Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Vì sao giá xăng dầu bất minh?

Chính thế độc quyền chi phối thị trường của một vài "ông lớn" kinh doanh xăng dầu hiện nay đã khiến đòi hỏi điều hành giá theo cơ chế thị trường trở nên phi lý. Mâu thuẫn trong phát ngôn và điều hành giữa các cơ quan quản lý càng khiến giá xăng dầu trở nên khuất tất. Phải phá thế độc quyền khi cơ chế thị trường
Như nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trao đổi với VnEconomy ngày 23/9, việc yêu cầu đưa giá xăng dầu theo giá thị trường là không chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Giá thị trường là hình thành trên cơ sở cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và xác lập nên giá, do đó có tác dụng kìm giữ giá. Trong khi ta hiện chỉ có một tập đoàn điện lực, và ba doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 80% thị phần, thế thì làm thế nào mà thị trường được?
"Chính vì đặt vấn đề không đúng, nên mới dẫn đến lủng củng, ở chỗ doanh nghiệp đòi theo giá thị trường, còn Nhà nước thì can thiệp vào việc đó," ông Tuyển nói.

Cái lý mà các doanh nghiệp này đưa ra là Nghị định 84 đã ban hành ngày 15/12/2009 với cơ chế, khi nào giá đầu vào biến động 7% thì doanh nghiệp được phép tăng giá, từ 7-12% thì doanh nghiệp được bù 40% từ quỹ bình ổn, phần còn lại sẽ tăng giá và nếu đầu vào biến động trên 12%, Nhà nước sẽ can thiệp.
Sự đòi hỏi được quyền định giá này ngay lập tức đã bị một loạt các chuyên gia kinh tế tài chính và trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính phê phán gay gắt.
TS Ngô Trí Long bày tỏ: "Khi Petrolimex chiếm 55% thì còn là vị trí độc quyền và bất nước nào cũng không để cho doanh nghiệp độc quyền tự quyết giá. Hiện nay, không nước nào lại để doanh nghiệp định giá sản phẩm độc quyền nhất là sản phẩm chiến lược.
Chỉ khi nào thị trường có cấu trúc cạnh tranh mới cho thị trường. Nhà nước kiểm soát giá bằng định giá trực tiếp như giá trần hoặc giá sàn, tạo ra khung giá chứ không phải là cho doanh nghiệp định giá".

Giá xăng dầu lỗ hay lãi cần sớm được làm sáng tỏ (ảnh: Phạm Huyền)

Theo vị chuyên gia kinh tế lâu năm về lĩnh vực giá cả này, tự do hóa giá cả không có nghĩa là mọi thứ Nhà nước đều để thị trường quyết định. Chúng ta cần xác định còn độc quyền thì buộc nhà nước phải tham vấn chuyên gia giỏi chứ không để doanh nghiệp qua mặt được.
Theo dõi lĩnh vực thông tin xăng dầu khá chặt chẽ, TS khoa học Nguyễn Thị Hiền đã có hẳn một bản phân tích tổng quan nhìn lại toàn bộ quá trình điều hành xăng dầu trong 10 năm qua. Bà Hiền bày tỏ, Nghị định 84 ra đời về lý thuyết là hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường xăng dầu và các doanh nghiệp được tự chủ xác định giá bán lẻ.
Nhưng vấn đề lùm xùm nổi lên ở chỗ, Nghị định 84 đã chưa xem xét đến vấn đề ưu thế độc quyền trong kinh doanh. Các doanh nghiệp đều có xuất phát điểm không như nhau, có sự chênh lệch lớn nhưng lại đưa về cùng một mặt bằng để cạnh tranh với nhau, dẫn đến doanh nghiệp mạnh càng có cơ hội chiếm lĩnh và thi phối thị trường, doanh nghiệp nhỏ thì nhìn doanh nghiệp lớn để kinh doanh trong khi các yếu tố đầu vào thua kém hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh, trên danh nghĩa, Nghị định 84 có hiệu lực là chuyển xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng thực chất, cơ chế này chưa được thực hiện. Minh chứng rõ nét nhất là sự can thiệp mạnh vào điều hành giá, không cho doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời, dẫn tới có thời kỳ lỗ 2500-3000 đồng/lít, khiến các doanh nghiệp lỗ nặng. Có thời điểm, mua xăng dầu ở nhà máy lọc dầu Dung Quất ra khỏi cổng nhà máy là lỗ ngay 2600-2800 đồng/lít."
Thừa nhận những đánh giá khắt khe từ phía chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu hiện có dấu ấn can thiệp mạnh của Nhà nước. Ông Thỏa cho biết việc điều hành giá như thế chỉ là tình thế, làm khó khăn cho sản xuất kinh doanh xăng dầu và làm cho hệ thống giá xăng dầu không phản ánh đúng thị trường.
"Vì lạm phát cao, nếu để giá xăng dầu tăng liên tục theo thế giới thì phải có sự can thiệp của Nhà nước. Việc này không vi phạm Nghị định 84, vì đây là thời điểm kinh tế vĩ mô bất ổn", ông Thỏa nhấn mạnh.
Mê hồn trận cách tính lỗ lãi xăng dầu
Cho tới thời điểm này, có tới 3 số liệu về giá xăng dầu được công bố khiến cho dư luận càng thêm mơ hồ về việc tính giá xăng dầu vốn đã thiếu minh bạch.
Nguồn thứ nhất là con số lãi tới 780 đồng/lít xăng vào thời điểm 26/8 do trực tiếp bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố tại hội thảo và sau đó, tiếp tục được Cục phó Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định. Cũng ngay trong chiều ngày diễn ra hội thảo về xăng dầu 20/9, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Bộ Tài chính đã ký ngay quyết định đi kiểm tra giá nhập xăng dầu, giá vốn của 4 doanh nghiệp đang chiếm thị phần áp đảo 90% trên thị trường.
Nguồn thứ hai là trực tiếp Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam cho hay, mức lãi dựa trên giá vốn thực sự tại đơn vị chỉ là lãi 219 đồng/lít xăng và sau khi giảm giá, đã chuyển sang lỗ 135 đồng/lít.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, các số liệu dùng để điều hành giá xăng dầu từ khi có Nghị định 84 trong 2 năm qua là dựa trên bảng giá cơ sở do Liên bộ Tài chính- Công Thương ban hành hàng ngày. Trong đó, có khoản cứng là thuế, phí, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, phí trích Quỹ bình ổn... cũng là do bộ Tài chính quy định.
Soi lại bảng giá cơ sở xăng dầu vào trước 21h ngày 26/8/2011 thì lại thấy, mức chênh lệch âm 178 đồng, tương ứng mức giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 1% đối với xăng A92. Nếu trừ đi lợi nhuận định mức 300 đồng thì bảng giá này cho thấy, mỗi lít xăng chưa giảm giá còn lãi 122 đồng.
Chia sẻ với PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, một quan chức trong liên bộ này đã tiết lộ, sở dĩ bảng giá cơ sở do chính Liên Bộ ban hành lại không ra kết quả lãi lớn đến thế là bởi, số lãi 780 đồng/lít xăng dầu ấy là giá tạm tính trên cơ sở giá của Hải quan cung cấp. Tuy nhiên, khi người đưa ra thông tin này chính là vị nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước có 10 năm làm việc trong ngành này, am hiểu tường tận những góc khuất tài chính doanh nghiệp, là Bộ trưởng bộ Tài chính cùng với khẳng định mạnh mẽ "tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân về việc giảm giá" thì thông tin này được cho là đáng tin cậy nhất. Điều này càng cho thấy, góc khuất của giá xăng bấy lâu vẫn chưa được sáng tỏ. Những sự phản pháo, phủ quyết ý kiến của nhau và những tuyên bố liên quan đến lỗ lãi, gian lận của nhà quản lý càng chứng minh, sự rối rắm, bất minh trong kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp, phải chăng cũng có nguyên nhân từ chính việc các nhà quản lý Nhà nước về xăng dầu còn mâu thuẫn với nhau.
Con số phải đi đôi với giải trình
Bình luận về việc này, TS Nguyễn Minh Phong, người trực tiếp dự hội thảo hôm 20/9, cho rằng như các số liệu liên quan đến quản lý Nhà nước về xăng dầu rõ ràng là chưa đầy đủ, chưa cập nhật và chưa thống nhất.
"Tôi không nói đó là con số chính xác bởi, nó chính xác tới đâu cũng phải chờ kiểm toán xác minh, kết luận. Tuy nhiên, gắn liền với các con số đó thì trách nhiệm giải trình lại chưa thực sự đầy đủ," ông Phong nói.
Chẳng hạn như việc Petrolimex thường xuyên kêu lỗ nhưng tới khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lại báo lãi. Hay việc TGĐ Petrolimex thừa nhận thời điểm giảm giá xăng gần đây nhất ngày 26/8, kinh doanh xăng dầu vẫn lãi, có mặt hàng lãi tới hơn 440 đồng/lít. Trong khi chỉ một ngày trước đó, tại cuộc hội thảo nảy lửa, đại diện Bộ Công thương lại cho rằng đang lỗ và "không hiểu Bộ Tài chính nghĩ gì khi quyết định giảm giá xăng dầu".
Vì thế, người dân vẫn chờ đợi hai bộ quản lý và các doanh nghiệp công khai cách tính lỗ, lãi và giải tỏa những khúc mắc bao trùm thị trường xăng dầu bấy lâu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ, việc Bộ trưởng Tài chính mở một đợt kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp đầu mối là làm theo đúng chức năng của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ làm rõ nguyên nhân vì sao lỗ, có phải như doanh nghiệp nói kinh doanh lỗ là bởi bị Nhà nước áp đặt giá bán, không cho tăng giá hay không.
Về nghiệp vụ, bóc tách lỗ, lãi của doanh nghiệp không khó vì đi kiểm tra đều là "dân tài chính". Việc kiểm tra dựa vào sổ sách kinh doanh của doanh nghiệp, có đối chiếu với số liệu hải quan, thuế ... đều là nghiệp vụ của ngành tài chính. Về khối lượng công việc cũng không lớn và không quá phức tạp vì đã được khoanh lại thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, nói thêm về công thức tính giá cơ sở, một yếu tố mấu chốt để tăng hay giảm giá thời gian qua, TS Vũ Đình Ánh thẳng thắn, minh bạch giá xăng dầu nhưng tính theo công thức phức tạp như hiện nay thì những người soi giá có khi như nhìn vào bức vách. Để tính giá bán lẻ xăng dầu quá phức tạp, có nhiều thành phần mang tính chất biến động. Ngay cả việc tính giá thế giới nhập khẩu theo giá tại thị trường Singapore cũng chưa chuẩn mà phải áp dụng ngay giá hải quan.
Nếu cơ quan quản lý Nhà nước tự tính giá, trên cơ sở đó ban hành khung giá trần, giá sàn để doanh nghiệp bán theo có thể là phương án thích hợp hơn, ông Ánh nói.

Nghi gian lận xăng dầu, Bộ Tài chính vào cuộc

Những mù mờ, khuất tất trong kinh doanh xăng dầu đang dần lộ diện sau tranh cãi giữa Bộ Tài chính, Công thương và doanh nghiệp. Bộ Tài chính khẳng định sắp tới sẽ kiểm tra các “ông lớn” xăng dầu và có kế hoạch thanh tra xăng dầu vào năm 2012.


