Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

"Lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông và hành động của Bắc Kinh

Trung Quốc khăng khăng bảo vệ yêu sách chủ quyền ở biển Đông 

"Dù khả năng một sự cố nào có thể leo thang thành đụng độ quân sự lớn không nên được phóng đại, nhưng các động cơ - đặc biệt là va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ tồn tại và gia tăng. Khi số lượng và tần suất sự cố biển gia tăng, một lúc nào đó chúng sẽ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc có thể cả xung đột".

Lần gần đây nhất khi chiếc tàu sân bay từng được biết đến với cái tên Varyag gây nhiều lo ngại, là khi nó có nguy cơ bị chìm. Đây là một trong những tàu chiến cuối cùng của Liên Xô, nhưng việc xây dựng một xưởng đóng tàu Mykolaiv bên bờ biển Đen đã bị bỏ dở giữa chừng vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã. Varyag chỉ còn là một chiếc tàu thủy cũ chưa được hoàn thành, và được dùng làm kho chứa cho đến năm 1998, khi một công ty của Trung Quốc, có trụ sở ở Ma Cao và có quan hệ với Hải quân Trung Quốc, quyết định mua nó từ Ukraine với mục đích ban đầu là biến nó thành một sòng bạc nổi. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng chiếc tàu dài 300m này - với lớp vỏ han gỉ không được trang bị vũ khí, động cơ hay các trang thiết bị hàng hải - sẽ bị chìm khi đi qua eo biển Bosphorus, gây ra một vấn đề về môi trường và rủi ro cho tàu bè qua lại. Vì vậy, họ đã hoãn việc di chuyển con tàu này trong ba năm, và mãi đến năm 2001mới đồng ý hạn chế đi lại tại Bosphorus để biểu tượng cho sự tan rã của Liên Xô này được kéo qua các công trình sang trọng và đồ sộ bên bờ biển của Istanbul, bắt đầu hành trình dài 5 tháng trên Thái Bình Dương.
Cảng Ma Cao không đủ sâu để Varyag nhả neo. Vì vậy, chiến hạm mồ côi của một cựu siêu cường này đã được đưa tới thành phố cảng Đại Liên, Đông Bắc Trung Quốc. Tại đây, nó đã được dần dần đại tu thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của một siêu cường tương lai. Giờ đây, thế giới lại chứng kiến một loạt những lo ngại mới về chiếc tàu từng mang tên Varyag. Ngày 10/8, chiếc tàu sân bay tân trang này đã rẽ sóng tiến ra khơi từ cảng Đại Liên trong lần chạy thử đầu tiên. Câu chuyện mang tên sòng bạc nổi đã tan biến, chiếc tàu này sẽ trở thành một sự cá cược lớn: sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngoài biển xa.
Việc vận hành Varyag diễn ra đúng lúc. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang được hiện đại hóa - chi tiêu quân sự tăng trung bình 15% từ năm 2000 - và sau một thập kỷ tấn công quyến rũ tại Đông Á và Đông Nam Á, Bắc Kinh đã bắt đầu có một quan điểm hiếu chiến hơn trong các tranh chấp lãnh thổ. Có một vài nhân tố dẫn tới cách tiếp cận cứng rắn hơn này, bao gồm khả năng các vùng biển tranh chấp có giá trị lớn về trữ lượng năng lượng, mong muốn thách thức sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, và sự lo ngại bị xem là yếu thế trước thời khắc chuyển giao lãnh đạo vào năm 2012. Ông Clive Schofield, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia về Tài nguyên và an ninh biển Australis, thuộc Đại học Wollongong, nhận định: "Thái độ của Trung Quốc dường như mang bản chất xác quyết hơn. Bạn có thể thấy điều này trên boong tàu".
