Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Tương phản

Đại gia đẹp trai vẫn ế vợ

- Ngày xưa nghèo khó, việc lấy vợ khó khăn là điều dễ hiểu, nhưng nay, nhiều người có tiền tài, danh vọng, nhà lầu xe hơi nhưng vẫn phải ngậm ngùi sống cảnh "phòng đơn gối chiếc" đi đi về về lẻ bóng một mình.

Tham công tiếc việc

Phú (35 tuổi, Văn Phú, Hà Đông) là giám đốc kinh doanh một công ty dầu khí lớn ở Hà Nội. Có nhà riêng, "xế hộp" xịn, mỗi lần đến công ty, vẻ đẹp trai và hình thức sang trọng của Phú khiến nhiều người ngưỡng mộ. Sau nhiều năm du học ở Mỹ về, anh chàng cũng muốn tìm một cô vợ Việt Nam để có chốn đi về, kết thúc những tháng ngày nhậu nhẹt la cà quán xá vô bổ. Ấy vậy mà bao nhiêu cô đến rồi lại đi.

Nguyên do là công việc của anh bận bịu suốt ngày. Tầm tầm tuổi của Phú thì phụ nữ hầu hết đã yên bề gia thất. Còn hẹn hò với những cô nàng đang tuổi đôi mươi thì các em cứ giận dỗi suốt ngày. Nghĩ thế thôi cũng đủ làm Phú nản lòng. Cũng có dạo, bạn bè Phú cũng tác hợp cho anh một cô mà anh cũng rất ưng ý. Sau vài lần hẹn hò,  tâm sự, rồi cả ra mắt bố mẹ hai bên, tự nhiên cô nàng "một đi không trở lại". Phú hoang mang không biết mình đã làm gì khiến nàng như vậy. Thế rồi bạn bè Phú cho hay, công việc khiến anh quay cuồng, hẹn hò đi chơi với người yêu mà cứ nói được hai câu lại nghe điện thoại bàn về công việc đến cả 30 phút. Đi ăn cũng điện thoại, đi uống cà phê cũng điện thoại, thậm chí đang ngồi nói chuyện với bố vợ tương lai cũng điện thoại, cứ hai tay hai máy liên hồi. Mới yêu mà đã thế thì khi cưới, chắc cô nàng chỉ còn nước làm bạn với... chó mèo trong nhà.

Mặc cho vẻ ngoài điển trai cùng một sự nghiệp đang lên, đến tận bây giờ, anh vẫn sống cảnh "phòng đơn gối chiếc".

Sợ "nửa kia" yêu tiền hơn yêu mình

Minh (32 tuổi, hàng Bông, Hà Nội) là con một đại gia lớn chuyên về bất động sản, bản thân anh cũng là một "đại gia"  bởi mới chừng ấy tuổi nhưng anh đã có trong tay những thứ mà nhiều người đàn ông mơ ước. Minh sở hữu hai căn nhà trên phố hàng Bông, một căn ở Nghi Tàm (Hà Nội). Hàng tháng, riêng tiền cho thuê hai căn trên phố hàng Bông cũng bằng lương một năm của công chức nhà nước.

Nằm trên đống tiền nhưng nhiều đại gia vẫn phải sống cảnh phòng đơn gối chiếc (Ảnh minh hoạ: getty)

Đi ôtô hạng sang, chịu chơi, rất nhiều cô gái "xin chết" dưới chân anh ngay lập tức nếu anh gật đầu. Nhà lại có mình anh là con trai nên bố mẹ cũng mong mỏi anh yên bề gia thất để có cháu bồng bế.