Có dấu hiệu gian lận
Vấn đề lãi lỗ xăng dầu càng lúc càng nóng tới đỉnh điểm khi các luồng thông tin từ doanh nghiệp và các bộ Công Thương, Tài chính vẫn tiếp tục mâu thuẫn nhau.
Trao đổi với một số báo hôm 22/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã bác bỏ những thông tin lãi lỗ mà ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex đưa ra hôm 21/9.
Ông Tuấn phê phán: Việc anh Bảo nói tại hội thảo hôm 20/9 là không bóc tách lỗ lãi xăng và dầu là không thể chấp nhận, có thể nói đó là một hình thức gian lận trong quản trị. Trong kinh doanh, nguyên tắc hạch toán của tất cả các doanh nghiệp đều phải bóc tách lỗ và lãi riêng từng mặt hàng, sau đó mới có quyết toán lỗ lãi được.
“Chưa hết, khi anh Bảo khẳng định lại với báo chí đúng là tại thời điểm 26/8, Petrolimex đang lãi từ 129 đồng/lít đến trên 400 đồng/lít. Đây là điều rất đáng suy nghĩ về tính minh bạch của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phủ nhận các con số của Petrolimex, vị lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định mạnh mẽ: Mức lãi 780 đồng/lít xăng mà Bộ trưởng Tài chính nói chính là giá được tính toán dựa trên mức giá nhập khẩu thực tế mà Hải quan cung cấp.
Ông Tuấn cũng khẳng định việc dựa vào số liệu hải quan như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thong tin hôm 20/9 là căn cứ quan trọng để quyết định giảm giá xăng dầu.
Tên thực tế, đúng là có hai mức giá như vậy. Mức thứ nhất là giá tạm tính khi mở tờ khai hải quan. Mức thứ hai là giá đã đóng dấu của cơ quan Hải quan hay còn gọi là giá thực. Đây mới là mức giá được pháp luật công nhận. Thực tế cho thấy giá tạm khai (giá FOB) có lúc cao hơn giá thực nhập (giá CIF vốn đã tính cả phí tàu biển, vận chuyển, bơm khí...).
Trả lời phỏng vấn trên Tuổi trẻ, ông Tuấn không khẳng định trong các số liệu mà doanh nghiệp báo cáo đã có khoản hoa hồng hay chưa và họ có nhận được khoản này hay không. Tuy nhiên, đúng là có nhiều nghi ngờ khoản này.
“Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch thanh tra năm 2012, trong đó có định hướng sẽ thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thanh tra sẽ làm rõ được các khoản tiền trong kinh doanh xăng dầu. Khi có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ công bố xem thực chất vấn đề này như thế nào,” ông Tuấn cho biết.
Sang tuần tới, các đoàn kiểm tra sẽ chính thức đến 4 doanh nghiệp xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất để kiểm tra. Dự kiến việc kiểm tra kéo dài từ 7-10 ngày và sẽ được tiến hành đúng pháp luật, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính.
“Chúng tôi cũng sẽ công khai các kết quả kiểm tra,” ông Tuấn khẳng định với Tuổi trẻ.

Xem lại cách tính giá cơ sở
Trước những tranh luận gay gắt về câu chuyện xăng dầu, trả lời báo Tuổi trẻ, ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng: Cách tính giá cơ sở hiện nay dễ gây nhầm lẫn. Giá cơ sở đã gồm cả chi phí kinh doanh 600 đồng/lít, cũng đã có cả khoản lãi 300 đồng/lít cho xăng dầu. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn hay kêu khó khăn là đang phải bán dưới giá cơ sở. Nói như vậy cứ như họ lỗ, nhưng thực chất chưa chắc mà có thể vẫn có lãi. Tôi đề nghị phải xem lại cách tính giá cơ sở.”
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, chốt vấn đề nằm ở chỗ sự minh bạch về thông tin. Minh bạch ở đây không phải là cơ quan quản lý công bố công thức tính giá hay diễn biến của thị trường mà là lý do lỗ lãi, lỗ ở đâu, con số cụ thể như thế nào. Và con số lỗ lãi này có sự kiểm chứng của cơ quan quản lý không.
Trả lời VnEconomy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, về nguyên tắc, lợi ích của doanh nghiệp xăng dầu xung đột với lợi ích người tiêu dùng, nên Nhà nước phải đảm nhận vai trò điều hòa các lợi ích này để giảm xung đột.
Không những thế, để thiết lập được một thị trường xăng dầu thực sự, nhà nước cần phải xóa bỏ vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. Tiếp đó là phải tách khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ. Không nên để Petrolimex vừa nhập khẩu, vừa bán buôn lại vừa bán lẻ, sẽ rất khó kiểm soát, và những gì họ báo cáo cũng khó mà tin tưởng tuyệt đối được, ông Ánh đề xuất.
Trước đó, ngay tại hội thảo ngày 20/9, TS Nguyễn Minh Phong cũng rất đồng tình nói, giá xăng dầu chính ra là minh bạch nhưng khi về Việt Nam lại tù mù và giải trình của Petrolimex cũng tù mù. Nguyên nhân có thể do chính từ việc quy định giá cơ sở chưa rõ ràng.
Theo ông Phong, nếu Nhà nước tách bạch rõ nét hơn 3 khoản với 2 loại chi phí cứng và mềm: Khoản giá vốn gốc gồm giá nhập, giá vận chuyển, khoản Nhà nước thu gồm các phí, thuế, là khoản cứng và khoản của doanh nghiệp.
Như vậy, chi phí cứng thì không thể thay đổi, nhưng chi phí mềm sẽ biến động. Mỗi lần cần điều chỉnh giá xăng dầu, sẽ nhìn thấy rõ điều chỉnh ở đâu, doanh nghiệp lùi lợi nhuận, hay Nhà nước bớt khoản thu, hay do giá nhập khẩu tăng hay giảm…
Ông Phong bày tỏ, những tranh luận về xăng dầu giữa bộ Tài chính, bộ Công Thương và doanh nghiệp cho thấy nổi lên một điều, đây có thể là một tín hiệu mới về việc điều hành kinh doanh xăng dầu sắp tới.

So sánh thiên lệch
Trong các bản tin thị trường gần đây của Petrolimex, đăng tải trên website của tổng công ty này, phần so sánh giá bán lẻ xăng dầu trong nước với một vài quốc gia láng giềng luôn là mục không thể thiếu. Đáng chú ý là giá bán lẻ tại Việt Nam luôn đứng ở mức thấp hơn các ví dụ được Petrolimex nêu trong phần so sánh.
Chẳng hạn, trong bản tin ngày 21/9/2011, Petrolimex cho biết: xăng RON 92 đang bán tại Việt Nam thấp hơn Lào 5.798 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 6.052 đồng/lít, thấp hơn Singapore 12898 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.322 đồng/lít.
Trong bản tin ngày 5/9/2011, giá xăng RON 92 được nêu là 20.800 đồng/lít; thấp hơn Lào 5.798 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 3.945 đồng/lít, thấp hơn Singapore 13.014 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.322 đồng/lít.
Thế nhưng, dù có tìm mỏi mắt thì cũng không thấy mục so sánh với các quốc gia mà giá xăng dầu Việt Nam đang tương đương hoặc cao hơn (mặc dù Petrolimex chắc cũng nắm rõ).
Còn một yếu tố quan trọng hơn mà đáng lẽ Petrolimex nên so sánh, liên quan đến tính "hợp lý" của giá xăng, đặt trong tương quan với mức sống và ngưỡng chịu đựng của đông đảo người dân trong nước. Giả sử, nếu đem so tỷ lệ giá xăng/thu nhập bình quân của người Việt (GDP bình quân đầu người năm 2010: 1.170 USD) với Singapore (62.000 USD), Trung Quốc (4.500 USD) hay Mỹ (47.000 USD)... thì không biết giá xăng tại Việt Nam thực sự nên đứng ở mức nào?

Bộ Tài chính kiểm tra giá vốn 4 DN xăng dầu

Sau những phản ứng gay gắt từ phía Bộ Công Thương về quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu vừa qua, bộ Tài chính đã ra quyết định kiểm tra giá vốn cụ thể của 4 doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất chiếm 90% thị phần.

Bốn doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong diện kiểm tra này gồm Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm 55-60% thị phần, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên dầu khí Tp Hồ Chí Minh (Saigon Petro) và Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex).
Bộ Tài chính cho hay, các khoản chi phí sẽ được làm rõ là giá nhập khẩu thực tế của từng doanh nghiệp từ đầu năm đến ngày 15/9, giá vốn của từng doanh nghiệp hình thành ở thời điểm ngày 26/8/2011, là thời điểm bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán lẻ và các chi phí khác của doanh nghiệp. Đồng thời, bộ cũng sẽ kiểm tra việc sử dụng và vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, thông tin tại hội thảo về xăng dầu ở bộ Tài chính, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex  cho biết, 8 tháng qua, doanh nghiệp đã lỗ 1800 tỷ đồng và dự kiến tới hết tháng 9 là lỗ 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bộ trưởng Vương Đình Huệ chưa hài lòng với việc công bố các con số lỗ của Petrolimex và yêu cầu bóc tách minh bạch hơn các khoản lỗ của từng mặt hàng.
Tới thời điểm này, mặt hàng xăng dầu đang có thông tin 3 loại giá rất khác nhau gồm giá cơ sở tính theo công thức chung như Nghị định 84 qui định, giá vốn do doanh nghiệp tự tính dựa vào thực tế kinh doanh và giá vốn do bộ trưởng Vương Đình Huệ tiết lộ dựa trên số liệu lấy từ hải quan.
Cụ thể, tại thời điểm ban hành lệch giảm giá từ 21h ngày 26/8/2011, Bộ trưởng Huệ khẳng định Petrolimex có chênh lệch dương tới 879 đồng/lít, chưa kể 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Ngay sau đó, ông Bùi Ngọc Bảo công bố giá vốn lại cho hay, Petrolimex chỉ lãi 219 đồng đối với xăng A92, sau khi giảm giá 500 đồng/lít thì xăng A92 của đơn vị chuyển sang lỗ 135 đồng/lít.
Trong khi đó, biểu giá cơ sở tại thời điểm này cho thấy, trước giảm giá, xăng A92 lãi 122 đồng, sau khi giảm giá chuyển sang lỗ 268 đồng/lít.
Theo Nghị định 84, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ dựa trên nền tảng là mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ. Bảng giá này do Bộ Tài chính và các doanh nghiệp tính toán theo công thức chung. Còn tại mỗi doanh nghiệp, để cho biết kết quả lãi lỗ thực tế thì phải dựa vào giá vốn của doanh nghiệp, là mức giá tính dựa trên giá nhập khẩu xăng dầu thực tế, lượng tồn kho cụ thể và các khoản chi phí hoa hồng, lưu thông của doanh nghiệp.

