Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Điểm thi lịch sử thấp không ngờ: Nhiều hệ lụy dây chuyền

- Những người chọn lịch sử, yêu thích và giỏi lịch sử đang ngày càng ít dần sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường.
Ông Trần Đình Ba, một giáo viên dạy sử tại TP.HCM, cho rằng vài năm gần đây số lượng thí sinh dự thi khối C ngày càng ít, nhất là học sinh khá giỏi. Như thế cơ hội để các trường ĐH đào tạo ngành sư phạm lịch sử chọn được người giỏi ngày càng ít và sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thế hệ tiếp theo.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM dự thi vào khối C các trường ĐH tại TP.HCM xem điểm thi trên mạng ngày 26-7 - Ảnh: Như Hùng
Vòng luẩn quẩn
Theo ông Ba, đầu ra sinh viên sư phạm không tốt, dạy không hay, không giỏi, học sinh sẽ càng chán, càng làm môn sử đi thụt lùi. Ông Ba lo ngại môn sử bị xã hội quay lưng sẽ để lại nhiều hậu quả. Lịch sử dân tộc bị khuyết trong phần lớn giới trẻ sẽ khiến lòng tự hào dân tộc bị mai một, ý thức văn hóa lịch sử giảm, văn hóa dân tộc đi xuống khi văn hóa ngoại lai ngày càng ảnh hưởng.
"Lịch sử dân tộc bị khuyết trong phần lớn giới trẻ sẽ khiến lòng tự hào dân tộc bị mai một, ý thức văn hóa lịch sử giảm, văn hóa dân tộc đi xuống khi văn hóa ngoại lai ngày càng ảnh hưởng"
Giáo viên TRẦN ĐÌNH BA
Tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) năm 2005 và phải mất một năm sau ông Ba mới có thể tìm việc đúng chuyên ngành ở một trường tư thục tại TP.HCM. Đi dạy nhiều năm, ông Ba kết luận: “Chương trình môn sử khô khan, nặng sự kiện, không khuyến khích học sinh tư duy. Lịch sử không chỉ có chiến tranh mà còn có văn hóa, xã hội nhưng những nội dung này hầu như không có trong chương trình khiến học sinh chán học sử”.
TS Nguyễn Đức Hòa, trưởng bộ môn lịch sử Trường ĐH Sài Gòn, lo lắng: “Với thực trạng xã hội, thí sinh, phụ huynh và trường THPT không chú trọng môn sử, tình hình dạy và học sử sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn mà chất lượng dạy và học sẽ ngày càng giảm.
Mục tiêu giáo dục bao gồm cung cấp kiến thức, giáo dục nhân cách, lòng yêu nước và rèn luyện, phát triển tư duy cho học sinh. Trong đó môn sử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc nhưng lại đang bị xem nhẹ ở trường phổ thông”.
Trong khi đó cô Bùi My Thúy - giáo viên môn sử Trường THPT Gia Định, TP.HCM - nhận định cơ chế xã hội như bây giờ đã gây ra tình trạng đa số học sinh thông minh, giỏi giang không chọn thi khối C. Cô Thúy dẫn chứng: “Như ở Trường Gia Định năm nay có 1.035 học sinh nhưng chỉ có một học sinh thi khối C. Tôi đã dạy đội tuyển học sinh giỏi môn sử của TP.HCM mười năm nay nhưng chỉ có hai em chọn thi vào sư phạm lịch sử”.
Níu kéo học sinh
Hơn 30 năm đứng lớp, cô Chu Thị Bích Ngà - nguyên tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM - cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến việc giảng dạy môn sử không đạt chất lượng như ý: đời sống giáo viên khó khăn, thái độ thờ ơ của học sinh, chương trình quá tải, nặng nề. Chính những nguyên nhân trên dẫn đến vòng luẩn quẩn: “Ít học sinh chọn theo học ngành sử, mà một số người có theo học cũng không thể dành hết tâm huyết do cuộc sống chật vật, tiết dạy sử kém chất lượng, học sinh chán học, điểm thi thấp...”.
Không ít giáo viên trước khi lên lớp đều cố gắng chuẩn bị những gì tốt nhất, hay nhất nhằm làm tiết giảng của mình thêm sinh động, có thể hấp dẫn học trò. Thế nhưng những nỗ lực ấy của giáo viên chỉ mang tính chất đối phó trước thực trạng môn sử bị ghẻ lạnh. Thêm vào đó, nỗ lực cũng chỉ có giới hạn khi thu nhập của giáo viên các môn xã hội, nhất là sử, đôi khi không đủ lo toan cho cuộc sống.
Cô T. - giáo viên sử một trường THPT tại Q.Tân Phú, TP.HCM - chia sẻ: “Năm học vừa rồi tôi dạy 16 lớp của hai khối 11 và 12. 6g30 đã đến trường, 18g mới về tới nhà. Rồi còn phải soạn giáo án, soạn bài giảng điện tử, chấm bài, họp tổ, họp nhóm, làm sổ điểm, sổ báo giảng, làm công tác chủ nhiệm, rồi thanh tra, kiểm tra... khiến giáo viên quay như chong chóng.
Ra trường được tám năm, vào biên chế được bốn năm và lương cơ bản hiện nay là 2.350.000 đồng/tháng. Nếu tăng tiết thì có thêm vài trăm ngàn đồng. Như thế làm sao đủ trang trải trong điều kiện vật giá tăng cao như hiện nay”.
Theo TS Hòa, đời sống giáo viên môn sử khá thấp so với các môn khác, thậm chí bị phân biệt đối xử ngay trong chính trường THPT. Do đó ngoài giờ dạy, giáo viên có thể làm các công việc khác lo toan cho cuộc sống, thời gian đâu để đầu tư nâng cao chất lượng bài giảng. Kết quả là cả thầy và trò đều chấp nhận dạy - học để đối phó.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, khẳng định: “Đời sống giáo viên môn sử đúng là có khó khăn hơn những môn như toán, lý, hóa vì các thầy cô ít có cơ hội dạy thêm ở trung tâm luyện thi. Trước đây các thầy cô còn có khoản tiền chấm bài, nhưng vài năm gần đây Bộ GD-ĐT quy định cắt khoản tiền này khiến đời sống giáo viên mà xã hội đánh giá là môn phụ khó khăn càng khó khăn hơn”.

