Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Khi Biển Đông minh chứng đa cực theo nghĩa quân sự

Tác giả Robert D. Kaplan là chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, đồng thời là thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nguyễn Huy dịch từ Forein policy

Không riêng chỉ vị trí và dự trữ năng lượng khiến cho Biển Đông có tầm quan trọng địa chính lược then chốt, mà còn là ở những tranh chấp lãnh thổ tồn tại lâu dài xung quanh vùng biển này.

Đông Á có thể chia thành hai khu vực chính: Đông Bắc Á - với ưu thế là bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á với ưu thế Biển Đông. Trung tâm Đông Bắc Á là số phận của Triều Tiên. Khi xảy ra chiến tranh, các lực lượng mặt đất của Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc có thể gặp nhau ở nửa bắc của bán đảo với lý do của mọi sự can thiệp nhân đạo, thậm chí là khi họ cố tự mình định vị phạm vi ảnh hưởng.
Các vấn đề hải quân sẽ là thứ yếu. Nhưng cuối cùng một Triều Tiên thống nhất sẽ đưa vấn đề hải quân lên vị trí trung tâm, với một Triều Tiên lớn, Trung Quốc và Nhật trong sự đối trọng mỏng manh, chia tách nhau bởi Biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Bột Hải. Nhưng vì Triều Triên vẫn tồn tại, giai đoạn Chiến tranh Lạnh của ịch sử Đông Bắc Á chưa hoàn toàn qua đi, và sức mạnh mặt đất có thể chiếm ưu thế trước sức mạnh biển.
Đông Nam Á lại khác hẳn, khi đã đi sâu vào giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh của lịch sử. Việt Nam tìm kiếm quan hệ gần gụi hơn với Mỹ. Trung Quốc sau nhiều thập niên hỗn loạn đã trở thành nền kinh tế năng động nhất thế giới, đang thúc đẩy lực lượng hải quân vượt ra ngoài biên giới đất nước, hướng tới cái họ gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" ở Tây Thái Bình Dương.



