướng lên trên, ngầm nói với tôi rằng em ơi, đưa tay đây cho anh. Cái cảm giác đó êm ái lắm.
Tôi cũng thích lúc đi ăn cùng bạn bè, người yêu tôi lén nắm tay tôi dưới gầm bàn, và cả hai thậm chí không nhìn vào mắt nhau, mà qua hơi ấm lòng bàn tay anh ấy làm tôi hiểu rằng anh đang ở bên tôi.
Khi đi xe máy, anh ấy buông tay trái ra nắm lấy tay trái tôi, lúc lái ô tô, anh sẽ buông tay phải ra nắm lấy tay phải tôi. Tôi thích bàn tay rộng lớn của một người con trai, ngón tay dài, lòng bàn tay chắc chắn, để tôi cảm nhận được sức mạnh của anh, và yên tâm dựa vào trong vòng tay anh.
Mỗi lần mùa đông, tay người bạn trai là lò sưởi của riêng tôi, cho dù trời lạnh thế nào, cho dù là mười độ dưới không, tôi đều có hơi ấm của anh. Mà hơi nóng của lòng tay người con trai bạn yêu thường vừa đủ ấm, cho dù người con trai khác cũng có thân nhiệt như thế, thì bạn cũng chỉ quen với hơi ấm của người yêu thôi.
Khi chúng ta lớn lên, làm người trưởng thành, nhịp điệu của tình yêu trở nên vội vã hơn, và một cái nắm tay đã trở nên không còn nhiều ý nghĩa nữa, bạn có thể thấy một cái nắm tay sao dễ dàng, hoặc nó chả còn biểu lộ cái gì nữa. Khi chúng ta ở cạnh nam giới, có thể tất cả không còn bắt đầu bằng cầm tay nữa. Mà có thể tình yêu sẽ bắt đầu từ một cái hôn, hoặc là ta có thể làm tình với một người con trai, rồi mới yêu anh ta.
Hoặc thậm chí, cái gì cũng đã “trao” rồi, nhưng vẫn không hề yêu anh ta một chút nào.
Tôi cũng nghĩ đến rất nhiều người đàn ông, họ có thể đồng ý hôn một cô gái, làm tình với cô ta, nồng nhiệt như những tình nhân hạnh phúc nhất, thế nhưng chưa chắc anh ta đã chịu công khai nắm tay bạn trước đám đông.
Chúng ta đã bắt đầu quen với những quan hệ tình cảm phức tạp, quen dần cả những quan hệ quá sâu về xác thịt, nhưng chúng ta lại bỏ qua một cái nắm tay giản đơn. Hoặc có thể ta không bỏ qua, ta chỉ không coi nó là một cái gì quan trọng và cần thiết.
Tôi nghĩ, nắm tay hẳn rất đơn giản, nhưng nó chính là một thứ quan hệ xác thịt khó thực hiện nhất.
Chúng ta có thể dễ dãi nắm tay bất kỳ người nào, nhưng chúng ta không dễ dãi làm tình với bất kỳ người nào.
Ngược lại, chúng ta có thể rất dễ làm tình với một người nào đó, nhưng chúng ta lại rất khó nắm tay một cách giản dị và thiết tha với họ.
Tôi nhớ lại những người con trai đã yêu tôi, họ rất ít nắm tay tôi, và khi đi đường, đại đa số là tôi chủ động nắm lấy tay họ.
Họ vì là người chững chạc, trưởng thành, nên không còn bột phát và chủ động, tôi đã không bao giờ nói với họ rằng, tôi mong biết bao người yêu đưa tay dắt tôi trước, chủ động nói anh yêu em, chủ động nói anh trân trọng em biết bao, anh cần em biết bao. Mặc dù tôi là một cô gái rất tự tin năng động, nhưng tôi rất cần bạn trai chủ động, anh hãy cho tôi sức mạnh để tôi yêu anh đi.
Không lẽ nắm tay, nói yêu tôi lại khó khăn thế? Phụ nữ dù đã chững tuổi, hay còn thơ ngây, cái phụ nữ cần rất giản đơn.
Có nhiều khi trên đường về, những cái nắm tay của những đôi vợ chồng già đã làm tôi cảm động. Có bao nhiêu người trên thế giới già rồi, đi không nổi nữa, nhưng vẫn được một bàn tay nắm dìu đi chầm chậm? Trong cả cuộc đời này, đến khi bạn già, xấu xí, bệnh tật đầy, bước đi thập thễnh, anh ấy sẽ còn ở bên bạn nắm tay bạn chăng? Cho nên mỗi khi nhìn thấy những đôi vợ chồng già tôi thường mỉm cười, nhưng không ngăn được nước mắt thấm ướt mi.
