Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Phát ngôn&Hành động: "nhầm vai", "lỡ miệng" và bức công văn bí ẩn

Dân biểu  - doanh nhân và sự  "nhầm vai" khó tránh

Phát biểu kết thúc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII, Tân Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói với báo chí rằng ông sẽ  không ngồi nhầm vai. "Trước đây, tôi làm bộ trưởng là thủ trưởng, sang làm phó thủ tướng là giúp việc, tôi vẫn làm đúng vai. Bây giờ... sang làm chế độ hội nghị - nghị trường là dân chủ, là quyết định tập thể thì khác, tôi sẽ tập dần, và tập qua 14 ngày cũng thấy được rồi."

Nhưng không như ông chỉ  trong 2 tuần vào vai mới đã thấy "được rồi", một đồng nghiệp của ông là đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng, sau tới 3 tuần, mà  vẫn nhầm vai. Chả là vào sáng 15-8, khi tiếp xúc cử tri tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, vị nữ đại biểu QH này lại vào nhầm vai "doanh nhân".

Khi nhiều cử tri đề nghị  Nhà nước xem xét, xử lý những sai phạm tại Công ty CP Sonadezi Long Thành (công ty con của TCT Sonadezi mà  bà Thu Hằng làm Chủ tịch kiêm TGĐ), như đã từng xử lý đối với Công ty Vedan, bà Thu Hằng đã thay mặt tổ đại biểu QH tiếp thu ý  kiến của cử tri và hứa: "Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, với vai trò là cơ quan chủ quản, nếu phát hiện có sai phạm, tôi sẽ cùng với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định".

Ô hay, cử tri yêu cầu bà, với tư cách đại biểu QH và trong quyền hạn hiến định của mình, mà thúc đẩy các cơ quan chức năng xử lý nhanh những sai phạm, mà bà lại trả lời với vai trò cơ quan chủ quản, chờ đợi kết luận của các cơ quan chức năng!

Theo nhà báo Nguyên Lê, báo Sài Gòn Tiếp Thị, khi còn là ứng cử viên đại biểu QH, trả lời câu hỏi của báo chí rằng nếu được bầu "đôi vai - ba gánh" (việc Quốc hội, việc doanh nghiệp, việc nhà) có khiến bà gặp nhiều khó khăn không, bà Đỗ Thị Thu Hằng đã dõng dạc nói: "Tôi đã sẵn sàng để gánh cả ba vai."

Có sự "lộn vai"  này, theo thiển nghĩ của người viết, bà Thu Hằng đã không lường trước được việc đóng cùng một lúc "ba vai" nó phức tạp thế nào. Nghệ  sĩ kịch nói Đức Khuê của Nhà hát Tuổi Trẻ (mà người viết đã quen trong chuyến  đi Cam Ranh vừa rồi) cũng tâm sự rằng khi được phân  đóng ba vai trong ba vở diễn khác nhau trong một chuyến lưu diễn, việc hoá thân trọn vẹn vào từng nhân vật quả là khó khăn. (Có lẽ, ông Nguyễn Sinh Hùng "nhập vai mới" tốt hơn, bởi ông đóng ba vai vào ba giai đoạn khác nhau.)

TS Nguyễn Ngọc Điện, cũng trên SGTT, lại lý giải theo cách khác. "Chuyện con người ta bị giằng xé giữa các lợi ích trái ngược không hiếm. Vấn đề là trong trường hợp đặc thù này, xung đột diễn ra giữa một bên là lợi ích riêng mà nhân vật chính mong muốn bảo vệ với tư cách chủ doanh nghiệp, với bên kia là lợi ích của cộng đồng mà cũng chính người này cam kết bảo vệ dưới danh nghĩa đại biểu dân cử."

Theo TS Nguyễn Ngọc Điện, không ai cấm, và cũng không thể cấm doanh nhân, bảo vệ các lợi ích thiết thân của riêng mình trong khuôn khổ luật chơi chung. "Bởi vậy, trong điều kiện doanh nhân đồng thời là dân biểu, phải làm thế nào để người này nhận thấy rằng lợi ích hợp pháp của các cử tri do mình đại diện bao trùm lên tất cả các lợi ích khác, kể cả lợi ích riêng tư", ông nhận định.

Nói gì thì nói, 3 tuần quả là thời gian quá ít ỏi để tân  đại biểu QH Thu Hằng "nhập vai". Hy vọng, những phân tích của truyền thông sẽ giúp bà "nhập tâm"  và từ đó "nhập vai" tốt hơn.
Tuy nhiên, về mặt dài hạn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người đã  "hoá thân" nhanh hơn nhiều so với đồng nghiệp Đỗ Thị Thu Hằng, vẫn cần phải thúc  đẩy việc chuyên môn hoá sân chơi này. Tức là  phải xúc tiến việc tạo ra hành lang pháp lý cần thiết  để tăng số đại biểu chuyên trách, tức là mỗi người chỉ phải đóng một vai.

