Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Cú sốc đầu đời - I

Nỗi đau mất con

Tôi đã thực sự hạnh phúc khi nghĩ đến ngày đứa con đầu lòng chào đời, được ôm nó vào lòng và hát những lời ru tha thiết. Tháng thứ sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được kết quả xét nghiệm, tôi sẽ không thể giữ đứa bé bởi căn bệnh rubella mà tôi đã mắc phải khi mang thai được hai tháng.

Tôi đã thực sự hạnh phúc khi nghĩ đến ngày đứa con đầu lòng chào đời, được ôm nó vào lòng và hát những lời ru tha thiết. Tháng thứ sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được kết quả xét nghiệm, tôi sẽ không thể giữ đứa bé bởi căn bệnh rubella mà tôi đã mắc phải khi mang thai được hai tháng.

18 tuổi, không đỗ đại học, tôi chọn cho mình con đường “yên bề gia thất”. Gia đình chồng tôi cũng thuộc vào hàng làm ăn phát đạt, cuộc sống kinh doanh nhàn hạ. Sống trong môi trường cạnh tranh, buôn bán lâu năm nên bố mẹ chồng cũng có những suy nghĩ tân tiến, mọi người trong nhà sống với nhau bình đẳng và cởi mở.

Tự hài lòng với một gia đình yên ấm, tôi thấy mình hạnh phúc khi không phải chịu cảnh mẹ chồng, nàng dâu, không phải gồng mình lo lắng cho cơm áo gạo tiền. Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của người con, người vợ.
Lấy chồng từ 8/2009, nhưng mãi đến 12/2010 tôi mới mang thai, niềm hạnh phúc như vỡ òa sau bao tháng ngày chờ đợi, một cảm giác lâng lâng, bồi hồi không thể diễn tả thành lời, một sinh linh bé bỏng đang dần lớn lên trong cơ thể tôi. Tôi sắp được hưởng cái hạnh phúc lớn nhất đời của một người phụ nữ.

Hai vợ chồng đã bắt đầu với những dự định mới, từ tên con đặt như thế nào, sẽ nuôi dạy con ra sao, sẽ trang trí phòng con thế nào. Anh đã cùng tôi đọc những cuốn sách dành cho bà mẹ mang thai, anh cũng xắn tay vào bếp nấu mấy món ăn bổ dưỡng mà anh vừa học được trên báo. Chúng tôi đã thực sự sẵn sàng cho một cuộc sống mới khi có con, hẳn là sẽ đầy thú vị và trách nhiệm.
Tôi đã thực sự hạnh phúc khi nghĩ đến ngày đứa con đầu lòng chào đời, được ôm nó vào lòng và hát những lời ru tha thiết. Tháng thứ sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được kết quả xét nghiệm, tôi sẽ không thể giữ đứa bé bởi căn bệnh rubella mà tôi đã mắc phải khi mang thai được hai tháng.

Chúng tôi đã mất nhiều ngày liền, ghé chân đến rất nhiều các trung tâm y tế, cả nhà nước và tư nhân để mong sao có một kết quả chính xác nhất. Mọi xét nghiệm đều cho thấy con tôi đã bị nhiễm rubella, đã có những dấu hiệu bất thường ở mắt và mũi. Tuy rằng tim vẫn hoạt động bình thường nhưng các bác sĩ đều có những nhận định chung đó là nếu tiếp tục giữ đứa bé, khả năng bé bị mắc các bệnh về não, tai hay các dị tật về phát âm là rất lớn.

Tất cả như một giấc mơ đẹp bị phá tan bởi tiếng quạ kêu giữa đêm khuya thanh vắng. Tôi đã đau xót vô cùng khi cầm trên tay tờ giấy xác nhận, dù đã chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần nhưng trong tôi vẫn dâng lên nỗi giằng xé vô hạn. Con đã đến trong niềm mong mỏi của tất cả chúng tôi, tôi đã thấy sự mãn nguyện của bố mẹ chồng khi sắp có cháu để bồng, để bế. Thấy được sự tự hào của một người đàn ông được lên chức bố, thấy sự tận tình chăm sóc của anh dành cho hai mẹ con, lòng tôi như quặn lại.

Còn với tôi, đó là nỗi đau đớn như cắt từng khúc ruột, là nỗi đau của một người mẹ trẻ chưa phải va vấp với đời nhưng đã phải chịu một tổn thương quá lớn. Tôi gần như suy sụp về tinh thần bởi tôi đã khiến cả gia đình yên ấm của mình phải thất vọng, khiến đứa con chưa được cất tiếng khóc chào đời phải ra đi. Bỏ qua tất cả những lời động viên, giải thích, tôi vẫn cảm thấy có lỗi ghê gớm.

Tôi đã khóc rất nhiều và trở nên lầm lỳ, ít nói, tự thu mình lại vào khoảng trống mông lung trong tôi. Tôi tự trách mình đã không đi tiêm vắc xin phòng bệnh từ trước, tại sao tôi lại quá bất cẩn mà không tự phòng bệnh cho mình khi dịch bệnh đang lây lan, hoành hành khắp chốn. Chính tôi đã tự làm đau mình, tự làm đau những người đã hết lòng yêu thương và chăm sóc cho tôi.
Gần bốn tháng đã trôi qua, những chấn động về tinh thần trong tôi cũng dần nguôi ngoai. Bố mẹ chồng tôi vẫn đối xử tốt với tôi như trước, chồng tôi vẫn chăm chỉ làm việc và ngày ngày chăm sóc tôi như khi tôi còn “ở cữ”. Thêm một lần nữa tôi lại thấy mình như mắc lỗi, nhưng cái lỗi của tôi là đã không nhận ra rằng, tất cả mọi người đều đang cố gắng kìm nén nỗi đau mà tiếp tục sống vui vẻ chỉ vì tôi.

Tôi đã tự thu mình lại mà quên mất tôi còn phải sống vì những người yêu thương tôi và sống vì một sinh linh mà tôi chưa từng thấy mặt. Lúc này đây, tôi chỉ muốn sự an lành trong không gian êm đềm nơi gia đình nhỏ bé của tôi, để chăm sóc, để yêu thương, gìn giữ tất cả những gì tôi đang có. Mất đi đứa con đầu lòng và điều tôi nhận ra là tình bao dung thực sự. Tôi tin vào số mệnh và duyên trời, biết đâu đấy, con tôi giờ đang đến với một gia đình khác, sẽ yêu thương và che chở nó như tôi sẽ làm như thế.
Nguyễn Nhàn

Suy sụp khi phát hiện mình bị ung thư

Tôi muốn làm việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn, tôi muốn học xong chương trình văn bằng 2 ở trường, tôi muốn học thêm lớp đào tạo giảng viên để đi dạy thêm, tôi muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân và bạn bè. Tất cả như không còn gì cả, tất cả đối với tôi thế là chấm hết.

Tôi phát hiện ra một điều không bình thường ở ngực, có một khối u nhỏ. Tôi cũng không quan tâm lắm vì có rất nhiều phụ nữ bị như vậy, tất cả đều lành tính. Với lại, công việc và việc học ở trường cũng khá bận rộn, tôi không có nhiều thời gian để đi đến bệnh viện khám.

Sau gần 2 tháng, tôi lại bị chứng đau nửa đầu hành hạ. Tôi thường xuyên bị triệu chứng này, nhưng lần này có vẻ nặng hơn, có những đợt đau làm tôi không chịu nổi. Nhưng tôi vẫn cứ chần chừ vì thời gian này tôi đang tham dự khóa học do cơ quan cử đi mà tôi rất thích, tôi đã phải phấn đấu nhiều để được tham dự.

Một tuần trôi qua, tôi quyết định đi khám, chủ ý của tôi là khám chứng đau đầu, vẫn còn nhiều thời gian nên tôi tiếp tục khám ngực. Siêu âm xong, bác sĩ bảo tôi phải đi chụp nhũ ảnh. Tôi thắc mắc, vì những lần trước chỉ siêu âm là đủ, được bác sĩ giải thích là chụp thêm nhũ ảnh để kiểm tra kỹ hơn, tôi cũng an tâm.

Một loạt các xét nghiệm tiếp theo: chọc kim, sinh thiết, tôi thấy hơi lo. Công việc quá nhiều, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ, bác sĩ hẹn tuần sau sẽ trả lời kết quả sinh thiết. Tôi ra về, đến hẹn, bác sĩ lại hẹn ít ngày nữa, tôi đâm lo.

Cuối cùng cũng có kết quả, tôi được mời đến bệnh viện nơi tiến hành xét nghiệm để trả kết quả, linh tính có chuyện không lành nhưng tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh. Đến nơi, có một bác sĩ chuyên khoa tư vấn, giải thích, động viên và an ủi về bệnh của tôi. Bác sĩ cho tôi một giấy giới thiệu sang Bệnh viện Ung bướu để điều trị, và hướng dẫn cho tôi chi tiết về việc chuyển viện từ nơi đăng ký ban đầu để được hưởng bảo hiểm y tế.

Trời đất như suy sụp, tôi bị ung thư vú khi mới 28 tuổi, chưa lập gia đình và còn rất nhiều việc tôi muốn làm nhưng chưa làm được. Tôi muốn làm việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn, tôi muốn học xong chương trình văn bằng 2 ở trường, tôi muốn học thêm lớp đào tạo giảng viên để đi dạy thêm, tôi muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân và bạn bè. Tất cả như không còn gì cả, tất cả đối với tôi thế là chấm hết.

Tôi khóc trên đường về cơ quan, khóc nhiều lắm, tôi chạy xe như lập trình sẵn, không thể nghĩ được gì. Hôm đó, tôi bị anh giao thông thổi phạt vì lấn tuyến, tôi cũng chẳng quan tâm. Nhưng thấy tôi khóc, anh công an dễ thương ấy cũng không nỡ phạt tôi. Tôi tiếp tục đi trên đường, xe vẫn cứ chạy, tôi không ý thức được việc lái xe của mình nữa.

Về cơ quan, tôi làm các thủ tục bàn giao hồ sơ và những công việc cần thiết khác cho chú giám đốc. Tôi nhận được sự an ủi, động viên tinh thần từ chú. Chú giới thiệu cho tôi một người cháu của chú là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Ung bướu, tôi cũng phần nào an tâm hơn về đoạn đường tiếp theo. Gia đình tôi là nông dân ở quê, ba mẹ tôi quanh năm chỉ biết công việc đồng áng, nói gì đến việc quen được một bác sĩ. Thế là khởi đầu cũng khá suôn sẻ, tôi nghĩ vậy và tự an ủi mình.

Tối hôm đó, tôi phải vào bệnh viện thăm cháu, bé đang nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé mới mổ 2 ngày trước. Thực sự tôi rất đau lòng khi phải nói cho gia đình biết chuyện này. Gia đình tôi trước nay sống rất yên bình, mọi người rất yêu thương nhau. Với căn bệnh ung thư này, đó là một sự khủng khiếp không thể tả. Tôi nói cho anh hai biết, anh cũng sốc. Hai anh em tìm cách nói với mẹ, rồi nói với cha, cô tôi.

Tôi chỉ dám nói tôi bị khối u ác tính, phải tiến hành phẫu thuật gấp. Mẹ khóc, tôi thấy thương mẹ quá, gia đình tôi gặp quá nhiều sóng gió trong cùng một thời gian, tôi sợ mẹ không chịu nổi. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để trấn an mẹ, tôi cố gắng nói sang chuyện khác, cố gắng nói giảm hơn về bệnh của mình, tôi tránh hẳn không dùng từ ung thư khi nói chuyện với mẹ.

Mẹ cũng không thể biết được bệnh này là như thế nào, chỉ biết là sẽ phải phẫu thuật. Tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, tôi nghĩ đến đâu hay đến đó, tôi sẽ phải điều trị. Bác sĩ đã cho tôi biết quá trình điều trị là như thế nào: phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ ngực, hóa trị, xạ trị. Toàn những từ mà trước nay tôi chưa từng nghe qua, tôi phát hoảng nhưng phải cố gắng giữ bình tĩnh.

Tôi không những sẽ phải trấn an mẹ mà còn phải trấn an những người khác trong gia đình. Gia đình tôi xưa nay chưa ai phải đối mặt với căn bệnh ung thư, giờ thực sự là một cú sốc. Tôi đi cùng một người bạn gái đến Bệnh viện 175 để làm thủ tục chuyển viện nhưng bác sĩ ở đây không cho phép. Họ bảo là họ chữa được và họ sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ ngực, sau đó sẽ hóa trị, xạ trị và sẽ tái tạo ngực cho tôi. Tôi hoang mang lắm, không biết phải làm như thế nào.

Tôi tiếp tục đi đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ ở đây lại bảo là sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiến hành xét nghiệm, nếu lành tính thì không sao, nếu là ung thư thì phẫu thuật toàn bộ và tiến hành các đợt điều trị tiếp theo. Tôi rất lo, nhưng bạn bè đều khuyên là nên đến Bệnh viện Ung bướu để khám sẽ chuyên khoa hơn.