Các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, đã đáp lại bằng cách cư xử cứng rắn của mình. Năm ngoái, Trung Quốc và Nhật Bản đã tranh cãi về các quần đảo tại biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang quản lý và hai nước đều đòi chủ quyền, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku. Khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc gần quần đảo này, Trung Quốc đã lớn tiếng. Hai tuần sau, Nhật Bản thả ngư dân này - người đã trở về Trung Quốc trong sự chào đón như một anh hùng. Mùa Hè này, các tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển quốc tế gần đảo Okinawa, khiến Tokyo lo ngại. Sách trắng quốc phòng mới nhất của Nhật Bản nói rằng việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, gia tăng các hoạt động tại các vùng biển châu Á và thiếu minh bạch "là nguyên nhân gây lo ngại trong khu vực và trong cộng đồng quốc tế".

Khu vực xảy ra tranh chấp nhiều hơn, đó là ở biển Đông. Ba triệu km2 vùng biển này có nhiều đảo nhỏ, và nhiều nơi được cho là đang chứa những mỏ dầu và khí tự nhiên phong phú. Căng thẳng đã gia tăng giữa Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích biển Đông, và một số nước châu Á khác đòi chủ quyền một phần khu vực biển này. Philippines sau khi thông báo các tàu chiến Trung Quốc đã quấy rối các tàu thăm dò và tàu cá nước mình gần chục lần kể từ đầu năm, đã tuyên bố bắt đầu coi khu vực này là biển Tây Philippines và cử tàu đô đốc của hải quân nước mình - là tàu khu trục Rajah Humabon có từ thời chiến tranh thế giới II- tới đây tuần tra. Việt Nam cũng cáo buộc các tàu cá Trung Quốc hai lần trong mùa Hè vừa qua trắng trợn cắt cáp của các tàu thăm dò của PetroVietnam, đồng thời thông báo sẽ cân nhắc khả năng phục hồi chế độ quân dịch và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng Sáu. Trung Quốc đáp lại bằng ba ngày tập trận hải quân.
Căng thẳng bề nổi
Các tranh chấp về các vùng biển của châu Á khiến Mỹ rất quan tâm. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyênb ố Mỹ có một "lợi ích quốc gia" về tự do hàng hải ở biển Đông và đề xuất Washington hỗ trợ như một nhà hòa giải. Trung Quốc tức giận đáp lại rằng Mỹ đang tìm cách "quốc tế hóa" một vấn đề cần được giải quyết giữa họ với các nước láng giềng.
Một số quan sát viên đã nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ có một cách tiếp cận bớt hung hăng vào năm 2011, khi chứng kiến việc các tranh chấp khu vực đã tạo điều kiện cho sự can thiệp lớn hơn của Mỹ như thế nào. Nhưng "mọi chuyện không xảy ra như vậy", ông Ian Storey, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định hồi tháng Sáu. Theo ông, "trên thực tế, trong ba tháng qua, căng thẳng đã gia tăng ở mức cao hơn so với từ sau chiến tranh Lạnh".
Ngày 20/7, Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Quy tắc hướng dẫn không ràng buộc về cách ứng xử trên biển Đông, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng lớn. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo Mỹ đang đứng trước nguy cơ trở thành chướng ngại trong một cuộc xung đột khu vực nếu không giúp kiểm chế các nước khác trong khu vực. Ông phát biểu với báo giới cuối tháng Sáu rằng: "Tôi tin là các nước đơn lẻ hiện đang đùa với lửa. Tôi hy vọng ngọn lửa này sẽ được Mỹ dập tắt". Giữa tháng Bảy, Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA), Tướng Trần Bính Đức đã công khai than phiền với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, về chi tiêu quân sự của Mỹ cũng như các hoạt động do thám trên biển mà Mỹ tiến hành gần biên giới của Trung Quốc và việc Mỹ tham gia tập trận chung mà họ cho là "không đúng lúc" với Việt Nam và Philippines. Sau 4 ngày ở thăm Trung Quốc, ông Mullen cho biết không tin chắc rằng các cải cách về quân sự của Bắc Kinh hoàn toàn mang bản chất phòng thủ, và bày tỏ lo ngại tranh chấp tại biển Đông "có thể leo thang và dẫn tới hiểu nhầm có thể làm củng cố thêm cho các phỏng đoán trước đó".
