Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Nhân tính (tt) - Bệnh vô cảm

'Bệnh vô cảm xuất phát từ khủng hoảng niềm tin cuộc sống'

Cướp lộng hành giữa phố, kẻ nghĩa hiệp ra tay giúp nạn nhân lại bị đâm chết, nhiều người sợ hãi đến vô cảm. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh nhìn nhận "dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại".

So sánh sự giống và khác nhau của xã hội Việt Nam xưa và nay, bà Minh (giảng viên Học viện hành chính TP HCM) cho rằng, thời nào cũng có sự hiện diện của cái thiện và cái ác, người tốt và kẻ xấu. Tuy nhiên nó khác nhau về mức độ và sự thể hiện ở từng thời điểm.
Trước đây con người sống trong môi trường làng xã nên mối quan hệ chặt chẽ hơn, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Vì thế mỗi khi xảy ra chuyện gì thì mọi người xung quanh xúm vào giúp đỡ. Chính sự đoàn kết này một phần giúp con người có thêm sức mạnh để khống chế và xua đuổi kẻ ác, một phần khiến kẻ xấu sợ hãi không dám ra tay.
Còn ngày nay khi tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, lối sống theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng", hàng xóm sát vách cũng không biết mặt nhau; đi cùng với nó là sự phân hóa giàu nghèo, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính vị kỷ, khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình.
Vì thế đến khi có kẻ gặp nạn, người ta do vô tình không để ý hoặc cố tình thờ ơ cho rằng đó không phải là việc của mình. Và ngược lại đến khi bản thân họ gặp chuyện cũng chẳng có ai giúp. Đó là hệ lụy tất yếu về mặt tâm lý - theo phân tích của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh.
Đô thị đất chật người đông "Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều", trong khi lực lượng an ninh không đủ để có mặt kịp thời khi xảy ra sự cố. Ảnh: Thi Ngoan
Thêm vào đó, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, kẻ xấu ngày càng hung hãn và ngang ngược vì có trong tay vũ khí, khiến mọi người (cả nạn nhân và người ra tay giúp đỡ) không thể lường trước hậu họa. Trước tình cảnh đó, con người cá nhân thời nay rơi vào trạng thái co cụm và lo sợ.
"Đó là chưa kể xã hội bây giờ quá phức tạp, lừa phỉnh rất nhiều, do đó mọi người chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân. Đơn giản, đó là sự phòng vệ", bà Minh nói.
Xét về yếu tố tâm lý xã hội, bà Minh cho rằng đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người qua các thời đại. Ngày xưa con người sống trọng "nghĩa" hơn, tức là luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, sẵn sàng xả thân vì cái thiện dù đó là việc của gia đình, đồng loại hay của đất nước. Vì thế mà ở thời ông cha ta những giá trị cốt lõi của tình nghĩa gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt lên cái tôi cá nhân.
Trong khi đó con người ngày nay trọng "tình" hơn, tức là thiên về mặt cảm xúc cảm tính và bản năng nhiều hơn. Theo bà Minh, không thể phủ nhận tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống, song do nó thiên về cảm xúc nên có mặt tiêu cực là sự mù quáng, bởi người ta chỉ dành sự ưu ái cho người mình yêu thương như trong câu "thương nhau củ ấu cũng tròn". Chính sự thế mà con người hiện đại chỉ quan tâm đến người "của mình" và cho phép bản thân bỏ qua các mối quan hệ "ngoài luồng".
"Cái 'tình' vẫn mong manh dễ vỡ. Vì thế khi mà tình yêu tan vỡ thì con người hiện đại trở nên nhạy cảm thái quá và dễ bị tổn thương. Thậm chí nhiều bạn trẻ không đủ bản lĩnh đối mặt với nỗi đau thất tình nên tự tử và tỷ lệ này đang ngày càng tăng", bà Minh nhận định.
Khảo sát của VnExpress về thái độ khi chứng kiến học sinh đánh nhau, chỉ có 24,8% ý kiến trên tổng cộng gần 17.300 độc giả tham gia, đã chọn phương án can ngăn, gần 33% cho biết sẽ báo cho cơ quan chức năng, trong khi hơn 23% bỏ đi coi như không biết.
Xét khía cạnh khác, Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng, thường ở chốn thị thành mức sống cao, người dân luôn nghĩ đó là nơi mà sự quản lý nhà nước chặt chẽ nhất nên họ tin và đặt sự an nguy của mình vào tay lực lượng an ninh. Song thực tế khi xảy ra tai nạn, vì một lý do nào đó mà lực lượng này chưa kịp thời có mặt để phong tỏa hiện trường, dẫn đến tình trạng hỗn loạn, kẻ cơ hội thì xông vào hôi của, người tốt giúp đỡ nạn nhân có khi lại mang họa vào thân...
"Những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy... nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu", bà Thúy nói.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối quan hệ giữa sự vô cảm với độ tuổi hay văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, trên thực tế những người ra tay nghĩa hiệp thường thuộc tầng lớp bình dân, ở độ tuổi 30- 40 trở lên. Các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, những hành động mang tính nhân văn này thường gắn liền với kinh nghiệm sống, kỹ năng xử lý tình huống, cộng với sự từng trải và đồng cảm. Rất có thể họ đã từng bị mất mát người thân trong những trường hợp tương tự nên ra tay giúp đỡ mà không nề hà, do dự.
Mặc dù vậy, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh khuyên thái độ lạc quan hay bi quan thái quá đều đem lại kết cục không tốt. Điều quan trọng mọi người cần ý thức rằng, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, kẻ nghĩa hiệp, người lãnh đạm, vì thế mà mỗi người cần chung tay nhân cái tốt dẹp cái xấu để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, vẫn có những hiệp sĩ hy sinh giúp dân bắt cướp, những người tốt bụng sẵn sàng cứu đồng loại trong hoạn nạn. Hoặc ở một số nơi trong thành phố, người dân vẫn đùm bọc giúp đỡ nhau và giữ được an ninh tốt trong địa bàn sinh sống của họ.
Vì thế để chế ngự cái xấu, phát huy nhân tố tích cực trong xã hội, Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, một mặt Nhà nước cần can thiệp để nâng cao năng lực đảm bảo trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an, cảnh sát. Bên cạnh đó toàn xã hội cần siết chặt đấu tranh chống tệ tham nhũng, các cán bộ cần đi đầu làm gương mới mong tạo được niềm tin trong dân chúng.
Nhắc lại tầm quan trọng của "tam giác" 3 môi trường làm nên nhân cách của một con người là gia đình - nhà trường - xã hội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng, cần có một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực giáo dục. Công tác đào tạo bên cạnh dạy kiến thức khoa học thì cũng cần phải đề cao những giá trị đạo đức, tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình yêu thiên nhiên, tình đồng loại, cũng như trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống...
"Trước tiên người lớn cần phải làm gương sáng cho trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô cũng vô cảm thì đừng mong giáo dục được thế hệ trẻ có ý thức hay giàu lòng nhân ái. Còn bản thân người trẻ hãy tự ý thức việc trang bị những kỹ năng sống là của mình chứ đừng chỉ ngồi chờ sự ban phát từ người khác", bà Minh đúc kết.

