Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Tốn kém hàng nghìn tỷ đồng nếu đổi số thuê bao di động

Việc đổi số thuê bao di động mới chỉ là đề xuất để nghiên cứu nhưng cũng khiến không ít người lo lắng. Giới chuyên gia cho rằng việc làm này có thể ảnh hưởng lớn tới khách hàng, gây tốn kém cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

Việc đổi số thuê bao di động được dự báo là sẽ rất tốn kém.
Ngay khi những thông tin liên quan đến chuyện thuê bao di động có nguy cơ bị đổi số, VnExpress đã nhận được hàng trăm ý kiến độc giả gửi về bày tỏ sự không đồng tình với các làm này. Những ai lâu nay vốn coi điện thoại là tài sản cá nhân cho rằng đây là cách làm vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Chưa kể, đổi số cũng đồng nghĩa họ phải làm các thao tác in lại danh thiếp, thay đổi thói quen bấm số và sẽ phải mất khá nhiều thời gian để sửa danh bạ lưu trong bộ nhớ của máy điện thoại.
Những người đang sở hữu một thuê bao di động đẹp cũng bày tỏ lo ngại về khả năng những chiếc sim bạc triệu của họ bỗng chốc biến thành sim xấu có giá chỉ tính bằng nghìn. Bởi với những dải số tiến lặp dễ nhớ thì bất kể nhà mạng thêm chữ số nào cũng sẽ làm cho sim bị phá vỡ cấu trúc và mất hết giá trị. Do vậy, nhiều người đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông nên tiếp tục duy trì song song 2 mã 10 và 11 số.
Theo lãnh đạo một hãng viễn thông di động lớn tại Việt Nam, việc đổi số cách đây gần 10 năm không gây nhiều xáo trộn vì khi đó chỉ có vài triệu thuê bao.
"Tuy nhiên, lượng thuê bao di động hiện tại của Việt Nam đã lên tới con số cực lớn, khoảng 112 triệu nên việc đổi số cần được tính toán thận trọng bởi khách hàng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng hơn cả", vị lãnh đạo này nói.
Ông cho biết về mặt kỹ thuật, việc kéo dài thuê bao di động từ 10 lên 11 số không ảnh hưởng tới nhà mạng, cũng không quá tốn kém. Thế nhưng, với đại bộ phận người dùng di động sự thay đổi này sẽ kéo theo những phiền hà nhất định. Doanh nghiệp phát sinh chi phí in danh thiếp cho cán bộ công nhân viên, biển hiệu thay đổi...
Theo ông, với 112 triệu thuê bao di động hiện nay chỉ cần 15 triệu trong số này in lại danh thiếp thì cũng tốn kém hàng trăm tỷ đồng.
"Với chi phí có thể nhìn thấy trước mắt cho việc đổi số lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tôi cho rằng đây chỉ là đề xuất đưa ra để nghiên cứu", vị lãnh đạo này bổ sung thêm.
Tập đoàn Kangaroo thực hiện chiến lược nhận diện thương hiệu mới từ đầu tháng 7. Đi kèm với chiến dịch này là các biển bảng tại 2.500 đại lý, cùng với 2.500 biển bảng quảng cáo trên toàn quốc được thay đổi. Đại diện hãng phân phối máy lọc nước này cho rằng: "Thật khủng khiếp nếu việc đổi số thuê bao di động được tiến hành".
Kangaroo có 2.500 biển hiệu trên toàn quốc, mỗi tấm biển lớn có giá trung bình 1 triệu đồng, nếu phải in lại, tổng chi phí sẽ vào khoảng 2,5 tỷ đồng. Với 2.500 đại lý trên toàn quốc, mỗi đại lý đầu tư trung bình 12 triệu đồng cho việc in ấn pano, áp-phích biển bảng quảng cáo..., chi phí đội thêm 30 tỷ đồng nữa, chưa kể in card visit cho hơn 500 cán bộ công nhân viên làm việc tại đây.