Điểm sử thấp: Do dạy, do học hay do gì?
Hãy "tiếp thu" ý kiến chứ đừng "lắng nghe" nữa!
Tôi không phải là một người có chuyên môn về giáo dục nhưng khi đọc những ý kiến của bạn đọc về vấn nạn giáo dục môn lịch sử tôi cảm thấy cũng còn nhiều người trong xã hội đồng quan điểm với mình.
Không chỉ riêng môn lịch sử mà tất cả các môn học ở Việt Nam hiện nay là quá nặng nề cho các em, chiếm quá nhiều thời gian chồng chéo lẫn nhau, các em không thể nào "giờ nào việc đó" được, thời gian đâu để các em có thể ngồi cảm nhận hay sáng tạo?
Một quan điểm tôi cần phải nói: ở Việt Nam ta cái tôi quá lớn! Những ý kiến ngay thẳng, mang tính xây dựng thường không được chấp nhận, chỉ có những lời khen, lời tâng bốc may ra sẽ được tiếp thu.
LE HOANG ANH
Học phải đi đôi với hành
Tô nghĩ đa số các em học ra trường chủ yếu là kiếm cần "câu cơm", vì vậy không thể trách các em được, chúng ta phải có định hướng cho các em từ khi bắt đầu học cấp II chứ chưa nói từ bậc tiểu học.
Các em thi khối C với cá nhân tôi nghĩ rằng phần đa số là học sinh trung bình trở xuống, những học sinh giỏi thì hầu như môn nào cũng đạt từ khá trở lên, có ai dám chắc rằng giỏi toán, môn văn yếu, tôi cam đoan rằng học sinh khối A, B khá giỏi thì khối C tối thiểu cũng từ trung bình khá trở lên.
Qua kết quả thi này cũng không thể đánh giá kết quả toàn diện được vì còn nhiều yêu tố khác như (đề thi như thế nào). Mặt khác học sinh học tập có thực hành, thực tế hay không (chỉ học lý thuyết suông) giáo viên dạy môn Sử này cần phải có đổi mới cách dạy, định hướng cánh nghĩ, tư duy cho học sinh...
Tăng thời lượng giảng dạy cho môn lịch sử
Cũng như bao người học và dạy sử khác, bản thân tôi thấy hiện nay thời lượng dành cho bộ môn lịch sử ở trường cấp trung học phổ thông là quá ít so với chương trình sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục đã ban hành.
Có người đã nói: lịch sử là thầy giáo của tương lai! Song có lẽ "người thầy" này hiện nay không được xã hội Việt Nam quan tâm đúng mức, trong khi đó cứ mỗi lần kết quả thi đại học môn sử thấp thì lại bắt đầu một quá trình nghi vấn, đổ lỗi như đã được lập trình.
Thử hỏi chúng ta muốn tạo ra những thế hệ tương lai yêu tổ quốc Việt Nam, vậy mà thế hệ tương lai đó chẳng được trang bị ở một mức độ cần thiết những kiến thức lịch sử thì họ dựa vào cái gì đê mà tin yêu đây?
Ngoài ra, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của thầy Vũ Ngọc Nhạ. Tôi nghĩ đây cũng là nỗi âu lo chung của những giáo viên dạy sử ở phổ thông. Áp lực dành cho những người giáo viên dạy sử là quá lớn. Trong khi đó đồng lương mà họ được xã hội trả không đủ để trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
So sánh nền sử học Việt Nam với Hoa Kỳ, với Trung Quốc ư? Hãy xem hoàn cảnh của những người xây dựng nền sử học của các nước khác nhau như thế nào đã! Hoa Kỳ mới lập quốc hơn 300 năm, mỗi tuần họ dành hơn 2 tiết cho bộ môn lịch sử. Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, mỗi tuần giáo viên dạy sử được sử dụng khoảng 45 phút! So sánh thế nào đây?
ĐẶNG VĂN KHOA
Bộ Giáo dục - đào tạo phải thấy được bất cập trong môn sử
Có bao giờ chúng ta suy nghĩ nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến kết quả thi môn lịch sử như thế này? Không phải năm nay mà 10 năm trở lại đây, năm nào cũng kêu ca về môn sử! Đừng nhìn kết quả thi mà thử hỏi mỗi người dân Việt Nam có còn nhớ sử Việt Nam không?
Theo tôi, cái trách đầu tiên là người viết sách sử! Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn là chứng nhân văn hóa, là cái nhìn thật khách quan của thời đại. Chúng ta đã làm được việc đó chưa?
Bao giờ học sinh học môn sử chỉ thấy quân ta mải chiến thắng, quân địch mải thua! Ta luôn ca ngợi quân mình mà dùng các từ xấu xa để miệt thị quân địch! Đôi lúc ta cũng nêu luôn cái xấu của mình, cái dở của mình, thủ đoạn của mình trong chiến tranh... để từ đó học sinh thấy khách quan và yêu quý chiến thắng của ông cha mình (là một con người, chứ không là đấng siêu nhiên) hơn!
Nhìn lại toàn bộ sách lịch sử lớp 12, sự kiện thì ít mà những con số thì nhiều. Có lẽ chỉ có những giáo viên phải yêu sử lắm, phải nghiên cứu sâu sắc lắm mới có thể làm những con số này biết nói!
Thứ hai, chúng ta nên học cách truyền bá sử của người Trung Hoa. Họ làm những đoạn phim với số tiền đầu tư rất lớn chủ yếu để nói về lịch sử. Đem các câu chuyện đời tư thật hay của một vĩ nhân nào đó để dựng thành phim.
Chúng ta trách cả những người truyền bá lịch sử thông qua nghệ thuật (phim ảnh, kịch, sách...). Chắc các bạn đồng ý với tôi là chúng ta biết sử Trung Quốc nhiều hơn sử VN. Mà biết thông qua các bộ phim nhiều hơn!
Thứ ba, đúng như tác giả bài viết, cái trách cuối cùng là giáo viên! Giáo viên chưa thật sự nghiên cứu, chưa đổi mới phương pháp dạy mà bắt các em phải nhớ kỹ các con số như mình! Thầy cô phải thổi hồn của mình vào từng trận đánh hào hùng của ông cha ta, trong lòng mình không dâng tràn cảm xúc thì làm sao các em yêu mến và làm sao các em nhớ sử nước nhà! Âu đó cũng là một kết quả tất yếu!
JE
Lỗi này không phải do thí sinh
Chương trình dạy môn sử của bậc phổ thông hiện tại, theo tôi, nên dành cho các trường chuyên nghiên cứu, phân tích về lịch sử, hoặc các nhà lý luận chính trị. Một môn học mà trong đó có quá nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian, rồi đến việc phân tích nguyên nhân, kết quả, đặc điểm, bản chất... thử hỏi một chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu về lịch sử được đào tạo bao lâu mới có thể nắm được hầu hết sự kiện, các mốc thời gian để đưa ra cho đúng các phân tích cơ bản về các sự kiện, nguyên nhân, kết quả, đặc điểm, bản chất, các so sánh mà không có lầm lẫn, sai sót...
Dạy theo kiểu học vẹt, chương trình lại soạn theo kiểu bác học, hàn lâm... thì thầy của học sinh cũng có thể bị điểm kém chứ đừng nói chi đến học sinh!
KIỀU ĐỨC HÙNG
Tội giáo viên hay học sinh?
Nếu quy lỗi cho vấn đề này, theo tôi, là 50/50 về người học và người dạy. Nhưng thôi, có cách đổ lỗi hay hơn cả là đổ cho cơ chế xã hội! Vì giáo viên lịch sử cũng học đại học 4 năm ra trường chạy biên chế để nhận lương 2-3 triệu đồng/tháng.
Trong khi các môn khác thu nhập khá hơn, môn toán từ 15-20 triệu, lý, hóa từ 10-15 triệu, văn từ 4-5 triệu đồng, còn các môn như sử, địa, giáo dục công dân thì có ai quan tâm học hành?
Nếu trường nào hiệu trưởng cân đối tốt và quan tâm thì còn cho anh em tí thu nhập từ quỹ dạy thêm bằng cách để giáo viên sử, giáo dục công dân... đi trực, nếu không thì chỉ có lương suông. Thì đổi mới, "cải tiến cải lùi" của ngành GD đối với chúng tôi chỉ mãi là khẩu hiệu suông thôi.
LE TUAN
Vì sao tôi không yêu môn lịch sử, trong đó có sử Việt Nam?
Thứ nhất: đối với lịch sử thế giới: chương trình chỉ dạy chay, dạy nhồi nhét, hình ảnh thì cũ mèm, sự kiện toàn những con số khô khan, giáo viên chỉ biết ép học sinh học cho thuộc. Lỗi là của ngành giáo dục, hay nói chính xác hơn là từ những người đang quản lý và “điều hành” nền giáo dục VN, chứ giáo viên hoàn toàn không có lỗi.
Thứ nhì: đối với lịch sử Việt Nam: Tôi là một người sinh ra trong thời bình, thuộc thế hệ 8X. Những cái tôi nhìn thấy là những cái đang hiện diện và tồn tại trước mắt. Nếu những nhà giáo dục muốn chúng tôi “nhìn ngược lại dòng thời gian” thì hãy làm cho chúng tôi nhìn thấy cái trước mắt đã.
Lịch sử phải gắn liền với văn hóa, nhưng văn hóa Việt Nam còn giữ lại bao nhiêu nét đặc thù của cha ông, ngoài hát chèo, quan họ và cải lương của Nam bộ? Hầu như phần lớn các lễ hội lớn của Việt Nam đều là kịch bản sao y của Trung Quốc, thậm chí đến lễ hội mồng 5 tháng 5 (Đoan Ngọ) cũng vốn là của người Trung Quốc, tưởng nhớ đến Khuất Nguyên, nhưng người VN đến ngày đó cũng làm bánh tro trong niềm tự hào vì đang giữ gìn nét văn hóa dân tộc! Thật mỉa mai!
Mỗi ngày bật tivi lên, hết phim Tàu đến phim Hàn Quốc, hết tình cảm sướt mướt đến lịch sử oai hùng của xứ người. Phim VN thì lèo tèo vài bộ mà phim không ra phim, kịch không ra kịch, hễ có đạo diễn nào dạn tay dám làm 1 bộ phim phá cách là y như rằng “tạo ra công ăn việc làm” cho một số đông “chuyên gia rỗi việc” có chỗ mà phô diễn kiến thức phân tích và đánh giá, nhưng ngày thường thì chẳng thấy các “chuyên gia” này có được sản phẩm nào ra hồn.
Và còn nhiều, nhiều lắm các nguyên nhân để khiến tôi (và chắc cũng không ít người) không thích - hay nói thẳng ra là ghét học môn lịch sử. Cháu tôi từng thi môn lịch sử chỉ có 2 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2005, nhưng tổng điểm được 42/6 môn, và bây giờ cháu là một kỹ sư lập trình với mức lương hơn 1.000 USD ở 1 công ty phần mềm có tiếng của VN, và cháu cũng chẳng bao giờ quan tâm đến lịch sử VN cả!
Đó chính là kết quả của nền giáo dục sáo rỗng, bệnh thành tích, nghèo nàn cả về tư tưởng lẫn vật chất. Lỗi tại ai? “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng ta đã trồng hơn 30 năm rồi đó các nhà giáo dục ơi!
TRẦN THU HÀ (thuha@...)
Học địa lý là để người Việt Nam biết được biên giới và tài nguyên của đất nước mình ở đâu trong không gian của thế giới. Học môn lịch sử Việt Nam là để các thế hệ mai sau thấy được lòng yêu nước, yêu dân tộc thật mạnh mẽ và vô biên của các thế hệ đi trước để noi theo.
Không chỉ riêng ngành giáo dục và nhà trường cần quan tâm, mà cả gia đình và xã hội đều phải chung tay góp sức.
PHẠM XUÂN HUNG
Không phải chủ yếu do cách dạy
Xin mọi người trả lời câu hỏi sau: các ngành tuyển sinh có thi môn sử khi ra trường được trả lương cao gấp 5-10 lần các ngành thi môn toán thì kết quả các bài làm sử trong các kỳ thi thế nào?
Kết quả các bài thi môn toán khi đó thế nào? Tôi cam đoan tình hình môn sử khi đó sẽ giống môn toán hiện thời, còn môn toán lại kêu trời cũng như môn sử hiện nay vậy! Thực tế học sinh khá đều lựa chọn các khối thi A, D, B vì tương lai có thu nhập cao. Ngay cả khi học phổ thông các em cũng tập trung cho các môn ấy. Học lệch trở thành căn bệnh trầm kha mà chỉ có thể khắc phục bằng cách thay đổi cán cân lợi ích! Điểm thi không chỉ là kết quả của cách dạy, của sách vở.
Đó là sự phản ánh của hàng loạt yếu tố tham gia quá trình dạy học. Đúng là nên có thay đổi trong cách dạy sử và nhiều môn học khác. Nhưng đừng quá hi vọng vào nó mà thất vọng. Kết quả học tập phụ thuộc chủ thể học tập là học sinh, trong đó có vai trò hàng đầu là động cơ và năng lực học tập. Khi họ thấy không muốn, không cần học hoặc năng lực học hạn chế thì những thay đổi của thầy cô và sách vở nào có ý nghĩa gì!
Phải làm cho môn sử trở nên "dễ thương và gần gũi"
Tôi từng trải qua những khó khăn của việc học môn sử. Có một thực tế đau lòng rằng việc dạy môn sử trước giờ rất khó khăn. Khó khăn vì ấn tượng của nó trong đầu các học sinh thật khô khan, việc dạy môn sử như thể để nhồi nhét kiến thức, từ ngữ và dữ kiện quá xa lạ và khó hiểu.
Tại sao các nhà giáo dục không biết cách làm cho môn sử trở nên "dễ thương và gần gũi" hơn. Hãy cho ra một cuốn giáo khoa về sử ít chữ, ít dòng, nhưng nhiều ý. Hãy biết cách làm các sự kiện xâu chuỗi với nhau. Tại sao những chuyện lịch sử của Trung Quốc được các bạn trẻ nói rành mạch, kể chi tiết mà lịch sử Việt Nam lại quá xa lạ và khó ghi nhớ đến vậy. Cái này các nhà viết sử phải đặt dấu chấm hỏi cho chính mình.
Tôi thiết nghĩ: mỗi công dân Việt Nam đều có lòng yêu thương đất nước của mình, trong họ đều có khát khao muốn tìm hiểu về gốc gác ông cha. Cho nên hãy cho ra một bộ sử dễ học, dễ đọc, dễ nhớ. Hơn nữa, có nhiều phương pháp dạy, không nhất thiết cứ bắt học sinh chép, thầy giáo đọc. Trong thực tế, đôi khi thầy giáo cũng chỉ đóng vai trò như người kiểm tra học sinh là người có đi học và chép được nhiều chữ vào bài thi mà thôi!
Tôi thiết nghĩ: chúng ta nên dạy sử bằng hình ảnh sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, dạy sử là phải nhắc đi nhắc lại chứ không phải năm nay học rồi năm sau quên.
Đơn cử tôi xin lấy một ví dụ: lớp 1 hãy cho các em học nhớ tên các đời, các triều đại của Việt Nam, cho các em vẽ tranh về cung đình vua chúa. Rồi cứ mỗi năm ta dạy lại những kiến thức đó nhưng lại nâng cao hơn về thông tin cung cấp. Nghĩa là từ nhỏ các em đã có cái nhìn tổng quát về chiều dài lịch sử của đất nước con người Việt, nhưng theo dòng thời gian suốt 12 năm, các em sẽ có thêm những dữ kiện.
Nếu một năm dạy cho nhiều, năm sau dạy cái khác, bên cạnh những môn khó nhớ khác, học sinh có đủ thời gian để dành niềm yêu thích cho môn sử hay không? Nhiệm vụ của giáo dục là khơi dậy niềm yêu thích tìm tòi, sáng tạo chứ không phải là nhồi kiến thức. Dạy học mà không khơi được niềm ham thích nơi người học thì chẳng khác gì đem búa tạ nện lên thanh sắt nguội cả!
NGUYỄN PHI VŨ
Đừng đổ lỗi giáo viên mà hãy nhìn gốc rễ vấn đề
Tôi hiện là giáo viên lịch sử đã và đang đào tạo học sinh giỏi môn lịch sử tham gia thi cấp TP. Tôi thật bất ngờ hay nói đúng hơn là quá sốc với kết quả thi ĐH vừa công bố ở bộ môn mình giảng dạy. Tôi đã xem đề thi tuyển ĐH và xem cả đáp án được công bố. Có thể nói đề thi chẳng có gì gọi là khó với trình độ một thí sinh tham gia thi tuyển ĐH cả.
Vì đã là thi tuyển thì phải có sự phân loại thí sinh, nếu dễ chắc chắn nó không phải phục vụ cho thi tuyển. Hơn nữa ở cấp độ này không chấp nhận chuyện một thí sinh chỉ biết học vẹt, học như một cái máy ghi âm mà chẳng biết phân biệt gì cả.
Thử hỏi thí sinh đó sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ cống hiến gì cho xã hội hay lại là cái máy photocopy? Nói về bài làm của thí sinh, tôi không hiểu ở trường học giáo viên đã dạy cho học sinh những gì? Hay chỉ vào lớp rồi đọc và chép? Rồi quan điểm của Bộ Giáo dục - đào tạo ra sao khi chưa có liều thuốc đủ mạnh để vực dậy bộ môn sử? Rồi trách nhiệm của Chính phủ ở đâu khi hầu hết nhận thức của xã hội ngày nay là coi thường bộ môn lịch sử.
Ngày xưa khi còn ở trường sư phạm, thầy Đặng Đức Thi và thầy Nguyễn Hoàng Quân (có thể nói là 2 trong số ít những cây đại thụ của ngành giảng dạy lịch sử ở TP.HCM) từng dạy thế hệ chúng tôi rằng: "Suy cho cùng, khoa học lịch sử là nguồn gốc của các khoa học khác" - một chân lý không phải khó hiểu. Ấy vậy mà đến tận ngày nay vẫn không ai chịu hiểu.
Tôi không bàn sâu vào vấn đề cách dạy và học, rồi căn bệnh thành tích, sách vở nặng tầm chương trích cú, rồi hoàn cảnh sống vất vả của người giáo viên dạy sử với đồng lương rẻ bèo còn thua cả người bán vé số, nhất là trong bối cảnh phụ cấp chấm bài bị mất hoàn toàn khiến họ ăn bữa nay mà lo lắng mất ngủ vì không biết ngày mai gia đình sống ra sao!
Trong khi văn - toán - tiếng Anh - lý - hóa - công nghệ - nhạc - họa còn có chỗ để dạy thêm, chạy sô, riêng sử thì dạy thêm cho ai? Với đồng lương chết đói đó nuôi thân không đủ làm sao lo cho việc giảng dạy tốt... 1.001 lý do của tất cả các bên.
Rồi nạn "ăn cắp" giờ làm, bóc lột công sức của giáo viên. Thay vì chỉ làm một ngày tám tiếng như bao người khác thì họ phải làm một ngày 12-18 tiếng, thậm chí 20 tiếng cho vô vàn công việc như: chuẩn bị bài vở giáo án, sổ sách cho nhà trường, ra đề thi, chấm bài, làm điểm, thống kê... những thứ đó ngốn bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt, thời gian và đặc biệt là phải chuẩn bị sẵn ở nhà chứ lên lớp làm gì có thời gian rảnh để làm? Cứ quần quật đến nỗi ngã bệnh mà không có một thứ trợ cấp nào cả. Lương làm thêm không có một xu. Thử hỏi có còn ai can đảm dám vào học sư phạm sử?
Số đang giảng dạy phải sống lây lất cho qua ngày thì làm sao và lấy quyền gì đòi hỏi họ phải tận tâm với nghề khi mà nghề đang bạc đãi họ và sự sinh tử tồn vong của chính bản thân cũng như của cả gia đình đang đè nặng lên họ?
Những ông lớn ở cấp trên chỉ biết nhìn phần ngọn rằng: đang chi quá tay cho giáo dục nên ra sức cắt giảm. Nhưng có ai dám mạnh dạn tuyên bố rằng mình đã chi đúng cho giáo dục chưa? Công trình thay sách tiêu tốn hàng tỉ đồng rồi hành hạ giáo viên phải đi học thay sách năm này tháng nọ với những kiến thức cũ rích chẳng có gì mới mẻ cũng gọi là thay sách. Đầu tư cho hàng loạt hiệu trưởng sang nước này nước kia học tập kinh nghiệm, có vị nào về trường áp dụng được đâu? Đời sống giáo viên vẫn tệ.
Cách học vẫn quay về kiểu học vẹt như xưa. Giáo án điện tử có nguy cơ chết yểu. Hoạt động ngoài giờ lên lớp là một phần giáo dục rất hữu ích cho thế hệ trẻ lại bị khai tử sau 5 năm thực hiện. Giờ thì bàn giao tiết ngoài giờ lên lớp cho Đoàn - Đội kiểu như đá quả banh trách nhiệm cho người khác là xong. Hậu quả ngày nay thì sao? Thế hệ trẻ tương lai phải gánh lấy.
Sử ta thì dốt mà sử ngoại lại hay. Hãy nhìn sang bên kia bờ đại dương, một nước Mỹ hùng mạnh hay yếu ớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu hay đang là siêu cường hầu như ai cũng biết rõ. Ấy vậy mà họ có bỏ lơ lịch sử nước nhà đâu.
Bất kỳ ai sang định cư nước họ phải nắm vững lịch sử của họ thì mới được cấp thẻ công nhận là công dân chính thức với tất cả quyền trong xã hội. Không thì anh cứ mãi là dân tạm cư.
Trong khi ta tự hào có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến mà hỏi lại sinh viên, học sinh nước nhà chẳng biết lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thời điểm nào, ta kháng chiến chống bao nhiêu kẻ thù xâm lược từ quá khứ dựng nước cho đến thời hiện đại. Lỗi của ai? Đừng đổ lỗi riêng tại giáo viên chúng tôi theo kiểu trăm dâu đổ đầu tằm. Bây giờ xã hội đã có cái nhìn xét lại về nghề giáo, nhất là giáo viên sử. Nếu chậm sửa đổi e rằng hậu quả không phải chỉ có thế.
Vài lời nhắn gửi, kính mong tòa soạn trao gửi giúp chúng tôi chút tâm tư tình cảm có thể gọi là tâm huyết mong đưa giáo dục nước nhà đi lên và mong cải thiện cuộc sống nhà giáo. Chúng tôi không mong giàu, chỉ mong sống được bình thường bằng lương của mình chứ không phải sống được nhưng lây lất bằng lương của mình.
VŨ NGỌC NHẠ
Cứu lấy môn sử
Một số người phê bình học sinh đang học vẹt môn sử. Chỉ có những học sinh mới hiểu nỗi khổ này. Xin thưa, với chương trình mà bộ đưa ra thì học sinh không thể nào không học vẹt được!
Là 1 học sinh, em xin chủ quan được nêu ra các khuyết điểm đó như sau: 1. Chương trình khô khan, toàn chữ với chữ, rồi lại đến ngày, tháng, năm. Học quá sâu một số vấn đề không cần thiết. Những nội dung cần bao quát, tổng hợp lại không đưa vào. Dẫn đến không ít bạn không nắm được mấu chốt của lịch sử mà chỉ nhớ thoáng qua những chi tiết nhỏ nhặt. Ví dụ nắm được ông vua A của thời họ A thì như thế này, nhưng chẳng biết thời họ A có bao nhiêu đời, thời gian nào, trước và sau đó là thời nào,...
2. Với tư tưởng giáo dục "toàn diện", hầu hết chương trình các môn khác là rất nặng, vậy lấy đâu sự thoải mái để học sinh khám phá lịch sử? Ngoài ra, đa số giáo viên dạy sử đều than với học sinh là tiết học không đủ. Ở trên yêu cầu giáo viên dạy thật sinh động, nhưng thời gian để giáo viên dạy đúng chương trình có khi còn không đủ, huống hồ...
3. Sức hấp dẫn với môn lịch sử mà nền giáo dục VN đưa ra với học sinh nói riêng lẫn người VN nói chung là tệ! Em rất yêu thích môn lịch sử, nhưng em đến với niềm đam mê ấy là do 1 tập truyện sử nước ngoài.
Hiện nay không ít người thuộc sử ta không bằng thuộc sử người, một phần là do sự du nhập từ phim, ảnh, truyện, game của nước ngoài... Nhưng cũng phải nhìn lại mình, tại sao lại xảy ra thực trạng như vậy? Vốn liếng sử nhà tệ không phải hoàn toàn do lỗi của học sinh. Xin các chú, các bác có trách nhiệm giáo dục thế hệ tương lai nước nhà cứu lấy môn lịch sử!
D2A
Học sử phải biết tư duy
Mình thấy cách chấm bài và ra đề của giáo viên cũng khiến học sinh, sinh viên phải học thuộc lòng. Ngay cả trường mình, một trường đại học lớn về khoa học xã hội cũng có cách làm như vậy.
Từ lâu, nhiều người cho rằng học sử chỉ biết học thuộc lòng là đủ. Qua đề thi đại học năm nay, quan niệm đó cần phải xem xét lại. Học sử cũng như các môn khoa học xã hội khác phải biết tư duy, lý luận, phải hiểu vấn đề mới có thể làm được.
Cảm ơn các thầy cô ra đề thi sử năm nay, một đề thi rất hay và "xứng đáng" là một đề thi ĐH mang tính phân loại. Đầu tiên phải xem xét lại mục đích của việc học sử là những gì. Có câu nói đùa rằng học sử để làm lãnh đạo. Như bác Võ Nguyên Giáp của ta không phải là một người học sử đó sao, bác vận dụng những cách đánh của người xưa phù hợp với hoàn cảnh ngày ngay để làm nên những chiến thắng lẫy lừng.
Vì vậy, học sử mang tính tư duy rất cao mà không hẳn ai cũng làm được. Mình thấy việc phân bố chương trình học ở phổ thông chưa hợp lý. Nếu cho môn sử là quan trọng thì sao lại sắp xếp mỗi tuần một tiết trong 45 phút được. Mình nghĩ năm nào tốt nghiệp cũng phải chọn môn lịch sử bắt buộc, môn ngoại ngữ nên xem xét lại vì trước sau gì nước mình cũng hiện đại hóa, chắc chắn mọi người sẽ biết phải trau dồi thêm ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Mong Bộ Giáo dục - đào tạo đưa ra hướng giải quyết tạm thời và lâu dài, đừng để những người học ngành khoa học xã hội như chúng em bị cho là chỉ biết học thuộc lòng, từ đó sẽ tạo áp lực cho những người theo khoa học xã hội. Trong khi chính những ngành khoa học xã hội mới là nền tảng cho các ngành khoa học khác.
HOÀNG
Hãy học các nước khác
Ở Mỹ, việc học sử rất hấp dẫn, Bộ Giáo dục và đào tạo có thể tham khảo. Ở các lớp dưới, sách giáo khoa có nhiều hình ảnh minh họa như truyện tranh, có những mẩu chuyện kể lý thú như mời gọi các em vào thăm thế giới xưa hừng hực và nhiều kỳ tích. Thật sự là người xưa sống hồn hậu, nghĩa khí và không bàng quan như cuộc sống hiện đại nên sẽ rất lý thú.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên làm những video clip ngắn phục dựng những trận đánh, những giai thoại, theo kiểu tài liệu và tải trên YouTube. Khi giáo viên dạy chỉ cần mở YouTube cho các em xem. Tuy tốn kém lúc đầu, nhưng có thể dùng cho cả trăm năm sau nếu clip tái dựng trung thực và đẹp mắt.
Ngoài ra, nên tổ chức những cuộc thi đố vui, kể chuyện để các em tham gia và chơi. Ở lớp lớn, các em không nên học vẹt nhiều sự kiện ngày tháng vô ích. Đó không phải là mục đích dạy sử. Chỉ yêu cầu các em sắp được theo thứ tự những triều đại lớn, thuộc thế kỷ nào, những trận đánh lớn, những nhân vật có ảnh hưởng.
Những sự kiện nhỏ, những nhân vật không quan trọng, những ngày tháng cụ thể không nên yêu cầu học và nhớ. Em nào yêu thích thì sẽ tự động tìm hiểu thêm. Giống như âm nhạc hay bóng đá, đâu phải ai cũng có thể thấu đáo tất cả, chỉ những bạn trẻ thật yêu thích mới có thể nhớ hết từng chi tiết, từng nhân vật, và đó là sở thích cá nhân, không phải là kiến thức chung cần biết.
Ở lớp lớn, các em phải biết viết luận văn về sử. Môn sử không phải chỉ là môn học thuộc lòng nhàm chán. Nên yêu cầu các em viết những bài bình luận, lý giải những sự kiện, những quyết định lịch sử. Ngoài ra có những dạng bài tóm tắt, bình về những trận đánh, những nhân vật. Dĩ nhiên đây sẽ là những bài viết dài có thời gian một đến vài tuần, yêu cầu các em phải làm việc như những nhà nghiên cứu. Bộ sẽ cần in những sách đọc thêm.
Ngoài ra, có thể yêu cầu các em đọc những tiểu thuyết lịch sử có giá trị (chỉ đọc chương nào có liên quan đến bài đang học), hoặc những biên cứu, những áng văn sử. Sau đó, yêu cầu viết phân tích và bình luận. Chúng ta sẽ không yêu cầu các em viết đúng và sâu sắc như những nhà sử học. Nhưng những hoạt động trên sẽ giúp các em "thấy sử và suy nghĩ, tự đặt mình vào bối cảnh xưa và dự phần định đoạt cùng cha ông".
Với những kiến thức sống động, những bài học đời hữu ích, khi các em phân tích sẽ thu được nhiều cho bản thân hơn là chỉ học một bài sử vô hồn. Đó là những tri thức mà các em sẽ nhớ suốt đời vì mình có dự phần.
Rèn luyện trí não như vậy sẽ đào luyện những nhà chính trị, luật sư, nhà báo, kinh tế, tướng lĩnh quân sự, biên kịch phim, đài truyền hình trong tương lai. Thực tế, rất nhiều ngành nghề yêu cầu phải nắm vững về sử và họ đang phải ra tiệm sách hoặc vào thư viện hằng ngày. Tại sao ta không giúp định hướng cho các em ngay từ những ngày còn học trong trường thay vì thờ ơ với nó, để rồi đến khi nghề nghiệp cần lại chạy đôn chạy đáo tra cứu.
Ý kiến của một học sinh lớp 12
27/07/2011 9:11:35 CH
Em là một học sinh vừa mới rời khỏi ghế nhà trường và cũng thường nghe những lời than ngắn thở dài của các bạn cùng tuổi về môn sử.
Nhắc đến môn lịch sử, đa số các bạn đều ngán ngẩm khi nghĩ đến những tiết học nhàm chán, khô khan, đi kèm theo đó là những cuốn đề cương mà chỉ mới nhìn thôi đã muốn lăn ra ngủ! Em thì lại rất thích môn lịch sử, nhưng chỉ lịch sử thế giới thôi. Thậm chí, em còn tự nghiên cứu bên ngoài, qua sách vở, phim ảnh...
Ở trong lớp, nếu là lịch sử thế giới thì em còn ráng gượng dậy mà nghe giảng, còn lịch sử VN là em cũng lăn ra ngủ luôn! Đơn giản là vì sau 12 năm học sử, em nhận thấy chương trình sử qua từng năm không có gì mới mẻ, mặc dù trên thực tế nó được cho có sự khác biệt.
Vẫn những sự kiện đó, hình ảnh đó, thậm chí lời văn đó được xào đi xào lại, từ cái thuở mới bập bẹ học sử cho đến cuối cấp 3. Em nghĩ đó cũng là một lý do.

