Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Thành viên nội các Chính phủ 2011-2016

- Sáng 3-8, Chính phủ khóa mới đã nhậm chức với 27 thành viên, trong đó có 2 phó thủ tướng mới. TTO giới thiệu hình ảnh 27 thành viên Chính phủ mới.
Thủ tướng
Họ và tên khai sinh: NGUYỄN TẤN DŨNG.
Họ và tên thường gọi : Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng).
Sinh ngày: 17.11.1949.
Quê quán: TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật.
Nghề nghiệp, chức vụ: Thủ tướng Chính phủ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 10.6.1967; ngày chính thức: 10.3.1968.
Thương binh hạng 2/4.
Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; 02 Huân chương Chiến công hạng ba; 06 danh hiệu Dũng sĩ; Huân chương Chiến sĩ giải phóng  hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Hữu nghị hạng Đặc biệt của Nhà nước - Hoàng gia Campuchia; Huân chương ISALA và Huân chương Vàng quốc gia của Nhà nước CHDCND Lào.
Đại biểu Quốc hội khóa: X, XI, XII, XIII.
Ủy viên BCH T.Ư Đảng khóa: VI, VII, VIII, IX, X, XI.
Ủy viên Bộ Chính trị khóa: VIII, IX, X, XI.
 4 phó thủ tướng
1. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (52 tuổi), quê Thái Bình, trình độ thạc sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng. Tỉ lệ phiếu: 93,8%
2. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (58 tuổi), quê Trà Vinh, trình độ tiến sĩ, học hàm Giáo sư, là ủy viên Trung ương Đảng. 91,6%
3. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (57 tuổi), quê Quảng Nam, trình độ đại học, là ủy viên Bộ Chính trị.95,2%
4. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (56 tuổi), quê Nam Định, trình độ thạc sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng.81,8%
Bộ trưởng
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (62 tuổi), quê Hà Nội, trình độ đại học, là ủy viên Bộ Chính trị, cấp bậc Đại tướng (tỉ lệ phiếu bầu 97,4%
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (55 tuổi), quê Ninh Bình, trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, cấp bậc Trung tướng, là ủy viên Bộ Chính trị (tỉ lệ phiếu bầu 95%
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (52 tuổi), quê Nam Định, trình độ thạc sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu94%
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (57 tuổi), quê Trà Vinh, trình độ đại học, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 87,4%
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (58 tuổi), quê Vĩnh Phúc, trình độ tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 96,2%
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (58 tuổi), quê Hà Nội, trình độ đại học, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 87,4%
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (54 tuổi), quê Nghệ An, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 90,2%
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (58 tuổi), quê Hải Phòng, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu  91%
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (55 tuổi), quê Nam Định, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 93,6%
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng (51 tuổi), quê Nam Định, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 71,2%
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (55 tuổi), quê Vĩnh Phúc, trình độ thạc sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 92,2%
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang (58 tuổi), quê Hà Tĩnh, ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 80,8%
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (58 tuổi), quê Hà Nội, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 90,4%
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (59 tuổi), quê Bắc Giang, trình độ kỹ sư, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 63,2%
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (59 tuổi), quê Đà Nẵng, trình độ đại học, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu 81% 
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (56 tuổi), quê Thái Bình, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 92,8% 
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (56 tuổi), quê Hà Nội, trình độ Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu  74,4%
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (52 tuổi), quê Hà Tĩnh, trình độ tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu79,2%
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử (60 tuổi), quê Lào Cai, trình độ đại học, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 96%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình (50 tuổi), quê Phú Thọ, trình độ tiến sĩ khoa học, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 92%



Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (56 tuổi), quê Hậu Giang, trình độ đại học, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 91,2%
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (48 tuổi), quê Hải Dương, trình độ tiến sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng (tỉ lệ phiếu bầu 92,6%

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết độ tuổi bình quân của Chính phủ khóa trước là 56,4, còn khóa này là 56, như vậy trẻ hơn được 0,4 tuổi. Chính phủ khóa mới có hai thành viên là nữ, nhiều hơn khóa trước một người.
Trước đó, qua kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết nhiều đại biểu Quốc hội đã giới thiệu thêm 15 vị vào danh sách phê chuẩn phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Chức vụ phó thủ tướng có ba người được giới thiệu thêm là: ông Trịnh Đình Dũng (thứ trưởng Bộ Xây dựng), ông Hà Hùng Cường (bộ trưởng Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Bá Thanh (bí thư Thành ủy Đà Nẵng).
Theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan có trách nhiệm đã gặp gỡ, trao đổi với những người được giới thiệu và đều xin không tham gia vào danh sách để Quốc hội phê chuẩn.
Phê chuẩn phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh
Ngày 3-8, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh cùng các ủy viên hội đồng gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Thủ tướng là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh

Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng An ninh. Theo quy định, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Chủ tịch Hội đồng.

Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý bầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là thành viên Hội đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Tiến Dũng.
Hiến pháp năm 1992 quy định, Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Hội đồng này động viên mọi lực lượng và khả năng của nhà nước để bảo vệ tổ quốc.
Trong trường hợp có chiến tranh, Quốc hội có thể giao cho Hội đồng Quốc phòng và An ninh những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Thủ tướng: Kiên định bảo vệ chủ quyền, độc lập 
- Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội sáng nay (3/8), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ khóa mới sẽ triển khai kiên định và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Ít phút sau khi nội các mới ra mắt Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu nhậm chức nêu giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ hòa bình, hợp tác và phát triển. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự tín nhiệm của Quốc hội là vinh dự lớn, là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
Trước mắt, tập trung sức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo và người thu nhập thấp, cải thiện đời sống nhân dân, Thủ tướng nói.
Triển khai kiên định và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định mục tiêu nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hợp tác bình đẳng với các nước, là bạn và thành viên của các nước, vì độc lập và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.
“Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Đảng, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt hiệu lực hiệu quả, xây dựng nhà nước pháp quyền do dân, vì dân”, ông Dũng nói.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ sắp tới là tập trung sức xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu quả, xây dựng nhà nước pháp quyền.
“Kiên trì thực hiện đồng  bộ các giải pháp, đúng pháp luật và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục tệ quan liêu”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong sẽ nhận được sự giám sát, ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng doanh nghiệp cũng như đồng bào trong và ngoài nước.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đánh giá cao hoạt động của Chính phủ khóa 12. Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương cùng nhau xây dựng một Chính phủ đoàn kết nhất trí, phát huy tốt vai trò tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và mỗi thành viên, hành động kiên quyết và sáng tạo, hợp tác cùng nhau, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Mỗi thành viên Chính phủ luôn tâm niệm, có thành tựu như hôm nay là nhờ có dân, có Đảng, thường xuyên học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
 
THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ KHOÁ XIII
PHÁT BIỂU NHẬM CHỨC
Hà Nội, ngày 03 tháng 8  năm 2011
_________

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và các vị khách,
Thưa đồng chí, đồng bào,

Trước hết, tôi xin cám ơn Quốc hội đã bầu tôi tiếp tục đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi cũng xin thay mặt các thành viên Chính phủ trân trọng cám ơn Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các chức vụ trong Chính phủ nhiệm kỳ khoá XIII (2011 - 2016). Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, đây là vinh dự lớn đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó.
Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ nguyện trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tất cả vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng tôi luôn xem đây là trách nhiệm chính trị cao nhất và cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ nhận rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là phải tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, ra sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy thành tựu đã đạt được, nghiêm túc khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, đặc biệt là 3 khâu đột phá Chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Trước mắt phải tập trung sức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của   nhân dân.
Đồng thời triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì sự phồn vinh cho mỗi quốc gia, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó, Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tập trung sức xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; góp phần thiết thực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu.
Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ xin chân thành cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát, hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Chủ tịch nước, Quốc hội, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin báo chí, cộng đồng các doanh nghiệp và đồng chí đồng bào trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Chúng tôi luôn xem đây là nhân tố có ý nghĩa rất quyết định để Chính phủ hoàn thành trọng trách của mình.
Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp quan trọng và có hiệu quả của Chính phủ khoá XII. Trong thực thi chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ kế thừa những kinh nghiệm quý báu và truyền thống tốt đẹp của các Chính phủ tiền nhiệm. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, cùng nhau chung sức xây dựng một Chính phủ đoàn kết nhất trí, phát huy tốt nhất vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và của mỗi thành viên Chính phủ; hành động kiên quyết và sáng tạo, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi thành viên Chính phủ luôn tâm niệm rằng có được những thành quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ có dân có Đảng. Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Thưa Quốc hội,
Nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, thay mặt các thành viên Chính phủ, tôi xin phát biểu những suy nghĩ tâm huyết và cũng là những lời hứa mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện để xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Xin có lời chúc tốt đẹp nhất đến các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đồng bào và chiến sĩ cả nước. Chúc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá XIII của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cám ơn./.

Hai tân Phó Thủ tướng chia sẻ về công việc mới 
- Bên hành lang Quốc hội hôm qua (3/8), hai tân Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với báo giới về những thách thức trong công việc mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Thách thức rất lớn"
Trọng tâm công việc mà Phó Thủ tướng ưu tiên giải quyết trong nhiệm kỳ này là gì?
- Chính phủ khóa mới xác định ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để giải quyết tốt, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, cho đời sống của người dân. Đây là một nội dung rất lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nếu muốn huy động nguồn lực tốt thì phần của Nhà nước là quan trọng để định hướng đầu tư. Nhưng còn phải huy động các nguồn lực khác từ xã hội thông qua các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước, người dân tham gia đầu tư.
Thứ hai là tranh thủ nguồn vốn nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước cần trên cơ sở đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Thứ tư là phải có cơ chế thông thoáng để cho xã hội tiết kiệm thực sự, dành vốn đó để đầu tư.
Theo ông, việc xây dựng những sắc thuế trong thời gian tới sẽ được tiến hành như thế nào để làm cơ sở khi muốn thay đổi không phải sửa Luật?
- Thuế là nguồn thu của Nhà nước, nhưng thuế lại từ sản xuất, kinh doanh nên quan điểm xây dựng chính sách thuế trước hết là phải làm thế nào để có được nguồn thu nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chứ không phải thu thuế để người dân khó khăn.
Vì vậy, định hướng chiến lược thuế trong 10 năm tới là làm sao phải động viên để từng đơn vị, doanh nghiệp hay người dân đó tích lũy được vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo ra nguồn thu lâu dài, vững chắc mà trong giới tài chính thường gọi là “nuôi dưỡng nguồn thu”. Đó là chiến lược thuế lâu dài.
Nhưng công tác quản lý thu phải mở rộng đối tượng, phải làm sao chống được thất thu, đảm bảo vừa công bằng, môi trường thuận lợi, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách.
Chúng ta có nhiều báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, nghĩa là thuận lợi cũng có nhiều nhưng đúng là thách thức, khó khăn không phải nhỏ. Nó vừa có yếu tố nội tại của nền kinh tế, chúng ta không phải một sớm một chiều khắc phục nhanh được, phải có bước đi, có lộ trình, thậm chí phải có những giải pháp đồng bộ.
Chẳng hạn như muốn cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu từ sản xuất, cơ cấu từ doanh nghiệp, có rất nhiều vấn đề đặt ra. Thêm nữa, hiện nay tình hình chung của nền kinh tế thế giới không được thuận, xu hướng phục hồi chậm, lạm phát cao tỏng khi chúng ta hội nhập khá rộng nên cũng có tác động đến chúng ta. Đó là những thách thức rất lớn, chúng ta cần tập trung sức lực để vượt qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phải coi đây là lời hứa"
Trong lúc tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn thì nhiệm vụ sắp tới đây là phải tập trung kiềm chế lạm phát, giải quyết tốt an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống của người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Lê Anh Dũng
Để đáp ứng những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mỗi thành viên Chính phủ phải hiệp lực, hỗ trợ nhau trong công việc, đoàn kết thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, biện pháp đã được đề ra và coi đó là lời hứa của mình để vượt qua khó khăn hiện nay.
Việc tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự tin tưởng của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đồng tâm hiệp lực xây dựng đất nước là điều hết sức quan trọng hiện nay.
Sắp tới chống tham nhũng phải có chương trình đồng bộ với quyết tâm cao, với sự giám sát quyết liệt của nhân dân. Để chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan của chúng ta. Ưu tiên đầu là cụ thể hóa thể chế chính sách, ngoài ra phải xây dựng chế độ công chức công vụ. Thể chế tốt đến mấy mà con người không tốt thì không ổn.
Xử lý tham nhũng không chừa một ai
TT - "Tham nhũng có đường dây của nó. Tinh thần chỉ đạo và xử lý là không chừa một ai, không chừa bất cứ đối tượng nào, có chức vụ nào nhưng đúng pháp luật, tránh oan sai".
Đó là phát biểu của tân Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội chiều 3-8.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc -Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Phúc nói:
- Chính phủ nhiệm kỳ này tiếp tục cải cách bộ máy, cải cách hành chính công, tập trung nhất là cải cách công vụ làm sao để cán bộ công chức hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ công chức thực thi công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tránh nhũng nhiễu phiền hà, tiêu cực. Mình cải cách thủ tục tốt đến mấy nhưng khâu cán bộ không tốt thì chủ trương “cải cách để gần dân, phục vụ dân” cũng không có kết quả.
* Cá nhân Phó thủ tướng có cam kết gì trên cương vị mới?
- Tôi nhận thức phải cùng các thành viên Chính phủ đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, tương trợ tương đồng, sâu sát với dân, lắng nghe nguyện vọng của dân. Trước hết giải quyết những nỗi bức xúc của dân đang đặt ra đối với các cấp chính quyền. Bức xúc này rất nhiều, như vấn đề ùn tắc giao thông, tiêu cực tham nhũng, thủ tục hành chính, chất lượng công trình, đặc biệt là thái độ phục vụ dân của cơ quan công quyền. Trong khi đây đều là những bức xúc có thể giải quyết được nếu có quyết tâm.
* Ông khẳng định quyết tâm chống tham nhũng?
- Tôi cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua có kết quả bước đầu quan trọng chứ không phải không có kết quả nào. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở nhiệm kỳ này là tiếp tục chống tham nhũng. Tôi nghĩ phải có quy định cụ thể hơn, giám sát của dân tốt hơn và thông tin đại chúng tốt hơn. Tức là biện pháp đồng bộ mà trước hết là biện pháp về luật pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
* Nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi trả lời báo chí sau nhậm chức có nói rằng văn bản giấy tờ đầy đủ rồi, vấn đề là hành động?
- Nói đủ không sai nhưng luật pháp của chúng ta vẫn cần chỉnh sửa, tạo thuận lợi hơn cho công cuộc này.
* Cụ thể chỉnh sửa thế nào?
- Đầu tiên là phát huy tính phát hiện của người dân. Rồi hình thức xử lý mạnh hơn. Cũng phải rà soát các cơ quan đơn vị về tính công khai minh bạch trong việc phục vụ dân.
Hay như giám sát, tôi ví dụ đầu tư xây dựng hiện nay giám sát tốt chưa? Tôi nói chưa tốt. Tại sao có những công trình sau một thời gian rất ngắn đã hư hỏng? Phải quy trách nhiệm chứ không phải anh cứ xây xong là thôi đâu. Phải theo đến cùng những việc như thế. Cho nên cần tập trung vào một số khâu dễ xảy ra tham nhũng và có phương pháp giám sát tốt hơn để hạn chế tham nhũng. Tham nhũng có đường dây của nó. Tinh thần chỉ đạo và xử lý là không chừa một ai, không chừa bất cứ đối tượng nào, có chức vụ nào nhưng đúng pháp luật, tránh oan sai.
* Nhưng phổ biến lâu nay là “tham nhũng vặt”?
- Đúng. Đó chính là vấn đề mà ở các nước không có. Không phải tham nhũng chỉ rơi vào cán bộ ở chức vụ cao. Một nhân viên bình thường liên quan tới khâu giải quyết thủ tục cho dân cũng có thể tham nhũng. Vì thế phải công khai minh bạch như tôi đã nói.
* Ông nhấn mạnh yếu tố công khai minh bạch, nhưng có một vấn đề là tài sản của cán bộ công chức lâu nay mới dừng ở mức kê khai mà chưa công khai?
- Theo tôi thì cần công khai. Công khai tài sản cán bộ có được để dân, nhất là tại nơi cư trú, giám sát. Điều đó rất cần thiết. Chứ nếu kê khai mà đút trong tủ thì tác dụng không bao nhiêu.
* Thưa, Phó thủ tướng kê khai tài sản thế nào?
- Tôi đã kê khai (kèm lý lịch khi làm nhân sự). Quốc hội đã biết.
Tôi kê rất rõ nhà đất thế nào, ở đâu, phương tiện thế nào.

