Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Người Trung Quốc buồn vì Mỹ 'mất giá'

Không chỉ người Mỹ bị sốc khi Mỹ bị hạ bậc đánh giá tín dụng, nhiều người Trung Quốc cũng chung cảm xúc tương tự. Họ đang hướng sự chỉ trích vào chính phủ Trung Quốc.

Việc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor hạ bậc khiến Mỹ mất danh hiệu vàng AAA lần đầu tiên trong lịch sử đã gây ra cơn hoảng sợ trên khắp các thị trường hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới.
Các trang web của Trung Quốc cuối tuần qua tràn ngập những lời chỉ trích về công tác quản lý của Bắc Kinh đối với dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc - một chủ đề trước đây rất ít thu hút công chúng. Sự háo hức của người dân, muốn đóng góp vào câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ ở Trung Quốc với vai trò là người tiêu dùng, đã bị dập tắt bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc hôm qua sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại rằng những sự kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu sẽ làm suy giảm khả năng xuất khẩu của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 3,78% và đây là mức giảm sâu thứ ba ở châu Á hôm qua, chỉ sau Đài Loan và Hàn Quốc.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc sụt giảm mạnh hôm qua do các nhà đầu tư lo ngại những sự kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu sẽ làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc, giống như mặt hàng may mặc tại một nhà máy ở tỉnh An Huy. Ảnh: NY Times
"Xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ xuống một bậc, tại sao chúng ta phải trở thành nạn nhân lớn nhất?", một cá nhân viết trên mạng xã hội Sina Weibo rất phổ biến ở Trung Quốc. "Trung Quốc luôn cúi đầu trước Mỹ. Khi nào thì Trung Quốc mới ngẩng đầu lên được và gạt sang một bên sự lo ngại triền miên trước các phản ứng từ Mỹ!".
Nhiều bài viết trên mạng Internet cũng mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc tương tự và thắc mắc rằng về việc chính phủ đầu tư đến một nửa trong tổng dự trữ trị giá 3,2 nghìn tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Mức này vượt xa con số của các nền kinh tế khác trên thế giới.
Một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất xuất hiện trên mạng, sau đó biến mất ngay, có nội dung: ""Những nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc muốn người khác tiêu tiền của người dân hơn là để người dân tự tiêu tiền của mình". Tuy nhiên những người chỉ trích hầu như chỉ bày tỏ nỗi bực bội vì lòng tự tôn bị tổn thương, chứ không đưa ra được giải pháp thay thế nào.
Dù những người viết chỉ trích trên mạng Trung Quốc có nhận ra hay không, nhưng có một thực tế là Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc chi ra hàng chục tỷ USD mỗi tháng để duy trì tỷ giá thấp và bảo vệ bộ máy xuất khẩu. Mà Bộ Tài chính Mỹ thì chẳng có nhiều công cụ khác ngoài trái phiếu để có thể hấp thu nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc.
Tuy nhiên bộ máy lãnh đạo Trung Quốc không muốn bị công chúng cho là đã dung dưỡng hay ủng hộ các chính sách tài chính của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao gần đây báo chí chính thống của Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là "nghiện vay nợ", và đăng nhiều bài chỉ trích kịch liệt. Trong khi đó ngân hàng trung ương cũng như các định chế tài chính Trung Quốc chưa hề lên tiếng gì về sự tụt hạng tín nhiệm của Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc sáng hôm qua đã cho đồng nhân dân tệ tăng 0,23% so với đồng USD vào sáng hôm qua khi ấn định tỷ giá hàng ngày. Mỹ từ lâu đã ép Bắc Kinh phải tăng giá đồng nhân dân tệ. Mức tỷ giá mới, 6.435 nhân dân tệ so với đồng USD, là bước nhảy vọt lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên đồng nhân dân tệ chỉ tăng 2,5% so với đồng USD vào năm nay. Các nhà kinh tế ở Bắc Kinh và phương Tây hoài nghi về khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một sự tăng vọt của giá trị đồng nhân dân tệ. Việc chi ra đủ nhân dân tệ để nhiều đôla như thế đã đẩy ngân hàng trung ương vào thế đi ngược với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có ý định phát triển kinh tế trong nước.
Các nhà đầu tư đang theo dõi tình hình thị trường tại trung tâm thương mại ở Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: NY Times.
Một chính sách được ngân hàng trung ương thực hiện là nhanh chóng tăng lượng cung tiền tệ cho Trung Quốc. Tăng cung dẫn đến lạm phát nhanh chóng trong giá nhà đất và bắt đầu ảnh hưởng lên hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Cơ quan Thống kê quốc gia cho biết giá cả trong tháng 7 tăng 6,5% so với năm ngoái.
Một chính sách khác của ngân hàng trung ương nước này là yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc, thay vì cho doanh nghiệp vay tiền để làm ăn. Hiện các ngân hàng thương mại Trung Quốc phải để 20% tài sản của mình tại ngân hàng trung ương, tất nhiên là không có lãi. Điều này cho phép ngân hàng trung ương có tiền giá rẻ để phục vụ việc dự trữ ngoại tệ, nhưng đồng thời khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát tiền.
Một blogger cuối tuần qua đã kết luận về sự thất vọng của anh ta như sau: "Người dân Trung Quốc đang làm việc rất chăm chỉ, ngày này sang ngày khác, môi trường kinh tế rất thuận lợi, nhưng đời sống của người dân không tuyệt vời như thế - hóa ra vì chính phủ đang thắt lưng buộc bụng người dân để cho Mỹ vay tiền".