Có người nói với tôi, làm tình xa cách hơn nắm tay. Tôi không hiểu, tôi nghĩ làm tình thì phải gần gũi hơn nắm tay chứ. Không phải chúng ta vẫn phân loại tình cảm theo thứ tự này: Nắm tay – ôm – hôn – âu yếm vuốt ve – làm tình. Rõ ràng làm tình chứng tỏ tình yêu sâu sắc hơn nắm tay chứ?
Không đâu.
Thật sự là không đâu.
Có những người làm tình trước, nắm tay sau. Cũng có người hôn trước, rồi mới cầm tay. Nếu sau đó chúng ta yêu nhau, thì thứ tự trên chẳng còn gì là quan trọng nữa. Nhưng bạn có phát hiện ra rằng, rất nhiều người họ muốn bí mật làm tình cùng bạn, nhưng lại không đồng ý nắm tay bạn giữa đám đông?
Mà những gì còn lại ngọt ngào trong trái tim người con gái, không hẳn là lúc làm tình, mà thường là lúc bạn trai nắm tay thật chặt, thật sát, khi dọc đường, khi trên xe, hoặc cái nắm tay ngay cả lúc đã ở trên giường. Như thể qua lòng tay ấm truyền cho mình cảm giác, anh ấy yêu chân thành.
Nếu một cái nắm tay có thể làm mình cảm động, nếu tình yêu có thể đơn giản như thế, thì có thể, cái nắm tay còn quan trọng hơn chuyện lên giường.
(Trang Hạ lược dịch)
từ diễn đàn Saycoo – Đài Loan

Tay – Mạc Văn Uý (HongKong)
1. Là tay anh từng vuốt ve đôi mày Em
Nhưng cũng là tay anh buông tay Em
Trái bóng xù hơi, hơi ấm co dần trong đôi tim
Anh trước sau vẫn chỉ cúi đầu, tay anh ôm tay anh.
2. Qua khung cửa này, người qua đoán ta là bè bạn
Những bạn thường, những bạn chẳng gật đầu nhìn nhau
Trên thượng du ký ức, có gì xâu vào tim Em
Phải chính đôi tay anh Em từng đã thân thương?
ĐK: Nhưng từng nắm tay anh, ngày sau Em biết ủ trong tay ai?
Anh sao không tự hỏi, vì sao ta đã dắt tay nhau?
Và vì sao, sau này không còn sau này, thậm chí tay không vẫy tạm biệt?
3. Là tay anh, đã ôm Em vào ngực
Nhưng tay ấy từ giờ sẽ không tới gõ cửa
Nỗi đau dâng nghẹn giữa cổ
Anh chỉ khoanh tay đứng nhìn xa lạ.
ĐK: Nhưng từng nắm tay anh, ngày sau Em biết ủ trong tay ai?
Anh còn nhớ lần trước ta nắm tay nhau là lúc nào không?
… Và vì sao ta lần đầu nắm tay nhau?
…Và chia tay đâu cần lý do…

CƠN GIÓ LẠ!!!!

- Làm bồ của anh nhé!
- Làm bồ?
- Anh không đùa đâu, anh nói thật đấy.
- Ơ kìa, em có đùa đâu, em nói thật mà, ừ thì làm bồ. Thế làm bồ là như thế nào ạ?
- Làm tất cả những gì như em làm với người yêu, nhưng chỉ là bồ, không phải người yêu, thế thôi.
- Anh nói thật đấy à.
- Ừ anh nói thật
- Tại sao? Anh có người yêu rồi, em cũng thế, sao anh còn cần bồ làm gì?
- Vì anh thích em.
- Thích em, nhưng… À anh này, anh vừa phải thôi, anh đừng đưa em vào tròng, đừng nghĩ em trẻ con mà trêu em nhá. Em không bị anh lừa đâu.
- Anh không đùa, anh nói thật. Anh thích em, anh thoải mái khi ở bên cạnh em, cách nói chuyện của em khiến anh vui. Anh muốn gần em hơn. Anh có thể nói hết với em mọi thứ không dè dặt, không che đậy, ở bên em anh thật hơn, không phải chỉn chu như ở bên cạnh người yêu anh.