Vô cảm, bệnh 'mạnh ai nấy sống' thời hiện đại

Một thanh niên bị xe tải đâm nát nửa thân, nhiều người xúm lại xem rồi bỏ đi mặc nạn nhân kêu cứu; 'hôi của' trong tai nạn; bệnh nhân chết vì bác sĩ yêu cầu phải có tiền mới cấp cứu... Sự thờ ơ với nỗi đau người khác dường như thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Mới đây nhất, tại TP HCM xảy ra vụ "xe điên" gây tai nạn liên hoàn làm 2 người chết, 17 người bị thương. Trong khi đó, một số người đi đường không những không ra tay cứu giúp mà còn xông vào "hôi của" lấy hết tài sản của nạn nhân.
Chị Hồng Hà, bị thương nặng nhất trong số nạn nhân còn sống đã bị mất toàn bộ số tài sản để trong cốp xe. Một phụ nữ khác tử vong do vết thương quá nặng, song đến 3 ngày sau gia đình mới hay tin vì toàn bộ túi xách đựng giấy tờ tùy thân đã bị lấy mất.
Theo dõi thông tin vụ tai nạn thương tâm trên, nhiều độc giả đã gửi thư đến báo VnExpress.net bày tỏ thái độ phẫn nộ với những kẻ "hôi của máu lạnh" kia. "Không còn gì để nói nữa, sao mà người ta lại có thể hành động như vậy? Thật đúng là không còn chút lương tâm nữa. Tình người dường như đã bị quên đi mất", bạn Tran Hung viết.
Còn những người đã từng tận mắt chứng kiến các vụ tai nạn tương tự thì cho rằng "đó là chuyện thường ngày ở huyện", bởi vẫn diễn ra nhan nhản đâu đó chốn thị thành.
Chốn thị thành, đất chật người đông nhưng các mối quan hệ lỏng lẻo và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Ảnh: Thi Ngoan
Đã 2 năm qua, người Sài Gòn vẫn chưa hết ám ảnh về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại quận Thủ Đức. Nạn nhân là anh Nguyễn Thành Trung, một cán bộ công an, bị xe tải đâm đứt đôi người. Đoạn video clip do một người dân quay lại hiện trường cho thấy, anh Trung bị xe tải cán ngang hông, dập nát nửa thân dưới. Mặc dù vậy, anh vẫn tỉnh táo, thậm chí còn nhờ mọi người gọi điện về cho gia đình. Song ngay sau đó nạn nhân qua đời, trước khi xe cấp cứu đến hiện trường.
Đoạn video dài 5 phút này được phát đi trên Internet đã dấy nên làn sóng dư luận kịch liệt lên án những người đi đường lúc đó chỉ đứng nhìn mà không ra tay cứu giúp nạn nhân.
Một điển hình khác về thái độ "mạnh ai nấy sống" ở chốn thị thành, xảy ra vào ngày 23/7 tại Cầu Giấy (Hà Nội). Hàng trăm người đi đường bình thản đứng nhìn hai cha con anh Nguyễn Công Vinh tay không chống trả bọn cướp mà không ai vào cuộc giúp đỡ.
Anh Vinh kể, hai cha con anh đang đứng đón xe buýt thì bị một thanh niên móc ví. Khi tên này chuyền tay chiếc ví cho đồng bọn, anh Vinh phát hiện và chộp được tay của hắn. Ngay lập tức đồng bọn kẻ cướp lao vào đánh khiến con trai anh gãy hai chiếc răng. Có hàng trăm người đứng xem mà không ai ra tay giúp đỡ. Cuối cùng anh Vinh đành buông tay để mặc bọn cướp tẩu thoát cùng với chiếc ví.
Mới đây, ngày 25/10 cơ quan tố tụng huyện Năm Căn (Cà Mau) đã điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với êkip bác sĩ bệnh viện đa khoa khu vực Năm Căn đã để xảy ra cái chết của bệnh nhân Dương Thị Thu Huyền (16 tuổi).
Khoảng 3h sáng ngày 28/6, người dân trong xóm phát hiện Huyền thương tích đầy người nằm bất tỉnh trên đường nên đưa đi cấp cứu. Đến bệnh viện, các bác sĩ ở đây đã từ chối cho nạn nhân nhập viện chỉ vì không đủ tiền. Mãi đến khi có người thân đến bảo lãnh, bệnh viện mới tiến hành cấp cứu qua loa mà không khám toàn diện, bỏ sót dấu hiệu bệnh lý và chẩn đoán không đúng bệnh. Cuối cùng là cô gái trẻ đã tử vong vào rạng sáng hôm sau.
Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người bức xúc đập phá bệnh viện, đưa thi thể thiếu nữ diễu hành trên phố để bắt đền, gây rối trật tự công cộng... Hàng chục người bị bắt, trong đó 34 người bị đề nghị truy tố.
Liên quan đến vụ việc này, bác sĩ Nguyễn Duy Tú (bệnh viện đa khoa khu vực Năm Căn, người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân) đã bị cách chức phó trưởng khoa phụ sản và điều sang làm công tác khác. Ngoài ra 2 bác sĩ tham gia hội chẩn và 2 điều dưỡng cũng bị kỷ luật cảnh cáo.
Chiếc xe tải chở đầy tương ớt lật nghiêng tại quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã bị người qua đường
Chiếc xe tải chở đầy tương ớt lật nghiêng tại quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã bị người qua đường "hôi của". Ảnh: Nguyên Khoa
Nhìn nhận về thái độ vô cảm của con người đã và đang diễn ra ở khắp nơi, mọi lĩnh vực hiện nay, Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, Việt Nam đang có sự chuyển mình giữa một bên là nền văn minh nông nghiệp lúa nước và một bên là văn minh công nghiệp. Vì thế mà xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống, tính huyết thống, lối sống hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau bị nhạt nhòa đi, trong khi trình độ văn minh tiến bộ vẫn chưa định hình rõ ràng.
"Dường như bức tranh xã hội đang có sự đảo lộn của các giá trị, cái ác lên ngôi, trong khi giá trị nhân bản đang bị chìm lấp đâu đấy. Mặc dù cái tốt không phải là mất nhưng nó không đủ sức mạnh thắng thế trong đám đông, không lấn át được những kẻ cơ hội đục nước béo cò", ông Bình nói.
Thế nhưng để xảy ra tình trạng này, ông cho rằng một phần là do sự thể hiện yếu kém của lực lượng chức năng. Họ xuất hiện không kịp thời hoặc với lực lượng quá mỏng không đủ để dẹp yên tình trạng hỗn loạn. Từ đó, những người chứng kiến không dám giúp đỡ nạn nhân và không tố cáo kẻ xấu vì sợ dây dưa, vướng vào vòng lao lý, sợ bị tra hỏi và sợ bị liên đới, mất thời gian…
Tuy nhiên, ông Bình khuyên mọi người không nên đánh mất niềm tin, bởi hiện tượng tiêu cực này sẽ giảm đi khi mà chức năng hệ thống, thiết chế, chức năng trong xã hội định hình rõ ràng hơn. "Như trong vụ tai nạn, nếu lực lượng cảnh sát, dân phòng dẹp ngay thì làm gì có chuyện hôi của. Không chỉ dẹp mà còn hô hào, động viên lòng tốt, tính hướng thiện cả cộng đồng. Ở đây phải có vai trò lực lượng chức năng, các thành tố mà làm đúng công việc của mình thì sẽ triệt tiêu được cái xấu", ông Bình lý giải.
Trên phương diện khác, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hùng Nguyễn và Cộng sự (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, sự vô cảm là một khái niệm không có gì mới, nó xuất hiện từ khi có con người, nó tồn tại ở các mức độ khác nhau cùng với sự phát triển của xã hội. Ngay từ thời hái lượm, con người đã có sự vô cảm khi mặc nhiên giành giật thức ăn trước sự đói khát của đồng loại hoặc bỏ chạy khi đồng loại gặp nguy hiểm…
Tuy nhiên khi xã hội phát triển, qua từng thời kỳ, con người đã được dạy biết cách nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau, nhờ vậy sự vô cảm dần được kiểm soát. Người ta gọi đó là xã hội văn minh.
"Xã hội Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự vô cảm vẫn tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển và còn mãi. Có điều, chúng ta sẽ mãi tìm cách kiểm soát, khống chế sự vô cảm này. Và một trong những công cụ xã hội quan trọng đó là luật pháp", ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, luật sư này cũng lưu ý việc luật hóa những ứng xử của con người trong xã hội cần phải cân nhắc thật kỹ để thực sự khuyến khích cái tốt, hạn chế cái xấu. Thế nên cần có một nghiên cứu dài hơn từ nhiều ngành khoa học xã hội để tìm ra nguyên nhân cốt lõi mới mong giải quyết được vấn đề.
"Đây không phải là việc một sớm một chiều, song chúng ta sẽ làm được. Vấn đề ở đây là các nhà hoạch định chính sách không nên chỉ quá chú trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị mà bỏ qua mục tiêu xây dựng một xã hội đích thực mà trong đó tình người có thể dễ dàng hiện diện ở khắp nơi. Một xã hội phát triển mà thiếu phần người, xã hội đó sẽ què quặt, bởi các mục tiêu kinh tế, chính trị (dù cực kỳ quan trọng) cũng chẳng biết để làm gì khi con người sống không ra sống, sự vô cảm có cơ hội bùng phát tràn lan", ông Hùng đúc kết.

Bệnh vô cảm: kết quả lối sống thực dụng thời hiện đại

Bé 2 tuổi ở Trung Quốc đã qua đời rạng sáng nay sau nhiều ngày nguy kịch vì bị 2 xe tải đâm. Chuyện xảy ra ở nước ngoài, nhưng không ít người Việt Nam bức xúc nhìn lại thực tế "bệnh vô cảm lan tràn trong xã hội hiện nay".

