Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Bốn sao sáng có được phong NSND?

Phong tặng thì tôi nhận, còn xin thì không.

 NSƯT Bảo Quốc đã khẳng định như vậy, dù ông có 2 HCV hội diễn, đủ tiêu chuẩn xét tặng NSND

* Phóng viên: Vì sao ông không làm thủ tục xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đợt này trong khi ông có đủ tiêu chuẩn, không cần phải xin đặc cách như các nghệ sĩ Kim Cương, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy?
- NSƯT Bảo Quốc: Tôi không làm thủ tục là vì nhận thấy sự bất hợp lý trong quy định về thủ tục hồ sơ xét tặng. Tôi đồng ý khi xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ phải khai rõ thành tích, còn khi xét phong tặng NSND, không nên đòi hỏi chúng tôi phải tự làm bản kê khai thành tích cá nhân. Cơ quan quản lý Nhà nước, hội chuyên ngành địa phương đã nắm rõ hoạt động, thành tích của chúng tôi sau khi được phong tặng NSƯT.
Cả hai cơ quan này cũng có thể yêu cầu chính quyền địa phương nơi nghệ sĩ cư trú nhận xét nhân thân nghệ sĩ chứ không nên bắt nghệ sĩ đến địa phương xin nhận xét về mình. Tại sao nghệ sĩ phải khai thành tích và xin được xét tặng danh hiệu NSND? Lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó, vì như vậy sẽ rất tổn thương cho danh dự nghệ sĩ nếu không được xét tặng. Danh hiệu NSƯT, NSND của Nhà nước phong tặng là rất cao quý đối với nghệ sĩ. Được phong tặng thì tôi nhận, còn xin thì không.
NSƯT Bảo Quốc và NSƯT Hồng Vân trong vở Thị Mầu. Ảnh: Thanh Hiệp
* Người đủ tiêu chuẩn như ông thì không chịu làm hồ sơ, trong khi các nghệ sĩ khác phải nằm trong danh sách xin đặc cách phong tặng NSND?
- Sáu nghệ sĩ được TPHCM xin đặc cách phong tặng NSND đợt này, gồm: soạn giả Viễn Châu (NSƯT Bảy Bá), NSƯT Kim Cương, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Hồng Vân đều là những người xứng đáng. Về tài năng thì khỏi phải bàn cãi, công chúng đều thừa nhận và nhìn thấy bề dày cống hiến của các nghệ sĩ này. Tôi biết mình đủ tiêu chuẩn nhưng thấy lòng tự trọng của mình bị thử thách. Nếu không có sân khấu kịch nói và tôi không bước sang để tự cứu mình thì làm sao tôi có được hai chiếc huy chương vàng hội diễn cấp quốc gia để đủ tiêu chuẩn.
Rõ ràng sàn diễn cải lương tối đèn quá lâu rồi, các anh chị nghệ sĩ đã từng đoạt danh hiệu NSƯT trên sân khấu cải lương làm sao có điều kiện tham gia biểu diễn những vai đào, kép chánh để có mặt tranh tài tìm kiếm huy chương vàng, bạc trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Hãy nhìn lại bề dày thành tích của bốn nghệ sĩ: Kim Cương, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy. Các nghệ sĩ đàn chị này có chị ngồi thường xuyên vào ghế hội đồng giám khảo, có chị là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trẻ nhưng phải đi xin đặc cách để được xét tặng danh hiệu, đó là điều không hợp lý. Ở tuổi như các chị, họ làm sao có cơ hội tìm vai diễn trung tâm để có thể tranh huy chương vàng, bạc. Nhất là gần đây có chủ trương ưu tiên xét trao huy chương cho đào, kép trẻ ở những loại hình nghệ thuật truyền thống nhằm trẻ hóa đội ngũ đào, kép chánh thì cơ hội kiếm huy chương cho nghệ sĩ lớn tuổi ngày càng xa vời.
Phân tích điều này để khẳng định quy chế xét tặng đòi hỏi nghệ sĩ phải có huy chương hội diễn cấp quốc gia, quốc tế là bất hợp lý.

