Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Phát ngôn&Hành động: Quyền lực, quyền uy và những phát ngôn ấn tượng

Quyền lực, quyền uy trước thách thức của vận mệnh đất nước; gọi đúng tên "biểu tình mang tính chất yêu nước" và những phát ngôn không bình thường mà rất ấn tượng của một ông Bộ trưởng, là thông điệp, là những lát cắt mà Phát ngôn và Hành động tuần này mong được sự chia sẻ, đồng cảm cùng chiêm nghiệm của bạn đọc.
Quyền lực, quyền uy và... nợ dân
Bên cạnh sự kiện Biển Đông luôn nóng bỏng, tuần này, một sự kiện nổi bật nữa được bạn đọc quan tâm. Đó là kỳ họp Quốc hội khóa XIII với sự ra mắt của Chính phủ mới.
Các nhân vật chủ chốt nhất của chính quyền mới: Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP (tái đắc cử), Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội. Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng được Đại hội Đảng khóa XI bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Cơ cấu Chính phủ mới, có 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng.
Còn dân gian, vốn dân dã nên xếp "bộ tứ" các vị lãnh đạo một cách nôm na, theo vần nhưng rất ý nghĩa: Hùng- Dũng- Sang- Trọng. Hay bởi nhân dân cũng mong đợi ở khí phách và tinh thần dân tộc qua những người lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ra mắt Quốc hội.
Bỗng nhớ tới một bài viết đăng trên Tuần Việt Nam trước đó, ngày 10/7/2011, có chủ đề khá hay: "Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi".
Đó là cuộc triển lãm của Cung điện Versailles (Pháp) trưng bầy những chiếc ghế- những ngai vàng khắp các nơi trên thế giới- biểu tượng của quyền lực và quyền uy, từ thời cổ đại đến thời hiện đại.
Cũng là để gửi thông điệp cho khách tham quan, không chỉ thấy sự oai nghiêm và vị thế của quyền lực, mà còn là sự tìm kiếm giá trị và ý nghĩa đích thực của 2 chữ quyền uy. Quyền lực và quyền uy bao giờ cũng khiến con người quan tâm, chiêm nghiệm và một chút triết lý. Vì quyền lực và quyền uy mà nhân loại chứng kiến biết bao bi kịch, bi hài.
Có thể thấy ở triển lãm độc đáo mang tính văn hóa cao, đồng thời chứa đựng nội hàm chính trị sâu sắc này, chiếc ngai cổ nhất của nước Marsch (thuộc Đức- thế kỷ V). Kế đến, ngai của ông hoàng Dagobert (nước Pháp- thế kỷ VII)... Còn mới nhất và hiện đại nhất là chiếc ghế tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ngồi để chiêm ngưỡng lễ mừng quốc khánh 14/7/2005...
Chính trị và văn hóa là 2 mặt tưởng đối lập, nhưng thực ra  luôn song hành. Chính trị cao nhất phải là chính trị vì con người. Chỉ khi đó, văn hóa trong chính trị sẽ tự nhiên tỏa sáng- đó là nền chính trị nhân văn.
Nhưng khác với quan niệm về quyền lực đứng, quyền uy ngồi của cuộc triểm lãm, người viết bài cho rằng quyền lực và quyền uy là 2 khái niệm, giống nhau ở chữ quyền, nhưng lại khác nhau ở chữ lực, chữ uy, nhất là trong thế giới hiện đại, khi các thang bậc giá trị có nhiều thay đổi so với thế giới cổ đại.
Quyền lực là vị thế, vị trí, địa vị xã hội phân công cho con người được sử dụng quyền lực đó. Nhưng quyền uy lớn hơn thế và đòi hỏi dụng công hơn nhiều. Quyền uy là sự tổng hợp của một loạt điều kiện: Quyền lực + tài năng+ nhân cách+ uy tín+ hiệu quả cách sử dụng quyền lực.
Như vậy, bản chất quyền lực là cái ghế. Bản chất quyền uy là con người ngồi trên cái ghế đó. Người có quyền lực muốn có uy phải hội tụ được nhiều năng lực, nhân cách cá nhân phục vụ cho xã hội, vì lợi ích chung. Bởi thực tiễn cũng cho thấy, ngay ở cơ sở, có không ít người có quyền lực, nhưng không hẳn đã có quyền uy. Thậm chí bị nhân dân ghẻ lạnh, coi thường.
Bộ máy Chính phủ mới với quyền lực được nhân dân tín nhiệm đề cử, được xã hội phân công, đang phải đối mặt trước vô vàn thách thức lớn.