Các tân bộ trưởng nói gì?
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: Sẽ “chiến đấu” ngay với công việc
Ông Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội  - Ảnh: Việt Dũng
Khẳng định từng qua nhiều vị trí công tác, ông Đinh La Thăng nói:
"Cải cách hành chính của chúng ta cũng chỉ mới thực hiện ở những giai đoạn ban đầu, cần phải có những bước đi tiếp theo nữa để tháo gỡ các rào cản phát triển. Đây là yêu cầu tất yếu, đáp ứng đòi hỏi rất cao của doanh nghiệp và người dân"
Ông VŨ ĐỨC ĐAM (bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
- Tôi biết ghế bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là ghế nóng. Ngay bài viết của Thủ tướng mới đây cũng nêu đang có điểm nghẽn hạ tầng phải giải quyết. Tai nạn, ùn tắc giao thông rất bức bối...
* Đang quản Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), chưa từng quản lý ngành, sang làm bộ trưởng ông có xác định phải học việc từ đầu không? Những thành công ở doanh nghiệp ông có áp dụng cho cương vị mới?
- Sang ngành giao thông tôi nghĩ mình sẽ phải “chiến đấu” với công việc ngay chứ không thể nói bắt đầu học việc được. Tôi không nghĩ có thể áp văn hóa PVN vào Bộ GTVT nhưng tôi sẽ cố thúc đẩy văn hóa ngành theo hướng năng nổ, trách nhiệm, dám đương đầu khó khăn để giải quyết cho được các vấn đề xã hội bức bối. Văn hóa đó sẽ khó chấp nhận tình trạng phổ biến tai nạn, ùn tắc giao thông rồi trì trệ trong thi công, đầu tư dàn trải...
* Ở PVN ông ưu tiên lãnh đạo trẻ, điều này có thể được lặp lại? Ông có đem một êkip từ PVN sang Bộ GTVT?
- Ưu tiên phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng lãnh đạo trẻ là xu thế tất yếu của cả đất nước chứ không riêng của PVN. Với ngành GTVT cũng vậy thôi. Cán bộ trẻ hơn những người có tuổi ở chỗ họ còn nhiều khát vọng để vươn lên. Tất nhiên, nói như thế không phải cứ người có tuổi là thay hết. Tất cả phải dựa trên hiệu quả công việc. Còn êkip làm việc, tôi sẽ không đưa người nào từ PVN sang. Trước đây tôi về PVN cũng chỉ có một mình.
* Với phong cách và những dự định của ông, nhiều người dự đoán ông sẽ gặp không ít khó khăn ở cương vị mới?
- Khó khăn trong công việc, tôi làm ở PVN cũng phải nếm trải không ít. Hồi mới về, có nhiều quyết định rất khó khăn như cơ cấu lại toàn bộ bộ máy PVN, khi làm nhiều lúc tôi thấy mình như bị cô lập. Người ta còn làm thơ ca hò vè đủ kiểu bôi xấu. Nếu không quyết tâm thì nản, không dám làm. Khó khăn lúc nào cũng có nhưng nếu làm đúng, động cơ trong sáng thì rồi cũng sẽ được ủng hộ.
* Làm bộ trưởng Bộ GTVT ông sẽ phải đối mặt với bài toán Vinashin, các PMU. Ông có lo không?
- Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là chủ trương chung của Chính phủ. Kể cả doanh nghiệp đang phát triển cũng phải tái cấu trúc để phục vụ tái cấu trúc chung nền kinh tế. Tất nhiên Vinashin có khó khăn lớn hơn, khi vào việc cụ thể sẽ phải tính toán. Nhưng tôi vẫn cho rằng không chỉ Vinashin mà các doanh nghiệp trong ngành GTVT cũng cần tái cấu trúc. Tôi chưa nắm rõ cơ chế quản lý các PMU, sau này về sẽ có tìm hiểu nhưng mục tiêu công khai hóa là phải làm. Không có lý do gì anh làm tốt mà không dám công khai cả.
* Với cương vị bộ trưởng, ông sẽ ưu tiên những việc gì?
- Để thực hiện ba nhiệm vụ đột phá mà Thủ tướng nêu, tôi cho rằng cần tư duy đột phá để phát triển ngành giao thông. Phải đổi mới cơ chế để thực hiện được nhiệm vụ, nhất là cơ chế huy động nguồn lực. Nếu cứ trông vào ngân sách thì không bao giờ làm nhanh theo yêu cầu của xã hội được. Ưu tiên nữa là phải làm các cụm cảng biển để VN có cảng trung chuyển quốc tế. Không lẽ gì VN có lợi thế hàng ngàn kilômet bờ biển mà lại thua quá xa Singapore. Tiếp đến là ưu tiên giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc, ngập... vì đây là những vấn đề rất bức bối bao năm nay. Cũng phải chấm dứt ngay tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài gây bức xúc cho dân.
* Cách đây bốn năm chúng tôi có hỏi một bộ trưởng thì vị ấy khẳng định sẽ là bộ trưởng hành động. Ông có cam kết gì không?
- Các bộ trưởng nói khi bắt đầu nhiệm kỳ tôi tin đó là dự định, quyết tâm của họ. Nhưng đúng là phải nhảy vào việc mới thấy được việc như thế nào. Muốn nói gì cũng phải vào cuộc đã. Tôi bây giờ chỉ biết nói rằng đã nhập vai thì sẽ cố nhập vai thật tốt. Tôi là người không ngại khó khăn và sẵn sàng đương đầu với điều mà nhiều người ngại, miễn là việc đó có lợi cho đất nước. Có thể xem các nghị quyết của PVN, nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ, tôi vẫn yêu cầu làm, nghị quyết nêu rõ nếu có vấn đề gì thì một mình ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm cá nhân. Nên tôi hứa không chùn bước trước khó khăn và sẽ không thỏa hiệp.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu (trái) chúc mừng tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình chiều 3-8 - Ảnh: ĐỨC KHANH.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Phải có biện pháp tốt nhất bảo vệ chủ quyền
Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc, trách nhiệm của đối ngoại là làm sao có những biện pháp tốt nhất đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước, làm sao duy trì được hòa bình, duy trì được quan hệ tốt với các nước. Và đặc biệt trong giải quyết vấn đề biển Đông chúng ta thừa nhận có những tranh chấp và chủ trương là giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển cũng như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử về biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC).
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN: Ưu tiên hàng đầu của tôi là việc làm
Ưu tiên hàng đầu của tôi là vấn đề việc làm, vấn đề đời sống của người lao động và cả những vấn đề về đối tượng chính sách mà cử tri quan tâm. Với trách nhiệm bộ trưởng đương nhiên tôi quan tâm đến những việc đó.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giá dịch vụ y tế hiện nay đã quá lỗi thời
Ngành y tế sẽ phải nỗ lực trong thời gian tới để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay như quá tải bệnh viện. Việc này một mình ngành y tế nỗ lực không được. Chính quyền các cấp cũng phải lo cho dân. Đầu tư của Nhà nước có tăng nhưng còn hạn chế. Người dân thì thu nhập thấp nên phải có thời gian mới đáp ứng được.
Lộ trình cụ thể giảm tải thì chúng tôi đang trong quá trình thực hiện, còn nhiều vấn đề về đất đai, vốn phải giải quyết. Bộ Y tế rất muốn giảm tải nhưng không có đầu vào để đầu tư. Chúng tôi đang trình Chính phủ nghị định về thay đổi giá dịch vụ để có nguồn lực thay đổi chất lượng dịch vụ, giảm tải. Nhưng cái này từng bị phản đối. Người dân cần hiểu hầu hết giá dịch vụ sẽ tăng thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả. Vì vậy, cần tính đúng tính đủ, hiện nay tính chưa đủ nên chất lượng thấp. Cần thay đổi tư duy, giá dịch vụ y tế hiện nay đã quá lỗi thời, nên cần chấp nhận giá mới để nâng cao chất lượng y tế.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Giúp người dân tiếp cận nhà ở tốt hơn
Tôi sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường quản lý đô thị tránh phát triển thiếu bền vững, tự phát, theo phong trào và tiếp đến là phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Nhà ở xã hội có thể nội thất tiền nào của ấy nhưng phải đảm bảo an toàn, phòng chống được thiên tai, hạ tầng xung quanh phải đảm bảo cho sinh hoạt cộng đồng tối thiểu.
Giá cả nhiều loại nhà cũng đang vượt khỏi khả năng thanh toán của người dân. Vì vậy, quan điểm của tôi là dùng công cụ thị trường nhưng mục tiêu phải đáp ứng tốt hơn cho cuộc sống người dân, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh: Thay đổi quan điểm trong đầu tư
Một vấn đề rất lớn đang đặt ra là nâng cao hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Ngân sách của chúng ta có hạn trong khi nhu cầu phát triển của đất nước rất lớn nên phải thay đổi quan điểm trong đầu tư. Đó là Nhà nước phải tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để khuyến khích các nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp, trong các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển. Vốn Nhà nước chỉ tập trung cho các vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của đất nước. Cụ thể là phải tạo ra những cơ chế để thu hút các nguồn lực khác và vốn nhà nước là một dạng tiền đề, điều kiện xúc tác để phát triển các nguồn lực khác. Cơ chế chính sách trong đầu tư tới đây phải theo hướng khơi dậy được những nguồn lực to lớn trên.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Tránh cám dỗ để trong sạch
Mặc dù chưa trực tiếp làm công tác thanh tra nhưng với kinh nghiệm từng lãnh đạo công tác thanh tra, tôi nhận thức rõ thanh tra được xác định là “bạn của dưới, tai mắt của trên”, nếu làm thanh tra tốt sẽ giúp cho sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát với yêu cầu của thực tế cuộc sống. Hiện tôi chưa nhận nhiệm vụ nên chưa biết mức độ (sự cám dỗ trong công việc - PV) như thế nào, nếu có thì mình tránh và giáo dục lực lượng trong ngành phải trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong giai đoạn tới.