Người thân thi nhau giới thiệu cô này cô kia cho anh nhưng cô nào, gặp nhau vài bữa là anh lại thôi. Cô thì anh cho là nhí nhảnh, nhõng nhẽo quá không phụ hợp để trở thành "người phụ nữ của gia đình". Người thì anh chê là thực dụng, mới đi chơi vài buổi đã gợi ý mua này, sắm kia. Có cô lại phục tùng anh vô điều kiện, đến độ anh cứ nghĩ như người đi bên cạnh mình là vú em xinh đẹp chứ chẳng phải người yêu. Cứ lăn tăn mãi nên anh cũng chẳng chọn được cô nào. Tựu chung lại là anh sợ "nửa kia" nhiều khả năng yêu tài sản của anh hơn là yêu chính bản thân anh.

Các nàng đấu đá, "đại gia" ở giữa chết chẹt


Vẻ ngoài hào hoa cùng túi tiền rủng rỉnh, Dũng (giám đốc điều hành một công ty du lịch) luôn được các em săn đón. Công việc của Dũng lại được tiếp xúc nhiều với các em chân dài, có nhan sắc. Cô nào cũng ao ước có một ngày được sánh đôi cùng Dũng. Chính vì thế mà Dũng bị các nàng quay như chong chóng. Liên tục được các nàng rủ đi chơi, bản thân Dũng lại hay cả nể nhưng theo Dũng điều quan trọng đi như thế cũng chả mất gì mà lại được "nâng cao sĩ diện" với bạn bè.

Các nàng sẵn sàng phục tùng anh vô điều kiện và cũng sẵn sàng dùng những lời lẽ không hay để "dìm hàng" những đối thủ khác. Thậm chí, nhiều nàng còn dùng những thủ đoạn bỉ ổi để "dọn" sạch những vệ tinh khác đang cố tình bám theo anh. Nhưng càng ngày, anh lại càng chẳng có chút cảm tình nào với các cô nàng kia. Anh chỉ thấy họ nhí nhố và giả tạo.

Vào một ngày đẹp trời, anh đã "chết mê chết mệt" sau khi gặp Tuyết (nhân viên mới của công ty anh). "Bụng bảo dạ" chắc chắn đây là người phụ nữ mà bấy lâu anh tìm kiếm. Họ yêu nhau rồi cùng tính chuyện lâu dài.

Đúng ngày sinh nhật anh, Tuyết muốn thế giới chỉ có hai người nên đã cùng người yêu đi chơi ở ngoại thành. Tuy nhiên chẳng hiểu những cô nàng trước kia vẫn bủa vây quanh anh có thông tin ở đâu mà biết đích xác điểm đến của hai người.

Tuyết và Dũng vừa bước chân đến khu du lịch sinh thái ở Ba Vì thì bất ngờ 5 cô gái vẻ ngoài sành điệu, khuôn mặt cong cớn nhảy bổ vào hai người và không tiếc lời chỉ trích Dũng nào là có mới nới cũ, nào là muốn đổi gió thì cũng chọn em xứng tầm chứ như em này thì không đáng...Tuyết lúc đó chỉ còn biết đứng ôm mặc khóc, rồi lẳng lặng gọi xe ôm về nhà. Mặc cho Dũng xử trí với những "cô nàng không biết ngượng" kia. Từ đấy, "đại gia" Dũng vẫn cảnh "phòng không" bởi anh sợ tình trạng tương tự xảy ra.

Sống không cần đàn ông: Nụ cười và nước mắt

Phòng nàng có bốn người, đều là đàn bà con gái. Nhưng mấy người đàn bà trong phòng chẳng lấy thế mà phiền lòng, đơn giản bởi ai trong số họ cũng có cái cớ để sống mà chẳng cần đến đàn ông.

