Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Khóc ròng vì sự 'điên cuồng' của giá vàng

- Giá vàng tăng chóng mặt kéo theo biết bao chuyện hệ lụy. Người thì trúng mánh một bước lên tiên, kẻ lại thê thảm, mếu máo, tan nát cửa nhà vì vỡ nợ.

Giá vàng lên, giá đất vẫn thế

Anh Nguyễn Văn Nhiên, 36 tuổi, quê Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp đã được 10 năm nay.

Anh Nhiên làm nhân viên văn phòng tại quận Tân Bình nên thu nhập vài triệu đồng/tháng chỉ vừa đủ ăn.

Năm 32 tuổi, anh Nhiên kết hôn và sinh được một bé trai vô cùng kháu khỉnh. Ngặt một nỗi vợ anh Nhiên cũng chỉ làm nhân viên bán hàng nên mấy năm trời mà hai vợ chồng con cái nhà anh vẫn phải sống cảnh nhà thuê cửa mướn chật chội, chui lủi.

Cuối năm 2009, anh Nhiên được bạn bè giới thiệu cho miếng đất ở quận 12 với diện tích 4 x10 với giá 250 triệu đồng thì mừng lắm. Bụng anh thầm nghĩ: “Thôi chịu khó ở xa thế mà rẻ thì cũng ráng chạy vạy mua để an cư lạc nghiệp”.

Lãnh đạo của anh Nhiên thấy hoàn cảnh của nhân viên như vậy nảy sinh đồng cảm, bằng lòng cho vay 7 cây vàng (thời điểm đó vàng khoảng 25 triệu đồng/cây).

Có người tốt bụng cho vay không lấy lãi anh Nhiên mừng chưa hết, nói gì đến chuyện đắn đo suy tính.

Anh đợi cho đến khi đất làm xong sổ đỏ mới đem vàng đi bán được 29 triệu đồng/lượng. Thấy bán vàng được giá vợ chồng anh mừng rơn, chỉ phải bù thêm có hơn 40 triệu là đủ tiền để mua mảnh đất.

Từ đó đến nay, vợ chồng anh Nhiên tằn tiện lắm nhưng vẫn chưa trả được cho sếp chỉ vàng nào. Mỗi lần thấy giá vàng trồi sụt cả nhà anh lại đứng ngồi không yên.
 

Giá vàng tăng mạnh làm khối người điêu đứng. Ảnh: Thanh Huyền.
Đến hôm 8/8, giá vàng tăng lên tới hơn 44 triệu đồng/lượng làm anh Nhiên suýt té xỉu. Anh bỏ việc cơ quan, về nhà nằm bẹp.

Bạn bè tưởng anh Nhiên bị ốm nên đến thăm, nghe anh tâm sự mới vỡ lẽ, ái ngại cho cặp vợ chồng trẻ: “Mỗi một cây vàng tôi bị lỗ 15 triệu. Như vậy 7 cây vàng tôi bị lỗ tới 105 triệu. Miếng đất tôi mua nằm ở nơi khỉ ho cò gáy, 2 năm rồi mà giá cũng vẫn là 250 triệu. Thế thì tôi chết rồi các anh ơi, làm sao dám đi làm nữa, gặp sếp tôi biết nói gì, sao mua nổi vàng mà trả cho ông ấy đây!”.

Khóc vì vàng

Anh Nhiên không phải trường hợp duy nhất điêu đứng vì vàng tăng giá. Trường hợp của chị Thủy, 40 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM đúng là cười ra nước mắt.

Số là chị Thủy vừa ly dị với chồng, chia tài sản được 30 cây vàng. Vừa cầm vàng trong tay chị vội vàng chạy ra tiệm bán hết với giá 39 triệu đồng/cây.

Tưởng bán được giá, chị Thủy hớn hở về khoe với bạn bè, bố mẹ đẻ. Nào ngờ đâu tiền cầm còn chưa nóng tay vàng đã vọt lên hơn 44 triệu đồng/cây làm chị điếng người.

Chị Thủy khóc tu tu: “Ôi giời ơi, tôi ngu quá, cứ cầm vàng đó có chết đâu, vậy mà lại nhanh nhảu đem đi bán hết. Nguyên cả tuổi thanh xuân hầu hạ chồng, nhà chồng, bị chồng đánh đập như trâu như chó, mãi đến lúc về già, ly hôn tưởng có tí vốn mà lại ngu. Chỉ trong vòng có mấy ngày mà mất hết 150 triệu. Không nghề ngỗng, tôi biết làm gì mà ra cho nổi 150 triệu hả trời!”.

Chẳng nhiều nhặn như trường hợp của anh Nhiên, chị Thủy nhưng câu chuyện vay 10 triệu đồng mà cả đời không trả hết của bà Phạm Thị Bình, 70 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai khiến không ít người ái ngại.

Cảnh mẹ góa, con côi khó khăn. Hồi bà Bình mới ngoài 50 tuổi đã đi vay 2 cây vàng của bà bạn thân để làm đám cưới cho cậu con trai. Thời điểm đó một cây vàng có giá trị 5 triệu đồng.

Tuổi già sức yếu, bà Bình chỉ sống bằng đồng lương hưu ít ỏi, gia cảnh cậu con trai lại nghèo khổ, đông con nên suốt bao năm qua ki ca ki cóp bà cũng chỉ trả nổi cho bạn có 5 chỉ vàng.

Vài năm nay vàng tăng giá nhanh quá, bà dường như bó tay trước khoản nợ năm nào.

2 cây vàng hồi đó chỉ bán được có 10 triệu, mười mấy năm còm cõi, bà Bình đã trả hơn rất nhiều lần con số 10 triệu mà mãi chưa hết nợ.

Khi nhẩm tính số tiền còn phải trả lên tới gần 60 triệu nữa thì bà rơm rớm nước mắt, chẳng biết sẽ phải làm gì nữa.



Nỗi đau mang tên vàng

Quyết định nhập khẩu là liều thuốc an thần giúp hạ nhiệt thị trường vàng đang trong cơn hoảng loạn. Nhưng liều thuốc đó quả khó nuốt bởi Việt Nam sẽ phải chịu lỗ hàng chục triệu đôla để nhập lại số vàng đã bị ồ ạt xuất đi dưới dạng trang sức trá hình mấy tháng trước.

