Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Những kiểu chặt chém có một không hai

Nhức nhối nhất: Đồ ăn, khách sạn

Một thành viên trên diễn đàn tttvnol chia sẻ câu chuyện đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) của mình như sau: “Tôi mua dừa tươi, đã mặc cả rất kỹ. Họ nói 100.000 đồng/quả, tôi mặc cả xuống còn 30.000 đồng/quả và họ đồng ý bán. Khi thanh toán tiền cho 2 quả dừa, họ nói 130.000 đồng khiến tôi tưởng họ nhầm, Nhưng không phải, vì họ nói tôi mới mặc cả cho quả thứ nhất, quả thứ hai chưa đả động gì đến. Tôi hoảng quá, không mua nữa thì họ chửi đến phát ngại, mà mua thì ấm ức không chịu nổi”.

Như thấy mình trong câu chuyện này, các thành viên khác cũng ào ào tuôn ra những chuyện bức xúc mình từng gặp phải.
Có du khách cho biết còn bị “thịt” ở Sầm Sơn theo cách rất chi là bất ngờ, như kiểu đánh úp khách: “Biết là khu này hay chặt chém, chúng tôi đã mặc cả rất kỹ giá của từng món ăn rồi ghi ra giấy, bắt chủ quán ký vào, sau đó mới ngồi xuống ghế.
Ăn uống xong đứng dậy thanh toán, cả hội gần chục người choáng nặng khi em nhân viên cho biết nhà hàng thu thêm 20.000 đồng tiền ghế ngồi/khách; 20.000 đồng tiền gia vị, chanh ớt cho cả nhóm; 100.000 đồng tiền phục vụ; 50.000 đồng tiền vệ sinh, dọn dẹp rác rưởi, vv… Chúng tôi đôi co một hồi thì họ bảo quy định ở đây là thế. Vì không muốn lằng nhằng, cãi nhau mất vui, chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán, trong lòng bức xúc khôn tả”.
Du khách chật kín bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa - (Ảnh: Internet)

Một khách du lịch đi Sầm Sơn bức xúc thuật lại: “Tôi đặt 2 triệu để chắc chắn là có phòng, với giá phòng toàn 500.000 đồng, cao gấp đôi giá ở Hà Nội. Đến sát ngày đi, khách sạn gọi điện hỏi đoàn chúng tôi ăn gì nhưng cả đoàn đã thống nhất sẽ ăn tự do, đến nơi thấy gì ngon, thích thì ăn. Chủ khách sạn cho biết quy định của là đã thuê phòng là phải ăn đồ ăn của khách sạn.
Thấy quy định quá vô lý, chúng tôi không đồng ý thì bà ấy cho biết sẽ không cho thuê nữa vì như thế là không tuân thủ quy định khách sạn. Cuối cùng vì đã quá sát ngày nên tất cả muối mặt chịu đựng, nếu không thì không còn chỗ mà ở”.

Từ các địa điểm du lịch nổi tiếng ở như Hạ Long, Cát Bà, Chùa Hương, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu đến các khu vực nổi tiếng “vừa vừa” trong cả nước đều từng khiến du khách hoảng hốt vì mức độ 'chặt chém', nhất là vào cao điểm mùa du lịch, và đặc biệt xảy ra nhiều ở các khu du lịch miền Bắc và miền Trung.

Một du khách từng đi Vũng Tàu khốn khổ kể lại: “Vợ chồng tôi đặt phòng trước rồi, 900.000 đồng/đêm. Cả hai hí hửng đến thì khách sạn thông báo không còn phòng vì có người gọi hủy phòng. Vợ chồng tôi cãi nhau với chủ khách sạn thì họ không những không giải thích mà đuổi ra luôn. Trời thì mưa, cả hai phải vật vờ đi tìm khách sạn, nhớ lại vẫn không thể nào chấp nhận nổi cách phục vụ như thế”.
Chưa kể sau đó, hai vợ chồng du khách này chỉ ăn “cơm bình dân” với các món bình thường như cơm trắng, tôm nhỏ (4 con), canh rau nhưng bị “móc ví” mất 800 ngàn!

Nhiều khách du lịch đi chơi cuối cùng mua thêm cái bực vào thân vì khách sạn quảng cáo là 3 sao, giá cũng 3 sao nhưng thực tế thì chất lượng chưa nổi 1 sao!