Trong một môi trường nóng như vậy, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ làm dấy lên những lo ngại mới. Con tàu này vẫn chưa được Trung Quốc đặt tên song một số người Trung Quốc đại lục vẫn gọi nó là Thi Lang (Shi Lang), tên một vị đô đốc hải quân Trung Quốc từ thế kỷ 17, người đã chinh phục Đài Loan. Dù Bắc Kinh có thể chọn một cái tên tinh tế hơn cho con tàu này, song thông điệp gửi tới khu vực sẽ là rõ ràng - khả năng Trung Quốc trở lại các yêu sách lãnh thổ ngày càng lớn.
Các chuyên gia quân sự cảnh báo bản thân chiếc tàu sân bay không phải là một người thay đổi trò chơi. Trên thực tế, nó được chế tạo từ một thân tàu thủy cũ 26 năm tuổi bị bỏ rơi. Theo ông Richard Bitzinger, một chuyên gia về các lực lượng quân đội châu Á và là thành viên tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore, cho rằng con tàu này có thể mất ít nhất 5 năm sau khi vận hành mới thực sự sẵn sàng để sử dụng, và ngay cả tới khi đó, nó có thể chỉ được sử dụng để huấn luyện. Khi tàu bắt đầu vận hành, các phi công sẽ phải tập cất cánh và hạ cánh máy bay từ một boong tàu di động, và các thủy thủ phải học cách sử dụng các tính năng phức tạp của một con tàu mà Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm.
Nhưng, theo Andrew Erickson, một giáo sư tại Trường Hải chiến Mỹ, thì "Trung Quốc phải bắt đầu từ đâu đó. Một đôi uyên ương muốn một mái nhà để khởi sự, một cường quốc mới nổi muốn một tàu sân bay khởi sự". Các chuyên gia tin rằng khi Hải quân của PLA học được cách vận hành tàu Varyag cũ, Trung Quốc sẽ bắt đầu chế tạo các tàu sân bay từ bất cứ thứ gì, có thể chế tạo được tới 4 chiếc. Đây là ý nghĩa lớn nhất của chiếc tàu đang được tân trang ở cảng Đại Liên.
Trong tương lai gần, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc bá chủ về quân sự tại châu Á. Họ chi tiêu gấp 6 lần Trung Quốc chi cho quốc phòng và có một lịch sử dài vận hành các hàng không mẫu hạm. Mỹ đã trang bị tàu sân bay đầu tiên vào năm 1934 và hiện có 11 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỗi chiếc có thể mang hơn 80 máy bay và mỗi phút có thể đồng thời cho cất cánh và hạ cánh vài chiếc. Cộng với các tàu ngầm, tàu tuần dương gắn tên lửa, tàu khu trục và tàu tiếp tế, nhóm tàu sân bay lớp Nimitz là một trong những lực lượng quân sự hàng đầu thế giới, hùng mạnh hơn nhiều lần bất cứ thứ gì Trung Quốc có thể tạo ra trong nhiều thập kỷ tới.
Nhưng, theo ông Erickson, một so sánh trung thực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chính xác "trừ phi người ta tưởng tượng ra một cuộc xung đột tổng lực giữa hai nước này, điều hiện vẫn là không tưởng". Thay vào đó, Trung Quốc đang tập trung ngăn chặn mọi nỗ lực tách ra độc lập của Đài Loan. Sự phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc tập trung vào cái mà các chuyên gia quân sự gọi là các khả năng "chống can thiệp" hay "bao vây", nhằm ngăn cản Mỹ đến hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột. Để đạt mục đích này, Trung Quốc đã phát triển một loạt tên lửa đáng sợ, trong đó có loại tên lửa đạn đạo tầm xa bắn từ đất liền có khả năng tấn công các tàu đang chuyển động, mà Tướng Trần đã lần đầu tiên công bố trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Mullen hồi tháng Bảy.