Nhiều người không biết gì về vàng cũng bị cuốn vào cơn loạn giá ngày 8 và 9/8.
Nhiều người không biết gì về vàng cũng bị cuốn vào cơn loạn giá ngày 8 và 9/8. Ảnh: Hoàng Hà
Cơn "điên" đẩy giá vàng tăng gần 5 triệu đồng một lượng sau hai ngày qua gần như lặp lại kịch bản của tháng 11/2009tháng 10/2010. Từ chỗ nhích dần, nhích dần theo thế giới, giá vàng miếng SJC - thương hiệu đang chiếm hơn 90% thị phần trong nước, bỗng chốc tăng với biên độ hàng triệu đồng trong một ngày và chỉ kết thúc khi có tuyên bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép nhập vàng để tăng nguồn cung.
Có một điểm khác quan trọng, đó là đất nước và con người Việt Nam, vốn đang oằn mình với những khó khăn nội tại của nền kinh tế, lại phải gánh chịu thua thiệt nhiều hơn bởi cái thứ chỉ để cất giấu của nả chứ không thể đẽo ra mà ăn hàng ngày.
Diễn biến thế giới là nguyên nhân đầu tiên châm ngòi cho đợt sốt giá vàng trong nước. Khi có thông tin đầu tiên về việc Mỹ có nguy cơ vỡ nợ được phát đi vào tuần đầu tháng tư, giá vàng thế giới vẫn quanh quẩn dưới 1.480 USD một ounce, và vàng SJC của Việt Nam mới ngấp nghé mốc 37 triệu đồng một lượng. Phải mất hơn một tháng, giá vàng thế giới mới lên 1.540 USD một ounce, và vàng SJC vượt qua 38 triệu đồng.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu tháng 4, khi Chính phủ Mỹ đề xuất nâng giới hạn nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu tháng 4, khi Chính phủ Mỹ đề xuất nâng giới hạn nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.
Thị trường vẫn đủng đỉnh nhích từng bước cho tới giữa tháng 7, khi mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ về kế hoạch nâng giới hạn nợ nần trở nên tồi tệ hơn trước hạn chót vỡ nợ. Khi các nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sốt sắng phô diễn quan điểm chính trị của mình cũng là lúc giá vàng thế giới tăng mạnh và dồn dập hơn trước. Mốc cản 1.600 USD một ounce dễ dàng bị vượt qua trong ngày 18/7, còn tại Việt Nam, giá vàng SJC bắt đầu cản mốc 40 triệu đồng vào ngày 27/7, 3 ngày trước phiên bỏ phiếu mang tính lịch sử tại Quốc hội Mỹ để nâng giới hạn nợ công.
Tổng thống Barack Obama cuối cùng cũng giành được sự đồng thuận của hai đảng và Hạ viện chính thức thông qua dự luật nâng giới hạn nợ công hôm 1/8, cho phép Chính phủ Mỹ vay mượn thêm 2.400 tỷ USD so với giới hạn cũ là 14.300 tỷ USD.
Tuy nhiên, vào đúng ngày ông Obama ký duyệt đạo luật, giá vàng thế giới không nhưng không đi xuống mà còn tăng tốc mạnh mẽ hơn, cho thấy mối lo của giới đầu tư không chỉ là câu chuyện nâng giới hạn nợ, mà là sự bất ổn của kinh tế lớn nhất thế giới. Trong ngày 2/8, giá vàng thế giới vượt 1.650 USD một ounce. Còn tại Việt Nam ngày 3/8, giá vàng SJC tăng gần 1 triệu đồng lên 41 triệu đồng một lượng và bắt đầu bỏ xa giá thế giới sau nhiều tháng rẻ hơn.
Việc hãng xếp hạng Standard & Poor's tước điểm ưu AAA của Mỹ vào ngày cuối tuần trước đã giáng thêm một đòn vào tâm lý đã quá bi quan của giới đầu tư, và sớm vẽ ra cảnh hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu đầu tuần này. Sau hai ngày đầu tuần, hàng nghìn tỷ đôla đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số rớt điểm hàng loạt. Giới đầu tư ồ ạt chọn vàng là nơi chạy trốn "siêu bão" tài chính, khiến giá vàng thế giới chỉ sau 2 ngày đã tăng hơn 130 USD, chạm kỷ lục gần 1.780 USD trong ngày 9/8.
Giới chuyên gia nhìn nhận, giá vàng thế giới thời gian qua tăng nóng ngoài mối lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ cũng như khủng hoảng nợ công châu Âu, còn có bàn tay thao túng của các quỹ đầu tư. Đặt cược vào khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu chưa thể giải quyết và kinh tế Mỹ sẽ còn nhiều rối ren trước kỳ bầu cử tháng 11 năm sau, nhiều tháng qua, các quỹ đầu tư đã tháo chạy khỏi đồng đôla Mỹ và euro để tìm đến những đồng tiền được cho là an toàn hơn như đôla Australia, real Brazil hay yen Nhật. Và đến khi Australia, Brazil hay Nhật Bản không đủ sức hấp thu hết, dòng vốn nóng này đổ dồn vào vàng với động thái ào ạt đánh lên của giới đầu cơ.
Tuy nhiên, những vấn đề nội tại nền kinh tế Việt Nam mới là tác nhân quan trọng nhất khiến giá vàng trong nước lên cơn điên loạn hai ngày qua.
Diễn biến giá vàng SJC.
Từ tháng 4 đến 9/8, giá vàng SJC đã tăng gần 10 triệu đồng một lượng.
Đóng cửa tuần trước, vàng SJC mới giao dịch ở 41,7-41,8 triệu đồng một lượng nhưng chỉ sau một tiếng đầu ngày 8/8, giá đã vọt qua mốc 44 triệu đồng. Nếu như sáng 8/8, chỉ có người Hà Nội đội mưa đi mua vàng thì đến sáng hôm sau, cơn hoảng loạn đã lan tới TP HCM. Và ngay cả khi vàng lên 46,3 triệu đồng một lượng, đắt hơn thế giới gần 2 triệu đồng, người ta vẫn bảo nhau rút tiền tiết kiệm để mua vàng.
Các doanh nghiệp có uy tín và ngay cả Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định các thế lực đầu cơ đã thao túng đẩy giá lên cao như vậy. Tranh thủ tâm lý kỳ vọng giá còn lên cao nữa của số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ, giới đầu cơ đã dùng kỹ thuật bẫy giá để kích thích nhu cầu mua gom, đồng thời tạo dư địa lợi nhuận khổng lồ khi nhập vàng theo đường tiểu ngạch.
Thế lực đầu cơ được dịp hoành hành hai ngày qua còn do nguyên nhân sâu xa đó là những bất cập trong cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng. Trong khi nhập khẩu bị hạn chế bởi cơ chế hạn ngạch khắt khe một năm cấp đôi lần thì cửa xuất khẩu lại gần như bỏ ngỏ. Về mặt hình thức, vàng nguyên liệu bị cấm xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể xuất nữ trang trá hình và hưởng thuế suất 0%.
Thành tích xuất khẩu 30 tấn vàng để thu về hơn 1,2 tỷ USD trong gần 7 tháng đầu năm và giúp làm đẹp cán cân thương mại, giờ đây không chỉ khiến thị trường khan hiếm nguồn cung, mà còn có thể làm thất thoát hàng chục triệu đôla khi Nhà nước phải cho nhập khẩu trở lại để bình ổn thị trường.
Theo tính toán của ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, với 5 tấn vàng cho phép nhập đợt đầu, khoản lỗ này đã là 20 triệu đôla. Và để nhập lại toàn bộ 30 tấn vàng đã xuất đi, thiệt hại lớn hơn thế 6 lần.
Trong canh bạc này, giành phần thắng lớn nhất chính là những tổ chức quốc tế đã âm thầm thu gom nữ trang chất lượng cao của Việt Nam để giờ đây đang nấu lại thành vàng nguyên liệu bán cho các nước.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam cũng được lợi một phần, nhưng họ chua chát thừa nhận chỉ được lãi vài chục nghìn đồng để rồi tự biến mình thành công cụ thu gom cho các đầu mối xuất khẩu.
Số ít người dân cũng được lợi khi mua vàng giá thấp rồi đón được sóng để bán với giá cao. Nhưng cũng có nhiều người không am hiểu thị trường, đầu tư theo đám đông để rồi trở thành nạn nhân của việc mua đắt bán rẻ.
Các tổ chức, cá nhân từng vay mượn bằng vàng giờ phải đau đớn cắt lỗ ở giá cao là những người đầu tiên chịu thiệt thòi.
Nhưng chịu thiệt lớn nhất chính là Nhà nước. Hàng chục triệu đôla thua thiệt vì xuất vàng giá rẻ rồi nhập vàng giá cao chỉ là một phần trong sự mất mát đó.
Những ngày tới đây, nếu giá vẫn còn căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức cấp quota nhập khẩu cho doanh nghiệp. Và trong hàng tấn vàng nhập về này, có thể có cả những chiếc kiềng cổ, những con trâu mỹ nghệ mà họ đã xuất đi trong 7 tháng vừa qua.

Những người 'đánh đu' với vàng

Giữa lúc giá leo mức kỷ lục, 46,3 triệu đồng một lượng vẫn có người rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng ra để mua vàng mà không nghĩ tới nguy cơ giá xuống bất cứ lúc nào.