Nước Hồi giáo khổng lồ Indonesia đang trỗi dậy trở thành một Ấn Độ thứ hai. Singapore và Malaysia cũng đang tăng tốc về kinh tế. Bức tranh tổng hợp là một nhóm quốc gia sẵn sàng nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ vượt ra ngoài bờ biển của họ. Và nơi gặp gỡ địa lý của những quốc gia này cùng quân đội của họ chính là biển: Biển Đông.
Biển Đông nối kết các nước Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương, với chức năng như yết hầu của các tuyến đường biển toàn cầu. Đây là trung tâm hàng hải Âu Á, với các eo biển Malacca, Sunda, Lombok và Makassar. Mỗi năm hơn một nửa số lượng tàu buôn của thế giới và 1/3 toàn bộ hoạt động hàng hải đi qua những khu vực này.
Dầu được vận chuyển qua Eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, tới Đông Á thông qua Biển Đông nhiều hơn sáu lần số lượng đi qua Kênh đào Suez và 17 lần số lượng đi qua Kênh đào Panama. Gần 2/3 nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% cung cấp năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, khoảng 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Hơn thế nữa, Biển Đông được xác định có trữ lượng dầu là 7 tỉ thùng và hàng trăm nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên - một tiềm năng khổng lồ.
Không riêng chỉ vị trí và dự trữ năng lượng khiến cho Biển Đông có tầm quan trọng địa chính lược then chốt, mà còn là ở những tranh chấp lãnh thổ tồn tại lâu dài xung quanh vùng biển này. Có những tranh chấp liên quan tới quần đảo Trường Sa nằm ở phía đông nam Biển Đông. Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với bốn nước Đông Nam Á về các đảo, quần đảo và vùng nước ở Biển Đông. Đặc biệt, Bắc Kinh đã tự đưa ra bản đồ chín đoạn còn gọi là đường lưỡi bò để khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển, bắt đầu từ đảo Hải Nam ở cực bắt Biển Đông kéo dài gần 2000km xuống phía nam giáp Singapore và Malaysia.
Kết quả là tất cả những nước liên quan tới Biển Đông đều ít nhiều phản đối Trung Quốc và vì thế trông chờ vào sự ủng hộ ngoại giao và quân sự từ Mỹ. Những xung đột trong tuyên bố chủ quyền có thể còn gay gắt hơn khi nhu cầu năng lượng tăng cao ở châu Á - tiêu dùng năng lượng ước tính lên mức gấp đôi vào năm 2030, và Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong số này - làm cho Biển Đông trở thành sự đảm bảo quan trọng hơn bao giờ hết với sức mạnh kinh tế khu vực. Rõ ràng, Biển Đông ngày càng trở thành một trại vũ trang, khi các bên tuyên bố chủ quyền không ngừng củng cố và hiện đại hoá lực lượng hải quân của mình.
Đặc điểm địa lý của Trung Quốc hướng nước này theo hướng Biển Đông. Trung Quốc nhìn về phía nam hướng tới một lòng chảo được hình thành theo chiều kim đồng hồ bởi Đài Loan, Philippines, đảo Borneo phân cách giữa Malaysia và Indonesia (cũng như Brunei), bán đảo Malay phân cách giữa Malaysia và Thái Lan, và đường bờ biển dài của Việt Nam. Và tất cả đều là những nước yếu hơn so với Trung Quốc. Giống như Biển Caribbe đánh dấu bởi những quốc đảo nhỏ và bao quanh bởi nước Mỹ to lớn, Biển Đông rõ ràng là nơi để Trung Quốc phô diễn sức mạnh.
Trên thực tế, vị trí của Trung Quốc ở khu vực này có nhiều nét tương đồng với vị trí của Mỹ với Caribbe hồi thế kỷ 19 và đầu 20. Mỹ công nhận sự hiện diện và tuyên bố chủ quyền của các cường quốc châu Âu ở Caribbe nhưng vẫn tìm cách thống trị khu vực. Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898 và việc thiết lập Kênh đào Panama từ 1904 - 1914 đã báo hiệu sự xuất hiện của Mỹ như một cường quốc thế giới.
Hơn thế nữa, thống trị Lòng chảo Caribbe lớn hơn sẽ giúp Mỹ kiểm soát hiệu quả Tây Bán cầu, cho phép họ tác động tới cán cân sức mạnh ở Đông Bán cầu. Và ngày nay, Trung Quốc tự thấy mình trong tình thế tương tự ở Biển Đông, một phòng chờ của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc khát khao sự hiện diện hải quân để bảo vệ nguồn cung năng lượng từ Trung Đông.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân sâu xa hơn khiến Trung Quốc hướng ra Biển Đông và tiến vào Thái Bình Dương là: một phần của Trung Quốc đã bị các cường quốc phương Tây chia cách trong quá khứ gần đây sau khi có cả thiên niên kỷ là một siêu cường và một nền văn minh thế giới.
Trong thế kỷ 19, khi triều Thanh trở nên mục nát ở Đông Á, Trung Quốc mất khá nhiều phần lãnh thổ cho Anh, Pháp, Nhật và Nga. Thế kỷ 20 đã diễn ra cuộc chinh phục đẫm máu của người Nhật với Bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu. Nỗi hổ thẹn lên đến đỉnh điểm khi Trung Quốc buộc phải ký kết các thoả thuận đặc quyền ngoại giao trong thế kỷ 19 và 20, khiến phương Tây có được quyền kiểm soát nhiều phần của các thành phố Trung Quốc - khi ấy thường gọi là "hải cảng mở cho thương mại nước ngoài".
Vào năm 1938, như nhà sử học Đại học Yale Jonathan D. Spence mô tả trong một tác phẩm rằng: vì sự cướp bóc bất ổn cũng như cuộc nội chiến, đã có những lo sợ âm ỉ là "Trung Quốc sẽ bị chia cắt thành từng phần và không còn tồn tại như một quốc gia, và rằng bốn nghìn năm ghi lại trong lịch sử sẽ tiến tới hồi kết đầy thất vọng".
Việc Trung Quốc vội vã mở rộng là một tuyên bố rằng, họ sẽ không bao giờ để nước ngoài lợi dụng lần nữa.
Giống như lãnh thổ Đức tạo thành một tiền tuyến của Chiến tranh Lạnh, thì các vùng nước ở Biển Đông có thể hình thành một tiền tuyến trong những thập niên tới. Khi hải quân của Trung Quốc trở nên mạnh hơn và khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông xung đột với những tuyên bố của các nước ven biển khác, thì các nước này sẽ buộc phải gia tăng khả năng hải quân của họ. Họ sẽ tìm cách cân bằng trước Trung Quốc bằng cách gia tăng quan hệ với Hải quân Mỹ kể cả khi lực lượng này phải phân chia các tài nguyên tới Trung Đông.
Thế giới đa cực là đặc điểm của ngoại giao và kinh tế, nhưng Biển Đông có thể cho thấy sự đa cực diễn ra thế nào theo ý nghĩa quân sự thực sự.