Hai bộ tranh cãi nảy lửa chuyện giảm giá xăng dầu

  Bộ Công thương kêu hệ thống phân phối xăng dầu sắp võ vì lỗ quá lâu rồi và cho rằng không nên giảm giá xăng như vừa rồi. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính rất không hài lòng trước giải trình lỗ, lãi của Petrolimex.
Cuộc hội thảo về điều hành cơ chế giá xăng dầu sáng nay 20/9 do Bộ trưởng bộ Tài chính chủ trì đã "nổ" ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng về lãi lỗ hay sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ chế kinh doanh xăng dầu chứa đựng quá nhiều mẫu thuẫn, bất đồng ngay cả về quan điểm giữa doanh nghiệp, giữa lãnh đạo bộ tài chính và lãnh đạo bộ công thương và giữa các chuyên gia kinh tế.
Bộ trưởng "tù mù" trước chuyện lỗ của Petrolimex
Cao trào của cuộc tranh luận này là câu chuyện giảm giá xăng dầu vừa qua, đặc biệt là chuyện lãi lỗ của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Phải nói rằng, có 2 cách nhìn khá trái ngược nhau giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương ở vấn đề này.
Thông tin chính thức từ ông Bùi Ngọc Bảo cho hay, 8 tháng đầu năm, Petrolimex đã lỗ 1.800 tỷ. Nếu cơ chế tiếp tục như hiện nay thì tới tháng 9 thì còn lỗ tới 2.000 tỷ đồng. Nếu tính cả bù lãi suất thì mức lỗ là hơn 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để vị TGĐ Petrolimex "chốt" lại trước cuộc họp về các con số này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ gần như hỏi dồn, hỏi vặn vị TGĐ này.
Ông Huệ có ít nhất 3-4 lần ngắt lời diễn giải về cơ chế xăng dầu của ông Bùi Ngọc Bảo và tỏ ra rất sốt ruột khi ông Bảo cắt nghĩa chi tiết cụ thể về sự chi phối của các chi phí định mức hiện nay.
Bộ trưởng Tài chính liên tục nhấn mạnh: "Từ đầu năm đến nay, Petrolimex lỗ như thế nào mà sao IPO lại công bố lãi? Đề nghị anh Bảo nói rõ lỗ xăng bao nhiêu, lỗ dầu bao nhiêu. Tôi muốn biết lỗ, lãi thực tế của doanh nghiệp chứ không phụ thuộc vào bảng giá cơ sở của Nhà nước, không phụ thuộc vào các qui định về định mức chi phí trong kết cấu giá đầu vào của Nhà nước. Doanh nghiệp phải hạch toán cụ thể lãi, lỗ từng mặt hàng."
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo thì khăng khăng: "Kinh doanh hàng chục năm nay, chúng tôi không tách riêng lời lỗ từng mặt hàng như vậy. Vì đầu vào phân bổ chi phí chung nên không thể tính lỗ ra từng mặt hàng được. Còn khi trình mức trích xả Quỹ là chúng tôi căn cứ vào sản lượng theo qui định. Sản lượng thì tính được".
Tuy nhiên, các lý giải của DN này đều không được bộ trưởng Tài chính tỏ ý chấp nhận. Bộ trưởng Huệ cho rằng "nói thế thì Petrolimex xem lại quản trị doanh nghiệp của mình".
Ông Huệ cho rằng, DN phải hạch toán được riêng từng mặt hàng, nếu không thì căn cứ vào đâu để xin trích mức Quỹ bình ổn giá. DN kêu lỗ lắm rồi mà tại sao Nhà nước không cho dùng quỹ bình ổn. Nhưng cho như thế nào thì phải có thông tin xác thực thì mới quyết định.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: "DN nào muốn khiếu nại về giảm giá sai thì cứ nộp đơn khiếu nại. Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN dầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân".

Đồng chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Bộ Công Thương rất sốt ruột với sự trình bày dài dòng của vị TGĐ Petrolimex và cũng không đồng tình với cách hỏi vặn "không đúng thực tế ngành xăng dầu" của bộ trưởng Huệ.
Ông Tú bổ sung: "Lỗ thực tế là khác, cao hơn nhiều so với chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ. Các kết cấu trong bảng giá này đã cũ rỗi, lạc hậu từ 20 năm nay rồi. Hiện nay, chi phí hoa hồng đã chỉ còn có 150 đồng/lít (định mức là 600 đồng), hệ thống sắp vỡ rồi!"
Bộ trưởng Tài chính chịu trách nhiệm về giảm giá xăng
Liên quan chuyện giảm giá xăng dầu mới đây, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), Tổ phó Tổ điều hành giá xăng dầu bày tỏ: "Vừa rồi, nhận quyết định giảm giá 500 đồng/lít xăng, tôi tự hỏi là Bộ Tài chính làm sao vậy? Đang lỗ mà lại cho giảm thì không thể hiểu nổi. Giá cơ sở  là do Bộ Tài chính đưa ra, DN tính theo Bộ cho thấy lỗ mà sao lại giảm. Tôi chẳng hiểu điều hành giá kiểu gì? Xem lại pháp lệnh giá, chẳng hiểu Bộ tài chính căn cứ theo điều nào mà lại cho giảm."
"Ngay sau đó, một số cây xăng ở miền Tây không bán nữa. Hiện xăng dầu cực khan hiếm. Tình hình này từ giờ cuối năm, nếu với giá này, sẽ vỡ hệ thống phân phối", ông An cho hay.
Rồi ông An lại lắc đầu than bức xúc: "Lỗi do con người không do văn bản. Dẫn lại sự tréo ngoe về điều hành giá của bộ Tài chính, ông An than phiền: "Ngày 8/7/2011, Bộ Công thương đề nghị giảm giá, Bộ tài chính không giảm giá. Lúc đó, DN đang lãi 200-300 đồng/lít. Việc lấy mốc 30 ngày hiện đang rất lung tung".
Trước số liệu này, bộ trưởng Huệ nói thẳng: "Tại thời điểm đó, theo số liệu cập nhật của hải quan cho thấy, riêng Petrolimex có lãi tới 780 đồng, có chênh lệch dương, đó là chưa kể ngoài chênh lệch 300 đồng/lít định mức. Tôi đã gọi anh Bảo lên có giảm được không, anh Bảo nói giảm được."
"Từ khi có quyết định giảm giá, tôi chưa thấy DN nào bảo là không duy trì được. Giảm giá là quyết định đúng. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân về việc này.", ông Huệ nhấn mạnh.
Ông nói tiếp: "DN nào muốn khiếu nại về giảm giá sai thì cứ nộp đơn khiếu nại. Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN đầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân".
Thậm chí, vị bộ trưởng này còn nói gay gắt: Doanh nghiệp nào không nhập được, không tham gia cuộc chơi này thì Bộ Tài chính chấp nhận cho rút. Doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước. Con số công bố lỗ lãi như thế, chúng tôi sẽ đi kiểm tra. Nhà nước chỉ bù lỗ do khách quan chứ không bù cho những lỗ do yếu kém của DN gây nên.
Theo ông Huệ, chưa thể thả thị trường xăng dầu hoàn toàn như Nghị định 84 từ ngay tới cuối năm. Đặc biệt, việc thị trường hóa này phải tái cấu trúc môi trường cạnh tranh, sòng phẳng, không thể để vị thế như 60% thị phần Petrolimex và cộng với Petro Saigon và PVoil là 90%.
Nếu cho DN tự định giá ngay thì ngày mai sẽ ra sao? Ông Huệ nói.

Dân đồng tình với Bộ trưởng Tài chính

Sau khi bài tường thuật về hội thảo: Hai bộ tranh cãi nảy lửa chuyện giảm giá xăng dầu, nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về tham gia góp ý.

Hầu hết đều đồng tình với những lập luận có sức thuyết phục của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các ý kiến đều cho rằng điều hành giá xăng dầu vừa qua là rối rắm và tù mù, cần minh bạch rõ ràng và phải lấy lợi ích của Nhà nước, người dân làm trọng.

Bạn Ngọc Lan (Email: claire_portman@yahoo.com) cho rằng, chưa cần biết Bộ Công thương hay Bộ Tài chính đúng, chỉ cần thấy doanh nghiệp kêu lỗ, mà không hạch toán rạch ròi được mặt hàng nào lỗ bao nhiêu, mà vẫn đòi ngân sách bù lỗ là chuyện phi lý. Hơn nữa lập luận của doanh nghiệp lại rất mâu thuẫn: bảo rằng không tách bạch được lãi lỗ từng mặt hàng, từng ngành nghề kinh doanh, nhưng IPO báo lãi, thế thì làm sao biết là kinh doanh xăng dầu có bị lỗ thật hay không, mà nếu biết là lỗ do kinh doanh xăng dầu thì sao không thể biết từng mặt hàng lỗ bao nhiêu. Chẳng qua vì nhà nước có bù lỗ xăng dầu nên những lỗ khác (do kinh doanh trái ngành) cũng đổ là do kinh doanh xăng dầu để lấy tiền từ ngân sách nhà nước. Đúng là quản trị doanh nghiệp của Petrolimex có vấn đề!

Gay gắt và thận trọng, bạn đọc có nick: hoahoa7775@yahoo.com viết: Bộ trưởng Tài chính đang tấn công vào "sào huyệt lỗ lãi xăng dầu" mà từ trước tới giờ chưa bộ nào dám để ý. Muốn làm được việc này cần phải trình độ tổng hợp cao và cái đầu có 'máu lanh" biết chịu trách nhiệm, tôi tin rằng Tân Bộ trưởng sẽ làm được. Việc báo cáo lỗ lãi trong kinh doanh của doanh nghiệp quá bình thường để "qua mặt "các nhà quản lý đối với nước ta, nhưng việc quyết liệt để vạch ra sự "khôn khéo" này thì bây giờ tôi mới thấy ở một vị Tân Bộ trưởng.

Bạn đọc Lãnh Trung Thông (dhcnqnlanhthong@gmail.com) cũng đồng tình: Thật vui khi theo dõi hội thảo về điều chỉnh cơ chế giá xăng dầu. Thật tuyệt vời khi được theo dõi cuộc hội thảo có một không hai này. Bộ Trưởng Vương Đình Huệ đã bộc lộ thật sự là một vị Tư lệnh tài chính có tài. Mọi luận điểm của ông đều dựa vào cơ sở rất khoa học, không chủ quan mơ hồ. Vì có niềm tin là mình đúng, ông giám chịu trách nhiệm cá nhân trước những quyết định đầy sóng gió phong ba. Ông " vì 84 triệu dân chứ không vì 11 doanh nghiệp đầu mối".

Với tiêu đề: Bộ Tài chính làm hay lắm, bạn đọc có email: ptckhcmdn@yahoo.com.vn viết: Doanh nghiệp kinh doanh mà không báo cáo được lời lỗ từng mặt hàng là doanh nghiệp không có báo cáo thuế. Bộ công thương sao lại đứng về phía 11 doanh nghiệp mà không đứng về phía 84 triệu dân Việt Nam. Hãy xem xét lại các doanh nghiệp này. Cũng như Ngành điện lực vậy, tại sao báo lỗ mà cuối năm tiền thưởng của một nhân viên lại cao, có phải tiền lãi đi đầu tư xây dựng mới các công trình, đúng ra việc kinh doanh đầu tư mới của anh thì anh phải kêu gọi đầu tư, kêu gọi cổ đông, cổ phần, cổ phiếu, chứ sao anh lại lấy tiền của 84 triệu dân trong phí sử dụng điện để ngành điện đi đầu tư phát triển?

Bạn đọc Thanh Hải (thanhhai023@gmail.com) và nhiều bạn đọc khác thì thích nhất câu trả lời rắn rỏi và kiên định của Bộ trưởng Huệ rằng: Tôi rất đồng tình với Bộ trưởng Vương Đình Huệ và thích nhất câu nói của ông:" DN nào muốn khiếu nại về giảm giá sai thì cứ nộp đơn khiếu nại. Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN đầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân". Và rằng: Tuy nhiên cần cứng rắn hơn nữa để doanh nghiệp phải hạch toán rõ ràng. Trả lời như ông chủ DN chẳng khác nào cách trả lời của bà bán cửa hàng tạp hóa nhỏ là: không hơi nào mà ghi chép từng mặt hàng vì cũng chẳng để làm gì.

Câu hỏi: Vì sao lại thế? Bạn đọc Lương Huy (luongthethoi@yahoo.com) lý giải: Thiết nghĩ giá xăng dầu tăng hay giảm, các doanh nghiệp xăng dầu lỗ hay lãi, thật khó có lời giải trong ngày một ngày hai. Chỉ xin lưu ý khi so sánh giá xăng dầu trong nước với các nước trong khu vực và châu lục - không biết chúng ta có so sánh thêm yếu tố thu nhập bình quân đầu người hay mức sống của công dân trong các nước được đem ra so sánh hay không. Tôi không nắm rõ về quản lý giá cả, nhưng phép so sánh như vậy chắc không sai nhiều lắm khi được dùng để đánh giá trình độ quản lý của ta. Nếu quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ hoặc phải bù lỗ nhiều nhiều - nên chăng chúng ta dũng cảm dừng cuộc chơi và thuê (hoặc nhường sân chơi điều hành) cho các cao thủ khác.

