Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

GIÁO DỤC ở các nước trên thế giới

Dạy công dân kiểu Mỹ: 'Bạn rất quan trọng'

Giáo dục công dân là một nội dung giảng dạy quan trọng trong các trường học ở Mỹ, nhằm mục tiêu xây dựng xã hội công dân, trong đó, mỗi một người công dân thực sự làm chủ bản thân và quốc gia. Sách giáo khoa Giáo dục công dân thường do những học giả biên soạn và rất phong phú. Do đó, giáo viên tại Mỹ có rất nhiều sự lựa chọn giáo trình phù hợp. Dưới đây xin giới thiệu về một cuốn sách Giáo dục công dân do một nhóm giáo sư giáo dục học Trường ĐH Michigan biên soạn.

Phần mở đầu sách Giáo dục công dân trích dẫn câu nói của một triết gia vĩ đại “Hãy hiểu chính bản thân bạn”. Tác giả sách cho rằng nếu muốn làm một công dân tốt, trước hết bạn (You) phải hiểu rõ bản thân mình.

Phần này gồm 4 chương. Chương I bắt đầu bằng câu: “Bạn: một con người”, bàn về “Một con người lành mạnh”, “Bạn và cá tính của bạn”, “Chung sống với người khác”... cho tới “Làm một công dân tốt”.

Chương II là “Bạn: một học sinh”, bàn về “Sự khác nhau về năng lực học tập”, “Cải tiến việc học tập của bạn”, “Tỉnh táo suy nghĩ”.

Chương III là “Bạn: một thành viên gia đình”, bàn về “Các gia đình đều khác nhau”, “Các vấn đề của gia đình”, “Làm một thành viên tốt của gia đình”.

Chương IV là chương “Bạn: một công dân”, bàn về “Chính quyền trong cuộc đời của bạn”, “Lý do phải tồn tại chính quyền”.


Sở dĩ sách Giáo dục công dân mở đầu như vậy là do ngay câu đầu tiên của sách đã nói cho các em học sinh biết rằng: Nhà nước này được “xây dựng trên ý tưởng mỗi một cá nhân con người đều quan trọng cả. Chế độ chính quyền Nhà nước, hệ thống kinh tế, mối quan hệ giữa người với người xây dựng trên ý tưởng đó”. Với tư cách là một con người, một cá nhân, bạn là một yếu tố quan trọng (You are important); cho nên trong chế độ này bạn cần phải được “tự do mua bán và sở hữu, tự quyết định mình làm gì”. Chính quyền chỉ là cơ quan phục vụ bạn mà thôi. “Khi chính quyền là đầy tớ của bạn thì bạn được tự do; khi chính quyền trở thành chủ nhân của bạn thì bạn sẽ như kẻ nô lệ, không còn quan trọng gì nữa”.

Sách còn dạy các em học sinh: Vì “Cá nhân là quan trọng nhất”, nên chính quyền không thể áp đặt ý chí của mình lên các nhà kinh doanh, nhà kinh doanh không thể lừa dối khách hàng, và công đoàn phải đại diện cho lợi ích của mỗi một thành viên công đoàn, vì “Sự tự tôn của mỗi cá nhân là cao nhất”.

Các học sinh biết tự nhận thức bản thân, tôn trọng cá nhân, song đó không có nghĩa là coi cá nhân mình trên hết. Là một cá nhân, không ai hoàn hảo nên tự mỗi người phải nhận thức được và sửa chữa các nhược điểm của mình.

Một công dân tốt thì phải có tính dân chủ. Bàn về dân chủ đưa tới kết luận là chớ nên bắt người khác phải chịu cái gì chính mình không muốn. Bạn không muốn bị thiệt ư? Thế thì bạn chớ có làm người khác bị thiệt.

Do đó các em học sinh phải biết kiềm chế bản thân. “Một công dân tốt là một người giỏi điều chỉnh bản thân mình”, “là một người luôn luôn học hỏi”, “biết suy nghĩ”, dưới tiền đề đó mới là “một người có thể hành động”.

Một công dân tốt là một người trung với đất nước mình. Điều đó nghĩa là bạn phải có thái độ xây dựng chứ không được có thái độ phá hoại: Giả thử chính quyền làm gì sai trái thì bạn phải nghiêm khắc phê bình chính quyền - như thế là bạn mong muốn họ cải tiến công việc; thái độ như vậy của bạn là có tính xây dựng. Giả thử rõ ràng bạn phát hiện thấy Nhà nước đi theo con đường sai lầm mà bạn lại vẫn nói rằng Nhà nước đi đúng đường, đúng lắm - thì đó là thái độ phá hoại.

Với tư cách là một công dân mẫu mực thì “điểm số môn học chỉ có tác dụng rất hữu hạn trong việc đánh giá hoạt động tinh thần”, điểm số cao chỉ đánh giá “thành tích học ở trường” mà thôi, chứ không đánh giá “thành tích cuộc đời của bạn”. “Chỉ số trí tuệ là thứ luôn thay đổi” mà “trí lực là tổ hợp của các năng lực khác nhau”.

Là một công dân mẫu mực thì cần phải nắm được cách “suy nghĩ tỉnh táo”. Tác giả cuốn sách cho rằng biết tỉnh táo suy nghĩ là một trong những phẩm chất cơ bản nhất để làm người công dân tốt. Nếu không biết tỉnh táo suy nghĩ thì dù ban cho bạn quyền dân chủ đi nữa thì bạn vẫn có thể bị người khác chi phối và lợi dụng.





Vậy như thế nào mới gọi là tỉnh táo suy nghĩ?

Trước hết, “sự suy nghĩ của bạn phải dựa trên cơ sở sự thật”. Cho nên một tiền đề vô cùng đơn giản là bạn phải có quyền biết toàn bộ sự thật. Một chính quyền phục vụ xã hội công dân thì phải để cho thông tin tin tức được tự do lưu thông, để cho toàn bộ công dân đều nắm được sự thật. Một xã hội không có tiền đề như thế thì rất khó có các công dân đạt tiêu chuẩn.

Sách còn kiến nghị các học sinh không những biết sự thật mà còn phải “không ngừng nhận thức các sự vật phát hiện mới nhất”; sau khi nắm được sự thật, một người tỉnh táo suy nghĩ “cần phải có thể giải quyết được các vấn đề”.

Sách còn vạch ra cho học sinh thấy các chỗ sai lầm, thấy “dòng suy nghĩ không rõ ràng” mà họ rất dễ rơi vào. Trước hết, không thể có “suy nghĩ nguyện vọng” với khuynh hướng lý tưởng hóa; chẳng hạn không thể trong lòng mong muốn thực hiện một xã hội lý tưởng hóa thì nhận định là xã hội đó chắc chắn sẽ thực hiện được.

Cũng nên tránh “tư duy theo tâm trạng”: mỗi người chúng ta đều có cách nhìn một chiều, chúng ta đều có những việc mình thích và không thích, song ta chớ nên để chúng ảnh hưởng tới suy nghĩ tỉnh táo của ta”, nếu không sẽ khó tránh khỏi đi tới chỗ cực đoan. Những cách suy nghĩ cực đoan ấy “đều sẽ gây thiệt hại lớn nhất cho Nhà nước và xã hội”. Các em học sinh không nên vội vã kết luận sự việc. Suy nghĩ phải xuất phát từ sự thực, tức là nói “chớ nên xuất phát từ quan niệm”, chớ nên xuất phát từ chủ nghĩa mình theo đuổi.

