Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Tiếp viên hàng không

“Phải phục vụ trong ngành hàng không bạn mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói “khách hàng luôn luôn đúng”. Suốt hơn một năm đi làm, số lần tôi bị khách chửi có khi bằng tổng số lần bị chửi của cả cuộc đời”.



LTS: Một nghề luôn được nhìn thấy với vẻ hào nhoáng như nghề tiếp viên hàng không liệu có thực sự “bóng bẩy” như những gì người ta vẫn thường nghĩ? Trên thực tế, những người trong cuộc cho rằng tiếp viên hàng không cũng là một nghề như bao nghề khác và họ thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức, stress rất đặc thù nhưng không phải ai cũng biết.
 Loạt bài dài kỳ của VietNamNet sẽ ít nhiều vẽ lên cho độc giả hiểu được nhiều chiều hơn về nghề tiếp viên hàng không...


Nghề tiếp viên hàng không là nghề được các bạn trẻ ao ước, nhưng thực chất cũng là một công việc phục vụ bình thường như bao công việc phục vụ khác. Những tiếp viên lâu năm cho biết, khi mới vào nghề, việc thường xuyên họ phải làm là ngồi trực toa-lét, giữ cho toa-lét luôn khô ráo, sạch sẽ. Càng làm lâu, những hào nhoáng của nghề càng phai nhạt.
Làm dâu triệu họ

Nghề tiếp viên hàng không được nhìn nhận là nghề "làm dâu trăm họ" (Ảnh minh họa: Internet)
Một nữ tiếp viên hàng không sinh năm 1987, hiện đang làm việc cho một hãng hàng không tại Việt Nam cho biết: “Hầu hết những ai thi vào ngành hàng không, nhất là làm tiếp viên, họ thường nghĩ đến những hào nhoáng, những xuýt xoa ao ước của mọi người trong xã hội về nghề này, đồng thời nghĩ về những khoản thu nhập tương đối tốt, cơ hội bay nhảy khắp nơi. Nhưng họ thực sự không hiểu những gì mình sẽ phải làm khi được giao công việc cụ thể”.
Làm tiếp viên hàng không bản chất cũng là phục vụ khách hàng. Nhưng không giống như những loại dịch vụ khác, tiếp viên hàng không thường bị “đóng đinh” trong mắt khách hàng bằng hai chữ “hoàn hảo”.
Vì thế, họ không được phép sai sót, nếu có sai sót thì tính chất của nó cũng trở nên đặc biệt và bị đưa ra “mổ xẻ” rất gay gắt. Và chuyện sai sót này cũng là chuyện cơm bữa, vì mỗi người khách có một cá tính khác nhau.
“Vì sao ư? Vì mọi người nghĩ rằng chúng tôi được đào tạo đặc biệt, được hưởng một chế độ đặc biệt nên chuyện phải đương đầu với hành khách khó tính là chuyện hiển nhiên. Thực sự là từ điều này mà chúng tôi đã không ít lần khốn đốn vì gặp phải những khách hàng khó tính. Chúng tôi không làm dâu trăm họ, mà là triệu họ. Mỗi người một ý khác nhau, mỗi người một tính cách, tâm trạng khác nhau nhưng dù có thế nào thì như một nhiệm vụ bất khả kháng, chúng tôi vẫn phải kiên nhẫn phục vụ với thái độ tốt nhất. Nhiều khi đã cố hết sức rồi mà được lòng người nọ thì vẫn mất lòng người kia”, nữ tiếp viên này chia sẻ.
Chuyện chất lượng phục vụ của đội ngũ tiếp viên hàng không Việt Nam được nhiều khách hàng đánh giá là “vẫn còn nhiều điều phải bàn”, nhất là sau những vụ việc nổi cộm gần đây như vụ HLV Lê Minh Khương. Vấn đề này sẽ tiếp tục được đề cập trong các bài viết sau. Trong phạm vi bài viết này, các tiếp viên cho biết cái sự “làm dâu trăm họ” của tiếp viên hàng không còn nằm ở chỗ nhiều khi họ gặp khách hàng là những “bà mẹ chồng quá quắt, chỉ soi mói và bắt bẻ con dâu”.
Một nam tiếp viên hàng không đã chia sẻ câu chuyện mình chứng kiến từ đồng nghiệp: “Có lần một hành khách mở hộc lấy hành lý làm rơi túi đồ vào mặt tiếp viên đang đứng phục vụ. Cô tiếp viên nhắc nhở hành khách phải cẩn thận thì bị quát, mắng xối xả với những lời lẽ khiếm nhã như: “Đây là nhiệm vụ của mày, mày phải xếp lại vali cho tao”. Khi ra khỏi máy bay, vị này còn kịp quay lại chửi thêm cho cô tiếp viên này một câu nữa. Nhưng cô ấy vẫn phải im lặng, thậm chí còn phải nhoẻn miệng cười”.
Rồi anh kết luận: “Phải phục vụ trong ngành hàng không bạn mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói “khách hàng luôn luôn đúng”. Suốt hơn một năm đi làm, số lần tôi bị khách chửi có khi bằng tổng số lần bị chửi của cả cuộc đời”.
Nghề nguy hiểm, áp lực lớn
Dù được ăn ngon mặc đẹp, được đi đến nhiều nơi trên thế giới nhưng thực tế các tiếp viên hàng không ngay từ khâu thi tuyển đã gặp phải những “cú sốc” từ hình thức thi tuyển. Sau đó là hàng loạt những áp lực về thời gian, sự thay đổi về áp suất, múi giờ, công việc phục vụ căng thẳng trong máy bay và những sự cố khách quan khác, vv…
Sau khi vượt qua được những thử thách cam go ở khâu thi tuyển, chủ yếu liên quan đến sức khỏe, kỹ năng ứng xử, phản xạ thì một tiếp viên hàng không tiếp tục đối mặt với hàng loạt thử thách thực sự.

Những thử thách này thường bị ánh hào quang che khuất đi, chỉ những người trong nghề rồi mới hiểu.