Chiến trường của thế kỷ 21 sẽ diễn ra trên biển
 Châu Âu là cảnh tượng trên đất liền còn Đông Á là một cảnh biển. Ở đó có sự khác biệt cơ bản giữa thế kỷ 20 và 21.

Những khu vực giao tranh nhất của toàn cầu trong thế kỷ trước diễn ra trên các vùng đất khô của châu Âu, đặc biệt là ở những miền đất bằng phẳng ở các biên giới phía đông và tây nước Đức. Nhưng trải qua nhiều thập niên, trục nhân khẩu học và kinh tế của Trái Đất đã dịch chuyển về phía cuối lục địa Á Âu, nơi hàng hải chiếm ưu thế trong các không gian giữa những trung tâm dân cư lớn.
Bởi cách giảng giải địa lý học và thiết lập những ưu tiên, nên diễn biến tự nhiên của Đông Á được lý giải là một thế kỷ của hải quân - hải quân ở đây được định nghĩa trong phạm vi rộng bao gồm cả đội hình chiến đấu trên không cũng như trên biển và ngày càng trở nên phức tạp. Vì sao vậy? Ví như Trung Quốc, đặc biệt khi giờ đây các vùng biên giới đất liền được đảm bảo hơn bao giờ hết kể từ thời nhà Thanh cuối thế kỷ 18, đã lao vào cuộc mở rộng sức mạnh hải quân không thể phủ nhận. Đó là sức mạnh biển mà Trung Quốc sẽ xóa bỏ được tâm lý hai thế kỷ bị nước ngoài "làm mưa làm gió" trên lãnh thổ của mình - buộc tất cả các nước xung quanh phản ứng.
Những dính líu quân sự trên đất liền và trên biển là rất khác nhau, với các ảnh hưởng chủ yếu tới các chiến lược lớn cần thiết để chiến thắng hoặc né tránh chúng. Chiến tranh trên đất liền liên quan tới dân thường, nên nhân quyền trở thành yếu tố quan trọng trong nghiên cứu chiến tranh. Cách tiếp cận với một cuộc xung đột trên biển giản đơn hơn, nhằm giảm thiểu hậu quả chiến tranh theo tính toán số học, tương phản rõ rết với những cuộc chiến trí tuệ góp phần định nghĩa các cuộc xung đột trước.