- Ngày 3-8, sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Bộ Công an, ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.
Bộ trưởng Bộ Công an, Trần Đại Quang - Ảnh: Minh Quang
+ Đối với công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, ông sẽ chỉ đạo lực lượng CAND thực hiện những nhiệm vụ gì, nhất là giảm phiền hà cho nhân dân về thủ tục hành chính?
- Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Về quản lý nhà nước về an ninh - trật tự phải thực hiện tốt nhiều mặt công tác. Cụ thể là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy, công tác quản lý cư trú theo quy định của pháp luật.
Về trật tự giao thông phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Đối với vấn đề thủ tục hành chính, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp trong CAND, thực hiện hiệu quả Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính theo hướng giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, kiến nghị sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những văn bản không phù hợp, bổ sung những văn bản còn thiếu.
Nghiên cứu cải tiến qui trình đảm bảo công khai minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.
+ Đối với việc đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng CAND sẽ thực hiện các nhiệm vụ gì?
Chú trọng tới tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xuất nhập khẩu, trong các dự án trọng điểm, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường và tội phạm ma túy.
- Bộ trưởng Trần Đại Quang: Với công tác này, lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Cụ thể, phải tập trung đấu tranh trấn áp các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” gây án nghiêm trọng, tội phạm xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó phải chú trọng tới tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xuất nhập khẩu, trong các dự án trọng điểm, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường và tội phạm ma túy. Để thực hiện có hiệu quả, lực lượng công an phải kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho lực lượng điều tra viên các cấp, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của điều tra viên trong quá trình thực thi pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt đối tượng phạm tội.
Ngoài ra, cần đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát triển nhân rộng các hình thức cam kết, giao ước thi đua, xây dựng gia đình, địa bàn dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh - trật tự và không có ma túy. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể... trong quá trình vận động quần chúng tham gia phong trào.
+ Một trong các nhiệm vụ quan trọng của lực lượng công an là bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ Công an sẽ chú trọng thực hiện như thế nào?
Mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đấu tranh phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.
- Bộ trưởng Trần Đại Quang: Bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, lực lượng công an tiếp tục củng cố mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng công an với lực lượng quân đội nhân dân và các ban, ngành, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đấu tranh phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm. Phát triển quan hệ đối ngoại an ninh gắn với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với ngoại giao an ninh - quốc phòng.
Lực lượng công an sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, nhất là các nước láng giềng trong đấu tranh, ngăn chặn ý đồ phá hoại của các đối tượng phản động; phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới, biển đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích chung và của mỗi quốc gia trong khu vực.

Trao trọng trách về tiền tệ cho Thống đốc mới

Tại lễ bàn giao, ông Nguyễn Văn Giàu - nguyên Thống đốc được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cho rằng, toàn ngành ngân hàng đã cùng nhau đoàn kết vượt qua cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn của kinh tế đất nước. Chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm trong một nhiệm kỳ điều hành việc tại ngân hàng Nhà nước.

Ông Giàu cũng chúc mừng Tân Thống Đốc Nguyễn Văn Bình sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền ngân hàng ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Phát biểu tại buổi bàn giao, Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Thống đốc NHNN cho biết, sẽ nỗ lực cùng toàn ngành góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Bình cho rằng, trong cương vị mới cung như kinh nghiệm của mình, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục nhận được những chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Giàu để hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển.

Cái bắt tay giữa nguyên Thống đốc NHNN, nay là chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH và người kế nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Giàu, đã trải qua một nhiệm kỳ được đánh giá có nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những biến động lớn của nền kinh tế từ những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn của kinh tế trong nước mà nhất là lạm phát liên tục ở mức cao. Hoạt động ngành ngân hàng mở rộng trong giai đoạn hội nhập có nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn.
Trong công việc điều hành, ông Giàu không chỉ biết đến là người khá căn cơ khi thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ để chống khủng hoảng và lạm phát trong các năm 2008 và 2011; đối phó với các biến động của ngoại hối và vàng mà còn được biết đến là người kiên quyết trong việc thực hiện các kỷ luật để chấn chỉnh hoạt động ngân hàng.
Ông Giàu cũng là người tham gia đề xuất và thực hiện gói hỗ trợ kinh tế năm 2009 và hoàn thiện chính sách tín dụng một cách hoàn chỉnh cho nông nghiệp và thôn. Trong giai đoạn điều hành, ông Giàu đã tạm thời dừng việc thành lập các ngân hàng mới vốn đang là một xu thế trước đó.
Ông Nguyễn Văn Bình nhiệm kỳ trước là Phó Thống đốc, đã cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các chính sách tiền tệ một cách sát sao nhất là trên lĩnh vực khá nóng mà ông từng phụ trách là ngoại hối. Với lợi thế này, ông Bình được cho là có nhiều thuận lợi để thực hiện công việc trên cương vị mới. Trong đó, nhiệm vụ thực hiện chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là là yêu cầu cao nhất.
 
'Phải cho tôi toàn quyền như tướng ra trận'

- "Là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được. Chứ lại cứ ra vào để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho em bắn không, sau bảo không được thì chậm mất, lỡ cơ hội", tân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng trao đổi với báo giới bên hành lang nghị trường sáng (3/8).

Chưa đủ điều kiện làm đường sắt cao tốc
Tân Bộ trưởng sẽ ưu tiên giải quyết những việc gì trong nhiệm kỳ mới?
- Ưu tiên chính vẫn là hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và xây dựng hạ tầng giao thông. Tiếp đó là nâng cao tính hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước, cụ thể là người thực thi công vụ phải nghiêm.

Tân Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông đã đệ trình dự án đường sắt cao tốc để Quốc hội xem xét nhưng dự án chưa được chấp thuận. Vậy ngồi vào ghế Bộ trưởng, ông có tiếp tục theo đuổi dự án này? 
- Đường sắt cao tốc là một phương thức vận tải hiện đại, tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều. Chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2020 trở thành  nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mà một nước hiện đại cần phải có các loại phương tiện giao thông hiện đại. Đến lúc có đủ điều kiện chúng ta sẽ đầu tư. Giờ phải tập trung nâng cao chất lượng của phương tiện vải giao thông trước đã.
Vậy cụ thể là trong nhiệm kỳ này ông có dự kiến lại đề nghị Quốc hội thông qua dự án xây dựng đường sắt cao tốc?
- Khi đất nước ta phát triển nhanh đến độ mà trong 5 năm tới trở thành một nước phát triển thì cần thiết lắm chứ. Còn nếu chưa được như vậy thì ta cần tính vào một thời điểm khác thích hợp hơn.
Thủ tướng nói rồi, trước hết tập trung ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Thứ hai là nâng cao đường sắt hiện có, sau đó cân đối phát triển đồng bộ các loại quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn với điều kiện vốn đầu tư của mình. Thứ ba, phát triển hài hòa các phương tiện vận tải giữa đường sắt, đường bộ, đường hàng không.
Còn trong bối cảnh hiện nay thì đúng là chúng ta chưa đủ điều kiện cần thiết để làm đường sắt cao tốc.
Hiện  nay trong các khối doanh nghiệp của Bộ GTVT quản lý có 2 đơn vị rất khó khăn là Vinalines và Vinashin. Ông sẽ giải quyết các vấn đề khó khăn trong hai doanh nghiệp này thế nào?
- Thực ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế như vậy thì có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và VN đều khó khăn.
Tuy nhiên doanh nghiệp của giao thông có thể khó khăn hơn nhất là trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 11 đang phải cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ.
Nhưng tôi nghĩ các doanh nghiệp của ngành cũng có thế mạnh là kinh nghiệm, khả năng chịu thương chịu khó rất lớn. Giờ chúng ta cần tập trung cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp này, nhất là thực hiện việc cổ phần hoá. Làm sao nâng cao vốn chủ sở hữu, vốn DN để đủ khả năng cạnh tranh, khả năng tham gia đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng giao thông.
Trước mắt là cơ cấu lại, tháo gỡ khó khăn,  cổ phần hóa…
Ngành gthông cũng giống như các ngành khác, phải tái cấu trúc lại các doanh nghiệp của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực trong sản xuất để đảm bảo sức cạnh tranh thì mới trụ được. Vì vậy, ưu tiên số một vẫn là cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước của ngành giao thông để huy động các nguồn lực vào tham gia cùng đầu tư vào các doanh nghiệp..
Xây dựng hạ tầng tốn kém rất nhiều vốn liếng. Vậy bộ trưởng có giải pháp gì đề huy động được tài chính?
- Phải xây dựng được đột phá để khuyến khích phát triển giao thông sau đó có cơ chế để huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia: tư nhân, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư nước ngoài. Vì nếu chỉ trông chờ ngân sách rõ ràng không giải quyết được.
Hiện các mô hình PPP, BT, BOT đó là những mô hình đầu tư rất tốt mà trên thế giới giờ người ta đều áp dụng nhưng ở Việt Nam còn chưa hấp dẫn nên sắp tới sẽ phải làm cho nó hấp dẫn lên. Như một cô gái muốn đẹp hơn, thu hút hơn thì phải ăn mặc thời trang hơn, son phấn trang điểm cho thu hút hơn.
Và quan trọng trước hết phải có đồng vốn đã rồi mới tính tới dùng đồng vốn đó cho hiệu quả. Đương nhiên là phải đưa các giải pháp để trong điều kiện đồng vốn có hạn thì sử dụng có hiệu quả hơn, tập trung hơn, trọng tâm hơn, để phát huy một cách tốt nhất hiệu quả.
Phải nhảy vào mới biết
Chyển từ quản lý tập đoàn sang làm bộ trưởng, ông thấy có những khó khăn và thuận lợi gì không?
- Vì tôi chưa làm ở bộ bao giờ nên chưa biết khó khăn thuận lợi ra sao. Phải làm đã.
Như Archimède để nói được chữ eureka thì phải nhảy vào bồn nước. Nước tràn ra ngoài rồi mới nghĩ ra bài toán để tính thể tích của chiếc vương miện. Phải nhảy vào đấy đã thì mới biết được.


Ảnh: Lê Anh Dũng
Vậy giả sử cho ông một điểm tựa thì điểm tựa mà ông chọn là gì?

- Trước hết đó phải là lòng tin của Đảng và người dân đối với tôi và ngành giao thông. Thứ 2, có  một cơ chế đột phá để cho tôi làm việc đó. Thứ 3, là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được. Chứ lại cứ ra vào để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho em bắn không, sau bảo không được thì chậm mất, lỡ cơ hội.
Tai nạn, ùn tắc... đều là những bức xúc xã hội. Vậy ông có nghĩ chiếc ghế Bộ trưởng giao thông nhiệm kỳ này là ghế nóng?
- Tôi thì chưa nghĩ đến như vậy vì  tôi chưa ngồi ghế ấy bao giờ.
Số vốn đầu tư cho giao thông trong 5 năm nữa dự kiến cần 150 tỷ USD, rõ ràng rất khó. Đó là gánh nặng rất lớn với ông?
- Bộ trưởng nào giờ cũng nặng gánh hết chứ không chỉ là bộ trưởng giao thông. Nhất là trong giai đoạn đất nước ta đang tăng tốc phát triển 2011-2020, chỗ nào cũng nặng. với số vốn như vậy. Cần có cơ chế đột phá trong việc huy động tất cả các nguồn lực, toàn dân để đầu tư hạ tầng.
Kinh nghiệm nào từ người tiền nhiệm Hồ Nghĩa Dũng mà ông có thể áp dụng được cho mình?
- Nói chung tôi sẽ kế thừa tất cả kinh nghiệm của ngành giao thông cũng như các đời Bộ trưởng những thời kỳ trước.
Ông có gợi ý gì cho việc giải quyết ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn?
- Tôi chưa có gợi ý gì, nhưng bộ giao thông có trách nhiệm cùng với các thành phố lớn để giải quyết ùn tắc. Điều quan trọng trước mắt vẫn là phát triển hài hòa các phương tiện vận tải trong thành phố, đặc biệt là các phương tiện công cộng.
Người tham gia giao thông quyết định là có tai nạn hay không có tai nạn. Họ phải xác định được tai nạn giao thông không phải là trên trời, không phải là việc của lãnh đạo ngành giao thông mà là việc gắn với chính mình thì ý thức về tham gia giao thông sẽ khác.
Cần phải kiểm soát lái xe, không uống rượu, uống bia... Tóm lại cần nhiều giải pháp.
Bộ trưởng tiền nhiệm là ông Hồ Nghĩa Dũng rất thành công trong việc xây dựng cho người dân ý thức  đội mũ bảo hiểm Là một người làm doanh nghiệp chuyên sang ngạch mới, ông thấy có  những áp lực nào khi mà rất nhiều người dân kỳ vọng vào ông?
- Đúng như vậy nhưng làm việc thì áp lực lớn phải trở thành động lực. Với cấp dưới của tôi, tôi luôn tạo áp lực cho họ làm việc để họ biến áp lực đó thành động lực phấn đấu làm việc.
Làm việc mà không có động lực phấn đấu, chỉ hoàn thành thôi thì chả có gì là sung sướng cả. Công việc đầy khó khăn, thử thách thì khi hoàn thành mới vẻ vang.