Chứ không thì, những dân biểu - doanh nhân như Thu Hằng và một số người khác, nói theo lời của TS Nguyễn Ngọc  Điện, "vẫn phải đương đầu với định kiến xã hội, đặc biệt là với nỗi nghi ngại về việc dựa vào mãnh lực đồng tiền để thao túng nghị trường, về việc dùng quyền lực nghị viện để phục vụ lợi ích riêng tư".

Giải thưởng Hồ  Chí Minh và bức công văn  đầy bí ẩn


Ngày 2.9 năm nay không chỉ là ngày Quốc khánh và là ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà đối với một số người, nhất là những ứng cử viên cho giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, có một ý nghĩa khác thường.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, chưa ai trong số những người đó có thể chắc chắn mình có tên trong danh sách trao giải, được công bố vào khoảng 2 tuần tới.

Điều duy nhất người ta có thể biết chắc là nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả của bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", không nằm trong danh sách này. Mặc dù, từ cách đây nửa năm, Hội Âm nhạc Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ lão thành Phạm Tuyên, người trong sự nghiệp âm nhạc của mình của mình đã sáng tác hàng trăm ca khúc để đời cho thiếu nhi.

Điều này đã được Vụ trưởng Thi đua - Khen thưởng Nguyễn Hải Anh khẳng định trong cuộc họp báo, diễn ra vào ngày 11.8 tại Hà Nội: "Bộ đã có công văn trả lời Hội Âm nhạc Hà Nội thông báo cho NS Phạm Tuyên biết quy trình thủ tục và đề nghị nhạc sĩ làm đúng, nhưng Hội Âm nhạc Hà Nội lại nghĩ có thể làm công văn đưa trực tiếp lên Hội đồng cấp Nhà nước mà không qua cấp cơ sở và cấp bộ. Đó là điều không thể xảy ra được."

Cho dù có  thấy tiếc nuối cho công lao đóng góp của nhạc sĩ  lão thành ở tuổi rất "gần đất xa trời"  này (năm nay nhạc sĩ Phạm Tuyên đã 83 tuổi), nhiều  đồng nghiệp, cũng như người viết, vẫn buộc phải chấp nhận một thực tế "thủ tục là thủ tục". Lời giải thích của vị đại diện của bộ phụ trách văn hoá này là hoàn toàn chấp nhận được về lý.

Tuy nhiên, người viết vẫn thấy "lăn tăn" ở hai điểm.

Thứ nhất, tại sao Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nơi được coi là nơi quán xuyến về mặt nghề nghiệp cho các nhạc sĩ trên toàn quốc và cũng là nơi tổ chức hội đồng xét duyệt cấp cơ sở, cho đến giờ vẫn im lặng? Cả việc trả lời công văn của một hội thành viên, lẫn lên tiếng trên truyền thông để giải thích cho rõ ràng.

Trong khi đó, cũng trong cuộc họp báo ngày 11.8, đại diện của Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại lên tiếng giải thích về trường hợp xét đợt 2 đối với 2 nhạc sĩ khác là  Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê - hai trong số  5 nhạc sĩ gửi đơn kiện vì bị Hội  đồng Cơ sở loại ra khỏi danh sách xét giải thưởng Nhà nước.

Theo ông Phạm Ngọc Khôi, Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo Hội Nhạc sĩ  Việt Nam "dỡ" cụm tác phẩm ra để xét theo từng tác phẩm, dẫn đến kết quả, chỉ hai nhạc sĩ  Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê đủ tiêu chuẩn và  có tên bổ sung trong danh sách xét giải. Còn  ông Hải Anh đã khẳng định điều này.

Phải chăng, để có thể được đưa vào danh sách xét giải, có lẽ Hội Âm nhạc Hà Nội phải làm  đơn kiện, thay vì lịch sự gửi công văn? Nhưng điều này quả là quá khó, nếu không nói là  không thể, đối với NS Phạm Tuyên. Ông cho biết: "Nếu cần bổ sung tư liệu cần thiết thì tôi sẵn sàng làm, chứ để mà cầu xin, hoặc làm đơn xin thì tôi không làm chuyện đấy đâu."

Thứ hai, một tiết lộ mới từ Hội Nhạc sĩ Hà Nội, cách đây 3 ngày, dường như đã khiến cho phát ngôn của ông Hải Anh càng trở nên kém thuyết phục, nếu không nói là mở ra những nghi vấn về  qui trình xét trao giải lần này.