Trung Quốc cũng có khả năng tập trung phô trưởng sức mạnh quân sự ở bất cứ đâu, khi các căng thẳng giữa hai bờ eo biển được giảm nhẹ sau khi ông Mã Anh Cửu - một người thân với đại lục - đắc cử làm nhà lãnh đạo Đài Loan năm 2008. Theo Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc dự án Đông Bắc Á của International Crisis Group, so với hạm đội Biển Bắc và hạm đội Biển Đông của Hải quân Trung Quốc, hạm đội Biển Nam "đã được chú ý và được tài chợ nhiều hơn trong những năm qua". Bà cho biết: "Bên cạnh việc nâng cấp các tàu chiến và tàu ngầm hiện có, chúng tôi cũng thấy sự huy động thêm nhân sự trong quân đội, tàu tuần tra và tàu ngầm". Sự huy động lớn nhất sẽ là tàu sân bay, mà Kleine-Ahlbrandt cho là sẽ được cử tới hoạt động ở biển Đông. Về phần mình, ông Storey nhận định: "Các sỹ quan quân sự Mỹ có xu hướng gạt đi Varyag và nói nó đã cũ và lỗi thời về công nghệ, cơ bản chỉ là một mục tiêu nằm. Tôi nghĩ là toàn cảnh Đông Nam Á rất khác. Nó đang gửi đi một thông điệp tới các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc nghiêm túc trong việc bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình ở biển Đông".
Khoảng cách niềm tin
Trung Quốc đang chơi bóng chày cả trên mặt trận ngoại giao. Bắc Kinh cắt các quan hệ quân sự với Mỹ vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và chỉ nối lại vào cuối năm 2010 để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Khác với chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô nhất trí một loạt các quy tắc và đường dây nóng nhằm giữ cho một sự cố biển không bùng lên thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, thì Bắc Kinh và Washington lại không có thỏa thuận nào tương tự.
Trong một báo cáo của Viện Chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Australia, các tác giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs kể ra hơn một chục sự cố biển giữa các lực lượng hải quân hoặc các lực lượng ủy quyền của họ trên biển Tây Thái Bình Dương. Báo cáo ghi nhận rằng không có các biện pháp giao tiếp và tích cực xây dựng lòng tin của tất cả các bên, thì hoạt động hải quân tăng cường trên biển sẽ khiến nguy cơ thù địch lan rộng. Báo cáo nhận định: "Dù khả năng một sự cố nào có thể leo thang thành đụng độ quân sự lớn không nên được phóng đại, nhưng các động cơ - đặc biệt là va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ tồn tại và gia tăng. Khi số lượng và tần suất sự cố biển gia tăng, một lúc nào đó chúng sẽ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc có thể cả xung đột".
Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ kiểu giao tranh nào ở Đại Liên, nơi chiếc Varyag cũ đang nằm ở bến cảng. Người dân nhớ lại khi chiếc tàu sân bay được đưa đến đây gần một thập kỷ trước, nó chỉ là một chiếc vỏ tàu han gỉ, ít khả năng trở thành một chiếc tàu chiến. Ngày nay, họ cười nhạo vào suy nghĩ cho rằng các nước khác nên lo ngại. Một nhân viên làm việc tại một công trường gần đó nói: "Đó chỉ là một thứ đồ thừa mà cả Ukraine cũng chẳng thèm. Đối với một quốc gia 1,3 tỷ dân, nó rõ ràng không đủ. Chúng tôi cần nhiều hơn thế". Chính khái niệm này, chứ không phải là bản thân chiếc tàu sân bay kia, đang khiến thế giới lo ngại./.

Liệu Trung Quốc có bảo vệ được “lợi ích cốt lõi” tại Biển Đông?

Ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, cán cân lực lượng khu vực sẽ chống lại các âm mưu áp đặt mong muốn của Bắc Kinh. Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với khả năng leo thang của các lực lượng hải quân đối thủ, dù nhỏ hơn nhưng có năng lực, tại các khu vực khác trong một cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trên biển Đông.


