Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Luận đàm với ngoại trưởng Phạm Bình Minh

Nội dung cuộc nói chuyện của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), một think-tank hàng đầu về chính sách đối ngoại của Mỹ hôm 27/9.
 "Ở bức tranh lớn hơn, tôi tin tưởng rằng, quan hệ đối tác Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển khu vực cũng như trên thế giới. Hai nước chúng ta có những cơ hội lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và đa phương"- Bộ trưởng Phạm Bình Minh.


BOB WOODRUFF: Xin chào tất cả mọi người. Tôi là Bob Woodruff.
Như mọi người đã biết, người sẽ nói chuyện hôm nay là Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và ông sẽ có cơ hội đưa ra bài phát biểu tại đây, có lẽ khoảng 10 phút hoặc lâu hơn, sau đó mọi người sẽ đưa ra câu hỏi.
Tôi chỉ có chút lưu ý trước khi chúng ta bắt đầu, các bạn có thể tắt điện thoại, dĩ nhiên nếu cần có thể sử dụng chế độ rung và hãy nhớ, tất cả được lưu lại. Bạn có thể thấy các máy quay ở đây, nên hãy thận trọng những gì bạn nói.
Và tôi xin giới thiệu Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tiến sĩ Richard Haass, các quý ông, quý bà, tôi xin cám ơn Hội đồng Đối ngoại vì đã mời tôi trong buổi thảo luận này. Và cám ơn tất cả các bạn đã tham dự.
Chúng tôi xem Hội đồng Đối ngoại là một đối tác quan trọng và đánh giá cao sự quan tâm của các bạn trong sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Chúng tôi nhớ lại chuyến thăm của hội đồng năm 1993 khi hai nước chúng ta vẫn chuẩn bị cho việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng ta bình thường hoá năm 1995.
Và năm ngoái, chúng tôi vui mừng tiếp đón Tiến sĩ Richard Haass và đoàn đại biểu hội đồng thăm Việt Nam. Tôi tin rằng, chuyến thăm này đã giúp các thành viên của hội đồng hiểu rõ hơn về đất nước và nhân dân chúng tôi trong các lĩnh vực cải cách.
Và hôm nay tôi rất vinh dự có cơ hội này để chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của chúng tôi về chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng tôi đã theo đuổi một chính sách đối ngoại nhất quán của độc lập, tự chủ, hợp tác, phát triển, đa phương hoá và đa dạng hoá các mối quan hệ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Và chúng tôi có một khẩu hiệu mà chúng tôi đã quyết tâm là đáng tin cậy, là người bạn, là đối tác đáng tin cậy và một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Định hướng tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là yếu tố mới trong chính sách đối ngoại của chúng tôi được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ 11 đầu năm nay. Đây là bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của chúng tôi vì trước đây chúng tôi chủ yếu tập trung vào hội nhập kinh tế, nhưng giờ đây chúng tôi mong muốn hội nhập trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ có kinh tế mà còn là trao đổi chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, văn hoá, xã hội.
Sự thành công của Việt Nam với tư cách thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ trong nhiệm kỳ 2008 và 2009, chủ tịch ASEAN năm 2010, hợp tác với các quốc gia và LHQ trong nhiều lĩnh vực như an ninh, an toàn hạt nhân; biến đổi khí hậu; thực hiện Các Mục tiêu Thiên niên kỷ... ; tích cực chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình và tích cực tham gia các cuộc đàm phán Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương là một số ví dụ trong chính sách đối ngoại của chúng tôi.
Chúng tôi hướng tới mục tiêu thúc đẩy hơn nữa các quan hệ đối ngoại, nâng tầm quan hệ với các đối tác hàng đầu, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với những cường quốc lớn và các trung tâm kinh tế toàn cầu là những ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Tây Ban Nha. Tôi hy vọng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có quan hệ đối tác chiến lược với những cường quốc khác, trong đó có Mỹ. Đồng thời, chúng tôi nỗ lực làm việc để tăng cường quan hệ của mình với những bạn bè và đối tác truyền thống cũng như tham gia các tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ.
Về lĩnh vực kinh tế, hiện tại, chính phủ Việt Nam xác định, nhiệm vụ hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Cùng với nhiều nỗ lực toàn diện khác, nỗ lực giảm thiểu và hợp lý chi tiêu công đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế/tài chính toàn cầu và thiết lập nền tảng cần thiết để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chúng tôi trong giai đoạn 2011-2020 - những gì chúng tôi gọi là chiến lược kinh tế xã hội với mục tiêu năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt được mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ này, chính phủ của chúng tôi đang tập trung vào ba nhiệm vụ chính: thứ nhất, đơn giản hoá các thể chế kinh tế thị trường nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng và cải cách hành chính; thứ hai, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thích hợp. Cùng lúc đó, chúng tôi coi hợp tác kinh tế quốc tế là nhân tố quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, và đây sẽ là ưu tiên cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong những năm tới.
Chúng tôi đang làm việc với các nước ASEAN để bước vào kỷ nguyên hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN, phấn đấu để xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên cơ sở ba trụ cột chính - chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội - và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực. Chúng tôi hy vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và các cường quốc lớn thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa với quan điểm phát triển một cơ chế và cơ cấu bền vững để đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh chính sách tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực của tất cả quốc gia, bao gồm nước Mỹ.
Với hoà bình và an ninh, đây luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi hướng tới LHQ để tiếp tục các nỗ lực phối hợp và chặt chẽ nhằm thúc đẩy giải pháp hoà bình cho các cuộc nội chiến và xung đột địa phương ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt tại Bắc Phi và Trung Đông, trong khi ngăn chặn các xung đột khác có thể bùng nổ.
Bộ trưởng  Phạm Bình  Minh. Ảnh: Phạm Hải