"Tôi vừa mới làm cha được một tháng nay, thật sự xem xong tin bé 2 tuổi Yue Yue ở Trung Quốc bị 2 xe tải đâm nằm 7 phút trên đường mà không ai chịu cứu giúp, tôi không cầm được nước mắt... Sao tài xế có thể làm như vậy, người đi đường thì quá vô tâm?", một độc giả chia sẻ với VnExpress.net.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Bình cũng bày tỏ: "Sự việc trên cho thấy con người ngày càng vô cảm trước đau khổ của đồng loại". Cùng nhiều độc giả khác, anh Bình hết lời ca ngợi người phụ nữ nhặt rác đã bế đứa bé bị nạn vào bệnh viện. "Trong cái xã hội này hình như có mỗi bà ấy mới thực sự là 'người'", anh viết.
Mẹ của em bé 2 tuổi khóc thảm khi . Ảnh: oriental daily news
Mẹ của em bé 2 tuổi Yue Yue khóc thảm khi biết tin con mình bị nạn. Ảnh: oriental daily news
Câu chuyện bi đát xảy ra ở nước láng giềng cách đây 4 ngày cũng làm chấn động lương tâm của nhiều người, và là đề tài "hot" thu hút hàng triệu người quan tâm trên các diễn đàn mạng. Nhiều topic được lập ra để bàn về "lương tâm và bệnh vô cảm". Đa phần các thành viên diễn đàn đều lên án thái độ vô cảm của gần 20 người qua đường trong vụ bé Yue Yue, trong khi một số khác lo ngại về sự xuống cấp đạo đức đang ngày càng lan tràn trong xã hội hiện đại
Từng là nạn nhân sự vô cảm trong cộng đồng, anh Tuân (quận 3, TP HCM) kể, hôm ấy khoảng 21h tối trên đường đi làm về, anh bị một gã say rượu đâm vào khiến cả hai cùng bị thương rất nặng, người bê bết máu. Mặc dù đoạn đường có nhiều người qua lại, nhưng ngoài một cô gái và bà cụ tốt bụng tận tình nhặt dùm đồ đạc rơi ra rồi đứng chặn để bảo vệ hai nạn nhân bê bết máu, còn hầu hết những người khác chỉ dừng lại, đứng nhìn với thái độ tò mò rồi bỏ đi.
Cũng bức xúc trước của thái độ vô cảm của người khác, chị Mai Hoa kể một lần trên đường đi về nhà, tay lái xe của chị bị sọt chở gà của người đi phía sau đang cố vượt lên móc vào. Hai chị em Hoa ngã đập đầu xuống đường. "Ấy vậy mà người đi đường cứ như không thấy gì, mặc kệ hai chị em nằm còng queo và vẫn còn bị xe đè lên người đến 10 phút. Cũng may khi đó không có xe tải nào phía sau chứ không thì chị em tôi giờ chắc đi gặp các cụ tổ rồi", chị nói.
Trên đường phố Sài Gòn ngày nay, vẫn còn rất nhiều những cách hành xử vô tâm theo kiểu nhìn cụ già không dám đi qua đường vì xe cộ đông mà không giúp; thấy một phụ nữ loay mãi không lấy được xe máy từ bãi gửi xe, các cậu thanh niên đi qua lại vẫn trơ trơ; hay tà áo dài của cô gái bị cuộn vào bánh xe trở thành trò đùa chỉ trỏ nhau của giới trẻ cho đến khi cô ngã đập mặt xuống đường…
Như một trường hợp xảy trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Hôm ấy một người mua nhớt dạo chở ngang đường làm đổ nhớt. Thay vì tìm cách cảnh báo người đi đường, hoặc dùng cát lấp đống nhớt, một nhóm thanh niên ngồi uống nước ở vỉa hè lại dửng dưng ngồi chờ xem người chạy xe máy cán qua nhớt trượt ngã để phá lên cười.
Bức xúc trước hành động vô tâm, một phụ nữ sau khi bị trượt ngã đã đến công an phường để trình báo. Tuy nhiên khi các nhân viên dân phòng đến để lấp cát và nhắc nhở, nhóm thanh niên phân bua: “Chúng tôi có tội gì đâu, tại thấy người ta tự nhiên chạy rồi ngã nên cười thôi”.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho thái độ thờ ơ và căn bệnh vô cảm, song nhiều nhất vẫn là “không phải không muốn giúp nhưng sợ giúp rồi lại mang họa vào thân”.
“Thứ nhất mình không có thời gian, thứ hai dính vào các vụ tai nạn không khéo bị công an mời lên mời xuống, có khi còn bị nghi thủ phạm gây tai nạn nên tốt hơn hết là không liên quan”, anh Hòa, một người từng bị bảo vệ bệnh viện giữ lại sau khi đưa người vào cấp cứu nói.
Trò chuyện với VnExpress.net về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh, giảng viên học viện Hành chính TP HCM cũng nhìn nhận căn bệnh vô cảm đang ngày càng lây lan rộng rãi trong xã hội loài người.
Trong đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ lãnh đạm của một người khi chứng kiến bi kịch của đồng loại. Đó có thể là cảm giác sợ hãi và sợ trách nhiệm liên đới; hoặc không biết và không được dạy làm thế nào để giúp người bị nạn nên bỏ đi; có thể họ quá bận rộn với công việc và nhịp sống hối hả; cũng có thể do chứng kiến nhiều vụ lừa đảo (cố tình dàn cảnh tai nạn để lừa người qua đường)... Cho nên đôi khi thái độ thờ ơ trong những tình huống này thể hiện sự phòng vệ bị động của con người.
Theo bà Minh, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày ăn sâu vào văn hóa tinh thần của xã hội. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.
"Dường như chữ 'nghĩa' trong xã hội đang dần mất đi nên con người hiện đại chỉ biết sống vì mình, không còn dám hy sinh và sống có trách nhiệm với đồng loại. Chính thay đổi đó đã đẩy con người về hai thái cực: hoặc thờ ơ lãnh cảm với sự an nguy của đồng loại hoặc trở nên quá nhạy cảm và sợ hãi khi lợi ích cá nhân bị đe dọa", giảng viên này nói.
Vì thế để chữa căn bệnh vô cảm đang ngày lan tràn xã hội, nhất là với giới trẻ, bà Minh cho rằng phải làm sống dậy trong con người những giá trị của lương tâm, tình yêu thương bản thân và đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng phòng vệ và phản ứng thế nào trong những tình huống có thể gặp phải.
"Mặc dù mục tiêu trên đã được ngành giáo dục xác định rất rõ ràng, song hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt được", bà Minh nói.

Từ câu chuyện của bé Yue Yue, tôi rất sợ rồi đây mình cũng sẽ là 1 trong số 19 người qua đường vô cảm đó. Tôi xin kể 2 câu chuyện mà tôi đã trãi qua để chia sẻ cùng mọi người.
Chuyện xảy ra đã lâu, khi tôi còn là sinh viên đại học suốt ngày lọc cọc chiếc xe đạp. Hôm đó tôi gặp một em bé bị thương do một phương tiện khác gây ra bỏ lại. Mặc dù em bị thương không nặng, em bị chảy máu do xây xát ngoài da ở chân và cánh tay. Tôi đã đưa em đến một cửa hàng thuốc tây gần đó để sát trùng vết thương và đưa về nhà.
Tôi thật sự bất ngờ khi mẹ và gia đình của bé hùng hổ bắt tôi phải chịu trách nhiệm bồi thường vì đã gây thương tích cho bé. Mặc dù tôi đã hết lời giải thích nhưng vẫn không thể nào phân bua được với những lời lẽ chợ búa và ngang ngược của họ. Cuối cùng, tôi phải vét hết số tiền đang mang theo người chưa được 100 ngàn đồng đưa cho họ mới có thể ra về. Đứa bé chỉ ngồi khóc không dám nói tiếng nào để thanh minh cho tôi mà gia đình cũng chẳng thèm hỏi đứa bé lấy một câu về lý do bị tại nạn.
Kể cho người khác nghe chuyện này, tôi chỉ nhận được một câu "đồ ngu". Mà tôi cũng thấy mình ngu thật.
Một lần khác tôi gặp một người con ôm người mẹ già ốm nặng ngồi bệt bên đường. Ban đầu tôi muốn dừng lại giúp nhưng rồi chuyện ngày xưa khiến tôi cảm thấy sợ mình bị "ngu" thêm lần nữa. Khi đi rồi tôi vẫn áy náy không an tâm chút nào. Tôi cứ sợ mình bỏ đi rồi hai người họ sẽ như thế nào? tại sau những người đi đường không ai quan tâm đến họ? tại sao những người buôn bán xung quanh đó không đếm xỉa đến họ? Sau đó, tôi lại bắt gặp hai mẹ con nọ cũng trong tình trạng tương tự ngồi lê lết trên nhiều con đường khác của thành phố. Lúc đó tôi mới an tâm và tự nhủ lần này mình không "ngu"
Tuy là lần này mình không "ngu" nhưng nếu như trong trường hợp có người hoạn nạn dọc đường thực sự cần giúp đỡ thì sao? Nếu như tôi lại gặp một trường hợp của bé Yue Yue thì sao? Tôi sẽ là 1 trong 19 người qua đường đó hay chấp nhận mang tiếng "ngu" thêm một lần nữa?