Tại Đà Lạt, có không ít người mếu máo cho biết mình mất hết cả tiền bạc, nữ trang, mỹ phẩm xịn chỉ vì gửi chìa khóa cho lễ tân.

Đến khi phát hiện thì không thể nào chứng minh được là khách sạn lấy, vì quy định của khách sạn là khách phải gửi các đồ có giá trị, mất là họ không chịu trách nhiệm!

Những “quái chiêu” khiến khách phát hoảng


Khốn đốn nhất là những dịch vụ 'quái chiêu' khiến du khách phát ốm. Trên các diễn đàn, nhiều người đọc những câu chuyện du khách bị “chăn” xong mà không thể nhịn nổi cười, đặc biệt là chuyện thuê ngựa để chụp ảnh, thuê ngựa để cưỡi thử ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Đi du lịch, khách bị chặt chém đủ đường, từ khách sạn tới hàng ăn, đồ uống và các dịch vụ vui chơi giải trí khác

Một du khách thuật lại: “Tôi đưa con gái và vợ đi Sầm Sơn, con gái thấy ngựa đẹp nên cứ đòi xem. Y như rằng một thanh niên mời chào chụp ảnh, giá 20 ngàn đồng/bức. Thế là chụp xong 2 kiểu, tay thanh niên vỗ vào mông con ngựa khiến nó lồng lên làm vợ chồng tôi hốt hoảng.

Khi dừng lại nó đòi 120 ngàn cho 6 kiểu, vì trong lúc ngựa phi, nó đã chụp thêm 4 kiểu! Không trả là không xong với nó”.
Cũng liên quan đến con ngựa, có du khách cay đắng móc ví, muốn khóc mà không khóc được vì tức. Khi cả đoàn du lịch đi ra hòn Trống Mái chơi, một thanh niên ngỏ ý mời một phụ nữ trong đoàn cưỡi ngựa thử với giá 5 ngàn đồng. Hí hửng trèo lên và chạy một đoạn rồi xuống ngựa, cậu ta hét “500 ngàn” với lý do 5 ngàn tính cho 1 bước chân ngựa, còn chạy vài vòng như thế phải trên 100 bước, tính 500 ngàn là còn rẻ (!?) Cãi nhau một hồi, cuối cùng người phụ nữ vẫn phải ngậm đắng rút ví 300 ngàn đồng trả cho kẻ “ăn cướp” trắng trợn.

Chưa hết, hiện nay ở các khu du lịch cứ ra đến cửa là có “ma cô”, “cò mồi”. Vì thế, đã có không ít bậc phụ huynh khốn đốn vì chúng toàn lừa dắt trẻ con ra chỗ kín cho ăn kẹo, trong khi đó một kẻ khác sẽ chạy ra thông báo cho bố mẹ chúng biết là lũ trẻ đang ở đâu.

Sau đó, hai “kẻ cướp” đường hoàng “xin được bồi dưỡng”, ít nhất cũng phải 200 ngàn đồng!

Một địa danh du lịch nổi tiếng là Đà Lạt cũng không ít lần khiến du khách xanh mặt. Một thành viên trên webtretho từng đi du lịch ở đây kể lại: “Lúc cả nhà đi thăm thắng cảnh có một thợ ảnh cứ bám theo dỗ ngọt. Mới đầu đi chơi thì bảo cứ chụp rửa ra cái nào đẹp mới lấy tiền, sau đó thì cứ theo khách suốt cả ngày chụp ảnh các nơi cho tới khi khách về khách sạn.

Rồi hắn bảo cái nào đẹp sẽ phóng to cỡ của tờ giấy A4, tôi không đồng ý nhưng cứ làm. Tối đến khách sạn thông báo tiền chụp ảnh gần 4 triệu cho cả ngày đi chơi bao gồm cả ảnh nhỏ và ảnh to. Thật quá đáng hết mức”.
Anh Văn Hùng ở Hà Nội từng đi du lịch tại Sầm Sơn thuật lại câu chuyện khá bức xúc. Nhóm bạn 4 người của anh đi du lịch ở đây, biết là sẽ bị 'chặt chém' không thương tiếc nên đã mặc cả trước với mọi thứ. Đến ngày cuối, cả nhóm hý hửng vì mình quá kinh nghiệm, không bị 'chém' gì.
Để 'tổng kết' thành tích này, nhóm đã đi hát karaoke ở ngay gần bãi biển. Trước khi vào hát, chủ quán đòi 500 ngàn cho 1 giờ hát, nhóm mặc cả xuống được 200 nghìn 1/giờ. Sau khi hát xong 1 giờ, đến lúc thanh toán tiền, chủ quán đòi 800 nghìn đồng.
Cả nhóm ngớ người ra thanh minh là đã mặc cả từ đầu là 200 nghìn, nhưng chủ quán lúc này 'mặt lạnh như tiền' tuyên bố xanh rờn: 200 nghìn là 1 người, 800 nghìn là 4 người!