Hơn 52 năm cống hiến cho sự nghiệp sân khấu, với bề dày thành tích đạt được từ sân khấu cải lương đến sân khấu kịch nói, NSƯT Bảo Quốc có đầy đủ tiêu chuẩn để được xét tặng NSND khi có được hai huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Hội diễn Sân khấu xã hội hóa toàn quốc.
* Vậy theo ông, khi xét tặng NSND không cần đến tiêu chuẩn huy chương?
- Có những cống hiến có giá trị gấp bội phần huy chương. Hãy nhìn lại những nghệ sĩ của khối biểu diễn nghệ thuật nói chung và lãnh vực sân khấu nói riêng. Được phong tặng danh hiệu NSƯT, họ càng nỗ lực làm việc và cống hiến nhưng họ không thể đi tranh huy chương vàng, bạc với lớp trẻ trong các kỳ hội diễn được nên mãi mãi họ không thể đủ tiêu chuẩn để xét phong tặng NSND.
Soạn giả Viễn Châu với ngón đàn độc đáo mà giới sân khấu ai cũng kính trọng. Ông góp phần tích cực vào sự định hình của âm nhạc cải lương Nam Bộ. Năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng ông vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSND. Tôi cho rằng Nhà nước, nhất là cơ quan quản lý của từng lãnh vực, phải nắm chắc thành tích và quá trình phấn đấu của từng NSƯT để đề xuất xét tặng NSND cho họ. Không thể cứ dựa vào tiêu chuẩn phải đạt huy chương vàng, bạc tại các hội diễn, liên hoan vì đó là điều không còn thích hợp.
Xét ở phương diện tác động đến công chúng, liệu có bao nhiêu vở diễn, vai diễn, sau khi đạt huy chương vàng, bạc các kỳ hội diễn được công diễn phục vụ công chúng và được công chúng đón nhận? Với quy chế cứng nhắc như thế đã gây sự bất bình trong dư luận nghệ sĩ qua nhiều đợt phong tặng các danh hiệu cao quý này. Tôi cho rằng TPHCM đến đợt này mới mạnh dạn đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu NSND cho sáu nghệ sĩ kể trên đã là quá chậm.
* Theo ông, còn những trường hợp nào bỏ sót cần được đặc cách?
- Ở lãnh vực sân khấu cải lương còn nhiều nghệ sĩ xứng đáng cần được đặc cách. Tôi nhận thấy trường hợp nghệ sĩ Trường Sơn, Bạch Long rất xứng đáng được đặc cách phong tặng NSƯT. Tương tự trường hợp NSƯT Hồng Vân nhưng NSƯT Thành Lộc thì chưa được đề nghị đặc cách lần này. Đó là điều đáng suy nghĩ. Bởi theo tôi, cả hai đều là gương mặt sáng giá đầy tài năng, đầy uy tín đối với sân khấu xã hội hóa ở miền Nam.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, năm năm mới có một đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, sự chuẩn bị mang tính chọn lọc của Hội đồng Xét duyệt danh hiệu TPHCM rất quan trọng. Xét từ chuyên ngành cơ sở đến hội đồng cấp TP, cấp Nhà nước là một quá trình dài nên có thời gian rà soát kỹ càng vì giá trị danh hiệu rất cao quý. Nếu chỉ làm theo cách đối phó cho có hoặc đặt vào đó sự thương ghét, thiếu công tâm của cá nhân người xét thì sẽ là điều không hay cho sự nghiệp phấn đấu chung của giới nghệ sĩ vì một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ sĩ Hồng Nga chưa được NSƯT (!)


Nghệ sĩ Hồng Nga nói có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) hay không thì vẫn phải tự bôn ba để nuôi sống bản thân và gia đình. Được khán giả thương là đủ hạnh phúc rồi!

