Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Đằng sau cuộc biểu tình 'Chiếm Phố Wall'

Chính phủ Mỹ quá ưu ái cho giới ngân hàng và doanh nghiệp, trong khi nạn thất nghiệp không có dấu hiệu được cải thiện đã dẫn tới cuộc biểu tình có quy mô lớn mang tên "Occupy Wall Street" diễn ra rộng khắp tại Mỹ.

Phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" nổ ra từ ngày 17/9 với một nhóm ít người tham gia dựng trại trước Sàn chứng khoán New York. Số lượng nhanh chóng tăng lên với sự góp mặt của người dân thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội Mỹ, bất kể giới tính và tuổi tác, trong đó có cả các tổ chức có uy tín.
Cuộc biểu tình này thể hiện sự tức giận của người Mỹ trước nền kinh tế bất ổn định hiện tại và phẫn nộ với "giới doanh nghiệp tham lam" và những kẻ môi giới, "những người thu lợi phía sau sự lao động vất vả của người khác". Đã có khoảng 800 người bị bắt trong suốt 18 ngày diễn ra cuộc biểu tình tính tới nay, nhưngphần lớn trong số họ đã được thả.
Có khoảng 800 người đã bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình
Có khoảng 800 người đã bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình "Chiếm Phố Wall" tại Mỹ. Ảnh: AFP
Robert Cammiso, một thành viên tham gia "Chiếm Phố Wall" cho biết: "Chúng tôi không chống lại Sở cảnh sát New York. Đây là cuộc biểu tình của 99% dân số Mỹ phản đối quyền lực của 1% người giàu nhất nước". Cuộc biểu tình đã lan ra 21 địa điểm trên khắp nước Mỹ, và tạo động lực cho nhiều cuộc biểu tình khác nổ ra tại châu Âu.
Người dân phẫn nộ trước cảnh Chính phủ Mỹ quá ưu ái cho nhà giàu và giới ngân hàng. Rất nhiều biểu ngữ viết rằng: "Tất cả các chủ ngân hàng đều là phát xít".
Hôm thứ hai tuần này, Tổng thống Mỹ Obama đã đồng ý cho Ngân hàng Bank of America thu thêm 5 USD đối với mỗi chủ thẻ ghi nợ nhằm cứu ngân hàng này khỏi khủng hoảng. Động thái này vấp phải sự phản đối từ phía các khách hàng của BoA. Nhiều người tin rằng vì chính quyền Obama đang nắm giữ cổ phần tại đây nên mới tìm cách cứu ngân hàng, đồng nghĩa với cứu lợi ích của chính họ.
Mới đây, Mỹ đã tăng thuế thu nhập cá nhân đối với người giàu nhằm bổ sung ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề của nước này không nằm ở thu nhập mà là tài sản. Trên thực tế, 1% dân Mỹ thuộc giới nhà giàu có thu nhập tương đương 21% thu nhập cả nước nhưng sở hữu khối tài sản lên tới 35% tổng tài sản quốc gia.
Vấn nạn thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình rộng khắp lần này. Theo các báo cáo hàng tháng từ Chính phủ Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn ở trên 9% mặc cho nhiều nỗ lực hỗ trợ từ phía Quốc hội. Tháng 8, toàn nước Mỹ có khoảng 14 triệu người không có việc làm, tương đương 9,1% dân số. Kèm theo đó là mức lương theo giờ giảm 3%, còn 23,09 USD một giờ. Số trường hợp thất nghiệp lâu hơn 6 tháng cũng tăng cao kỷ lục, chiếm hơn 45% số ca thất nghiệp.
Phần đông số người thất nghiệp đang ở độ tuổi lao động, trong số họ có người từng là chủ doanh nghiệp với vài chục nhân công. Sau khi phá sản, họ dần mất đi tất cả, kể cả nhà cửa và đang phải sống trong những căn phòng chật hẹp đi thuê hay sống trong xe tải, và không đủ tiền đóng bảo hiểm.

Thấy gì đằng sau “Chiếm phố Wall”?

Có hai chủ đề cơ bản nổi lên trong các cuộc đối thoại với những người biểu tình. Một là việc tầng lớn siêu giàu ở Mỹ đang “sở hữu” các chính trị gia; hai là các phương tiện truyền thông đang nhìn nhận các sự kiện lần này qua con mắt của giới thượng lưu.
Để ý kỹ các cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" ở New York và trên khắp nước Mỹ, đặc biệt khi các cuộc biểu tình này tiếp tục kéo dài qua những tháng lạnh giá của mùa bầu cử năm nay, hoặc nếu cảnh sát được ra lệnh dùng bạo lực chấp dứt các cuộc biểu tình, sẽ thấy chắc một điều, các cuộc biểu tình này đang lan tràn mạnh mẽ.
Các cuộc biểu tình hé lộ nhiều biểu hiện về những thay đổi lớn trong nền chính trị Hoa Kỳ qua việc tạo ra những không gian chung cho những người có quan điểm "khác biệt một cách hoang dã" thể hiện mình. Mấu chốt ở chỗ, liệu họ thúc đẩy được gì cho những thay đổi lớn trong thế hệ lãnh đạo chính trị Mỹ trong năm 2013, và liệu người Mỹ có quay lại với đa số các nhân vật đương nhiệm ở cả hai Đảng tại tất cả các cấp bậc trong chính phủ nữa hay không.
"Chiếm phố Wall" khác biệt cơ bản với nhiều cuộc biểu tình mà tôi đã từng theo dõi trong hơn bốn thập kỷ qua. Thay vì như trước đây, người tham gia biểu tình thường có cùng chung một mối quan tâm (như phản đối chiến tranh, phản đối bóc lột, hay cùng là thành viên của Tea Party), những người biểu tình lần này tập hợp lại từ những thành phần có quan điểm, kinh nghiệm và nền tảng khác biệt hẳn nhau, cùng tụ tập quanh một vấn đề chung: phản đối giới ngân hàng đang làm tổn hại nước Mỹ.
Có hai chủ đề cơ bản nổi lên trong các cuộc đối thoại với những người biểu tình. Một là việc tầng lớn siêu giàu ở Mỹ đang “sở hữu” các chính trị gia; hai là các phương tiện truyền thông đang nhìn nhận các sự kiện lần này qua con mắt của giới thượng lưu. (Ảnh: Reuters)
Có hai chủ đề cơ bản nổi lên trong các cuộc đối thoại với một vài trong số hàng trăm người biểu tình ở công viên Zuccotti. Một là việc tầng lớn siêu giàu ở Mỹ đang "sở hữu" các chính trị gia; hai là các phương tiện truyền thông đang nhìn nhận các sự kiện lần này qua con mắt của giới thượng lưu.
Mặc dù Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang, rất thông cảm với những người biểu tình, ông vẫn phát biểu với Ủy ban kinh tế hỗn hợp của Quốc hội hôm thứ tư vừa rồi, "Nhìn chung, tôi nghĩ mọi người đang khá là không được vui với tình trạng hiện nay của nền kinh tế và với tất cả những gì đang xảy ra. Họ đổ lỗi các vấn đề trong ngành tài chính lên cho chúng ta và không hài lòng với các phản ứng về chính sách của Washington. Tôi không thể đỗ lỗi lại cho họ. Tất nhiên con số 9% thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế chậm chạp không phải là tình trạng tốt."
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, tỷ phú Warren Buffet thì đã đứng về phía người biểu tình.
Lắng nghe những người biểu tình trong công viên Zuccotti, bạn sẽ nghe được những chủ đề chung từ những người theo chủ nghĩa tự do, những anh lái xe tải, các giáo sư đại học, những người vô thần và tín hữu. Một số có quan điểm rõ ràng, nhiều người khác chỉ có ý kiến chung chung, nhưng họ đều thống nhất ở suy nghĩ, tầng lớp siêu giàu, đặc biệt là những nhà tài chính là những kẻ cắp tinh vi.
Dan Halloran, một thành viên hội đồng thành phố  New York, vốn có quan hệ với dân biểu của Đảng cộng hòa Ron Paul, cũng hòa trong đám đông và khiến mọi người quan tâm tới quan điểm của ông về sự sa sút của nền kinh tế và các yêu cầu cho các thị trường.
"Từ những gì tôi nhìn thấy trên truyền hình, tôi đã nghĩ rằng mọi người ở đây đều dưới 30 tuổi và chưa bao giờ có công ăn việc làm", Dan miêu tả hình ảnh của giới truyền thông về những người biểu tình. Dan nói, những người mà anh từng trò chuyện, trong đó có cả những người mà về cơ bản anh đã bất đồng quan điểm, đều mong mỏi được làm việc và rất sợ hãi khi không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng vẫn khăng khăng rằng họ cần làm việc và rằng những lãnh đạo được bầu lên dường như chẳng bận tâm đến mọi sự.
Brendan Burke, một người lái xe tải và một nhạc sỹ punk rock đã từng theo học Triết học trong trường đại học cho rằng, từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ 3 tuần trước "Tôi đã nghe hàng ngàn vấn đề khác nhau mà mọi người quan tâm: lương trả cho giáo viên bất cập, sự thiếu hụt công ăn việc làm, người giàu không trả thuế công bằng,..."
Burke nói, anh trông đợi các cuộc biểu tình sẽ liên kết được sức mạnh vì "tình trạng nặng nề này đã tồn tại nhiều năm, im lặng là cách các ngân hàng xử lý mớ hỗn độn này, và chẳng ai động đến họ cả."
Aristotle đã kết luận, "Dân chủ là khi người nghèo, chứ không phải những người giàu có - là người làm chủ". Nhiều người biểu tình có lẽ không biết đến triết lý cổ xưa đó, nhưng triết lí đó thấm đẫm trong cuộc biểu tình "Hãy chiếm lấy phố Wall" lần này, mang lại khả năng thay đổi nước Mỹ từ những gì mà Aristotle đã miêu tả, khi tình trạng xã hội bị thâu tóm bởi những "kẻ đầu sỏ" quay trở lại thành nền dân chủ đại diện.
* David Cay Johnston là nhà báo từng giành giải thưởng Pulitzer năm 2001 và có 13 năm làm việc tại The New York Times. David từng giành giải Pulitzer cho thể loại điều tra doanh nghiệp, trong đó lật tẩy những kẽ hở và bất bình đẳng trong hệ thống thuế Hoa Kỳ. David có nhiều cuốn sách được xếp vào hàng bán chạy nhất.