Sự hỗn loạn của giá vàng đã khiến người dân Hà Nội thêm một ngày đứng ngồi không yên. Giá phi mã hơn 2 triệu đồng trong vòng chưa đầy 4 tiếng đồng hồ, đã khiến nhiều người dân bắt đầu xao động và quyết định mua vàng. Thậm chí nhiều người còn đến ngân hàng rút tiền về để đánh cược vào thị trường kim loại quý. Một số ôm nguyên bọc tiền đựng bằng túi của ngân hàng vừa rút từ nhà băng đến thẳng nơi mua vàng.
Chị Thùy ở Tây Sơn, Hà Nội là nhân viên văn phòng công ty viễn thông ở Hà Nội. Lâu nay, bất chấp thị trường vàng, đôla hay chứng khoán diễn biến thế nào, chị vẫn đứng ngoài cuộc. Tất cả các khoản thu nhập đều được chị quy đổi ra sổ tiết kiệm rồi gửi vào ngân hàng.
Khi giá vàng lập đỉnh 46,3 triệu đồng một lượng, đầu giờ sáng nay vẫn có người tung hàng trăm triệu đồng ra mua. Ảnh: Lan Anh.
Vậy mà mấy ngày qua, thị trường vàng láo loạn, anh em trong công ty bàn tán xôn xao, có người xin phép nghỉ buổi sáng để ra sàn vàng lướt sóng, chị cũng sốt ruột đứng ngồi không yên. Thế là, sáng qua, ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng đến ngày đáo hạn, chị vội rút ra đặt cược vào sàn vàng để lướt sóng. Tuy nhiên, 3,2 cây vàng của chị bị cho là quá ít ỏi nên dù cố gắng, chị cũng không chen nổi vào dòng người đông đúc trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Sáng nay, chị xếp hàng ở tiệm vàng sớm để bán, lãi gần 7 triệu đồng. Say đà, chị ra ngân hàng rút trước hạn sổ tiết kiệm còn lại 50 triệu đồng, cộng với số tiền hiện có và quy tiếp ra vàng để lướt sóng. Thế nhưng, đầu giờ chiều, vận may không còn mỉm cười với chị nữa khi giá vàng bất ngờ giảm từ ngưỡng 46,3 lúc 12h trưa (thời điểm chị mua) xuống còn 45,1 triệu đồng. "Nhiều người dự đoán giá có thể giảm sâu, tôi không dám mạo hiểm nên vội bán, chấp nhận hòa vốn. Không thể 'đánh đu' với vàng, tôi lại mang tiền về gửi tiết kiệm", chị Thùy nói.
Chia sẻ với VnExpress trước quầy giao dịch Ngân hàng Vietcombank lúc 3h chiều, chị Thùy cho rằng: "Với những người làm công ăn lương, vốn hẻo, có lẽ gửi tiết kiệm là cách an toàn nhất. Không có kinh nghiệm đúng là 'không thể đánh đu với vàng'".
Nhân viên giao dịch ngân hàng ở đây cũng cho biết trong sáng nay, một số khách hàng đến rút tiền tiết kiệm thay vì đáo hạn chuyển sang kỳ hạn mới. Có khoản tiền trị giá tầm 20 triệu đồng cũng được khách rút ra. "Khi được hỏi, họ chỉ tiết lộ là đem tiền để thử vận may với vàng", nhân viên này cho biết.
Tại phố Lê Ngọc Hân, Hà Nội, một người đàn ông khoảng 50 tuổi cũng cầm bọc tiền đến để mua hơn 10 cây vàng. Ông kể, số tiền này vừa được rút trước hạn, chấp nhận bị nộp phạt 2 triệu đồng. Thế nhưng, vừa ôm số vàng ra khỏi tiệm, ông đã lỗ khoảng 10 triệu đồng.
Những vị khách đang đứng chờ đến lượt để mua vàng, dù rằng tại thời điểm này, giá đã lên mức cap nhất. Ảnh: Lan Anh.
10h30, tuyến phố nổi tiếng với nhiều điểm kinh doanh vàng ở Hà Nội là phố Trần Nhân Tông rơi vào cảnh ùn tắc. Các phương tiện chen nhau, còi xe bấm inh ỏi nhưng dường như không mấy người quan tâm. Tất cả đều chú ý đến tấm bảng điện tử niêm yết giá chạy trên cửa hàng cứ chốc chốc lại đổi một lần.
Đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, từ sáng đến 12h trưa, đơn vị này liên tiếp thay đổi bảng giá hơn 40 lần. Số lượng khách đến mua trội hơn hẳn so với bán. Trong số 515 người đến giao dịch sáng nay có 480 khách mua vàng, còn lại 52 người bán. Người mua nhiều nhất là 25 cây trong khi có người bán một lúc cả 17 cây vàng.
Cũng theo thống kê của Tập đoàn vàng bạc DOJI, trong sáng nay, sức mua của người dân tăng lên ồ ạt. Đến khoảng 11h, một cửa hàng của DOJI chỉ còn khoảng 20 lượng vàng. Rất nhiều khách phải đợi nhân viên đi lấy thêm hàng.
Đứng chờ gần một giờ mà chưa mua được vàng, chị Linh, ở Trần Khát Chân, Hà Nội chia sẻ chưa bao giờ thấy người dân Hà Nội sôi sục như bây giờ. Về lý do tiếp tục mua vàng khi giá cao, chị này cho hay, thấy người ta mua nhiều nên cũng mua theo. "Hơn nữa tôi chứng kiến, từ hôm lên được 40 triệu đồng là cứ lên suốt, có hạ ít nào đâu, nên cứ mua vào mà phòng thôi, đợi giá xuống mới mua biết đến bao giờ", chị nói.
Dù thế, khách hàng này tỏ ra ngỡ ngàng khi được hỏi về mối liên quan giữ giá quốc tế và trong nước.
Đến 11h, một số tiệm báo hết vàng. Giá chốt lúc 11h trưa nay tại phố này là 45,4-45,8 triệu đồng một lượng. Biên độ mua bán co hẹp chỉ còn 400.000 đồng. Song trước đó, theo quan sát của VnExpress.net, có thời điểm biên độ bị nới ra đến 700.000-800.000 đồng.
Bên cạnh những người đến để mua vàng, có không ít nhà đầu tư tìm đến cửa hàng với mục đích "rình" giá thấp xuống và thu mua. Chị Nguyệt, ở quận Tây Hồ, Hà Nội cầm gần 300 triệu đến mua vàng sáng nay cho biết, từ khoảng 3 ngày nay, ngày nào chị cũng có mặt tại cửa hàng từ sáng sớm để chờ giá vàng thấp xuống và dồn tiền mua. "Nhưng cuối cùng cũng có mua được đâu, đến trưa nay, lúc quyết định sẽ mua vì thấy giá vọt lên cao quá thì cửa hàng lại báo hết vàng", chị nói.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, từ lúc 9h đến 12h trưa, không khí mua bán nhộn nhịp. Các nhân viên phòng kinh doanh cũng bận bịu liên tục với lượng khách đến mua bán không ngớt. Trong đó, khách đến mua vàng vẫn chiếm đa số. Nhiều người tranh thủ đón con đi học về rồi đèo thẳng luôn đến nơi bán vàng.
Trong số những người đến giao dịch tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC sáng nay, không ít người mạnh tay mua vào với số lượng lớn, lên đến 100-200 cây. Còn người ít cũng 5 chỉ đến 2 cây.
Đại diện SJC cho biết, từ sáng đến 12h trưa, đơn vị này liên tiếp thay đổi bảng giá theo chiều hướng tăng liên tục nhưng số lượng khách đến mua vẫn trội hơn hẳn so với bán. Riêng ngày hôm nay, tổng lượng giao dịch của SJC đạt 4.500 lượng cả bán ra cho người dân lẫn mua vào để cân đối.
Trong khi đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ cũng ghi nhận sự sôi động của người dân đến bán vàng trong buổi sáng. Đại diện SBJ cho biết, tổng lượng bán ra tính đến 14h đạt khoảng 4.700 lượng, còn thu vào khoảng 700 lượng.
Giá vàng hỗn loạn, một số đơn vị kinh doanh tại Hà Nội sáng nay đã tắt bảng thông báo giá. Tại một cửa hàng ở khu vực quận Hai Bà Trưng, khách đến giao dịch đều được nhân viên báo giá bằng miệng. Giá thu mua của đơn vị này lúc hơn 11h trưa rất thấp, chỉ khoảng 44,80 triệu đồng mỗi lượng trong khi chiều bán ra rất cao, là 45,95 triệu đồng. Biên độ mua bán chênh lệch hơn 1 triệu đồng một lượng.
"Các doanh nghiệp kinh doanh đẩy biên độ lên cao, là các anh được lợi, chỉ chết người dân chúng tôi", chị Hà, một nhà đầu tư đang phân vân giữa mua và bán cho biết. Theo chị này, thời điểm cách đây khoảng một tháng, khi giá vàng bình bình ở ngưỡng trên 37 triệu đồng mỗi lượng, người dân có tiền ồ ạt đem gửi ngân hàng. Đến khi vàng đắt lên, muốn rút tiền để mua cũng khó vì chưa đến kỳ tất toán sổ.
"Biên độ mua bán trước chỉ vài chục nghìn đồng giờ nới ra có lúc hơn một triệu đồng, chỉ doanh nghiệp lợi còn người dân chúng tôi chết nhăn. Đem tiền gửi ngân hàng, ăn lãi 18% một năm, với vài trăm triệu cũng chỉ được vài triệu một tháng tiễn lãi, nhưng nếu mua vàng, có khi vài phút ăn ra cả chục triệu chứ chẳng ít", chị Hà nói.
Có nhiều trường hợp sáng nay để lỡ cơ hội mua vàng vì rút được tiền quá muộn. Ở thời điểm giá lình xình trên 45 triệu đồng, khung cảnh mua bán tại các cửa hàng như đi hội. Thậm chí, khách đổ về quá đông, đường tắc, lực lượng công an, dân phòng đã được huy động để giải tỏa giao thông.
Nhờ lượng người đi mua tăng vọt, các doanh nghiệp kinh doanh đều thu được một lượng lớn tiền đồng. Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh cho biết, hiện nay, việc xử lý và bảo quản số tiền này là vấn đề nội bộ nên không thể công khai.
Tuy nhiên, đến 14h, sau thông tin cho nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, cộng hưởng với sự giảm nhẹ trên thị trường thế giới xuống quanh 1.752 USD, giá trong nước đã để mất hơn 1,2 triệu đồng. Đà mua vào chững lại, và bắt đầu xuất hiện xu hướng bán ra.
Lúc 14h15, hầu hết các thương hiệu vàng lớn tại TP HCM đồng loạt giảm mạnh giá niêm yết xuống quanh mức 44,2-44,45 triệu đồng một lượng, sụt 1,2 triệu đồng bán ra và 1,3 triệu đồng mua vào so với mốc kỷ lục 46,20 triệu đồng vừa lập được trưa nay. Mức giảm khá chóng vánh cũng giống như thời điểm giá vàng đi lên.
Trong khi đó, tại Buôn Ma Thuột, mức kỷ lục 46,30 triệu đồng ghi nhận lúc 12h trưa cũng sụt giảm 1,2 triệu đồng, xuống còn 45,1 triệu đồng, vào đầu giờ chiều. Tương tự, các doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội chiều nay công bố giá mua bán vàng quanh 44,5-45,12 triệu đồng.
Nếu như hôm qua, giá trong nước cao hơn quốc tế khoảng 3 triệu đồng, thì đến chiều nay, thị trường trong và ngoài nước phần nào đã được thu hẹp, chỉ còn chênh nhau 800.000 đồng đến 1,4 triệu đồng.
Chị Lan, quận Bình Tân với vẻ mặt căng thẳng chia sẻ, buổi sáng thấy giá lên quá nhanh, chị nghĩ rằng giá sẽ còn lên nữa nên nhất quyết cãi lệnh ông xã đến ngân hàng rút 500 triệu trước hạn về mua vàng khi giá ở mức 46 triệu đồng (rút trước hạn chị chỉ được hưởng lãi không kỳ hạn 3% thay cho 16% theo thỏa thỏa thuận).
"Với 10 cây vàng mua lúc sáng, giờ mới vài tiếng đồng hồ mà tính ra đã lỗ hơn chục triệu đồng. Tôi đang có ý định đi bán để cắt lỗ. Thế nào tối nay vợ chồng tôi cũng xảy ra nội chiến", chị lo lắng nói.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng Kinh doanh công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn xác nhận, trong buổi chiều nay, lượng khách mua vào sụt giảm hẳn so với sáng, trong khi đó, xuất hiện lực bán ra.
Hà Nội: Người mua run tay
Sáng 8/8, giá vàng tiếp tục lập kỉ lục mới lên tới 44,22 triệu đồng một lượng. Mức giá kỉ lục này làm cho giới đầu tư vàng cũng phải cân nhắc.
Trên các phố có nhiều cửa hàng vàng như Hàng Bạc, Hà Trung, Trần Nhân Tông, tình hình mua bán vàng diễn ra khá ảm đạm.
Chờ giao dịch vàng trong một cửa hàng trên phố Hà Trung
Chủ cửa hàng vàng Kết Nhung, chị Kim Anh cho biết, lượng người đi giao dịch chủ yếu là bán ra, rất ít người mua vào.
“Mấy hôm trước người ta đổ đi mua rất đông, nhưng đến hôm nay thì người mua vào rất ít. Có lẽ do giá vàng tăng cao bất thường. Hơn nữa, giá vàng Việt Nam cũng đang quá cao so với giá thế giới nên nhiều người lo sợ đây chỉ là giá ảo”.
Chị  Kim Anh cho hay, trước cơn mưa lớn buổi sáng, lượng người tới bán ở cửa hàng của chị tăng mạnh so với những ngày trước đó.
Trên phố Hà Trung, tình trạng khách mua bán cũng không quá sôi động. Một chủ cửa hàng đầu phố thậm chí còn than ế ẩm.
Chị này phỏng đoán: “Chắc vì vàng tăng mạnh, dân mua vào cũng run tay. Nếu tôi mà là dân tôi cũng không mua vào!”.
Vàng tăng giá mạnh nhưng tình hình mua bán vàng diễn ra chậm.
Tự đặt mình vào vị trí người mua, chị khẳng định cũng sẽ nhất định không mua vào mà chỉ tranh thủ bán ra vì sợ vàng sẽ nhanh chóng trượt giá thê thảm.
Trong một hàng vàng đầu phố Hà Trung, khi cơn mưa bắt đầu ngớt thì cũng là lúc khách lục tục kéo đến bán vàng.
Mọi người đều chia sẻ nỗi lo vàng sẽ trượt giá sau khi lập kỉ lục. Anh Mạnh (phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Vàng tăng như múa thế này, không dám đùa. Thời điểm này, bán ra là khôn ngoan”.
TP.HCM: Thị trường phát sốt
Ngược lại với không khí lặng lẽ ở Hà Nội, giá vàng tăng đột biến trong sáng 8/8 làm cho thị trường TP.HCM gần như phát sốt.
Giao dịch tại các tiệm vàng không chỉ nhộn nhịp từ buổi sáng mà theo ghi nhận của phóng viên, cho tới thời điểm 11 giờ vẫn đông nghịt khách.