Tình cờ, mới đây, trên VnE có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, và VTC News phỏng vấn GS. TS Nguyễn Minh Thuyết. Cả 2 trí thức có tên tuổi đều nhận định bên cạnh nhiều thuận lợi cũng có  những thách thức lớn đối với Chính phủ mới, trên con đường đưa đất nước vượt qua "vòng nguy hiểm" và phát triển vững chắc.
Tuy nội hàm của những thách thức có những điểm khác nhau, do mỗi người đứng ở góc độ lĩnh vực chuyên môn riêng, nhưng lại rất bổ sung cho nhau, khá đầy đủ và tường minh:
- Đó là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn Nhà nước...Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới Việt Nam khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm, tiếp tục rơi vào điểm nghèo, hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài.
- Là bảo vệ chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay.
- Là "bạo bệnh" tham nhũng đang biến tướng, ngày càng phức tạp với quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn.
- Là những nhóm lợi ích đã và đang chi phối xã hội ở nhiều lĩnh vực. Bộ máy Chính phủ phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời,  kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình, không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.
- Là bất bình đẳng gia tăng, và khát vọng dân chủ của nhân dân. Nếu không giải quyết tốt những điều này thì những bức xúc tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.
- Là đưa văn hóa, giáo dục ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, chấn hưng và phát triển nền tảng nhân văn, dân trí và đạo lý xã hội. Nếu không lo cho văn hóa, giáo dục hôm nay, thì đó là thảm trạng cho dân tộc ngày mai.
Chọn giải pháp nào để vượt qua các thách thức lớn phụ thuộc vào tầm nhìn xa của Chính phủ. Sáng 3/8/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã "tuyên ngôn" trước QH, cũng là trước quốc dân đồng bào về những định hướng chiến lược.
Nhưng có 2 giải pháp căn cốt không thể thiếu: Đó là
1) "Cơ chế, thiết chế" quản lý xã hội cần đổi mới tiếp tục, như lời hứa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc ông với tư cách ứng viên ĐBQH tiếp xúc cử tri Quận I (t/p. HCM).
2) Có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo các ngành từ vĩ mô tới cơ sở phải thực tài, có tâm, vì lợi ích chung. Có vậy, mới ra được chính sách đúng, phù hợp quy luật và thực tiễn khách quan.
Nhân dân đòi hỏi nhưng nhân dân rất công minh và công bằng. Người lãnh đạo nếu sống vì dân thực sự, đâu cần phải bia đá, tượng đồng mà họ luôn được dân tạc trong tâm thức. Đó chính là quyền uy tối thượng của quyền lực. Cũng là niềm hạnh phúc của người có quyền uy.

Nếu như các đại biểu Quốc hội nợ dân một lá phiếu bầu, thì Chính phủ mới và những thành viên có quyền lực cao và cao nhất nợ dân tới...2 lá phiếu bầu. Món nợ lớn nhất, là những thách thức sừng sững phía trước, trên hành trình của cả dân tộc cần phát triển và hội nhập văn minh.
Quyền lực của Chính phủ đã có. Còn quyền uy của Chính phủ, phụ thuộc vào tài năng, tầm nghĩ chiến lược, vào khí phách và bản lĩnh một Chính phủ "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân"
Gọi đúng tên... biểu tình
Chiều ngày 2/8/2011 mới đây, một bản tin ngắn trên VietNamNet v à tr ên nhi ều t ờ b áo kh ác đã khiến bạn đọc phải chú ý. Người viết bài này đọc đi đọc lại, bỗng rưng rưng. Đó là "Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước".
Thông tin cho biết, tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành uỷ Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nhận định các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội thời gian qua là mang tính chất yêu nước.
Đây là thông tin chính thức đầu tiên của cơ quan chức năng. Chính vì thế, nó được sự hoan nghênh, đồng thuận của đông đảo nhân dân và bạn đọc.
Sự thông báo, đánh giá về các cuộc "tụ tập tự phát" được công khai và nhìn nhận từ ông GĐ Công an Hà Nội, chính là việc gọi đúng tên... biểu tình. Bởi Hiến pháp 1992 (Điều 69, chương V) quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật", cho dù trong thực tế đến nay QH chưa ban hành Luật Biểu tình.
Nhưng lòng yêu nước của người dân, trước chủ quyền Tổ Quốc bị đe dọa thì không thể đợi.!
Cũng bởi một điều muôn thuở của mọi quốc gia- luật pháp nhiều khi đi sau thực tiễn, " cây đời mãi mãi xanh tươi" là như vậy đó!
Ông Nguyễn Đức Nhanh (phải) tại cuộc họp báo.