Phong trào “Hãy chiếm Phố Wall” tấn công giới ngân hàng Mỹ


Hôm 2/10, giờ Việt Nam, giới chức thành phố New York đã buộc phải ngưng hoạt động giao thông qua cầu Brooklyn, khi cây cầu này bị những người tham dự biểu tình “Hãy chiếm Phố Wall” phong tỏa.
Tại khu vực Hạ Manhattan, trung tâm tài chính ngân hàng của Mỹ, hàng trăm người biểu tình đã phong tỏa đường phố và làm tắc nghẽn giao thông.

Người biểu tình đánh trống, thổi còi và giơ cao biểu ngữ phản đối gói cứu trợ của chính phủ dành cho ngân hàng, tập đoàn tư bản và sự ảnh hưởng của các tập đoàn tư bản đối với chính trị. Theo họ, các định chế tài chính lớn hủy hoại nền kinh tế tại phố Wall, cho nên chính phủ không nên đổ thêm tiền để cứu các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

Từ hai tuần nay, tại Mỹ bắt đầu sôi sục một không khí phản kháng, vốn ít thấy tại nước này. Phong trào "Hãy chiếm Phố Wall" lên án giới ngân hàng, thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Phong trào này đã kêu gọi 20.000 người đến tập hợp để tràn ngập vào khu vực Hạ Manhattan vào ngày 17/9, và ở lại đó trong "một vài tháng".

Hàng nghìn người biểu tình hàng ngày tại khu phố thương mại của New York. Những người biểu tình có mặt đông đảo trên quảng trường Liberty Plazza. Người biểu tình Mỹ không đòi dân chủ, mà yêu cầu nhiều công bằng xã hội hơn. Đối tượng phản đối của họ là sự hung hãn và tham lam của giới tài chính. Trên các biểu ngữ, có thể đọc thấy hàng chữ: "Tất cả các chủ ngân hàng đều là phát xít".

Trong sự kiện ngày hôm qua, 1.500 người, trong đó có thanh niên và thành viên công đoàn tham gia biểu tình hôm 1/10. Khoảng 700 người biểu tình chống Phố Wall đã bị cảnh sát bắt giữ, giữa lúc họ đang chuẩn bị tuần hành qua cầu Brooklyn ở New York. Tuy nhiên, cảnh sát đã thả hầu hết số này một ngày sau đó.
Cảnh sát Mỹ và người biểu tình đối mặt nhau trên cầu Brooklyn hôm 2/10 - Ảnh: Reuters.

Theo giới phân tích, cuộc biểu tình của tầng lớp người lao động ở Mỹ là nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đến các vấn đề chính trị. Tháng trước, ông Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế đối với người giàu nhằm đảm bảo những triệu phú sẽ đóng một mức thuế tối thiểu là bằng với tầng lớp trung lưu.
Tổng thống Mỹ cho rằng, hệ thống thuế như hiện nay đã làm tăng khoảng cách giàu-nghèo khi người giàu chỉ phải đóng một khoản thuế không tương xứng thu nhập. Và không những thế, những định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó.

Tuy nhiên, sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Chính quyền Washington cần áp thuế đánh trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và 5 quốc gia khác thuộc OECD đã áp dụng loại thuế này.

Những vấn đề trầm trọng của kinh tế Mỹ có vẻ như không chỉ dừng ở khoảng cách giàu nghèo, tài sản hay những hỗ trợ bất bình đẳng, mà còn ở vấn nạn thất nghiệp và những bất đồng chính trị ảnh hưởng tới kinh tế. Trong bài phát biểu gần đây ở Cleveland, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp trên 9% kể từ tháng 4/2009.

Ông Ben Bernanke tuyên bố: "Tình trạng thất nghiệp hiện tại thực sự là một cuộc khủng hoảng quốc gia" và đề xuất Quốc hội nên có các biện pháp để chiến đấu với thực trạng này. Chủ tịch của FED cho biết khoảng 45% số trường hợp thất nghiệp đã kéo dài ít nhất 6 tháng. Theo ông, Chính phủ cần hỗ trợ những trường hợp này, đào tạo lại kỹ năng cho họ để tìm được công việc mới, và Quốc hội cần nhận trách nhiệm chuyện này.

Cũng trong phát biểu này, Chủ tịch FED cho rằng nước Mỹ có thể học cách thúc đẩy tăng trưởng dài hạn từ những thị trường mới nổi đang thành công. Theo ông, tăng trưởng kinh tế nhanh và duy trì trong thời gian dài của các nền kinh tế mới nổi là một trong những xu hướng quan trọng về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

"Những nền kinh tế phát triển như Mỹ sẽ cần học hỏi những bài học kinh nghiệm từ các thị trường mới nổi. Sức tăng trưởng của các thị trường này thể hiện rõ tầm quan trọng của chính sách tài chính chặt chẽ, khuyến khích thành lập khu vực vốn tư nhân song song với cam kết đầu tư công, giáo dục và công nghệ tiên tiến trong bối cảnh duy trì sự bền vững của nền kinh tế", ông nói.

Trong suốt thời kì nước Mỹ rơi vào suy thoái từ tháng 12/2007 - 6/2009, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc trở thành động lực của kinh tế toàn cầu. Trong đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 7,9% trong khi nước Mỹ vẫn tiếp tục giảm phát.

