Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Cuộc chơi khu vực: Lợi và thế của nước Úc

Tác giả: BẢO BẢO
Ở đời, có một sự thực là nhiều chính khách nắm giữ quyền lực mà không kiểm soát và sử dụng được nó. Một số khác khi mới cầm quyền thì có tham vọng đổi thay mọi thứ rồi cuối cùng rời nhiệm sở chẳng thay đổi được gì hết.


Nước Úc sẽ vẫn ổn thôi!!!
Đáng kính trọng phải là những trường hợp mà trong không gian thời gian nhất định, chỉ tiến hành một số thay đổi lớn, tăng cường quản trị hiệu quả, và làm tất cả những điều này thật tốt. Đó là nước Úc. Thực tế là nền kinh tế Úc gần đây đã vượt qua những thử thách đầy cam go trong khi tất cả các cường quốc khác đều không ít thì nhiều va vấp, thất bại ở các mức độ khác nhau. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không quét ngang qua nước Úc, cũng không xô ngã nước Úc vào tình trạng suy thoái kinh tế như nhiều nước khác.
Chìa khóa đầu tiên lý giải điều này nằm trong sức mạnh của bốn ngân hàng lớn nhất. Sự mạnh mẽ của những ngân hàng này được tạo nên nhờ việc vượt qua được những thời kỳ khốn đốn. Hai trong số bốn ngân hàng này đã gần như phá sản trong những năm 1990, lúc các ngân hàng của nhà nước sụp đổ, một số khác bị mua lại. Sau tình huống đầy bi kịch đó, cộng với cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Á năm 1997, những kẻ sống sót trở nên thận trọng hơn, đồng thời bị đặt dưới một sự giám sát chủ động và bảo thủ của Nhà nước.
Quản trị tài chính công, cũng "rắn" như hệ thống ngân hàng, là chiếc chìa khóa thứ hai. Chính phủ của Thủ tướng John Howard đã dành một thập kỷ để tăng tỷ lệ thặng dư ngân sách lên khoảng 1-1½% GDP và qua đó góp phần làm khoản nợ quốc gia biến mất. Điều này giúp cho người kế nhiệm - Kevin Rudd, trong cơn khủng hoảng đã tung ra được hai gói kích thích kinh tế trị giá tới 3% GDP vào năm 2009. Chính phủ bơm tiền xây dựng các công trình công cộng, khuyến khích những người mua nhà trả góp, mua xe lần đầu với những cơ chế khiến nhiều nhà kinh tế ngỡ ngàng về sự rộng rãi quá sức tưởng tượng. Tuy nhiên, tác nhân kích cầu hiệu quả nhất, lại chính là tờ séc trị giá 900$ mà hầu hết những người phải đóng thuế thu nhập (không tính những người giàu nhất) đã nhận được vào tháng 12 năm 2008 và chừng một nửa khoản tiền này được tiêu sạch sau hai tháng.
Ngân hàng trung ương hành động mau lẹ và không để tụt hậu trước bất kỳ sự kiện nào. Năm 1996, Ngân hàng này được tách rời khỏi Chính phủ hoàn toàn và khẳng định sự độc lập của mình bằng việc gia tăng lãi suất đúng thời điểm chiến dịch bầu cử đang diễn ra vào giữa năm 2007.  Đến năm 2008, nó đột ngột giảm lãi suất, giảm tỷ lệ tiền mặt từ 7% xuống chỉ còn 3% trong suốt 4 tháng tính từ tháng 9 năm 2008. Những động thái của chính phủ và ngân hàng đã trấn an và sớm dập tắt sự hoảng hốt của cộng đồng. Cho đến khi châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, dần dần hồi phục, nước Úc thực sự đã thoát hiểm.
Trong cuộc khủng hoảng chung ở Châu Á, đồng đô la Úc cũng có một chặng đường lên thác xuống ghềnh, từ 1 đô la Úc ăn 98 cent Mỹ xuống còn 60 cent. Nhưng hiện tại 1 đô la Úc còn cao giá hơn 1 đô la Mỹ - minh chứng đầy thuyết phục cho sức mạnh của một nền kinh tế. Nguyên nhân phải chăng nằm ở nhu cầu khoáng sản của các khách hàng ngoại quốc đối với nước Úc?