Một điều cần thiết lâu dài là chúng ta cần gieo trồng văn hoá hoà bình, đối thoại và thúc đẩy giải pháp hoà bình cho tranh chấp. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực và tăng cường tái thiết, hoà giải quốc gia tại Afghanistan, tại Iraq.
Liên quan tới vấn đề nóng hiện nay tại Đại hội Đồng - đó là đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ của Palestine - chúng tôi có thể nói rằng, chúng tôi công nhận nhà nước Palestine năm 1988 và đã luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine cho các quyền không thể xâm phạm của họ, bao gồm quyền thành lập một nhà nước độc lập và có chủ quyền, cùng tồn tại hoà bình với Israel, với các đường biên giới thiết lập trước tháng 6/1967. Đó là lý do tại sao, chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ ủng hộ hồ sơ của Palestine xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, nhưng (dường như) hiện tại, cuộc thảo luận vẫn đang ở vòng Hội đồng bảo an mà chưa được đưa lên bàn của Đại hội Đồng.
Việt Nam nhất quán chính sách ủng hộ vã thúc đẩy giải trừ quân bị nói chung và toàn diện, với ưu tiên hàng đầu cho ba trụ cột của vấn đề hạt nhân - cụ thể là, giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng hoà bình năng lượng cũng như công nghệ hạt nhân. Chúng tôi tham gia tất cả các văn kiện quốc tế lớn cho việc giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, bao gồm CTBT, NPT, BWC và CWC. Chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo các cơ chế liên quan của LHQ đặc biệt là cơ chế do Hội đồng Bảo an LHQ thiết lập.
Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ LHQ trong việc biến kết quả của Hội thảo đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân 2010 và Hội nghị cấp cao về An ninh và An toàn hạt nhân trở thành các kết quả cụ thể, làm sống công tác của hội nghị giải trừ quân bị và xúc tiến tham gia các cuộc đàm phán giải trừ quân bị đa phương. Và trong khu vực của chúng tôi, trong Đông Nam Á của chúng tôi, chúng tôi cùng với các nước ASEAN đang làm việc để thúc đẩy hiệp ước về Đông Nam Á - khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, và chúng tôi mong rằng, tất cả các nước, đặc biệt là các nước có vũ khí hạt nhân, sẽ ký kết và phê chuẩn nghị định thư kèm theo hiệp ước.
Trong khi thực hiện chính sách đối ngoại, chúng tôi coi Mỹ là một đối tác có ý nghĩa chiến lược hàng đầu. Khi Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt quyết định bình thường hoá quan hệ của chúng ta 16 năm trước, rất khó có thể hình dung được rằng sẽ có ngày chúng ta đạt được sự phát triển như thế này. Cơ chế đối thoại và tham vấn hiện nay đã tạo ra một khuôn khổ mạnh mẽ cho sự phát triển liên tục trong quan hệ song phương ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quan hệ chính trị - ngoại giao tới kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, khoa học và công nghệ, hỗ trợ nhân đạo...
Hợp tác kinh tế hiện nay là điểm nhấn trong quan hệ song phương của chúng ta, với hơn 18 tỷ USD trong kim ngạch thương mại. Tôi nhớ rằng năm 1995, kim ngạch thương mại mới chỉ là vài trăm USD và giờ đây nó gấp 180 lần so với con số năm ấy. Ngày càng nhiều công ty Mỹ kể cả các tập đoàn ùang đầu, đang đầu tư và không ngừng mở rộng thị trường của họ ở Việt Nam. Tiềm năng to lớn cho hợp tác kinh tế của chúng ta tồn tại kể từ khi hai bên và các đối tác khác cùng thoả luận về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương - met trong những thoả thuận thương mại lớn nhất và tự do nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các lĩnh vực hợp tác khác cũng đạt được thành tựu rất ấn tượng, đặc biệt là trong trao đổi giữa nhân dân hai nước. Việc Mỹ gần đây trở thành điểm chọn lựa của hơn 13.000 sinh viên là lý do vì sao Việt Nam đang trở thành một trong những điểm chọn lựa của du khách Mỹ.
Hai bên cũng đã hợp tác tốt trong việc tìm kiếm người mát tích, trong các hoạt động nhân đạo như HIV/AIDS, rà phá bom mìn, giải quyết vấn đề chất độc da cam.
Ngoài ra, hợp tác an ninh quốc phòng đã có tiến triển tích cực. Tại cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ hai gần đây diễn ra ở Washington, D.C., hai bên lần đầu tiên đã ký kết các bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, đây là ví dụ cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Xây dựng động lực tích cực trong các quan hệ, Việt Nam và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc nâng tầm quan hệ hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Tháng 7/2010, trong chuyến thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chuyển tải thông điệp của Tổng thống Obama để nâng tầm mối quan hệ chúng ta lên một tầm cao hơn, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Tôi tin rằng, đây là lúc hơn bao giờ hết để chúng ta đưa mối quan hệ hai nước sang một giai đoạn hợp tác tiếp theo.
Hôm qua tôi đã có cuộc họp rất hiệu quả với Ngoại trưởng Clinton về vấn đề này. Bà tin tưởng mạnh mẽ rằng, mối quan hệ của chúng ta được tăng cường hơn nữa sẽ giúp chúng ta thực hiện sự hợp tác tích cực, xây dựng và nhiều mặt - một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, vì hoà bình, ổn định và phát triển như trong tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước. Chúng tôi cũng cho rằng, quan hệ đối tác Mỹ - Việt tốt hơn không chỉ có nghĩa chỉ thúc đẩy lợi ích chung mà còn có lợi cho lợi ích của mỗi bên trên tinh thân hiểu biết và tôn trọng độc lập và chủ quyền.
Ở bức tranh lớn hơn, tôi tin tưởng rằng, quan hệ đối tác Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển khu vực cũng như trên thế giới. Hai nước chúng ta có những cơ hội lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và đa phương. Tôi hy vọng rằng, Hội đồng Đối ngoại và các bên liên quan khác trong quan hệ Việt - Mỹ sẽ tích cực tham gia vào tiến trình này vì các lợi ích lâu dài của hai quốc gia và nhân dân hai nước. Tôi xin kết thúc phát biểu của mình tại đây và rất cám ơn sự chú ý của mọi người.
WOODRUFF: Rất cám ơn ông. Rất hay. Tôi biết rằng tôi sẽ chỉ đưa ra một số câu hỏi trong khoảng 15 phút sau đó là để ngỏ cho các câu hỏi khác dành cho ông. Mặc dù vậy, lần đầu tiên, tôi cũng muốn nói - với ý kiến cá nhân - tôi nghĩ tôi với ông cùng độ tuổi. Ông 52 tuổi còn tôi 50. Trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, tôi và ông đều còn rất trẻ, dĩ nhiên, tôi ở Detroit, và ông ở Hà Nội.