Tối đó, tôi đến nhà bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu, ông khuyên tôi nên nhập viện sớm. Một ngày đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, tôi như không còn sức để đi tiếp. Tôi cố gắng trấn an mình, rằng mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, tôi sẽ phải bình tĩnh và sáng suốt để chọn cho mình con đường hợp lý nhất, tốt nhất cho mình. Chính tôi sẽ phải là người ra quyết định cho cuộc đời mình.
Lúc đó tôi rất bình tĩnh, tôi cũng không nghĩ là mình có nhiều nghị lực đến vậy. Cũng có thể lúc đó tôi không chấp nhận sự thật là tôi bị ung thư, có thể tôi nghĩ là bác sĩ đã chuẩn đoán sai, có thể tôi chưa tưởng tượng được sự nguy hiểm của căn bệnh ung thư này, rồi những đau đớn và khó khăn trong quá trình điều trị, và cũng có thể vì tôi không muốn gia đình và bạn bè phải lo lắng nhiều cho mình.

Quyết định đến Bệnh viện Ung bướu để điều trị, tôi liên lạc với bác sĩ là cháu của chú giám đốc và được ông ấy giúp đỡ rất tận tình. Sau một tuần đi theo lịch hẹn của bác sĩ: khám bệnh, hội chẩn, tôi được bác sĩ cho biết là có thể phẫu thuật bảo tồn cho tôi, nhưng vẫn phải phẫu thuật cắt bỏ hạch nách. Tôi như không tin vào tai mình nữa, thực sự đây là một tin rất vui. Tôi không dám báo với gia đình vì sợ có sự nhầm lẫn. Đến ngày lên lịch mổ, tôi mới thực sự tin, tôi cảm thấy rất vui, và hy vọng là mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Sau hai tuần tiếp tục chuyển qua điều trị tại khoa ngoại, cũng hai tuần này, tôi xem bệnh viện như là nhà. Ra vô bệnh viện, tôi xem đó giống như là chuyện thường ngày, giống như tôi đi làm hàng ngày vậy. Bác sĩ cho biết tôi sẽ phải hóa trị 6 đợt và xạ trị nữa, tôi đã chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận những thông tin này, tôi chỉ muốn thời gian này trôi qua thật nhanh mà thôi.

Tôi tích cực tìm hiểu các thông tin trên báo, đài, Internet và cả những người bệnh cùng phòng với tôi, hay bất kể ai tôi có thể tiếp xúc trong bệnh viện. Cho dù thế nào thì tôi cũng sẽ phải chiến đấu, vẫn sẽ phải đối mặt. Cho nên thay vì lo lắng làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, thay vì cứ buồn rầu thì tôi sẽ vững vàng đi tiếp, vì tôi luôn có những người thân yêu bên cạnh.

Có được toa thuốc cho lần hóa trị đầu tiên, tôi đến phòng “thuốc độc” để nhận thuốc. Cầm bao thuốc trên tay, tôi bắt đầu đọc những dòng hướng dẫn, tôi xem rất kỹ những tác dụng phụ có thể có của thuốc: buồn nôn, rụng tóc, rối loạn nhiễm sắc thể… Tôi bắt đầu thấy sợ, tôi sẽ phải tiêm một cách chủ động những lọ thuốc độc này vào người, tất cả là 12 lọ: có 4 lọ màu đỏ làm tôi thấy rùng mình. Tôi thoáng nghĩ đến những người tù bị tiêm thuốc độc.

Lần hóa chất đầu tiên, tôi đã vật vã suốt ba ngày trời, ăn hay uống vào đều bị ói ra hết, nhưng vẫn cứ phải ăn để có cái mà ói ra, ói liên tục. Tất cả phương pháp mà báo, đài, hay bất kỳ ai chỉ tôi đều áp dụng nhưng chẳng ăn thua gì. Cứ nghĩ đến những từ như là thuốc độc, ung thư, tôi đều thấy buồn nôn, thậm chí chỉ nhìn thấy vỏ thuốc thôi tôi cũng đã không chịu nổi.

Tôi không nói được lời nào, chỉ mỉm cười khi mở mắt ra, thấy ánh mắt mẹ, cha hay ai đó nhìn tôi. Đối với tôi, những ngày đó sống cũng không bằng chết nhưng thấy cha mẹ luôn bên cạnh, thằng em út thì nằm bẹp dưới giường để canh chừng tôi, tôi biết rằng mình không được gục ngã mà phải cố gắng chống chọi với giai đoạn khó khăn này.

Ngày thứ tư, thứ năm, tôi thấy khỏe hơn và ăn được chút ít. Tôi lấy lại được tinh thần và thèm ăn đủ thứ. Người ta nói tôi còn thèm ăn tức tôi chưa chết được, cơ thể tôi vẫn có thể dung nạp được những chất tôi ăn vào. Không biết có cơ sở khoa học không nhưng tôi thấy cũng vui, dù sao đó cũng là lời an ủi dễ thương.

Hết một tuần, tôi bắt đầu đi làm lại, mọi chuyện có vẻ khá hơn. Tôi bắt đầu ăn uống bình thường và thấy dễ chịu hẳn. Việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, tôi sẽ phải hạn chế đi xe máy, tập dần đi xe buýt. Trước đây tôi bị say xe nhưng cũng may là mấy ngày nay không sao hết. Tôi quan niệm ở hiền gặp lành, và đúng vậy, trong cái rủi còn có cái may, thời gian qua rất khó khăn cho tôi và cho cả gia đình, nhưng tôi luôn được giúp đỡ bởi những người cả quen biết, cả không quen biết. Điều đó cũng an ủi tôi rất nhiều.

Giờ đây, tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi chú ý sức khỏe của mình nhiều hơn, chú ý hơn đến những cảm xúc của bản thân, cố gắng giữ bình tĩnh và sống thật thoải mái về tinh thần. Trước mắt là để chống chọi với những đợt hóa chất tiếp theo và cả giai đoạn xạ trị nữa. Một phần vì chính bản thân tôi, phần nữa là vì những người thân, bạn bè luôn bên cạnh, chia sẻ và động viên lúc tôi suy sụp nhất.

Tôi tin là nếu cố gắng sống tốt, sống lành mạnh và sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, xã hội thì cho dù sau này có ra sao tôi cũng không hối tiếc. Cuộc sống này có rất nhiều chông gai. Sinh, lão, bệnh, tử ai cũng phải trải qua, có chăng là cấp độ ít hay nhiều, nhanh hay chậm mà thôi. Ai gặp trước thì sau khỏi gặp, tôi phải sống trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trước mắt là với căn bệnh của tôi.

Đây là lời khuyên mộc mạc và khá chân thành của bác tôi, người luôn bên cạnh để động viên tôi về mặt tinh thần. Tôi sẽ nhớ mãi ơn bác và sẽ sống thật tốt để không phụ lòng những người đã yêu thương tôi.
Phan Thị Cẩm Tú

Bị đánh ghen khiến tôi luôn cẩn thận trong cuộc sống

Họ la hét, chửi rủa với những lời lẽ thật kinh khủng, họ đánh tôi. Lúc đầu tôi bàng hoàng không nhận ra điều gì, tôi có cảm giác mơ màng như thể trên trời rơi xuống.

Tôi cũng có một cú sốc đầu đời nhưng nó không phải là do thi rớt đại học, cũng không phải một người thân yêu rời xa và càng không phải gia đình suy sụp về kinh tế mà nó là cú sốc về tình cảm. Đôi khi sự gây thơ, tin tưởng mù quáng vô tình tiếp tay cho cái xấu và tự làm đau chính mình. Mỗi lần nhớ về chuyện này tôi không biết trách ai, trách anh hay trách chính bản thân.
Câu chuyện bắt đầu khi tôi vừa tốt nghiệp, một cô sinh viên mới ra trường nhìn đời qua lăng kính màu hồng, tôi tình cờ quen anh qua mạng. Khởi đầu một tình bạn ở nơi không mấy gì thuận lợi qua những câu xã giao vu vơ, tôi bị hấp dẫn ngay lời mời hợp tác từ anh. Anh có sản phẩm được sản xuất thủ công khá đẹp, còn tôi có thời gian và một tý kiến thức về Internet.

Tôi chỉ việc giới thiệu sản phẩm online, rao bán trên các trang rao vặt, lập trang web giới thiệu sản phẩm, do anh không có thời gian làm những việc này nên muốn tìm người hợp tác, đó là lời lý giải của anh. Tôi sẽ có được hoa hồng chênh lệnh từ việc tìm được người mua sản phẩm đó.
Điều sai lầm đầu tiên của tôi là tính háo thắng. Tôi luôn cho mình cái quyền được suy nghĩ là mình sẽ nhanh thành công và vượt qua bạn bè cùng trang lứa. Tôi nghĩ rằng nó có thể mang lại cho tôi một hướng đi mới. Và tôi cũng cho mình cái quyền ỷ lại vào mớ kiến thức nhỏ nhoi học được ở trường. Tôi đồng ý gặp anh.
Cái bất ngờ đầu tiên khi tôi gặp anh đó là vẻ bề ngoài trông già dặn hơn tuổi mà anh giới thiệu, còn lại các thông tin về sản phẩm, catalogue đều như lời anh nói. Tôi bắt đầu mơ về kế hoạch kinh doanh của mình. Nhưng số lần anh hẹn gặp tôi ngày càng tăng lên, anh thường xuyên mời tôi đi uống café. Tôi mặc nhiên nghĩ rằng chỉ để hiểu nhau hơn và hợp tác tốt hơn trong công việc.
Nhưng sự thật thường không đơn giản như mình nghĩ. Anh bắt đầu quan tâm chăm sóc tôi cẩn thận hơn, lo lắng cho tôi mọi thứ, kể cho tôi nghe về cuộc đời gian khó của anh, về những nỗi bất hạnh của anh và về những màu hồng anh sẽ mang lại cho mái ấm của anh trong tương lai. Tôi dần bị ru ngủ trong mớ câu chuyện ấy. Tôi bắt đầu tin anh, tin rằng anh là một người có ý chí, nghị lực và có thể mang lại điều tốt cho tôi. Sau hơn ba tháng như thế, tôi nhận lời quen anh.
Có lẽ đây là một quyết định sai lầm đầu tiên trong bước đi của tôi. Tôi đã bị lạc lối do sự lựa chọn không mấy chín chắn của mình. Tôi không bao giờ ngờ rằng khi chúng tôi gồm có anh, tôi, em gái tôi và một vài người bạn cũng dãy trọ đang xem tivi thì có hai người phụ nữ xông vào phòng tôi. Mãi sau này tôi mới biết một người là vợ anh, một người là mẹ ruột của anh, còn có hai người nam nữa nhưng họ chỉ đứng bên ngoài.

Họ la hét, chửi rủa với những lời lẽ thật kinh khủng, họ đánh tôi. Lúc đầu tôi bàng hoàng không nhận ra điều gì, tôi có cảm giác mơ màng như thể trên trời rơi xuống. Tôi thường xem những đoạn phim khi nhân vật nữ bị đánh ghen thật đáng thương và thật thê thảm, không ngờ bây giờ tôi bị rơi vào tình huống trớ trêu này.

Tôi ngã quỵ vì nhận ra rằng đã bị lừa dối, tai tôi ù đi, mắt tôi lờ mờ nhìn thấy nhiều bóng người xô đẩy nhau trước mặt. Tôi khóc òa lên như một đứa trẻ vừa đánh mất một cái gì đó thật quý giá. Tôi không đau vì bị đánh mà tôi quằn quại đau đớn vì lòng tin vào một người mà mình lựa chọn đã bị lừa dối, một nỗi đau tột cùng không lối thoát. Họ rời khỏi nhà tôi và không quên ném trả, hăm dọa tàn hại cuộc đời của tôi. Một cô sinh viên 21 tuổi mới ra trường thì chuyện này thật khủng khiếp.
Tôi thu mình vào một góc khuất của căn phòng và chỉ biết khóc. Cả đêm đó điện thoại của tôi và em gái đầy những tin nhắn khủng bố tinh thần, sỉ nhục thậm tệ. Ngay lúc này tôi không biết phải làm gì ngoài nước mắt và tự trách bản thân mình. Khi không còn nước mắt để khóc tôi ngẩn người nhìn xa xăm vào một khoảng không vô định với hàng trăm câu hỏi tại sao.

Tại sao anh lừa dối tôi? Tại sao anh không nói sự thật với tôi trong những lần tôi dò hỏi anh? Tại sao anh lại lợi dụng lòng tin nơi tôi? Tại sao anh lại đẩy tôi vào một tình huống như thế này? Tại sao tôi ngây thơ và ngu ngốc đến thế? Tại sao Thượng đế đã gieo hạt giống yêu thương, tin tưởng lại còn gieo hạt giống của nỗi đau và sự lừa dối? Và tại sao cũng là con người với nhau mà họ lại chà đạp và đối xử tệ với tôi như vậy?

Tôi có cảm giác lọt thỏm giữa đám đông người nhà anh và giữa cái đất Sài Gòn đông người như thế này nhưng nó không có chỗ dành cho tôi. Tôi cũng được cha mẹ sinh ra, yêu thương, dạy dỗ cho ăn học đàng hoàng kia mà. Sự giằng xé giữa những cảm xúc, nỗi đau và dằn vặt chính bản mình với những câu hỏi đó khiến tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
Dãy nhà trọ khu tôi ở bây giờ như địa ngục, nỗi nhục nhã này không biết lấy gì để gội rửa, người ta không cần biết tôi đúng hay sai và tôi đã làm gì. Họ thi nhau dùng những ánh mắt soi mói và xì xào những khi tôi đi qua họ. Tôi không muốn sống ở đây nữa, tôi muốn đi một nơi mà không ai biết tôi, tôi muốn chạy trốn tất cả. Tôi càng không có lý do gì để về quê vì ba mẹ mà biết sẽ là điều tệ hại nhất đối với tôi.