Thế chiến II là cuộc đấu tranh đạo đức chống lại chủ nghĩa phát xít, hệ tư tưởng chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục triệu người không tham chiến. Những cuộc chiến khác xảy ra tiếp theo, rồi gần đây hơn cả một cuộc đấu tranh đạo đức chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan đã thu hút Mỹ tiến sâu vào vùng núi ở biên giới Afghanistan, nơi cách cư xử nhân đạo với hàng triệu dân thường là rất quan trọng với sự thành công của chiến tranh.
Trong mọi nỗ lực ấy, chiến tranh và chính sách ngoại giao trở thành chủ đề không chỉ của riêng binh lính và các nhà ngoại giao, mà còn là của những người theo chủ nghĩa nhân văn và trí tuệ. Thực tế là, chống nổi dậy đại diện cho sự kết hợp đỉnh cao giữa các sĩ quan mang quân phục và những chuyên gia nhân quyền. Đó là kết quả cuối cùng của chiến tranh mặt đất phát triển thành một cuộc chiến tổng lực trong thời hiện đại.
Đông Á, hay chính xác hơn là Tây Thái Bình Dương, đang nhanh chóng trở thành trung tâm mới của các hoạt động hải quân thế giới, đã báo trước một động lực khác biệt về căn bản. Nó dường như sẽ ít tạo ra tình huống khó xử về mặt đạo đức giống như những gì xảy ra trong thế kỷ 20 và đầu 21, với ngoại lệ là một cuộc chiến mặt đất trên bán đảo Triều Tiên. Tây Thái Bình Dương sẽ hoàn trả các vấn đề quân sự về địa hạt hẹp của các chuyên gia quốc phòng. Nó không đơn thuần là bởi chúng ta đang đối diện với một địa hạt hải quân, nơi dân thường không hiện diện. Nó còn là bởi bản chất của chính các quốc gia ở Đông Á, trong đó có Trung Quốc.
Cuộc tranh giành ưu thế ở Tây Thái Bình Dương sẽ không nhất thiết dính líu đến chiến tranh; phần lớn những gì xảy ra sẽ diễn ra khá lặng lẽ và trong không gian biển trống, ở một nhịp độ chậm, ổn định thích nghi với ưu thế sức mạnh quân sự và kinh tế mà các quốc gia có được trong suốt lịch sử.
Đông Á là khu vực rộng lớn, trải dài gần như từ Bắc Cực tới Nam Cực - từ quần đảo Kuril tới New Zealand và đặc trưng bởi những bờ biển và quần đảo cách biệt. Biển tự nó giống như một rào cản trước hành động xâm lược, hay ít nhất ở mức độ mà đất liền không có. Biển không giống như đất liền, có thể tạo ra những biên giới xác định rõ ràng và có khả năng giảm nguy cơ xung đột.
Ở đây tính tới yếu tố tốc độ. Thậm chí những tàu chiến nhanh nhất cũng di chuyển tương đối chậm, nên sẽ gảim bớt nguy cơ hiểu nhầm và tạo thêm nhiều thời gian cho các nhà ngoại giao để xem xét lại những quyết định. Các lực lượng hải quân và không quân đơn giản không thể chiếm giữ lãnh thổ theo cách làm của bộ binh. Vì các vùng biển bao quanh Đông Á - trung tâm sản xuất toàn cầu cũng như là nơi hoạt động mua sắm quân sự ngày càng tăng - nên thế kỷ 21 sẽ là cơ hội tốt hơn so với thế kỷ 20 để tránh những cuộc xung đột quân sự lớn.
Tất nhiên, Đông Á đã chứng kiến những cuộc đối đầu quân sự lớn trong thế kỷ 20, nơi biển không thể ngăn chặn: Chiến tranh Nga - Nhật; gần một nửa thế kỷ nội chiến ở Trung Quốc với sự sụp đổ dần dần của triều đại nhà Thanh; những cuộc chinh phục của đế quốc Nhật Bản và tiếp theo là Thế chiến II ở Thái Bình Dương; Chiến tranh Triều Tiên; kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam... Thực tế là, đặc điểm địa lý của Đông Á với hàng hải là chủ yếu có rất ít ảnh hưởng tới những cuộc chiến này - với cốt lõi là những xung đột của thống nhất quốc gia hay đấu tranh giải phóng. Nhưng thời của những cuộc chiến ấy đã lùi xa. Các quân đội Đông Á, thay vì việc tập trung vào bộ binh trong nước công nghệ thấp, đang tập trung hướng ra bên ngoài với lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao.
Nếu so sánh giữa Trung Quốc ngày nay với Đức vào đêm trước Thế chiến I sẽ có nhiều điểm khập khiễng. Đức là cường quốc trên đất liền, do vị trí địa lý của châu Âu còn Trung Quốc trước hết sẽ là cường quốc hải quân, do đặc điểm địa lý của Đông Á.