Đi du lịch kiểu 'hành xác' 
– Ngoài chuyện đến nơi rồi bị “chặt chém” không thương tiếc, rất nhiều du khách đã phải khóc dở mếu dở vì cách làm thiếu chuyên nghiệp, “mang con bỏ chợ” của các công ty lữ hành. Không ít người đã gói gọn hành trình “nghỉ ngơi, thư giãn” của mình trong hai từ: “Hành xác!”
Mặc dù, không phải công ty du lịch nào ở VN cũng hành xử với khách theo cách này, tuy nhiên, tình trạng trên khiến nhiều du khách quá xúc. Hơn nữa, tình trạng này nếu không được các cơ quan chức năng xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch nói chung.
“Mang con bỏ chợ”

Nhu cầu du lịch cao cấp của người dân ngày càng tăng nhưng cách làm ăn chộp giật của các doanh nghiệp du lịch khiến khách hàng quá ngán ngẩm. Ngoài chuyện bị khu du lịch "chặt chém" thì đây cũng là nỗi lo thường trực của du khách (Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Internet)

Một du khách từng đi du lịch Hạ Long – Cát Bà với cái giá khá “chát”: 7 triệu/2 người/3 đêm 4 ngày. Nhưng kể từ khi đặt chân xuống Hạ Long đến khi bước chân về Hà Nội, cặp vợ chồng này bị “hành” đủ kiểu, chủ yếu bởi những lời cam kết không đúng sự thật, hướng dẫn viên không nhiệt tình và chuyện đổi lịch trình xoành xoạch của công ty lữ hành!
Đầu tiên là chuyện vừa xuống xe, cậu hướng dẫn viên đã đưa 320.000 cho hai vợ chồng và bảo “bên công ty du lịch không kịp lo chỗ ăn trưa và ăn tối cho khách nên anh chị cầm số tiền này để tự lo chuyện ăn uống trong ngày!”