Tôi khóa cửa phòng thật chặt để tự gặm nhấm nỗi đau của mình. Cũng như tôi sợ họ lại tìm đến tôi, tôi sợ lời bàn tán, ánh mắt của mọi người sau lưng. Ngay lúc này tôi chợt nhớ đến một đoạn thông điệp nổi tiếng của tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch, nhà văn người Scotland A.J.Cronin (Archibald Joseph Cronin) được tác giả Spencer Johnson trích mở đầu trong tác phẩm “Ai lấy miếng pho mát của tôi” mà tôi yêu thích:

“Cuộc đời không luôn là những hành lang thẳng tắp để ta có thể dễ dàng đi qua mà không gặp một vật cản nào. Cuộc đời thường là những mê lộ buộc ta phải tìm kiếm lối đi cho riêng mình nếu muốn băng qua nó. Đôi lúc, ta cũng bị lạc lối đi vào ngõ cụt hoặc muốn từ bỏ tất cả. Nhưng bao giờ cũng vậy, nếu chúng ta có niềm tin thì một viễn cảnh mới, một cánh cửa sẽ mở ra: có thể đó không phải là điều ta từng nghĩ hay có ý định kiếm tìm, nhưng sau cùng sẽ chứng minh rằng điều đó là tốt cho cuộc sống của chúng ta…”.
Tôi nhận ra phải đối đầu với sự thật này, tôi trốn tránh được nơi đây nhưng tâm hồn tôi liệu có trốn được không, cách tốt nhất là đối diện, dám làm dám chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Tôi cũng tự khuyên mình rằng người ta đã lừa dối, chà đạp danh dự, xúc phạm đến nhân phẩm của tôi, tại sao tôi lại dày vò chính bản thân mình.

Ngay lúc này không ai giúp được tôi ngoài bản thân, tôi đã đứng dậy và đối diện với sự thật. Tôi không để ý người ta nhìn gì, nghĩ gì về tôi. Tôi còn em gái, vì em gái đang sống với tôi, tôi còn gia đình ở quê kia mà, tôi đã làm gì được cho họ?
Cả tháng sau anh vẫn không buông tha cho tôi, anh gặp tôi cầu xin sự tha thứ, gửi mail xin lỗi, rồi lại trách móc tôi. Tôi im lặng không hề đôi co, cũng không trách lấy một lời, tôi không quan tâm và hồi đáp bất cứ điều gì từ anh vì tôi hiểu được rằng bây giờ càng đôi co, trách móc càng làm tôi đau. Lúc này im lặng là giải pháp tốt nhất cho tôi.

Tôi không cho phép lời nói, hành động của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi. Những lúc nước mắt chực trào ra, tôi chỉ kịp ngước lên rồi nuốt nó vào trong. Giọt nước mắt mằn mặn của sự hờn tủi cùng với sự se thắt và nhói đau nơi lòng ngực của tôi. Tôi không cho phép bản thân tôi khóc thêm một lần nào nữa. Vì anh không xứng đáng với những giọt nước mắt quý giá của tôi.
Nỗi ám ánh này vẫn đeo bám tôi suốt một khoảng thời gian sau đó. Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ biết sợ là gì, luôn hãnh diện với cách sống của mình, đi không bao giờ quay đầu lại, cười không bao giờ dừng bất chợt, khi ngồi dẫu có quay lưng ra cửa không bao giờ sợ người khác từ cửa bất chợt bước vào.

Nhưng những ngày tháng sau đó tôi có cảm giác sợ tất cả những điều này. Đã bao lần tôi đã vội ngoái đầu lại phía sau, đã bao lần tôi đã giật mình vì sự bất chợt của một ai đó. Tất cả những điều này là do sự lựa chọn sai lầm của tôi, chọn một ngã rẽ sai, đi vào ngõ cụt.
Giờ đây khi viết những dòng này thì tôi biết nỗi đau kia chỉ còn là quá khứ, tôi đang làm ở một công ty khá tốt. Tôi vẫn đang sống căn phòng nơi tôi ở trước đây, mọi thứ xung quanh tôi vẫn như cũ. Nhưng duy nhất có một điều thay đổi đó là suy nghĩ của tôi trở nên chín chắn hơn và tôi cũng hiểu được rằng cuộc sống của tôi giống như thông điệp mà người ta thường truyền cho nhau.

Đó là “cuộc sống giống như cầu thủ trong trận đấu bóng, hôm nay thua thì ngày mai sẽ thắng, điều quan trọng là mình có đủ dũng khí để tham gia hay không”. Có lẽ khi tôi nói ra điều này chắc không ai tin nhưng tôi lại muốn cảm ơn cú sốc này vì nó đã dạy tôi biết hai chữ đó là “cẩn thận”, cẩn thận không bao giờ là thừa trong cuộc đời này.

Tôi luôn dạy em gái tôi “không ai cho không ai bất cứ điều gì”. Do đó, khi người ta muốn cho em cái gì em phải suy nghĩ thật kỹ. Mình chỉ nhận những gì khi chính do bản thân mình tạo ra, đặc biệt tôi dạy em gái rằng: “trong tình yêu sự tin tưởng lẫn nhau là yếu tố quan trọng nhưng niềm tin đó phải dựa trên nền tảng và căn cứ vững chắc. Đừng tin một cách mù quáng vì nó sẽ làm đau chính bản thân mình”.
Dương Thị Hương

Sụp đổ khi người yêu dọa tung ảnh nóng lên mạng

Hàng loạt những tấm hình đáng xấu hổ của một đứa con gái đáng hổ thẹn đập mạnh vào thị giác khiến tôi run rẩy, ngón tay bật lên trên bàn phím. Lời đe dọa của anh hiển hiện, lặp đi lặp lại trong đầu, nước mắt tôi rơi xuống, mặn chat đầu lưỡi.

Tôi yêu anh khi mới 15 tuổi, lứa tuổi còn nhiều ngây thơ, trẻ con, ngờ nghệch và vụng dại. Anh khi ấy đã 22, sự tâm lý cùng những hành động chín chắn của một người trưởng thành khiến tôi tin tưởng và chia sẻ với anh mọi thứ. Với tôi, anh là người yêu nhưng lại như một người bạn, một người anh và thậm chí là một người cha.

Có lẽ cũng bởi từ nhỏ gia đình tôi không yên ấm, cha tôi có người đàn bà khác liên tục đánh đập hành hạ vợ con. Những lúc bất lực chứng kiến cha đánh mẹ hay chính mình bị đòn roi, tôi chỉ có anh là chỗ dựa để tin tưởng, để hy vọng. Trong nhiều năm liền tôi chỉ có một mong ước duy nhất là mình nhanh lớn, nhanh trưởng thành để có thể cưới anh, có một gia đình bình yên rồi đón mẹ về sống cùng.
Khi anh vào Nam làm việc, chúng tôi vẫn thường xuyên gọi điện, nhắn tin, bố mẹ anh cũng quan tâm tôi như con cháu trong nhà nên tôi luôn an lòng và tin tưởng vào người yêu của mình. Mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ khi trong một lần anh về Bắc, tôi cầm điện thoại của anh và vô tình đọc được dòng tin nhắn đầy yêu thương dành cho người con gái khác. Trong hộp thư gửi đi lẫn lộn bao câu chuyện, bao lời hỏi thăm, bao câu nói nhớ nhung giống hệt nhau dành cho tôi, dành cho cô ấy.

Không tin vào điều mình thấy, tôi yêu cầu anh giải thích tất cả với hy vọng rằng đây có lẽ chỉ là hiểu lầm thôi. Nhưng thứ tôi nhận được chỉ là “Tại có nhiều chuyện anh không chia sẻ được với em. Cô ấy chỉ là tạm thời thôi, anh không yêu thương gì cô ta cả, nếu em không thích anh sẽ lập tức chấm dứt”.

Tôi bất ngờ tới nỗi không diễn tả nổi cái cảm giác ấy, im lặng nhìn người đàn ông tôi yêu rất lâu, suốt hàng giờ liền ngồi cười một mình, nước mắt trào ra nhưng tôi vẫn cười, tim đau thắt lại. Lần đầu tiên tôi yêu, đặt hết sự tin tưởng vào một người và lần đầu tiên tôi bị chính người tôi tin tưởng phản bội với một lời giải thích nhẹ tênh.

Với tôi, sự phản bội là điều không bao giờ có thể tha thứ bởi từ khi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến mẹ đớn đau bởi nó, tuyệt vọng vì nó. Anh là người hiểu rõ điều này hơn ai hết, đã bao lần anh ôm tôi vào lòng, an ủi tôi rằng mọi chuyện sẽ qua, sau này anh sẽ không bao giờ giống cha, sẽ đem cho tôi niềm hạnh phúc. Vậy mà bây giờ anh trắng trợn thừa nhận nó, không chút nghĩ suy nghĩ, dẫm đạp lên lời hứa của mình.

Mất rất nhiều nước mắt, rất nhiều đêm thức trắng để tôi nói với anh lời chia tay. Anh không hề tỏ ra hối lỗi nhưng cũng không đồng ý để tôi rời bỏ anh. Chúng tôi cứ giằng co, níu kéo, hành hạ nhau như thế trong nhiều ngày. Đến khi anh vào Nam thì tôi kiên quyết cắt đứt mọi liên lạc, đổi số điện thoại, thay nick yahoo và giấu mình hết sức có thể.

Đó là những tháng ngày khó khăn và mệt mỏi vì từ trước tới nay anh là chỗ dựa duy nhất của tôi, vậy mà mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Chỉ một tuần sau khi tôi đổi số, anh đã nhắn tin: “Em vào mail và xem, có những tấm hình rất đẹp dành cho em. Nếu em không đồng ý quay lại với anh, tất cả chúng sẽ được tung lên mạng. Anh cho em một tháng để suy nghĩ”.

Không hiểu anh đề cập tới điều gì, tôi vội vàng mượn laptop của cậu bạn chạy ra một góc sân trường ngồi check mail. Hàng loạt những tấm hình đáng xấu hổ của một đứa con gái đáng hổ thẹn đập mạnh vào thị giác khiến tôi run rẩy, ngón tay bật lên trên bàn phím. Lời đe dọa của anh hiển hiện, lặp đi lặp lại trong đầu, nước mắt tôi rơi xuống, mặn chát đầu lưỡi.

Khi vừa tròn 18, tôi đã trao tấm thân con gái cho anh, nghĩ rằng chúng tôi sau này sẽ trở thành vợ chồng. Khi xa nhà, hai đứa thường xuyên gọi điện và gửi webcam, anh nói rằng muốn nhìn người mình yêu, muốn tôi cởi áo. Thương anh phải chịu đựng về sinh lý quá lâu nên tôi đồng ý, nào ngờ anh đã chụp lại để có ngày lấy điều đó đe dọa tôi.

Tôi khóc nấc lên thành tiếng, chân khụy xuống, co ro ôm gối, cảm giác như bóng tối bao trùm xung quanh. Tôi không thể ngờ được người mình từng yêu, từng hy sinh tất cả lại thủ đoạn, hèn hạ như vậy. Còn tôi? Tôi rốt cuộc chỉ là một đứa con gái ngu dốt không biết giữ mình, để sự tình xảy ra đến mức này mà chỉ biết khóc lóc.

Tôi cười cay đắng, bước ra khỏi giảng đường, đầu óc trống rỗng. Trong vô thức, tôi lao xe như một con điên, gió quật vào mặt bỏng rát còn nước mắt cứ thế tuôn ra. Tôi đã yêu anh quá nhiều, tin anh quá nhiều để bây giờ chịu nỗi đau quá lớn. Mọi lối đi dường như bị bịt kín, sự tuyệt vọng và bế tắc khiến tôi muốn đâm đầu vào ôtô chết đi cho xong, cái ý nghĩ ấy cứ lớn dần.

Nhưng ngay khi chiếc ôtô lớn lao vụt tới trước mặt, tôi hốt hoảng đảo tay lái, loạng choạng đâm vào lề đường. Hình ảnh những người thân hiện ra, bao ánh mắt đau đáu dõi theo từng bước đi của tôi. Phải rồi! Nếu tôi chết thì mẹ sẽ ra sao? Em tôi phải làm sao? “Đồ hèn hạ. Đáng đời mày. Làm thì phải chịu. Cố mà sống, sống mà chịu đựng”, nước mắt giàn giụa, tôi tự tát vào mặt rồi dặn mình như thế.

Nhiều ngày sau đó tôi vẫn không biết làm gì ngoài ngồi co ro trong phòng với đôi mắt sưng phồng và những suy nghĩ không đầu không cuối. Nhưng thời hạn một tháng ngắn dần, nó thôi thúc tôi phải gắng gượng, phải tìm cách giải quyết. Tôi không thể quay trở về với con người ấy, trong tôi lúc này chỉ còn sự ghê sợ và khinh bỉ. Tôi cũng không thể để mẹ bị người đời dè bỉu vì có một đứa con gái dại dột, không thể để bà bị hành hạ vì đã sinh ra một đứa con gái chẳng ra gì.