Trò đố chữ ở Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục trì hoãn những nỗ lực đa phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Bài viết của nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore Barry Wain. Tác giả từng là biên tập của nhật báo Phố Wall châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc. Ảnh: Wall Street Journal


Các chính khách không tiếc lời ca ngợi và coi đó là bước đột phá ngoại giao, giới phân tích thì nhanh chóng khẳng định sự lạc quan. Nhưng trên thực tế, thoả thuận ký kết tháng trước giữa Trung Quốc và ASEAN xung quanh mối quan hệ Biển Đông lại chẳng thay đổi điều gì.
Gặp gỡ tại Bali, hai bên đã nhất trí về tám hướng dẫn thực thi Tuyên bố Hành xử của các bên ở Biển Đông thông qua năm 2002. Trong bản tuyên bố, họ cam kết giải quyết những bất đồng một cách hòa bình, nỗ lực tự kiềm chế, và không làm gì để "phức tạp hóa hay leo thang tranh chấp".
Thỏa thuận Bali có thể chỉ vì ASEAN đã từ bỏ khẳng định rằng, hướng dẫn phải được bàn thảo giữa 10 nước thành viên ở tư cách một nhóm trước khi thảo luận với Trung Quốc. Điều này về cơ bản là sự nhượng bộ vô nghĩa. Các thành viên ASEAN dù thế nào cũng tự thảo luận với nhau, thực tế là họ có bổn phận như vậy, và Trung Quốc biết điều đó. Toàn bộ thỏa thuận như một trò đố chữ làm xói mòn bất cứ tuyên bố nào cho rằng, nó là dấu hiệu của tiến triển thực sự.
ASEAN và Trung Quốc giờ đây đã trở lại gần nơi họ bắt đầu khi ký kết tuyên bố, mà bản thân tuyên bố ấy không mang lại sự thỏa mãn cho một bộ quy tắc hành xử thực sự. Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á đã lãng phí 9 năm với một kết quả không có thực tế. Họ đã lao vào một trò chơi tuyên truyền chính trị - ngoại giao hơn là nỗ lực nghiêm túc để quản lý các khả năng xung đột tại Biển Đông.
Trong nhiều năm, ASEAN đã thuyết phục Trung Quốc nhất trí về một bộ quy tắc hành xử ràng buộc chặt chẽ hơn, có thể ngăn chặn Bắc Kinh khỏi việc xây dựng những tiền đồn quân sự mới hay tiến hành các hành động khiêu khích khác trong khu vực. Một thỏa thuận như vậy có thể bao gồm những đặc điểm địa lý cụ thể, xác định hành vi cụ thể có thể bị coi là không thể chấp nhận được và bao gồm những biện pháp trừng phạt nếu vi phạm quy tắc.
Trung Quốc phản đối, nhưng như những gì đã làm từ một thập niên trước, họ nhất trí về một thỏa thuận mơ hồ. Trong khi Trung Quốc chấp nhận rằng, một bộ quy tắc hành xử là mục tiêu đáng mong muốn, thì tự họ lại làm mọi cách để ngăn chặn bộ quy tắc ấy bằng cách khẳng định trong tuyên bố rằng, bất cứ thỏa thuận nào đều cần đạt được bằng sự đồng thuận.
Bước đi tạm thời
Cả hai bên đều thúc đẩy tuyên bố, coi nó như bước tạm thời đánh dấu sự tin tưởng chính trị ở mức cao hơn giữa họ và góp phần vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông - nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc tự đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, hầu như bao trùm toàn bộ vùng biển. Trong khi đó, Đông Nam Á lại đang tận hưởng những lợi ích từ việc Trung Quốc gia tăng thương mại và đầu tư thông qua một thỏa thuận tự do thương mại ký kết năm 2002.
Tuyên bố đã minh chứng là không có hiệu quả. Mặc dù không một bên tuyên bố chủ quyền nào vi phạm các điều khoản xâm chiếm đảo đá hoặc đảo san hô không có người ở, nhưng một số bên lại áp dụng những cách thức khác để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình, và gây hấn nhất chính là Trung Quốc - với bản đồ 9 đoạn khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Sau ít năm tương đối yên bình, căng thẳng trong khu vực lại gia tăng nguy hiểm trở lại.
Trong khi đó, sứ mệnh của Nhóm làm việc chung ASEAN - Trung Quốc trong việc thực thi tuyên bố lại bị đình trệ xung quanh phản ứng của Bắc Kinh về việc ASEAN thảo luận riêng rẽ trước khi gặp gỡ với Trung Quốc. Trung Quốc khăng khăng rằng, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết song phương giữa các bên tuyên bố chủ quyền, chứ không theo con đường đa phương. Và quan chức ASEAN thì không hề nghi ngờ về việc Trung Quốc sử dụng vấn đề này để biện minh cho việc không thực thi tuyên bố.
Vào tháng 7, khi Diễn đàn Khu vực ASEAN tới gần, tất cả các bên quyết định "chiến thuật xác định lại quan điểm và làm dịu căng thẳng khi thời gian tới gần". Và ít nhất Trung Quốc đã phải thừa nhận, dù rất khôn khéo. Họ cho phép "hồ sơ tóm tắt" cuộc gặp giữa các quan chức Trung Quốc và ASEAN bao gồm cả ghi chú rằng, ASEAN có ý định tiếp tục tham vấn giữa các thành viên.
Tránh can thiệp từ Mỹ
Các nhà chiến lược thiết thực ở Đông Nam Á biết rằng, thông qua những hướng dẫn thực hiện tuyên bố hầu như không có tác dụng trong việc kiềm chế cách hành xử ngày một gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kiềm chế đích thực với Trung Quốc là việc hiện diện của Hải quân Mỹ và cần phải có một mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định.
Mỹ đã can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ ít nhất một lần. Năm ngoái, tại Diễn đàn khu vực ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong tự do hàng hải ở Biển Đông. Nói về thỏa thuận năm 2002, bà nói: "Chúng tôi khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử".
Bắc Kinh hầu như chắc chắn nhất trí các hướng dẫn vì họ muốn trấn an ASEAN sau khi các tàu Trung Quốc dính dáng tới một số sự cố ở Biển Đông, khiến cả Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Có lẽ Trung Quốc không muốn các thành viên ASEAN khuyến khích người Mỹ can thiệp lần nữa.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng, nước này sẽ bắt đầu một bộ quy tắc hành xử "ở thời gian thích hợp", nhưng quan chức Đông Nam Á vẫn hoài nghi điều đó. Họ đơn giản không tin là Bắc Kinh đã thay đổi. Thực tế là, họ cho rằng Trung Quốc lại tìm ra cái cơ khác để hoãn thực thi tuyên bố.
Trung Quốc có thể đã tìm ra một cái cớ. Theo quan chức ngoại giao Đông Nam Á, Bắc Kinh gần đây thông báo với ASEAN rằng, họ muốn xóa bỏ sự nhượng bộ nhỏ nhặt - ý định tham vấn của ASEAN - ra khỏi "hồ sơ tóm tắt". 