Doanh nghiệp du lịch chỉ biết móc túi khách hàng?
"Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam làm ăn manh mún.
Họ chưa phối hợp lại với nhau, chưa cùng nhau làm du lịch. Mỗi doanh nghiệp hình như chỉ nghĩ đến việc của mình, tìm cách móc túi khách hàng mà chưa có tầm nhìn, chưa nghĩ đến việc làm ăn lâu dài.
Khách đến với 1 điểm du lịch mà không có dịch vụ tổng thể sao níu chân họ quay lại!"
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books (Báo điện tử Tamnhin.net)
Chưa hết sốc lần 1 thì cặp du khách gặp ngay cú sốc thứ 2! Trong hợp đồng, công ty lữ hành cam kết khách sẽ ở khách sạn 2-3 sao nhưng thực tế khách sạn không khác gì nhà nghỉ bình dân ở Hà Nội. “Khách đến không có tiếp tân giúp đỡ, phòng ẩm mốc, kín mít, bí như cái hộp. Vui nhất là điều hòa bị hỏng!”, vị khách này kể.
Cuối cùng, sau một hồi tranh đấu, cả hai vợ chồng nhận được một phòng khác hướng ra biển. Nỗi bực tức dịu xuống vì cả hai không muốn mất một chuyến đi vui vẻ.
Đến ngày thứ 2, cuộc du ngoạn bắt đầu không suôn sẻ do tàu mà công ty du lịch thuê không đủ chỗ cho cả đoàn. Cuối cùng, cặp vợ chồng này cùng vài khách khác bất đắc dĩ bị chuyển sang tàu khác đi nhờ, thực chất là “bán” giữa đường.
Quá bức xúc, chị vợ gọi về công ty lữ hành để phản đối. Sau vài phút lời qua tiếng lại, người nghe điện thoại dập máy, chẳng thèm nói một lời xin lỗi hoặc có một câu giải thích. Hai vợ chồng tím mặt đi theo đoàn khác, bởi chẳng nhẽ là bỏ giữa chừng và chịu mất tiền?
Cuộc vui trở nên mất hết hứng thú. Đến khi trở về, công ty chẳng buồn lo xe cho khách, để khách tự đi taxi về khách sạn! Đến ngày cuối cùng, vì bị “bán” cho đoàn khác nên hai vị du khách khốn khổ này phải chịu đói vì không biết ăn uống thế nào. Đến khi gặp được cậu hướng dẫn viên của công ty ban đầu, cậu này hồn nhiên hỏi: “Ơ, thế anh chị chưa ăn cơm trưa à?!”
“Cuối cùng thì tôi cũng được trở về Hà Nội, thoát khỏi kiếp nạn hành xác 3 ngày ở Hạ Long – Cát Bà. Tôi không tưởng tượng nổi mình bỏ tiền ra đi chơi nhưng thứ nhận lại là sự mệt mỏi, bức xúc tột độ. Công ty không hề đặt tàu trước, tự ý thay đổi lịch trình, làm ăn không chuyên nghiệp”, vị khách xấu số chốt lại.
Câu chuyện của vị khách này đã “khơi mào” cho hàng loạt bức xúc của du khách. Có những du khách đi Hạ Long, nhận phòng rồi nhưng khách sạn cứ đều như vắt chanh cắt điện từ 8h sáng, với hàm ý “đuổi khách” ra ngoài.
Thắc mắc thì khách sạn toàn tỉnh bơ: Đang sửa hệ thống, hoặc bị mất điện cục bộ, vv… “Toàn lý do “khách quan và chính đáng” cả, thật khổ hết mức”, các thành viên trên box du lịch của diễn đàn ttvnol và webtretho đúc kết.
Quảng cáo 10, làm 1
Điều đáng nói là đây không phải trường hợp cá biệt. Có rất nhiều du khách đi đến nhiều địa danh du lịch khắp cả nước cũng đã bị “bán” giữa chừng hoặc sử dụng những dịch vụ kém chất lượng, khác hẳn những gì công ty quảng cáo trước đó.
Một hành khách từ TP.HCM đi Nha Trang cho biết đã bị công ty lữ hành tự ý “cắt” gần hết các dịch vụ như tắm bùn, thăm quan các đảo bằng cách cố ý mua vé tàu “hạng bét” khiến thời gian đi lại kéo dài. Khi khách phản đối vì đã bỏ tiền đã mua gói dịch vụ tốt, đơn vị lữ hành nhai lại “điệp khúc”: “Xin quý khách thông cảm, do đây đang là cao điểm của mùa du lịch nên công ty không thể mua được vé hạng A!”.
“Nghe xong không buồn nói nữa, vì có phải năm thì mười họa họ mới có một tour đâu? Giải thích kiểu ấy không lọt tai nổi nhưng chẳng nhẽ lại không lên tàu?”, du khách này kể lể “kỷ niệm” của mình với các thành viên trên diễn đàn webtretho.

Nhiều doanh nghiệp du lịch chưa có dịch vụ tốt nhưng đã thu tiền của khách hàng với giá cắt cổ bằng cách quảng cáo "vống lên". Nhiều khách du lịch bị "sốc" vì khoảng cách quá lớn giữa quảng cáo với thực tế (Ảnh minh họa: Internet)
 
Cũng tương tự như cặp vợ chồng đi Hạ Long – Cát Bà ở trên, đoàn du khách này khi đến Nha Trang đã chịu cảnh khốn khổ vì toàn ở khách sạn xa, không phải 3 sao như cam kết. Và y như rằng, công ty du lịch lại đưa ra lời giải thích không có lấy 1g trọng lượng: “Vì quá đông nên quý khách thông cảm!”.
Chưa hết, thay vì ăn uống hải sản với thực đơn hấp dẫn thì thực tế, du khách phải ăn trong các nhà hàng xa trung tâm, chủ yếu là các món ăn giá rẻ. “Công ty ăn bớt đủ đường. Cùng mức tiền trong hợp đồng, chúng tôi có thể đã có những bữa ăn tốt hơn thế. Nhưng khổ nhất là có phản đối kiểu gì thì họ vẫn “lễ phép” một cách giả tạo khiến chúng tôi muốn phát điên”, vị du khách thuật lại.
Tương tự, một du khách đi du lịch miền Tây kể trên webtretho rằng chị cùng cả đoàn đã bị xe khách “bán” giữa đường mà hoàn toàn không biết. “Hóa ra, công ty đó không có xe chở khách riêng mà phải thuê xe của công ty khác. Đến đoạn xe này rẽ vào đường khác, nó lại bán chúng tôi sang một xe khách nữa, thật bức xúc không chịu nổi”. Khốn khổ nhất là mỗi lần đợi xe, chuyển xe, cả đoàn phải vật vạ mất cả tiếng đồng hồ.