Vậy, ông nhìn nhận thế nào và ông đã nghĩ gì về Mỹ hồi ấy? Chúng tôi biết rằng đã có thay đổi lớn từ đó tới nay. Nhưng tôi chỉ muốn hỏi, ông đã từng nhìn nhận thế nào và ông đã nghĩ gì?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Vâng, như ông từng đề cập, đó là thời gian xảy ra chiến tranh, và chúng ta còn rất trẻ. Tôi có thể nói tôi rất nhỏ khi ấy. Tôi nhớ khi Hà Nội bị đánh bom vì tôi tôi sống ở Hà Nội. Và lúc bị đánh bom, tôi đã phải sơ tán về vùng nông thôn. Và từ nông thôn, hàng đêm, tôi nhìn lên bầu trời, thấy như máy bay thả bom. Dĩ nhiên, đó là sự thù hận. Và sau đó, năm 1975, khi đủ tuổi, tôi vào trường ngoại giao. Và tôi đã học ngoại giao để trở thành một nhà ngoại giao, với ước mơ mà chúng ta có thể, các bạn biết đấy, là bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Nên trong lĩnh vực này, giờ đây, trong năm 1995 thì ước mơ đã thành hiện thực. Và các bạn biết đấy, những ngày nay, chúng ta đang nỗ lực nâng tầm quan hệ ấy.
WOODRUFF: Ông biết rằng, tôi biết ông đã có sự ủng hộ rất lớn để cố gắng làm gia tăng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Có khi nào ông thậm chí hình dung ra rằng, ông sẽ ở đây, tại nước Mỹ thời gian trước không?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Thời điểm nào?
WOODRUFF: Vâng, trở lại những năm 1970?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Không (cười). Thời gian đó là không vì trước năm 1975 - không thể biết chiến tranh khi nào sẽ chấm dứt. Nên nó giải thích vì sao tôi không thể hình dung sẽ ở Mỹ.
WOODRUFF: Vậy lần đầu tiên, lần đầu tiên là khi nào ông nghĩ về điều này?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đó là khi - vào những năm 1980, khi tôi làm việc tại bộ ngoại giao. Và thời điểm đó, tôi làm ở chúng tôi gọi là Vụ Tổ chức Quốc tế. Và công việc của tôi khi đó liên quan trực tiếp tới công việc của LHQ. Nên tôi đã tới New York tham dự các phiên họp của LHQ.
WOODRUFF: Tôi biết, một lần nữa với tư cách cá nhân, là những gì mà cha ông, ý tôi là, quan điểm của cha ông, suy nghĩ của ông ấy về loại hình công việc ông đã làm?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Vâng, ông biết rằng, chúng tôi có một chính sách khi chúng tôi bình thường hoá quan hệ với Mỹ, chúng tôi có khẩu hiệu rằng, khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Vì vậy, với mọi nỗ lực để bình thường hoá giữa hai nước, đó là hoàn hảo.
WOODRUFF: Và đó là lý do tại sao, cuối cùng, đó là câu hỏi cuối cùng của tôi về quá khứ. Hãy hướng tới - hiện tại và tương lai. Các bạn biết đấy, chắc chắn khi nhìn vào - sự thay đổi về kinh tế ở đất nước này là rất to lớn. Và trong tất cả các nước Đông Nam Á, tôi chưa từng tới Việt Nam. Đó là nước duy nhất tôi chưa từng đến.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: (không nghe rõ)
WOODRUFF: Vì vậy đó là lý do chính vì sao tôi muốn gặp ông, để tối có thể đến thăm ông. Tôi đã sống ở Trung Quốc, tại Bắc Kinh năm 1988 và 1989. Sau đó, chúng tôi đã chứng kiến một đất nước mới bắt đầu có những đổi thay đáng kể. Nhưng nếu nhìn vào số người mới thoát nghèo, thoát nghèo ở Trung Quốc, tôi nghĩ có khoảng 300 triệu người thoát nghèo trong 30 năm qua. Tôi nghĩ, với nước ông, đã có khoảng 75% dân số được xem là trong mức nghèo, rồi hiện nay giảm xuống còn 14%, từ năm 1990 tới nay. Ông nhìn nhận nền kinh tế thế nào và lý do cho sự phục hồi theo thời gian?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Với Việt Nam trong 10 năm qua, chúng tôi duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% - 7-8%, và điều đó đã góp phần giảm nghèo rất lớn, đồng thời chính phủ có một chính sách ưu tiên cho người nghèo. Đó là lý do vì sao, với Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đây là một trong các mục tiêu chúng tôi đã hoàn thành trước - trước thời hạn - đặt ra cho năm 2015.
WOODRUFF: Và ông có con số tăng trưởng hàng năm trong nền kinh tế. Tôi nghĩ lạm phát bây giờ vào khoảng 18%?.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: 18% lạm phát, vâng, trong năm nay. Và đó là một trong những thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam.
WOODRUFF: Nên ông sẽ làm gì?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Chính phủ giờ đây có thông qua một số giải pháp. Một trong số đó là kiểm soát chi tiêu công, giảm các dự án. Việc đầu tư vào một số dự án không hiệu quả nên chúng tôi giảm các dự án đó. Đồng thời, giảm tỉ lệ lãi suất. Nhưng lạm phát vẫn cao. Trong tháng này, dường như đã tốt hơn một chút, nhưng vẫn ở mức rất cao.
WOODRUFF: Giờ chuyển sang căng thẳng khu vực, dĩ nhiên là, chắc chắn là với Trung Quốc, nước giờ đây mạnh nhất toàn châu Á. Ông có e ngại về điều này không? Ý tôi là trước khi Trung Quốc coi Biển Đông như một đường lưỡi bò lớn để họ có quyền với khu vực biên giới dọc theo biển của Việt Nam. Việc này tiếp tục thế nào mà không có xung đột, nếu không gọi là một cuộc chiến, ông nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi nỗ lực kiểm soát những gì Trung Quốc đang cố gắng áp đặt lên các ông?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Ông biết rằng, với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, chúng tôi có - những gì chúng tôi mô tả về mối quan hệ là sự hợp tác toàn diện. Và Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược của chúng tôi. Trung Quốc nằm trong số bảy nước chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược. Và quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là tốt đẹp trong mọi lĩnh vực.
Về khía cạnh kinh tế. Chúng tôi có trao đổi thương mại, khoảng 20 tỉ USD. Về chính trị, chúng tôi đã trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Văn hoá, giáo dục và các khía cạnh khác là tốt.
Chỉ có một vấn đề tồn tại. Những gì mà ông đề cập - đó là đường lưỡi bò. Đường lưỡi bò không có căn cứ pháp lý. Không hề có nền tảng pháp lý cho đường lưỡi bò. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên tham gia công ước LHQ về luật biển, năm 1982. Công ước này công nhận vùng đặc quyền kinh tế của một nước gắn với vùng biển. Và Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế trên biển trong 200 hải lý. Và đường lưỡi bò chạm tới thềm lục địa không chỉ của Việt Nam, mà còn của Philippines và những nước khác ở Đông Nam Á. Đó là lý do vì sao nó không phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển - công ước mà Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên tham gia.