Charlotte Darcy
Tại sao chúng ta không nghĩ đến kết quả thực tế từ đầu ra ở trường đại học mà chỉ đổ lỗi cho chất lượng dạy của các trường phổ thông?
27/07/2011 7:44:25 CH
Kết quả điểm thi môn Lịch sử sẽ thấp dần theo từng mùa thi tuyển sinh đại học tiếp theo sau đó. Điều này không có gì ngạc nhiên cả. Đừng đổ lỗi cho rằng các em học thi đầu vào điểm môn lịch sử thì yếu, đầu vào điểm thi khối các môn tự nhiên thì cao. Công tâm nhìn nhận tất cả tại bởi cơ chế xã hội tạo ra. Nhìn vào kết quả đầu ra sau khi tốt nghiệp đại học, phần lớn sinh viên các ban tự nhiên đều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm và có khả năng thu nhập cao hơn các sinh viên thuộc ban khoa học xã hội.
Ngay trong ngành giáo dục vốn cũng đã diễn ra một quá trình phân hóa tự nhiên về mức thu nhập, mức sống giữa giáo viên các môn xã hội với giáo viên các môn khoa học tự nhiên. Cũng nhận đồng lương công chức nhưng rõ ràng giáo viên các môn tự nhiên còn có điều kiện để làm thêm ngoài giờ bằng dạy thêm. Tùy thuộc vào năng lực chuyên môn của từng người mà mức thu nhập có thể dao động từ vài chục triệu trong một tháng, vượt đồng lương nhận được gấp cả mấy chục lần.
Còn giáo viên các môn xã hội, muốn thu nhập thêm có khi người ta phải chấp nhận làm thêm bằng cả những nghề lao động phổ thông, dùng sức cơ bắp là chính. Ngay trong trường cũng đã có sự phân biệt đối xử giữa môn chính với môn phụ; giữa các môn tự nhiên với các môn xã hội. Nhiều trường, giáo viên xã hội được lãnh đạo trường quan tâm tạo điều kiện "thu nhập" thêm bằng cách bố trí tăng thêm buổi coi thi khảo sát chất lượng đầu vào, thi thử tốt nghiệp, thi thử đại học, kiểm tra hồ sơ v.v để cải thiện tình hình. Kỳ thực giáo viên tự nhiên cũng không có thời gian nhiều để bám trường, làm những công việc có tính chất ngoài giờ như thế, bởi vì họ phải bận rộn với việc đứng lớp ngoài giờ tại gia, có khi mức thù lao ấy cũng không bằng để nghỉ dưỡng sức tập trung cho những lớp cua mới.
Từ thực tiễn xã hội và trong bản thân nhà giáo cũng đã tác động đến nhận thức của học sinh, người học. Cái chủ nghĩa thực dụng, học lệch đã được hình thành trong đầu các em học sinh ngay từ nhỏ, từ cả trong gia đình, cha mẹ học sinh. Tư tưởng ấy đã chi phối cả quá trình học tập của các em, làm các em không dành thời gian học tập nhiều cho bộ môn xã hội, chủ yếu tập trung cho các bộ môn tự nhiên. Sự đầu tư về bên nào nhiều hơn thì bên ấy sẽ có ưu thế mạnh hơn là điều chắc chắn. Ngoại lệ một số học sinh học giỏi và đam mê thật sự đối với môn khoa học xã hội và phải gắn vào cái nghề vì cái duyên, còn lại đa số đến lúc mỏi gối, chùng chân thi mới chuyển hướng sang các môn khoa học xã hội như là một sự cứu cánh.
Thử hỏi trong hoàn cảnh ấy, kiến thức làm gì đủ để một vận động viên tồi, không chuyên nghiệp cớ thể vượt qua được vũ môn. Tóm lại, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do bởi cái nhìn của xã hội chưa thật công tâm giữa các ngành khoa học tự nhiên với các ngành khoa học xã hội. Tại sao chúng ta không nghĩ đến kết quả thực tế từ đầu ra ở trường đại học mà chỉ đổ lỗi cho chất lượng dạy của các trường phổ thông?