Nước Úc - đảo kho vàng
Quả là không ngoa khi liên tưởng Úc với đảo kho vàng. Chỉ cần cào bới xung quanh nước Úc,  người ta có thể tìm thấy đủ thứ giá trị. Đó là nguồn Uranium lớn nhất thế giới, nguồn quặng đồng, vàng và bạc dồi dào ở Olympic Dam, khu vực thuộc miền nam nước Úc. Đó là vô số than nâu ở Victoria. Đó là bạc, chì và kẽm ở Broken Hill thuộc bang New South Wales, nguồn quặng đã khai sinh ra sản nghiệp của BHP Billiton, công ty khai thác quặng lớn nhất thế giới. Đó còn là thiếc và vàng ở Tasmania. Nhưng Queensland và miền Tây nước Úc mới đang là nơi náo nhiệt nhất.
Than vẫn là loại khoáng sản xuất khẩu chủ lực của Úc và một phần ba lượng than cốc, loại vật liệu không thể thiếu trong sản xuất thép, của thế giới có nguồn gốc từ Queensland. Song thứ được quan tâm nhất ở Queensland lại là khí than. Từ năm 1998, khi bắt buộc 13% điện ở Queensland phải được sản xuất từ khí ga tự nhiên, người ta tới đây để tìm kiếm và phát hiện ra lượng than dự trữ ở bang này đủ để cấp điện cho một thành phố 1 triệu dân trong 5000 năm! Các tổ chức nghiên cứu công nghiệp cho rằng Queensland và Bắc New South Wales có khả năng duy trì sản lượng khí gas như hiện tại trong 200 năm.
Trong khi sản lượng dầu của Úc, trị giá 30 tỷ đô la Úc một năm, đang giảm dần từ năm 2000, lượng khí gas khai thác từ đáy biển lại ngày một gia tăng. Khí gas đáy biển được khai thác từ các vùng biển Tây Úc, và phần lớn chúng, cũng như khí gas từ vỉa than, được xuất cho các khách hàng Châu Á.
Châu Á luôn tha thiết muốn mua khí gas mà Úc lại ở vị trí lý tưởng với nguồn cung tuyệt vời nhất thế giới. Chỉ mất bảy tới mười ngày để chuyên chở khí ga lỏng tự nhiên từ đông Úc cho các khách hàng châu Á, tức là bằng phân nửa thời gian nếu chuyên chở từ chỗ các nhà cung cấp khác ở vùng Trung Đông. Đây là một ưu thế tuyệt đối của nước Úc trong việc tính toán lựa chọn nhà cung cấp của các nước châu Á.
Một ưu thế không kém phần quan trọng của Tây Úc trong xuất khẩu là quặng sắt. Khác với khí gas, quặng sắt là loại khoáng sản không quá qu‎ý hiếm, mà vốn có trong lòng đất của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên điều đáng nói là loại nguyên liệu này nhan nhản ở Pilbara, với nguồn quặng tưởng chừng như vô tận, động vào đất là thấy, từ các thung lũng mở rộng về phía bắc bang. Với sản lượng dồi dào, quặng sắt từ Úc lại ở khoảng cách đủ gần để thị trường Châu Á không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Chi phí chủ yếu là vận chuyển từ mỏ tới thẳng thị trường của người mua. Lấy một thí dụ, 1 tấn quặng sắt tốn 25$ để khai thác và người Úc bán với giá 150$!
Các chuyên gia Úc dự đoán, ở Trung Quốc, tới năm 2030 sẽ có khoảng 300 - 400 triệu cư dân thành thị. Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ khá giả hơn, họ sẽ xây tàu điện ngầm, sản xuất ô tô, đô thị hóa hàng loạt. Tất cả đương nhiên cần quặng sắt! Để xây một căn hộ ở Trung Quốc trung bình cần khoảng 6 tấn thép và cứ một ki-lô-mét đường ray xe điện ngầm cần 7.500 tấn. Mỗi tấn thép cần 1,7 tấn quặng sắt và hơn 0,5 tấn than cốc. Cả hai thứ này Úc không thiếu. Chất lượng quặng sắt ở Brazil rất tuyệt nhưng thời gian lênh đênh trên biển chuyên chở về tới Trung Quốc là 35 ngày, trong khi từ Úc về Trung Quốc chỉ mất 11 ngày. So với việc chuyên chở quặng từ Brazil, chuyển hàng từ Úc tiết kiệm được 12 đô la Mỹ cho mỗi tấn (cách đây ba năm, khi chi phí vận tải cao ngất, số tiền tiết kiệm còn lên tới 40 đô la Mỹ).