WOODRUFF: Và vì vậy, dĩ nhiên,  ĐNA có thể là vùng chiến tranh hải quân lớn hơn những nơi khác trên thế giới bởi vì biển.
Về mối quan hệ với quân sự Mỹ, tôi nghĩ rằng việc hạn chế ngân sách của nước tôi phần nào đó làm suy giảm tiền năng quân sự, ông biết đấy, trong làm việc và các hoạt động ở khu vực gần Việt Nam và chắc chắn là cả Trung Đông. Nếu Mỹ về phương diện sức mạnh quân sự và trợ giúp các ông, ông nghĩ sẽ ảnh hưởng thế nào và ông thấy cần Mỹ thiết lập sức mạnh thế nào, đặc biệt ở Đông Nam Á?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Ông biết rằng ở Biển Đông, có ba phương diện của vấn đề. Tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết thông qua giải pháp hoà bình của quốc gia liên quan. Phương diện thứ hai của Biển Đông là sự ổn định, an ninh trong khu vực. Bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định của các nước trong khu vực, dĩ nhiên là gián tiếp tới các quốc gia khác.
Và phương diện nữa từ hàng hải, tự do hàng hải. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tự do hàng hải, và dĩ nhiên, ảnh hưởng tới các nước khác, không chỉ có Mỹ, Nhật hay Ấn Độ...
Vì vậy chúng ta thấy rằng, nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực là làm cho Biển Đông ổn định. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực đó.
WOODRUFF: Tôi biết, ông đã tin tưởng vào vấn đề này trong một thời gian dài. Giờ đây, ngân sách của chúng tôi, thực sự là ông biết đấy, khá khó khăn trong hiện tại, nhưng ngân sách của các ông, cũng như phần lớn ở Đông Nam Á - ngân sách dành cho quân sự hiện lại gia tăng, và tỉ lệ nhập khẩu vũ khí gia tăng.  Ông thấy Việt Nam đang mua sắm các loại vũ khí khác trước như thế nào, và nước nào các ông đang nhập khẩu vũ khí ngoài Nga và chuyện này thay đổi theo thời gian thế nào?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Không, trong sự so sánh về ngân sách chi tiêu cho quân sự, ngân sách của Việt Nam là rất nhỏ.
WOODRUFF: Nhỏ nhưng đang gia tăng?.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Rất nhỏ. Nếu ông so sánh với phần trăm GDP, mà chúng tôi có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước. Đó là mục tiêu duy nhất. Và chắc chắn ở thời điểm hiện tại, chúng tôi mua vũ khí từ Nga. Đó là sự thực. Chúng tôi chỉ cần có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước. Đó là mục tiêu của chúng tôi.
WOODRUFF:  Ông biết đấy, tôi từng nói về sự bành trướng của Trung Quốc, và chúng tôi nhìn vào mọi nơi từ Brazil tới Angola - Angola, nơi Trung Quốc hiện diện, để lấy dầu và Brazil, thì nơi Trung Quốc cần nhiều hơn, lương thực và đậu nành và danh sách các nước ngày càng gia tăng đáng kể. Với các nước láng giềng ở phía đông nam ở châu Á, khu vực ảnh hưởng chủ yếu mà Trung Quốc đang cố gắng gia tăng, phần lớn là vì, khai thác dầu khí và những tài nguyên tương tự từ các khu vực này trở về nước họ.
Liệu đó có thể là một lí do giải thích vì sao sẽ có một cuộc xung đột lớn, rất lớn là bởi vì Trung Quốc gặp khó khăn khi đưa năng lượng và lương thực về nước của họ?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Phân tích việc này khá khó. Ông biết đấy, các cuộc xung đột - nguyên nhân gây ra xung đột có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, hãy nói trường hợp cụ thể
WOODRUFF: Ví dụ về nhập khẩu dầu, qua đường biển ở Malacca ?.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Ở đâu?
WOODRUFF: Đi qua biển hướng tới Trung Quốc, phần lớn từ Trung Đông.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tôi không có con số dự trữ dầu ở Biển Đông. Nên tôi không biết tài nguyên dầu ở Biển Đông có thể ảnh hưởng thế nào, có thể dẫn tới xung đột thế nào. Điều này khác với tình hình ở Trung Đông. Trung Đông hoàn toàn là nơi xung đột có thể xuất phát từ dầu.
WOODRUFF: Tôi biết, chúng ta sẽ để ngỏ vấn đề này cho các câu hỏi trong vòng một phút, nhưng còn về nhân quyền ở Việt Nam? Ông thấy thay đổi thế nào cách đây 10 năm, 20 năm và đặc biệt là quyền tự do tôn giáo?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Ông nói ông chưa từng tới Việt Nam phải không?
WOODRUFF: Chưa, và tôi vẫn đang chờ ông, chờ lời mời của ông.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Vâng. Và tôi biết có những người trong căn phòng này từng ở Việt Nam và đã thấy nhiều thay đổi ở Việt Nam đặc biệt từ năm 1975 cho tới nay. Và một điều không thể thay đổi: đó là cam kết của chúng tôi để bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Nếu các bạn nhìn vào những chính sách của Việt Nam, chúng tôi - các chính sách của chúng tôi luôn luôn tập trung vào cải thiện mức sống tốt hơn cho người dân, và song song với đó là các quyền của người dân. Đó là cam kết của chúng tôi.
Tất nhiên, có sự tiếp cận khác nhau về quyền con người. Vì thế, đó là lý do tại sao hàng năm chúng tôi thực hiện rất nhiều cuộc đối thoại với các nước khác nhau, trong đó có Mỹ, về vấn đề nhân quyền.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Ảnh: Lê Anh Dũng
WOODRUFF: Như thế nào, thế nào về quan hệ với người Việt tại hải ngoại? Ông biết đấy, với Mỹ, chúng tôi rõ ràng có rất nhiều người gốc Việt...
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Như tôi đề cập, đó là sự tiếp cận khác nhau của chương trình nghị sự về nhân quyền. Ngày nay, rất nhiều người Việt Nam, mà ông gọi là "người Việt ở nước ngoài" đã trở về Việt Nam thăm viếng bạn bè, gia đình, hay làm ăn. Và dĩ nhiên, một phần của cộng đồng ấy vẫn chưa trở lại Việt Nam, vì họ biết chúng tôi có một cuộc chiến ở Việt Nam. Và vẫn tồn tại những hiểu lầm, thậm chí là thù hận. Đó có thể là lý do vì sao một số người vẫn chưa hồi hương, nhưng chúng tôi, chúng tôi hoan nghênh tất cả họ trở lại (nghe không rõ). Chúng tôi luôn mở rộng cửa.
WOODRUFF: Cuối cùng, chúng ta hãy nói, chắc chắn về sự tăng trưởng kinh tế và những gì ông đã đề cập, ông vẫn xem Việt Nam là một nước cộng sản, nước tư bản chủ nghĩa hay sự cân bằng giữa hai bên, khác biệt hẳn so với trước?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: (Cười) Chúng tôi có - chúng tôi có đảng - Đảng Cộng sản. Như tôi đề cập trong bài phát biểu, chúng tôi vừa mới tiến hành Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11. Và chúng tôi thông qua - thứ ông gọi là kinh tế thị trường - vì nó phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục là một nước cộng sản. Như cái tên gọi của Việt Nam - Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
WOODRUFF: Dứt khoát là tên như vậy rồi.
Cám ơn ông rất nhiều. Bây giờ dành cho các câu hỏi khác.