- À, em hiểu rồi. Làm bồ như một người bạn để chia sẻ chứ gì ạ. Em sẵn sàng. Em quý anh lắm, em cũng thấy rất thoải mái khi nói chuyện với anh.
- Còn nữa, làm bồ…sẽ giống như ở bên cạnh người yêu. Được ôm em, được hôn em…
- Vớ vẩn, không được. Sao anh lạ thế. Anh nói chuyện em chẳng hiểu gì cả. Nửa đùa nửa thật. Em chẳng thích thế này đâu.
- Anh thích em, thích được chăm sóc em như người yêu em, được em nũng nịu, được vỗ về em mỗi lúc em buồn. Được chạm khẽ vào tay em, và hơn thế nữa…
- Thôi anh đừng nói nữa, coi như em chưa nói chuyện với anh hôm nay. Anh suy nghĩ lại đi. Em bắt đầu ghét anh rồi đấy. Chào anh.
Trang đập mạnh chiếc điện thoại xuống mặt bàn, giận dữ và bối rối, cô chẳng hiểu sao hôm nay Tùng lại nói những điều như thế.
6 năm quen nhau từ hồi cấp 3, đó là một thời gian rất lâu với Trang, Tùng như một người anh lớn, rất đỗi thân thiết và tâm lý. Chu đáo trong từng cử chỉ, biết quan tâm và lắng nghe cô hơn một người bạn, sẵn sàng đưa cô đi chơi hay gọi điện cho cô những lúc cô buồn. Tất cả đều khiến Trang tin tưởng và quý mến anh. Còn đối với Tùng thì khác, ngay từ lần đầu tiên gặp Trang, ánh mắt trong veo, đôi môi đỏ mọng và cách nói chuyện thông minh của cô đã thực sự hấp dẫn anh, Trang như một ẩn số bắt buộc Tùng phải đi khám phá. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở sự quý mến và niềm đam mê vì cả Tùng và Trang họ đều đã có người yêu. Mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn nếu Tùng không thích Trang đến như vậy.
- Alo
- Em đây, Trang đây.
- Uh! Anh biết mà, sao vậy em, hết giận anh rồi hả, giận lâu dữ vậy trời. Coi như anh chưa nói gì nhé.
- Vâng
- Anh vui vì em gọi điện lại cho anh đấy cô bé ạ. Dạo này em sao rồi?
- Em vẫn bình thường anh ạ.
- …
- Uh, em có chuyện gì hả, giọng em buồn quá.
- Không …có gì đâu anh, em chỉ muốn gọi cho anh thôi…Thế thôi anh nhé, em chào anh.
Tít tít…
Ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra Tùng vội vàng bấm số gọi lại cho Trang, chắc chắn cô bé có chuyện rồi, lạ lắm, mọi ngày cứ líu lo sao hôm nay lại ít nói thế.
- Trang hả em, em có chuyện buồn đúng không? Kể cho anh nghe đi? Sao lại giấu anh thế?
- …Anh ơi… - Giọng Trang run lên, những tiếng nấc nghẹn ngào phát ra.
- Ừ anh đây, anh vẫn nghe em nói đây.
- Không có gì đâu anh ạ…. em với anh Nguyên, chia tay rồi.
- Sao lại thế? Anh không hiểu.
- Anh ấy phản bội em, anh ý có người yêu khác rồi anh ạ.
- Có chắc không em? Em nói chuyện với Nguyên chưa? Phải bình tĩnh em ạ, em nên tin người yêu em. Và cho nhau cơ hội.
- Anh ý bảo người ấy chỉ là bạn, là bạn mà có thể ôm, có thể hôn được hả anh?
- ....
Trang hét lên, những cảm xúc bấy lâu cô kìm nén vỡ òa, cô không muốn tin vào những gì mình chứng kiến nhưng tất cả là sự thật. Cô bị người yêu phản bội. Người mà ai cũng cho rằng anh ý hiền lành và trung thực dối lừa cô. Cô đau đớn và uất hận, cô căm thù con người lấy đi niềm tin vào tình yêu của cô. Cô muốn trả thù.
Lặng đi một hồi lâu để lắng nghe tiếng khóc của Trang, Tùng cảm thấy một nỗi buồn tê tái. Anh thương Trang, anh muốn ở bên cạnh cô, ôm cô vào lòng.
- Em nín đi, đừng khóc cho một người không đáng như thế nữa.
