Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Thầy chưa giỏi, trò sao hay!

Lại một năm học mới sắp đến, những ưu tư của xã hội về một nền đại học có chất lượng dường như ngày càng chồng chất, khi đối diện với một thực tại: số lượng cũng như chất lượng giảng viên đại học ngày càng thiếu và yếu trầm trọng hơn. Trong lúc đó, số sinh viên cứ tiếp tục tăng.
Hàng loạt kế hoạch, với những hứa hẹn tăng chất lượng đại học thông qua những chương trình nâng trình độ thầy, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường cơ sở vật chất nhà trường..., cũng đã được ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đề ra. Nhưng, sau một kế hoạch năm năm (2006-2010) có vẻ mọi chuyện vẫn trong vòng quay tít mù mà chưa thấy lối ra!
Năm 2011 đã đi qua hơn nửa chặng đường, điểm lại hàng loạt kế hoạch nâng cấp chất lượng nền đại học Việt Nam với những thời điểm xem xét cụ thể vào năm 2010 và 2020 và cũng chỉ mới nhìn nhận riêng về chất lượng người thầy - chúng tôi chợt nhận ra rằng, hàng loạt chỉ tiêu mà ngành GD-ĐT đề ra trước đó đã không đạt như yêu cầu mong muốn. Chuyện gì đang xảy ra?
Vỡ kế hoạch - trách ai?
Năm 2006, Bộ GD-ĐT đã có một thống kê cụ thể với tỷ lệ chỉ có 60% giảng viên đại học đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã lên tiếng: "Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng này. Sẽ không mở rộng quy mô chừng nào chất lượng vẫn chưa được cải thiện. Năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung cho việc xây dựng, quy hoạch đội ngũ giáo viên".
Tiếc rằng, chỉ đạo đúng đắn này của Phó thủ tướng đã không được thực hiện một cách triệt để. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm 2006 cả nước có 104 trường đại học (không kể cao đẳng) thì đến năm 2010 đã có 149 trường đại học, số sinh viên (SV) từ 1.016.276 lên 1.358.861 SV, và số giảng viên (GV) từ 34.294 lên 45.961. Tức là trong vòng một kế hoạch năm năm, vẫn kịp có thêm 45 trường đại học mới mở (tăng gần gấp rưỡi), quy mô vẫn phát triển mạnh mẽ.
Nghị quyết 14-2005/NQ-CP về "Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020" đề ra chỉ tiêu cần đạt tới: trong năm 2010 là trên 25% GV đại học có trình độ tiến sĩ, và năm 2020 - trên 35% có trình độ tiến sĩ. Nhưng, nếu năm 2006 có 5.744 tiến sĩ trên tổng số 34.294 GV, tỷ lệ là 16,75%, thì đến năm 2010 có 6.448 tiến sĩ trên tổng số 45.961 GV, tỷ lệ chỉ còn 14%. Như vậy, chỉ tiêu về chất lượng người thầy mà nghị quyết mong muốn đạt được ở năm 2010 đã chưa hoàn thành, nếu không muốn nói là tình hình còn xấu đi.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường đại học mới phải đáp ứng được yêu cầu có ít nhất 30% GV cơ hữu. Bao nhiêu trường đạt yêu cầu này? Đấy thực sự là một ẩn số. Nhiều trường cố gắng "vơ bèo gạt tép" ghi tên vào danh sách cơ hữu hầu hết GV trẻ có trình độ mới tốt nghiệp đại học, hoặc nếu GV có trình độ tiến sĩ, thì nói vui theo TS Thái Bá Cần, thuộc ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong một cuộc họp là: "Nếu Bộ cất công rà soát, có thể phát hiện ra nhiều trường hợp một ông cùng lúc có thể cơ hữu đến vài ba trường".
Ảnh minh họa: pgdcamle.edu.vn
Thủ tướng Chính phủ ngày 27-7-2007 cũng đã ký quyết định số 121/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020" của Bộ GD-ĐT, trong đó mục tiêu quy hoạch đến năm 2010 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất một khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có một trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Tiếc rằng, đến nay đã giữa năm 2011 vẫn chưa thấy trường đại học nào công bố chính thức có lĩnh vực đào tạo nào đạt đẳng cấp được quốc tế.