Đối phó với sự đáp trả
Chắc chắn là Trung Quốc sẽ thiếu các phương tiện quân sự thích hợp để biến biển Đông thành chiếc ao nhà của mình, nhưng họ có thể tiến những bước dài theo hướng này trong khi tiếp tục các dự án hải quân. Hoạt động tuần tra trên biển thường xuyên nhằm ngăn cản các lực lượng hải quân đối thủ tiếp cận các vùng biển này vẫn nằm ngoài tầm với của họ, nếu đó là mục tiêu.
Trung Quốc có thể đưa ra các đe dọa quân sự ở cấp thấp, ép các nước láng giếng phía Nam bằng các hạm đội hiện có, gồm tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và tên lửa. Các hành động như vậy có thể gây ra một số kháng cự trước mắt, nhưng chúng vẫn chưa báo hiệu sự sắp xếp lại tương quan lực lượng trên biển một cách căn bản mà một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc có thể đòi hỏi. Các nước Đông Nam Á cũng như các cường quốc lớn ngoài khu vực này đều không chấp nhận một trật tự hàng hải trong đó Trung Quốc là trung tâm. Các nước cạnh tranh sẽ chống lại.
Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, cán cân lực lượng khu vực sẽ chống lại các âm mưu áp đặt mong muốn của Bắc Kinh. Các nước Đông Nam Á sẽ không tiến hành các chiến thuật hăm dọa chừng nào các hỗ trợ về ngoại giao và quân sự của Mỹ vẫn còn đáng tin cậy. Các tuyên bố công khai của Washington về sự can dự của họ vào các vùng biển châu Á cho thấy khu vực này không có lý do gì phải sợ là Mỹ sẽ từ bỏ vai trò bình ổn mà họ đã từ lâu đảm nhận tại các vùng biển châu Á. Dù Trung Quốc chắc chắn là một cường quốc biển đang nổi, nhưng các lực lượng hải quân trong khu vực cũng không dễ bị đánh lừa. Họ cũng sẽ không mãi để yên.
Rõ ràng là cả các nước đòi chủ quyền và các bên thứ ba trong các tranh chấp lãnh thổ đều đang đáp trả bước tiến ra biển của Trung Quốc. Singapore, Malaysia, Indonesia và cả Việt Nam đang mua tàu ngầm để chống lại Trung Quốc. Các cường quốc ngoài khu vực như Nhật Bản và Australia cũng bám sát quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc theo cách của mình. Tokyo lên kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, trong khi Canberra đã bắt đầu chương trình tàu ngầm đắt giá nhất trong lịch sử Australia. Cả hai nước này rõ ràng đang nhắm tới Bắc Kinh. Và, nhìn về hướng Đông qua vịnh Bengal, Ấn Độ cũng lo ngại rằng sự bá chủ của Trung Quốc tại biển Đông sẽ báo trước một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, vùng biển mà New Delhi coi là một khu vực riêng của Ấn Độ.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với khả năng leo thang của các lực lượng hải quân đối thủ, dù nhỏ hơn nhưng có năng lực, tại các khu vực khác trong một cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trên biển Đông. Sự leo thang như vậy sẽ kiềm chế các tư lệnh quân sự và chính trị của Trung Quốc. Nói tóm lại là các xu hướng trong tương quan lực lượng hải quân đối với Trung Quốc có thể diễn ra nhanh hơn những gì có thể mường tượng.
Việc Mỹ có thể duy trì vai trò bá chủ của mình tại biển châu Á hay không là yếu tố quyết định cuối cùng - và có thể mang tính sống còn - đối với khả năng Trung Quốc sử dụng các phương tiện để đạt mục đích này. Chiến lược Biển của Mỹ năm 2007 đã xác định Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là các khu vực ưu tiên hành động của các lực lượng biển, cam kết huy động các lực lượng chiến đấu mạnh ở đây trong tương lai gần. Điều này đặt biển Đông - khu vực nối giữa hai đại dương trên - vào vị trí trung tâm lợi ích biển của Mỹ. Hơn nữa, Chiến lược Biển tuyên bố rằng Hải quân Mỹ sẽ duy trì khả năng "áp đặt sự kiểm soát biển bất cứ khi nào cần thiết, lý tưởng nhất là phối hợp với các bạn bè và đồng minh, nhưng sẽ tự lực cánh sinh nếu phải như thế".