- …
- Vâng, em nín….Từ ngày mai… anh làm bồ của em nhé.
- Bồ ư, anh bảo anh đùa mà, quên chuyện ấy đi, anh coi em như em gái, bất cứ lúc nào em cần, anh sẽ ở bên em. Đừng nhắc đến chuyện hôm trước nữa em nhé. Anh đùa thôi mà.
- Nhưng em không đùa, em nói thật. Em cần. Em không muốn cô đơn.
- Thì anh vẫn ở bên cạnh em mà, anh sẽ lấp đi khoảng trống của em, được chưa cô bé.
- Không, thế chưa đủ, em muốn được đi chơi với anh như một người yêu. Được chăm sóc cho anh như với người yêu em. Được ôm và hôn anh khi nào em muốn.
- Em…em lấy anh ra để trả thù tình yêu hả? Hay trả thù Nguyên?
- Không… - Trang ngập ngừng.
- Đừng suy nghĩ như thế nữa em nhé, em ngủ đi. Mai anh sẽ qua đưa em đi chơi. Đừng khóc nữa, anh sẽ ở bên em. Em gái bé nhỏ ạ.
- Vâng, anh ngủ ngon.
Lần này, Tùng là người dập máy trước. Anh hiểu cảm giác của Trang, anh biết cô nói như vậy để trả thù Nguyên, anh hơi chạnh lòng, nhưng thực sự anh thấy vui và đến chính bản thân anh cũng không thể lý giải được điều này.
7 giờ tối hôm sau.
- Em muốn đi đâu?
- Đi xem phim được không ạ?
- Ừ được.
- Anh có sợ chị Linh nhìn thấy anh với em đi cùng nhau không? Nhỡ bạn bè người quen biết được thì sao anh?
- Sợ gì hả em, Linh hiểu mà, anh cũng kể với Linh về em. Linh bảo quý em lắm đấy.
-Thật vậy ạ?
- Ừ, thật.
Vừa đến cửa rạp chiếu phim, Trang đã nhảy phắt xuống xe, cô đưa tay chỉ chỉ vào hầm để xe.
- Anh gửi xe đi em đứng đây chờ anh nhé.
- Ừ, chờ anh nhé.
Đôi má lúm đồng tiền của Trang làm cô bé trở nên rất đáng yêu, mới hôm qua còn khóc thế mà hôm nay Trang như một con người khác hẳn. Cô vẫn lí lắc như mọi ngày. "Chắc cô bé không muốn thể hiện là mình buồn rồi về nhà lại khóc một mình cho mà xem", Tùng nghĩ thầm trong bụng như thế. Đây là lần đầu tiên cô và anh đi xem phim, mọi lần hai người chỉ toàn đi ăn rồi đi uống café, đến những nơi để có thể nói chuyện được, vì Trang sợ mọi người hiểu nhầm. Sợ ai đó nhìn thấy mình vừa chia tay người yêu đã đi với người khác.
- Anh ơi, xem phim này nhé.
- Phim ma hả em, có sợ ma không mà dám xem.
- Hì, em có sợ, nhưng có anh đi cùng, em ứ sợ.
- Ừ, hôm nay cô thích gì tôi cũng chiều hết.
- Thế mua vé xong, anh mua bắp rang bơ với cả pepsi cho em nha.
- Dạ vâng ạ ạ ạ. - Tùng kéo dài giọng ra khiến cả hai người cùng bật cười
Anh cảm thấy vui vui, lâu quá rồi anh chưa được đi xem phim, vì cả anh và Linh đều bù đầu với công việc, Linh cũng chẳng thích đi xem phim, cô cho rằng mình hết tuổi ấy rồi. Cô và anh thường đến nhà nhau, ăn tối và làm những việc chỉ người lớn mới hiểu. Yêu nhau cũng đã lâu nên cũng nhàn chán dần, ko ngọt ngào lãng mạn như hồi mới yêu. Vậy là quá đủ cho một buổi đi chơi.
Hai tiếng ngồi trong rạp trôi qua thật nhanh, một bộ phim chẳng có gì thú vị, tình tiết nhạt nhẽo, phim ma mà ma hiện rõ mồn một nhưng đôi bàn tay nhỏ bé của Trang đang siết mạnh lấy anh, cô bé có vẻ rất sợ hãi, mỗi lần Trang hét lên lại khiến anh bật cười. Thật ngộ nghĩnh, anh cảm giác trái tim mình đang loạn nhịp.