Trao đổi với báo Hà Nội Mới, vào ngày 16.8, Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, cho biết  công văn trả lời duy nhất của Vụ Thi đua - Khen thưởng gửi Hội Âm nhạc Hà Nội đề ngày 11.8.2011.

"Nếu có  tinh thần trách nhiệm, có  sự trân trọng đối với cống hiến lớn lao của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì Vụ  Thi đua - Khen thưởng (Bộ  VH-TT-DL) phải có trả  lời sớm hơn, để nhạc sĩ  Phạm Tuyên có thể kịp thời gửi hồ  sơ theo đúng thủ tục. Đằng này, công văn trả  lời lại đến sau khi đã có  danh sách của Hội đồng cấp Bộ  trình Hội đồng cấp Nhà  nước", Nhạc sĩ Hồ Quang Bình bày tỏ nỗi bức xúc.

Hơn nữa, có  một điều thú vị (mà ít người để  ý và NS Hồ Quang Bình cũng quên nhấn mạnh) là công văn của Vụ Thi đua - Khen thưởng của Bộ VH-TT-DL được gửi đi đúng vào ngày mà bộ này cùng với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức họp báo giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc xét giải, trong đó có trường hợp của NS Phạm Tuyên.

Người viết quả  thực không dám nghĩ là họ làm thế với mục đích "giễu cợt" vị nhạc sĩ  lão thành ở cái tuổi 83 này, hay chí ít là  Hội Âm nhạc Hà Nội vì "tội" đã dám "phạm thượng" gửi công văn lên cấp bộ. Một bộ phụ trách về văn hoá ai lại hành động như vậy?!

Nhưng giải thích theo cách khác, thì người viết, với sở học của mình, hoàn toàn bó tay. Hay họ định dành một bất ngờ nào đó cho NS Phạm Tuyên- người đã có  những bài hát rất hay về Đảng, về Bác, và  về thiếu nhi - như họ đã từng làm cách đây 10 năm khi trao cho ông Giải thưởng Nhà nước.

"Trước khi trao giải thưởng, tôi không nhận  được thông báo nào và  cũng không nhận được yêu cầu làm hồ  sơ tham dự", NS Phạm Tuyên kể lại.

Thôi đành "wait and see"! Và trong khi chờ đợi, người viết muốn chia sẻ với độc giả câu nói của nhà  văn Nguyên Ngọc, người cũng có trong danh sách xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, tại lễ  trao giải thưởng của Quỹ Văn hoá Phan Chu Trinh, cách đây 2 năm rưỡi.

"Việc chọn được những người đủ uy tín để trao giải đã nâng cao uy tín của giải", nhà văn Nguyên Ngọc, đại diện ban tổ chức của quỹ này, khẳng định.

Quan chức  "lỡ miệng" và  góc nhìn về lao động Trung Quốc


Dấu ấn cuối cùng của nguyên Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân liên quan tới lao động xuất khẩu, khi bà cùng với các  đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao đã thành công trong việc thiết lập cầu hàng không đưa hàng ngàn lao động từ Libia về nước, sau bất ổn lớn  ở quốc gia Bắc Phi này. Trong khi đó, sự ra mắt của người kế nhiệm của bà dường như lại gắn với sứ mệnh hồi hương những lao động nhập khẩu "chui" từ quốc gia láng giềng phía Bắc.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ  trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận trách nhiệm của ngành lao động, bao gồm trách nhiệm thanh tra, giám sát, quản lý lao động, khi một doanh nghiệp như  khí - điện - đạm Cà Mau, chỉ với mảng "đạm"  mà để hơn 600 lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép, và chỉ đến khi qua nhiều kênh thông tin mới nắm được.

"Tôi đề nghị  lãnh đạo các sở giúp lãnh đạo địa phương, đồng thời báo cáo kịp thời cho lãnh đạo bộ về diễn biến, nguyên nhân và giải pháp xử lý đúng pháp luật đối với lao động nước ngoài ở  Việt Nam", bà kêu gọi.

Trong khi đó, tại hội nghị  giao ban sáu tháng đầu năm với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 15-8, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa buông lửng một câu: "Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc gia..."

Nhưng sau đó, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Thanh Hòa lại giải thích rất rõ ràng rằng hiện tượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các công trình lớn và mang theo lao động của họ vào Việt Nam làm việc đã xuất hiện vài năm nay. Ông Thanh Hoà cũng thừa nhận trách nhiệm quản lý chưa chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, trong đó có bộ của ông. Đó là nhận xét hoàn toàn không mới mẻ gì, và cũng dễ  được chấp nhận.