Mỹ triển khai tàu chiến tàng hình đến Biển Đông
Tờ Sunday Times đưa tin, Mỹ đang triển khai các tàu chiến tàng hình thế hệ mới, tốc độ cao, đến các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông.

Theo giới phân tích, đây là động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với Bắc Kinh.

Biểu tượng sức mạnh Mỹ

Các tàu chiến tàng hình mới, với giá 440 triệu USD/chiếc, sẽ được triển khai ở các tuyến đường biển giữa Hong Kong và Singapore, cũng là nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với 4 quốc gia về các khu vực giàu tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

Tàu USS Independence có khả năng "tàng hình". Ảnh: usmra

Các tàu được thiết kế để tác chiến tại các vùng nước nông. Chúng có thể mang theo ba trực thăng, các đơn vị đặc nhiệm và các xe bọc thép có thể mở đường trước, trong khi tàu chiến có thể triển khai từ phía sau.

Phiên bản mới nhất do General Dynamics xây dựng mang tên USS Independence, là loại tàu chiến đa năng thuộc hàng nhanh nhất của Hải quân Mỹ hiện nay. Tàu vỏ nhôm, có khả năng "tàng hình", hạ thủy năm ngoái, được bảo vệ bởi pháo hạm Mk 110 57mm và các tên lửa nhằm vào mục tiêu trên không, mặt đất và dưới nước.

