Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử Thủ tướng

 Với 94% số phiếu tán thành (470/500 đại biểu), ông Nguyễn Tấn Dũng đã được Quốc hội tiếp tục bầu làm Thủ tướng, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949, quê quán Cà Mau, là Thủ tướng đương nhiệm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Minh Thăng
Ông tham gia hoạt động trong quân đội từ nhỏ. Sau đó trong suốt thời gian công tác tại tỉnh Kiên Giang ông đã lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 1995, ông bắt đầu làm việc tại các cơ quan trung ương và lần lượt giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương…

Từ trái qua phải: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông là ủy viên Trung ương Đảng các khóa 6, 7, 8, 9, 10,11; ủy viên Bộ Chính trị khóa 8, 9, 10, 11. Trước khi được bầu làm Thủ tướng năm 2006, ông đã liên tục đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ khóa 10, 11. Năm 1998-1999, ông từng kiêm nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Dũng còn là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bà Nguyễn Thị Doan đã được bầu vào cương vị Phó Chủ tịch nước với tỷ lệ 95,2% (476/500 phiếu).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: Lê Anh Dũng
Bà Nguyễn Thị Doan, 60 tuổi, quê ở xã Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam, là Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2006-2011; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Bà là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Ông Trương Hòa Bình tiếp tục giữ cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với 96,2% số phiếu (481/500 phiếu).

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Trương Hòa Bình, 56 tuổi, quê ở Long Đước Đông, Cần Giuộc, Long An, là thạc sĩ luật. Ông là Chánh án TAND nhiệm kỳ 2006-2011; đại biểu Quốc hội các khóa 10,11,12, 13. Tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là ông Nguyễn Hòa Bình. Ông nhận được 93,8% phiếu bầu (469/500 đại biểu).

Tân Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình

Ông Nguyễn Hòa Bình, quê ở xã Hành Đức, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ông Bình năm nay 53 tuổi, là phó giáo sư, tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội khóa 13.
Ông từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), được điều động luân chuyển về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào tháng 5/2008. Sau đó, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ tháng 6/2010.
Sau khi bầu xong các chức danh trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đọc tờ trình về lãnh đạo cấp phó cũng như số lượng ủy viên các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội.


Tiểu sử Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
- Ngày sinh: 17/11/1949. Dân tộc Kinh
- Quê quán: Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
- Nơi ở hiện nay: 55 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội
- Trình độ học vấn: Đại học.

- Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật.
- Ngày vào Đảng: 10/6/1967. Ngày chính thức: 10/3/1968.
- Khen thưởng: Huân chương kháng chiến hạng 1; 2 Huân chương Chiến công hạng 3; 6 Danh hiệu Dũng sĩ; Huân chương Chiến sĩ giải phóng 1, 2, 3; Huân chương Hữu nghị hạng đặc biệt của Nhà nước - Hoàng gia Campuchia; Huân chương ISALA và Huân chương Vàng quốc gia của Nhà nước CHDCND Lào.
- Kỷ luật: Không
- Uỷ viên Trung ương Đảng khoá 6, 7, 8, 9, 10, 11.
- Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 8, 9, 10, 11.
- Đại biểu Quốc hội khoá 10, 11, 12,13.

Tóm tắt quá trình công tác:

Từ 11/1961 - 9/1981: Tham gia Quân đội, làm văn thư, liên lạc, cứu thương, Y tá, Y sĩ và Bổ túc chương trình Phẫu thuật ngoại khoa của Bác sĩ Quân y. Và đã qua các cấp bậc - chức vụ: Tiểu đội bậc trưởng, Trung đội bậc trưởng, Đại đội bậc phó, Đại đội bậc trưởng - Đội trưởng Đội phẫu thuật, Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng Đại đội Quân y (Bí thư Chi bộ Đảng) thuộc Tỉnh đội Rạch Giá.
Học khoá Sĩ quan chỉ huy cấp Tiểu đoàn - Trung đoàn và đảm nhiệm các nhiệm vụ: Thượng uý - Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 207 (Bí thư Đảng uỷ Tiểu đoàn) và Đại uý - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 152 (Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Trung đoàn) chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia. Thiếu tá - Trưởng Ban cán bộ (Phó Bí thư Đảng uỷ Phòng Chính trị) của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.
Từ 10/1981 - 12/1994: Học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội). Tỉnh uỷ viên - Phó Ban tổ chức Tỉnh uỷ Kiên Giang. Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang - Bí thư huyện uỷ Hà Tiên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang. Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Đại biểu HĐND tỉnh. Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, Bí thư Đảng uỷ Quân sự tỉnh, Đảng uỷ viên Đảng uỷ Quân khu 9.

Từ 1/1995 - 5/1996: Thứ trưởng Bộ Công an, Đảng ủy viên - Đảng ủy Công an Trung ương.

Từ 6/1996 - 8/1997: Uỷ viên Bộ Chính trị. Trưởng Ban kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của Đảng.