"Chỉ cần gặp tai nạn là tất cả máy bay sẽ chết hết. Đó là chưa kể những chuyện như khi có dịch bệnh SARS, cúm H1N1, hành khách có thể thay đổi lịch trình nhưng tiếp viên thì tuyệt đối không thể. Khi phục vụ khách, chúng tôi không thể đeo khẩu trang, có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào"

Nữ tiếp viên sinh năm 1987 trên cho biết: “Thời gian bay liên tục, cường độ làm việc cao, liên tục phải phục vụ hàng ngàn khách hàng khác nhau là áp lực lớn nhất của những tiếp viên hàng không. Việc bay liên tục sẽ khiến tiếp viên mệt mỏi, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, có khi chỉ nghỉ được 40 phút là chuyến bay tiếp theo đã bắt đầu. Trong khi đó, bất kể một tiếp viên nào cũng luôn luôn phải giữ thái độ niềm nở với hành khách và phục vụ họ chu đáo nhất. Đó là một thách thức lớn đối với chúng tôi”.
Một trong những hệ quả trực tiếp của những áp lực này là sức khỏe rất lớn. Tiếp viên hàng không liên tục phải đi qua các vùng miền với kiểu khí hậu khác nhau, thay đổi nhiệt độ, áp suất đột ngột khiến nhiều người mắc các bệnh về hô hấp, viêm xoang, rối loạn giấc ngủ, vv… Thậm chí có người còn bị hoang tưởng do mất ngủ triền miên khi phải thay đổi múi giờ liên tục.
Bên cạnh đó, nguy cơ đổ vỡ hôn nhân đối với một tiếp viên hàng không (nhất là nữ) là không nhỏ. “Ngay cả với một người độc thân làm tiếp viên hàng không, thời gian cho chính mình còn không có thì nói gì đến một người đã có gia đình. Nhiều đồng nghiệp của tôi gia đình lục đục chỉ vì vợ đi bay nhiều quá, không thể dung hòa nổi cuộc sống với chồng, con. Nhiều người đã phải bỏ nghề, nếu không thì bỏ chồng để tiếp tục được thỏa mãn khát vọng”, nữ tiếp viên trẻ nói.
Nghề hàng không cũng được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới bởi nguy cơ rủi ro rất cao. "Chỉ cần gặp tai nạn là tất cả máy bay sẽ chết hết. Đó là chưa kể những chuyện như khi có dịch bệnh SARS, cúm H1N1, hành khách có thể thay đổi lịch trình nhưng tiếp viên thì tuyệt đối không thể. Khi phục vụ khách, chúng tôi không thể đeo khẩu trang, có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào", nữ tiếp viên trẻ tâm sự.
Áp lực lớn nhưng vẫn rất hot
Tuy áp lực là vậy nhưng nhiều người vẫn lao vào ngành hàng không vì yêu thích, vì sự “danh giá” của nghề này. Tuy nhiên, có lý do tế nhị nữa mà nữ tiếp viên này “bật mí”, đó là với trình độ của một tiếp viên hàng không (thường là học hết cấp 3), bạn sẽ khó có thể tìm được một công việc nào có mức thu nhập cao như nghề này (dù là có nhan sắc đi nữa).
“Nhiều nghề bạn phải làm rất vất vả mà thu nhập không cao bằng. Đó là chưa kể các cơ hội du lịch miễn phí và các ưu đãi khác. Nhiều người vào rồi thấy vất vả nhưng cũng không muốn bỏ bởi bỏ rồi đi làm chỗ khác liệu có được xài đồ hiệu thoải mái, đi nước ngoài như đi chợ, rồi các mối quan hệ khác không? Vì thế, tiếp viên hàng không vẫn là một nghề hot, nhất là với các bạn trẻ”, nữ tiếp viên này cho biết.
  

Khách đòi nude, tiếp viên hàng không phát hoảng 

Trong quá trình phục vụ của mình, nhiều tiếp viên hàng không (nhất là nữ) đã gặp phải những sự cố “không thể tưởng tượng trước được” và họ phải cầu cứu tới sự trợ giúp của cơ trưởng mới có thể giải quyết được vấn đề... Đó là những tình huống oái oăm xuất phát từ những khách hàng “bất thường”, trong đó có cả những khách VIP!
Khách VIP khăng khăng đòi nude!
Giới tiếp viên hàng không đã truyền tai nhau một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến sự cố có một không hai trong một chuyến bay quốc tế cách đây khá lâu.
Khi máy bay đã cất cánh, một nữ tiếp viên trẻ chạy vào buồng lái báo cáo với cơ trưởng về một hành khách nước ngoài ở khoang hạng C (hạng thương gia, khách VIP) hồn nhiên cởi hết đồ rồi nằm ngủ ngon lành khiến cả tiếp viên lẫn hành khách đều “chướng mắt” và xấu hổ.
Tuy nhiên, khi nữ tiếp viên này nhắc nhở, vị khách VIP kia tỉnh bơ nói: “Đây là quyền cá nhân, tôi trả tiền mua vé hạng C thì tôi có quyền làm những gì mình thích”!
Hành khách đi máy bay cũng không ít lần gây phiền nhiễu cho các tiếp viên (Ảnh minh họa: Internet)
Thấy nữ tiếp viên méo mặt, bó tay, vị cơ trưởng liền cử ngay một nam tiếp viên đến “xử lý tình huống”, nhưng kết quả là vị khách vẫn không chịu hợp tác. Cực chẳng đã, vị cơ trưởng liền nghĩ cách hạ nhiệt độ máy bay xuống thật thấp khiến vị khách VIP này rét tun, phải kéo chăn trùm kín cơ thể, 'xóa sổ bức tranh nude' chềnh ềnh trong khoang VIP!
Đây là một trong những sự cố mà tiếp viên hàng không gặp phải (tất nhiên những sự cố “độc” kiểu này không phổ biến). Ở mức độ thấp hơn, các tiếp viên đã không ít lần méo mặt vì hành khách có những sở thích, đòi hỏi, hành động quái đản có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân họ lẫn phi hành đoàn.
Một nữ tiếp viên hàng không tại Việt Nam năm nay 28 cho biết cô còn nhớ như in một trường hợp xảy ra cách đây vài năm.
Chiều hôm đó, chiếc máy bay mà cô phục vụ chuẩn bị hành trình bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Lúc máy bay chuẩn bị lăn bánh rời bãi đỗ để ra đường băng thì phi công hoảng hồn thấy một người đàn ông không biết bằng cách nào lọt được vào sân, đứng ngay trước đầu máy bay đưa tay lên vẫy!
Về sau, mọi người tìm hiểu mới biết, vị khách trên chuẩn bị ra Hà Nội làm chủ hôn cho một đám cưới. Tuy nhiên, do ra trễ nên bị lỡ chuyến bay. Sợ hỏng đại sự của đứa cháu nên ông này cố lẻn vào sân bay, nghĩ bụng chỉ cần vẫy như ngoắc xe đò thì máy bay sẽ dừng lại!
Chưa hết, có nhiều khách hàng đi máy bay còn có tật trộm đồ khiến tiếp viên khốn khổ, phải bỏ tiền túi ra đền. Đồ dùng trên máy bay (chăn, dây an toàn, vv…) đều là hàng xịn nên nhiều khách hàng “ham” đã hồn nhiên đút túi mang về!
Một số chuyến bay từng gặp sự cố do hành động táy máy của hành khách. Dù tất cả mọi người đã được hướng dẫn ngồi yên và thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay nhưng vẫn có những trường hợp điếc không sợ súng!
Những pha “nghịch dại” không đỡ nổi
Trường hợp một hành khách mở cửa thoát hiểm để chơi xảy ra cách đây 2 năm là một ví dụ điển hình cho việc “điếc không sợ súng” của hành khách khi đi máy bay. Khi chiếc máy bay Airbus vừa tiếp đất, còn đang lăn bánh trên đường băng thì bất chợt một cậu thanh niên 18 tuổi chạy ra mở bung cánh cửa thoát hiểm.
Nữ tiếp viên 28 tuổi này kể lại, nét mặt vẫn không khỏi bàng hoàng: “Chốt của cánh cửa thoát hiểm trên máy bay rất nhạy, chỉ cần đưa tay kéo xuống là sẽ bung ra ngay. Lúc cậu thanh niên đó mở bung cánh cửa, cả máy bay nháo nhào vì tưởng có sự cố, may mà không có gì đáng tiếc xảy ra”.
Sau này, vị hành khách trên đã bị hãng hàng không phạt tiền vì hành vi gây nguy hiểm cho chuyến bay. Khi được hỏi sao lại hành động như vậy, cậu thanh niên tỉnh bơ trả lời: “Dạ, em chỉ tò mò, thử xem cánh cửa đó có mở ra được không chứ đâu ngờ lại to chuyện như thế!”.
Một nữ tiếp viên hàng không tuyến nội địa tên K., sinh năm 1982 cũng từng bị hành khách làm cho nhiều phen thất kinh.
K. nhớ như in chuyến bay đặc biệt từ Hà Nội về TP.HCM hôm ấy. Tất cả hành khách đã được thông báo là không được hút thuốc lá. Ấy vậy mà tự dưng còi báo cháy hú lên ầm ĩ.
Nghe tiếng còi, hành khách và các thành viên trong tổ bay nháo nhào, cuống cuồng. Hóa ra có một vị khách đã chui vào nhà vệ sinh lén hút thuốc lá. Thiết bị báo cháy trên máy bay rất nhạy, nhận biết có khói thuốc là lá rú lên inh ỏi.
“Khổ nhất là khi gặp phải hành khách cố mang vác đồ xách tay cồng kềnh. Có người lên máy bay mà y chang một cây máng đồ, túi lớn, túi nhỏ hai bên, đằng sau đằng trước là ba lô. Họ để đồ tràn cả ra lối đi. Trong lúc cất đồ lên ngăn phía trên, họ trèo lên làm gãy cả tay ghế.
Hành khách đâu biết rằng để thay một tay ghế như vậy làm hãng tốn cả ngàn USD. Đồ đạc chắn lối đi sẽ gây vấp té cho người khác. Bị thương ở môi trường trên không rất nguy hiểm, dù chỉ là chấn thương rất nhỏ cũng có nguy cơ bị mất mạng như chơi bởi vết thương không cầm được máu, máu sẽ chỉ ngưng chảy khi máy bay tiếp đất” – K. chia sẻ.