Đây là một tuyên bố mập mờ về ý định. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã tạo ra sự nhập nhằng lớn về bản chất cam kết của Mỹ đối với khu vực này. Tuyên bố quyền tự do hàng hải qua các tuyến SLOCs ở Đông Nam Á là "một lợi ích quốc gia" của Mỹ, Ngoại trưởng Clinton cũng đã tái khẳng định rằng Washington không có quan điểm gì về việc ai sẽ có chủ quyền đối với các đảo và các vùng nước liền kề trên biển Đông. Điều này cho phép Bắc Kinh có một phạm vi để thử thách tính kiên định của Mỹ khi củng cố các yêu sách của mình. Sự đối đầu lặp đi lặp lại trong tương lai rõ ràng sẽ nảy sinh vì bối cảnh này.

Ảnh minh họa: THX
Trung Quốc có thể đối phó với khả năng kháng cự bằng việc đưa ra các nguồn lực phụ để vượt qua các thiếu hụt về số lượng và kém về chất lượng của Hải quân PLA. Nói ngắn gọn là Bắc Kinh cần thêm nhiều tàu để đối đầu với các đơn vị hiện đại, và cần tuyển ngày càng nhiều sĩ quan có năng lực và dày dạn kinh nghiệm, cũng như lực lượng binh sĩ để điều khiển các tàu đó, đảm bảo hải quân có thể vận hành các thiết bị tinh vi trong một cuộc chiến tranh trên biển với cường độ cao.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc đã không chế tạo thêm tàu khu trục mới nào từ năm 2005, nghĩa là việc tăng cường lực lượng hải quân của nước này đang tạm ngừng. Nhưng có một bằng chứng cho thấy việc xây dựng lực lượng hải quân còn lâu mới kết thúc. Trên thực tế, Bắc Kinh có vẻ đang thúc đẩy đóng tàu bên cạnh nhiều mục tiêu khác, chuyển đầu tư của mình từ đóng tàu khu trục sang một loạt hoạt động khác. Ví dụ, Trung Quốc tiếp tục biến các thân tàu cũ thành các tàu khu trục nhỏ gắn tên lửa hành trình lớp Jiangkai II, loạt tàu tân tiến nhất thuộc lớp này trong kho Hải quân PLA.
Trung Quốc cũng dồn sức tân trang tàu sân bay cũ Varyag của Nga, chủ yếu nhằm tạo một cơ sở để huấn luyện lái tàu. Việc này đã gạt sang một bên việc chế tạo tàu sân bay mới, mà Bắc Kinh đến nay đã thừa nhận là đang theo đuổi. Và cuối cùng, tin đồn về việc ngừng chế tạo tàu khu trục có thể không bao giờ có thật. Nhìn vào những bức ảnh chụp bên ngoài thì thấy một tàu chiến có trọng tải hơn 10.000 tấn - lớn nhất từng thấy ở Trung Quốc - có thể sắp hoàn thành tại một xưởng đóng tàu của nước này.
Sự kiện Đài Loan khác
Đài Loan là một nhân tố can thiệp quan trọng, thường bị bỏ qua trong chiến lược Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Dù quan hệ hai bờ eo biển này đã "tan băng" từ năm 2008, nhưng Trung Quốc vẫn luôn chú ý và tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho một loạt các sự cố quân sự bất ngờ tại eo biển này. Đơn cử, Bắc Kinh sẽ duy trì ràng buộc cho tới khi nào tình thế bế tắc liên quan đến Đài Loan được giải quyết. Nhưng nếu hòn đảo này sẽ trở về với đại lục, một cách hòa bình hay phải dùng tới súng đạn, thì Trung Quốc sẽ đưa ra một phép tính mới trong chiến lược của mình.