Tôi nhấc điện thoại, gọi điện cho đứa bạn thân nhất và kể cho nó mọi chuyện. Tôi những tưởng với tính cách của nó, nó sẽ mắng mỏ và lên án tôi nhưng một bàn tay ấm áp đưa ra, nắm chắt lấy bàn tay run rẩy của tôi, cô bạn yên lặng lắng nghe từ đầu đến cuối. “Mày không làm gì xấu cả, chỉ là quá mù quáng và dại dột mà thôi”. Tôi vững tâm trở lại.

Trong 20 ngày sau đó, tôi liên tục up lại lên blog những bài viết mà tôi đã dành cho anh ngày hai đứa còn yêu nhau. Tôi viết rất nhiều về tình cảm ấy, về niềm tin và hy vọng tôi đã dành cho con người đó cùng nỗi đau của tôi hiện tại. Tôi viết về tình yêu và những gửi gắm của mẹ dành cho tôi, về những xót xa của gia đình mình. Trong mỗi bài viết luôn đầy ắp sự chán chường và thất vọng cùng những suy nghĩ tiêu cực. Thông qua những người bạn thân của anh mà tôi quen, tôi biết được rằng anh đã đọc và rất lo lắng.

Ngày cuối cùng, buổi sáng, tôi gửi anh một lá thư rất dài nói về cảm giác của tôi những ngày qua là sự tuyệt vọng và mất niềm tin vào cuộc sống. Tôi gửi nhiều lá thư khác cho bạn bè, người thân của mình, cảm ơn vì họ đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, mong họ sẽ sống tốt. Tôi tắt điện thoại rồi cùng đứa bạn thân biến mất một ngày.

Trong sâu thẳm, tôi vẫn tin rằng người ấy còn chút nào đó tình cảm dành cho tôi bởi thời gian mà chúng tôi yêu nhau không phải là ngắn ngủi, kỷ niệm ở bên nhau không dễ phai nhòa. Suy nghĩ ấy đã đúng. Vì ở xa, không thể làm gì khác, anh chỉ biết gọi điện cho bạn bè, anh chị em của tôi, họ cũng đang gọi điện cho nhau, người ta chia đi tìm kiếm. Những câu hỏi đầy trên facebook, trên blog càng khiến mọi người cho rằng tôi thật sự xảy ra chuyện.

Buổi tối, tôi mở máy và nhắn cho anh: “Hôm nay hạn cuối rồi, em trả lời cho anh đây. Anh cứ gửi nó cho ai mà anh muốn vì từ mai em sẽ không biết gì nữa. Dù sao em vẫn chúc anh hạnh phúc”. Ngay lập tức anh gọi lại và nói rằng anh sẽ xóa nó mãi mãi, rằng anh sẽ không yêu cầu gì ở tôi nữa, chỉ xin tôi đừng làm gì liều lĩnh, anh thật sự vẫn còn tình cảm, anh không bao giờ muốn mọi chuyện tồi tệ như thế này. Tôi im lặng, nước mắt chua xót trào ra, ở đầu dây bên kia, người đàn ông cũng nấc lên từng tiếng.
Mất đi chỗ dựa duy nhất, lại phải chứng kiến sự phản bội và thủ đoạn từ chính chỗ dựa ấy khiến tôi gần như ngã quỵ. Tình yêu cùng cơn ác mộng đó vẫn còn vẹn nguyên từng nỗi đau, từng vết xước, không dễ gì nguôi quên, không đơn giản để xóa nhòa nhưng tôi vẫn sống, phải sống.

Mọi chuyện trôi qua, không dễ dàng, không suôn sẻ, nhưng nó đã qua. Tôi đang tập đứng một mình, dặn bản thân phải cứng cáp, phải mạnh mẽ để vươn ra bầu trời xanh cao rộng kia thay vì giấu mình trong những giấc mơ, những nỗi nhớ như ngày còn yêu anh.
Cuộc sống đã dạy tôi biết rằng vấn đề không phải bạn mắc lỗi lầm như thế nào, điều quan trọng là bạn phải đối mặt với nó, sửa chữa nó, đừng trốn tránh và đừng vì nó mà làm đau những người thân, những người yêu thương bạn.
Hà An

Không tin nổi việc mình trượt đại học

Trong gia đình tôi không ai nghi ngờ chuyện tôi đỗ đại học. Vậy mà tôi trượt, tôi chính thức trượt. Tôi sốc, đứa con gái 18 tuổi lần đầu tiên trong đời biết đến sự đắng cay của thất bại.

“Con trượt rồi”, bố nói với tôi, chị gái tôi gọi điện báo tin cho bố. Đó là ngày 28/7/2003, đã hơn 8 năm rồi nhưng tôi vẫn không thể quên hình ảnh nụ cười gượng gạo đầy chua xót của bố lúc đó. Tôi sững người, choáng váng như không thể tin vào tai mình, thế giới như sụp đổ. Tôi không thể tin nổi tại sao mình có thể trượt.
Tôi không có thói quen xem đáp án sau mỗi bài thi cho đến khi biết điểm, nên vẫn không chuẩn bị trước tinh thần rằng sẽ trượt. Tôi 12 năm liền là học sinh suất sắc, một học sinh luôn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh các môn tự nhiên ở điểm gần tuyệt đối.
Tôi, năm lớp 12 đã được lựa chọn vào đội tuyển Vật lý đi thi quốc gia, nhưng vì lựa chọn nếu mình đầu tư cho một môn nhiều quá, lỡ không được giải, mà lại ảnh hưởng đến kỳ thi đại học, rồi cũng vì gia đình lúc đó neo người, mẹ tôi ở xa, nên tôi quyết định không vào đội tuyển nữa mà ở lại lớp học bình thường.
Tôi, một người chưa từng thất bại trong các cuộc thi, luôn giành chiến thắng trong các môn thi trí tuệ, cờ vua, cờ tướng, thậm chí cả các giải thể thao như cầu lông, bơi. Lúc nào cũng tự tin với sự thông mình của mình, kỳ thi đại học với tôi chỉ là một kỳ thi bình thường như bao kỳ thi khác.

Trong gia đình tôi, cũng không ai nghi ngờ chuyện tôi đỗ đại học. Vậy mà tôi trượt, tôi chính thức trượt. Tôi sốc, đứa con gái 18 tuổi lần đầu tiên trong đời biết đến sự đắng cay của thất bại. Sau đó, tôi chờ đợi kết quả của khối B với hy vọng mong manh. Tôi thi khoa Công nghệ môi trường, ĐH quốc gia Hà Nội. Ngày thi trường này, tôi nghĩ chỉ là thi cho biết để khẳng định mình với bạn bè.
Trong suốt một tuần chờ đợi đó, tôi sống lơ lửng và dặt dẹo, ngày ngày cầu nguyện cho mình đỗ. Và giống như là định mệnh, tôi thiếu đúng nửa điểm, cảm giác nhẹ bẫng, tôi thấy mình đang rơi xuống vực sâu. Chị gái tôi gửi một bức thư bằng giấy, trong đó có một đoạn viết “Chị không thể hiểu nổi, liệu có phải trình độ của em quá cao siêu, cách làm của em quá sáng tạo đến độ các thầy cô không đủ trình để chấm cho em”. Giọt nước mắt vỡ òa, “Em xin lỗi chị”.
Tôi sụp đổ khi biết mình trượt đại học. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Ngày đó, bài thi còn là tự luận cả 3 môn, mỗi môn kéo dài 180 phút, nhưng môn Hóa tôi làm có 60 phút, môn Lý làm 100 phút là xong và xin ra trước sau 2/3 giờ thi. Cả nhà và đặc biệt là bố tôi luôn bắt tôi phải sửa cái tính cẩu thả từ nhỏ của mình, nhưng tôi vẫn chứng nào tật đấy không làm được.

Vì vậy mà nếu thi học sinh giỏi, bài khó tôi làm được, nhưng thi một bài kiểm tra bình thường thì tôi không bao giờ được tròn điểm. Không sai chỗ này thì cũng thiếu chỗ khác, không nhầm chỗ này thì cũng nhầm chỗ kia. Đó là một nhược điểm lớn nhất của tôi, vì là bài tự luận, khi sai kết quả tính toán của ý đầu, nó sẽ kéo theo cả bài sai hết.

Nhưng tôi chua xót hơn khi điểm thấp nhất lúc đó của tôi lại là môn Vật Lý: 4,5 điểm. Bạn bè bảo tôi phúc tra bài, nhưng khi ấy tôi xem lại đáp án, đã biết mình sai ở đâu. Tôi quá cẩu thả nên tính nhầm, mà cũng không xem lại kỹ. Tôi quá tự cao tự đại vào sự thông minh của mình, nên không cần học nhiều. Thi đại học là một sự nỗ lực toàn diện, cần chăm chỉ luyện đi luyện lại chứ không phải kiểu học “cưỡi ngựa xem hoa” của tôi.
Thời gian đó, không khí nhà tôi lúc nào cũng u uất, bà tôi không nói gì, đôi lúc tôi thấy bà ngồi lẩm bẩm “Cái Th nó trượt rồi”. Bố tôi không còn sang nhà hàng xóm chơi cờ nữa, mà ngồi trầm ngâm trong nhà. Tôi cảm thấy xấu hổ với em gái, em từng nói “Nếu chị đỗ đại học, em sẽ coi chị là thần tượng suốt đời của em”. Và từ trước giờ, trong mắt em, tôi luôn là thần tượng, là người mà nó tin tưởng nghe theo trong mọi chuyện.
Tôi có lỗi với mẹ, vì việc học hành của chị em chúng tôi, mẹ đã sống xa nhà, lăn lộn kiếm tiền chứ không thể trông vào đồng lương của bố, vì lúc đó còn có 2 chị gái tôi đang học đại học. Có thể nếu ai chưa trải qua cảm giác như tôi, sẽ không thể hiểu nổi những gì tôi trải qua lúc đó.
18 tuổi, tôi tưởng mình không còn sức để khóc thêm nữa. Cảm giác lớn nhất trong tôi lúc đó, lo sợ bà tôi không còn sống lâu nữa, một năm là khoảng thời gian lớn với bà, một năm càng kéo dài thời gian đến ngày bà hạnh phúc thấy tôi nhận tấm bằng đại học, cũng là bớt đi một năm mẹ đỡ vất vả.
Tôi không dám dối diện với thầy cô, bạn bè, với sự bàn tán của làng xóm, của những người biết đến tôi, biết đến thành tích học tập của tôi. Tôi không dám bước chân ra khỏi nhà, ngồi trong nhà nhìn ra, lúc nào tôi cũng có cảm giác ai đó đi qua cổng đang nhìn vào nhà mình với ánh mắt thương hại. Phải mất một tháng, mà không, phải mấy tháng sau đó, có lúc tôi cứ tự cắn vào tay mình xem có phải là mình đang mơ không. Rồi nhiều lúc, tôi ước “đây chỉ là giấc mơ, đây chỉ là cơn ác mộng mà thôi”.
Bố tôi an ủi “Đặng Tiểu Bình còn 3 lần vào ra Trung Nam Hải mới trở thành một danh nhân lớn. Thất bại là chuyện phải gặp trong cuộc đời. Có trải qua thất bại mình mới rắn rỏi và trường thành. Sang năm con thi lại", bố an ủi tôi rất hùng hồn và trêu tôi cười suốt. Bố kể chuyện Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc, Tây Thi. Trong bố là một kho tàng chuyện chính sử, dã sử cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng lúc đó tôi cảm nhận được bố tôi đang buồn đến thế nào.
Một người thông minh, học giỏi nổi tiếng cả một vùng như bố thời đó, nhưng vì tính ham chơi, ngang ngược, lại không khéo léo nên sự nghiệp của bố chỉ dừng lại ở một giảng viên về xây dựng trong quân đội, và về hưu sớm. Sai lầm và thất bại trong sự nghiệp, bố dồn hết tâm huyết vào con cái.
Trong bốn chị em gái, bố kỳ vọng vào tôi nhất. Bố tin tôi sau này sẽ làm một cái gì đó thật lớn lao chứ không đơn giản là một nhân viên bình thường. Vậy mà lần đầu tiên, tôi đã làm lung lay kỳ vọng đó của bố. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của tôi, còn lúc đó, bố vẫn tin và kỳ vọng ở tôi nhiều.
Bà tôi, một người đã ở gần 80, nhưng còn đủ minh mẫn và sáng suốt để nhất định khuyên bố mẹ tôi phải cho tất cả chị em chúng tôi học hành đầy đủ, phải đi học, phải có bằng thì mới làm được. Ông nội hy sinh trong chiến tranh, bà tôi góa phụ ở tuổi 29, một mình nuôi bố tôi ăn học đầy đủ. Bố tôi học giỏi nhưng không thành đạt như mong muốn của bà.

Mỗi lần bạn bè của bố về chơi, họ đi xe con về là lúc đó tôi biết bà tôi đang nghẹn đắng ở cổ họng. Có lẽ vì vậy mà bà đem tâm huyết đó vào cho chúng tôi. Tôi đủ điểm là xin nguyện vọng 2 vào một số trường thấp hơn, nhưng tôi không xin, tôi học hệ cao đẳng Bách Khoa, họ lấy những sinh viên có điểm thi vào hệ đại học từ 20 đến 22,5 điểm. Tôi chấp nhận, vì trong đầu lúc đó chỉ nghĩ đi là để cho cả nhà yên tâm, cho thiên hạ không dòm ngó, chứ tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ học hết. Năm sau tôi sẽ thi lại.
Thời gian sống ở Hà Nội ôn thi lại, cũng là thời gian tôi hay ngủ mơ gặp ác mộng. Tôi cứ sợ hãi trong giấc mơ, rằng năm tới lại trượt tiếp. Chưa đỗ đại học, tôi làm gì chơi gì cũng không thấy vui, giống như có cái gì đó cứ lởn vởn trong đầu.