Bạn là những người chồng, người vợ, các bậc cha và mẹ trong tương lai: Làm một thành viên gia đình tốt là cơ sở để làm một công dân tốt. Trong xã hội có nhiều loại gia đình khác nhau, gia đình nào cũng có các vấn đề tồn tại của mình, giải quyết các vấn đề trong gia đình là việc rất không dễ dàng mà hạnh phúc thì tùy thuộc vào cách sống của bạn, vào sự quan tâm và tình yêu của bạn đối với các thành viên gia đình.



Tuy sách Giáo dục công dân không thể giải quyết được những chuyện phức tạp trong cuộc sống mà các trẻ em sau này sẽ phải đối mặt, nhưng nó chuẩn bị tư tưởng cho bạn, bảo cho bạn hiểu rằng “giá trị gia đình” là điều kiện cơ bản của một công dân tốt. Trước khi quan tâm đất nước, xã hội và người khác, cần quan tâm và yêu quý người trong gia đình mình.

Sau cùng cuốn sách mới đưa ra cho các em học sinh khái niệm “tự quản”. Tự quản được xây dựng trên cơ sở mỗi công dân đều có tính dân chủ; cách quản lý bằng quyền lực không phải là sự tự quản dân chủ.


Trong gia đình có vấn đề quản lý gia đình, trong trường học có vấn đề quản lý trường học. Sách khuyến khích các trẻ em: Ngay từ nhỏ các bạn đã có thể thử nghiệm, nắm được cách tổ chức các kiểu đoàn thể quần chúng; trước khi “nhân dân định ra quy chế” thì mỗi cá nhân cần nhận thức và tự hoàn thiện bản thân, dám gánh chịu trách nhiệm; học được cách chung sống bình đẳng với người khác.

Sách Giáo dục công dân nói trên dạy cho bạn biết một cách rất cụ thể về dân chủ. Bạn muốn cải tạo xã hội ư? Trước hết hãy bắt đầu bằng cách cải tạo bản thân mình thành một công dân tốt. Và cuối cùng bạn sẽ thấy sự chuẩn bị (thành một công dân tốt) ấy lại làm cho cuộc sống của bạn và của người khác đều trở nên dễ dàng hơn. Điều đó nhất trí với điểm xuất phát ban đầu, đó tức là: Hạnh phúc của cá nhân là điều quan trọng nhất. Bởi vậy bài học đầu tiên của sách giáo dục công dân là nói về “bạn” (You)


"Chạy đua thành tích là kiểu giáo dục nông cạn"

Nghiên cứu mới đây của Viện Giáo dục Anh phát hiện: kết quả bài thi của học sinh có thể được cải thiện đáng kể nếu các em tập trung vào việc học hơn là vào điểm số.


Ý nghĩa sâu xa của việc học tập đã bị “lãng quên” trong các lớp học khi giáo viên chỉ chăm chăm quan tâm tới kết quả thi cử của học sinh.
Học sinh sẽ có động lực học tập lớn hơn, và có thái độ và khả năng tự lập tốt hơn cũng như tư duy chiến lược hơn khi giáo viên không ám ảnh chúng với điểm số.

Tác giả của nghiên cứu là phó giáo sư Chris Watkins chia sẻ: chính sách của các chính phủ ngày càng khiến giáo viên đi theo hướng lại, khuyến khích họ quá chú trọng vào điểm số của học sinh.

Phó giáo sư Watkins đã phân tích kết quả của hơn 100 nghiên cứu trên thế giới về vai trò của giáo viên trong việc giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất. Ông chỉ ra rằng các bộ trưởng thường đặt giáo viên trước quá nhiều áp lực phải đảm bảo thành tích học tập tốt của học sinh trong các kỳ thi toàn quốc đến mực họ chỉ chú trọng giảng dạy một chiều, hơn là đặt ra những câu hỏi mở để cùng nhau thảo luận.
Việc đặt ra những câu hỏi mở giúp học sinh mở rộng hơn kiến thức đã học và qua đó thể hiện tốt nhất trong kỳ thi.

Ý nghĩa sâu xa của việc học tập đã bị “lãng quên” trong các lớp học khi giáo viên chỉ chăm chăm quan tâm tới kết quả thi cử của học sinh. Các thầy cô thậm chí còn “giảm tải” chương trình học để “giúp” học sinh dễ ôn hơn trước mỗi bài kiểm tra trên lớp và điều này khiến học sinh ít có động lực học tập hơn.

“Quan niệm thành tích học tập tốt có thể là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả học tập thấp hơn mong đợi tại các trường trung học ở Anh. Nếu có điều gì mới chúng ta cần trong hệ thống trường học lúc này, thì đó là việc phải trở lại với ý nghĩa đích thực của việc học tập” - Phó giáo sư Chris Watkins

Trong một nghiên cứu, giáo viên được chia làm hai nhóm: một nhóm được chỉ đạo giúp học sinh chỉ tập trung vào việc học tập, trong khi nhóm kia được chỉ đạo tập trung đảm bảo học sinh thể hiện tốt nhất trên bài thi. Kết quả, nhóm học sinh chịu áp lực thi cử thực tế lại đạt được điểm số thấp hơn những học sinh được chú trọng học tập.

Một nghiên cứu khác chỉ ra, khi giáo viên nhấn mạnh việc học vì kiến thức hơn là vì thành tích thi cử, học sinh của họ cũng có óc phân tích hơn.

Một nghiên cứu sâu hơn áp dụng trên 4.203 học sinh cũng cho thấy thái độ học tập trên lớp của học sinh trở nên tích cực khi giáo viên tập trung vào việc học thực.

Ông Watkins nhấn mạnh: “Quan niệm thành tích học tập tốt có thể là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả học tập thấp hơn mong đợi tại các trường trung học ở Anh. Nếu có điều gì mới chúng ta cần trong hệ thống trường học lúc này, thì đó là việc phải trở lại với ý nghĩa đích thực của việc học tập”.

John Holman - giám đốc Trung tâm nghiên cứu học tập khoa học quốc gia Anh - chia sẻ quan điểm, việc trang bị kiến thức cho học sinh phục vụ mục đích kỳ thi có thể dẫn tới điểm số tốt, nhưng điều này cũng thường ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập lâu dài và thấu hiểu bản chất vấn đề của học sinh.

Ông nói: “Cõ lẽ điều này thể hiện rõ nhất trong các môn khoa học, ở đó việc quá tập trung kiến thức thi cử và kiểm tra sẽ làm cho những khía cạnh học tập quan trọng và đáng quan tâm khác như thực hành bị xao nhãng. Mọi bằng chứng đều cho thấy, chạy đua thành tích là kiểu giáo dục nông cạn và dẫn tới sự nhàm chán, khiến học sinh quay lưng lại với khoa học”.

Giải mã kỳ tích giáo dục Phần Lan

Giáo sư Tony Wagner Đại học Harvard giải thích lý do vì sao quốc gia này đạt được thành công phi thường trong giáo dục. Ông Wagner còn là tác giả cuốn sách phát hành năm 2008 "Lỗ hổng thành tích toàn cầu: Tại sao thậm chí các trường học tốt nhất cũng không dạy những kỹ năng tồn tại mới mà con em chúng ta cần - Chúng ta có thể làm được gì".

  
  Ảnh: typepad

Phần Lan đã đạt được gì và lịch sử cải cách hệ thống giáo dục của họ?

Vào đầu những năm 70, Phần Lan có một hệ thống giáo dục kém hiệu quả và một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn. Sau đó, quốc gia này đã hiểu rằng, họ phải cải tổ hoàn toàn hệ thống giáo dục nhằm hình thành một nền kinh tế dựa trên nền tảng kiến thức đích thực.