Tuy nhiên, theo vị đại diện của hãng cái mất lớn nhất của doanh nghiệp là thời gian để thích nghi với sự thay đổi này. Họ sẽ phải thông báo với đối tác nước ngoài, bạn hàng, rồi chính quyền địa phương về số điện thoại mới. 70 nhân viên kinh doanh, mỗi người có khoảng 1.000 số di động trong danh bạ cũng sẽ phải mất thời gian kha khá để đổi số. Chưa kể, để lắp đặt được một bảng biển tại khu vực ở Hà Nội thường mất 7 ngày, còn tại các địa phương, thời gian kéo dài 15-20 ngày.
Với 5.000 nhân viên trong biên chế chỉ riêng việc in danh thiếp cũng khiến Công ty Thegioididong tốn kém trên 350 triệu đồng, chưa kể các chi phí phát sinh khác, nếu việc đổi số thuê bao di động được tiến hành...
Đối với các tập đoàn lớn như dầu khí, điện lực, VNPT... có quy mô lao động lên đến con số vài chục vạn cán bộ, chi phí cho việc đổi số được dự báo sẽ lớn hơn thế rất nhiều.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ là áp dụng cách thức tăng độ dài thuê bao di động do quy mô dân số của hai quốc gia này quá lớn trên 1 tỷ dân. Còn lại hầu hết các nước phát triển thuộc châu Âu hay khu vực ASEAN + 3 đều sử dụng mạng đa mã, nghĩa là một hãng di động có thể sử dụng nhiều đầu số khác nhau. Tại châu Á, những nước có quy mô dân số giống Việt Nam như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thậm chí còn áp dụng cả 2 cách thức đa mã và kéo dài đầu số.
Thạc sĩ, Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Hồng Hà - người từng chứng kiến đợt đổi số di động gần 10 năm trước nhận xét: Việc làm này sẽ khiến người tiêu dùng phải hứng chịu cực kỳ nhiều phiền hà.
Ông tính toán nếu việc đổi số này được thông qua, trung bình mỗi người dùng di động sẽ mất khoảng một giờ để sửa danh bạ. Sau đó, họ sẽ mất rất nhiều thời gian nữa để liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ khác như ngân hàng, chứng khoán… để sửa lại các thông tin đã đăng ký. Rồi, mỗi doanh nghiệp cũng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm lại bảng hiệu, sửa lại danh bạ điện thoại, trang web, quảng cáo. Đồng thời họ cũng phải làm các thao tác khác như sửa lại thông tin về doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo lại cho khách hàng trong và ngoài nước… "Chưa kể đến việc các đối tác bất ngờ không liên lạc được và mất đi cơ hội ký kết hợp đồng tiền tỷ, thậm chí nhiều chục tỷ đồng…", ông nói.
Dưới góc độ pháp lý, ông Bình cho rằng số điện thoại cũng là một dạng tài sản, nó gắn liền với mỗi cá nhân và thuộc quyền sở hữu của cá nhân đó. Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc cá nhân phải “mua” số điện thoại để sử dụng. Và tùy thuộc vào quan niệm về sim số của mỗi người mà họ phải bỏ ra số tiền từ vài chục nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng để mua. Thậm chí, có những số điện thoại đẹp được “chuyển nhượng” qua nhiều chủ khác nhau và giá trị của chúng cũng ngày càng tăng theo số lần chuyển nhượng nên có thể thấy có những số điện thoại là tài sản có giá trị rất lớn. Mặt khác, số điện thoại còn là một tài sản mà chủ sở hữu nó phải chịu sự quản lý giám sát chặt chẽ.
Theo ông Bình, căn cứ các quy định hiện hành của Bộ Luật Dân sự số điện thoại đang là một trong những động sản mà pháp luật quy định người sử dụng cần phải đăng ký quyền sở hữu. Khi số điện thoại được coi là tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của người sở hữu thì quyền của người sử dụng cũng cần được pháp luật bảo vệ.
"Theo tôi việc đổi số này cần có sự cân nhắc kỹ", ông Luật sư Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Giới buôn sim lo thuê bao di động bị đổi số