Giữa trưa nắng chang chang mà nhiều người vẫn đổ xô đi mua vàng. Ảnh: Thanh Huyền

Trong khi đó, giá vàng vẫn không ngừng tăng. Chủ một số tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, Q1 cho biết, giá vàng biến động từng phút nên dù là khách quen cũng không thể hứa hẹn gì trước, mang tiền ra mua vào giờ nào thì tính tiền theo đúng giá của thời điểm đó.
Giá vàng được niêm yết tại một số tiệm nằm trên đường Lê Thánh Tôn và khu vựa chợ Bến Thành, nơi được coi là tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp kinh doanh vàng của TP.HCM vào trưa 8/8, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã giao động chóng mặt.

Gần 12 giờ trưa mà các tiệm vàng vẫn không ngớt khách. Ảnh: Thanh Huyền.

Tại tiệm vàng Xuân Hưng (đường Lê Thánh Tôn, Q1), vàng SJC mua là 42.40 triệu đồng/lượng, bán là 42.75 triệu đồng/lượng. Vàng 9999 mua là 41 triệu đồng/lượng, bán là 42.65 triệu đồng lượng.
Tại Doanh nghiệp kinh doanh vàng Minh Tâm (địa chỉ số 222 - 228 Lê Thánh Tôn, quận 1), vào lúc 11h00, vàng SJC bán ra là 44 triệu đồng/lượng, 1 chỉ bán ra là 4.5 triệu đồng.
Còn tại chi nhánh của Công ty Vàng bạc đá quý SJC (địa chỉ số 222 – 228 đường Lê Thánh Tôn, quận 1), vào lúc 11h15 phút, vàng SJC mua vào là 41.40 triệu đồng/lượng, bán ra là 43.80 triệu đồng/lượng.

Ngay trong tại cửa hàng bán vàng nằm sâu trong chợ Bến Thành giữa trưa mà cũng nhộn nhịp hơn bình thường. Ảnh: Thanh Huyền.

Ngược lại với đầu Hà Nội, tại TP.HCM, giá vàng tăng cao như vậy, nhưng điều kỳ lạ là đa số khách hàng đều đi mua thêm, rất ít người bán ra.
Chị Thúy, có sạp kinh doanh hàng lưu niệm trong chợ Bến Thành đang thực hiện giao dịch tại doanh nghiệp kinh doanh vàng Hà Tâm, ngay bên hông chợ Bến Thành cho biết mình cũng vừa mua thêm mấy lượng vàng miếng SJC.
“Mặc dù vàng đang sốt nhưng tôi quyết định dồn tiền thâu thêm vì nghĩ giá vàng sẽ khó mà tụt hoặc dừng lại ở mức này” – chị Thúy nói.
Trong khi đó, một đôi thanh niên tại đang giao dịch tại đây cũng cho biết dù giá vàng đang ở mức khá cao cũng phải cắn răng đi mua nữ trang để chuẩn bị cho đám cưới, kẻo sau này nhỡ vàng tăng thêm nữa thì…hối hận.