Pha tác nghiệp thót tim của tiếp viên hàng không                                                                                                   Khi ở trên không mà hành khách bị sự cố về mặt sức khỏe là điều vô cùng phức tạp. Một số hành khách không thật thà khai báo tình trạng sức khỏe, tự đưa tính mạng của mình vào thế nguy hiểm và làm ảnh hưởng đến cả chuyến bay. Những lúc như thế không ai có thể can thiệp được, tính mạng hành khách chỉ còn biết trông cậy vào tiếp viên hàng không.
Cứu phụ nữ mang thai bị khó thở
Nhiều hành khách gặp sự cố về sức khỏe khi máy bay đang bay. Những lúc như thế, các tiếp viên hàng không rất căng thẳng (Ảnh minh họa: Internet)
Nguyễn Thị Ly, 26 tuổi, nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bay tuyến nội địa hú hồn kể lại pha cứu người hy hữu của mình.
Trên chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội đầu năm 2011, khi mọi người vừa dùng bữa trưa xong thì một phụ nữ chừng 30 tuổi bị khó thở.
Đến lúc này nữ hành khách trên mới cho biết mình đang mang thai tháng thứ 4. Do chị chửa con so, bụng gọn và không khai báo nên nhân viên sân bay dưới mặt đất không phát hiện ra.
Ly bàng hoàng kể lại: “Trời ơi! Em nghĩ sao chị ấy lại chủ quan và coi thường tính mạng của mình đến thế. Nếu chị ấy báo trước là đang mang thai thì tụi em đã nắm được và có chế độ chăm sóc sức khỏe riêng. Khi xảy ra sự cố rồi chị ta mới nắm chặt tay em, cầu xin hãy cứu chị ta và đứa bé”.
Bản thân nữ tiếp viên Ly thấy hành khách mang thai khó thở nên trong lòng cũng lấy làm kinh hãi. Tuy nhiên, ngoài mặt Ly vẫn tươi cười, động viên để làm an lòng thai phụ. Mặt khác cô đỡ khách vào cabin, làm những động tác y tế hỗ trợ đã được tập huấn kỹ và giữ cho thai phụ ấm người trở lại.
Rất may mắn, một lúc sau thai phụ thở được bình thường và không có gì đáng tiếc xảy ra.
Sản phụ sinh con trên máy bay
Trước đó vào lúc 11h30 phút ngày 16/1/2011, chị Nguyễn Thị Lập, 27 tuổi, quê Hà Tĩnh đã hạ sinh một bé trai nặng 2,5kg ngay trên máy bay mang số hiệu BL520 từ TP.HCM đi Vinh của hãng JPA.
Đại diện của JPA cho biết, khi máy bay đang trên đường ra đường băng thì chị Lập kêu đau bụng. Đội bay lập tức thông báo tình huống cho đội phục vụ mặt đất và quay máy bay trở lại sây bay.
Tuy nhiên, chị Lập đã chuyển dạ và sinh bé trai ngay khi máy bay chưa vào đến điểm đỗ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Và đây cũng là ca sinh con đầu tiên trên máy bay tại Việt Nam.
Theo các tiếp viên trên chuyến bay BL520, chỉ cần quyết định và thông báo cho cơ trưởng chậm một 1 phút, máy bay cất cánh thì phải 40 phút sau mới có thể hạ cánh ở sân bay Vinh. Lúc đó tính mạng của bà mẹ và em bé sẽ rất nguy hiểm.
Chưa kể, điều kiện không gian, áp suất và y tế trên máy bay là một trở ngại khiến các tiếp viên, hành khách gặp khó khăn trong việc đỡ đẻ cho sản phụ.
Cứu bé 2 tuổi không thở được vì dịch ói trong mũi
Đồng nghiệp của Ly, nữ tiếp viên hàng không tên Hạnh cũng từng bị một phen hú vía vì hành khách gặp sự cố sức khỏe trên máy bay.
Chuyến bay đó từ Hà Nội vào TP.HCM. Trên máy bay có em bé 2 tuổi. Bé này bị nôn ói từ lúc dưới mặt đất nhưng cha, mẹ không để ý.
Đến khi máy bay cất cánh lên không trung, em bé bắt đầu ngủ say. Trong lúc ngủ, điều hòa lạnh, dịch ói ở mũi đóng cứng lại làm bé không thở được.
“Tự dưng em nghe tiếng cha mẹ em bé trên kêu thất thanh tìm sự trợ giúp. Em vội vàng bơm dung dịch làm lớp đóng trong mũi bé mềm trở lại. Lúc đó em bé khóc rất dữ, chân tay khua khoắng, mình mẩy vặn vẹo làm công tác sơ cứu khó khăn. Em chỉ lo chuyện không hay xảy ra nhưng rất may mắn bé đã thở được bình thường” – Hạnh rùng mình hồi tưởng.
Cũng có lần Hạnh gặp phải tình huống một hành khách quá hoảng sợ khi máy bay đi qua vùng thời tiết xấu. Lúc này người phụ nữ nói trên mặt tái xanh tái mét, chân tay bủn rủn, người xụi lơ.
Bằng cử chỉ ân cần, Hạnh nắm lấy tay người phụ nữ, cố gắng trấn an, giải thích cho chị ta hiểu hiện tượng máy bay bị hẫng, rung lắc là hết sức bình thường nên không có gì phải sợ và điều đó cũng không gây nguy hiểm gì cho chuyến bay.
Sau khi nghe Hạnh giảng giải, nữ hành khách như hiểu ra, yên tâm hơn, sắc mặt hồng trở lại.
Khi đang bay trên trời chẳng may xảy ra sự cố thì không thể có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Lúc này, hơn ai hết, hành khách cần đặt niềm tin vào tiếp viên hàng không, bởi họ đã được huấn luyện rất kỹ để xử lý các tình huống nguy hiểm, và chỉ có họ là người hiểu về máy bay nhất.