Larry Pressler: Việt Nam dường như đang vướng mắc giữa một nền kinh tế nhà nước và kinh doanh tự do. Và ví dụ, trong các thoả thuận tự do thương mại và đầu tư - tôi làm việc trong một ban điều hành tại Quỹ Việt Nam, và chúng tôi thấy có nhiều khó khăn trong đầu tư, hay giải quyết với thị trường chứng khoán hoặc sự minh bạch. Tôi không có ý định chỉ trích, nhưng các ông đang có nền kinh tế nhà nước hay sẽ chào mời nhiều hơn đầu tư nước ngoài?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Cám ơn câu hỏi của bạn. Và bạn biết đấy, giờ đây ở Việt Nam, chúng tôi có thị trường chứng khoán, cũng có các công ty tư nhân và dĩ nhiên chúng tôi có các công ty nhà nước. Và hiện tại chính phủ có chính sách mà các bạn gọi là cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, nhìn vào đó, bạn thấy chúng tôi có - vẫn có công ty nhà nước, tư nhân - 100% vốn nước ngoài, công ty nước ngoài, liên doanh... Nên bạn có thể thấy sự đầu tư hỗn hợp ở Việt Nam.
Và tất nhiên, chúng tôi chào đón mọi loại hình đầu tư ở Việt Nam. Chúng tôi đối xử công bằng với đầu tư bên ngoài cũng như nội địa. Chúng tôi công bằng, dành những điều kiện thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước. Chúng tôi có luật quy định điều đó.
Ken Roth đến từ Human Rights Watch: Tôi muốn hỏi về vấn đề nhân quyền vì tôi nghe ông trả lời về phát triển kinh tế, dĩ nhiên, đó là phần quan trọng, nhưng tôi chưa nghe thấy các phần khác...
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Bạn biết rằng Việt Nam là thành viên tham gia gần như tất cả công ước về quyền con người. Và giống như Mỹ, chúng tôi cũng là thành viên của - các bạn gọi là - Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Và chúng tôi tôn trọng các đặc thù và tính phổ quát của nhân quyền. Cả các quyền kinh tế, chính trị - đều ghi rõ trong hiến pháp của Việt Nam.
Như bạn đề cập, một số cá nhân, vâng, như bất kỳ quốc gia nào - nếu ai đó vi phạm hiến pháp, luật pháp, họ sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật.
Tôi nhớ cách đây ít năm, ví dụ chúng tôi đã có cuộc đối thoại với Anh. Và họ nói vì sao chúng tôi kiểm soát - một số kiểu biểu tình. Nhưng hãy nhìn vào Anh, đúng không nào? Ít tuần hay ít tháng trước, họ đã thông qua - tôi không rõ quy định hay điều gì đó - kiểm soát biểu tình sau những hỗn loạn tại London hoặc điều tương tự. Vì thế, nếu có một số quan ngại về an ninh, bạn phải thông qua các biện pháp. Đó là điều bình thường. Nhưng chúng tôi tôn trọng nhân quyền trong mọi lĩnh vực vì chúng tôi là thành viên của mọi công ước nhân quyền.
Dinah PoKempner, từ Human Rights Watch: Tiếp tục câu hỏi này, trong khi Việt Nam đã có có hồ sơ rất tốt về việc ký kết các hiệp ước nhân quyền, thì lại có hồ sơ kém thuyết phục hơn về sự Bộ trưởng Minh bạch trong việc chấp thuận cơ chế nhân quyền LHQ hoặc các nhóm quốc tế tới thăm. Ví dụ gần đây có cuộc tranh cãi, về khả năng xuất khẩu một số sản phẩm từ sự cưỡng ép lao động. Và tôi tự hỏi, kể từ khi Việt Nam có vai trò ngày càng nổi bật trong các vấn đề quốc tế và ngoại giao, thì liệu có sẽ bắt đầu trở nên mnh bạch hơn, và hoan nghênh các cơ chế nhân quyền?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tôi không có thông tin chính xác về điều đó. Chúng tôi hoan nghênh các chuyến thăm.
Brett Dakin, thành viên tại hội đồng: Tôi muốn thu hút sự chú ý sang tầm quan trọng của sông Mekong và khu vực, và cụ thể là, một số tranh cãi khác thường gần đây giữa Việt Nam và Lào về việc sử dụng sông Mekong cho phát triển thuỷ điện. Nếu ông có thể bình luận về cách tiếp cận của Việt Nam về vấn đề này, đặc biệt là về dự án của Lào có thể theo đuổi để khai thác Mekong sản xuất điện. Cám ơn ông.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Cám ơn. Tôi sẽ không mô tả nó là cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Lào. Bạn biết đấy, dọc theo Mekong có sáu quốc gia. Chúng tôi có uỷ ban - Uỷ hội Mekong kết hợp bốn nước liên quan. Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều là thành viên uỷ hội. Và trong uỷ hội, chúng tôi thoả thuận rằng, bất kỳ nước nào phát triển thuỷ điện, ở dòng chính Mekong, phải thông tin cho các thành viên khác trong uỷ hội về dự án, về việc sử dụng cũng như chi tiết dự án.
Dĩ nhiên, thượng nguồn còn có hai nước khác. Họ phát triển rất nhiều dự án dọc theo dòng chính, nhưng họ không thông tin cho chúng tôi. Họ vẫn thiếte lập các dự án thượng nguồn.
Với Lào, Lào có ý định phát triển các dự án dọc theo sông Mekong. Khi chúng tôi biết, khi Lào thông tin với uỷ hội Mekong về dự án, các thành viên của uỷ hội, Việt Nam và những nước khác, đã đề nghị Lào cung cấp chi tiết dự án. Đồng thời, chúng tôi đề nghị nghiên cứu, nghiên cứu khoa học để đảm bảo rằng, dự án nếu ảnh hưởng - tới những gì mà bạn gọi là thay đổi dòng chính - dòng chảy - sẽ ảnh hưởng tới nước hạ nguồn Mekong như Việt Nam và Campuchia - vì nó sẽ ảnh hưởng tới khu vực sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.
Và giờ đấy, quá trình này là chúng tôi yêu cầu Lào cung cấp chi tiết cho chúng tôi một cách khoa học về dự án. Và Lào đã thuê một công ty, công ty Thuỵ Sĩ, tiến hành cái mà bạn gọi là -
Người hỏi: Công ty tư vấn?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Công ty tư vấn sẽ tiến hành nghiên cứu việc sử dụng - trên đập Xayaburi. Và họ sẽ thông tin cho chúng tôi với sự trợ giúp của nghiên cứu này.
Elizabeth Bramwell từ Bramwell Capital: Tỉ lệ tăng trưởng 7-8% của các ông rất ấn tượng. Và tôi tự hỏi, nếu nó bền vững, trong thực tế là châu Âu và Mỹ đang phát triển chậm lại, như 2% hay ít hơn; thì Việt Nam sẽ dịch chuyển thế nào từ một thị trường xuất khẩu, nền kinh tế hướng xuất khẩu sang một nền kinh tế hướng nội địa nhiều hơn, hoặc hướng ASEAN.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Cám ơn câu hỏi của bạn. Như tôi đề cập, chúng tôi duy trì tỉ lệ tăng trưởng - bạn biết đấy, trong 10 năm với tỉ lệ 7-8%. Và giờ đây, tỉ lệ đăng ký là 5.5%. Nền kinh tê của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, chắc chắn như vậy. Và đó là lý do vì sao chúng tôi phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Nếu nhu cầu giảm sút, như ở Mỹ nếu bạn không chi tiêu nhiều, thì sẽ khó khăn cho chúng tôi. Và hiện chính phủ đang tái cơ cấu nền kinh tế. Đó là một vấn đề. Chúng tôi vẫn tiếp tục tái cơ cấu kinh tế.