Bó tay với những chiêu lật lọng
Có những du khách đã đặt cọc, ấn định thời gian đi, điểm đến và thu xếp thời gian xong xuôi. Đùng một cái, công ty du lịch báo lại: Hoặc là đi địa điểm khác, hoặc là đi thời gian khác vì công ty không tìm đủ khách để ghép đoàn!
Vi khách này giãy nảy lên, không đồng ý vì không thể thu xếp lại thời gian, đồng thời không thích đi địa điểm khác. Vì thế, chị đòi trả lại tiền đặt cọc. Nhưng công ty lữ hành khăng khăng không đồng ý, vì đây là lý do khách quan chứ không phải công ty muốn vậy!
“Cuối cùng tôi không làm gì được, làm lớn chuyện lên, đi lại, gọi điện bao nhiêu lần mà họ không trả lại, một lời xin lỗi cũng không có. Tôi coi như đó là “tiền ngu” vì sau khi đặt cọc tôi chủ quan, làm mất giấy tờ. Rút kinh nghiệm, tôi sẽ cạch mặt công ty này, từ giờ đi tour ở đâu tôi sẽ tìm các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn uy tín”, vị khách nói.

Bún 'mắng', cháo 'chửi'... vẫn đắt khách 
Bún 'mắng', cháo 'chửi', phở xếp hàng, bia hơi tem phiếu có vẻ không lạ lẫm với nhiều người sống ở Hà Nội. Khách hàng vẫn đến ăn nườm nượp, còn chủ nhân của nó vẫn làm ăn phát đạt...
Miếng ăn, miếng chửi

Ngồi quán bún ở 57 ngõ Ngô Sỹ Liên, nghe chủ quán mắng khách té tát vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi bỗng co rúm người lại, chỉnh đốn mọi hành vi, lời ăn tiếng nói để… không bị chửi mắng. Trưa nắng như thiêu đốt vậy mà quán vẫn chật cứng người. Bát bún ba chục nghìn mà có tới gần chục miếng thịt chân giò to tướng, rất đầy đặn.
“Cháu đã bảo đừng chan nước béo rồi mà!”- Cô bé ngồi cách tôi một bàn kêu lên như than phiền. “Nước dùng béo hay gầy về nhà mà ăn, đây chỉ có thế thôi. Không ăn thì biến cho rộng chỗ!”. Bà chủ quán vừa xóc bún vừa liếc xéo ra mắng khách. Ánh mắt và lời nói như những mũi tên bay phần phật về phía cô gái, làm tôi cũng rát mặt như bị ném cát. Cô bé ngồi cạnh tôi bị mắng nhưng không dám cãi, chỉ lẩm bẩm: “Ăn uống mất tiền mà cứ như đi ăn xin”.