Từ 9/1997 - 6/2006: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ. Kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia; Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trưởng Ban chỉ đạo TW về Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước; Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm quốc gia; Trưởng Ban chỉ đạo TW về phòng chống tội phạm; Chủ tịch Hội đồng đặc xá Trung ương và Trưởng Ban chỉ đạo một số công tác khác.
Năm 1998 -1999: kiêm nhiệm nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.

Từ 7/2006 đến nay: Thủ tướng Chính phủ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng TƯ, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về giáo dục, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Trưởng Tiểu ban xây dựng Chiến lược Phát triển KT-XH 10 năm (2011-2020).


Báo nước ngoài viết về thủ tướng tái cử của Việt Nam

Thủ tướng tái đắc cử nhiệm kỳ hai của Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: AFP.

Các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều chờ đợi và rồi nhanh chóng loan tin ông Nguyễn Tấn Dũng tái cử chức Thủ tướng Việt Nam.

Dưới đây là trích bình luận của các hãng tin về sự kiện này:

Tân Hoa xã, Trung Quốc:

"Kỳ họp quốc hội khóa 13, cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam, đã tái bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
Có 94% trong số 500 đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành ông Dũng, ủy viên Bộ Chính trị thuộc Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Việt Nam".

Thông tấn Pháp AFP:

"Được xem như một nhà quản trị sắc bén và hiện đại hóa đảng Cộng sản Việt Nam, ... ông Dũng, 61 tuổi, cựu thống đốc ngân hàng trung ương, đã thu hút giới tinh hoa kinh doanh và chèo lái Việt Nam theo hướng cởi mở kinh tế.
... Ông Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam là chính trị gia hiện đại đầu tiên, xét trong hoàn cảnh châu Á", Benoit de Treglode, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok, bình luận. De Treglode nhận xét rằng ông Dũng là một hình mẫu kiểu như Lý Quang Diệu của Singapore, người đã hiện đại hóa Singapore.
De Treglode cho rằng ông Dũng thành công trong việc thu hút giới doanh nhân về phía mình, và có khả năng truyền thông với thế giới tốt hơn thế hệ trước. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Dũng, Việt Nam đã gia nhập WTO, cũng như củng cố quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ.

Đài tiếng nói Hoa kỳ VOA:

"Trong nhiệm kỳ đầu, ông Dũng đã dẫn dắt đất nước qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, gia nhập WTO. Nhưng năm ngoái, ông bị phê phán nhiều sau vụ vỡ lở ra những khoản nợ khổng lồ của công ty đóng tàu quốc doanh Vinashin.

Thông tấn Mỹ AP:

"Thủ tướng Việt Nam tái cử nhiệm kỳ hai trong khó khăn kinh tế.
"Ông Dũng, 61 tuổi, từng là thống đốc ngân hàng trung ương và vẫn được coi là người cải cách. Trong thời gian ông tại nhiệm kỳ một, kinh tế Việt Nam chịu nhiều khó khăn. Nước này đang vất vả chống nhập siêu và thâm hụt ngân sách, trong khi tỷ lệ lạm phát hai con số đang đánh vào người nghèo do giá cả thực phẩm tăng".

Bloomberg, Mỹ:

"Đảng đã lựa chọn duy trì ổn định" với việc chọn ông Dũng làm thủ tướng, ông Raymond Burghardt, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là giám đốc các chương trình hội thảo của Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii, nói. "Giữ ổn định ban lãnh đạo sẽ giúp tránh những hệ quả khó đoán trước, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ đặt niềm tin vào cách tiếp cận sẽ mang lại ưu đãi cho các công ty quốc doanh.
"Hồi tháng hai, ông Dũng đã thông qua nghị quyết thắt chặt tiền tệ và tài chính, giảm tỷ lệ tín dụng xuống dưới 20% và cắt giảm thâm hụt ngân sách.
"Việc ông ấy thực thi những bước đi có thể không được lòng nhiều người lại chính là một dấu hiệu tích cực", Matt Hildebrandt, nhà nghiên cứu kinh tế của JP Morgan Chase & Co., nhận xét. "Vấn đề bây giờ là liệu ông ấy có quyết tâm sử dụng uy tín của mình để đưa ra những quyết định khó khăn nhằm giảm tốc độ lạm phát và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư hay không?". 