"Yếu, đừng mơ ra gió"!
Trong lúc dư luận xã hội ồn ào tranh cãi và "mơ" về những đại học Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, thì người thầy vẫn lặng lẽ làm công việc "đưa đò cho trò sang sông" với bao khó khăn vây bủa.
Ai cũng biết chất lượng đội ngũ giảng viên quyết định cơ bản chất lượng đào tạo. Cho dù hệ thống giáo dục và phương thức giáo dục đã thay đổi nhiều so với trước đây thì quy luật "thầy giỏi kéo theo trò giỏi" vẫn luôn có giá trị. Nhìn về người thầy dạy đại học hôm nay, chúng ta thấy gì?
Trong khi chuẩn trung bình quốc tế tỷ lệ GV/SV là 1/15 - 1/20, còn đại học Việt Nam năm 2006, tỷ lệ GV/SV là 1/29,6, thì đến 2010 tỷ lệ này là 1/29,5. Tức là sau năm năm với bao nỗ lực, ngành GD-ĐT vẫn chưa cải thiện nổi về số lượng người thầy. Nếu nhìn trên thực tế, số GV trực tiếp tham gia giảng dạy còn thấp hơn số trên văn bản giấy tờ, bởi hàng loạt GV trình độ thấp (cử nhân hoặc thạc sĩ) của các đại học đã tham gia vào "chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ" ở trong và ngoài nước. Xa hơn, một báo cáo giám sát của Quốc hội năm 2009 đã chỉ rõ: từ năm 1987 đến 2009, số SV cả nước tăng 13 lần, nhưng số GV chỉ tăng ba lần. Như vậy, không cần so sánh với ai, chỉ "ta" hôm nay so với "ta" trước đây, cũng thấy sự tụt hậu về người thầy, chất lượng giảng dạy sẽ ra sao!?
Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp I đã phải "kêu" rằng các trường khó đạt chuẩn là do đội ngũ GV quá thiếu. Ông dẫn chứng từ thực tế của trường: Tốc độ phát triển bình quân đội ngũ GV của trường chỉ bằng khoảng 1/10 so với tốc độ phát triển số lượng SV, theo chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Chính việc thiếu hụt GV đã khiến không ít thầy cô phải dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định chuẩn là 280 tiết/năm. Bên cạnh thực trạng thiếu GV, cộng thêm bức bách về đời sống, đã đẩy người thầy vào tình cảnh "dạy ngày không đủ, tranh thủ dạy đêm".
Nhìn một cách cơ học ở góc độ bằng cấp như đã nói ở trên, từ tỷ lệ có 16,75% GV đại học Việt Nam có trình độ tiến sĩ vào năm 2006, thì đến 2010, tỷ lệ này xuống còn 14% - trong khi tỷ lệ trung bình ở các đại học phương Tây là 70% GV đại học là tiến sĩ. Một khoảng cách quá xa với quốc tế, chúng ta còn có thể nói gì nữa về một chất lượng đại học có đẳng cấp.
TS Nguyễn Thu Trang, ĐH Phú Yên cho biết: Năm 2008, ĐH Phú Yên vỏn vẹn chỉ có ba tiến sĩ. Năm 2009 tăng thêm hai và năm 2010 đã tăng thêm ba. Bề ngoài có thể thấy đây là sự tiến lên dễ dàng nhưng để giữ được tốc độ này và để đạt tới con số 25% tiến sĩ như Nghị quyết14-2005/NQ-CP đề ra là điều cực kỳ gian nan.
Điều đáng ngạc nhiên là, các trường đại học tuyển nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ trong nước ngay trong đội ngũ GV cũng rất khó khăn. Tại Hội nghị thường niên 2010 của khối ĐHQG TP.HCM, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, trong những năm qua, khối các trường trong ĐHQG xảy ra tình trạng luôn thiếu chỉ tiêu nghiên cứu sinh (NCS) làm luận án tiến sĩ.
Trong năm 2008 chỉ tuyển được 80 chỉ tiêu NCS làm tiến sĩ, năm 2010 đề ra 180 chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ người. PGS-TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng trăn trở: "Năm 2010 trường có 250 thầy cô/tổng số 900 cán bộ giảng dạy tham gia làm NCS nhưng đều ở nước ngoài. Các lý do "ngại" làm tiến sĩ trong nước đều do vấn đề kinh phí, cơ chế quản lý cũng như điều kiện làm việc khó khăn". Những trở ngại trên nằm trong tầm tay tháo gỡ của chính Bộ GD-ĐT, nhất là khi đã có Quyết định 911/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt "đề án đào tạo GV có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020" - vậy mà vì sao vẫn bế tắc!?