Những thay đổi lớn đã giúp nền kinh tế Úc tách khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế Mỹ. Ngót một thập kỷ trước, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Úc gần như tương ứng với Mỹ, nhưng giờ đây thì vượt hơn nhiều. Trong khi đó, sự hòa điệu của tăng trưởng GDP Úc lại tỏ ra nhịp nhàng với sự tăng trưởng của người khổng lồ đang trỗi dậy là Trung Quốc. Phải chăng điều này chứng tỏ chặng đường phát triển của nước Úc có tiếp tục được trải toàn hoa hồng? Mặc dù Trung Quốc đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề chính trị và bất ổn nội bộ, nhưng tham vọng phát triển lớn mạnh của nó còn nguyên.
Các quốc gia Châu Á cũng vậy. Hàng tỷ người Châu Á được chào đón gia nhập vào giai cấp trung lưu trong xã hội thế giới. Nước Úc đợi chờ họ ngay bậc thềm cửa, sẵn sàng cung cấp không chỉ quặng sắt, than, khí gas mà còn nhiều mặt hàng khác, chưa kể tới các loại khoáng sản khác, thịt bò, và các loại da thuộc.
Ngày nay, vị thế của nước Úc trên bản đồ thế giới không còn là vị thế của một đất nước thuộc địa. Chính quyền phụ thuộc vào một chính thể xa xôi nào đó đã không còn nữa, hiện tại lãnh đạo Úc ra những quyết sách bằng bộ óc của mình trên cơ sở quyền lực thực sự trong tay - thứ quyền lực được người dân trao cho, thứ quyền lực người được trao phải có trách nhiệm với nó. Tuy nhiên, tương lai nước Úc sẽ còn tốn nhiều giấy mực cho giới chuyên gia dự báo. Hãy chờ xem.

Nước Úc không lo âu? 

Sự tăng trưởng liên tục trong vòng hai thập kỷ, những mức giá kỷ lục cho các loại khoáng sản và một thị trường vẫn còn khát khao nguồn cung, nước Úc không cần lo ngại. Điều này có thực không?

Một quốc gia hạnh phúc là một quốc gia không bao giờ phải phơi mặt trên những trang đầu của các tờ báo nước ngoài. Úc là một đất nước như vậy. Úc giàu có, thanh bình và luôn trong tầm kiểm soát. Sự phồn vinh ngày nay của nước Úc là tất yếu, nhưng câu chuyện quá khứ trước đó còn chưa được kể lại
Hai mươi lăm năm trước, Paul Keating, "thủ quỹ" của Úc (Bộ trưởng Tài chính lúc đó, người sau này là Thủ tướng), tuyên bố nếu Úc thất bại trong cải cách, đất nước này không thoát khỏi số phận một quốc gia tầm thường có nền kinh tế phụ thuộc vào việc xuất khẩu trái cây (a banana republic).
Đúng 5 năm sau tình trạng suy thoái kinh tế đầy cay đắng, đất nước này bắt đầu một thời kỳ bành trướng kinh tế liên tục không một nước giàu nào sánh được cho tới hôm nay. Bài báo này sẽ lý giải điều đó, đồng thời dự đoán tương lai tiếp sau đây của nước Úc.
Đóng góp vào thành công và vận may của nước Úc hôm nay phải kể tới nguồn khoáng sản dồi dào mà những nước Đông Nam Á láng giềng muốn mua. Đây tất nhiên cũng là một phần của câu chuyện.
Mặc dù Úc không bị ảnh hưởng nhiều khi khủng hoảng tài chính diễn ra ở châu Á năm 1997, giá trị các mặt hàng xuất khẩu khó mà giữ được ổn định. Trong những năm 1990, nhiều ý kiến cho rằng rồi đây nền kinh tế "già cỗi" và công nghệ thấp như Úc có thể sẽ đến hồi cáo chung. Những điều kiện thương mại của Úc - tỷ lệ giá hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu - dường như đều sụt giảm. Điều này chưa kịp diễn ra thì năm 2003 giá khoáng sản lại tăng vọt. Úc thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng các nước Đông Nam Á một cách ngoạn mục, không những vậy, tình trạng suy thoái kinh tế Mỹ năm 2001 cũng chưa chạm được tới nước Úc.