Ngoại trừ nàng vừa cưới năm ngoái, chưa xong trăng mật đã đe dọa đến kỳ “vỡ mật” và hiện đang sống ly thân với chồng, ba người phụ nữ còn lại đều đang “tự do như gió”. Chị Hương Đỗ chọn cách “single mom” (con gái chị năm nay đã lên mười) thì luôn cho rằng mình sáng suốt. Hà cớ gì cứ nhất thiết phải cưới lấy một tấm chồng như chị Hương Hà, để rồi phải chịu đựng tới 10 năm, rồi mất bao nhiêu công sức của mấy “quân sư quạt mo” mới dựng lên được một kịch bản hòng ly dị gã chồng lười vô tích sự. Chưa kể phải mất vài triệu tiền bôi trơn mới khiến được cái cỗ máy già cỗi và quan liêu là tòa án quận chậm chạp vận hành để “đẩy nhanh tiến độ”. Nhưng có thế mới thấy được cái giá của tự do, để chị Mỹ Anh khỏi phải nhấp nhổm băn khoăn vì nỗi có khi phải kiếm lấy một người để mà nương tựa khi xế bóng.


Chuyện của chị Mỹ Anh luôn là đề tài nóng, khiến mấy người đàn bà trong phòng phân chia ra làm hai phe. Phe “bảo thủ” gồm nàng và chị Mỹ Anh cho rằng, đàn ông có thể bạc tình như mấy gã Sở Khanh và chị Hương Đỗ từng gặp, có thể vô dụng, lười nhác, thờ ơ như chồng cũ của chị Hương Hà thật đấy. Nhưng đàn ông cũng có những gã rất được (mà chị em mình không có phúc gặp được) và trong số những gã vô tích sự (mà chúng ta vớ phải) thì cũng vẫn còn le lói chút ít “nam tính” có thể không đủ cho một người đàn bà mạnh mẽ làm chỗ dựa nhưng chí ít cũng tạm đủ cho một cuộc hôn nhân không đòi hỏi quá nhiều ở nhau. Và có khi chỉ cần thế là đủ, vì có mấy người đàn bà đặt hết kỳ vọng vào chồng mình đâu, chưa nói đến tình yêu (có vẻ như nó quá xa xỉ đối với cuộc sống vợ chồng).

Nhưng ta cần gia đình để sống một cuộc sống bình thường, cần cha cho những đứa con để chúng không bị lệch lạc vì thiếu thốn tình cảm. Chừng ấy là quá đủ lý do để mà duy trì cuộc sống bên cạnh cái người đàn ông nửa vời mà ta vớ được.

Phái “cấp tiến” của chị Hương lại phản biện bằng những ví dụ đanh thép. Này nhé, có cần thiết phải duy trì cuộc sống bên cạnh một gã chồng tham lam, ích kỷ, đòi hỏi đủ thứ ở một người vợ nhưng bản thân mình thì “bụng trâu đầu hói” về đến nhà chỉ biết mỗi việc ghếch chân xem tivi chờ cơm như chồng cũ chị Mỹ Anh không? Có thể lão kiếm được tiền, nhưng để làm gì khi lão thường xuyên bồ bịch? Chị Hương Đỗ còn gay gắt hơn: “Chưa kể vớ phải một gã chồng ngoài việc núp váy mẹ chỉ biết xem bóng đá và chơi game như cái cô Yên Khê (chỉ nàng) kia, có khi còn bực mình hơn là sống một thân một mình như tôi đây”.


Động vào đúng “gót chân Achilles” chưa kịp lên da non, nàng im bặt. Đêm về, nàng âm thầm so sánh. “Xét một cách toàn diện” thì cả bốn người phụ nữ phòng nàng đều phận hẩm hiu, nhưng nhìn đi nhìn lại thì thấy đàn ông quả đúng là cái giống vô tình. Sao cái anh là bố của con gái chị Hương Đỗ chưa một lần quay về nhìn mặt con, dù anh sống rất ổn ở bên Đức và năm nào cũng về thăm nhà? Sao chồng cũ của chị Hương Hà chẳng bao giờ đưa tiền để chị lo cho hai đứa con còn đang đi học? Chồng cũ của chị Mỹ Anh nữa, mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng ngay cả con, ông ta cũng có nhớ ngày sinh nhật đâu, nói chi đến việc quan tâm đến cái sự vui buồn của vợ.