Vì thế vào thập niên 70, họ bắt tay bằng sự chuyển đổi hoàn toàn việc chuẩn bị và tuyển chọn các giáo viên tương lai. Đó là một cải cách cơ bản rất quan trọng bởi nó cho phép tạo ra sự chuyên nghiệp hoá cao hơn cho giáo viên. Mọi giáo viên đều có bằng thạc sĩ và giáo viên nào cũng đạt chuẩn cao như nhau.

Vậy điều gì đã xảy ra kể từ khi giảng dạy trở thành nghề cao quý nhất. Không phải ở mức lương cao nhất mà là sự đánh giá cao nhất. Cứ trong 10 người đệ đơn xin trở thành giáo viên thì chỉ có một người được đứng lớp. Kết quả, Phần Lan đã vượt qua nhiều quốc gia phương tây trong chương trình quốc tế đánh giá học sinh (PISA).

Vì thế, Phần Lan về cơ bản tập trung vào giáo viên chứ không phải chuyện kiểm tra đánh giá thành tích?

Đúng hoàn toàn, không có kiểm tra, không trách nhiệm giải trình, không so sánh chéo giữa các trường học. Điều hấp dẫn nhất là bởi họ đã tạo ra một cấp độ cao về trình độ nghiệp vụ nên họ có thể tin tưởng vào các giáo viên của mình. Phương châm của họ là "Niềm tin gửi vào trình độ nghiệp vụ". Sự khác biệt giữa trường "đẳng cấp nhất" và thấp nhất ở Phần Lan là không quá 4%.

Ông sẽ nói gì khi có những người khẳng định rằng, không thể so sánh hệ thống giáo dục của Mỹ với hệ thống giáo dục của Phần Lan bởi Phần Lan có dân số đồng nhất còn Mỹ thì đa chủng tộc?

Trước tiên, Phần Lan có dân số đa dạng hơn nhiều so với mọi người nghĩ. 15% dân số thông thạo ngôn ngữ thứ hai. Có tới 45 thứ ngôn ngữ được dùng trong các trường học Helsinki ngày nay. Hãy so sánh Phần Lan với Minnesota - rất tương đồng về nhân khẩu học. Trong khi sự thật là có nhiều khác biệt, có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu chuyện Phần Lan.

Vậy thì kinh tế  có vai trò gì? Phần Lan là một xã hội ít tồn tại bất bình đẳng về kinh tế hơn. Điều này có giải thích thành công của Phần Lan hay không?

Tôi đã từng tới một số trường học tốt nhất của Mỹ, ở một số quận giàu có nhất, và thậm chí một số trường tư, và tôi đã chứng kiến việc dạy học chỉ đơn giản bằng chuyện kiểm tra. Các bài kiểm tra là sự ôn lại kiến thức và học sinh có thể vượt qua, nhưng sẽ không học được kỹ năng cần thiết nào trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Đó là những gì Phần Lan đã làm và tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Họ xác định thế nào là giảng dạy xuất sắc và không chỉ có cách dạy hợp lý, họ còn có một chuẩn mực cho nó. Thứ hai, họ xác định rõ đâu là điều gì quan trọng nhất để học, và chắc chắn không phải là chương trình giảng dạy dựa vào sự ghi nhớ mà là chương trình giảng dạy dựa trên tư duy, suy nghĩ. Vì thế thậm chí ở các khu vực giàu có nhất chúng ta cũng không tiếp cận được chuẩn mực của thành công tuyệt vời ấy.

Phần Lan đã làm thế nào để nâng vai trò của giáo viên, để người dân không chỉ coi đó là nghề danh giá mà còn là một nghề đáng được kính trọng, trong khi tại Mỹ, các giáo viên thường bị coi nhẹ?

Họ thực sự coi giáo viên là các nhà khoa học còn lớp học là các phòng thí nghiệm. Vì thế, như tôi đã đề cập, mọi giáo viên đều phải đạt trình độ thạc sĩ, và đó phải là một tấm bằng có chất lượng. Giáo viên được hưởng toàn quyền tự chủ trong lớp học. Cả nước quan tâm đến giáo dục, các chính sách giáo dục quốc gia có sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều phía. Đó là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai là họ phải xác định rõ  trình độ nghiệp vụ trong công việc bằng sự hợp tác, tương tác. Họ giúp giáo viên dành thời gianđể làm việc cùng nhau, để tiếp tục cải thiện chương trình giảng dạy và các bài học của mình. Chúng ta chứng kiến kiểu làm việc thế kỷ 19 ở Mỹ,  hay tồi tệ hơn là thời trung cổ. Giáo viên làm việc một mình suốt cả ngày, ngày nào cũng như ngày nào, và sự cô lập chính là kẻ thù của cải tiến và cách tân. Người Phần Lan đã thấm nhuần điều này. Hãy kéo giáo viên ra khỏi cảnh đơn độc và dành thời gian để họ làm việc cùng nhau.

Tương tác và phối hợp là nguyên tắc cốt lõi của toàn bộ quá trình giáo dục ở mọi cấp độ, cũng như giữa ngành giáo dục và mọi bộ phận khác trong xã hội. Học tập là sự tương tác tích cực giữa thầy và trò, giữa trò này với trò khác, và giữa người học với môi trường xung quanh...Đây cũng là một bí quyết quan trọng của sự thành công.

Để trẻ em chơi, Phần Lan lên top giáo dục

"Trẻ em phải được chơi" là tiêu đề bài viết trên tờ The New Republic, với những so sánh và phân tích thú vị giữa giáo dục Mỹ và Phần Lan, mà ở đó, vẫn còn nhiều điều các nhà cải cách Mỹ phải học hỏi. Dưới đây là nội dung bài viết.


  Trong khi đang theo dõi giờ giải lao bên ngoài trường trung học công lập Kallahti nằm ở phía đông thủ đô Helsinki vào một ngày lạnh giá tháng 4, tôi hỏi hiệu trưởng  liệu các em học sinh có ra ngoài vui chơi trong tiết trời lạnh như thế này không.

Thầy Timo Heikkinen bảo các em vẫn ra ngoài sân chơi bình thường. Sau đó, tôi lại hỏi, nếu trời rất rất lạnh thì các em có ra chơi nữa không. Thầy Heikkinen cười nói:“Nếu nhiệt độ âm 15 độ và trời gió to, có lẽ là không, nhưng nếu không phải như thế thì chắc là có”. “Bọn trẻ sẽ không thể học nếu chúng không được vui chơi.Trẻ em phải được vui chơi".


Học sinh có nhiều giờ nghỉ lao hơn 

So với nước Mỹ và nhiều quốc gia công nghiệp, Phần Lan đã tiến hành cải cách giáo dục theo kiểu hoàn toàn khác - dựa trên giáo trình mang tính cân bằng và chuyên nghiệp hóa, chứ không phải dựa trên các bài kiểm tra.

Giáo viên ở Phần Lan cho phép học sinh có nhiều giờ nghỉ lao hơn so với Mỹ. Ở Phần Lan, các em trường THCS được nghỉ giảo lao trung bình 75 phút một ngày, trong khi đó ở Mỹ, thời gian nghỉ trung bình là 27 phút.

Tuy nhiên, trẻ em Phần Lan lại được học nhiều về nghề thủ công, thiết kế trang trí, học hỏi nhiều hơn trong công việc, tiêu chuẩn giáo viên khắt khe hơn, lương giáo viên cao hơn và điều kiện làm việc hấp dẫn hơn.