Bệnh 'sống chết mặc bay' của người thành thị
“Trên đường đi dạy, tôi thấy một nhóm nữ sinh vây lại đánh một em khác khiến quần áo dài của cô bé rách toang, máu me đầy mặt, trong khi hàng trăm học sinh khác chỉ tò mò đứng xem”, cô giáo Phương Lan đau đáu.
Chứng kiến cảnh này, cô giáo dừng xe lại và đề nghị các học sinh giải tán, song nhóm nữ sinh kia còn đòi lao vào đánh cả cô. Rất may lúc đó có một thầy giáo can thiệp kịp, giúp cô Lan vực em gái kia dậy và đưa vào trạm xá gần đó để băng bó vết thương.
“Học trò bây giờ bạo lực quá, sẵn sàng hành hung người khác vì bất cứ lý do gì. Tôi từng nghe học trò phản ánh về những cuộc thanh trừng đẫm máu của các nhóm nam sinh để trả thù hoặc vì lý do tình cảm. Nhưng hôm đó trực tiếp chứng kiến các nữ sinh ra tay với cô bé cùng lớp như băng nhóm xã hội đen, trong khi hàng trăm nam thanh nữ tú chỉ đứng nhìn, tôi thực sự sốc và thất vọng”, cô giáo dạy văn cấp 3 tại Đồng Nai kể lại.
Làm việc 15 năm trong ngành giáo dục, chứng kiến sự thay đổi trong lối sống của các thế hệ học sinh, cô Lan lo lắng: “Sự xuống cấp về đạo đức trong giới trẻ bây giờ thực đáng ngại, không còn chỗ cho sự tha thứ, cảm thông. Dường như bạo lực đang chiếm vị trí thượng tôn trong các mối quan hệ”.
Vô cảm là một đặc điểm của xã hội đô thị khi nhịp sống quá hối hả. Ảnh: Ngoan Ngoan.
Kim Hường, sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM nhìn nhận, ngày nay không còn nhiều bạn trẻ nhường ghế cho người già, phụ nữ trên xe buýt nữa; hay chứng kiến những cảnh tượng tai nạn giao thông, cướp giật trên đường, ít người dám ra tay giúp đỡ hay ngăn cản "bởi ai cũng sợ bị liên lụy”.
Cô cũng thú thực nếu gặp người bị nạn chắc cũng không dám giúp đỡ. "Trên thực tế đằng sau hành động nghĩa hiệp còn cả khối trách nhiệm dân sự phải thực hiện rất tốn thời gian, nào là khai báo với bệnh viện, rồi năm lần bảy lượt lên trình diện chính quyền hay công an. Đó là chưa kể khi người đó chết, mình sẽ bị nghi là thủ phạm mà mình lấy đâu bằng chứng chứng minh ngược lại”, cô gái trẻ cho biết.
Hường băn khoăn, ngày xưa ở nhà được bố mẹ dạy ra đường gặp người hành khất phải giúp đỡ. Song sống ở thành phố có quá nhiều người giả xin ăn nên Hường trở nên nghi ngờ tất cả. Cô nói: “Nhiều lúc sinh viên còn nghèo hơn họ. Hồi đầu, thấy một bà cụ mù đi với cháu gái nhỏ đến xin tiền, tôi không cho, cảm giác cũng áy náy lắm. Nhưng dần dần tôi trở nên bình thường hơn, không còn bứt rứt như trước nữa, song nghĩ bản thân đang ngày càng vô cảm, cũng sợ lắm”.
Tìm kiếm từ khóa "vô cảm trong xã hội" trên mạng Google, chỉ trong vòng 0,23 giây bạn sẽ nhận lại đến gần 35 triệu kết quả, gồm những bài nghiên cứu, bình luận trên web, blog, facebook, diễn đàn… lên án căn bệnh vô cảm xoay những vụ việc nổi cộm như: sinh viên trường Đại học Ngoại thương chặt đầu người yêu phi tang, Chủ tịch huyện ém nhẹm tiền hỗ trợ nạn nhân bão lụt, tài xế gây tai nạn cố tình cán chết người...
Theo một khảo sát hồi tháng 3 vừa qua của VnExpress.net trên hơn 17.000 bạn đọc, khi được hỏi "bạn sẽ làm gì khi chứng kiến học sinh đánh nhau", hơn 40% cho biết họ sẽ chỉ đứng nhìn, hoặc bỏ đi, coi như không biết. Chỉ có gần 25% tuyên bố sẽ can ngăn những vụ bạo lực này.
Bạn sẽ làm gì khi chứng kiến học sinh đánh nhau?
Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Toản, Thạc sĩ xã hội học, giảng viên trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM cho rằng, sự vô cảm là sản phẩm của quá trình đô thị hóa. Nó trở nên phổ biến và không thể cưỡng lại trong thời kỳ công nghiệp như Việt Nam giai đoạn này. Khi phải bon chen mưu sinh, ai cũng lo bảo vệ lợi ích cá nhân thì sự vô cảm với xã hội sẽ nảy sinh. Biểu hiện ban đầu là không quan tâm đến người khác, rồi dần dần sẵn sàng sát hại đồng loại vì lòng tham.
Nhà nghiên cứu xã hội học nhìn nhận, con người đô thị thường mang tính duy lý. Họ duy trì các mối quan hệ với nhau không vì tình cảm mà chủ yếu vì lợi ích. Chẳng hạn người bán hàng cố gắng chiều lòng "thượng đế" để đôi bên cùng có lợi, hoặc một nhân viên quan tâm thăm hỏi sức khỏe của sếp bởi đấy là người có quyền sa thải hay thăng chức cho mình.
Để tự bảo vệ lợi ích bản thân, người ta có thể từ chối một số mối quan hệ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của họ hay gây ra những rắc rối không mong đợi. Điều này lý giải hiện tượng khi thấy tai nạn giao thông, nhiều người có xu hướng tránh không dây vào, bởi họ đắn đo về sự có mặt của mình chưa chắc đã làm cho sự việc tốt đẹp hơn. "Bên cạnh đó giúp người còn khiến không ít người mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc và đảo lộn nhịp sống hàng ngày của mình”, ông Toản khẳng định.
Sự phân chia chức năng trong xã hội đô thị cũng là nhân tố gây nên hiện tượng này, theo chuyên gia này. Chẳng hạn trách nhiệm giữ trật tự xã hội, xử lý tai nạn giao thông là của công an, cảnh sát. Hơn nữa, trong một khối lượng xe khổng lồ lưu thông trên đường mà có nhiều người dừng lại giúp nạn nhân chưa chắc đã làm cho tình hình tốt hơn, thậm chí càng làm giao thông tắc nghẽn. Với lý giải này, người ta dễ làm ngơ trước những cảnh tượng mà đáng ra họ có thể giúp đỡ.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối quan hệ giữa sự vô cảm với độ tuổi hay văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, trên thực tế những người ra tay nghĩa hiệp thường ở độ tuổi 30-40 trở lên. Theo quan điểm cá nhân của ông Toản, những hành động mang tính nhân văn này thường gắn liền với kinh nghiệm sống, cộng với sự từng trải và đồng cảm. "Rất có thể họ đã từng bị mất mát người thân trong những trường hợp tương tự nên ra tay giúp đỡ mà không hề nà, do dự", ông nói.
Trước thực trạng tuổi trẻ ngày càng vô cảm trước tai ương của đồng loại, ông Toản cho rằng không thể trách vì họ không có lỗi, cũng như trải nghiệm chưa đủ nên chưa biết rung cảm trước những đau thương mất mát của người khác. Theo ông, vấn đề còn do thiết chế xã hội, pháp luật chưa bảo vệ được người trẻ trong những tình huống xảy ra xô xát.
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên có cái nhìn quá bi quan về hiện tượng này, vì ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, kẻ nghĩa hiệp, người lãnh đạm. Bệnh vô cảm sẽ tự biến mất khi cuộc sống kinh tế đầy đủ, con người sống chậm lại và tìm về những giá trị tình cảm, tinh thần. Lúc đó con người sẽ nhận ra, tiền bạc vật chất không phải là tất cả, mà đó chỉ là phương tiện để mang người với người lại gần nhau hơn. Ngày nay nhiều gia đình ở thành phố cũng bắt đầu ý thức giữ gìn mối quan hệ họ hàng, láng giềng, như một dấu hiệu khả quan.
Trên phương diện khác, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh nhìn nhận, trong những vụ án gần đây, hầu như cha mẹ của hung thủ đều bất ngờ trước tội lỗi của con cái mình, thậm chí có người còn khẳng định con cái họ là những đứa con ngoan trong nhà. Yếu tố này cho thấy sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình, người làm bố mẹ đang quá chú trọng đến việc “nuôi” mà quên mất việc “dạy” con thành người.
Ông Thịnh cho rằng, thực tế hiện nay nhiều bậc cha mẹ sinh con ra nhưng chưa thấu hiểu kiến thức về giáo dục con cái. Đa phần họ áp dụng hình thức “sao y” từ thế hệ trước mà không thấy sự thay đổi quá nhanh của xã hội, nên rất khó để thích nghi.

Chực chờ 'hôi của' trong tai nạn

Trong khi mọi người cuống cuồng tìm cách cứu chữa cho nạn nhân thì cũng có kẻ lợi dụng bất hạnh của họ để "mót" tài sản. Tình trạng "hôi của" xảy ra ở nhiều vụ tai nạn gần đây khiến dư luận bức xúc.

Đến hôm nay nhiều người dân TP HCM vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ "xe điên" gây tai nạn hàng loạt trên đường Lý Thái Tổ (quận 10) làm 2 người chết, 17 người bị thương. Những người gặp nạn hôm ấy không chỉ phải chịu sự đau đớn, mất mát về thể xác mà còn bị mất hết tài sản.
Tại Bệnh viện 115 (quận 10, TP HCM), chị Nguyễn Thị Hồng Hà (30 tuổi, nạn nhân trong vụ tai nạn) tỉnh dậy sau một thời gian hôn mê đã bật hỏi: "Tiền của tôi đâu? tiền trong cốp xe còn không?" rồi lại ngất lịm.
Cảnh hỗn loạn trong vụ tai nạn trên đường Lý Thái Tổ chiều 7/10, nhiều người đã nhanh tay
Cảnh hỗn loạn trong vụ tai nạn trên đường Lý Thái Tổ chiều 7/10, nhiều người đã nhanh tay "chôm" tài sản của nạn nhân. Ảnh: An Nhơn.
Người mẹ nuôi ngoài 60 tuổi của chị Hà thẫn thờ cho biết: "Tôi không dám nói với nó tiền mất sạch hết rồi. Tôi phải bảo công an đang giữ giùm để nó khỏi đau đớn hơn".
Bà bảo, hiện gia đình vẫn chưa xác định được chị Hà đã mất bao nhiêu tiền, vàng trong vụ tai nạn thảm khốc đó bởi chị vẫn bị hôn mê sâu. Nhưng đó là toàn bộ gia sản của chị, trong đó có khá nhiều tiền và đôla. "Phía công an cho biết khi khám hiện trường chỉ có một ít tiền lẻ trong cốp xe của Hà, hoàn toàn không có USD hay số tiền lớn nào", người mẹ nuôi buồn bã nói.
Các nhân viên bệnh viện cho hay, một nạn nhân trong vụ "xe điên" đã qua đời do vết thương quá nặng. Tuy nhiên phải 3 ngày sau gia đình mới biết vì túi xách đựng giấy tờ tùy thân đã bị ai đó lấy mất, công an không biết địa chỉ để báo tin.
Nhiều người dân sống gần hiện trường vụ tai nạn ở ngã tư Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh cho biết, lúc tai nạn có hàng loạt điện thoại, ví tiền, túi xách, tư trang... của nạn nhân rơi vãi khắp nơi. Có người đã lạnh lùng xông vào nhặt và đút túi.
"Lúc đó tất cả đều hoảng loạn. Chúng tôi ai cũng lo sơ cứu nạn nhân chứ không để ý đến những vật dụng rơi dưới đất. Có hàng trăm người tham gia nên không thể kiểm soát được hành động của từng người", anh Trần Văn Tý (nhân viên bảo vệ một cửa hàng cạnh vụ tai nạn) kể lại.
Tuy nhiên có một chi tiết chính anh chứng kiến trong cảnh hỗn loạn hôm ấy, đó là lúc hai cô gái trẻ bị ôtô 4 chỗ hất tung cả xe và người vào lề đường, máu rịn dưới cùi tay, xây xát khắp nơi, hai cô gái gượng dậy ôm nhau khóc rồi dìu nhau đi, bỏ lại chiếc Wave trên lề đường. Ngay sau đó anh Tý và mọi người thấy có hai thanh niên lẳng lặng đến dắt chiếc xe đi. Chị Linh (27 tuổi, người sống tại khu vực) đã phải chạy ra giằng co với hai thanh niên, buộc họ đưa xe để giao cho công an.
Anh Dũng (chồng chị Linh) cho biết, có những người rất tốt bụng, mua thuốc men, bông lau vết thương sơ cứu, thậm chí khi chiếc xe tay ga bị cháy, họ còn lấy bình cứu hỏa dập lửa với hy vọng cứu lấy tài sản cho nạn nhân. "Tuy nhiên, cũng nhiều người đi đường đã lợi dụng hoàn cảnh, giả vờ vào khiêng nạn nhân nhưng tay thì vẫn lấy điện thoại, ví tiền, tư trang của họ bỏ túi. Thật vô cảm!", anh nói.
Tuy nhiên cũng có người cho rằng việc hôi của là bình thường. Tại quán cà phê "cóc" gần hiện trường, khi được hỏi về việc này, một người đàn ông trung niên tỉnh bơ: "Có thằng nào ngu thấy ví tiền giữa đường mới không lấy. Còn trường hợp đưa cho công an trả người ta hả? Đó là vì nhiều người thấy quá, nuốt không trôi hoặc chia chác không đều. Nếu là tôi, tôi sẽ cất đi. Có ai hỏi thì đưa, không thì lấy luôn".
Chiếc xe tải chở đầy tương ới lật nghiêng tại quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), trước đó đã bị người qua đường
Chiếc xe tải chở đầy tương ớt lật nghiêng tại quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã bị người qua đường "hôi của". Ảnh: Nguyên Khoa.
Cũng giống trường hợp của những nạn nhân trong vụ tai nạn "xe điên" này, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ "hôi của" gây bức xúc dư luận.
Ngày 16/6, người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh (quận 5, TP HCM) thì bị hai tên cướp từ phía sau giật giỏ xách. Do ông này giữ chặt giỏ xách nên hai tên cướp không giật được đành tẩu thoát.
Tuy nhiên, sự giằng co quá mạnh giữa hai bên đã khiến số tiền lớn trong giỏ xách bung ra đường. Trong lúc người đàn ông còn đang hoảng hốt thì nhiều người dân và cả người đi đường đã xô vào giành giật, lấy sạch số tiền đó trước sự bất lực của chủ nhân. Ông này chỉ biết đau khổ đứng nhìn.
Gần một tháng sau, ngày 9/7, trên quốc lộ 1A qua huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), một chiếc xe tải chở đầy tương ớt đang chạy từ Bắc vào Nam bị mất lái khiến xe tải lật nghiêng. Toàn bộ số tương ớt trên xe bị đổ xuống đường.
Ngay lập tức, nhiều người dân qua đường đã chạy đến để "hôi" tương ớt. Cố gắng bảo vệ tài sản nhưng không có kết quả, tài xế chiếc xe tải phải cầu cứu đến chính quyền địa phương. Vụ "hôi của" khiến quốc lộ 1A bị tắc nghẽn.