Việc kéo dài đầu số di động dù mới là tin đồn cũng đủ khiến giới kinh doanh lo ngại sim bạc tỷ bỗng chốc thành thuê bao rác...

Quan niệm về số đẹp có thể thay đổi nếu đầu số di động được kéo dài. Ảnh: Hoàng Hà
Quan niệm về số đẹp có thể thay đổi nếu đầu số di động được kéo dài. Ảnh: Hoàng Hà
Anh Hưng, một tay buôn sim chuyên nghiệp ở Hà Nội chia sẻ, từ mấy ngày nay, số lượng bán ra giảm đáng kể so với trước. "Bản thân tôi hay các 'chân rết' khác đều cảm nhận được sự ảnh hưởng nhất định, tốc độ tiêu thụ sim số đẹp bị chậm lại", anh nói.
3 ngày nay, anh Hưng chỉ bán được 5 chiếc sim, trong khi bình thường số lượng tiêu thụ phải lên tới con số 15-20 chiếc. Những chiếc sim anh bán ra cũng chỉ có giá trị dưới 2 triệu đồng, chứ không có chiếc nào được xếp vào hàng Vip có giá vài chục triệu mỗi chiếc như trước.
Những người ngày trước gọi điện đặt sim theo yêu cầu, năm sinh, hay lộc phát..., nay anh tìm được số, liên hệ lại họ cũng không mua nữa.
Không riêng anh Hưng, nhiều dân buôn sim khác cũng rơi vào tình cảnh ế hàng. Giá những chiếc sim số đẹp cũng bị rớt thê thảm. Giới đầu cơ số còn nhận định nếu việc kéo dài số thuê bao di động trở thành hiện thực thì không ít chủ buôn sim rơi vào tình cảnh khốn khó, thậm chí là mất tiền tỷ.
Anh Nguyễn Mạnh Thành, kinh doanh sim đẹp trên phố Tân Mai, Hà Nội cho biết bình thường một chiếc sim 090XXX6868, đầu số cổ nhất, đuôi vừa tiến, vừa lộc phát có thể bán với giá hơn chục triệu đồng; sim 10 số tứ quý 8, giá cũng không dưới 30 triệu đồng... nhưng khi tin đồn đổi số xuất hiện, giá trị của nó giảm xuống một nửa.
Theo anh, nếu việc đổi số thành hiện thực sẽ khiến một số sim cực VIP có thể biến thành "rác" vì bị chèn thêm một số. Anh dẫn chứng sim 10 số đầu 090 đuôi 888 được bán với giá 4,5 triệu đồng, nhưng nếu khi lên 11 số, giá rớt xuống may ra còn một triệu đồng. Chỉ cần khoảng 50 sim bị rớt giá như vậy, số tiền mà đại lý, cửa hàng bị mất có thể lên tới con số gần 20 triệu đồng. "Hiện tại, hầu hết giới đầu cơ đang 'ôm' tới cả trăm số sim đẹp loại 10 số", anh nói.
Trên diễn đàn, những ngày qua, giới kinh doanh cũng lập hẳn topic có chủ đề: "Nếu chuyển từ sim 10 số lên 11 số thì sẽ gây thiệt hại như thế nào?".
Thậm chí, người lập topic còn tính toán chi ly các khoản phí mà người dùng di động sẽ phải trả nếu việc đổi số này xảy ra. Theo người lập chủ đề này, nếu đổi số, trước tiên là mỗi người dùng di động sẽ mất khoảng một giờ để sửa danh bạ; nhân viên văn phòng mất 200.000 đồng để in lại card; chủ cửa hàng kinh doanh mất bạc triệu để in lại bảng hiệu và người kinh doanh sim số đẹp lỗ vài trăm triệu vì sim lưu trong kho bị mất giá trị.
Dân buôn sim cảm thấy lo lắng, hoang mang nếu thuê bao di động bị kéo dài đầu số
Dân buôn sim cảm thấy lo lắng, hoang mang nếu thuê bao di động bị kéo dài đầu số
Trên thực tế, liên quan đến việc đổi số, bản thân các hãng viễn thông cũng có những ý kiến trái ngược. Trong lúc 3 đại gia di động VinaPhone, MobiFone và Viettel ủng hộ phương án đổi số với lý do dễ quản lý và giúp họ chủ động trong việc Marketting thì 4 hãng viễn thông còn lại bày tỏ quan điểm không đồng tình. Lý do đơn giản là, với số thuê bao quá ít, các mạng di động nhỏ mới sử dụng hết một đầu số. Trong khi 3 mạng di động đại gia với trên 100 triệu thuê bao trong tay đã "đốt" tới trên 25 đầu số.
Một lãnh đạo của Viettel cho rằng không một quốc gia nào trên thế giới mà 8 mạng di động sử dụng tới gần 30 đầu số. Với quá nhiều mã như vậy, bản thân doanh nghiệp còn khó phân biệt đầu số của mạng mình thì với khách hàng, điều này còn khó khăn hơn. Trước đây, mỗi lần ra mắt một đầu số mới, các hãng viễn thông thường gửi thông báo, truyền thông tới khách hàng. Nhưng khi có quá nhiều đầu số, việc marketing không còn ý nghĩa nữa.
Đại diện của VinaPhone và MobiFone thì cho rằng khi tất cả các thuê bao đều được nâng từ 10 số lên 11 số thì các quan niệm về sim xấu, sim đẹp sẽ thay đổi. Khi đó, thị trường sim thẻ sẽ bớt lũng đoạn, chuyện sim tứ quý, hay tiến lặp, lộc phát sẽ không còn mấy ý nghĩa.