Nỗ lực của Phần Lan đã được đền đáp: vào tháng 12/2009, với lần thứ 4 liên tiếp, giành số điểm xuất sắc trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, chương trình kiểm tra khả năng đọc, môn toán và khoa học tổ chức 3 năm một lần. Trong khi đó, Mỹ đứng ở giữa bảng xếp hạng.


Tổng thống Obama đã vạch ra kế hoạch cải cách giáo dục công lập, bao gồm phân bổ trợ cấp cạnh tranh, nâng thang điểm các bài kiểm tra, và đánh giá giáo viên gắn với thành tích của học sinh.


Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà các nhà cải cách Mỹ phải học hỏi các chuyên gia giáo dục Phần Lan, và cả phần còn lại của thế giới về những thứ khác xa những bài kiểm tra, hình thức quản lý và đánh giá cứng nhắc.


Câu chuyện từ bình thường lên xuất sắc


Không phải các trường học ở Phần Lan trước đây đều xuất sắc. Vào những năm 1960, các trường này chỉ ở mức bình thường. Nhưng mọi sự thay đổi vào năm 1971 chính phủ đã nhận định rằng, quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên thì phải hiện đại hóa nền kinh tế, và chỉ có thể làm được điều đó bằng cải thiện chất lượng trường học.


Theo đó, chính phủ đã tán thành việc giảm số lượng học sinh trong lớp học, tăng lương, và bắt buộc tất cả các giáo viên trước năm 1979 phải hoàn thành chương trình thạc sỹ.


Hiện nay, nghề giáo ở Phần Lan đang là nghề nghiệp đáng mơ ước mà chỉ 1/10 ứng cử viên của 8 chương trình đào tạo thạc sỹ trong cả nước được lựa chọn. Ngược lại ở Mỹ,SV tốt nghiệp ĐH có thể trở thành giáo viên mà không cần phải có bằng thạc sỹ.


Thêm vào đó, giáo viên ở Phần Lan có mức lương cao hơn hẳn. Giáo viên cấp 3 với 15 năm giảng dạy có mức lương bằng 102 % thu nhập của những người tốt nghiệp ĐH làm những ngành nghề khác. Ngược lại, ở Mỹ, lương giáo viên chỉ bằng 65%.

Phần Lan không quản lý trường học thành các tổ chức lợi nhuận hay phi lợi nhuận, không phát tiền thưởng hay tổ chức đánh giá xếp loại giáo viên và trường học theo kết quả kiểm tra.


Họ đã sử dụng các chiến lược kinh doanh một cách tài tình. Họ chiến thắng trong cuộc đua tài bằng cách biến việc dạy học trở thành công việc thú vị, lôi cuốn.


Bằng việc lựa chọn hiệu trưởng, giám thị, và người đề ra chính sách ngay trong đội ngũ giáo dục thay vì tìm kiếm bên ngoài, có thể ví, các nhà lãnh đạo Phần Lan đã lấy một trang trong cuốn truyện dày - giống như sử gia kinh doanh Alfred Chandler nói: “nuôi dưỡng nhân tài từ bên trong”.


Tôi đã phỏng vấn nhiều quan chức của Bộ Giáo dục Phần Lan, ban giáo dục quốc gia, Hội đồng đánh giá giáo dục và Phòng Giáo dục Helsinki thì tất cả đều từng làm giáo viên ít nhất 4 năm.


Hệ thống giáo dục của Phần Lan cũng rất khác biệt. Ví dụ, các lớp khoa học - bộ môn mà học sinh Phần Lan đã thể hiện rất tốt trong chương trình đánh giá PISA - từ lớp 7 đến lớp 9 nhiều nhất là 16 em, do đó các em có thể làm thí nghiệm vào mỗi buổi học.


Và các em từ lớp 1 đến lớp 9 sẽ có 4 đến 7 tiết mỗi tuần học các lớp nghệ thuật, âm nhạc, nấu ăn, làm mộc, dệt may và làm sản phầm bằng kim loại.


Các em có không gian thiên nhiên cho các tiết học toán, khoa học, nuôi dưỡng các kĩ năng hợp tác và thầy cô dạy cho các em biết tôn trọng những người kiếm sống bằng chính sức lực của mình.


Có lẽ, điều đáng chú ý nhất tạo nên một Phần Lan với nền giáo dục độc đáo chính là việc nước này đã chủ trương đi ngược lại phong trào tiêu chuẩn hóa đang thịnh hành hiện nay.


Vào những năm 1990, trong khi các quốc gia khác trên thế giới áp dụng hình thức kiểm tra theo tiêu chuẩn nặng nề, cứng nhắc thì Phần Lan lại cho rằng, như thế sẽ tiêu tốn quá nhiều thời gian để hướng dẫn, tốn nhiều tiền bạc cho quá trình xây dựng, coi thi, chấm điểm và sẽ tạo ra nhiều căng thẳng.


Đối với những bài kiểm tra được chuẩn hóa, Phần Lan chỉ kiểm tra với một nhóm nhỏ học sinh. Họ tin tưởng giáo viên đến mức đã giải tán ban thanh tra vào năm1991.


Các giáo viên tự thiết kế bài giảng, sử dụng giáo trình quốc gia như sách hướng dẫn, chứ không phải như bản thiết kế chi tiết và giành khoảng 80% thời gian hướng dẫn lớp tương tự như giáo viên Mỹ. Ngược lại, họ có đủ thời gian để lên kế hoạch bài giảng và cộng tác với đồng nghiệp.


Lý do duy nhất mà học sinh Phần Lan phải làm bài thi được tiêu chuẩn hóa là khi hoàn thành bậc trung học và mong muốn vào đại học.


Sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh cũng được các trường học hết sức quan tâm. Từ năm 1985, các em không phải phân lớp theo khả năng cho đến lớp 10. Hơn nữa, từ năm 1991, Phần Lan cũng quyết định xóa bỏ việc giữ các em yếu kém ở lại lớp, vì việc này làm các em xấu hổ, nhụt chí.


Cộng đồng kinh doanh Phần Lan và các thành viên bảo thủ trong nghị viện chỉ trích quyết định xóa bỏ việc thanh tra vì cho rằng đây chính là sự xoàng xĩnh, qua loa trong giáo dục. Nhưng họ đã không thể lên tiếng khi PISA 2000 công bố kết quả.

“PISA chính là món quà may mắn cho các nhà giáo dục Phần Lan,” ông Kari Louhivuori, hiệu trưởng Trường trung học công lập Kirkkojärvi ở Espoo, người bắt đầu sự nghiệp giảng dạy vào năm1974, nói.

“Chúng tôi đã không nhận được sự ủng hộ từ nhiều thế lực bảo thủ và chúng tôi cần đến sự công nhận từ bên ngoài cho hướng đi mới đã lựa chọn”.

Louhivuori thừa nhận, một số hình thức kiểm tra là hoàn toàn cần thiết, nhưng những bài kiểm tra thường xuyên thì không.

Thêm vào đó, hiện nay, đã có những minh chứng rõ ràng về những lợi ích kinh tế mà cải cách giáo dục Phần Lan mang lại, đặc biệt là trong thành phần kinh tế kĩ thuật cao, tiêu biểu như Nokia trong lĩnh vực viễn thông, Orion trong ngành y dược, Polar trong theo dõi nhịp tim, Vaisala trong đo lường khí tượng và VTI sử dụng trong máy đo gia tốc...

Xem tiếp: Làm sao có thể lấy giáo dục Phần Lan làm bài học cho một đất nước rộng lớn và dân cư đa dạng như nước Mỹ?

Câu trả lời chính là cánh của tiếp theo.