Tuy nhiên, hai lý do mà  ông thứ trưởng phụ trách mảng lao động này  đưa ra liên quan đến lao động Việt Nam dường như lại rất khó chấp nhận.

Thứ nhất, theo ông Thanh Hoà, nhiều địa phương chưa đáp ứng được về  nguồn lực, khi nhà thầu Trung Quốc đặt vấn  đề tuyển dụng tại chỗ, và vì vậy họ  phải đưa lao động của họ vào làm việc, vì  họ còn trách nhiệm với tiến độ công trình.

Phó Giám đốc Sở  LĐ-TB-XH Cà Mau, nơi nhà thầu Trung Quốc đang thi công nhà máy khí - điện - đạm và đang sử dụng hơn 1000 lao động không phép trên tổng số 1700 lao động người Trung Quốc, lại dẫn chứng ngược lại, khi cho biết rằng nhà thầu chưa có bất cứ văn bản nào gửi cơ quan quản lý địa phương về nhu cầu lao động tại công trường để bên ông cung cấp lao động người Việt Nam

"Vừa rồi chúng tôi vào làm việc, mấy ảnh (nhà thầu - PV) thừa nhận vấn đề này", ông Lê Thanh Tòng nói.

Thứ hai, ông Thanh Hoà  giải thích rằng trong một số nhóm công việc, lao động của Việt Nam không đáp ứng được các kỹ năng mà  nhà thầu đòi hỏi, cũng như ý thức kỷ  luật và năng suất làm việc của lao động Việt Nam kém.

Nhiều độc giả báo Tuổi Trẻ đã lập luận rằng vậy tại sao các nhà thầu có trình độ cao hơn hẳn các nhà thầu Trung Quốc như Nhật Bản, hay Hàn Quốc lại vẫn yên tâm sử  dụng lao động Việt Nam. Hơn nữa, nếu nói lao động Việt Nam kỹ năng kém thì xưa nay các công trình lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều, như  liên doanh tìm kiếm dầu khí, xây dựng nhà máy lọc dầu, thủy điện Hòa Bình, Trị An, xây cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... thì nhà  thầu nước ngoài có sử dụng lao động ở  đâu?

Mặc dù vậy, cũng có  một độc giả tên Nguyễn Văn Hà, người tự  nhận là đã làm việc với những nhà thầu Trung Quốc này, chia sẻ nhận xét này của ông Thanh Hoà, nhưng đưa ra cách lý giải dễ chấp nhận hơn. "Họ chấp nhận tốn chi phí hơn để đưa công nhân phổ thông của họ sang, họ được lợi gì? Ngôn ngữ chung, họ dễ bảo nhau, năng suất làm việc cao hơn. Là một ông chủ, ai cũng biết nên chọn bên nào có lợi nhất."

Độc giả Văn Hà cho rằng,  bên cạnh việc đưa ra hành lang pháp lý buộc họ phải sử dụng lao động của Việt Nam, thì cũng phải có biện pháp để họ an tâm sử dụng lao động đó. "Dạy nghề, dạy kỹ năng cho lao động của mình là việc làm bắt buộc", độc giả Văn Hà nói.

Nói Bộ LĐ-TB-XH không có  những dự án dạy nghề, dạy kỹ năng cho lao động Việt Nam quả là oan cho họ. Bởi nếu không thì sự hiện diện của họ nào có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thanh Hoà, các dự án của bộ này chủ yếu  ở "tầm vĩ mô" (hơi khó hiểu, phải không quý độc giả?), đào tạo ngắn hạn. "Trong khi dự báo thị trường của chúng ta không có dự báo cụ thể từng ngành mà dự báo chung ở tầm vĩ mô. Đây chính là hạn chế mà chúng ta phải chấp nhận cho lao động nước ngoài vào làm các nhóm công việc chúng ta không đáp ứng được", ông Thanh Hoà nói.

Kể cũng đáng lo khi trình độ của lao động phổ thông Trung Quốc chỉ có vậy (vốn không tìm được việc làm bên quê nhà, đã và đang tìm cách qua Việt Nam thông qua con đường du lịch), mà lao động Việt Nam cũng không đáp ứng được, theo nhận định của ông thứ trưởng, thì làm sao chúng ta có thể đưa lao động ra nước ngoài làm việc, theo chủ trương lớn của Nhà nước từ trước đến nay?

Ông Thứ trưởng nói như vậy không sợ những thị trường nhập khẩu lao động sẽ nghi ngờ trình độ nguồn nhân lực của chúng ta, và quyết định thay bằng những lao động phổ thông người Trung Quốc, theo nhận xét của ông "vừa có kỷ luật, vừa có năng suất cao với cùng mức lương", hay sao? Đặc biệt là người Trung Quốc rất giỏi trong việc lợi dụng những phát biểu "hớ" của chúng ta để mưu lợi cho họ.