Chuyện tiếp viên HK chẳng giữ được mình           – Vì lợi nhuận lớn, lại gặp thuận lợi vì được đi nhiều nước trên thế giới nên nhiều tiếp viên hàng không Việt Nam (cũng như các bộ phận còn lại trong ngành hàng không) đã “nhắm mắt đưa chân” tiếp tay cho hành vi buôn lậu. Và không ít người trong số họ đã phải trả giá đắt...
Ngay cả khi không tiếp tay cho buôn lậu thì thu nhập của một tiếp viên cũng đã cao so với mức trung bình của các ngành nghề khác trong xã hội (trung bình thu nhập 20-30 triệu/tháng). Nhưng vì những lý do khác nhau, nhiều người đã “không giữ được mình”.
Buôn lậu trót lọt hàng trăm kg vàng
Năm 2002, Cục bảo vệ an ninh kinh tế (Bộ Công an) đã phát hiện đường dây gồm 9 tiếp viên hàng không đưa vàng chui vào Việt Nam trong nhiều tháng liền, bình quân khoảng 100kg vàng/tháng. Sau khi hàng về trót lọt và bàn giao cho chủ hàng, thành viên tổ lái hoặc tiếp viên vận chuyển được trả thù lao 200 USD/kg.
Nhiều tiếp viên của Vietnam Airlines đã dính vào các vụ buôn lậu qua đường hàng không. Hình thức vi phạm được đánh giá là ngày càng tinh vi, thậm chí có người còn gửi đồ nhờ khách hàng cầm hộ để tránh sự chú ý theo dõi của cơ quan chức năng (Ảnh minh họa: Internet)

Tháng 10/2003, hai tiếp viên Phạm Thị V. và Nguyễn Thị Kim C., phục vụ trên chuyến bay VN 225 đã bị trạm thuế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.
Hai tiếp viên này đã để trong hành lý 51 điện thoại di động các loại, hơn 700 đồng hồ đeo tay, cùng một số phụ kiện của điện thoại di động gồm 16 cục pin, gần 70 dây sạc, hơn 35 đế sạc pin và 50 dây đeo tai nghe.
Chưa dừng lại ở đây, càng về sau, các vụ việc buôn lậu xảy ra liên quan đến tiếp viên hàng không có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi trong cách thực hiện nhằm “lách” các quy định về ứng xử của tiếp viên do ngành hàng không đưa ra và che mắt cơ quan chức năng.
Có thể kể thêm một số vụ như vào tháng 10/2009, có 3 tiếp viên hàng không đã bị bắt ở Hàn Quốc vì bị tình nghi buôn lậu vàng. Khi khám xét hành lý của 3 tiếp viên này, cảnh sát Seoul phát hiện nhiều loại trang sức quý có tổng trọng lượng lên tới 20 lượng vàng.
Trước đó 1 năm (vào tháng 10/2008), Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP HCM đã bắt giữ một tiếp viên về hành vi vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới. Tiếp viên này đã mang theo 335.000 euro (tương đương 8,6 tỉ đồng, tính theo tỷ giá tháng10/2008) trên chuyến bay từ Đức về TP.HCM, nhưng hoàn toàn không khai báo trên tờ hải quan.
Bị đuổi việc, truy tố
Hậu quả của những hành động này là nhiều tiếp viên đã bị sa thải hoặc dính vòng lao lý. Tháng 9/2006, Vietnam Airlines đã sa thải một tiếp viên và chuyển công tác 6 tiếp viên khác do có dính líu tới vụ buôn lậu thuốc lá miễn thuế tại Melbourne (Australia) để bán ra thị trường nước này.
Gia tăng buôn lậu qua đường hàng không

Chỉ trong vòng 1 năm
(2004), hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) phát hiện gần 300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, riêng trong tháng 10 đã xảy ra 56 vụ vi phạm các loại mà người vi phạm là các công ty chuyên đi nhận hàng quà biếu phi mậu dịch, những cá nhân thường xuyên xuất - nhập cảnh qua đường hàng không.
Trước đó, tiếp viên bị đuổi việc này đã bị cơ quan hải quan Australia phát hiện những điểm bất thường trong các mặt hàng mà tiếp viên này mua. Nữ tiếp viên này bị truy tố về tội gian lận gây thất thoát cho nhà nước Australia. Tòa án Melbourne đã yêu cầu cô nộp phạt 10.000 đôla Australia.
Liên quan tới vụ việc, 6 tiếp viên khác cùng đoàn với tiếp viên này cũng đã bị VNA luân chuyển công tác với mức lương thấp trong 6 tháng đối với 6 tiếp viên khác cầm hộ hàng trong thời gian xảy ra sự cố.
Nổi cộm hơn cả là vào tháng 6/2010, 7 tiếp viên (cả nam và nữ) bị nhà chức trách Úc tạm giữ để điều tra việc vận chuyển khoảng 20 chiếc điện thoại Iphone và Ipad từ nước này về Việt Nam.
Nhà chức trách Úc đã theo dõi vụ việc từ lâu và họ nghi ngờ nhóm tiếp viên này có liên quan tới đường dây buôn lậu qua đường hàng không.
Liên quan đến vụ vận chuyển hàng trăm kg vàng về Việt Nam như đã nêu ở trên, toàn bộ 9 tiếp viên hàng không đã bị truy tố trước pháp luật.
Gần đây nhất là vụ việc gây xôn xao sư luận khi tiếp viên của Vietnam Airlines đã vận chuyển hàng điện tử và ngoại tệ số lượng lớn từ Australia vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) qua đường hàng không.
Theo thống kê của Cơ quan điều tra, tổng số thiết bị điện tử mà các tiếp viên, nhân viên này đã nhập lậu và vận chuyển đi tiêu thụ trong nội địa là 980 thiết bị, tương đương hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 34,6 ngàn USD.
Tất cả các đối tượng liên quan đến vụ việc này (nhập lậu, tiêu thụ) đều bị khởi tố (trong đó có cả một siêu mẫu nổi tiếng V.T).
Đây chỉ là những vụ việc riêng lẻ trong rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan điều tra phát hiện.
Các hãng hàng không tại Việt Nam cho biết, họ đã có những quy định rất ngặt nghèo đối với các hành vi ứng xử của tiếp viên để hạn chế đến mức thấp nhất các họat động phi pháp trên, nhưng thực tế là nhiều tiếp viên vẫn “không kiềm chế” được trước những cơ hội kiếm tiền hết sức dễ dàng dựa vào chính nghề nghiệp của mình.