Xin cảm ơn Bộ trưởng là ý kiến của rất nhiều bạn đọc phản hồi và cho rằng, 84 triệu dân Việt Nam ai cũng biết thị trường xăng dầu VN chưa thể có cơ chế cạnh tranh thị trường lành mạnh mà là sự độc quyền phân phối. Điều này ai cũng biết nhưng chỉ có các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là vờ như không biết. Để thị trường xăng dầu ngày càng minh bạch, quyền lợi 84 triệu dân được bảo vệ chính đáng thì cần phải có những hành động công tâm như của Bộ trưởng Huệ. Sự dũng cảm của ông trên cương vị Bộ trưởng làm tôi nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những bài viết trên chuyên mục “NVL”.

Duy anh, gửi lúc 22/09/2011 11:16:00
"giá xăng dầu": Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm khoa học của tân Bộ trưởng BTC, từ xưa tới nay hiếm thấy lãnh đạo cấp cao giám nói giám chịu trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi cho dân. Tôi rất mong các vị lãnh đạo cấp cao lắng nghe và ủng hộ những quyết sách đúng.
demen, gửi lúc 22/09/2011 11:16:31
"HOAN HÔ BT TÀI CHÍNH": Qua buổi hội thảo về giá xăng dầu, tôi xin hoan nghênh Tân Bộ Trưởng Tài Chính, vì các lí do sau : 1. Dám chịu trách nhiệm công việc của mình về giảm giá xăng dầu. 2. Nêu những vấn đề còn tù mù ở việc " báo giá, than lỗ" của các NCC xăng dầu độc quyền. và BT nên : 1. Đề nghị kiểm toán các NCC vì nuôi 1 bộ máy cồng kềnh thì làm sao không lỗ (tiền nuôi nầy, dân lại gánh). 2. Đề nghị thanh kiểm tra tài sản các "Vị" nầy thì sẽ rõ. ................ Dế mèn
nguyễn dự, gửi lúc 22/09/2011 11:17:32
"bất cập": Bản thân tôi không đứng về phía bộ nào.nhưng tôi đồng tình với quan điểm vì dân của đồng chí Vương Đình Huệ.Là người lãnh đạo mà không vì lợi ích của dân,của đất nước liệu có xứng đáng không?Bác Hồ dạy thế nào?trong lúc đất nước đang nước sôi lửa bỏng?(lạm phát thứ 2 trên thế giới).những người không đủ khả năng làm việc nước thì nghỉ đi,để những người vì dân còn gánh vác trách nhiệm.
Phạm Thị Thu Hưng, gửi lúc 22/09/2011 11:18:21
"hoan hô tân Bộ trưởng Tài chính ": Tôi cũng rất đồng tình với cách làm việc của tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ,ông đúng là một nhà lãnh đạo vì dân, có tài và có tâm.
Nguyen Hai Tu, gửi lúc 22/09/2011 11:18:56
"Xin cám ơn Bộ trưởng Vương Đình Huệ": Xin chân thành cám ơn Bộ trưởng Bộ Tài Chính . Người dân chúng tôi rất cần những người Bộ trưởng như Ông. Tôi thấy rằng xăng dầu cứ lên giá mà doang nghiệp vẫn cứ báo lỗ, trong lúc đó DN đó lại đầu tư vào các lĩnh vực khác rất lớn, lương và thưởng của nhân viên vẫn cao ngất. Cũng giống như Điện lực luôn báo lỗ nhưng lương của một công nhân bình thường của nghành Điện lực cũng đáng để cho nhiều ngành phải ngước nhìn. Kinh doanh mà không hạch toán được từng ngành cụ thể thì cũng bó tay rồi nhất là một Tổng công ty lớn chứ đâu phải buôn bán nhỏ đâu. Một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Nguyen Duong Minh, gửi lúc 22/09/2011 11:19:13
"Hoan hô Bộ Trưởng Huệ": Thật vui mừng vì lần đầu tiên có một vị Bộ Trưởng dám cương quyết và mạnh dạn chịu trách nhiệm như vậy. Bộ trưởng Huệ rất giỏi, nghe Bộ Trưởng phát biểu mà thấy sung sướng quá. Chúc mừng Bộ trưởng, hy vọng Bộ trưởng sẽ làm tới trong việc giá xang dầu này. Hoan hô Bộ trưởng Huệ.
Hồ Hữu Thuận, gửi lúc 22/09/2011 11:24:10
"Bộ trưởng Huệ quả là người đặc biệt": Qua cách lập luận đầy trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính. Tôi thực sự xúc động và cảm ơn Ông vì Ông còn nghĩ đến người đân Việt Nam. Theo tôi, nếu minh bạch thực sự thì các tổng công ty như Petrol; EVN, TKV, Viêtnam Airline cũng đều có vấn đề. Họ liên tục kêu lỗ đòi tăng giá và hầu hết được chấp nhận vì bản thân họ đang độc quyền
Nguyễn Mạnh Dũng, gửi lúc 22/09/2011 11:19:57
"Một Bộ trưởng công tâm!": Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm, cách làm của Bộ tài chính và cá nhân Bộ Trưởng - Vương Đình Huệ. Vì nghành xăng dầu của chúng ta chưa có cạnh trạnh nên sự điều tiết, kiểm tra của Bộ tài chính là hết sức cần thiết. Mong sao đất nước chúng ta có nhiều lãnh đạo dám nói, dám làm như Bộ trưởng - Vương Đình Huệ. Xin cảm ơn ông
Trương Tuấn Phương, gửi lúc 22/09/2011 11:23:36
"Vui vì có Bộ trưởng Tài chính mới": Thực sự khi được xem Bộ trưởng Tài chính lập luận và phản hồi những ý kiến trong buổi hội nghị, Tôi thấy vui lắm, vui vì vị Bộ trưởng này thực sự có lý luận thực tiễn và ông đã đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Mong ông tiếp tục có những quyết sách phù hợp với lòng dân, tạo niềm tin đối với Chính phủ, Nhà nước.
Trần Quang, gửi lúc 22/09/2011 11:23:16
"Rất vui": Sau khi Đài truyền hình VN đưa tin về cuộc hội thảo ngày hôm qua về giá xăng dầu, dân phố nghèo chúng tôi tổ chức liên hoan chân gà tại vỉa hè. Ai cũng thấy vui khi Đất nước đã chọn được một số Bộ trưởng trẻ dám nhìn thẳng, tuyên chiến với những vấn đề bức xúc.
Kieudung, gửi lúc 22/09/2011 11:25:01
"Chất vấn vững như bàn thạch": "Không thể hạch toán từng mặt hàng thì tôi không biết quản trị các anh thế nào...?" Theo tôi đây là câu nghi vấn hay nhất của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính và việc khẳng định "Chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo từng mặt hàng một chứ không có chuyện không biết lời lỗ từng mặt hàng” cho thấy rõ sự cương quyết của Bộ trưởng. Và quả thật như một bạn đọc viết "nên nhường chỗ cho cao thủ khác khi không thể quản lý được lãi lỗ từng mặt hàng!
pham van thang, gửi lúc 22/09/2011 11:25:12
"cám ơn bộ trưởng Bộ tài chính ": Xin cảm ơn Bộ trưởng, tôi thấy rất nhiều ý kiến ủng hộ Bộ Trưởng . xin ông chỉ đạo sát sao việc này, nếu doanh nghiệp nào không làm được thì cho giải tán.

TGĐ Petrolimex: Không có chuyện xăng dầu siêu lợi nhuận!

Ngay sau khi tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố, Petrolimex lãi tới 780 đồng/lít xăng dầu chưa kể 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Petrolimex Bùi Ngọc Bảo khẳng định: Tôi hoàn toàn không biết gì về con số này!



Như Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet đã đưa tin, đỉnh điểm của sự tranh cãi nảy lửa tại hội thảo về xăng dầu hôm 20/9 là việc trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã thẳng thắn đưa ra con số lãi lớn của Petrolimex theo tính toán từ số liệu của cơ quan hải quan.
 

Chiều 21/9, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex, người bị Bộ trưởng Vương Đình Huệ dồn hỏi về lãi lỗ ngày hôm trước đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để nói lại cho rõ thông tin.
Để minh bạch về giá xăng dầu, ông Bảo đã dẫn ra 2 loại giá gồm giá cơ sở, là giá định hướng của cơ quan quản lý theo mẫu công thức như Nghị định 84 qui định, giá vốn là giá tính theo chi phí thực tế dựa trên cơ sở tồn kho cụ thể của doanh nghiệp. Đồng thời, vị TGĐ này cũng so sánh các mức lãi- lỗ theo công thức giá cơ sở và mức lãi- lỗ trên thực tế để thấy sự khác nhau.
Cụ thể, trước thời điểm giảm giá gần đây nhất là 21h ngày 26/8, theo bảng giá cơ sở của Bộ Tài chính thì xăng A92 lãi 122 đồng, dầu diesel 0, 05S lãi 441 đồng/lít. Theo thực tế kinh doanh của Petrolimex, giá vốn đủ để hòa so với giá bán lẻ thì xăng A95 lỗ 58 đồng/lít, xăng A92 lãi 219 đồng/lít, dầu DO 0,05 lãi 540 đồng/lít, DO 0,25 lãi 289 đồng/lít.
Sau khi giảm giá 500 đồng/lít đối với xăng, 300 đồng/lít đối với dầu diesel và giảm 100 đồng/lít mức trích quỹ bình ổn giá ở mặt hàng xăng thì các tính toán giá vốn của Petrolimex cho thấy, xăng A95 của Petrolimex lỗ 412 đồng/lít, xăng A92 lỗ 135 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tiếp tục có lãi nhưng giảm so với trước là lãi 267 đồng/lít, dầu diesel 0,25S chỉ còn lãi 17 đồng/lít.


Lãi lỗ tính theo giá tạm tính khai với hải quan sẽ không chính xác
Trả lời các câu hỏi của PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ thêm.