Với môi trường đại học - cái nôi sản sinh ra kiến thức cho nhân loại - vai trò của người thầy không chỉ là nhà giáo mà còn phải là nhà khoa học, và chính thông qua các công trình nghiên cứu, người thầy sẽ có điều kiện nâng chất lượng bài giảng của mình. Theo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GD-ĐT), hiện nay chỉ có khoảng 28,4% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. So sánh về năng suất khoa học giữa đại học Việt Nam và đại học của Thái Lan sẽ thấy: Số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế năm 2009 của Việt Nam là 959 bài, chỉ bằng 21% số bài của Thái Lan (4.527 bài). Chẳng những thế, tỷ lệ tăng trưởng của đại học Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. So với năm 2005, con số bài báo khoa học từ Thái Lan tăng gần gấp hai lần, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng khoảng 75%.
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động thiết yếu, nếu không muốn nói là số 1 của một đại học đẳng cấp quốc tế. Vậy mà, đại học Việt Nam lại quá yếu về lĩnh vực này. Phải chăng giấc mơ "đẳng cấp" của đại học Việt Nam quá lãng mạn!
  Dạy sử, "không thể nấu sỏi và nước lã thành súp"
Thực tế cuộc sống dạy ta rằng 1 khi người ta cứ nhăm nhăm định "giáo dục" một cái gì đó thì biện pháp ấy chỉ thường phản tác dụng. Món giáo dục không nên bắt... ăn sống.
Không thể nấu sỏi và nước lã để thành... súp
Vẫn như mọi khi, sau "sự cố" hàng nghìn thí sinh được điểm không (0) môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2011, người ta quay ra đổ lỗi cho cách dạy của thày cô, cách học của học sinh, thái độ xã hội với môn này.... và phê phán luôn Bộ Giáo dục.
Chúng ta hãy bình tĩnh điểm lại từng vấn đề xem sự cố đó từ đâu đến và nó có đến nỗi gây hoảng loạn hay không. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là từ thí sinh, những người trực tiếp nhận sự giáo dục về lịch sử. Trên các trang web đã có khá nhiều ý kiến của thí sinh và những người quan tâm, tôi xin không nhắc lại.
Đổ lỗi cho người dạy là không công bằng. Bài hát dở về lời, hỏng về nhạc thì ca sĩ dù có xoay xở biến báo đến mấy thì cũng không thể hát hay được. Về vai trò của người dạy, ai đó đã ví người dạy như người nấu món ăn. Thực phẩm để chế biến chỉ có vậy thì làm sao nấu ngon? Đầu bếp tài hoa đến mấy cũng không thể nấu sỏi và nước lã thành món súp thơm ngon được cho dù đổ thêm bao nhiêu gia vị. Đừng đổ tại người dạy.
Tại ai? Tại truyền thông Nhà nước!
Có người cho rằng thanh thiếu niên không thích học môn lịch sử? Sai! Có rất nhiều thiếu niên, thanh niên  tôi được biết, vẫn rất thích đọc những cuốn như "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Dã Tượng", "Danh nhân đất Việt", "Sao Khuê lấp lánh" ... Dã sử như thế không phải về lịch sử nước nhà sao?
Không những thế, thanh thiếu niên ngày nay còn có điều kiện quan tâm đến lịch sử các nước khác một cách không khó khăn. Qua Internet, qua phim ảnh, tiểu thuyết... họ biết được sự thật về khá nhiều sự kiện lịch sự trên thế giới và trao đổi lại với thế hệ cha anh họ để hiểu cho đúng. Như vậy, không thể nói thanh thiếu niên thờ ơ với lịch sử. Họ quan tâm đến lịch sử đấy chứ!
Nhưng muốn sử đến với người đọc, các sự kiện không chỉ được chép một cách khô khan trong sách giáo khoa. Người lớn phê phán thanh thiếu niên thuộc sử Tàu hơn sử ta. Có thể là như vậy. Nhưng do ai? Câu trả lời đơn giản: Do truyền thông Nhà nước. Vì mục đích gì? Câu trả lời lại càng đơn giản: Vì tiền.