Tân Bộ trưởng Ngoại giao:
'Đối ngoại phải đóng góp giữ chủ quyền dân tộc' 
- "Trách nhiệm của đối ngoại là phải làm sao đóng góp giữ chủ quyền dân tộc. Phải duy trì hòa bình, duy trì quan hệ tốt với các nước" - tân Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi nhanh với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (3/8), ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông Phạm Gia Khiêm.

Ông Phạm Bình Minh là nhà ngoại giao kỳ cựu với 30 năm kinh nghiệm trong ngành. Nối nghiệp cha - cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ tướng), cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - ông Minh vào Bộ Ngoại giao từ vị trí chuyên viên Vụ Đào tạo.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao là nhà ngoại giao kỳ cựu với 30 năm kinh nghiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cho đến nay, ông đã trải qua nhiều vị trí như tùy viên, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Các tổ chức quốc tế, Đại sứ, Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (1991-1999), trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 9/2006), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao (11/2007). Tân Bộ trưởng Ngoại giao sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay Việt Nam sẽ chú trọng tăng cường hợp tác phát triển quan hệ quốc tế, nhất là các nước có vị trí quan trọng.
"Chúng ta chủ động tham gia quốc tế thì phải xử lý các vấn đề không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà phải đảm bảo lợi ích một cách hài hòa, đảm bảo lợi ích của đất nước một cách tốt nhất", ông nói.
Đại hội Đảng 11 vừa qua khẳng định rõ nhiệm vụ của công tác đối ngoại là "giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Đồng thời khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, tân Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh: "Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc. Trách nhiệm của đối ngoại phải làm sao đóng góp giữ chủ quyền dân tộc. Trách nhiệm là phải duy trì hòa bình, duy trì quan hệ tốt với các nước. Trong giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta thừa nhận là có những tranh chấp, phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước quốc tế về luật biển cũng như tuyên bố các bên về Biển Đông, tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử và quan trọng nhất là đảm bảo tính chủ quyền". 

Bộ trưởng Xây dựng: Đánh giá lại nhu cầu nhà ở- Bên hành lang nghị trường, tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với báo giới về chủ trương đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã  hội, lý giải nguyên nhân nóng lạnh của thị trường bất động sản.
Tập trung xây nhà ở xã hội
Trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề gì?
- Nhiệm kỳ tới đặt ra rất nhiều thách thức cần vượt qua đối với ngành xây dựng.
Đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai và các nguồn lực khác như vốn đầu tư, nguồn nhân lực. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Hạn chế thất thoát, lãng phí.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Hai là phải tập trung vào quá trình quản lý đô thị để đô thị thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế và trở thành hạt nhân để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả nước.
Thứ ba là phải tập trung để phát triển nhà ở, đặc biệt quan tâm nhà ở xã hội, nhà ở cho những người chưa đủ điều kiện để mua nhà do giá quá cao.
Hiện tại đại bộ phận người dân đô thị rất khó tiếp cận nhà ở xã hội. Vậy tân Bộ trưởng có giải pháp trong thời gian tới?
- Chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào, phải theo lộ trình dài hạn, trung hạn và phù hợp với các đối tượng sử dụng khác nhau.
Phát triển nhà ở xã hội được xem là một trọng tâm.
Chính phủ cũng có nhiều chính sách như hỗ trợ tiền sử dụng đất, các hỗ trợ khác như lãi suất cho vay nhưng phải cụ thể hóa bằng các chương trình cụ thể. Điều này cần sự nỗ lực cao của các bộ nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn.
Việc xây nhà ở xã hội vừa qua còn bị nhiều đối tượng lợi dụng dẫn đến tình trạng những người giàu vẫn có suất nhà ở xã hội. Bộ trưởng nghĩ sao về hiện tượng này và sắp tới liệu có giải pháp gì khắc phục?
- Chúng ta đang có hai loại thị trường nhà ở. Một là hàng hóa do thị trường điều tiết, chủ yếu là nhà cao cấp dành cho những người có thu nhập cao. Hai là nhà ở phi hàng hóa, tức là có thị trường, có nhu cầu nhưng không tuân theo quy luật của thị trường. Với loại hình này, chủ yếu Nhà nước phải can thiệp vào để cơ cấu nhà ở loại này tăng lên, nhiều thêm nữa để đáp ứng nhu cầu của đại đa số dân chúng.
Lâu nay vẫn có quan niệm chất lượng công trình nhà ở xã hội chưa cao, nhanh xuống cấp. Vậy sắp tới Bộ trưởng sẽ quan tâm chỉ đạo như thế nào để người dân yên tâm với chất lượng nhà ở xã hội?
- Tất nhiên chất lượng công trình lúc nào cũng phải được quan tâm. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Xây dựng nhiệm kỳ này là phải quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình nhà ở.
"Các nhà đầu tư đều phải bỏ tiền"
Thị trường bất động sản nhiều năm qua biến động rất khó lường, lúc nóng lúc lạnh. Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đưa thị trường bất động sản trở về với giá trị thực?
- Hiện chưa có đánh giá chính xác xem thị trường bất động sản cụ thể thế nào, nhưng rõ ràng với tình trạng trầm lắng như hiện nay thì phải quan tâm nhiều hơn.
Bởi vì trầm lắng như thế là thực tế giữa cung và cầu có vấn đề. Có những loại nhà được xây dựng quá nhiều thị trường không cần đến, cũng không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Nhưng lại có những loại nhà đang quá thiếu.

Tân Bộ trưởng trong vòng vây báo chí tại hành lang Quốc hội sáng 3/8

Sắp tới Bộ có đề xuất xây dựng tiêu chí nào để khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu như ông nói để đưa thị trường trở lại cân bằng?
- Bộ Xây dựng sẽ cùng các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải rà soát lại, đánh giá được nhu cầu nhà ở căn cứ vào quy hoạch của từng giai đoạn, xem dân số tăng bao nhiêu và bao nhiêu nhà ở là vừa.
Rồi từ đó xác định nhu cầu đất là bao nhiêu, cần bao nhiêu dự án.
Tất cả những việc quy hoạch này đều thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thế nào để can thiệp, điều tiết cân bằng cung - cầu về nhà ở.
Rõ ràng việc thị trường đang trầm lắng có nguyên nhân là giá cả không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Nhu cầu giảm, tức nguồn cung cũng phải hạ, giá phải giảm.
Vậy tại sao không để cho thị trường về hẳn giá trị thực như một sự điều chỉnh tự nhiên, đâu cần đề xuất giải cứu, thưa ông? Việc giải cứu là vì lợi ích của ai?
- Nếu tất cả đều là tự nhiên không ảnh hưởng gì đến ai thì không phải bàn, nhưng mọi chuyện lại không phải hoàn toàn tự nhiên như thế.
Các nhà đầu tư đều phải bỏ tiền ra và đây cũng là sản phẩm của xã hội, tài sản của xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ để nó phát triển hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Thứ nhất là lợi ích của toàn dân. Sau đó là lợi ích của nhà đầu tư. Nhưng lợi ích đặc biệt nhất là lợi ích của dân, người tiêu dùng.
- Với cương vị Bộ trưởng Xây dựng, ông sẽ ưu tiên vào những việc gì trong nhiệm kỳ tới?
- Có nhiều việc phải làm, nhưng có 3 nhiệm vụ trọng tâm mà tôi phải tập trung. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng nhằm sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên đất đai, vốn đầu tư xây dựng và nguồn nhân lực trong quá trình đầu tư xây dựng. Với trách nhiệm được giao, Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng để trực tiếp hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội trong việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng.
Thứ hai, tập trung nhiều hơn đến lĩnh vực phát triển đô thị. Thứ ba, chú trọng vào lĩnh vực phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân thuộc mọi đối tượng, chú trọng hướng tới các đối tượng ít có điều kiện tiếp cận với nhà ở giá cao.
"Tôi sẽ chú trọng vào lĩnh vực phát triển nhà ở". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Bộ trưởng sẽ nói gì với những công chức, viên chức đang mong muốn sở hữu nhà tại đô thị?
- Thị trường nhà ở nước ta cũng như nhiều nước khu vực và thế giới có thể phân thành 2 loại chính. Thứ nhất, loại nhà ở hàng hóa do thị trường điều tiết chủ yếu đáp ứng cho những người có thu nhập cao, đủ khả năng mua nhà theo yêu cầu. Loại này chủ yếu do thị trường điều tiết. Thứ hai là nhà ở phi hàng hóa. Loại này phục vụ những người không đủ khả năng mua nhà theo giá thị trường hoặc thuê nhà giá cao. Có thể hiểu đây là nhà ở xã hội. Loại này phải có sự can thiệp của Nhà nước với cơ cấu đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng .
Cả hai loại thị trường nhà ở nêu trên hiện đang tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên cơ cấu còn bất hợp lý. Như nhà ở thị trường hàng hóa hay nói cách khác nhà ở thương mại với những căn hộ cao cấp thì quá nhiều còn nhà ở giá rẻ, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp lại quá ít và quá thiếu.
Thời gian tới chúng ta cần phát triển mạnh nhà ở xã hội. Đây là các loại nhà dành cho những người không có điều kiện tiếp cận với nhà ở thị trường hàng hóa, trong đó có đội ngũ công chức, viên chức, người nghèo ở đô thị, công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người không có thu nhập. Trong loại nhà ở xã hội này sẽ phân ra nhiều nhóm, gồm căn hộ chung cư bán giá rẻ, căn hộ cho thuê và trả góp giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ và nhà cho những người không có tiền để thuê (như người tàn tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người mất sức lao động không có thu nhập…). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập trung bình là những đối tượng có thể mua hoặc thuê nhà giá rẻ.
- Vậy làm thế nào để phát triển loại nhà ở xã hội như Bộ trưởng đã nói khi mà ngân sách của nhà nước có hạn?
- Để làm được loại nhà này thì yêu cầu quyết tâm rất cao của Bộ Xây dựng, các Bộ ngành có liên quan và đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…cùng các địa phương phải vào cuộc. Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan phải tập trung để đề xuất các chính sách tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội; xây dựng các chương trình phát triển nhà ở quốc gia trong đó có kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về phát triển nhà ở. Các địa phương cần dành nguồn lực thích đáng cho các chương trình này.
Nhà nước giao cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở xã hội, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ để thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao khi các doanh nghiệp khác không thực hiện được đủ quỹ nhà theo mục tiêu đề ra.
- Người Việt Nam có tâm lý sở hữu nhà để có truyền lại cho con cháu, các nhà đầu tư cũng có xu hướng mua bán nhanh để thu hồi vốn. Ông nói gì về tính khả thi của mô hình nhà thuê, thuê mua có thời hạn?
- Đúng là người dân phần đông có tâm lý sở hữu nhà ở lâu dài. Nhưng hiện nay không ít người có nhu cầu thuê, mua nhà có thời hạn vì hiện nay nhiều người đang thuê nhà của người dân trong đô thị và nếu được thuê một căn hộ chung cư khang trang giá rẻ, lâu dài, mang tính độc lập thì tốt hơn nhiều khi thuê nhà trọ hoặc thuê ở cùng với người dân.
Trên thị trường sẽ tồn tại cả loại nhà chung cư sở hữu lâu dài nhưng giá cao và nhà chung cư sở hữu có thời hạn nhưng giá rẻ. Người dân được quyền lựa chọn loại nhà phù hợp với yêu cầu và khả năng của họ. Điều tôi muốn nói ở đây là cố gắng để người dân làm quen với việc thuê căn hộ để ở hoặc mua căn hộ chung cư có thời hạn. Việc bán nhà có thời hạn phù hợp với tuổi thọ của nhà sẽ thuận lợi trong việc xây dựng lại những nhà chung cư khi hết hạn sử dụng.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng từng là Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Hiện, các vị trí trung tâm ở Hà Nội chủ yếu dành cho chung cư cao cấp còn nhà ở xã hội thường ở ngoại thành với dịch vụ hạ tầng và giao thông thấp kém. Ông nói gì về thực tế này?
- Đúng là có vấn đề như vậy. Những khu vực có giá trị cao thì nhà nước cần đấu giá hoặc thu tiền sử dụng đất với giá cao để tạo nguồn cho ngân sách và dành để đầu tư vào quỹ nhà ở xã hội. Đối với các khu vực ở xa trung tâm, nếu chúng ta xây dựng được những khu chung cư với đầy đủ các dịch vụ với giá cả hợp lý thì vẫn hấp dẫn được người dân. Nhà nước cần tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống giao thông công cộng để kết nối với các khu vực trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và làm việc. Mức độ đầy đủ và chất lượng của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng là những yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của nhà ở xã hội.
Vừa qua, nhiều thành phố lớn đã tập trung vào việc xây dựng quỹ nhà ở xã hội nhưng tôi cho rằng cần tiếp tục tăng quỹ nhà thông qua các biện pháp như giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất...
- Trước khi về Bộ Xây dựng, ông từng là Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, những ý tưởng phát triển nhà ở trên đã được ông thực hiện ở địa phương như thế nào?
- Trên thực tế, Vĩnh Phúc cũng đã phát triển nhà ở xã hội do Công ty Vinaconex Xuân Mai thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều người dân muốn mua nhà kiểu này và cung hiện chưa đủ cầu, đang phải làm tiếp. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng việc phát triển đô thị theo quy hoạch, nên dù chỉ là đô thị nhỏ như thành phố Vĩnh Yên cũng đã hướng tới việc phát triển thành đô thị loại 1 trong tương lai

Tân Tổng Thanh tra Chính phủ: Có cám dỗ, tôi sẽ tránh 
- "Nếu có cám dỗ, tôi sẽ tránh và giáo dục lực lượng công chức trong bộ máy của mình là phải trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn", tân Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay (3/8).