Tổng Giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nói lại cho rõ thông tin lỗ lãi xăng dầu
(ảnh: Phạm Huyền)
  -Thưa ông, vậy, ông nói gì về con số lãi 780 đồng/lít mà chính Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố sáng 20/9 tại hội thảo về xăng dầu? Trước đó, ông đã được bộ trưởng Tài chính thông báo về con số này chưa?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi  hoàn toàn không biết gì về con số lãi tới 780 đồng/lít như vậy. Nếu hiểu như thế, cộng thêm 300 đồng/lít lợi nhuận định mức thì Petrolimex lãi to, trong khi đó, chúng tôi lại kêu lỗ.
Không có chuyện trước khi giảm giá, Petrolimex lại lãi lớn tới, lại siêu lợi nhuận đến như vậy. Nếu đúng như chúng tôi lãi lớn như thế, tôi sẽ xin giảm hẳn 1000 đồng/lít.
Cũng không có chuyện Tổng công ty báo cáo không đúng tình hình để làm rối quản lý  kinh doanh xăng dầu.
Từ trước tới nay, Tổng công ty luôn thực hiện theo chỉ đạo của Nhà nước, của Liên bộ, của Chính phủ. Chúng tôi nghiêm túc trong việc thông tin, báo cáo, thể hiện trong kết quả kinh doanh của mình đều được kiểm toán.
-Tuy nhiên, bộ trưởng bộ Tài chính có nhấn mạnh, thông tin 780 đồng/lít tiền lãi là dựa trên số liệu giá nhập từ cơ quan hải quan. Ông có ý kiến gì?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Đối với xuất nhập khẩu xăng dầu, theo tập tục quốc tế, tất cả các doanh nghiệp  ngành xăng dầu khi mua hàng thì một tháng sau mới thanh toán tiền. Vì thế, mặt hàng này chịu tác động của tỷ giá rất lớn.
Tại hải quan, có 2 loại giá cần lưu ý. Thứ nhất là giá tạm tính. Khi tàu về đến Việt Nam, chúng tôi phải làm tờ khai hải quan thì chỉ kê khai với hải quan giá tạm tính để hải quan tạm tính số thuế. Một tháng sau, khi thanh toán thực tế, chúng tôi lại kê khai với hải quan lại mức giá thực tế phải trả cho đối tác và hải quan cũng tính lại mức thuế.
Vì thế, nếu lấy giá tạm tính ở hải quan để tính toán thì có thể cho ra kết quả rất khác và đó đương nhiên không phải là giá thực. Trong khi thông thường, giá tạm tính này thường có chênh lệch thấp hơn so với giá thanh toán thực tế, tùy vào từng tình hình thời điểm.
Nhiều người không am hiểu lĩnh vực này thì thấy u u minh minh, nhìn vào giá trị khai hải quan và giá trị thực tế trả người bán hàng lại rất khác nhau, thấy tàu về rồi, hàng bán rồi mà lại chưa biết giá phải trả như thế nào. Nhưng thực tế phương pháp mua bán xăng dầu là như thế.
-Như ông nói, dầu diesel lãi tới 540 đồng/lít. Tại thời điểm đó, Petrolimex có xin giảm giá không?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi không có lần nào xin tăng giá mà cũng không xin giảm giá xăng dầu. Vì lúc này, Tổng công ty và tất cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu đều đang hoạt động theo sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ và Liên bộ về giá. Nghĩa là, toàn bộ đơn vị xăng dầu hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ chính trị. Toàn bộ giá bán đều do cơ quan liên bộ xác định, các doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm thực thi.
Khi hội tụ đủ điều kiện thì mới có cơ hội giảm giá xăng dầu
-Vậy, xin ông nói rõ hơn về thông tin rằng, vì lãi nên ông đã rất đồng ý việc giảm giá khi Bộ trưởng bộ Tài chính hỏi trước khi ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá?
Xăng dầu luôn gây nóng dư luận (ảnh: Phạm Huyền)
Ông Bùi Ngọc Bảo: Trong một số cuộc gặp với bộ trưởng bộ Tài chính, tôi có báo cáo hai ý, một là thời điểm hiện nay tương đối tốt cho việc công bố hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84, ý thứ hai là cần có hướng dẫn để xử lý đối với tồn tại lỗ của doanh nghiệp trong suốt từ đầu năm đến thời điểm có công bố kinh doanh xăng dầu chuyển sang đẩy đủ theo Nghị định 84.  Tôi chỉ có bình luận rằng, bản thân Nghị định 84 đã quy định công thức giá, với xu hướng giá thế giới đang có đi xuống, khi hội tụ đủ điều kiện thì có cơ hội hạ giá là hoàn toàn bình thường. Đến thời điểm này, giá do cơ quan quản lý Nhà nước  xác định, quyết định.
-Vậy, ông nghĩ sao về việc bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp kêu lỗ và đừng dọa nhà nước, nếu cần thì sẽ công bố gian lận?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Tại hội thảo hôm qua, tất cả các doanh nghiệp phát biểu gồm có tôi, có GĐ Xăng dầu Quân đội, có PVoil, không ai than phiền về lỗ, đòi tăng giá hoặc nói rằng không đủ sức nhập khẩu xăng dầu, không đảm bảo nguồn cung cho thị trường cả. Chúng tôi chỉ nói về cơ chế điều hành theo nghị định 84 thôi.
Nhìn chung, thực tế, các doanh nghiệp đầu mối đều phát sinh lỗ với các mức độ rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi đều hiểu các mức giá bán hiện nay là nhằm mục tiêu chính là giảm lạm phát và đó là nhiệm vụ số 1 nên không ai kêu ca gì.
-Vậy tại sao khi bị vặn hỏi về tách bạch lỗ từng mặt hàng, ông tỏ ra lúng túng và không công bố ngay các con số giá vốn như trên?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi được mời dự sự kiện đó là một hội thảo khoa học chứ không phải là một cuộc họp. Vì lẽ đó, trước một hội thảo khoa học, chúng tôi có cách chuẩn bị khác, chỉ phát biểu về cơ chế. Còn nếu là cuộc họp bàn về giá xăng dầu với lãnh đạo Bộ thì chúng tôi sẽ phải chuẩn bị thông tin đầy đủ theo cách khác. Vì thế, ngay tại thời điểm được hỏi, tôi không có ngay bảng giá vốn để công bố tại hội thảo.
Năm 2006-2008, chúng tôi có bóc tách hết việc lỗ lãi xăng dầu trên nguyên tắc phân bổ, khi có bù lỗ.
Về kinh doanh, khi mà xăng và dầu đều có chung một chi phí lưu thông định mức chỉ được 600 đồng/lít thì chúng tôi không bóc tách ra. Với giá như thế, sau khi hợp nhất thì ra hạch toán lỗ lãi chung. Về góc độ quản trị thì hoàn toàn bóc tách ra được.

Từ 21h ngày 26/8 , xăng A92 giảm 500 đồng/lít, từ 21.300 đồng/lít xuống 20.800 đồng/lít, xăng A95 từ 21.800 đồng/lít còn 21.300 đồng/lít. Dầu diesel giảm 300 đồng/lít, do đó, loại 0,05S từ mức giá bán 21.100 đồng/lít giảm còn 20.800 đồng/lít, dầu diesel 0,25S từ mức giá 21.050 đồng/lít giảm còn 20.750 đồng/lít.
Cụ thể, trước khi giảm giá, theo công thức chung, giá cơ sở xăng A92 cao hơn giá bán lẻ 178 đồng/lít. Tuy nhiên, trong kết cấu tính giá cơ sở đã bao gồm cả khoản 300 đồng lợi nhuận định mức. Vậy, lấy 300 đồng lợi nhuận này trừ đi 178 đồng chênh lệch thì bảng tính chung này cho thấy doanh nghiệp có lãi 122 đồng/lít.
Thực tế tại Petrolimex, giá vốn xăng A92 để hòa vốn là 21.081 đồng/lít, so với giá bán lẻ thì Petrolimex có lãi là 219 đồng/lít.
Đối với xăng A95, giá để hòa vốn của Petrolimex phải là 21.858 đồng/lít. So với giá bán thì Petrolimex lỗ 58 đồng.
Tương tự đối với dầu diesel 0,05, giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ 141 đồng/lít. Cộng 300 đồng lợi nhuận định mức, theo công thức chung, doanh nghiệp lãi 441 đồng.
Tuy nhiên, thực tế mức giá để hòa vốn của Petrolimex chỉ là 20.560 đồng/lít nên Petrolimex lãi 540 đồng/lít.
Đối với DO 0,25, giá vốn của Petrolimex là 20.760 đồng/lít so với giá bán hiện, đơn vị thực tế có lợi nhuận 289 đồng/lít.
Sau khi giảm giá và giảm mức trích Quỹ từ 21h ngày 26/8/2011, giá cơ sở xăng A92 cao hơn giá bán lẻ mới (20.800 đồng/lít) là 568 đồng/lít. Trừ 300 đồng/lít lợi nhuận định mức trong kết cấu giá cơ sở,  theo công thức, doanh nghiệp lỗ 268 đồng/lít.
Tại Petrolimex, giá xăng A92 để hòa vốn phải là 20.935 đồng/lít, Tổng công ty lỗ 135 đồng/lít. Đối với xăng A95, giá để hòa vốn lại là 21.712 đồng/lít trong khi giá bán lẻ mới là 21.300, Petrolimex lỗ 412 đồng/lít.
Đối với dầu diesel 0,05, sau khi giảm 300 đồng giá bán lẻ từ thời điểm trên, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ mới là 131 đồng. Trừ đi 300 đồng lợi nhuận định mức, các doanh nghiệp tiếp tục có lợi nhuận theo công thức là 169 đồng/lít.
Còn thực tế ở Petrolimex, dầu diesel 0,05S có giá bán hòa vốn là 20.533 đồng/lít, so với giá bán 20.800 đồng thì đơn vị tiếp tục có lãi 267 đồng/lít, diesel 0,25S có giá bán hòa vốn phải là 20.733 đồng/lít, so với giá bán là 20.750 đồng/lít, Petrolimex còn có lãi 17 đồng/lít.

Cú đánh vào 'nhóm lợi ích' xăng dầu

 Đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện về tình hình tài chính và về những con số lãi, lỗ đang ẩn giấu trong khối doanh nghiệp xăng dầu. Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu cách tự tung tác của họ bằng những chế tài và kỷ luật nghiêm khắc.
Cú "đánh bồi" kéo tăng lạm phát
Chỉ sau gần hai tháng nhậm chức bộ trưởng Bộ Tài chính, khẩu khí phản biện cương trực và quyết đoán của ông Vương Đình Huệ trong cuộc đối thoại với "nhóm lợi ích" xăng dầu đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Cùng với việc phân tích mổ xẻ của báo giới về quá nhiều bất cập tồn tại trong ngành xăng dầu, rất nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến ủng hộ thái độ và cách thức hành xử của Bộ Tài chính khi thẩm định giá xăng dầu lần này.
Cũng cần nhấn mạnh từ "lần này", bởi hầu như những lần trước đây, cơ chế tăng giá xăng dầu đã được đề đạt theo truyền thống "đến hẹn lại lên", thậm chí giá dầu thế giới không "hẹn" mà giá xăng dầu trong nước cũng vẫn "lên". Nhiều lý do, và bao giờ cũng có lý do, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuyết minh và thuyết phục Bộ Tài chính chấp thuận phương án tăng giá.
Mấy tháng gần đây, khi giá dầu thế giới giảm mạnh, dường như cực chẳng đã giá xăng dầu trong nước mới giảm nhỏ giọt. Tăng thì vô tộ vạ, còn giảm chẳng đáng bao nhiêu. Gánh nặng chi phí vì thế cứ đổ hết lên đầu người dân và các doanh nghiệp sản xuất. Còn khi giá dầu thế giới vừa chớm tăng lại (mới chỉ chớm thôi), thì ngay lập tức đã xuất hiện điệp khúc trình phương án tăng giá do những diễn viên doanh nghiệp xăng dầu đóng vai chính.
Điệp khúc xin tăng giá lại hiện ra ngay khi "bóng ma" lạm phát vừa chớm thoái lui. Từ đầu năm đến nay, kinh tế đình trệ, số doanh nghiệp trong các ngành sản xuất bị phá sản tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát dốc đứng, kéo theo giá cả hàng tiêu dùng và thực phẩm phi mã làm khốn đốn những người dân có mức thu nhập trung bình trở xuống.