Sự thay đổi lớn trong tôi bắt đầu từ một lần bố đưa cho tôi một cuốn sách có tên “Ba lần vào ra Trung Nam Hải”. Trước tôi chỉ nghe bố kể sơ sơ, nhưng khi đọc từng câu chữ trong cuốn đó, tôi mới hiểu được cái nghị lực phi thường của danh nhân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Tôi nhận ra mình phải chủ động tạo cơ hội cho mình, chứ không chờ đợi nữa. Đừng nhìn vào điều tiêu cực, hãy suy nghĩ tích cực sẽ thấy có cơ hội khác đang chờ mình chính từ thất bại.
Tôi tin một năm là quá thừa cho thời gian ôn thi lại đai học, tôi không muốn lãng phí thời gian, nên quyết định phân bổ thời gian vào học tiếng Anh và đọc thêm thật nhiều sách bổ ích khác. Tất nhiên là tôi rút kinh nghiệm từ lần trượt đại học, không được chủ quan, chăm chỉ học tập, luyện những bài không quá khó, nhưng làm đi làm lại cho quen nhanh, và học đầy đủ hết tất cả các chương, chuyên đề.

Tôi cũng tranh thủ thời gian về quê với bà nội, nhổ tóc sâu, cắt móng tay, nấu ăn, và làm nhiều việc khác cho bà, kể những câu chuyện cười để bà vui. Tôi cũng bắt đầu gặp lại bạn bè và mọi người. Một năm sau, tôi đã đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội, trường mà tôi trượt năm trước, cùng với một năng lực tiếng Anh tương đối tốt, một số kỹ năng thu lượm khác trong thời gian rảnh, và hơn hết là một trải nghiệm thất bại mà không mấy người có được.
Như vậy coi như là tôi đã học đại học 6 năm, bây giờ tôi đã ra trường, có một công việc tốt, đúng ngành học, ở một vị trí tương đối trong một công ty lớn ở Sài Gòn. Và giống như là một cái duyên, tôi có một nghề tay trái là viết lách và dịch sách. Tôi còn nhiều dự định trong tương lai và đang dần dần thực hiện. Biết đâu rằng, nếu như không có một năm ôn thi lại, tôi lại không thể trở thành người yêu viết lách và dịch sách báo. 
Đặng Thị Thực

Bị bắt về tội trộm đồ, tôi sửa được tính ăn cắp vặt

Bước từ đồn công an ra, trời đất như quay cuồng điên đảo, mọi thứ trở nên xa lạ, tôi run rẩy leo lên chiếc xe máy đang chờ sẵn. Đó sẽ mãi là hình ảnh tôi không bao giờ quên được của một cậu sinh viên mười tám đôi mươi gặp phải ngay khi bước chân lên thủ đô học hành.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông vùng đồng chiêm trũng, cuộc sống của tôi ngay từ nhỏ đã gắn liền với những thửa ruộng. Là con lớn trong nhà, tôi luôn phải làm nhiều việc để đỡ đần cha mẹ. Trái lại, mấy đứa hàng xóm nhà tôi thì khác, bố mẹ chúng nó làm công ăn lương, cuộc sống khá giả hơn.

Đã rất nhiều lần tôi nhìn chúng được bố mẹ mua cho cái này cái kia mà trong lòng không khỏi tủi hờn. Có lẽ ngày nhỏ tôi còn chưa hiểu gì nên hay trách mẹ sao không mua cho con đồ chơi, quần áo, mà không biết hoàn cảnh của mình ra sao. Cũng chính vì thế, lòng ghen tị hình thành trong tôi từ khi nào không hay.
Tôi không có đồ chơi đẹp, quần áo mới như chúng nó, tôi cũng chả làm gì được vì ngày đó còn nhỏ, làm sao kiếm được tiền, tôi ghen tỵ lắm. Và cái thói “tắt mắt” đồ của bọn trẻ trong xóm đã hiện hữu trong con người tôi.

Tôi không có những thứ như chúng nó, tôi lại không có tiền để mua nên ăn trộm và chỉ dám bày ra chơi một mình. Những lúc lấy được cái gì đó ngồi chơi một mình, tôi sung sướng biết nhường nào. Có lẽ đó là góc sáng nhất trong tuổi thơ nghèo của tôi.

Nhớ ngày đó, tôi còn bị mẹ bắt được vì lấy cái xe ôtô của thằng hàng xóm. Mẹ nhẹ nhàng bảo tôi như thế là không tốt, phải đem trả lại cho người ta. Nhưng mẹ chỉ nhắc nhở tôi được như thế, thậm chí những trận đòn roi của bố cũng không làm tôi bỏ được cái tính ăn cắp vặt đấy. Làm sao mà bỏ được khi trong tôi luôn có sự ghen tỵ, tủi hờn như thế.

Thời gian qua đi, tôi lớn lên và vẫn mang trong mình tính tắt mắt ấy. Nếu ngày xưa, bố đánh, mẹ đánh thì bây giờ chỉ nhắc nhở vì thấy tôi đã lớn, đã biết suy nghĩ. Chứ bố mẹ đâu hiểu rằng tôi không thể bỏ được, tôi vẫn thường trộm những thứ vặt vãnh mà tôi thích.
Bài
Giờ đây dù món đồ có đẹp và giá trị như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không tắt mắt. Ảnh: ST
Cho đến một ngày, cầm tờ giấy báo đỗ đại học trong tay, mà đỗ hẳn trường ở thủ đô, tôi vô cùng mừng rỡ. Bao nhiêu dự định cho cuộc sống sinh viên sau này của tôi hiện ra. Tôi sẽ đi làm, kiếm thêm thu nhập để trang trải cho bản thân. Ra Hà Nội sinh sống và học hành, tôi mới biết thế nào là cuộc sống ồn ào, náo nhiệt của thành phố, nó khác hẳn với cái yên lặng, tĩnh mịch của chốn quê.
Và tôi lao đầu vào đi làm thêm. Chân ướt chân ráo lên thành phố, chắc chắn không thể tránh khỏi bị lừa. Tôi cũng vậy, tôi tìm đến trung tâm môi giới việc làm, phải đóng đến mấy trăm nghìn lệ phí, những tưởng sẽ được làm công việc đó. Nhưng khi đóng xong mới biết bị lừa thì không thể làm gì hơn ngậm ngùi đi về.

Cuối cùng tôi cũng kiếm được một chân phục vụ cho quán karaoke gần nhà trọ. Thời gian làm việc từ 2h chiều đến 12h đêm, lương được 1,6 triệu đồng một tháng. Tôi sung sướng nghĩ tới viễn cảnh cầm số tiền đó về nghỉ hè, chi tiêu cho bản thân. Niềm vui chẳng tày gang, lúc tôi vui nhất cũng là lúc tôi thấy thất vọng nhất.

Đó là một tối thứ bảy giữa hè, quán đông khách vì là cuối tuần, mọi người hay tụ tập đi hát hò, tôi vẫn cặm cụi làm việc như mọi khi. Phòng hát số 3 có bốn người trung tuổi đi ra, tôi và anh Quân vào dọn phòng. Trong lúc sắp xếp lại đồ đạc tôi đã nhìn thấy chiếc điện thoại nắp trượt mà khách bỏ quên. Nhìn thấy một chiếc điện thoại xịn như thế, lòng tham của tôi lại trỗi dậy vì tôi không có chiếc nào.

Như bản năng, tôi nhanh chóng quay lại chỗ anh Quân bảo anh đi lấy giẻ để lau bàn. Ngay tức thì, tôi nhét chiếc điện thoại vào túi quần chạy thẳng xuống nhà vệ sinh dưới tầng 1. Ở đây, tôi nhanh chóng lôi chiếc điện thoại ra và cố gắng tắt nguồn nhưng không biết tắt ở đâu. Giữa lúc đó, chiếc điện thoại rung lên, tôi giật bắn người, may quá nó đang ở chế độ rung nên không phát ra âm thanh. Không làm gì được, tôi lại nhét chiếc điện thoại vào túi quần và phi một mạch về khu nhà trọ để giấu.

Trở lại quán, mồ hôi tôi nhễ nhại, các anh làm cùng quán hỏi đi đâu mà toát hết mồ hôi thế này, tôi ậm ừ rồi lại tiếp tục trở lại với công việc. Một lát sau, khách phòng đó quay lại bảo có quên điện thoại, ai có nhặt được thì cho xin lại., tôi và anh Quân đều bảo không thấy.

Khi công việc tìm kiếm không đạt kết quả gì, chủ quán karaoke đã kéo tôi ra nhẹ nhàng nói: “Cháu có nhặt được thì cho chú ấy xin, chứ điện thoại này không lấy được, chú là cảnh sát ở đây”. Tôi tái mặt đi, nhưng đâm lao thì phải theo lao liền quả quyết: “Cháu không thấy thật mà”.

Mọi ánh mắt đều hướng đến chỗ tôi như biết chắc rằng tôi chính là kẻ trộm. Lúc đó tôi còn nói một câu rất thách thức: “Cảnh sát cũng chả tìm được”. Mọi người lại ai về vị trí của người đó, tôi lại bình thản làm việc mà trong đầu vẫn mơ màng đến cảnh cầm chiếc điện thoại xịn này đi chơi, khoe với bạn bè.

Khi giờ nghỉ làm còn chừng 15 phút nữa, bỗng nhiên tôi bị gọi xuống nhà, tôi và anh Quân được một chiếc xe của cảnh sát phường Dịch Vọng đưa đi. Tới đồn công an, tôi và anh mỗi người một phòng riêng và có anh cảnh sát mặc đồng phục đang ngồi chờ sẵn, tôi biết là tôi đang sắp bị hỏi cung. Từ bé đến giờ, tôi đã bao giờ phải ngồi trong đồn công an đâu cơ chứ, tất cả chỉ thấy được qua phim ảnh, người tôi run lên.

Tôi phải kê khai một bản lý lịch, nhưng chưa kịp viết hết thì anh cảnh sát đã hỏi: “Có phải mày lấy điện thoại không? Mày có biết ông đấy là ai không?”. Tôi lạnh người, cố lấy hết can đảm: “Em không biết điện thoại đấy ở đâu”. Ngay lúc đó, một cái tát trời giáng vào mặt tôi. Tôi tối sầm mặt mũi vào, choáng váng, người như bật khóc đến nơi. Tôi sốc thật sự và biết là không thể che giấu được nữa.

Chủ quán đã đến bảo lãnh cho tôi, ông im lặng không nói gì. Về đến quán, ông nói sẽ gửi giấy về nhà trường, nước mắt tôi bỗng dưng trào ra, tôi khóc như một đứa trẻ. Nếu mà gửi giấy về trường thì tôi chắc chắn sẽ bị đuổi học. Tôi liền nghĩ tới bố mẹ đang ở quê, những tưởng tôi lên đây sẽ học hành tử tế nhưng không ngờ rằng...

Nước mắt lại càng trào mạnh hơn, tôi nài xin ông chủ nhưng dường như vô vọng. Tất cả mọi người trong quán từ khi biết tôi đến giờ đều nghĩ tôi hiền lành, nào ngờ lại ra thế này. Họ động viên, bảo tôi cứ tiếp tục làm ở đây rồi ông chủ sẽ bỏ qua cho. Nhưng tôi còn mặt mũi nào mà đối diện với mọi người đây.

Trước khi tôi trở về nhà trọ, anh Hồng, người mà tôi quý nhất ở quán có nói với tôi: “Em à! Đừng buồn nữa, trong đời, ai cũng phải vấp ngã ít nhất một lần. Quan trọng là sau lần vấp ngã ấy có đứng dậy được không. Ông trời luôn công bằng với tất cả mọi người. Hãy hưởng thành quả từ chính đôi bàn tay lao động của mình”.

Đã 3 năm kể từ cái ngày đấy, giờ đây tôi cũng đã sắp ra trường, lại đang có trong tay một công việc part-time cũng khá ổn định, tôi càng thấm thía hơn câu nói của anh. Tôi thầm cảm ơn anh một lần nữa, và quan trọng hơn cả, tính trộm vặt của tôi đã được bỏ hoàn toàn.
Ngọc Tùng

Bàng hoàng khi nhìn bệnh nhân mất một phần thân thể

Tôi không khỏi bàng hoàng và cho đến khi tận tay chăm sóc cho em, tôi tưởng chừng như nhói trong tim, có gì đó uất hận, có gì đó làm mình thật đau. Em nằm thở mệt nhọc, hai mắt nhắm nghiền, thân đầy những vết thương thật rộng, thấy cả lớp cơ bên trong được băng trắng toát.

Nhìn những sinh linh bé bỏng nằm trên giường bệnh có được giấc ngủ hiếm hoi sau những cơn đau hành hạ, tôi thấy thật thương vô cùng. Tuổi thơ em làm gì nên tội mà phải chịu sự hành hạ của bệnh tật, nếu có phép màu thật tôi sẽ làm cho các em hãy ngủ ngon như thế này để cơn bệnh không hành hạ nữa.
Cố gắng đi thật khẽ để các bé được yên giấc, lặng ngắm bé trai kháu khỉnh đang mút tay chùn chụt mà ngủ thật đáng yêu, kế bên là một bé gái đang ngậm chiếc bình không mà say giấc. Cũng chiếc giường bệnh này, cách đây hơn một năm tôi đã phải chứng kiến một bé gái mới hơn 3 tuổi mà tai nạn giao thông đã cướp đi một phần thân thể của em.