Chủ tịch FED cũng cho rằng rất nhiều "thị trường mới nổi không còn phải xem mình bé nhỏ với nền kinh tế mở vốn ít tác động tới các quốc gia láng giềng", thậm chí họ cần phải có trách nhiệm lớn hơn đối với sự bền vững của kinh tế thế giới.

"Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào sức của thị trường tăng, chính sách mạnh mẽ và thể chế kinh tế là những yếu tố quan trọng để có được mức tăng trưởng cần thiết", theo ông Bernanke. Nhưng ông cũng thêm rằng những gì xảy ra trong 20 năm qua đã chứng minh rằng Washington luôn bất đồng bởi những vấn đề liên tiếp xảy ra.

Không cần phải suy nghĩ quá nhiều cũng rõ điều mà ông Bernanke ám chỉ tới là việc các chính trị gia Mỹ đang tranh cãi về việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang trong khi chính phủ cần thêm tiền để đầu tư cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Và chính bởi sự bất đồng về chính trị này, kinh tế Mỹ đã không ít phen chao đảo.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ không chỉ toàn mảng tối. Theo số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, đơn đặt hàng hàng hóa cơ bản phi quốc phòng (ngoại trừ máy bay) của nước này tăng 1,1% trong tháng 8, sau khi giảm 0,2% trong tháng 7, cho thấy kinh tế nước này có thể tránh được suy thoái, khi các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đầu tư kinh doanh, mặc dù lòng tin có giảm sút.

Đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền vẫn giảm 0,1% trong tháng 8, sau khi giảm 4,1% trong tháng 7, do nhu cầu yếu. Đơn đặt hàng các phương tiện có động cơ giảm 8,5%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2010. Trong khi đó, đơn đặt hàng máy bay dân dụng tăng tới 23,5%, với Boeing nhận được 127 đơn hàng. Các đơn hàng khác như đơn đặt hàng máy móc tăng 0,1%, còn các đơn hàng máy tính và sản phẩm điện tử tăng 1,3%.

Biểu tình 'chiếm phố Wall' lan khắp nước Mỹ

Phong trào biểu tình chiếm khu phố tài chính Wall Street ở New York bước sang tuần thứ ba liên tiếp và đang lan khắp nước Mỹ với mức độ nghiêm trọng ngày một tăng.

Người biểu tình trong trang phục như những xác chết đi qua khu Broadway ở New York hôm qua. Ảnh: AP
Người biểu tình trong trang phục như những xác chết đi qua khu Broadway ở New York hôm qua. Ảnh: AP
Những người biểu tình tuần hành qua các ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang, rồi cắm trại tại các công viên từ Los Angeles (bang California), tới Portland (bang Oregon) và một số thành phố thuộc bang Maine, AP đưa tin.
Tại Manhattan, New York, hàng trăm người biểu tình ăn mặc theo kiểu các zombie (xác chết) có gương mặt được sơn màu trắng, bước đi lảo đảo qua Thị trường Chứng khoán New York, với những tờ tiền giả trên tay. Đây là cách họ biểu thị sự tức giận đối với cái mà họ gọi là "sự tham lam của các doanh nghiệp".
Tại Chicago, bang Illinois, người biểu tình đổ ra các con phố tại trung tâm tài chính của thành phố. Nhiều người cắm trại và giương cao những khẩu hiệu phản đối tại Boston (bang Massachusetts), St Louis (bang Missouri) và một số thành phố khác của bang Kansas.
James Cox, một nữ bồi bàn 25 tuổi, phát hiện phong trào này trên mạng xã hội Twitter và có mặt trong ngày thứ hai của cuộc biểu tình ở Chicago. Cô ngủ bên lề đường cả tuần nay và trở thành người giám sát việc quyên góp đồ ăn và đồ uống cho nhóm biểu tình.
"Chúng tôi là một phần của một phong trào đang lan rộng toàn cầu", Micah Philbrook, diễn viên 33 tuổi, đại diện báo chí của phong trào Chicago cho hay. Để nhấn mạnh những lời nói của phát ngôn viên, đám đông nhắc lại từng lời của anh.
Trong khi đó, Nathaniel Glosser, một nhà văn 46 tuổi ở thành phố Pittsburgh, đang muốn tổ chức cái anh gọi là "phong trào Chiếm Pittsburgh". Glosser, từng tham gia nhiều cuộc tuần hành phản chiến, cho biết anh bắt đầu tìm kiếm những người cùng chí hướng trên mạng.
"Sau vài ngày, có hàng trăm người đăng nhập vào nhóm tôi lập ra trên Facebook. Tôi nhảy cẫng lên sung sướng", Glosser nói. và thêm rằng nhóm của anh sẽ họp mặt hôm nay và lên kế hoạch tuần hành vào ngày 15/10.
Vụ bắt giữ 700 người biểu tình tại cầu Brooklyn ở New York cuối tuần qua cho thấy sự rạn nứt trong xã hội, từ những sinh viên lo lắng về triển vọng việc làm của họ cho tới những người lao động trung niên. Hàng trăm người bị bắt giữ không làm phong trào biểu tình thuyên giảm, mà còn khiến sự giận dữ càng tăng thêm.
Phong trào biểu tình Occupy Wall Street (Chiếm phố Wall) bắt đầu từ ngày 17/9, khi một số người cố gắng dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York. Họ thể hiện sự tức giận trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với "giới doanh nghiệp tham lam".
Sau đó, hàng trăm người đã lập nên một khu trại tại công viên gần đó và việc biểu tình trở nên có tổ chức hơn. Thậm chí, họ có cả đội ngũ y tế và pháp lý riêng, rồi còn tự cho ra một tờ báo với tên gọi Occupied Wall Street Journal.
Khoảng 100 người biểu tình bị bắt vào hôm 24/9, trước khi khoảng 700 người khác cũng bị cảnh sát bắt giữ hôm 1/10 với cáo buộc rằng họ có hành vi gây mất trật tự. Cảnh sát hôm qua tiếp tục bắt thêm 5 người nữa, nhưng chưa tiết lộ nguyên nhân của vụ bắt giữ mới nhất này.

Biểu tình 'Chiếm phố Wall' được tiếp thêm lửa

Một số công đoàn tại nước Mỹ hôm qua bày tỏ sự ủng hộ và dự định cùng xuống đường tham gia phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall".