Giáo dục Phần Lan - Mỹ: Cánh cửa tiếp theo

Nhiều người đã chỉ trích việc so sánh hệ thống giáo dục 2 nước Mỹ và Phần Lan, và cho rằng kết quả PISA xuất sắc của Phần Lan có được là vì nước này nhỏ bé hơn rất nhiều và dân số cũng thuần nhất hơn nhiều (trong 5,3 triệu người thì chỉ có 4 % là người ngoại quốc).

Làm sao có thể lấy giáo dục Phần Lan làm bài học cho một đất nước rộng lớn và dân cư đa dạng như nước Mỹ?
Câu trả lời chính là cánh của tiếp theo.
Na Uy  cũng là một nước nhỏ với 4,8 triệu dân và cũng gần như thuần nhất với 10 % dân ngoại quốc, nhưng đất nước này lại giống với Mỹ hơn Phần Lan khi xét đến giáo dục.
Giáo viên ở đây không cần phải có bằng thạc sỹ, giáo viên cấp 3 với 15 năm giảng dạy chỉ kiếm được mức lương bằng 70% thu nhập của sinh viên ra trường làm ngành nghề khác. Và năm 2006, các nhà lãnh đạo cũng áp dụng hệ thống kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc gia.
Nhưng cán bộ giảng dạy lại thiếu hụt trầm trọng đến mức chính phủ phải dành ra 3,3 triệu đô cho cuộc vận động nhằm thu hút giáo viên và cuối năm phải hợp tác với Statoil phát động “Teach for America” để tuyển giáo viên toán và khoa học.
Thêm vào đó, cũng như ở nước Mỹ, lớp học ở Na Uy quá đông học sinh và thiết bị thì quá ít. Một giáo viên dạy môn khoa học tại một trường trung học ở Oslo cho biết có phòng thí nghiệm là biệt lệ chứ không phải là bình thường và cô cũng không thể nhớ được mình đã được làm thí nghiệm như thế nào khi còn là sinh viên cách đây cả thập kỉ. 
Bởi vậy, không đáng ngạc nhiên khi nhìn vào điểm số PISA của Na Uy vào các năm 2000, 2003, 2006, 2009, và thấy rằng vấn đề không phải ở đất nước lớn hay bé, dân cư nhiều hay ít, thuần nhất hay đa dạng mà là ở việc lựa chọn các chính sách đúng đắn mới có thể mang lại thành công cho nền giáo dục nước nhà.
Bài học từ đất nước Phần Lan nhỏ bé đã cho ta biết dù là quốc gia nào, bất kể dân số hay cấu thành của nó, sẽ là khôn ngoan hơn nếu hạn chế tối đa các bài kiểm tra.

Thay vào đó, nên đầu tư vào mở rộng chương trình dạy học, giảm bớt số lượng học sinh trong lớp học, cải thiện vấn đề đào tạo, lương bổng và đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên.

Trung Quốc đứng đầu PISA: Vầng hào quang và cái giá phải trả

Bằng việc xưng vương trong cuộc thi PISA mới đây, các cô cậu học trò tuổi teen đến từ Trung Hoa đại lục đã trở thành những ngôi sao học thuật thượng thặng trên toàn thế giới. Nhưng đằng sau vầng hào quang chói lọi đó là cái giá phải trả không nhỏ đối với những tâm hồn mới lớn.
Việc các học sinh trung học Thượng Hải đứng đầu trong cuộc thi PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Sinh viên Quốc tế) trong lần đầu tham dự đã khiến cho Phương Tây kinh ngạc và thán phục. Người ta đang nói về sự trỗi dậy mạnh mẽ như một siêu cường giáo dục của Trung Quốc, sau tư cách là siêu cường về kinh tế và chính trị.
Tại Mỹ, giới chức và báo chí dường như chột dạ khi chứng kiến sức mạnh đang trỗi dậy của giáo dục Trung Quốc. Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan kêu gọi công dân Mỹ “thức dậy trước thực tế giáo dục hiện nay”.
Tổng cộng 5.115 học sinh Thượng Hải tuổi vị thành niên đến từ 152 trường học đã tham gia các cuộc thi PISA 2 tiếng đồng hồ mới đây, và ghi điểm cao nhất trong các môn đọc hiểu, toán và khoa học, vượt qua 70 nước đối thủ thuộc khối OECD, kể cả Nauy, nước nổi tiếng là một siêu cường về giáo dục. Đây là lần đầu tiên học sinh Trung Hoa đại lục tham dự một kỳ sát hạch PISA, được coi là thước đo về sự phát triển giáo dục của một nước.

Trong khi dư luận ngoài nước về kết quả cuộc thi là ngạc nhiên và thán phục thì dư luận trong nước là rất hoan hỉ. Tuy nhiên, những thầy trò Thượng Hải bên cạnh việc đáng được ngưỡng mộ thì một số nhà phân tích vẫn có cảm giác xót xa, đắng cay cho các em học trò tuổi vị thành niên.
Đối với những ai am hiểu hệ thống giáo dục của Thượng Hải và Trung Quốc ngày nay thì điều đó không có gì là ngạc nhiên.
Cũng như nhiều quốc gia Châu Á khác như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước có kết quả tốt trong các cuộc thi PISA trước đây, sau suốt chín năm được khổ luyện nghiêm ngặt, các học sinh ở độ tuổi 15 ở Thượng Hải đã trở thành những chuyên gia thi cử chuyên nghiệp.
Trên thực tế, để có kết quả trong một kỳ thi quốc tế hóc búa như PISA, các sĩ tử Trung Quốc đã phải trải qua chín năm liên tiếp sôi kinh nấu sử bằng kỷ luật sắt, thậm chí còn ngặt nghèo hơn nhiều so với cuộc thi vào đại học. Và các em thực sự đã trở thành những cỗ máy thi cử siêu phàm ở bất cứ giá nào.
Và thường thì để đạt được mục tiêu lớn thường phải trả giá rất đắt. Trước hết là niềm vui của tuổi thơ.
Câu chuỵện bắt đầu từ độ tuổi đi nhà trẻ. Khi đó, hầu hết trẻ em Thượng Hải được phụ huynh gửi vào học các lớp học thêm từ toán cho đến tiếng Anh. Ngay từ khi còn bé xíu, những cặp sách nặng trĩu và khối lượng bài tập về nhà khổng lồ, việc vui chơi giải trí là quá xa xỉ đối với các em. Thậm chí việc đi ngủ đủ giờ cũng là một khái niệm xa lạ.
Nếu bạn đến một khu dân cư ở Thượng Hải vào dịp cuối tuần, bạn sẽ thấy rất hiếm trẻ em vui chơi ở đây. Những lớp học thêm và hàng tấn bài tập về nhà khiến các em liên tục phải thức rất khuya để làm.
Trong khu dân cư Flushing ở New York, một khu phố người Hoa lớn, tình hình cũng không khá hơn. Trong số hàng trăm, đôi khi hàng nghìn đứa trẻ hồn nhiên vui chơi trong hàng tá sân chơi thể thao ở khu Flushing Meadows sau giờ tan học hay dịp cuối tuần, chỉ có vẻn vẹn vài em nhỏ Trung Quốc.
Học sinh Thượng Hải ngày nay được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt hơn và có mức sống cao hơn. Tuy nhiên, tuổi thơ của các em, bị thống trị bởi những kỳ thi và các lớp học, mất đi niềm hạnh phúc lớn lao được trải nghiệm cuộc sống, được vui chơi, được nuôi dưỡng tâm hồn. Các em phải chịu một cuộc sống tinh thần nhiều mất mát, nếu không muốn nói là rất bất hạnh, so với thế hệ cha mẹ, những người lớn lên trong thiếu thốn vật chất nhưng ngập tràn những ký ức đẹp đẽ trong tâm hồn.
Khi người Phương Tây khâm phục các học sinh Thượng Hải với màn trình diễn ngoạn mục tại kỳ sát hạch PISA vừa qua, thì cụm từ “các cỗ máy thi cử vĩ đại” đã trở thành một thuật ngữ châm biếm, ngụ ý rằng các sĩ tử Trung Quốc xuất sắc trong các bài thi nhưng yếu kém về năng lực tưởng tượng và sáng tạo.
Làm sao bạn có thể trở nên giàu tưởng tượng và sáng tạo khi tất cả những gì bạn được yêu cầu là nhớ lại những gì các giáo viên và sách giáo khoa đã dạy, khi bạn được dạy rằng chỉ có một câu trả lời đúng cho một câu hỏi, và khi các thầy giáo coi mình là hiện thân của chân lý tuyệt đối, nghiêm cấm việc phản biện hay tranh luận học thuật?
Tư duy phản biện, rủi thay, chưa bao giờ là một phần trong hệ thống nhà trường Trung Quốc.
Đó có lẽ là lý do tại sao ngày càng nhiều phụ huynh trong nước bất mãn và bất hợp tác với hệ thống giáo dục của nước này. Thay vào đó, họ gửi con em của mình đi học ở nước ngoài.
Khi du học tại những nước như Mỹ, sinh viên Trung Quốc luôn cảm thấy hào hứng và say mê với phương pháp giáo dục mở tại đây. Các trường học ở Mỹ luôn luôn khuyến khích sinh viên tư duy cởi mở, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ rào cản, luôn được thoải mái  đặt câu hỏi phản biện và thách thức học thuật với giáo viên. Năng lực tư duy phản biện được trang bị từ nhỏ được coi là một điều kiện thiết yếu đối với bất kỳ công dân nào muốn thành công về sau, trong học tập lẫn trong sự nghiệp và cuộc sống khi trưởng thành. Điều đó, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là yếu tố giúp Hoa Kỳ vượt xa Trung Quốc về số lượng và chất lượng các phát minh cải tiến với một khoảng cách không dễ gì đuổi kịp như hiện nay.
Người ta không chắc rằng vầng hào quang chói lói trong cuộc thi PISA của các cô cậu học trò tuổi 15 đến từ Thượng Hải có bù đắp được những mất mát mà các em phải gánh chịu hay không. Có lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.
Trung Quốc cần một cuộc cách mạng lớn về tư duy giáo dục. Sự lớn mạnh của Trung Quốc có bền vững hay không, và tương lai của quốc gia này có giàu triển vọng hay không, trông chờ vào việc thế hệ con cháu nước này có biết tư duy một cách độc lập, phản biện và sáng tạo hay không. Sứ mạng dân tộc đó không thể đựợc hoàn thành với những bộ óc được đào tạo trở thành những cố máy thi cử.