Lúc đó tôi được phân công chăm sóc phòng bệnh nặng trong đó có em. Một ngày như mọi ngày, tôi tiến hành công việc của mình là chăm sóc cho các bệnh nhi sau phẫu thuật với đủ tất cả loại bệnh, đủ mọi lứa tuổi từ nhũ nhi đến trẻ lớn. Làm công việc này cũng gần 5 năm, gặp không biết bao nhiêu bệnh, có những căn bệnh khó khiến các bác sĩ phải đau đầu tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho các bé. Tôi nhìn thấy biết bao sự đau đớn của bệnh nhi, bao giọt nước mắt của cha mẹ các bé.

Nhưng khi đọc đến bệnh án của em, tôi không khỏi bàng hoàng thương cảm và cho đến khi tôi tận tay chăm sóc cho em, tôi tưởng chừng như nhói trong tim, có gì đó uất hận, có gì đó làm mình thật đau. Em nằm thở mệt nhọc, hai mắt nhắm nghiền, thân đầy những vết thương thật rộng, thấy cả lớp cơ bên trong được băng trắng toát đến lạnh người và chỉ còn có một bên chân.

Thỉnh thoáng em thét lên như nỗi đau đang giằng xé, đang chực chờ cướp lấy em đi xa tôi. Em chẳng có lấy một giấc ngủ ngon, em còn quá nhỏ để biết được nỗi đau mà mình đang gánh chịu chỉ vì sự bất cẩn của tài xế. Chăm sóc cho em tôi cố hết sức không làm em đau thêm nữa nhưng vì một bên chân của em đã mất đi làm em không thể nào chịu đựng bất cứ sự đau đớn nào hơn.

Em nhìn tôi vừa khóc vừa nói “Con ngoan rồi, cô đừng làm con đau nữa”. Tôi như chết lặng khi nghe em nói, có gì mặn mặn ở môi. Nhìn ánh mắt như van xin, cầu cứu của em mà tôi không tài nào tiếp tục công việc được khiến tôi phải nhờ bạn mình làm tiếp. Tôi làm gì để cứu em đây? Tôi có muốn cũng không thể nào làm được.

Chúng ta nói và học những điều gì đó cao siêu, những thành tựu khoa học vượt bậc nhưng có cái nào giúp em lấy lại cái chân đã mất đi không, có điều gì cứu lấy em? Tôi tự hỏi những người lái xe gây tai nạn có bao giờ chứng kiến những cảnh như thế này không? Họ sẽ nghĩ gì trước nỗi đau mà nạn nhân và gia đình nạn nhân phải gánh chịu, dù có bao nhiêu tiền cũng không bù đắp được.
Ba tuổi, quãng đời trước mắt còn quá dài đối với em. Em sẽ đối mặt với cuộc sống sau này ra sao, sẽ đối mặt với sự trêu chọc của bạn bè như thế nào? Hàng nghìn câu hỏi trong đầu tôi mà không câu nào tôi trả lời được cho mình, cho em. Tôi chỉ nhủ với lòng mình sẽ chăm sóc em thật tốt, làm hết những gì có thể giúp em giảm được cơn đau thể xác và tinh thần mà em đang chịu.

Tôi cũng tâm niệm rằng thà trễ một lần còn hơn trễ một đời để không bao giờ gây đau khổ cho bất cứ ai vì tai nạn giao thông. Và có lẽ nỗi đau sẽ làm cho em lớn lên, hãy mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống sẽ mỉm cười lại. Hãy sống thật vui và hạnh phúc nhé em cô bệnh nhân bé bỏng của tôi.
Lê Thị Ngọc Lan

Mẹ mất, tôi có lúc tuyệt vọng đến mức tự tử

Một người mẹ sống vì con cái, làm việc không kể ngày đêm đến nỗi phải đột quỵ, gục ngã ngay khi đang làm việc. Thế mà bây giờ tôi lại phụ niềm tin mà mẹ dành cho tôi, tôi từ bỏ cuộc đời mà mẹ ban cho tôi.

Bing bong, tiếng chuông tại giáo xứ Đa Minh ngân vang quyện với hơi lạnh và không khí náo nức của ngày Noel tại Sài Gòn nhưng lòng tôi bỗng có cảm giác lành lạnh khó tả. Về nhà sau khi cầu nguyện nơi giáo đường với tâm trạng nôn nao khó tả, một cảm giác bất an. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin báo ở Thụy Sĩ, mẹ tôi qua đời. Mọi ký ức của thuở ấu thơ cực khổ xen lẫn cảm giác hối hận của một thằng con trai mới lớn.
Ba mẹ ly dị, mẹ sinh tôi ra khi cùng cậu trên đường đến trạm xá mà không kịp. Tuổi thơ của tôi gắn với hình ảnh của bữa cơm với mắm kho quẹt chan nước mắt của mẹ. Cậu mỗi lần say xỉn, đốt đuốc đuổi ba mẹ con tôi đi. Mẹ ngậm ngùi trong đắng cay nuôi chúng tôi khôn lớn với đồng lương của một nhân viên văn phòng tại một công ty ở Vĩnh Long.

Công ty phá sản, mẹ rời quê hương dắt chúng tôi lên Sài Gòn sinh sống. Một mình mẹ nơi đất khách kiếm tiền bằng những đồng lương buôn gánh bán bưng, với những thúng bánh bèo, bánh bột báng, bánh chuối hấp nước dừa, mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn. Không nhà không cửa, mẹ gửi tôi cho các sơ chăm sóc.

Mẹ tái giá với người khác, tôi có một đứa em gái cùng mẹ khác cha, những tưởng sẽ có một gia đình êm ấm. Nào ngờ, dượng lại là một người vũ phu, ông đánh đập mẹ tôi, đánh đập cả chúng tôi mặc cho mẹ khóc lóc van xin. Cuộc hôn nhân thứ hai đổ vỡ nhưng vẫn không đánh đổ được mẹ. Tôi vẫn nhớ như in cái cảnh mẹ gánh hai thúng bánh đi bán từ sáng sớm, cực khổ đến mấy vẫn không lấy đi chút nào tình yêu của mẹ dành cho chúng tôi.

Cái gì đến sẽ đến, sự nỗ lực luôn có giá trị của nó khi mà mẹ kiếm được một công việc ổn định tại Gival và nhiều mối đặt bánh của các công ty, trường học. Cuộc sống, công việc, gia đình, hàng trăm mối lo toan đè nặng lên vai mẹ khi gặp những mâu thuẫn trong công việc. Mẹ nghỉ làm, tôi còn quá nhỏ khi hỏi mẹ: Mẹ ơi, con thấy công việc ở Gival rất tốt mà, sao mẹ lại nghỉ?

Mẹ cười không giải thích mà nói “Con ơi, mẹ đi bằng hai bàn chân chứ không đi bằng đầu gối”. Thoáng hiểu những câu nói của mẹ, nhưng tôi không hề lưu giữ điều đó. Rồi tiếp tục hàng loạt những khó khăn khi mất dần các mối đặt bánh vì bà ngoại với những thói quen của người dân quê đã không đảm bảo được uy tín cho khách hàng. Mẹ và ngoại xích mích từ đó, ngoại bỏ về quê và giận mẹ.

Mẹ nuôi ba anh em chúng tôi không thiếu thốn thứ gì, nếu không muốn nói cái thời cấp ba tôi như một thằng công tử bột, không biết làm gì ngoài ăn và chơi. Mẹ lo cặm cụi với công việc nhưng vẫn lo đến từng bữa sáng và ly cà phê pha với sữa tươi ngon tuyệt. Tôi vẫn nhớ cái mùi vị nước mắm mẹ pha ăn với bánh bèo mà cho đến bây giờ tôi chưa ăn ở đâu ngon được như vậy.

Khi tôi học lớp 11, mẹ cùng một vài người bạn dự tính kế hoạch đi Thụy Sĩ, mẹ muốn dẫn tôi theo. Tôi còn ham chơi, còn lêu lổng chưa nghĩ đến điều gì hết, tôi không muốn đi. Cho đến ngày mẹ ra sân bay tôi còn đang đi chơi với bạn bè mà không tiễn mẹ. Mẹ ở bên đó, kiếm tiền gửi về lo cho anh em chúng tôi, lo cho gia đình.

Tiền bạc mẹ đều gửi về cho ngoại, mẹ nhờ ngoại chăm sóc cho chúng tôi. Tiền ngoại lo cho chúng tôi thì ít mà gửi cho các cậu thì nhiều. Khi tôi thi đại học, chỉ thi khối A, cái ngày khối B, C, D thi thì tôi ở nhà. Ngoại nói với mẹ rằng tôi không lo học hành, bỏ thi và bồ bịch với gái bán cà phê. Mẹ gọi về mằng chửi tôi, đòi từ tôi, mặc cho tôi nói gì. Tôi tự ái, bỏ nhà đi, học hành lúc có lúc không.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa đủ sức để lo cho bản thân và học hành. Một ngày, khi trong túi chỉ còn hơn năm mươi ngàn đồng, đủ tiền đi xe ôm về nhà xin tiền ngoại đóng học, ngoại không cho còn mắng chửi tôi. Tôi lại bỏ đi, lang thang ngoài đường, bỏ học đi kiếm việc làm thêm ở một quán cà phê.

Mẹ gọi về, tôi đã giải thích, đã nói để mẹ hiểu rằng tôi sống như thế nào, nói để mẹ tin tôi. Mẹ khóc và nói: “Mẹ ở bên này đi làm cực khổ chỉ mong có cuộc sống đầy đủ cho các con”. Nghỉ học bên Kỹ thuật công nghệ, tôi chuyển sang học bên ĐH FPT. Tôi không phụ lòng mẹ khi học kỳ đầu tiên có học bổng, mẹ đã rất vui.

Cuộc sống những tưởng đã có thể bình thường, chỉ chờ đến cái ngày tôi học hành thành đạt để lo được cho mẹ. Thế rồi cái tin mẹ mất như phá vỡ hết mọi thứ, tôi bơ vơ không biết nương tựa nơi đâu. Ngoại bán nhà, đem tiền cho cậu. Tôi ở nhờ nhà một ông cậu chỉ biết rượu chè, bồ bịch, bao nhiêu tiền mẹ gửi về, tiền bán nhà ngoại đem cho, nhưng mà chỉ biết cờ bạc phá hết.

Học phí quá cao, tôi không thể tiếp tục đi học. Chán nản, tôi lang thang không nơi nương tựa, nghĩ lại câu mẹ nói với ba trước khi đi Thụy Sỹ: “Cả nhà chỉ có thằng Minh là sống biết suy nghĩ nhất, nếu tôi có gì ông nhớ lo cho nó”. Đến Bình Dương tìm ba, trời tối tôi không muốn vào nhà đành ngủ ngoài đường và ngày hôm sau tôi về Vĩnh Long.

Trời tối, tôi bị tai nạn, bất tỉnh giữa đường, khi tỉnh dậy thấy mình nằm ở bệnh viện. Gọi điện thoại về cho ngoại, ngoại lên mắng vào mặt tôi rằng: “Mẹ tụi bay chết rồi, bây giờ không có ai lo cho tụi bay đâu”. Tôi không hiểu được, cả cuộc đời mẹ là con gái duy nhất trong gia đình mà phải lo toan hết mọi thứ, bây giờ mẹ mất đi mọi người lại đối xử với mẹ như vậy. Những người xung quanh thấy vậy gom góp tiền giúp tôi bó bột chân.
Sau khi ra viện, tôi thuê phòng của một người hàng xóm trước đây của mẹ. Học hành dở dang, không công ăn việc làm, rồi những buổi chiều lang thang không định hướng, không tương lai, tôi rơi vào trạng thái cô đơn suy sụp tột cùng. Anh tôi thì chơi bời lêu lổng với đám bạn không có ngày mai, em gái thì bỏ học về quê.

Tôi đã nghĩ đến cái chết và uống thuốc ngủ. Tỉnh lại nơi bệnh viện, nhận được những câu mắng của đám bạn bè và nghĩ tới mẹ, tôi ân hận vô cùng. Mẹ đã làm việc vất vả nơi xứ người để lo cho chúng tôi. Nhìn lại những tấm hình trước khi mẹ mất, một người phụ nữ cả đời không nhìn thấy trên gương mặt một nụ cười, cả cuộc đời là những chuỗi ngày vất vả không chút nghỉ ngơi, chỉ mong cho anh em chúng tôi nên người và có cuộc sống đầy đủ.

Một người mẹ sống vì con cái, làm việc không kể ngày đêm đến nỗi phải đột quỵ, gục ngã ngay khi đang làm việc. Thế mà bây giờ tôi lại phụ niềm tin mà mẹ dành cho tôi, tôi từ bỏ cuộc đời mà mẹ ban cho tôi. Tìm đến những quyển sách của First News và tôi bất chợt thay đổi bởi những câu nói “Không có một quyền lực nào có thể ngăn cản được một người có thái độ, tinh thần đúng đắn đạt được mục tiêu của mình. Và không gì trên đời có thể giúp một người có thái độ, tinh thần không đúng đạt được thành công”.