Ở cương vị mới ở cơ quan lập pháp và giám sát hoạt động của ngành hành pháp, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn sẽ có nhiều việc phải làm trong vấn đề lao động, để giúp cho người kế nhiệm của mình giải quyết vấn đề phát sinh từ nhiệm kỳ bộ trưởng của bà. Và cũng để gỡ thế bí cho "người giúp việc" cũ.

Theo thiển nghĩ của người viết, ý kiến của TS Phạm Bích San, Phó TTK Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, người đã từng khảo sát các công trường khai thác Bô xít  ở Tây Nguyên, là rất đáng tham khảo. TS Phạm Bích San đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố "lợi  ích nhóm", khi số lượng các công trình Trung Quốc trúng thầu quá lớn và việc cho họ trúng thầu chính là nguyên nhân gốc rễ của câu chuyện lao động Trung Quốc.

Các cụ ta bảo: "Tiền nào của nấy!" Ngoài khía cạnh liên quan đến chất lượng máy móc thiết bị, phần tiền của chủ đầu tư, xét cho cùng là tiền nhà nước và cũng là tiền đóng thuế của dân, lẽ ra dùng để tạo việc làm cho lao động Việt Nam lại dùng để tạo việc làm cho lao động Trung Quốc.

Tưởng rẻ hoá  đắt!

