Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Việt Nam nợ nước ngoài 32,5 tỷ USD

Nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh đến cuối 2010 đạt 32,5 tỷ USD, tăng 4,6 tỷ USD so với năm trước.

Bộ Tài chính cuối tuần qua công bố số liệu chi tiết về nợ của Việt Nam trong năm 2010. Theo đó, tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm ngoái đạt 27,86 tỷ USD, tương đương 85,7% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay. Nguồn: MOF
Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay. Nguồn: MOF

So với GDP 2010, nợ nước ngoài chiếm 42,2%, tăng so với con số 39% của năm 2009 và cao nhất kể từ năm 2006. Con số 42,2% GDP cũng cao hơn nhiều so với mức 38,8% mà Chính phủ dự kiến hồi cuối năm 2010.
Do dư nợ tăng, tổng lượng tiền mà ngân sách phải dành để trả các đối tác nước ngoài trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD (riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD), tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm 2009.
Trong khi đó, theo cảnh bảo của Bộ Tài chính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 2.808% của các năm 2009 và 2008.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lãi suất vay nợ của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Điều này có thể là hệ quả của việc Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cũng như việc uy tín nợ quốc gia bị ảnh hưởng do một số bất ổn của kinh tế vĩ mô và sự kiện Vinashin.
Hiện Việt Nam vẫn chủ yếu được vay nợ với lãi suất thấp 1 - 2,99% một năm (chiếm 65,5% tổng dư nợ). Tuy nhiên, khoản vay có lãi suất cao từ 6 - 10% một năm trong năm 2010 cũng đã lên tới 1,89 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009. 

Việt Nam nợ nước ngoài gần 28 tỷ USD vào năm ngoái
Tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam từ 01/01/2009 đến hết ngày 31/12/2009 là 27,929 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP theo công bố của Bộ Tài chính.
Bản tin về các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam được Bộ Tài chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng với những con số khá chi tiết, theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, các số liệu về các khoản nợ có độ trễ so với thời điểm công bố khoảng 6 tháng.
Tính đến ngày 31/12/2009, tổng nợ nước ngoài (gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh) là 27,929 tỷ USD, tương đương với khoảng 479,5 nghìn tỷ đồng, áp dụng tỷ giá quy đổi tại thời điểm cuối kỳ. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ là trên 23,9 tỷ USD.
Trong tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia tính đến cuối 2009, khoảng 21 tỷ USD là vay ODA. Phần còn lại là vay ưu đãi (1,4 tỷ USD) và vay thương mại (5,5 tỷ USD).
Năm 2008, tổng số nợ của Việt Nam vào khoảng 21,8 tỷ USD và năm 2007 là hơn 19,25 tỷ USD.
Biểu đồ dư nợ của Việt Nam do Bộ Tài chính cung cấp.
Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của quốc gia tính đến hết ngày 31/12/2009 bằng 39% GDP và ở mức cao nhất kể từ năm 2005. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào mức dự trữ ngoại hối, thì tổng dư nợ của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn. Dự trữ ngoại hối so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn của Việt Nam là 290%, trong khi mức khuyến nghị của Ngân hàng thế giới WB là trên 200%. Nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với tổng ngân sách Nhà nước của Việt Nam là 5,1%, ngưỡng an toàn của WB là dưới 35%.
Trong các lần giải trình trước Quốc hội về các khoản dư nợ quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng khẳng định: Nợ quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn.
Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng dư nợ cao hay thấp không quan trọng vấn đề là các khoản nợ này Việt Nam có đủ khả năng trả hay không và có lành mạnh không. "Dự nợ hiện nay của chúng ta không đáng lo ngại vì chúng ta vẫn có khả năng trả nợ tốt”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh tại kỳ họp Quốc hội hồi cuối tháng 10/2009.

Nợ công vượt 50% GDP
Trước con số nợ công năm 2010 mà Chính phủ báo cáo lên đến 52,6% GDP, nhiều đại biểu quốc hội lo lắng ngưỡng an toàn tài chính quốc gia sắp bị phá vỡ.

Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công năm nay ước sẽ lên tới 52,6% GDP, nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP. Chính phủ dự kiến nợ công trong năm 2011 sẽ là 57,1% GDP.
Nếu số liệu ước tính này thành sự thật, nợ công năm nay cao hơn nhiều so với năm ngoái, giai đoạn phải tăng chi công để kích thích kinh tế vượt khủng hoảng. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài lần lượt bằng 41,9% và 38,9% GDP. Tuy nhiên Ngân hàng Thế giới tính toán, nợ công của Việt Nam thời gian này lên đến 47,5% GDP.
Nợ công vẫn gia tăng khi Chính phủ đã giảm bớt liều lượng kích thích kinh tế.
Nợ công vẫn gia tăng khi Chính phủ đã giảm bớt liều lượng kích thích kinh tế.
Trong phiên thảo luận tại Thường vụ Quốc hội chiều 2/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cảnh báo dù có nhiều cơ hội để giảm bội chi, nhưng thực tế bội chi ngân sách vẫn ở mức cao. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách yêu cầu Chính phủ phải giải trình rõ hơn các nguyên nhân tăng chi đầu tư năm nay: vượt dự toán tới 15,5%, tương đương 19.500 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, con số nợ công này tăng cao so với giai đoạn trước, trong khi hiệu quả sử dụng vốn vay chưa được đánh giá cao. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ khi trình Quốc hội ở kỳ họp tới phải khống chế nợ công không vượt ngưỡng 60% GDP, trong đó, dư nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương không quá 50% GDP.
Nhiều đại biểu cho rằng, với tình hình bội chi ngân sách ở mức cao nhiều năm liên tục, và tốc độ phát hành trái phiếu Chính phủ như hiện nay, nguy cơ chỉ số nợ vượt ngưỡng an toàn rất dễ xảy ra trong trung hạn.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội chia sẻ: “Tôi cảm thấy hơi lo. Nếu nói ngưỡng 60% GDP này, thì Quốc hội không yên tâm”. Theo bà, nợ công còn phụ thuộc tăng trưởng kinh tế, mà hiện nay, tăng trưởng lại cứ tiếp tục dựa vào đầu tư. Quốc tế đã dự báo GDP Việt Nam sau 2020 sẽ giảm. Quản lý nợ công không chỉ dựa trên chi thu ngân sách. "Vay thì phải trả", bà Mai nhấn mạnh.
Ông Phùng Quốc Hiển lo lắng: “Nếu đến năm 2011, con số đề nghị không quá 60% GDP thực ra cũng là trần của nợ công rồi. Tôi sợ là con số này không giữ được đâu. Nó là con số ngắn hạn chứ không phải là trung hạn nữa”.
Kinh tế 9 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả khả quan và ước GDP 2010 vượt chỉ tiêu 6,7%, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 8%, tăng trưởng xuất khẩu gấp 3 lần so với 2009… Nhưng theo ông Hiển, tốc độ tăng trưởng 6,7% chỉ có ý nghĩa nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, ít nhất phải dưới 7%.
Hiện tại, với mức lạm phát tăng đột biến trong tháng 9, cả năm chắc chắn khó có thể thấp hơn 8%. “Các nước lạm phát ở mức 2%-3% họ đã thấy quá cao và phải suy nghĩ kiểm soát vấn đề giá cả. Nhưng ở nước ta mấy năm nay lúc nào cũng đặt lạm phát ở mức 7-8%. Năm 2011 dự báo nền kinh tế ổn định hơn nhưng vẫn đặt mục tiêu lạm phát 7%. Như vậy là có vấn đề lớn, cần phải xem xét lại”, ông Hiển kiến nghị.
Ngoài ra, theo ông Hiển, chính sách tiền tệ đang bị căng ra giữa hai mục tiêu. Đó là, ngắn hạn phụ vụ mục tiêu tắng trưởng kinh tế và dài hạn phục vụ cho sự ổn định đồng tiền và giữ lạm phát. Do vậy, làm cho tính độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ bị hạn chế rất nhiều.