Năm năm sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra trong khoảng thời gian 2007 - 2011 cũng không thể quật ngã được nước Úc. Đến lúc này người ta phải khách quan nhìn nhận lại, có lẽ là con người, chứ không phải Thần May Mắn, đã làm đúng điều gì đó nên Úc mới có ngày hôm nay.
Tng quan
GDP 2010
1236 tỷ USD
Thu nhập đầu người
55,590 USD
Tăng trưởng hàng năm
3.4% (1992-2010)
Chi tiêu Chính phủ
35% (2010)
Tỷ giá
1AUD = 1.06 USD
Dân số
25 triệu (2010)
Dân thành thị
89,1%
Số tiền tiêu vào cờ bạc hàng năm
1.281USD/người (so với 1167.6USD của Singapore và 565.4 USD của Canada)
Trong cuộc khủng hoảng gần đây nhất, nước Úc chắc chắn đã chơi tốt ván bài của mình. Suốt 20 năm, từ 1983 tới 2003, chính phủ Úc, từ cánh tả cho tới cánh hữu, không ngừng thực thi những cải cách từng bước biến kinh tế Úc trở thành một trong những nền kinh tế mở và linh hoạt nhất thế giới.
Các cải cách diễn ra liên tục từ năm 1983, do chính phủ Đảng Lao động khởi xướng, bao gồm thả nổi giá đô la Úc, thôi kiểm soát hệ thống tài chính, xóa hạn ngạch nhập khẩu và cắt giảm thuế quan. Các cải cách này vẫn được chính phủ Đảng Tự do (vốn được hiểu là đảng bảo thủ, tại Úc) tiếp nối khi nắm quyền vào năm 1996.
Tính tới năm 2003, tỷ lệ bảo hộ hiệu quả sản xuất đã giảm từ 35% xuống chỉ còn 5% so với thời kỳ những năm 70. Các ngân hàng nước ngoài được phép vào cạnh tranh tự do. Các hãng hàng không, tàu biển, viễn thông được kinh doanh thoải mái. Thị trường lao động mở rộng hết mức, hệ thống lương bổng kiểm soát theo cách ấn định được thay thế bằng những thỏa thuận linh hoạt của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa. Thuế đánh vào lợi nhuận thu từ việc bán các khoản đầu tư hoặc tài sản và thuế giá trị gia tăng được thực hiện thay thế cho hệ thống thuế đúp tính trên lãi cổ tức. Thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân được cắt giảm.
Những cải tổ được thực hiện đã thay đổi bộ mặt kinh tế Úc, đồng thời bước tiến kinh tế đã có ảnh hưởng sâu rộng tích cực tới toàn bộ quốc gia Úc.
Dựa trên Hiến pháp Úc, các nhà lãnh đạo đã xóa sổ thành công "một nước Úc nửa thuộc địa" phụ thuộc vào đế chế Anh, một nước Úc mà thị trường bị kìm cương bởi sự bảo hộ thương mại và hệ thống lương với các rào cản về ngạch, bậc, trần..., một nước Úc với "chính sách định cư cho người da trắng". Sự biến mất  của đa số các yếu tố này, cộng thêm một thị trường chung trên toàn quốc ngày càng lớn mạnh, đã mở con đường cho chính phủ liên bang ở Canberra xói mòn quyền lực và quyền kiểm soát ngân khố của các bang.
Xét từ góc độ nhân khẩu học, bằng cách giải phóng thị trường lao động và thiết lập một chính sách nhập cư không phân biệt chủng tộc, những cải tổ ở Úc đã kiến tạo một xã hội phát triển theo chủ nghĩa thế giới. Trong những năm 40,  ở nước Úc, khoảng 98% dân số là những người gốc Anglo-Celtic; những năm 80, một số người Châu Âu, chủ yếu là người Ý và người Hy Lạp, sau đó là người Việt Nam di cư tới. Ngày nay, khoảng một phần tư dân số quốc tịch Úc không phải được sinh ra trên đất Úc, và hầu hết những người nhập cư, không phải đến từ Niu Zilân hay Anh, mà từ Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á. Trong đó, những người nhập cư đến từ Đông Nam Á chiếm khoảng 10% dân số Úc.