Thông tin cũng cho biết, trước dư luận và kiến nghị của một số công dân, trí thức đề nghị trả lời về việc, một số người tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc ngày 17/7, đã bị các lực lượng công an thành phố "đàn áp thô bạo", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP xác minh, điều tra và kết luận: Không có căn cứ xác định công dân Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát ngày 17/7.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: "Công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình".
Xã hội đang tiến tới sinh hoạt dân chủ, công khai, minh bạch. Sự minh bạch cần cả lời nói lẫn hành động. Có thế, lòng dân mới bình an, và xã hội mới mạnh được.
Chắc chắn, sự công khai thông tin, đánh giá các cuộc biểu tình yêu nước chưa thể khép lại những quy định về quyền công dân. Trái lại, nó mở ra hàng loạt vấn đề mới mang tính pháp quy của một xã hội,một đất nước trước sinh tử, trước sự phát triển, đòi hỏi Chính phủ mới phải bàn thảo và quyết định.
Thất thu, bội thu và... những phát ngôn ấn tượng
Trong tuần này, ngành giáo dục một lần nữa "thất thu" ở các kỳ thi tuyển quốc tế và trong nước khiến  báo chí tốn biết bao nhiêu giấy mực, và người dân thêm một lần nữa... thất vọng.
Ngoài nước, ở bộ môn thuộc KHTN, Đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olimpic Toán quốc tế (IMO 2011) với 6 thành viên chỉ đoạt 6 huy chương đồng, xếp hạng 31/101. Đây cũng là thành tích kém nhất trong 35 năm dự giải, của bộ môn luôn được coi có thành tích cao khá ổn định. Điều bi hài xảy ra là đúng lúc Viện Toán cao cấp vừa ra đời.
Trong nước, ở môn thuộc KHXH, tiếp theo môn Văn, đến môn Lịch sử được học sinh "nói không". Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH 2011, không chỉ tỷ lệ học sinh dự thi vào khối C có 6%, thấp nhất so với các khối khác, mà kết quả thi môn sử thật thảm hại- hàng nghìn bài thi bị điểm 0!
Đó là sự thất thu rõ nhất của ngành. Còn có gì bội thu?
Vẫn có: Đó là tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao đáng ngờ. Là căn bệnh thành tích không hề thuyên giảm, tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Là số trường ngoài công lập mọc lên như nấm, tuột khỏi sự kiểm soát của ngành. Là bằng rởm của vô số cán bộ các địa phương...
Như một lẽ thường tình, cả xã hội, từ cán bộ quản lý Nhà nước,  quản lý giáo dục, nhà sử học, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh cho đến thường dân, tất cả "tay dao, tay kéo" mổ xẻ con bệnh có tên Toán (IMO 2011) và Lịch sử, mặc dù 2 con bệnh này rõ ràng là vô tội.
Bác sĩ nào, y sĩ nào chẩn bệnh và cho thuốc, cũng trúng hết. Nào là chính sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực KHXH- NV, chính sách khuyến khích tuyển thẳng ĐH không có. Nào là tuyển chọn đội tuyển có vấn đề. Nào là chính trị hóa chương trình lịch sử. Nào là phương pháp giảng dạy khô khan, cứng nhắc. Nào là cách ra đề khiến trò phải học thuộc lòng...
Bao nhiêu loại thuốc, bao nhiêu thang thuốc, không biết 2 con bệnh này có kịp ngấu không, dù nó biết rõ mình chẳng có bệnh gì. Bệnh là ở... những người đang chẩn, thì họ lại không chịu thừa nhận!
Duy nhất, mỗi một người rất lạc quan. Người đó là Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận.
Lý giải nguyên nhân cho các nhà báo, ông Phạm Vũ Luận chia ra 3 phần sáng tỏ, và dành cho "thời đại" phần nhiều:
- Điểm sử thấp không phải chỉ là chuyện của Việt Nam, mà là chuyện của thời đại
- Học sinh thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam không phải là vấn đề vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề...xã hội
- Còn chuyện do dạy và học, cũng có khía cạnh đúng, nhưng nếu đổ hết cho dạy và học thì lại là chuyện khác(!)
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận
Bỗng nhớ tới Kỳ họp QH khóa trước. Khi nói về trách nhiệm với con tàu Vinashin, một vị Bộ trưởng đã chia đều cho tất cả các bộ, các ngành, trừ bộ của ông. Cả hội trường QH cười ầm. Cái cười vì sự ngụy biện
Nếu là chuyện của thời đại, thì những nước do công nghệ thông tin, kinh tế phát triển, học sinh của họ có ghẻ lạnh với sử, có hàng ngàn điểm 0 về sử như ở ta không?
