Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

TQ đầu tư ở châu Phi: Bài học thức tỉnh Việt Nam

Tác giả: Phạm Văn Hội- Để tránh (hoặc giảm thiểu) những tác động không thuận từ dòng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc, Việt Nam cần cần tăng cường tái cấu trúc hệ thống quản lý, chính sách đầu tư nước ngoài, cơ chế giám sát cùng với việc đẩy mạnh thông tin nhằm thực thi các chính sách này hiệu quả.

Tác giả lược dịch dựa theo bài viết China's ascent and Africa's environment" của GS. Arthur Mol, Đại học Wageningen, Hà Lan. Bài đăng trên Tạp chí Global Environmental Change 21 (2011): 785-794.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, biên giới giữa các quốc gia (về mặt đầu tư và thương mại) dần trở lên mờ nhạt hơn (thông qua các Hiệp ước thương mại song phương, khu vực, và đa phương... ), bởi vậy, chúng ta không thể cô lập mình trong dòng hàng hóa, dòng đầu tư, và tư tưởng thương mại tự do toàn cầu.
Đón nhận các đầu tư nước ngoài (với nội hàm chính là lợi nhuận), buộc chúng ta phải tự thay đổi cấu trúc (restructure) và cách tiếp cận trên cơ sở phúc lợi lâu dài của nhân dân để đảm bảo rằng các đầu tư này không làm tổn hại đến lợi ích và tài nguyên Việt Nam.
FDI Trung Quốc ở châu Phi
Ở mọi thời điểm, các nền kinh tế tư bản mới nổi đều phải dựa vào tài nguyên khai thác từ các quốc gia khác để phục vụ nhu cầu tăng trưởng kinh tế của mình, ví dụ: Hà Lan thế kỷ XVII, Anh thế kỷ XIX, Mỹ và Nhật thế kỷ XX, và hiện là Trung Quốc. Tuy nhiên, các vấn đề suy thoái tài nguyên và môi trường đã trở nên trầm trọng vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX. Các vấn đề này ngày càng được các tổ chức quốc tế, chính phủ các quốc gia, và công cộng quan tâm.
Trung Quốc là nước đi sau, bởi vậy chịu sức ép và chỉ trích nhiều nhất đối với các vấn đề suy thoái tài nguyên và môi trường ở các nước nhận FDI đầu tư của mình.
Nhiều học giả (Ciccantell và Bunker, 2004; Ciccantell, 2009) đã rút ra các kết luận về sự "tương đồng" giữa cuộc đua (có tính phá hủy) để thâu tóm tài nguyên của Nhật Bản ở Đông Nam Á và chiến lược khai thác tài nguyên cũng như gây ô nhiễm của Trung Quốc ở nhiều quốc gia châu Phi.
Trung Quốc đang đẩy mạnh vào thị trường châu lục đen.
Nhưng, một số học giả thuộc Trường phái Hệ thống Thế giới (World System Theory) cho rằng, việc khai thác tài nguyên kiểu "xã hội thị trường" (market society) của Trung Quốc có những khác biệt so với các nền kinh tế tư bản đi trước, đó là ít gây suy thoái tài nguyên môi trường hơn (Arrighi, 2007; Chase-Dunn, 2008). Điều này là do Trung Quốc về bản chất chưa phải là tư bản (capitalist), bởi vậy, đầu tư FDI không (hoặc ít) đi theo mô hình "trao đổi bất công bằng về môi trường" (environmentally unequal exchange), do đó ít gây hậu quả phá hủy môi trường hơn.
Để phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng nóng, trong điều kiện rủi ro tăng nếu chỉ lệ thuộc vào thị trường (tài nguyên) toàn cầu, Trung Quốc đã đưa ra chính sách zou chuqu (ra ngoài, đi khắp mọi nơi) vào năm 2001, để hướng dẫn và khích lệ các công ty và hệ thống nhà bank Trung Quốc tham gia vào việc khai thác tài nguyên và phát triển cơ sở hạ tầng ngoài nước, nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho nước mẹ Trung Hoa.