Hà Ngọc
Rồi sẽ hụt mất thế hệ nhà giáo kế tiếp
27/07/2011 3:56:50 CH
Không phải chỉ môn Lịch Sử, mà cả những môn khác nữa (nói chung là các môn xã hội) những năm gần đây thường có chất lượng thi thấp. Là người đi dạy, tôi thấy chẳng có gì khó hiểu. Thứ nhất, điểm thấp là vì trong đa số các thí sinh dự thi khối C, trừ một phần rất ít có khả năng, còn lại đều học yếu.
Những học sinh khác học khá giỏi đã thi các khối A hoặc B rồi (bởi vì để sau này có thu thập). Thi khối C, chủ yếu để vào đại học sư phạm, khi ra trường không sống nổi, nên chỉ có những học sinh quá yếu, không biết thi trường nào mới nhắm mắt thi đại thế thôi.
Thứ hai, như một hệ quả tất yếu "anh không thể là một nhà nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử nếu dạ dày của anh lép kẹp". Với đồng lương chết đói hiện nay, ai mà yên tâm giảng dạy cho được? Nói như thế để thấy rằng, trước hết, kết quả thi vừa qua không phản ánh toàn diện chất lượng giảng dạy môn Lịch Sử (vì phần đông học sinh khá, giỏi đã không chọn thi); thứ nữa là, nếu Nhà nước và Bộ GD không có cơ chế tiền lương phù hợp thì đừng mong thay đổi điều này.
Tôi là người đi dạy, thiếu 2 tháng nữa là đúng 10 năm. Là một Thạc sĩ, lương của tôi hiện nay vẫn nằm trong diện trợ cấp đột xuất (250.000 trong quý 2). Nhìn tới nhìn lui, với ai chứ tôi, tôi không nghĩ tôi sẽ làm tốt cái việc "quốc sách hàng đầu". Nếu không thay đổi, chỉ cần chưa đầy 10 năm sau, các bộ môn xã hội sẽ đứt gốc, sẽ không có thế hệ thầy giáo có tài kế tục. Có ai thấy điều này không?