Nếu là chuyện của xã hội, vì không địch nổi phim Tàu, hàng Tàu....thì cũng vẫn nên xem lại chất lượng dạy- học sử của giáo dục, vì quá kém nên yểu mệnh.
Có một phát ngôn khác, của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ. Xin được trích nguyên văn : "Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi ĐH vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 (môn Sử) là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường"
Liệu có bình thường không khi học sinh không có chút kiến thức tối thiểu về lịch sử sau 12 năm đèn sách, đến mức hàng ngàn điểm 0 ?
Lại nhớ, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, đại ý, ông không muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình.
Nhưng chắc chắn, với hàng ngàn điểm 0 của học sinh trong môn lịch sử, đã tạo một ấn tượng sâu sắc...xấu thêm cho ngành giáo dục.
Hay bởi học sinh ta không cần học... lịch sử thật? Bởi có câu ca dao đời mới vừa buồn cười vừa chí lý khi luận về học Sử ta :
Nếu mà không thuộc thì tra Gúc gồ" (Google)!
 

“Chính sách tiền tệ chặt chẽ”: Tư tưởng lớn gặp nhau?

Không hẹn mà gặp, trả lời phỏng vấn ngay sau khi Chính phủ mới ra mắt, cả tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đều sử dụng cụm từ "Chính sách tiền tệ chặt chẽ".
Từ trước tới nay, chúng ta chỉ quen nghe "chính sách tiền tệ thắt chặt". Cái gì nghe lâu cũng thành quen và chấp nhận nó như là một chân lý, dù lắm khi cái "lý" đó chưa chắc đã là "chân".
Trong tiếng Anh, cụm từ tương ứng với "chính sách tiền tệ thắt chặt" là "tighten monetary policy". Về mặt ngôn ngữ đơn thuần, cách chuyển ngữ như thế là chính xác và không có gì đáng phải bàn cãi. Nhưng, điều đáng nói ở đây là vấn đề tư duy. Tiếng Việt của chúng ta vốn rất phong phú về mặt ngữ nghĩa, nên có những cụm từ mà nếu chỉ thoáng nghe qua thì tưởng chừng như không có gì khác biệt nhưng nếu ngẫm kỹ thì lại không hẳn như vậy.
Trong tiếng Việt, khi nói đến "thắt chặt", theo nghĩa đen, người ta nghĩ ngay đến hành động siết (thít) một vật gì đó cho thật chặt. Còn "chặt chẽ" lại bao hàm một ý nghĩa rất khác biệt, là "gắn kết, khăng khít" (ví dụ: quan hệ chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ,..) hoặc là "sát sao, nghiêm ngặt" (ví dụ: chỉ đạo chặt chẽ, giám sát chặt chẽ,...).
Trên thực tế, mỗi khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện "chính sách tiền tệ thắt chặt" thì các doanh nghiệp đều "nghẹt thở", thậm chí có không ít doanh nghiệp bị "tắc thở"! Điều này cũng dễ hiểu vì mục tiêu của "chính sách tiền tệ thắt chặt" là nhằm giảm mức lạm phát thông qua việc giảm lượng cung tiền trong lưu thông. Hệ quả là các doanh nghiệp phải chấp nhận đi vay với mức lãi suất cao ngất ngưởng hoặc thậm chí không thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, việc thực thi "chính sách tiền tệ thắt chặt" đòi hỏi phải hết sức khéo léo, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn như: đẩy các tổ chức tín dụng vào cuộc đua tăng lãi suất; tạo áp lực lên tăng trưởng và việc làm; gây trở ngại đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp; sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản;... Vì vậy, thực thi "chính sách tiền tệ thắt chặt" không đơn thuần chỉ là việc "siết cho cho thật chặt" lượng cung tiền, mà là phải điều tiết nó như thế nào cho hợp lý. Có như vậy thì mới giảm thiểu được những mặt trái của "chính sách tiền tệ thắt chặt".
Người viết hoàn toàn tán thành với quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn- Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, rằng "chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ có hiệu quả một khi có sự phối hợp đồng bộ của chính sách tài khóa".