Việc kiếm tìm và khai thác tài nguyên mới đây của Trung Quốc không chỉ tập trung ở châu Phi, song những tranh cãi lại chủ yếu tập trung vào FDI Trung Quốc khi đầu tư ở khu vực kém phát triển này. Trong khi nhiều nước châu Âu có xu hướng coi châu Phi là gánh nặng phát triển (development burden), Trung Quốc lại tìm thấy ở đây các cơ hội thương mại và tài nguyên cần thiết cho sự phát triển của mình.
Năm 2008, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi là 107 tỷ USD. Trung Quốc nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và các loại quặng từ châu Phi. Ví dụ, riêng năm 2006, 62% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc có nguồn gốc từ các nước tiểu vùng Saharan (như Angola, Sudan, Congo DR, Guinea, và Nigeria). Ngược lại, châu Phi nhập từ Trung Quốc các hàng hóa tiêu dùng và máy móc (thường là với chất lượng thấp).
Sự khác biệt lớn nhất giữa FDI Trung Quốc và FDI các quốc gia phát triển khác (như Mỹ, Nhật, châu Âu) là điều kiện tiếp nhận FDI Trung Quốc dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia nhận FDI, đặc biệt liên quan đến tính minh bạch, quyền con người, và phát triển bền vững (như đòi hỏi của các quốc gia phát triển khác). FDI Trung Quốc, bởi vậy được "chào đón" ở các nước châu Phi.
Thách thức và những thay đổi
Các chỉ trích về hậu quả môi trường đối với các đầu tư FDI Trung Quốc ở châu Phi ngày càng dữ dội, đặc biệt đến từ chính phủ và các công ty châu Âu, các tổ chức quốc tế. Các chỉ trích này cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đã làm tổn hại đến mong muốn trở thành siêu cường và những cố gắng cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên bình diện thế giới.
Quốc gia đang khát nguyên liệu này cũng thuê đất trồng khoai ở VN và thu gom nhiều nông sản (ảnh Tuổi Trẻ)
Một số dự án khai thác tài nguyên của Trung Quốc đã buộc phải dừng lại khi các chứng cứ về ô nhiễm môi trường được công khai.
Ví dụ, vào năm 2006, các nhóm bảo tồn đã buộc Sinopec, một trong 3 công ty dầu khí lớn nhất của Trung Quốc, dừng thăm dò dầu khí ở khu Bảo tồn quốc gia Loango (Gabon). Cũng vào năm 2006, chính quyền Zambia đã đóng cửa công ty khai thác than của Trung Quốc ở Sinazongwe vì lý do điều kiện làm việc tồi tệ, không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Vào tháng 5/2007, chính phủ Zambia cũng đóng cửa mỏ khai thác mangan của Tập đoàn Chiman (Trung Quốc) ở Kabwe, do phát thải quá mức và không áp dụng các biện pháp giảm thải.
Chính phủ Trung Quốc và các tập đoàn tài chính, dưới sức ép quốc tế, cũng như sức ép từ chính các quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư của nước này, đã không thể tảng lờ hoặc phủ nhận các chỉ trích về ô nhiễm môi trường liên quan. Bởi vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp tự nguyện hoặc tự điều chỉnh (self-regulation) để tránh bị quy kết là lợi dụng tình trạng quản lý môi trường yếu kém ở các quốc gia tiếp nhận FDI Trung Quốc.
Ví dụ, Ủy ban Hành chính và Giám sát Tài sản Trung Quốc (SASAC - tương đương cấp bộ) đã phê chuẩn Hướng dẫn CSR (Cooperate Social Responsibilities, có thể hiểu là đầu tư bền vững - bao gồm những quan tâm đến phúc lợi môi trường, dân cư bản xứ, điều kiện làm việc ..v..v.) áp dụng cho hơn 150 doanh nghiệp/tập đoàn đầu tư quốc tế của Trung Quốc, bao gồm cả 3 tập đoàn dầu khí (CNPC, Sinopec, và CNOOC) vào năm 2008. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng ngày càng thiện chí hơn trong hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm cải thiện hệ thống hành chính, tính minh bạch và phát triển cũng như khai thác tài nguyên bền vững.