Chuyện không thể kết thúc chỉ ở chiếc... cần câu 
- Một người ăn cả con gà còn 1 người đứng nhìn và chúng ta có mức bình quân mỗi người ăn nửa con gà? Một sự công bằng phải được cân đối qua 3 họ và 3 đời như vậy chỉ có thể làm cho người giàu bớt áy náy, nhưng thật khó an ủi được người nghèo. - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Một người ăn cả con gà, 1 người đứng nhìn...
- Dân gian có câu "Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời", nhưng thực tế cuộc sống hình như không được "sáng sủa" như thế?
- Thì ngay trong câu thành ngữ, thực tế cũng chỉ "sáng sủa" ở mức rất vừa phải. Ví dụ chuyện 1 đời thì khó, còn 3 đời thì không khó chẳng hạn. Chuyện này khác gì với chuyện 1 người ăn cả con gà còn 1 người đứng nhìn và chúng ta có mức bình quân mỗi người ăn nửa con gà? 1 sự công bằng phải được cân đối qua ba họ và ba đời như vậy chỉ có thể làm cho người giàu bớt áy náy, nhưng thật khó an ủi được người nghèo.
Còn trong thực tế cuộc sống, sự công bằng như vậy, nhiều khi cũng chưa chắc đã đạt được. Nếu "Ông lão dong trâu đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày", thì có vẻ như đời thứ 3 vẫn còn chưa hết khó.
Thực ra, sự công bằng tuyệt đối là rất khó đạt được. Ngày nay, người ta nói nhiều hơn đến sự bình đẳng về cơ hội. Những người có năng lực khác nhau thì không thể thành đạt như nhau. Vấn đề là cơ hội mở ra cho họ phải như nhau.
- Chúng ta nói nhiều về việc hãy cho người nghèo cần câu, chứ đừng cho con cá, nhưng hình như ta vẫn hiểu rất đơn giản về khái niệm cần câu?
- Thực ra, mọi sự khái quát hóa đều rất ít khi đúng. Sự khái quát hóa về con cá và cái cần câu cũng vậy. Cho cần câu hay cho con cá là còn tùy. Với những người đang đói quay đói quắt, cho chiếc cần câu là một sự trịch thượng và vô cảm. Lúc đó, cái bạn phải cho ngay là con cá.
Khi người nghèo đã đủ sức để câu cá thì hãy cho họ chiếc cần câu, lúc này chiếc cân câu quan trọng hơn cho con cá. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, mọi chuyện lại không hề đơn giản. Có cần câu, thì còn phải có kỹ năng câu. Có cần câu và có kỹ năng câu thì còn cần phải có nơi để câu. Có cần câu, có kỹ năng câu, có nơi câu rồi thì còn phải có nơi bán cá. Tóm lại mọi chuyện không thể kết thúc chỉ ở chiếc cần câu.
Và khi đã đụng chạm đến chuyện làm kinh tế mọi thứ sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Bởi vì rằng quy luật của năng suất, chất lượng, quy luật của cung cầu, quy luật của giá trị thương hiệu chắc chắn sẽ tác động. Như vậy thì cần phải có một hệ thống tư vấn hiệu quả và dễ tiếp cận mới có thể giúp được cho người nghèo vươn lên. Chỉ cho chiếc cần (1 cái nghề) là không bao giờ đủ.
Muốn thoát nghèo phải hiểu về thị trường
- Để thoát nghèo mà phải hiểu cả về nền kinh tế thì khó quá không?
- Quả thật là không dễ. Nhưng những hiểu biết cơ bản nhất thì cần phải có. Ví dụ như sự hiểu biết về việc nhiều người bán vải quá thì  giá vải chắc chắn sẽ không thể cao. Chương trình đào tạo cho 10 triệu nông dân, theo tôi, là một sáng kiến rất hay. Vấn đề là phải thường thức hóa được những kiến thức kinh tế cơ bản thành những điều dễ hiểu, dễ cảm nhận cho người dân.
Theo tôi, kiến thức đối với dân nghèo ở nông thôn có 2 mảng. Thứ nhất là kiến thức về việc tận dụng đất đai để sản xuất nhằm bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu cho gia đình. Người nghèo muốn thoát nghèo thì phải thoát đói trước.
Còn để làm giàu thì cần kiến thức hoàn toàn khác- kiến thức về công nghệ, về năng suất, chất lượng và về thị trường. Khả năng trả lời những câu hỏi sau đây là rất cần thiết: Mình trồng cây này, nuôi con này có bán được không? Rủi ro sẽ có, mình có chấp nhận không? Làm sao để hạn chế rủi ro? Rồi 1 ngày công trồng cây này so với 1 ngày công nuôi lợn có cao hơn không?...
Vai trò của Nhà nước là trợ giúp về thông tin. Ví dụ, trong cả nước đang có bao nhiêu hecta trồng vải, sản lượng có thể là bao nhiêu, trong nước tiêu thụ được bao nhiêu, xuất khẩu được bao nhiêu, ai là đầu mối tiêu thụ...
Người nông dân cũng phải biết thương lượng, mặc cả để mình không bị thiệt thòi, có thể, cũng phải biết liên kết với nhau để có sức mạnh hơn.
Tất nhiên, để đào tạo tất cả nông dân thành "người giàu" là điều không tưởng. Nhưng theo tôi, cái họ cần nhất là kỹ năng đặt câu hỏi, tìm thông tin, vì thiếu thông tin thì họ cùng lắm chỉ có thể thoát đói, chứ không thể thoát nghèo. Ngoài ra, nếu đất nước ta vẫn cứ trên dưới 70% dân số làm nông nghiệp, thì để tất cả nông dân đều giàu lên là điều không dễ.
Bởi vì rằng 7 người làm chỉ để bán cho 3 người mua. Trong lúc đó thị trường trong nước đang chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt của hàng nông sản Trung Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ở tầm vĩ mô, phải chuyển đổi thế nào để chỉ khoảng 7-9% dân số làm nông nghiệp thôi thì mới có điều kiện để nông dân giàu lên.
- Giảm tỷ lệ dân số làm nông nghiệp phải chăng chính là lý do chúng ta đang ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay? Đó không thể là cách đúng?
- Giảm tỷ lệ dân số làm nông nghiệp và giảm đất nông nghiệp là 2 chuyện khác nhau. Vấn đề là phải tích tụ được ruộng đất vào tay những người làm nông nghiệp giỏi, phải phát triển những trang trại sản xuất lớn, cho năng suất cao. Chính những ông chủ trang trại mới là những người có đủ kiến thức, kỹ năng để làm giàu.
Họ sẽ biết tìm kiếm thông tin, biết tiếp thị để tạo thương hiệu. Họ cũng là những người biết khai thác kỹ năng của người nông dân một cách kinh tế nhất. Những người biết trồng lúa giỏi sẽ trở thành thợ cả và nhờ vậy sẽ được trả lương cao hơn.
Đó là cách khả thi hơn cả để làm giàu  từ nông nghiệp.  Tuy nhiên, vấn đề là đưa được 1 số lượng lớn dân số ra khỏi nông nghiệp. Ra khỏi nông nghiệp không có nghĩa là ra khỏi nông thôn. Một bộ phận những người nông dân vẫn có thể ở lại nông thôn, nhưng họ sẽ được chuyển sang làm dịch vụ. Nghĩa là ly nông, mà không ly hương.
Nông dân nghèo "đổi đời" thành dân nghèo đô thị
- Những người nông dân không còn ruộng đất thì sẽ đi về đâu? Chỉ một ít trong số họ có thể trở thành "thợ cả" như ông nói thôi. Không là nông dân mà sang làm công nhân trong các khu công nghiệp thì cũng chẳng đỡ nghèo hơn...?
- Nỗi lo lắng cho những người nông dân không còn ruộng đất là rất dễ hiểu. Đặc biệt trong trường hợp mất đất lại không có khả năng chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tôi cho rằng việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp không thể làm 1 cách nhân tạo, mà phải trên cơ sở tạo điều kiện cho người nông dân lựa chọn những việc mà họ có thế mạnh và đưa lại thu nhập cao hơn cho họ.