Trên hệ thống truyền thông (tất nhiên là Nhà nước), phim Tàu, phim Hàn Quốc chiếu tràn lan ở tất cả các kênh từ Trung ương đến các tỉnh thành. Do có quá nhiều đài (mỗi tỉnh ít  nhất có một), không có nội dung nên dễ nhất là chiếu phim cho không.
Ai cũng biết các phim Tàu/Hàn Quốc cho không chỉ là thứ hàng "mua 1 tặng 2" hoặc "không mua cũng tặng" để tuyên truyền và quảng cáo hàng hóa (Âu-Mỹ gọi loại này là "phim xà phòng" - tức là để quảng cáo bán xà phòng). Lợi nhuận thu từ quảng cáo rất lớn trong khi đầu tư thiết bị, .. lại là tiền... nhân dân.
Lịch sử phải là khoa học
Nếu học sinh không thích học môn lịch sử thì tại sao? Những lý do cho rằng cuộc sống hiện đại có nhiều lựa chọn hơn, chỉ đúng một phần. Có cả nghìn nguyên nhân nhiều người đã nhắc đến tại sao học sinh không muốn học môn lịch sử. Nhưng có 1 nguyên nhân căn cốt lại lảng tránh. Thực sự chúng ta lâu này đã dạy môn lịch sử theo đúng nghĩa của từ này cho học sinh chưa? Đó là sự trung thực trong các tư liệu lịch sử, trong đó có sách giáo khoa lịch sử.

Nếu học sinh không thích học môn lịch sử thì tại sao?
Thời còn là học sinh, chúng tôi được dạy rằng giáo dục XHCN phải làm tròn nhiệm vụ cao cả là công cụ phục vụ cho ý thức hệ XHCN. Môn lịch sử lại càng được tận dụng làm công việc này. Những ai quan tâm đến giáo dục nói chung và môn lịch sử nói riêng từ lâu đều biết nó "không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học ..."
Nhưng rất tiếc, cho đến nay môn học này ở nước ta đã và đang thực hiện cái trách nhiệm không thuộc thiên chức của nó. Một khi nó được dùng làm công cụ tuyên truyền chính trị, nó sẽ mất đi cái tính chất cốt tử của nó là tính trung thực. Và chừng đó môn lịch sử vẫn không được học sinh yêu thích, xứng đáng là một khoa học và nó sẽ chịu mãi số phận như hiện nay.
Tuy nhiên, ta cần đánh giá đúng vị trí và tầm quan trọng của môn học này. Có một số người tự huyễn hoặc cho rằng môn học của mình là "quan trọng nhất", hoặc "khoa học của mọi khoa học". Chẳng có môn nào là quan trọng NHẤT cả. Con người cần nhiều tri thức và kỹ năng khác nhau để hoàn thiện mình.
Lại có những ý kiến của một số nhà làm sử cường điệu tầm quan trọng của chuyên ngành mình rằng "không biết sử, không thành người". Xin thưa, để thành NGƯỜI với nghĩa đầy đủ, người ta cần rất nhiều thứ khác nữa, chứ không phải chỉ biết sử, nhất lại là sử sách.
Thiên chức muôn thưở của khoa học lịch sử là ghi chép lại những gì đã xảy ra một cách trung thực, chứ không đòi hỏi sự sáng tạo nào. Còn người ta dùng các ghi chép đó hoặc "tra chuôi, tra cán" cho nó phục vụ mục đích gì lại là chuyện khác.
Lỗi của ai?
Có ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục làm chương trình, tổ chức biên soạn sách giáo khoa không tốt, phương pháp dạy không hấp dẫn,... Xin thưa, Bộ Giáo dục chưa phải là cơ quan tối thượng quyết định nội dung chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử. Nhưng đến khi có "sự cố", chính những người tham gia quyết định nội dung chương trình lại là những người phê phán chương trình mạnh mẽ nhất.