Ông đã từng kinh qua những vị trí công việc gì trước khi ngồi ghế Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ này?
- Trước đây tôi đã từng làm Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, rồi sau đó làm Phó Chủ tịch tỉnh. Có thời gian tôi đã làm Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và sau đó làm Bí thư Lâm Đồng 4 năm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tôi rất vinh dự được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương giới thiệu và Quốc hội bầu vào vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ. Đây là một vinh dự lớn lao và cũng là một trách nhiệm nặng nề. 
Công việc sắp tới mang tính chất tổng hợp, nóng với nhiều lĩnh vực và phức tạp
Nhưng tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết của ngành thanh tra, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ  thì̀ công việc sẽ đạt kết quả. Hơn nữa, với kinh nghiệm, sự phấn đấu của bản thân, tôi sẽ phấn đấu hoàn thành tốt công việc. 

Trong quá trình phấn đấu vừa qua tôi đã trải qua nhiều công việc, nhiều khó khăn, gian nan, thử thách nhưng cũng đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để khi đảm nhận trọng trách mới sẽ phục vụ đất nước, nhân dân tốt hơn.
Tâm huyết của tôi là làm thế nào xây dựng ngành vững mạnh.
Làm thanh tra có người hình dung giống như một công việc đi vào soi mói chỗ này, chỗ kia. Điều đó có làm ông thấy e ngại?
- Trước kia tôi chưa từng làm công tác thanh tra, nhưng cũng có thể nói là đã lãnh đạo công tác thanh tra.
Người làm công tác thanh tra có thể nói là bạn của dưới, là tai mắt của trên. Nếu làm tốt công việc thì thanh tra có thể giúp cho các cấp lãnh đạo trong công tác điều hành và giúp cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát thực tế hơn, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Vậy ông có thấy phải chịu á́p lực gì không?
- Tôi chưa hình dung ra công việc sẽ như thế nào. Vấn đề áp lực cũng không đặt ra. Trước mắt, tôi sẽ nhanh chóng nắm bắt tình hình để tìm hiểu các vấn đề đặt ra.
Ông Huỳnh Phong Tranh trao đổi với báo chí về công việc mới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Như ông hình dung khi bắt đầu nhận nhiệm vụ mới thì làm Tổng Thanh tra có gì khó khăn và thách thức?
- Tôi mới bắt đầu được giới thiệu làm Tổng Thanh tra nên cũng chưa hình dung ra hết khó khăn. Thách thức thì cũng có nhiều, nhưng đồng thời cũng có một số thuận lợi cơ bản.

Đó là vì tôì có nền tảng của công tác thanh tra trước đây, có đội ngũ thanh tra viên giàu kinh nghiệm, có Luật thanh tra mới ban hành và sắp tới đây Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Tôi tin rằng hệ thống văn bản và các điều kiện đầy đủ như vậy sẽ giúp thêm cho tôi trong̀ thẩm quyền công việc, góp phần tăng̀ tính độc lập, giúp cho sự phát triển thuận lợi của ngành.

Làm công tác thanh tra cũng có nhiều cám dỗ, ông có chuẩn bị gì để ứng phó với những cám dỗ sắp tới?

- Hiện nay tôi chưa nhận nhiệm vụ và từ trước đến nay cũng chưa từng làm nên chưa hình dung ra.

Tuy nhiên tôi cũng xác định là nếu có cám dỗ tôi sẽ tránh và giáo dục lực lượng công chức trong bộ máy của mình là phải trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Người tiền nhiệm của ông là ông Trần Văn Truyền vẫn định kỳ công khai cung cấp thông tin cho công chúng. Ông có dự định tiếp tục công việc này?
- Tôi sẽ phát huy trách nhiệm, truyền thống cũ của người tiền nhiệm. Đây cũng là nền tảng để tôi phấn đấu hơn nữa. Thời gian tới, tôi sẽ vẫǹ tiếp tục thực hiện việc công khai thông tin với báo chí.

Bộ trưởng Quốc phòng: Sẽ có lữ đoàn tàu ngầm hiện đại 
- "5-6 năm tới ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại. Nhưng ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay, khí tài cũng là để tự vệ, bảo vệ hòa bình chủ quyền chứ không có ý định đe dọa, hay có ý đồ xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh", Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay (3/8).

Thưa ông, Việt Nam có chủ trương hiện đại hóa quân đội như thế nào để bảo vệ đất nước trong tình hình mới, và Bộ Quốc phòng đang làm gì để bảo vệ ngư dân, an ninh trên biển?
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Lê Anh Dũng
- Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, phòng không không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử…đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước, các quân chủng kỹ thuật phải đi trước và xây dựng con người hiện đại, có khả năng làm chủ các vũ khí có hàm lượng công nghệ cao. Chứ không phải hiện đại để gây trở ngại cho nước khác. Khi kinh tế phát triển thì quân đội phải hiện đại để nâng cao khả năng tự vệ. Việc bảo vệ an ninh trên biển là một trong những nhiệm vụ chính trị, giao cho hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng để làm những công việc như cứu hộ, cứu nạn.
Trách nhiệm của quân đội là trợ giúp nhân dân. Hải quân phải có quan hệ hữu nghị với các hải quân có vùng biển lân cận với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... để tăng cường phối hợp giữ an ninh trên biển và để đối xử nhân đạo với ngư dân khi họ đi vào vùng biển các nước khác.
Hiện nay các nước cũng đang tăng cường hiện đại hóa quân đội, mua sắm vũ khí. Có ý kiến lo ngại đang có cuộc chạy đua vũ trang?
- Đó là động thái chung của các quốc gia. Khi họ phát triển về kinh tế thì họ hiện đại hóa quân đội. Tôi thì không cho đây là chạy đua vũ trang vì quân đội thì phải bảo vệ hòa bình, lãnh thổ của họ, do vậy việc họ phải hiện đại hóa quân đội là thường thấy, trong đó có chúng ta.
Thủ tướng có nói ta sẽ mua 6 tàu ngầm, tiến trình chuyển giao cụ thể ra sao thưa ông?
- Đây là kế hoạch dài hạn từ nay đến 2020.
Trước mắt, 5-6 năm tới, ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại. Nhưng như tôi nói, ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay, khí tài cũng là để tự vệ, bảo vệ hòa bình chủ quyền chứ không có ý định đe dọa, hay có ý đồ xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh.
Theo tôi biết, các nước trên thế giới đều làm vậy nên không thể nói đó là chạy đua vũ trang được. Anh có khả năng đến đâu thì mua sắm đến đó, nhưng chúng ta phải căn cứ vào khả năng tài chính của ta.
Không thể chi tiêu vượt quá khả năng vì còn ưu tiên cho nhiều vấn đề an sinh, ổn định xã hội bởi trong ấm thì ngoài mới êm. Ta quá chú tâm trang bị mua sắm mà đời sống nhân dân khó khăn thì không thể.  Đảng, Nhà nước hết sức thận trọng vấn đề này.
Bộ trưởng có nói nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tăng cường đối ngoại quốc phòng. Vậy làm sao để ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế trong vấn đề Biển Đông của ta?
- Ta vẫn làm trên nguyên tắc bảo vệ bằng nội lực dân tộc cộng sức mạnh thời đại. Sức mạnh thời đại bây giờ không còn như thời kỳ chiến tranh lạnh, phân ra các phe, như bó hẹp trong phe xã hội chủ nghĩa. Bây giờ sức mạnh thời đại là sự ủng hộ chính nghĩa, cái đúng.
Muốn vậy, ta phải chủ động cung cấp thông tin minh bạch chính xác để thế giới biết ai đúng, ai sai để họ có tiếng nói ủng hộ chính nghĩa chứ không phải chúng ta lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại hay đối trọng với các nước khác.