Lần đầu tiên Mỹ rớt hạng tín nhiệm

Lần đầu tiên trong lịch sử, một trong những hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard & Poor's (S&P's) đã "tước" điểm ưu AAA và dành cho Mỹ mức AA+ với mối quan ngại về thâm hụt ngân sách.

 

S&P's cho rằng chính sách giảm thâm hụt ngân quỹ do Quốc hội Mỹ thông qua hôm thứ 3 không đủ sức thay đổi tình hình. "Chính sách "cận kề cuộc chiến" trong mấy tháng gần đây nhắc chúng ta rằng các nhà lập pháp và thành viên Chính phủ đang trở nên kém ổn định và kém hiệu quả hơn những gì mà chúng ta đã tin tưởng trước đây", đại diện S&P's nói.
Standard & Poor's trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm đầu tiên hạ điểm "ông lớn" Mỹ. Ảnh: guardian.co.uk
Washington mất nhiều tháng trời loanh quanh với những tranh cãi trong vấn đề nâng mức giới hạn nợ công. Tối hôm thứ 6 đã xuất hiện tin đồn rằng Mỹ bị hạ mức tín nhiệm, tuy nhiên các quan chức Washington nói với giới truyền thông Mỹ rằng bảng tổng kết của S&P's hoàn toàn không thỏa đáng.
Các nguồn thông tin ẩn danh đã trích dẫn các chuyên gia tài chính và chỉ ra được lỗi phân tích lên tới 2.000 tỷ USD của các nhân viên thuộc S&P's. Phát ngôn viên của Bộ Tài nguyên Mỹ nói: "Bản thân 2.000 tỷ USD này đã đủ để nói nên lời". Ông cũng không đưa bất kì lời giải thích nào thêm.
John Chambers, Chủ tịch hội đồng xét hạng của S&P's, nói với CNN rằng nước Mỹ đã có thể ngăn chặn lần tụt điểm này nếu họ sớm giải quyết vấn đề với Quốc hội. "Điều đầu tiên đáng lẽ ra phải làm là nâng mức nợ trần lên kịp thời, rồi sau đó mới tránh được việc phải đứng ra phản biện và tranh cãi", ông nói.
Tuy nhiên, quyết định của S&P's chẳng tác động nhiều tới tinh thần các thành viên hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, những người luôn dùng điều này để khẳng định chỗ đứng của họ.
Phát ngôn viên của Hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa John Boehner nói việc tụt điểm này là kết quả do kiểu "vung tay quá trán" của chính quyền liên bang gây ra. Ông cũng cho rằng điều này sẽ đe dọa tới thị trường tín dụng. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Harry Reid lại nói động thái trên mở ra cơ hội cho kế hoạch của phe Dân chủ nhằm đạt được cân bằng ngân sách để giảm thiểu thâm hụt.
Thông báo của S&P's đưa ra sau một tuần thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới bấn loạn. Báo chí nhận định việc hạ điểm có thể "gặm mòn" sự tự tin của các nhà đầu tư toàn cầu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đang vật vã chống lại khoản nợ khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp tới 9,1% và những lo ngại về một cuộc suy thoái kép.
S&P's cảnh cáo hạ điểm nếu Mỹ không đồng ý cắt giảm khoản nợ liên bang ít nhất 4.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Thực tế là chính sách do Quốc hội thông qua hôm thứ 3 chỉ tiết kiệm được 2.100 tỷ USD trong thời gian trên. Hãng này cũng lưu ý các đại biểu trong Ủy ban liên đảng vừa được thành lập phải báo cáo lại cho Quốc hội vào tháng 11 kế hoạch hoạt động.
Đạo luật cho phép tăng mức nợ trần lên 16.700 tỷ USD được thông qua hôm thứ 3, chỉ vài tiếng trước khi nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ.
Trong bản báo cáo đưa ra cuối hôm thứ 6, S&P's nói: "Việc hạ điểm phản ánh quan điểm của chúng tôi về kế hoạch tài chính ổn định mà Quốc hội Mỹ và các nhà chức trách thống nhất gần đây. Chúng tôi cho rằng điều này là cần thiết để giữ vững chuyện nợ nần của Chính phủ trong trung hạn. Sâu xa hơn thì điều này phản ánh cách nhìn của S&P's trong vấn đề hiệu quả, ổn định và tương lai của chính sách Mỹ trong thời điểm các thách thức tài chính và kính tế không ngừng gia tăng".
S&P's cũng tuyên bố trong vòng hai năm tới nếu Mỹ không thực hiện được các biện pháp giảm thâm hụt thì hãng sẽ hạ tiếp điểm xuống còn AA.
Hai hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín còn lại là Moody's và Fitch tối hôm thứ 6 cho biết họ không có kế hoạch theo chân S&P's để lôi Mỹ ra khỏi danh sách các đơn vị vay nợ uy tín ngay lập tức.