 Tiếp viên hàng không và 'bi kịch đốt tiền' 
– Với thu nhập bình quân 20-30 triệu/tháng, chưa kể những khoản lợi nhuận sản sinh từ việc buôn bán hợp pháp như được mang hàng hóa xách tay theo đúng quy định của hãng, mỗi tiếp viên thường có khoản “dư dả” tương đối lớn. Trong khi đó, vì thời gian làm việc căng thẳng nên các tiếp viên không có nhiều thời gian để tiêu tiền. Bởi thế, không ít người đã “nướng” tiền vào các trò vô bổ như một cách để tiêu khiển.
Không có nhiều thời gian để tiêu tiền!

Công việc của tiếp viên hàng không thường căng thẳng, ngốn nhiều thời gian (Ảnh minh họa: internet)
Một tiếp viên hàng không cho biết trung bình khi bay tuyến nội địa, mỗi tiếp viên hàng không cất cánh – hạ cánh 8 lần (4 chuyến)/ngày. Khoảng cách giữa mỗi lần được nghỉ không nhiều. Có nhiều người chỉ kịp vào khu nghỉ để ngả lưng, nghỉ ngơi chưa lại sức thì đã phải tất bật chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo. Trên máy bay, sau khi phục vụ khách, tiếp viên có thể thay nhau nghỉ ngơi nhưng không ai có thể “lại sức” trong trạng thái máy bay trên không như vậy.
Có một nghịch lý trong ngành hàng không là một khi đi làm nhiều, thu nhập tăng lên rất nhiều nhưng sức khỏe giảm đi rất nhanh, thời gian vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè ngày càng bị bó hẹp.
Nếu làm đủ lâu đến mức phát sinh những nghịch lý trên thì đây chính là thời điểm các tiếp viên cảm thấy rõ rệt nhất chuyện mình có nhiều tiền mà không biết tiêu xài thế nào và tiêu vào lúc nào.
“Vì làm gì có nhiều thời gian mà tiêu xài đúng ý mình thích? Có đồng nghiệp của tôi còn tâm sự cái phòng ngủ của bạn ấy chứa chất đồ hiệu đủ loại nhưng vật được bạn ấy sử dụng thường xuyên nhất là chiếc giường ngủ! Sau mỗi chuyến bay, sau mỗi ngày làm việc bở hơi tai, khi trở về nhà, họ chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon để chuẩn bị cho các lần bay tiếp theo”, nữ tiếp viên sinh năm 1987 bật mí.
Bởi thế, có người vẫn sống bình dị bằng cách để tiền cho bố mẹ quản, lo công việc gia đình. Nhưng cũng có người đầu tư bất động sản rồi bị lừa trắng tay. Có người không dám đầu tư gì, cũng không biết tiêu gì, nên càng ngày càng lấn sâu vào chuyện xài đồ hiệu hoặc những thú ăn chơi xa xỉ, tốn kém vào những thời điểm hiếm hoi được nghỉ ngơi.
Dễ sa vào tệ nạn xã hội
Trong khi tiếp viên nữ đầu tư tiền bạc vào thời trang, mỹ phẩm (phần lớn là hàng hiệu) thì tiếp viên nam không có đam mê với những lĩnh vực này.
Vào những khoảng thời gian được rảnh rỗi (dù là hiếm hoi), họ thường tìm cách tiêu pha, “đập phá” sao cho bõ những ngày làm việc vất vả triền miên.
Từ đây, có những nam tiếp viên đã “nướng” tiền của mình vào những trò đỏ đen, cờ bạc. Theo lời kể của một tiếp viên nam làm việc đã gần chục năm trong ngành hàng không, bạn bè đồng nghiệp của anh đã có những người vì “nhiều tiền và không biết tiêu vào việc gì” nên đã tự tìm đến cách “đốt tiền” này như một kiểu thỏa mãn tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng.
Chuyện có tiền mà không biết tiêu vào việc gì, không biết tiêu vào lúc nào cũng là một “bi kịch” của tiếp viên hàng không nói chung. Lý do thì khá đơn giản: Trong công việc, cuộc sống thường ngày họ đã được hưởng thụ những sản phẩm, dịch vụ “5 sao” nên không còn đòi hỏi gì nhiều.
Chuyện mang tiền nướng vào trò đỏ đen cũng không phải là “hàng độc quyền” của tiếp viên nam. Cũng đã có những tiếp viên nữ vì buồn chán, chồng cũng làm phi công nên bay suốt, lịch làm việc của hai người thường chẳng bao giờ trùng nhau nên luôn sống cảm giác cô quạnh. Khi có người “dụ dỗ”, cô đã vét sạch tiền trong két mang đi … đánh bạc rồi về ly dị chồng sau khi thua trắng tay!
Trả giá đắt về sức khỏe
Thanh, sinh năm 1983, ngụ tại TP.HCM, nữ tiếp viên hàng không chuyên bay tuyến nội địa Việt Nam tâm sự: “Mọi người cứ xuýt xoa ôi sao thu nhập của tiếp viên hàng không cao thế, tới vài chục triệu đồng/tháng.
Ừ thì so với mặt bằng chung, thu nhập như thế là khá thật nhưng có ai biết các nguy cơ hiểm nghèo mà chúng em gặp phải đâu. Để được hưởng một mức thu nhập như thế chúng em phải trả giá rất đắt.”
Thanh cười nói: “Chẳng hạn em đang nói chuyện với chị đây này, ngồi xa em chẳng nghe thấy gì cả. Làm việc lâu ở môi trường trên không làm em bị… điếc tạm thời. Gần như tụi em đứa nào cũng bị thế”.
Thanh còn giải thích rõ hơn những rủi ro trong nghề của mình. Cô cho biết nếu chẳng may bị té ngã trên máy bay do đi không vững sẽ vô cùng rắc rối.
Đôi khi ở dưới mặt đất đó chỉ là một chấn thương nhỏ, nhưng ở trên không máu loãng, rất khó cầm, có khi máu chỉ ngưng chảy cho tới khi máy bay tiếp đất.
Nguy cơ đe dọa tính mạng tiếp viên hàng không lúc nào cũng trùng trùng. Máy bay bay vào vùng thời tiết xấu, bị sóc, hẫng, dù đã được tập luyện rất kỹ nhưng không tiếp viên hàng không nào dám chắc chắn 100% mình không bị va đập, bị ngã. Nếu bị ngã thì chấn thương, chảy máu là chuyện khó tránh khỏi.
“Với những chuyến bay dài, nhiều tiếng đồng hồ mà bị chảy máu thì coi như…xui, mất mạng như chơi.” – Thanh nói.
Thanh kể có tiếp viên mới vào nghề, khi biểu diễn demo (đứng giữa máy bay làm các động tác hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách) lúc máy bay cất cánh, đi giày cao gót, đứng không vững bị ngã dúi dụi.
Thanh cho biết thêm, khi mới đi làm, lúc ký hợp đồng, cô cũng như nhiều nữ đồng nghiệp khác phải cam kết không được sinh con trong vòng 3 năm.
Tội nhất là mấy chị tiếp viên mới sinh phải bay chuyến xa lòng cứ nóng như lửa đốt vì nhớ con. Tuy nhiên, tất cả những ai đã chọn nghề này đều hiểu và chấp nhận.
N.Anh (tổng hợp)