Đứng nhất, các nhà giáo dục vẫn kêu gọi cải cách

Năm nay, lần đầu tiên, các trường học Trung Quốc tham gia kiếm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế PISA. Cuộc kiểm định cho thấy kết quả thú vị về một bức tranh chưa đầy đủ của các học sinh có kết quả cao nhất về đọc, viết và làm toán.

Theo kết quả được công bố, các học sinh Trung Quốc đạt kết quả cao nhất dựa theo chuẩn của Chương trình kiểm định học sinh quốc tế.

Một số nhà giáo dục cho đây là “một khoảng khắc  Sputnik1” giống như việc Liên Xô phóng vệ tinh năm 1957 đã làm chấn động Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc không lấy làm vui lắm với thành công này và đã nhận raviệc học trong hệ thống giáo dục của họ chỉ tập trung vào việc ghi nhớ mà hầu như đã bỏ qua tư duy phân tích nên rất cần cải cách.

Học giả  Zhang Minxuan  là người hạnh phúc khi nhà quản lý này biết rằng hệ thống giáo dục Thưởng Hải do ông quản  lý đã đứng hạng nhất theo kết quả kiểm định chất PISA trên toàn cầu.

Ông  Zhang  nói" tất cả người Trung Quốc, không kể nghèo hay giàu, đều có kỳ vọng cao vào giáo dục. Đấy là một đặc trưng văn hóa thúc đầy moi công dân học, học và học. Tôi cho rằng điều này rất quan trong".

Các học sinh tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào đại họchay còn gọi là “gaokao” năm ngoái tại Hami thuộc khu tự trị. Các chuyên gia giáo dục nói rằng tất các kỳ thi quan trọng trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh vào học gạo và ghi nhớ mà thôi


"Kết quả không thể che đậy những điểm yếu"

Tại trường trung học số 8 Zhabei ở phía bắc Thượng Hải, mọi hoạt động diễn ra như thường nhật.

Giáo viên giảng bài và học sinh lặp lại;  thậm chí hiệu trưởng nhà trường thừa nhận rằng kỳ thi cuối cùng của học sinh cấp 3 vào đại học (gaokao) đơn giản là nhớ và học gạo.

Hiệu trưởng LiLiu Jinghai, mặc dù tự hào về kết quả kiểm định chất lượng học sinh, nói rằng các nước phương Tây đừng lo lắng về kết quả kiểm định.

Ông chia sẻ “các nước phát triển như Mỹ đừng quá ngạc nhiên bởi kết quả này. Đây chỉ là một chỉ số đo được những điểm tốt của hệ thống giáo dục Thượng Hải và Trung Quốc nhưng kết quả không thể che đậy những điểm yếu của chúng tôi".

Ông Liu thẳng chỉ ra những yếu điểm đó là  học gạo, thiếu kỹ năng phân tích hay tư duy phê phán. Ông nói rằng hệ thống giáo dục khẩn thiết phải cải cách.

Hiệu trưởng Liu lên tiếng: "Tại sao học sinh Trung Quốc không dám suy nghĩ? Bởi vì chúng ta luôn nói với các em mọi thứ. Chúng ta đã không cho bọn trẻ tự đi và tìm ra những điều dành cho chính các em".

Ông Liu nói rằng, cũng như những hạn chế của hệ thống giáo dục Trung Quốc, việc kiểm định chỉ thực hiện ở Thượng Hải và nơi này có một số trường học tốt nhất nước này.

Zhang Chi, 17 tuổi, một trong những học sinh được kiểm định cho biết sự khác nhau theo cách PISA hỏi là phức hợp. Em nói rằng “tôi không thể trả lời thẳng vào các câu hỏi mà phải suy nghĩ trong chốc lát về câu hỏi và câu hỏi cũng dành thời gian cho tôi  suy nghĩ.

"Gaokao" có vấn đề

"Có thời gian để suy nghĩ" không phải là thuật từ trong các trường cấp 3 Trung Quốc. Zhang cho rằng, học sinh Trung Quốc muốn có điều này.

"Tôi nghĩ, chúng ta có thể kết hợp các phương pháp, cả dùng phương pháp của Trung Quốc và cách của ngoại quốc. Kết hợp các phương pháp, tôi nghĩ sẽ tốt hơn," Zhang chia sẻ.

Điều rắc rối là, mặc dầu các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục, nào là kết hợp Đông Tây, nào là kết Trung Quốc và nước ngoài, cuối cùng, giản đơn là không thể.