Cả cái miền quê và họ hàng nơi ấy, cho dù họ có khinh miệt và coi thường tôi nhưng cuộc sống của tôi do chính tôi quyết định. Tôi căm ghét những người được gọi là người thân nhưng họ sống dựa vào sức lao động của mẹ, tôi không xu nịnh, không dựa dẫm vào họ để mong được bảo bọc. Có người thân nhưng không có nơi nương tựa, tôi vẫn phải sống bằng đôi tay của chính mình.

Mẹ làm được và tôi làm con của mẹ, tôi phải sống sao để sự ra đi của mẹ không lãng phí. Tôi từ bỏ cuộc sống mà mẹ ban cho tôi thì tôi là một đứa con bất hiếu. Tôi phải sống, phải ngẩng cao đầu để sống vì đó là điều mà cho dù còn hay mất, mẹ mong chờ ở tôi nhất. Không có điều gì là không thể nếu ta tin rằng mình làm được.

Tôi phải thay đổi thái độ của chính mình, tôi phải có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp, tôi phải tin vào mẹ. Bắt đầu từ phục vụ quán cà phê, chà nhám gỗ cho một cửa hàng thủ công mỹ nghệ, rồi nhờ sự giúp đỡ của những người bạn tôi làm ở HSBC, rồi Petrolimex, hiện nay tôi làm IT cho một công ty mạng, và tiếp tục hoàn thành việc học tại FPT. Tôi đang tạo dựng tương lai cho mình.

Tôi nhận ra rằng xung quanh tôi vẫn có rất nhiều yêu thương. Tôi sống nhờ vào tình thương và sự giúp đỡ của những người tốt trong xã hội. Tôi tin rằng trong cuộc sống này vẫn tồn tại đâu đó tình yêu, tình người. Trên hết tôi hiểu rằng khi tôi biết yêu thương bản thân, tôi không bỏ rơi mình thì xã hội này không bỏ rơi tôi, tôi không cô đơn.

Chỉ cần một thái độ sống đúng đắn và sự cố gắng hết mình tôi sẽ thành công. Cho dù chưa thật sự thành đạt trong cuộc sống nhưng với lối suy nghĩ tích cực và sự nỗ lực, tôi sẽ làm được. Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao có thể qua Thụy Sỹ đưa hài cốt mẹ về quê hương và về bên con cái. Làm được điều đó là tôi làm được tất cả.
Nguyễn Thị Lệ Thủy

Anh tôi ra đi mãi mãi vì hoàn cảnh nghèo khó

Công việc nặng nhọc, lại làm đêm thường xuyên đã làm anh mất ngủ, kiệt sức và suy nhược thần kinh. Đến một ngày căn bệnh của anh trở nên trầm trọng, phải nhập bệnh viện. Tay chân anh bị trói ở bốn thành giường, mắt lừ đừ vì vừa được tiêm thuốc an thần.

10 năm đã trôi qua, gia đình tôi càng trở nên đông vui hơn khi các anh lập gia đình và có thêm các cháu. Tóc cha mẹ tôi giờ đây đã lấm tấm bạc, dù đời sống không khá giả nhưng tinh thần đã ổn định, ông bà được con cháu quây quần, líu lo suốt ngày nên trông trẻ hẳn ra so với thời bấy giờ. Tôi đang có một gia đình riêng, một người vợ giỏi giang và một cục cưng được hơn 6 tháng tuổi.
Nhiều năm trước, tôi từng hoán hận cuộc đời, oán hận hoàn cảnh éo le đã dày xéo cha mẹ tôi, làm gia đình tôi phải khốn khổ. Tôi căm hận bản thân mình vì chẳng giúp ích được gì cho gia đình. Tôi bất lực trước mọi thứ đang diễn ra trước mắt, chỉ biết khóc mặc cho những lời kêu oán của mẹ, nỗi đau nghẹn ngào của ba.
Ngày ấy, 6 anh em tôi sống cùng ba mẹ ở một xóm nhỏ ngụ tại quận 4, đời sống khá vất vả, ba làm bốc xếp còn mẹ bán bánh dạo nuôi chúng tôi ăn học. Dù thế, gia đình tôi vẫn vui vẻ và rộn ràng mỗi khi chiều về.
Sau một thời gian làm việc nặng nhọc, ba tôi bị bệnh, việc làm của ba thường bị gián đoạn. Với đồng tiền kiếm được từ việc bán dạo, mẹ tôi không thể chăm lo cho cả gia đình nên phải vay mượn để trang trải chi phí. Rồi đến khi mẹ không thể xoay xở, ba phải bán chiếc xe gắn máy cũ lấy tiền trả nợ. Anh hai của tôi phải bỏ học, đi làm phụ giúp ba mẹ.
Anh hai theo ba đi làm bốc xếp ở cảng. Thời gian đầu đi làm chưa quen, anh hai thường bị nhức mỏi, nhất là ở vai và khớp chân. Anh hai thường bảo tôi lấy muối pha với dầu hôi giúp anh hai xoa bóp. Kế từ ngày anh hai đi làm, cha mẹ tôi đỡ vất vả hơn, tôi cũng được anh hai cho tiền tiêu vặt.
Trong 6 anh em, tôi và anh hai thân thiết nhất. Ảnh: ST

Ở nhà, tôi và anh hai ngủ chung với nhau. Hai anh em chúng tôi thường tỵ nạnh nhau việc giăng mùng mỗi lần đi ngủ. Anh em tôi thỏa thuận, tôi giăng mùng vào thứ ba, năm, bảy còn anh hai thì hai, tư, sáu và chủ nhật. Nhiều lúc tôi rất gian lận, ngày nào đến lượt tôi giăng mùng thì tôi giả bộ ngủ quên để lát nữa anh hai thay tôi làm. Có hôm, anh hai biết tôi giả bộ ngủ nên anh chẳng giăng mùng, thế là hai anh em ngủ không mùng đến sáng.
Công viêc nặng nhọc, lại làm đêm thường xuyên đã làm anh hai mất ngủ, kiệt sức và suy nhược thần kinh. Đến một ngày căn bệnh của anh hai trở nên trầm trọng, phải nhập bệnh viện. Tôi đến bệnh viện thăm anh, nhìn anh mà chỉ biết khóc. Tay chân anh bị trói ở bốn thành giường, mắt lừ đừ vì vừa được tiêm thuốc an thần. Lúc tỉnh dậy người anh hai cứng đờ, miệng cứng chẳng nói được. Anh hai không còn nhận ra tôi và mọi người, anh nhìn mọi thứ bằng ánh mắt không thần hồn.
Anh ở viện hơn một tháng và được bác sĩ cho xuất viện vì đã tỉnh táo, anh đã có thể nhận ra mọi người. Anh ốm và xanh xao lắm nhưng trở lại công việc mặc dù mọi người rất lo lắng. Đến một đêm tôi chợt thức giấc, quay sang không thấy anh hai. Tôi nghe tiếng lục đục sau nhà. Tôi ra cửa sau, thấy anh đứng đờ người ra, tay cầm ca nước xối ào ào vào người. Đột nhiên, anh hai xối nước vào mặt tôi làm tôi sợ chết vía.
Sau đêm đó, tôi biết bệnh anh hai lại tái phát. Gia đình tôi không muốn đưa anh hai trở lại bệnh viện vì không muốn nhìn thấy anh giống như những người ở đó. Ba tôi đến viện mua thuốc và chăm sóc anh hai ở nhà. Sau đợt chữa bệnh cho anh hai và chi phí sinh hoạt gia đình, ba mẹ tôi nợ càng thêm nợ, gia đình tôi càng thêm khó khăn hơn.

Có nhiều hôm, ba đi làm, mẹ tôi chẳng còn hai nghìn đồng để mua nửa ký gạo. Tôi đi học cũng chẳng dám xin một đồng nào khi thấy hoàn cảnh gia đình như thế. Các anh khác của tôi cũng đã bỏ học đi làm thuê làm mướn cho người ta, cuối tháng mới về một lần. Căn nhà trở nên trống vắng, hiu quạnh, không còn như lúc trước quây quần nhộn nhịp.
Rồi cái ngày ấy đã xảy ra, sáng mùng một Tết dương lịch năm ấy, dù còn bệnh nhưng anh hai thức dậy rất sớm, anh mở nồi cơm nguội rồi bốc ăn. Thấy vậy, ba tôi liền chạy ra quán mua ổ bánh mỳ cho anh hai. Tôi thì bế bé gái mà mẹ tôi trông thuê đến quán bà hai ăn sáng. Mẹ tôi hôm nay sẽ về nhà sau khi dự đám cưới con của dì ở Tây Ninh. Sau một thời gian bệnh kéo dài, thấy anh hai tỉnh táo nên ba tôi và tôi rất mừng.

Tôi nghĩ năm mới đến, may mắn sẽ đến, anh hai sẽ khỏe lại và gia đình tôi sẽ như lúc trước được xúm xít bên nhau trong đầu năm mới. Thế nhưng có ai biết rằng khi ba tôi quay về thì anh hai đã chọn con đường ra đi vĩnh viễn không một lời trăng chối. Trên tay ba tôi còn cầm ổ bánh mỳ, mắt ba đỏ bừng mếu máo chạy đến quán bà hai, ba nói: “Anh hai mày chết rồi”.

Tôi điếng cả người, nước mắt tôi cứ rơi không ngớt, tôi cố gắng nói với giọng nghẹn ngào: “Con mới thấy anh hai lục cơm nguội mà”. Ba tôi khóc, khóc, thầm thì: “Nó chết rồi”. Tôi chạy về nhà, anh hai đã nằm trên chiếc giường mà tôi và anh hai thường ngủ. Khuôn mặt anh chẳng có gì thay đổi, người anh vẫn còn ấm, mọi thứ trở nên ảm đạm, lạnh lẽo. Tôi oán trách mình sao không ở nhà, nếu như tôi ở nhà thì anh hai đâu có chết. Tại tôi mà anh hai chết, nếu tôi ở nhà thì anh hai không thể làm thế, tất cả là tại tôi.
"Anh hai đang nằm đó, chắc đợi mẹ về. Mẹ sẽ sớm về thôi, vì anh còn phải gặp mẹ mà. Còn anh ba, anh tư, anh năm và thằng út anh chưa gặp, anh chờ chút nữa là sẽ được gặp mọi người mà”. Tôi khóc nức nở, cố gắng thì thầm bên anh hai. Ngày hôm ấy, tin đồn anh hai tôi mất lan nhanh ra tới đầu hẻm. Khi mẹ vừa về đến hẻm, bà con đã bàn tán và báo tin cho mẹ biết. Mẹ tôi chết lặng người, ngã gục xuống, không còn sức bước tiếp. Bà con phải dìu mẹ về đến nhà.

Mẹ tôi gào thét gọi tên anh hai. Tiếng kêu oán của mẹ lặp đi lặp lại như từng mảnh chai vỡ đâm sâu vào tim tôi, tôi chỉ biết khóc nức nở. Xung quanh tôi trở nên tăm tối, những hy vọng cả nhà sẽ vui vẻ quây quần bên nhau đã tan biến không bao giờ trở lại, chỉ còn lại nỗi đau và nỗi bất hạnh.
Hơn một tháng, sau khi anh hai tôi mất, mẹ tôi đã mất ngủ, đêm về cứ hát một mình, có lúc lại gào thét gọi tên anh hai đến khi sức mẹ tôi cạn kiệt. Rồi mẹ phải nhập viện giống như anh hai vào đêm 30 Tết âm lịch, mái tóc đen dài của mẹ đã bị cắt ngắn; dáng đi lom khom, khuôn mặt xơ xác không còn tỉnh táo của mẹ làm tôi nhớ anh hai nhiều lắm.
Nỗi sợ hãi của tôi càng lúc càng tăng, tôi sợ mẹ lại bỏ anh em tôi giống như anh hai, càng nghĩ tôi càng sợ. Tôi cầu mong mẹ nhanh chóng hết bệnh để mau chóng về nhà. Tôi sẽ không đi đâu hết, tôi sẽ ở nhà để chăm sóc mẹ, sẽ không để chuyện đó xảy ra nữa.
Mẹ tôi đã ở viện gần một tháng, vài ngày nữa là mẹ được về nhà. Tôi vui mừng, cả nhà tôi đều vui mừng, ba tôi chạy xe đến chùa, nơi hài cốt anh hai được gửi gắm. Chắc có lẽ ba muốn báo tin cho anh hai là mẹ sắp được trở về cùng với anh em chúng tôi. Chiều hôm đó, tôi chờ mà không thấy ba về. Trời càng khuya, tôi càng suốt ruột, tôi bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên.