Vụ 'bẻ tay" HLV trong mắt một tiếp viên
Theo tiếp viên hàng không này, tất cả những người liên quan đều có lỗi trong vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Trên facebook, một tiếp viên hàng không đã chia sẻ những suy nghĩ của mình trước vụ việc liên quan đến huấn luyện viên Lê Minh Khương và Vietnam Arlines gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Bài viết đã được cư dân mạng chuyền tay nhau và bàn luận ở một số diễn đàn. Các ý kiến tranh luận chia thành hai "phe.

Bài viết của tiếp viên hàng không này chủ yếu bày tỏ những cảm xúc sau những lình xình của vụ việc liên quan đến huấn luyện viên Teakwondo Lê Minh Khương và Vietnam Arlines. Đó là sự chạnh lòng, buồn và đôi khi là một nỗi ức nghẹn cổ họng và cay xè đôi mắt.

Nghề tiếp viên hàng không là "làm dâu trăm họ"
"Tôi nói lên đây không phải là một lời biện minh hay phân trần với tất cả những người đã từng là hành khách của VNA, chưa từng là hành khách của VNA và cả những người trong và ngoài ngành. Tôi nói lên đây, để mong nhìn thấy những dòng nghĩ suy chân thành nhất, để nghe những đóng góp chân thành nhất, để cảm nhận thấy nỗi mong đợi của hành khách với chúng tôi và cả những mong đợi nơi chúng tôi về hành khách, những con người mang đến cái sống cho VNA" - Người này viết.

Trong bài viết, tiếp viên hàng không này cũng bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc huấn luyện viên Lê Minh Khương bị khống chế. Theo chị, tất cả những người trong cuộc đều có một phần lỗi. "Tiếp viên có lỗi vì thiếu sự khéo léo trong cách giải quyết vấn đề phát sinh lúc ấy. Giá như lúc ấy ta nhẹ nhàng hơn một chút, ta khéo hơn một chút thì có lẽ ông huấn luyện viên ấy đã có cách cư xử khác. Ông huấn luyện viên có lỗi vì chính cái tôi và sự thể hiện bản lĩnh của mình. Tôi xin lỗi ông vì lời nhận xét của mình. Nhưng nếu lúc ấy, ông sử dụng đúng tinh thần võ đạo, sự bình tĩnh, thì có lẽ sẽ không quá căng thẳng như bây giờ, đúng không ạ? Bộ phận mặt đất tại Đà Nẵng cũng có một phần lỗi. Lỗi của các anh chị là ở chỗ quên. Quên trả lại boarding pass cho hành khách sau khi nhận từ tiếp viên trưởng, để đến khi máy bay đóng cửa và lăn ra runway thì xảy ra chuyện thế này. 1, 2 và 3… Lỗi là ở tất cả chúng ta, nên có trách thì chắc là chúng ta sẽ trách đều tất cả, hoặc không thì… hãy không trách ai cả" - Tác giả phân tích.

Sau khi vạch lỗi từng người, người này đã tâm sự khá dài về những vất vả, mệt mỏi của tiếp viên hàng không, nhất là khi có sự cố xảy ra. Kết thúc bài viết tác giả tha thiết mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người: "Với chúng tôi, những con người thật sự yêu cái phận dâu trăm họ này vẫn luôn mang trong mình 1 tinh thần đồng nhất “hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi... Tự tâm tôi chỉ mong chúng ta thật sự hiểu nhau. Tự tâm tôi chỉ mong những lời nói không thực biến mất. Tự tâm tôi mong những đóng góp chân thành cho chúng tôi"

Trên diễn đàn vietnamaviation.vn các ý kiến tranh luận khá quyết liệt. Một số người bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với nỗi vất vả và tai nạn nghề nghiệp của các tiếp viên hàng không. Nick name Baloon_toto viết: "Bài viết rất hay thấy được công việc của một tiếp viên hàng không cực đến đâu? Hãy để cho sự việc này mau chóng qua nhanh và VNA từ đó rút ra được một bài học kinh nghiệm để soi sáng cho con đường phát triển về sau này". 

Đó cũng là cảm nhận và suy nghĩ của nick name Trunghieu_st sau khi đọc bài viết của nữ tiếp viên hàng không. "Đúng là một bài viết chân thật từ đáy lòng của một FA, hãy để những người khác được đọc bài viết này để họ có thể hiểu và cảm thông, không có cái gì là hoàn hảo cả", nick Trunghieu_st viết.

Tương tự, nick name Kissy bày tỏ: "Nghĩ cũng đúng thôi... Công việc nào cũng có những cái khó khăn, những cái mệt mỏi khác nhau nên vì vậy cần sự thông cảm của 2 phía".

Bên cạnh đó, không ít cư dân mạng khác lại cho rằng bài viết này chỉ là sự ngụy biện cho những hành động trịch thượng của tiếp viên hàng không, đó là hành động "bênh nhau" của những người trong nghề.

Thành viên có nick name Anhxelam cho rằng, dù mệt mỏi thế nào nhưng thái độ đôi co với khách hàng của tiếp viên cũng là điều tối kỵ. "Đối với người kinh doanh, đôi co với khách hàng chỉ thiệt hại thêm thôi, cho dù đúng hay sai. Các bác ở nước ngoài nhiều thì biết rồi, những ngành dịch vụ người ta quan hệ khách hàng như thế nào?. Mình không biết ông HLV đúng hay sai, nhưng VNA cần xem lại,... chứ đừng biện hộ theo kiểu huề cả làng".