Lê Thê
Muốn hiểu lịch sử phải đọc sách
27/07/2011 3:43:37 CH
Muốn hiểu lịch sử nước nhà thì học sinh phải ham đọc sách, không có cách nào khác. Phải thực sự yêu thích lịch sử và siêng năng đọc sách lịch sử, không chỉ có sách giáo khoa thì mỗi học sinh mới có kiến thức thực sự về lịch sử. Đừng đổ lỗi cho chương trình, sách giáo khoa và thầy cô. Thử hỏi các em học sinh mỗi tuần đã dành ra bao nhiêu phút để đọc các trang sách về lịch sử. Nhận thức về sự cần thiết của việc đọc sách là của mỗi người. Tình yêu đối với lịch sử nước nhà cũng là của mỗi người. Không ai có thể làm thay mình việc này cả. Hãy đọc sách đi và sẽ không còn cãi nhau nữa...
Mai Tâm Không
Quá chuẩn !
27/07/2011 2:49:18 CH
Rất ngưỡng mộ thầy DH! Chỉ vài dòng thầy đã lột trần tâm tư nguyện vọng của 1 nhà giáo. Một khi chúng ta còn xem thường giáo viên - cái mà chúng tôi vẫn hay nói đùa là "máy cái" để đẻ ra "máy con" - thì xã hội chỉ có thể ngày càng suy đồi. Còn thi cử điểm thấp cũng chuyện bình thường. Chỉ dạy công trừ mà ra nhân chia thì sao học sinh làm bài được. Mở sách sử ra nhìn một đống số liệu vô hồn, khô như những viên sỏi.
Giờ bảo học sinh tư duy, phân tích thì bằng đánh đố à?! Bởi vậy, dù phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày, lứa chúng tôi vẫn động viên nhau: khổ mấy cũng cho con đi du học. Sang đó không chỉ học kiến thức mà còn biết học cách sống, cách làm người. Cảm ơn.