'Việt Nam cần tỉnh táo trước các chỉ số tăng trưởng'
GDP tăng nhưng tỷ lệ nợ công lớn; hiệu quả đầu tư kém; tỷ giá đồng USD cao; thị trường đô la chợ đen bành trướng... là những yếu tố được chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần tỉnh táo trước các chỉ số tăng trưởng.

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam: cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu" diễn ra ngày 9/9, vấn đề được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh nhiều nhất là cần phải nhìn lại bản chất của chỉ số tăng trưởng GDP.
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa phân tích, tuy GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng thực chất đều dựa trên các dự án đầu tư công, khối tư nhân chiếm tỷ lệ chưa đáng kể. Ông Nghĩa chỉ ra, tỷ lệ nợ công đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể: năm 2007 nợ công là 33,8% thì năm 2010 dự báo tăng lên thành 44,6%. Từ con số này, ông cho rằng, cần xét lại mối liên hệ giữa tăng trưởng GDP và hiệu quả của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Vũ Lê.
Chuyên gia này đề nghị, cần cải thiện công tác thống kê và quản lý minh bạch nợ công theo chuẩn quốc tế. Tình trạng hâm hụt ngân sách được tài trợ chủ yếu bằng vay nước ngoài đã khiến cho rủi ro tỷ giá hối đoái ngày càng lớn, nhất là tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam cao so với thế giới. Ông còn nhấn mạnh thêm, hiệu quả đầu tư và khả năng giám sát nợ công là vấn đề đáng lo ngại nhất của Việt Nam trong những năm tới.
Chủ tịch Hội đồng khoa học Khu Công nghệ cao TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, nếu Việt Nam chỉ dựa trên các thông số của những tổ chức IMF, Bank of America Merica - Merrlill, Goldman Sachs, Credit Suisse... công bố để nắm bắt tình hình hậu suy thoái tài chính toàn cầu thì không ổn. Bên cạnh các thông số cần bám sát thực tế.
Ông Dũng cho rằng, cuộc chiến thông tin toàn cầu chỉ đang mới bắt đầu, trong đó thông tin cũng là vũ khí quan trọng. Ông lấy ví dụ, một tập đoàn lớn của Nhật từng công bố lãi cao trong năm 2008 nhưng vừa bước sang năm 2009 lại bị lỗ nặng khiến cả thế giới kinh ngạc. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, lời lỗ của doanh nghiệp hay tăng trưởng kinh tế của một quốc gia không nên chỉ dựa vào những con số.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng phát biểu tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam: cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu" diễn ra ngày 9/9. Ảnh: Vũ Lê.
Trong khi đó, Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ đến từ Đại học kinh tế TP HCM cho rằng, các chính sách thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu nên quan tâm đến một yếu tố nữa là niềm tin của công dân. Bởi lẽ, tại nhiều quốc gia phát triển, sự sụt giảm niềm tin đã góp phần làm sụt giảm GDP. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nền kinh tế phát triển thường xuyên khảo sát niềm tin của công chúng đối với các chính sách, định chế tài chính vĩ mô.
Theo ông Thơ, nhìn lại thị trường tiền tệ, chứng khoán, vàng tại Việt Nam đang bị dao động bởi hiệu ứng tâm lý là chính. Điều này cho thấy, nếu các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô chưa tính đến yếu tố niềm tin là một thiếu sót.

Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu, cần nhìn nhận khía cạnh tích cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Việt Nam. Bởi lẽ, trong lúc đối phó với khủng hoảng, Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém nội tại của nền kinh tế và có cơ hội nhìn nhận rõ những khiếm khuyết để đối phó, biến nó thành cơ hội vượt qua khó khăn.
Ông Lịch cho rằng, một trong những điểm tiêu cực chính là đề ra chỉ tiêu tăng trưởng rồi chạy theo thành tích mà quên rằng, phát triển không phải dựa vào các con số. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hậu khủng hoảng là đang dịch chuyển từ một nền kinh tế lệ thuộc sang tương thuộc. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua giai đoạn lệ thuộc vào đối tác và tiến đến bước ngoặt khiến đối tác tìm và cần đến mình.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, rủi ro tài chính vĩ mô Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là rủi ro tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá hối đoái. Bởi lẽ, sức ép phá giá tỷ giá đang gia tăng từ nhiều phía như: thâm hụt cán cân vãng lai, dữ trự ngoại tệ toàn hệ thống giảm mạnh. Hiện tỷ giá hối đoái bị nhiều chuyên gia tài chính đánh giá kém linh hoạt và bị định giá quá cao so với giá trị thật.
Ngoài ra, điều khiến cho các chuyên gia lo ngại là sự phục hồi chậm sau khủng hoảng của kinh tế thế giới có thể khiến cho dòng vốn đổ vào Việt Nam yếu đi, kỳ vọng phá giá tăng lên, đô la hóa trầm trọng hơn và cán cân thanh toán quốc tế suy yếu. 

Các chỉ tiêu giám sát về nợ nước ngoài

Chỉ tiêu 2006 2007 2008 2009 2010
Nợ so với GDP 31,4 32,5 29,8 39 42,2
Nợ khu vực công so với GDP 26,7 28,2 25,1 29,3 31,1
Trả nợ trung - dài hạn so với xuất khẩu 4 3,8 3,3 4,2 3,4
Trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách 3,7 3,6 3,5 5,1 3,7
Dự trữ ngoại hối so với nợ ngắn hạn 6.380 10.177 2.808 290 187
Nợ dự phòng của CP so với thu ngân sách 4,5 4,6 4,7 4,3 5,8
(Đơn vị: %, nguồn: MOF)

Nợ nước ngoài năm 2010 phân theo nhóm cho vay và chủ nợ

2009 2010
TỔNG CỘNG 27.929 32.500
Các chủ nợ chính thức 24.149 29.139
- Song phương 13.278 14.690
- Đa phương 10.931 12.449
Các chủ nợ tư nhân 3.779 5.362
- Người nắm giữ trái phiếu 1.038 2.020
- Các ngân hàng thương mại 2.583 3.195
- Các chủ nợ tư nhân khác 158 147
NỢ CỦA CHÍNH PHỦ 23.943 27.858
Các chủ nợ chính thức 22.465 25.421
- Song phương 11.566 12.999
- Đa phương 10.899 12.422
Các chủ nợ tư nhân 1.478 2.437
- Người nắm giữ trái phiếu 1.038 2.019
- Các ngân hàng thương mại 350 334.14
- Các chủ nợ tư nhân khác 89 83.26
NỢ CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH 3.986 4.643
Các chủ nợ chính thức 1.685 1.718
- Song phương 1.652 1.691
- Đa phương 33 27
Các chủ nợ tư nhân 2.301 2.925
- Các ngân hàng thương mại 2.232 2.861
- Các chủ nợ tư nhân khác 69 64
(Đơn vị: triệu USD; Nguồn: MOF)

Dư nợ nước ngoài của Chính phủ theo loại tiền

(Tính đến 31/12/2010)
Loại tiền tệ Dư nợ
Đôla Australia 32,19
Đôla Canada 77,67
Franc Thụy Sĩ 42,9
Nhân dân tệ 162,2
Krone Đan Mạch 2,65
Euro 2.558,54
Bảng Anh 83,89
Rupi Ấn Độ 17,91
Yen Nhật 10.817,18
Won Hàn Quốc 207.31
Dinar Kuwait 18,05
Ringgit Malaysia 0,55
Krone Na Uy 86,54
Đôla New Zealand 0,18
SDR* 7.538,65
Krone Thụy Điển 35,19
Baht Thái Lan 2,01
Đôla Mỹ 6.174,17
TỔNG CỘNG 27.857,16
*SDR (Quyền rút vốn đặc biệt): Là đơn vị tiền tệ quốc tế, do Quỹ Tiền tệ quốc tế phát hành, có thể quy đổi sang các đồng tiền khác.
(Đơn vị: triệu USD, Nguồn: MOF)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?