- Anh về nhé, em cám ơn, hôm nay em rất vui.
- Sao lại cám ơn, em không coi anh là bạn à. Hôm nay anh mời em đi rồi, hôm sau em phải mời anh đi chơi đấy nhé.
- Dạ, rõ ạ.
Tùng phóng xe đi về, mùi hoa sữa phảng phất trong không gian, anh thấy yêu đời lạ, Trang như một luồng gió mới thổi mát tâm hồn anh, một cảm giác mà lâu rồi anh chưa thấy có. Đang miên man trong cảm xúc lâng lâng bất ngờ chuông điện thoại reo, là Linh gọi.
- Alo, anh đây.
- Anh đang trên đường à, anh vừa đi đâu về thế?
- À, hôm nay phòng anh liên hoan, mọi người rủ nhau đi nhậu nhẹt em ạ! Sao thế tình yêu của anh?
- À không, chắc là nhầm anh ạ, cái Nga bạn em nó bảo nhìn thấy anh đi với cô bé nào đó vào rạp chiếu phim. Nhưng em nghĩ nó nhầm vì anh có bao giờ đi xem phim đâu.
- Ui, thế à, lạ nhỉ. Chắc nó nhầm thôi em ạ. - Tùng giật bắn người, một luồng gió lạnh chạy dọc sống lưng.
- Vâng thế thôi anh ạ, anh về nhanh đi anh nhé. Em ngủ đây, yêu anh nhiều.
- Ừ hôn em.
Linh vừa dập máy mồ hôi ứa ra ướt đẫm áo của Tùng, anh chưa bao giờ kể với Linh về Trang như những gì anh nói. Làm sao khi yêu ai có thể chấp nhận chuyện người yêu đưa một cô gái khác đi xem phim được chứ, nhưng làm sao Tùng có thể nói cho Trang là anh đang phải lén lút đưa cô đi chơi. Điều kiện không cho phép, nhưng anh cho rằng mình chẳng làm gì sai cả, chỉ là nên cẩn thận hơn cho các lần sau thôi.
Đã một tuần kể từ ngày đi xem phim, Tùng chưa gặp lại Trang, hai người vẫn gọi điện thoại và nhắn tin cho nhau như thường lệ. Nhưng Tùng bắt đầu cảm thấy một nỗi nhớ đang lớn dần lên, nỗi nhớ không mang tên tình yêu. Hôm nay Trang gọi điện và mời anh đi chơi, lần này không đi xem phim chỉ đơn thuần đi uống café, cô bé có vẻ gầy hơn, đôi mắt ẩn chứa một nỗi buồn sâu lắm. Anh muốn hỏi nhưng sợ sẽ khiến Trang buồn hơn nên lại thôi. Buổi nói chuyện không nhiều tiếng cười, chỉ là những khoảng lặng, anh để yên cho cô thả sức mà suy nghĩ cùng tách café được khuấy liên tục.
- Làm bồ thì có thể yêu được không hả anh?
- Không em ạ, bồ là bồ, còn người yêu là người yêu.
- Sao lại thế ạ? Anh chắc mình sẽ không yêu bồ chứ, có ai nói trước được gì đâu?
- Anh hiểu anh mà, anh biết phân biệt rõ ràng giữa thích và yêu, giữa người yêu và bồ em ạ.
- Uh, anh tự tin nhỉ.
- Anh chỉ nói thế thôi, còn em là em, em không phải là bồ của anh nghe chưa?
- Anh ko nói với chị Linh, Em cũng ko nói với ai. Mọi chuyện đều kín. Thì làm sao ai biết được.
- Như vậy chẳng khác nào nhăng.
- Em có nói vậy thôi chứ có gì đâu, ta về thôi anh.
Trang đứng dậy, cái thân hình nhỏ bé ấy thể hiện rõ cô đang mệt mỏi lắm, nhưng cô vẫn cười thật tươi với Tùng mỗi khi bắt gặp ánh mắt anh đang nhìn cô.
- Anh đội mũ bảo hiểm cho em đi.
- Hả, anh chưa đội mũ cho ai bao giờ đâu đấy, kể cả chị Linh.
- Thì anh đội cho em, có gì khó đâu mà.
- Ừ.