'Hôi của' có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

"Người lợi dụng việc người khác bị tai nạn giao thông để lấy tài sản thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc trộm cắp tài sản”, luật sư Nông Thị Hồng Hà tư vấn.

Hành vi lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, thậm chí đã chết… để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc (hôi của) của người bị tai nạn giao thông không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản”.
Trong trường hợp hành vi “hôi của” chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi “hôi của” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Điều 137 Bộ luật hình sự quy định về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” như sau: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Bên cạnh mức hình phạt trên điều luật còn quy định ba khung hình phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo quy định tại Điều 138 BLHS thì: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Tội “Trộm cắp tài sản” cũng có ba khung hình phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trường hợp nạn nhân có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt nhưng không có điều kiện ngăn cản vì đau, chấn thương … do tai nạn giao thông thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Trường nạn nhân không có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt vì choáng, ngất … do tai nạn thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, nếu hành vi “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc “Trộm cắp tài sản” của người chiếm đoạt tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà

Sự vô cảm nhân danh... đồng loại?
Khi con người chúng ta, là nô lệ của tham vọng ích kỳ, đặt lợi ích quốc gia dưới lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; khi con người là nô lệ của thèm muốn quyền lực, của mua quan bán tước, là nô lệ của đồng tiền, lợi lộc không phải do lao động làm ra, ấy là khi con bệnh vô cảm được tự do hoành hành nhất, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.
Có  phải hiện tượng hiếm?
Ngày 13/8/2011 mới  đây, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Võ Thị Sáu (P7, Q3, TP. HCM), mà nếu ai được  đọc trên VietNamNet, sẽ không khỏi cúi đầu suy nghĩ, xót xa, khi chứng kiến "Sự hiếu kỳ  đớn hèn trên đường phố".
Nạn nhân, một thanh niên  đi xe máy nằm bất động trên đường, do bị  va chạm với một xe máy khác. Chiếc xe này ngay lập tức  đã bỏ trốn. Một chiếc xe buýt chở đầy khách may mắn kịp dừng lại trước người bị tai nạn. Nhưng thật lạ lùng, người bị nạn vẫn nằm  đó, im lìm, bất động. Tài xế, nhân viên nhà  xe thì đứng đó... chờ, còn hành khách ngồi bình thản trong xe. Trên lề đường, người hiếu kỳ tụ  tập đứng nhìn...
Thật ra, cái hình ảnh đó quá quen thuộc trên bất cứ đường phố  nào trong xã hội ta hiện nay. Người ta đứng nhìn, và nhìn.... Tựa như chưa bao giờ nhìn thấy người bị tai nạn giao thông, mà quên đi cái sống chết với người bị nạn chỉ mong manh gang tấc, đang rất cần những bàn tay giơ ra cứu giúp.
Rất may, có 3 đoàn viên thanh niên trong Đội phản ứng nhanh của Thành đoàn TP.HCM. Các anh lao đến bên nạn nhân, tìm cách chặn các xe ô tô đi qua. Nhưng một lần nữa, những chiếc xe ô tô cũng lướt nhanh qua, "vô cảm"  như những con người hiếu kỳ đang đứng đó.
Cuối cùng, một chiếc xe cứu thương đang trên đường đưa người bệnh đến cấp cứu, cũng đã dừng lại.
Không biết số phận người bị nạn ra sao. Nhưng "sự hiếu kỳ  đớn hèn" trên đường phố còn đọng lại trong lòng người đọc, như một nỗi xót xa không dễ gì tan ngay được.
Liệu cái sự nhẫn tâm đến thành vô cảm có phải là hiện tượng hiếm?
Trước đó, ngày 18/6, báo Pháp Luật TP. HCM đưa tin và ảnh một vụ việc xảy ra dưới thanh thiên bạch nhật có thể nói là đồng loại...ăn cướp một cách đê hèn của  đồng loại.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Võ Thị Sáu: nạn vẫn nằm đó, im lìm, bất động
Một người đàn ông đi xe máy gặp cướp ngay vòng xoay ngã 5 An Dương Vương. Không giằng được túi xách, 2 tên cướp tẩu thoát bỏ lại nạn nhân với chiếc túi rách toạc, tiền bay tung tóe.
Ngay lập tức, những người quanh đó và nhiều người đi  đường dừng xe. Nhưng thay vì đuổi cướp, họ  hối hả "đuổi" theo những đồng tiền  đang vung vãi, hối hả "cất hộ" tiền của nạn nhân vào túi mình, trước ánh mắt bất lực và đau đớn của nạn nhân.
Người đàn ông thoát khỏi kẻ cướp chuyên nghiệp, nhưng lại gặp phải bọn cướp nhân danh...đồng loại. Và ông đã không thể thoát
Nói thật, khi nhìn hình ảnh đám đông xúm xít vì những đồng tiền ăn cướp, người viết bài thấy sao mà cay đắng thế. Cay đắng đến muốn khóc!
Không hiểu họ có giầu lên vì những đồng tiền  ăn cướp của người bị nạn không? Và họ  nghĩ gì khi tiêu những đồng tiền đó? Họ  có bao giờ đặt hoàn cảnh mình, hoặc chính người thân của mình chẳng may bị nạn, thì sẽ nghĩ  thế nào? Hay tặc lưỡi theo chủ nghĩa Mackeno: "Sống chết mặc bay, tiền ông bỏ túi"!
Xe máy bị  cướp, nhưng xe tải cũng chẳng thoát khỏi thân phận.
Đó là vụ việc ngày 28/7, chiếc ô tô tải mang BKS 47P chạy theo hướng Nam - Bắc, đến km 648 quốc lộ 1A thuộc xóm 16 (Đại Trạch, Bố Trạch- Quảng Bình) thì bị lật nghiêng khiến toàn bộ thùng hàng chứa hoa quả đổ tung tóe giữa đường.
Thế là, thay cho việc giúp đỡ người lái xe không may, hàng trăm người dân  đi đường "tự giúp mình" bằng cách lao vào tranh giành hoa quả, khiến cảnh tượng vô cùng hỗn loạn và tuyến quốc lộ 1A lâm vào ùn tắc nghiêm trọng.
Đương nhiên, không phải lúc nào những kẻ cướp loại này cũng gặp may, mà có khi lại phải đóng vai bi hài. Một vụ tai nạn tương tự cách đây ít lâu trên đường quốc lộ 5. Một chiếc xe tải đổ, và những kẻ cướp thì hí hửng vơ vét. Nhưng rồi, 2 chiếc xe máy của kẻ cướp đường trong phút chốc cũng bị kẻ khác nẫng mất. Từ kẻ cướp đường thành kẻ bị hại. Ngưu tầm ngưu, thì mã tầm mã. Cổ nhân nói cấm sai.
Khi chứng kiến các vụ  việc, những người có chút lương tâm không khỏi xót xa. Vì xưa nay, đạo lý của người Việt  bao giờ cũng thấm đẫm tính nhân văn theo tinh thần  "chị ngã em nâng", "lá lành đùm lá  rách".... Có bao giờ thờ ơ kiểu: "Anh chết mặc anh", hay "Lá lành lừa... lá rách"  như bây giờ? Vì sao vậy?
Lý giải về những hiện tượng tiêu cực, trước đây chúng ta thường đổ tại- đó là vì kinh tế thị trường làm tha hóa con người. Thế nhưng cũng có không ít quốc gia, kinh tế thị trường phát triển sớm, nhưng xã hội ổn định, đâu có nhan nhản những chuyện vô cảm đến đau lòng như vậy? Cho dù chắc chắn, xã hội nào cũng có người tốt, kẻ xấu, có chuyện hay chuyện dở.
Thì việc đổ tại kinh tế thị trường làm tha hóa con người, là thứ ngụy biện dễ nhất. Mà không thấy rằng, chính chúng ta đang tự làm tha hóa chúng ta. Từ vô cảm đến tội ác, khoảng cách đó không xa.
Diện mạo con bệnh vô cảm
Khi mổ xẻ gốc rễ của con bệnh vô cảm, cũng có không ít người  đổ lỗi cho giáo dục là nguyên nhân sâu xa của văn hóa làm người. Điều đó có phần  đúng nhưng không phải tất cả. Lý do là ngay sau vụ cướp tiền của các bậc cha chú, ngay trên mạng xã hội, nhiều tiếng nói, trong đó có cả  thanh niên thế hệ 9X đã chỉ trích việc làm vô lương tâm này.
"Tôi là sinh viên, là thế hệ trẻ 9x. Những người lớn tuổi làm những chuyện xấu này liệu có thể dạy được con, cháu chúng tôi lớn lên và trở thành một công dân tốt? Liệu có thể tạo ra một người tốt nếu như bản thân họ lại có những hành vi đáng trách như vậy?" (VietNamNet, ngày 7/8).