- Giá vàng "điên cuồng" lao lên đỉnh mới 46,2 triệu đồng/lượng khiến người dân vội tìm mọi cách gom tiền rồi chen lấn, xô đẩy nhau mua vàng, bất chấp lời khuyên bình tĩnh và đừng quá hám lợi của các chuyên gia.
Trả lời PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet, ông Trần Quốc QuýnhChuyên gia cao cấp của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, khuyến cáo, các nhà đầu tư của mình lướt sóng ngắn hạn, kiếm tý chênh lệch thì phải chú ý khi giá vàng đang "điên loạn".
Với đại bộ phận người dân, lời khuyên lúc này là cứ bình tĩnh. Ai có tiền thì đầu tư, người không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì cả, giá vàng có phải là giá thịt, giá rau đâu mà lo ảnh hưởng. Cho nên dân mình cứ nên "bình chân như vại".
Trên báo NLĐ, nhiều người giật mình vì mở mắt ra đã thấy tiền mình bị vơi đi do chơi vàng.
Anh Đình, ngụ ở quận Phú Nhuận - TP.HCM, cho biết, lúc vàng 39 triệu đồng/lượng, thấy nên cao anh liền đi bán một ít. Đến sáng nay khi vàng vượt mốc 45 triệu đồng/lượng, anh quyết định mua vào vì nghĩ giá còn tăng. "Lẽ ra tôi mua từ hôm qua nhưng bận công chuyện đến sáng nay thì đã... thua mất 2 triệu đồng/lượng. Tôi mua để dành chứ không đầu tư" - anh Đình chống chế.
Cùng tâm lý như vậy, nhiều người dân cũng gom tiền đi mua vàng vì lo sợ giá vàng sẽ tăng nữa. Anh Nam, nhà ở quận 1 - TP.HCM, ra ngân hàng (NH) rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn đến mua vàng. Anh cho biết khi thấy vàng lên 37 triệu đồng/lượng thì anh đã mua vào. Nay anh vẫn chưa bán ra, và hễ có tiền là anh mua vào.
Không chỉ cá nhân mà một số doanh nghiệp cũng "thử chơi" với vàng. Chủ công ty kim cương nhân tạo Duy Khương CZ, quận 10 - TP.HCM, cho biết ông vừa mua 20 lượng tại SJC khi thấy vàng tăng cao.
Chùm ảnh người dân gom tiền, hối hả xếp hàng mua - bán vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội sáng 9/8.

Chật cứng xe trên phố Trần Nhân Tông, trước cửa hàng Bảo Tín Minh Châu.
Mang cả túi tiền đi mua vàng (ảnh Đất Việt)
Chạy vội vào mua vàng, quên cả bỏ mũ bảo hiểm.
Vác cả bao tải tiền đi mua vàng (ảnh VTC)
Tiền sẵn trong tay, vàng "chửa" (chưa) thấy.
Ối, giá vàng lại điều chỉnh tăng, sắp bùng nổ rồi!
Vòng trong vòng ngoài, mỏi gối chùn chân với vàng.
Vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy người.
Tranh thủ tư vấn giá cả, phân vân không biết nên mua hay bán.
Vác cả con đến giao dịch vàng.
Bên trong cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, người đông như nêm.
Người đẹp với vàng.
Vàng khiến đường phố bị tắc nghẽn.

- Ngoại trừ các nhà đầu tư trường vốn và bộ phận người dân nhiều tiền muốn chuyển bớt sang giữ vàng để bảo toàn giá trị, sẽ rất rủi ro với những người ít tiềm lực, phải vay mượn để đầu tư lướt sóng khi giá vàng trong nước cao kỷ lục.
Giữa lúc giá vàng trong nước ngày 8/8 lần đầu tiên chạm mốc kỷ lục 44,2 triệu đồng/lượng - cao nhất trong lịch sử, gây quan ngại trong tâm lý người dân và tác động mạnh đến thị trường vàng, PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet, đã có cuộc trao đổi với 3 đại diện là chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội về những vấn đề nội tại của thị trường này. Lời khuyên chung dành cho người dân lúc này là nên “bình chân như vại”.
Cái cớ là do giá thế giới
- Dưới cái nhìn, kinh nghiệm theo dõi và hoạt động lâu năm trên thị trường vàng trong nước, xin các vị cho biết thị trường trong nước đang có những bất thường nào khiến giá vàng tăng cao lên mức khủng khiếp như vậy?
Ông Trần Quốc Quýnh - Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam: Điều này là do giá vàng trong nước tăng theo thế giới thôi chứ chẳng có gì bất thường cả. Nước ngoài lên thì mình phải lên. Và ngay tỷ giá đôla Mỹ mấy hôm nay cũng lên rồi.
Bà Trần Như My - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji: Giá vàng hôm nay chủ yếu do giá vàng thế giới tăng. Giá vàng thế giới đóng cửa ngày thứ 7 (6/8) ở mức 1.663 USD/ounce nhưng tính đến 16h chiều 8/8 đã là 1.713 USD/ounce.
Trước tiên vì giá vàng đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce nên tâm lý của người dân kỳ vọng giá vàng còn tăng. Ngày, 7/8 Công ty Dojivẫn niêm yết bán ra với giá 41,9 triệu đồng/lượng, nhưng cuối giờ chiều 8/8, đã là 44,1 triệu đồng/lượng. Trên thực tế, giá vàng quốc tế tăng khoảng 30 USD/ounce thì giá trong nước tăng khá mạnh đến hơn 2 triệu đồng/lượng.
Cùng với sự quan tâm, mua vàng nhiều của người dân thì nguồn cung vàng của các hiệu trong nước hiện không có nhiều. Khan hàng cho nên giá càng bị đẩy lên rất mạnh.
TS. Vũ Đình Ánh - Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính: Việc giá vàng quy đổi trong nước hôm nay tăng vênh đến 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới là không bình thường.