Bế tắc trong đàm phán về thâm hụt và giới hạn nợ công đẩy Mỹ đứng trước nguy cơ bị đánh tụt hạng tín nhiệm, và sẽ tiêu tốn thêm cả trăm tỷ đôla để trả lãi vay hằng năm.

Tổng thống Barack Obama đã ra lời cảnh báo Quốc hội về nguy cơ Mỹ lâm vào cảnh phá sản nếu giới hạn nợ công không được nâng lên.
Tổng thống Barack Obama đã ra lời cảnh báo Quốc hội về nguy cơ Mỹ lâm vào cảnh phá sản nếu giới hạn nợ công không được nâng lên.
Trước đây, chuyện Mỹ bị tổ chức xếp hạng nào đó hạ bậc tín nhiệm gần như chỉ là điều viễn tưởng. Nhưng nay, bế tắc trong đàm phán về thâm hụt và trần nợ công 14.300 tỷ USD tại Washington đã buộc một số tổ chức phải tính đến kịch bản trên.
Theo một số chuyên gia, thiệt hại của việc Chính phủ liên bang bị hạ xếp hạng tín nhiệm từ AAA xuống AA có thể là hàng tỷ USD do chi phí đi vay sẽ tăng lên. Ngoài ra, người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước còn phải trả hàng tỷ USD nữa cho tín dụng. Đồng thời, nó cũng có thể làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, càng khiến nền kinh tế và tốc độ tạo công ăn việc làm rơi vào trì trệ.
Nhiều chủ ngân hàng tại phố Wall tin tưởng Mỹ sẽ không vỡ nợ vì nếu không, hậu quả đối với cả thị trường và nền kinh tế sẽ vô cùng thảm khốc. Kinh tế trưởng của quỹ đầu tư Pimco là Mohamed El-Erian cho rằng các nhà lập pháp sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công và tránh được vỡ nợ. Song, mức xếp hạng tín nhiệm của họ vẫn rất mong manh.
Nhiều người cho rằng nếu điều đó xảy ra, lợi tức dài hạn của trái phiếu Chính phủ có thể tăng 0,1% lên 0,7%. Điều đó có thể khiến số lãi vay Mỹ phải trả mỗi năm sẽ tăng thêm hàng chục tỷ USD. Hiện tại, Chính phủ Mỹ phải trả lãi khoảng 250 tỷ USD một năm.
Ông Terry Belton – Trưởng bộ phận Chiến lược toàn cầu về tài sản cố định của JPMorgan Chase – cho rằng mức độ gia tăng lãi vay phụ thuộc vào chuyện bế tắc tại Washington kéo dài trong bao lâu. Trong trường hợp xấu nhất, lãi vay Chính phủ Mỹ phải trả có thể tăng 100 tỷ USD mỗi năm.
Còn ông El-Erian nhận định: “Hạ xếp hạng tín nhiệm cũng có nghĩa đồng USD yếu đi, lãi suất gia tăng và niềm tin vốn yếu ớt đối với nền kinh tế bị tổn hại thêm. Điều đó càng làm cho sức tăng trưởng yếu đuối, tình hình tạo công ăn việc làm đang trì trệ lại càng xấu đi.”
S&P cảnh báo nếu Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm thì nhiều lĩnh vực khác cũng bị hạ xếp hạng theo, đội chi phí đi vay lên cao. Trong số những trái phiếu bị xếp ở mức tiêu cực hồi giữa tháng 7 có trái phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac, một số công ty bảo hiểm, 604 giao dịch tài trợ cấu trúc với tổng giá trị 373 tỷ USD khi được tiến hành, và nợ của một vài địa phương.
Theo các cố vấn về kinh tế vĩ mô, trong nửa cuối năm nay, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ có thể giảm xuống 2,6% từ mức 3,2% như dự báo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm có thể lên đến 9,6%, cao hơn dự báo 9,2%.
Hôm thứ hai vừa qua, một số quỹ trợ cấp đã gửi thư lên Tổng thống Obama và Quốc hội cảnh báo hậu quả của nó sẽ lan rộng trên toàn nước Mỹ và tốc độ phát triển kinh tế sẽ chững lại trong hàng năm trời.
Một trong những tổ chức xếp hạng lớn là Standard & Poor (S&P) đã tuyên bố chỉ nâng trần nợ thôi vẫn chưa đủ. Nếu Quốc hội không đưa ra được một kế hoạch đáng tin cậy đối với ít nhất 4.000 tỷ USD tiết kiệm thì Mỹ vẫn có thể bị hạ xếp hạng.