(Theo Đất Việt)

Nam tiếp viên hàng không bị đại gia 'gạ gẫm'   - Trong nghề tiếp viên hàng không, nữ giới luôn chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn sự quan tâm, chú ý của đông đảo mọi người. Tuy nhiên, nam giới làm nghề tiếp viên hàng không cũng có những “bí mật” khá thú vị và độc đáo!
Nam tiếp viên bị “đại gia” buông lời khiếm nhã!
Nam tiếp viên hàng không cũng thường bị các đại gia "gạ gẫm" (Ảnh minh họa: Internet)
Với những yêu cầu tương đối cao về ngoại hình như: Phải cao từ 1,68 - 1,82m, có ngoại hình dễ nhìn, tươi tắn, cân đối; có sức khỏe tốt, không khuyết tật; trình độ tiếng Anh giao tiếp lưu loát (TOEIC từ 255 điểm, TOEFL từ 350 điểm hoặc IELTS từ 3.5 điểm trở lên); v..v… thì những tiếp viên nam phục vụ trên máy bay cũng thường là những gương mặt khôi ngô tuấn tú, cao ráo, cuốn hút người đối diện không kém phái nữ là bao.
Vì thế, đã có những chuyện “thâm cung bí sử” mà chỉ có những người trong nghề mới biết về các nam tiếp viên hàng không!
Một nam tiếp viên hàng không sinh năm 1984, chuyên bay các tuyến nội địa bật mí: “Đối với một tiếp viên hàng không là nam, “cạm bẫy” về mặt tinh thần, tình cảm ít hơn tiếp viên nữ nhưng không phải không có. Họ cũng nhận được những “lời mời”, gợi ý từ các đại gia là nam giới hẳn hoi”.
Anh này còn tiết lộ thêm: “Nếu phục vụ ở các khoang thương gia, có nhiều đại gia, khách VIP (phần đông là khách nam) thì khả năng “bị” gợi ý, mời mọc là cao hơn các khoang khác. Họ thường bắt chuyện trong quá trình tiếp viên nam phục vụ, xin số điện thoại hoặc để lại card visit cho tiện liên hệ sau khi hạ cánh”.
Theo đánh giá của tiếp viên này, thông thường các tiếp viên hàng không không phải những người thiếu thốn về mặt vật chất đến nỗi phải “gật đầu” cặp kè với các đại gia để có người bao toàn bộ tiền tiêu xài. Vì thế, anh cho rằng tỷ lệ những tiếp viên nam “gật đầu đồng ý” với lời mời của các đại gia không phải là nhiều.
“Tuy nhiên nếu có thì cũng là điều bình thường. Có thể có những lý do khác nhau khiến họ quyết định như vậy. Làm tiếp viên là thiếu thốn tình cảm, ít bạn bè vì đi lại triền miên”, anh nói.
Mọc mụn, phải trang điểm mới dám bay!
Hình thức là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định đến nghề tiếp viên hàng không. Vì thế, nếu gặp “vấn đề” về “mặt tiền” thì không chỉ có tiếp viên nữ đau đầu mà ngay cả tiếp viên nam cũng khốn khổ không kém.
Một nam tiếp viên hàng không chia sẻ: “Thông thường đã trúng tuyển là có ngoại hình ổn, mặt mũi sáng sủa nên chẳng ai phải “trang điểm” làm gì. Tuy nhiên có những thời điểm vì lịch sinh họat đảo lộn tùm lum nên bị mụn tấn công, rồi thời tiết thay đổi xoành xoạch khiến da bị dị ứng.
Trong trường hợp đó không thể nghỉ bay, vì nghỉ bay vì bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng đến kết quả bình chọn, đánh giá “cánh én vàng” vào dịp cuối năm. Vậy là cả các tiếp viên nam cũng kem kem phấn phấn, che mụn che mắt thâm, thậm chí phải dùng cả sản phẩm dưỡng môi khi đến những nơi quá khô nóng”.
Đây là những điều mà theo nam tiếp viên này là không bao giờ hình dung được trước khi vào nghề!
Đặc quyền duy nhất: Sinh con lúc nào cũng được
Nam tiếp viên hàng không luôn ở trong thế “lép vế” so với nữ tiếp viên hàng không (về mọi mặt) nhưng họ cũng có một “đặc quyền”, đó là không phải ký cam kết “không được sinh con trong 3 năm đầu kể từ khi ký hợp đồng với hãng”!
Đối với nữ tiếp viên hàng không, kể từ thời điểm trúng tuyển, đến khi được huấn luyện rồi ký hợp đồng làm việc, họ phải cam kết không được sinh con trong 3 năm đầu! Nguyên nhân được một nữ tiếp viên giải thích rằng chi phí để đào tạo một tiếp viên hàng không là rất lớn, mất nhiều thời gian, công sức. Bởi vậy, bên hãng hàng không không cho phép sinh con trong 3 năm đầu tiên để tránh những “thất thoát”.
“Nếu bị lỡ và nghỉ việc để sinh con trong thời gian này thì tiếp viên nữ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo. Bởi thế, không ai bảo ai, tất cả đều phải cố gắng “giữ mình”. Có chị 28 tuổi mới vào làm tiếp viên nhưng phải “nhịn” đến năm 31 tuổi mới được sinh con. Gia đình phải cảm thông lắm mới chấp nhận và tạo điều kiện để giúp đỡ”, một nữ tiếp viên hàng không tiết lộ.
Ngược lại, với quy định ngặt nghèo này, các nam tiếp viên có thể lập gia đình, 'sinh con' tùy ý. Người trong nghề thường trêu nhau rằng có lẽ đây là “đặc quyền” duy nhất của phái mạnh khi làm việc trong lĩnh vực này! Tuy nhiên, nghịch lý lại nằm ở chỗ hầu hết các tiếp viên nam đều lập gia đình rất muộn!

Những hành khách quậy tới bến trên máy bay

 