Thực tế trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến "chính sách tiền tệ thắt chặt" không đạt được mục đích như mong muốn là do tình trạng "đồng sàng dị mộng", thậm chí là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, trong khi thực thi chính sách tài khóa là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Như vậy, để đạt được mục tiêu chung là ổn định và phát triển kinh tế, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Khi trả lời phỏng vấn, ông Vương Đình Huệ cũng đã đề cập đến sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Về phần mình, dù không nói rõ vấn đề này, nhưng qua cách thể hiện cũng có thể thấy ông Nguyễn Văn Bình rất tán đồng quan điểm của ông Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, để có thể biến quan điểm đó thành hiện thực, thiết nghĩ hai vị "Tư lệnh" của ngành Tài chính và Ngân hàng cần xây dựng được một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Người viết tin rằng, là những người được đào tạo bài bản (cả hai ông đều là Tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài) và bước đầu thể hiện "tư tưởng lớn gặp nhau", hai vị tân "Tư lệnh" của hai ngành trọng yếu của nền kinh tế sẽ tìm được tiếng nói chung trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Còn quá sớm để có thể đánh giá về những đổi mới tích cực trong điều hành chính sách của hai vị tân "Tư lệnh". Nhưng có một điều chắc chắn, đó là khi "bản hợp xướng" của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được tấu lên một cách bài bản, nhịp nhàng thì triển vọng của một nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững sẽ trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Vâng, chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất và chúng ta hãy cùng chờ xem.

Hai câu hỏi của nhà sử học và thông điệp của Tân Thủ tướng

Câu thứ hai mà đại biểu Quốc định hỏi lần trước là: "Thưa Thủ tướng, trong khi thực thi quyền năng của mình, có lúc nào ông thoáng tự hỏi: mình sẽ để lại dấu ấn gì trong lịch sử, hoặc rồi đây lịch sử sẽ viết về mình như thế nào?".
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 12, đại biểu Dương Trung Quốc cứ tiếc mãi là ông bấm nút chậm nên bỏ lỡ cơ hội (mà ông nghĩ là cuối cùng) để chất vấn thủ tướng, bởi lúc đó ông đã là đại biểu nhiệm kỳ thứ hai.
Thế nhưng, lịch sử đã rất "sòng phẳng" với nhà nghiên cứu lịch sử có trách nhiệm này, khi trao cho ông thêm một cơ hội. Ông đã được đề cử bởi cơ cấu dành cho người ngoài Đảng, và được cử tri bầu lại, bởi vai trò của ông trong hai nhiệm kỳ trước được họ đánh giá là hiệu quả. Và như vậy, ông lại có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi cho chính người ông tưởng đã bỏ lỡ chất vấn ở lần trước.
Câu hỏi đầu tiên của đại biểu Quốc liên quan đến nhận định của một bài báo trên tờ nhật báo kinh tế - tài chính uy tín hàng đầu của Nhật Bản là Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) là "Không có một nước Đông Nam Á nào, ngoài Việt Nam, lại bị cuốn sâu vào nền kinh tế Trung Quốc như vậy." Ông Quốc muốn hỏi rằng "nhận định của tờ báo Nhật Bản ấy theo Thủ tướng có đáng tin không, và chính phủ đã và sẽ làm gì để chúng ta vừa khai thác được nguồn lực tích cực trong hợp tác làm ăn với Trung Quốc mà không rơi vào sự lệ thuộc?"
Chắc phải tới kỳ họp cuối năm, ông Quốc mới có thể nêu câu hỏi này. Tuy nhiên, theo người viết, bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phần nào trả lời câu hỏi đó. Mặc dù, theo cách gián tiếp.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Thủ tướng phát biểu nhậm chức. Ảnh Lê Anh Dũng
Xét cho cùng, quyết tâm tái cấu trúc một nền kinh tế và thay đổi một mô hình tăng trưởng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô và gia công ở trình độ thấp, chính là cách bài bản nhất dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hoá chất lượng thấp từ Trung Quốc, cũng như cái thị trường chỉ khuyến khích việc xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô, với hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Ông Dũng nói: "Để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu, hiện đang là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững."
Ba điểm nghẽn mà ông xác định là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng - điều mà các chuyên gia và giới doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, đã nêu ngay từ khi ông trở thành phó thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên. Việc cho tới nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình ông Dũng mới chọn ba điểm nghẽn này để tạo đột phá cho thấy chúng, đồng thời, cũng là những thách thức lớn như thế nào. Nhất là thể chế - tiền đề cho hai đột phá còn lại.
Câu thứ hai mà đại biểu Quốc định hỏi lần trước là: "Thưa Thủ tướng, trong khi thực thi quyền năng của mình, có lúc nào ông thoáng tự hỏi: mình sẽ để lại dấu ấn gì trong lịch sử, hoặc rồi đây lịch sử sẽ viết về mình như thế nào?".