Những chủ nợ lớn nhất của Mỹ

Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu, nhưng đây chưa phải là chủ nợ lớn nhất của "chúa chổm" Mỹ.

Dưới đây là danh sách các chủ nợ lớn nhất của Mỹ theo tổng hợp của Business Insider dựa trên số liệu của Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

18. Hong Kong

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 121,9 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 0,9%

17. Các trung tâm ngân hàng lớn vùng Caribbe

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 148,3 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 1%
Những trung tâm này là: Bahamas, Bermuda, Cayman Islands, Netherlands Antilles, Panama, và British Virgin Islands.

16. Đài Loan

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 153,4 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 1,1%

15. Brazil

Tổng số Trái phiếu Mỹ nắm giữ: 211,4 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 1,5%

14. Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 229,8 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 1,6%
Thuộc OPEC bao gồm: Ecuador, Venezuela, Indonesia, Bahrain, Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Algeria, Gabon, Libya, và Nigeria.

13. Các quỹ tương hỗ

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 300,5 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 2%

12. Các ngân hàng thương mại

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 301,8 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 2,1%

11. Các quỹ hưu trí của bang, của địa phương và của liên bang

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 320,9 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 2,2%

10. Các quỹ hỗ trợ thị trường tiền tệ

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 337,7 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 2,4%

9. Anh quốc

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 346,5 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 2,4%

8. Các quỹ trợ cấp tư nhân của Mỹ

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 504,7 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 3,5%

7. Chính quyền địa phương và các bang của Mỹ

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 506,1 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 3,5%

6. Nhật Bản

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 912,4 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: : 6,4%

5. Các hộ gia đình Mỹ (không bao gồm các quỹ đầu tư)

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 959,4 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 6,6%

4. Trung Quốc

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 1.160 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 8%

2. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Tổng số Trái phiếu Mỹ: 1.630 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 11,3%

1. Các Quỹ An sinh Xã hội

Tổng số trái phiếu Mỹ nắm giữ: 2.670 tỷ USD
Tỷ lệ trong tổng số nợ của Mỹ: 19%
Các quỹ Bảo hiểm tuổi già, bảo hiểm người khuyết tật được phép đầu tư độc quyền những trái phiếu phát hành đặc biệt cho các quỹ An sinh Xã hội. Đây là những loại trái phiếu được giao dịch công khai nhưng chúng vẫn chiếm một phần rất lớn trong tổng số nợ của Mỹ.

Bức tranh kinh tế Mỹ ảm đạm phía sau điểm AA+

Đánh mất điểm ưu AAA về xếp hạng tín nhiệm chưa phải là bản án tồi tệ nhất, nền kinh tế số một thế giới có nguy cơ tụt hạng lần nữa, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái kép trong 12 tháng tới. 