Còn chồng nàng, nghĩ đến là lại thấy “cục tức nó nghẹn ở họng”. Lúc còn yêu, nàng thậm chí còn cảm động khi thấy Khang rất quan tâm đến mẹ. Nhưng đến khi lấy rồi, nàng ngạc nhiên khi tiền lương lĩnh về Khang đưa hết cho mẹ và ngày ngày được mẹ phát tiền đổ xăng, ăn sáng. Lấy vợ rồi Khang cũng chẳng hề thay đổi. Anh lý luận: “Mẹ không có lương hưu nên anh đưa tiền cho mẹ, em đỡ phải bận tâm chuyện chi tiêu trong nhà. Lương của em, em được toàn quyền, anh và mẹ chẳng đòi hỏi em đóng góp gì, em còn thắc mắc gì nữa?”.

Cứ như vậy, cái điệp khúc “anh và mẹ” đã âm thầm chia rẽ vợ chồng nàng. Chuyện gì trong nhà cũng do mẹ chồng quyết, mẹ chồng luôn luôn đúng, nếu mẹ chồng sai xin xem lại điều 1... Giờ thì nàng đang sống ly thân và nung nấu quyết tâm quay lại sống đời độc thân cho khỏe. Khỏi phải bận tâm đến đủ thứ chuyện rắc rối mà một người đàn bà có chồng buộc phải chu toàn nếu không muốn bị cho là đoảng.

Thế rồi hôm sau, theo chân hai chị Hương, hết giờ làm nàng tung tẩy lên sàn nhảy. Ngày nghỉ thì tụ tập ở nhà một chị nào đó, cả bọn cùng nấu nướng ăn uống rồi tán phét, nghe nhạc, nhảy nhót cho đã đời... Rồi hỉ hả với nhau, chỉ mình ta với ta là đủ, cần gì phải thêm một gã đàn ông để rồi “mua dây buộc mình”. Một buổi chiều Chủ Nhật, cả nhóm tập trung ở căn nhà thuê của nàng. Ăn xong món vịt om sấu, nghĩ thế nào nàng mở cái đĩa nhạc Trịnh. Ba người đàn bà đang om sòm bỗng chốc lặng phắc đi trước những ca từ ám ảnh. Trong thoáng chốc, họ bỗng trở thành người khác, những “nanh vuốt” thường ngày biến mất, nhường chỗ cho những cảm xúc ủy mị mà nàng chưa bao giờ thấy.

Chị Hương Đỗ bật khóc, bảo rằng chị cứ nói cứng thế thôi chứ đêm về nhiều lúc cô đơn khủng khiếp. Gì thì gì, chị cũng chỉ là đàn bà thôi, cứ xù lông xù cánh lên bao nhiêu năm nay cũng mệt mỏi vô cùng. Chị Hương Hà mếu máo, vừa làm mẹ vừa làm bố của hai đứa con đúng là quá sức chị thật. Còn chị Mỹ Anh thì sụt sịt, nhiều lúc thấy đời mình vô nghĩa. Nấu ăn ngon rồi cũng chỉ một mẹ một con lủi thủi ăn với nhau. Dọn nhà, cắm hoa xong rồi cũng chỉ để tự ngắm hoa tàn. Chưng diện để làm chi khi đến cơ quan chỉ có mấy mụ đàn bà?... “Còn mỗi Yên Khê là có cơ làm lại, xem có vớt vát được gì không em?”.