Tân Tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng:
Tránh nể nang mới làm được việc
- Ngay sau khi được Quốc hội bầu làm tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Đinh Tiến Dũng đã dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.
Ông Đinh Tiến Dũng - Ảnh: AN THÀNH ĐẠT
ông Đinh Tiến Dũng nói:
- Tôi vừa xúc động, vừa phấn khởi vì được Đảng, Quốc hội tín nhiệm giao cho mình chức vụ và trách nhiệm này.
* Ông đã chuẩn bị những gì để đảm nhiệm cương vị mới?
"Công việc của chúng tôi là kiểm toán tuân thủ về tài chính, ngân sách, về tài sản gần như của cả quốc gia nên trách nhiệm của người đứng đầu ngành rất lớn. Tôi nghĩ ở vị trí mới nàyphải trung thực, thẳng thắn, tránh nể nang mới làm được việc"
Ông Đinh Tiến Dũng
- Đã một thời gian dài tôi không trực tiếp làm kế toán, nhưng trong quá trình công tác, làm bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh hay trước đó là thứ trưởng Bộ Xây dựng thì tôi luôn gắn với lĩnh vực kinh tế, tài chính. Gốc của tôi là học kế toán - tài chính nên kiến thức về kế toán được tôi cập nhật thường xuyên, đặc biệt là các chuẩn mực mới về kế toán, kiểm toán. Tôi nghĩ là mình tự tin khi kiến thức về chuyên môn được cập nhật thường xuyên, và cương vị mới cũng gần gũi với chuyên môn của mình.
* Ngoài chuyên môn, cũng phải chuẩn bị cho trách nhiệm mới nữa chứ, thưa ông?
- Đương nhiên. Nếu nói về trách nhiệm thì cương vị mới có trách nhiệm lớn lao hơn nhiều. Công việc của chúng tôi là kiểm toán tuân thủ về tài chính, ngân sách, về tài sản, gần như của cả quốc gia, nên trách nhiệm của người đứng đầu ngành rất lớn. Tôi nghĩ ở vị trí mới này phải trung thực, thẳng thắn, tránh nể nang mới làm được việc.
* Đối tượng kiểm toán rất rộng, trong đó có những “địa chỉ” được dư luận đánh giá là nhạy cảm như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các bộ, ngành... Trong khi đó cơ chế quản lý còn bất cập, chế độ trách nhiệm chưa thật sự rõ ràng cùng với những mối quan hệ phức tạp về lợi ích. Ông cảm nhận như thế nào về sức nóng của chiếc ghế mình sẽ ngồi vào khi đặt bút ký các kết luận kiểm toán?
- Bản chất của hoạt động kiểm toán là chính xác và trung thực. Qua kiểm toán nếu phát hiện vấn đề gì đó thì cần thẳng thắn để uốn nắn các đối tượng kiểm toán, cho dù đó là những “địa chỉ” nào, bởi vì nội dung của kiểm toán liên quan trực tiếp đến tiền, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy trước khi đặt bút ký các kết luận kiểm toán, chắc chắn tôi sẽ phải đặt sự khách quan, trung thực, chính xác của nó lên hàng đầu. Với những lý do đó thì tôi không có gì phải ngại ngần cả, cứ đúng pháp luật mà làm.
* Ông từng nhiều năm làm công tác chuyên môn tại các tổng công ty, sau đó kinh qua nhiều chức vụ như thứ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh ủy. Bề dày công tác giúp gì cho ông khi giữ chức vụ tổng Kiểm toán Nhà nước?
- Tôi nghĩ qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau thì chỉ có thuận lợi khi mình đảm nhận vị trí mới. Làm kiểm toán là làm chuyên môn. Nhưng khi nhìn nhận vấn đề, đưa ra đánh giá, kiến nghị nào đó cần nhìn nhận tổng thể, từ nhiều chiều. Có thể đó là những lợi thế sẽ giúp tôi nhìn nhận kỹ từng vấn đề của đối tượng kiểm toán, cũng như kiến nghị ngược lại với Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh chính sách.
* Vị tiền nhiệm của ông, ông Vương Đình Huệ, mong muốn rằng tới đây tất cả đối tượng kiểm toán phải được kiểm toán hằng năm và đối tượng kiểm toán phải đón nhận nó như là “được” kiểm toán chứ không phải là “bị” kiểm toán. Suy nghĩ của ông thế nào?
- Tôi nghĩ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII khi bắt đầu triển khai thực hiện Luật kiểm toán nhà nước, thì đến nay Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiệm vụ tương đối tốt và rõ nét. Thứ hai, cùng với việc làm minh bạch quá trình quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của các đối tượng kiểm toán thì việc hoàn chỉnh các quy phạm pháp luật cho hoạt động kiểm toán đã được nâng cao một bước. Thứ ba là bộ máy Kiểm toán Nhà nước cũng từng bước được kiện toàn, năng lực tiến bộ vượt bậc.
Đúng ra hằng năm phải thực hiện kiểm toán đối với các đối tượng kiểm toán. Nhưng hiện nay cứ hai năm mới quay vòng một lần. Tôi được biết trong chiến lược kiểm toán tới đây thì Kiểm toán Nhà nước sẽ được tăng cường biên chế và nâng cao năng lực, chất lượng. Và đặc biệt với Kiểm toán Nhà nước là vấn đề giáo dục đạo đức đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên. Đây là vấn đề nhạy cảm, khó nhất nhưng là vấn đề trọng tâm nhất. Tôi sẽ luôn tập trung và kiên quyết đối với vấn đề này.
* Người tiền nhiệm của ông có nhắn nhủ gì cho cá nhân ông không?
- Tôi với anh Huệ chưa làm thủ tục bàn giao công việc. Nhưng theo dõi sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ qua và chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nó, tôi cảm nhận đây cái nền rất tốt cho mình khi nhận nhiệm vụ mới. Vì vậy tôi kỳ vọng bản thân mình sẽ kế nhiệm xứng đáng những kết quả mà người tiền nhiệm đã xây dựng, đồng thời khắc phục khó khăn, bất cập để Kiểm toán Nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
LÊ KIÊN - VIỆT DŨNG thực hiện
Nguyên tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ:
Mong báo chí quan tâm và giám sát
Kết thúc nhiệm vụ tổng Kiểm toán Nhà nước, tôi cũng có xúc động, bồi hồi một chút vì quãng thời gian không ngắn, mười năm gắn bó với ngành và năm năm một tháng một ngày trên cương vị tổng kiểm toán. Áp lực lớn nhất của tôi thời gian qua là sự tín nhiệm của Nhà nước, nhân dân. Càng được tín nhiệm thì càng áp lực. Điều hài lòng nhất là đến nay các bộ ngành, địa phương, các đơn vị được kiểm toán, người dân đã thấy thân thiện hơn với hoạt động kiểm toán, đã hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn với hoạt động kiểm toán cũng như rất tích cực để thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Tôi thấy đó là thành công lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác kiểm toán.
Câu cuối cùng tôi chỉ muốn chia sẻ tình cảm đặc biệt với báo chí. Báo chí thời gian qua đã hết lòng ủng hộ hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Một trong những thành công mà ngành đạt được đến nay là do vai trò ủng hộ của báo chí. Mong báo chí tiếp tục dành sự quan tâm và giám sát.

Tân Bộ trưởng Tài chính muốn minh bạch giá cả, lỗ lãi 
- Với kinh nghiệm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ minh bạch hơn.


Ông Vương Đình Huệ cho biết:
Việc đầu tiên của tôi là rà soát những phần việc của Bộ và ngành tài chính trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, cơ quan đầu tiên tôi sẽ phải làm việc là Cục Quản lý giá, bởi kiểm soát giá đang là vấn đề quan trọng.
Bộ Tài chính và cá nhân tôi cho rằng điều hành và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường nhưng cơ chế thị trường ấy phải gắn liền với các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp.
Việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành.
Bộ cũng sẽ ưu tiên kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như thuốc chữa bệnh, giá lương thực, nhất là lúa gạo, và các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể chuyện minh bạch đối với quản lý và kiểm soát giá như thế nào, thưa ông?
Chuyện lãi lỗ của điện lực, hay Petrolimex là ví dụ.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng
Vừa rồi, chúng ta đã kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, đã chốt được số liệu của năm 2010. Chúng tôi đang yêu cầu ngành điện cung cấp số liệu điều chỉnh đánh giá lại doanh thu, chi phí ngành điện.
Từ nay đến cuối năm, áp lực tăng giá điện, nói chính xác hơn là áp lực tăng giá cao đối với điện đã giảm bớt. Nguyên nhân quan trọng là năm nay nước về hồ sớm. Nhiều tổ máy sản xuất điện ở Sơn La đã đi vào hoạt động. Một số cơ sở điện cũng đã tham gia vào mạng lưới… Thủy điện lại là điện giá rẻ, việc sử dụng các nguồn điện giá cao như sản xuất từ gas, than… giảm đi. Vì vậy, mức độ dự báo lỗ của điện theo đó cũng sẽ giảm bớt.
Theo tính toán đầu năm của EVN, lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên tới 47.000 tỷ đồng. Khi vào thanh tra kiểm toán, gây áp lực, EVN đã có thông tin phản hồi, điều chỉnh mức lỗ lũy kế xuống còn 35.000 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do dự toán sai về tỉ giá. EVN dự toán tỉ giá - một trong các yếu tố tính giá thành sản xuất - là 23.000 VND/USD trong khi thực tế hiện nay chỉ ở mức 20.600-20.700 VND/USD.
Khi thực hiện kiểm toán, tôi cũng nói với lãnh đạo EVN, tình hình hiện nay, không thể có chuyện EVN lỗ nhiều hơn năm ngoái. Số liệu năm trước đã chốt, EVN đương nhiên phải đưa ra một con số khác, thấp hơn.
Với Petrolimex, tôi biết dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng công ty này. Tôi sẽ cùng anh em kiểm tra, rà soát kĩ thông tin về Petrolimex, để thông tin cho Quốc hội và người dân biết.
Hiện nay, chúng ta cũng đang kiểm toán việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi kiểm toán chắc chắn sẽ động tới doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh mặt này. Khi đó, số liệu sẽ minh bạch ra.
Với những kinh nghiệm tôi có được trong thời gian tham gia lĩnh vực kiểm toán thì chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ đảm bảo tính minh bạch hơn.
Sắp tới, sau điện và xăng dầu, sẽ có nhiều mặt hàng quan trọng sẽ được "thả" giá theo cơ chế thị trường. Liệu điều này có tạo ra áp lực lớn cho nền kinh tế, thưa ông?
Tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cần làm rõ tính minh bạch về lỗ lãi của doanh nghiệp.
Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex. Giá bán lẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng/lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác.
Cách thức điều hành của chúng ta lâu nay là khi giá định hướng này cao hơn giá bán lẻ trong nước do yếu tố khách quan như giá thế giới tăng, khi đó có các biện pháp như giảm thuế, ngừng trích lập quỹ hoặc tăng giá được áp dụng. Còn khi giá cơ sở hơn giá bán lẻ nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng, thì cái này doanh nghiệp phải chịu. Tương tự khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ do yếu tố như giá thế giới giảm khi đó cần điều chỉnh giá bán lẻ xuống.
Như vậy, nói lỗ ở đây là chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức ở trong giá là 300 đồng mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này ra sẽ rất khó trong quản lý. Tôi sẽ yêu cầu Cục Quản lý giá báo cáo kỹ hơn về vấn đề này.
Qua EVN, chúng tôi rút được bài học kinh nghiệm về trách nhiệm của DN trong việc cung cấp số liệu, thông tin. Một khi cơ quan chức năng tăng kiểm tra, giám sát, DN sẽ minh bạch hơn, chính quyền trách nhiệm hơn.
Không để khủng hoảng nợ
Ngoài lo chuyện kiểm soát giá cả, minh bạch lỗ lãi của các tập đoàn, tổng công ty, trong bối cảnh hiện nay, đâu là những thách thức của vị trí tư lệnh ngành tài chính, thưa Bộ trưởng?
Trước hết, nguồn thu ngân sách tới đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Dư địa ngân sách từ đất đai càng ngày càng giảm đi; thu từ xuất khẩu, bán tài nguyên khoáng sản thô ngày càng cạn kiệt, đó là chưa nói đến việc phải nhập ngược trở lại (Việt Nam đã bắt đầu phải nhập than rồi).
Việt Nam lại đạt ngưỡng nước thu nhập trung bình, lượng vốn ODA chảy vào cũng sẽ giảm đi. Tôi cho rằng nguồn thu ngân sách trong thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn.
Vấn đề thứ hai, lớn hơn, quan trọng hơn việc tạo nguồn thu là phân bổ và sử dụng ngân sách. Chính sách tài chính quốc gia luôn tính đến việc huy động hợp lý mọi nguồn lực của xã hội sao cho hiệu quả chứ không phải chỉ có ngân sách nhà nước, mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Nhất là để tạo ra 3 đột phá chiến lược, chúng ta cần tới nguồn ngân sách khổng lồ. Nguyên tắc là thu nhiều hơn thì chúng ta sẽ chi được nhiều hơn. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu phát triển, chúng ta phải lo tháo gỡ chính sách thật tốt.
Một vấn đề nữa là tình hình trái phiếu Chính phủ, nợ công của Việt Nam đã ở mức cao, bên cạnh các vấn đề khác về sử dụng hiệu quả nhất chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách...
Tôi cho rằng việc quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ quốc gia, nợ công, nợ nước ngoài cũng là vấn đề quan trọng để đảm bảo giới hạn an toàn không để rơi vào tình trạng như một số nước châu Âu hiện nay.
Bên cạnh đó, phải đổi mới hiệu quả mô hình doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa... Tất cả những phần việc trên đều là nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Sáng nay, bản báo cáo của Chính phủ với 5 nội dung đề cập đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán và người làm công ăn lương được đưa ra bàn bạc trước Quốc hội khóa XIII.
Vẫn là những phương án cũ được Tân Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình trước Quốc hội hôm 21/7, gồm giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm 50% mức thuế khoán VAT, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh nhà trọ, cung cấp suất ăn cho công nhân và dịch vụ giữ trẻ... Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất miễn thuế cổ tức được chia, lợi nhuận từ chuyển nhượng chứng khoán và các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, bắt đầu từ 1/8/2011 đến hết tháng 12/2012.
Tổng số thuế dự kiến miễn giảm vào khoảng 13.300 tỷ đồng và được Chính phủ khẳng định sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình và ủng hộ giải pháp miễn giảm thuế của Chính phủ tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng quy định đối tượng được miễn giảm thuế cần phải rõ ràng, cụ thể, tránh bị lợi dụng. Nhiều đại biểu cũng đặt kỳ vọng vào Tân Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ - người từng 5 năm đảm nhận chiếc ghế nóng của ngành kiểm toán. Với kinh nghiệm của mình, ông Huệ sẽ giải quyết được những băn khoăn của đại biểu liên quan đến việc kiểm soát các khoản thuế được miễn giảm.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng việc giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần thiết. Dù rằng, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là vấn đề vốn, tiếp cận vốn. Theo ông, thông qua miễn giảm thuế, giúp họ có được nguồn vốn để kinh doanh sau đó là gián tiếp ổn định giá cả.
Liên quan đến thuế chứng khoán, ông Huệ cho rằng thị trường đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn, Vn-Index giảm rất sâu, có mã cổ phiếu giảm xuống mức thấp hơn giá trị... Do vậy, cùng với biện pháp khác, ông Huệ cho rằng cần thiết phải thực hiện việc miễn thuế cho một số đối tượng trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh việc miễn thuế, ông Huệ cho rằng cần áp dụng một số chính sách hỗ trợ khác để giúp thị trường chứng khoán vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tại phiên họp sáng nay, đa số các đại biểu đồng tình với đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân do Chính phủ đệ trình song còn băn khoăn mức giảm quá ít chỉ mang tính động viên chứ không hỗ trợ nhiều cho người lao động. Hơn nữa, đại bộ phận người làm công ăn lương, người thu nhập thấp không được hưởng lợi nhiều từ chính sách miễn thuế này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ việc miễn thuế thu nhập cá nhân theo tờ trình của Chính phủ là hợp lý đảm bảo cân bằng chiều ngang đối với người lao động trong cùng bậc 1 của biểu thuế.
Theo ông, mức giảm thuế tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn với người lao động. Trong bối cảnh khó khăn, giá cả tăng cao như hiện nay, mức giảm như vậy cũng đỡ đần người lao động chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày.
Ông Huệ cho rằng nếu nói phần đông lao động không được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế này là đúng nhưng chưa đủ. Bởi trước đó, Chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người lao động có thu nhập thấp bình quân 250.000 đồng. Ngoài ra, những người có công, lực lượng vũ trang nhân dân, một số đối tượng thu nhập thấp như học sinh, sinh viên cũng có chính sách hỗ trợ...
"Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân là cần thiết. Cá nhân tôi ủng hộ và mong muốn Quốc hội sẽ sớm thông qua với một số điều chỉnh", Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tín nhiệm quốc gia và áp lực tín nhiệm cá nhân