Người hỏi (không nghe rõ tên): Tôi làm việc tại Quỹ LHQ, và là thành viên hội đồng. Cám ơn ông đã có mặt ở đây.
Tôi nghĩ một số người đã rất ủng hộ để Việt Nam giữ vai trò lớn hơn trên thế igới, đặc biệt với tư cách thành viên Hội đồng Bảo an. Và tôi nghĩ nhiều người đã thấy rằng, đi kèm với nó là trách nhiệm lớn hơn trên thế giới. Và tôi biết cùng lúc đó, có những người thất vọng - tiếp theo câu hỏi của Ken Roth - về đảm bảo các quyền tự do tôn giáo.
Liệu có sự sửa đổi điều luật cho phép người dân có thể hoạt động tôn giáo tự do, và phù hợp với trách nhiệm lớn hơn của Việt Nam trên thế giới?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hãy tới Việt Nam và nhìn nhà thờ vào Chủ nhật. Thậm chí tôi không thể vào nhà thờ ngày Chủ nhật hay đêm giáng sinh. Nó quá đông đúc. Vì thế, tôi không thấy bất kỳ điều gì, bạn biết đấy, kiểu như phân biệt chống lại hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Hãy tới thăm chúng tôi.
Jeff Laurenti từ Quỹ Century: Có chút gì đó tiếp theo câu hỏi của Ken Roth và về quyền kinh tế. Doanh nghiệp Trung Quốc lo lắng rằng, nhân công giá rẻ của Việt Nam đang thu hút kinh doanh và đầu tư. Các công ty may mặc xem Việt Nam là nơi lý tưởng vì không gặp phiền nhiễu với nghiệp đoàn, chi phí nhân công thấp và lực lượng lao động thuần tính.
Việt Nam có sự bảo vệ cho quyền người lao động thế nào để họ có thể tổ chức nghiệp đoàn, hay nghiệp đoàn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ?  Ông nói thế nào về việc tuân thủ từ Tổ chức Công nhân Quốc tế (ILO) về sự tuân thủ các công ước quốc tế về quyền của người lao động?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Vâng, cám ơn bạn. Ở Việt Nam, chúng tôi có công đoàn, các bạn có thể gọi là công đoàn hay nghiệp đoàn. Và công nhân là thành viên của công đoàn. Tôi nghĩ trong các nhà máy đầu tư nước ngoài cũng như vậy, có công đoàn ở đó.
Chúng tôi khuyến khích, bạn biết đấy, người lao động có thể nhận lương cao, thu nhập cao. Tôi không thấy bất kỳ hạn chế nào về giá nhân công ở Việt Nam.
George Weiksner từ Credit Suisse: Tôi muốn chúc mừng ông về việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Tôi muốn ông có thể có lời khuyên cho Cuba, nước đang cố gắng bình thường hoá quan hệ, từ thành công của ông.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đó là câu hỏi khó, vì mỗi nước có những đặc điểm và nền tảng lịch sử khác nhau. Nên lời khuyên của chúng tôi có thể là kiên nhẫn (cười). Chúng tôi có 20 năm sau 1975 đến 1995, 20 năm cho các cuộc thảo luận bình thường hoá. Thời gian ấy đủ dài cho sự kiên nhẫn, và bạn biết đấy, cả hai bên đều quan tâm tới bình thường hoá quan hệ.
Richard Haass: Tôi hiếm khi đặt ra câu hỏi. Tôi đang phá vỡ quy tắc của tôi. Tôi là Richard Haass làm việc ở đây.
Ông nói một số điều rất thú vị trong phát biểu của ông. Ông nói cuộc gặp của ông với ngoại trưởng, đã thảo luận về khả năng một quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và nước ông.  Nên tôi tò mò về nội dung của quan hệ đối tác ấy. Ông muốn thấy gì trong quan hệ của chúng ta ở tương lai mà ông không thấy hiện tại? Và với mức độ nào trước sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc điều gì đó thêm vào?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tôi cũng rất tò mò về nội dung (cười) của quan hệ đối tác chiến lược, vì chúng tôi hiện vẫn đang thảo luận những gì thuộc phạm vi của mối quan hệ ấy. Dĩ nhiên, chúng tôi tập trung ở mọi khía cạnh, vì là một quan hệ đối tác chiến lược, chúng tôi tin rằng nó sẽ bao trùm mọi quan hệ chính trị, kinh tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, công nghệ... tất cả các lĩnh vực ấy đều bao gồm trong quan hệ đối tác chiến lược, như mối quan hệ đối tác chiến lược chúng tôi đã thiết lập với các nước khác. Và dĩ nhiên chúng tôi có - hiện tại chúng tôi có sáu hoặc bảy quan hệ đối tác chiến lược, và không ai chống lại ai. Nên rõ ràng là, với quan hệ đối tác chiến lược, chúng tôi muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước đồng thời góp phần cho hoà bình và ổn định trong khu vực. Tôi tin là vậy.
Jim Harmon: 11, 12 năm trước, tôi là chủ tịch Ex-Im Bank, và chúng tôi trở lại Việt Nam. Thời điểm đó, chúng tôi nghĩ rất nhiều về việc bình thường hoá hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, sau đó chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp nhà nước về tỉ lệ vốn và sản xuất sẽ giảm đáng kể ở Việt Nam.
Ngày nay, tôi điều hành một quỹ đầu tư vào thế giới đang phát triển, trong đó có Việt Nam và tôi có chút nản lòng vì thực thế rằng, doanh nghiệp nhà nước vẫn tiêu thụ khoảng 50% nguồn vốn quốc gia nhưng lại sản xuất 25% hoặc đại diện cho 25% sản lượng. Và khi ông suy nghĩ về tái cơ cấu kinh tế - và tôi biết rằng ông có thể làm điều đó - ông sẽ tập trung vào tư nhân hoá hơn và có thể thậm chí hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 50% số lượng các công ty công hữu.
Vì vậy, có những điều ông có thể làm nhằm khuyến khích đầu tư ở Việt Nam không chỉ từ Mỹ mà từ khắp nơi trên thế giới. Và chính vì thế, tôi nghĩ nó cũng góp phần nào với giải quyết lạm phát.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Vâng, như tôi đề cập rằng, giờ đây chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế (rong đó dĩ nhiên, có các doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi có kế hoạch giảm bớt doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp không có hiệu quả. Với các doanh nghiệp nhà nước vẫn hiệu quả, chúng tôi tiếp tục giữ lại và duy trì vì chúng có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Và như tôi đã nói, chúng tôi hoan nghênh mọi loại hình đầu tư ở Việt Nam. Không có sự phân biệt nào giữa doanh nghiệp nhà nước hay công ty nước ngoài. Có một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam, cho mọi loại hình đầu tư nước ngoài. Không biết liệu câu trả lời của tôi đã phù hợp với câu hỏi của bạn hay chưa.
WOODRUFF: Cám ơn rất nhiều. Hãy giúp tôi tới nước của ông sớm nhất có thể với lũ trẻ của tôi, chúng cũng muốn đi (cười).
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Cám ơn, Bob.
Cám ơn tất cả các bạn.