Người viết tin rằng chắc chắn ông sẽ hỏi. Nhưng vấn đề là thời điểm nào, người viết tò mò.
Thời điểm kỳ họp quốc hội cuối năm nay chưa hẳn đã phù hợp. Bởi, những gì Thủ tướng và Chinh phủ của ông làm được trong 5 năm tới sẽ là một câu trả lời rõ ràng nhất. "Nói trước bước không qua", các cụ bảo vậy.
Hơn nữa, ông Nguyễn Tấn Dũng có một thuận lợi rất lớn, cũng như hầu hết các nguyên thủ ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, để lặng lẽ để lại "dấu ấn" của mình, là có cơ hội tốt nhất và không gian rộng rãi nhất để hoàn thiện các mục tiêu chính sách của mình. Ông không phải lo lắng về chuyện tái cử.
Như vậy, người viết chỉ cầu mong, trong 5 năm tới, nhà sử học kiêm đại biểu Dương Trung Quốc, người thỉnh thoảng vẫn thấy mặc quần soóc đi đi xe đạp ngoài phố với chiếc cần câu kẹp vào booc-ba-ga, cố giữ gìn sức khoẻ. Để kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 thật "nhanh mắt, nhanh tay" mà bấm nút.
Để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước 
- "Mong Chính phủ sớm tạo ra các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển, từ đó góp sức giữ được chủ quyền biển đảo", ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều nay (5/8) về kinh tế - xã hội.
Tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp này, hầu hết các ĐBQH đều phản ánh những bức xúc của người dân về lạm phát, đời sống khó khăn.
Giữ chủ quyền: Để dân bám biển
Đại diện cho cử tri Khánh Hòa, ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân xoáy vào phân tích giải pháp của Chính phủ về các hành động cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình phức tạp, căng thẳng hiện nay.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân: Đề nghị Chính phủ nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế các vùng biển đảo
Theo ĐB Nguyễn Tấn Tuân, đây là một tư tưởng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, để một mặt vừa phát triển kinh tế, mặt khác bảo đảm ổn định xã hội và giữ vững được chủ quyền quốc gia.
Thời gian qua, người dân Khánh Hòa và cử tri cả nước rất bức xúc trước tình trạng ngư dân bị xua đuổi, bắt bớ. Trung Quốc có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hoan nghênh Chính phủ kịp thời báo cáo Quốc hội và xác định quan điểm phải giữ vững an ninh quốc phòng, ĐB Tuân đề nghị Chính phủ nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế các vùng biển đảo. Đây là giải pháp lâu dài để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông phân tích, nếu Chính phủ tạo ra được các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo thì người dân sẽ có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển, từ đó góp sức giữ được chủ quyền biển đảo.
Chủ trương đã có, điều mà người dân trông đợi, đó là Chính phủ có những hành động cụ thể.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, người dân rất có nguyện vọng được thể hiện tình yêu nước bằng những việc làm thiết thực. Tất cả những hành động vừa qua dù là tự phát hay tự giác, theo ông Tuân, đều chỉ để bày tỏ tinh thần yêu nước.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Chính phủ phải có bàn tay sạch
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, trước diễn biến phức tạp vừa qua, Chính phủ đã nêu ra một bản báo cáo hoành tráng trước Quốc hội và chủ động đưa ra biện pháp ứng phó. Điều người dân chờ đợi giờ đây là những kết quả cụ thể hơn - giữ vững được chủ quyền.
Làm thủy điện không được vượt rào
Liên quan đến vấn đề nóng thời gian qua là các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ nên tiếp tục thận trọng với các dự án hủy hoại môi trường.
Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), mặc dù thủy điện cung cấp tới 60% sản lượng trong lưới điện quốc gia, nhưng phải cân nhắc giữa được và mất.
Quá trình xây dựng các dự án vừa qua hình như đã vượt rào vì chiếm dụng diện tích đất rừng rất lớn. Đặc biệt, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã xâm phạm vào diện tích vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận.
Ông Vở cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc dự án này. Lập hội đồng thẩm định cấp nhà nước và báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
"Làm thủy điện nhưng không được phép vượt rào", ông Vở kiến nghị.
Ngoài ra, cả ĐB Trương Văn Vở và ĐB Nguyễn Bá Thuyền đều kiến nghị Chính phủ xem xét việc xây dựng, nâng cấp đường xá vận chuyển bô-xít. Tháng sau, nhà máy sẽ xây dựng xong, nhưng đường xá chưa được sửa chữa, nếu tiếp tục vận chuyển trên tuyến đường cũ sẽ gây ra tình trạng quá tải và tiềm ẩn nhiều hiểm họa tai nạn giao thông.
