Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Báo TQ nặng lời chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ

Việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clintion đưa ra bình luận về vấn đề Biển Đông vào hôm chủ nhật vừa qua đã bị Nhật báo Trung Quốc coi là động thái làm xáo trộn lần nữa vùng biển đã yên bình trở lại.

Trong bài bình luận đăng tải hôm qua (27/7), Nhật báo Trung Quốc đã ca ngợi việc nước này và ASEAN vào tuần trước ở Bali, Indonesia đã nhất trí về những hướng dẫn mới để thực thi Tuyên bố về các hành xử của các bên ở Biển Đông.

Tờ báo viết: "Lần đầu tiên, cơn bão trên Biển Đông trong suốt hai tháng qua bắt đầu có dấu hiệu dịu lại. Kết quả đáng ca ngợi này đại diện cho cam kết của các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp để giải quyết vấn đề theo con đường song phương và trong hòa bình". Tuy nhiên, nhật báo này bình luận: "Khi cây muốn lặng, mà gió chẳng muốn dừng".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp song phương tại Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters

Tờ báo nói rằng, đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc và ASEAN, với nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và bội ước tuyên bố của chính mình rằng, Mỹ sẽ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp, Ngoại trưởng Clinton đã khuyến khích phần còn lại của thế giới cân nhắc về vấn đề này và đảm bảo tranh chấp không vượt ngoài tầm kiểm soát. Báo này thậm chí còn nhấn mạnh, ngay cả khi Trung Quốc - ASEAN đạt được thỏa thuận, bà Clinton vẫn thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền "xác định rõ ràng và giải quyết vấn đề theo Công ước LHQ về Luật Biển".

Theo Nhật báo Trung Quốc, phát biểu của bà Clinton đã làm phức tạp thêm vấn đề và đẩy khu vực vào vòng xoáy tranh chấp một lần nữa.

Bài bình luận đăng trên báo này nhiều lần nhắc tới biện pháp ngoại giao và giải quyết vấn đề một cách hòa bình, rằng tranh chấp cần được xử lý ở mức độ song phương giữa các bên liên quan trực tiếp, và sự can thiệp từ bên ngoài trong vấn đề này không được hoan nghênh.

Tuyên bố chủ quyền phải gắn với bằng chứng pháp lý

Tại hội nghị an ninh lớn nhất của châu Á (ARF), bà Clinton đã kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra tuyên bố chủ quyền với bằng chứng pháp lý. Theo bình luận của hãng Reuters, đây là một thách thức đối với Trung Quốc khi nước này tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. "Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên làm rõ những tuyên bố của họ ở Biển Đông trong điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà khẳng định. "Tuyên bố với không gian hàng hải ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ tuyên bố chủ quyền hợp pháp với đặc điểm đất liền”.

Tại Bali, bà Clinton đã nói với các đại biểu, trong đó có Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng, tất cả các bên cần tôn trọng tự do hàng hải và hoạt động hàng không ở lộ trình thương mại quan trọng trong Biển Đông và tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Bà cảnh báo, tranh chấp Biển Đông đe dọa phá vỡ một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Bà nói, sự gia tăng của các hành động “hăm dọa, cắt cáp, đụng độ … hay kiểu như vậy sẽ gia tăng chi phí hoạt động cho tất cả mọi người... Điều quan trọng với chúng tôi là ủng hộ tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở”.

Về việc Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN nhất trí về dự thảo hướng dẫn cách hành xử ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines del Rosario đã phàn nàn rằng, điều khoản trong dự thảo không ăn khớp, thậm chí các hướng dẫn sẽ là vô nghĩa, còn Ngoại trưởng Mỹ thì coi đó chỉ là “một bước đi đầu tiên quan trọng” tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.

Trung Quốc và 4 nước ASEAN - Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam - đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, với bản đồ hình chữ U bao trùm hầu hết vùng biển này. Trung Quốc luôn nói muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khi tuyên bố duy trì các tuyên bố chủ quyền lịch sử với toàn bộ vùng biển trải dài tới tận bờ biển của một số nước Đông Nam Á.

Trung Quốc luôn khăng khăng đòi giải quyết tranh chấp chủ quyền hàng hải trên cơ sở song phương hơn là đa phương, một chiến lược mà các nhà phê bình mô tả là cách thức “chia để trị”.

Trong những tháng gần đây, căng thẳng Biển Đông đã gia tăng. Cả Việt Nam và Philippines đều chỉ trích những hành động gây hấn của Trung Quốc như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, đe dọa hay làm hư hỏng các tàu thăm dò, tàu cá, bắn vào ngư dân ở khu vực mà hai nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới.

Khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc đã từng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở khu vực tranh chấp trong vùng biển này, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Hillary: Tuyên bố chủ quyền phải có bằng chứng pháp lý
- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra tuyên bố chủ quyền với bằng chứng pháp lý.

Theo bình luận của hãng Reuters, đây là một thách thức đối với Trung Quốc khi nước này tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. "Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên làm rõ những tuyên bố của họ ở Biển Đông trong điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Clinton tuyên bố tại hội nghị an ninh lớn nhất của châu Á, ARF.

"Tuyên bố với không gian hàng hải ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ tuyên bố chủ quyền hợp pháp với đặc điểm đất liền”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters
Tranh chấp Biển Đông trở thành tâm điểm cuộc gặp ARF tuần này tại Bali, Indonesia - nơi Mỹ, Trung Quốc, các nước ASEAN thảo luận về tương lai vùng biển giàu tài nguyên.

Trung Quốc và 4 nước ASEAN - Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam - đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, với bản đồ hình chữ U bao trùm hầu hết Biển Đông. Trong khi đó, Washington đã không ngại ngần chọc giận Bắc Kinh với tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong đảm bảo tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông.

Gần đây nhất, phản ứng với việc một đoàn nghị sĩ ra thăm hòn đảo mà họ nói thuộc chủ quyền của Philippines, Trung Quốc đã khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với Biển Đông kể từ thời xa xưa.

Phân định chủ quyền theo luật quốc tế

Bắc Kinh hôm thứ năm đã nhất trí tiến hành những bước đi sơ bộ với các quốc gia Đông Nam Á để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông. Động thái này được Ngoại trưởng Clinton cho rằng có thể làm dịu căng thẳng gần đây trong khu vực khi Việt Nam và Philippines chỉ trích mạnh mẽ các hành động gây hấn của Trung Quốc trong phạm vi chủ quyền hai nước.

Trung Quốc nói muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khi vẫn duy trì các tuyên bố chủ quyền lịch sử với toàn bộ vùng biển trải dài tới tận bờ biển của một số nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hôm nay (23/7), bà Clinton cho biết, Mỹ sẽ thúc đẩy sự rõ ràng hơn nữa trong vấn đề này, khuyến cáo tất cả các quốc gia liên quan cần phân định chủ quyền theo Luật Biển quốc tế 1982.

Trước đó, Philippines khẳng định, tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra không có giá trị pháp lý theo luật quốc tế.

Các quan chức Mỹ cho rằng, có những bên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực một cách quá mức, và có những bên thiên về tuyên bố chủ quyền dựa trên tiền lệ lịch sử chứ không phải các đặc điểm đất liền.

Theo tin từ Bangkokpost, tại ARF, Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo về tình hình căng thẳng Biển Đông. "Mỹ lo lắng rằng, những sự cố gần đây ở Biển Đông đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực mà tại đó, những tiến bộ đáng kể của châu Á - Thái Bình Dương đã được xây dựng”. Bà nói: "Những sự cố này gây nguy hiểm cho an ninh biển, leo thang căng thẳng, xói mòn tự do hàng hải và đặt ra sự rủi ro với thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như phát triển kinh tế”.

Tôn trọng tự do hàng hải, thương mại hợp pháp

Trong tháng 6, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario khi ông tới thăm Mỹ, Ngoại trưởng Clinton khẳng định: "Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, Mỹ có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm này không chỉ với các thành viên ASEAN mà còn với những quốc gia hàng hải khác trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”.

"Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Tại Bali tuần này, bà Clinton đã nói với các đại biểu trong đó có Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng, tất cả các bên cần tôn trọng tự do hàng hải và hoạt động hàng không ở lộ trình thương mại quan trọng trong Biển Đông và tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc nói muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khi tuyên bố duy trì các tuyên bố chủ quyền lịch sử với toàn bộ vùng biển trải dài tới tận bờ biển của một số nước Đông Nam Á.

Hôm qua, Ngoại trưởng Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hội đàm song phương và có thảo luận về căng thẳng Biển Đông. Hai bên đều mô tả đó là cuộc hội đàm tích cực. Mặc dù vậy, theo lời người phát ngôn của ông Dương, ông này đã nói với bà Clinton rằng, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc không phải là chuyện của Washington.

Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN trước đó đã nhất trí về việc đưa ra các hướng dẫn thực thi cho một bộ quy tắc hành xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines phàn nàn rằng, tài liệu này thiếu ăn khớp, còn Ngoại trưởng Mỹ thì coi đó chỉ là “một bước đi đầu tiên quan trọng” tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.