* Phóng viên: Công chúng rất ngạc nhiên khi biết chị chưa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, trong khi hàng loạt thế hệ nghệ sĩ đàn em, học trò của chị có người đã được phong tặng danh hiệu này từ rất lâu rồi?
- Nghệ sĩ Hồng Nga: Cách đây 15 năm, tôi có làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSƯT nhưng rồi bị loại nên buồn quá không làm thủ tục xin nữa. Bây giờ đã là nghệ sĩ thuộc dạng thâm niên rồi, có danh hiệu NSƯT hay không thì vẫn phải tự bôn ba để nuôi sống bản thân và gia đình. Được khán giả thương nên 50 năm qua tôi vẫn sống khỏe. Vậy là đủ hạnh phúc rồi!
* Chưa nói đến thành quả của chị trên sân khấu trước năm 1975, sau 1975, chị gắn bó với Đoàn Văn công TPHCM, rồi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến Đoàn Cải lương 284 với các chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và bộ đội biên phòng vào những năm 1978-1979. Chị cũng từng đoạt huy chương vàng hội diễn toàn quốc. Những thành tích này không đủ để chị được phong tặng NSƯT sao?
- Cảm ơn nhà báo vì đã nhắc lại một giai đoạn đầy tự hào trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Thời mà còn rất khó khăn, tôi cùng với các nghệ sĩ Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Vương, Quốc Hùng, Thoại Miêu, Thanh Hải… lội suối, băng rừng, đem tiếng hát đến với bà con vùng sâu, vùng xa, các anh em chiến sĩ đứng gác ở các chốt tiền tiêu.
Tôi có đông con lắm, đó là các em chiến sĩ thời đó, họ còn rất trẻ, khi nghe tôi ca bài vọng cổ Bà mẹ miền Nam của soạn giả Viễn Châu, họ ôm tôi rồi khóc và gọi mẹ.
Nghệ sĩ Hồng Nga vào vai bà Tư trong vở Tiếng hò sông Hậu (HCV Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1978) Ảnh: THANH HIỆP
Nếu xét về mặt nghề nghiệp, tình cảm của công chúng mới lớn hơn những cái chuẩn danh hiệu mà ai đó đã đặt ra một cách cứng nhắc. Chúng tôi – những người nghệ sĩ cống hiến công sức cho nghệ thuật để mong đón nhận những tình cảm của công chúng.
Thứ tình cảm không phải “bỏ phiếu kín”, thứ tình cảm chan hòa từ cảm xúc của người nghe và người ca, nên dù có cực nhọc bao nhiêu chúng tôi vẫn tiến tới, không đòi hỏi quyền lợi, danh hiệu và lương bổng. Hai lần tham gia Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 1978 và 1985, tôi đâu nghĩ đến việc phải giữ lại huy chương vàng, bằng khen để “cộng điểm” xin xét tặng danh hiệu NSƯT.
Tôi chỉ biết thời đó, những vở tham dự hội diễn được giải bao giờ cũng diễn hơn 100 suất và cứ thế mà diễn, đến đỗi vai tuồng thấm vào trong hơi thở, mỗi ngày diễn một hay hơn. Những tác phẩm sân khấu cách mạng: Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Cây sầu riêng trổ bông… in dấu trong lòng tôi cho tới ngày hôm nay.
* Khi biết tin mình không được xét duyệt, chị có tìm hiểu nguyên nhân?