Người dân xếp hàng mua bán vàng chiều 8/8 tại phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Điều kiện bình thường đó là giá trong nước theo sát giá thế giới.
Tất nhiên giữa giá thế giới và trong nước bao giờ cũng phải chấp nhận độ vênh vì cái ma sát giữa thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế nó không liên thông một cách hoàn hảo, nhưng mà rõ ràng khi nó vênh đến 2 triệu đồng/lượng như hôm nay thì không thể gọi là bình thường được.
- Mức tăng của giá vàng thế giới chỉ chục đô, nhưng giá trong nước lại tăng đến vài triệu. Ngay trong sáng 8/8, khi giá thế giới chưa đạt ngưỡng 1.700 USD/ounce thì giá trong nước có thời điểm cao hơn giá quy đổi thế giới đến 3 triệu đồng/lượng. Các vị nói sao về chi tiết này?
Ông Trần Quốc Quýnh: Quy đổi thế nào để được con số chênh lệch 3 triệu đồng/lượng thì tôi không nắm, nhưng nhìn chung, giá thế giới chiều 8/8 vẫn cao hơn sáng 8/8 gần 30 USD/ounce rồi.
Tôi cho là không có gì bất thường. Cách đây 1 tháng tôi nhận định, có lẽ phải đến tháng 8, giá vàng thế giới mới lên 1.700 USD/ounce, nhưng đầu tháng 8 điều này đã xảy ra.
Bà Trần Như My: Trên thực tế, nếu giá vàng thế giới vào khoảng 1.710 USD/ounce, quy đổi ra, nếu cộng với các tiền thuế, phí về đến Việt Nam là 43 triệu đồng/lượng.
Thực tế, các hiệu lúc cuối chiều 8/8 đang niêm yết phổ biến ở mức 44,1 triệu đồng/lượng. Như vậy trừ đi, giá trong nước chênh cao hơn giá thế giới 1,1 triệu đồng/lượng.
Nói có thời điểm hôm nay giá vàng niêm yết trong nước chênh cao hơn giá quy đổi trên thị trường thế giới đến 3 triệu đồng, tôi cho rằng đó là do cầu thời điểm sáng và trưa 8/8 nhiều hơn cung. Nguồn cung rất hiếm, thậm chí gần như buổi sáng, doanh nghiệp không dám niêm yết giá vàng nữa vì nó lên mạnh quá, trong khi đó tất cả các nơi đều nói họ không bán vàng ra, cầu quá nhiều mà khan hàng thì càng thúc đẩy giá lên.
Theo ghi nhận, hôm nay, người dân nhỏ lẻ đi mua rất nhiều, phổ biến ở mức 5-10 cây. Là đơn vị có lượng cung tương đối lớn, tích trữ nhiều cho nên chúng tôi cũng đáp ứng đủ cho các khách hàng nhỏ lẻ, không bị hẹn quá nhiều nhưng chúng tôi cũng phải hạn chế, những người mua buôn số lượng nhiều chúng tôi không dám bán.
- Khi giá vàng tăng kỷ lục, thị trường TP.HCM rất trầm lắng, èo uột, nhưng Hà Nội lại quá sôi động. Lượng bán ra của các hiệu vàng ở Hà Nội lên đến vài nghìn lượng, trong khi mua vào ít. Có phải thị trường Hà Nội có tỷ lệ đầu tư, đầu cơ lướt sóng ngắn hạn nhiều hay không?
Bà Trần Như My: Theo quan sát, việc đầu tư, đầu cơ tại các cửa hàng của hệ thống SJC gần như không có. Hôm nay, chủ yếu khách đi mua vàng để cất đi. Thực tế các cửa hàng của công ty hiện tại toàn khách mua vàng thật, trả tiền thật và nhiều người cho biết họ sợ để tiền Việt mất giá cho nên rút tiền tiết kiệm ra mua vàng cất đi cho an toàn, bởi kỳ vọng giá vàng còn tăng thời gian tới.
- Vậy các anh chị có cảnh báo người dân, giá lúc cao điểm thế này không nên đổ xô mua vài, vì giá còn xuống hay không?
Bà Trần Như My: Khách người ta quyết tâm mua thì mình không gàn được. Một khi công ty đã treo bảng, có giá bán giá mua, khách vào giao dịch đông đến nỗi, thậm chí nhân viên chẳng có thời gian để giải thích luôn.
Tăng nhanh, sụt cũng nhanh
- Kinh nghiệm theo dõi về giá vàng nhiều năm, các vị đã bao giờ gặp mức kỷ lục về giá và nhảy giá như thế này hay chưa?
Ông Trần Quốc Quýnh: Có một năm, đó là năm 2010. Khi đó, giá vàng thế giới tăng một lúc đến 100 USD/ounce, nhưng chỉ 2 ngày sau lại giảm hơn 100 USD.
Lần này vàng tăng chưa đến 100 USD. Chiều thứ 6 (5/8) đến 8/8, từ mức 1.666 mới tăng lên 1.713 USD/ounce.
Trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp chiều 8/8, tôi có lưu ý rằng, bao giờ giá tăng vọt một cách nhanh như thế này thì cũng phải chú ý theo dõi, nhất định nó sẽ có những điều chỉnh. Tăng càng nhanh thì giá sụt cũng càng nhanh. Việc tăng giá này là không bền vững đâu.
TS. Vũ Đình Ánh: Cái này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì việc giá trong nước tăng kỷ lục từng giờ và chênh cao thậm chí lên tới khoảng 2 triệu đồng so với giá vàng thế giới như ngày hôm nay, giống kịch bản của năm 2009-2010, đã từng có những “cơn sốt” thế này rồi.
Còn tác động của nó thế nào thì cứ ngồi ôn lại tác động của 2009, 2010 là ra, bởi đến nay cũng chưa có quy định cụ thể gì về quản lý thị trường vàng, mặc dù chúng ta đã dự thảo nhiều lần rồi. Nếu có tác động thì sẽ tác động tương ứng như các lần sốt giá trước thôi.
- Các vị có phân tích đánh giá thế nào về diễn biến giá vàng trong và ngoài nước từ nay đến cuối năm?
Ông Trần Quốc Quýnh: Phân tích giá thời gian tới sẽ đi theo chiều hướng tăng. Từ nay đến cuối năm, độ 1.750 USD/ounce là trong tầm tay. Cao hơn nữa cũng nhiều người dự đoán nhưng mình nói vừa thôi, chứ nói nhiều quá người ta cũng sốc.
Bà Trần Như My: Giá vàng thế giới phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tình hình kinh tế - chính trị thế giới, giá dầu mỏ, tỷ giá ngoại tệ, cung cầu, tình hình đầu tư nắm giữ của các quỹ... Thực tế xu hướng giá quốc tế vẫn được nhận định đi lên, còn giá trong nước cũng khó nhận định vì giá còn phụ thuộc lượng hàng trong nước.
Thời điểm cách đây 1 tuần, Việt Nam còn xuất khẩu vàng đi. Hoạt động xuất vàng đi đã diễn ra từ 1-2 tháng trở lại đây với số lượng cũng khá nhiều. Bây giờ lượng hàng trong nước rất ít, luôn trong tình trạng khan hiếm mà nhu cầu trong nước thì rất cao.
Tiềm ẩn rủi ro
- Khi giá vàng trong nước cao kỷ lục như thế này thì các vị có cảm nhận thế nào về mức độ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, họ có hoảng hốt như các đợt kỷ lục giá vàng trước đây hay không?
Bà Trần Như My: Tôi nghĩ rằng nếu mức độ chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới đến hơn 1 triệu đồng/lượng thì đầu tư vàng lúc này không phải là an toàn lắm. Nếu giá thế giới và giá vàng quy đổi trong nước bằng nhau thì không có gì để nói.
Thứ hai, bình thường các doanh nghiệp để khoảng giá mua vào - bán ra chỉ 100.000 đồng, nhưng bây giờ biên độ rộng đến 500.000-600.000 đồng. Biên độ quá rộng, trong khi lại vênh với giá thế giới nên không hề an toàn nếu mua thời điểm này.
Nếu mua đầu tư thì phải xem xét kỹ nhưng về chiến lược lâu dài thì giá vàng cũng còn tăng rất cao. Bằng tiền thật đi mua thì tôi nghĩ cũng chẳng vấn đề gì cả. Nó là một kênh an toàn, cất trữ mà không bị mất giá, thậm chí lợi nhuận đem lại còn cao hơn việc đi gửi tiền trong ngân hàng. Trong ngắn hạn, nó có thể điều chỉnh giảm nhẹ nhưng thời điểm cuối năm theo quy luật, giá còn tăng nữa.
Ông Trần Quốc Quýnh: Trong bối cảnh này, những anh trường vốn như các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư của Mỹ, tiền của họ có thừa cho nên đầu tư dài hạn thì không sợ. Còn các nhà đầu tư của mình lướt sóng ngắn hạn, kiếm tý chênh lệch thì phải chú ý.
Với đại bộ phận người dân, lời khuyên lúc này là cứ bình tĩnh. Ai có tiền thì đầu tư, người không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì cả, giá vàng có phải là giá thịt, giá rau đâu mà lo ảnh hưởng. Cho nên dân mình cứ nên “bình chân như vại”.
TS. Vũ Đình Ánh: Nếu so với bối cảnh năm 2009, 2010, năm nay câu chuyện đánh đổi giữa đầu tư vàng và các kênh đầu tư khác, thì rõ ràng năm nay đầu tư các kênh khác rất khó, nên sức hấp dẫn của vàng ở khía cạnh đầu tư hấp dẫn hơn các năm trước.
Còn câu chuyện giá vàng tăng có tác động đến giá tiêu dùng hay không thì phải khẳng định, nó không tác động như các năm trước, bởi hiện nay tâm lý gắn chuyện giá vàng với giá tiêu dùng đã giảm bớt rất nhiều. Đặc biệt trong năm 2011, ngay cả không có chuyện giá vàng tăng kỷ lục thì chỉ số giá tiêu dùng CPI đã rất kinh khủng rồi.
Do đó, điều này sẽ làm giảm hiệu ứng tác động của giá vàng tăng đến thị trường tiêu dùng. Đđáng quan tâm lúc này là câu chuyện về giá đôla, nhưng giá đôla bây giờ rất khó đánh giá vì cái cân đối ngoại tệ của Việt Nam hiện tại và tương quan một vài tháng tới như thế nào thì chịu.

“Báo cáo Xếp hạng tín nhiệm về tài chính tín dụng của Mỹ công bố hôm 7/8 bị hạ thấp 1 cấp, việc này gây một xáo động, hệ thống thu chi ngân sách của Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng đôla sẽ mất giá nữa.
Thứ hai là lạm phát của Trung Quốc mới công bố đã lên đến 6,4%. Đây là con số nặng nề với Trung Quốc. Hai thị trường lớn trên thế giới diễn biến như vậy nên giá vàng tăng. Ngoài ra, mấy ngày vừa qua ghi nhận rất nhiều thông tin các nước mua vàng từ Venezuela, Ấn Độ, đến Thái Lan, Philippines cũng đều mua vàng để tăng dự trữ hết. Đó là lý do khiến giá vàng thế giới tăng vọt hôm nay” - ông Trần Quốc Quýnh.