Nghị sĩ Mỹ khẳng định lợi ích quốc gia ở Biển Đông

Hai thượng nghị sĩ danh tiếng của Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh rằng, những đụng độ gần đây giữa Trung Quốc với các láng giềng ở Biển Đông có thể gây nguy hiểm cho những “lợi ích quốc gia” của Mỹ trong khu vực.

Chúng tôi lo lắng rằng, hàng loạt vụ đụng độ hải quân trong vài tháng nay đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, John Kerry, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và John McCain, nguyên ứng viên Cộng hòa tranh cử tổng thống, nói. “Nếu không có những bước đi thích hợp để làm dịu tình hình, những sự cố tương lai có thể leo thang, gây nguy hiểm cho các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ”.

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry Ảnh: usatoday

Cảnh báo của các thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra trong một bức thư gửi tới ông Đới Bỉnh Quốc – quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc – trước một cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN và những đối tác đối thoại trong tuần này.

Trong thư, các thượng nghị sĩ Mỹ nói rõ: “Chúng tôi đánh giá cao các tuyên bố công khai của Trung Quốc trong việc hỗ trợ hòa bình, ổn định và thiết lập luật pháp quốc tế, và chính chúng tôi cam kết sâu sắc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc này. Tuy nhiên, các phương pháp quyết đoán mà Trung Quốc thực hiện đối với tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông, cùng với tuyên bố mở rộng “chủ quyền không thể tranh cãi” trên các vùng biển này dường như mâu thuẫn với ưu tiên đã được Trung Quốc thể hiện rõ ràng về một giải pháp hòa bình, đàm phán về các tranh chấp trên Biển Đông”.

Thượng nghị sĩ Mỹ bày tỏ: “Trong những tháng tới, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc giúp giảm căng thẳng và tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh trong khu vực... Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên quan tâm, thực hiện quyết định tốt và kiềm chế và theo đuổi một giải pháp hòa bình về tất cả các tuyên bố thông qua các đàm phán đa phương”.

Bắc Kinh sẽ phản ứng?

Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể coi những bình luận trên như hành động khiêu khích khi các nghị sĩ Mỹ lặp lại tuyên bố của bà Hillary Clinton, vị ngoại trưởng Mỹ vào năm ngoái đã chọc giận Bắc Kinh. Nói ở Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội tháng 7 trước, bà Clinton khẳng định, Mỹ có “một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải ở Biển Đông”. Và dĩ nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng khá giận dữ.

Bà Clinton dự kiến cũng sẽ phát biểu tại diễn đàn tương tự tổ chức ở Bali, Indonesia vào cuối tuần này vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông lên mức cao hơn so với một năm trước. Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc quấy nhiễu tàu cá, cắt cáp tàu thăm dò và nói rằng Trung Quốc hành xử ngày một gây hấn hơn.

Biển Đông bao gồm những tuyến đường biển quan trọng sống còn với phần lớn lượng dầu nhập khẩu của đông bắc châu Á và những hoạt động thương mại khác với châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và đông nam châu Á. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều đưa ra tuyên bố chủ quyền với vùng biển này, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông.

Bình luận của các thượng nghị sĩ Mỹ tiếp sau một giai đoạn khi chính quyền của Obama công khai giảm bớt sự chỉ trích với cách hành xử ngày một gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên này. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, Robert Gates – khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - đã làm thất vọng một số quan chức Đông Nam Á bằng tuyên bố khá “mềm” với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gates đã tái đảm bảo với các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng, Washington sẽ duy trì “cam kết quân sự mạnh mẽ trong khu vực”.

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ trong tháng 1, hai nước đã nỗ lực làm cho quan hệ song phương trở nên tốt hơn và không để chệch hướng các cuộc đối thoại.

Kim Can Dung, một chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói: “Biển Đông chắc chắn sẽ là vấn đề nóng tại ARF. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ không thấy sự lặp lại những gì xảy ra trong năm ngoái, với cuộc “khẩu chiến” giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc”.

Liên quan tới tình hình Biển Đông, năm nghị sĩ Philippines đã lên kế hoạch tới thăm một hòn đảo mà Manila tuyeenboso chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Hôm qua, Trung Quốc đã cảnh báo rằng, kế hoạch này là phá hoại quan hệ Trung Quốc – Philippines.

Cả chính phủ và lãnh đạo nghị viện Philippines đều không đề cập tới chuyến thăm này. Một người phát ngôn chính phủ khẳng định, đó là động thái không chính thức và sáng kiến riêng tư của các nghị sĩ. Tuy nhiên, những chính khách tổ chức chuyến thăm khẳng định, họ được sự cho phép của một chỉ huy quân sự Philippines trog khu vực để bay trên máy bay riêng ra đảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?