Nàng bật khóc tức tưởi, em cũng đâu có đòi hỏi gì nhiều, chỉ một chút quan tâm, một chút chia sẻ, một chút tôn trọng thôi mà. Có khi chỉ cần vào ngày sinh nhật mình, chồng lặng lẽ mua một bó hoa về cắm. Hay một cái đĩa nhạc hay, một cuốn sách mới, cùng xem một bộ phim hoặc thậm chí đơn giản hơn nữa, chỉ cần có ai hỏi, anh ấy biết được một vài sở thích của em. Vậy thôi mà sao quá khó! Hay bởi đàn ông là giống vô tình nên họ chẳng thể đủ kiên nhẫn để biết được những gì mà vợ mình cần. Họ chỉ cho cái mà họ có. Còn vợ họ mà cả gan đòi hỏi những thứ khác sẽ bị buộc tội ngay là giống trắc nết. Mà với phụ nữ thì đôi khi chẳng cần nhiều, chỉ cần một câu nói quan tâm, một ánh mắt chia sẻ, một cử chỉ ân cần là đủ để khiến họ hy sinh cả một cuộc đời cho người đàn ông họ yêu.
 

Lặng người khi trẻ con học đòi làm...người lớn

- Thời đại công nghệ cao, tâm hồn của trẻ nhỏ dường như cũng "già đi" bởi nhiều khi những hình ảnh trên phim ảnh, ngôn từ của âm nhạc đã "đập" vào chúng như một điều tất nhiên.

Quang Minh (6 tuổi) con trai chị Hà An (Thanh Xuân, Hà Nội) ngay từ khi biết nói đã được hàng xóm khen ngợi vì những phát ngôn như "ông cụ non". Đến khi lên 6, cậu bé tỏ ra là người khá nhanh mồm nhanh miệng.

Một hôm, gia đình chị Hà An đưa Minh về quê ngoại (Sơn Tây) chơi. Về đến đầu làng, chồng chị Hà An bị sổ mũi nên hai vợ chồng chị dừng xe ở một hiệu thuốc để mua thuốc. Vừa dựng xe, Minh nhảy tót xuống chạy vào niềm nở nói với cô bán hàng: "Cô ơi, cô bán cho bố mẹ cháu thuốc gì mà một người khoẻ, hai người vui ấy. Bố cháu bị sổ mũi". Cô bán hàng "mắt chữ o, mồm chữ a" đứng như trời trồng một lúc rồi mới vỡ lẽ và lăn ra cười.

Nhiều trẻ em ngày nay thích học đòi và bắt chước làm người lớn. Ảnh minh hoạ (Nguồn:  Getty)

Ấy vậy mà khi về đến nhà, vợ chồng chị Hà An lại kể lại câu chuyện này cho bố mẹ nghe, khiến cậu bé tưởng như thế mình đã lập công lớn.

Chị Tâm (Nguyễn Quý Đức, Hà Nội) thì "choáng nặng" khi vừa đi làm về đến ngõ đã thấy giọng cậu con trai mới 5 tuổi ngân nga mấy câu: "Ấy ơi ấy à đừng xa anh/ Ấy à à ơi anh yêu em thẩn thờ say đắm/ Sao em luôn ngẩn ngơ với anh/ Cho tim mong nhớ em từng đêm/ Ấy ơi ấy đừng đi ­đâu/ Ấy đừng đi xa/ Cho người ta cũng đừng xa ấy/ Cho yêu thương sẽ mau đến đây".

Quá bực mình, chị quát con "trẻ con dớ dẩn, vắt mũi chưa sạch mà còn yêu với chả đương, có im ngay đi không. Học ở đâu cái thứ vớ vẩn như thế". Cậu con trai vẫn tỉnh bơ nói: "Ơ mẹ, hôm trước đến nhà bác Lan (Hà Đông) chị Mai Anh (12 tuổi) mở internet ra thấy mấy anh cũng bé tẹo nhảy múa và hát mà mẹ".

Chị Lan (Minh Khai, Hà Nội) đang ngồi cho cậu con trai tên Hốp (mới tròn 7 tháng tuổi) ăn bột thì cậu con trai lớn tên Bo (5 tuổi) chạy về và cũng xông vào nựng em. "Ái chà, ái chà, ngoan anh thương ăn nhiều vào cho khoẻ để lớn lên trả thù cho anh". Nghe vậy, chị Lan toát mồ hôi hột mặc dù trời mùa đông, chị quát con sao lại trả thù, thù hận gì ở đây, lần sau mẹ cấm không được nói những câu như thế nhé. Bo chỉ biết vâng và chạy ra ngoài.