Vừa cúi xuống để gài dây mũ, Trang bất chợt thơm nhẹ vào má Tùng và nói khẽ: "Em thích anh, thật đấy. Từ mai em sẽ làm bồ anh." Câu nói và cái thơm bất ngờ khiến Tùng bất động. Anh đứng lặng im mất mấy giây, hạnh phúc xen lẫn bối rối. Anh giống đứa trẻ mới lần đầu biết rung động, tim anh như muốn nhảy ra ngoài ***g ngực. Anh muốn nói không, muốn từ chối lời đề nghị của Trang, nhưng chính sự tham lam của người đàn ông ngăn anh lại. Anh thích sự mới mẻ Trang mang đến. Anh gật đầu đồng ý. Kể từ giây phút ấy họ là tình nhân. Sự chung thủy đang dần bị phá vỡ bởi lý trí.
23 giờ 15
Tin nhắn của Trang
- Em nhớ anh
- Anh cũng thế.
23 giờ 30
- Em nhớ anh
- Anh biết rồi mà, anh nhớ Trang lắm.
- Em thích anh.
- Anh cũng thích Em nhiều lắm.
Tùng tủm tỉm cười, càng ngày anh càng cảm thấy thích thú với sự ngộ nghĩnh đáng yêu của Trang.
- Anh thích em nhiều lắm, em ngủ đi nhé. Hôn em.
- Ai cho anh hôn mà anh hôn. Thơm gió thôi. Xì. Em ngủ đây. Mai gặp lại anh nhé.
- Khoan đã, sao lại mai hả em?
- Mai rồi anh biết, anh ngủ đi.
- Mơ về Anh nhé.
11 giờ 30 trưa ngày hôm sau.
- Anh xuống dưới cổng cơ quan đi, em đang ở đấy.
- Sao em lại đến cơ quan anh?
- Anh xuống đi rồi biết.
Tùng vội vàng chạy xuống, anh không hiểu Trang đến cơ quan anh làm gì, mọi người ai cũng biết Linh là người yêu anh, anh sợ ai đấy nhìn thấy Trang rồi lại nói cho Linh. Anh thấy lo lắng thực sự.
- Sao mà anh phải vội vàng thế kia, em có bỏ đi khi anh xuống đâu.
- Vì anh không muốn em chờ lâu. Vừa nói Tùng vừa lấy tay lau những giọt mồ hôi đang rơi lả tả xuống mặt.
- Em nấu ăn trưa cho anh, anh ăn đi. Em về đây. Em bịt mặt thế này sẽ không ai nhận ra em đâu, anh đừng lo.
- Ừ, anh cám ơn, em về cẩn thận nhé.
Anh đứng nhìn theo bóng chiếc xe của Trang cho đến khi cô đi khuất, hộp cơm Trang làm cho anh thật ngon, Tùng cảm động lắm. Chưa bao giờ Linh làm như vậy với anh. Cầm hộp cơm trên tay anh thầm cám ơn Trang, anh thấy mình là một người may mắn.
Hôm sau nữa.
- Lạnh anh nhỉ.
- Ừ. Lạnh. Em ôm anh đi cho đỡ lạnh.
- Không.
- Thế để anh ôm em nhé. Có gì đâu.
- Vâng.
Tùng kéo tay Trang vòng lên để ôm lấy anh. Đôi bàn tay nhỏ bé của Trang và anh đan xen vào nhau. Khoảng cách giữa cô và anh bây giờ gần như không còn nữa. Chỉ còn thiếu một nụ hôn nữa thôi. Anh sẽ chính thức đạt được những gì anh mong muốn.
- Anh hôn em nhé.
- Sao anh hỏi kì thế, không, em không cho.
- Tại sao?
- Vì chưa lãng mạn. Vì nhanh quá. Em muốn tất cả diễn ra từ từ.
- Ừ thế thôi, anh thơm em vậy nhé.
- Uh.
Thơm nhẹ lên đôi má phúng phính của Trang, Tùng cảm thấy mình thay đổi khá nhiều. Không còn cứng nhắc và khô khan như những gì anh biết về mình, những hành động cử chỉ anh chưa từng có trước đây, những thứ anh cho là lố ngớ ngẩn, bây giờ anh làm rất thích thú nữa. 1 cảm giác mới lạ đang đến với anh dường như mới yêu lần đầu.
Hình ảnh Trang lấn chiếm dần trong tâm trí của anh. Lúc nào anh cũng muốn ở bên cạnh cô, đi cùng cô. Lúc nào cũng nhắn tin hỏi hăn quan tâm Trang. Không còn cảm giác tò mò muốn hôn lên đôi môi cô, anh muốn mọi thứ diễn ra thật chậm.