Nguyễn Phạm Tuyên
Biện pháp
27/07/2011 2:48:54 CH
Một số biện pháp " kích thích " trình độ Sử:
1. Tổ chức nhiều Game show trên truyền hình về hiểu biết Sử Việt mà giải thưởng cao như chương trình Olympia (khoảng 1 tỷ. Phải kiếm được nhà tài trợ!).
2.Các kỳ thi vào các cấp luôn phải có môn Sử (thậm chí nhân hệ số 3).
3. Các khối thi Đại học A , B , C,D,E... đều phải có môn Sử (thậm chí nhân hệ số 3).
4. Tăng cường các kỳ thi học sinh giỏi Sử (Cộng điểm thưởng vào các kỳ thi quan trọng).
5. Tổ chức riêng các kỳ thi Giáo viên dạy Sử giỏi các cấp và phải tăng lương trước thời hạn (Có thể thưởng khoảng 100 triệu trở lên, nhưng chú ý tiêu cực trong các kỳ thi này).
6.Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu trên mạng hay cuộc thi trên mạng (về môn Sử như thi Anh văn , toán ...) nhưng chú ý phải có giải thưởng giá trị.
7. Tăng thời lương môn Sử lên 7 tiết/1 tuần (mỗi ngày một tiết - ngày nào học sinh cũng được nghe về Sử).

Giáo
Không trách thầy và cũng không trách trò
27/07/2011 2:10:43 CH
Cuộc sống công nghiệp hiện đại và suy nghĩ của tuổi trẻ "thời @" các em chỉ chăm chút vào những môn học nào mang tính thực tế, có thể giúp các em tiếp cận với cuộc sống sau này. Dù thầy có cố gắng hay tăng thơi lượng dạy, hay "ép" các em học cũng vô ích. Xin việc làm không ai kiểm tra kiến thức lịch sử cả.
sanu
Nếu đam mê, sẽ có điểm cao
27/07/2011 2:10:01 CH