Phẩm chất không thể thiếu để 1 dân tộc giàu có là khả năng hợp tác với nhau, bởi không ai giỏi tất cả mọi việc.
Tôi nghĩ, trước hết phải có những phẩm chất nền tảng để đất nước có thể giàu có, sau đó mới là kiến thức, là kỹ năng. Hãy "xóa đói giảm nghèo" ở tầm quốc gia, với những chính sách thật sự đầu tư vào con người, tạo ra những người Việt trước hết phải có phẩm chất từ thuở nhỏ.
Ví dụ, thay vì làm ruộng, người nông dân có thể làm dịch vụ xay xát chẳng hạn. Hiện nay, đội ngũ những người nông dân làm dịch vụ cày đất, gặt hái, xay xát... là rất đông đảo. Còn các ngành phụ trợ cho nông nghiệp của trang trại cũng là một nguồn công việc rất lớn cho người nông dân. Hay các ngành dịch vụ, du lịch gắn với văn hóa của làng quê cũng vậy.
Làng cổ có thể là 1 tài sản lớn, 1 sự khác biệt rất văn hóa để khai thác, nhưng tiếc thay, hình như chúng ta không giữ gìn được.
Tất nhiên, vẫn có 1 bộ phận rất lớn cư dân nông thôn sẽ di cư ra thành phố. Với lực lượng này, nếu chỉ làm công nhân trong các xí nghiệp thì cũng khó khá lên được. Vấn đề xóa nghèo nhiều khi phải giải quyết qua nhiều thế hệ. Những người công nhân phải được có điều kiện để đầu tư vào giáo dục, y tế cho con cái họ. Theo tôi, Nhà nước nên quan tâm tới những dịch công cơ bản cho những đối tượng này.
- Như vậy, phải quan tâm hơn đến những người ly hương từ nông thôn ra thành phố?
- Đúng là như vậy. Những người nông thôn nhập cư lên thành phố là xu thế rất bình thường. Họ chính  là những người năng động hơn trong số nông dân. Họ lên thành phố ban đầu có khi chỉ để kiếm thêm mấy đồng, rồi ngày càng ít về lại quê. Họ không trở lại quê nữa thì họ trở thành dân thành thị. Mà như vậy, thì phải tính đến họ khi quy hoạch đô thị.
Cuộc cạnh tranh trên thế giới hiện nay suy cho cùng là cạnh tranh về tri thức, kỹ năng của người Việt so với các tộc người khác trên thế giới.
Chữ tín làm nên phẩm giá và thành công
- Cạnh tranh giữa người Việt và người của các quốc gia khác, liệu chúng ta có... cơ may thành công không?
- Hãy đặt câu hỏi thế này: Để cạnh tranh và vươn lên giàu có, người Việt có đủ những phẩm chất cần thiết không?
Người Việt có luôn sáng tạo, luôn đổi mới, luôn coi trọng chất lượng và hiệu quả không? Những cái đó thuộc về phẩm chất, và là những phẩm chất cần có để thành công.
Chỉ làm 1 công việc rất đơn giản là đan sọt thôi, nhưng chúng ta có liên tục nghĩ phải đan thế nào để sọt tốt hơn? hay làm sao để giá rẻ hơn, rồi sử dụng bền hơn,... không? Hay có thể thêm tính năng gì cho cùng 1 cái sọt? Hay ta thấy hàng xóm đan sọt thì ta cũng đan sọt giống hệt như thế? Anh dừng 1 chút là anh bắt đầu thụt lùi, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Tiếp theo nữa mới đến phẩm chất tạo nền tảng để các nguồn thế giới đổ vào, là người Việt có trung thực, có giữ chữ tín không? Không bao giờ thỏa hiệp về các can kết, đã thỏa thuận thì chết cũng giữ chữ tín không? Chính phẩm giá của người Nhật đã tạo thương hiệu lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.
Phẩm chất không thể thiếu để 1 dân tộc giàu có là khả năng hợp tác với nhau, bởi không ai giỏi tất cả mọi việc.
Tôi nghĩ, trước hết phải có những phẩm chất nền tảng để đất nước có thể giàu có, sau đó mới là kiến thức, là kỹ năng. Hãy "xóa đói giảm nghèo" ở tầm quốc gia, với những chính sách thật sự đầu tư vào con người, tạo ra những người Việt trước hết phải có phẩm chất từ thuở nhỏ.
Chính họ sẽ "gánh vác" sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu khi đứa trẻ ngã mà bố mẹ lại đánh xuống đất thì chúng ta chỉ dạy đứa trẻ thói quen đổ lỗi. Nếu giáo dục chỉ quan tâm đến sự vâng lời và sự học thuộc, khả năng sáng tạo và đổi mới sẽ rất hạn chế.
Nhìn từ kinh nghiệm của thế giới, cứ nước nào giàu tài nguyên thì nước đó lại thường nghèo, có lẽ vì... người dân nước đó đã ỷ lại, đã không phát triển được những phẩm chất và kỹ năng cần thiết của nguồn nhân lực. Thế nhưng, mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đều chỉ là hữu hạn, chỉ có phẩm chất, kỹ năng, tri thức của con người là vô hạn mà thôi.