Ông Vở đề xuất, chừng nào Chính phủ chưa nâng cấp tuyến đường thì chưa nên tiến hành vận chuyển.
ĐB Nguyễn Thị Khá: Lao động không có bảo hiểm là tình trạng phổ biến ở nhiều khu công nghiệp
Ngoài những vấn đề nóng nêu trên, đa số ĐBQH đều tập trung phân tích câu chuyện lạm phát đánh vào nồi cơm người nghèo.
Ví dụ điển hình nhất là số vụ đình công đã tăng 150% so với cùng kỳ. Đời sống người lao động ngày càng đi xuống làm mất đi niềm tin của người dân vào tăng trưởng kinh tế.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn lại câu chuyện đau lòng về vụ hỏa hoạn ở Hải Phòng. Đa số lao động nữ không có bảo hiểm. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều khu công nghiệp, không riêng Hải Phòng.
Đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều ĐBQH cho rằng, nên làm rõ tiêu chí cắt giảm các dự án đầu tư công. Một mặt, giãn và giảm dự án chưa cấp thiết nhưng mặt khác vẫn nên tập trung đầu tư cho các công trình dân sinh, nhất là về giao thông, y tế, giáo dục…
Sáng mai (6/8), các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Các vị tân bộ trưởng sẽ được mời để làm rõ thêm những vấn đề mà ĐBQH đặt ra trong nhiều ngày qua tại các phiên thảo luận tổ và hội trường.

                            Chính phủ phải có bàn tay sạch
"Dân muốn Chính phủ có trái tim nóng bỏng nhiệt huyết nhưng phải giữ được cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ phải quyết tâm chống được tham nhũng.
… Qua báo chí, tôi thấy các tân bộ trưởng đã đưa ra những lời hứa rất hay, cử tri mong những lời hứa này sẽ biến thành hành động cụ thể. Nếu không thực hiện được thì phải tuân thủ văn hóa từ chức".
 ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng

'Không để họ làm mình làm mẩy'đại biểu QH lo lắng việc DNNN "làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ".
Tăng giá ở chỗ nhạy cảm
Trong khi đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều đại biểu QH vẫn lo ngại về lạm phát.
Thực tế, chúng ta đã làm khá quyết liệt, nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà nói. Việc tăng giá lại ở những chỗ nhạy cảm: nông sản, thực phẩm…
ĐB Đỗ Mạnh Hùng: Tập đoàn lãi hay lỗ?
Với cùng một số tiền, tháng 6 năm ngoái có thể mua được một cân thịt lợn thì đến thời điểm này, chỉ còn được hơn nửa cân thịt, ĐB Trần Quang Chiểu, thành viên UB Tài chính - Ngân sách của QH dẫn chứng.
Điều này, theo ông Chiểu, cần hết sức chú ý quản cho chặt, vì gắn với an sinh và đời sống người dân.
Nghị quyết 11 được thế giới đánh giá cao nhưng thực tế lạm phát vẫn gia tăng, nhập siêu vẫn cao và ngân sách vẫn bội chi. Do vậy, cần nghiên cứu thấu đáo các giải pháp của Chính phủ trong những tháng cuối năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.
Theo đại biểu phân tích, lạm phát Việt Nam có những nguyên nhân chủ quan mà chúng ta phải tập trung khắc phục, nhất là khả năng dự báo tình hình hạn chế.
Vì dự báo không chuẩn, dẫn đến tình trạng như ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) nêu, mục tiêu đề ra không thực tế, chỉ tiêu tăng trưởng đề ra “không thể thực hiện được”.
Bên cạnh đó, theo TS Ngân, từ khu vực sản xuất đến tay người tiêu dùng, nhiều mặt hàng tăng giá gấp 3 lần, chứng tỏ khâu lưu thông phân phối đã bị buông lỏng.
Vừa nhận chiếc ghế nóng lo chuyện ngân sách, tiền bạc quốc gia, vị Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận định, việc tăng giá của Việt Nam nhiều khi yếu tố tâm lí, đầu cơ còn vượt trên các yếu tố kinh tế. Vì thế, các giải pháp càng cần phải quyết liệt, tập trung.
Hiện nay chúng ta chủ trương thắt chặt tài khóa - tiền tệ, thế nhưng, ngay đầu năm 2011, lại cho tăng giá một số mặt hàng, tăng lãi suất… Vì thế, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm bước đi, lộ trình thực hiện.