Tuy gọi là tàu tuần duyên nhưng loại tàu này có tầm hoạt động lên tới 10.000 hải lý (19.000 km) với nhiều khả năng khác nhau từ tình báo, tấn công, đến phá mìn. Loại tàu này được cho là "hiện đại hơn bất cứ tàu Trung Quốc nào được biết đến". Các chiến hạm tàng hình của Mỹ có thể "diệt tàu ngầm, phá mìn, trinh sát, do thám và đổ bộ" cũng như thực hiện sứ mệnh triển khai quân đội.

Tuy nhiên, chi phí cho tàu tàng hình khá đắt đỏ và gây tranh cãi. Các nghị sĩ Mỹ đã phàn nàn về chi phí của nó. Một số nhà phân tích quân sự thì cho rằng, chúng có thể bị tổn thương bởi các tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng được xem là biểu tượng khả năng sức mạnh Mỹ.

Hiện diện hơn ở châu Á

Thông tin mới đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành xử cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền hàng hải, đặc biệt tại biển Hoa Đông và Biển Đông với các nước láng giềng.

Gần đây nhất, ngày 10/8, Trung Quốc đã thử nghiệm trên biển với tàu sân bay đầu tiên. Con tàu này do Trung Quốc mua từ Ukraine với lý do ban đầu đưa ra là biến nó thành một sòng bạc nổi. Việc hạ thủy tàu sân bay mang tên Varyag diễn ra trong thời gian khá nhạy cảm. Lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang tăng tốc hiện đại hóa - chi tiêu quân sự tăng trung bình hàng năm vào khoảng 15% kể từ năm 2000. Sau cả thập niên dài “ve vãn” khu vực Đông và Đông Nam Á, Bắc Kinh bắt đầu có lập trường cứng rắn và gây hấn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Tuy các quan chức Bắc Kinh khẳng định tàu sân bay này chỉ phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và huấn luyện, nhưng nhiều nhà phân tính đã hoài nghi về tuyên bố này. Andrew Erickson, nhà nghiên cứu tại đại học Chiến tranh hải quân Mỹ cho biết: "Trung Quốc đã bắt đầu ở nơi nào đó. Một cặp vợ chồng mới cưới bắt đầu ngôi nhà mới, một cường quốc đang trỗi dậy muốn bắt đầu tàu sân bay".

Gần đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Australian, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell đã cho rằng, chính sách đối ngoại của Washington cần chuyển khỏi Trung Đông và tập trung hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lời nói của ông phản ánh quan điểm trong chính quyền Tổng thống Obama là Washington quyết tâm tăng cường và mở rộng sự hiện diện ở châu Á. "Khi công du cùng Ngoại trưởng Mỹ tới châu Á, trước và sau Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), chúng tôi nhận thấy rõ ràng rằng điều mà nhiều người châu Á quan tâm là tính hiệu quả liên tục và sự liên quan của Mỹ trong khu vực", ông nói.

Mỹ ủng hộ giải pháp đa phương cho tranh chấp Biển Đông
Quốc hội Mỹ ủng hộ giải pháp đa phương và hòa bình đối với các tranh chấp trên Biển Đông - thượng nghị sĩ Jim Webb trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều 23/8 tại Hà Nội.

Ông Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đến Việt Nam - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm và làm việc tại 4 nước Đông Nam Á.

TTXVN cho hay ngày 23/8, trong lịch trình làm việc tại Hà Nội, thượng nghị sĩ Mỹ đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông cũng có buổi làm việc với Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Ảnh: TTXVN

Mỹ - đối tác chiến lược hàng đầu

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao các chuyến thăm gần đây của thượng nghị sỹ Jim Webb tới Việt Nam và cảm ơn những đóng góp tích cực của ông đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương cũng như những quan tâm của ông đối với các vấn đề hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Bộ trưởng khẳng định trong triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam tiếp tục coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược.