Tuy nhiên, đã làm tốt kiểm tra của PISA hoặc thích các câu hỏi  thì Zhang phải thi vào đại học (gaokao). Trong kỳ thi này viết sẽ khác, các câu trả lời sáng tạo không đưa bạn đến đâu nhưng viết ra nhưng câu trả lời chuẩn đã được ghi nhớ sẽ giúp bạn vào một trường đại học tốt.

Lucia Pierce, một nhà tư vấn giáo dục ở Thượng Hải nói “gaokao” có vấn đề.

Bà Lucia Pierce nói: “Cho dù điểm thi gaokao là những gì một sinh viên đạt được để vào đại học, và những điểm số này cũng xếp hạng trong trường cấp 3, bố mẹ, hiệu trưởng và các giáo viên không thể cho các em những thực nghiệm theo cách học khuyến khích suy nghĩ độc lập và có lẽ học cả từ những lỗi lầm”.


Bà Pierce và các đồng sự nói rằng đây là lý do mà kết quả PISA gần đây không phải là khoảng khắc Sputnik như một số người đã nói mà cần phải đại cải cách hệ thống giáo dục Trung Quốc trước lúc nó xảy ra. Và điều này chưa được xảy ra trong thời gian tới.

    * Nguyễn Quang Thạch (Lược dịch theo NPR)

*****************************

1. Sputnik moment  là thời điểm khi mọi người nhận ra rằng họ bị đe dọa và thử thách và phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp. Thành ngữ này nguồn khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1957, sự kiện này đã tạo cú hích cho nước Mỹ đi vào vũ trụ.

Cha mẹ Singapore vung tiền dạy con hành xử

Không khạc nhổ nơi công cộng. Bỏ rác vào thùng. Tiểu tiện đúng nơi quy định. Nói tiếng Anh đúng cách.

Ở Singapore, trẻ em lên 3 đã được dạy những kỹ năng hành xử trong các lớp học đắt tiền.
Singapore trở nên nổi tiếng với những chiến dịch do chính phủ đầu tư nhằm giải phóng xã hội khỏi những thói quen xấu từ quá khứ kiệt quệ, nhưng các bậc phụ huynh nước này còn tự “nâng cấp” ở mức độ cao hơn.

Lớp học nghi thức hành xử đắt tiền để biến các cô, cậu bé thành các quý bà và quý ông đích thực đang ngày càng trở nên phổ biến với người dân Singapo vốn không bằng lòng với những lớp học bale hay dương cầm truyền thống.

“Tôi nhận thấy rằng tốt nhất nên giáo dục con trẻ trước khi những thói quen xấu có cơ hội tiến triển, và những kỹ năng này sẽ luôn đồng hành cùng chúng trong suốt cuộc đời", Eunice Tan, giảng viên kiếm nhà tư vấn Học viện nghi thức hiện đại Image Flair nói.

“Những kỹ năng trẻ học được ở các lớp giao tiếp xã hội sẽ còn lại tới lúc trẻ trưởng thành và phát huy ảnh hưởng trong suốt cuộc đời còn lại của trẻ", bà nhấn mạnh.

Khi tăng trưởng kinh tế vượt bậc biến Singapore thành một trong những xã hội giàu có nhất thế giới thì các nhà bình luận và quan chức chính phủ vẫn thừa nhận rằng, người dân Singapo chưa bắt kịp các nghi thức đi trước.

Với đặc thù tổ chức vào các kỳ nghỉ tháng 6 và tháng 12, những lớp học hành xử dành cho trẻ em không hề rẻ, mỗi giờ học ước tính từ 30 tới 48 đôla Singapore (tương đương 22 tới 35 USD). Tuy vậy, vẫn có nhiều phụ huynh đủ khả năng đáp ứng mức học phí đó. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người ở Singapore đứng ở mức 35.924 USD năm ngoái, biến nước này thành quốc gia giàu thứ 33 trên thế giới.

Tan, người tổ chức các lớp học với mỗi lớp chỉ có 10 học viên cho hay, bà phải mở lớp mới trong dịp nghỉ hè vì tất cả các lớp đều kín người đăng ký trước, khác xa hoàn toàn so với khởi đầu khiêm tốn từ 4 năm trước đây.

Các bài học phân thành ba mức, mở đầu bằng bài dạy trẻ lên 3 cách chào hỏi mọi người. Mức hai dạy văn hóa hành xử qua điện thoại cũng như các kỹ năng kiểm soát sự giận dữ và khóa học cao nhất truyền đạt những giá trị như tính trung thực và tính trách nhiệm.

“Sau khoá học, trẻ em lại háo hức thể hiện những phong cách hành xử mới trước cha mẹ, gia đình và bạn bè, là những kỹ năng mời dùng bữa, sự khoan dung chia sẻ với anh chị em trong nhà và tình cảm với vật nuôi”, bà Tan cho biết.
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng quan tâm tới cách hành xử xã hội của con em mình, Elaine Heng, sáng lập viên của công ty tư vấn hình ảnh cùng tên - nơi cung cấp các lớp học tương tự nói. Công ty của Heng còn giới thiệu các lớp học ăn mặc và hành xử cho các trường học và tổ chức với sự tham gia của 2.000 học viên.

“Sẽ dễ dàng hơn nhiều với bên thứ ba, như chúng tôi, để dạy học viên các nghi thức xã hội vì nhiều bậc phụ huynh có lẽ không biết bắt tay vào giải quyết việc này như thế nào”.

Agnes Koh thuộc công ty đào tạo Nghi thức và Hình ảnh Quốc tế cho rằng, thiếu hành xử xã hội phù hợp có thể là kết quả từ việc quá tập trung vào việc học tập. “Nhiều cha mẹ đang tự đua tranh với nhau để biến con cái thành những cỗ máy ghi điểm thành tích trong giáo dục. Tính ôn hoà và khiếm tốn đã bị suy giảm”.

Thầy cô kém vẫn tốt cho con chúng ta?

Thầy cô giáo giỏi luôn là những người mà phụ huynh mong muốn sẽ là tấm gương sáng cho con cái họ. Nhưng mặt khác, những người thầy kém cũng vẫn có ý nghĩa to lớn trong việc giúp lũ trẻ trưởng thành bằng cách không-lặp-lại những khiếm khuyết đó.

Dưới đây là phân tích của cây bút Linda Flanagan trên tờ Huffington Post.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: AP
Năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh lại bận rộn chuẩn bị cho năm học mới của con cái. Trong số những điều được phụ huynh quan tâm nhất là vấn đề chất lượng của giáo viên. Tôi từng không khỏi lo lắng khi biết cậu con trai sắp vào lớp 8 của mình sẽ phải học một ông thầy môn tiếng Anh mà với ông việc phát âm không thể nào chính xác. Chúng tôi sợ thời gian thằng bé phải học với những thầy dạy kém sẽ bị lãng phí và có thể khiến nó thấy chán học, khó chịu, hay bị lừa dối.

Tôi luôn thích những giáo viên giỏi. Bọn trẻ nhà tôi, 13, 15, 16 tuổi, đều được học rất nhiều thầy cô giỏi. Nhưng đôi khi chúng vẫn phải học những môn rất quan trọng và khó với các thầy dạy kém. Mà thường thì những thầy cô này đều không quan tâm lắm tới học sinh hay nhận khuyết điểm trước học sinh.
Không giống như những giáo viên giỏi – với nhiệt huyết, lòng yêu nghề và sự tận tâm – mỗi giáo viên kém lại đều có những nhược điểm riêng của mình. Có thể kể ra bốn dạng cơ bản sau:

Dạng thứ nhất là giáo viên kém về chuyên môn: giả sử như các ông thầy dạy Toán mà không biết phép tính liên quan tới phân số, dạy tiếng Anh mà lại phát âm sai. Thực tế, các bậc phụ huynh thường hay phàn nàn về kiểu giáo viên yếu kém này nhất.