Công bố 'Sách Trắng' thương mại
(19/8), một cuốn “Sách Trắng” tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề tại Việt Nam đã được công bố tại Hà Nội. 
Cuốn sách tóm tắt các vấn đề chính ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam như thuế, xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, cơ sở hạ tầng và ban hành văn bản pháp luật…
Ký quỹ cam kết xử lý môi trường
Theo ông Phan Đức Hiếu (Phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM), một trong các vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là chuyện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trạm xử lý ô nhiễm môi trường chỉ vận hành khi đoàn kiểm tra đến. Ảnh minh họa: Lê Nhung
Như kiến nghị của doanh nghiệp, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được thực hiện gần 20 năm nay. Nhưng quá trình triển khai thực tế lại nảy sinh nhiều bất cập như thủ tục rườm rà, tốn kém. Lập ĐTM vẫn bị xem như một thủ tục mang nặng tính hình thức nhằm hợp lý hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án.  Chủ đầu tư chỉ xem việc lập ĐTM như một thủ tục trong quy trình xét duyệt dự án. Ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. 
Tình trạng phổ biến là ĐTM được xây dựng từ một vài thủ thuật cắt dán từ những tài liệu sẵn có, từ những báo cáo trước đó, chỉnh sửa rồi nộp. Số liệu sử dụng để phân tích tác động môi trường thì sao chép, vay mượn từ những nguồn nào đó không chính thức. Giải pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm thì chung chung.
Cơ quan quản lý thì không đủ nhân lực, thiết bị cũng như chưa đủ quyền để cưỡng chế thực hiện các yêu cầu trong ĐTM.
Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, chỉ những dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường và tài nguyên (dự án quy hoạch, dự án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy thủy điện, điện hạt nhân…) mới phải thực hiện ĐTM. Còn với các dự án cụ thể khác, nên áp dụng phương pháp ký quỹ cam kết xử lý ô nhiễm môi trường.
Sửa tình trạng nghị định chết nhưng thông tư còn sống
Liên quan đến vấn đề thuế, ông Phan Đức Hiếu cũng cho biết, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Đó là, cho phép doanh nghiệp tự thiết kế thêm các mẫu chứng từ thay thế hóa đơn phục vụ cho hoạt động doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định hóa đơn điện tử để làm tiền đề cho các doanh nghiệp đầu tư vào hình thức thanh toán đang phổ biến này.
Về vấn đề chất lượng văn bản pháp luật, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, các văn bản cần phải chi tiết và cụ thể hơn nữa. Đặc biệt, khi sửa luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần ghi rõ tên các văn bản, hoặc điều khoản đã hết hiệu lực.
Ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng, hai năm trước, một doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã đâm đơn kiện Bộ Công thương với lý do nghị định đã chết (hết hiệu lực) nhưng thông tư quy định lại vẫn còn sống, vẫn được áp dụng.
Thống kê trên một websit uy tín về luật, ông Hiếu cho hay, có tới 11.240 văn bản chưa xác định được là còn hay hết hiệu lực. Theo ông, đây là một vấn đề tương đối nghiêm trọng vì gần như các doanh nghiệp không thể biết được văn bản nào đang còn hay đã hết hiệu lực.
Vậy là trong khi chờ văn bản hướng dẫn thi hành mới cho một văn bản luật hoặc nghị định, doanh nghiệp sẽ buộc phải sử dụng những hướng dẫn của những nghị định hoặc thông tư cũ, mặc dù theo quy định của luật hoặc nghị định mới, những văn bản hướng dẫn này đã hết hiệu lực.
Tất cả những kiến nghị nói trên của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng là tạo ra được một kênh đối thoại với Chính phủ.
Hoạt động trên thuộc tiểu dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án hỗ trợ thương mại đa biên EU - Việt Nam giai đoạn III (MUTRAP III). 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?