- Có chứ. Tôi nghe ngóng thông tin, thậm chí đi gặp các chú, các anh ở Hội Sân khấu TPHCM, Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM để xem mình khiếm khuyết điều gì. Trên thực tế, nhiều trường hợp có quá trình phấn đấu hơn tôi nhưng vẫn chưa được xét tặng danh hiệu, như: Nghệ sĩ - đạo diễn Bo Bo Hoàng, “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, nghệ sĩ Thanh Tú, nghệ sĩ Trang Bích Liễu, cố nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, cố nghệ sĩ Kim Ngọc… nên tôi cũng không bận tâm.
Nghệ sĩ Hồng Nga trong vở Mẹ yêu (HCV Hội diễn Sân khấu xã hội hóa 2008. Ảnh: Thanh Hiệp
Tôi thấy đến nay, chú bảy Viễn Châu (NSƯT Bảy Bá) mới được đặc cách xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) thì quá là chậm. Ở Hà Nội, khi NSƯT Lê Khanh được đặc cách phong tặng NSND lúc mới ngoài 40 tuổi, NSƯT Lan Hương ngoài 45 tuổi.
Còn phía Nam, nhìn lại sẽ thấy, sau thế hệ các nghệ sĩ: Phùng Há, Bảy Nam, Năm Châu, Ba Vân, Thành Tôn, Lương Đống… đến mấy anh sau này: Huỳnh Nga, Diệp Lang, Đinh Bằng Phi, Thanh Tòng, họa sĩ Phan Phan… được “ đặc cách” phong tặng NSND đều đã ở giai đoạn về chiều, tuổi cao sức yếu. Muốn tiếp tục cống hiến cũng không còn sức khỏe. Đã gọi là “đặc cách” thì cũng phải công bằng chứ, sao có nơi lại được ưu ái hơn? Và tại sao lại xem tiêu chuẩn huy chương vàng, bạc là yếu tố quyết định?
* Vậy theo chị, nên xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT theo cách nào cho công bằng?
- Tôi có biết đến một trường hợp mà khi xét duyệt danh hiệu NSƯT đợt 6/2005 bảng thành tích của anh chưa đầy một trang giấy trắng, nhưng nếu không có dòng chữ: “cha đẻ của hai bài bản cải lương Đoạn khúc Nam GiangPhi Vân điệp khúc” thì anh ấy rớt.
Gắn bó cả đời với sân khấu, tên tuổi chị được bảo chứng bằng hàng trăm vai diễn xuất sắc. Nghệ sĩ Hồng Nga là nữ nghệ sĩ duy nhất tổ chức được 4 live show ở tuổi 64.
Đó là NSƯT Văn Giỏi. Và nếu trong hội đồng xét duyệt đợt đó không có soạn giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, thì ai sẽ là người giải trình cho cả hội đồng hiểu giá trị thành tích của anh Văn Giỏi để bỏ phiếu thuận. Tại sao quá trình phấn đấu của một nghệ sĩ lại chỉ dựa vào kết quả bỏ phiếu của 12 thành viên trong hội đồng chuyên ngành, trước khi đưa lên Ban Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, mà cả phía Nam từ Huế vào Cà Mau, chỉ có mỗi soạn giả Lê Duy Hạnh đại diện.
Lá phiếu của anh Hạnh chắc chắn là am tường về sự phấn đấu và quá trình cống hiến của chúng tôi, còn 11 lá phiếu khác thì sao? Liệu họ có hiểu hết những gì về quá trình phấn đấu, sự cống hiến và sức hút của nghệ sĩ trong Nam đối với công chúng… Nghịch lý hơn là trước đợt tôi làm đơn xin xét duyệt danh hiệu NSƯT, các đồng nghiệp của tôi như: Thẩm Thúy Hằng, Nam Hùng, Hùng Minh, Mỹ Châu, Út Bạch Lan, Ngọc Hương, Diệu Hiền… không ai phải làm đơn xin và lập bản báo công huy chương vàng, bạc gì cả nhưng họ đều được xét tặng NSƯT. Vì sao sau này lại bày ra những thủ tục không hợp lý hợp tình này?