Vàng ‘sốt’ nóng dễ lây bệnh cho tiền tệ 

 Đã có rất nhiều cảnh báo về những sức ép và biến động thị trường tiền tệ cuối năm đến từ tín dụng, tỷ giá và cả vàng... Và dường như, cơn sốt vàng và sự trùng lặp “tự nhiên” của tỷ giá đột ngột lên cao đã khiến cho những lo ngại đó càng thêm “nặng nề”.

Giá vàng đã vụt qua mốc 46 triệu đồng/lượng vào ngày 8/8, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Đây bước tiếp theo của chỗi tăng giá liên tục của vàng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn khiến thị trường vàng đứng trước rủi ro cao. Trong khi vàng lên mức cao nhất thì tỷ giá cũng biến động mạnh. Lo ngại về những biến động bất thường trên thị trường tiền tệ cuối năm dường như đang đến gần.
Đua theo giá vàng, coi chừng thiệt thân!
Giao dịch vàng sôi động cả ngày đầu tuần (8/8), nhưng đến cuối buổi chiều, nhiều doanh nghiệp đánh giá, lượng vàng mua - bán tuy có tăng lên nhưng không đột biến nhiều. Đây là dấu hiệu có vẻ như hơi khác so với những lần giá lập kỳ lục trước đây.
Trong khi đó, tính toán của một chuyên gia từ Tổng công ty Vàng bạc và đá quý Agribank cho thấy, dù đến cuối giờ chiều, vàng trong nước vẫn có một khoảng cách cao hơn nhiều so với vàng thế giới. Đây là yếu tố mới trong diễn biến của chuỗi tăng giá vàng gần đây.
Chưa khẳng định được có chuyện làm giá hay không, nhưng chuyên gia này so sánh, những năm trước, mỗi khi vàng trong nước tăng cao hơn so với thế giới là có vấn đề do đầu cơ và tâm lý. Và sau đó, chỉ cần một vài thông tin đánh động, giá vùng tụt mạnh và nhiều người gặp rủi ro. Đua theo giá vàng, coi chừng thiệt thân - tít một bài báo cảnh tỉnh người "ham chơi" vàng.
Một lãnh đạo DN khác đồng tình và cũng cho rằng, vàng đang bị làm giá và  sẽ rớt xuống rất nhanh. Theo vị này, khi vàng đã lên đến 40 triệu đồng/lượng, nhiều người nhận thấy khả năng vàng còn lên giá nên đã nhảy vào mua bán kiếm lời. Nhưng, tới khi giá vàng lên đến 44 triệu thì giao dịch không có nhiều, người dân chủ yếu vẫn chủ yếu là nghe ngóng để chốt lời.
Trong khi đó, một nhà đầu tư vàng lâu năm trên thị trường lại tiết lộ chi tiết, cơ sốt giá "điên loạn" của vàng đợt này, vượt cả giá thế giới, diễn ra ngay sau khi có quyết định tăng thuế xuất khẩu vàng của nhà nước. Việc xuất khẩu nữ trang trở nên khó khăn và có thể trước mắt bị tạm ngưng. Nếu như thế, nhiều DN đã gom vàng với dự đoán giá vàng thế giới tăng lên để xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Họ mua vàng vào lúc 40-42 triệu và dự đoán đúng giá vàng lên và sẽ có lãi với mức thuế cũ.
Tuy nhiên, với mức thuế mới thì lãi sẽ không còn. Vì thế, liệu có khả năng lực lượng này tạo sốt, tăng giá để đẩy hàng ra?
Thậm chí, nhà đầu tư này còn nhấn mạnh, giá vàng thế giới trong ngày 8/8 không thay đổi nhiều, song giá vàng trong nước đang rất hỗn loạn. Có những thời điểm đầu giờ chiều 8/8, giá thế giới cập nhật không thay đổi nhưng giá vàng đã tăng lên rồi hạ xuống 400.000-500.000 đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy, cần phải cảnh giác khi mua bán.
Một trong những nguyên nhân được nhiều DN lý giải trước tình trạng giá vàng tăng là do khan hiếm khi lượng vàng lớn xuất đi liên tục trong nửa đầu năm nhưng nhập về ít.
Ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu, nhận xét, tăng giá là hậu quả tất yếu xảy ra sau suốt một thời gian dài thu gom vàng để xuất khẩu thái quá trong nhiều năm Họ nâng giá mua sát với giá bán làm cho thu hẹp giữa giá mua và giá bán nhỏ chưa từng thấy. Họ đặt ra giá rất tự nhiên để họ mua được vàng dẫn đến hậu quả giá vàng đột biến cao trên 44 triệu/lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chính vì thế, ông Châu cho rằng, sáng 8/8, người dân đã phải mua vàng với giá quá đắt, mất gần 2 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế. Khi giá cao thì các nhà nhập khẩu sẽ nhanh chóng nhập vàng về để làm dịu cơn sốt. Cho nên, ở thời điểm này, người dân không nên vội vàng mua với giá quá đắt, nhất là khi giá ở Việt Nam đã vượt quá xa so với giá vàng thế giới. Đây là giá ảo, đây là hậu quả của việc thiếu vàng nguyên chất trong thời kỳ ngắn hạn.
Một số DN lớn khác lại khẳng định, tuy nguồn cung có bị hạn chế do xuất khẩu đi nhiều nhưng lại không được nhập về. Song, cũng không thể thiếu vàng đến mức giá cao hơn cả giá thế giới. Nguồn cung chỉ là cái cớ, tạo tâm lý để đẩy giá lên. Thậm chí, các DN cũng không thích thú với việc giá bị đẩy cao liên tục vì ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống và lợi nhuận. Chênh lệch bán mua mang lại lợi nhuận cho các DN kinh doanh vàng trước đây 1-2% thì thời điểm này chỉ còn 0,2-0,25%. Đây là chênh lệch nhỏ không đủ tạo lợi nhuận hợp lý vốn được cho là xoay quang mức trên dưới 1% đối với vàng miếng.
Nỗi lo cuối năm lại đến
Đợt tăng giá vàng kéo dài nhiều tháng qua được nhận định là hợp lý theo diễn biến của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng đã lên đỉnh điểm và có những nhân tố gây bất ổn mới khi có dấu hiệu đầu cơ và làm giá. Trong khi đó, những tác động của việc gom vàng xuất khẩu thời gian qua đang trở thành một tác nhân lớn mà ngay cả những nhà kinh doanh lớn trong nước cũng cảm thấy e ngại.
Nhớ lại những cơn sốt trước, mỗi lần vàng bị làm giá, bị ảnh hưởng tâm lý và đầu cơ thì cơ quan quản lý phải ra tay.
Nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, người khá chặt chẽ trong việc nhập khẩu vàng cũng đã nhiều lần phải chấp nhận cho nhập khẩu để bình ổn giá dù chính ông chịu nhiều sức ép từ nhập siêu lên tỷ giá.
Ông Vũ Minh Châu cho rằng, bản thân các DN cũng muốn giá vàng ổn định, nhưng một vài DN lại không thể làm tốt. Nếu như trong 1 hoặc 2 ngày, các nhà nhập khẩu không thể nào nhập về được một lượng vàng lớn để đáp ứng thị trường, thì sẽ xảy ra hiện tượng người nào nhiều vàng thì nắm giữ thị trường và điều tiết giá. Những DN nắm giữ vàng đã tạo ra một giá vàng rất cao trong một thời điểm để bán cho người tiêu dùng.
Vào thời điểm này, nhập vàng hay không rõ ràng là một quyết định không dễ dàng của cơ quan quản lý khi đang gồng mình thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ thắt chặt và tìm cách giảm áp lực tỷ giá vào cuối năm.
Nhập vàng, trong những năm qua luôn là một quyết định khó khăn và thời điểm này, với những đòi hỏi về ổn định tỷ giá, chống nhập siêu... thì quyết định này càng trở nên khó khăn.
Nhiều DN cho biết, họ có đề xuất nhập khẩu vàng nhưng biết rằng, rất khó đề được chấp nhận trong hoàn cảnh hiện nay. Sự biến động hiện nay kéo dài sẽ thực sự là một thách thức quản lý. Đó là một rủi ro mà thì trường và cơ quan điều hành phải đối mặt trong những tháng cuối năm.
Cùng với vàng, tỷ giá đã đột biến tăng cách đây vài ngày và tiếp tục đà dâng lên trong những ngày tiếp theo. Và như một cặp bài trùng, vàng lên cũng khiến tỷ giá biến động theo.
Sau một thời gian dài xoay quanh mức 20.600 đồng/USD, ngày 8/8, tỷ giá đã lên đến mức 20.800 VND, cao nhất kể từ ngày 22/4/2011 (20.910 VND), tăng tới hơn 100 đồng so với cuối tuần qua.
Cụ thể, giá mua vào của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã lên tới 20.680 VND; tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức giá mua vào chỉ 20.620 VND nhưng giá bán ra cũng ở mức 20.800 VND; tại Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), mức giá mua vào chuyển khoản đã lên tới 20.700 VND.
Tỷ giá thương mại biến động trong khi tỷ giá liên ngân hàng được giữ yên trong suốt thời gian qua đã khiến những dự đoán về tỷ giá tăng do sức ép từ nhiều phía phần nào trở nên thực tế.
Tuy chưa khẳng định được xu hướng rõ ràng nhưng giá USD tăng cao cồng với những lo ngại về tín dụng USD tăng, sức ép tỷ giá do nhu cầu cuối năm... đang khiến mối lo lắng tỷ giá lớn hơn.
Diễn biến này khiến chúng ta không thể quên năm 2010 khi tỷ giá được giữ ổn định suốt gần như cả năm nhưng rồi đến cuối năm lại đột biến tăng cao và buộc phải có cháp nhân tăng tỷ giá. Khiến cho thị trường thêm một phen biến động.
Đã có rất nhiều cảnh báo về những sức ép và biến động thị trường tiền tệ cuối năm đến từ tín dụng, tỷ giá và cả vàng... Và dường như, cơn sốt vàng và sự trùng lặp "tự nhiên" của tỷ giá đột ngột lên cao đã khiến cho những lo ngại đó càng thêm "nặng nề". Tất cả điều đó đều đặt cơ quan quản lý trước nhiều vấn đề. Nhưng dù xử lý thế nào thì không dễ để thoát khỏi vòng luẩn quẩn để xử lý những biến động ngắn hạn của tỷ giá và vàng.