Blog BBC Vietnamese homepage

Ngoại giao Việt Nam và tài năng xếp gạch

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-10-12, 16:23
Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, người ở cương vị Tổng Bí Thư Đảng cầm quyền ở Việt Nam đã dẫn một phái đoàn đông kỷ lục gồm cả ba ủy viên Bộ Chính trị, bảy bộ trưởng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Nền chính trị Trung Hoa luôn trọng các con số to nên đội hình Việt Nam chắc có mục tiêu đáp ứng nhu cầu đó.
Nhưng con số cũng đóng vai trò quan trọng ở góc độ các nước tham gia vào chủ đề Biển Đông ngày càng nhiều đã tạo đà cho Việt Nam nói chuyện lại với Trung Quốc.
Chuyến đi cho thấy xu hướng đa phương đã thắng cách nhìn song phương cho vùng biển quốc tế này.
Rộng hơn, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu kiến nghị cho quan hệ Trung - Việt "tăng cường trao đổi và điều phối trong các cơ chế đa phương", một điểm thừa nhận Trung Quốc dù vươn lên mạnh mẽ cũng không thể đứng riêng một cực.
Thời gian qua, các bước đi của Trung Quốc ở Bắc Phi cho thấy một cách tiếp cận thực tiễn hơn trước.
Đài Trung Quốc (CRI) cũng trích lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói cách giải quyết vấn đề trên biển, "không để cho vấn đề ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước", chứng tỏ thái độ người dân bày tỏ trên mạng và trên đường phố được ghi nhận.
Năng lực cầm quyền
Nhưng nói về ngoại giao thì cũng phải nói về nội trị ở cả hai nước.
Ông Ngô Bang Quốc nói với ông Nguyễn Phú Trọng về chuyện "cùng nhau nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền của Đảng Cộng sản".
Rõ ràng là ngay tại Trung Quốc hiện nay, một luồng dư luận công khai đang đòi hỏi nhà chức trách thay đổi cách điều hành đất nước.
Và họ công khai nói về chuyện đó.
Tờ China Daily bản tiếng Anh phát không ở châu Âu tuần này nhắc đến dự án công ty Trung Quốc xây đập Myitsone bị Miến Điện ngưng.
Trong bối cảnh đó, công trình Trung Quốc xây đường xe điện trên cao cho Hà Nội quả là món tin vui Giáo sư Trọng mang sang Bắc Kinh.
Nhưng khi nghe tin đó, một người bạn từ BBC Tiếng Trung đùa với tôi: "Nhắn phía Việt Nam cẩn thận kẻo bị sập".
Không phải các nhà báo BBC bi quan về hợp tác Trung - Việt mà chính ở Trung Quốc hiện nay đang có không ít người lo ngại về các dự án chạy theo thành tích, bỏ qua chất lượng và an toàn.
Dư luận Trung Quốc đang chuyển biến mạnh sau vụ tàu cao tốc đâm nhau ở Ôn Châu hồi tháng 7, giết chết 40 người.
Họ đang muốn đánh giá lại những gì thực sự đạt được trong 3, 5 hay 10 năm qua, hay chỉ "giả vờ đạt được", theo ông Edward Tse, tác giả cuốn 'The China Strategy', được trích đăng trên China Daily.
Trên tờ Caixin thì có dòng tít lớn "Cracking China's Image" (Hình ảnh Trung Quốc vỡ nát) trên trang bìa và bài bên trong nói về các dự án thua lỗ tỷ USD mà các đại tập đoàn Trung Quốc khi tung ra làm ăn ở Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ và Ba Lan.
Điều này cho thấy cách điều hành nền kinh tế của Trung Quốc đúng là cần "nâng cao năng lực" như ông Ngô Bang Quốc nói.
Mặt khác, đây cũng là ví dụ rằng truyền thông Trung Quốc không chỉ mạnh mẽ khi nói về chủ quyền biển đảo mà còn thẳng cánh phê phán các vấn đề nội bộ của họ.
Phái đoàn Việt Nam gồm cả Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh chắc sẽ ghi nhận tinh thần cởi mở này để nghĩ lại về không gian họ dành cho báo chí Việt Nam.
Bạn thử tưởng tượng một tờ báo Việt Nam nào dám chạy tựa "Con tàu đắm Việt Nam" về vụ Vinashin.
Việt Nam tạo biến chuyển trong ngoại giao nhờ bỏ thái độ 'sợ làm Trung Quốc giận' thì phải chăng báo chí cũng cần bỏ nếo nghĩ 'viết mạnh sợ lãnh đạo phật lòng'?
Xếp từng viên gạch
Tin không vui và làm tôi suy nghĩ nhiều là trong cuộc thi World Skills 2011 ở Anh tuần qua Việt Nam không đoạt được huy chương nào mà chỉ đem về 7 chứng chỉ ở các môn Công nghệ may thời trang, Nấu ăn, Lắp cáp mạng thông tin, Điện tử, Xây gạch, Công nghệ thông tin và Thiết kế trang web.
Con số quả là rất nhỏ trên tổng số 950 chứng chỉ cấp cho 50 quốc gia tham dự Hội thi tay nghề quốc tế ở khu Excell, phía Đông London.
Đã sang thập kỷ thứ nhì của Thế kỷ 21 mà thế hệ trẻ Việt Nam chỉ được khen là khá môn 'nấu cơm, xếp gạch' thì quả là chuyện báo động, đặt câu hỏi mục tiêu hiện đại hóa đến 2020 có còn chắc trong tay?
Ngoài ra, số huy chương cho các bạn trẻ từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Macao nhiều hơn hẳn Trung Quốc lục địa, và một huy chương đồng cho Nguyễn rơi vào tay Paul Nguyen từ Pháp là bằng chứng rằng nguồn gốc không quan trọng bằng môi trường giáo dục khuyến khích sáng tạo.
Câu hỏi là làm gì để cải tổ nếu năng lực cầm quyền của Đảng và kỹ năng lao động của Dân ở Việt Nam đều cần nâng cao?
Để đất nước đi lên, bên cạnh hy vọng rằng Đảng sẽ mở rộng tầm nhìn, thông thoáng cơ chế hơn, trí thức và xã hội cũng cần chủ động tiến bước, từng bước nhỏ sẽ thành bước lớn.
Chính phủ Việt Nam đã và đang ký đối tác chiến lược với một loạt nước.
Nhưng điều rất cần là Đảng và Nhà nước ký một Đối tác Chiến lược với chính Nhân dân và Xã hội Việt Nam nêu rõ các quyền và trách nhiệm của hai bên nhân đợt cải tổ hiến pháp đang diễn ra.

Một cơ hội nữa là dự án Đức giúp Việt Nam cải tổ hệ thống pháp luật nêu ra trong chuyến đi của Thủ tướng Angela Merkel sang Hà Nội tuần này.
Và cũng cần hy vọng, như các điểm sáng của đối ngoại đa phương vừa qua cho thấy, Việt Nam sẽ vượt lên chính mình nếu tích hợp được các cơ hội nhỏ thành dòng sức mạnh lớn.

Không làm ngay được việc lớn, quyết liệt như Trung Quốc thì Việt Nam nên thử làm những bước nhỏ, kể cả như xếp từng viên gạch phù hợp với sức mình để đi xa hơn.

"Bạn phải tìm cho ra mình yêu cái gì!"

Nguyễn Xuân | 2011-10-06, 12:51

Sáng nay tôi thức dậy với tin: Steve Jobs - cha đẻ của hãng máy tính Apple - qua đời ở tuổi 56.
Mặc dù không phải là một 'tín đồ' cuồng nhiệt cho các sản phẩm bóng loáng của hãng Apple nhưng tôi cũng thấy lòng mình chùng xuống. Tôi buồn và tiếc vì thế giới ngày hôm nay mất đi một con người có tài, có tâm, có tầm và dĩ nhiên có rất nhiều tiền nữa.
Trong phạm vi bài blog này, tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn vài suy nghĩ về chữ 'tâm' của Steve Jobs.
Ngày 14/06/2005, tại trường Đại học Stanford lừng danh thế giới của Hoa Kỳ, Steve Jobs đã chia sẻ câu chuyện 'tình yêu và nỗi mất mát' của mình trước các tân sinh viên vừa tốt nghiệp đại học xong, vẫn còn chân ướt chân ráo trước ngưỡng cửa sự nghiệp của mình đang mở ra trước mắt.
Cuộc đời của Steve Jobs và hãng Apple không phải lúc nào cũng một màu hồng. Năm 30 tuổi, ông bị Hội đồng quản trị của hãng Apple do chính tay mình tạo dựng sa thải, do bất đồng quan điểm với vị giám đốc điều hành lúc bấy giờ là John Sculley.
Chua xót. Ê chề. Nhưng ông nhận ra ngọn lửa đam mê công nghệ trong lòng ông vẫn còn đó. Năm năm sau, Steve Jobs đã thành lập nên một công ty mới mang tên NeXT và một công ty nữa mang tên Pixar, hãng sản xuất ra bộ phim hoạt hình điều khiển bằng máy tính đầu tiên trên thế giới với tựa đề Toy Story (Chuyện đồ chơi).
Thông điệp đơn giản mà ông muốn nhắn nhủ qua câu chuyện trên là: "Bạn phải tìm cho ra mình yêu cái gì!" (You've gotta find what you love). Điều này, theo quan điểm của ông, đúng cho cả công việc và cuộc sống. Bởi vì lập luận của ông là phần lớn cuộc đời của mình xoay quanh công việc mình làm. Nếu muốn cảm thấy thật sự thỏa mãn trong công việc thì phải tin rằng mình đang làm việc tốt. Mà muốn làm việc tốt thì phải yêu thích nó. Nếu chưa tìm ra thì phải tìm tiếp.
Đối với ông, những gì thuộc về tâm huyết thì tự khắc cái tâm nó sẽ biết. Cũng như trong chuyện tình cảm - càng lớn tuổi thì càng sâu thắm, và cũng như gừng, càng già càng cay.
Quả là một thông điệp màu hồng, đầy niềm khích lệ và hy vọng. Tôi xin kể lại câu chuyện trên như một phần tưởng niệm cuộc đời và sự nghiệp Steve Jobs - người đã dám sống cho 'tình yêu' của mình.
Nhưng 'tình yêu' là đề tài rất lớn, tốn không biết bao nhiêu giấy mực và công sức của nhân loại rồi, nên tôi xin không triển khai thêm ở đây. Và nó cũng là đề tài rất riêng cho mỗi người chúng ta, nên tôi để cho bạn một chút riêng tư để suy nghĩ về nó.
Xin cám ơn và chào vĩnh biệt Steve Jobs! Chúc ông yên nghỉ nơi chín suối...