NSƯT Minh Vương:
Tôi thấy gian nan quá!
Cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND là tôi lại thấy buồn. Đợt này biết mình không đủ tiêu chuẩn nên tôi từ chối không làm hồ sơ. Trước đây, để đạt được danh hiệu NSƯT, tôi thấy gian nan quá nên khi nghĩ đến danh hiệu NSND, tôi cảm thấy quá xa vời.
Trên thực tế, 4 nghệ sĩ đàn chị: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy và soạn giả Viễn Châu đầy thành tích và công trạng như vậy mà vẫn nằm trong danh sách xin đặc cách thì sao có thể đến lượt tôi.
Chưa biết ai được ai không nhưng rõ ràng họ đã chịu một sự tổn thương rất lớn khi phải làm đơn xin.
Tôi trân quý tình cảm của công chúng khi mỗi đêm được đứng trên sân khấu, được nghe khán giả gọi mình là nghệ sĩ Minh Vương, bấy nhiêu đó cũng đủ làm tôi hạnh phúc.

Bốn sao sáng có được phong NSND?

Đó là các nghệ sĩ sân khấu thượng thặng: Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết. Họ thừa tài năng, thành tích nhưng lại thiếu những tấm huy chương hội diễn nên phải xin đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Sáu nghệ sĩ được TPHCM đề nghị Nhà nước đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần này ngoài nghệ sĩ Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), NSƯT Hồng Vân, có 4 gương mặt nổi tiếng của làng sân khấu từ nhiều thập niên qua mà khi nói đến bất kỳ ai cũng đều biết, đó là các nghệ sĩ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu. Vì sao phải đặc cách? Và liệu họ có được xét đặc cách cho lần phong tặng này?

Được công chúng công nhận, mến mộ

Giải thích vì sao phải xin đặc cách, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xét đề nghị cấp TP, nói: “Theo thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn xét duyệt danh hiệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 6 nghệ sĩ này thiếu huy chương. Nhưng tôi khẳng định họ thừa thành tích. Họ đều có tài năng đặc biệt xuất sắc, có uy tín trong giới và được công chúng công nhận, mến mộ.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết
Dù hiện nay họ đều đã ở ngưỡng tuổi 60 – 70 nhưng vẫn bền bỉ với nghề, vẫn là tấm gương sáng cho thế hệ diễn viên trẻ, đồng thời vẫn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của sân khấu nước nhà. Sức tác động của họ đối với công chúng rất lớn và cho đến thời điểm này, sự nỗ lực không ngừng của họ đã tiếp sức cho thế hệ trẻ sáng tạo trên con đường hoạt động nghệ thuật, mang lại cho sân khấu ca kịch dân tộc những thành tựu mới”.

Nghệ sĩ Kim Cương

Ông Nguyễn Thành Rum cũng cho biết việc đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ này có được sự đồng thuận rất cao, chiếm 100% số phiếu bầu của giới chuyên môn, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM.

Phân tích về mặt chuyên môn, tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận xét: “Lực diễn đa dạng, tạo hiệu ứng tốt qua mỗi vai diễn và có nhiều vai diễn để đời, 4 nghệ sĩ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy được xem là 4 ngôi sao sân khấu thượng thặng trong diễn xuất, có số đông quần chúng hâm mộ. NSƯT Kim Cương dù sau này ít tham gia biểu diễn nhưng chị đã được công chúng yêu mến qua những nỗ lực cống hiến trong các hoạt động từ thiện. Cá nhân chị đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Nghệ sĩ Lệ Thủy

NSƯT Bạch Tuyết nhiều năm liền tham gia hội đồng giám khảo các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tham gia giảng dạy, truyền nghề và thể nghiệm những sáng tác mới từ các vở: Diễn kịch một mình, Hoàng hậu 2 vua đến Độc thoại đêm, Lý Chiêu Hoàng và gần đây đã nỗ lực chuyển thể tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Ngục trung nhật ký diễn ca bằng nghệ thuật ca cải lương.

Có những giá trị lớn hơn huy chương

NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhận xét: “Đứng ở góc độ một đạo diễn, tôi thừa nhận 5/6 nghệ sĩ mà hội đồng TP đặc cách giới thiệu với hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND lần này là quá muộn đối với họ. Đúng lý, họ đã được đặc cách xét tặng danh hiệu cao quý này từ những đợt trước vì tài năng, sự cống hiến và uy tín của họ đối với công chúng.
Với 4 nữ nghệ sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và Lệ Thủy, họ là 4 ngôi sao sáng chói của bầu trời nghệ thuật phương Nam. Sức hút của họ đối với khán giả vẫn còn rất lớn và quan trọng là 3 trong số họ, vẫn còn tham gia biểu diễn, tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật của nước nhà”.

Nghệ sĩ Ngọc Giàu

NSƯT Lệ Thủy trong nhiều năm qua không chỉ là ngôi sao của sân khấu cải lương tham gia biểu diễn từ thành đến tỉnh mà còn cùng NSƯT Minh Vương thành lập Sân khấu Vàng, nơi làm sống lại các vở diễn cải lương kinh điển, lấy doanh thu làm từ thiện. Từ hoạt động này, họ đã xây dựng hơn 30 căn nhà tình thương cho đồng bào nghèo, giúp đỡ, chăm lo cho nghệ sĩ già yếu neo đơn.