Khó có thể tin khi Petrolimex công bố năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng, thì trong bản cáo bạch tháng 7/2011 để IPO lại lãi 913 tỷ đồng?
Vậy, chúng ta nên nói thế nào về điệp khúc tăng giá xăng dầu? Lợi nhuận lũy kế đến nay và có thể cả sắp tới sẽ dành hết cho 11 doanh nghiệp xăng dầu, hay cần diễn đạt vấn đề theo hàm ý của bộ trưởng Vương Đình Huệ - không thể vì 11 thành viên của "nhóm lợi ích này" mà lãng quên 84 triệu dân Việt Nam?
Khẩu khí sắc sảo và chí lý của bộ trưởng Vương Đình Huệ đã thuyết phục người dân hơn rất nhiều so với lời "trần tình" về lỗ lã của Petrolimex. Làm sao người dân có thể tin rằng Petrolimex, khi công bố con số lỗ trong năm 2008 đến 10.700 tỷ đồng, thì trong bản cáo bạch của đơn vị này (được công bố vào tháng 7/2011 nhằm phục vụ cho hoạt động cổ phần hóa) lại nêu ra số lãi 913 tỷ đồng cũng trong năm 2008?
Đó là một sự tréo ngoe và đánh đố đối với người dân, và đương nhiên là thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Những cơ quan quản lý này nhiều năm nay đã chưa xem xét thấu đáo những gì ẩn chứa sau chuyện lời thật lỗ giả của Petrolimex.
Có nhiều ẩn chứa đã bị bỏ qua trong những năm qua. Nhiều lần giá xăng dầu cũng đã tăng, bất kể vô số bức xúc của người tiêu dùng. Muốn làm rõ trắng đen chuyện này, chỉ còn cách kiểm tra, kiểm toán. Mà công việc này lại là sở trường và kinh nghiệm đến mười năm làm việc của ông Vương Đình Huệ. Bởi thế, có hy vọng rằng lần này, chính là lần này chứ không như những lần trước đây, "công nghệ" báo lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu sẽ không qua được con mắt nghiêm nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Cần thanh tra toàn diện "nhóm lợi ích" xăng dầu
Sẽ không có bất kỳ văn bản chính sách nào được thực thi nghiêm minh nếu không được kèm theo công tác hậu kiểm và chế tài. Hãy nhìn sang Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước về thực hiện đúng quy định trần lãi suất huy động 14% đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Nếu như 6 tháng trước, cũng Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định này nhưng sau đó đã bị các ngân hàng xé rào thoải mái, thì chỉ với một vài động tác kiểm tra và xử lý nghiêm khắc vào đầu tháng 9/2011, trật tự lãi suất đã được lập lại.
Với các doanh nghiệp xăng dầu, ngoài chức năng kinh doanh, nhiệm vụ của họ còn tương tự như các ngân hàng - bình ổn giá và do đó bình ổn tiền tệ. Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, bình ổn tiền tệ tức sẽ bình ổn được những biến động của lạm phát. Nếu cứ để giá xăng dầu tăng vọt theo từng chu kỳ thì giá điện, giá hàng tiêu dùng và thực phẩm cũng ồn ào chạy theo, gây biến động mạnh và tiêu cực đối với nền kinh tế còn đang trong giai đoạn hồi sức.
Không biết có phải do ngẫu nhiên hay không, nhưng đề nghị tăng giá của 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại khá khớp với thời điểm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập phương án tăng giá điện. Một "chiến dịch tổng lực" chăng? Giả dụ được chấp thuận, chiến dịch này sẽ mang lại cho người dân cái gì, hay là cơ hội để lạm phát bật trở lại, vùi dập công sức kiềm chế của Chính phủ trong mấy tháng qua?
Tính đến tháng 6/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mang trên mình gánh nặng lỗ lũy kế trên 31.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2010 đã lỗ đến trên 23.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những đơn vị có tỷ lệ và giá trị vốn đầu tư ra ngoài ngành cao nhất, nhiều nhất. Với "gánh nặng sơn hà" khủng khiếp như thế, nền kinh tế không bị suy sụp mới là chuyện lạ.
Bởi vậy, việc Bộ Tài chính vừa thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Petrolimex và 3 đơn vị đầu mối khác là một động tác rất cần thiết. Hoạt động này sẽ tạo cơ sở cho Bộ hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, trong đó đặc biệt là quản lý sự tự tung tự tác của các doanh nghiệp xăng dầu trong nhiều năm qua.
Và cũng giống như cơ chế kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, việc chế tài có thể là hiệu ứng mà Bộ Tài chính muốn nhắm tới thông qua công cụ kiểm tra.
Với phần lớn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc kiểm tra nên được quan tâm không chỉ ở khía cạnh tăng giá xăng và còn từ nguồn cơn của nó. Nguồn cơn ấy xuất phát từ tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan mà đã dẫn đến những hậu quả thua lỗ lớn, gần tương tự như hệ quả đã xảy đến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong những năm qua, bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản vẫn là những ngành được cơ chế đầu tư ngoài ngành này ưu tiên. Thế nhưng ai cũng biết là chứng khoán đã bĩ cực như thế nào, còn doanh nghiệp bất động sản thì đang trong tình trạng chết lâm sàng.
Hiển nhiên, tiền đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp xăng dầu cũng khó thoát khỏi cảnh đổ vỡ của các doanh nghiệp chứng khoán và bất động sản. Giờ đây, để bù vào cái khoản "thất thoát" của mình, chẳng lẽ doanh nghiệp xăng dầu lại cứ một sách tăng giá, tìm cách trút hết đống nợ nần lên đôi bờ vai mòn mỏi của người dân?
Có thể, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang nhận ra sự việc đã có vẻ vượt quá tầm kiểm soát. Bởi thế, bộ trưởng Vương Đình Huệ đã không ngần ngại khi tuyên bố những doanh nghiệp xăng dầu nào từ chối yêu cầu của bộ thì có thể rút lui ngay lập tức. Sẽ có những đơn vị khác trám vào chỗ của "nhóm lợi ích" không thỏa mãn với quyền lợi cá nhân của họ.
Đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện về tình hình tài chính và về những con số lãi, lỗ đang ẩn giấu trong khối doanh nghiệp xăng dầu - một thực trạng mập mờ kéo dài nhiều năm qua khiến cho dư luận nhân dân rất bức xúc. Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu cách tự tung tác của họ bằng những hình thức chế tài và kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí bằng sự răn đe của pháp luật.
Vì 84 triệu người dân và sự sinh tồn của nền kinh tế, chứ không phải vì 11 doanh nghiệp mang tính cá thể, cần có một cuộc cách mạng trong ngành xăng dầu. Và cũng như sự cần thiết phải tinh giản khoảng 15-20% số ngân hàng thương mại yếu kém, có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại khả năng tồn tại tự thân nếu không bám víu vào chuyện tăng giá của một số doanh nghiệp xăng dầu nào đó.

Lỗ, lãi xăng dầu phụ thuộc... cách tính?

 Bình luận về sự khác biệt trong con số lỗ lãi của xăng dầu mà Bộ trưởng Tài chính và đại diện Bộ Công thương đưa ra hôm 20/9, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng kết quả chính xác hay không là phụ thuộc vào cách tính. Ông Tú đề nghị Bộ Tài chính công khai cách tính con số lãi 780 đồng/lít xăng.

Bộ Tài chính cũng cần công khai cách tính lỗ-lãi
- Thưa ông, gây tranh cãi và làm bất ngờ dư luận nhất là việc bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, Petrolimex lãi 780 đồng/lít xăng. Trong khi chỉ vào phút trước, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước của Bộ Công Thương lại chỉ trích việc giảm giá khi doanh nghiệp đang lỗ. Ông có ý kiến thế nào về những con số rất khác biệt này?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Nói chuyện lỗ - lãi ở từng thời điểm, điều kiện cụ thể là những khái niệm rất khác nhau. Khi tôi nói doanh nghiệp đang lỗ tức đó là khoản lỗ tích lũy lại của doanh nghiệp kể từ khi phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường do Chính phủ chỉ đạo. Đó là khoản lỗ có thật.
Còn khái niệm lỗ trên một lít xăng dầu là bao nhiêu, là khái niệm mà người ta thường nói tới là khoản lỗ tính trên ngày cụ thể. Đó chính là cái lỗ mà anh An và anh Huệ tranh luận tại hội thảo. Tuy nhiên, kết quả lỗ lãi đó chính xác hay không là phụ thuộc vào cách tính.



(VEF.VN) - Đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện về tình hình tài chính và về những con số lãi, lỗ đang ẩn giấu trong khối doanh nghiệp xăng dầu. Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu cách tự tung tác của họ bằng những chế tài và kỷ luật nghiêm khắc.
Cách tính của anh Lộc An rất minh bạch. Bởi vì, đó là cách tính dựa trên công thức tính giá cơ sở do chính Bộ Tài chính xây dựng và được nêu trong Nghị định 84. Đây là bảng giá cơ sở mà tất cả có quan quản lý Nhà nước gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vẫn dùng điều hành.
Còn kết quả ra lãi tới 780 đồng/lít xăng do bộ trưởng Huệ nói thì chúng tôi không được biết vì chưa bao giờ anh Huệ công bố cách tính cho ra kết quả đó, cũng như con số đó chỉ được anh Huệ đưa ra tại cuộc hội thảo ngày hôm đó. Chưa nhà khoa học nào, nhà quản lý nào hay doanh nghiệp nào biết đến con số này ở đâu ra, tính như thế nào.
Tôi nghĩ rằng, nếu Bộ Tài chính công bố cách tính của mình thì sẽ rõ ràng ngay.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: "Nếu Bộ Tài chính công bố cách tính của mình thì sẽ rõ ràng ngay." Ảnh: Phạm Huyền 

- Trao đổi hôm 21/9 trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo có đưa ra các con số giá vốn cụ thể cho thấy, mặt hàng xăng A92 trước khi giảm giá tuy không lãi 780 đồng/lít, nhưng cũng lãi 219 đồng và chuyển sang lỗ sau khi giảm giá. Ông có đánh giá thế nào về các con số này?
 Cách tính của Petrolimex có hợp lý?

TS. Nguyễn Thị Lan (Học viện Tài chính): Petrolimex đưa ra cách tính giá xăng dầu của mình rồi kêu lỗ là không hợp lý. Bởi lẽ, mức giá mà họ công bố là mức giá cơ sở được tính trên quy định của Nghị định 84/CP và các yếu tố đầu vào đều do các cơ quan Nhà nước ban hành, chứ không phải giá vốn của doanh nghiệp. Giá vốn có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá cơ sở phụ thuộc vào việc Petrolimex ký thỏa thuận với nhà cung cấp và thời điểm giao hàng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Để thiết lập được một thị trường xăng dầu thực sự, nhà nước cần phải xóa bỏ vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. Tiếp đó là phải tách khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ. Không nên để Petrolimex vừa nhập khẩu, vừa bán buôn lại vừa bán lẻ, sẽ rất khó kiểm soát, và những gì họ báo cáo cũng khó mà tin tưởng tuyệt đối được, ông Ánh đề xuất.
(Theo VnEconomy)