Xét từ góc độ tâm lý học, những cải tổ ở Úc đã thay đổi hẳn những đặc trưng dân tộc của người Úc: có một niềm tin vào hạnh - phúc - dẫn - đến - may - mắn rằng, mặc dù quốc gia này có thể là nạn nhân của các yếu tố ngoại lai, nhưng đó là một quốc gia không suy thoái. Người Úc luôn linh hoạt, có tính cạnh tranh và luôn sẵn sàng thay đổi số phận của mình.
Có thể nói, những cải cách của Úc đã đưa toàn bộ quốc gia này đi rất xa khỏi cái mốc ban đầu. Hình ảnh một người Úc từng khai hoang, phát cỏ, xén lông cừu, chiến đấu với hạn hán, chó hoang và những kẻ đàn áp giấu tay (ví dụ như những viên cảnh sát địa phương), rồi bị săn lùng đến chết như Ned Kelly - một lục lâm thảo khấu nổi tiếng nhất nước Úc (1855-1880) không còn nữa. Tuy vậy, bên trong con người thành thị, trái tim người Úc của những năm giữa thế kỷ 19, vẫn còn vang lên những nhịp đập cho tới ngày hôm nay.
Nước Úc ngày nay đang thêu dệt nên một huyền thoại về cuộc sống thành thị với thịt nướng barbecue, với rượu vang ngon, ô tô đẹp và những tiện nghi hiện đại khác. Tuy nhiên, kỷ nguyên thịnh vượng và sự tự tin của nước Úc giờ đây nên là khoảng thời gian thích hợp để người Úc tự nhìn nhận và đối mặt với một số vấn đề của họ. Tất nhiên mọi sự dường như vẫn ổn sau hai mươi năm thay đổi tận gốc rễ nền kinh tế, các nhà lãnh đạo chưa phải vò đầu bóp trán trước tình hình hiện tại. Có vẻ như một không khí tự thỏa mãn đang bao trùm khắp trung tâm chính trị - xã hội của nước Úc - thủ đô Canberra. Không khí này tự nó hàm chứa một lời cảnh báo với nước Úc thịnh vượng hiện nay.
Nước Úc cần phải quyết định xem họ muốn con cháu mình sẽ sống trên đất nước nào. Họ có thể tận hưởng sự thịnh vượng, phung phí cả những thứ họ không nên tiêu dùng và chờ đợi những thứ tương lai mang lại. Hoặc họ có thể chủ động tạo ra mô hình xã hội mà các quốc gia khác phải khát khao thèm muốn. Giống như California, lịch sử nước Úc cũng có một cuộc "đổ xô đi tìm vàng", một giai đoạn bùng nổ nhu cầu năng lượng và một nền nông nghiệp trang trại phát triển mạnh. Rồi nó đi tới sự gặt hái từ một nền giáo dục sau đại học xuất sắc và một nền công nghiệp tri thức sinh ra từ chính nền giáo dục ấy.
Hầu hết các nhà chính trị đang vạch ra các kế hoạch tốt đẹp hơn, từ xây dựng những trường đại học hàng đầu, nuôi dưỡng các ngành nghệ thuật, kích thích các ngành công nghiệp mới đủ loại từ năng lượng tái tạo tới khử mặn nước biển. Mọi thứ đang được xúc tiến, nhưng ít có gì vượt trội. Công trình nổi tiếng nhất quốc gia là Nhà hát Con Sò, song nghệ thuật ở đây chưa hẳn đã được bảo trợ xứng đáng. Các trường đại học Úc, tương tự như rượu vang Úc, rất "ngon lành" và đáng tin cậy, song hiếm khi đạt đẳng cấp đỉnh cao. Dù vậy, người lao động được đào tạo bài bản vẫn là nguồn gốc căn cơ cho một nền kinh tế cạnh tranh không kém gì tài nguyên khoáng sản.
Nếu muốn tương lai đầy hứa hẹn được toàn vẹn, nước Úc sẽ phải mở khóa cho mọi tiềm năng chất xám trong chính các công dân của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?