Mọi tài liệu lịch sử, trong đó có sách giáo khoa ở trường học, đều nhằm cung cấp cho người đọc và người học những cứ liệu về sự kiện... có thực xảy trong qua khứ, để từ đó tìm ra những gì có tính quy luật. Biết hôm qua để biết ngày mai. Biết cái hay để phát huy, biết cái dở để tránh. Nhưng điều đó chỉ có giá trị khi những ghi chép về lịch sử của ngày hôm qua được truyền cho thế hệ sau phải công bằng và trung thực.
Người sau may ra, chỉ là may ra thôi, có thể tránh được cái sai của người trước nếu cái sai đó được nói thật ra. Cái hay của quá khứ chỉ khi được nói đúng mức, mới không khiến người đi sau mù quáng lao theo cái giá trị ảo được quá tô hồng.
Ngày xưa vua chúa phong kiến còn có quan chép sử được làm việc tương đối độc lập. Những gì họ chép, vua chúa thậm chí cũng không được biết, và họ chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra. Có như vậy, những gì truyền cho hậu thế còn có thể gọi là sử. Sử khác với văn là văn được hư cấu còn sử thì không được phép.
Nếu người đọc tài liệu lịch sử quay lưng, người học học đối phó thì những nhà làm sử và dạy sử cần phải xem lại chính mình trước khi phê phán học sinh.
Người viết bài này không biện minh cho việc không thuộc sử nước nhà. Nhưng, cực đoan đến mức cho rằng "không thuộc sử nhà là không yêu nước" là quan điểm chụp mũ. Thuộc sử nhà chưa chắc đã yêu nước. Ngược lại, không thuộc sử không đồng nghĩa với không yêu nước. Yêu nước phải được thể hiện bằng hành động.
Thử hỏi bao nhiêu liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước này thuộc sử nước nhà? Thử hỏi bao nhiêu người lao động một nắng hai sương xây dựng đất nước thuộc sử nhà? Nhưng chính những con người đó, có khi chưa bao giờ biết đến cuốn sách giáo khoa lịch sử, lại là những người mà lịch sử dân tộc đã thấm vào tận huyết mạch.
Hơn nữa, ta không nên đồng nhất sử nước nhà với chương trình và sách giáo khoa lịch sử. Sử nước nhà không chỉ là sách giáo khoa, mà sách giáo khoa lịch sử không hẳn là lịch sử nước nhà.

Màn ảnh tràn ngập phim truyền hình Trung Quốc
Môn Lịch sử trong thời đại thông tin
Không còn như trước nữa, ngày nay người học và người đọc không chỉ có sách giáo khoa là nguồn duy nhất. Bộ môn Lịch sử của nước nhà đã không theo kịp tiến bộ xã hội loài người, mở ra cho mọi người cơ hội được tìm và hiểu. Khi có những mâu thuẫn về thông tin, người đọc và người học có quyền hoài nghi. Và một khi họ hiểu đúng sự thật thì những gì mà tài liệu lịch sử đưa ra không đúng sẽ hết giá trị hấp dẫn.
Trong thời đại thông tin không còn là lĩnh vực độc quyền, ta thử hỏi sách giáo khoa lịch sử viết cho học sinh đã viết đúng về các sự kiện chưa? Từ chuyện nhà đến chuyện người như Chiến tranh Triều Tiên, vai trò của các bên tham gia Chiến tranh Thế giới thứ 2 chống Phát-xít, ... viết đã đúng chưa?
Nếu tôn trọng lịch sử là một khoa học, những người viết sử phải loại bỏ được cái não trạng "Yêu nên tốt, ghét nên xấu", "cười thuê, khóc mướn". Vì cái đó tự nó sẽ mâu thuẫn với thực tế có thể kiểm chứng. Cứ xem ngôn từ được sử dụng trong sách giáo khoa khi viết về "phe ta" và "phe địch" thì rõ. Giữ mãi não trạng đó chỉ làm cho môn Lịch sử càng bị xa lánh dưới ánh sáng mặt trời. Thái độ đó không phải thái độ của người làm khoa học; viết sử như thế là tự giết môn Lịch sử.
Hãy đặt mình vào địa vị của thí sinh
Các thày cô ra sức phê phán học sinh thờ ơ với môn Lịch sử. Xin các vị hãy đặt mình vào địa vị của thí sinh ngày nay. Trước một lựa chọn khó khăn, một là theo ngành sử (nếu thi đậu) để sau khi ra trường cầm tấm bằng "đỏ" ngồi đợi "đến Tết" không đến lượt mình xin được một chỗ làm nếu không có người thân là quan chức hay không có tiền chạy chọt.