Con số này chưa phải là chuẩn xác nhưng cho bức tranh xu hướng chung. Vì trong công thức tính toán của anh Bảo, giá vốn đó chưa phải là giá vốn thực tế, chi phí kinh doanh xăng dầu vẫn là 600 đồng, là qui định của Nhà nước trong khi thực tế, chi phí kinh doanh xăng dầu không phải như vậy. Hơn nữa, anh Bảo tách ra 300 đồng/lít lợi nhuận định mức nên mới ra mức giá vốn như thế, còn nếu tính vào thì sẽ là một con số khác. Có thể gọi đây là giá vốn giả định trên cơ sở định mức chứ không phải là giá vốn thực tế. Giá vốn thực tế phải dựa trên chi phí thực tế. Chi phí là cả một giai đoạn, phải được phân bổ thì mới ra chi phí thực tế.
Sắp tới, đoàn kiểm tra giá xăng dầu của bộ Tài Chính sẽ làm rõ việc đó. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là, kinh doanh mặt hàng nào cũng thế, kể cả xăng dầu thì mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng. Chúng ta không thể thoát ly khỏi đặc thù đó nếu muốn có bức tranh thực sự.
Không thể tách bạch quản lý xăng dầu giữa hai bộ
- Tại hội thảo, ông liên tục nhấn mạnh hệ thống phân phối xăng dầu sắp vỡ, vì doanh nghiệp lỗ. Còn bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng, việc đổ vỡ hệ thống phân phối xăng dầu là trách nhiệm của bộ Công thương, Bộ Tài chính chỉ chịu trách nhiệm về giá. Ông có ý kiến thế nào?
Trong Chính phủ, mỗi bộ ngành đều có sự phân công phụ trách đảm nhiệm một lĩnh vực nhất định. Tôi tán thành ý kiến của bộ trưởng Huệ nói rằng, bộ Công Thương lo về an ninh năng lượng, lo đảm bảo nguồn, đảm bảo hệ thống phân phối thông suốt, đảm bảo đủ dữ trữ phòng khi có biến động bất thường.
Tuy nhiên, tôi không tán thành cách đặt vấn đề của bộ trưởng Huệ khi tách bạch hai bộ như vậy. Giá cả thì tác động trực tiếp tới hệ thống phân phối, tới nguồn, tới dự trữ. Từ xưa tới nay, bộ Tài chính và bộ Công Thương vẫn phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề này.
Ngày 26/9/2009, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ bộ Công Thương, bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp để đảm bảo xăng dầu được cung cấp đầy đủ cho người dân.
- Thưa ông, giá xăng dầu có ảnh hưởng giá sao tới khả năng “vỡ” hệ thống phân phối xăng dầu?
Một tâm lý rất bình thường của bất kỳ nhà kinh doanh nào là khi lãi thì muốn bán thật nhiều, khi lỗ thì muốn bán ít để duy trì khách hàng. Xăng dầu cũng tương tự thôi. Cần xuất phát từ một điểm rất quan trọng là để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo nhiệm vụ chính trị, trong vài năm gần đây tùy thời điểm, doanh nghiệp xăng dầu chịu một khoản lỗ tích lũy đến nay khá lớn. Trước đây, Nhà nước bù lỗ xăng dầu nhưng khi chuyển sang Nghị định 84 thì Nhà nước không bù nữa.
Do đó, khi phải bán giá thấp dưới giá vốn, tâm lý các doanh nghiệp đầu mối đều giảm lượng hàng nhập về để giảm lỗ, đồng thời, giảm hoa hồng cho hệ thống tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ. Khi đó, các cửa hàng lẻ cũng không muốn bán nữa.
Thứ ba là, vì dự trữ cũng là chi phí gồm chi phí giá vốn, trông coi, kho tàng, hư hao nên khi khó khăn, người ta giảm dữ trữ xăng dầu đi thì dự trữ tổng thể giảm đi.
Ba vấn đề đó gây một nguy cơ cho xã hội là giá có thể rất thấp, rẻ nhưng không có xăng mà bán, không ai bán cho mà mua và khi biến động bất thường về năng lượng thì không còn giọt xăng dầu nào mà dùng.
Giá tác động trực tiếp tới an ninh năng lượng, giá không thể đứng một mình.
- Thưa ông, trước đây, vì giá mà hệ thống phân phối xăng dầu đã xảy ra nguy cơ vỡ hay chưa?
"Doanh nghiệp cứ dọa nhà nước. Không anh nào dọa Nhà nước được mà Nhà nước cũng không dọa ai cả. Trên thực tế, có ai dảm bỏ thị trường này không? Năm 2008, hơn 4.600 tỷ đồng Nhà nước ứng cho doanh nghiệp bù lỗ thì có ai hỏi tại sao Nhà nước lại ứng cho doanh nghiệp không?
Quyền lợi của 11 doanh nghiệp làm sao so sánh với quyền lợi của 84 triệu dân được. Đồng chí nào dọa bỏ dự trữ lưu thông thì tôi nói thẳng là tôi không cần."

(Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ)
Việc này đã xảy ra trong quá khứ. Ngay tại Hà Nội chứ không đâu xa, rất nhiều cây xăng không bán, đích thân tôi đã xuống tận nơi đôn đốc từng cây xăng bán. Việc này cũng đã xảy ra ở Tây Nguyên đúng vụ tưới cà phê.
Trong 8 tháng qua, đã có thời điểm, Tổng công ty hàng hải, Petro Mê kông, Tổng công ty xăng dầu quân đội hầu như không nhập, đặc biệt là không nhập xăng và dầu diesel là hai mặt hàng rất quan trọng.
Xử phạt các doanh nghiệp không phải là khó. Chỉ bằng một quyết định rút phép, tay tôi ký trong 1 giây đồng hồ thì ngày mai, doanh nghiệp đó sẽ không tham gia thị trường nữa.
Nhưng vấn đề là nếu như thị trường thuận lợi thì quyết định rút giấy phép đó không có gì lớn. Nhưng khi thị trường khó khăn, khi các doanh nghiệp không muốn tham gia thì ai sẽ là người tham gia kinh doanh xăng dầu để bù cho sự thiếu hụt đó?
Giả sử tôi thành lập doanh nghiệp mới thì liệu doanh nghiệp mới đó liệu có khả năng bù đắp được ngay thị phần bị thiếu hụt không? Tôi chỉ nói là một doanh nghiệp thôi, còn nếu là nhiều doanh nghiệp thì sẽ là một vấn đề lớn của xã hội.
Tôi là rất người cương quyết trong điều hành nhưng điều hành không chỉ cần sự quyết liệt, cứng rắn mà còn cần phải đúng, hợp  lý, có tình.
Tôi phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp khó khăn thật, vay ngân hàng không được, mua ngoại tệ không được mà lại có lỗ tích lũy.
Bởi vậy, Bộ Công Thương tuy rất nghiêm khắc với doanh nghiệp, đã có công văn nhắc nhở nhưng khi hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh chứ không xử phạt nặng ngay lập tức. Đến nay, thực tế chứng minh rằng, các doanh nghiệp đều hết sức cố gắng tham gia cung ứng trên thị trường.
Nhưng nếu việc đó lại xảy ra tới đây thì tôi tin rằng, sẽ diễn ra ở diện rộng hơn. Vì cũng phải nói thực, thói quen vi phạm đã bắt đầu nhen nhóm.

Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội và an ninh năng lượng quốc gia.
Liệu ông có lo lắng thái quá không? Bộ trưởng Huệ khẳng định trong trường hợp có doanh nghiệp xăng dầu bị rút phép thì sẽ có nhà máy lọc dầu Dung Quất ứng phó bù đắp?
Nhà máy lọc dầu Dung Quất tham gia thị trường đã được cân đối trong cả một năm cân đối cung cầu xăng dầu, ngoài ra, là nguồn xăng dầu nhập khẩu. Tinh thần của Chính phủ là phải tiêu thụ 100% sản lượng xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất thì mới dùng tới nguồn nhập khẩu. Nếu có doanh nghiệp nhập khẩu rút khỏi thị trường thì nhà máy Dung Quất không còn đâu xăng dầu mà bù.
Chưa có DN nào dọa Nhà nước cả
"Sau khi có quyết định giảm giá, tôi chưa nhận được văn bản nào của 11 doanh nghiệp đầu mối nói rằng sẽ bỏ nhập khẩu xăng dầu, bỏ thị trường. Còn anh nào không tham gia cuộc chơi này thì Nhà nước chấp nhận cho các đồng chí rút lui. Không thể nói vì lý do này vì lý do kia mà bỏ nhiệm vụ đó. Cần công bố gian lận thì có thể công bố gian lận nhưng không phải lúc này."
(Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ)
- Ông cảm thấy thế nào khi bộ trưởng bộ Tài chính không tin lắm vào mức độ khó khăn đó của doanh nghiệp, đồng thời, bộ trưởng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước?
Tôi với tư cách là người quản lý thực tế các doanh nghiệp xăng dầu hơn 8 năm nay, khẳng định là chưa có doanh nghiệp nào dọa Nhà nước cả. Tôi khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã từng đánh giá các doanh nghiệp xăng dầu đều hết sức cố gắng vượt qua khó khăn chung, khó khăn của riêng mình để hoàn thành nhiệm vụ Chỉnh phủ giao.
Tôi chưa thấy doanh nghiệp nào dọa nhà nước cả. Có chăng là tôi mới là người đi dọa các doanh nghiệp về chuyện sẽ rút giấy phép tức khi nếu doanh nghiệp nhập thiếu xăng dầu.
Qua kinh nghiệm, tôi thấy quản lý xăng dầu chỉ khó khi mà chúng ta cùng lúc theo đuổi quá nhiều mục tiêu khác nhau. Khi muốn ổn định xã hội, thông qua việc giữ giá thấp hợp lý cho người dân, thấp hơn giá thế giới, thấp hơn giá cơ sở thì chúng ta mâu thuẫn với việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Thời gian qua, chúng tôi vẫn dung hòa vấn đề này nhưng chúng ta chưa giải quyết được là làm sao xử lý lỗ tích lũy.
Bộ trưởng Huệ nói Nhà nước sẽ bù lỗ cho doanh nghiệp nhưng tôi tin là điều đó không dễ dàng. Nếu dễ dàng thì Chính phủ không để  thị trường xăng dầu như ngày hôm nay. Có lẽ, chúng ta hãy chờ xem, từ nay đến cuối năm, việc này sẽ thế nào.