Cựu Bộ trưởng Thông tin vẫn trăn trở chuyện đổi số di động

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chia sẻ điều ông còn trăn trở và chưa thực hiện được khi rời vị trí đứng đầu ngành truyền thông là xây dựng khung sàn giá cước và việc kéo dài thuê bao di động để tiết kiệm kho số.

Phát biểu trước lễ ra mắt Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 15/8, cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng thời gian qua, ngành viễn thông đã đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật. Cạnh tranh đã kéo giá cước xuống mức rất thấp có lợi cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều lĩnh vực, dịch vụ gặp khó, viễn thông vẫn giữ tốc độ phát triển và được thế giới đánh giá cao.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Lê Doãn Hợp.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Lê Doãn Hợp.
Tuy nhiên, vẫn có 3 điểm khiến ông trăn trở và chưa thực hiện được khi rời chiếc ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Đó là vấn đề thuê bao ảo, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, công tác quản lý không theo kịp với tốc độ phát triển... Ngoài ra, điều mà ông mong muốn và chưa được hiện thực hóa đó là xây dựng khung giá sàn cước di động để quản lý, đồng thời kéo dài đầu số thuê bao để khắc phục hiện tượng lãng phí tài nguyên số, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu được tốt hơn.
Việt Nam hiện có 7 nhà khai thác di động cạnh tranh trên một thị trường gần 90 triệu dân. Số lượng thuê bao cũng vượt quá xa dân số với ngưỡng trên 123 triệu. Để cạnh tranh, các hãng viễn thông liên tục tung ra các chính sách khuyến mãi, dịch vụ mới để câu khách.
Việt Nam đã có trên 120 triệu thuê bao di động. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo ông Hợp, việc xây dựng đề án mức sàn giá cước trong thời điểm hiện nay là cần thiết để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh. Khi đó, doanh nghiệp được quyền tung ra thị trường các gói dịch vụ phù hợp được cân đối trên doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng nhà nước chỉ nên khống chế giá cước khi thị trường còn độc quyền. Còn khi đã cạnh tranh toàn diện, nên giá sàn để giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn", Nguyên Bộ trưởng Thông tin - Lê Doãn Hợp chia sẻ.
Nửa tháng trước khi còn đương chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp từng đưa ra thông tin gây sốc về kế hoạch đổi số cho hàng chục triệu thuê bao di động. Thời điểm ấy, người dùng di động đã bày tỏ lo ngại về những rắc rối nảy sinh một khi các thuê bao di động 10 số được nâng độ dài lên 11.
Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phát đi thông tin cho rằng việc đổi số mới chỉ là nghiên cứu. Trước khi đưa ra quyết định chính thức, Bộ sẽ tổ chức một cuộc "trưng cầu dân ý" để việc đổi số này được thực hiện trên cơ sở không gây phiền hà cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Câu chuyện về đổi số tạm lắng được gần 3 tuần thì sáng nay, trong lễ ra mắt Cục Viễn thông, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tiếp tục đề cập đến như một giải pháp nhằm tiết kiệm kho số, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu được tốt hơn.
Lãnh đạo một hãng viễn thông lớn chia sẻ việc kéo dài đầu số hay giữ nguyên hiện trạng của thuê bao di động được cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề cập đã khá lâu. Tuy nhiên, do số lượng thuê bao đã lên tới con số hơn trăm triệu nên đề án mới chỉ được đưa ra để nghiên cứu.
Vị lãnh đạo này cho rằng xét dưới khía cạnh doanh nghiệp đổi số thuê bao sẽ tiết kiệm được tài nguyên, đỡ lãng phí. Tuy nhiên, không giống như mạng cố định, cộng đồng người tiêu dùng của mạng di động khá lớn và số điện thoại cũng là tài sản cá nhân. Do vậy, việc đổi số cần phải nghiên cứu kỹ và có sự trưng cầu ý kiến của người tiêu dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?