Ngày xưa vua chúa phong kiến còn có quan chép sử được làm việc tương đối độc lập. Những gì họ chép, vua chúa thậm chí cũng không được biết, và họ chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra. Có như vậy, những gì truyền cho hậu thế còn có thể gọi là sử. Sử khác với văn là văn được hư cấu còn sử thì không được phép.
Nếu người đọc tài liệu lịch sử quay lưng, người học học đối phó thì những nhà làm sử và dạy sử cần phải xem lại chính mình trước khi phê phán học sinh.
Hai là chọn ngành khác vừa được học, vừa được làm việc để nuôi sống bản thân và phục vụ xã hội. Thử hỏi các thày cô ở trong địa vị đó, các thày cô lựa chọn con đường nào? Có thực mới vực được đạo, cha ông ta dạy rồi.
Bao nhiêu thầy dạy lịch sử cho con mình theo ngành lịch sử của mình? Rất ít. Tôi có mấy người quen dạy lịch sử ở đại học. Một ông bạn có 2 con theo ngành tài chính kế toán. Ông thích lắm vì các con ông có thu nhập cao, thỉnh thoảng biếu ông tiền tiêu vặt. Một ông bạn có 3 con thì 1 đứa theo ngành toán tin làm cho một hãng nước ngoài, 1 theo ngành ngoại ngữ làm cho một tờ báo, còn 1 theo ngành thương mại buôn bán ô tô, thỉnh thoảng lại chở ông bà về thăm quê. Nhưng các ông bạn này rất hay phàn nàn tại sao học sinh không thích học môn Lịch sử của ông.
Xét quan hệ dạy-học-thi, ta thấy lẽ thường là thi cử có tác động ngược trở lại việc dạy và học - thi gì học nấy. Nhìn vào đề thi sử của các năm gần đây, ta không thấy mảy may bóng dáng lịch sử nhiều nghìn năm của dân tộc ở đâu. Dường như lịch sử nước nhà chỉ bắt đầu từ những năm 1930 (xem đề thi các năm từ 2006 đến 2011).
Cho nên, có học sinh nhầm Lý Thường Kiệt là một đồng chí được Hồ Chí Minh giác ngộ cách mạng. Đó là chuyện kỳ quặc nhưng không làm tôi ngạc nhiên. Vì cái gì được nhắc đến quá nhiều ắt sẽ át những cái ít được nói đến. Một lần tôi hỏi 1 thầy dạy sử là tại sao đề thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử của các thầy không bao giờ hỏi đến các bậc tiền nhân như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, vv... Câu trả lời tôi nhận được là "Lê Lợi, Nguyễn Trãi ... xưa quá rồi, ai chẳng biết", "vả lại Bộ yêu cầu đề thi chỉ ra trong chương trình cuối cấp"!?
Đề thi môn Lịch sử dành cho học sinh THPT mấy năm nay chỉ xoáy vào 1 phần vô cùng nhỏ trong lịch sử nhiều nghìn năm của dân tộc: Giai đoạn từ 1930 - thực chất là lịch sử gắn với Đảng CSVN - việc mà Viện Lịch sử Đảng lâu nay đã làm.
Ta không nhớ đến cha ông mình thì sao mong con trẻ nhớ đến chúng ta! Chẳng cần đợi đến tương lai, nay chúng ta đã được ăn "tên lửa" rồi đó.
Hãy thay da đổi thịt cho môn Lịch sử
Nếu muốn môn lịch sử thành một môn bắt buộc trong các kỳ thi, trước hết phải "thay da đổi thịt" cho nó, bằng không việc đó lại là hành động khiên cưỡng áp đặt mới chồng lên sự áp đặt cũ. Hậu quả của áp đặt đã nhãn tiền: Áp đặt ắt sẽ dẫn đến dạy-học đối phó, chiếu lệ và gian lận trong thi cử. Còn một khi nó đã có sức hấp dẫn rồi, khỏi cần "bắt buộc".
Thực tế cuộc sống dạy ta rằng 1 khi người ta cứ nhăm nhăm định "giáo dục" một cái gì đó thì biện pháp ấy chỉ thường phản tác dụng. Món giáo dục không nên bắt ăn sống.