Trong khoảng 10 năm gần đây, Trung Quốc ngày càng chú trọng đến bảo vệ môi trường. Trong Chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc, 3 chiến lược bảo vệ môi trường bao gồm: (1) giảm sử dụng tài nguyên, năng lượng và khí thải thông qua tăng hiệu quả (công nghệ); (2) chuyển dần sang sử dụng tài nguyên tái tạo để hạn chế ô nhiễm; (3) tái chế và tái sử dụng các nguyên liệu. Kế hoạch đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và các hạ tầng môi trường đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc (2006-2010) và lần thứ 12 (2011-2015).
Với những cố gắng và kế hoạch cụ thể này, trong những năm qua, Trung Quốc đã có những cải thiện rất lớn về phát thải và môi trường. Mức năng lượng sử dụng/đơn vị GDP tạo ra đã giảm tương đương với mức của Mỹ (tất nhiên vẫn còn cao hơn nhiều so với châu Âu). Mặc dù nhiên liệu địa khai vẫn là nguồn năng lượng chính cho việc vận hành "hệ thống công xưởng" Trung Quốc, trong những năm qua Trung Quốc đã khai thác và phát triển rất mạnh các nguồn tài nguyên tái tạo để thay thế: điện gió, mặt trời, và nhiên liệu sinh học. Trung Quốc cũng đã cam kết cắt giảm 40-45% lượng CO2 phát thải trong giai đoạn từ 2005 đến 2020.
Bài học cho Việt Nam
Là một nền kinh tế mới nổi, tất nhiên "tiêu chuẩn môi trường", "CSR", "tính minh bạch"..v..v. của Trung Quốc còn một khoảng dài mới có thể bắt kịp được các nền kinh tế tư bản đi trước mình (ví dụ: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu). Việt Nam không thể là ngoại lệ trong chiến lược zou chuqu của Trung Quốc. Tư tưởng "rào dậu" hoặc "chăng dây" không thể áp dụng cho Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu, đặc biệt khi chúng ta đã gia nhập WTO, và với chiến lược ngoại giao "là bạn với tất cả các nước."
Khác với các quốc gia tư bản đi trước, Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức và rủi do hơn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong thời đại thông tin như hiện nay. Bởi vậy, trong chiến lược mưu cầu lợi ích lâu dài, chính phủ Trung Quốc không thể hành xử độc lập và không có trách nhiệm trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế cũng như từ chính các quốc gia nhận FDI Trung Quốc. Tương tự, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng buộc phải quan tâm đến việc xây dựng "thương hiệu" thông qua các ứng xử có trách nhiệm hơn.
Bài học quá khứ "Vedan - Thị Vải" chắc chắn đã không thể (hoặc không tới mức nghiêm trọng) như đã xảy ra nếu chính quyền địa phương không lơ là như thế, hoặc nếu Việt Nam áp dụng hệ thống thông tin tự do hơn. Khi đó Vedan sẽ phải đối mặt với sức ép của người dân Việt Nam cũng như công luận, và các nhóm hoạt động môi trường trong nước và quốc tế. Thông tin đã thực hiện vai trò quan trọng trong các ví dụ bảo vệ môi trường của Zambia như đề cập ở trên.
Ví dụ này cũng cho thấy rằng, trước khi đòi hỏi các nhà đầu tư Trung Quốc (và các quốc tịch khác) có trách nhiệm với môi trường và phúc lợi cho người dân Việt Nam hơn, chính quyền các cấp của Việt Nam phải đảm bảo thực hiện điều đó trước nhất. Tương tự, vụ rắc rối của ABN-ARMO (Hà Lan) có lẽ đã không xảy ra như thế nếu chính sách tài chính ngân hàng của Việt Nam đầy đủ và chặt chẽ hơn (Bill Hayton, 2010).
Việt Nam, bởi vậy, buộc phải tăng cường tái cấu trúc hệ thống quản lý, cải cách chính sách (bảo vệ môi trường) nội địa, chính sách đầu tư nước ngoài, cơ chế giám sát, cùng với việc đẩy mạnh tự do thông tin nhằm thực thi các chính sách này hiệu quả. Chỉ khi đó, chúng ta mới tránh được (hoặc giảm thiểu) những "trao đổi bất công bằng về môi trường" trong dòng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc (cũng như các quốc gia khác) vào Việt Nam. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?