Trong một cuộc họp khẩn vào đêm 7/8, Ngân hàng Mỹ Bank of America cho rằng Standard & Poor's có thể sẽ tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Mỹ ít nhất trong 3 tháng tới. Trong khi đó, bản thân Standard & Poor's (S&P) cũng nhận định Mỹ khó sớm lấy lại điểm AAA.
Hôm 5/8, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị một hãng xếp hạng (S&P) tước mất điểm ưu AAA và tụt xuống AA+.
Chuyên gia kinh tế Ethan Harris thuộc Bank of America cho biết:
Ông Harris cho rằng Mỹ lẽ ra đã không bị hạ điểm nếu như đáp ứng được yêu cầu của S&P's về mức cắt giảm thâm hụt ngân sách 4.000 tỷ USD và đưa ra kế hoạch sử dụng ngân sách hợp lý. Tuy nhiên, mức giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ chỉ là 2.100 tỷ USD.
“Một khi những biến động xấu trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed phải đưa ra gói kích thích kinh tế thứ ba - QE3, thì điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới đồng đôla”, David Woo, trưởng phòng nghiên cứu tiền tệ và lãi suất toàn cầu tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch phát biểu và nói thêm rằng: “Khi đó, giới đầu tư sẽ cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng bởi chính sách tài khóa và sự độc lập của Fed sẽ bị đặt dấu hỏi lớn”.
Các nhà đầu tư dự đoán ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ phải thừa nhận sự trì trệ nền kinh tế trong cuộc họp vào thứ 3 tới của Fed. Mức độ trì trệ của tình hình kinh tế được đánh giá trong cuộc họp này sẽ cho các nhà đầu tư biết bao lâu nữa Fed sẽ đưa ra gói kích thích lần nữa.
Ông Harris dự đoán xác suất kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái là 30% trong 12 tháng tới.
Bộ trưởng Tài chính Geithner:
Bộ trưởng Tài chính Geithner: "Quyết định hạ điểm của Standard and Poor's là hoàn toàn không thỏa đáng". Ảnh: latimes.com
Bên cạnh những lo lắng từ nội bộ nước Mỹ, hôm nay hãng S&P đưa ra nhận xét Mỹ khó có thể lấy lại điểm AAA của mình trong thời gian ngắn bởi hãng này vừa "mạnh tay" hạ điểm hai công ty tài chính nhà đất lớn của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac do "có mối liên quan trực tiếp tới Chính phủ Mỹ". S&P cũng đã hạ điểm của tất cả các đơn vị có dính dáng tới khoản nợ của Mỹ từ AAA xuống AA+
Ngay sau khi bị hạ điểm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã chỉ trích S&P. "Tôi cho rằng S&P đã đưa ra phán quyết không thỏa đáng và họ xử lý công việc theo hướng riêng của họ một cách nghèo nàn, S&P cho thấy mình thiếu trầm trọng các kiến thức tối thiểu về bài toán tài chính cơ bản của Mỹ. Từ đó dẫn tới kết luận hoàn toàn sai lầm", ông nói với NBC hôm Chủ nhật.
Trong buổi họp trực tuyến hôm Thứ 2, ông David Beers, Trưởng bộ phận xếp hạng của S&P nói: "Chúng tôi vẫn cho rằng nguy cơ mất điểm vẫn đang còn, vậy nên tình hình sẽ không khả quan cho lắm. Thật sự thì S&P chưa nhìn thấy chi tiết nào có thể dẫn tới việc Mỹ trở lại điểm AAA sớm cả".
Ông nói thêm: "Nếu giữa hai đảng có được sự nhất trí cao hơn cho những lựa chọn chính sách tài chính trong tầm nhìn trung hạn và chuyển chúng thành những gói kích thích tài chính mạnh mẽ và hiệu quả hơn, thì đây sẽ là hai điều kiện để Mỹ trở lại điểm AAA của mình. Nhưng với tình hình tranh cãi liên miên trong nội bộ cùng các quan điểm bất đồng như bây giờ, thì chúng tôi hiện tại không thấy tia hy vọng nào".
Thị trường Mỹ đi xuống trong phiên giao dịch đầu tiên hôm thứ 2, sau khi S&P chính thức hạ điểm kinh tế Mỹ. Chỉ số Dow Jones rớt 2,4% trong khi chỉ số Nasdaq mất tới 3,2%.
Câu chuyện nợ công cùng với bản án tụt hạng tín nhiệm của Mỹ là một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường vàng nổ tung suốt 3 tuần qua.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?