Nếu nói cần phải có cuộc cách mạng cho môn Lịch sử cũng đúng. Những thay đổi vá víu không mang lại hiệu quả.
Chúng ta đang loay hoay sửa những cái sai nho nhỏ thành những cái đúng nho nhỏ trong cả một cái sai lớn. Điều này đúng cả với môn Lịch sử.

"Phục hưng" khối C bằng cách nào?

Một xã hội văn minh đến đâu nhưng không có sự phát triển hài hòa về văn hóa thì cũng là một xã hội phát triển khập khiễng.
"Sầu ngữ" dành cho khối C
Năm nay là một năm đáng buồn dành cho khối C khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối này trong kỳ tuyển sinh ĐH 2011 ở một số nơi là con số 0 to tướng và tròn trĩnh! Ế ẩm, thưa vắng, teo tóp, không thu hút, lao đao, giảm bất thường, mất giá, đáng báo động rồi... "báo động đỏ" mới chỉ là một phần của các sầu ngữ dành cho khối C!
Vì đau lòng, vì trăn trở về vấn đề này nên đã có nhiều bài báo được viết ra. Nhiều hội thảo được tổ chức (như Hội thảo "Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành KHXH và Nhân văn" do ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 30/3/2011) nhưng vẫn còn đó một nỗi lòng canh cánh: Năm sau khối C sẽ thế nào? Có thể phục hưng khối C, một cái chân trụ trong cái thế kiềng 3 chân đã từng vững chãi của nền giáo dục nước nhà được không?
Đã qua rồi cái thời ở nước ta người già biết ngâm Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, hát cải lương, kể chuyện cổ tích, thanh niên biết nhảy sạp, biết thơ ca hò vè, biết Nam Quốc Sơn Hà và trẻ con biết ê a con chữ. Lúc đó, ông Cao Bá Quát nói khắp thiên hạ rằng, bụng đầy bồ chữ thì được tôn lên hàng Thánh. Và các ông Nghè, ông Cử sau 10 năm đèn sách, sôi kinh nấu sử thì trở thành phụ mẫu chi dân, được xã hội trọng vọng.
Còn trước Đổi mới, dù học lực thế nào thì các cử nhân xã hội nhân văn, thậm chí các ông nông dân mới học xong bình dân học vụ vẫn có thể dễ dàng kiếm được việc ở một cơ quan hành chính hàng huyện, hàng tỉnh. Cơ chế quan liêu bao cấp tạo ra sự thuận lợi cho khối C sống được, thậm chí sống tốt. Còn bây giờ trọng vọng của xã hội dành cho cử nhân khối C ra sao?
Chiếc hộp của công chúa Thủy tề
Nhìn cuộc sống dưới lăng kính thực tiễn, chúng ta sẽ thấy con tàu phá băng mang tên "toàn cầu hóa" đã và đang chạy khắp thế giới với tốc độ sản sinh bằng năng lượng nguyên tử. Mũi khoan của nó đã đục thủng, phá vỡ biết bao các bức tường tư tưởng mang trong đó sự cầu an, thủ phận, trì trệ, giáo điều và chỉ để lại cho nhân loại một điều duy nhất: Niềm hy vọng của chiếc hộp Pandora!
Vì chỉ còn niềm hy vọng nên ngày nay con người phải là con người toàn diện: Phải biết táo bạo, phải thực sự năng động, phải có đam mê sáng tạo, phải bản lĩnh trước mọi thử thách, phải biết mọi điều cần thiết để tồn tại.
Đáng tiếc là các cử nhân theo học khối KHXH và NV lại không được đào tạo như thế. Bởi vì quá ít thực hành, tiếp xúc thực tế, va chạm cuộc đời nên họ thường lãng mạn, nhìn đời toàn màu hồng. Do đó, họ luôn lầm tưởng những chiếc hộp cuộc đời luôn đẹp đẽ và sẽ có biết bao cơ hội đang dang tay chờ sẵn họ phía trước.