Say rượu, hút trộm thuốc hay điện thoại trên tàu bay... đã biến nhiều hành khách trở thành mối nguy hiểm, đe dọa an ninh, an toàn cho cả chuyến bay và sinh mạng của hàng trăm người khác.
Thiếu văn hóa đi tàu bay: Bị phạt!
Nếu chuyện cãi nhau, gây gổ ngoài đường hay hút thuốc ở nơi bị cấm... vẫn xảy ra đâu đó thường ngày thì ở trên tàu bay những điều này tuyệt đối bị cấm. Những khách cố tình vi phạm, hoặc vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết đều phải đối mặt với "án phạt" vi phạm hành chính từ 500 ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh Thanh tra Cục Hàng không VN cho biết, ngành Hàng không có các quy định rõ ràng để đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất. Theo Luật Hàng không và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, có nhiều hành vi không được thực hiện trên tàu bay như: Hút thuốc sai quy định; điện thoại hoặc sử dụng các thiết bị có thể thu, phát sóng khi không được phép; tự ý sử dụng thiết bị trên tàu bay không theo hướng dẫn; vi phạm trật tự, kỷ luật trong máy bay; đe dọa nhân viên hàng không đang thực hiện nhiệm vụ, đe dọa hành khách, thành viên tổ bay...
Đáng tiếc là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng không còn hạn chế, nhiều hành khách đi tàu bay nhưng không biết mình phải tuân thủ những quy định gì nên số vụ việc vi phạm đang có dấu hiệu gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Phòng An ninh, Cục Hàng không VN cho biết: 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 155 vụ vi phạm an ninh hàng không, trong đó có 9 trường hợp mang vũ khí theo người, hành lý; 5 trường hợp sử dụng giấy tờ giả; 10 vụ khách gây rối, tung tin có bom gây thiệt hại lớn cho hãng hàng không và tổn hại đến quyền lợi của nhiều hành khách khác. Đặc biệt, trong vài tháng qua đã xuất hiện những vi phạm có tính chất phức tạp, khó xử lý do đối tượng vi phạm cố tình không thừa nhận hành vi, không trung thực và có biểu hiện manh động.
Khách không giống ai
1 giờ đêm ngày 19/4/2011, khi chuyến bay VN 1169 phải hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng vì thời tiết xấu không thể bay tiếp vào TP.Hồ Chí Minh, mọi người đã quá mỏi mệt thì bất ngờ xảy ra sự cố. Một hành khách bị lực lượng an ninh dùng vũ lực áp giải xuống tàu bay, rất nhiều người đổ xô ra dọc lối đi của tàu bay để chứng kiến.
Hành khách Lê Minh Khương, HLV môn quyền taekwondo quốc gia khi bị yêu cầu xuống tàu bay đã không chấp hành, thậm chí cố bám vào ghế, cầu xin sự giúp đỡ của mọi người khiến lực lượng an ninh đã phải dùng vũ lực.
Thời gian khởi hành của chuyến bay bị chậm trễ. Lý do ông Khương bị từ chối chuyên chở là do trước đó ông đã không tuân thủ hướng dẫn của tiếp viên, không chịu trở về chỗ ngồi khi tàu bay chuẩn bị cất cánh, to tiếng la lối gây mất trật tự, mạt sát tiếp viên trên tàu bay. Mặc dù sau đó, hành khách này không công nhận mình sai, từ chối ký biên bản vi phạm nhưng đối chiếu lời khai của nhân chứng, củng cố chứng cứ, Thanh tra Cục Hàng không VN đã ra quyết định xử phạt HLV Khương 2 triệu đồng.
Say rượu ném đồng hồ vào đầu người khác
Chuyện hành khách say rượu quậy phá tại sân bay không phải là hiếm nhưng lên đến tàu bay còn gây rối, hành hung tiếp viên thì quá sức... chịu đựng. Một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines kể lại: Ngày 1/6/2011, trên chuyến bay từ Australia về TP.HCM, một hành khách người Australia có biểu hiện say rượu không chịu ngồi xuống ghế.
Tiếp viên đến yêu cầu khách giữ trật tự, ổn định chỗ ngồi thì bị khách hành hung. Một hành khách khác đi ngang qua cũng bị vị đệ tử lưu linh này tấn công. Thậm chí, ông ta còn tháo đồng hồ đeo tay ném vào đầu người ngồi gần đó.
Tiếp viên trưởng chuyến bay phải thông báo tình hình trấn an hành khách, đồng thời nhờ mọi người hỗ trợ để khống chế, trói tay vị khách quá chén. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng với hành khách gây rối này.
Đồng ý trả tiền để được hút thuốc
Ông Nguyễn Khắc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific cho biết trên các chuyến bay của hãng, nhiều hành khách vẫn vi phạm các quy định an ninh, an toàn. Đặc biệt nguy hiểm là các hành vi hút thuốc, gọi điện thoại, xé áo phao và mở cửa thoát hiểm tàu bay.
Theo tiếp viên của hãng, tình trạng khách hút thuốc trên chuyến bay vẫn rất phổ biến. Tiếp viên phải nhắc suốt, thậm chí còn khuyến cáo về mức phạt bằng hệ thống phát thanh trên chuyến bay. Tuy nhiên, khách vẫn hút trộm trong phòng vệ sinh, vứt tàn thuốc vào hộp đựng rác. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây cháy nổ. Theo lời kể từ tiếp viên của hãng: Mức phạt tối đa cho hành vi này chỉ là 1 triệu đồng là quá nhẹ, có khách đòi trả 1 triệu đồng để được... hút thuốc trên tàu bay.
Một hành vi vi phạm phổ biến không kém việc hút thuốc là gọi điện thoại trên tàu bay. Theo chuyên viên của Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, việc sử dụng các thiết bị thu phát sóng khi tàu bay cất hạ cánh có thể gây nhiễu các tín hiệu điều khiển, ảnh hưởng trực tiếp tới tàu bay, có thể xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, hành khách rất coi thường điều này dù tiếp viên liên tục nhắc nhở. Có khách vừa gọi cố cuộc gọi cuối cùng trước khi tắt máy vừa đùa tiếp viên: "Anh gọi xong thì nộp phạt" (!?).
Nói đùa kỳ quái
Mặc dù báo chí liên tục đưa tin xử phạt và hậu quả từ việc nói đùa có bom trên tàu bay, tại sân bay nhưng không hiểu sao đến giờ này vẫn các hành vi như vậy vẫn liên tục tiếp diễn.
Điều đặc biệt là đối tượng vi phạm không chỉ là những người thiếu hiểu biết, ít thông tin. Danh sách bị phạt vi phạm hành chính có người là trung tá lực lượng vũ trang, có người là chuyên viên bom mìn của quân đội, người là doanh nhân thành đạt.
Kiểu nói đùa vô thưởng vô phạt đó, cố tình trêu đùa tiếp viên cũng có nhưng đáng trách là kiểu đùa để thể hiện "ta đây" kiểu "đừng động vào túi của tôi, coi chừng nổ đấy", "em ơi, kiểm tra thằng kia có bom đó", "anh mang bom này"... Kiểu đùa đáng trách này gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng bởi theo thông lệ quốc tế với hoạt động hàng không, việc tiếp nhận thông tin có bom không phân biệt là đùa hay thật. Đều phải được xử lý thận trọng và kỹ càng như nhau. 6 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Phòng An ninh, Cục Hàng không VN đã có tới 7 vụ khách tung tin có bom, trong đó có 3 vụ bị xử phạt trong khung từ 10 đến 15 triệu đồng.
Việt Nam không để xảy ra uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh hàng không
Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Phòng An ninh, Cục Hàng không VN cho biết, kết quả thanh tra an ninh hàng không toàn cầu vòng 2 của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tại Việt Nam năm 2010 cho thấy, Việt Nam đạt mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh của ICAO là 75,09% cao hơn mức bình quân chung 64,66% của 95 quốc gia được thanh tra. 6 tháng đầu năm 2011, ngành Hàng không đã nỗ lực trong công tác bảo đảm an ninh, không để xảy ra các vụ uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh cả trên không và mặt đất, đảm bảo an ninh cho các chuyến bay.
Trước tình trạng gia tăng các vụ gây rối, nói đùa có bom, tới đây, Cục sẽ rà soát và xây dựng sửa đổi quy trình thông tin, đánh giá và xử lý khi có hành khách gây rối, đưa tin có bom để xử lý kịp thời và hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu thiệt hại và chậm trễ chuyến bay. Các cán bộ có liên quan sẽ được tập huấn phương pháp, kỹ năng xử lý.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về an ninh hàng không với nhiều hình thức thích hợp.
Theo GTVTOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?