Chiều đến, khi mấy anh họ của Bo đi học tiểu học về, chị Lan mới ngã ngửa khi thấy Nhím (con anh chồng của chị Lan) nói: "Bo ơi, tí anh trả thù cho Bo nhé. Thằng Quân là đồ rác rưởi". Gặng hỏi Nhím chị Lan mới biết, bọn trẻ học lời thoại trong phim hoạt hình...

Ảnh minh hoạ (Nguồn : Getty)

Lần khác, cả nhà đang ngồi chơi cùng Hốp thì Bo lại vuốt má em và nói: "Anh yêu em, hãy tin tưởng vào anh". Rồi Bo cứ nói đi nói lại câu đấy. Cuối cùng, cả nhà mới vỡ lẽ đấy là những câu hát trong phim "Tấm lòng cha mẹ".

Ở khu chung cư 21 tầng (Thanh Xuân Nam, Hà Nội) chiều nào cũng có rất đông các bà các mẹ đưa con xuống sảnh chơi vì mát mẻ. Và cũng có nhiều chuyện của con trẻ mà khiến phụ huynh phải "khóc dở mếu dở".

Vừa dẫn con xuống sảnh chơi, do mắc bệnh tiền đình nên mỗi lúc đau đầu là chị Phượng lại buồn nôn. Một mẹ khác ở cùng chung cư hỏi: "mệt thì nghỉ xuống đây, gió lắm". Chưa kịp trả lời thì Hà Mi (8 tuổi) con gái chị đã nhanh nhảu đáp: "Chắc chẳng phải mẹ cháu mệt đâu, có lẽ mẹ cháu đang mang bầu". Chị Phượng "dừng hình" vài giây rồi quát, sao Hà Mi lại nói thế. Hà Mi liền đáp ngay: "tại con thấy bố mẹ ngủ với nhau mà. Trong phim cứ ngủ với nhau là y như rằng hôm sau cô đấy nói là có bầu mà mẹ".

Rồi còn loạt các chuyện khác như, đến trường nhiều cô bé cậu bé cứ ngâm nga câu hát xuyên tạc bài đi học mà diễn viên hài Tự Long đã hát trong chương trình Táo Quân: "Hôm qua em đến trường, bạn đánh em gần chết ớ ơ ... Bao nhiêu bạn quay phim, cả trường em biết hết,..." và bật cười ha hả với nhau.

Thật ra, trẻ con không có lỗi, các cháu rất ngây thơ, và đang ở độ tuổi thích học hỏi, khám phá, thích bắt chước người lớn. Các cháu chỉ ghi lại những gì nhìn được, nghe được, rồi "phát" lại mà thôi.

Theo nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) từng chia sẻ trên Webtretho rằng: Hiện tượng trẻ hay nói những từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí các câu gây phản cảm khá phổ biến. Nhiều phụ huynh cho đó là biểu hiện sự nhanh nhạy, thông minh và nghộ nghĩnh của trẻ thơ nên không để tâm, thậm chí còn gián tiếp khích lệ bằng cách cười đùa, đế thêm những câu như "bé mà khoắm lắm", "nó khôn lắm, bắt chước cực nhanh"... Một số bố mẹ khác lại giật mình, lo lắng, mắng con là láo, hư mà không giải thích vì sao khiến trẻ càng tò mò và tiếp tục nói vậy. Do đó, cách tốt nhất là cha mẹ nên nhẹ nhàng chỉ bảo, giải thích cho con trẻ hiểu những cách bắt chước trên là không tốt, không ngoan. Để thuyết phục, cha mẹ cũng nên lấy ví dụ thực tế để bé hiểu và sửa theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?