Xe chở hoa quả bị lật giữa đường tại Quảng Bình, hàng chục người đã xông vào hôi của
Vậy phải chăng, lỗi của căn bệnh vô cảm có gốc gác ở ngay chính trong cơ chế quản lý xã hội này, mà giáo dục chỉ là một thành viên góp phần?
Ai có thể nhìn thấy diện mạo của con bệnh vô cảm, mặt ngang mũi dọc ra sao?
Trong trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã nhìn ra nó. Đó cũng là 2 trong số 5 biểu hiện bệnh lý mà xã hội ta sẽ phải đối mặt nếu muốn vượt ra khỏi  "vòng nguy hiểm" trên hành trình phát triển và  hội nhập:
- Là quốc nạn tham nhũng đang biến tướng, ngày càng phức tạp với quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn.
- Là những nhóm lợi ích đã và đang chi phối xã hội ở nhiều lĩnh vực. Đó là những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình, không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.
Nhưng con bệnh vô  cảm còn lây lan và lộng hành hơn thế. Nó biến hóa vô hình. Không chỉ nằm trong những nhóm lợi  ích, những người có điều kiện tham nhũng, con bệnh vô cảm len lỏi đến mọi ngõ ngách của  đời sống xã hội, đến tận cách hành xử của thường dân.
Nó nằm trong đồng tiền mà người cán bộ công quyền thản nhiên  đút túi, mỗi khi người dân cần đến cửa quan.
Nó nằm trong đồng tiền mà người thầy thuốc thản nhiên đút túi mỗi khi người bệnh cần cứu giúp.
Nó nằm trong đồng tiền mà người thầy giáo thản nhiên đút túi mỗi khi học trò, người học cần kiến thức, để vượt qua cửa ải của học vấn.
Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.
Khi con người chúng ta, là nô lệ của tham vọng ích kỳ, đặt lợi ích quốc gia dưới lợi ích cá nhân, lợi  ích nhóm; khi con người là nô lệ của thèm muốn quyền lực, của mua quan bán tước, là nô  lệ của đồng tiền, lợi lộc không phải do lao động làm ra, ấy là khi con bệnh vô cảm được tự do hoành hành nhất, "dọc ngang nào biết trên  đầu có ai".
Thì việc nó nằm trong thái độ thờ ơ của con người với cái sống chết của con người đang bị tai nạn, nằm trong thái độ cướp bóc một cách hèn hạ không chút day dứt trước nỗi đau của đồng loại, cũng là điều không khó hiểu, dù thật đau xót và đáng phẫn nộ.
Đó là sự vô cảm nhân danh... đồng loại.
Nhưng liệu, có liều thuốc đắng nào có thể chữa trị cho con bệnh vô cảm này không?

Khả năng tưởng tượng, thuốc trị tận gốc bệnh vô cảm?

Muốn chống vô cảm một cách tích cực và triệt để thì nhà trường phải nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng từ bé cho trẻ em.
Dạy lối sống đạo đức cho trẻ em tức là phải chủ động tạo ra những "tình huống mẫu" sống động để trẻ em tự mình "sống" trực tiếp trong đó. Tình huống mẫu càng trừu tượng, càng có tính hư cấu cao càng tốt. Khi trẻ em đã sống hẳn hoi trong đó thì chúng tự giác tìm tòi, tìm hiểu mọi thứ để đáp ứng đòi hỏi của tình huống. Rút cục chúng "nhiễm" thói quen "đạo đức" tự lúc nào không hay.

Bài viết dưới đây nêu một giải pháp nhìn từ góc độ giáo dục trong nhà trường từ một chuyên gia giáo dục.
Một hiện tượng hoặc sự kiện có thể gây ra sự phản ứng đồng loạt của số đông thậm chí của toàn xã hội, thì trước hết tự nó phải mang tính chất của điều gì đó- trái với hoặc đi ngược lại hẳn với sự hiểu biết tự nhiên - hay còn gọi là lương tri.
Sản phẩm bị lỗi và xã hội... đầy rẫy lỗi?
Tức là cái việc ấykhông thể chấp nhận được, đối với hầu hết mọi người. Có những việc về bản chất thì sai lè nhưng có khi vẫn được nhiều người thông cảm (tha thứ, chấp nhận), tức là không phải ai ai cũng phản đối. Trong trường hợp ấy một số người nào đó đã dùng lý trí để nhận định.
Vô cảm là 1 thái độ của con người. Nó chỉ trở nên không thể chấp nhận được khi nó bị chuyển hóa thành một thái độ nhẫn tâm. Hiện tượng vô cảm trong xã hội không phải nay mới có, nó vẫn tồn tại từ xưa nay. Hiện nay bởi vì nó đã bị biến hóa thành rất nhiều dạng cư xử nhẫn tâm cho nên nó gây ra sự phẫn nộ cho rất nhiều người. Những người tỏ thái độ phẫn nộ là những người đang lên tiếng nhân danh lương tri.
Như thế tức là trong xã hội có nhiều cách, nhiều kiểu phản ứng trước sự vô cảm, nhẫn tâm. Số đông, một cách tự nhiên, chủ yếu phản ứng nhân danh lương tri. Giới chuyên gia thì nhìn nhận vấn đề từ góc độ chuyên môn của mỗi người.
Nhà xã hội học, chẳng hạn, nhìn sự việc dưới góc độ hậu quả do những xu hướng xã hội nào đó gây ra. Nhà nghiên cứu luật pháp thì xem xét những tình huống, nguyên nhân, động cơ ... để định ra cái gọi là biện pháp trừng phạt hoặc khung hình phạt. Nhà tâm lý học chú trọng tới việc giải thích tâm lý của người có hành vi vô cảm.
Thậm chí trong 1 chuyên ngành hẹp như tâm lý- bệnh học thì người chuyên gia còn tìm kiếm những nguyên nhân tâm thần bệnh học dẫn đến hành vi như thế, như thế... (điều mà hiện nay đang bị coi nhẹ trong xét xử, chẳng hạn những vụ án giết người man rợ).
Nếu truy tiếp thì sẽ có 1 câu hỏi được đặt ra: Vậy, ai là người nói đúng. Hơn nữa và từ đó để suy ra rằng rút cục ai sẽ là người đứng ra nhận giải quyết vấn đề. Nhìn từ góc độ chung nhất thì câu trả lời có thể sẽ là: Tất cả những ai có khả năng giáo dục (bất kể làm chuyên môn gì). Nhìn hẹp hơn nữa thì người đứng ra giải quyết phải là gia đình cùng với nhà trường.
Nhưng nhìn từ góc độ phương pháp kỹ thuật cụ thểdùng chung cho toàn xã hội thì nhiệm vụ nói trên nên được giao phó chủ yếu cho nhà trường. Nhà trường dạy sai thì cả xã hội gánh chịu hậu quả. Như một cái vòng luẩn quẩn, nhà trường nếu dạy "sai" sẽ cung cấp những sản phẩm bị lỗi để rồi sau đó chính những sản phẩm bị lỗi đó lại tiếp tục góp phần duy trì một xã hội đầy rẫy lỗi và 1 nhà trường tiếp tục sai triền miên.
Thực tế là hiện nay người lớn đang cung ứng vô số sản phẩm văn hóa vô cùng ít tính văn hóa. Thị trường phim ảnh, âm nhạc tràn ngập thị hiếu tầm thường. Sách truyện tranh, trong đó phải đau lòng kể ra cả bộ truyện tranh đô-rê-môn rất nổi tiếng (với những câu thoại cộc lốc) đang tiêu diệt trí tưởng tượng của trẻ em.
Những trò chơi trên truyền hình (game show) giống hệt nhau ở cách khai thác kỹ năng "đoán mò", mẹo "đánh lén" và thói quen cố sống cố chết đưa ra một câu trả lời được coi là "duy nhất đúng" (kiểu thi trắc nghiệm!). Rút cục, nhà trường, về phần nó, vẫn đang tiếp tục đào tạo những trẻ em giống như những con rô-bốt vô cảm.