Một người biểu tình hóa trang theo kiểu xác chết (zombie). Ảnh: AFP
Một người biểu tình hóa trang theo kiểu xác chết (zombie) tại New York hôm 3/10. Ảnh: AFP
"Rất đơn giản thôi, những người trẻ tuổi trên phố Wall đang lên tiếng về rất nhiều vấn đề mà người lao động ở nước Mỹ đang phải đối mặt trong vài năm gần đây", Larry Hanley, chủ tịch quốc tế của Amalgamated Transit Union - một công đoàn có khoảng 20.000 thành viên tại khu vực New York, nói với CNN khi được hỏi lý do tham gia.
Theo ông Hanley, những người trẻ đang nói thay cho số đông người Mỹ đã quá thất vọng trước những ông chủ ngân hàng và những kẻ môi giới, "những người thu lợi phía sau sự lao động vất vả của người khác". "Trong khi chúng ta vật lộn mưu sinh hàng ngày, hàng tháng, thì những triệu phú và tỷ phú trên phố Wall lại ngồi không một cách vô cảm rồi thuyết giảng trên sự hy sinh của chúng ta", Hanley nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Jim Gannon của công đoàn Transport Workers Union Local 100 cho rằng phong trào "Chiếm phố Wall", đã chỉ ra được những vấn đề mà các công đoàn hoàn toàn ủng hộ. "Chiếm phố Wall" được tổ chức với mục đích lên án những bất công xã hội trong hệ thống tài chính và lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình ở Bắc Phi hay Trung Đông. "Mục tiêu của họ (những người biểu tình) cũng là mục tiêu của chúng tôi", Gannon nói.
Michael Mulgrew của Liên đoàn Giáo viên Mỹ, một tổ chức gồm 200.000 thành viên, cho hay ông tự hào khi ủng hộ những người biểu tình. "Con đường mà xã hội của chúng ta đang hướng tới không dành cho 99% người dân, vì thế 'Chiếm phố Wall' đã nổ ra. Những người biểu tình quyết theo đuổi phong trào này và họ có thể tạo ra một sự đối thoại ở tầm quốc gia, mà chúng ta nghĩ rằng lẽ ra phải diễn ra từ nhiều năm rồi", Mulgrew nói.
Các lãnh đạo công đoàn ở Mỹ hiện không thể biết được có bao nhiêu thành viên của họ sẽ nghỉ làm việc trong ngày hôm nay và tham gia vào các đoàn người biểu tình trên khắp nước Mỹ.
Người biểu tình tổ chức tuần hành trên phố ở Chigago. Ảnh: AFP
Người biểu tình tổ chức tuần hành qua tòa Thị chính ở Los Angeles vào chiều 3/10. Ảnh: AFP
Occupy Wall Street (Chiếm phố Wall) là phong trào biểu tình không có người đứng đầu nổ ra từ ngày 17/9, khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York. Họ thể hiện sự tức giận trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với "giới doanh nghiệp tham lam". Sau đó, hàng trăm người đã lập nên một khu trại tại công viên gần đó và việc biểu tình trở nên có tổ chức hơn. Thậm chí, họ có cả đội ngũ y tế và pháp lý riêng, rồi còn tự cho ra một tờ báo với tên gọi Occupied Wall Street Journal.
Trong vài tuần qua, những người biểu tình đã đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có cả sự thô bạo của cảnh sát, sự yếu kém của các công đoàn cũng như nền kinh tế Mỹ, các cuộc chiến của Mỹ, tình trạng môi trường, tình trạng của nước Mỹ và của thế giới nói chung. Khoảng 100 người biểu tình bị bắt vào hôm 24/9, trước khi khoảng 700 người khác cũng bị cảnh sát bắt giữ hôm 1/10 với cáo buộc rằng họ có hành vi gây mất trật tự. Cảnh sát hôm qua tiếp tục bắt thêm 5 người nữa, nhưng chưa tiết lộ nguyên nhân của vụ bắt giữ mới nhất này.
Phong trào "Chiếm phố Wall" đã lan rộng khắp nước Mỹ, khi Chicago, Los Angeles, Seattle, Boston và nhiều thành phố lớn khác theo sau New York trở thành các "cứ điểm" mới của người biểu tình.

Biểu tình Phố Wall - Mùa xuân Ảrập lan sang Mỹ?

Bước sang tuần thứ 3 liên tiếp, phong trào biểu tình chiếm khu phố tài chính Wall Street ở New York đã lan ra toàn nước Mỹ. Hàng trăm người bị bắt giữ.


Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình trong một cuộc đụng độ. (Ảnh: CNN)

Từ ngày 17/9, hàng nghìn người tham gia biểu tình để phản đối gói cứu trợ của chính phủ Mỹ dành cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Họ cho rằng, kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn, chính phủ không nên lãng phí tiền để cứu trợ những định chế hoàn động không hiệu quả.

Đòi công bằng


Trong hai tuần trở lại nay, các nhóm biểu tình trong phong trào "Hãy chiếm giữ phố Wall" tụ tập cắm trại ngay bên ngoài trung tâm tài chính ngân hàng của Mỹ - khu tài chính Manhattan. Nhiều nhóm còn chặn các lối đi, tập trung trên các cầu gây cản trở giao thông, mất trật tự, buộc cảnh sát phải can thiệp. 700 người đã bị cảnh sát bắt giữ trong ngày 2/10 song hầu hết đã được trả tự do sau đó.

Người biểu tình mang theo hàng chục băng-rôn khẩu hiệu lên án "lòng tham của các tập đoàn, công ty và tình trạng bất công trong xã hội", đồng thời yêu cầu sớm cải thiện đời sống. Họ đòi chiếm Phố Wall, con phố giành cho giới giàu có tại Mỹ, khiến cho các nhà chức trách phải phong tỏa cầu Brooklyn.

Làn sóng phản đối diễn ra mạnh mẽ do sự bất bình đẳng trong tài chính của người dân Mỹ. Số người giàu chỉ chiếm 1% dân số nhưng họ lại nắm giữ 99% tài sản quốc gia

Các cuộc biểu tình dường như giành được động lực khắp nước. Nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ cũng đang lan rộng khắp nước Mỹ như ở Los Angeles, Chicago... Nguy cơ biểu tình sẽ còn kéo dài khi ngành tài chính Mỹ chưa đưa ra giải pháp cho việc cân bằng thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội Mỹ.

Không có nhóm hay cá nhân nào lãnh đạo cuộc biểu tình vốn lấy tên là "Chiếm phố Wall" nhưng hàng ngày đều có cuộc họp "đại hội đồng" cho những người tập trung biểu tình ở New York. Sự thiếu hụt một thông điệp chung không hề ngăn cản các cuộc biểu tình nổ ra khắp Mỹ.

Mùa xuân Ảrập đã đến Mỹ?

Cuộc biểu tình do phong trào "Chiếm giữ Phố Wall" tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp trong xã hội, từ thanh niên, sinh viên cho tới tổ chức Phụ nữ vì hòa bình, Liên đoàn giáo viên và Nghiệp đoàn công nhân giao thông địa phương… Theo New York Times, những người biểu tình khẳng định đây là một cuộc cách mạng thật sự.

Làn sóng biểu tình xuất phát từ Phố Wall lấy cảm hứng từ phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đối với các vấn đề chính trị, đồng thời "là một biểu tượng của sự bất mãn với bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay".

"Chúng tôi đang sử dụng chiến thuật Mùa xuân Ảrập để đạt được mục đích và khuyến khích biểu tình mà không sử dụng bạo lực để đảm bảo an toàn tối đa cho tất cả những người tham gia", một người khác cho hay.

Các định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó.

Tuy nhiên, các vấn đề trầm trọng của kinh tế Mỹ có vẻ như không chỉ dừng ở khoảng cách giàu nghèo, tài sản hay những hỗ trợ bất bình đẳng, mà còn ở vấn nạn thất nghiệp và những bất đồng chính trị ảnh hưởng tới kinh tế.

"Chúng tôi thuộc mọi màu da, mọi giới tính, mọi đức tin. Chúng tôi thuộc về đa số. Chúng tôi chiếm đến 99% xã hội. Và chúng tôi không thể giữ im lặng như trước nữa"- người biểu tình tuyên bố.

Hài hước trong biểu tình 'Chiếm phố Wall'

Người Mỹ không đánh mất đi khiếu hài hước khi tham gia vào cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall", với rất nhiều sắc thái biểu hiện thú vị.