Một giải pháp làm hài lòng sẽ không chỉ giải phóng Trung Quốc khỏi một vấn đề quân sự - chính trị đau đầu, nó còn tạo cho Bắc Kinh một vị trí cố thủ quân sự có thể quan sát khu vực phía Bắc biển Đông. Một thế giới hậu Đài Loan khi đó sẽ mở ra một triển vọng quân sự mới cho các tư lệnh PLA. Một mặt, Trung Quốc có thể tái huy động các lực lượng quân sự từng được dùng để chống Đài Loan tới các địa điểm khác hỗ trợ cho các chiến dịch biển phía Nam. Mặt khác, Bắc Kinh có thể sử dụng chính hòn đảo này như một căn cứ, đặt khẩu đội tên lửa, máy bay tấn công và tàu chiến để bao vây một phần biển Đông.
Đúng là Đài Loan không phải là loại "thuốc bách bệnh", nhưng nó có thể là một tài sản địa chiến lược. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay chiến thuật xuất kích từ bờ biển Trung Quốc sẽ không thể tấn công tới các mục tiêu dọc bờ biển Đông. Các mục tiêu này nằm rải rác quanh một đường cong hình chữ U kéo dài về phía Nam từ Việt Nam đến Indonesia và quay lên phía Bắc tới Philippines. Vành đai phòng hộ dài và cong như vậy gây phức tạp rất nhiều cho việc tấn công, kể cả đối với một sức mạnh tên lửa lớn và tinh vi như Lực lương Pháo binh thứ hai của PLA. Nhưng vấn đề sẽ đỡ phức tạp hơn khi các lực lượng được đặt căn cứ ở Đài Loan.
Đừng mắc mưu
Trung Quốc dường như đang đi theo bước của các cường quốc đại lục trước đây như Mỹ, Đế quốc Đức, và Liên Xô trong việc xác quyết quyền bá chủ đối với các vùng biển gần kề. Vì vậy, việc Trung Quốc quả quyết trong các tranh chấp ở biển Đông không đáng ngạc nhiên lắm. Nhưng có nhiều kiểu bá chủ khác nhau. Các quốc gia châu Á có thể sống chung với một Trung Quốc, giống như nước Mỹ của Mahan, hống hách nhưng không thể tham vọng nhiều. Một Trung Quốc đòi sở hữu toàn bộ các vùng biển trong khu vực là một vấn đề hoàn toàn khác. Các lãnh đạo châu Á và Mỹ nên theo dõi các yêu sách và hành động của Trung Quốc theo các mô hình lịch sử từ kinh nghiệm của Mỹ một thế kỷ trước.
Dường như không có mối nguy hiểm nào trước mắt đặt ra. Có khoảng cách lớn giữa các lợi ích cốt lõi tối đa của Trung Quốc với khả năng họ bảo vệ được các lợi ích này. Bắc Kinh đặt ra các thách thức an ninh tại các vùng biển gần, chưa kể tới các đề nghị ngoài khu vực. Nhưng nếu Trung Quốc bằng lòng với việc giải quyết một lợi ích cốt lõi hạn chế - một cái gì đó ít hơn việc đòi hỏi bá chủ hoàn toàn biển Đông - hoặc nếu họ chứng tỏ sẵn sàng tập trung lực lượng về phía Nam bất chấp các lợi ích ở các nơi khác có thể bị phương hại, thì họ có thể sớm đạt kết quả trong yêu sách bá chủ biển Đông.
Nhưng nền chính trị thế giới là một sự va chạm giữa các lực lượng đang tồn tại. Không quốc gia nào, dù nhỏ, là một thứ vô tri vô giác. Phát ngôn và hành động của Trung Quốc đã gây ra một phản ứng - một chu kỳ phản ứng trong khu vực, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang quy mô nhỏ. Bắc Kinh sẽ không thể ra lệnh cho các nước láng giềng nhỏ hơn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Mỹ và các chủ thể Đông Nam Á nên sáng suốt đồng thời thận trọng để không cường điệu quá các ý định hay năng lực của Trung Quốc. Nếu làm được như vậy, họ sẽ tạo thêm cơ hội cho hòa bình./.

Trung Quốc: Từ cường quốc lục địa tới tham vọng biển xa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?