Những kỳ vọng vào Thủ tướng

Kiềm chế lạm phát, giảm đà tăng giá lương thực, đẩy mạnh chống tham nhũng, cơ cấu lại các tập đoàn, phát triển kinh tế biển... là mong muốn của đại biểu Quốc hội, cử tri với Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (67 tuổi, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM): "Cách chức những người không hoàn thành nhiệm vụ".
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc. Ảnh: Tá Lâm.
Thứ nhất, tôi kỳ vọng Thủ tướng nhiệm kỳ mới sẽ đẩy mạnh chống lãng phí và lạm phát, trước hết là phải giảm chi tiêu công và hủy bỏ dự án đầu tư không hiệu quả. Hiện nay, chúng ta đang rất lãng phí trong quy hoạch và đầu tư. Nhiều quy hoạch không thực tiễn và chưa hợp lý gây lãng phí rất lớn.
Thứ hai, tôi mong Thủ tướng cải cách giáo dục để cho xã hội lành mạnh hơn. Hiện nay, tôi thấy bất an về thực trạng nền giáo dục của nước ta đang xuống cấp trầm trọng trong đào tạo nhân cách con người, dẫn đến nhiều hậu quả xã hội.
Thứ ba, tôi kỳ vọng Thủ tướng mở rộng hành lang pháp lý để khoa học phát triển. Hiện nay khoa học của Việt Nam chưa đóng vai trò là động lực phát triển đất nước, của các doanh nghiệp. Mong Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc, cống hiến và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và quốc phòng của đất nước.
Tôi đề nghị Thủ tướng và Chính phủ cách chức những người nào không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời phải lựa chọn những người có tâm huyết và có năng lực để phát triển đất nước.
Chị Nguyễn Thị Nhã (25 tuổi, quận 9, TP HCM): "Kỳ vọng Thủ tướng sẽ đi thực tế nhiều hơn".
Chị Nguyễn Thị Nhã. Ảnh: Tá Lâm.
Tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian đi thực tế, xuống tận nhà lắng nghe ý kiến của người dân. Nhiều vấn đề dân kêu, chính quyền hứa, chúng tôi mong mỏi, chờ đợi rồi hy vọng, nhưng mãi vẫn không giải quyết được như ngập nước, ô nhiễm môi trường...
Tôi mong Thủ tướng một lần đi chợ sẽ thấy được giá cả leo thang như thế nào. Một ngày không đi chợ thấy giá cả đã thay đổi chóng mặt rồi. Ngày trước 8.000-10.000 đồng tiền mua rau là ăn hoài không hết, bây giờ phải 17.000-18.000 đồng có khi còn không đủ. Các vị lãnh đạo phải có quyết sách kìm giá để người dân bớt khổ.
Đại tá, bác sĩ quân y Lê Quang Toản (83 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội): "Không cần tăng lương, chỉ mong giá lương thực, thực phẩm giảm"
Điều tôi chờ đợi ở Thủ tướng khóa mới là làm sao giữ được giá cả ổn định. Giá lương thực, thực phẩm ổn định mới là điều quan trọng chứ không phải tăng lương, vì lương có tăng bao nhiêu thì cũng không bù được trượt giá hiện nay. Tình hình an ninh đất nước trong thời gian qua có một số vấn đề. Tôi mong Chính phủ không tiếp tục để xảy ra thêm vụ việc nào tương tự như vụ Mường Nhé vừa qua.
Ảnh: Tá Lâm.
PGS Lê Kế Lâm. Ảnh: Tá Lâm.
PGS.TS Lê Kế Lâm (Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP HCM): “Cơ cấu lại nền kinh tế biển”.
Tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có kinh tế biển. Năm 2020, kinh tế biển dự báo chiếm 53-55% GDP, nên ngay bây giờ, cần phải có bước thăm dò, điều tra lại thực trạng nền kinh tế biển để có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm…
Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta có phát triển nhưng chưa bền vững (bán tài nguyên, sản phẩm thô, xuất khẩu lao động phổ thông...). Chính phủ phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, gắn kết được phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Tôi cũng mong Thủ tướng quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng thì rất khó huy động được sức mạnh của toàn dân.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: "Không để lặp lại những vụ như Vinashin"

ong kiem
Ông Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Tiến Dũng.
Tôi hy vọng rằng Thủ tướng sẽ điều hành Chính phủ tốt hơn, hiệu lực và tập hợp được lực lượng nhiều hơn. Đấy là hy vọng không chỉ của riêng tôi mà của tất cả cử tri và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Theo tôi, có 2 việc rất quan trọng với Thủ tướng, đầu tiên là bắt tay vào chống lạm phát vì muốn cho sản xuất ổn định, đời sống được giữ vững, tình hình phát triển bền vững thì phải giải quyết vấn đề này. Nếu không giải quyết được lạm phát thì tất cả các mục tiêu ấy sẽ rất khó khăn. Xa hơn là phải cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới cơ cấu, xem xét hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lực và hoàn chỉnh hệ thống thể chế.
Vinashin không phải là vấn đề của riêng nó mà là của các tập đoàn ở nước ta. Việc giải quyết cũng phải rất hệ thống và cơ bản. Thứ nhất là phải xác định lại nhiệm vụ, chức năng của tập đoàn. Thứ hai là rất chú ý tới công tác nhân sự. Thứ ba là tăng cường, kiểm soát tập đoàn này. Đây là "địa chỉ" tiêu tiền nhà nước lớn nhất nhưng cũng có đóng góp, là vị trí trụ cột của đất nước. Nếu để lỏng, không kiểm soát được hoặc có những rủi ro, lực lượng này có thể làm cho kinh tế đất nước suy giảm rất nhanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?