Dân đồng tình với Bộ trưởng Tài chính

Hầu hết đều đồng tình với những lập luận có sức thuyết phục của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các ý kiến đều cho rằng điều hành giá xăng dầu vừa qua là rối rắm và tù mù, cần minh bạch rõ ràng và phải lấy lợi ích của Nhà nước, người dân làm trọng. 
Bạn Ngọc Lan (Email: claire_portman@yahoo.com) cho rằng, chưa cần biết Bộ Công thương hay Bộ Tài chính đúng, chỉ cần thấy doanh nghiệp kêu lỗ, mà không hạch toán rạch ròi được mặt hàng nào lỗ bao nhiêu, mà vẫn đòi ngân sách bù lỗ là chuyện phi lý. Hơn nữa lập luận của doanh nghiệp lại rất mâu thuẫn: bảo rằng không tách bạch được lãi lỗ từng mặt hàng, từng ngành nghề kinh doanh, nhưng IPO báo lãi, thế thì làm sao biết là kinh doanh xăng dầu có bị lỗ thật hay không, mà nếu biết là lỗ do kinh doanh xăng dầu thì sao không thể biết từng mặt hàng lỗ bao nhiêu. Chẳng qua vì nhà nước có bù lỗ xăng dầu nên những lỗ khác (do kinh doanh trái ngành) cũng đổ là do kinh doanh xăng dầu để lấy tiền từ ngân sách nhà nước. Đúng là quản trị doanh nghiệp của Petrolimex có vấn đề!
Gay gắt và thận trọng, bạn đọc có nick: hoahoa7775@yahoo.com viết: Bộ trưởng Tài chính đang tấn công vào "sào huyệt lỗ lãi xăng dầu" mà từ trước tới giờ chưa bộ nào dám để ý. Muốn làm được việc này cần phải trình độ tổng hợp cao và cái đầu có 'máu lanh" biết chịu trách nhiệm, tôi tin rằng Tân Bộ trưởng sẽ làm được. Việc báo cáo lỗ lãi trong kinh doanh của doanh nghiệp quá bình thường để "qua mặt "các nhà quản lý đối với nước ta, nhưng việc quyết liệt để vạch ra sự "khôn khéo" này thì bây giờ tôi mới thấy ở một vị Tân Bộ trưởng.
Bạn đọc Lãnh Trung Thông (dhcnqnlanhthong@gmail.com) cũng đồng tình: Thật vui khi theo dõi hội thảo về điều chỉnh cơ chế giá xăng dầu. Thật tuyệt vời khi được theo dõi cuộc hội thảo có một không hai này. Bộ Trưởng Vương Đình Huệ đã bộc lộ thật sự là một vị Tư lệnh tài chính có tài. Mọi luận điểm của ông đều dựa vào cơ sở rất khoa học, không chủ quan mơ hồ. Vì có niềm tin là mình đúng, ông giám chịu trách nhiệm cá nhân trước những quyết định đầy sóng gió phong ba. Ông " vì 84 triệu dân chứ không vì 11 doanh nghiệp đầu mối".
Với tiêu đề: Bộ Tài chính làm hay lắm, bạn đọc có email: ptckhcmdn@yahoo.com.vn viết: Doanh nghiệp kinh doanh mà không báo cáo được lời lỗ từng mặt hàng là doanh nghiệp không có báo cáo thuế. Bộ công thương sao lại đứng về phía 11 doanh nghiệp mà không đứng về phía 84 triệu dân Việt Nam. Hãy xem xét lại các doanh nghiệp này. Cũng như Ngành điện lực vậy, tại sao báo lỗ mà cuối năm tiền thưởng của một nhân viên lại cao, có phải tiền lãi đi đầu tư xây dựng mới các công trình, đúng ra việc kinh doanh đầu tư mới của anh thì anh phải kêu gọi đầu tư, kêu gọi cổ đông, cổ phần, cổ phiếu, chứ sao anh lại lấy tiền của 84 triệu dân trong phí sử dụng điện để ngành điện đi đầu tư phát triển?
Bạn đọc Thanh Hải (thanhhai023@gmail.com) và nhiều bạn đọc khác thì thích nhất câu trả lời rắn rỏi và kiên định của Bộ trưởng Huệ rằng: Tôi rất đồng tình với Bộ trưởng Vương Đình Huệ và thích nhất câu nói của ông:" DN nào muốn khiếu nại về giảm giá sai thì cứ nộp đơn khiếu nại. Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN đầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân". Và rằng: Tuy nhiên cần cứng rắn hơn nữa để doanh nghiệp phải hạch toán rõ ràng. Trả lời như ông chủ DN chẳng khác nào cách trả lời của bà bán cửa hàng tạp hóa nhỏ là: không hơi nào mà ghi chép từng mặt hàng vì cũng chẳng để làm gì.
Câu hỏi: Vì sao lại thế? Bạn đọc Lương Huy (luongthethoi@yahoo.com) lý giải: Thiết nghĩ giá xăng dầu tăng hay giảm, các doanh nghiệp xăng dầu lỗ hay lãi, thật khó có lời giải trong ngày một ngày hai. Chỉ xin lưu ý khi so sánh giá xăng dầu trong nước với các nước trong khu vực và châu lục - không biết chúng ta có so sánh thêm yếu tố thu nhập bình quân đầu người hay mức sống của công dân trong các nước được đem ra so sánh hay không. Tôi không nắm rõ về quản lý giá cả, nhưng phép so sánh như vậy chắc không sai nhiều lắm khi được dùng để đánh giá trình độ quản lý của ta. Nếu quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ hoặc phải bù lỗ nhiều nhiều - nên chăng chúng ta dũng cảm dừng cuộc chơi và thuê (hoặc nhường sân chơi điều hành) cho các cao thủ khác.
Xin cảm ơn Bộ trưởng là ý kiến của rất nhiều bạn đọc phản hồi và cho rằng, 84 triệu dân Việt Nam ai cũng biết thị trường xăng dầu VN chưa thể có cơ chế cạnh tranh thị trường lành mạnh mà là sự độc quyền phân phối. Điều này ai cũng biết nhưng chỉ có các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là vờ như không biết. Để thị trường xăng dầu ngày càng minh bạch, quyền lợi 84 triệu dân được bảo vệ chính đáng thì cần phải có những hành động công tâm như của Bộ trưởng Huệ. Sự dũng cảm của ông trên cương vị Bộ trưởng làm tôi nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những bài viết trên chuyên mục “NVL”.

Hai giải pháp cứu thị trường xăng dầu

Trong những ngày qua, tranh cãi giữa các quan chức hàng đầu của hai bộ Tài chính và Công thương về giá xăng dầu trở thành đề tài nóng trên các mặt báo cũng như các diễn đàn. Bộ Công Thương không bằng lòng với cách điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thì cách điều hành của Bộ Tài chính sẽ khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn rơi vào cảnh thua lỗ, và vì thế có thể ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Đây cũng là ý kiến của các lãnh đạo các tổng công ty kinh doanh xăng dầu, như ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch Petrolimex và ông Vương Đình Dung - tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu quân đội.
Đáp lại, ông Vương Đình Huệ khẳng định rằng, cách điều hành như vậy là cần thiết vì Petrolimex và PV Oil chiếm đến 90% thị phần của thị trường xăng dầu Việt Nam. Quyết định của Bộ Tài chính một mặt đảm bảo cho doanh nghiệp không thua lỗ, nhưng mặt khác góp phần vào việc kiểm soát tốc độ tăng giá của Việt Nam.
Minh bạch hoá là chưa đủ
Theo quan điểm của người viết, với một thị trường độc quyền đầu sỏ (oligopoly) với một công ty thống lĩnh (dominant firm) như thị trường xăng dầu của Việt Nam, thì việc kiểm toán chặt chẽ và công khai các đơn vị có vị thế độc quyền như Petrolimex là cần thiết.
Trong một thị trường đầu sỏ, công ty có vị thế thống trị có khả năng định giá bán có lợi cho mình. Để có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp này không có các hành vi thu lợi quá lớn, chính phủ các nước đều có các biện pháp can thiệp về giá. Về cơ bản giá bán sẽ được tính toán dựa trên chi phí bình quân của doanh nghiệp này cộng với một mức lãi nhất định.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ giám sát chi phí bình quân của các doanh nghiệp để đảm bảo rằng các doanh nghiệp này hạch toán đúng. Có lẽ trước việc bộ Công thương và các tổng công ty xăng dầu kêu lỗ do duy trì mức giá bán thấp quá lâu (thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực), Bộ Tài chính đã quyết định thành lập tổ kiểm tra giá nhập khẩu tại doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần là Petrolimex và ba đơn vị đầu mối khác. Mục đích của đợt kiểm tra này là xác định giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho tính đến ngày 26/8/2011, giá nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2011 - 15/9/2011, và rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh xăng, dầu. Thực chất các hoạt động này nhằm để xác định liệu việc tính toán chi phí bình quân của các doanh nghiệp xăng dầu có vị thế thống trị có đúng hay không.
Tuy nhiên, giải pháp minh bạch hoá thông tin liên quan đến chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ. Công việc này, thứ nhất, rất tốn kém. Việc kiểm toán thường xuyên chi phí của từng mặt hàng của các doanh nghiệp không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp minh bạch nhất cũng chỉ có thể xây dựng các báo cáo tài chính định kỳ một quý một lần. Để giảm chi phí kiểm soát, cơ quan quản lý thường dựa trên một công thức tính toán giá xăng dầu được duy trì cả vài năm. Rõ ràng, một công thức tính toán như vậy sẽ không thể nào phản ánh được hết các diễn biến thị trường.
Thứ hai, ngay cả khi việc xác định chi phí bình quân là chính xác thì điều hành theo cách này không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng cao năng suất để giảm chi phí. Giá bán luôn bao gồm hết chi phí bình quân của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không cần thiết giảm chi phí vẫn có được mức lãi theo quy định. Đó chính là lý do mà từ cuối thập kỷ 1980 trở lại đây, các quốc gia đã phải áp dụng các giải pháp thị trường để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường xăng dầu.
Giải pháp thị trường
Nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu của Việt Nam không hoạt động cạnh tranh được như thị trường viễn thông di động là vì Petrolimex chiếm tới 60% thị phần và PV Oil chiếm đến 30% thị phần cả nước. Tương tự các lĩnh vực viễn thông và điện, xăng dầu là lĩnh vực có độ tập trung ngành cao (tức thường được kiểm soát bởi ba hoặc bốn doanh nghiệp).
Hay nói cách khác bản chất của các thị trường này là thị trường đầu sỏ. Để ngăn chặn thị trường này bị lũng đoạn giá bởi các doanh nghiệp đầu sỏ, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, chính quyền cần phải làm hai việc sau.
Thứ nhất là phải chuyển mô hình thị trường độc quyền đầu sỏ có một công ty thống lĩnh sang mô hình thị trường đầu sỏ đua tranh (Cournot-Nash model). Trong mô hình này các công ty đầu sỏ có thị phần tương đối bằng nhau. Khi không có công ty nào thống lĩnh các công ty này sẽ luôn phải đua tranh nhau để duy trì thị phần. Kết quả là không có công ty nào được hưởng lợi nhuận tuyệt đối.
Để theo đuổi mô hình này thì Chính phủ có thể tiếp cận theo hai cách. Cách thứ nhất và nhanh nhất là tách Petrolimex làm hai tổng công ty. Giải pháp này đã từng được các nước phương Tây tiến hành để chống độc quyền. Chẳng hạn, Mỹ đã từng tách các công ty Standard Oil, AT&T, v.v. ra thành nhiều công ty nhỏ để chống độc quyền. Với giải pháp này, thị trường xăng dầu sẽ có ba công ty có thị phần tương đương nhau. Petrolimex 1, Petrolimex 2, và PV Oil đều chiếm lĩnh 30% thị phần. Để có thể tìm kiếm được lợi nhuận, ba doanh nghiệp này bắt buộc phải cạnh tranh nhau về giá thay vì bám chặt vào một mức giá chung như hiện nay.
Giải pháp thứ hai là đặt ra các rào cản khống chế sự bành trướng thị phần của Petrolimex, trong khi đó khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cạnh tranh để mở rộng thị phần.
Chẳng hạn, một mặt có thể yêu cầu Petrolimex luôn phải bán xăng dầu theo giá mà bộ Tài chính quy định, dựa trên chi phí bình quân và chỉ cho phép mở rộng thêm các điểm bán lẻ xăng dầu nếu hạ được chi phí bình quân. Mặt khác, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp khác bán giá cạnh tranh với nhau, tức có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá của Petrolimex.
Dựa trên khoảng cách giá giữa các doanh nghiệp nhỏ với giá chuẩn của Petrolimex, Bộ Công thương sẽ cấp giấy phép mở rộng các điểm bán lẻ cho các doanh nghiệp nhỏ khác ở mức độ tương ứng. Với giải pháp này, sau một thời gian nhất định sẽ xuất hiện một hoặc hai công ty nổi trội và giành được nhiều thị phần hơn. Kết quả cuối cùng vẫn là đưa thị phần của các doanh nghiệp đầu sỏ về mức tương đương nhau.
Giải pháp thứ hai thực ra đã được áp dụng cho thị trường viễn thông Việt Nam. Khi Viettel mới gia nhập ngành, Bộ Công Thương có chính sách rất đúng đắn là ngăn cản Mobifone và Vinaphone hạ giá thấp, trong khi cho phép các công ty điện thoại di động nhỏ thực hiện chính sách hạ giá để mở rộng thị phần. Kết quả là sau một thời gian vài năm, Viettel đã nổi lên thành một nhà cung cấp mạng viễn thông di động có thị phần tương đương với Mobifone và Vinaphone.
Thị trường viễn thông của Việt Nam đã trở thành một thị trường cạnh tranh. Song song với việc chuyển đổi mô hình thị trường đầu sỏ trên, Chính phủ nên xây dựng các biện pháp giám sát thị trường hiệu quả để đảm bảo rằng các công ty đầu sỏ không thông đồng giá với nhau. Đây là một công việc có tính dài hạn để chống các hành vi vi phạm luật Cạnh tranh mà Việt Nam đã ban hành từ năm 2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?