 Nhập gấp 5 tấn, vàng đột ngột đảo chiều
- Cuối giờ giao dịch sáng, giá vàng vẫn tiếp tục tăng lên mạnh mẽ và chính thức vượt mốc 46 triệu đồng/lượng. Trước tình hình căng thẳng, NHNN cấp phép cho nhập khẩu 5 tấn vàng. Nhờ vậy, đến 14h, vàng đột ngột đảo chiều.

Sau khi lần lượt qua các mốc 45,5 rồi 45,9, giá vàng chính thức đạt ngưỡng 46 triệu đồng/lượng vào gần cuối buổi sáng. Đến tầm trưa, giá vàng đã tạm ở trên đỉnh 46,2 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu so với đầu giờ sáng nay.
Cụ thể, tại Hà Nội, vàng Bảo Tín Minh Châu đã giao dịch ở mức 45,55-46,1 triệu đồng/lượng. Vàng SJC mua bán ở TP.HCM là 45,5-46,2 triệu đồng/lượng. Còn tại Hà Nội, vàng SJC cao hơn khoảng 20.000 đồng/lượng so với giá này.
Với diễn biến giá vàng căng thẳng, đến cuối buổi sáng nay, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tiếp theo ý kiến của cơ quan này về biến động giá vàng ngày 8/8/2011, để bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân, trong ngày 09/8/2011, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước.
Trong những ngày tới, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu thêm 5 tấn vàng để cung cấp cho thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhờ thông tin hỗ trợ này, gần 2 giờ chiều nay, giá vàng đột ngột đảo chiều khi các DN niêm yết giá mới giảm mạnh. Giá ở SJC chỉ còn 44,5 - 45,2 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng so với lúc 11h30. Tại Bảo Tín Minh Châu, mức giá niêm yết là 44.5 - 45,5 triệu đồng/lượng.

Chôn chân ở cửa hàng vàng chờ giao dịch (ảnh chụp sáng 9/8, Phạm Hải)
Không lâu sau đó, giá vàng đã được SJC chỉ còn 45 triệu đồng/lượng. Trong khi Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh xuống mức 44,5 - 45,1 triệu đồng/lượng.
Đây là diễn biến đáng kể sau khi thông tin nhập khẩu vàng được công bố. Tuy nhiên, giá vàng hiện nay vẫn còn cao hơn giá thế giới và dự báo việc giảm giá sẽ tiếp tục diễn ra trong chiều nay.
Giá vàng giảm, các DN kinh doanh sẽ đón nhận một làn sóng bán ra cực lớn để chốt lời. Trong khi đó, rất nhiều người đầu cơ trong buổi sáng nay đã bắt đầu lo ngại về thua lỗ thấy rõ.
Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua vàng để tránh thiệt hại không đáng có.
Trong buổi sáng nay, với diễn biễn giá vàng bùng nôt, người dân đã đẩy mạnh giao dịch với việc bán ra là chủ yếu. Mở cửa thị trường vàng sáng ngày 9/8/2011, giá mua vào là 44,4 triệu đồng/lượng, bán ra 44,8 triệu đồng/lượng.
Tại thời điểm lúc 11h trưa sáng giá 45,3 triệu đồng/lượng (mua vào), bán ra ở mức đỉnh điểm 45,9 triệu đồng/lượng. Không lâu sau đó, giá vàng lập mốc 46 triệu đồng, giao dịch cực kỳ sôi động.
Theo khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội trưa ngày 9/8 cho thấy, rất nhiều người dân đã đổ xô mang vàng đi bán vì dự đoán vàng sẽ hạ trong thời điểm tới khi mà các DN nhập với khối lượng vàng vào trong nước.

Xếp hàng chờ đến lượt (ảnh Phạm Hải)
Người dân chen lấn xô đẩy để mong bán được vàng với giá cao. Cũng tại thời điểm mà giá vàng tăng "phi mã" các DN kinh doanh vàng cũng từ chối đưa ra các nhận định giá vàng tăng hay giảm trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở Đồng Xuân, Hà Nội cho biết: "Sáng thấy con gái nói giá vàng đã lên trên mốc 45 triệu, tôi đã "ôm" 80 cây vàng có trong nhà đi bán, vì nếu tính ra thì khoản lời thu về cũng kha khá".
Cụ thể, khi trao đổi với bà Nguyễn Thúy Dung, giám đốc Chi nhánh vàng bạc Phú Nhuận PNJ tại Hà Nội, bà cho hay "giá vàng đang lên lên xuống xuống, vì bận cập nhật giao dịch vàng nên không có thời gian trả lời".
Quyết định cho nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước là bắt nguồn từ hồ sơ kiến nghị của hơn 10 doanh nghiệp và ngân hàng nộp lên cơ quan này, với hai đơn vị tiên phong là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tổng công ty Vàng Ngân hàng Nông nghiệp (AJC). Đây là tín hiệu tốt cho thị trường và việc nhập sẽ được triển khai để có vàng trong 1 -2 ngày tới là về đến Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng đựoc nhập vẫn thấp hơn số lượng các DN đề xuất.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, việc nhập khẩu bình ổn lúc nàu trông chờ nhiều vào các DN lớn. Họ chắc chắn sẽ còn phải tính toán nhiều vì giá đang lên rất cao và nhập khẩu lúc này cũng đối mặt với nhiều rủi ro.
Nguyên nhân sâu xa khiến thị trường vàng trong nước rơi vào cảnh khan cung như những ngày này, ngoài lý do mãi lực tăng cao, là nạn xuất nguyên liệu thô trá hình dưới dạng trang sức, mỹ nghệ. Tính tới giữa tháng 7, gần 30 tấn vàng trang sức đã chảy máu ra khỏi Việt Nam, đa phần là loại hàm lượng cao.
Sáng nay, hơn 10 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin cho phép nhập khẩu vàng. Theo các đơn vị này, giá trong nước đang cao hơn thế giới hơn 1 triệu đồng một lượng. Nếu không cho nhập chính thức, nguy cơ nhiều đơn vị có chân rết ở vùng biên sẽ đi theo đường tiểu ngạch và họ sẽ tiếp tục thao túng thị trường. Còn nếu doanh nghiệp được nhập công khai, người dân sẽ biết nguồn cung dồi dào hơn, giá trong nước chắc chắn sẽ giảm về sát giá thế giới.
Quyết định cho phép nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước là động thái nhằm hiện thực hóa cam kết bình ổn được Ngân hàng Nhà nước đưa ra chiều qua, sau khi thị trường vàng diễn biến phức tạp do giá thế giới tăng cao và hiện tượng đầu cơ trong nước.
Sáng nay giá vàng liên tục tăng cao, lên tới 46,3 triệu đồng một lượng vào lúc 11h30. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục: 1.769 USD một ounce.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?