Theo ông Vương Đình Huệ, để chống lạm phát, chính sách tiền tệ phải đi trước, tiên phong và chủ lực. Trong khi đó, chính sách tài khóa là chất dẫn thuốc, là kẹo ngọt để giảm vị đắng cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải lưu ý, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cần tới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chung tay cùng với Chính phủ chứ mọi vấn đề không thể giải quyết chỉ từ Trung ương được.
"Không phải họ cứ kêu là được"
Nền kinh tế hiện nay như một người bệnh vừa cần được uống thuốc trị bệnh, vừa cần được bồi bổ sức khỏe, đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví von. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc “liều lượng điều hành”.
“Kém hiệu quả - lãng phí - tham nhũng là 3 căn bệnh lớn khiến nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, nhất là khi bên ngoài nóng lạnh thất thường”.
Bàn về các giải pháp của Chính phủ, từ kinh nghiệm thực tế ở các địa phương, các đại biểu lo tư duy cào bằng trong gói giải pháp hỗ trợ lẫn cắt giảm đầu tư công.
Phó đoàn ĐB Bạc Liêu, Nguyễn Hồng Thoại cho rằng đang có chuyện cắt giảm đầu tư hàng loạt. Có những dự án địa phương rất cần, vừa triển khai nhưng buộc phải cắt giảm, làm ảnh hưởng đến phát triển lâu dài.
“Thắt chặt đầu tư công, thắt chặt tiền tệ là đúng, nhưng phải cân nhắc ở mức độ nào. Nếu thắt chặt quá lại gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân”, ĐB Nguyễn Quốc Cường, Bắc Giang khuyến nghị.
“Cũng là giãn hoãn các công trình đầu tư công, nhưng không nên dàn đều, tập trung cho những công trình gần hoàn thành, 80-90% rồi, nếu hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, ĐB Đinh Thế Huynh nói. “Nếu dàn đều, tất cả sẽ dở dang, không công trình nào đưa vào phục vụ quốc kế dân sinh được”.
ĐB Trần Quang Chiểu, Nam Định lưu ý, chính sách điều hành sắp tới phải chọn lọc, thận trọng, không nên cào bằng. Hiện nay, ông Chiểu cho rằng, có cảm giác, tất cả các ngân hàng thương mại đang được chia một chỉ tiêu dư nợ tín dụng như nhau. Việc điều hành máy móc, dàn đều khiến sản xuất đình trệ…
Chính sách tiền tệ siết là đúng, nhưng siết quá cũng như cho uống thuốc quá liều, bệnh dứt nhưng cơ thể không khỏe lại được, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Chuyện hỗ trợ cho DN sắp tới cũng như vậy. Đơn cử chính sách miễn giảm, giãn thuế cho DN kinh doanh chứng khoán, ông Chiểu cho rằng, ta cân nhắc, nhưng phải xem, lúc trước, bao nhiêu người nhờ chứng khoán trở thành tỉ phú, triệu phú đôla, mà ngân sách thu được bao nhiêu? DN sản xuất chưa thấy ai trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trong khi toàn những người giàu lên nhờ chứng khoán, bất động sản.
Việc hỗ trợ cần phải cân nhắc thận trọng, "không phải họ cứ kêu là được”, ông Chiểu nói.
DNNN: Không thể mãi vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Một mối lo khác của các đại biểu là khối DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng nói Quốc hội đã thảo luận và có hai cuộc giám sát lớn, nhưng tình hình chưa được cải thiện nhiều.
Ông đơn cử kì họp Quốc hội nào, có tập đoàn cũng báo cáo lỗ, nhưng khi cổ phần hoá lại báo cáo lãi hàng ngàn tỷ đồng.
Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả? Đây cũng là băn khoăn của tân Bộ trưởng Tài chính, với ngành điện và Petrolimex, mà ông đang yêu cầu báo cáo thêm thông tin.
“Cứ điều hành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà cứ lỏng lẻo như thế này thì các ông ý làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần hỗ trợ, cần tăng giá lại báo lỗ”, ĐB Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đình Quyền lại trăn trở, mô hình quản lý DNNN cho thí điểm mà thí điểm thì khung pháp lý lỏng, cho phép vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên mới có vấn đề như Vinashin.
Ông Quyền cho hay, theo thông tin từ UB Kiểm tra Trung ương, có những đơn vị trong tập đoàn này có triệu chứng như Vinashin.
“Đã đến lúc khung pháp lý về DNNN phải tổng kết để xem có tiếp tục duy trì DNNN không và nâng khung pháp lý thành luật”, ông Hùng khuyến nghị. “Không thể thí điểm mãi được”, nếu muốn tránh có những Vinashin phẩy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?