Một người đàn ông cầm tờ báo The Occupied Wall Strees Journal, được những người biểu tình phát hành nhại theo báo The Wall Street Journal nổi tiếng. Ảnh: AFP
Một phụ nữ đi chiếc xe đạp ba bánh, được trang trí theo kiểu ngựa một sừng màu hồng trong truyện thần thoại, khi tham gia biểu tình cùng các nghiệp đoàn giáo viên gần Phố Wall ở New York hôm qua. Ảnh: AFP
Những người biểu tình hóa trang theo kiểu các zombie (xác chết) và lảo đảo đi trên những con phố của New York. Ảnh: AFP
Những người biểu tình hóa trang theo kiểu các zombie (xác chết) và lảo đảo đi trên những con phố của New York. Ảnh: AFP
Một cô dâu tất tả chạy
Một cô dâu tất tả chạy ngược hướng đi của dòng người biểu tình trên cầu Brooklyn, New York, hôm 1/10. Hàng trăm người biểu tình sau đó bị cảnh sát bắt tại cây cầu này. Ảnh: AFP
Một cô gái vẽ biểu tượng đồng USD lên hai mắt
Một cô gái vẽ biểu tượng đồng USD lên hai mắt khi tham gia cuộc biểu tình "Chiếm Los Angeles" để hưởng ứng phong trào "Chiếm phố Wall" nổ ra từ New York. Ảnh: AFP
Những người biểu tình không chỉ ăn ngủ và cắm trại trên các đường phố,
Những người biểu tình ăn và ngủ ngay trên các đường phố của New York. Trong hình là một người biểu tình nằm ngủ gần công viên Zucotti hôm 29/9. Ảnh: AFP
Để chuẩn bị cho một cuộc biểu tình kéo dài và chưa biết bao giờ mới chấm dứt, những người biểu tình phải tự trang bị cho mình các vật dụng cần thiết trong các khu trại được dựng ven đường. Thậm chí, người đàn ông trong hình còn khuân cả một chiếc ghế lớn từ đâu đó để thỏa thú vui đọc sách. Ảnh: AFP
Họ cũng phải chuẩn bị cả sức khỏe để cầm cự lâu dài. Trong hình là một người biểu tình đang làm động tác chống đẩy tại công viên Zucotti hôm 29/9. Ảnh: AFP
Một số người còn ngồi thiền ngay trong công viên. Ảnh: AFP
Một số người còn ngồi thiền ngay trong công viên. Ảnh: AFP

Biểu diễn khỏa thân chỉ trích phố Wall

Khỏa thân có lẽ là cách tốt nhất trong những cách để những dự án nghệ thuật gây chú ý đối với công chúng và đây cũng là cách mà nghệ sỹ Zefrey Throwell (Mỹ) lựa chọn để thể hiện thái độ chỉ trích phố Wall của mình.

Khỏa thân làm bảo vệ
7 giờ sáng ngày 1/8 vừa qua, Zefrey Throwell đã đưa một nhóm diễn viên khoảng 50 người tới phố Wall. Mỗi diễn viên hóa thân thành những người đi lại trên phố như bán hàng, quét rác, dắt chó đi dạo, bán vé số, tập thể dục và thậm chí cả gái mại dâm. Màn biểu diễn kéo dài trong vòng 5 phút, trong đó có 1 phút tất cả cùng khỏa thân.
Khỏa thân quét rác
Được biết, cảnh sát đã nhanh chóng khống chế nhóm người này đồng thời bắt 2 đàn ông và 1 phụ nữ gây rối an ninh trật tự. Tuy nhiên, 3 người trên đã được thả ra ngay sau đó.
Khỏa thân làm việc
Nghệ sỹ Zefrey Throwell, tổng đạo diễn của màn biểu diễn trên, cho biết ông đã bỏ ra vài tháng để phỏng vấn và quan sát những người làm việc tại phố Wall và dành một năm để sáng tác vở kịch này. Throwell cho rằng đây là là một cách để châm biếm tính thiếu minh bạch trong việc cho vay của phố Wall và "loại bỏ những ánh hào quang ảo tưởng của phố Wall".
Khỏa thân tập thể dục, đi bộ...
Phố Wall nằm ở hạ Manhattan, thành phố New York là một trong những trung tâm tài chính có tầm quan trọng nhất thế giới và là nơi tập trung các sàn giao dịch lớn như NYSE, NASDAQ, NYMEX...

Chùm ảnh: Toàn cảnh "Chiếm phố Wall" trên khắp nước Mỹ


Từ giữa tháng 9, một nhóm có tổ chức bắt đầu biểu tình chống lại sự bất bình đẳng xã hội và lòng tham của các doanh nghiệp. Tính đến nay, cuộc biểu tình này đã lan rộng sang các thành phố trên khắp nước Mỹ và thu hút được sự ủng hộ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Các cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" thu hút sự tham gia của nhiều người từ nhiều lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Mối quan tâm chủ yếu của người biểu tình là sự sa sút của nền kinh tế và họ bày tỏ tức giận với tình trạng hiện tại của nước Mỹ, cũng như lòng tham của các chủ doanh nghiệp. Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong hòa bình và nhiều người biểu tình cho rằng rất khó để hiểu được phong trào này nếu không tham gia vào đó.
Tính đến ngày hôm nay, sau gần một tháng, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" ở New York như vết dầu loang, không chỉ lan ra hơn 68 thành phố tại Mỹ mà sang cả các nước như Canada, Anh, Úc và Hy Lạp.
CNBC cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về phong trào "Chiếm phố Wall"  đang sục sôi trên khắp nước Mỹ:
Chiều qua (thứ 3), những người biểu tình di chuyển từ Phố Wall , diễu hành qua Upper East Side. Nhóm biểu tình đã có kế hoạch về lộ trình di chuyển trước đó, họ ghé qua nhà của một số CEO nổi bật nhất của phố Wall, trong đó có Jaime Dimon (JPMorgan) và John Paulso, GĐ Quỹ đầu tư của JPMorgan
Một người biểu tình tại công viên Zuccotti, nơi có hàng trăm người khác tham gia biểu tình. Hàng trăm người tham gia vào phong trào "Chiếm phố Wall" đang "ăn dầm nằm dề" ở công viên Zuccotti, trong Khu Tài chính gần Phố Wall, hạ Mahattan.
New Jersey Những người biểu tình khởi động phong trào ở New York nhưng đã lan sang nhiều bang khác. Charles Helms, một người biểu tình giữ tấm biển "Chiếm New Jersey" bên ngoài tòa nhà Goldman Sachs tại New Jersey hôm 6/10.
Những người biểu tình trong phong trào "Chiếm Las Vegas" hôm 6/10.
Những người biểu tình trong cuộc biểu tình tại Las Veas hôm 6/10 giơ cao biểu ngữ "Đây không phải tương lai tôi từng được hứa hẹn"
"Chiếm phố Wall" rầm rộ quét qua khu phố của giới thượng lưu tại New York
Nhiều lều trại được dựng bên ngoài Quảng trường Dewey, Boston hôm 2/10
Hàng ngàn người biểu tình bao gồm công đoàn viên và sinh viên đại học trong một cuộc biểu tình có tổ chứ tại Hạ Mahattan, New York
"Chiếm phố Wall" rúng động Washington DC
Biểu tình tại Maryland

Chiếm lấy Phố Wall' - đâu phải chuyện đùa

 Nước Mỹ đang sục sôi bầu không khí phản kháng của phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" nhằm lên án giới tài chính, ngân hàng - được coi là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn thất nghiệp trầm trọng. Hiện tượng này không phải chuyện đùa, trái lại, nó có thể làm khuynh đảo hệ thống chính trị Mỹ.

Hãy chú ý tới những cuộc biểu tình của phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" trên đường phố New York và ở nhiều thành phố khác khắp nước Mỹ, nhất là khi người biểu tình có thể kéo dài sự phản đối từ mùa đông lạnh lẽo năm nay sang thời điểm khai màn bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa xuân 2012.

Đây là tín hiệu cho thấy khả năng xuất hiện sự thay đổi lớn trong nền chính trị Mỹ, bởi phong trào đang tạo ra tiếng nói chung của công chúng. Mấu chốt của diễn biến này là việc liệu phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" có dẫn tới sự thay đổi toàn thể giới chóp bu chính trị ở Washington vào năm 2013 hay không? Hoặc liệu người Mỹ có bầu lại phần lớn các quan chức ở cả hai Đảng Dân chủ, Cộng hòa vào các vị trí ở chính quyền liên bang, chính quyền bang và địa phương hay không?