Khả năng tưởng tượng là phương tiện tự nhiên giúp trẻ em trưởng thành. Ảnh minh họa
Nhà trường đang dạy "bơi trên bờ"
Vô cảm là thiếu vắng khả năng tưởng tượng hoặc kém cỏi về khả năng tưởng tượng. Khả năng tưởng tượng là phương tiện tự nhiên giúp trẻ em trưởng thành. Đơn giản bởi vì không phải tất cả những gì trẻ em "học" thì cũng đều "có mặt" trong thực tế. Nhờ khả năng tưởng tượng mà trẻ em có thể "nhìn thấy" cái vắng mặt, thậm chí nhìn thấy hậu quả của cái vắng mặt - bản chất của khả năng tự kiềm chế, khả năng tự chủ.
Nhưng nhà trường dạy khả năng tưởng tượng cho trẻ em bằng cách nào? Các nhà giáo dục thường dùng ví dụ về học bơi để minh họa nguyên lý "học trong thực hành" hoặc học bằng "tự mình làm" (learning by doing). Hiện nay nhà trường đang "dạy bơi" cho trẻ em bằng cách bắt chúng đứng trên bờ học vẹt đủ những thứ nội quy và hướng dẫn mà không để cho chúng được bơi thật trong bể bơi!
Nhà trường nhồi nhét vào đầu trẻ em đủ những cái cao đẹp trừu tượng (phần lớn là từ kinh nghiệm chủ quan của người lớn, chẳng hạn như có người đã liều lĩnh trích lạc ngữ cảnh một câu nói của Bác rằng: "Học thì phải học Khổng Tử") hoặc ngồi một chỗ để đề ra cái gọi là "hệ giá trị con người" thì thực chất cũng chỉ là "dạy bơi trên bờ" mà thôi!
Và để thiết kế những "cái mẫu" hoặc "mô hình" như vậy thì các "vở kịch" dùng trong nhà trường có thể được coi là một chất liệu vô cùng thích hợp để giúp trẻ em tập dượt khả năng tưởng tượng. Kịch chứa đựng hầu hết những tình huống của đời sống.
"Diễn viên" phải biết cách vào vai người khác, phải đồng thời có khả năng như một đạo diễn, một khán giả hoặc một tập thể khán giả ...Diễn viên không thể thể hiện được tất cả những "cái vắng mặt" đó trong thực tế nếu như không có khả năng tưởng tượng. Xưa nay người ta vẫn hay nói là "phải đặt mình vào địa vị người khác"! Khi đã có khả năng đặt mình vào địa vị người khác thì sẽ không còn vô cảm nữa.
Như đã nói ở trên, vô cảm là trạng thái thờ ơ, lãnh đạm, không nhạy cảm. Vô cảm tự nó không phải là "tội ác". Nhưng vô cảm là một nguyên nhân rất dễ dẫn đến ứng xử tàn nhẫn (có khi là vô tình tàn nhẫn). Giống hệt như dốt thì hay làm liều. Điều này cho thấy là muốn chống vô cảm một cách tích cực và triệt để thì nhà trường phải nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng từ bé cho trẻ em.
Trong cuộc sống chúng ta vẫn thường gặp nhiều người lớn có lối sống chan hòa, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Những người đó có thể do may mắn mà giữ được khả năng tưởng tượng hồn nhiên của trẻ em. Nhà văn Pháp Saint-Exupéry nói rằng "ai cũng có thời là trẻ con nhưng hiếm có ai nhớ được điều đó" (Hoàng tử bé).
Nhưng nhà trường bằng vai trò được xã hội phân công cụ thể và bằng những phương pháp cụ thể biết cách chủ động nuôi dưỡng và phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ em thì cũng đồng thời giúp trẻ em phát triển lành mạnh và gián tiếp cung cấp cho xã hội những công dân lành mạnh. Những người lớn vô cảm thực chất đó là những người đã đánh mất khả năng tưởng tượng.
(Xin mách độc giả một thông tin: Hiện nay, 1 nhóm nghiên cứu giáo dục tư nhân có tên Cánh Buồm đã xây dựng được bộ sách dạy lối sống dựa trên nguyên tắc không giảng giải mà để cho trẻ em tự mình khám phá. Ngày 3 tháng 10 năm 2011 tới đây nhóm sẽ trình diễn tại 24 Tràng Tiền (Trung tâm Văn hóa Pháp) vở kịch "mẫu" có tên "Dế mèn" (dựa trên tiểu thuyết Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài) do các em học sinh trường tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên trình diễn). Đó cũng là một cách dạy cho trẻ không vô cảm.

Để căn bệnh vô cảm hết đất sống

Để tiêu diệt tận gốc căn bệnh vô cảm thì có lẽ trước tiên từng cá nhân, cộng đồng đều phải nhận thức rõ đó là "chuyện không chỉ của riêng ai" để chung tay hành động.


Vật chất dư thừa nhưng con người trống rỗng
Sau rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra gần đây, một vấn đề đã trở nên nhức nhối: Phải chăng người Việt đang ngày càng trở nên vô cảm? Sự vô cảm thể hiện ra là trạng thái dửng dưng, "đèn nhà ai nhà đấy rạng", hay như một cách nói hình tượng là con người bị "rô-bốt hóa", khiến chúng ta hành xử tàn nhẫn, vô tình.
Bản thân vô cảm không phải là tội ác, nhưng nó là con đường rất gần tiến đến tội ác. "Thái độ vô cảm và hành động vô minh sẽ dẫn đến mọi tội ác và đau khổ, dẫn đến không làm chủ được mình..." Tác giả Thái Nam Thắng đã chỉ ra như vậy trong bài viết Một dân tộc biết nói tiếng chim.
Đáng nói là, vô cảm không chỉ còn là câu chuyện cá nhân, mà nó đã dần trở thành "dấu ấn" của một xã hội hiện đại. Như tác giả Kỳ Duyên trong bài viết Sự vô cảm nhân danh đồng loại, đã nhận xét: "Sự vô cảm trong mọi lĩnh vực và ở nhiều tầng lớp xã hội cứ ngày càng tăng thêm, như một thảm họa đạo đức đến đau lòng."
Ở cấp độ cá nhân, đó là sự ích kỷ, hẹp hòi, lạnh lùng của mỗi người trước những bất hạnh của con người, trước những vấn đề xung quanh cần có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng. Nhưng ở cấp độ tập thể, đó là một trạng thái không lành mạnh đã "di căn" vào phần đông cái cơ thể "xã hội".
Bỏ mặc người bị nạn không cứu, thậm chí còn xông vào hôi của. Hay những tội ác ghê người xuất phát từ những căn cớ hết sức vụn vặt. Sự đảo lộn của nhiều giá trị đạo đức trong các mối quan hệ vốn được coi là nền tảng xã hội như bố mẹ - con cái, thầy cô - học trò... Nạn đút lót, tham nhũng xảy ra ngày càng phổ biến trên nhiều cấp độ, v.v... Đó là những biểu hiện "muôn hình vạn trạng" của tình trạng vô cảm.
Có một nghịch lý mà hầu hết chúng ta đều thừa nhận: Xã hội ngày nay đã phát triển hơn rất nhiều về vật chất. Các chỉ số dân sinh, kinh tế, hưởng thụ văn hóa, y tế, giáo dục... đều tăng cao rõ rệt so với những thập niên trước. Chất lượng cuộc sống cũng theo đó tăng lên, nhiều người giàu có, trình độ văn hóa được nâng cao ở các cấp, xã hội văn minh hơn... Nhưng vì sao khi xã hội càng văn minh, thì con người lại càng trở nên vô cảm hơn?
Đáng sợ hơn nữa, người trẻ là tương lai của đất nước, thì lại nhiễm bệnh "vô cảm" trầm kha nhất. Không ít người phải giật mình trước lối sống hưởng thụ , chạy theo kim tiền và những giá trị nhất thời của không ít bạn trẻ ngày nay.
Hậu quả của "căn bệnh" này vô cùng nghiêm trọng. Vô cảm với nước với dân thì không bao giờ làm chủ được mình, làm chủ được dân mình, nước mình... "Vô cảm càng "thịnh", có nghĩa là Việt Nam có thể rơi vào bi kịch 1 xã hội bất an trong chính tâm hồn con người". Tác giả Minh Châu nhận định một cách chua xót và đáng lo ngại trong bài viết Càng văn minh càng vô cảm?


Vô cảm không chỉ còn là câu chuyện cá nhân, mà nó đã dần trở thành "dấu ấn" của một xã hội hiện đại. Ảnh minh họa
Bàn tay vô hình nào? Để dẫn đến tình trạng này, thì không ai là vô can, ai cũng có trách nhiệm: Từ người lãnh đạo đến tận thường dân.
Vấn đề quan trọng đặt ra là tại sao sự vô cảm ngày càng trở nên phổ biến? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Trả lời câu hỏi này hẳn không hề dễ dàng, và cần một cái nhìn toàn diện để có thể soi rọi vào mọi khía cạnh, cả những góc khuất khó lường nhất.
Có không ít ý kiến lý giải vấn đề từ nguyên nhân nền kinh tế thị trường đã tha hóa con người, khiến chúng ta chỉ chạy theo giá trị vật chất mà quên lãng việc củng cố giá trị tinh thần. Tính cộng đồng, sự giúp đỡ lẫn nhau - vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt - không còn phổ biến nữa, mà xen vào đó là sự toan tính, thấy có lợi cho bản thân mới giúp, mới quan tâm hỏi han.
"Nền kinh tế thị trường theo cách ăn xổi ở thì, chụp giựt đã tàn phá văn hóa, đạo đức một cách dễ dàng hơn các quốc gia khác, hơn những nền văn hóa khác. Đó là một thực tế mà chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, chính cái nền văn hóa có quá nhiều hạn chế, đã làm cho sự rạn vỡ của các giá trị xảy ra nhanh hơn, nhiều hệ lụy hơn." Đó là sự lý giải khá xác đáng của tác giả Hà Văn Thịnh trong bài báo Căn bệnh trầm kha nhất của xã hội đương đại.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng vấn đề không đơn giản nằm ở nền kinh tế thị trường. Thực tế là "có không ít quốc gia, kinh tế thị trường phát triển sớm, nhưng xã hội ổn định, đâu có nhan nhản những chuyện vô cảm đến đau lòng như vậy?", tác giả Kỳ Duyên phản biện.
Vậy phải chăng căn bệnh trầm kha này xuất phát từ một lỗ hổng "cốt tử": Nền giáo dục- trong nhà trường cũng như trong chính mỗi gia đình. "Gia đình là "rường cột" của xã hội, nhà trường là nơi đào tạo "nguyên khí" quốc gia, thì 2 nơi này lại đang mang trong mình bao khuyết tật", tác giả Minh Châu lý giải.
Nhà trường giờ đây không còn là nơi trong sạch để "tiên học lễ, hậu học văn". Mối quan hệ thầy- trò trở nên lung lay hơn bao giờ hết trước những tác động của môi trường, sự xuống cấp đạo đức của một số người thầy, người cô.
Thêm vào đó, nhà trường lại chưa có khả năng - hoặc lơ là việc trang bị cho học sinh một nền tảng- kiến thức và cả tấm lòng, sự nhân ái từ bản năng đến ý thức, để phòng và chống căn bệnh vô cảm.
Chẳng hạn khả năng tưởng tượng - một khả năng giúp trẻ em có thể "nhìn thấy" cái vắng mặt, thậm chí nhìn thấy hậu quả của cái vắng mặt - bản chất của khả năng tự kiềm chế, khả năng tự chủ, như tác giả Phạm Anh Tuấn đã nhìn nhận. Mà nhà trường cứ loay hoay dọn dẹp bằng cách dạy cho con trẻ yêu cái tốt mà quên mất rằng cái chính yếu- căn bản là phải dạy cho chúng ghét cái xấu.
Và số đông ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, các giá trị chân chính bị lung lay. "Nói chính xác, nó là hệ lụy của một xã hội hiện tại khi niềm tin thì ít và lung lay, thực dụng vừa nhiều vừa phổ biến, thói ích kỷ tràn lan và ngày càng tăng".
Vậy nhưng, phải chăng còn có nguyên nhân nào đó căn bản, tác động "khủng khiếp" hơn nằm trong cái "bàn tay vô hình" đang tha hóa chúng ta thành những rô-bốt không tình cảm? Phải chăng như tác giả Kỳ Duyên đã tổng kết: "Lỗi của căn bệnh vô cảm có gốc gác ở ngay chính trong cơ chế quản lý xã hội này, mà giáo dục chỉ là một thành viên góp phần".