Thứ hai là dạng giáo viên không có óc thực tế, luôn bảo thủ với những quan niệm cũ ngay cả trong lớp học. Giáo viên môn Sinh học của con tôi (lúc 7 tuổi) thiếu thực tế đến mức luôn tin rằng Chúa tạo ra vũ trụ trong vòng bảy ngày và thậm chí còn hỏi cả lớp rằng: “Ai trong lớp này tin vào tiến hóa không?”

Dạng thứ ba là giáo viên thờ ơ với học sinh. Họ thường ghét công việc của mình và có thể cả chuyên môn của mình. Dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết là sự chậm chễ trong việc trả bài cho học sinh – sau cả tháng, chứ không phải hàng tuần – thậm chí nói thẳng với học sinh rằng các em chỉ cần viết hoàn chỉnh trang đầu của bài viết giữa kỳ là được, vì sẽ không ai đọc được hết những gì các em viết.
Chưa hết, những giáo viên này còn thường xuyên xin nghỉ phép với lý do bệnh nặng hoặc bận việc gia đình. Có giáo viên lại không nhận ra rằng bài vở của mình nhàm chán đến mức học sinh chỉ mong đến ngày nghỉ. Khi cô con gái của tôi (lúc 3 tuổi) thổ lộ “mong ước” này với thầy giáo thì bị thì bị thầy kết luận là “con bé chán học”. Họ đã biến đầu óc luôn muốn khám phá của bọn trẻ trở thành những hòn đá thụ động và thờ ơ trước mọi thứ.

Dạng cuối cùng và đáng nói nhất là mẫu giáo viên độc đoán, hình ảnh thu nhỏ của Mussolini (trùm phát xít Ý) - người luôn chỉ quan tâm sao cho tàu chạy đúng giờ chứ không cần biết có hành khách nào trên tàu hay không.
Một giáo viên kiểu này đã từng dạy tiếng Anh cho con tôi ở trung học, và con bé đã học thuộc lòng đủ thứ quy định: thầy chỉ thu bài viết trên giấy gấp đôi khổ 8½: 11; có điền tên trên góc trên của mỗi trang; bài phải gồm ba đoạn, mở bài, thân bài, và kết luận, nếu không sẽ bị trừ điểm; "PHẢI SÁNG TẠO"; "các em nên nhớ là tôi chỉ gặp các em vào sáng thứ Hai, từ 7:30 đến 7:50", "không ngoại lệ", phải xếp hàng vào lớp, không xô đẩy, và "Tôi không lãng phí thời gian quý giá trên lớp để trả lời những câu hỏi không đâu vào đâu".
Rõ ràng, với việc bắt học sinh phải tuân theo những quy định tùy tiện này, có lẽ giáo viên không muốn để bất cứ “việc học” nào khác cản trở kế hoạch giảng dạy ban đầu của mình. Họ cũng không ngại chỉ trích thậm tệ trò nào làm thiếu bài tập về nhà ngay trước mặt cả lớp.

Nhưng xin hỏi, các con bạn có thể học được gì từ những giáo viên kém chất lượng này? Đằng sau khả năng giảng dạy kém của họ, mỗi giáo viên kém này ít nhất cũng dạy cho bọn trẻ những điều mà chúng không học được từ các nhà giáo giỏi.

Giáo viên trình độ kém dạy cho chúng biết rằng “người có toàn quyền” không phải cái gì cũng biết. Nói cách khác, chỉ vì bạn giữ vị trí có có quyền cao hơn tôi, không có nghĩa là bạn lúc nào cũng đúng. Trong cuộc sống, có khi phải mất nhiều thời gian người ta mới “dám” hiểu thực tế này, và đôi khi là không bao giờ.

Giáo viên trình độ kém dạy cho chúng biết rằng “người có toàn quyền” không phải cái gì cũng biết. Nói cách khác, chỉ vì bạn giữ vị trí có có quyền cao hơn tôi, không có nghĩa là bạn lúc nào cũng đúng. Trong cuộc sống, có khi phải mất nhiều thời gian người ta mới “dám” hiểu thực tế này, và đôi khi là không bao giờ.

Một giáo viên thiếu thực tế sẽ giúp học trò dám thách thức những suy nghĩ lạc hậu. Bạn giải thích thế nào về hóa thạch, khủng long, và gene? Phải chăng tất cả là do Đấng Tạo hóa? Giả dụ như vậy thì có thể đây là một cuộc tranh luận không cân sức giữa người lớn và trẻ nhỏ, nhưng việc được tiếp xúc với những ý kiến không phổ biến hay thậm chí sai lầm sẽ buộc bọn trẻ phải đào sâu suy nghĩ hơn. Cảnh báo: bài học này chỉ áp dụng khi có một người lớn khác luôn lý giải cặn kẽ các vấn đề đứng ở giữa “hai phe” để kiểm chứng thực tiễn.

Điều thể hiện rõ trên khuôn mặt của các ông thầy lười và thờ ơ với học trò là: “Tôi đã chán ngấy rồi, và chắc các em cũng thế”. Nhưng một giáo viên thờ ơ có thể giúp những học sinh năng động biết tự phấn đấu theo đuổi và bảo vệ lợi ích của riêng mình. Em phải tự mình làm điều đó, bởi tôi sẽ không giúp em. Không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người lớn và “nhờ” có những ông thầy này mà một số đứa trẻ đã trở nên tự lập hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, việc học tốt nhất là khi chỉ có bạn và sách.

Còn những ông thầy kiểu “bạo ngược”? Ở mức độ mà giáo viên quyết định điểm số, yêu cầu cao về bài tập về nhà, và phạt giữ học sinh ở lại lớp sau buổi học, họ kiểm soát cuộc sống của học sinh, và cái sức mạnh đó khó có thể lay chuyển chỉ đơn giản vì thầy vô lý, không chịu hiểu vấn đề hay không tốt bụng. Nhưng thực tế trong cuộc sống con cái của chúng ta chắc chắn sẽ vấp phải những bất công như vậy. Vậy chúng bắt đầu được học nghệ thuật chất vấn người cầm quyền một cách khéo léo trong khi vẫn tôn trọng, lịch sự và mạnh mẽ ở nơi đâu tốt hơn trường trung học. Những kỹ năng này rất có ích khi chúng phải đi xin cấp lại bằng lái xe, tranh cãi về thanh toán bảo hiểm hay tiền cáp truyền hình. Có một giáo viên như thế sẽ giúp bọn trẻ ý thức được tại sao phải chống lại sự lạm dụng quyền lực trong cuộc sống.

Dĩ nhiên chúng ta đều muốn có “các nhà tư tưởng” thông thái, tận tụy, và sẵn sàng tiếp thu cái mới dạy dỗ con cái chúng ta. Chúng ta muốn những người thầy ấy không ngại nói câu “Ồ, cái này tôi cũng chưa rõ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!” khi đối mặt với ý tưởng xa lạ.
Chúng ta luôn muốn có những người thầy sẵn sàng về muộn, trả lời điện thoại của phụ huynh ngay trong ngày, và thấu hiểu khi nào con cái chúng ta gặp khó khăn hay thấy không thoải mái.
Nhưng cuộc sống vốn không hoàn hảo, ngay cả ở trong trường học cũng vậy. Quan trọng là chúng ta và con cái chúng ta có thể rút ra những bài học từ cuộc sống muôn màu ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?