Ông Jim Webb mong muốn tiếp tục góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước. Ông cũng khẳng định cá nhân và Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm tới tình hình trong khu vực, khẳng định Quốc hội Mỹ ủng hộ giải pháp đa phương và hòa bình đối với các tranh chấp trên Biển Đông.

Thượng nghị sỹ cũng bày tỏ mong muốn các bên hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Tiếp ông Jim Webb, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn mong muốn trong thời gian tới, hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, nhằm tạo điều kiện để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và cùng hợp tác phát triển.

Thượng nghị sĩ Jim Webb khẳng định với vai trò, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Việt.

Trước đó, thượng nghị sĩ Jim Webb đã thăm, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ông đã có cuộc làm việc, trao đổi với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố. Hai bên đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc hàn gắn vết thương chiến tranh; cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, một số vấn đề kinh tế, xã hội hai bên cùng quan tâm và tình hình Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb vừa qua đã đệ trình Quốc hội Mỹ một dự luật liên quan đến Biển Đông.

Đây là chuyến thăm thứ hai của ông trong năm nay. Lần trước nhất ông Webb thăm Việt Nam vào tháng 4/2011.

Theo dự kiến, Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thượng nghị sĩ Mỹ hôm 24/8.

Tân Đại sứ Mỹ muốn học tiếng Việt, trải nghiệm ẩm thực VN:
Đến Hà Nội hôm 20/8, tân Đại sứ Mỹ David Shear kỳ vọng phát triển quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như bắt đầu nhiệm kỳ ở Hà Nội với việc học tiếng Việt như người tiền nhiệm của ông đã làm khá thuần thục.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lời Đại sứ Shear phát biểu khi đến Việt Nam :  “Tôi mong đợi nhiệm vụ mới của mình với tư cách là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn trong hợp tác song phương và trong khu vực những năm gần đây, và tôi hy vọng sẽ phát triển tiến bộ đó thông qua làm việc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam”.

Đại sứ Shear là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm và chuyên về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Sự nghiệp của ông tại Bộ Ngoại giao kéo dài gần 30 năm. Gần đây nhất, ông Shear giữ chức Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Tân đại sứ Mỹ David Shear
Ông cũng từng là Phó Đại sứ tại Kuala Lumpur, và đi nhiệm kỳ ở Sappora, Bắc Kinh, Tokyo và thủ đô Washington. Ông nói được tiếng Trung Quốc, Nhật Bản và đang học tiếng Việt. Đại sứ Shear cũng có chứng chỉ bậc một môn đấu kiếm Nhật Kendo.

Được Tổng thống Obama đề cử từ cuối năm 2010, sau đó lần lượt được hai viện trong Quốc hội phê chuẩn, ông David Shear đến Hà Nội thay thế Đại sứ Michael Michalak, người đã rời Việt Nam hồi tháng 2/2011 và là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thứ 5 kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.

Đại sứ mê ẩm thực Việt Nam

Xuất hiện khác với những người tiền nhiệm, ông Shear chuẩn bị cho sự có mặt tại Việt Nam với một clip ngắn gửi từ Washington đến Hà Nội. Trong đó, ông bày tỏ sự phấn khởi khi đến làm việc ở Việt Nam.

“Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam có tiềm năng vĩ đại. Chúng ta đã có quan hệ kinh tế vững mạnh và thương mại đang ngày càng tăng mỗi năm”, tân Đại sứ lạc quan.

Không chỉ dành thời gian cho tiếng Việt như một phần công việc, ông Shear chia sẻ ước muốn “tìm hiểu mọi điều về lịch sử và văn hoá Việt Nam” bằng cách “đi khắp Việt Nam và gặp gỡ mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội”.

Cùng với ưu tiên phát triển quan hệ giáo dục, Đại sứ Shear cũng muốn thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nước trong lĩnh vực văn hoá như “tìm những điểm chung về âm nhạc, nghệ thuật và thể thao”. Tự nhận là người thích thú với ẩm thực, tân Đại sứ Mỹ cũng muốn "học hỏi tất cả những gì có thể về ẩm thực Việt Nam”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?