Nạn đút lót, tham nhũng xảy ra ngày càng phổ biến trên nhiều cấp độ. Ảnh minh họa
Tìm vắc-xin trị bệnh
Để "tiêu diệt tận gốc" căn bệnh vô cảm thì có lẽ trước tiên từng cá nhân, cộng đồng đều phải nhận thức rõ đó là "chuyện không chỉ của riêng ai" để chung tay hành động. Sự thức tỉnh phải diễn ra trong tất cả chúng ta - để thấy tạo ra sự thay đổi không phải là trách nhiệm của ai đó - mà trước tiên là của chính mình.
Tiếp đó, tùy theo cách lý giải nguyên nhân mà mỗi người lại đề ra những giải pháp khác nhau cho tình trạng này.
Chẳng hạn, nhìn nhận vai trò trọng yếu của giáo dục, nhiều ý kiến đã chỉ ra trách nhiệm của nhà trường trong các vấn đề như nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng từ bé cho trẻ em, hay sớm củng cố cho trẻ nền tảng vững chắc để phòng và chống căn bệnh vô cảm.
Cũng có ý kiến lại cho rằng vô cảm là một "căn bệnh tâm lý". Do đó, để chữa trị căn bệnh này thì cách tốt nhất là cách "đánh vào lòng người". "Chúng ta phải làm sao để mọi người đều biết và phải hiểu rõ... [nếu] họ làm điều xấu, họ sẽ bị cô lập, sẽ bị lên án thì họ sẽ không dám làm nữa". Tác giả Toàn Nguyễn trong bài Những con người đang "rô bốt hóa?" hiến kế.
Nhưng cũng đã đến lúc, những giải pháp không thể chỉ nằm ở sự tác động tự nguyện, dùng cái "tình" để sửa chữa cái "vô tình". Người Việt vốn "nổi tiếng" về tính duy tình, nhưng không ít khi đặc tính này tạo ra kẽ hở để sự vô cảm nương nhờ phát triển, và tội lỗi được dễ dàng xuê xoa bỏ qua.
Vậy, "dược phẩm đầu bảng", và không thể thiếu là cần phải tái lập các chế tài nghiêm khắc để lập lại trật tự. "Pháp luật Việt Nam phải có những quy định chế tài cụ thể về những hành vi vô cảm đối với cộng đồng" (Toàn Nguyễn).
Khi chế tài pháp luật đủ mạnh, con người sẽ nhận thức rõ được rằng khi hành động vô cảm, mình không chỉ đang đi ngược đạo lý mà còn vi phạm pháp luật và có thể phải chịu hình phạt thích đáng. Thấy người bị nạn không cứu là vi phạm pháp luật. Hôi của là phạm tội. Dùng bạo lực "tự xử", giết người sẽ phải nhận hình phạt thích đáng,v.v... Chỉ trong một xã hội kỷ cương vững mạnh, con người mới có thể ứng xử theo những tiêu chuẩn cần có.
Đối với tham nhũng - biểu hiện rõ nét và cao độ của căn bệnh vô cảm - phương thuốc này cũng sẽ hết sức hiệu quả. Đó là một loại "vắcxin" không thể thiếu trong cuộc chiến "điều trị" đầy căng go này. Khi chế tài, pháp luật quyết liệt thì buộc xã hội phải trở nên minh bạch hơn, "đất sống" của bệnh tham nhũng cũng ngày càng bị thu hẹp hơn.
Để đạt đến những kết quả mong đợi đó, cần sự chung tay của tất cả. Như quan điểm của tác giả Toàn Nguyễn là: "Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ hỗ trợ nhau".
Để đạt đến những kết quả mong đợi đó, cần sự chung tay của tất cả. Như quan điểm của tác giả Toàn Nguyễn là: "Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ hỗ trợ nhau"


Bữa tiệc của sự quan tâm

Những ngôn từ đao to búa lớn, rổn rảng ồn ào, đầy toan tính nhưng rỗng về nội hàm tình cảm ngày càng được phát ra nhiều hơn. Cho đến khi người ta có thể nói hay hơn về tình thương yêu để che giấu trái tim vô cảm thì đó là nguy cơ cho đời sống.
Một lần, có dịp vào dự hội thảo tại một trường đại học, tôi thử đếm từ cổng trường vào đến phòng hội thảo, thấy có đến 38 bảng giới thiệu các lớp đào tạo, dạy kèm, các chương trình hoạt động, 17 câu khẩu hiệu (slogan) về phấn đấu giáo dục và kêu gọi hưởng ứng các phong trào hoạt động của sinh viên, chưa kể nội dung các bản tin, bài báo tường chi chít chữ.
Một lần khác, đi ngang cổng một trường trung học lớn ở quận 1, tôi cũng đã làm phép đếm tương tự. Có hàng chục khẩu hiệu, băng rôn, bảng ghi các khẩu hiệu, từ "tiên học lễ, hậu học văn", "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "thi đua dạy tốt học tốt", "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" cho đến "nói không với tệ nạn trong học đường" hay "toàn trường thi đua lập thành tích trong năm học mới"... Các bảng khẩu hiệu đều được thiết kế chữ to, màu sắc nổi bật, giăng trên những vòm cây, lối đi, những vị trí quan trọng nhất trong khuôn viên trường học, chiếm ngự hết cả các bức tường, tạo cảm giác không gian trong sân thường bị bí bức vì bị... chữ đè.
Khẩu hiệu xuất hiện ở khắp nơi, nhiều đến nỗi làm người ta phát ngán, nhất là khi nó che đậy những hiện thực tương phản!
Trong tình hình đời sống hiện nay, chúng ta có dịp giao tiếp, trò chuyện, phát biểu nhiều hơn. Tai chúng ta phải nghe người khác nói nhiều hơn, nhưng có vẻ như hiệu quả sự truyền đạt cũng như sự tiếp nhận thông tin lại không được nâng lên. Chữ nghĩa vây bủa không gian, lời nói lấp đầy mọi khoảng trống, thậm chí, truất hữu cả khả năng quan sát và suy nghĩ, để che đậy một thứ hiện thực bạc màu, những mối quan hệ chứa đầy nguy cơ rạn nứt.
Những ngôn từ đao to búa lớn, rổn rảng ồn ào, đầy toan tính nhưng rỗng về nội hàm tình cảm ngày càng được phát ra nhiều hơn. Cho đến khi người ta có thể nói hay hơn về tình thương yêu để che giấu trái tim vô cảm thì đó là nguy cơ cho đời sống.
Hãy thử đặt mình vào vai một lữ khách đi lạc vào một xứ sở xa lạ, nơi người ta không dùng ngôn từ để giao tiếp, bạn sẽ tự hỏi, bằng cách nào người bản địa "truyền thông" với nhau? Hay ở một tình thế khác tệ hơn: một buổi sáng thức dậy, cả thế giới con người bỗng dưng mất giọng nói, mất khả năng nghe và trống rỗng ký ức về chữ viết, lúc đó người ta sẽ giao tiếp với nhau thế nào?

Trong buổi tiệc Vô ngôn, người ta hạn chế tối đa khả năng sử dụng ngôn từ
Có lẽ năng lực giao tiếp của con người lúc đó là quan sát để nắm bắt thông điệp, tình cảm từ người khác.
Trong hai tình huống giả định này, bạn có thể nghiệm ra rằng, sự quan sát là điều cần thiết trong giao tiếp, hơn cả mọi hình thức ngôn từ. Quan sát là khâu nền tảng, khởi đầu trong quy trình tìm hiểu về thế giới chung quanh. Quan sát đem lại khả năng nhận thức và thông đạt, nhờ đó, phá vỡ những rào cản ngôn ngữ, văn hóa...
Trung tuần tháng 10 vừa qua, ở TPHCM có một hoạt động gây chú ý, đó là bữa "tiệc vô ngôn" (Silent party), quy tụ gần 300 người, nhỏ nhất 2 tuổi, lớn nhất 67 tuổi. Trong buổi tiệc đó, người ta hạn chế tối đa khả năng sử dụng ngôn từ. Họ tắt hết điện thoại, micro, không dùng đến chữ viết, chỉ thông qua quan sát cử chỉ, điệu bộ để "trò chuyện" với nhau. Nhiều người sau 60 phút tham gia buổi gặp gỡ không lời ấy, cho biết họ cảm thấy hạnh phúc vì thoát khỏi thế giới hàng ngày đầy những ngôn từ, lời nói được dùng một cách phung phí, vô tội vạ, để trở về với sự tinh tế nhất trong giao tiếp, và sâu xa hơn nữa là sự thấu cảm tâm tình những người chung quanh thông qua quan sát và ngôn ngữ ký hiệu.
Có người nhận ra, sự vô cảm và giả dối có thể bị đẩy lùi nếu chúng ta không ngừng đánh thức khả năng quan sát và thực sự có nhu cầu hiểu được trạng thái tình cảm, nỗi khổ đau và hạnh phúc của những người sống quanh mình.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?