Suy nghĩ này cũng giống chàng ngư dân được công chúa Thủy tề ban cho chiếc hộp trong truyện cổ tích Nhật Bản. Chiếc hộp bề ngoài rất đẹp nên chàng ngư dân cứ nghĩ là trong hộp có nhiều vật giá trị, sẽ được giàu có sung sướng khi mở nó ra. Nhưng thực ra trong hộp là thứ thuốc làm cho con người già nua và phải sống cô độc khi cảnh vật và con người xung quanh đã thay đổi gần mấy trăm năm!

Tân cử nhân trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Báo giáo dục
Cho nên, khó có sinh viên khối KHXH và NV nào dám mở chiếc hộp Pandora để táo bạo trong hy vọng. Và không táo bạo trong hy vọng thì mãi mãi chúng ta chỉ nhìn thấy con tàu "toàn cầu hóa" đi qua chứ không đặt chân lên được nó.
Khối KHTN, khối Kinh tế và khối Ngoại ngữ đã biết đi tắt, đón đầu rất thành công đối với con tàu thế kỷ này và ai cũng sẵn sàng mở chiếc hộp Pandora để trải nghiệm cuộc đời. Vậy làm gì để sinh viên khối KHXH và NV tự mình mở được chiếc hộp Pandora. Để từ đó tác động ngược trở lại tâm lý của thí sinh, giúp thí sinh hiểu được khối C cũng phù hợp và quan trọng đối với tương lai của bản thân?

"Phục hưng" khối C bằng cách nào?
Một là, cần tạo dựng sự nhận thức đúng đắn cho sinh viên về vị trí, vai trò của khối KHXH và NV đối với sự phát triển của xã hội. Bởi Văn, Sử, Địa tự bản thân nó có một vai trò rất to lớn. Một xã hội văn minh đến đâu nhưng không có sự phát triển hài hòa về văn hóa thì cũng là một xã hội phát triển khập khiễng.
Chăm lo đời sống tinh thần trên nền tảng vật chất vẫn là trách nhiệm của những nhà thơ, nhà văn, những cán bộ bảo tàng, nhà hoạch định chính sách xã hội... và vẫn cần có 1 thế hệ kế thừa, hoặc bổ sung tương xứng, giúp cho xã hội luôn giữ được thế cân bằng và phát triển đồng đều.
Hai là, cần tạo điều kiện để sinh viên khối KHXH và NV có nhiều cơ hội va chạm với thực tiễn hơn. Cũng như tạo dựng được những công ăn việc làm tương xứng với nhu cầu của xã hội. Khó có thể cống hiến khi công việc không phù hợp chuyên môn đào tạo. Thậm chí khó có thể cống hiến, dù học lực bản thân giỏi nếu cơ quan có nhu cầu tuyển dụng hoặc nơi tuyển dụng lại thuộc dạng ưu tiên người quen, người có tiền chạy chọt.
Một cử nhân khối KHXH và NV ra trường sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc khi mình được phát huy khả năng chuyên môn mặc dù công việc có phần trái ngành, vất vả và thu nhập có thể sống được. Nếu họ nhìn thấy thực tiễn tuyển dụng công bằng, có cơ hội tìm được việc làm, thì nền giáo dục nước ta mới có cơ hội phục hưng niềm tin của thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm sau.
Ba là, cần hạn chế bớt hiện tượng lan tràn các hình thức đào tạo đại học từ xa, đại học tại chức, đại học liên kết trong nước. Và nên mạnh dạn không công nhận văn bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ không đảm bảo chất lượng ở nước ngoài, do những cơ sở ĐH được chứng minh là ĐH "dởm" cấp.
Bốn là, cần phải biết quan tâm nhiều hơn năng khiếu của cá nhân sinh viên để sinh viên có cơ hội định hướng nghề nghiệp sau này. Bởi không phải cứ học văn ra là làm nhà văn, nhà thơ, học sử ra là làm bảo tàng, viện nghiên cứu, học địa ra là làm địa chính... Mà sinh viên có thể làm giáo viên, nhà báo, nhà hoạch định chính sách và các công việc phù hợp khác.
Một cử nhân khối KHXH và NV ra trường sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc khi mình được phát huy khả năng chuyên môn mặc dù công việc có phần trái ngành, vất vả nhưng thu nhập có thể sống được. Nếu họ nhìn thấy thực tiễn tuyển dụng công bằng, có cơ hội tìm được việc làm, thì nền giáo dục nước ta mới có cơ hội phục hưng niềm tin của thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?