Tôi có linh cảm chẳng lành xảy ra với ba, ba nói sẽ về nhà để chở tôi lên mẹ mà. Những điều lo lắng đã xảy ra, ba tôi đã gặp tai nạn. Ba tôi được người ta đưa đến bệnh viện chiều hôm đó. Ba nằm bất tỉnh suốt hai ngày do vết thương ở đầu, khuôn mặt của ba càng xơ xác, xanh xao. Tôi chỉ biết khóc, sao gia đình tôi lại bất hạnh như thế.
Trong thời gian ba nằm viện, mẹ tôi nhiều lần nhắc đến ba, mắt tôi ứa lệ, hít một hơi thật sâu, cố nuốt những giọt nước mắt sắp trào ra. Tôi cố mỉm cười, lấy tay gãi đầu để giấu đi đôi mắt ửng đỏ mà đáp lại mẹ: “Mấy ngày nay, ba làm đêm nên không thể vào với mẹ được”.
Những năm sau đó, gần đến Tết là bệnh của mẹ lại tái phát, gia đình tôi không bao giờ được niềm vui trọn vẹn. Tôi không dám nhắc đến hình ảnh của anh hai trước ba mẹ mặc dù tôi rất nhớ anh hai. Tôi cố giữ hình ảnh anh trong tâm trí để rồi nhiều đêm nằm khóc một mình vì nhớ thương anh.
Tôi dằn dặt khi nhớ về những lần tôi gian lận với anh hai. Tôi hối hận vì làm ba mẹ mắng anh hai khi tỵ nạnh anh giăng mùng. Tôi oán hận mình vì đã không ở nhà khi anh chưa khỏi bệnh. Từ ngày ấy tôi phải ngủ một mình, tôi không còn được chui đầu vào chăn của anh mỗi khi đêm tối trời mưa.
Hoàn cảnh nghèo khó đã khiến anh hai tôi phải bỏ học đi làm, công việc nặng nhọc đã làm anh hai gục ngã. Nỗi lo lắng sợ hãi là gánh nặng của gia đình đã khiến anh hai phải quyết định ra đi mãi mãi khi ở tuổi 24. Tôi may mắn được học nên tôi phải cố gắng, tôi tự nhủ mình phải thay anh hai giúp đỡ ba mẹ, tôi đã miệt mài học. Đến khi tốt nghiệp lớp 12, tôi xin làm việc tại một khách sạn. Trong năm đó, tôi thi đỗ đại học. Sáng tôi đến trường, tối đến tôi làm phụ bếp ở nhà hàng. Sau 4 năm học đại học, tôi tốt nghiệp và được nhận vào một ngân hàng.
Ngày hôm nay, thời gian đã đáp lại mơ ước của tôi. Cha mẹ tôi đã mỉm cười trở lại, gia đình tôi đã có thể sum họp quây quần bên nhau mỗi khi xuân về. Nhìn thấy các thành viên trong gia đình mình hạnh phúc, tôi không còn dằn vặt với bản thân về cái chết của anh hai. Giờ đây, trong tôi chỉ còn những ký ức đẹp của anh hiện về mỗi khi cả nhà đoàn tụ.
Nguyễn Trúc Hiền
 

Tôi biết tự bươn chải từ khi mất mẹ

Bác sĩ thông báo mẹ tôi mắc chứng ung thư vào giai đoạn cuối, sẽ không còn chữa trị được nữa. Trời đất như đổ sập bên tôi. Tôi tự tát vào mặt mình xem đó là sự thật hay một giấc mơ.

“Con đi học phải để ba mẹ đưa rước. Con không được ra khỏi nhà chỉ trừ những lúc được ba mẹ đưa đi học. Con không được chơi với bạn này, bạn kia của con không phải là người tốt, chơi với nó không lợi ích gì cả…”, đó là những mệnh lệnh mà ba mẹ đã dành cho tôi, buộc tôi phải thuộc nằm lòng và thi hành chúng đúng như cái bảng cửu chương mà tất cả học sinh đều phải học khi chập chững vào tiểu học.

Kết quả của sự nghiêm khắc mà đôi lúc tôi phát điên lên được vì thấy thật sự rất bất công đối với mình đã dẫn dắt tôi bước vào cánh cửa một trường đại học khá danh tiếng, với một ngành học mà không ít người mơ ước - cử nhân Anh văn. Vào đại học, tôi quen được rất nhiều bạn bè từ khắp nơi với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không ít những bạn bè tôi đến từ vùng quê nghèo khó, nơi mà kiếm được cái ăn đã không phải dễ, nói chi có được một khoản tiền dư dả lo cho việc ăn ở học hành tận thành phố xa xôi, hào hoa.

Nhiều người trong số bạn tôi đi làm thêm phụ giúp gia đình đóng học phí và lo tiền ăn, tiền nhà trọ, đứa làm gia sư, có đứa tận dụng vốn tiếng Anh đang học để làm phục vụ trong các nhà hàng có nhiều du khách nước ngoài. Thật sự tôi rất ngưỡng mộ họ, tôi thấy họ thật hạnh phúc và tài ba khi có được cuộc sống tự lập và có thể kiếm ra tiền phụ giúp gia đình. Nhìn lại, tôi thấy mình thật bất tài và tội nghiệp.

Trong khi những người bạn tôi phải vật lộn với cuộc sống sinh viên khốn khó hằng ngày thì tôi vẫn vậy, vẫn là một cô tiểu thư hồn nhiên của ba mẹ tôi, tôi không phải lo bất cứ việc gì cho cuộc sống. Nhiệm vụ của tôi vẫn chỉ ăn, học và phải tuân theo những quy định hà khắc từ trước đến giờ. Hơn 20 tuổi đầu, tôi chưa được một lần đi chơi cùng bạn bè, chưa được đi đâu riêng một mình nếu như không có ba mẹ đi theo.

Nhiều đứa bạn trêu tôi là đồ tiểu thư, tôi rất xấu hổ khi nghe những lời nói như vậy và tôi quyết định chui vào vỏ ốc riêng của mình. Tôi ngại tiếp xúc với bạn bè vì tự cảm thấy tự ti về bản thân. Tôi tự cảm thấy rất bất công, tôi thèm bay nhảy, thèm vui đùa cùng các bạn, tôi thấy bản thân mình như đang sống trong một cái nhà tù thật êm ái nhưng đã là nhà tù thì đâu thể tự do và thoải mái được.
Tôi luôn muốn đấu tranh với chính ba mẹ mình nhưng tôi không hề có nghị lực để làm việc đó. Mỗi lần tôi muốn khẳng định chính kiến của mình thì ba lại giận dữ, còn mẹ tôi lại nước mắt ngắn dài nói là tôi không thương ba mẹ. Những lúc như thế tôi lại có cảm giác như mình là một tội nhân đã gây ra nỗi đau khổ cho những người mình thương yêu. Thế là tôi khóc, khóc rất nhiều và đến khi hết đi những giọt nước mắt tức tối vì bất công tôi lại ngủ thiếp đi và ngày hôm sau lại cố gắng nén nỗi đau vào lòng và tiếp tục làm một đứa con ngoan của ba mẹ.

Ngày tháng lại cứ thế trôi đi như một vòng tuần hoàn buồn chán mà có nhiều lúc tôi tự hỏi không biết đến bao giờ cuộc sống tôi mới thay đổi. Tôi như con chim đang trong lồng son muốn bay vút lên bầu trời bao la để được tự do bay nhảy, tự do hòa nhập vào cuộc sống bình thường như tất cả mọi người. Có nhiều lúc tôi căm giận tạo hóa sao lại cho tôi sinh ra vào chính ngôi nhà của tôi mà không phải là vào bất cứ một ngôi nhà khác để tôi được tự do. Cũng có lúc tôi lại hy vọng khi mình lớn thêm tý nữa thì ba mẹ sẽ dễ dãi với mình hơn và mình sẽ được tự do hơn. Nhưng không như tôi tưởng, cuộc sống của tôi vẫn mãi là một vòng tròn chán ngắt.

10 giờ sáng một ngày đẹp trời cuối năm, khi mà tất cả mọi người chuẩn bị mua sắm, dọn dẹp đón Tết thì cả gia đình tôi nháo nhào trong bệnh viện, mẹ tôi nhập viện trong tình trạng rất đau đớn. Bác sĩ thông báo mẹ tôi đã mắc chứng bệnh ung thư vào giai đoạn cuối, sẽ không còn chữa trị được nữa. Trời đất như đổ sập bên tôi. Tôi tự tát vào mặt mình xem đó là sự thật hay một giấc mơ. Tôi tát mình đến đau rát nhưng vẫn chưa tỉnh lại, tôi biết đó là sự thật, một sự thật đau đớn và tàn nhẫn.

Đêm giao thừa, tôi cố gắng nuốt nước mắt vào lòng, từng giọt nước mắt mặn đắng chảy ngược vào trái tim bé nhỏ của tôi, một trái tim hồn nhiên vô tư chỉ biết cầu nguyện điều thần kỳ xảy đến với người mẹ thân yêu của mình. Nụ cười mẹ tôi sáng ngời trên gương mặt xanh xao, lả đi vì đau đớn. Trên chiếc giường quen thuộc nơi diễn ra tất cả những sinh hoạt hằng ngày của mình, mẹ vẫn nằm đấy, cầm bao lì xì phát cho từng người trong gia đình, mẹ cầu chúc những điều tốt đẹp cho ba và những đứa con.

Mẹ nói trong hơi thở yếu ớt rằng mẹ sẽ không sao đâu, rồi mẹ sẽ khỏe lại để chăm sóc cho mọi người trong gia đình và nuôi dạy những đứa con thành người. Trái tim tôi như ngạt thở, tâm trí tôi cố gắng khắc ghi những lời của mẹ và nuốt nước mắt vào tim tỏ ra vui vẻ cho mẹ an lòng. Cả gia đình tôi đều biết thời gian còn lại bên mẹ không nhiều, có thể là một tuần, có thể là vài ngày, và cũng có thể là ngày mai mẹ sẽ ra đi về nơi rất xa. Mẹ có thể bỏ chúng tôi đi bất cứ lúc nào, bệnh viện đã không thể chữa trị cho mẹ được nữa rồi.

Mùa xuân tràn ngập khắp nơi, tràn ngập trong lòng mọi người, nhưng sao trong lòng tôi mùa xuân thật khủng khiếp và đau đớn. Một buổi sáng mùa xuân, trời nắng ấm và cao thăm thẳm, muôn hoa khoe sắc ngoài sân, tôi thay quần áo mới cho mẹ, giúp mẹ ăn sáng như mọi ngày. Mẹ tôi kêu lạnh, đòi mọi người ôm mẹ vào lòng và rồi mẹ tôi đã ra đi. Một sự ra đi thật bình yên kết thúc mọi đau đớn, vật vã mà căn bệnh ung thư ác nghiệt ở giai đoạn cuối đã mang lại.

Mẹ tôi đi mà không hề biết trong người mình đang mang một căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ chỉ biết là mình bị bệnh và trong mình mẹ rất đau đớn mà thôi. Mẹ tôi mãi hy vọng vào một ngày mẹ sẽ khỏi bệnh và ở bên cạnh gia đình thân yêu. Cả gia đình tôi không muốn mẹ mất tinh thần nên đã mang căn bệnh của mẹ chôn sâu trong lòng.

Từ một cô tiểu thư của mẹ, giờ đây tôi phải tự trang trải lo cho cuộc sống của mình như những gì tôi từng đòi hỏi và mong muốn. Cuộc sống một đứa con mồ côi mẹ thật khó khăn biết chừng nào. Từng được mẹ thương yêu chiều chuộng, chăm sóc cho từng tí một, giờ đây không có mẹ, tôi như một đứa trẻ sơ sinh. Tôi vùng vẫy trong đau khổ, trong sự bất hạnh. Tôi tức tối với tạo hóa và thật mâu thuẫn tôi thèm khát cuộc sống mà tôi từng cho là địa ngục, cho là nhà tù và từng đấu tranh để thoát khỏi nó.

Tôi cứ khóc, cứ đau khổ cho đến một ngày tôi nhận ra xung quanh còn có biết bao người bất hạnh hơn mình rất nhiều nhưng họ vẫn tin vào cuộc sống tốt đẹp. Tôi như tìm được chân lý cho cuộc sống, tôi gạt nước mắt và bắt tay vào mọi việc. Tôi tiếp tục theo đuổi cánh cửa đại học của mình. Tôi đi làm thêm phụ giúp gia đình nuôi đứa em nhỏ.
Cuộc sống thật khó khăn, cũng có lúc tôi gần như gục ngã nhưng tôi hiểu rằng mình chỉ thật sự thất bại khi mình chấp nhận rời bỏ cuộc chơi. Tôi lại bước tiếp trên con đường mà đối với tôi không hề dễ dàng chút nào. Tôi tin rằng mẹ luôn ở bên để dõi theo bước đường tôi đi và mẹ luôn ủng hộ những gì tôi làm, luôn mỉm cười khi bây giờ tôi đã sống tốt và có thể lo cho bản thân của mình, lo cho cả đứa em nhỏ dại của tôi nữa.

Tôi biết trong cuộc sống này có không ít những bạn trẻ được ba mẹ yêu thương chiều chuộng quá mức. Có đôi lúc bạn thấy ngột ngạt và thèm một cuộc sống tự do, bạn luôn muốn đấu tranh vì tự do trong chính ngôi nhà thân quen của mình, bạn cảm thấy mình thật bất hạnh. Nhưng bạn ạ, đó chính là hạnh phúc, không phải ai cũng được như bạn, ở đâu đó trong cuộc sống này rất nhiều người mơ ước có được cuộc sống như bạn đấy.

Bạn hãy cho mình là hạnh phúc và chấp nhận nó với một thái độ vui vẻ vì chúng ta không thể nào đoán trước những bất ngờ mà cuộc sống này mang lại cho chúng ta. Và khi bạn cảm thấy mình thật sự bất hạnh, bạn hãy nghĩ đến những người bất hạnh hơn mình và rồi bạn sẽ thấy nỗi đau của mình chỉ là hạt muối giữ biển khơi. Chúc bạn hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu của mình.
Minh Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?