Điểm thi lịch sử đại học năm nay quá thấp điều đó đã cho thấy việc học và dạy môn lịch sử đang có vấn đề nhưng chúng ta đừng quá đổ lỗi điểm sử thấp là do giáo viên giảng dạy quá khô khan hay là kiểu học vẹt đọc đọc chép chép không có tranh ảnh, truyền hình để dẫn chứng, minh họa... mà thật ra điểm kém đó cũng là do một phần cách học tủ, học thuộc lòng không có tư duy, sáng tạo trong cách học lịch sử của mỗi em hiện nay.
Tâm lý chung của các em hiện nay đối với môn sử cũng như những môn khác địa lý, giáo dục công dân... là môn phụ, môn học thuộc lòng nên trong các kỳ kiểm tra một tiết, muời lăm phút hay kiểm tra cuối kỳ các em thường có cách học đối phó để làm sao có điểm trung bình là được rồi. Chính vì quan điểm đó đã ăn sâu vào trong cách học của các em nên điểm thấp kém là điều không thể tránh khỏi.
Trong đó giáo viên khi kiểm tra đôi lúc cũng dễ dãi, xuề xòa cho qua khi các em xem tài liệu bởi “nghiêm khắc, khó dễ làm gì đối với môn phụ này". Trong khi đó người giáo viên nào cũng muốn các em học thật tốt môn lịch sử và nghiên cứu, thay đổi, làm mới cách giảng dạy cũng như cách truyền đạt để các em mau chóng tiếp thu và nắm vững kiến thức nhưng cách tiếp thu, cách cảm nhận và cách học như thế nào điều một phần là phụ thuộc vào tư duy của mỗi em.
Bản thân tôi cách đây mười mấy năm tôi cũng đã từng thi vào nhiều trường đại học khối C, điểm sử của tôi được sếp vào loại khá nhất bởi rất đơn giản một điều là tôi rất thích khối C và yêu thích môn lịch sử. Lúc đó cách truyền đạt và giảng dạy của giáo viên môn lịch sử ở lớp rất hay nhưng thật sự chưa đủ. Tôi có cách học của riêng mình, đối với những sự kiện, con số tôi luôn có một cuốn sổ tay nhỏ để ghi chép những sự kiện, cột mốc lịch sử quan trọng. Gạch đầu dòng những ý chính để dễ nhớ, dễ thuộc sau đó bằng tư duy và cảm nhận riêng của mình để viết một bài viết về lịch sử tốt nhất, hòan chỉnh nhất...
Chúng ta đừng bao giờ nhìn về một phía để trách móc hay đánh giá một ai đó mà trước hết hãy tự nhìn nhận về mình và tự đánh giá, kiểm điểm bản thân mình. Điểm lịch sử cao hay thấp không chỉ phụ thuộc vào cách giảng dạy của người giáo viên hay là đề thi đó quá khó... mà nó còn phụ thuộc vào sự yêu thích, niềm đam mê của mỗi người học lịch sử!
Điểm thi môn sử thấp không ngờ: Lỗi từ cách dạy
- Theo nhiều cán bộ chấm thi, rất nhiều bài thi sử có nội dung lan man, lạc đề, lấy sự kiện này cắm vào mốc thời gian nọ, sai kiến thức cơ bản... Có bài thi 12 trang giấy nhưng giám khảo chỉ có thể cho 1 điểm.
Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của việc dạy và học vẹt, coi thường môn sử ở bậc phổ thông.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM dự thi vào khối C các trường ĐH tại TP.HCM xem điểm thi trên mạng ngày 26-7 - Ảnh: Như Hùng
Theo nhiều cán bộ chấm thi môn lịch sử, rất nhiều bài thi của thí sinh viết lan man, lạc đề, diễn đạt ngô nghê, thậm chí lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Cô T. - một giáo viên THPT tại TP.HCM, cán bộ chấm thi tại Trường ĐH Sài Gòn - cho biết mỗi túi bài thi (38 bài) nhưng điểm tổng chỉ từ 60-62. Thậm chí nhiều khi chấm ba bốn túi bài vẫn không có điểm 4, điểm 5 nào. Bài thi cao điểm nhất cô T. chấm tại trường này là 6,5 điểm. “Có thầy giáo chấm một bài thi được 8 điểm liền reo lên, các thầy cô khác liền đến xem. Phải nói là điểm thi quá thấp nên khi chấm được một bài điểm giỏi ai cũng mừng” - cô T. chia sẻ.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia
ĐH Cần Thơ: 2,5% thí sinh đạt điểm trung bình môn sử
Chiều 26-7, Trường ĐH Cần Thơ đã công bố điểm thi. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, trưởng phòng đào tạo, cho biết mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn so với năm 2010. Đặc biệt, điểm thi môn sử rất thấp và giảm mạnh so với năm 2010. Thống kê cho thấy chỉ có 151 thí sinh đạt điểm môn sử từ 5 điểm trở lên, chiếm tỉ lệ 2,7% (năm 2010 số thí sinh thi môn sử đạt điểm từ 5 trở lên là 13,5%). Điểm thi các môn còn lại nhìn chung cũng giảm hơn so với năm 2010. Riêng môn toán khối A điểm thi tương đối thấp (từ 5 điểm trở lên chỉ đạt 4,8%). Với mặt bằng điểm thi năm nay, ông An dự báo điểm chuẩn có thể thấp hơn năm 2010.
Thống kê từ một số trường công bố điểm trong ngày 26-7 cho thấy điểm thi môn sử cũng khá thấp. Trường ĐH Lạc Hồng chỉ có ba thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, chiếm 2,3%. Tỉ lệ này tại Trường ĐH Luật TP.HCM là 4,6%. Chỉ duy nhất Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) có tỉ lệ thí sinh đạt điểm sử từ 5 trở lên là 12,6%.
T.XUÂN - M.GIẢNG
Theo cô T., các lỗi thí sinh mắc phải nhiều nhất đó là sai kiến thức cơ bản, diễn đạt ngô nghê, lạc đề.
Không chỉ thế, nhiều thí sinh bỏ giấy trắng hoặc chỉ viết được vài dòng. Những thí sinh này rất thuộc bài, viết rất đầy đủ ý nhưng chỉ tiếc đó không phải là nội dung đề yêu cầu. Trong khi đó, có thí sinh viết đến 12 trang giấy nhưng chỉ có thể cho 1 điểm do phần lớn nội dung bị lạc đề.
“Đề thi năm nay tương đối khó, không đặt ra yêu cầu cụ thể mà chỉ đặt vấn đề và thí sinh phải biết chọn đúng sự kiện, đúng nội dung để làm, vì thế nhiều em đã chọn sai sự kiện. Chẳng hạn câu 1, nhiều thí sinh không phân tích nguyên nhân mà lại sa đà vào quá trình ra đi tìm đường cứu nước. Câu 3 là câu thí sinh sai nhiều nhất. Đề không cho cụ thể là thắng lợi chính trị, quân sự hay ngoại giao nên thí sinh chọn nhiều thắng lợi khác nhau như Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến thắng Tây nguyên... trong khi dữ kiện đúng là ký kết hiệp định Paris.
Và như thế là không có điểm dù viết cả mấy trang giấy. Đó là hậu quả của cách học vẹt, không tư duy”.
Tương tự, một giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết nhiều thí sinh không nắm vấn đề nên làm câu này được vài dòng lại nhảy sang làm câu khác nhưng cũng chỉ được năm ba câu. Nhiều thí sinh viết cả trang giấy nhưng không đúng được một ý nào và phải cho điểm 0. Nhiều thí sinh nhớ sai sự kiện, chọn sai sự kiện trình bày khiến bài làm không có kết quả. Điểm bài thi hầu hết dưới trung bình.
Chương trình nhồi nhét
Theo nhiều giáo viên, đề thi sử năm nay tương đối khó nhưng ThS sử học Huỳnh Đức Thiện - Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - đánh giá đề thi khó và thí sinh không làm được bài là hệ quả của cách dạy nhồi nhét, không dạy cho học sinh cách tư duy và yêu thích môn lịch sử.
“Cách dạy ở bậc phổ thông là xong bài nào chỉ giúp học sinh biết bài đó mà không có sự so sánh giữa các giai đoạn. Chương trình phổ thông thiên về sự kiện mà không chú ý đến đặc điểm, bản chất của sự kiện. Chương trình và cách dạy khô khan khiến học sinh chán học môn sử. Do đó khi làm bài, thí sinh chỉ trình bày lại những sự kiện đã học mà không có sự tư duy, chọn lọc hay so sánh” - ông Thiện nói thêm.
Lý giải về vấn đề này, một giáo viên THPT tại Q.Tân Bình TP.HCM phân trần: “Thường thì cuối tháng 3 chúng tôi hoàn tất chương trình môn lịch sử. Ở nhiều trường tốp dưới, nếu có thi tốt nghiệp môn sử thì ôn cho các em cũng chỉ mong đậu tốt nghiệp THPT. Nhiều em học yếu, không định hướng được mình thi khối nào nên cuối cùng chọn thi khối C. Liên quan đến chương trình, phải thừa nhận chương trình quá ôm đồm, chỉ dạy kiến thức giáo khoa thôi học sinh đã mệt rồi, lấy thời gian đâu mà tư duy. Cả thầy và trò cố gắng hoàn thành chương trình là đã mệt và hết thời gian”.
MINH GIẢNG
Đừng để môn sử lụi tàn
* Nhận thức - thái độ của xã hội đối với môn lịch sử như thế nào thì tất yếu sẽ thu nhận được kết quả như vậy. Đây cũng là quy luật nhân - quả. Các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học và xã hội chỉ phân tích, mổ xẻ, bình luận... hiện tượng điểm sử thấp chứ chưa thấy có chủ trương, chính sách thực tế - hiệu quả để khắc phục hiện tượng này...
NGUYỄN VĂN HÒA
* Kết quả thi môn sử tại các trường đại học vừa qua làm nhiều người thất vọng, nhưng phản ánh đúng xu hướng, cách chọn môn học, môn thi của học sinh và phụ huynh, thử hỏi từ cấp trung học cơ sở trở lên có mấy học sinh học thêm môn sử. Một môn học rất khó, ra trường ít được xã hội trọng dụng, nhưng có tính giáo dục truyền thống rất sâu sắc.
LÊ VĂN PHÚC
* Tôi mới thi đại học xong, thật buồn khi điểm thi môn sử rất thấp đến chính tôi cũng không ngờ. Tôi không đổ lỗi cho ai nhưng những bài học quá dài lại không có tranh ảnh hỗ trợ cho chúng tôi hiểu kỹ. Đọc được những dòng viết của các cô, các chú, tôi rất buồn. Tôi hiểu không ai có thể chấp nhận một người Việt Nam không hiểu sử Việt Nam, nhưng khó quá!
PHAN THỊ LÊ GIANG
* Kết quả trên phản ánh đúng thực trạng của việc dạy và học sử ở cấp phổ thông. Và để không còn tình trạng trên thì nhất thiết phải xem lại việc dạy và học như nói trên. Có lẽ từ kết quả đau lòng này, Bộ GD-ĐT nên có cái nhìn thực chất hơn về vấn đề này, đừng để môn sử ngày càng lụi tàn.
Vốn liếng sử nhà còn lại bao nhiêu?
Thực ra không phải đợi đến bây giờ tình trạng học môn sử ở học sinh mới bị điểm kém như vậy. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi khi được tiếp cận môn lịch sử cũng gặp phải những khó khăn bởi sự khô khan và thiếu thuyết phục trong cách trình bày vấn đề của hệ thống sách giáo khoa cũng như những tư tưởng cứng nhắc theo kiểu “ta thắng - địch thua” của chính thầy cô truyền đạt.
Thực tế, môn lịch sử được đưa vào giảng dạy trong nhà trường bắt đầu từ năm lớp 4. Và chỉ tính riêng năm học này học sinh đã phải học một lượng kiến thức đồ sộ từ thời Nhà nước Văn Lang Âu Lạc cho đến đời nhà Nguyễn. Với trí óc non nớt của các cháu lớp 4, việc học vẹt để trả bài vào kỳ thi cuối năm (được lấy kết quả cho cả năm học) rồi sau đó lại xóa sạch hoặc có nhớ cũng lõm bõm vua thời này sang ngồi nhầm ngai vàng đời khác là điều khó tránh khỏi.
Sang những năm học tiếp theo, cứ mỗi lớp học học sinh lại được lặp đi lặp lại những kiến thức đó nhưng với mức độ mở rộng hơn. Chính sự lặp lại đó gây tâm trạng nhàm chán dẫn đến ý thức thiếu tập trung, môn lịch sử lại trở nên lùng bùng hơn bao giờ hết đối với người học.
Mặt khác, với đặc thù của môn lịch sử có rất nhiều sự kiện và số liệu. Mỗi sự kiện với những số liệu kèm theo ngày tháng sẽ khó có thể nhớ hết được nếu không được phân tích, lý giải cụ thể thuyết phục. Trong khi đó, ở chương trình phổ thông hiện nay thời gian dành cho môn học này quá sức ít ỏi khiến giáo viên loay hoay không biết đường nào mà lần với dung lượng kiến thức đầy ắp trong sách giáo khoa.
Khi phân bổ chương trình cho môn lịch sử mỗi tuần một tiết học, không hiểu các nhà nghiên cứu giáo dục nghĩ như thế nào, nhưng với những ai đứng lớp mới hiểu nỗi khổ của việc giảng dạy sao cho “thấu” đến học trò mới là điều vô cùng vất vả.
Đã vậy, môn lịch sử chỉ phục vụ các em chọn thi khối C nên số học sinh không học khối này tập trung vào học những môn này hầu như rất ít. Ngay cả các em học thi khối C, kết quả điểm thi còn như vậy, thử hỏi những em không chọn thi khối này và khi năm nay môn lịch sử không nằm trong những môn thi tốt nghiệp, thì vốn liếng sử nhà còn đọng lại trong tâm trí của các em được bao nhiêu?