Theo Reuters, nhà bình luận David Cay Johnston cho rằng Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" khác biệt cơ bản so với những phong trào biểu tình khác mà ông theo dõi hơn bốn thập kỷ qua. Thay vì những lợi ích cụ thể, na ná nhau như chống chiến tranh, chống nạn cưỡng hiếp, phong trào Đảng Trà, những người biểu tình lần này thể hiện các quan điểm rất đa dạng. Họ chống đủ thứ như: thói tham lam của các tập đoàn tài phiệt, sự bất bình đẳng xã hội, thay đổi khí hậu toàn cầu... Tuy vậy, họ đoàn kết quanh một chủ đề chung: các ông chủ ngân hàng đang "xé nát" nước Mỹ.

Người biểu tình cáo buộc chính những gói cứu trợ khổng lồ cho Phố Wall dẫn tới mức nợ của chính phủ lên cao hơn bao giờ hết. Ảnh: CNN

Nói chuyện với một số người biểu tình cắm trại ăn ngủ dầm dề tại công viên Zuccotti gần Phố Wall, người ta có thể thấy nổi lên hai vấn đề bức xúc khác. Thứ nhất là việc giới siêu giàu chi phối các chính trị gia. Thứ hai là chuyện giới truyền thông đánh giá các sự kiện qua lăng kính của tầng lớp giàu có.

Bắt đầu từ giữa tháng 9 đến nay, các cuộc biểu tình của Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" từ chỗ thu hút chỉ vài trăm người trẻ tuổi đã lên tới con số hàng nghìn người. Ảnh hưởng của nó bắt đầu len lỏi vào các ngóc ngách chính trị Mỹ và chưa hề có dấu hiệu thoái trào. 

"Chúng tôi cứ ở đây chừng nào chưa có sự đổi thay" - đó là một khẩu hiệu mang tính cảnh báo của người biểu tình. Nói là làm, dân biểu tình đã khuân thực phẩm, thuốc men, xong nồi niêu chảo, bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh, đồ công nghệ... tới công viên Zuccotti, thậm chí xuất bản cả tờ báo riêng mang tên "Chiếm đóng Phố Wall" nhằm phục vụ "cuộc chiến" dài hơi của họ.

Kinh tế "mắc kẹt", trách nhiệm Phố Wall

Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Even Ben Bernanke bày tỏ sự đồng cảm với những người biểu tình. Tuần qua, phát biểu trước Ủy ban Kinh tế chung của Quốc hội Mỹ, ông cho rằng người dân thực sự không hài lòng với thực trạng kinh tế cũng như những gì đang xảy ra. Họ đưa ra một số lý lẽ cáo buộc ngành tài chính là thủ phạm đẩy nước Mỹ vào tình trạng hỗn độn. Người dân cũng thất vọng với cách phản ứng của Washington trước tình trạng thất nghiệp lên tới 9%, trong khi tăng trưởng kinh tế rất chậm.

Thực tế, ba năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế Mỹ đang "mắc kẹt" trở lại. Các tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, cùng những tập đoàn đầu tư khổng lồ như Goldman Sachs đều giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2011-2012. Họ cũng cảnh báo rằng châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng lớn. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini thậm chí cho rằng Mỹ đã bước vào giai đoạn suy thoái, dựa trên những số liệu "cứng và mềm".

Ba năm sau khi "bong bóng" vỡ, thị trường nhà đất Mỹ vẫn phải vật lộn để phục hồi, tài sản thế nợ thì tăng lên. Nhiều người mất nhà cho dù đã trả một lượng lớn tài sản cầm cố. Thị trường lao động èo uột do thất nghiệp trở thành "cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc gia". Cùng lúc, tin tức xấu về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu dồn dập đến. Căng thẳng thanh toán tiền mặt ở các ngân hàng châu Âu gây nguy cơ lớn cho các ngân hàng Mỹ. Mọi người lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008 sẽ lặp lại.

Người biểu tình ra hẳn tờ báo “Chiếm đóng Phố Wall”. Ảnh: NYT

Tại công viên Zuccotti, từ những người theo chủ nghĩa tự do, những người theo đạo, các giáo sư đại học cho tới cánh lái xe tải, người vô thần..., từ người ăn nói mạch lạc cho tới ú ớ, ai cũng đồng tình rằng giới siêu giàu, nhất là các ông chủ ngành tài chính, là những "kẻ cắp"  ngụy biện, không chỉ ăn cắp bằng súng đạn mà còn bằng cái gọi là "công cụ tài chính".

Họ cáo buộc Phố Wall chiếm hữu những tài sản giá trị nhất, hoen ố vì thói tham lam và tham nhũng. Chính các ông chủ Phố Wall là thủ phạm gây khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính những gói cứu trợ tài chính khổng lồ cho Phố Wall dẫn tới mức nợ của chính phủ Mỹ lên cao hơn bao giờ hết. Nghịch lý là các ông chủ Phố Wall ung dung dùng tiền thuế của người dân để thưởng cho bản thân.

Dan Halloran, một thành viên Hội đồng thành phố New York - nói rằng khi xem truyền hình, anh ta cứ tưởng tất cả người biểu tình đều dưới 30 tuổi và chưa bao giờ đi làm. Hình ảnh truyền thông dựng lên về họ như... tranh biếm họa. Tuy nhiên, theo Halloran, những người mà anh ta nói chuyện vừa tha thiết làm việc, vừa sống trong tâm trạng lo lắng. Nhiều người vay nợ, mất nhà cửa, nghèo khó... nói rằng họ muốn có việc làm, trong khi các ông chủ chẳng đoái hoài.

Một số nhà kinh tế cho rằng Phố Wall không rút ra được bài học nào từ cuộc khủng hoảng năm 2008, trái lại còn tìm cách vận động hành lang để triệt tiêu mọi cải cách, khiến giới tài chính, ngân hàng ngày càng giàu trong khi phần đông công chúng ngày càng nghèo.

Trả lời phỏng vấn truyền hình, tỷ phú Warren Buffett đứng về phía người biểu tình: "Cảm giác thất vọng là có thực và có đủ cơ sở để thấy rằng mọi người muốn thoát khỏi tình trạng thuế má thiếu công bằng cũng như việc làm khó khăn". 

Cuối tuần qua, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama đã phải lên tiếng thừa nhận Phong trào "Chiếm đóng Phố Wall" thể hiện sự thất vọng của công chúng Mỹ đối với ngành tài chính. "Tôi đã xem truyền hình. Những người biểu tình nói lên tâm trạng chán nản đang lan rộng trước cách thức hoạt động của hệ thống tài chính Mỹ" - ông Obama nói.
          
"Mùi" của chính trị

Tuần qua, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đã có cú đột phá chính trị khi nhận được sự tán thành của các lãnh đạo Nhóm Dân biểu Tiến bộ Quốc hội, Hội Dân biểu người da đen, Đảng Gia đình Lao động New York và một số nghị sĩ. Các nghiệp đoàn như Liên đoàn Giáo viên Liên bang, Hội Y tá Quốc gia, Liên đoàn Lao động khu vực Đông Bắc Pennsylvania, Hội truyền thông CWA... cũng vào cuộc rầm rộ. Thành viên của họ đòi đánh thuế giới tài phiệt Phố Wall, tái thiết nước Mỹ, tạo thêm việc làm.

Trong khi đó, các nhóm tự do như MoveOn và Democracy for America bắt đầu quyên tiền để hỗ trợ phong trào. 1,4 triệu thành viên nghiệp đoàn giao thông vận tải Teamsters tuyên bố: " Không ai ngạc nhiên khi thấy 'Chiếm lấy Phố Wall' giành được sự ủng hộ và nhanh chóng lan khắp nước Mỹ. Giấc mơ Mỹ của các sinh viên - những người thực sự đang nợ nần và thất nghiệp - đã biến mất. Giấc mơ Mỹ của người lao động không còn bởi lương của họ bị cắt giảm, trong khi các ông chủ ngồi trên đống lợi nhuận trị giá hàng tỷ USD. Giấc mơ Mỹ của các gia đình lao động biến mất bởi họ phải trả giá quá cao cho sự ngu ngốc và lỗi lầm của Phố Wall".