Những ngày tiếp theo, Tùng như quên đi mình có người yêu, anh tràn ngập trong những cử chỉ ngọt ngào dễ thương của Trang. Anh lạnh nhạt với Linh và ít quan tâm Linh hơn trước. Những tin nhắn ngộ nghĩnh, những hành động bất ngờ khiến trái tim của chàng trai 26 tuổi loạn nhịp. Không thừa nhận mình đang dần dần yêu Trang, anh vẫn nghĩ mình là một người biết phân định rõ ràng giữa cảm giác thích và yêu, nhưng những đêm trằn trọc vì nhớ cô khiến anh không thể lí giải nổi. Anh ghen với những ánh mắt khác nhìn Trang, giận dỗi khi cô có những tin nhắn tán tỉnh của những chàng trai khác, nhưng anh không có quyền, anh cố làm như không quan tâm. Trang không là người yêu, cô ấy chỉ là bồ, là người tình của anh mà thôi. Nên anh có chút giới hạn.
- Mưa quá để anh lấy áo mưa ra nhé.
- Không, trú mưa đi anh.
- Muộn rồi mà, em lạnh không? Có sợ về muộn không?
- Trú một tí thôi, không tạnh thì em với anh đi về. Em muốn đứng trú mưa với anh. Lạnh thì em ôm anh.
- Ừ. Dừng ở đây nhé.
Tùng vội vã táp xe vào một mái hiên bên đường. Những cơn giông mùa hạ bao giờ cũng dữ dội. Ôm Trang vào lòng, anh muốn che chắn cho những hạt mưa không làm cho cô thêm lạnh. Từ từ Trang nhướn người lên, chạm khẽ vào môi anh. Nụ hôn đầu tiên của hai người. Dưới những hạt mưa nặng trĩu hai người hôn nhau say đắm, một cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong Tùng. Anh nhận ra anh không chỉ thích Trang như anh nghĩ, đó là tình yêu. Anh rung động, anh run, những cảm xúc chỉ tình yêu đích thực mới mang đến cho anh. Anh nhớ mùi hương của Trang đến nồng nàn. Anh muốn Trang là người yêu anh thực sự.
- Anh và em chia tay thôi!
- Tại...tại…sao lại thế?
Chiếc cốc thủy tinh rơi xuống sàn vỡ toang. Linh ngước lên nhìn Tùng, nước mắt cứ thế chảy ra giàn giụa. Cô biết thời gian gần đây Tùng thay đổi, không còn được quan tâm vỗ về cô như ngày xưa, nhưng cô không bao giờ có thể tưởng tượng anh nói ra lời chia tay. Hơn 3 năm yêu nhau, bao nhiêu khó khăn trắc trở cô cùng anh vượt qua. Tin tưởng anh tuyệt đối, họ dự định cuối năm nay kết thúc bằng một đám cưới . Ai cũng khen tình yêu của họ đẹp. Vậy tại sao anh nói như vậy chứ?
- Anh không tốt, anh không xứng đáng với em…Anh xin lỗi, em không có lỗi gì cả. Là do anh, anh sai.
- Tại sao? - Linh hét lên, cô như điên lên sau câu nói của Tùng, cô chạy thẳng ra trước mặt anh.
- Hơn 3 năm yêu nhau, anh nói một câu anh sai là có thể chia tay được ư? Tất cả những kỉ niệm chúng ta có với nhau anh nói một câu anh sai là rũ bỏ được hết sao?
- Anh ơi, anh đừng như thế này, em sợ lắm, anh đang đùa em đúng không? Anh đừng đùa thế nữa. - Linh ôm chầm lấy Tùng, toàn thân cô run lên bần bật, tiếng nấc ngày một to hơn.
- Em bình tĩnh lại đi… - Giọng nói của Tùng run lên, những giọt nước mắt cũng đang lăn dài trên má anh. Anh cầm tay Linh đẩy cô ra.
- Em đừng khóc, em không có lỗi, là do anh. Anh xin lỗi em. Em khóc thế này, anh thương em lắm…
Đến đây, dường như cảm xúc dằn vặt tội lỗi khiến Tùng không còn kìm chế nổi nữa. Anh bật khóc, hai con người từng yêu nhau, từng hạnh phúc giờ đây đứng trước mặt nhau khóc. Khóc cho một cuộc chia ly. Chia ly hoàn toàn.