NSƯT Ngọc Giàu từ cải lương, kịch đến hài, vẫn là một ngôi sao sáng, là tấm gương cho thế hệ đàn em. Chị luôn dìu dắt, nâng đỡ, hết lòng với đàn em. NSƯT Bạch Tuyết thực hiện công việc truyền nghề, nghiên cứu về sự phát triển và thể nghiệm các công trình cải lương. Chị đã có biết bao học trò giỏi, trong số đó nhiều người đã được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Riêng với “Kỳ nữ Kim Cương”, dù đã tạm ngưng biểu diễn nhưng chị có thành tích đáng nể trong hoạt động công tác xã hội, thực hiện các chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện, đưa sân khấu hướng đến cộng đồng, góp phần với xã hội chăm lo cho đời sống người nghèo mà chị với vai trò Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi TPHCM, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM.

Những thành tích cũng như đóng góp của họ đối với sân khấu và xã hội như trên thì không một huy chương nào có thể sánh bằng.
Thời bao cấp nghèo khó, mỗi buổi trưa là biết bao nhiêu người dân nghèo lại kẽo kẹt trên võng đong đưa. Thả lòng theo từng câu vọng cổ phát ra từ radio của một nhà hàng xóm nào đó hay lắm người ghiền cải lương khi ra đồng vẫn mang chiếc radio nhỏ chạy bằng pin theo để trưa trưa trải rơm dưới bóng dừa mà ngã lưng, úp chiếc nón lá lên mặt mà nghe những lời ca ngọt ngào, sâu lắng của những nghệ sĩ tài danh vang bóng mãi theo thời gian. Càng nghe họ hát, càng xem họ diễn, tôi nghĩ từ lâu trong lòng bốn nghệ sĩ Kim Cương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu nói riêng và những nghệ sĩ chân chính nói chung đã xem các danh hiệu như phù du, bọt bèo. Chính vì vậy tên tuổi của họ luôn sống mãi trong lòng khán giả, trong lòng người dân Việt Nam ở khắp năm châu bốn biển. Có thêm danh hiệu NSND cũng chỉ là thể hiện sự quan tâm, trân trọng của nhà nước ta mà thôi. Các vai diễn để đời, tài năng, đức độ của các nghệ sĩ này - không ai có thể phủ nhận.Vì vậy,phải trao ngay từ lâu chứ không cần phải đợi đến giờ để "xét" làm gì cho đắng lòng khán giả và đắng lòng những người đã dành trọn cả đời để đêm đêm sân khấu lại sáng ánh đèn.

Huy chương là một tiêu chuẩn

Thực hiện Thông tư số 06 - 2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Xét duyệt danh hiệu NSND, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) TPHCM (hiện nay gọi là Hội đồng TP) đã tổ chức cuộc họp vào ngày 2-4 để xem xét hồ sơ của 88 nghệ sĩ đề nghị được xét tặng danh hiệu NSND (18 người), NSƯT (70 người).
Qua đó, Hội đồng TP đã có văn bản gửi Hội đồng Xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT cấp Nhà nước đề nghị xét đặc cách phong tặng danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ TPHCM: NSƯT Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), NSƯT Kim Cương, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Hồng Vân và một nghệ sĩ được đặc cách phong tặng NSƯT: Vũ Luân.

Theo Thông tư số 06 – 2010, đối với nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, một trong những điều kiện để được xét tặng là có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại vàng và bạc, trong đó có ít nhất 2 giải vàng cấp quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong danh hiệu NSƯT.
Dấu ấn đậm nét ở những nghệ sĩ này là họ đều có những danh xưng mà công chúng ban tặng vì tài năng và sự cống hiến của họ. NSƯT Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo”; NSƯT Ngọc Giàu là “Giọng ca lụa trải nhung căng”; NSƯT Lệ Thủy là “Tiếng chuông vàng thánh thót”, NSƯT Kim Cương là “Kỳ nữ Kim Cương” .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?