Trước hơi hướng chính trị, "Chiếm lấy Phố Wall" bắt đầu được so sánh với Đảng Trà. Khi bắt đầu nhen nhóm vào mùa thu năm 2008, Đảng Trà chỉ được coi như một chuyện đùa, sự bất thường của một nhúm người đội mũ ngộ nghĩnh, chẳng có tí quyền lực cũng như thông điệp rõ ràng nào. Thế nhưng trong năm 2009, Đảng Trà đã lan rộng khắp nước Mỹ với các cuộc biểu tình phản đối chính sách kích cầu kinh tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Năm 2010, Đảng Trà thậm chí đưa được người của họ vào Thượng viện. Đến nay, Đảng Trà - được coi là một phong trào cực đoan gồm phần lớn thành viên là đảng viên "siêu bảo thủ" của phe Cộng hòa - thực sự gây ảnh hưởng sâu rộng trong quá trình bầu cử và hệ thống chính trị Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một số chính trị gia khác cho rằng "Chiếm lấy Phố Wall" và Đảng Trà đều bắt nguồn từ tâm trạng thất vọng của thường dân với tầng lớp "ngồi mâm trên" xã hội, bởi cảm giác bất bình đẳng, mối lo thất nghiệp và mất lòng tin vào triển vọng kinh tế quốc gia. Sự khác nhau ở chỗ Đảng Trà hướng cơn thịnh nộ vào chính quyền, trong khi "Chiếm lấy Phố Wall" dồn sự giận dữ lên các công ty, tập đoàn Mỹ. "Chiếm lấy Phố Wall" đưa ra thông điệp mang tính lan truyền rằng nền dân chủ Mỹ cần tạo cơ hội nhiều hơn cho các cá nhân tham gia.

Không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng hơn bao giờ hết, đây là cơ hội cho ngày càng nhiều người Mỹ thuộc mọi màu da, mọi giới tính, mọi đức tin thể hiện vai trò tích cực nhằm đổi thay nước Mỹ. Trước đây, sự không hài lòng với xã hội, cả ở phía tả lẫn phía hữu, mới chỉ thể hiện qua các phương tiện truyền thông và qua lá phiếu chứ chưa ở trên đường phố.

Những ngày này, người ta có thể thấy sự giận dữ âm ỉ bùng nổ thành quyền lực của công chúng như thế nào. Dần dà, sự chuyển dịch về ý thức sẽ dẫn tới cuộc tranh luận quốc gia ở Mỹ, sau đó thể hiện ở kết quả bầu cử.

 Ngày 08/10/2011:

Biểu tình 'Chiếm phố Wall' vẫn tiếp diễn

Phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" tại Mỹ đang tăng lên cả về số lượng lẫn tầm ảnh hưởng khi bước sang tuần thứ 4 và không hề có dấu hiệu lắng xuống.

Những người biểu tình giăng một tấm bảng với dòng chữ "Hãy chiếm lấy Washington D.C ngay bây giờ" ở trung tâm thủ đô nước Mỹ. Ảnh: AFP
Hôm qua, tại Công viên Zuccotti gần phố Wall, hàng trăm người biểu tình thức dậy từ những chiếc túi ngủ và bắt đầu một ngày biểu tình mới. Một biểu ngữ mang dòng chữ "Chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi diễn ra thay đổi". "Chúng tôi có mặt không chỉ ở đây mà trên khắp đất nước. Chúng tôi có đầy đủ mọi thứ, đồ ăn, thuốc men, âm nhạc, nghệ thuật, công nghệ", Xinhua dẫn lời Karin Gramalski, 38 tuổi nói.
Phong trào "Chiếm phố Wall" nổi lên hôm 17/9, chỉ với vài chục người biểu tình, hầu hết là thanh niên, dựng trại trước Sở giao dịch chứng khoán New York. Hiện số lượng người ủng hộ phong trào này đã tăng đến con số hàng trăm và các quầy bán thực phẩm, thư viện mini và bệnh viện tạm thời cũng được lập ra. Họ thậm chí còn xuất bản một tờ báo riêng với tên gọi "The Occupied Wall Street Journal".
Những người biểu tình kêu gọi chống lại "giới doanh nghiệp tham lam", bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu toàn cầu và các vấn đề khác, nhưng đến nay chưa có biện pháp chính trị hay phương án cải cách nào rõ ràng. Họ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người dân thuộc các tầng lớp khác nhau, những người Mỹ thất vọng bởi sự phục hồi chậm chạp của đất nước sau cuộc suy thoái kéo dài ba năm và tỉ lệ thất nghiệp cao 9,1%.
Phong trào biểu tình từ New York đã lan rộng ra nhiều thành phố khác bao gồm Chicago, Los Angeles, Boston và cả thủ đô Washington. Hôm 6/10, những người biểu tình đã kéo đến Trung tâm thương mại Tự do ở đại lộ Pennsylvania, nằm giữa Nhà Trắng và đồi Capitol, rồi cắm trại tại đây. Trong khi đó, hàng trăm người khác tập trung trước Phòng Thương mại Washington với biểu ngữ đòi việc làm.
Ở Los Angeles, California cùng ngày, hàng trăm người dân tiếp tục tuần hành bên ngoài các trụ sở ngân hàng của phố Wall, trong đó có Bank of America, Chase và Wells Fargo.
Hôm 6/9, Tổng thống Barack Obama đã phải mở một cuộc họp báo tại Nhà Trắng để lên tiếng về vấn đề này. "Tôi đã nhìn thấy trên tivi, những người biểu tình đang lên tiếng bày tỏ sự thất vọng lớn về cách thức hoạt động của hệ thống tài chính", ông nói.
Các học giả và các chuyên gia thì có những cái nhìn khác nhau về xu hướng phát triển của phong trào này và những tác động của nó. Theo giáo sư Patrick Bolton thuộc trường Kinh doanh Columbia, phong trào "Chiếm phố Wall" được truyền cảm hứng từ phong trào ở Ai Cập và Tây Ban Nha. Ông tin rằng phong trào này sẽ không kéo dài và rất khó tác động đến hệ thống hiện tại.
Tuy nhiên, ông Jean Cohen, giáo sư khoa học chính trị và ông John Dinges, giáo sư báo chí Đại học Columbia, không đồng tình với nhận định này. Họ dự đoán những người biểu tình sẽ tạo ra một ảnh hưởng lâu dài với những người hoạch định chính sách và thậm chí buộc họ phải tiến hành những bước cải tiến đúng đắn.

 Trẻ em Mỹ ủng hộ 'Chiếm phố Wall'

Hàng chục trẻ em đã cùng bố mẹ tập trung ở một công viên tại New York hôm qua để ủng hộ phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall".