Xếp hàng chờ đến lượt mua phở ở Bát Đàn. Ảnh: TP
Ngày hôm sau, lựa lúc vắng khách nhất, khoảng 17h, tôi lại mò đến quán bún mắng để hỏi chuyện bà chủ quán tên Thảo.
“Cô ơi, người ta bảo quán của cô là quán bún chửi, nhưng cháu đã ăn ở đây mấy lần mà chẳng được chửi lần nào”. Được lời như cởi tấm lòng, bà Thảo trút bầu tâm sự: “Đấy, đấy…có phải ai tôi cũng mắng chửi đâu. Mình làm dâu trăm họ, muốn chiều khách lắm chứ. Như cậu đây thì tôi chửi thế nào được. Cậu gọi một bát móng giò, một chai bia, tôi chửi vào chỗ nào.
Tôi chửi vô lý, khách hàng nghiêm chỉnh người ta không đấm cho ấy à. Nhưng mà, có những người õng ẹo, hoạnh hoẹ đủ thứ cơ. Lúc đang đông khách mà cứ đòi hỏi cái này cái nọ, vào sau lại đòi ăn trước, bố đứa nào chịu được. Thế tôi chẳng chửi cho à.
Hôm nọ có hai con õng ẹo vào ăn, bảo vào trong nhà ngồi nhưng cứ đòi ngồi ra đường… Chắc là sợ mất xe! Tôi đuổi thẳng cổ: Không vào trong thì biến ngay! Hôm qua, cũng có hai đứa con gái, vào ăn bún lại đòi cho cháu hai cốc trà đá trước. Khách thì đông, chưa ăn đã đòi uống, tôi bảo: Thôi khỏi uống, khỏi ăn gì, mời hai cô ra cho tôi bán hàng!”.
Bà Thảo cho biết, bà đã bán bún ở chợ Ngô Sỹ Liên hơn ba chục năm nay, không biển hiệu. Ngày nào cũng mở cửa từ lúc 11h30 và đóng cửa lúc 19h30. Về chuyện thương hiệu “bún mắng”, bà Thảo bảo chẳng biết ai đặt cho nhưng bà không muốn cái tiếng ấy.
“Chửi mắng nó già người đi chứ. Nhưng mình làm thật ăn thật, bỏ sức lao động ra để kiếm chút lời, mình không luỵ ai cả. Mọi người vẫn bảo khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra thì phải được phục vụ đến tận răng, nhưng tôi thì khác, không bán cũng được, chứ không thể đáp ứng những yêu cầu quá đáng hoặc hoạnh họe ra vẻ ta đây… Cứ vớ vẩn đòi hỏi là tôi đuổi” - bà Thảo nói.
Ở quán phở phố Bát Đàn, cũng giống như bia “bao cấp” ở số 115 Quán Thánh, đều phải xếp hàng theo thứ tự và tự tìm chỗ ngồi, có điểm khác là bia bao cấp còn phải mua “phiếu dịch vụ” sau đó mới ra xếp hàng chờ lấy bia. Sáng đó, có vị khách lạ không biết lệ, cứ vắt chân chữ ngũ gọi lớn: “Cho 1 bát phở”. Sau cả chục phút chờ, không ai nói gì, ông khách bực mình gọi lại, liền bị quát ầm ĩ: “Ăn thì ra xếp hàng, tự bưng chứ ai hầu đến tận mồm!”.
Ông khách choáng quá, cứ ngồi thừ ra, chẳng nói được câu nào, mãi sau mới bẽn lẽn ra xếp hàng. Ăn xong, dù thừa nhận phở có ngon thật nhưng cũng đành thốt lên: “Từ nay tôi cạch đến già/Tôi chẳng dám đến hàng bà nữa đâu!”. Thế nhưng nhiều người vẫn nhẫn nại, thản nhiên cười hề hề khi xếp hàng, trả tiền trước để được nhận tô phở rồi tự tìm chỗ ngồi ăn.

Mắng chửi làm… thương hiệu
Bạn tôi tên N., một người rất tỉ mỉ trong ăn uống, tuần nào cũng mò lên quán phở Bát Đàn. Thường thì vào thứ bảy, nhưng cũng có tuần nổi cơn thèm N. phóng xe từ nhà ở phố Chùa Bộc lên Bát Đàn mất cả nửa tiếng đồng hồ, sẵn sàng chờ đợi vài chục phút nữa để hưởng cái hương vị của phở. N. bảo, xếp hàng thì có làm sao, tự bưng bê thì cũng có làm sao đâu? Mấu chốt là đồ ăn có ngon hay không! “Tớ sợ nhất là phục vụ chu đáo nhưng đồ ăn lại dở ẹc, tính tiền thì cắt cổ”.
Trên phố Nhà Thờ, quán cháo gà của bà M., cũng nổi tiếng với thương hiệu cháo “chửi”. Bà chủ này có thể chửi khách, chửi nhân viên từ sáng tới khuya. Chuyện kể rằng, có lần gặp vị khách Sài Gòn, vừa chê cháo nhạt, anh xin thêm chút muối, liền bị bà M. chửi cho te tua: “Mặn nhạt cái gì, cả trăm người có ai chê đâu. Không ăn thì biến”. Quá sốc, vị khách cầm cả tô cháo đổ xuống rãnh vỉa hẻ, rồi anh vứt trả cả tờ 50 ngàn đồng.