 

Chia sẻ khi vừa nhậm chức, tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói, với ông, áp lực lớn nhất chính là sự tín nhiệm của Nhà nước và nhân dân. Áp lực tín nhiệm ấy với người đứng đầu ngành tài chính trước hết là phải giải cho được bài toán chỉ số tín nhiệm tín dụng thấp của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh một loạt quốc gia vừa bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, có vị đại biểu Quốc hội đến từ khối doanh nghiệp đã lưu ý ưu tiên của Chính phủ phải là tập trung nâng cao hệ số tín nhiệm tín dụng quốc gia để thu hút thêm nguồn vốn bên ngoài cho nền kinh tế, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Đó không phải là mối lo riêng của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Vừa qua, Mỹ, Nhật Bản và một loạt các quốc gia đã phải đối mặt với chuyện hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, do mối lo nợ nông và những chính sách ứng phó với bất ổn. Việt Nam tuy chưa bị hạ xuống mức thấp hơn nhưng đã có những chỉ dấu xem xét điều chỉnh.
Là cơ quan được Thủ tướng giao nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức đánh như Moody's, Standard&Poor's (S&P) và Fitch Ratings để đánh giá hệ số tín nhiệm của Việt Nam vài năm qua,...hơn ai hết, Bộ Tài chính biết rõ và hiểu sâu những vấn đề đằng sau những trồi sụt trong xếp hạng của Việt Nam vài năm trở lại đây.
Sau 3 năm liền xếp hạng tín nhiệm ở mức Ba3 với mức triển vọng là "ổn định", năm 2010, Moody's hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam, xuống mức tiêu cực, do những rủi ro tiềm ẩn và tính kém bền vững của nền kinh tế và năng lực tài chính quốc gia.
Cùng với việc hạ bậc của Moody's, đánh giá của Fitch Ratings cũng tương tự. Năm ngoái, Fitch chỉ ra những vấn đề khiến Việt Nam phải hạ điểm xếp hạng tín nhiệm, chủ yếu xoay quanh nguy cơ lạm phát cao, sự mất giá của tiền đồng, khả năng trả nợ và sự thiếu thông tin về dự trữ ngoại hối... và những giật cục trong chính sách và điều hành.
Tân Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ trao đổi với đại biểu quốc hội ngoài hành lang. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, suốt 4 năm qua, kinh tế Việt Nam "luôn trong tình trạng bất ổn". Đối phó với những bất ổn vĩ mô trong 4 năm, Việt Nam đã 4 lần thay đổi mục tiêu kinh tế vĩ mô, mà sự điều hành không ít lúc được chính những người trong Chính phủ thừa nhận là giật cục, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Khác với vị tân Bộ trưởng nọ "chưa ngồi ở vị trí đó, chưa biết có phải là ghế nóng hay không", ông Vương Đình Huệ có vẻ ý thức khá rõ độ nóng của vị trí tư lệnh ngành tài chính, khi đã làm "bài tập ở nhà" khá tốt trước khi chính thức nhận nhiệm.
Ngay trong ngày đầu tiên làm Bộ trưởng, dự cuộc họp tổ thảo luận tình hình - kinh tế xã hội Việt Nam nửa tháng đầu năm 2011, cùng với sự có mặt của người tiền nhiệm Vũ Văn Ninh nay ở vị trí Phó Thủ tướng, ông Huệ đã chiếm khá nhiều thời lượng để trình bày quan điểm.
Giống như điều các đại biểu khóa trước thường thấy ở ông Ninh, ông Huệ đã làm nhiệm vụ cung cấp thông tin thêm cho đại biểu, dù ông nhiều lần nhấn mạnh đó chỉ là quan điểm cá nhân đại biểu quốc hội, không phải quan điểm của Bộ trưởng (bởi với ông, quan điểm của Bộ trưởng là kết quả của sự đồng thuận trong lãnh đạo Bộ).
Từ thực trạng lạm phát, nợ công, tình trạng lỗ lãi của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... đến sự thống nhất, hài hòa, đồng bộ và phối hợp trong các chính sách ứng phó nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đã được ông điểm mặt phân tích.
Ông Huệ đặc biệt nhấn mạnh việc quyết liệt triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, vốn được đánh giá là giải pháp trúng, nhưng vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Việc phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ nợ công trên cơ sở nâng cao hiệu quả chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách để giảm áp lực vay nợ, quản lý an toàn nợ, không để xảy ra khủng hoảng nợ công cũng nằm trong ưu tiên nghị sự của tân Bộ trưởng.
Đồng thời, vị tư lệnh tài chính cũng chú trọng mục tiêu làm minh bạch nền tài chính quốc gia cũng như minh bạch hệ thống chính sách - là điều mà các tổ chức đánh giá tín nhiệm khuyến nghị cho Việt Nam thời gian qua.
"Việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu... cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành...", ông Huệ nói. Bởi ở Việt Nam yếu tố đầu cơ, tâm lý, xuất phát từ sự thiếu minh bạch về thông tin nhiều khi ảnh hưởng đến lạm phát lớn hơn là các yếu tố kinh tế.
Bài học từ những bất ổn của tập đoàn nhà nước Vinashin, một trong những nguyên do được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm viện dẫn để hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam, đã được ông Huệ ghi nhớ, khi ông chỉ đạo "soi" các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trước hết là EVN và Petrolimex.
Sự thiếu minh bạch của DNNN "làm rối điều hành của Chính phủ và làm nản lòng người dân", ông Huệ chia sẻ kinh nghiệm khi làm kiểm toán EVN. Với Petrolimex, ông tự tin, đọc tài liệu của Petrolimex ông có thể lí giải được lỗ thật, giả của tập đoàn, vì làm kiểm toán quen rồi...
Từ vai trò kiểm toán, nhìn rõ các lỗ hổng trong hệ thống tài chính quốc gia, ông Huệ đang được trao quyền và trách nhiệm bịt các lỗ hổng đang làm mất an ninh kinh tế Việt Nam. Và ông sẽ là người trực tiếp chỉ đạo và thực thi chính những khuyến nghị của cơ quan ông trước kia, về kỉ luật chi tiêu ngân sách, vốn đang là món nợ của ngành tài chính.
Ngay trong ngày đầu làm Bộ trưởng, vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã mách nhỏ một số địa chỉ để Bộ Tài chính xem lại.
Người ta tin ở ông, một nhà kĩ trị, sẽ góp phần làm ổn định tình hình kinh tế - tài chính trong nước. Sự tín nhiệm ấy sẽ bị thử thách trong tiến trình phục hồi lòng tin của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế vào tương lai kinh tế Việt Nam. Và điều đó không chỉ đạt được bằng tâm thế nhập cuộc tốt, mà phải từ những quyết sách và hành động cụ thể, quyết liệt và đồng bộ.
'Không phải thấy áo cô nào đẹp cũng mua ngay cho vợ' 
Ra đường nhìn thấy một cô gái mặc rất đẹp thì không phải vì thế ta mua ngay bộ đồ đó về cho vợ mặc, vì nó có thể không vừa - tân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải thích vì sao không thể mở ngay thị trường hàng không cho nước ngoài.
Tân Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng ngay sau khi nhậm chức đã cho biết ưu tiên lớn nhất trong những trọng tâm công tác của ông là chuẩn bị thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Vì sao lại là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, thưa ông?
Dự án này thực tế đã nằm trong chương trình của Chính phủ chứ không chỉ của ngành giao thông. Con đường này quá quan trọng vì là huyết mạch nối hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.HCM. Nước ta lại trải dài. Theo tôi đây là dự án có tầm quan trọng bậc nhất và thiết thực nhất. Nếu đầu tư đường bộ cao tốc này sẽ đem lại hiệu quả ngay và giải tỏa được nhiều vấn đề về giao thông, vận tải hàng hóa.
Trong bối cảnh Chính phủ phải thắt chặt chi tiêu công không phải riêng năm nay mà còn trong các năm tới, vốn đầu tư rất lớn cho công trình này sẽ được huy động như thế nào?
Huy động vốn là một vấn đề rất khó. Tôi mới về nên trước tiên sẽ phải nắm được tình hình trước đây lo vốn thế nào, bây giờ sẽ phải nghiên cứu áp dụng hình thức huy động vốn thế nào, đoạn nào có thể làm theo phương thức BOT (đầu tư - xây dựng, vận hành, chuyển giao), đoạn nào làm PPP (hợp tác công - tư), đoạn nào làm BT (xây dựng - chuyển giao).
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Có chủ trương mở cửa thị trường hàng không nhưng trong phạm vi và lộ trình chứ không mở ngay. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngay bây giờ nói cụ thể thế nào thì chưa nắm được. Tôi nghĩ là sẽ phải xem kỹ để nắm được phương thức nào là tối ưu nhất để có thể thu hút vốn đầu tư bên ngoài. Hiện nay, ngân sách rất khó khăn, nhất là khi thực hiện các chính sách như trong nghị quyết 11 của Chính phủ. Cho nên, để làm được con đường này, phải đa dạng hoá nguồn vốn, thu hút nguồn lực xã hội…
Nhưng huy động thế nào quả là vấn đề khó, không hề dễ chút nào. Vấn đề quan trọng ở chỗ phải đưa ra cơ chế hẫp dẫn thu hút nhà đầu tư, thuyết phục được các tổ chức tài chính cho vay vốn.
Ông rút được kinh nghiệm gì từ việc đầu tư làm đường Hồ Chí Minh? Con đường này cũng được đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng ở nhiều đoạn, tuyến là hạn chế ?
Đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa khác về chiến lược an ninh, quốc phòng chứ không thuần túy về kinh tế. Ở đây phải tính bài toán lợi ích tổng thể.
Song song với dự án phát triển đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông quan tâm đến hệ thống giao thông nào?
Đường sắt. Sẽ tập trung vốn để nâng cấp đường hiện hữu chứ làm đường mới, hiện đại ngay bây giờ hơi khó. Trước mắt phải thống nhất lại chứ hiện nay, đường sắt cũng có mấy loại. Có thể mở rộng khổ đường sắt từ 1 m lên 1,4 m. Các cầu đường sắt cũng phải nâng cấp.
Một số nước sau khi mở cửa thị trường nội địa, ngành hàng không phát triển rất nhanh, giá vé cạnh tranh, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong nhiệm kỳ này, ông có tính toán, đề xuất với Chính phủ mở cửa thị trường hàng không nội địa cho nước ngoài ?
Có chủ trương mở cửa thị trường hàng không nhưng trong phạm vi và lộ trình chứ không mở ngay, bởi đây không chỉ thuần túy là bài toán kinh tế mà phải tính toán cả vấn đề an ninh, quốc phòng.
Một số nước mở ra mà kết quả tốt thì chúng ta phải nghiên cứu, xem xét để học tập nhưng cũng có những cái tốt mình không học được do đặc thù của Việt Nam chưa phù hợp. Điều này giống như khi ta ra đường nhìn thấy một cô gái ăn mặc rất đẹp thì không phải vì thế mà ta mua ngay bộ đồ đó về cho vợ mình mặc được vì nó có thể không vừa (cười).