Các học sinh trường Central Park East I và II tại công viên Zuccotti, New York. Ảnh: NY Times
Hôm qua, các trường tư thục và công lập ở Mỹ đều được nghỉ nhân ngày Columbus tìm ra châu Mỹ. Hàng chục trẻ em đã cùng bố mẹ mình đến thăm khu trại của người biểu tình "Chiếm phố Wall" tại công viên Zuccotti ở New York mang theo những tấm bảng và biểu ngữ ủng hộ phong trào này.
Caleb Horowitz, 7 tuổi, học sinh lớp hai ở Manhattan, cho biết cậu bé tham gia cuộc biểu tình để kêu gọi bảo vệ động vật và vì nhiều người nghèo không có nhà cửa và thức ăn. Caleb tự hào vẫy tấm bảng mà cậu bé tự vẽ có dòng chữ: "Tất cả mọi thứ đều phải công bằng. Hãy ăn ít thịt. Nhiều người không có nhà, thức ăn và nước uống".
"Em đã viết tất cả những dòng này. Thật đấy", cậu bé giải thích.
Toby, em trai 4 tuổi của Caleb, xen vào kể rằng có một người vô gia cư hay ngủ cạnh nhà họ. Cậu bé cầm trên tay tấm bảng ghi: "Không giết hại động vật". Bố của hai em cho biết chúng đã đòi dẫn đến chỗ biểu tình này cả tuần nay.
Theo NY Times, đội ngũ lớn nhất trong số những người biểu tình trẻ là học sinh của trường tiểu học Central Park East I và II. Các cô cậu bé đã cùng với bố mẹ, các nhân viên của trường, thậm chí cả em trai em gái còn rất nhỏ của mình đến công viên Zuccotti.
Naomi Smith, hiệu trưởng trường Cantral Park East I, cho rằng phong trào biểu tình là một cơ hội tốt để các học sinh học hỏi thêm những điều mới ngoài giờ đến trường. "Một trong những tiêu chí của chúng tôi là dạy học để tạo ra sự khác biệt", bà Smith nói. "Việc trẻ con được chứng kiến những gì đang xảy ra thật là tuyệt vời. Đấy chính là dân chủ".
Nehand Hammonds, 10 tuổi, cho biết cô bé biểu tình để đòi công bằng, khi một số người có nhà ở rất tiện nghi, trong khi những người khác thì vô gia cư. "Cháu biết rằng trẻ em ở châu Phi đang biểu tình", Nahand nói. "Cháu nghĩ cháu cũng nên tham gia một phong trào như thế".
Bạn của Nehand, Davie Langer, 10 tuổi, mặc chiếc áo "Trẻ em chống chiến tranh", thì nói rằng cô bé đến đây vì một số người phải trả rất nhiều tiền còn số khác thì trả rất ít. "Ngày mai cháu sẽ kể với bạn bè rằng cháu đã đến đây và giúp những người có ít tiền giữ được tiền của họ", Davie nói.
Công viên Zuccotti là một trong những nơi dựng trại đầu tiên của người biểu tình "Chiếm phố Wall" khi phong trào nổ ra hôm 17/9. Với số lượng ban đầu chỉ khoảng vài chục người, chủ yếu là thanh niên, hiện phong trào đã thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, nghiệp đoàn, trường học. Phong trào đã lan rộng ra khắp nước Mỹ và bước sang tuần thứ tư. 

Phố Wall suy yếu

Luôn là đầu tàu của nền kinh tế Mỹ, nhưng bang New York đang phải chứng kiến bước lùi đáng kể cả về ngân sách lẫn việc làm của ngành tài chính, đặc biệt là tại Phố Wall.

Lâu nay, các hãng tài chính đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế New York cũng như ngân sách của bang. Người ta ước tính cứ 8 người lao động tại thành phố New York và cứ 13 người lao động của bang New York thì có một người làm trong ngành chứng khoán. Tuy nhiên tại Phố Wall, đầu tàu kinh tế của cả thành phố lại đang diễn ra nhiều dấu hiệu đáng ngại.
Trong một báo cáo mới công bố hôm nay, Kiểm soát viên ngân sách của bang New York, ông Thomas P. DiNapoli cho biết ngành chứng khoán thành phố New York có thể mất gần 10.000 việc làm từ nay đến cuối 2012. Ngân sách thành phố cũng được dự báo giảm trong năm nay, do sự sụt giảm lợi nhuận của Phố Wall.
Phố Wall
Các hãng tài chính Phố Wall đóng một vai trò quan trongj đối với kinh tế và ngân sách thành phố New York. Ảnh: Bloomberg News
Chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 8, có 4.100 người làm trong ngành tài chính của bang bị sa thải. Tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới vì các hãng tài chính lớn từ Phố Wall đều đã tuyên bố cắt giảm nhân công.
Mới đây Goldman Sachs cho biết họ sẽ cắt giảm 1.000 việc làm hoặc hơn, còn Credit Suisse Group AG và Barclays cũng lên kế hoạch sa thải. Thậm chí Bank of America còn lên kế hoạch cho hơn 30.000 nhân công nghỉ việc.
Ngoài ra, "nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch giảm đáng kể về lương thưởng cho nhân viên", bà Kathryn Wilde, Chủ tịch nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của thành phố New York cho biết, "Tất nhiên điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến kinh tế của toàn thành phố".
Trong nửa đầu năm, lương thưởng của người lao động có dấu hiệu tăng tại nhiều hãng, nhưng lại đi xuống từ nửa sau. Nhiều công ty Phố Wall chuyển đổi hình thức trả lương bằng cách nâng lương lên nhưng lại hạ thưởng xuống, tính tổng thu nhập thì vẫn giảm.
Báo cáo hôm nay cho rằng với tình hình lợi nhuận của nhiều hãng đang thụt lùi thì "tăng trưởng lương thưởng có thể chậm lại, thậm chí âm trong nửa cuối năm nay", báo cáo nhận định.
Trong báo cáo của mình, ông DiNapoli cũng cảnh báo về nguy cơ thâm hụt ngân sách thành phố vì nguồn thu từ thuế giảm khi lương thưởng của người lao động đi xuống và nhiều người mất việc làm.
Thành phố New York từng dự đoán lợi nhuận từ ngành chứng khoán có thể đạt con số 20 tỷ USD trong năm 2011. Tuy nhiên sau khi xem xét số liệu 8 tháng đầu năm, báo cáo hôm nay cho rằng con số 18 tỷ USD còn khó mà đạt được.
"Chúng ta cần tìm ra cách tái định vị ngành tài chính như là chìa khóa then chốt cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Nếu không New York có thể gánh chịu hậu quả với tổn thất cả về việc làm lẫn ngân sách", bà Kathryn Wilde nhận định với Bloomberg News.

 Ngày 12/10/2011:

'Chiếm phố Wall' lan đến khu nhà triệu phú

Hàng trăm người biểu tình 'Chiếm phố Wall' hôm qua tổ chức cuộc tuần hành qua nhà của những người giàu có nhất ở Mỹ.

Những người biểu tình cầm biểu ngữ tuần hành qua đại lộ Park 1185, New York, nơi một thống đốc ngân hàng giàu có sinh sống. Ảnh: AP
Theo AP, hàng trăm người biểu tình của phong trào "Chiếm phố Wall" đã mang theo các biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu như "Đánh thuế người giàu!", "Tiền trợ cấp của tôi đâu?".
Họ đi thành hàng hai trên vỉa hè ở New York vì không có giấy phép tuần hành và không muốn gây tắc nghẽn giao thông. Các thành viên của phong trào "Chiếm phố Wall" và các hội nhóm khác đã đi qua phía đông của Manhattan, dọc đại lộ số 5 hay đại lộ Park, nơi những người giàu có sống trong những ngôi nhà sang trọng. Họ cũng dừng lại bên ngoài nhà của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, thống đốc ngân hàng Jamie Dimon và ông trùm dầu mỏ David Koch.
"Bản thân tôi không có gì để chống lại những người này cả. Tôi chỉ nghĩ họ nên trả thuế một cách công bằng", Michael Pollack, một nhân viên công ty luật nói.
Sau gần 4 tuần, những người biểu tình đã bao vây một công viên ở vùng hạ Manhattan, gần phố Wall, tố cáo những công ty "tham lam" và chỉ trích khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Những người tham gia tuần hành tại nơi ở của giới thượng lưu, chỉ chiếm 1% dân số nhưng nắm hầu hết của cải của nước Mỹ.
"Giá cả leo thang trong khi chúng tôi ngày càng bị vắt kiệt sức", Marcher Bahran Admadi, một cựu tài xế taxi nay đã thất nghiệp nói.
Phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" ở công viên Zuccott, Manhattan, giờ đã lan rộng ra nhiều thành phố khác như Atlanta, Chicago, Philadenphia, Seattle và Los Angeles, trở thành một vấn đề chính trị. Các thành viên đảng Cộng hòa đã cáo buộc người biểu tình phát động một cuộc "chiến tranh giai cấp", trong khi Tổng thống Barack Obama thì bảy tỏ sự cảm thông với nỗi thất vọng của người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?