Khi bộ trưởng ngoại giao so sánh nhân quyền Anh - Việt

Ông Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York hôm 26/9
Ông Phạm Bình Minh phát biểu về nhân quyền nhân chuyến thăm Liên Hiệp Quốc ở New York
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lần đầu tiên có phản ứng quốc tế đối với các chỉ trích về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Một số nguồn tin nói ông Minh được cử làm người lãnh đạo ngành ngoại giao bất chấp phản đối của Bắc Kinh rằng họ "không thích" ông, cũng như họ đã từng ép Việt Nam để cha của ông phải rời khỏi vị trí bộ trưởng ngoại giao khi Việt - Trung bình thường hóa quan hệ hồi đầu thập niên 90.
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt, cả hai nước vẫn có khá nhiều điểm chung.
Ngoài hệ thống chính trị và mô hình kinh tế, tình trạng nhân quyền của cả Hà Nội và Bắc Kinh đều bị phương Tây chỉ trích.
'Hãy nhìn nước Anh'
Hãng thông tấn AFP nói ông Minh đã bị chất vấn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ trong chuyến thăm tới Liên Hiệp Quốc ở New York hồi cuối tháng Chín.
Vấn đề người ta đưa ra chất vấn là chuyện Việt Nam dùng vũ lực để đối phó với các cuộc tụ họp của giáo dân trong năm qua.
Ông Minh có ý nói chính quyền dùng vũ lực vì người dân có hành vi gây rối khi ông nhắc tới các vụ bạo loạn tại Anh hồi tháng Tám.
Ông nói: "Hãy nhìn vào nước Anh. Nếu quý vị có lo ngại về an ninh, quý vị phải có biện pháp thôi. Đó là chuyện bình thường.
"Nhưng chúng tôi tôn trọng quyền con người trong tất cả các lĩnh vực vì chúng tôi là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền."
Tránh thương vong
So sánh Anh Quốc, một nước tự hào đã khai sinh ra khái niệm dân chủ và nhân quyền, với Việt Nam về mặt quyền coi người phổ quát là điều các nhà lãnh đạo Việt Nam không mấy khi làm.
Cảnh sát Anh không được phép dùng tới đạn giả hay vòi rồng khi bị tấn công bằng gạch đá, gậy gộc và cả bom xăng
Trong những ngày bạo loạn tại London và một số tỉnh hồi đầu tháng Tám, người ta đã thấy cảnh sát Anh kiềm chế và trong rất nhiều trường hợp không chống lại những người biểu tình ném gạch đá hay bom xăng vào họ để tránh căng thẳng leo thang.
Ngay cả khi lửa cháy tại nhiều nơi, cảnh cướp phá diễn ra hàng loạt, cảnh sát cũng không được trang bị vòi rồng và đạn nhựa hay đạn cao su nhằm tránh gây thương vong và đổ thêm dầu vào lửa.
Tụ họp và biểu tình ở Anh phải được phép của cảnh sát nhưng một sỹ quan cảnh sát nói với BBC Tiếng Việt trong một cuộc nói chuyện mới đây rằng họ phải cấp phép cho hầu hết các cuộc biểu tình vì luật pháp buộc họ phải làm như vậy.
Viên sỹ quan này nói chuyện với BBC khi đang cùng vài cảnh sát khác bảo vệ cho một cuộc biểu tình của khoảng 100 người Ấn Độ phản đối án tử hình diễn ra ngay sát Đại sứ quán Ấn Độ, nằm cách nơi làm việc của BBC Tiếng Việt vài chục mét.
Các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra thường xuyên tại thủ đô London, nhất là vào các dịp cuối tuần.
Và trong khi những cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội không được phép diễn ra, người Việt tại Anh được cấp phép biểu tình ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc ở London.
Biểu tình phản chiến
Ngay cả cách đây hơn 40 năm, khi Cuộc chiến Việt Nam đang diễn ra và một số chính trị gia Anh ủng hộ cuộc chiến này (Anh không gửi quân tham chiến vì sự phản đối của Đảng Lao động và công chúng), những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng vạn người vẫn được phép diễn ra ở trung tâm London và ngay trước đại sứ quán Hoa Kỳ.
Biểu tình phản đối Cuộc chiến Việt Nam ở London hồi năm 1968
Các cuộc biểu tình phản đối Cuộc chiến Việt Nam với hàng vạn người tham gia được phép diễn ra ở thủ đô London
Từ năm 1968 cho thấy người biểu tình mang theo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những khẩu hiệu ủng hộ "Việt Cộng". Cảnh sát đã phải dùng tới ngựa để ngăn những người biểu tình gây bạo lực và bắt hàng trăm người.
Nhưng trước khi bạo lực nổ ra, nữ diễn viên Vanessa Regrave cùng ba người phản chiến khác vẫn được cho vào trong Đại sứ quán Hoa Kỳ để chuyển thông điệp phản chiến của họ.
Quyền động vật
Sau hơn 40 năm, người Anh ngày nay quan tâm tới quyền của động vật nói chung chứ không chỉ có quyền con người.
Giết mổ súc vật phải được thực hiện nhanh chóng, tối hiểu hóa việc gây đau đớn kéo dài.
Luật pháp buộc những người nuôi thú cảnh đối xử tử tế với chúng. Những người lơ là trong việc chăm sóc chó mèo có thể bị phạt tiền hay bị tòa tuyên án tù.
Ngay hôm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam phát biểu ở New York, tòa ở tây nam Anh đã phạt đôi sinh viên người Trung Quốc 7.000 đô la vì để chó của họ đau đớn trong hơn 24 giờ mới đưa đi bác sỹ.
Những chuyện như thế này gần như không thể xảy ra ở Việt Nam vào thời điểm hiện nay.
Và nó cho thấy những so sánh Việt Nam với Anh Quốc về vấn đề quyền con người hay quyền động vật nói chung là khập khiễng.

1 nhận xét:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple @ gmail)

    Trả lờiXóa

Có ý kiến gì không?