"Với một quán ăn, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho chủ quán. Chủ hàng họ không tri ân khách thì thôi, lại còn chửi, thật vô văn hoá hết chỗ nói. Chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ mới hành xử có văn hóa hơn” - Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Quá bất ngờ, bà M. không nói thêm được lời nào. Nhưng sau lần ấy, bà M. vẫn không bỏ được tật chửi khách. Cho đến một lần bán đêm, gặp đúng nhóm thanh niên đi bụi, khách vừa xin thêm mấy cọng hành, liền bị bà M. chửi, cả nhóm thanh niên bỏ cháo, phá cả cửa hàng. Từ đó, người ta thấy bà M. ít chửi khách hơn. Bà chuyển sang chửi nhân viên ra rả cả ngày. Nhưng lạ, khách vẫn đến đông.
Người Việt mình luôn thích chen nhau chỗ chật thì phải. Một thói quen xếp hàng thời bao cấp còn lưu luyến chăng? Quán nào càng đông đúc người ta càng lao đến, càng chào mời thì lại… chạy xa. Nơi chủ quán vừa mắng chửi vừa bán hàng mà vẫn đông khách chứng tỏ đồ ăn thức uống phải ngon thì chủ quán mới dám cất lời mắng nhiếc thượng đế. Dường như, càng quát mắng, càng quen mồm quen miệng bỗng thành… tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn.

“Bún mắng, cháo chửi” và CEO làm bảo vệ 
So với Sài Gòn, thì Hà Nội còn khá kém về chất lượng dịch vụ. Điều này chẳng có gì phải bàn cãi trong suy nghĩ của nhiều người, và cũng là kết luận được rút ra từ một cuộc khảo sát quy mô lớn của Nielsen - hãng khảo sát thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, chuyện “bún mắng, cháo chửi” tại Hà Nội, được đăng tải trên các trang báo mạng gần đây lại thực sự gây shock cho không ít người, trở thành đề tài được tranh luận rất nóng bỏng trên các mạng xã hội. Trong số đó, từ “choáng” được thốt lên rất nhiều lần, từ cả cư dân của Sài Gòn, lẫn người Hà Nội. Có vẻ, chuyện mằng chửi khách hàng đã vượt qua sự tưởng tuợng của rất nhiều người, và hơn nữa, được nhiều người coi như một bằng chứng hiển nhiên nhất về trình độ dịch vụ của người Hà Nội.

Bài viết sẽ thử phân tích về nguyên nhân tại sao hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở Hà Nội, sau khi đã trải qua hơn hai thập kỷ của nền kinh tế thị trường, nơi mà khách hàng thường được tung hô là thượng đế.

Hãy bắt đầu phân tích từ phía khách hàng Hà Nội, nơi kinh kỳ nghìn năm, nơi vẫn là trung tâm thu hút nhiều nhất chất xám, học giả, và có mặt bằng giáo dục cao nhất cả nước

Trước hết, người Hà Nội rất tự hào về khẩu vị tinh tế của họ, cũng như những món ăn nổi tiếng mang hồn Hà Nội. “Ăn Bắc, mặc Nam”, qua bao thế kỷ người Hà Nội đã chắt lọc những món ăn của mọi vùng quê, để đẩy nó lên một tầm cao mới, và ngược lại, họ cũng coi những món ăn ngon như một “nét Hà Nội” rất riêng của mình. Để đến hôm nay, kể cả những người Hà Nội gốc, hay những người nhập cư muốn trở thành “người Hà Nội” cũng muốn khẳng định bản thân một phần qua các món ăn. Và kết quả là, họ sẵn sàng bỏ qua những điều phiền toái khác?

Bên cạnh đó, việc trải qua một thời kỳ dài bao cấp, nơi những mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ đã tạo cho người Hà Nội một sự chấp nhận một cách vô thức và đáng tiếc về thân phận chiếu dưới của mình. Ngay cả trong cuộc sống thường nhật ngày hôm nay, khi họ phải đối mặt với nhiều cơ quan công quyền - những đơn vị mà thật đáng tiếc, các hành xử của họ chưa được thoát thai ra khỏi cơ chế “hành là chính”, đã một lần nữa làm người dân Hà Nội trở nên vô cảm với cách hành xử thiếu văn hóa. Và vì vậy, trong suy nghĩ của họ, cách hành xử của các ông bà chủ quán lại trở thành chuyện nhỏ?

Và cuối cùng, tâm lý “nó chửi cả làng Vũ Đại” đã tự ve vuốt tính sĩ diện vốn rất cao của mỗi người Hà Nội. Với họ, những ngôn từ chợ búa được tuôn ra từ miệng người bán hàng là dành cho một ai đó, một thứ gì đó, chứ đâu phải cho riêng họ. Tôi dám cá rằng, phần lớn trong số họ sẽ một đi không trở lại nếu một ngày nào đó họ trở thành đối tượng trực tiếp của những lời chửi mắng.