- Anh có người yêu khác rồi đúng không? - Linh cúi mặt xuống, bước lùi ra khỏi vòng tay của anh, gióng nói của cô bỗng nhiên đanh lại.
- Anh…
Chưa bao giờ Tùng thấy Linh giận dữ như vậy. Cô đẩy mạnh anh ngã xuống sàn.
- Anh đúng là không xứng đáng có được tình yêu của tôi. Đồ đểu.
Linh chạy nhanh ra khỏi cửa, bóng của người con gái đoan trang nết na ấy cứ ngày một khuất dần. Bỏ lại sau lưng một người đàn ông ôm mặt khóc, khóc ân hận cho tội lỗi mình gây ra. Anh không biết mình đang làm gì nữa. Khóc để chấp nhận từ nay sẽ mất hoàn toàn người con gái từng là của mình. Anh đau. Anh buồn.
- Trang, anh yêu em.
- Yêu em? Anh chỉ được nói thích em thôi. Anh có người yêu anh, em chỉ làm bồ của anh thôi mà.
- Không, anh chia tay chị Linh rồi. Anh muốn làm người yêu em thực sự. Thế nên Anh quyết định chia tay Linh để đến với Em. Muốn em là của anh. Anh yêu em mất rồi. Yêu nhiều lắm.
- Yêu?
Trang mỉm cười một nụ cười nửa miệng, cô nhìn anh, một ánh nhìn tinh quái. Chưa bao giờ cô nhìn anh như vậy, ánh mắt sắc lém, quái dị, anh thấy sợ anh mắt ấy.
- Anh biết không? Em từng hi vọng anh không giống như những người con trai khác, em vui nhiều lắm khi ở bên anh, ấm áp nhiều lắm khi được anh chăm sóc. Nhưng anh cũng như Nguyên, cũng sẵn sàng rũ bỏ hơn 3 năm tình yêu gắn bó với 1 người anh yêu để chạy theo một người con gái khác. Người đã tạo cho anh cảm giác mới mẻ.
- Đấy là ngày xưa thôi, ngày xưa anh ham hố, anh không tốt. Nhưng anh yêu em là thật.
- Anh đừng nói thế, đến khi anh gặp một người khác, người làm anh mới mẻ hơn em, thì em cũng như chị Linh thôi.
- Anh...
- Cuộc sống này để gắn bó với nhau đâu chỉ có 3 năm mà còn sống với nhau qua bao khó khăn khác cơ anh ạ. Làm sao e có thể tin rằng sau này 1 người đàn ông ko tôn trọng những gì họ đang có để chạy theo niềm vui mới chứ.
- Hãy nghe anh giải thích. Anh yêu Em thật lòng mà..!
- Không! Anh cũng đã rất yêu chị Linh. Và giờ Anh nói yêu Em ư? Làm sao E có thể chấp nhận tin được. Chỉ vui thôi Anh à.
- Em không tin anh sao?
- Tin ư? Em không tin anh. Tin sao được chứ khi anh có thể lừa dối người anh yêu trong suốt một thời gian dài như vậy. Giả sử chị Linh là Em và anh là Nguyên đi? Cảm giác bây giờ của chị ấy em hiểu mà.
- Cho anh một cơ hội, anh sẽ làm em tin anh.
- Không anh ạ, chưa bao giờ em nghĩ rằng mình yêu anh. Đã làm bồ không có chỗ cho tình yêu. Chúng mình chấm dứt chuyện này ở đây thôi. Từ mai, em không cần bồ nữa. Em đủ tự tin để bước tiếp rồi. Em sẽ lại yêu và chắc chắn không bao giờ em làm bồ của người khác nữa đâu anh. Em sẽ không dùng phép thử cho 1 t/y như này nữa. Chúc anh hạnh phúc.
- Trang....
Trang quay lưng bước đi, Tùng ngã khụy xuống đất. Tê tái và cô đơn bao trùm lên anh và cả không gian. Giờ đây chỉ còn lại một mình Tùng đứng trên con đường rộng thênh thang.
Anh từng nghĩ mình là một người may mắn, anh có tất cả người yêu và người tình, nhưng bây giờ anh là kẻ trắng tay.
Mất tất cả. Danh dự và niềm tin.
Mất hết những năm tháng bao năm anh đã tìm kiếm được gây dựng nó.
Một lần nữa anh khóc.
Những giọt nước mắt muộn màng..