Vì sao tôi bỏ nghề dạy sử? 
Vốn là một giáo viên, đã từng tốt nghiệp khoa Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm, nhưng sau 2 năm đi dạy, tôi đã quyết định bỏ nghề và chuyển sang hướng khác.

Đã từng là một học sinh thi đỗ đại học với điểm môn sử là 9/10, tôi hoàn toàn có thể tự hào vì có niềm đam mê môn học này.

4 năm học đại học cũng cho tôi nhiều cảm nhận. Trong quá trình học, tôi chỉ thích học sử thế giới mà không hề thích học sử Việt Nam, đa phần lớp tôi đều thế.

Ngẫm sâu xa, tôi nhận ra vấn đề là những giáo viên dạy sử Việt Nam của chúng tôi rất khó để có một bài dạy hay như giáo viên dạy sử thế giới.

Chúng tôi đã được học sử thế giới thông qua những hình ảnh rất hay về các sự kiện, được giáo viên của tôi trình chiếu bằng slide và là người phiên dịch viên luôn nên đến giờ tôi vẫn không hề quên những giờ giảng như thế.

Đa phần giáo viên dạy sử thế giới của chúng tôi đều đã đi học nước ngoài về và kinh tế cũng khá giả, họ có nhiều cơ hội để trau dồi chuyên môn.

Nhưng với sử Việt Nam, chúng tôi chỉ biết bò ra bàn ngủ cho đến hết giờ rồi về vì có một số giáo viên dạy quá chán, không thể thú vị để mở mắt ra mà nghe nổi.

Những giáo viên đó nhìn cũng tất tưởi, cũng lo toan, cuộc sống có cái gì đó làm họ không thoát ra được.

Do đó, khi ra trường đi dạy, mảng sử Việt Nam không phải là điểm mạnh của tôi. Không phải là hứng thú khi còn học đại học, nên tôi gần như chẳng có gì để nói với học trò ngoài những kiến thức khô khan trong sách.

Thí sinh trong buổi thi ĐH đợt 2 kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Ở khối C, đề thi môn Lịch sử năm nay được đánh giá là khó và hay, có tính phân loại cao và đòi hỏi học sinh có tư duy tổng hợp, chủ động với thông tin mình học được mới có thể được điểm tốt. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đứng trên quan điểm là người đi dạy, tôi – một cô giáo mới ra trường cũng đầy tâm huyết, cũng mất hàng ngày dài chỉ để lên mạng tải xuống những thước phim về chiến tranh, những tấm bản đồ, những hình ảnh cho thật sinh động để chuẩn bị cho bài giảng ngày mai.
Nhưng tôi – một đứa sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường sống trên mảnh đất Hà thành với cuộc sống đắt đỏ, với bao chi phí phải bỏ ra cho một tháng, nào tiền thuê nhà, tiền xăng xe, điện thoại, tiền ăn, điện nước, tất cả không thể gánh nổi trên đôi vai gầy chỉ với mức trả lương của một giáo viên hợp đồng trường là 25 ngàn đồng/ tiết (năm 2008).

Một tuần, tôi được nhà trường phân cho dạy chỉ có 8 tiết vì có ít lớp, làm một bài toán nhanh thì một tháng, tôi nhận được 800 ngàn đồng. Trong khi đó, tiền thuê nhà là 900 ngàn đồng/ tháng.

Như vậy, tôi không đủ trả tiền thuê nhà huống chi còn bao nhiêu khoản khác nữa, tôi đành xin đi làm ở một công ty ngoài để trang trải cuộc sống.

Nhưng niềm đam mê trở thành cô giáo của tôi vẫn cháy bỏng. Tôi có những tiết giảng rất hay, học sinh rất hứng thú, và chúng tỏ ra rất yêu quý cô giáo dạy Sử.

Tôi cũng đã áp dụng phương pháp dạy học mới, lấy người học làm trung tâm, chia nhóm để học sinh thảo luận, các em rất hứng thú.

Tôi không thấy học sinh coi mình là cô giáo dạy môn phụ, bằng chứng là tôi đã nhận được những tấm thiệp rất đẹp do học sinh tự làm dành tặng ngày 20 – 11 với những câu từ đầy xúc động mà tôi cảm nhận đó là tấm lòng của chúng, hay những bức tranh mà chúng tự vẽ để tặng tôi.

Tôi còn được học sinh chia sẻ cả những chuyện riêng tư mà chúng không hề nói với bố mẹ hay giáo viên chủ nhiệm.

Tôi đã nhận được những lời đề nghị của những học sinh lớp khác mà tôi không dạy được dạy chúng một tiết thôi vì nghe các bạn lớp tôi kể lại là cô dạy rất hay.

Điều đó làm tôi càng có động lực để giữ nghề.

Nhưng do yêu cầu công việc của bên công ty, tôi không thể đi dạy đều nên chỉ xin dạy 3 tiết một tuần để không quên mình là một giáo viên dạy sử.

Tuy nhiên, tôi không còn thời gian và sức lực để soạn những bài giảng hay sau mỗi ngày đi làm đến tối nhọ mặt người mới về với cơ thể mệt nhoài. Điều đó  buộc tôi phải lựa chọn, bỏ nghề để không hổ thẹn với đám học trò bởi những bài giảng dở ẹc hay là tiếp tục với sự chán ngán của chúng sau mỗi bài giảng chỉ toàn lý thuyết suông. Tôi quyết định bỏ nghề.

Tôi nhận ra rằng, không phải giáo viên không có tâm huyết, không phải giáo viên không biết dạy hay, họ hoàn toàn có thể làm được điều đó nhưng chỉ có số rất ít mới sống bằng đam mê mà không phải lo chuyện tiền bạc.

Họ không thể dành 2 ngày cho việc soạn một bài giảng hay chỉ để nhận về 25 ngàn đồng/ tiết dạy.

Họ cũng không thể sống 1 tháng chỉ với 800 ngàn đồng cho bao nhiêu chi phí của cuộc sống thị thành đắt đỏ. Mặc dù yêu học trò, mặc dù đầy nhiệt huyết, cuộc sống vẫn buộc họ phải chọn lựa.

Theo tôi, việc giảng sử không hay có phần lỗi của người dạy nhưng chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ cái lỗi đó do đâu mà có.

Học sinh giống như một tờ giấy trắng, không thể nói là các em không thích học nên giáo viên không hứng thú dạy. Vì sao các em không thích học?

Bằng chứng là tôi đã dạy rất nhiều lớp học sinh và cũng đã từng là học sinh, tôi thấy lỗi không phải ở các em, giáo viên đã không có những bài giảng tốt để gây hứng thú cho học sinh. Nhưng vì đâu giáo viên không có được bài giảng tốt, câu trả lời tôi đã nói ở trên thông qua hai quan điểm người dạy và người học.

Thiết nghĩ, cái vòng luẩn quẩn này âu cũng là bài toán kinh tế chung của cả xã hội.

Lương nhà nước trả chỉ có vậy, người giáo viên muốn sống tốt cũng chẳng còn cách nào khác.

Mục tiêu tuy cao cả nhưng cơm áo gạo tiền buộc họ phải lựa chọn mà thôi. Con người đi làm cũng vì nhiều mục đích, nhưng đa phần là vì tiền và vì đam mê. Vì đam mê thì có số ít mà vì tiền là số nhiều, khi cái mục đích vì tiền không còn trở thành động lực nữa thì việc làm của họ cũng chỉ là cho xong việc mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?