Còn đâu là nguyên nhân từ phía người bán hàng? Có thể khẳng định nguyên nhân đầu tiên là tâm lý tiểu nông, dễ dàng hài lòng với những gì mình có. Làm chủ một quán cơm ngon, một tiệm phở đông khách, và một khoản tiền lãi vừa đủ hằng ngày cũng đã làm họ hài lòng, và thậm chí còn đủ để họ cảm thấy có thể ngẩng mặt với đời. Tâm lý này, thật đáng tiếc không chỉ có ở những người buôn bán nhỏ, mà lại khá phổ biến với cả những doanh nghiệp gốc Bắc.

Đồng thời, không gian sống chật hẹp và chen chúc, cùng giá nhà và giá thuê mặt bằng cao chót vót cũng là một yếu tố để những người bán hàng rất khó mở rộng quy mô và làm cho họ thêm lý do để tự đặt mình lên cao hơn so với thượng đế của chính họ. Tôi đã sửng sốt khi được nghe chị hàng phở gần nhà ta thán (hay khoe khoang?): “Mình có nhà mặt đường hàng nghìn cây vàng, việc gì phải bán hàng kiếm vài đồng lẻ?!”

Với tâm lý tự thoả mãn và điều kiện mặt bằng như vậy, họ khó có thể mở rộng quy mô, và đâu cần thu hút thêm những khách hàng mới.

Một lý do khác, rất có thể những ông bà chủ quán này rất biết cách làm marketing, tạo dựng thương hiệu từ sự khác biệt (!). Họ đã cố gắng làm điều đó, kể cả chấp nhận phương thức đầy tai tiếng. Thậm chí, họ coi rằng đó còn là con đường để khẳng định vị thế của quán ăn của mình: “Hãy xem chất lượng của tôi OK đến cỡ nào? Tôi chửi thế mà vẫn đắt khách!”.

Một lý do cuối cùng, đó là tình trạng chung của mảng dịch vụ tại Hà Nội. Ai đó đã nói, người Hà Nội luôn sống có chiều sâu, nhưng ngược lại, họ khá bảo thủ, ít chấp nhận đổi mới hơn người Sài Gòn. Và kết quả là, mặt bằng trình độ dịch vụ ngày một tụt hậu so với thị trường sôi động phía Nam. Trong một mặt bằng chung như vậy, thì chuyện ‘bún mắng, cháo chửi’ đâu phải chuyện động trời?!

Tuy nhiên, hãy đừng lấy những hiện tượng cá biệt để quy kết chung cho cả thị trường Hà Nội. Mọi chuyện đã có khá nhiều thay đổi, đặc biệt với lớp người trẻ. Tháng trước, khi cùng bạn bè đi ăn tại một cửa hàng mới khai trương, trong lúc mọi người rôm rả bình luận về món ăn, tôi lại đặc biệt chú ý đến người bảo vệ kiêm trông xe của quán. Khuôn mặt rất sáng sủa với cặp kính cận, anh ta trông có dáng thư sinh hơn là người lao động. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy anh ta tiếp chuyện rất thoải mái với các vị khách nước ngoài bằng một giọng tiếng Anh rất chuẩn. Không nén nổi tò mò, tôi ra bắt chuyện và vỡ lẽ: anh ta là CEO của chuỗi cửa hàng. “Tôi dắt xe cho khách, chỉ để nghe ý kiến của họ về sản phẩm của chúng tôi một cách thật nhất, khi họ vừa ăn xong và trả tiền cho phần ăn của mình”, vừa lau mồ hôi, anh ta vừa giải thích.

Tôi tin rằng bên cạnh những chủ quán còn mạt sát khách hàng, lấy ngôn từ chợ búa làm thương hiệu, thì đã và sẽ có một lớp doanh nhân mới sẵn sàng làm những công việc vất vả nhất chỉ để nghe phản hồi của khách hàng. Xu hướng này, dù ít hay nhiều cũng đã được định hình ở Hà Nội.

Và tôi cũng tin rằng, những quán “bún mắng, cháo chửi” chỉ là một số ít, rất ít trong hơn 45.000 quán ăn đang hằng ngày phục vụ trong nội thành Hà Nội. Cũng như, những thực khách sẵn sàng nghe chửi để có một tô bún, một suất cháo ngon cũng là con số vô cùng nhỏ trong hàng triệu người Hà Nội đi ăn uống bên ngoài mỗi ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?