Nguyên Bộ trưởng 'hay cho chữ' và món nợ nhiệm kỳ 
Vẫn với phong cách giản dị và lối nói hay đúc kết thành các chữ ngắn gọn, dễ hiểu, Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã thẳng thắn chia sẻ  về nhiệm kỳ của mình trên cương vị Tư lệnh ngành thông tin – truyền thông.
Thủ lĩnh báo chí, thích nhất là biết nhiều
Trên cương vị Bộ trưởng suốt nhiệm kỳ vừa rồi, việc làm nào ông cho là đã để lại dấu ấn đáng kể  nhất?
- 5 năm trên cương vị Bộ trưởng, tôi và các cộng sự đã làm được 25 việc lớn có dấu ấn. Tôi xin nhấn mạnh 4 việc ý nghĩa nhất.
Một là, sau 18 tháng kiên nhẫn chuẩn bị, chúng tôi đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”.  Đề án xuyên suốt từ nay đến 2020. Thực hiện thành công sẽ góp phần nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế, làm tròn khát vọng của Bác Hồ đưa Việt Nam sánh vai với với các cường quốc năm châu.
Hai là xây dựng và bảo vệ thành công trước Chính phủ và QH Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Đây là Chương trình vì nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong tất cả những việc Nhà nước cần làm cho nông dân thì đưa thông tin để chuyển đổi nhận thức và hành động là quyết định.
Thứ ba là, với 4 năm trên cương vị Bộ trưởng tôi đã làm trưởng ban soạn thảo trình Quốc hội thông qua 4 dự án Luật chuyên ngành: Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông, Luật Bưu chính và nhiều văn bản dưới Luật
Đây là công cụ pháp lý quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, đưa ngành Thông tin và Truyền thông  phát triển nhanh, bền vững, góp phần đổi mới Đất nước thành công và hội nhập thắng lợi. 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp


Cuối cùng là bảo vệ và thông qua Thường trực Chính phủ “Quỹ bù đắp tiền lương”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để có nguồn lực chính đáng giữ, thu hút và động viên nhân tài hành động quyết liệt vì sự phát triển nhanh, sáng tạo, táo bạo và đúng hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong tương lai.
Khó khăn, thách thức lớn nhất của Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực truyền thông, báo chí và thông tin trong thời đại mới là gì? Còn những việc gì trong kế hoạch định làm nhưng chưa làm được còn khiến ông thấy day dứt?
- Khó khăn thách thức lớn nhất của người phụ trách lĩnh vực truyền thông, báo chí và thông tin trong thời đại mới là chịu nhiều áp lực.
Đưa thông tin sai một sự việc đúng thì thù hận suốt đời. Đưa thông tin đúng một sự việc sai thì ấm ức kéo dài.
Làm thủ lĩnh báo chí, thích nhất là biết nhiều. Lăn tăn nhất là những điều mình đã làm chưa tương xứng với những gì mình biết.
Việc tôi quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ của mình là thành lập và đưa vào hoạt động Trường ĐH Thông tin và Truyền thông QG. Nhưng thời gian ngắn, thủ tục rườm rà và khó khăn nhiều.
Tôi và các đồng nghiệp đã làm được 4 việc mở đầu quan trọng nhất. Đó là, báo cáo Thủ tướng sự cần thiết lập trường và được Thủ tướng Chính phủ thông báo có tên gọi: Trường ĐH Thông tin và Truyền thông quốc gia.
Sau đó là xây dựng đề án kêu gọi đầu tư, quy hoạch và chọn xong địa điểm xây dựng trường. Rồi tiếp cận và xin tài trợ 50 triệu USD vốn ODA của Hàn Quốc đã được Bạn và Chính phủ ta ưu tiên đưa vào kế hoạch tài chính năm 2013.
Cuối cùng là định hướng đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên đầu đàn, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của trường.
Từ 4 việc khởi động trên, tôi tin rằng Bộ trưởng kế nhiệm sẽ rất thuận lợi để triển khai thành công trong tương lai gần.
Món nợ với người làm  báo
Bộ trưởng từng nói khi mới nhậm chức là sẽ tạo cho báo chí một lề đường và các nhà báo sẽ đi vào lề đường đó nhưng đi rộng hơn, thông thoáng hơn. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm điều gì về mục tiêu này sau một thời gian ở vị trí quản lý?
- Để báo chí tác nghiệp thông thoáng hơn, tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cơ quan tham mưu quyết tâm xây dựng Luật Báo chí sửa đổi, đã chỉnh sửa đến 16 lần, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cao nhất thông qua.
Tuy vậy, những gì cần làm cho báo chí chủ động hơn tôi đã làm hết sức mình. Như: Cung cấp thông tin, trả lời những vấn đề nhạy cảm mà báo chí quan tâm, trả lời phỏng vấn, trả lời trực tuyến trong nước và quốc tế, định hướng dư luận xã hội, tập huấn, bồi dưỡng biên tập viên, phóng viên và tổ chức thi biên tập viên .v.v…
Tuy chưa thỏa mãn, nhưng đó cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận trong điều kiện có thể.
Một trong những mục tiêu Bộ trưởng đề ra ở đầu nhiệm kỳ là hoàn chỉnh và sửa đổi Luật báo chí để báo chí tự do hơn,  nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý  và tạo điều kiện hình thành các tập đoàn báo chí mạnh, nhưng đến nay Luật báo chí vẫn chưa được sửa. Bộ trưởng có thấy mình đang để lại một “món nợ” với những người làm báo? Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính vì sao Luật báo chí vẫn chưa được sửa đổi?
- Luật Báo chí (sửa đổi) chưa ban hành là một tồn tại của ngành thông tin và truyền thông, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu.
Lý do tôi đã đề cập một phần ở trên, đây là “món nợ” của  tôi với những người làm báo. Mong đồng nghiệp thông cảm.
Tuy vậy, tôi cũng đã làm tờ trình đăng ký với Chính phủ và UBTVQH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa 13 là: Thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi) vào năm 2012; thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) vào 2013; thông qua Luật an toàn thông tin vào 2014.
Đó là một tin vui với các bạn đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ xuất bản và báo chí nước nhà.
Nhiễu thông tin: Có lúc tôi cũng là nạn nhân
Bộ trưởng từng nhiều lần phát biểu rằng trong thời đại thông tin sợ nhất hai điều là “nhiễu thông tin” và “thiếu thông tin”. Suốt nhiệm kỳ làm Bộ trưởng vừa qua, đã có trường hợp nào thông tin về ông bị nhiễu hay chưa? Nếu xảy ra chuyện thông tin về Bộ trưởng thất thiệt thì ông sẽ ứng xử với điều đó thế nào?
- Ví dụ về thông tin nhiễu thì có quá nhiều. Bản thân tôi cũng có lúc là nạn nhân của thông tin nhiễu.
Cuộc sống đang diễn ra quá phức tạp. Thực tiễn cho thấy cùng một con người, một sự việc, một hoàn cảnh vẫn có nhiều cách đưa thông tin  khác nhau, vì dụng tâm và thiện chí của mỗi người khác nhau.
Thực tế, tình cảm khác nhau sẽ nói khác nhau. Nhận thức khác nhau sẽ nói khác nhau. Lợi ích khác nhau sẽ nói khác nhau. Đó là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong cơ chế thị trường.
Cái chính là mình phải nhận thức đúng mình và tin vào chính mình. Tôi cho rằng nói xấu một người chưa tốt, mình cũng chẳng tốt hơn. Nhưng nói xấu một người tốt thì mình sẽ xấu hơn nhiều.
Đúng như đồng chí  Tô–đo Gip–cốp, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Bungari đã tổng kết: “Điều quí giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”.
Tôi luôn là người lạc quan, ít lời, nhất là khi phải nói về mình, bởi nguyên soái Zhukov (Liên Xô cũ) cho tôi một niềm tin: “Người ta có thể tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử, nhưng không ai có thể làm lại lịch sử. Dẫu sao, sự thật vẫn toàn thắng”.
Từ đó, điều mong muốn cao nhất của tôi là: Tính trung thực và hướng thiện của con người phải được đề cao. Một xã hội trung thực là một xã hội lành mạnh. Một đất nước hướng thiện là 1 đất nước nhân văn. Nhờ đó mà những người thủ đoạn, né tránh, hữu khuynh sẽ giảm dần. Tạo môi trường tốt cho những người trung thực, thẳng thắn có nhiều cơ hội cống hiến và trưởng thành.
Cấp nào chịu trách nhiệm, cấp đóphải được ra quyết định
Theo đánh giá của Bộ trưởng, những việc vừa qua ông chưa kịp làm hoặc làm mà chưa đạt kết quả như mong muốn có phải do quá thẩm quyền, quá sức của ông hay không?  Do trong tầm tay mình, nhưng mình chưa giải quyết hay như một số bộ trưởng vẫn cho rằng, “quyền hạn thì hữu hạn mà trách nhiệm gần như vô hạn”. Theo Bộ trưởng, người kế nhiệm ông có cần trao nhiều quyền hơn không?
- Những việc mình muốn làm, so với những việc mình đã làm luôn luôn là một khoảng cách, vì cơ chế chính sách không đồng bộ, phải phối hợp và lệ thuộc quá nhiều.
Khuyết điểm chung của bộ máy công quyền chúng ta là chậm trễ, thậm chí là “chậm, chờ, chán, chạy”.
Một trong nhiều hướng cần khắc phục là phân cấp nhiều hơn cho cấp dưới. Đây là đíều tôi mong muốn thay cho Bộ trưởng kế nhiệm.
Hai nguyên tắc cơ bản để tiến hành phân cấp là: Thứ nhất, cấp nào nhận đủ thông tin và chịu trách nhiệm trực tiếp nhất thì ưu tiên cho cấp đó ra quyết định.
Thứ hai, cấp nào hiểu cán bộ nhất thì để cấp đó ra quyết định. Tránh tình trạng một cấp rất hiểu cán bộ lại phải bẩm trình một cấp không hiểu cán bộ ra quyết định. Nên mới nảy sinh tiêu cực.
Phân cấp để đạt được 4 mục tiêu là giảm sự vụ cho cấp trên, tăng thực quyền, tự chủ và năng động cho cấp dưới.  Thứ ba là đẩy tiến độ công việc nhanh hơn vì không phải chờ đợi. Cuối cùng là làm giảm phiền hà và tiêu cực hơn.
Cố nhiên phân cấp phải đi đôi với chọn người đứng đầu, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra để có tri thức, điều kiện và môi trường cho cán bộ được phân cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nếu sắp tới đây không còn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng thì ông sẽ chia sẻ gì với người kế nhiệm để người đó có thể đảm nhận công việc mới một cách tốt nhất?
- Một phần câu hỏi này, tôi đã đề cập ở trên.
Điều tôi muốn nhắn gửi với người kế nhiệm mình là: Tận tụy để cấp dưới thương; Gương mẫu để cấp dưới trọng; Dân chủ để cấp dưới dễ gần, dễ cung cấp thông tin; Sáng tạo để cấp dưới có việc làm và có thêm thu nhập chính đáng; Kỷ cương để người tốt có chỗ dựa và người xấu không dám chi phối, lộng hành.
Mong thế hệ sau kế thừa thành quả các thế hệ trước và thực thi trách nhiệm tốt hơn.
“Thương hiệu” riêng
Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến "Bộ trưởng hay cho chữ", cụ thể là ở các hội nghị, cuộc gặp mặt, trả lời phỏng vấn, ông hay đúc kết vào một số từ, cụm từ rất dễ nhớ. Như mấy cụm từ ông vừa nói ở trên. Hình như ở đất học Nghệ An người ta hay nói chữ?
- Tôi hay tổng kết thành ít chữ để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm. Cũng có người thích, cũng có người chê.
Với tôi nếu thấy có ích thì làm, đúng thì  làm bằng được, không lùi bước. Tôi không bao giờ tự phủ nhận mình và đánh mất những gì mình có, như là dấu ấn, tính cách và thương hiệu của riêng mình.
Người Nghệ An có đặc điểm tình đồng hương rất cao. Chữ "tình" này đã theo ông ra Trung ương như thế nào? Ông xử lý ra sao?
- Tôi luôn sống hết mình với quê hương và mong quê hương hiểu hết công sức của mình. Đối với tôi quê hương không chỉ là “chùm khế ngọt, khó khăn nhảy vọt khắp nơi” mà quê hương là dòng sữa mẹ, chắt chiu từ hạt lúa, củ khoai. Quê hương là mối tình dài mà không bao giờ phai nhạt.
Tới đây nếu rời ghế Bộ trưởng, ông có kế hoạch cá nhân gì không? Ông tự nhận định thế nào về mình?
- Rời ghế Bộ trưởng tôi đã xác định phương châm sống cho mình là: 2 quên, 2 nhớ, 1 có.
Đó là: Quên tuổi tác, quên bệnh tật. Nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp chí cốt với mình. Tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tôi coi đây là cơ hội tốt để có điểu kiện làm tốt hơn những việc mình thích và chăm lo cho bản thân, gia đình và bạn hữu nhiều hơn sau 43 năm liên tục công tác và 41 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Theo tôi trong cuộc sống có chức danh, con đường duy nhất để tự thanh thản với chính mình là: Phấn đấu nhìn lên, hưởng thụ nhìn xuống.
Lên chức hay nhất là bị động, thôi chức tốt nhất là chủ động. Suy đến cùng: Lương là của vợ. Nhà là của con. Sức khỏe là của mình. Địa vị là tạm thời. Vẻ vang là quá khứ. Mọi chức danh đều có hạn định. Mọi vinh quang đều có điểm dừng. Mọi cuộc vui đều đến lúc chia tay.
Điều quan trọng nhất là trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất, phong độ và tín nhiệm của mình như thế nào trong lòng anh em, đồng nghiệp, đồng đội và bạn hữu. Với tôi, điều này tôi tin là đã được khẳng định. Bởi: Tâm, Trí, Tín, Tình ai trọn, ai vơi đã được cân đong trong lòng đồng đội.
Xin gửi đến bạn đọc VietnamNet lời chào trân trọng!
- Xin cảm ơn bộ trưởng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?